Trước Thềm Thánh Điện: Chương 3. Sự Lập Hạnh Hay Là Luyện Tánh

TRƯỚC THỀM THÁNH ĐIỆN: CHƯƠNG 3. SỰ LẬP HẠNH HAY LÀ LUYỆN TÁNH

Ngay lúc khởi đầu bài diễn thuyết thứ ba nầy, tôi muốn nhắc lại lời khuyến cáo đã được nói đến ở cuộc hội họp thứ I của chúng ta. Sự khuyến cáo nầy có liên quan đến những đức tánh mà chúng ta đang khảo học hiện nay, và cái cách thức mà những người đang ở Sân Ngoài phải tư tưởng và hành động. Xin chư huynh hãy nhớ rằng tôi đã miêu tả vị trí của người chí nguyện đã tiến đến mức nầy, tôi đã chỉ dẫn cho chư huynh thấy nó khác xa với vị trí của một người hiền lành, đức hạnh, sùng đạo, nhưng chưa nhìn nhận được mục đích của sự tiến hóa của nhân loại và chưa hiểu được bổn phận của mình rộng lớn như thế nào. Tôi muốn nhắc nhở để chư huynh nhớ rằng trong khi phác hoạ những đức tánh mà những người bước vào Sân Ngoài cần phải có, tôi luôn luôn coi đó là một sự luyện tập tự ý mình, sau khi đã suy nghĩ kỹ càng để đi đến mục đích đã được ấn định rõ rệt.

Ngoài ra khi nói đến những đức hạnh cần phải có nầy, tôi không nói rằng chúng phải được hoàn toàn phát triển trong khi người chí nguyện hãy còn đứng ở Sân Ngoài Thánh Điện. Tôi chỉ nói rằng y phải bắt đầu xây dựng đức hạnh của mình, phải hiểu hết sức rõ ràng công việc mà mình phải làm, phải cố gắng tiến về phía lý tưởng của mình, dù y thành công được nhiều hay ít. Tôi không bao giờ chủ trương rằng sự tinh luyện trọn vẹn, sự triệt để làm chủ tư tưởng, sự lập hạnh tuyệt đối, sự biến đổi hoàn toàn những năng lực thấp hèn thành những năng lực cao thượng, tất cả những sự toàn thiện toàn mỹ đó phải được thực hiện trước khi người chí nguyện bước qua ngưỡng cửa Thánh Điện. Thật vậy, ở Sân Ngoài, y lo lắng xây dựng nền móng của tòa dinh thự tương lai, vẽ một cách đầy đủ và khá cẩn thận những họa đồ của tòa nhà mà y muốn hoàn thành một ngày sau đây. Sự thực hiện những họa đồ nầy, sự xử dụng những vật liệu để xây dựng trên những nền móng đó, sự dựng nên những bức tường, sự đặt viên đá cuối cùng, đỉnh nóc của tòa nhà - tất cả cái công việc hoàn thành rốt ráo nầy sẽ được thực hiện ngay ở Trung Tâm Thánh Điện, sau khi con mắt đã được mở rộng, chớ không phải trong khi người chí nguyện hãy còn vô minh, nhìn không thấy tỏ rõ, đang cố gắng ở Sân Ngoài.

Nhưng cái điều mà tôi muốn chư huynh hiểu trước hết, đó là bức họa đồ đã được vẽ, đã được chấp thuận rồi, đó là người thí sinh tự chuẩn bị để đạt được cái mục đích cao siêu của nhân loại toàn thiện toàn mỹ; theo đà thời gian y sẽ được trông thấy những trình độ cao cả hơn. Dù một sự ước nguyện như vậy có vẻ bao la rộng rãi đến đâu chăng nữa, dù sự phác họa cái công việc phải làm có vẻ vĩ đại như thế nào đi nữa - những chi tiết của công việc sẽ được hoàn thành về sau – thì ở Sân Ngoài thí sinh vẫn chấp thuận bức vẽ đại cương đó, cái bức họa tổng quát sau nầy nhiều chi tiết sẽ được lần lượt từng cái một ghi thêm vào. Mặc dầu những sự thực hiện được bây giờ có vẻ nhỏ bé đến đâu, đó cũng vẫn là cái nền tảng chắc chắn để xây dựng những vinh quang trong tương lai.

Tôi nhấn mạnh về điểm nầy, vì người ta đã bảo với tôi rằng nếu tôi ấn định một phạm vi rộng rãi như vậy cho thí sinh ở Sân Ngoài, thì có thể là đôi ba người ngồi nghe tôi đây sẽ nản lòng, hay là sẽ thất vọng nữa là khác. Vì vậy cho nên cần phải để cho mọi người hiểu rằng, dù có phác họa một tấm đồ hình tổng quát, thì những sự khởi đầu cũng chỉ là những sự khởi đầu, và một khi bước qua thềm cửa, còn phải sống trong nhiều kiếp nữa để hoàn thành cái công việc mới được bắt đầu ở đây. Chư huynh chỉ nên nhớ rằng trọn vẹn cả tòa nhà sẽ được hoàn tất theo họa đồ mà kiến trúc sư phải vẽ ngay từ bây giờ.

Một khi chư huynh hiểu rõ được điều nầy rồi, tôi xin nói về sự lập hạnh, tức là tự mình xây dựng lấy tánh nết của mình. Đây là một sự xây dựng rõ ràng và thực tế và đó cũng là cái công việc chánh yếu của người thí sinh nơi Sân Ngoài Thánh Điện. Chúng ta cũng biết rằng trong những tiền kiếp, y đã là một người đức hạnh và sùng đạo. Y phải công nhận rằng y không được để một tật xấu nào trong lòng và không tha thứ một sự ác nào nơi bản thân y. Nếu còn có một mầm mống tật xấu thì phải loại trừ ngay đi, nếu còn có những xu hướng phạm tội ác thì phải nhất định triệt để bứng gốc rễ chúng đi. Trong Sân Ngoài nầy không thể có sự thỏa hiệp với điều ác, không được rộng lượng dung thứ điều gì không công bình, không trong sạch, không nhân đức. Có thể rằng thí sinh còn yếu đuối trong khi làm điều thiện, nhưng Linh hồn y không thể còn sống bơ thờ trong điều ác được nữa. Người chí nguyện đã hoàn toàn lìa xa điều ác, y đã loại trừ được những yếu tố ô trược nhất nơi bản tánh mình, đã hoàn thành xong cái giai đoạn đầu tiên của sự chiến đấu nội tâm. Y không được phép mang những hòn đá kịch cợm đến mà xây dựng vòng ngoài Thánh Điện. Y phải gọt giũa trau chuốt những hòn đá đó từ kiếp nầy sang kiếp khác, tánh nết y còn phải được tập luyện lâu hơn nữa, trước khi có thể được xử dụng ngay ở vòng ngoài Thánh Điện.

Chúng ta đã dẹp lại phía sau sự gột rửa sơ lược tánh nết của ta và lo xây dựng những đức tánh tích cực. Như chúng ta sẽ thấy, những đức tánh mà chúng ta sẽ nghiên cứu thật là cao thượng hơn hết. Đó không phải chỉ là những đức tánh được coi như là cần thiết trong đời sống thường mà là những đức tánh của người chí nguyện phải có để trở thành một Vị Phụ Tá và một Vị Cứu Thế, những nét đặc biệt của những Vị Chuộc Tội cho nhân loại, những Vị tiên phong và tiên tiến của cả giống nòi.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Cái điều khiến cho ta phải chú ý trước nhất trong sự lập hạnh của người đệ tử để đi đến Sân Ngoài, là tính cách hết sức quả quyết của nó vậy. Đây không phải là lúc có những sự kích thích nhất thời, những sự xây dựng tùy ý thích, lúc thì bị bỏ rơi, lúc thì được bắt đầu làm lại theo sự ngẫu nhiên của hoàn cảnh, tùy theo những cố gắng đột khởi, lúc theo chiều hướng nầy, lúc theo chiều hướng khác. Giờ đây không phải là lúc đi tìm một mục đích ở khắp mọi nơi. Tất cả những sự do dự lúc ban đầu đều thuộc về dĩ vãng rồi: con người đã nhìn nhận được mục đích của đời sống, sự cố gắng của y phải nhắm theo chiều hướng nào, điều nầy đã được ấn định rõ ràng rồi. Đây là một sự xây dựng đã được suy nghĩ chín chắn của một người biết rằng mình có đủ thời giờ cần thiết và không sự gì trong Thiên nhiên mà lại bị mất đi cả. Đây là một sự xây dựng có tính toán, bắt đầu với những vật liệu mà kiến trúc sư có sẵn trong tay, với cái tánh nết mà y đang có hiện thời.

Con người bình tĩnh nhận xét tất cả khả năng cùng những khuyết điểm của mình, y bắt đầu làm việc để tăng cường khả năng và sửa chữa những khuyết điểm. Phải xây dựng một cách đúng đắn, theo một đồ hình đã được nhận định kỹ càng, phải kiên nhẫn đục chạm trong tảng đá hoa cứng rắn và vững chắc cái pho tượng kiểu mẫu đã được vẽ xong rồi. Vậy cái điều đầu tiên mà người ta nhận thấy ở những thí sinh nơi Sân Ngoài là sự minh bạch của mục đích đang theo đuổi và cái tính cách tự do của công việc. Từ nay con người biết rằng bất cứ một việc gì đã được bắt đầu thì sẽ được tiếp tục. Y biết rằng sẽ mang theo mình từ kiếp nầy qua kiếp khác những của cải đã tích trữ. Y biết rằng một sự khiếm khuyết mới được khám phá ra, tuy chưa có thể được bổ túc một cách hoàn toàn trọn vẹn, song cũng đã được bổ túc đến một mức nào rồi và một phần công việc đã được làm xong. Y biết rằng một khi đã phát triển được một quyền năng mới mẻ thì quyền năng nầy vĩnh viễn thuộc về y, nó trở thành một phần cố hữu của Linh hồn y, nó thấm nhuần vào bản chất của cá nhân y, và không còn bao giờ có thể mất đi được nữa.

Thí sinh tự ý xây dựng tánh nết mình và đức tin y vững vàng vì y đã hiểu biết đúng đắn tường tận. Y biết rằng dưới mọi khía cạnh của Thiên nhiên, chỉ có một Định luật mà thôi. Khi hiểu được rằng Định luật là bất di bất dịch, chắc chắn rằng mình có thể hoàn toàn triệt để tin cậy nơi Định luật đó, y kêu gọi Định luật giúp đỡ, vì biết rằng Định luật sẽ không làm cho y thất vọng, y cầu khẩn Định luật vì y biết Định luật sẽ phán xét. Y không còn một chút do dự nào, một chút nghi ngờ nào. Những sức mạnh mà y đã tung ra nhất định thế nào cũng phát sinh những kết quả, và mỗi một hạt giống đã gieo trồng, chắc chắn sẽ đơm bông kết trái theo loại của nó, và sau nầy y sẽ gặt hái được cái kết quả tương đương, chớ không có gì khác được. Vậy y không tập luyện một cách hấp tấp vội vàng, không nóng lòng sốt ruột trong khi cố gắng. Nếu quả chưa chín thì sau nầy y sẽ hái được nó, nếu cái hạt giống chưa được sẵn sàng thì sẽ chờ đợi. Y biết rằng Định luật mà y đang tuân theo vừa có tính cách lành thiện, vừa có tính cách bất di bất dịch. Y biết rằng Định luật sẽ mang đến cho y mỗi sự vật đúng với giờ khắc thích hợp, và đối với thế gian cũng như đối với chính bản thân y, giờ đó là giờ tốt nhất vậy.

Vậy thí sinh sẽ bắt đầu tập luyện với những tài liệu mà y đã có sẵn. Đối với y những tài liệu đó là đủ rồi, vì đó là kết quả của dĩ vãng y mà Định luật đã mang đến cho y. Y hoàn toàn hài lòng với những tài liệu nầy, vì chỉ cần phải làm việc với chúng, chớ không phải với những tài liệu khác. Dù hành lý của y phong phú hay khiếm khuyết, đầy đủ hay thiếu thốn y cũng nắm lấy nó và bắt đầu sửa soạn nó. Vì y biết rằng mặc dầu bây giờ y rất nghèo nàn, nhưng sau nầy sự viên mãn, sự phong phú của y sẽ vô bờ bến; y biết rằng mặc dầu những khả năng hiện giờ của y rất thấp kém, nhưng rồi theo với thời gian, sự phát triển của chúng sẽ bao la rộng rãi, vô tận vô biên. Y biết rằng lẽ tự nhiên y sẽ thành công; sự thành công nầy không phải là một sự mơ hồ, có thể xảy ra được, mà là một sự hoàn toàn chắc chắn; đây không phải là một công việc làm gặp sao hay vậy, mà là một sự thật rõ ràng. Định luật phải mang một kết quả tương xứng mà đền bù những sự cố gắng của y, và nếu y chỉ cố gắng ít, thì một ngày kia y sẽ chỉ gặt hái được một cái kết quả nhỏ mà thôi, và cái kết quả nầy sẽ dùng để làm căn bản cho những sự xây dựng về sau.

Càng thêm vào số vốn của mình mỗi ngày một ít thì mỗi sự gắng sức mới mẻ, mỗi sự thành công mới mẻ đều mỗi nâng đỡ con người lên một trình độ cao hơn trước.

Chúng ta đã biết một phần nào cái phương pháp lập hạnh. Chúng ta biết rằng thí sinh phải bắt đầu bằng những tư tưởng từ thiện. Ở chương II chúng ta vừa nghiên cứu về cách tập luyện tư tưởng, sự tập luyện nầy rất cần thiết cho con người nếu y muốn tập làm lành, lánh dữ. Luôn luôn cố gắng để làm chủ tư tưởng như vậy, và biết rõ những điều kiện của sự tập luyện, thông hiểu những định luật chi phối sự phát sanh ra tư tưởng, sự tác động của chúng trên thế gian cùng sự phản ứng của chúng đối với người đã sanh ra chúng, từ nay trở đi người thí sinh được tự do lựa chọn lấy cái tư tưởng lành thiện mà xây dựng tánh nết mình. Đó là một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà y phải làm khi đi ngang qua Sân Ngoài.

Y phải làm việc nầy vì hai lý do: Lý do đầu tiên là vì tư tưởng tốt lành ảnh hưởng đến đồng loại y, và tất cả những thí sinh muốn vào Thánh Điện đều có một lý do chánh yếu là Phụng Sự Nhân Loại. Vì vậy nên khi y lựa chọn tư tưởng, dù y muốn tự mình phát sanh ra những tư tưởng ấy, hay muốn thu nhận vào tâm thức mình những tư tưởng do kẻ khác sanh ra, thì cái lý do chánh yếu của y vẫn là cái ảnh hưởng của những tư tưởng đó đối với kẻ khác chớ không phải đối với y. Trước hết mọi sự, y là thí sinh muốn phụng sự trên mọi cảnh giới. Vì thế cho nên khi lựa chọn những tư tưởng mà y sẽ e trút thêm thần lực của y vào để làm cho chúng thêm linh động, sẽ tính toán đến ảnh hưởng của chúng đối với ngoài đời. Y sẽ dự đoán xem chúng có thể giúp đỡ, có thể thêm sức, có thể tinh luyện kẻ khác như thế nào. Y sẽ đem những tư tưởng hữu ích cho kẻ khác mà đặt vào cái dòng tư tưởng mãnh liệt đã phát sanh tự trí y, và cái mục đích đã được ấn định rõ ràng của y là phụng sự các huynh đệ và giúp đời tấn bộ.

Lý do thứ nhì là y phải xem xét cái bản chất của những tư tưởng của mình, chúng sẽ ảnh hưởng đến y, sẽ phản ứng vào y như thế nào, để xây dựng tánh nết y, chút nữa chúng ta sẽ biết sự tối quan trọng của sự nhận xét nầy, vì thật sự đây là khí cụ dùng để xây dựng tánh nết con người. Và không những y sẽ xem xét ảnh hưởng của tư tưởng mình đối với tánh nết mình, mà y còn được trông thấy rõ ràng những tư tưởng ấy một khi sửa đổi lại tánh tình y, thì sẽ biến đổi tánh tình ấy thành một cục đá nam châm thu hút tất cả những tư tưởng đồng bản chất. Cho nên khi con người hành động như trung tâm điểm của những tư tưởng cao thượng (chúng ta hi vọng rằng trung tâm nầy từ nay sẽ không còn chứa đựng những tư tưởng thật xấu xa nữa) thì y sẽ tự biến đổi lương tri mình thành một cục đá nam châm thu hút tất cả mọi điều tốt lành. Những mãnh lực xấu xa sẽ bị tan rã khi đụng chạm phải linh hồn dũng mãnh của y, và những lực tinh khiết, tốt lành sẽ chảy tuôn cuồn cuộn vào lương tri y như những làn sóng để được bồi dưỡng, được thêm sinh khí và thêm sức mãnh liệt. Những tư tưởng tốt của những kẻ khác cũng đến với y, rồi lại từ giã y mà ra đi cùng khắp thế gian với một sức mạnh được tăng cường. Như vậy y không những chỉ là một nguồn thần lực giúp đời do những tư tưởng mà y phát sanh ra, y còn là một con kinh tràn ngập những ân huệ thiêng liêng, nhờ những tư tưởng mà y nhận được, và tăng cường rồi truyền đạt đi. Và tất cả những ảnh hưởng nầy đều dự phần vào việc xây dựng tánh tình y, cho nên ngay từ khi mới xây dựng, cái tư tưởng chơn chánh nầy sẽ là cái ảnh hưởng chủ yếu của trí y. Y sẽ luôn luôn coi chừng tư tưởng của y, y theo dõi chúng một cách thận trọng để cho Thánh Điện nội tâm không có chút gì ô trược có thể xen vào. Nếu điểm nầy không được canh chừng, thì tất cả sẽ bị mở rộng ra để cho quân thù xâm nhập. Chính đây là nơi doanh trại của thành trì, mà cũng là cái cửa duy nhất để cho những ngoại vật đi lọt vào.

Thúc đẩy cái công việc lập hạnh của mình xa hơn nữa, nếu y chưa biết thì y sẽ học cách coi chừng lời nói của mình. Lời nói chơn chánh, trước hết phải thật đúng, hết sức thực đúng. Chỉ thực đúng một cách tầm thường như ở ngoài đời thôi thì thiệt là chưa đủ, tuy được như vậy cũng đã là khá lắm rồi. Người đệ tử phải nói hết sức đúng với sự thật, phải nói thật một cách tuyệt đối, đó là một đức tánh cần thiết hơn hết đối với ai muốn đi theo con đường Huyền học: phải đúng thật trong khi nhận xét sự việc, phải đúng thật trong khi tường thuật lại mọi việc, phải đúng thật trong tư tưởng, trong lời nói, trong việc làm, trong hành động. Nếu không ngớt tìm kiếm sự thật, nếu không quả quyết triệt để trở thành một người tự mình đúng với sự thật thì không thể nào đi theo đường Huyền bí học được. Huyền bí học sẽ là một sự nguy hiểm, sự sa ngã mà thôi, sự sa ngã nầy càng đáng sợ, càng đau đớn khi sinh viên càng lên cao. Vì đối với nhà Huyền bí học, sự đúng thật vừa là một người chỉ đường đưa lối, một người hướng đạo, vừa là một bộ áo giáp để che chở ta. Sự đúng thật là người hướng đạo vì nhờ nó mà nhà Huyền bí học có được trực giác khiến y có thể phân biệt được con đường chơn chánh và con đường sai lầm, chánh đạo và tà đạo. Nó là một bộ áo giáp, vì nếu nhà Huyền bí học không mặc bộ áo giáp chơn thật đó, thì không thể nào tránh khỏi y sẽ là nạn nhân của những ảo ảnh và những hình thù quái đản của những cảnh giới mà y phải đi qua. Áp dụng sự đúng thật trong tư tưởng, lời nói và việc làm sẽ lần lần thức tỉnh được các trực giác tinh thần nó thọc phủng tất cả những tấm màn ảo tưởng và không bao giờ bị một thế lực nào ở đời lừa dối được. Những tấm màn che mắt giăng khắp mọi nơi. Trong cõi đời ảo tưởng nầy, những hình dáng giả dối từ tứ phía đều nổi lên cho đến ngày trực giác tinh thần với tia mắt nhìn thẳng thắn và không sai lầm của nó đi xuyên qua được mọi tấm mặt nạ che giấu sự vật. Ta không có thể đạt được trực giác đó nếu không tập luyện để có được sự đúng thật trong tánh tình, trau giồi sự đúng thật trong trí, phát triển sự đúng thật trong tâm mình. Không có sự đúng thật, ta sẽ thất bại, sẽ lầm lạc không bao giờ tránh khỏi.

Vậy lời nói trước hết phải đúng thật, sau nữa lời nói phải dịu dàng. Vì sự đúng thật và sự dịu dàng không đối chọi nhau như người ta vẫn thường hay tưởng. Lời nói có thể trọn vẹn đúng thật mà vẫn hết sức dịu dàng, nhã nhặn và từ ái. Và khi nó càng đúng thật bao nhiêu thì nó lại càng phải dịu dàng bấy nhiêu, vì chính ngay trong trung tâm của sự vật, Chơn lý và lòng Từ bi vẫn hằng sống đời đời bên cạnh nhau. Vì vậy cho nên lời nói đã phản chiếu cái Tinh hoa sâu kín nhất của vũ trụ thì không thể vô cớ làm mích lòng một sanh vật nào, hay sanh ra một chút ngờ vực nào cả. Vậy lời nói phải đúng thật và dịu dàng – đúng thật, dịu dàng và nhã nhặn. Đó là sự khắc kỷ về lời nói, sự hãm mình thiệt thọ trong ngôn ngữ, sự hy sinh mà mỗi người chí nguyện phải làm.

Sau chót, tư tưởng, lời nói đã được chơn chánh rồi, thì lẽ tự nhiên, việc làm cũng sẽ thành chơn chánh nốt. Cái nhân đã như vậy, thì cái quả cũng sẽ phải như vậy, chớ không sao khác được. Vì sự hành động tức là sự biểu lộ những sức mạnh nội tâm, và khi nào tư tưởng đã trong sạch, khi lời nói đã đúng thật và ngay thẳng, thì hành động sẽ tất nhiên là cao thượng. Phát nguyên tự một ngọn suối dịu dàng ngon ngọt thì dòng nước cũng dịu dàng ngon ngọt, chớ không thể nào khác được; phát sanh tự một tấm lòng và một khối óc tinh khiết, sự hành động chỉ có thể là chơn chánh, từ thiện mà thôi.

Đó là ba sợi dây liên kết người chí nguyện một mặt với nhân loại và một mặt với Sư phụ y; trong những tôn giáo lớn, ba sợi dây nầy là dấu hiệu của sự hoàn toàn tự chủ, tự chủ về tư tưởng, lời nói và việc làm; đó là ba sợi dây nầy liên kết con người với sự phụng sự cao siêu, liên kết người đệ tử với bàn chân của Sư phụ - ba sợi dây không dễ gì mà cắt đứt được.

Một khi đã hiểu những điều trên đây, người thí sinh phải vừa cố gắng mang áp dụng chúng vào đời sống hằng ngày, vừa bắt đầu thực hiện những cách tập luyện đúng phương pháp, đã được ấn định rõ ràng, để xây dựng tánh tình mình. Và thoạt đầu y phải xây dựng lên một “Lý tưởng”. Cố gắng trong phạm vi riêng biệt của nó, trí khôn phải tạo nên một hình ảnh nội tâm, một hình ảnh mà phần lớn những yếu tố được mượn ở ngoại cảnh, theo với cái đà phát triển của con người. Tuy những vật liệu được mượn ở ngoại cảnh, nhưng cái ý tưởng chánh vẫn phát sanh tự cái trí nó chọn lựa, xếp đặt những tài liệu ấy trong nội tâm. Hiểu theo cái ý cao cả nhất của nó thì một ý tưởng là một vật trừu tượng, vô hình; và nếu chúng ta có thể hiểu được sự phát sanh ra một ý tưởng trừu tượng trong lương thức của khối óc, thì chúng ta sẽ hiểu được một cách rõ ràng minh bạch rằng một Lý tưởng nghĩa là gì.

Ta hãy lấy cái ý tưởng trừu tượng giáo khoa về một hình tam giác làm thí dụ: trong đầu óc một em nhỏ, ý tưởng về một hình tam giác có thể thành hình thoạt đầu do sự nghiên cứu về nhiều hình mà người ta nói với em rằng đó là những hình tam giác. Em sẽ nhận thấy những hình nầy có dáng vẻ rất khác nhau, những đường cạnh của chúng xoay theo đủ chiều hướng. Khi nhận xét chúng riêng từng cái một với trí óc thơ ngây của mình, em nhỏ thấy những hình nầy không giống nhau. Thoạt đầu, em cho rằng đó là những hình khác nhau và không thể nhìn thấy những tính đồng nhất, khiến cho tất cả những hình nầy được gọi là những hình tam giác. Nhưng khi tư tưởng em càng tiếp tục làm việc thì em sẽ lần lần học được rằng có vài ba đặc tính bất di bất dịch làm nền tảng cho ý niệm duy nhất về hình tam giác, đó là hình nầy bao giờ cũng có ba đường cạnh thẳng và ba góc, và tổng số ba góc nầy bao giờ cũng có một giá trị nhất định, không thay đổi, ba đường thẳng được gọi là ba cạnh của hình tam giác, chúng có một mối tương quan với nhau, v.v. . . Khi càng nghiên cứu, trí khôn càng hiểu rõ tất cả những ý niệm khác nhau nầy, rồi do một sự lựa chọn tổng quát, trí khôn trích ra được một ý niệm trừu tượng về hình tam giác, ý niệm nầy không có hình dáng kích thước đặc biệt, một khi người ta tách rời những góc của nó ra thì những góc nầy không có một giá trị đặc biệt nào cả. Và ý niệm trừu tượng nầy được thành hình là nhờ trí khôn đã nghiền ngẫm, suy tưởng về vô số những hình tam giác rõ rệt có thật, ít nhất là đối với khối óc xác thịt, tôi xin tạm bỏ một bên ý niệm cao cả hơn ý niệm vừa được nói ra trên đây chỉ là một phản ảnh. Trong khối óc, ý niệm trừu tượng không màu sắc, không hình dáng được tạo thành theo cách đó, người ta không thể dùng hình ảnh đặc biệt nào mà diễn tả những đặc tính của ý niệm ấy, tuy nhiên ý niệm ấy vẫn chứa đựng những điều gì giống nhau khiến cho vô số hình tam giác khác nhau được hợp nhất lại.

Cái lý tưởng mà chúng ta phải xây dựng cũng là một ý niệm trừu tượng, có tính chất giống thế. Lý tưởng nầy là sản phẩm của khả năng tưởng tượng của trí ta, khả năng nầy gạn lọc lấy cái tinh hoa của tất cả những ý niệm liên quan đến những đức tánh cao thượng, liên quan đến mỹ lệ, đến chơn chánh, đến tiết điệu, điều hòa, đến lòng từ bi, đến tất cả những gì thoả mãn tới cực độ những ước vọng cao thượng nhất của tinh thần và của lòng dạ. Trí khôn gạn lọc lấy cái tinh hoa tất cả những ý niệm khác nhau ấy, giống hệt như khi chúng tự biểu lộ ra một cách bất toàn, rồi xây dựng và phóng ra trước mặt một hình ảnh oai hùng vĩ đại trong đó mỗi vật đều được tận thiện, tận mỹ, mọi vật đều được phát hiện đến mức cao siêu và toàn vẹn nhất. Nơi đây, thần trí không xem xét những vật có thật, mà xem xét ngay Sự Thật, tức là Chơn Lý vậy; nó không xem những sự vật đẹp đẽ, mà xem chính sự Mỹ lệ; nó không xét những vật mạnh mẽ, mà xét chính sự Mạnh mẽ oai hùng; không xem xét những sự gì mềm mại, dịu dàng, trìu mến, mà xem xét ngay sự Mềm mại, dịu dàng, trìu mến vậy; nó không xem xét những kẻ thương yêu, mà xem xét ngay tình thương yêu. Và đây là một hình ảnh hoàn toàn, oai nghiêm mà lại điều hòa trong mọi kích thước của nó, cao siêu hơn mọi điều chúng ta đã nhìn thấy ở trần gian, chỉ kém những tia sáng của sự Mỹ lệ tuyệt vời mà trong những lúc cảm hứng hiếm có Thượng Trí chiếu rọi từ cảnh cao xuống dưới Hạ trí của chúng ta mà thôi – đó là Lý tưởng toàn thiện toàn mỹ mà người chí nguyện phải tự xây đắp cho mình, cái lý tưởng hết sức hoàn toàn mà y có thể tưởng tượng được, y hiểu rõ ràng, tuy nhiên, cái giấc mơ cao siêu nhất của y chỉ là cái bóng mờ nhạt, rất mơ hồ của Chơn Lý mà nó muốn phản chiếu. Vì trong cảnh giới của Chơn Lý, cái kiểu mẫu tuyệt vời vô thủy vô chung làm bằng ánh sáng linh động, bay lượn trên những từng trời cao thăm thẳm vô tận vô biên trên những đỉnh núi tuyết phủ, tượng trưng cho ước vọng của nhân loại, mà ở cõi hạ giới nầy con người chỉ nhìn thấy một phản ảnh yếu ớt với những màu sắc mờ nhạt. Tất cả những gì hoàn toàn hơn hết, cao siêu hơn hết mà Linh hồn con người có thể tưởng tượng được, tất cả những gì mà nó có thể nghĩ được về Thượng Đế Tối Cao mà nó đang tìm kiếm, tất cả những điều đó chỉ là những cái bóng và cái bóng là phản ảnh của Chơn Lý vô biên. Cái lý tưởng mà con người tự xây dựng cho mình rất bất toàn, bởi vì không có thể làm sao cho khác được. Nhưng dù có bất toàn đến đâu, nó cũng vẫn là cái lý tưởng của y, cái lý tưởng theo đó y phải xây dựng tánh nết của mình.

Nhưng tại sao phải xây dựng một lý tưởng? Những ai trong chư huynh đã theo dõi tôi từ trước đến lúc này, xuyên qua những tác động của tư tưởng con người, sẽ hiểu tại sao lại cần có một lý tưởng. Tôi xin trích hai đoạn trong Thánh kinh, một đoạn của xứ Ấn Độ, một đoạn của Cơ Đốc Giáo để chư huynh thấy rằng các Vị đã được Điểm đạo cùng nói về một sự việc, mặc dầu các Ngài dùng ngôn ngữ nào, các Ngài nói với giống văn minh nào. Trong những kinh Upanishad, có một cuốn thần bí nhất, cuốn Chhândogya, trong đó có ghi: “Con người là một sanh vật biết suy tưởng. Nó nghĩ đến điều gì thì nó tự biến hóa ra điều đó. Vậy ngươi hãy suy nghĩ đến Thượng Đế.” [[10]]. Mấy ngàn năm về sau một Vị đại sư khác, một trong các vị tông đồ đã xây dựng nên Cơ Đốc Giáo cũng tuyên bố đúng hệt cái tư tưởng đó, bằng những từ ngữ khác: “Vậy thì tất cả chúng ta đây, được chính mắt mình chiêm ngưỡng sự vinh quang của Chúa, như trong một tấm gương soi, chúng ta được biến thành cái hình đó, từ sự vinh quang nầy đến sự vinh quang khác”[[11]].

“Chiêm ngưỡng như trong một tấm gương soi,” vì cái trí ta là một tấm gương soi phản chiếu những hình ảnh đã in hình trong đó, và Linh hồn đang chiêm ngưỡng sự vinh quang của Chúa trong tấm gương soi của cái trí thì càng ngày càng được vinh quang và biến thành cái hình ảnh thiêng liêng ấy. Vậy thì vẫn chỉ có một giáo lý duy nhất ấy của Quần Tiên Hội được truyền đạt đến cho ta, qua lời nói của vị Hiền triết xứ Ấn Độ và qua lời nói của vị thánh Cơ Đốc, trong Kinh thánh phương Tây cũng như trong Kinh thánh phương Đông cổ kính; chư huynh phải có một lý tưởng trước mắt để có thể phản chiếu nó, và tâm trí con người không ngớt tham thiền suy ngẫm về cái lý tưởng nào thì lẽ tự nhiên, y sẽ biến hóa thành chính cái lý tưởng ấy vậy.

Và chúng ta phải làm cách nào xây dựng tòa lâu đài đức hạnh của ta lên đến mức cao của lý tưởng. Vì đó là vấn đề còn lại mà chúng ta phải xem xét ngay bây giờ.

Do sự chiêm ngưỡng.- Người chí nguyện đang tìm cách lập hạnh phải tự ý mình lựa chọn một giờ nhất định mà y sẽ không thay đổi nữa, và sẽ chiêm ngưỡng lý tưởng của y đã xây dựng từ ngày nầy sang ngày khác. Y sẽ tập trung tư tưởng vào đó và lương tri y sẽ phản chiếu lý tưởng đó không ngừng. Từ ngày nầy sang ngày khác, cứ lập đi lập lại mãi những nét đặc biệt của lý tưởng thân mến, từ ngày nầy sang ngày khác cứ lấy tư tưởng của mình mà tham thiền và suy ngẫm mãi. Khi y càng chiêm ngưỡng, thì tất nhiên y càng thấy nảy nở trong tâm y, tấm lòng tôn kính và sự kích động thánh thiện nó là dấu vết của sự tôn thờ, đó là cái năng lực vĩ đại có tánh cách biến hóa khiến cho con người trở thành cái ý tưởng mà nó thờ phụng.

Sự chiêm ngưỡng nầy vừa có tính cách tôn thờ, vừa có tính cách nguyện ước, mong muốn. Khi con người càng chiêm ngưỡng thì những tia sáng của lý tưởng thiêng liêng sẽ càng tuôn xuống y, và để tiếp nhận những tia sáng nầy, sự mong muốn ước vọng của y sẽ mở rộng cánh cửa của tâm hồn ra. Cho nên những tia sáng sẽ chiếu rọi nơi nội tâm y, và rồi cũng chiếu sáng ra ngoài. Lý tưởng sáng ngời luôn luôn bay lượn trên mình y và trong tâm y, chỉ vạch cho y thấy con đường phải theo.

Muốn có thể chiêm ngưỡng như vậy, con người phải học tập về cách tập trung tư tưởng. Cái trí không được lo ra như thường lệ. Phải học cách định trí, và một cách quả quyết. Đối với chúng ta sự tập trung tư tưởng phải là mục đích của sự tập luyện không ngừng. Phải cố gắng định trí trong khi đang làm những công việc tầm thường hàng ngày. Muốn thế, ta chỉ cần làm một việc trong một lúc thôi, cho đến khi nào khối óc ta vâng lời ý chí một cách dễ dàng. Chỉ cần làm đầy đủ mỗi bổn phận của mình với tất cả khả năng của trí thông minh tập trung vào một điểm duy nhất. Thế nào chư huynh cũng biện bác rằng những công việc chư huynh phải làm, phần nhiều có tính cách tầm thường lắm. Điều nầy không quan hệ gì cả. Trong sự tự luyện tập để làm cho quí huynh trở thành đệ tử, phần cốt yếu không phải là ở bản tính công việc mà chư huynh làm, nhưng chính là ở cái cách thức làm việc của chư huynh. Điều phải coi chừng không phải là cái loại công việc đã giao phó cho chư huynh ở ngoài đời mà là cái phương pháp làm việc của chư huynh, cái tư tưởng chư huynh dành cho công việc đó, những năng lực mà chư huynh tập trung vào đó, cũng là sự thuần thục, thành thạo, khéo léo mà chư huynh thu lượm được. Một lần nữa, xin nhắc lại rằng dù đời sống của chư huynh có như thế nào, điều nầy cũng không có gì quan hệ, chư huynh có thể cứ để y nguyên đời sống của mình và xử dụng nó để tự tập luyện lấy mình. Mặc dù cái công việc đang làm có vẻ tầm thường đến đâu dưới mắt chư huynh, chư huynh vẫn có thể dùng nó làm khí cụ để tự luyện tập tư tưởng. Hiện giờ, mặc dù chư huynh đang bận rộn về điều gì, vật gì, chư huynh cũng có thể nhờ sự chú ý không ngớt mà luyện cho cái trí của mình có thói quen tự tập trung lại một cách tự nhiên dễ dàng. Và chư huynh hãy nhớ rằng một khi đã có được cái nếp quen ấy rồi, chư huynh sẽ tha hồ được tự do mang áp dụng nó vào việc gì cũng được. Khi chư huynh đã học được cách làm chủ tư tưởng của mình rồi thì chư huynh có thể khiến cho tư tưởng đó chú định vào vấn đề nào cũng được, phóng ra theo đường lối nào cũng được.

Nhưng trong khi chờ đợi, chư huynh có thể tập luyện và hoạch đắc sự làm chủ tư tưởng nầy trong những công việc nhỏ nhặt cũng như trong những công việc lớn lao. Thật vậy, như thế chư huynh sẽ tập luyện được nhiều hơn, vì lúc nào, giờ nào cũng có những công việc nhỏ nhặt ở xung quanh chư huynh, còn chỉ thỉnh thoảng chư huynh mới gặp những công việc lớn lao mà thôi. Đứng trước một sự việc lớn lao, tâm trí liền tập trung những khả năng của nó lại ngay tức khắc; trước một việc lớn lao, tất cả những sức lực của Linh hồn đều được triệu tập để có thể làm tròn nhiệm vụ cao cả cần phải làm. Nhưng giá trị thiệt thọ của Linh hồn tự biểu lộ trong những sự việc bé nhỏ, nơi mà không có gì khiến cho người đời chú ý, không có ai khen ngợi ta, cổ võ ta, nơi mà con người phải tự mình làm việc để đạt được cái kết quả mà y đã định trước và xử dụng trọn vẹn những gì bao chung quanh mình như là những phương tiện để tự chủ.

Cái kỷ luật mà con người tự bắt buộc mình phải theo là bí quyết của tất cả những phương pháp. Chư huynh hãy tổ chức đời mình theo một chương trình nhất định. Chư huynh hãy đặt ra vài ba quy tắc rồi tự bắt mình phải theo đó mà sống. Một khi những quy tắc nầy đã có rồi, xin chư huynh hãy tuân theo chúng. Nếu chư huynh thấy cần phải thay đổi chúng, thì chư huynh cứ sửa đổi chúng một cách tự do như trước kia chư huynh đã đặt ra chúng. Để thí dụ, chúng ta hãy lấy một việc rất giản dị như mỗi sáng phải thức dậy đúng giờ (quy tắc nầy cũng quan hệ, vì ta cũng phải làm chủ cả xác thân nữa). Chư huynh hãy ấn định một giờ thức giấc mà chư huynh cho đó là giờ tốt nhất cho công việc làm của mình, một giờ thích hợp nhất với sự tổ chức đời sống của chư huynh trong gia đình. Một khi đã ấn định giờ đó rồi, chư huynh hãy tuân theo. Chư huynh đừng cho phép xác thịt tự ý muốn thức dậy giờ nào cũng được, tùy theo sự kích thích trong chốc lát. Chư huynh hãy tập cho xác thân phải vâng lời ngay tức khắc, một cách máy móc, chỉ như thế xác thân mới trở thành một kẻ đầy tớ hữu ích của trí khôn. Nếu sau khi thực hành một thời gian, chư huynh thấy rằng mình đã chọn giờ sai lầm thì hãy thay đổi giờ đó đi. Đừng có ương ngạnh cứ giữ mãi giờ đó, lấy cớ rằng như thế để rèn luyện cho ý chí được cứng cỏi. Mỗi khi có sự gì không thích hợp, chư huynh hãy sửa đổi ngay đi, nhưng phải đổi lấy một giờ thuận tiện một cách hữu ý. Đừng tùy theo đắm mê, sự xúc cảm hay một dục vọng về xác thịt mà thay đổi giờ ngủ, thức dậy. Chư huynh đừng thay đổi giờ vì bản tánh thấp hèn đòi hỏi, ta phải làm chủ bản tánh nầy. Nhưng chư huynh hãy thay đổi giờ khi chư huynh thấy là mình đã chọn nó sái cách. Bởi vì chư huynh không bao giờ nên sống theo quy tắc làm trở ngại cho những người ở chung quanh; để làm chủ lấy mình, chư huynh không bao giờ nên lựa chọn những phương pháp có thể làm bứt rứt trở ngại người khác, hoặc làm cho họ bực mình, thay vì liên quan đến sự tập luyện riêng của mình mà thôi. Một khi đã hiểu rõ phương pháp lập hạnh, chư huynh phải tìm hiểu về tánh nết mình. Bởi vì không được luyện tập một cách mù quáng, phải luyện tập theo một cách hiểu biết rõ ràng. Để có thể tự xét đoán lấy tánh nết của mình, chư huynh hãy xem xét một cách khôn ngoan về đôi ba tánh tốt mà những vĩ nhân đã để trước mặt chư huynh, tất cả những đức hạnh ấy tổng hợp lại sẽ dẫn dắt chư huynh đến thềm Thánh Điện. Thí dụ chư huynh có thể lấy những đức tánh mà đức Shri Krishna nói cho Arjuna viết trong chương 16 của kinh Bhagavad Gita, những đức tánh cần thiết để tạo lập một tánh tình siêu phàm nhập thánh. Chư huynh có thể lấy sự miêu tả ấy làm kiểu mẫu để noi theo trong khi lập hạnh. Có một bảng danh sách những tánh tốt để chư huynh tập trung tư tưởng và sự cố gắng không ngừng của mình vào đó. Và xin chư huynh hãy nhớ rằng muốn lập hạnh, trước nhất ta phải chiêm ngưỡng tánh tốt rồi thực hành nó trong ngôn ngữ và hành động hàng ngày, đức tánh nầy sẽ trở nên một phần tử cố hữu của tư tưởng.

Bảng danh sách đó như dưới đây: (Dù những đức tánh nầy có nhiều đến đâu chăng nữa, chư huynh vẫn có đủ thời giờ để thực hành). “Tánh vô úy (không sợ hãi), tấm lòng trong sạch, sự bền chí trong Pháp môn Minh triết, lòng nhân đức, sự tự chủ, lòng hy sinh, và sự ham học những Kinh thánh, sự khắc kỷ và tánh ngay thật, tánh ngây thơ, tánh chơn chánh, tánh không giận dữ, tánh dứt bỏ sự an lạc, tánh không nói xấu và nói hành, lòng từ bi đối với mọi sinh vật, tánh không ham muốn, tánh dịu dàng, tánh khiêm nhượng, tánh không hay thay đổi bất thường, không nhẹ dạ, tánh can đảm, tánh khoan dung, tánh đại lượng, tánh thẳng thắn, tánh yêu mến, tánh không kiêu ngạo – đó là phần sở hữu của kẻ sanh ra với những đức tánh thiêng liêng.”

Y chưa hoạch đắc được tất cả những đức tánh nầy một lượt, nhưng lần lần, nhờ sự lập hạnh, y sẽ có đủ những đức tánh đó. Và trong một lúc nhàn hạ, nếu chư huynh cẩn thận đọc lại bảng danh sách nầy, chư huynh sẽ thấy những đức tánh đó có thể được xếp từng loại rõ rệt, ta có thể thực hành mỗi đức tánh, thoạt đầu một cách bất toàn, nhưng đều đều không đứt quãng, từ ngày nầy sang ngày khác, dầu chưa thành công cũng không bao giờ nản lòng. Chỉ nên vui mừng vì biết được rằng mục đích ở ngay trước mắt ta, và mỗi bước đi là mỗi bước tiến về mục đích mà sau nầy thế nào ta cũng đạt được. Và chư huynh hãy để ý mà coi, những sợi chỉ vàng của lòng vô tư lợi, của tình yêu mến, của tánh thơ ngây được dệt cùng với lòng can đảm, với sức mạnh, với sự nhẫn nại khiến cho tánh nết được thăng bằng một cách tuyệt diệu. Đó là một tánh tình vừa cứng cỏi, vừa dịu dàng, vừa can đảm, vừa từ bi, một tánh tình oai nghiêm bất di bất dịch, sẵn sàng hết lòng cứu giúp kẻ yếu đuối, một tánh tình rất sùng đạo, rất tinh khiết, một tánh tình có kỷ luật, và vì vậy mà được điều hòa. Hãy thí dụ rằng chư huynh nhận lấy một tánh tình như thế làm lý tưởng để dìu dắt tư tưởng mỗi ngày, chư huynh đã bắt đầu mang tánh tình đó ra áp dụng từng chi tiết. Chúng ta hãy nhận xét một điểm thường hiện ra luôn luôn trong khi ta cố gắng, một điểm bao gồm nhiều đức tánh và đã nhiều phen bị hiểu lầm. Chúng ta hãy nhận xét đức tánh tập hợp trong chốc lát và thử nhìn xem nhiệm vụ của nó trong sự lập hạnh là gì. Đức tánh nầy có một cái tên mà người Tây phương cho là rất trái tai: tánh lãnh đạm. Thỉnh thoảng người ta nói một cách rõ ràng hơn rằng đó là tánh lãnh đạm đối với những nỗi vui buồn, lãnh đạm đối với sự nóng và sự lạnh, lãnh đạm đối với lời khen ngợi hay chê bai, lãnh đạm đối với sự yêu hay sự ghét. Vậy tánh lãnh đạm thật ra là gì?

Trước hết tánh nầy là sự hiểu biết về luật tương đối, lẽ tất nhiên nó xen vào đời sống của những ai đã thoáng thấy Chơn Lý giữa những sự vật phù du cùng là ánh sáng thiêng liêng ẩn mình dưới những bóng trôi qua. Một khi đã hiểu được sự rộng rãi bao la của mục đích, một khi đã công nhận rằng con người phải sống trong vô số kiếp, một khi người chí nguyện biết rằng có cả một thời gian vô tận vô biên trước mặt mình, khi y hiểu được tất cả cái vẻ cao cả của công việc phải làm và những khả năng vô tận đang chờ đợi y, tuy rằng hãy còn ẩn tàng dưới lớp màn bí mật của tương lai; khi con người đã trông thấy ánh sáng của Chân Lý, thì mọi sự của một kiếp sống ngắn ngủi chỉ choán cái vị trí tương đối xứng đáng, đúng theo với mực thước của nó khi đem so sánh với đại thể. Vì thế cho nên khi có một sự thử thách đưa đến thì sự thử thách nầy không có vẻ nghiêm trọng như khi con người tưởng rằng kiếp sống nầy của y chỉ là kiếp sống duy nhất. Và y sẽ bắt đầu hiểu rằng y đã trải qua nhiều sự thử thách rồi, và một khi vượt qua được chúng, y trở nên mạnh mẽ và an tịnh hơn. Và khi có một sự vui mừng đưa đến thì y sẽ biết rằng y đã trải qua nhiều sự vui mừng rồi, chúng dạy y nhiều bài học và trong số đó sự vui mừng nầy đã dạy cho y biết rằng những niềm vui đó cũng có tánh cách phù du. Vì thế cho nên một sự vui hay một sự buồn mà đến với y, thì y sẽ nhận lãnh nó, không phải là y sẽ trơ trơ không cảm thấy nỗi vui hay nỗi buồn ấy, mà y cảm thấy chúng một cách thấm thía hơn là người thường ở ngoài đời. Nhưng y đặt để chúng vào đúng vị trí của chúng, y đánh giá chúng theo đúng chân giá trị của chúng trong cái đại thể của đời sống rộng lớn của y.

Khi mà con người tập luyện để có được tánh lãnh đạm ấy, ta không nên tưởng rằng y trở nên vô tri vô giác, không biết cảm động nữa. Trái lại y càng ngày càng cảm thấy một cách rõ rệt những sự rung động nhỏ nhặt của sự sống ở trong người y và ở ngoại cảnh. Vì rằng y càng ngày càng tự điều hòa với vạn vật, cho nên tự nhiên y phải trở nên càng ngày càng nhạy cảm đối với mọi sự thay đổi nhẹ nhàng của mỗi tiết điệu trong vạn vật. Nhưng không một sự thăng trầm nào có thể lay chuyển y, có thể quấy rối sự hoàn toàn an tĩnh của y, vì đời sống thiệt thọ của y đã châm cội rễ nơi không hề có dông tố, không hề có sự thay đổi nào xảy ra và trong khi y cảm biết các sự biến thiên, thì không bao giờ chúng có thể ảnh hưởng đến ý chí y nữa. Mỗi sự việc đều choán vị trí tương xứng với nó trong cái chu kỳ bao la của đời sống của Linh hồn. Cái sự lãnh đạm nầy, cái sự lãnh đạm thiệt thọ đồng nghĩa với sức mạnh, chư huynh sẽ phát triển nó theo cách nào?

Thoạt đầu chư huynh sẽ phát triển bằng cách tham thiền hằng ngày về ý nghĩa của đức tánh nầy theo phương pháp đã được chỉ dẫn, bằng cách nghiên cứu đức tánh đó từng chi tiết một, cho đến khi hiểu được nó trọn vẹn, nghiên cứu nó tỉ mỉ từng chút để xem coi dưới mắt chư huynh đức tánh ấy là cái gì. Rồi sau nầy, khi chư huynh sống chung với đồng loại, chư huynh sẽ áp dụng đức tánh đó trong đời sống hằng ngày. Chư huynh sẽ thực hành tánh lãnh đạm, không phải bằng cách trở nên cứng rắn, nhưng bằng cách tăng trưởng lòng thiện cảm của mình, không phải bằng cách ẩn mình trong một cái vỏ cứng khiến chư huynh phải xa cách đồng loại, nhưng bằng cách ứng đáp với những sự rung động nhỏ nhất ở bên ngoài. Cùng một lúc, chư huynh giữ lấy sự thăng bằng nội tâm mà không một sự gì có thể ảnh hưởng tới, dù sự rung động có làm lay chuyển đến cả đáy lòng.

Đó là một bài học nhọc nhằn và khó khăn, nhưng nó cho ta không biết bao nhiêu hy vọng và sự vui mừng, nó khiến cho sự hoạt động của ta lại được hồi sanh nồng nhiệt, và chỉ vì những sự lợi ích nầy mà thôi, cũng đáng cho ta tập luyện cho có được tánh đó vậy. Vì một khi Linh hồn tự cảm thấy mình trở nên quá mạnh mẽ không bao giờ còn có thể bị lay chuyển nữa, mà vẫn nhạy cảm đối với mỗi sự rung động ở phía ngoài, thì sẽ thấy đời sống của mình được mở rộng ra một cách kỳ diệu; thấy sự tiết điệu, sự hòa hợp càng ngày càng trở nên trọn vẹn hơn, nó thấy lương thức nó càng ngày càng phát triển, càng ngày càng rõ rệt cái sự hợp nhất của nó với Đại thể mà nó là một thành phần. Khi mà cái cảm giác chia rẽ tan mất đi, sự vui mừng ngự trị nơi trung tâm vạn vật sẽ tràn ngập Linh hồn và ở ngay cái chỗ mà người đời trông thấy những sự đau khổ, thì người đệ tử lại không trông thấy có gì là khó khăn cả. Bởi vì có thể nói rằng người đệ tử cảm thấy những sự khó khăn nầy như là thành phần của Đời sống của Vũ trụ. Đối với y, chúng chỉ là một vần chữ trong cái ngôn ngữ bao la của Vũ trụ Hữu hình. Y có thể học hỏi ý nghĩa của sự đau khổ mà tấm lòng vẫn được tự do thong thả, không hề đau khổ, bởi vì sự an lạc là kết quả của sự hiểu biết càng ngày càng rộng lớn nơi y, đã đền bù cho y, và đền bù rất nhiều nữa, có thể nói rằng sự an lạc nầy làm thay đổi cái thái độ đối với tất cả những kinh nghiệm của ngoại giới mà người ta cho là những sự đau khổ và mất mát, thiệt thòi. Tư tưởng và hành động theo lối đó, chư huynh sẽ thấy tăng trưởng nơi mình tư tưởng bình tĩnh an lạc, trầm tĩnh. Vì thế cho nên chư huynh dường như đang ở một nơi yên tịnh, mặc dầu bão tố đang nổi lên ở ngoài đời. Chư huynh sẽ thấy và cảm thấy trận bão, nhưng chư huynh sẽ không bị lay chuyển.

Một sự an lạc tuyệt vời và sâu xa, mà không sự gì có thể quấy rối được, đó là những dấu báo hiệu một Đời Sống Tinh Thần. Đời sống nầy thoạt đầu tự biểu lộ bằng sự yên tịnh, rồi đến sự hoan hỉ của tâm hồn và khiến cho đời sống của người đệ tử trở thành một sự phát triển liên tiếp mà mục đích là luôn luôn tiến về phía trước cho đến khi đi đến trung tâm của sự vật, chính là Tình Thương Yêu vậy. Điều nầy là nảy sinh cảm tưởng rằng: Chúng ta là những người tự chủ, rằng Chơn Nhơn nơi ta mạnh mẽ hơn những sự thay đổi bên ngoài. Chơn Nhơn muốn rằng những sự tiếp xúc bên ngoài được vang động lên trong nội tâm, nhưng nó không muốn để cho cõi lòng xao xuyến. Lúc đó, từ tánh tự chủ và tánh lãnh đạm bỗng nảy sanh ra tánh không thù ghét ai, người ta nhấn mạnh nhiều lần về đức tánh nầy trong khi người chí nguyện lập hạnh để trở nên đệ tử. Không được thù ghét một điều gì cả. Phải thâu gồm tất cả trong phạm vi của tình thương yêu. Dù bề ngoài của mọi vật có đáng ghê tởm đến đâu chăng nữa thì điều đó cũng không quan hệ gì vì Sự Sống và Tình Thương ngự nơi trung tâm của Vạn vật. Vì vậy, người đệ tử đang học hỏi không loại trừ một vật gì ra ngoài lòng từ bi của mình. Y bao gồm mọi sanh linh trong tấm lòng thương yêu của mình và chú ý đến sự nhạy cảm của chúng, y thành người bạn của vạn vật, y thương yêu tất cả những sanh vật có tri giác.

Khi lấy những đức tánh đó mà xây dựng tánh tình mình, người chí nguyện trở nên một người can đảm; y can đảm vì y không thù ghét cái chi cả thì không có cái chi có thể làm hại y được. Sự ác độc từ bên ngoài đến với chúng ta chính là sự phản ứng của những gì ác độc, khiêu khích từ nơi tâm ta đó. Vì chúng ta thù ghét kẻ khác nên kẻ khác mới thù ghét ta. Chúng ta đi khắp thế gian gieo rắc sự ác, vì vậy cho nên các sanh vật, đến lượt chúng, chúng đối xử độc ác lại với chúng ta. Chúng ta có bổn phận yêu thương mọi sanh vật, vậy mà chúng ta tung ra khắp mọi nơi sự chết chóc, sự bạo ngược, sự thù hận, ta tìm kiếm đồng loại để hành hạ họ chớ không phải để dạy bảo họ - làm như con người ở cõi trần nầy không có bổn phận dạy dỗ các em còn nhỏ dại của mình và không dùng tất cả lòng trìu mến, lòng từ bi của mình mà nâng đỡ họ . . . Chúng ta đi khắp thế gian, hành hạ kẻ khác, dầu đó là người hay vật, mỗi khi chúng yếu đuối hơn ta – tôi nói rằng chúng càng yếu đuối bao nhiêu thì ta lại càng hành hạ chúng bấy nhiêu, và chúng càng tiều tuỵ bao nhiêu thì ta lại càng bắt chúng mang nặng bấy nhiêu. Vì khi các sanh vật trốn tránh ta, khi trong thế gian kẻ yếu sợ hãi ta, kẻ mạnh thù ghét ta, thì ta lại lấy làm lạ lùng ngạc nhiên. Vì vô minh chúng ta không biết rằng tất cả những sự thù hận của thế giới bên ngoài đối với ta chỉ là cái phản ảnh của điều ác đang có trong lòng ta, và đối với tấm lòng yêu mến thì không có cái gì là đáng ghét, không vật gì làm hại được cả. Con người mà lòng dạ nhân từ có thể đi qua rừng sâu mà không bị nguy hiểm, y có thể đi vào hang thú dữ mà không bị vồ, có thể lấy tay mà bắt rắn. Vì tấm lòng tràn ngập tình thương nên không nhìn thấy ở đâu là thù hận cả. Tình thương phóng những tia sáng ra khắp cõi đời và thu hút mọi vật để phụng sự chúng, chớ không phải để làm hại chúng, và do sự thu hút nầy làm thức tỉnh tình yêu, chớ không phải lòng thù hận nơi vạn vật. Vì vậy, nên con cọp lăn mình dưới chân nhà tu sĩ Dô Ghi như một người bạn thân, con vật hung dữ nhất mang con đến gởi cho vị Thánh nhân, nhờ Ngài che chở và cứu giúp; vì thế cho nên tất cả mọi sanh vật đều đến với người có lòng nhân đức thương mến, vì vạn vật cùng có một nguồn cội thiêng liêng. Tình yêu là Thiêng liêng và khi nào con người thương yêu trọn vẹn thì y thu hút vạn vật.

Như vậy, lần lần và thong thả, chúng ta học tiến bước mà không sợ hãi, tuy rằng chúng ta còn phải chịu những nỗi đau khổ! Vì - chúng ta biết rằng - nếu người ta làm cho chúng ta đau khổ, đó là chúng ta trả một món nợ của quá khứ đen tối, mỗi khi trả nợ, chúng ta lại cảm thấy giảm bớt đi cái tổng số nợ nần của mình đã bị ghi ở cuốn sổ lớn của Thiên nhiên.

Chúng ta sẽ không sợ hãi vì chúng ta đã hiểu biết, và sự sợ hãi chỉ phát sanh từ lòng nghi ngờ và lòng thù hận mà thôi. Con người hiểu biết đã lìa bỏ sự nghi ngờ ở phía sau mình và bước đi một cách chắc chắn ở nơi nào mà y biết rằng có thể đi được, chân y chỉ đạp lên trên một miếng đất cứng chắc, và dọc đường y không gặp cạm bẫy. Vì vậy y có một ý chí cương quyết không hề bị lay chuyển, một ý chí căn cứ nơi sự hiểu biết, một ý chí mà tình thương yêu đã khiến cho tin cậy. Khi đi qua Sân Ngoài, bước chân của người đệ tử trở nên cứng cáp hơn, sự quyết định của y trở nên mạnh mẽ và vững vàng hơn. Tánh nết y bắt đầu có một vẻ nhất định rõ ràng, minh bạch, vì Linh hồn đã sắp trưởng thành.

Lúc đó con người không còn ham muốn gì nữa, những sợi dây buộc chúng ta với cõi đời bên ngoài được lần lần bứt bỏ; kinh nghiệm của những tiền kiếp đã chứng minh cho ta thấy rằng những sự thèm muốn không sao có thể làm cho Linh hồn thỏa mãn, nên nay ta lần lần loại trừ chúng ra; lúc đó ta không còn ý muốn và dục vọng riêng tư nữa, ta lần lần hợp nhất với vạn vật. Vì người chí nguyện tự phát triển không còn muốn để cho những sợi dây hồng trần trói buộc mình vào bánh xe luân hồi sinh tử nữa. Con người phải tái sinh vì bị ràng buộc với địa cầu, bị sợi dây dục vọng trói cột vào cái bánh xe sinh tử. Nhưng con người mà ta vừa nói trên đây đã muốn được giải thoát. Con người sắp được giải thoát phải tự mình cắt đứt sợi dây dục vọng. Chỉ còn một sự có thể trói buộc y mà thôi, chỉ còn một sự có thể khiến cho y còn phải luân hồi mà thôi; ấy là tình thương yêu đồng loại và ý muốn phụng sự họ. Y không bị trói buộc vào bánh xe sinh tử, vì y được tự do, nhưng y có thể trở lại thế gian một lần nữa để quay bánh xe Pháp, vì lòng thương yêu những kẻ hãy còn bị trói buộc, để đứng bên cạnh họ cho đến khi tất cả mọi Linh hồn đều cắt đứt được tất cả những xiềng xích của mình. Khi được giải thoát, y cắt đứt tất cả mọi dây trói buộc cần thiết. Như vậy y học được sự hoàn toàn vô tư lợi, vì kinh nghiệm đã cho y thấy rằng điều gì tốt lành cho tất cả mọi người thì đó cũng chính là điều mà y đang tìm kiếm cho mình, và mục đích riêng tư của y với sự lợi ích của Đại thể vẫn in như nhau. Rồi y học được cách tự tin ở nơi mình. Con người muốn lên cao về phía ánh sáng nên học cách trở nên mạnh mẽ hơn trước để có thể giúp đỡ kẻ khác; y học cách tin tưởng nơi Chơn Nhơn trong lòng mình, đó cũng là Chơn Tánh của vạn vật, khi tự phát triển, y càng ngày càng rán hợp nhất với Chơn Tánh đó vậy.

Người chí nguyện còn cần phải đương đầu với một thử thách và ta cần phải nói qua về điều nầy, vì đó là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong khi đi qua Sân Ngoài. Một khi bước vào Sân nầy y biết và nhìn thấy sự vui vẻ bao la đang ngự ở trên cao, y không còn tha thiết đến những sự việc mà đồng loại y cho rằng đó là những thú vui ở đời. Nhưng có khi Linh hồn phải trải qua một thời kỳ lo ngại rất mệt nhọc, vì y đã phóng mình lên cao, đã nhảy lên khoảng trống không mà từ trên cao y vẫn chưa thấy có bàn tay nào đưa xuống để nắm tay y; bóng tối bao phủ y, và chân y thì lơ lửng không nơi nương tựa. Trong những giai đoạn phát triển của Linh hồn, có những lúc tất cả những gì có tính cách hồng trần đều không thể làm cho y thỏa mãn, hài lòng được nữa; những mối tình bằng hữu thâm niên hình như đã phai lạt, những nỗi vui của cõi trần đã mất hết mùi vị, chúng ta chưa cảm thấy được những bàn tay đang chờ đợi chúng ta – tuy trong lúc ấy những bàn tay đó đang nắm chúng ta; tảng đá mà chúng ta đang đặt chân lên hình như không còn được vững vàng bất di bất dịch nữa – tuy rằng bàn chân ta đang đặt lên đó; Linh hồn bị một tấm màn ảo tưởng bao phủ, tưởng mình bị bỏ rơi và không biết cầu cứu với ai. Người chí nguyện nào cũng phải lao mình vào khoảng trống rỗng đó; người đệ tử nào cũng phải vượt qua hố sâu đó. Khi hố sâu nầy mở ra rộng lớn trước Linh hồn, Linh hồn lùi bước. Khi hố sâu nầy hiện ra, bề ngoài dường như tối om và sâu thăm thẳm, người chí nguyện đứng ở miệng hố sợ hãi liền lùi lại phía sau. Và tuy nhiên, sự sợ hãi nầy thật là phi lý. Chư huynh hãy mạnh dạn lao mình vào khoảng trống rỗng, chư huynh sẽ tìm thấy ở đó một sự viên mãn, tràn đầy. Chư huynh hãy nhảy ngay vào bóng tối và chư huynh sẽ thấy chân mình được đặt lên trên một tảng đá. Chư huynh hãy gỡ những tay đang níu mình lại, và sẽ có những bàn tay mạnh bạo hơn nắm lấy bàn tay chư huynh và kéo chư huynh về phía trước. Những Bàn Tay nầy không bao giờ rời bỏ chư huynh. Những cái siết tay của cõi trần thỉnh thoảng có thể dường như yếu ớt, bàn tay một người bạn có thể lìa bỏ bàn tay chư huynh và để cho nó trơ trọi, nhưng những người bạn ở Bên Bờ Sông Giác không bao giờ rời bỏ tay chư huynh, mặc dù xảy ra những sự biến thiên ở cõi trần. Vậy chư huynh hãy mạnh dạn tiến thẳng vào trong bóng tối. Chư huynh sẽ thấy sự cô đơn của mình chỉ là một ảo tưởng dày đặc nhất, và cái sự tối tăm ấy lại là một ánh sáng không bao giờ bị tắt mất. Một khi vượt qua được sự thử thách nầy rồi, thì nó dường như quả thật là một ảo ảnh, và nếu người đệ tử dám lao mình vào đó, thì y sẽ tự thấy mình qua được bờ bên kia bình an vô sự.

Sự lập hạnh cứ như thế mà tiếp tục mãi. Nó cứ sẽ tiếp diễn, trải qua những kiếp vị lai, và cứ ở mỗi kiếp sống mới, nó lại càng ngày càng trở nên cao thượng hơn trước. Những viên đá đầu tiên nầy chỉ là cái nền nhà mà tôi đã chỉ cho chư huynh thấy qua, và nếu công việc có vẻ to tát vĩ đại, đó là tại vì trong trí tưởng tượng của kiến trúc sư, tòa lầu đài bao giờ cũng được toàn vẹn. Ở ngay những nét bút đầu tiên của bản họa đồ, trí tưởng tượng đã trông thấy tòa lầu đài được hoàn thành và hiểu rõ cái mục đích của việc làm của nó.

Và sau hết thì mọi sự sẽ ra sao? Ôi ngôn ngữ con người thật là bất lực, không sao miêu tả được đoạn chót của sự lập hạnh nầy. Những màu sắc tối tăm của trái đất không sao miêu tả nổi cái vẻ mỹ lệ của Lý tưởng hoàn toàn ấy mà chúng ta hy vọng một ngày kia sẽ đạt được, mà chúng ta biết rõ rằng một ngày kia sẽ thành tựu được. Có bao giờ Lý tưởng nầy hiện rõ ra với chư huynh trong những lúc lặng lẽ không? Chư huynh đã bao giờ trông thấy cái phản ảnh của nó, trong sự an tịnh của trái đất cũng như trong sự tịch mịch của bầu trời không? Chư huynh đã bao giờ trông thấy các vị Tiên Thánh còn sống và hoạt động không? Các vị trước kia đã là người và bây giờ đã vượt qua trình độ của con người, đã trở thành những vị Siêu nhân Cao cả oai nghiêm. Sau nầy nhân loại cũng sẽ được như các Ngài, tuy bây giờ chưa đi đến trình độ ấy, trừ ra ở những vòng trong của Thánh Điện.

Nếu chư huynh đã thoáng nhìn thấy được cái quang cảnh nầy trong những lúc yên tịnh nhất, thì tất cả những lời mà tôi dùng để miêu tả đều là vô ích đối với chư huynh. Chư huynh đã biết tấm lòng từ bi nó hình như làm ra trọn vẹn cái bản thể của ta, rực rỡ trong sự toàn thiện toàn mỹ của nó, trong sự thiêng liêng huy hoàng của nó, chư huynh biết tấm lòng trìu mến dịu dàng bao la rộng rãi cho đến nỗi sẵn sàng cúi xuống với những kẻ thấp hèn nhất và bay lơ lửng trên những kẻ cao sang quyền quí nhất, sự dịu dàng trìu mến bao gồm cả sự cố gắng của kẻ yếu đuối nhất và sự thành công vĩ đại nhất; thật vậy đó là một sự dịu dàng trìu mến sâu xa hơn nữa đối với kẻ yếu thay vì đối với kẻ mạnh, vì kẻ yếu cần được giúp đỡ nhiều hơn, cần được hưởng thụ không ngớt một tấm tình thiện cảm; duy chỉ có một tấm lòng thương yêu có bản tánh con người là che lấp được cái bản tánh thiêng liêng nơi các Ngài mà thôi, tấm lòng thương yêu nầy khiến cho ta cảm thấy rằng Con Người và Thượng Đế đã được hợp nhất nơi các Ngài.

Và ở đàng sau cái sự dịu dàng trìu mến còn có một sức mạnh nữa - một sức mạnh mà không có cái gì có thể làm cho giảm suy, sức mạnh nầy cộng tác với các nguồn lực căn bản của Vũ trụ, có thể dùng để làm nền móng cho các thế giới mà không hề bị lay chuyển. Một sức mạnh vô biên liên kết với một lòng từ bi vô lượng – làm sao cả hai đức tánh ấy lại có thể gặp được ở nơi một vị Thánh nhân trong một sự điều hòa tuyệt diệu như vậy? Rồi đến sự vui tươi sáng rỡ, sự vui mừng nó chiến thắng và muốn chia sớt niềm an lạc tuyệt vời của nó với vạn vật, đó là vầng Thái dương chói rạng không bị lu mờ vì vầng mây án, sự chiến thắng vinh quang nó hứa hẹn rằng tất cả đều sẽ thành công; sự vui mừng vì đã thoáng trông thấy điều gì xa hơn là sự đau khổ hiện thời, vì biết rằng mặc dầu có sự đau khổ, tất cả mọi sự việc đều sẽ được hoàn thành trong niềm an lạc.

Một tấm lòng dịu dàng trìu mến, một sức mạnh, một niềm vui, một sự an lạc tuyệt vời - cảnh yên tịnh của một mặt hồ êm ả, sự trầm lặng mà không một điều gì có thể phá rối được - đó là một vài nét của cái lý tưởng mà một ngày kia chúng ta sẽ thực hiện được ở nơi mình. Nếu chúng ta dám nhìn lên những đỉnh cao chót vót đó, chính là các vị Tiên Thánh vẫn hãy còn sống ở cõi trần nầy cùng với chúng ta. Các Ngài cao hơn chúng ta xa lắm nhưng các Ngài vẫn ở bên chúng ta, các Ngài vượt khỏi chúng ta nhưng các Ngài không bỏ rơi chúng ta, tuy rằng ở tất cả mọi phương diện, chúng ta không sao có thể hiểu nổi các Ngài. Vì trong trái tim của Chơn Sư, có đủ chỗ chứa toàn thể nhân loại, và vào trình độ của nhân loại hiện giờ, chúng ta là con cháu của các Ngài, chúng ta có thể nghĩ đến sự hiện diện của chúng ta trong trái tim đó mà không một chút chi sợ hãi.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh