Trước Thềm Thánh Điện: Chương 4. Tinh Thần Hóa Hay Là Khoa Luyện Kim Tinh Thần

TRƯỚC THỀM THÁNH ĐIỆN: CHƯƠNG 4. TINH THẦN HÓA HAY LÀ KHOA LUYỆN KIM TINH THẦN

Ba bài thuyết trình trước đây đã nói về những sự tiến bộ mà người chí nguyện phải thực hiện cùng một lúc để đi vào Thánh Điện như là tự tinh luyện dần dần, làm chủ tư tưởng và lập hạnh hay nói cho đúng là xây đắp nền móng của hạnh kiểm mình. Đó là ba giai đoạn mà chúng ta đã xem xét xong. Chúng ta đã biết rằng ai vào đến Sân Ngoài và đã lấy cái công việc vĩ đại nầy làm mục đích, thì phải cố gắng làm cả ba việc một lượt (tinh luyện, làm chủ tư tưởng, lập hạnh) thay vì làm xong việc nầy rồi mới làm đến việc kia, tìm cách làm chủ bản ngã lần lần, bằng cách xử dụng mà theo đuổi cái mục đích đã ấn định.

Sau khi đã xem xét liên tiếp ba giai đoạn nầy rồi - cần phải làm như vậy để được rõ ràng minh bạch - chúng ta tỉ dụ bây giờ thí sinh lưu ý đến một phần khác của công việc lớn lao mà y phải làm. Tôi gọi phần nầy là việc Tinh thần hóa hay là sự Luyện kim Tinh thần, nghĩa là một phương pháp thay đổi biến hóa – dĩ nhiên nơi đây người ta ám chỉ đến việc làm của nhà Luyện kim; y biến đổi một miếng kim loại tầm thường thành một thứ kim loại quí báu hơn, thí dụ như làm cho đồng biến thành vàng ròng. Cái sự biến đổi mà tôi muốn nói đây đang được thực hiện trên thế gian, xung quanh ta đây; tôi tin rằng nó đang được thực hiện một mức nào đó trong tâm trí và trong đời sống của bất cứ là ai vốn ưa suy nghĩ và sống theo đạo đức. Nhưng điều nầy tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rồi, ở nơi thí sinh, đó là một công việc hữu ý và tự nguyện. Y nhìn thấy rõ những phương tiện và mục đích và tự ý cố gắng thực hiện cái ý muốn của mình.

Theo ý nghĩa bao quát nhất, cái phương pháp Luyện Kim Tinh Thần nầy có thể được coi như là một sự biến hóa những mãnh lực. Ai ai cũng có nơi mình sự sống, năng lực, sức mạnh, quyền năng của ý chí v.v… Đó là những sức mạnh mà con người phải xử dụng như là những khí cụ - đó là những khả năng sẽ khiến cho y đạt được mục đích. Theo một phương pháp mà người ta có thể gọi là phương pháp luyện kim, y biến hóa những mãnh lực nầy, bằng cách áp dụng chúng vào những mục đích cao thượng hơn, y biến đổi những năng lực thô bạo thành những năng lực tinh thần đã được tinh luyện. Không phải y chỉ thay đổi mục đích mà thôi - không phải là sự thay đổi mục đích là điểm tôi muốn làm nổi bật lên nơi đây – mà chính là y đã thay đổi và tinh luyện sức mạnh đó mà không làm hư hoại bản tánh cốt yếu của chúng. Giống như một nhà luyện kim lấy một thứ vật chất thô sơ và bắt nó phải chịu một phương pháp tinh luyện thâm sâu. Y không những chỉ loại ra những cặn bã ngoài mặt mà để xúc tiến sự tinh luyện đến mức sâu xa hơn nữa, y chuyển nó lên đến một trạng thái tinh vi hơn, để khiến cho những nguyên tố của nó tạo thành được một thứ kim loại quí báu và thuần túy hơn. Chư huynh có thể tưởng tượng ra nhà luyện kim tinh thần nắm lấy mọi mãnh lực trong bản tánh mình, nhìn nhận chúng như những sức mạnh đáng kể và biết rõ sự hữu ích và tánh cách cần thiết của chúng - nhưng y biến đổi chúng, tinh luyện chúng, một cách có phương pháp. Chúng ta sắp sửa học cái lối tinh luyện nầy, và do đó ta có thể đạt được mục đích.

Sự luyện kim tinh thần không phải chỉ có một mục đích duy nhất là biến hóa các mãnh lực, tuy rằng điều nầy là mục đích chánh yếu của nó. Nó còn có một mục đích thứ nhì nữa mà ta phải kể tới. Những Linh hồn, chỉ vì những dục vọng của mình, mà phải bị trói buộc vào đời sống hồng trần, vào bánh xe sinh tử. Chúng bị sự vô minh cột chặt vào đấy, chúng bị ràng buộc bởi chúng thèm muốn hưởng thụ những thú vui vật chất, những niềm vui được nếm trải trong sự chia rẽ, trong cảnh cô đơn. Luôn luôn hoạt động, Linh hồn tự trói buộc mình bằng những hành động của mình. Dù những hành động nầy là lành thiện hay tàn ác, cứu giúp hay là làm hại kẻ khác, luôn luôn ở nơi con người tầm thường, chúng có một tánh cách chung nầy: nguồn cội của chúng là lòng ham muốn, và chính lòng ham muốn ràng buộc và trói cột con người.

Vả lại bao giờ con người còn sống trên cõi đời thì hành vi cần phải có, luôn luôn cần phải hoạt động. Nếu không có nó, thì không còn có cái gì tự biểu hiện ra được nữa. Khi sự cao thượng, sự khôn ngoan và sức mạnh tăng trưởng nơi con người, thì sự hành động của y trở nên một yếu tố càng ngày càng quan trọng trong sự tiến bộ của thế gian. Nếu những người tiến hóa nhất không hành động nữa thì sự tiến bộ của nòi giống chúng ta sẽ bị chậm trễ lại, và dĩ nhiên sự tiến hóa đó sẽ bị trì hoãn.

Vậy phải làm thế nào để sự hành động được thực hiện mà con người vẫn được tự do? Đây cũng là một trường hợp luyện kim tinh thần. Nhờ sự luyện kim nầy, con người tiến hóa nhất sẽ hành động một cách hết sức linh hoạt để phụng sự đời - nhưng việc y làm không ràng buộc y, vì là một Linh hồn đã được giải thoát. Đó là một thí dụ lúc thoạt đầu xem như là có vẻ mâu thuẫn: một sự giúp đỡ để cho người chủ được hoàn toàn tự do. Nay, khi đề cập đến một sự luyện kim tinh thần nó khiến ta được hoàn toàn tự do, tôi muốn nói đến định luật HI SINH căn bản - đó là Định luật tối cao trong cõi thế giới hữu hình nầy, nó là căn bản của mọi sự, luôn luôn nó được tuyên bố. Định luật nầy có những hình thức rất hay biến đổi, cho nên thường thường người ta không nhận ra nó, nó tác động một cách phức tạp đến nỗi người ta thường lầm lẫn một cách dễ dàng. Sự lầm lẫn mà người ta dễ phạm nhất là sự lựa chọn những từ ngữ, vì nơi đây chúng ta phải đề cập đến sự thật muôn mặt, nó phần nhiều có hai trạng thái, tùy theo chúng ta từ trên cao nhìn xuống hay từ dưới đất nhìn lên. Nó là một định luật được phổ biến khắp vũ trụ, người ta có thể nói rằng nó chi phối mỗi nguyên tử. Nó chính là Đời sống Thiêng liêng của Thượng Đế được biểu lộ ra.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Khi bàn sơ qua về một đề tài như thế nầy, có rất nhiều dịp khiến ta lầm lẫn: lầm lẫn về những danh từ đối với người nói, lầm lẫn trong sự hiểu đối với người nghe vì không thể lãnh hội được một tư tưởng trình bày không trọn vẹn. Vì thế cho nên trong buổi khảo học nầy, người ta có thể trở nên thiên lệch, tùy theo quan niệm nó đặc biệt choán tâm trí ta trong chốc lát - tùy theo người ta đứng về phương diện vật chất hay tinh thần, tùy theo người ta đứng từ bên ngoài mà nhìn vào trung tâm hay đứng trong trung tâm nhìn ra phía ngoài. Khi người ta nghiên cứu về một đề tài rộng rãi bao la, làm nảy sanh ra một tư tưởng mà không một lời nói nào có thể diễn tả được - một đề tài mà những kẻ kém phát triển như chúng ta không thể nào quan niệm nổi – thì đối với người nói cũng như người nghe, thật khó mà tránh được những sự hiểu lầm, khó mà tránh khỏi sự nhấn mạnh vào điểm nầy rồi quên lãng một điểm khác, khó mà giữ được sự quân bình là điều duy nhất diễn tả được trọn vẹn Chơn lý. Trường hợp của Định luật Hy sinh nầy thật là một trường hợp đặc biệt giống như trên đã nói vậy.

Chúng ta hãy xem xét Luật nầy theo cái quan điểm thấp thỏi của nó. Chúng ta không nên coi thường quan điểm đó, vì nó có nhiều điều có thể dạy chúng ta, tuy rằng trong khắp mọi cảnh giới, cái tánh cách thấp thỏi của nó được hiện ra rõ ràng. Chúng ta hãy xem xét Định luật nầy như khi ta thấy được diễn tả trong Vũ trụ Hữu hình, in dấu trong Thiên nhiên, tác động trong những cảnh hồng trần, trung giới và thượng giới, bao gồm không những sự liên quan giữa những sanh linh như chúng ta thường thấy nơi hạ giới, mà còn có sự liên hệ đến những sanh vật khác thuộc về những cảnh giới bao vây xung quanh ta đây. Chúng ta hãy ngừng chân trong chốc lát ở cái quan điểm thấp thỏi nầy trước khi tiến lên cao, vì ở nơi nầy ta cũng còn học được một bài học quí hóa và đầy dẫy ánh sáng nó giúp ta đi qua được Sân Ngoài.

Trong những cõi hạ giới, sự hy sinh có thể được coi như là sự giúp đỡ lẫn nhau, sự quay chuyển không ngừng bánh xe đời, trong đó mỗi người thụ nhận và ban rải ra - con người không thể tránh sự không thụ nhận, và không thể khước từ sự không ban ra. Nếu chư huynh xem trong chốc lát sự hy sinh theo quan điểm thấp kém của nó, thì hy sinh đối với chư huynh là sự làm quay chuyển bánh xe đời không ngừng. Mọi vật đều có dự phần vào trong đó, dù một cách hữu ý hay vô tâm. Sự hợp tác của chúng có tánh cách hữu ý nhiều hay ít là tùy theo chúng đã tiến hóa đến đâu. Sự hy sinh theo cách đó đã được trình bày rõ rệt, còn rõ rệt hơn là ở bất cứ nơi nào khác, trong kinh Bhagavad Gita (khúc ca của Thượng Đế), một trong những thánh kinh của Ấn Độ, nói về bánh xe của sự sống trong đó chư huynh biết được cái điều cần phải biết, là cái cách thức hợp nhất sự hy sinh với sự hành động. Thượng Đế, vị Sư phụ cao cả nói:

“Thế gian bị ràng buộc bởi mọi hành động nào mà không có sự hy sinh làm mục đích. Vậy hỡi con cái của Kounti [[12]] trong khi hành động nhà ngươi phải lấy sự hy sinh làm mục đích và tự giải thoát ra khỏi mọi điều ràng buộc”.

Rồi đi ngược lại dòng thời gian để hoàn thành sự tuần hoàn của sự hy sinh do sự giúp đỡ lẫn nhau, đại Từ phụ nói tiếp:

“Trong những thời gian xưa, xa xôi, sau khi đã do một hành động hy sinh mà khiến cho nhân loại tự bản thể Ngài mà sanh ra; Thượng Đế, Chúa Tể của sự sanh hóa nói: “Do sự việc nầy, các ngươi sẽ sanh con đẻ cái, truyền tử lưu tôn; đối với các ngươi sự việc nầy là Kamaduk (nghĩa là dòng sữa của dục vọng); các ngươi hãy lấy nó mà nuôi dưỡng những Thần minh; cầu mong các Thần minh cũng lấy đó mà nuôi dưỡng các ngươi. Tự nuôi dưỡng lẫn nhau như thế, các Thần minh và các ngươi sẽ có được an phước tối cao. Vì các thần minh được sự hy sinh nuôi dưỡng, sẽ ban cho các ngươi những điều mà các ngươi mong muốn thụ hưởng”. Thật vậy, kẻ nào thụ hưởng những món của Thần minh ban phát cho mà không có gì để trả lại các Ngài, thì kẻ đó chính là một tên trộm cắp. Các sanh vật cần có đồ ăn mới sống được; nhờ có mưa mới có đồ ăn; nhờ sự hy sinh cúng lễ mới có mưa; nguồn cội của sự hy sinh là sự hành động. Biết rằng sự hy sinh phát sanh từ đức Brahma, đức Thượng Đế và nguồn cội của đức Thượng Đế là Brahman, trường tồn bất diệt, Ngài thấm nhuần Vạn vật, thế nên Ngài vẫn có mặt trong sự hy sinh. Kẻ nào ở cõi hạ giới nầy mà không tuân theo sự vận chuyển tuần hoàn của sự sống thì sẽ phạm tội trong cách sanh sống của mình, và mặc dù sung sướng theo giác quan, kẻ đó đang sống một cuộc đời vô ích.” (Bhagavad Gitā, 9 – 16)

Chư huynh có trước mặt cái bánh xe luân chuyển của sự sống, nó làm ra nền tảng của sự hy sinh trong các tôn giáo. Tôn giáo càng tinh khiết, càng cao thượng bao nhiêu thì cái ý niệm hy sinh thấm nhuần nó lại càng tinh khiết và cao thượng bấy nhiêu. Chư huynh hãy chú ý rằng, ở đây, chúng ta đã thấy tư tưởng luyện kim là luôn luôn biến đổi đã thực hiện đến mức độ nào. Đồ ăn biến thành những sanh vật, nhưng muốn có đồ ăn thì phải có mưa, muốn cho có mưa rơi xuống thì phải cúng kiến Thần minh và Thần minh sẽ nuôi dưỡng các sanh vật.

Chư huynh luôn luôn gặp sự vận chuyển rõ ràng theo cái vòng tròn nầy trong những tôn giáo cổ thời xưa. Thí dụ như người Bà La Môn ném lễ vật vào lửa, vì người ta nói: Thần Agni (Hỏa Đức Tinh Quân) là miệng của các đấng Thần minh. Ngày xưa, người ta ném lễ vật vào lửa và đọc những câu thần chú, những câu chân ngôn [[13]] do những vị Minh triết đặt ra, các Ngài cho những lời nói của câu thần chú có một ảnh hưởng đối với những mãnh lực thấp thỏi của Thiên nhiên - cách dâng lễ vật như vậy khiến cho những sức mạnh thiên nhiên (mưa gió) được thuận hòa, ảnh hưởng đến trái đất, sanh ra rau trái, những thực phẩm cho con người. Tuy dâng lễ vật nầy chỉ là một hành động tượng trưng, nhưng nó tượng trưng cho điều có thật, và sức mạnh được thốt ra tự miệng của nhà tu sĩ hành lễ tinh khiết cũng có thật nữa. Sự tượng trưng nầy dạy cho dân gian biết rằng đời sống chuyển động theo vòng tròn, họ phải hiểu rằng trong bản chất của nó, sự hành động phải là sự hy sinh, và tất cả mọi hành động đều bắt buộc phải có tánh cách hy sinh, hay nói theo cách khác, ta phải hành động vì đó là điều lành, chớ không phải vì một lý do nào khác; phải hành động để cho con người được điều hòa với định luật; phải hành động vì đấy là cái cách con người ứng đối với định luật, và đó là cái phần cộng tác trong công nghiệp chung. Theo thuyết nầy thì sự hy sinh là sợi dây bằng vàng liên kết vạn vật trong thế giới hữu hình nầy. Và hành động là căn bản của sự hy sinh, sự hành động phát sanh nơi đức Thượng Đế sáng tạo, Ngài tự biểu lộ trong vũ trụ, nên người ta nói rằng Brahman, đức Thượng Đế ngự trị trong mỗi sự hy sinh. Từ đó mỗi bổn phận đều được coi như là một bổn phận đối với thế gian, không ham muốn gì cho cá nhân mình, không muốn điều lợi ích riêng tư cho mình, không mong mỏi kiếm được cái gì cho bản ngã chia rẽ - chính ở bản ngã nầy ta thấy lộ ra lý do thấp hèn ti tiện, ích kỷ nó ngự sau sự hy sinh. Đó là đặc tánh của sự luyện kim, nó góp sức làm quay chuyển bánh xe của đời sống, làm đầy đủ bổn phận mình vì mến yêu bổn phận, biến hóa sự hành động thành một sự hy sinh, đốt cháy những sợi dây ràng buộc của dục vọng và giải thoát con người đã được giác ngộ. Được ngọn lửa minh triết tinh luyện như vậy, sự hành động không còn ràng buộc được Linh hồn nữa. Linh hồn hợp tác với Thượng Đế trong Thiên nhiên, và mỗi hành động được hiến dâng lên bàn thờ của bổn phận đều trở thành một sức mạnh làm quay chuyển bánh xe của đời sống, nhưng không còn có thể trói buộc Linh hồn được nữa.

Sự trao đổi liên tiếp bất biến, sự giúp đỡ lẫn nhau nầy là hình thức của đại luật Hy sinh. Sự biến đổi đã xong xuôi, việc làm đã được thực hiện như là một bổn phận, thì trở nên một thành phần của sự điều hòa của vũ trụ, thúc đẩy sự tiến hóa và giúp cho nòi giống tiến bộ một cách rõ ràng. Công việc của tân tín đồ ở Sân Ngoài là tự luyện tập lần lần để hành động trong tinh thần hy sinh đó, y hiểu rõ ràng rằng y làm như vậy mà không tìm kiếm một sự gì, không mong mỏi một mối lợi gì, không nài xin một phần thưởng nào, y làm việc vì bổn phận, chớ không vì một lý do nào khác. Hành động như vậy là thực hiện khoa luyện kim tinh thần, nó tinh luyện mỗi hành động trong ngọn lửa của sự minh triết; và vì đã tự điều hòa một cách có ý thức với Thiên Ý trong vũ trụ hữu hình để trở thành một sức mạnh thúc đẩy sự tiến hóa, một năng lực nâng đỡ sự tiến bộ. Tất cả nhân loại đều hưởng được quả tốt của sự hành động nầy; nếu nó không có tính cách hy sinh thì nó sẽ chỉ đem lại cho kẻ chủ động một kết quả cá nhân mà thôi, và cái kết quả nầy, đến lượt, nó lại trở thành sợi dây ràng buộc Linh hồn, làm giảm bớt những khả năng tiềm tàng của nó trong điều thiện. Đó là lối tác động của định luật Hy sinh được xem xét theo quan điểm thấp kém.

Nay ta hãy nghiên cứu nó trên một quan điểm cao siêu. Để tránh mọi sự hiểu lầm, tôi sẽ cố gắng trình bày vấn đề một cách cẩn thận, minh bạch, vì tôi biết sự lầm lộn có thể sanh ra rất dễ dàng nếu sự trình bày của tôi khiếm khuyết, và đó là lỗi của tôi, tôi phải chịu trách nhiệm. Tôi muốn ngưng lại một chút ở bản tánh của sự hy sinh và tìm kiếm cùng với chư huynh coi xem thiệt ra nó là cái gì vậy. Và đây là tư tưởng tôi xin chư huynh có ngay lúc ban đầu là xem xét sự hy sinh ở trong cái bản chất sâu kín của nó, theo quan điểm của ta khi ta càng sống một cuộc đời thiêng liêng thánh thiện hơn, thì theo tôi dường như hy sinh có nghĩa là cho ra, ban rải ra phía ngoài. Lý do của nó là ý muốn cho ra, cái tinh hoa của bản chất nó là muốn ban rải ra ngoài một vật sở hữu, một vật mà người chủ rất quí trọng, vì đó là một báu vật nên người sở hữu muốn ban phát nó ra để giúp đỡ và làm vui lòng kẻ khác. Vậy thì lần nầy, từ một quan điểm nội tâm, chớ không phải theo bề ngoài, ta phải coi sự hy sinh trong thiên nhiên như sự cho ra, sự ban rải ra ngoài để làm cho kẻ khác được sung sướng. Vì vậy nên sự hy sinh, trong căn bản của nó, là một niềm vui chớ không phải là một nỗi đau khổ; có thể nói rằng đặc tánh của sự hy sinh là niềm vui vì được tự hiến dâng.

Chúng ta hãy dẹp lại một bên vấn đề tìm hiểu rằng sự hy sinh được phát sanh ra theo cách nào, sau nầy ta sẽ bàn đến; bây giờ chúng ta hãy bắt đầu thừa nhận rằng sự hy sinh chính là một sự hiến dâng. Sự hiến dâng nầy được nảy sanh từ nơi một tâm hồn muốn cho ra, một tâm hồn khao khát tự ban rải ra ngoài, muốn mang trọn vẹn cái hạnh phúc của mình mà chia sớt với kẻ khác, chỉ có một lý do duy nhất để hành động như vậy mà thôi, đó là cái ước vọng duy nhất làm sao tự ban rải ra trong tấm lòng kẻ khác để được hợp nhất với họ trong một niềm vui chung. Chư huynh sẽ hỏi tôi: Tại sao trong một niềm vui? Tôi đã xin chư huynh đi theo tôi đến tận trái tim và trung tâm của cõi đời hữu hình nầy. Tôi đã dám nói trong một quyển sách khác [[14]] rằng: Sự hy sinh cao cả là cái hành động, do đó đức Thượng Đế, tức là Đời sống Duy nhất, tự hạn định lấy mình, do đó Ngài đã sanh ra Thượng Đế Hữu Hình, dưới hình thức năng lực. Nay, tôi nhận thấy rằng điều nầy là lẽ tự nhiên, vì trong khi nghiên cứu về cách tiến triển và cách hành động của Ngài trong vũ trụ, tôi đã nhấn mạnh nhiều trên một trong những quan điểm, tôi nhận thấy rằng cái lối xét đoán sự hy sinh như thế đã được coi như là “sự hấp hối của Thượng Đế.” Theo tôi thì “hấp hối” và “Thượng Đế ” là hai danh từ mâu thuẫn với nhau. Thượng Đế ở đây là gì? Là Thượng Đế hữu hình. Và chúng ta đã thấy trong những kinh sách cổ kính phát sanh từ một khoa thần học rất lâu đời, người ta đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại Thượng Đế là Niềm Chí Phước, là Hạnh Phúc Tuyệt Vời. Không thể có một quan niệm nào khác được nếu chư huynh rán lấy tư tưởng mà đi đến những gì cao hơn là thế giới hữu hình. Thượng Đế là Niềm Chí Phước, đó là cái âm thanh chánh yếu của tôn giáo Aryan cổ kính nhất. Trong khi con người tiến lên cao để đi đến Thượng Đế, cái thể cao nhất để bao bọc Linh hồn được gọi là Thể Chí Phước (corps de béatitude). Chư huynh hãy nghiên cứu trong pháp môn Raja Yoga của Ấn Độ về những thể giúp cho Linh hồn tự biểu lộ được trong những cảnh giới khác nhau. Chư huynh sẽ thấy rằng khi lìa bỏ cõi hạ giới, Linh hồn cởi bỏ những thể thấp hèn. Linh hồn cởi bỏ xác thân, cởi bỏ cái vía, cái trí rồi cởi bỏ cả thể Bồ đề nữa. Và chư huynh thấy rằng sự luôn luôn tiến lên cao đó, Linh hồn càng ngày càng đến gần Thượng Đế - Ngài chính là bản thể của Linh hồn - và càng ngày nó càng tìm được bản chất cốt yếu của mình (phản bổn hoàn nguyên) - Chư huynh thấy sau cùng, Linh hồn còn một thể duy nhất, cao cả nhất, tế nhị, thanh bai đến nỗi khoác thể nầy lên mình, Linh hồn chỉ hơi khác biệt chút ít với Thượng Đế mà thôi - đó là tấm màn che trong suốt khiến cho cá nhân được tồn tại, tấm màn cần thiết để chứa đựng trọn vẹn những sự thu hoạch của thời đã qua. Thể nầy có một cái tên, đó là Thể Chí Phước [[15]], gọi thế như để nhắc nhở những ai trong cõi đời nầy còn vùng vẫy trong sự vô minh nó ràng buộc con người, như để nhắc nhở cho mọi người nhớ rằng những sự tiến bộ trong pháp môn Yoga, trong sự hợp nhất với Thượng Đế phải được thực hiện từng giai đoạn một, cho đến khi Linh hồn chỉ còn có một mình trong Thể Chí Phước (hạnh phúc tuyệt vời) bao bọc mà thôi. Vì thế, nên người ta nói: “Thượng Đế là Chí Phước.”

Dù chư huynh hiểu được rất ít về giáo lý cao cả nầy, chư huynh cũng biết rằng ở những cảnh giới cao cả nầy, mỗi sự hy sinh đều chỉ là một hành động vui mừng, một hành động tinh khiết đầy hạnh phúc tuyệt vời ban rải ra ngoài. Chính cái tinh hoa của tư tưởng nầy là - dù tôi có diễn tả nó một cách bất toàn đến đâu, điều nầy cũng không quan hệ gì - vũ trụ mà được thành hình là do tự Niềm Chí Phước, tự Bản tánh cao siêu ấy, là vì Thượng Đế vô hình, tự ý hạn định nên mới có Thượng Đế hữu hình, mà Thượng Đế hữu hình thì chính là Thượng Đế vô hình vậy. Mục đích của Thượng Đế tự ý hạn định để ban rải cái hạnh phúc cố hữu của Bản Thể Ngài, để sau khi chu kỳ của sự sống được hoàn tất, có một đám đông những sanh linh cùng nhau chói sáng và vui vẻ, có thể chia sớt cái hạnh phúc tuyệt vời của Ngài, chia sớt cái Niềm Chí Phước luôn luôn tăng trưởng của Ngài khi chúng càng lại gần Ngài. Chỉ vì cái màn vô minh bao bọc Linh hồn cho nên con người tưởng rằng y xa cách Thượng Đế, đó là điều duy nhất khiến cho con người đau khổ!

Nếu theo chư huynh thì ý niệm căn bản sẽ là: Định Luật Hy Sinh có nguồn gốc nơi bản tánh thiêng liêng. Sự hy sinh cao cả sanh ra Vũ trụ, chính là Thiên nhiên Chí phước tự hiến dâng, vì vậy tất cả đều có mục đích chia sớt, ban rải hạnh phúc. Sau chót, cội rễ của sự hy sinh của Thượng Đế là niềm vui, vì được tự ban rải ra ngoài để có thể hợp nhất nhiều Linh hồn lại với Ngài - hiệu quả của sự hợp nhất này là sự “an lạc tuyệt vời” không thể quan niệm được.

Một khi được hiểu rõ, thì ý tưởng nầy khiến ta nhận thức rõ ràng được định luật Hy sinh và nhìn thấy hai khía cạnh của nó: trong sự cho ra, trước nhất là có sự vui; nhưng bản ngã thấp hèn lại tham lam hơn là rộng lượng, cho nên theo quan niệm của bản thể thấp hèn, sự hy sinh không ngớt là đau khổ vậy. Chúng ta hãy nhận xét điểm nầy một cách kỹ lưỡng hơn. Như vậy, chúng ta sẽ tránh được mọi sự mâu thuẫn, và có lẽ sẽ nhận xét sự bí mật cao cả nầy, tức là Định Luật Hy Sinh bằng cặp mắt sáng suốt hơn. Chúng ta nên hiểu rằng sự cho ra là một niềm vui rất cao cả, vì nó chính là bản tánh của Thượng Đế. Sau nữa, chúng ta nên hiểu rằng khi “phản bổn hoàn nguyên” nghĩa là sau khi trở nên thánh thiện, thiêng liêng một cách có ý thức, thì con người sẽ tìm thấy ở nơi mình một niềm vui càng ngày càng lớn, một niềm vui càng ngày càng phong phú đối với kẻ khác. Khi bản tánh cao thượng phát triển thì hạnh phúc hay là Niềm Chí Phước cũng tăng trưởng theo. Sự đau khổ chỉ phát sanh từ sự bất hòa và từ những sự loạn động của bản ngã thấp hèn - bản ngã nầy thật ra chỉ là một với Chơn Nhơn, nhưng hiện nay đang bị sự vô minh đè bẹp và đang bị những ảo ảnh bao vây. Khi xúc tiến sự học hỏi nầy, chúng ta sẽ thấy rằng sự đau khổ nầy có mục đích giải thoát chúng ta ra khỏi sự vô minh, tất cả sự tăng trưởng và sự tiến hóa diễn ra có mục đích đánh tan sự vô minh của chúng ta. Đối với chúng ta, sự tiến triển nầy là sự đau khổ; là những mối lo âu, là những sự chiến đấu - đó là cảm giác thường xuyên của bản ngã thấp hèn. Tuy vậy trình độ tiến hóa của Linh hồn, con người thiệt thọ, mức độ hoạt động có ý thức của nó, cái khả năng tự biểu lộ của nó đến mức nào trong phàm tánh, sự kiện đó được nhận định đúng với cái cách của nó hiểu biết rằng tất cả những sự cố gắng của Linh hồn là cứu giúp cõi đời đang chìm đắm trong sự buồn khổ, khi nó tỏ ra vui vẻ và an tịnh.

Rồi lần lần con người sẽ in sâu được cái quan niệm của Chơn Nhơn mình xuống bản ngã thấp hèn của mình, tinh luyện cho nó khỏi bị vô minh và mở mắt nó ra cho nó nhìn thấy sự thật, từ nay sự thật sẽ thay thế cho những vẻ bề ngoài gạt gẫm.

Người ta có thể hỏi một cách hữu lý rằng: tại sao cứ nói đến sự hy sinh là con người thường hay nghĩ đến sự đau khổ? Tại sao hai ý tưởng nầy lại được liên kết đến nỗi mỗi khi nghĩ tới hay đọc tới chữ hy sinh thì con người có ngay một tư tưởng về sự bị hành tội? Dường như cái quan niệm sai lầm nầy có nguyên nhân nơi bản ngã thấp hèn mà những sự hoạt động đầu tiên của nó luôn luôn tìm cách chiếm đoạt, nó nắm lấy, giữ lấy điều gì cho cái “tôi” riêng biệt chia rẽ của nó. Ở ngoại cảnh, cái “tôi” tìm cách gom góp những kinh nghiệm. Nhưng Chơn Nhơn, con người cao cả chưa được phát triển bao nhiêu, Chơn Nhơn hãy còn có tính cách ấu trĩ nên gần như không có ảnh hưởng đến bản thể thấp hèn. Vì vậy bản ngã nầy lặn xuống dưới thế giới của những sự cảm xúc, giơ bàn tay tham lam ra tứ phía, để giữ lấy tất cả những sự quyến rủ, không hiểu biết về bản tánh của đồ vật, không hiểu biết về hậu quả của những hành vi, chỉ hành động theo vẻ bề ngoài và không biết rằng cái bộ mặt lường gạt nầy có chứa đựng những gì bên trong. Những kinh nghiệm đầu tiên nầy, được lặp đi lặp lại nhiều lần nơi bản ngã thấp hèn, nhắm tìm không ngừng những niềm vui giả tạo, và luôn luôn khám phá ra rằng những niềm vui nầy không làm thỏa mãn ta như trước kia ta thường tưởng. Có lẽ chư huynh cũng nhớ rằng trước kia tôi đã giảng giải tỉ mỉ về ý nghĩa và sự hữu ích của sự đau khổ nó lần lần chỉ cho con người thấy, cùng với một bản chất của định luật, cái tánh cách nhất thời, chóng tàn của các dục vọng giác quan và những thú vui riêng của thú tánh. Như thế, sự đau khổ dẫn dắt chúng ta đến sự hiểu biết; như thế, sự vui sướng cũng dẫn dắt chúng ta đến sự hiểu biết. Khi học biết được hai khía cạnh của đời sống hữu hình, lần đầu tiên Linh hồn hiểu biết được một sự thật phụ thuộc nữa. Đã có được một sự kinh nghiệm có lẽ và thường thường là đau khổ, Linh hồn biến hóa kinh nghiệm của mình thành ra sự hiểu biết, rồi lại biến hóa sự hiểu biết của mình ra thành sự minh triết, sự minh triết nầy từ đây sẽ dẫn lối cho y. Khi mà sự hiểu biết càng được thêm nhiều - đó là vật sở hữu của con người thiệt thọ - thì Chơn Nhơn đang phát triển bắt đầu hiểu được bản thể của mình. Y biến hóa sự hiểu biết thành ra minh triết, và từ lúc nầy, sự minh triết đối với y là một nguồn vui hoàn toàn thuần khiết. Sự minh triết đang phát triển nầy luôn luôn đi đôi với tầm mắt nhìn sâu rộng hơn, một sự bình tĩnh và một sức mạnh cứ tăng trưởng mãi mãi. Vì thế, nó chấp nhận những gì mà bản ngã thấp hèn cho là đau khổ; vì nó coi những sự đau khổ là một nguồn kinh nghiệm. Khi Chơn Nhơn nhìn thấy rằng một sự vui sướng mà ta thèm thuồng khao khát chỉ đem lại cho ta sự thất vọng và sự mỏi mệt thì lúc đó nó liền biến hóa sự hiểu biết nầy thành ra minh triết. Được hiểu theo cách đó thì chính sự đau khổ cũng có cái khía cạnh vui vẻ của nó, vì trong cái kinh nghiệm nầy, con người chú ý đến sự ích lợi đã thực hiện được về sự hiểu biết nơi Chơn Nhơn, chớ không chú ý đến sự đau khổ thoáng qua của bản ngã thấp hèn. Y hiểu rằng nhờ tất cả những kinh nghiệm nầy mà sự hiểu biết và quyền năng của y tăng trưởng. Y chọn lựa những kinh nghiệm đó, vì sự chọn lựa một cách hữu ý thì luôn luôn có tánh cách vui vẻ, vì y trông thấy mục đích cuối cùng và sau khi đốt cháy, lửa sẽ chỉ còn để lại vàng ròng cho ta mà thôi.

Bây giờ, chúng ta hãy nhận xét con người vì vô minh nên bị mù quáng nơi cõi hạ giới. Chúng ta hãy thí dụ y phải lãnh những bài học mà Thiên nhiên luôn luôn mang ra để dạy y, những bài học nghiêm khắc và đau khổ. Y tìm kiếm những thú vui xác thịt không đếm xỉa đến những sự đau khổ đã gây ra cho những kẻ xung quanh y, y chà đạp lên đồng loại để chiếm đoạt lấy vài đồ vật mà y thèm muốn. Khi nhìn thấy đồ vật ấy tan nát trong tay mình, thì chắc chắn cảm giác đầu tiên của y là một sự đau khổ ghê gớm, một sự thất vọng sâu xa, một cảm giác mệt mỏi chán chường. Đứng ở quan điểm nầy mà nhận xét thì kinh nghiệm đó thật là đau khổ, tuy rằng đứng ở một quan niệm cao cả hơn thì ta nên có sự kinh nghiệm nầy, vì nó cho ta sự minh triết, nó giúp ta có nhiều khả năng hơn để đi sâu vào sự vật của Thiên nhiên và hiểu biết Định luật một cách rõ ràng hơn; hậu quả của kinh nghiệm là như vậy đó. Nhưng còn có những điều khác nữa. Bản ngã thấp hèn và Chơn Nhơn cao cả xung đột với nhau. Chơn Nhơn cao cả tự ấn định cho mình một mục đích, muốn đạt mục đích ấy, Chơn Nhơn phải nhờ đến bản ngã thấp hèn, bản ngã nầy không hiểu Chơn Nhơn muốn gì và không nhìn thấy mục đích như Chơn Nhơn đã thấy. Nếu không có sự hợp tác của bản ngã thấp hèn thì Chơn Nhơn không sao đi tới đích được. Do đó có sự chiến đấu với bản ngã thấp hèn, cái bản ngã mà lúc thì ta phải thúc đẩy, lúc thì ta phải kềm hãm. Đối với cái bản ngã thấp hèn đang bị vô minh bao phủ, tất cả những sự kiện nầy phát sanh ra một cảm giác khó chịu, vì bị bắt buộc phải lìa bỏ những đồ vật mà ta thèm muốn. Nhưng rồi lần lần, khi Chơn Nhơn cao cả ảnh hưởng đến bản ngã một cách hữu hiệu thì tự cái bản ngã thấp hèn đó, nảy sanh ra một sự hiểu biết càng ngày càng rõ ràng rằng: “Nên làm một việc như vậy.” Nếu do đó mà bị đau khổ thì cái lợi được hưởng đáng cho ta chịu đau khổ, và nếu có phải cố gắng, có phải đau khổ mới vượt qua được nỗi khó khăn, thì sức mạnh được tăng thêm cho đến đỗi, trong cái niềm vui vì đã thành công, người ta quên mất sự đau khổ nhất thời của sự gắng sức. Khi Linh hồn phát triển, trong cái trí, trong sự khôn ngoan của con người, có hai sự việc được thực hiện - và điều nầy cũng xảy ra đối với bản ngã thấp hèn nữa; tự ý mình, con người tự lựa chọn lấy một mục đích khó đạt được, vì y thấy mục đích nầy hết sức tốt đẹp - tuy nhiên, muốn đạt được nó, y phải hy sinh vài thứ dục vọng thấp hèn. Vậy y phải hy sinh chúng và đốt cháy chúng đi trong ngọn lửa của sự hiểu biết. Nhưng rồi y nhận thấy rằng cùng một lúc, y cũng đốt cháy những chướng ngại và những sợi dây ràng buộc y, y đốt cháy những nhược điểm ngăn cản không cho y tiến bước; và có cảm giác rát phỏng, thoạt đầu đau đớn, chỉ là hiệu quả của ngọn lửa đốt những xiềng xích của y. Vậy y rất vui mừng mà nhận lấy sự giải thoát nầy. Kinh nghiệm lặp đi lặp lại nhiều lần, và con người càng ngày càng trông thấy sự giải thoát và càng ngày càng bớt đau khổ; phải trả giá sự giải thoát bằng sự đau khổ! Vậy theo quan điểm nội tâm, sự đau khổ được biến đổi thành sự vui mừng, và chính ở nơi đây thuật luyện kim tinh thần đang tác động. Con người thấy rằng trong khi Bản chất cao cả nhập với Bản thể thấp kém, thì cái Bản thể trên giúp cho Bản chất dưới chia sớt được với mình cái niềm vui và hưởng thụ được Hạnh phúc Tuyệt vời một cách sâu xa hơn; hạnh phúc nầy không bao giờ thay đổi và luôn luôn tăng trưởng. Khi Linh hồn đi đến gần cửa Thánh Điện, mục đích của tất cả những bài học ấy hiện ra rõ ràng, nó bắt đầu nhận thấy rằng tất cả những bài học đó đều nhắm giải thoát Linh hồn ra khỏi những ràng buộc - những dây ràng buộc nầy là nguyên nhân duy nhất của sự đau khổ, vì chỉ chúng ngăn cản, không cho Linh hồn hợp nhất với anh em của nó là những Linh hồn khác, và hợp nhất với Thượng Đế. Khi sự tin chắc như thế càng ngày càng thêm, khi cái Bản thể thiêng liêng tức là Chơn Nhơn càng tự ban rải ảnh hưởng xuống, thì người ta sẽ luôn luôn cảm thấy một nguồn vui thiêng liêng trong sự hủy diệt những điều kiện hạn chế, người ta sẽ thấy rằng nguyên do của sự đau khổ chỉ là sự chia rẽ, mà nguồn cội của sự chia rẽ là sự vô minh, và một khi tiêu diệt được sự vô minh thì tự nhiên sự đau khổ cũng sẽ chấm dứt ngay tức khắc. Còn điều nầy nữa: Khi ta nhìn được rằng những sợi dây trói buộc chỉ là những ảo ảnh, hữu danh, vô thực, không thể tồn tại được trong cảnh giới của Chơn Nhơn, thì Chơn Nhơn liền quả quyết bắt đầu biến hóa những năng khiếu của bản ngã thấp hèn, và do hành động tinh thần hóa nầy mà tinh luyện chúng, như tôi đã nói ở đoạn trên.

*

* *

Chúng ta hãy lấy một vài thí dụ và nhận xét coi cái công việc biến hóa nầy được thực hiện như thế nào. Trước hết, chúng ta hãy tìm học về một trong những nguồn cội lớn nhất của sự đau khổ nơi hạ giới nầy, là sự tìm kiếm thú vui cho cái tôi riêng biệt, không đếm xỉa đến những ý muốn và tình cảm của kẻ khác - cái dục vọng muốn thụ hưởng một mình, thụ hưởng trong phạm vi chật hẹp, xa cách hẳn cõi đời bên ngoài, một phạm vi để dành riêng cho sự thỏa mãn riêng biệt của cái “Tôi” thấp hèn. Linh hồn sẽ cư xử ra sao đối với cái bản năng cứ thúc đẩy ta đi tìm thú vui. Bản năng nầy có một yếu tố gì mà ngọn lửa có thể tinh luyện và biến hóa được không?

Sự tìm kiếm thú vui mà luôn luôn có sự đau khổ đi theo sau, có thể trở thành cái khả năng ban rải sự vui mừng và chia sớt với tất cả mọi người cái điều mà một người đã hoạch đắc được. Linh hồn sẽ khám phá ra rằng nó có thể thực hiện sự biến hóa nầy bằng cách loại bỏ dần dần yếu tố chia rẽ trong cái bản năng cứ muốn kiếm thú vui nơi ngoại giới, luôn luôn cố gắng xua đuổi cái ý muốn tự độc chiếm, bằng cách lật đổ cái bức tường vô minh nhỏ bé bao vây Llinh hồn trong những cõi hạ giới nầy, nơi đó Linh hồn đang tự biểu lộ bằng cách đốt cháy bức tường thấp kém có thể ngăn cách Linh hồn với kẻ khác. Cứ làm như vậy cho đến khi mỗi lúc tưởng tượng và thu lượm được một thú vui, bản ngã liền tự ban rải ra ngoài, giữa các huynh đệ của nó và chia sớt với họ niềm hạnh phúc mà nó đã tìm thấy. Làm như vậy, không mất đi gì cả, vì tuân theo định luật, Linh hồn tìm thấy một niềm vui sâu xa. Trong một thế giới mà Định luật ngự trị khắp mọi nơi, nếu ta sống điều hòa với Định luật thì chắc chắn ta sẽ được sung sướng và yên ổn. Chỉ có một âm phù sái điệu cũng đủ chỉ cho ta thấy không có sự điều hòa với Định luật. Nhưng Linh hồn đang được phát triển nầy, nhận biết rằng mình đã hoạch đắc được đôi ba mãnh lực, đôi ba kiến thức, đôi ba chân lý thiêng liêng sẽ có thói quen cảm biết nỗi vui thiệt thọ của sự sở hữu không phải là sự chiếm hữu, mà chính là sự ban rải ra, và việc mà Linh hồn phải làm là đạp đổ tất cả những bức tường mà xưa kia chính tay nó đã dựng nên, khi nó hãy còn vô minh để cho niềm vui của nó có thể tỏa rộng một cách tự do, xuyên qua thế giới của loài người và loài vật. Cái bản năng hay tìm kiếm thú vui có thể biến đổi thành khả năng ban rải sự vui mừng; và con người xưa kia đã tìm thú vui trong cảnh riêng rẽ, nay sẽ hiểu rằng: chỉ chia sớt cho kẻ khác thì ta mới vui được, và những của cải đáng thu thập là những của cải mà người ta có để ban rải ra mà thôi. Sự vui mừng vì được cho ra, thật vậy, đó là sự hy sinh thiệt thọ, sự ban rải tràn trề mọi điều cho tất cả mọi người, nếu không ban rải như vậy thì những vật sở hữu sẽ không có giá trị gì cả, vì nó bị chứa đựng trong một cái “Tôi” riêng biệt. Chúng ta hãy lấy một cảm tình khác làm thí dụ, cảm tình nầy có thể được thay đổi cũng nhờ thuật luyện kim tinh thần ấy; cảm tình ấy là bản năng đi tìm thú vui, vì riêng chữ “tình yêu” đã ít nhất bao hàm cái ý tưởng cho ra, nếu không thì đâu phải là tình yêu! Nhưng tình yêu có thể rất ích kỷ, tìm cách thụ hưởng hơn là cho ra, trước hết nó nghĩ đến cái gì mà những vật nó yêu thương mang lại cho nó, chớ không phải cái gì mà nó có thể ban cho chúng. Chính vì do cái điểm muốn được lời nên tình yêu nầy có những nét đáng buồn của sự độc quyền, của tật ghen tuông, của ý muốn xua đuổi kẻ khác ra phía xa, nó có ý muốn giữ vật nó yêu lại cho riêng mình, và tôi có thể nói nó muốn lấy cái mái nhà mà úp chụp lên mặt trời, để mặt trời chỉ soi sáng riêng nhà mình thôi, và khiến cho mọi nhà khác không được hưởng thụ những tia sáng nhân từ đó. Tình yêu ích kỷ nầy, ta phải làm cách nào để tinh luyện nó? Chắc chắn không phải bằng cách thu hẹp nó lại như một số người đang tìm cách làm, không phải bằng cách làm cho nó trở thành lãnh đạm hơn, cứng rắn hơn, vì tình yêu không bao giờ có thể trở nên lãnh đạm và cứng rắn được. Phải tinh luyện nó bằng cách khuyến khích tình yêu và đồng thời phải loại bỏ ra ngoài những yếu tố ti tiện. Phải coi chừng bản ngã thấp hèn và khi mà nó mới bắt đầu xây dựng lên một bức tường chia rẽ nhỏ, thì ta phải đập tan bức tường ấy ngay đi; nếu nó muốn giữ lấy một mình một đồ vật quí báu, đẹp đẽ, ta phải tìm cách chia sớt đồ vật ấy ngay với kẻ khác; nếu nó muốn cho kẻ khác không có đồ vật mà ta yêu dấu, ta phải ban rải đồ vật ấy ngay ra ngoài và chia sớt nó với kẻ khác. Linh hồn hiểu rằng phải chia xẻ với người khác điều gì phát sanh ra Mỹ lệ và vui mừng, để cho họ cũng có thể nếm được hạnh phúc mà xưa kia chỉ có một người tìm thấy được ở đồ vật mến yêu. Như vậy, tất cả những yếu tố thô trược sẽ dần dần biến mất. Nếu lòng ích kỷ mới vừa nảy sanh nó sẽ bị dẹp qua một bên ngay. Tánh ghen tị có bắt đầu nảy nở, nó sẽ bị chận đứng lại ngay. Vì thế cho nên nơi nào mà trước kia có ý nghĩ: “Chúng ta hãy ở riêng rẽ một mình và thụ hưởng,” người ta sẽ thấy một tư tưởng khác được nảy sanh: “Chúng ta hãy cùng nhau đi khắp thế gian và chia sớt với những người khác niềm vui mà chúng ta đã cùng nhau tìm kiếm được.”

Như thế, theo thuật luyện kim đó, tình yêu sẽ biến đổi thành lòng từ bi thiêng liêng và tự ban rải ra khắp nhân loại, và kẻ xưa kia đã ưa thích thu nhận những món quà của vật mình yêu, nay lại sẽ hết sức vui mừng ban rải cho mọi người những điều mà y đã tìm được. Có thể rằng xưa kia tình yêu nầy đã ích kỷ. Có lẽ xưa kia nó đã hợp nhất một người nam với một người nữ. Rồi nó được mở rộng ra mà bao gồm cả phạm vi gia đình, rồi bao gồm cả đời sống xã hội và đời sống của dòng giống nữa, sau cùng nó sẽ lan rộng và bao quát cả mọi sanh linh, trong một vũ trụ mà mọi vật đều có chứa đựng sự sống. Tình thương nầy sẽ không hề mất vẻ sâu xa, nồng nàn, nhiệt thành và sốt sắng; nhưng nó được lan rộng ra khắp vũ trụ, thay vì tự tập trung vào một tấm lòng thôi; nó sẽ thành một đại dương của sự từ bi bao gồm tất cả mọi sanh linh biết cảm xúc. Phép luyện kim tinh thần được áp dụng vào tình thương là như vậy đó.

Chư huynh có thể theo lối nầy mà lần lượt lấy tất cả những tánh của bản ngã thấp hèn và tinh luyện chúng. Nói tóm lại phương pháp nầy nhắm việc tự giải thoát ra khỏi tánh chia rẽ và lấy ý chí, sự hiểu biết và tánh phân biện mà tiêu diệt nó đi. Chư huynh cũng sẽ thấy rằng trọn cả cái công việc nầy là một niềm vui cho Chơn Nhơn, cho con người thiệt thọ, tuy rằng bản ngã thấp hèn, trong khi mù quáng, có thể tỏ ra vô minh. Khi tin chắc được như vậy, cái điều mà ta gọi là đau khổ sẽ mất vẻ cực nhọc, khó chịu đi và trở thành một niềm vui.

Ở nơi mà trước kia, cái cảm giác đau khổ ngự trị, thì nay niềm vui đang tràn lan và biến đổi sự đau khổ, vì Linh hồn đã nhìn thấy, và bản ngã thấp hèn đã bắt đầu hiểu được cứu cánh và mục đích của kiếp người.

Khi tiếp tục nghiên cứu như vậy, chúng ta thấy rằng sự biến hóa nầy còn có thể thực hiện theo một lối khác nữa. Khi mà ngọn lửa minh triết và mến yêu, cái Bản tánh thiêng liêng nơi con người càng ngày càng thấm nhuần bản ngã thấp hèn và đốt cháy mọi giới hạn mà tôi vừa nói, biến bản ngã thấp hèn giống hệt hình ảnh của Bản tánh thiêng liêng, Chơn Nhơn liền tự biểu lộ ra nơi bản ngã thấp hèn, những năng lực và những năng khiếu hình như được phát sanh từ sự tiến triển mà chúng ta đã nghiên cứu, đó cũng là một sự lạ lùng. Nhờ thuật luyện kim đã có sẵn trong thiên nhiên, khi Linh hồn do ngọn lửa mến yêu và minh triết mà tự biểu lộ trong nhân loại, thì dường như chỉ một việc đốt cháy những yếu tố thấp hèn cũng đủ khiến cho ở một cảnh giới cao hơn, có một số thần lực tế nhị, thanh bai được phóng ra.

Vậy hiệu quả của sự đốt cháy nầy là giải thoát cho đời sống tinh thần, giải thoát cái điều mà trước kia bị trói buộc, không thể tự biểu lộ ra được, nay vì cái vỏ bên ngoài đã bị đốt cháy rồi nên điều đó sẽ sẵn sàng tác động một cách mạnh mẽ trong thế gian. Trong khi Linh hồn vượt lên đến những cảnh giới cao siêu hơn, nơi đó nó càng ngày càng nhìn thấy rõ ràng, sự hợp nhất của nó với vạn vật, chúng ta liền hiểu được một cách mơ hồ rằng còn có một chơn lý vĩ đại nữa. Vì đã được hợp nhất với các Linh hồn khác, nên Linh hồn ta có thể chia sớt với họ những điều mà ta có và giúp đỡ họ theo nhiều đường lối; bằng sự hy sinh vui vẻ, nó có thể cho ra những vật sở hữu mà đáng lẽ nó giữ lại cho mình, nhưng vì đã hợp nhất với vạn vật nên nó phải mang ra mà ban phát cho đời. Như vậy theo cách đó, những kết quả của công phu luyện tập, những khả năng an dưỡng tinh thần, sự hưởng được chí phúc, và sự phát triển tinh thần, thật ra thì mấy điều nầy không san sẻ cho ai được; nhưng Linh hồn từ khước chúng do một hành động vui vẻ và cần thiết hầu để cho chúng nó thành ra của cải chung cho nhân loại để thúc đẩy sự tiến hóa.

Vì vậy người ta có nói với chúng ta về những người đệ tử hy sinh, không màng lên cõi Thiên đàng, các vị Chơn Tiên hy sinh từ khước cảnh Niết bàn. Như vậy chúng ta phải hiểu rằng - mặc dầu chúng ta cảm thấy điều nầy một cách mơ hồ - tất cả những vị nầy đã hợp nhất với các huynh đệ của mình cho đến mức chia sớt cái kết quả của những sự cố gắng của các Ngài với kẻ khác là một bổn phận thiêng liêng của các Ngài vậy; cái phần thưởng thiệt thọ của các Ngài không phải là niềm vui ở Thiên đàng, không phải là những hạnh phúc tuyệt vời không thể tưởng tượng được ở cảnh Niết bàn, các Ngài chỉ muốn hưởng một niềm vui duy nhất: là cởi bỏ những sở hữu của các Ngài, cởi bỏ tất cả những gì mà các Ngài có thể thụ hưởng, đặt chúng vào một nơi để làm của chung cho tất cả mọi người. Theo lối đó, các Ngài thúc đẩy sự tiến hóa tổng quát; các Ngài dự một phần vào công việc thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại trong đó các Ngài cũng là những phần tử.

Bây giờ chúng ta lại nhìn thấy một chơn lý khác, vì chúng ta bắt đầu hiểu được cái cách thức giúp đỡ một người nào đó. Khi một người bị quả báo dồn dập mà chính y đã tạo nên, khi một định luật nghiêm khắc khiến cho Linh hồn y phải chịu đau khổ - vì chính y xưa kia đã gieo cái nhân - đối với ai mà trước mắt không còn trông thấy sự chia rẽ nữa và đã biết rằng ở trên cảnh giới cao siêu của thực tại, mình được hợp nhất với Linh hồn đang đau khổ, thì vì đó có thể, không phải là tự mình hứng chịu lấy sự đau khổ ấy, hứng lấy cái quả không thế nào tránh khỏi, để cho con người đã gieo nhân kia khỏi phải chịu quả báo nặng nề, nhưng vị đó có thể đứng ở bên cạnh người đang gặt quả báo, và tiếp cho y một sức mạnh, một nguồn sống mới mẻ, một sự hiểu biết mới mẻ. Như vậy người ta có thể giúp đỡ Linh hồn đau khổ trong khi nó đang phải trả quả báo nặng nề, bằng cách ảnh hưởng, không phải đến bản tánh của quả báo, mà ảnh hưởng đến cái thái độ của kẻ phải trả quả, không phải bằng cách biến đổi gánh nặng, mà chính là biến đổi những mãnh lực của Linh hồn dùng để chịu đựng được gánh nặng ấy. Một trong những niềm vui cao cả nhất, một trong những phần thưởng cao quí nhất mà Linh hồn đang phát triển có thể nhận được - Linh hồn nầy không đòi hỏi một điều gì cho riêng mình, ngoại trừ cái khả năng được phụng sự - là khi nó gặp một Linh hồn khác yếu đuối hơn đang bị cái bản chất yếu đuối đó đè bẹp xuống thì Linh hồn đang phát triển có thể truyền qua Linh hồn yếu đuối nầy một chút lòng can đảm cao siêu, khiến cho gánh nặng của nó trở nên nhẹ nhàng, khiến nó hiểu biết, và vì vậy mà có hy vọng cùng sức mạnh để chịu đựng mọi sự. Khi Linh hồn yếu đuối được cứu giúp, nó có đủ sức mạnh để làm tròn phận sự của mình. Sự cứu giúp nầy không giải thoát cho Linh hồn khỏi mang gánh nặng mà tự tay đã tạo ra, mà chính mình phải gánh vác lấy, vì điều nầy hữu ích cho nó, nhưng sự cứu giúp nầy truyền đạt cho Linh hồn yếu đuối một sức mạnh phát sanh từ sự thông hiểu mọi điều. Nhờ sức mạnh nầy, sự đau khổ của một hình phạt bỗng biến thành một sự an phận trầm lặng chịu đựng những nỗi đau đớn có sức giáo hóa con người. Một Linh hồn được giúp đỡ như vậy trở nên vui vẻ, dù phải chịu đựng cái sức nặng của quả báo. Món quà nầy làm cho nó trở nên mạnh mẽ. Ấy là Sự Sống Thiêng Liêng đã chiếu rạng, phát sanh từ cảnh giới cao siêu nơi đó tất cả những Linh hồn đều chỉ là một. Ở cảnh giới nầy luôn luôn tràn ngập thần lực, thần lực nầy thành ra sự giúp đỡ mạnh mẽ do những sự hiến dâng không ngớt của những vị đã khám phá ra được niềm vui thiêng liêng của sự cho ra. Đối với các Ngài phần thưởng duy nhất của các Ngài là được nhìn thấy các em nhỏ tiến lên đến cái ánh sáng mà các Ngài đã đạt được rồi.

Nhưng nếu quả thật như vậy, tại sao ta lại có một tư tưởng thường hay quấy nhiễu mà chúng ta đều biết. Chắc chắn là người ta đã nói điều đó với kẻ chí nguyện; ngay từ lúc khởi đầu những sự thử thách trong thời kỳ chuẩn bị y đã cảm thấy tư tưởng đó rồi, có lẽ y đã tưởng rằng tư tưởng nầy chỉ ngự trị trong Sân Ngoài mà thôi, khi y vừa bước qua khỏi cửa. Tại sao con Đường Đạo lại bị gọi là “Con Đường đau khổ,” nếu mỗi khi tiến lên thêm một bước, một niềm vui thiêng liêng càng ngày càng chói sáng? Tuy nhiên, người ta có thể giải nghĩa từ ngữ nầy một cách dễ dàng. Như vậy, chỉ cần phải hiểu trước hết, con đường nầy có vẻ đau khổ đối với ai. Phải hiểu sự leo ngay lên sườn núi, cái ý chí quả quyết tiến lên cao một cách nhanh chóng, cái lòng nhất quyết phải vượt qua mức tiến hóa bình thường của nhân loại - lẽ tự nhiên sẽ khiến ta tập trung trong vài ba kiếp ngắn ngủi những kết quả mà nếu ta không cố gắng như thế, sẽ phân phối ra trong nhiều kiếp luân hồi. Quả báo của dĩ vãng đột nhiên tuôn xuống, vì giờ đây, Linh hồn phải đương đầu với nó và trả quả trong một thời gian thật ngắn, và những nỗi khó khăn sẽ nổi lên một cách đáng sợ và mãnh liệt. Sự tấn công đầu tiên nầy có thể vô cùng tàn bạo khiến ta ngạc nhiên, nó có một sức mạnh khiến ta phải lấy làm lạ lùng và khiến cho Linh hồn phải đau khổ đến một mức mà xưa kia chưa bao giờ nó ngờ tới được. Nhưng ngay ở lúc đó, không phải Linh hồn đang thật sự chịu đựng sự đau khổ đâu, đó là cái bản ngã thấp hèn hãy còn mù quáng và luôn luôn bị Chơn Nhơn cao cả thúc đẩy phải luôn luôn tiến về phía trước. Ngay ở trong cái giờ phút bị thử thách một cách đau đớn, khi tất cả những quả báo đã tích trữ trong biết bao nhiêu tiền kiếp bỗng nhiên rơi tới tấp lên đầu một kẻ có gan dạ dám kêu gọi quả báo đến. Ngay chính lúc đó, Linh hồn vẫn luôn luôn an tịnh, vui vẻ mà thực hiện một cách lẹ làng việc, mà chẳng vậy, phải kéo dây dưa trong nhiều kiếp tái sanh, vì Linh hồn đã nhắm mắt theo một đời sống duy nhất mà nó cho là chánh đáng.

Vì thế cho nên, khi nhận xét từ dưới ngó lên thì con đường nầy bị gọi là “Con Đường Đau Khổ.” Cũng bởi vì khi con người đặt chân lên con đường đó, thì y từ bỏ biết bao nhiêu là sự vật, chúng là những thú vui, theo con mắt của người đời: thú vui xác thịt, thú vui thế tục, những lạc thú đủ loại; mà đối với biết bao nhiêu người thì chúng là những bông hoa mọc ở hai bên vệ đường đời. Nhưng Linh hồn đã nhất quyết lên cao không còn thích những thú vui ấy nữa, nó không còn ham muốn chúng; nó tìm kiếm những thú vui trường tồn, không bao giờ phai nhạt được. Từ phía ngoài nhìn vào, con đường nầy dường như là Con Đường đoạn tuyệt, dứt bỏ, nhưng nhìn từ một quan điểm bên trong, thì sự đoạn tuyệt nầy là sự vui mừng, sự an lạc và hạnh phúc được tăng trưởng. Vì người ta không đón rước sự đau khổ đến bởi thích chịu đau đớn, mà người ta chỉ loại trừ một hạnh phúc phù du để có được một hạnh phúc tuyệt vời bất diệt, mang những sự vật mà những hoàn cảnh ngoại giới có thể cướp mất của chúng ta và đổi chúng lấy những sự quí báu nội tâm, những vật sở hữu của Linh hồn, những kho tàng mà không một tên trộm nào có thể rờ mó tới được, những niềm vui mà không một biến cố hồng trần nào có thể làm giảm bớt, phá quấy hay làm cho lu mờ đi.

Khi Linh hồn càng tiến bước trên Con Đường Đạo, niềm vui của nó càng ngày càng trở nên sâu xa hơn, vì ngay ở lúc đầu, sự phiền não đã chứng tỏ rằng nguồn cội của nó là sự vô minh. Dĩ nhiên, trước khi được hiểu biết, con người phải chịu cay đắng và đau khổ; nhưng nguồn cội của đau khổ là sự vô minh, sự mù quáng. Vì thế cho nên sự buồn rầu ám ảnh những người có lẽ vì sự buồn rầu ấy nên mới đi tìm Con Đường Đạo, khi nhìn khắp nhân gian họ thấy đâu đâu cũng đầy dẫy sự khốn cùng và khổ não, thì một nỗi buồn làm cho lòng họ se thắt lại; khi họ nhìn thấy những người nam, người nữ cùng các trẻ em phải đầu thai xuống cõi hạ giới nầy để chịu đau khổ, cứ cách 100 hay 1.000 năm, khi nhìn thấy con người phải đau khổ mà không hiểu duyên do vì đâu đau khổ, vì bị sự vô minh nó thúc giục, châm chích; sự vô minh nầy chính là nguyên do của sự đau khổ! Khi nhìn vào một thế giới bị những bóng tối bao phủ, nhìn vào một nhân loại đang vùng vẫy và bị siết chặt trong sự vô minh, những ai sau nầy sẽ trở nên những Đấng Cứu Thế cảm thấy tất cả những nỗi cùng khổ của cõi đời nầy và cũng có ý muốn tìm Con Đường Giải Thoát để cứu đời. Khi nghiên cứu trong dĩ vãng về tiểu sử các Đấng cao cả ấy; trong dĩ vãng, chư huynh có bao giờ lưu ý đến vài ba tia sáng mà lịch sử hay truyền thuyết đã phóng ra để làm sáng tỏ đời sống của các Ngài trong thế giới loài người chăng? Chư huynh có bao giờ chú ý đến sự việc nầy chăng: là trước khi tìm thấy ánh sáng, các Ngài phải trải qua giai đoạn khắc khoải lo âu? Cái sự khắc khoải lo âu nầy có căn nguyên ở sự bất lực, nó là tiếng vang của những sự buồn rầu mà các Ngài đã phải chịu đựng nhưng vô phương cứu chữa. Nếu chư huynh nhận xét về nỗi đau khổ của một vị siêu nhân mà ngày nay cả trăm triệu con người tôn kính như là một Đấng cao cả nhất, như là Bông hoa của chính nhân loại chúng ta đây, nỗi đau khổ của Đức Phật mà hiện giờ được 1/3 nhân loại sùng bái, tôi xin hỏi chư huynh có nhớ Ngài đã tìm kiếm cội rễ sự đau khổ theo cách nào? Ngài đã tham thiền như thế nào về sự vô minh và nỗi khốn cùng của thế gian mà Ngài không tìm thấy phương cứu chữa? Có lẽ câu nói nầy là một câu nói bóng dáng. Ngài đã lìa vợ con, bỏ lầu đài cung điện, bỏ gia đình, bỏ sơn hà xã tắc như thế nào? Ngài đã ra đi như thế nào, chỉ mang theo một cái bình bát, cô đơn, dấn thân vào rừng sâu hiu quạnh; vì lúc đó Ngài chưa được tỏ ngộ nên tấm lòng Ngài phải nặng trĩu vì đau khổ như thế nào? Người ta nói lại với chúng ta rằng lúc đó Ngài chưa biết phải làm sao mà cứu nhân độ thế, và khi thế gian còn đau khổ thì Ngài không thể an lạc được. Ngài đã phải trải qua biết bao nhiêu sự nguy hiểm, biết bao nhiêu sự đau đớn, biết bao nhiêu sự khổ hạnh; Ngài cũng đã trải qua trạng thái của một Linh hồn đã hoài công tìm kiếm chơn lý trong sự tối tăm và khắc khoải. Cuối cùng, một ngày kia, ngồi dưới gốc cây Bồ đề thiêng liêng, Ngài tỏ ngộ và hiểu được nguyên nhân của sự đau khổ! Ngay lúc đó, sự đau khổ tiêu tan đi và nhường chỗ cho sự vui mừng hoan hỉ. Ngay hôm đó, sự chiến thắng, niềm hoan hỉ, cái hạnh phúc bất biến bừng nở và reo vui trong những lời châu ngọc của Ngài đã thốt ra, mà trải qua nhiều thế kỷ, nhân loại đã giữ gìn được cho chúng ta đến ngày nay. Có lẽ chư huynh hãy còn nhớ những lời một thi sĩ người Anh đã dùng để diễn tả những câu của Phật đã nói, chứng minh rằng nguồn cội của sự đau khổ là sự vô minh, và nguồn cội của sự giác ngộ và của hạnh phúc là minh triết: “Ta, Đức Phật, xưa kia Ta đã từng nhỏ lệ chung với các huynh đệ của Ta. Những nỗi đau khổ của trọn cả thế gian đã làm cho trái tim của các huynh đệ Ta tan nát. Giờ đây, Ta cười và hoan hỉ, vì thật có sự giải thoát, thật có sự tự do.”

Sự tự do, sự giải thoát, đó là sự vui mừng hoan hỉ. Sự vô minh và sự mù quáng làm cho ta phải nhỏ lệ. Sự đau khổ của thế gian khiến cho cõi lòng tan nát, cũng như bây giờ nó đang làm tan nát cõi lòng của bao nhiêu người vô minh. Nhưng có một sự giải thoát nó nhắn nhủ ta như thế nầy: Nguồn cội của sự đau khổ là ở nơi ta chớ không phải ở nơi vũ trụ, ở trong sự vô minh của ta chớ không phải ở trong cõi đời. Như thế đó, khi ánh sáng chói rạng thì có ngay sự giải thoát, niềm vui, và tiếng cười của con người liền trở nên siêu phàm thoát tục, vì ánh sáng thiêng liêng đã tràn ngập Linh hồn y. Y đã giác ngộ, y đã trở nên minh triết, và người minh triết thì không bao giờ buồn rầu, vì trong Linh hồn đã được giác ngộ một cách phi phàm, sự đau khổ đã bị hoàn toàn tiêu diệt.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh