Trước Thềm Thánh Điện: Chương 2. Sự Tập Luyện Cái Trí

TRƯỚC THỀM THÁNH ĐIỆN: CHƯƠNG 2. SỰ TẬP LUYỆN CÁI TRÍ

Trong cái phần thứ hai này của đề tài của tôi có lẽ chư huynh sẽ nhận thấy một sự khác biệt rõ ràng hơn là bất cứ ở đâu về cái cách nhận xét của một người ở ngoài đời, tính nết trầm tĩnh và thăng bằng, có đạo đức, với cái nhận xét của một nhà Huyền bí Học. Tôi phải dẫn chư huynh từng bước một ngay từ lúc ban đầu để chỉ cho chư huynh thấy cái cách nhận xét đó được thay đổi theo lối nào. Nhứt là về trí thức; vị trí của nó trong con người, phận sự của nó trong việc mở mang nhân tánh, nhiệm vụ của nó và cách nó làm tròn nhiệm vụ, nhứt là đối với những vấn đề đó thì có nhiều quan điểm trọng đại khác nhau sanh ra tùy theo phương diện của người đứng ra xem xét chúng nó, tùy theo quan niệm của y về cuộc đời và vai tuồng của y phải nhận lãnh. Để nói cho rõ ràng hơn, chúng ta hãy tìm hiểu trong chốc lát coi một người tốt, công bình, thuộc về hạng trí thức, một người chắc chắn không phải là vô tư lự, nhẹ dạ, phù phiếm theo nghĩa thường – chúng ta hãy tìm hiểu coi một người như vậy, với đầu óc minh mẫn, với trí hóa thông minh, thăng bằng, sẽ quan niệm sự làm chủ cái trí của mình như thế nào.

Một người tốt, nhất quyết đeo đuổi theo một lý tưởng về đức hạnh mà y cố gắng thực hiện, một lý tưởng về bổn phận mà y cố gắng hoàn thành, một người như vậy, khi ấn định cái lý tưởng của mình, khi suy nghĩ về cái quan niệm của mình về nhiệm vụ, sẽ nhìn nhận rằng cần phải làm chủ cái “bản ngã” thấp hèn và y sẽ tìm cách bắt buộc bản ngã này phải vâng lời “Chơn Nhơn Cao Siêu”. Đó là điều chắc chắn không còn có thể nghi ngờ gì nữa. Những sự đắm mê và thèm khát của xác thân, những mối xúc cảm lôi cuốn ta đi một cách vội vàng mau lẹ, không suy nghĩ đắn đo, tất cả cái khía cạnh ấy của con người chịu ảnh hưởng bên ngoài và tự biểu lộ ra bằng những hành động vô tâm, không suy nghĩ, con người đức hạnh ắt sẽ cho rằng tất cả những sự ấy phải được kiềm chế và điều khiển. Nói một cách thông thường, chữ “Tự chủ” dùng để chỉ định một người đã kiềm chế được bản ngã thấp hèn của mình, đã kiểm soát được cái trí như đã nói ở trên, vì thế cho nên lý trí kiểm soát được những dục vọng.

Chúng ta hãy nhận xét về một người đã được tiếng là có ý chí mạnh mẽ, một tánh tình đàng hoàng, một tánh tình hành động theo một đường lối cư xử nhất định, một ý chí dù ở trong những trường hợp rất khó khăn cũng vẫn có thể điều khiển được bản tính theo một phương hướng đã được ấn định rõ ràng. Ở một người như vậy, ta luôn luôn thấy một cái trí vô cùng phát triển, cho nên y hành động không phải vì bị kích thích bởi những trường hợp ngoại cảnh, những sự quyến rũ ở xung quanh, hay là vì thú tánh của y đã hưởng ứng những sự quyến rũ ấy, mà chính là do một căn bản kinh nghiệm tích trữ trong trí nhớ bao gồm những kỷ niệm của những sự việc đã qua và bao gồm sự so sánh những hậu quả của những sự việc ấy. Trí thông minh đã chọn lọc những kinh nghiệm ấy, đã xếp hạng và so sánh chúng, và rút lấy một kết luận do một sự cố gắng của lý trí và lẽ phải. Trí khôn gìn giữ cái kết quả này như là một định luật về hạnh kiểm và khi con người ở vào trong những trường hợp rối ren khuất phục được một ý chí yếu đuối và một người tầm thường sẽ bị xa đường lạc lối, thì cái trí thông minh mãnh liệt hơn và được phát triển hơn của y sẽ cư xử theo cái định luật về hạnh kiểm đã được ấn định trong một lúc bình tĩnh, tránh khỏi sự quyến rũ và không để cho sự quyến rũ hay sự kích thích trong chốc lát làm cho lạc hướng. Trong khi giao thiệp với một người như vậy, chư huynh có thể đoán trước được cái việc mà y sẽ làm. Chư huynh biết được cái chiều hướng chánh yếu của tư tưởng y, và chư huynh có thể như tin chắc được rằng cái tánh tình vững vàng ấy, mãnh liệt và quả quyết, trong khi chiến đấu – mặc dầu tất cả những sự quyến rũ bên ngoài – sẽ thực hiện được cái lý tưởng mà nó đã quan niệm được trong khi bình tĩnh và suy tưởng.

Thường thường một người tự chủ thì như thế đó. Đó là một người trong khi tự phát triển đã đạt được cái mức khá cao mà chúng ta vừa miêu tả, một người đã rèn luyện để chiếm đắc, kiềm chế và điều khiển cái bản ngã thấp hèn của mình, để cho Linh hồn có thể đứng vững trước những sự tấn công của dục vọng, mặc dầu sự kích thích bên ngoài lên đến cực độ. Một người như thế sẽ hành động một cách cao thượng, dù những sự cám dỗ có mạnh mẽ đến thế nào, những sự cám dỗ này xúi giục y hành động một cách ti tiện hay sa ngã theo những khích động của bản ngã thấp hèn.

Cái hạng người mà chúng ta đang nghiên cứu nãy giờ đây, chúng ta có thể gọi y là một người đức hạnh. Đó là một người tánh tình cao thượng, tư tưởng minh bạch, có cách xét đoán không sai lầm, không bị những trường hợp đẩy đưa sang bên này hay bên kia, giống như những kẻ sa đọa phóng đãng hay không biết tiết chế. Nhưng còn có một trình độ cao hơn nữa mà người này có thể tiến tới được. Y có thể chịu ảnh hưởng của một nền triết lý cao cả về đời sống, triết lý này giảng giải cho y thấy một cách trọn vẹn hơn về cách tác động của trí khôn con người. Y có thể tiếp xúc với những giáo lý Thông Thiên Học cao siêu được trình bày trong những kinh sách thuở xưa hay bây giờ, dù nguồn gốc là ở Ấn Độ, Ai Cập, Hi Lạp hay Âu châu hiện đại. Nền triết lý này sẽ có thể mang lại cho y một quan niệm mới mẻ về vũ trụ và biến đổi sâu xa sự thấy của y.

Hãy tỉ dụ một người như vậy gia nhập vào Hội Thông Thiên Học và chấp nhận những giáo lý căn bản. Ngay lúc đó y sẽ bắt đầu nhận thấy cái ảnh hưởng to tát của tư tưởng một cách rõ ràng hơn là khi chưa gia nhập vào cái trào lưu học hỏi này. Y bắt đầu hiểu rằng trí khôn của y, khi nó hoạt động, thì sẽ có cái mãnh lực sáng tạo như đa số chư huynh đã biết. Y sẽ biết rằng tư tưởng y tạo ra những đời sống, những sinh vật rõ ràng, và do cái quyền lực sáng tạo ấy mà khoảng không gian xung quanh y có đầy dẫy những sinh vật hoạt động theo đường thiện hay theo đường ác, và luôn luôn ảnh hưởng đến tư tưởng và đời sống của những kẻ xa lạ không bao giờ giao thiệp trực tiếp với người đã phát sinh ra những tư tưởng ấy. Y bắt đầu hiểu rằng tư tưởng của y không cần phải được diễn tả ra thành lời nói hay câu văn mà vẫn ảnh hưởng được đến tâm trí của đồng loại. Tư tưởng không cần phải được biểu lộ ra thành sự hành động hay là làm gương mới có một ảnh hưởng mãnh liệt về điều thiện hay điều ác. Y có thể là một người vô danh tiểu tốt theo ý nghĩa thường ở ngoài đời, một người mà đồng loại không hề biết đến, y có thể chỉ ảnh hưởng đến một số ít bà con, bè bạn giao thiệp ngay với y thôi. Tuy nhiên y có một sức mạnh vượt qua hẳn sức mạnh của lời nói. Y hiểu rằng tuy y là một người không ai biết đến, một người xa cách hẳn mọi sự việc của đời sống hồng trần, mà y vẫn có thể có một ảnh hưởng mãnh liệt đến kẻ khác, về điều thiện cũng như về điều ác. Y có thể làm cho những linh hồn sống đồng thời với y trở nên trong sạch, tinh khiết hay ô trược, xấu xa; y có thể dự phần vào sự tấn bộ của nhân loại hay làm cản trở sự tấn bộ ấy; y có thể nâng cao nòi giống của y lên hay hạ nó xuống thấp; nói tóm lại, không cần phải làm gương mẫu, không cần phải nêu ra những qui tắc – là những phương tiện duy nhất của người thường – y vẫn có thể ảnh hưởng tới tinh thần của thời đại y bằng những mãnh lực tế nhị của tư tưởng, bằng những hình tư tưởng hoạt động lan tràn khắp thế giới loài người; chúng sanh ra những hiệu quả rất chắc chắn vì những tư tưởng này làm việc mà không ai thấy chúng, có một ảnh hưởng rất rộng rãi vì chúng là những tư tưởng tinh vi tế nhị, cảm nhiễm quần chúng mà quần chúng không hay biết.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Như thế, khi mà con người càng có được những kiến thức rộng rãi hơn thì đối với y, tư tưởng y càng có một khía cạnh mới mẻ. Y bắt đầu biết được rằng chỉ một sự xử dụng cái trí của mình cũng khiến cho y cũng có một trách nhiệm rất lớn lao. Y hiểu rằng cái trách nhiệm này lan rộng khỏi tầm mắt y, và thường khi y dự phần một cách rất thiết thực vào những tội ác làm nhơ danh xã hội, cũng như dự vào những hành vi cao thượng anh hùng khiến cho xã hội được phấn khởi. Sau chót, y hiểu được cái nguyên tắc chủ yếu này là trọn cả cái trách nhiệm của một việc làm không phải luôn luôn kẻ làm việc đó cũng phải gánh chịu, trái lại mỗi hành động là một sự biểu hiện của một ý niệm, ấy là một ý niệm được thành hình, và ai đã dự phần vào việc phát sinh ra những ý niệm đó đều có một phần trách nhiệm về những hành động mà ý niệm đã sanh ra.

Được hiểu biết một cách mới mẻ như vậy về ý nghĩa rộng rãi của sự sống, con người bắt đầu cẩn thận, coi chừng sự hoạt động của cái trí mình. Y bắt đầu hiểu rằng y phải làm chủ tư tưởng, và về điều nầy, y khác xa hẳn cái lối hiểu biết của một người thường. Nhưng như vậy chưa phải là hết đâu. Khi học hỏi một cách sâu xa hơn, chẳng bao lâu y sẽ nhận thấy rằng những tư tưởng ở ngoại giới mà y tự thu hút vào mình phần nhiều có một tính chất giống như tính chất của những tư tưởng mà chính y đã phát sinh ra. Như thế, y giống như một hòn đá nam châm, không phải chỉ vì y phát ra những làn tư tưởng mãnh liệt trên khắp vùng xung quanh y ở, ví như một từ trường (champ magnétique) mà y còn thu hút vào mình những chất tương ứng với những tư tưởng mà y đã phóng ra. Những tư tưởng tốt lành hay ô trược nó đổ xô vào trí y phần lớn là do chiều hướng của sức mạnh của cái trí y, như thế y bắt đầu hiểu rằng khi phát sanh ra một tư tưởng tốt, không những y đã làm đầy đủ một bổn phận cao siêu đối với đồng loại, mà cái tư tưởng tốt của y vừa phóng ra cũng có ích cho chính mình y nữa.

Điều này luôn luôn xảy ra khi con người làm việc đúng với luật Trời. Mỗi khi y ban rải một tư tưởng cao thượng cho đời, thì y cũng tự biến mình thành một trung tâm thu hút những tư tưởng cao thượng khác, chúng do một sự đồng thanh đồng khí mà phóng lại phía y. Những tư tưởng này từ phía ngoài đi vào sẽ giúp đỡ và tăng cường trí khôn của y. Và càng suy nghĩ bao nhiêu thì con người lại càng nhìn nhận một cách hổ thẹn và đau khổ rằng khi phóng ra ngoài đời một tư tưởng ô trược, y khiến cho tâm thức y trở thành một trung tâm ô trược, thu hút những tư tưởng ti tiện ở xung quanh và khiến cho cái xu hướng về điều ác của y trở nên mạnh mẽ, giống hệt như sự suy tưởng về điều lành sẽ làm cho xu hướng về điều thiện được mạnh mẽ hơn. Khi mà y hiểu được cái sự liên quan tương đồng về thể trí nó ràng buộc tất cả mọi người lại với nhau, thì y sẽ thay đổi hoàn toàn cái cách suy tưởng của mình. Càng ngày y càng cảm thấy rõ rệt cái trách nhiệm của mình, y nhìn nhận thấy những sợi dây tương liên tự nơi y bủa rải tứ phía, đi về phía những người khác, rồi lại tự những người khác mà lại quay trở về với y. Và trong đời sống hàng ngày, y bắt đầu coi chừng tư tưởng hơn là sự hành động. Y hiểu rằng mọi mãnh lực đều được phát sinh chính ở nơi cảnh giới tư tưởng của cõi vô hình, rồi sau mới tự biểu lộ ra trong đời sống tâm linh và đời sống hữu hình.

*

* *

Một khi đã đi đến Sân Ngoài rồi, con người sẽ bước thêm một bước nữa. Như chúng ta đã thấy, bây giờ y đang leo lên con đường ngắn hơn và hiểm trở hơn để đi đến đỉnh núi, y bước vào cái thời kỳ phải chịu thử thách để chuẩn bị được Điểm đạo. Lúc này, chỉ hiểu được cái trách nhiệm của mình đối với đồng loại mà thôi - như trước kia ta đã hiểu – thì như vậy thật là chưa đủ. Khi đã bước qua ngưỡng cửa của Sân Ngoài rồi, con người nhận thấy rằng đằng sau cái trí của mình còn có một thể cao cả hơn nữa, đối với cái trí thì thể này có cái nhiệm vụ cũng giống như nhiệm vụ của cái trí đối với bản ngã thấp hèn. Trong lúc phát triển và sau khi đã nhìn nhận rằng thể trí là cao hơn những dục vọng, lúc bước qua ngưỡng cửa của Sân Ngoài, và ngay cả khi chưa bước qua ngưỡng của đó – (vì chính điều này là một phần đã dẫn dắt y đến thềm của Sân Ngoài) – con người đã nhìn nhận rằng y đã lầm lẫn khi tưởng rằng cái trí là tột cùng cao cả. Ngày hôm qua y hãy còn đồng ý với một tư tưởng gia chủ trương rằng : “Trong thế gian chỉ có con người là cao hơn hết, và trong con người chỉ có cái trí là cao hơn hết” mà thôi. Nhưng ngày nay y nhìn nhận rằng đó chỉ là một ảo tưởng, vì y đã nhìn xét sự vật theo một quan điểm thấp thỏi và tầm mắt nhìn của y đã bị lu mờ. Mắt y đã mở rộng và y đã thấy rằng trong Vũ trụ còn có một cái gì cao cả hơn cái trí đó mà trước kia y tưởng là chót đỉnh của nhân loại – có một cái gì bao la rộng rãi hơn, cao siêu hơn, đã có lần chiếu sáng nơi y trong chốc lát, rồi lại bị che phủ và hình như biến mất đi. Con người đã nhìn nhận không phải do sự nhận xét trực tiếp, mà do những điều y đã học được ở ngoại giới, rằng y vừa mới thoáng nhìn thấy được Linh hồn, một tia sáng phát sinh từ một cảnh giới cao cả hơn đã chiếu vào trí y, cùng một lúc đó Ánh sáng này cho y cái cảm tưởng rằng nó chính là tinh hoa của cái trí y vậy. Vì thế cho nên thoạt đầu có sự lộn xộn, có một sự dò dẫm trong bóng tối giữa một bên là cái trí, và bên kia là “một cái gì” mà con người liên cảm rằng nó giống hệt với y, tuy trước kia y đã tưởng y chính là cái trí vậy. Đối với y thì cái nguyên tố mới mẻ này vừa là y, vừa lớn hơn y, cao cả hơn y, và thoạt đầu con người không biết ánh sáng này tự đâu mà đã tới với mình, y không biết rằng cái niềm hi vọng mà tia sáng đó đã làm nảy sanh nơi y là một sự thật hay chỉ là một giấc mộng.

Trước khi làm sáng tỏ vấn đề, phải định nghĩa rõ ràng cho danh từ “cái trí” và “linh hồn”. Đối với chúng ta, danh từ này không phải chỉ là những phiếu, những thẻ dùng để đánh bạc không có giá trị thật sự. Chúng phải giống như những đồng tiền thiệt thọ có một giá trị tinh thần phong phú, phải là một kho quan niệm mà chúng ta đây có sẵn. Ta hãy xem xét những danh từ này trong chốc lát để biết cái ý nghĩa của chúng là gì, hay là tôi đang dùng chúng nơi đây theo cái ý nghĩa nào. Cho nên những lối giải nghĩa sau đây sẽ minh bạch, dù chư huynh có đồng ý hay không về cái cách định nghĩa những danh từ của tôi.

Tôi định nghĩa Linh hồn con người là cái nguyên lý nó cá nhân hóa Đại Hồn của Vũ trụ, nó tập trung cái ánh sáng thiêng liêng vào một tiêu điểm duy nhất. Có thể so sánh Linh hồn con người với một cái bình trong đó Đại Hồn của Vũ trụ tuôn vào. Linh hồn con người tự biểu lộ thành ra riêng biệt, tuy rằng thật ra nó luôn luôn Đại đồng và giống hệt với Đại Hồn.

Có sự chia cách riêng rẽ này là để cho một cá nhân có thể nảy sanh và phát triển, và để cho đời sống cá nhân đó có thể hoạch đắc được quyền năng và kiến thức trong mọi cảnh giới của Vũ Trụ, trong cõi Trần, trong cõi Tâm linh cũng như trong cõi Tinh thần, luôn luôn sáng suốt không bao giờ bị gián đoạn trong cái trạng thái thức tỉnh, sáng suốt để cá nhân có thể tự tạo lấy những Thể cần thiết ngõ hầu học hỏi ở những cảnh giới khác hẳn cảnh giới của mình và có thể lần lần tinh luyện những thể này để mai sau chúng không hành động như những tấm màn dày đặc, những chướng ngại, mà trở nên những trung tâm truyền đạt tinh khiết và trong suốt, nhìn qua đó có thể thâu thập được những sự hiểu biết rõ ràng về mỗi cảnh giới. Khi dùng danh từ “cái bình” và hình ảnh do danh từ này phát sanh ra, tôi làm cho chư huynh lầm lẫn. Lấy những từ ngữ mà đem áp dụng vào cách tác động của cái trí, thì cái hình ảnh tuy đúng thực theo phương diện nầy, nhưng vẫn là sai lầm theo một phương diện khác. Vì cái cách Đại Hồn tự biến hóa ra làm thành cá nhân không hề giống sự nắn thành một cái bình mà hình dáng qui định tức tốc hình dáng cái chất của người ta đổ vô bình. Hiện tượng Đại Hồn biến thành cá nhân, thật ra thì giống như sự thành lập một hệ thống vĩ đại trong vũ trụ, như sự thành lập một Thái dương hệ chẳng hạn. Lấy trí tưởng tượng mà đi ngược dòng thời gian, chư huynh có thể hình dung cõi không gian nơi đó người ta không trông thấy một vật gì cả. Cõi không gian này tuy dường như trống rỗng, mà thật ra chứa đựng mọi sự viên mãn mà con mắt không trông thấy được. Chư huynh hãy tưởng tượng trong sự trống rỗng giả tưởng này, một đám sa mù nhẹ nhàng nhưng hãy còn quá mong manh tế nhị, chưa xứng đáng với danh từ “sa mù”, đó là một sự phối hợp mới khởi đầu mà ta không thể gọi bằng danh từ gì đúng hơn nữa được. Rồi khi chư huynh cứ nhận xét mãi, đám sa mù trở nên dày đặc, tỷ trọng nó càng ngày càng tăng, và càng ngày nó càng tách ra rõ ràng khỏi cõi không gian xung quanh nó. Sau rốt, cái đám sa mù mà thoạt đầu chỉ là một cái bóng mờ nay bỗng có một hình dáng càng ngày càng rõ; đám tinh vân đông đặc lại, những nét chu vi của nó lần lần trở nên rõ hơn cho đến khi một hệ thống được thành hình; hệ thống này gồm có một mặt trời ở chính giữa và xung quanh là những hành tinh.

Dù sự miêu tả trên đây có vẻ khiếm khuyết đến thế nào chăng nữa, dường như Đại Hồn cũng theo một phương pháp giống như thế mà tự nhân cách hóa. Nó giống như một cái bóng mờ hiện ra trong khoảng trống của Vũ trụ, khoảng trống này thiệt ra là sự viên mãn nhất trong những sự viên mãn. Nhưng rồi cái bóng mờ trở thành một đám sa mù nó có một hình dáng càng ngày càng thấy rõ, nó trở nên càng ngày càng rõ ràng cho tới khi chúng ta thấy có một cá nhân, một Linh hồn ở cái nơi mà lúc thoạt đầu chỉ có một cái bóng mờ khó mà nhìn thấy được. Một Linh hồn, một tâm thức cá nhân được tạo thành theo kiểu đó vậy. Nếu chư huynh có thể hiểu rõ cái ý niệm này, chư huynh sẽ biết rằng thoạt đầu Linh hồn không được đầy đủ trọn vẹn, Linh hồn không đi xuống cảnh giới của vật chất như một người thợ lặn lao mình xuống nước; Linh hồn tự tạo mình một cách chậm chạp, chậm chạp lắm, nó tự đông đặc lại dần dần, như trên kia đã nói cho tới mức từ trạng thái Đại Đồng, nó trở thành một Linh hồn cá nhân. Và cá nhân này phát triển không ngừng theo đà tiến hóa của nó. Nó là cái Linh hồn thiệt thọ trường tồn từ kiếp này sang kiếp khác, qua những thời đại vô tận vô biên, qua những vô số thế kỷ như chúng ta đã biết. Nó là một cá nhân luôn luôn tăng trưởng, và lương tri nó là cái lương tri đã thâu thập được mọi kinh nghiệm đã có sẵn trong những tiền kiếp, trong khi phát triển. Linh hồn con người là như thế đó, Linh hồn này giờ đây đã trở nên mãnh liệt trong nhiều người rồi. Linh hồn có trong dĩ vãng một lịch sử dài dòng luôn luôn hiện ra trong cái lương tri đã trở thành rộng lớn mênh mông theo với thời gian, lương tri rộng lớn này thu gồm bao nhiêu kiếp sống của linh hồn lại trong một đời sống duy nhất và biết trọn vẹn cả cái dĩ vãng của mình. Mỗi khi phải đầu thai lại một lần nữa, mỗi khi phải xuống trần để tìm kiếm thêm kinh nghiệm, Linh Hồn đã từng phát triển không ngừng qua các thời đại, lại cho một phần của bản thể mình khoác những lớp y phục mới. Và cái phần này của Linh hồn phải đi xuống những cảnh thấp, cái dụng cụ này cung cấp những kiến thức mới mẻ để Linh hồn phát triển, cái phần này mà Linh hồn phóng ra ngoài chính là cái trí hay là sự thông minh của con người vậy. Đó là cái phần Linh hồn làm việc trong khối óc, bị khối óc hạn chế và làm trở ngại, bị xác thịt nặng nề đè nén, bị chôn vùi dưới một lớp vật chất nặng nề, và xuyên qua vật chất đó, lương tri của Linh hồn tự biểu lộ ra được một cách khó nhọc. Cái điều cao cả mà chúng ta gọi là Trí thức của con người chỉ là một phần của Linh hồn đang cố gắng, đang chịu nhọc nhằn trong khối óc để có thể giúp cho cá nhân thiệt thọ phát triển được. Khi nó càng cố gắng thì nó càng biểu lộ được những quyền lực của Linh hồn, vì nó chính là Linh hồn dưới lớp dầy vật chất. Tất cả cái gì mà nó có thể biểu lộ qua khối óc thì làm ra sự thông minh của con người như ta thường biết ở cõi trần này, có khi nó tự biểu lộ rất nhiều, có khi nó tự biểu lộ rất ít, tùy theo cái trình độ tiến hóa đã đạt được.

Nói tóm lại, một khi đã bước chân vào Sân Ngoài rồi, con người hiểu được rằng cái bản thể thiệt thọ của y là Linh hồn mà chúng ta vừa nói trên kia, còn cái trí thông minh của y chỉ là một sự biểu lộ tạm thời của Linh hồn thôi. Lúc đó, y bắt đầu hiểu rằng nếu trí khôn – cái phần của Linh hồn thiệt thọ bị giam hãm – phải làm chủ xác thân và dục vọng, thì đến lượt trí khôn phải tùng phục Linh hồn vì trí khôn chỉ là một sự biểu lộ tạm thời của Linh Hồn mà thôi. Trí khôn là một dụng cụ, một cơ quan của Linh hồn, với mục đích duy nhất là phụng sự Linh hồn, một cơ quan dùng để thu thập mọi kinh nghiệm ở ngoại giới, rồi mang những kinh nghiệm đó lên cho Linh hồn, là tinh hoa thiệt thọ của nó.

Một khi đã hiểu được những điều nầy rồi thì thí sinh phải có một thái độ như thế nào? Trí khôn phải học hỏi. Khi tiếp xúc với cõi đời bên ngoài, trí khôn thu thập những sự việc, xếp loại và so sánh chúng, Linh hồn xét đoán chúng, nói tóm lại Linh hồn làm đầy đủ những nhiệm vụ đặc biệt của mình. Kết quả của tất cả sự làm việc nầy được truyền đạt vào nội tâm, đi ngược dòng từ trí khôn lên đến Linh hồn; khi lên Thiên đàng Linh hồn mang theo mình cái kết quả ấy để đồng hóa nó và biến đổi nó thành minh triết. Vì minh triết và hiểu biết là hai điều khác hẳn nhau. Sự hiểu biết là tổng số kiến thức, với những cách người ta xét đoán chúng và với những kết luận do sự xét đoán ấy phát sanh ra. Minh triết là cái tinh hoa gạn lọc từ toàn thể, là cái sự khôn ngoan rõ rệt mà Linh hồn đã gặt hái được do tất cả những kinh nghiệm đó, và như người ta đã biết; sự biến đổi những kinh nghiệm ra thành minh triết chỉ được thực hiện ở Thiên đàng mà thôi.

Người chí nguyện biết mọi điều nầy, y hiểu rằng y chính là Linh hồn, Linh hồn nầy đã tiến bước qua mọi tiền kiếp và đã tự đào tạo trong lúc đi hành hương. Giờ đây, nó hiện ra như là bản thể thiệt thọ của con người, trong khi chờ đợi cho y có thể nhìn thấu được cả những bề sâu thăm thẳm hơn thế nữa. Y hiểu tại sao ngay từ quãng đầu của con đường Đạo, người ta đã nói rằng thí sinh phải biết phân biệt giữa Chơn Nhơn trường tồn và cái trí khôn nó chỉ là một sự biểu lộ nhất thời của Linh hồn trong cõi đời vật chất mà thôi, một sự biểu lộ chỉ để phụng sự những quyền lợi của Linh hồn.

Bây giờ người đệ tử có thể hiểu được câu trả lời là của Sư phụ khi lần đầu tiên y xin Ngài dạy dỗ y. Người đệ tử bồng bột kêu lên rằng: “Thưa Sư phụ, con phải làm gì để có được sự Minh triết? Con phải làm gì để được toàn thiện, thưa Chơn sư Minh triết?” Chơn sư trả lời: “Con hãy tìm kiếm những con đường Đạo. Nhưng hỡi đệ tử, trước khi lên đường, tấm lòng con phải trong sạch. Trước khi cất bước lần đầu tiên, con hãy tập phân biệt sự chơn với sự giả, cái luôn luôn thay đổi với cái trường tồn bất diệt [[5]]. Rồi Chơn sư lại tiếp tục dạy dỗ. Ngài chỉ bảo sự khác nhau giữa kiến thức và Minh triết. Ngài chỉ bảo cho đệ tử thấy sự vô minh là gì, sự hiểu biết là gì, và kế tiếp, sự Minh triết nó nối tiếp hai cái đó là gì. Rồi Ngài lại phân biệt giữa trí khôn “giống như một tấm gương phản chiếu hình ảnh nhưng cũng thu hút những bụi bậm” với sự Minh triết của Linh hồn giống như một luồng gió thổi tan những bụi bậm của ảo tưởng làm cho tấm gương trở nên trong sạch.

Nghe những lời này, nếu thí sinh khôn ngoan thì y phải suy nghĩ. Sự khác biệt giữa cái chơn và cái giả là cái gì vậy? Và tại sao sự khác biệt này lại có liên quan đến sự biểu lộ của trí khôn. Giữa tấm gương phản chiếu những hình ảnh và Linh hồn có nhiệm vụ phải phủi sạch bụi bậm của tấm gương để làm tan những ảo ảnh của chúng ta, có một sự khác biệt, sự khác biệt nầy là cái gì vậy? Người ta đang gán một nhiệm vụ mới mẻ nào cho cái trí khôn, mà trước đây trí khôn nầy là một yếu tố khẩn thiết, cho đến đỗi chúng ta coi nó như là hiện thân của con người vậy. Nói tóm lại, cái nhiệm vụ thiệt thọ của trí khôn là gì nếu ở cái bước đầu tiên trên con đường Đạo phải cần phân biệt cái chơn với cái giả, và nếu trí thông minh có liên quan ngay đến sự nẩy sanh các ảo tưởng, thì đó là do một sự tiếp xúc tế nhị như thế nào?

Người đệ tử còn nhớ lại những lời nói khác cũng do các Đấng Chơn sư Minh triết ấy thốt ra. Y nhớ đến một qui luật lạ lùng nói đến “Vị Chúa tể những giác quan”, vị vua cai trị bản ngã thấp hèn, nhưng mà không phải là bạn thân của kẻ đệ tử đâu. Chính lời giáo huấn nầy cũng khuyên nên tìm kiếm “Vị Chúa Tể của giác quan” để hiểu nó một cách kỹ càng vì chính nó “phát sinh ra những tư tưởng, chính nó khêu gợi ảo tưởng” và có một câu khác nữa là “trí khôn là kẻ tiêu diệt sự Chơn. Thật vậy người đệ tử phải trừ khử kẻ sát nhơn đi [[6]].

Hình như ở đây chúng ta đang theo dấu của một vài tư tưởng có thể soi đường cho người đệ tử khi y tìm kiếm vị Chúa tể của giác quan. Vị Chúa tể hay vị vua của các giác quan là kẻ sanh ra tư tưởng, một mặt khác kẻ sanh ra tư tưởng, cùng một lúc, lại khêu gợi ảo tưởng và giết chết sự Chơn thật. Chúng ta biết rằng trong thế giới tinh thần, có Thật Thể. Khi sự sai biệt càng tiến triển thì ảo tưởng lại phát sanh, và chính là cái trí khôn, cái trí khôn đang phát triển đã sanh ra ảo tưởng. Chính cái trí khôn đang phát triển nầy luôn luôn tạo ra những hình ảnh, nó có cái năng khiếu mà ta gọi là sự tưởng tượng cùng cái năng khiếu lý luận nó xây dựng bằng cách lấy hình ảnh hư vô do sự tưởng tượng đã tạo ra mà làm căn bản: Cái trí thật là kẻ đã tạo nên ảo tưởng, đã tiêu diệt sự Chơn thật ngay lúc con người được làm đệ tử. Vì vậy cho nên cái công việc đầu tiên của người đệ tử là phải trừ khử kẻ sát nhơn. Vì nếu nó không giải trừ được những ảo ảnh của trí khôn thì nó sẽ không khi nào vượt qua khỏi Sân Ngoài được.

Rồi nếu người đệ tử còn nghe thêm lời của Chơn sư, thì nó nghe một tiếng nói khuyên nó tìm cách hợp nhất trí khôn với Linh hồn [2]. Phận sự của y là phải biến đổi hạ trí mình, khiến nó có thể hợp nhất với Chơn Nhơn, phải tiêu diệt cái khả năng phát sanh ảo tưởng của nó đi để nó có thể biết đến Linh hồn bất tử đã sanh ra nó, để cho Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con có thể hợp nhất được với nhau.

Người đệ tử còn biết rằng y phải tiêu diệt nguyệt thể và tinh luyện thể trí của mình. Khi y học hỏi qui tắc này và tìm hiểu ý nghĩa của lối nói thần bí này, thì y nhờ nhiều lối nói bóng gió, nhiều hình ảnh tượng trưng quen thuộc, y hiểu được rằng Nguyệt Thể là Kama, là lòng Dục. Thỉnh thoảng người ta gọi thể này là cái Vía. Vậy người đệ tử phải tiêu diệt Nguyệt thể và tinh luyện cái trí. Sư phụ nói: “Phải tinh luyện cái trí của con” vì nếu không phủi sạch bụi bậm ảo tưởng bao phủ nó thì nó không thể nào phục hồi nguyên vị được, không thể nào hợp nhất với Linh hồn được.

Bây giờ người tân tín đồ bắt đầu hiểu cái công việc tinh luyện cái trí ở Sân Ngoài là thể nào. Y bắt đầu hiểu rằng chính y, chính cái Linh hồn linh động tấn hóa qua nhiều thế kỷ đã phóng ra ngoài bản thể mình một cái trí, một mãnh lực để xử dụng như là một dụng cụ. Thay vì làm chủ, trí khôn phải là một kẻ nô lệ biết vâng lời, một dụng cụ trong tay Linh hồn, một người tôi tớ dễ dạy mà Linh hồn đã gởi xuống trần gian. Và khi mà người đệ tử trông thấy rõ ràng cái công việc phải làm thì y bắt đầu tinh luyện cái trí y vậy. Sự tinh luyện này khởi đầu bằng những việc rất giản dị. Người tân tín đồ nhận thấy rằng tư tưởng của mình luôn luôn bay nhảy từ vật này sang vật khác, nó bướng bỉnh, nó bất trị. Như Đức Arjouna đã nhận xét cách đây 5000 năm, cái trí rất lao chao, bồn chồn, hiếu động và khó cầm giữ trong tay (Kinh Bhagavad Gita).

Chư huynh phải bắt đầu hành động để tập rèn nó như khi ta huấn luyện cho một con ngựa thành một con vật thuần thục để ta cưỡi. Phải trị được nó và dạy nó đừng có đi lang thang không mục đích, đừng nhảy qua các hầm hố và hàng rào, mà phải đi theo con đường do ý chí của chư huynh đã vạch sẵn, không được cự nự phản đối.

Vì thế cho nên trong đời sống hàng ngày của mình – vì đời sống hàng ngày của thế tục là khung cảnh nơi đó phải làm cái công việc chuẩn bị này – thí sinh phải tập lần lần cho cái trí của mình suy nghĩ một cách liên tục và rõ ràng, và không để cho vô số những sự quyến rũ xung quanh lôi cuốn, không phung phí thần lực của cái trí ra tứ phía. Y sẽ tránh, không cho tư tưởng của mình được vẩn vơ, y sẽ coi chừng cho nó theo một đường lối nhất định, y sẽ không học hỏi một cách đứt quãng, từng mảnh một, giống như khi y không đủ sức để theo dõi một nghị luận khó khăn. Y sẽ dẹp qua một bên vô số những sự quyến rũ bao vây y, trong cái thời đại phù phiếm của chúng ta đây. Những sách y đọc sẽ được chọn lọc một cách đứng đắn, vì nhứt là ở đây tư tưởng của thí sinh được huấn luyện. Y sẽ tự ý đọc những lý luận sâu xa, những lý luận dài dòng khiến cho trong một thời gian khá lâu trí y phải theo một con đường duy nhất, được ấn định rõ ràng. Y sẽ không cho phép tư tưởng của mình nhảy bất thần từ đề tài này sang đề tài khác, vì làm như vậy thì chỉ khiến cho cái trí không được vững chắc, điều này là một sự trở ngại trên con đường của người đệ tử, nếu không loại trừ nó ra thì sau nầy không thể nào tấn bộ được.

Như thế, từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác, thí sinh rèn luyện cái trí của mình. Y tập luyện cho cái trí suy tưởng một cách liên tục. Ngoài ra, y còn phải học chọn lọc tư tưởng của y. Y không cho những tư tưởng nầy được tự do đi lại trong trí. Y sẽ không để cho mình bị ám ảnh bởi những ý niệm hay lọt vào và gắn chặt trong trí của những người thường mà họ bất lực không nên xua đuổi chúng được. Người đệ tử tự làm chủ lấy mình. Nếu trong đời sống hàng ngày y bị những sự thử thách ào đến tấn công, thì điều đó cũng không sao, những sự thử thách nầy giúp cho y tự huấn luyện trí mình. Ở giữa những sự thử thách đau đớn nhất, những sự lo âu nhọc nhằn nhất, nếu người đệ tử chực muốn nghĩ đến tương lai, nếu y lo âu thắc mắc khi nghĩ đến những sự buồn rầu đang chờ đợi y trong mấy ngày, mấy tuần lễ, hay mấy tháng, thì y hãy quả quyết tự nhủ rằng: “Không, tôi không muốn lo âu như thế, tôi không muốn chất chứa một ý nghĩ như vậy trong trí tôi. Trong cái trí nầy của tôi, chỉ riêng những ý nghĩ nào mà tôi ưng thuận chứa chấp thì mới được phép nhập vào mà thôi, ý nghĩ nào đã lọt vào trí tôi mà tôi không cho phép phải tức khắc ra ngoài” – Ban đêm biết bao nhiêu người thao thức không ngủ vì bị những tư tưởng lo âu dằn vặt; trọn vẹn cả cuộc đời họ bị đầu độc, trọn vẹn cả sức khỏe của họ bị hao mòn, không phải do những sự thử thách mà do những nỗi lo âu mà những thử thách làm nảy sanh ra trong trí họ. Thí sinh phải chấm dứt ngay tình trạng đó. Y không được cho phép trí mình hoạt động một cách tự do và phải cương quyết đóng cửa ngăn cấm ngay mọi tư tưởng tới phá khuấy mãi y.

Đó là một sự tập luyện có phương pháp, một sự tập luyện dài lâu và khó nhọc, vì những tư tưởng thường nổi lên chống với ý chí và phải lấy sức mạnh mà xua đuổi chúng ra. Phải làm như vậy hết lần nầy đến lần khác, phải làm đi làm lại với một tấm lòng kiên nhẫn không hề biết mệt mỏi. Chỉ có một cách duy nhất là mỗi khi có tư tưởng độc hại nổi lên, phải nắm ngay lấy nó và quả quyết không cho nó trú ngụ. Chư huynh sẽ hỏi tôi rằng: “Muốn được như vậy thì phải làm thế nào?” – Thoạt đầu, việc dễ làm nhất là chú ý đến một việc khác; rồi về sau người ta chỉ từ chối cho tư tưởng xấu vô trí. Nhưng trước khi thí sinh có đủ sức mạnh cần thiết để đóng cửa thể trí và giữ được sự bình tĩnh, không bị ảnh hưởng bên ngoài chi phối, y phải lấy một ý tưởng nầy thay thế cho một ý tưởng kia, luôn luôn lấy một tư tưởng cao thượng, có đặc tính trường tồn thay thế cho một tư tưởng phù phiếm mà y định xua đuổi. Phương pháp nầy có hai điều lợi: một là nó xua đuổi được cái tư tưởng phù phiếm, hai là nó tập cho cái trí đứng được vững vàng nơi cảnh giới trường tồn và khiến cho nó nhận định được rằng hiện tại luôn luôn trôi đi mất, không đáng cho ta quan tâm. Sự luyện tập nầy thêm sức mạnh cho Linh hồn trong lãnh vực những vấn đề trường tồn, nó khiến cho Linh hồn không ngớt chăm chú vào cái vô thỉ vô chung. Đó là bí quyết của mọi sự an lạc thiệt thọ trong cõi trần nầy cũng như trong các cõi khác.

Vậy thí sinh tập luyện cái trí của mình, lần lần y sẽ làm chủ được nó. Sau nầy y có thể tự ý lựa chọn đề tài để suy nghĩ và loại trừ những ý tưởng mà y cho là xấu xa. Y còn phải có thể tiến thêm một bước nữa, nhưng đến đây sự khó khăn lại gia tăng. Thí sinh phải trọn vẹn vượt khỏi cái trí của mình, suy nghĩ mà không cần đến cái trí nữa – không phải vì y muốn trở nên vô ý thức, nhưng trái lại vì y tìm cách đoạt đến một lương trí cao sâu hơn, không phải vì nơi y đời sống trở thành mòn mỏi và hôn mê, nhưng vì đời sống nầy bỗng trở nên nhiệt liệt đến nỗi khối óc không còn đủ sức để chứa đựng nó nữa. Khi mà đời sống nội tâm càng nảy nở nơi y, khi mà làn sóng sinh lực tự đáy Linh hồn dâng lên cao thì người thí sinh sẽ lần lần nhận thấy rằng có thể tiến đến một trạng thái tư tưởng không còn là sản phẩm của cái trí, mà tư tưởng chính là lương tri ở ngay trong Linh hồn vậy.

Nhưng lâu lắm, trước khi đoạt được lương tri ấy, trước khi có thể tiếp xúc và hợp nhất với nó một cách liên tiếp, thí sinh phải trải qua một thời kỳ đen tối, trống rỗng nội tâm. Có thể đó là một trong những sự thử thách khó nhọc nhất trong đời sống của thí sinh ở Sân Ngoài. Lúc đó y cũng bắt đầu hiểu một cách lờ mờ về ý nghĩa của những lời này của Chơn Sư: “Hãy lấy Chơn Ngã Thiêng liêng của con mà khuất phục phàm ngã thấp hèn. Hãy lấy cái vĩnh cửu trường tồn mà kềm chế Chơn Ngã” [[7]]. Chơn nhơn Thiêng liêng, chính là cái Linh hồn phải làm chủ hạ trí. Rồi ở phía trên cao hơn Linh hồn nữa, là Đức Thượng Đế Trường tồn, trong tương lai, ở ngay trung tâm Thánh Điện. Vị Thượng Đế Trường tồn nầy phải làm chủ Linh hồn, cũng như Linh hồn, tức con người Thiêng liêng làm chủ bản ngã thấp hèn vậy.

Kế tiếp thí sinh học được lần lần từng chặng một rằng y phải làm chủ mọi vật bao vây y trong lãnh vực của tư tưởng thuần túy. Những sự cám dỗ tế nhị đến tấn công y. Những cám dỗ nầy không liên quan gì đến bản ngã thấp hèn của y nữa, mà lại mạnh bạo chống cự với bản ngã cao cả của y. Vì không thể thành công với những dục vọng và những cám dỗ thô lỗ của xác thân chúng tìm cách dùng cái trí khôn của người đệ tử mà tiêu diệt y. Và những sự cám dỗ tế nhị của cõi trí chạy ào tới tấn công y từng đám, chúng nó gài bẫy Linh hồn. Trong khi y bước chân đi trên con đường Đạo gian lao hiểm trở, chúng từ tứ phía chạy lại bao vây y. Người đệ tử phải hoàn toàn làm chủ những hình tư tưởng do chính y tạo ra, trước khi có thể tiếp tục lên đường, lãnh đạm, trầm tĩnh, trơ như đá, vững như đồng giữa cái đám tư tưởng linh động, mãnh liệt tựa bầy ong bay nhanh đó; không phải là cái trí thông minh yếu ớt của người thường nơi hạ giới đã nuôi dưỡng những tư tưởng nầy, mà chính là một năng lực kinh khủng, thuộc về bản chất những thần lực của cảnh giới thiêng liêng – dĩ nhiên thuộc về khía cạnh tối tăm chớ không phải khía cạnh sáng sủa, vì những mãnh lực tàn phá nầy phát sanh tự những kẻ muốn giết chết Linh hồn chớ không phải những kẻ sẵn lòng cứu vớt nó.

Ở Sân Ngoài, thí sinh đương đầu với những tư tưởng đó và chúng tấn công y với tất cả những sức mạnh của những lực ghê gớm ác độc. Nếu trong Sân Ngoài, thí sinh không làm chủ được cái trí khôn của mình, nếu y chưa được luyện tập quen để chống đối với những sự tấn công ti tiện với ở ngoài đời thường, thì làm sao y có thể đương đầu với những đạo quân của Ma vương. Làm sao y có thể vượt qua được cái giai đoạn cuối cùng của Sân Ngoài, xung quanh đó những kẻ tử thù của Linh hồn tụ họp đông đúc, chúng không bao giờ để cho ai đi lọt qua nơi đó, nếu không phải là người hoàn toàn giữ được sự an tịnh nơi mình. Chính lúc đó con người cảm thấy ở trong tâm có một sức mạnh đang phát triển, sức mạnh nầy phát sinh tự cái tinh thần vững chắc. Bây giờ y đã trở nên khá mạnh mẽ, có thể tùy ý tập trung tư tưởng vào một nơi nào y muốn và tâm trí cứ định ở đó mãi, bất di bất dịch, dù xung quanh y giông bão nổi lên dữ dội đến thế nào mặc lòng. Sự định trí này mạnh mẽ, không hề bị lay chuyển đến nỗi không một sức mạnh nào ở bên ngoài có thể đến khuấy rối nó được. Bây giờ con người không còn cần phải diệt trừ những tư tưởng xấu nữa, sự cố gắng diệt trừ chúng như vậy đã trở nên vô ích. Linh hồn càng hùng dũng bao nhiêu thì trong việc làm nó lại đỡ bớt công phu bấy nhiêu; khi mà quyền năng được phát triển nơi y thì y không còn thấy sự tấn công ở ngoại cảnh đến nữa.

Rồi thì trong sự phát triển về thể trí, con người đạt đến một trình độ vinh diệu, không cần phải lấy ý chí mà diệt trừ những tư tưởng xấu nữa, một khi đụng chạm phải Thánh Điện của Linh hồn, những tư tưởng xấu đó tự nhiên rơi xuống tan tành. Cái trí không còn cần phải diệt trừ nữa, không còn cần phải được kềm hãm nữa, nó đã trở nên trong suốt, tinh khiết và vâng lời. Đến đây cái trí và Linh hồn bắt đầu hợp nhất với nhau, và cái kết quả của sự khởi đầu hợp nhất nầy là mọi tư tưởng sái quấy khi vừa chạm phải cái trí thì liền bị chết khô ngay. Lương tri không cần phải ra tay tiêu diệt nữa, vì tất cả những ảnh hưởng cần phải tiêu hủy bổng nhiên tiêu tan đi do cái sức khích động của chúng bị dội ngược lại. Đó là sự định trí được tượng trưng như một ngọn đèn để ở một chỗ kín đáo nên không có ngọn gió nào làm cho chập chờn được. Chính là ở tại cái chỗ nghỉ ngơi nầy mà con người hiểu được ý chí là gì, chính ở nơi đó y tìm thấy được sự an lạc hoàn toàn. Đó là một nơi an ổn ở dưới bóng mát của những bức tường của Thánh Điện và kinh sách đời xưa đã nói đến nó như sau đây: “Thoát khỏi dục vọng, thoát khỏi sự đau khổ; con người trong sự an tịnh của giác quan, chiêm ngưỡng vẻ tôn nghiêm của Linh hồn mình” [[8]].

Lúc ấy lần đầu tiên, y nhìn thấy Chơn lý, đó không phải là những làn ánh sáng chớp nhoáng, những tia sáng vừa lóe ra thì đã tắt ngấm ngay đi, nhưng y thấy Chơn lý trong sự an tịnh và sự bình thản tuyệt đối mà dục vọng và sự buồn rầu không còn có thể đến quấy rối được nữa. Lúc đó Linh hồn oai nghiêm chiếu sáng rực rỡ, không còn một đám mây mờ nào bao phủ cả, và cái trí từ nay sẽ là một tấm gương trong trẻo, không chút bợn nhơ phản chiếu hình dáng của Linh hồn đúng với sự thật. Vì cái trí nầy trước kia giống như một tấm gương lấm bụi, một cái hồ bị những luồng gió dữ dội làm sóng cuộn ba đào, nay lại giống như một mặt gương sáng chói phản chiếu đúng đắn. Bây giờ nó giống như mặt hồ êm ả, in hình non núi và trời xanh; mặt hồ phản chiếu cây cỏ và những vì tinh cầu, cùng là màu sắc thay đổi của vòm trời mà không làm sai lạc Chơn tướng của sự vật.

Nhưng trước khi đạt được sự an tịnh hoàn toàn nầy, có một lúc nguy hiểm mà “Tiếng nói vô thinh” đã thốt lên để báo trước. Có một lúc khi gần đạt được điểm nơi đó ngọn đèn tâm không còn bị xao xuyến nữa, mà cái trí và Linh hồn vẫn còn chiến đấu với nhau trong một trận cuối cùng. Lúc đó cái trí vùng vẫy như một con voi điên trong rừng. Phải làm thế nào để thắng được nó. Đó là trận chiến đấu cuối cùng của cái trí, đó là bản ngã thấp hèn cố gắng một lần chót để chống lại với Chơn nhơn cao cả, để vứt bỏ cái ách mà nó thấy đang đè nặng trên vai. Đó là sự nổi dậy của bản ngã thấp hèn như những kinh sách nói về sự Điểm đạo đã đề cập đến. Vì trong tất cả những kinh sách nói về Minh Triết Huyền Bí đều có ghi rằng khi thí sinh đi gần đến thềm cửa, trước khi bước vào Thánh Điện, tất cả những sức mạnh của Thiên nhiên đều họp lại để cản bước y, tất cả những mãnh lực của thế gian đều chống lại để lôi thí sinh về phía sau. Đó là trận chiến đấu cuối cùng trước khi hoàn toàn thắng trận. Ở trên những cảnh giới cao siêu hơn, còn có một trận chiến đấu khác mà trận chiến trên đây chỉ là một phản ảnh yếu đuối; ở trên những cảnh giới cao siêu đến nỗi ta không sao có thể tưởng tượng nổi, đó là những cảnh giới mà chỉ có những Vị cao cả nhất trong những Vị cao cả mới có thể lên đấy được. Trận chiến đấu nầy được hình dung trong trận giặc cuối cùng xảy ra giữa Đức Phật và Ma Vương dưới gốc cây Bồ đề. Ở dưới gốc cây nầy, khi Ngài đã chứng quả Vô Thượng chánh Đẳng chánh Giác thành một vị Phật, tất cả những đạo binh của Ma Vương họp nhau lại rán cản đường Ngài một lần chót. Tuy rằng ở một mức vô cùng thấp hèn hơn nhiều, trận chiến đấu sau cùng đó cũng xảy ra với người chí nguyện, khi đến gần cửa Thánh Điện.

Y phải làm thế nào để chiến thắng? Trên Đường Đạo đầy thử thách phải làm thế nào để nối gót những Vị tiền bối? Lần nầy, những lời dạy bảo của Chơn sư lại đến cứu y, chính Ngài đã thốt ra lời khuyên nhủ để dìu dắt ta; “Tiếng nói vô thinh” đã bảo: “Cần phải có những cứ điểm để thu hút Linh hồn con người lên với Linh hồn Kim cương” [[9]]. Vậy Linh hồn Kim cương là gì? Đó là Linh hồn đã hợp nhất được với Chơn linh cao cả, đó là Linh hồn không khiếm khuyết, không dấu vết, trong suốt như một viên kim cương thuần khiết nó tập trung Ánh sáng của Đức Thượng Đế trong một tiêu điểm duy nhất cho nhân loại chúng ta. Cái danh từ oai nghiêm mà tôi vừa kể trên kia – và tôi còn có thể kể nhiều danh từ khác nữa, chúng cùng có một ý nghĩa tuy chúng thuộc về những ngôn ngữ của các quốc gia khác nhau – danh từ nầy là tên của một Linh hồn cao cả nhất trong các Linh hồn cao cả, xứng đáng với danh hiệu Linh hồn Kim cương. Và Ánh sáng của Thượng Đế chiếu rọi qua Linh hồn nầy không bị lu mờ, vì viên Kim cương hết sức tinh khiết, vì cái Linh hồn vô giá nầy hết sức trong trắng. Trong những lúc ước nguyện cao siêu, chúng ta dâng cao tấm lòng lên đến Linh hồn Kim cương đó, và Linh hồn nầy chỉ cần phóng ra một tia sáng Mỹ lệ, một ngọn lửa liếm qua cũng đủ thu hút ta lên với Nó rồi. Vì giống như bông hoa phát triển hướng về phía mặt trời, Linh hồn con người phát triển hướng về nguồn cội của chính bản thể mình, những điểm thu hút nó, chính là những tia sáng huy hoàng mà Linh hồn Kim cương phóng ra xung quanh vậy. Vì Linh hồn của người đệ tử mặc dầu còn yếu đuối và do dự thì cũng vẫn đồng bản chất với Linh hồn Cao cả. Vì thế cho nên Linh hồn cao cả thu hút Linh hồn con người bằng một thần lực rất thiêng liêng để cho hai bên được hợp nhất với nhau. Khi mà sự hiểu biết càng được minh bạch người đệ tử sẽ càng hiểu được Linh hồn Kim cương là gì; hiểu rằng một ngày kia Linh hồn Kim cương cũng sẽ phát hiện nơi y, “Ngươi hãy nhìn chính bản thân ngươi! Ngươi là Phật đấy!” Y hiểu rằng trí khôn của y cũng giống như thể xác của y, chỉ là những dụng cụ của Linh hồn Kim cương mà thôi, nếu dụng cụ nầy không thốt ra được những âm thanh xứng đáng để có thể vang lên trên những cảnh giới cao siêu hơn thì nó thật là không hữu ích và quí báu gì cả. Chính lúc đó những sợi dây đàn của Linh hồn phải nhờ lòng sùng đạo hoàn toàn mà được điều hòa với nhau, lúc đó Linh hồn trở thành một cây đàn xứng đáng để bàn tay của Chơn sư khảy, một cây đàn có thể trổi vang lên tất cả những bản nhạc du dương của cõi trần và cõi Thượng Thiên vậy. Sau cùng, người đệ tử đứng ngay trước cửa Thánh Điện và y nhận thức được điều gì đã xảy đến. Đó là chính y đã tìm thấy cái bản thể của mình, và cái Linh hồn bây giờ là chính y, đang ngước mắt nhìn một Bản Thể Cao Siêu hơn nữa mà một ngày kia y sẽ được hợp nhất với. Sự hợp nhất cao cả hơn nầy chỉ có thể thực hiện được ở giữa Thánh Điện. Người đệ tử khi đi đến thềm cửa chỉ mới hợp nhất cái bản ngã hữu sinh hữu hoại của mình với Chơn nhơn trường tồn bất diệt, hợp nhất cá nhân trí thức của mình với Chơn nhơn thiệt thọ mà thôi.

Rồi thì y mới bắt đầu thờ phượng, sự thờ phượng nầy nghĩa là sự lần lần hợp nhất lương tri mình với Thượng Đế. Lúc đó y hiểu được rằng, trong đời sống hằng ngày, Linh hồn con người có thể luôn luôn thờ phượng Thượng Đế, dù trí y đang bận rộn về một công việc gì, dù xác thân y đang hoạt động cách nào. Sau cùng hiểu rằng đời sống của người đệ tử là một sự thờ phượng Thượng Đế không ngừng nghỉ, một sự chiêm ngưỡng không ngớt cái Linh hồn Kim cương, chiêm ngưỡng mãi mãi Đức Thượng Đế. Y biết rằng khi Linh hồn mắc bận thờ phượng luôn luôn nơi Thánh Điện thì xác thân và cái trí vẫn làm việc nơi Sân Ngoài, và còn xa hơn thế nữa, vẫn làm việc trong thế gian để phụng sự nhân loại. Y biết rằng xác thân mình có thể luôn luôn hoạt động, đặng làm việc cho loài người, và cái trí của mình có thể luôn luôn bận rộn, vì nó làm việc cho nhân loại. Khi mà người đệ tử còn sống nơi cõi trần, cái trí và xác thân y là những dụng cụ của y, những sứ giả của y trong thế giới loài người, và trong lúc đó, chính y đang thờ phượng nơi Thánh Điện. Sau cùng y hiểu được đoạn kinh nầy: “Ở trên trời, những Thiên Thần đời đời chiêm ngưỡng Đức Chúa Cha”. Vì sự chiêm ngưỡng Linh Hồn-Từ Phụ là một sự chiêm ngưỡng không bao giờ chấm dứt. Không một đám mây nào của thế gian có thể làm lu mờ sự chiêm ngưỡng ấy, không một việc gì ở cõi trần lại có thể phá rối sự chiêm ngưỡng đó. Linh hồn luôn luôn chiêm ngưỡng thờ phượng, trong khi cái trí và xác thân làm việc.

Đi đến được trình độ nầy, Linh hồn được tự do bước qua thềm Thánh Điện, và tự ở Sân ngoài, nó đi vào trong Thánh Điện của Đức Thượng Đế.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh