Gõ Cửa Thiên Đường: Duy Trì Sức Khỏe Tinh Thần Và Thể Chất-Một Số Bí Quyết Thực Tế Có Thể Áp Dụng Hằng Ngày

GÕ CỬA THIÊN ĐƯỜNG: DUY TRÌ SỨC KHỎE TINH THẦN VÀ THỂ CHẤT-MỘT SỐ BÍ QUYẾT THỰC TẾ CÓ THỂ ÁP DỤNG HẰNG NGÀY

“Những vấn đề của con người đều khởi nguồn từ sự chú tâm thái quá đến các giác quan, suy tư và trí tưởng tượng. Đáng ra, chỉ nên chú tâm vào nội tại để trải nghiệm một cơ thể bình lặng và một trí não tĩnh tại.”

- Ðức Phật

Chúng ta biết rằng cần phải chăm sóc thể xác, trí não và tinh thần như nhau. Những đau nhức về thể xác có thể là biểu hiện của những đau nhức về tinh thần và ngược lại, việc giải tỏa những tổn thương về thể xác sẽ tác động tốt đến sức khỏe tinh thần. Ðể có thể chăm sóc tinh thần cho mình thật tốt, bạn cần sống nhất quán với 3 điều "Biết" sau đây:

Biết ơn (những gì mình có)

Càng tập trung vào những gì mình có thay vì những gì mình không có, bạn càng tỏa ra nhiều năng lượng tích cực cho thế giới này và cũng thu hút được nhiều năng lượng tích cực từ đó. Ai trong chúng ta cũng có thể nói hàng giờ về những điều tệ hại trong đời mình. Thay vì vậy, hãy ngồi xuống và viết ra 10 điều đáng nói nhất mà bạn cảm kích trong đời mình.

Biết tha thứ (buông xả cơn giận)

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Tha thứ không dễ, nhưng nếu sự tức giận không những làm tâm trạng luôn tồi tệ mà còn làm cho cơ thể luôn bị stress thì bạn nên học cách hạn chế hoặc buông xả cơn giận. Níu giữ cơn giận trong lòng là cách nhanh nhất tự hủy hoại tinh thần của mình. Hãy buông xả để được tự do.

Biết chấp nhận bản thân (tin vào con đường của mình)

Khi chấp nhận con đường đã chọn, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận người khác. Nếu bạn luôn đối chọi với bản thân, thái độ đó sẽ đi theo bạn vào trong các mối quan hệ khác. Chừng nào còn chưa chấp nhận quá khứ và hiện tại, bạn sẽ không thể nào thay đổi tương lai.

----Hãy nhớ----

Mua đá năng lượng:

Sự tĩnh tại đến từ bên trong bạn, không từ hoàn cảnh bên ngoài chiến lược để làm tan biến cơn giận và giảm stress Ðừng tự vin vào mình

Mọi người đang chất chứa những cơn giận dữ, bực dọc trong lòng và bạn cần nhớ rằng khi họ bộc lộ ra với bạn, nguyên nhân không phải do bạn mà do chính cơn giận. Những chuyện không hay và chắc chắn chuyện không hay sẽ luôn xảy ra không phải để nhằm vào bạn. Người tài xế không phóng ào qua vũng nước để té nước vào bạn; chỉ vì bạn tình cờ đứng cạnh vũng nước nên mới bị bắn vào người thôi.

Ðừng trả đũa

Nếu ai đó trút giận vào bạn, hãy lùi một bước. Hãy tự nhủ rằng người đó làm vậy không phải vì bạn và đừng tiếp tục cãi nhau hay tìm cách trả đũa. Chúng ta đều muốn tự vệ hoặc bảo vệ chính kiến của mình, nhưng làm vậy chỉ khiến cuộc tranh luận thêm kéo dài. Rồi sẽ chẳng có ai thắng mà bạn còn rước luôn cơn giận của kẻ khác vào người.

Học nhẫn nhịn

Cố gắng không để chuyện bé xé ra to. Nếu để những chuyện vụn vặt làm mình bị ảnh hưởng, bạn sẽ càng bị stress hơn nữa.

Bạn không thể giải quyết mọi vấn đề

Bạn không phải là Atlas để nâng cả thế giới trên vai. Nếu ai khác có vấn đề, hãy nhắc nhở mình rằng đó là vấn đề của họ và bạn không có nhiệm vụ phải gánh giùm người khác.

Thưởng cho mình một bữa tắm trị liệu

Khi cảm thấy năng lượng tiêu cực trong người ngày càng nhiều, hãy gột sạch nó đi theo đúng nghĩa đen. Xả đầy nước vào bồn tắm rồi cho thêm muối biển, tinh dầu oải hương, tinh dầu chanh hay bất cứ thứ gì đem lại cho bạn cảm giác dễ chịu. Sau đó, hãy ngâm mình vào bồn và sau khi làm sạch cơ thể, hãy tự nhủ rằng bạn đang trút sạch những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực vẫn chất chứa trong người. Cũng giống như cách xả năng lượng tiêu cực còn sót lại trong không gian sống và nơi làm việc, bạn cũng có thể làm như thế với cơ thể khi tắm. Khi mặc đồ, hãy tưởng tượng bạn đang mặc vào người một chiếc áo choàng trắng tinh khôi có thể giúp bảo vệ bạn trước những suy nghĩ tăm tối và cảm xúc không tốt. Bạn có thể làm việc này vài lần một tuần hay khi nào cảm thấy cần thiết để giữ cho mình một tinh thần tích cực.

3 cách đơn giản để phủ định sự tiêu cực

  1. Hãy tỉnh táo hơn để nhận biết khi nào những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu len lỏi vào đầu và tự nhủ hãy “ngăn” chúng lại. Bạn có thể làm được việc này. Chúng ta đều có thể chọn mục tiêu để tập trung tinh thần và cảm xúc của mình.
  1. Giờ hãy nghĩ đến tất cả những lúc bạn cảm thấy bình an, yêu thương, tươi vui, nhân ái, khỏe mạnh. Hãy nhận thức những khoảnh khắc đó một cách sống động và lưu giữ trong tâm trí. Chúng ta đều biết cách níu giữ ưu phiền, thế thì từ nay hãy níu giữ những khoảnh khắc hân hoan ấy.
  1. Hãy chủ động: Tạo ra cái tốt thay vì ngồi đợi điều tốt xảy đến với mình.

----Hãy nhớ----

Khi không thích nơi chốn hiện tại, hãy mường tượng để đưa mình đến một nơi tuyệt hơn như một bãi biển đầy gió chẳng hạn.

8 Cách đơn giản để sống tốt hơn mỗi ngày

  • Thức dậy và trước khi ra khỏi giường, hãy nhủ rằng bạn sẽ có một ngày tuyệt vời.
  • Tự nhắc mình nhớ đến những người yêu thương và trân trọng mình, tỏ cho họ biết bạn trân quý họ thế nào.
  • Tự thưởng cho mình mỗi khi hoàn tất được một việc tốt để tự động viên mình.
  • Tặng quà cho người mình yêu thương.
  • Bày tỏ sự trìu mến với ai đó bằng cái ôm, hôn hoặc nắm
  • Làm một điều tốt mỗi ngày.
  • Chấp nhận rủi ro; sự thay đổi có thể hơi đáng ngại, nhưng sẽ chẳng có gì đổi thay nếu chúng ta không thay đổi.
  • Cho phép mình sống chậm lại. Đừng đưa ra những quyết định nóng vội. Hãy lùi một bước, hít một hơi thật sâu và tỏ ra kiên nhẫn. Không phải mọi chuyện bạn muốn đều xảy ra ngay lập tức.

----Hãy nhớ----

Nếu bạn có thể chế ngự được suy nghĩ, bạn có thể chế ngự được stress.

Học cách yêu âm thanh của sự im lặng

Các thân chủ đến với tôi vì muốn biết họ có đi đúng đường không, hoặc vì cảm thấy họ đang đi theo lối mòn, hoặc vì cần xác tín lại điều mà linh tính của họ mách bảo. Hay nói đơn giản, họ cảm thấy không hạnh phúc và họ muốn tôi dùng khả năng thấu hiểu để giúp họ thay đổi.

Thường thì tôi làm được việc đó, nhưng tôi tin rằng chúng ta ai cũng có tiếng nói từ bên trong mách bảo mình nên làm gì để có được hạnh phúc. Vấn đề là tiếng nói ấy thường rất khẽ nên chúng ta làm ngơ. Ðể nghe được những lời đó, bạn phải ngồi thật yên vị và lắng đọng để nghe.

Hầu hết chúng ta không chịu được sự im lặng. Chúng ta tự làm mình phân tâm bằng mọi tiếng ồn, từ TV, ipod, hay từ những chuyện đang xảy ra xung quanh, thay vì dẹp bỏ để nghe được tiếng nói từ nội tâm. Tôi tin rằng chúng ta có trực giác nhưng lại sợ thừa nhận và làm theo những điều trực giác mách bảo.

Cách đây nhiều năm có một người đến gặp tôi vì tuy công việc kinh doanh ăn uống của anh đang rất phát đạt, anh lại không cảm thấy hài lòng với công việc. Hóa ra, điều anh thích nhất khi cung cấp dịch vụ ăn uống cho những bữa tiệc là được nhìn ngắm nhà cửa của khách hàng. Khi biết được điều này, tôi đề nghị anh tham gia khóa học thẩm định bất động sản. Như vậy, anh vẫn có thể thỏa mãn trí tò mò về lối sống của người khác mà không cần chọn nghề dịch vụ ẩm thực. Gần 20 năm sau, anh quay lại để kể với tôi về cuộc sống hạnh phúc hiện tại của mình và cảm ơn vì tôi đã giúp anh đổi đời.

Thường thân chủ đến với tôi vì họ muốn tôi phần nào chịu trách nhiệm cho lựa chọn của họ. Tôi đặc biệt khó chịu khi thân chủ gọi điện thoại đến để xin lời khuyên rằng họ có nên chấm dứt một cuộc hôn nhân hay một mối quan hệ không. Tôi có thể giúp họ có thêm nhận thức và hy vọng việc đó sẽ giúp họ nhìn nhận mọi chuyện tốt hơn. Tôi thậm chí có thể củng cố quyết định đã nhen nhóm trong đầu họ. Nhưng sau cùng họ vẫn phải là người chịu trách nhiệm cho cuộc đời và các mối quan hệ của họ. Tôi có thể đưa ra gợi ý, tôi có thể trợ giúp nhưng tôi không thể quyết định thay cho họ cũng như không thể khiến họ phải làm một điều gì. Tại sao bạn phải cần ai đó giúp mình? Những người này và cả bạn nữa, có thể làm như tôi nếu học cách ngồi trong yên lặng với bản thân mình, lắng nghe và tin cậy tiếng nói từ bên trong mình, sau đó làm theo những gì nó mách bảo.

Và tôi vẫn luôn nhấn mạnh với thân chủ về vẻ đẹp của âm thanh đến từ sự tĩnh lặng.

----Hãy nhớ----

Hãy dành thời gian tìm một chốn yên lặng để trân trọng thế giới xung quanh: bãi biển, đồng quê, chim muông, hoàng hôn, bầu trời sao. Bạn sẽ thấy việc cảm nhận được sự tĩnh lặng cũng giúp trí não bạn tĩnh lặng và mang lại cảm xúc bình an.

Nghiên cứu về hạnh phúc của các trường đại học

Đầu năm 2009, Tạp chí Tâm lý học Ngày nay đã công bố rằng môn học được sinh viên đăng ký nhiều nhất tại Đại học Harvard là Tâm lý học tích cực và ít nhất 100 trường đại học khác cũng có giảng dạy môn này. Bài báo tìm hiểu định nghĩa về hạnh phúc và kết luận: "Các nhà thần kinh học, tâm lý trị liệu, kinh tế học hành vi, tâm lý học tích cực và các nhà sư Phật giáo đều nhất trí rằng hạnh phúc hàm chứa việc sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, tận dụng được năng lực và thời gian của bản thân, sống với tư duy và mục đích.” Bài báo kết luận rằng con người có thể: "Học cách tự vấn bản thân để thách thức tư duy tiêu cực của mình... nếu như không loại trừ được hoàn toàn những tư duy ấy.”

Định nghĩa ấy quả thật gần gũi với ý niệm của tôi về việc tìm kiếm một con đường cho bản thân để sống phù hợp. Khái niệm thách thức những suy nghĩ tiêu cực cũng tương đồng với việc tôi khuyên bạn nên làm chủ năng lượng cảm xúc của mình. Rõ ràng sách này cũng đang dạy bạn về tâm lý học tích cực.

Hoạt động của trí não ảnh hưởng đến thể xác

Thật hợp lý khi suy luận rằng tinh thần khỏe mạnh sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua các vấn đề sức khỏe thể chất. Nếu có thể chọn giữa khóc với cười thì có lẽ bạn nên chọn cười. Chúng ta biết rằng sự hài hước trong những tình huống căng thẳng có thể làm giảm ức chế và khích lệ tâm trạng mọi người. Không những thế, ngành trào phúng học chuyên nghiên cứu về tiếng cười và những tác dụng của tiếng cười đối với cơ thể đã khẳng định rằng cười thực sự có ích cho sức khỏe.

“Ngày trôi qua lãng phí nhất là ngày không có một tiếng cười”

- E.E cummings

“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” và hiện đã có bằng chứng khoa học để chứng minh điều này hoàn toàn đúng. Trong số những lợi ích về sức khỏe mà tiếng cười mang lại, một số nghiên cứu còn chỉ ra cười có thể giảm hoóc môn gây stress trong máu, tăng lượng endorphin, hoóc môn tạo hưng phấn cho người vận động và đưa thêm oxy vào cơ thể hay chính xác là vào não. Ngược lại, sự sợ hãi, lo lắng, bất an làm tim đập nhanh, gây choáng váng và đau thắt dạ dày, hoặc làm căng cơ dẫn đến đau nhức ở cổ và lưng.

Vậy, bất cứ điều gì chúng ta có thể làm để duy trì một tinh thần tích cực đơn giản như cười, cũng sẽ tác động tích cực lên sức khỏe thể chất của chúng ta.

----Hãy nhớ----

Giải tỏa suy nghĩ tiêu cực là bồi đắp cho cơ thể cường tráng.

Yoga: Sự hòa hợp tinh thần và thể xác

Từ “yoga” có nguồn gốc từ tiếng Phạn nghĩa là gắn kết hay hòa nhập.

Mặc dù người phương Tây có khuynh hướng nhấn mạnh khía cạnh rèn luyện thể chất, yoga thật ra là cách chúng ta hòa hợp tinh thần và thể chất. Các tư thế yoga được định ra để kích hoạt toàn bộ cơ thể bằng cách đưa máu mới vào não. Hiệu quả sau cùng là cơ thể được thư giãn trong khi tâm trí được tĩnh lặng.

Nhờ những cử động thư thái và uyển chuyển, yoga cho phép trí não chậm nhịp lại, giống như thiền nó dẫn đến sự thư giãn nội tâm và cho phép ta tập trung nhìn vào trong bản thể.

Có rất nhiều trường phái yoga, trong đó Hatha là trường phái căn bản nhất.

Ashtanga có lẽ là trường phái đòi hỏi nhiều vận động thể chất nhất vì nó dựa trên sự biến chuyển liên tục từ tư thế này sang tư thế khác. Cả Vinyasa và Kundalini đều đặc biệt chú trọng vào việc phối hợp nhịp nhàng hơi thở với từng tư thế, nhất là Kundalini vì nó vốn bắt nguồn từ một dòng thiền nhằm kết nối giữa trí và thân để giúp phát triển khả năng tâm linh.

Tái tạo sức khỏe bằng giấc ngủ sâu

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà phải cố gắng lắm mới có thời gian để chăm sóc bản thân về thể xác và tinh thần. Trong một xã hội không bao giờ ngủ bởi vì các giao dịch vẫn diễn ra đâu đó trên địa cầu, chúng ta cần có ý thức cho phép bản thân tái tạo năng lượng thể xác và tinh thần. Nếu không, chúng ta có nguy cơ đánh mất mình bất cứ lúc nào.

Một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm cho mình là giấc ngủ. Ðó là lý do bạn cần trút bỏ giận dữ, hằn học, ghen ghét và những cảm xúc tiêu cực khác có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Giấc ngủ là chìa khóa tắt hết mọi thiết bị đang hoạt động. Nó khiến cho ý thức của bạn yên lặng để tiềm thức của bạn làm việc. Tại sao có những vấn đề đêm hôm trước chúng ta vẫn còn thấy nghiêm trọng nhưng sáng ra thức dậy lại chẳng thấy có vẻ gì đáng phiền toái đến thế? Ðó là bởi vì tiềm thức của chúng ta luôn có cách đặt mọi việc về đúng chỗ của nó và một giấc ngủ ngon sẽ tái tạo nguồn năng lượng tích cực cần thiết giúp giải quyết mọi vấn đề cho ta.

Ðể có giấc ngủ ngon, bạn hãy xem lại Chương 3 để đảm bảo phòng ngủ và giường ngủ của mình tạo nên không gian nghỉ ngơi thoải mái. Hãy nhớ rằng quá trình thư giãn bao gồm mọi giác quan nên bạn cần chú ý đến các yếu tố màu sắc, chất liệu, mùi hương và âm thanh. Bạn có thể thắp nến và mở nhạc nhè nhẹ hay lắng nghe một đoạn ghi âm Thiền định để giúp trí não buông bỏ ra khỏi đầu những vấn đề bạn phải đối phó trong ngày. Tôi hay nói với mọi người rằng gấu ngủ đông trong hang là vì hang giúp gấu cảm thấy an toàn. Giường ngủ của bạn phải trở thành cái hang của riêng bạn, nơi an toàn nhất mà bạn có thể trút hết mọi lo âu và yên tâm nghỉ ngơi hoàn toàn.

5 Chìa khóa để quản lý thời gian tích cực

  • Dành thời gian trân trọng những người bạn yêu thương
  • Dành thời gian trân trọng bản thân
  • Dành thời gian chăm sóc sức khỏe thể chất
  • Dành thời gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới xung quanh
  • Dành thời gian để tận hưởng từng khoảnh khắc Tìm thấy sự cân bằng trong một thế giới mất cân bằng

Ellen tìm đến tôi vì cô bị dày vò bởi mặc cảm tội lỗi. Cô tin rằng chính cô đã gây ra hay ít nhất là góp phần gây ra cái chết của đồng nghiệp. Chuyện xảy ra vào một hôm Ellen phải về sớm đột xuất và nhờ đồng nghiệp trực đêm giùm mình. Sáng hôm sau, người ta phát hiện ra người đồng nghiệp đã mất tại bàn làm việc của Ellen vì một cơn đau tim đột ngột. Ellen cảm thấy vô cùng ân hận vì chính cô đã nhờ cô ấy làm thay cho mình và cô còn chưa kịp cảm ơn đến nơi đến chốn. Cô tin chắc rằng nếu cô ấy không phải ở lại vì cô thì giờ này vẫn còn sống. Tôi hiểu cảnh ngộ này hẳn làm Ellen cảm thấy rất khổ sở nhưng dường như phản ứng của cô có phần hơi thái hóa. Khi tôi nói với cô cảm nhận của tôi, Ellen giải thích rằng bố cô cũng mất trong xe điện ngầm trên đường đi làm vào một buổi sáng nên cái chết của người đồng nghiệp đã gợi lại một kỷ niệm buồn trong cô. Thậm chí, chính sự tương tự đó còn làm cô cảm thấy sợ rằng kết cục đó rồi sẽ xảy đến với cô cứ đi làm cho đến chết.

Chính điều này làm Ellen thức tỉnh và khiến cô nghĩ lại những mối ưu tiên trong cuộc sống của mình. Cô hứa với mình rằng từ giờ trở đi cô sẽ dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân và các con. Cô thậm chí sắp xếp giờ làm việc để có thể làm việc hai ngày ở nhà thay vì đến văn phòng. Nhờ một trải nghiệm không hay, cô lại có động lực để tìm được sự cân bằng giữa công việc và đời sống riêng trở nên hạnh phúc hơn.

Nhiều bà mẹ trẻ đến tìm tôi vì lo rằng chuyện họ đi làm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con cái. Nhưng kinh tế không ổn định càng làm mọi người lo lắng hơn vì họ cứ bị giằng xé giữa nhu cầu (làm thêm giờ) và nỗi sợ (bỏ bê gia đình). Tôi hiểu lo lắng của họ bởi vì chính tôi cũng phải đấu tranh với điều đó mỗi ngày. Công việc khiến tôi không thể về ăn cơm với gia đình mỗi ngày và hai đứa con tôi đã lớn nên chúng cũng có thời khóa biểu riêng. Ðể có thời gian cùng ăn tối, vợ chồng tôi cam kết thu xếp công việc để về nhà ít nhất ba tối mỗi tuần. Và khi ngồi với nhau, cả nhà thực sự dành trọn tâm trí trò chuyện và chia sẻ chứ không nghĩ đến công việc sẽ làm hoặc chưa làm xong.

Ðể đạt được sự cân bằng, bạn phải quyết định chuyện gì quan trọng, sắp xếp mọi thứ rõ ràng và đảm bảo không bỏ bê chuyện này vì chuyện kia. Nếu bạn cảm thấy tội lỗi khi dành quá nhiều thời gian cho gia đình trong khi đáng lẽ phải làm việc hay ngược lại; nếu bạn không thể để tâm trí (hay điện thoại) được nghỉ ngơi một lúc để sự yên tĩnh giúp khôi phục cân bằng cảm xúc bên trong; nếu bạn bỏ bê bất cứ điều gì vốn quan trọng với bạn trong cuộc sống chỉ vì bạn luôn không có thời gian, bạn cần phải thay đổi ngay.

Cuộc hành trình tìm kiếm sự cân bằng phải giúp bạn không cảm thấy áy náy về những điều đích thực không phải lỗi của mình. Chúng ta không thể chịu trách nhiệm cho mọi người về mọi việc suốt từng phút mỗi ngày. Chúng ta chỉ phải làm hết khả năng và buông bỏ những thứ khác.

Judy Martin nói về việc cân bằng công việc và cuộc sống

Chúng ta sống trong một thế giới luôn chuyển động. Việc tìm kiếm cân bằng trong cuộc sống 24/7 ngày càng trở thành một sự đấu tranh hơn là một thực tế mà chúng ta phải đối diện. Judy Martin, một phóng viên kỳ cựu được nhận Giải Emmy và kinh nghiệm sau sự kiện Ngày 11/9 đã khiến cô sáng lập một tổ chức có tên gọi WorkLife Nation. Đối với Judy, câu hỏi đặt ra là: "Chúng ta làm cách nào để vượt qua sự quá tải cảm xúc, làm việc có mục đích và ý nghĩa, phục hồi trạng thái cân bằng tốt nhất cho bản thân?" Cô nêu những câu hỏi này lên trang web của mình: www.WorkLifeNation.com, nơi cô phỏng vấn các chuyên gia và chia sẻ các phương cách mới nhất trong lĩnh vực này, cùng với loạt bài giảng của cô về “Những hỗn độn thực tế” và các đĩa CD về thiền, “Những hỗn độn thực tế: Tĩnh tâm nhìn về khái niệm phục hồi.”

Dưới đây, cô chia sẻ một số bí quyết ứng phó với những tình huống bi kịch về tình cảm để tìm thấy sự cân bằng.

  1. Hít một hơi thật sâu trong thời điểm xáo trộn.
  1. Suy tư thận trọng trước khi thốt ra những lời lo sợ, đau buồn.
  1. Cho phép bản thân thay đổi nhận thức trong tình trạng khủng hoảng.
  1. Chọn một hành động thích hợp để hóa giải hoặc vượt qua trạng thái xáo trộn. Trong trường hợp của tôi vào Ngày 11/9, tôi chọn cách phụng sự và thiền định.

Dù chúng ta có chấp nhận hay không, những chồng chéo trong công việc và cuộc sống vẫn diễn ra. Chúng ta kiểm soát nó như thế nào hoàn toàn là lựa chọn của chúng ta: e dè sợ hãi, hoặc chủ động thực thi trách nhiệm của mình. Dưới đây là 7 phương thức đã được đúc kết để đối phó với khủng hoảng, giúp bạn không chỉ tồn tại mà còn vươn lên mạnh mẽ trong môi trường nhiều thử thách.

  1. Cho phép bản thân nghỉ ngơi. Chúng ta đều là những người tự phê bình mình gay gắt nhất trong công việc và cuộc sống. Hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi dù chỉ vài phút mỗi ngày, bằng cách đi bộ, tập thể dục, đọc sách hay xem
  1. Tự khám phá khả năng sáng tạo của mình. Nếu bạn thích viết, nói chuyện, hay làm một việc gì đó sáng tạo, hãy nghĩ cách để kết hợp điều đó vào những kỹ năng trong công việc và cuộc sống của mình.
  1. Ghi lại thường xuyên những điều đang diễn ra trong đầu. Những lúc nổi giận, nếu thốt ra những điều bạn bức xúc mà không nghĩ đến hậu quả, mâu thuẫn có thể phát sinh trong công việc và gia đình bạn. Nhưng bạn hoàn toàn có thể ghi chép lại những điều này để đọc và tự cho mình một góc nhìn khác về bản thân và hoàn cảnh.
  1. Thích thú khi làm những việc nhỏ. Dù chỉ là giặt giũ hay gọi điện thoại, hãy đặt ra cho mình những mục tiêu nhỏ mỗi ngày. Điều này có thể giúp bạn giải tỏa cảm giác căng thẳng vô cùng hiệu quả. Việc trì hoãn những chuyện nhỏ dù không quan trọng, cũng cản trở bạn thực hiện những việc lớn hơn phía trước.
  1. Nâng niu cuộc sống bên ngoài công việc. Khi chúng ta gắn bản thân mình với quá nhiều công việc hay địa vị xã hội, bất cứ thử thách nào cũng sẽ khiến bạn trở nên lo lắng và căng thẳng. Hãy dành nhiều sức lực cho những việc ngoài công việc, thử sức trong công tác tình nguyện, dành nhiều thời gian hơn cho các mối quan hệ, và mở rộng kỹ năng trong những lĩnh vực khác.
  1. Có kế hoạch tái tạo năng lượng cho bản thân. Hãy nghĩ về điều khiến bạn tĩnh tâm và dành thời gian mỗi ngày để làm chậm bánh xe trí não của bạn. Dù bạn thiền, chơi thể thao hay đọc sách, từ sự tĩnh lặng sẽ nảy sinh khả năng sáng tạo và sức sống. Chính sự nghỉ ngơi nhỏ đó có thể đem lại ý tưởng lớn cho bạn.
  1. Nhớ thở đều. Hãy tập trung và chú tâm vào những gì ở trước mặt. Hít thở là một liều thuốc của cuộc sống và là công cụ hữu hiệu nhất để khiến tâm trí với cơ thể của bạn tĩnh tại.

Khi làm việc, chúng ta mang theo áp lực cảm xúc từ gia đình, môi trường và tâm tư vào công việc. Thêm vào đó, những đòi hỏi gắt gao về năng suất làm việc khiến bạn cần có cách để tập thư giãn, cân bằng tại nơi làm việc.

7 cách để thực hành thiền tại công ty:

  1. Khi đã ngồi ngay ngắn, hãy lắng nghe nhịp thở ra vào. Kỹ thuật này có tên gọi là Thở có Ý thức hay Chú ý hơi thở đi vào trong hốc mũi và đi ra từ miệng. Phình bụng lên khi hít vào và ép bụng vào khi thở ra.
  1. Nếu trí não bạn bắt đầu suy nghĩ lan man, hãy thử lặp đi lặp lại một câu khẳng định. Đó có thể là một câu nói hay lời tụng đơn giản. Hãy hít một hơi thật sâu và khi thở ra, hãy lặp lại câu bạn muốn nói. Làm như thế trong vài phút.
  1. Nếu có thể nhắm mắt trong vài phút, hãy tập thiền với âm thanh trong văn phòng hoặc từ bên ngoài. Hãy đóng vai người chứng kiến thay vì nhận xét về những gì mình nghe thấy.
  1. Mang theo một quyển sách có những lời cầu nguyện ngắn. Mỗi ngày đọc một đoạn. Hãy tập thiền trên phần đó hướng tới liên hệ nó với công việc của bạn.
  1. Tải về màn hình máy tính một hình ảnh thiền định. Một vài lần trong ngày, hãy tập trung nhìn vào hình ảnh này trong vài phút và thở đều. Bạn cũng có thể tìm những trang web để tải về những chương trinh ngắn tập thiền bằng hình ảnh và âm thanh, có thể chứa trong
  1. Sở thích: Đặt những đồ chơi sáng tạo trên bàn. Một hộp cát hay một khu vườn nhỏ xinh có thể làm tăng sự sáng tạo và làm tâm trí bình yên trở lại. Bạn có thể vẽ vu vơ bằng bút chì màu hay mua một trong những vật dụng cho thiền tại nhiều cửa hiệu như nến, khí nhạc và băng đĩa.
  1. Hãy tập về dòng-ý-thức. Mở máy và viết ra bất cứ thứ gì đến trong đầu. Chỉ viết hết ra mà không cần nghĩ gì. Sau đó bạn có thể xóa đi.

Ở nơi làm việc, bạn khó có thể ngồi kiết già hoặc đốt nến thơm để tập thiền qua iPod. Những ai làm việc tại nhà sẽ có được thú thư giãn tự tại này. Đối với hầu hết chúng ta, câu hỏi sẽ thiền như thế nào tại chỗ làm? Tôi muốn đưa ra một câu hỏi khác là tại sao chúng ta không thiền tại chỗ làm?

3 phút thiền tại bàn làm việc:

Đặt đồng hồ đếm ngược 3 phút và từ từ nhắm mắt lại.

Ngồi một cách thoải mái, lưng dựa thẳng vào ghế. Bạn có thể ngồi với chân song song như thể đang cắm chặt xuống nền nhà thay vì chân chéo, nhưng chủ yếu là bạn ngồi tư thế nào thoải mái nhất cho bạn. Đặt bàn tay nhẹ nhàng trên đầu gối với lòng bàn tay mở ra.

Từ từ nhắm mắt lại và thở thật sâu, hít không khí vào bằng mũi và sâu vào buồng phổi, đếm từ 1 đến 3. Giữ hơi thở và đếm từ 1 đến 3, sau đó thở ra bằng miệng cũng với 3 nhịp đếm, sau đó tiếp tục giữ hơi thở thêm 3 giây nữa.

Tiếp tục làm như thế, hít vào 3 nhịp, giữ 3 nhịp, thở ra 3 nhịp, và giữ hơi thở ra thêm 3 giây như thế.

Khi đồng hồ báo hết 3 phút, giữ nguyên tư thế rồi tiếp tục hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng thật sâu 3 lần. Sau đó mở mắt ra.

----Hãy nhớ----

Giữ thái độ nghỉ ngơi. Cho phép bản thân một vài khoảnh khắc để trí não tư duy một cách tích cực. Nghĩ về một điều gì đó mà bạn ưa thích. Khi làm như thế, bạn sẽ thực sự cảm thấy cơ thể thư giãn cùng với suy nghĩ của mình.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh