Tâm Sự Sâu Tự Chuyện: Chương 11. Nguồn Gốc Sáng Tạo

TÂM SỰ SÂU TỰ CHUYỆN: CHƯƠNG 11. NGUỒN GỐC SÁNG TẠO

H: Bạn xem tin tức này chưa, bạn nghĩ bên nào sẽ thắng trong cuộc kiện cáo bản quyền này?

K: Bên nào thắng cũng đâu có quan trọng. Quan trọng bạn có hiểu vì sao người ta lại tạo ra khái niệm bản quyền không?

H: Ờ thì để bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình, tớ thấy hợp lý mà.

K: Uhm. Đó là một điều hiển nhiên mà thôi, dựa trên sự phát triển của bộ não tư duy của con người – một bộ não luôn thấy rằng mọi thứ tách biệt và không liên quan với nhau. Như thế, bản quyền là một khái niệm được tạo ra từ tư duy con người, từ Nhận thức Cơ thể con người. Nó là sản phẩm của chế độ sinh tồn của con người (bảo vệ nguồn thu tài chính, bảo vệ thức ăn, bảo vệ tài sản), và là đứa con của sự sợ hãi.

Như tớ đã nói đó, một khi bạn suy nghĩ và hành động dựa trên sự sợ hãi, dựa trên chế độ sinh tồn của Nhận thức Cơ thể mình thì bạn đã gia cố sự tồn tại tách biệt của cơ thể mình, để rồi bạn tự tách dần mình ra khỏi vạn vật, ra khỏi Đấng sáng tạo, ra khỏi tình yêu bao la gắn kết vạn vật.

Theo đó, bạn có thể đoán ra được vì sao mà những tác phẩm văn học hay âm nhạc, hay những bức tranh thực sự làm lay động lòng người càng lúc càng hiếm hay không? Đó là vì vật chất và tiền bạc, và có sự tác động thêm bởi tin tức và mạng xã hội.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Cho tới ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn hoài vương và yêu quý những tác phẩm thời chiến, những bài ca dưới ánh trăng hay những tấm tranh kinh điển để đời. Và so với cái lúc mà những tác phẩm nổi tiếng ấy ra đời thì bây giờ chúng ta đã thông minh hơn và có Nhận thức cao hơn. Với tư duy tiến bộ của mình, chúng ta mổ xẻ và phân tích mọi tác phẩm, mọi tấm tranh mà đã từng làm xao xuyến và thay đổi con tim của hàng triệu người nhìn, người xem.

Chúng ta đã học cách phân tích những tác phẩm sáng tạo như mổ xẻ những con ễnh con ương để chúng ta có thể lập ra thành những công thức, những quy luật và những cách bước để chúng ta và những thế hệ sau mai sau nữa có thể sáng tạo ra những tác phẩm kinh điển tiếp theo. Rồi từ những kết quả tư duy nghiên cứu ấy, chúng ta lập ra những ngành khoa học khác nhau: Văn hóa học, tâm lý học, âm nhạc học, hội họa học,… và chúng ta viết nên hàng ngàn quyển sách, hàng triệu văn chương về: Làm sao để sáng tạo, thế nào là một bài văn hay, điều gì đã làm ra một bài ca bất hủ, hoàn cảnh nào đã tạo nên những họa sĩ kinh điển, điều gì làm nên một công trình kiến trúc nổi tiếng,…

Chúng ta không phủ nhận kết quả của những quá trình nghiên cứu tâm đắc ấy, và cũng dựa trên những kết quả ấy mà chúng ta có được nền tảng cho mình để tự mình có thể bắt đầu học cách sáng tạo, bắt đầu đặt bút vào những trang giấy. Như thế, chúng ta học cách sáng tạo chỉ với tư duy của mình, bằng cách biết càng nhiều càng tốt, học càng sâu càng lợi, mà chúng ta bỏ quên đi điều quan trọng nhất đó là con tim sáng tạo. Dù rằng chúng ta cũng biết rằng cần phải có một con tim biết rung động thì mới sáng tạo được, nhưng chúng ta không thật sự hiểu như thế nào mới có thể tạo nên một con tim sáng tạo. Bởi vì con tim sáng tạo chính là Chúa trời tồn tại ngoài không gian và thời gian nhưng chúng ta lại dùng tư duy tuyến tính của mình, cái mà tồn tại trong thời gian và không gian vẫn đang cố gắng học hiểu về Chúa trời là gì, sự sáng tạo là sao. Và cứ như vậy, chúng ta học rất nhiều và biết rất nhiều, chúng ta biết rằng như thế nào là một bài văn hay, biết rằng có bao nhiêu yếu tố để làm nên một bức tranh hoàn mỹ, hiểu được có bao nhiêu nhịp điệu thì tạo nên một bài ca bất hủ,… nhưng chúng ta không thể nào tự mình tạo nên được những bài ca xao xuyến tâm hồn, những bức tranh rù quyến con tim hay những bài văn nghẹn ngào xúc cảm cho riêng mình, mà chúng ta chỉ có thể trở thành những nhà cảm nhận sâu sắc, những người phê bình đáng giá, những giảng viên nghệ thuật hay những nhà phân tích chuyên môn.

Để trở thành một người sáng tạo thực thụ, bạn cần phải trở thành một Linh hồn hoàn toàn tự do, tự do khỏi mọi sự sợ hãi của Nhận thức Cơ thể của mình, để bạn có thể kết nối trực tiếp với Nhận thức Linh hồn mình, với Đấng sáng tạo và với tình yêu vĩnh cửu tồn tại ngoài không gian và thời gian. Biết nhiều hay ít, điều đó không quan trọng, nhưng khi biết càng nhiều thì bạn có thể lại càng làm ít đi sự sáng tạo thật sự của mình bởi vì những bức tường mà Nhận thức Cơ thể của bạn đã dựng nên, làm cản trở sự kết nối của bạn với Nhận thức Linh hồn của mình.

Một bông hoa đẹp là bông hoa đứng đâu cũng đẹp, nó không hề quan tâm ai sẽ ngó, ai sẽ nhìn. Một bông hoa đẹp không quan tâm việc người đời có làm ra những bông hoa giả giống nó hay không, và nó cũng không quan tâm người đời sẽ ngắm nhìn nó hay dẫm đạp lên nó. Một bông hoa đẹp không đẹp bởi đất nó đứng ở trên, cũng không đẹp bởi nước tưới là đục hay trong, nó đẹp bởi vì bản chất nó đẹp vậy thôi.

Những Linh hồn tự do cũng vậy, họ không quan tâm mình có đủ ăn hay không, họ không quan tâm mình có đủ mặc hay không, họ không quan tâm có ai sao chép mình hay không, họ không quan tâm tên mình là gì và ai gọi ra sao, họ không quan tâm cái mình làm ra có ai xem hay ai đọc hay không, họ không quan tâm thế nào là sai hay thế nào là đúng, và họ cũng không hề biết hai chữ bản quyền. Chính vì lẽ đó, họ không có gì để lo, không có gì để nghĩ mà chỉ có một cái đầu hoàn toàn trống rỗng, một sự vắng mặt hoàn toàn của Nhận thức Cơ thể và họ hoàn toàn tự do khỏi mọi sự sợ hãi. Đó là yếu tố cốt lõi để tạo nên một con người sáng tạo thực sự, một con người có thể kết nối và chạm vào nguồn cội của sự sáng tạo.

Vì lẽ đó, nếu như bạn có thể gặp mặt và hỏi xin bí quyết của những con người xuất chúng ấy thì câu trả lời cho bạn sẽ luôn là: “Tôi không biết nữa, tôi không nhớ vì sao mình có thể làm ra được tác phẩm như vậy, mọi thứ cứ hiện lên trong đầu tôi và thế là tôi chỉ cầm bút lên mà vẽ, chỉ cất tiếng thanh mà ca…”. Rồi dù cho bạn có cho họ tỷ tiền và vật chất đi chăng nữa thì họ cũng không thể dạy cho bạn được nửa chữ, bởi vì chính họ cũng không biết vì sao mà mình đã có thể làm nên được tác phẩm như vậy. Và khi nhận được câu trả lời như vậy, người đời xem rằng họ cố gắng giữ những bí mật cho riêng mình và thế rồi chúng ta bắt đầu ngồi mần mò phân tích, mổ xẻ những tác phẩm của họ từ đời này sang đời khác.

Khi chúng ta biết quá nhiều, chúng ta sẽ nghĩ rằng để sáng tạo thì cần phải có nhiêu đây bước nhiêu đây cách, để viết văn hay thì cần phải biết nhiêu đây chữ, để vẽ tranh đẹp thì cần phải có nhiêu đây màu, để làm ra công trình đẹp thì cần phải học nhiêu đây bằng cấp,… Và đó là cách hình thành nên tư duy sáng tạo của chúng ta, chứ không phải là con tim sáng tạo - là sự kết nối thật sự với nguồn cội sáng tạo, với Chúa trời.

Tư duy sáng tạo khác hoàn toàn so với con tim sáng tạo bởi vì tư duy sáng tạo cần rất nhiều điều kiện và cái cần đó thì không bao giờ là đủ, bởi vì đó chính là Nhận thức Cơ thể mang vỏ bọc là sự sáng tạo. Nó cần một ngôi nhà bên suối để đặt bút vẽ tranh, nó cần một ngôi nhà bên bờ biển để yên tĩnh nghỉ ngơi, nó cần một căn penthouse để tầm nhìn rộng mở chân trời, nó cần thương hiệu ECO để tâm trong thể sạch, nó cần xế hộp để người đời bớt kêu la, nó cần laptop xịn và chuộng cà phê ngon, nó cần thời gian sáng trưa chiều hay tối, nó cần lương hưu để ngụ an viết sách, nó cần tiếp kiến cô này thầy kia,…

Không giống với đứa bạn tư duy sáng tạo của mình, con tim sáng tạo thì lại hoàn toàn khác và vô cùng dễ tính: Nước tương chén cháo cũng đủ; chiếu thấp, giường cao đâu có khác; miễn tới nơi thì thôi, quan trọng đâu xe nào; vội để mà làm chi, thời gian đâu có sống; làm gì có đồ dư, vào miệng ngay là mới; bệnh sao mà sống nổi, hắn luôn vui luôn cười; có đâu cái đúng cái sai, nếu yêu nếu thương tất cả; một màu cũng thành tranh, hai màu cũng nên hình; nhiều chữ chắc đã hay, “lông” có phải đâu “tóc”; trăm từ cũng là văn, ngàn chữ cũng là văn; mọi thứ đều có thể, sáng tạo vạn hình hài;…

Sự sáng tạo là nguồn lực tạo nên vạn vật và giữ vạn vật lại với nhau, và sự sáng tạo không tồn tại trong không gian và thời gian mà ngược lại, thời gian và không gian chính là sản phẩm của sự sáng tạo. Vậy nên, bạn có thể chạm vào Nguồn cội sáng tạo ấy ở bất kì nơi đâu và bất kì lúc nào, chỉ cần bạn có thể làm yên lặng mọi suy nghĩ của mình, gạt bỏ mọi sự sợ hãi (niềm tin) của Nhận thức Cơ thể của mình và hoàn toàn chấp nhận rằng vạn vật an bài hữu duyên nhất Chúa trời.

Nguồn cội sáng tạo là Đấng quyền năng vô tận, bạn không thể chạm vào đó mà không biết mình đang kiếm tìm gì ở bên trong đó; rằng bạn vẽ tranh hay bạn viết tiểu thuyết, bạn soạn nhạc hay đờn ca múa hát, bạn vẽ nhà hay vẽ siêu nhân quái thú, bạn trồng cây hay chơi đá lượm sỏi, bạn xin lời khuyên hay chỉ dẫn lựa chọn,… Như vậy, mỗi chúng ta đều có số mệnh sẵn trong một kiếp sống của mình, đó là những cái mà làm bạn đam mê và yêu thích như một cách bản năng, đó là những cái mà Linh hồn bạn muốn học tập và trải nghiệm trong một kiếp người cụ thể. Nhưng không có nghĩa là số mệnh ấy sẽ làm bạn mãi sống trong khổ sở và éo le, bởi số mệnh là có tồn tại nhưng bạn hoàn toàn có thể chỉnh sửa nó. Nhưng muốn chỉnh sửa được số mệnh của mình thì bạn phải trở thành Nhận thức Linh hồn mình, thấy được tất cả mọi sự lựa chọn trong vũ trụ và không còn để Nhận thức Cơ thể của mình kiểm soát mọi thứ bằng sự sợ hãi của nó nữa.

Một sáng đẹp trời thức dậy, bạn cảm thấy thật khoan khoái và dễ chịu. Rửa mặt rồi ăn sáng, bạn chuẩn bị sẵn sàng dắt xe ra cửa và thẳng tiến đến công ty. Nhưng khi cửa bật mở, máu huyết của bạn như dồn hết lên não khi thấy con chó nhà bên cạnh đang đứng trên sân nhà mình mà loay hoay tìm thế ị. Bạn hồng hộc chạy ra sau nhà để chộp lấy cây chổi và xông pha chạy ngược ra trước la hét: “Đồ quỷ sứ, mày chậm một bước nữa là mày chết với bà nghe con kia”. Thế rồi bạn hì hà ngồi dọn trong sự tối tức: “Ăn gì lắm thế để rồi ị gì mà dài thấy ớn, tối về tao méc mẹ mày nghe con”.

Sự bực bội và giận dữ như thế giúp Nhận thức Cơ thể của bạn tồn tại, để nó không phải chịu đựng việc phải lụi hụi làm những công việc dơ bẩn và “vô ích”, để nó tiết kiệm thời gian cho những tin tức, cho những thước phim mà có thể giúp nó khôn hơn, lanh hơn và phòng tránh được những nguy hiểm trong tương lai mà “có thể đe dọa” đến sự tồn tại của cơ thể bạn. Nhưng bạn đâu có biết rằng, sự tức giận của bạn đã làm bạn hoàn toàn mù quáng trước câu trả lời của vũ trụ dành cho bạn, đó là câu trả lời cho câu hỏi mà bạn đã lăn tăn trong suốt hai ngày trước ấy.

Có một sự tình là, bạn mong muốn thay đổi môi trường làm việc hiện tại và bạn cũng đã đi rải hồ sơ ở nhiều công ty mà bạn cảm thấy có vẻ thích thú. Kết quả là đã có 2 công ty xin mời bạn đến để tham gia phỏng vấn và khảo sát môi trường làm việc. Như vậy, bạn đã cân nhắc, bạn đã brainstorm, bạn đã hỏi han và xin lời khuyên từ bạn gần bè xa,… thế rồi bạn mần mò và lăn tăn suốt 2 ngày trời và không biết lựa chọn cái nào, vì xét theo cảm giác thì bạn thích cái 2, nhưng xét theo tư duy đắn đo thì số 1 lại hơn: Lương cao hơn, công ty đẹp hơn, bàn làm việc cạnh cửa sổ tầng 7 rộng mở,…

Khi bạn đắn đo và suy nghĩ, bạn đã gửi thông điệp đó vào vũ trụ mà bạn còn không hề hay biết, và như thế vũ trụ đã trả lời lại cho bạn với câu trả lời chính xác cho cái bạn cần, nhưng vấn đề là bạn đã không biết lắng nghe. Rằng con chó Nina hàng xóm ấy, nó đã đứng đó ị, đứng với cái thế rất chi là hài hước và cục ị của hắn rơi ra với hình dáng đúng chữ số 2 to tướng và nguyên vẹn nhưng mà bạn lại không có thấy dù cho nó ình ình ở trước mắt bạn, bởi vì bạn đã bận bịu chìm đắm trong sự sợ hãi của Nhận thức Cơ thể của mình. Như thế, kết quả là bạn đã chọn cho mình công ty số 1 với tư duy so sánh của mình, rồi bạn cũng đã giới thiệu công ty số 2 cho một đứa bạn thân.

Ba tháng sau, bạn nhận ra công ty số 1 mà mình đã chọn thì không hề giống như những gì mà mình nghĩ ban đầu, nào là làm việc tăng ca liên miên, nào là có đâu sáng tạo mà chỉ toàn những việc lặp đi lặp lại. Trong lúc cục ấm ức với ông sếp còn chưa tan, bạn dạo mạng xã hội và thấy đứa bạn mình, đang làm ở công ty số 2 đó, nào là hắn được sếp dẫn đi ăn thường xuyên, nào là được đi thực trạng khảo sát, nào là đồng nghiệp hòa đồng và dễ thương,… rồi cứ như vậy mà bạn ngồi với người bạn mang tên Ân Hận và Giá Như của mình.

Bạn thấy đấy, Đấng sáng tạo vô cùng sáng tạo và cũng cực kì hài hước, ngài luôn biết cách để lấy sự chú ý của bạn. Vấn đề chính đó là ở bạn, ở cách bạn để Nhận thức Cơ thể kiểm soát cuộc sống và số mệnh của mình với con mắt và bộ não vô cùng nhỏ của hắn.

Với những khoảng thời gian rảnh rỗi của mình, bạn vẫn thường để mình chìm đắm vào những câu chuyện cổ tích lãng mạn, những thước phim đầy hồi hộp và kịch tính mà bạn không biết rằng cuộc sống của bạn, cuộc hành trình của bạn cũng chính là một câu chuyện cổ tích, là một bộ phim điện ảnh…

Chẳng phải tớ đã nói sẽ giúp bạn biến cuộc sống của bạn thành một câu chuyện cổ tích rồi sao. Haha. Điều đó thì đơn giản lắm, chỉ cần bạn học cách yêu thương, chấp nhận và tha thứ cho tất cả mọi người và mọi vật; để rồi hiểu rằng dưới con mắt của Đấng sáng tạo, chẳng có đúng và cũng chẳng có sai, rằng tất cả những gì mọi người đã làm và đang làm cũng chỉ là vì sự tồn tại của cơ thể họ mà thôi, dù cho họ có ý thức được điều đó hay là không. Rồi khi Nhận thức Cơ thể của bạn trở nên yên lặng, bạn sẽ bắt đầu thực sự chạm vào Nguồn cội sáng tạo quyền năng và vĩnh cửu, và đó cũng chính là tình yêu vĩnh cửu mà loài người vẫn đang tìm kiếm, là con đường để trở về Nhà.

Nguồn cội sáng tạo ấy, nó chỉ giống như một “cái lõi” mà bạn chỉ có thể cảm thấy ở ngay bên trong mình, nó là một cái gì đó nhưng cũng chẳng là gì hết cả. Nó không hình hài, không thời gian, không kích thước nhưng bạn có thể lấy ra từ đó tất cả mọi thứ, tất cả kiến thức mà bạn cần để bạn có thể làm quá trình học tập và trải nghiệm cuộc sống trần gian trở nên dễ dàng hơn. Và bất kì lúc nào bạn cảm thấy sự bất ổn và lo lắng trong cơ thể mình, bạn chỉ cần tập trung lại vào hiện tại, chạm vào nơi sâu thẳm ấy là bạn có thể trở lại trạng thái an bình và tự tại.

Tất cả những gì bạn cần làm là đặt câu hỏi và câu trả lời sẽ được gửi lại dưới dạng những hình ảnh hay ý niệm ngay bên trong đầu bạn, hay là qua những hình ảnh, chữ số, câu viết ở bên ngoài bạn; điều duy nhất bạn cần làm đó là tập trung sống trong hiện tại và quan sát từng khung hình sự sống chảy qua trước mắt mình.

Vì như vậy, những văn nhân, ca sĩ, họa sĩ… tiếng tăm đều đã từng là những Linh hồn hoàn toàn tự do, là những con người từng sống ở “đáy” xã hội với không một sự lo âu và sợ hãi. Họ từng là những người lính không sợ không lo, họ từng là những người dân quân hiểu thấu những ánh mắt đau, những giọt lệ buồn. Họ từng là những ca sĩ quán trà với cát-sê bao nhiêu cũng được, họ từng là những họa sĩ không tên không tuổi, và họ cũng từng là những kiến trúc sư không đủ ăn, không đủ mặc…

Rồi khi “hòa bình” và nền kinh tế thị trường phát triển, tên tuổi của họ được hàng triệu người biết đến và đã mang lại cho họ vô số sự công nhận cũng như tiền tài. Như thế, người nghệ sĩ bắt đầu ý thức được giá trị của bản thân mình và bắt đầu mở tay đón nhận những thứ mà mình xứng đáng được nhận lấy. Đây là điều hoàn toàn tự nhiên và chính đáng, nhưng đây cũng chính là lúc mà người nghệ sĩ bắt đầu giam Linh hồn tự do của mình lại với bản quyền, tên tuổi và tất cả những gì mình đã nhận được.

Bởi thế mà từ những người nghệ sĩ ngồi đâu hát đó, nằm đâu vẽ đó mà đã trở thành những người nghệ sĩ 3 tháng một bài hát mới, 4 tháng một bức tranh tân.

Dần dần như thế, những tác phẩm của họ càng về sau càng vắng bóng điều gì đó, một điều gì đó rất “nhỏ” nhưng lại làm bài hát hay bức tranh không còn được lắng đọng và xao xuyến lâu dài như những tác phẩm trước nữa; mặc dù lúc được tung ra, những tác phẩm mới này cũng rất được ưa chuộng và yêu thích.

Và với điều kiện và hoàn cảnh mới, họ đã có thể tự cho phép mình tiếp cận được với những kiến thức chuyên môn và chuyên ngành, họ bắt đầu biết nhiều hơn và bắt đầu “hiểu” vì sao những tác phẩm ban đầu của mình lại hay, lại đẹp như thế. Như vậy, từ cách sử dụng con tim sáng tạo của mình, người nghệ sĩ đã chuyển qua dùng tư duy sáng tạo của mình trong thiết kế và sáng tác; đây chính là lý do làm cho những tác phẩm về sau của họ dù hay, dù mới nhưng đâu đó ẩn sâu bên dưới vẫn mang âm hưởng và bóng dáng của những tác phẩm ban đầu.

Nói như vậy không có nghĩa là mọi nghệ sĩ nên sống một cuộc sống nghèo khổ và tách biệt, vì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một cuộc sống vừa đơn giản nhưng cũng vừa giàu có, vừa sống trong thời gian nhưng cũng vừa sống ngoài thời gian, vừa bảo vệ tên tuổi của mình nhưng cũng vừa không quan tâm đến nó... Và cách sống như vậy chính là điều mà bạn cần phải tự sáng tạo ra cho mình bởi vì tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra, vì bạn là một hình ảnh của Đấng sáng tạo, không hơn và cũng không kém.

Cuối cùng, chỉ có một điều duy nhất mà bạn cần giữ trong mình mà thôi: “Tôi là một Linh hồn tự do. Bản chất thực sự của tôi là sự sáng tạo bất tận và là tình yêu thương vô bờ. Còn tất cả những thứ còn lại, con yêu của Nhận thức Cơ thể của tôi”.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh