Trước Thềm Thánh Điện: Chương 5. Trước Thềm Thánh Điện

TRƯỚC THỀM THÁNH ĐIỆN: CHƯƠNG 5. TRƯỚC THỀM THÁNH ĐIỆN

Bây giờ chúng ta đã đi đến bực thềm của Kim môn (cửa bằng vàng), những cánh cửa mà ai ai cũng có thể mở được. Những cánh cửa một khi đã mở rộng ra rồi thì đưa con người đi vào Thánh Điện Vĩ Đại Oai Nghiêm, và những ai đã bước vào đó rồi thì không bao giờ quay trở ra nữa. Giờ đây, nếu có thể được, chúng ta cố gắng hiểu cái điều kiện của người chí nguyện đang tiến bước lên thềm cửa mà y biết chẳng bao lâu y sẽ phải bước qua để nhập vào hàng ngũ của những kẻ phụng sự trên thế gian, đang làm việc để dìu dắt sự tiến hóa của giống nòi, để thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại chúng ta.

Chúng ta hãy dừng chân lại một lúc để nhìn xét những người đang ở Sân Ngoài, nơi mà chúng ta đã nói đến ở bốn bài thuyết trình đầu. Chúng ta sẽ thấy nổi bật lên một nét đặc biệt làm căn bản chung cho những ai đang ở đó. Họ khác nhau rất xa về trình độ lý trí và đạo đức, khác nhau rất xa về sự tiến bộ đã hoạch đắc được, họ khác nhau trong sự thực hiện những điều kiện bắt buộc phải có, về cái khả năng có thể tiến mãi lên cao; nhưng có một điều được tỏ lộ rõ ràng, một điều mà tất cả mọi người đều có: đó là sự thành thật [[16]]. Họ đều có một mục đích nhất định trước mắt. Họ hiểu một cách minh bạch rõ ràng cái điều mà họ ước vọng. Khi họ xem xét thế gian, họ có một sự quyết định thành thật ở nơi thâm sâu của lòng họ. Đối với tôi đó dường như là một nét đặc biệt rõ ràng nhất chung cho tất cả, như tôi đã nói. Những ai trong chư huynh đã quen thuộc với thánh kinh của những xứ xa xôi sẽ nhớ rằng cái đức tánh thành thật nầy rất quan trọng; và có trước mắt mình một mục đích mà mình cố gắng để thực hiện được một cách quả quyết, đó là một điều quan trọng. Nếu chư huynh xem đôi ba quyển kinh sách cổ kính của các tôn giáo Ấn Độ, chư huynh sẽ thấy tật bê trễ, lười biếng bị coi như là một trong những tánh xấu nguy hiểm nhất, tánh thành thật như là một trong những đức tánh cần yếu nhất. Mặc dầu là ở trong tôn giáo nào, chư huynh cũng thấy một quan niệm duy nhất về điểm đó. Con người đã tiến đến cái trình độ nầy, thì cũng đã vượt qua ranh giới phân chia tôn giáo nầy với tôn giáo khác, y đã hiểu nơi căn bản của mọi tôn giáo, có những giáo lý cao cả giống nhau; và tất cả những người sùng đạo đều hướng về mục đích cao cả duy nhất. Vì thế cho nên y không ngạc nhiên khi thấy những kinh sách của những tôn giáo khác nhau - tất cả đều do Quần Tiên Hội ban hành - bắt buộc người chí nguyện phải có những đức tánh giống nhau và đều đồng lòng cho rằng tánh thành thật là một trong những đức tánh cần thiết nhất cho ai muốn làm đệ tử. Ở chương II của kinh Pháp Cú Dhammapada, chư huynh sẽ thấy cái đức tánh nầy được chỉ dẫn một cách rõ ràng và có lẽ với nhiều chi tiết hơn là bất cứ đoạn nào khác. Tôi xin trích nó ra đây:

“Nếu con người thành thật bắt đầu để hành động, nếu y không hay quên lãng, nếu những việc làm mà y trong sạch, nếu y hành động một cách sáng suốt, nếu y tự chủ, nếu y sống theo giới luật thì sự vinh quang của y sẽ tăng trưởng.

Do sự hoạt động siêng năng, do tánh thành thật, do sự khắc kỷ và tánh trinh khiết, người minh triết có thể tự xây đắp cho mình một hòn đảo mà không một trận hồng thủy nào làm ngập lụt được.

Những kẻ điên khùng đều chạy theo hư danh, đó là những người hiểu biết không chân chánh. Người minh triết gìn giữ tánh thành thật của mình như là một báu vật quí giá nhất.

Trò đừng theo đuổi những sự vật phù vân, những niềm vui của sự thèm khát tham lam và của tình yêu giả dối. Con người thành thật và ưa suy ngẫm sẽ gặt hái được rất nhiều sự vui mừng.

Khi do tánh thành thật, người có học thức đã xua đuổi được tánh khoe khoang đi rồi thì y trở nên minh triết, y lên đứng trên những đài cao siêu của sự minh triết, và nhìn những kẻ điên khùng đang ở phía dưới. Y bình tĩnh nhìn đám đông đang quay cuồng, giống như một người đứng trên một ngọn núi nhìn xuống những kẻ ở đồng bằng.

Chăm chú ở giữa đám đông người hay quên lãng, thức tỉnh giữa đám người đang ngủ say, người minh triết tiến bước như một con ngựa chạy đua, để lại ở phía sau bầy ngựa gầy ốm, vô giá trị.

Chính nhờ tánh thành thật mà đức Maghavan trở thành chúa tể của các Thần minh. Con người ca tụng tánh thành thật, nhưng luôn luôn quở trách tánh bê trễ lười biếng.

Vị tỳ khưu [[17]] lấy tánh thành thật làm nỗi vui mừng an lạc, và ghê sợ tật bê trễ lười biếng thì có thể di chuyển khắp mọi nơi giống như lửa, đốt cháy những sợi dây lớn nhỏ ràng buộc mình.”

Nếu chư huynh quay lại phía sau mà nhìn tất cả cái công việc chúng ta đã miêu tả, chư huynh sẽ thấy rằng đức tánh thành thật là căn bản của mỗi giai đoạn trong công việc. Sự tinh luyện, sự kiểm soát tư tưởng, sự lập hạnh, sự biến đổi những xu hướng thấp hèn thành ra những đức tánh cao cả, trọn cả cái công việc nầy bắt buộc phải có một bản tánh thành thật đã nhận biết được mục đích của mình và nhất định đạt được nó.

Đó là cái nét đặc biệt căn bản chung cho tất cả những ai ở Sân Ngoài và cũng nên nhấn mạnh nét đặc biệt nầy nổi bật lên một cách rất rõ rệt đối với những ai con mắt đã sáng. Chư huynh đã biết rằng khi nhìn vào trạng thái của vòng hào quang, người ta đoán được gần hết tánh nết của con người. Ngoài ra một số người trong chư huynh chắc cũng nhớ khi bàn về sự tiến hóa của nhân loại, tôi có nói rằng: Linh hồn khi mới phát triển là một vật chưa có hình thái rõ ràng như một đám tinh vân không có chu vi nhất định, không có giới hạn rõ ràng. Khi linh hồn càng tiến hóa, thì cái đám tinh vân nầy càng có một hình dáng rõ ràng, và vòng hào quang của con người càng có một chu vi nhất định. Thay vì tan mờ đi trong không gian, thay vì lần lần biến mất đi trong vùng không khí xung quanh, nó lại nổi bật lên với một chu vi rõ rệt khi cá nhân được trưởng thành. Vậy nếu chư huynh có thể lấy thần nhãn mà nhìn vào những người ở Sân Ngoài, như vậy chư huynh sẽ ngạc nhiên vì vòng hào quang của họ có một chu vi rõ ràng, đều đặn, biểu hiệu của sự minh bạch nội tâm mà Linh hồn cá nhân đã đạt được. Tôi nói như thế để chư huynh hiểu rằng mỗi sự tiến bộ của Linh hồn đều được ghi khắc bằng những dấu hiệu rõ ràng không bao giờ có thể lầm lạc được. Không phải do một đặc ân độc đoán mà Linh hồn có được cái địa vị ngày nay, không phải do sự ngẫu nhiên hay tùy thuộc vào một sự việc bất ngờ mà có được địa vị đó. Trình độ tiến hóa của nó là một trạng thái nhất định gồm có những đức tánh và quyền năng đã được hoạch đắc rõ ràng. Người ta nhận biết được quyền năng nầy là do những dấu hiệu nhất định, những chiêm nghiệm đã phát triển nơi mình khả năng có thể nhìn thấy những chất tinh vi tế nhị hơn là vật chất hồng trần, đều nhận rõ được những dấu hiệu đó. Vậy kết quả của tánh thành thật là phát triển cá nhân khiến cho vòng hào quang có một chu vi rõ rệt. Người ta có thể nói rằng vòng hào quang rõ ràng nầy là cái dấu hiệu bên ngoài chỉ rõ một trạng thái nội tâm chung cho tất cả những ai ở Sân Ngoài và tuy rằng cái nét đặc biệt nầy có thể nổi bật ở người nầy nhiều hơn ở người kia, nhưng tất cả những ai ở Sân Ngoài đều có nét đặc biệt đó.

Cuốn sách nhỏ rất hay, nhan đề: “Ánh Sáng trên Đường Đạo” đã nói một cách rất hữu lý rằng: Những người chí nguyện ở Sân Ngoài chỉ nhờ cuộc đời điểm đạo cho mình mà thôi. Đó không phải là những cuộc Đại Điểm Đạo rõ ràng, thật sự, sau nầy mới có, không phải là những cấp bực minh bạch ở bên trong Thánh Điện, cấp đầu tiên của những cấp bậc nầy chính là sự bước chân qua những Kim Môn, những cánh cửa bằng vàng. Ở Sân Ngoài, những sự điểm đạo nhỏ liên tiếp đến dạy dỗ người chí nguyện trong khi y sống hằng ngày với thế tục. Người ta có thể nói rằng theo một ý nghĩa rất thực tế, chính đời sống là Đấng cao cả đã ban phép Điểm đạo vậy. Tất cả những biến cố đều đến tấn công thí sinh để thử sức y và phát triển những khả năng của y.

Khi đọc cuốn sách nhỏ “Ánh Sáng trên Đường Đạo” chư huynh sẽ thấy một số điều kiện mà “Những lời giảng lý” nói rằng đã được ghi ở phòng ngoài, ở phía trước cửa Thánh Điện. Những điều nầy được bày tỏ trong một ngôn ngữ tuy thần bí nhưng ta cũng có thể hiểu được, mặc dù trong một ngôn ngữ thần bí thường có những sự khó khăn phát sanh từ cách hiểu đúng từng chữ theo nghĩa đen thay vì tìm hiểu những sự thật bên trong mà những chữ đó muốn diễn tả ra. Và bốn Chơn Lý Cao Cả được ghi khắc trong phòng ngoài là:

“Trước khi con mắt nhìn thấy được, nó phải ráo lệ.

Trước khi lỗ tai có thể nghe được, nó phải điếc, không còn nhạy cảm nữa.

Trước khi lời nói có thể được thốt ra trước Chơn Sư, lưỡi phải mất khả năng làm tổn thương kẻ khác.

Trước khi Linh hồn có thể đứng trước mặt Chơn Sư thì chân nó phải được rửa sạch trong tâm huyết.”

Và chính cùng một Tác giả xưa kia đã truyền đạt và công bố quyển sách “Ánh Sáng trên Đường Đạo” sau nầy lại viết những lời giảng lý cho sách đó. Những lời giảng lý nầy cần được nghiên cứu thâm sâu, vì nó giảng giải một phần lớn những sự khó khăn cố hữu của cuốn sách đó và có thể giúp cho sinh viên đừng hiểu theo nghĩa đen, vì như vậy là nguy hiểm như tôi đã nói. Theo những lời giảng lý nầy câu thứ nhất là:

“Trước khi con mắt nhìn thấy, nó phải ráo lệ” nghĩa là Linh hồn phải lìa bỏ đời sống của những cảm xúc để bước vào đời sống của sự hiểu biết; Linh hồn không còn được sống mãi trong một nơi mà luôn luôn làm cho nó bị điên đảo vì những làn sóng dữ dội phát sanh từ những giác quan, nó phải lìa bỏ cái cảnh giới bất định đó mà đi vào cảnh giới an tịnh, không hề thay đổi của sự hiểu biết. Những con mắt là những cửa sổ của Linh hồn, những cửa sổ nầy thường bị sương mù của cuộc đời che phủ đi. Nói theo cách khác, những xúc cảm mãnh liệt, vui hay buồn, bốc lên như một làn hơi sương mờ che phủ những cửa sổ của Linh hồn, cho nên Linh hồn không thể nhìn qua cửa sổ đó một cách rõ ràng. Cái sương mờ nầy phát sanh từ ngoại cảnh, chớ không phải từ nội tâm, phát sanh từ bản ngả chớ không phải từ Linh hồn, nó là kết quả của một niềm xúc cảm mạnh mẽ, chớ không phải của một sự thông hiểu về đời sống. Vì lý do đó cho nên nó được tượng trưng bằng những giọt lệ, biểu hiệu của một cảm giác mãnh liệt, vui hay buồn. Con mắt của Linh hồn không thể nào nhìn rõ ràng được, cho đến ngày chúng trở nên khô lệ, cho tới ngày những cửa sổ của Linh hồn không còn bị sương mù nơi ngoại cảnh che phủ, cho tới ngày những cửa sổ nầy để cho ánh sáng của sự hiểu biết chiếu vào một cách rõ ràng. Người ta đã giảng giải cho chúng tôi: Như vậy không có nghĩa là người đệ tử phải trơ trơ, lãnh đạm, không biết xúc cảm nữa, mà chỉ có nghĩa là: không một sức mạnh bên nào còn có thể làm cho y mất thăng bằng. Như vậy không có nghĩa là y không còn đau khổ nữa, không còn vui mừng nữa, bởi vì những nỗi đau khổ hay vui mừng của y sẽ trở nên sâu xa hơn là những sự vui buồn của người thường. Như vậy chỉ có nghĩa giản dị là: sự đau khổ cũng như sự vui mừng không còn có thể làm cho y mất cái trạng thái thăng bằng phát sanh từ sự hiểu biết không hề bị lay chuyển mà y đã hoạch đắc được. Và sự hiểu biết nầy chính là sự hiểu biết về những sự việc trường tồn, khiến cho mọi sự giả tạm phù du không còn có thể thật sự án mắt của Linh hồn được.

Đối với Chơn lý thứ hai cũng vậy: “Trước khi lỗ tai có thể nghe được, nó phải điếc.” Phải đi đến cảnh giới của sự yên lặng. Và về sau người ta có thể nói rằng tai con người chỉ có thể nghe tiếng nói của các Chơn sư luôn luôn vang rền trên thế gian khi mà nó không còn lóng nghe tiếng ồn ào của đời sống bên ngoài nữa. Không phải là Chơn sư ngưng tiếng, vì Ngài vẫn nói luôn luôn không ngừng. Tiếng nói của Ngài vang rền trong tâm ta. Nhưng những tiếng động đang bao vây Linh hồn của người đệ tử, ầm ĩ ồn ào đến nỗi y không thể nghe được lời nói của Chơn sư, dịu dàng hơn, tiết điệu hơn, thâm sâu hơn, xuyên qua những âm thanh thô trược phát sanh từ giác quan cùng những mối xúc cảm thấp hèn. Vì thế nên trước khi rời bỏ Sân Ngoài, người đệ tử cần phải đạt đến một cảnh giới yên lặng để có thể nghe thấy trong chốc lát cái âm thanh của Chơn lý. Và một khi đạt đến cảnh giới yên lặng nầy rồi, thì trong một thời gian, người ta có cảm tưởng như mất hết cảm giác, vì sự yên lặng ngự trị nơi đó, vì lần đầu tiên, Linh hồn nhận thức được sự yên tĩnh liên tục, không bao giờ bị quấy phá.

Nơi đây, tác giả nói và nhấn mạnh vào những nỗi khó khăn và sự chiến đấu xảy ra khi lần đầu tiên ta nhận thức được sự yên lặng. Chúng ta đã quen sống ở giữa những tiếng xao động chung quanh, cho nên khi sự yên lặng bao trùm lấy Linh hồn thì nó cũng mang lại một cảm giác trống rỗng hư vô. Giống như khi ta đi xuống một vực thẳm, không có một vật gì ở phía dưới để tựa chân, khi ta đi vào trong những miền tối tăm bao phủ Linh hồn như một tấm vải liệm xác chết; đó là một cảm giác hoàn toàn cô độc, triệt để trống rỗng, dường như mọi sự đều sụp đổ, dường như mọi đời sống đều bị tiêu hủy cùng với sự ngưng ngang của tiếng ồn ào của các sanh vật. Người ta nói với chúng ta rằng lúc đó, tuy chính Chơn sư có đứng đấy, cầm lấy bàn tay của người đệ tử, mà người đệ tử vẫn thấy mình như đang ôm khoảng trống rỗng của không gian, dường như y không trông thấy Sư phụ y cùng tất cả những vị tiền bối đã đi trước trên con Đường Đạo, y tự thấy mình bị cô đơn ở giữa khoảng không trung không bám vào đâu được, phía trên trống không, phía dưới trống không, ở xung quanh cũng trống không chẳng có gì cả. Và trong cái lúc im lặng đó, đời sống hình như ngưng lại; trong lúc im lặng đó, dường như chính Linh hồn cũng ngừng không sống nữa.

Và tiếng nói vang lên từ bờ bên kia sông, xuyên qua cái im lặng nầy; ta nghe được trong sự cô tịch, nổi bật lên giữa những tiếng ồn ào của thế gian. Một khi đã nghe tiếng nói nầy rồi, thì lỗ tai sẽ luôn luôn nhạy cảm đối với tiết điệu du dương của nó. Không một âm thanh nào của thế gian lại có thể làm tắt tiết điệu du dương nầy mà Linh hồn đã nghe trong sự im lặng. Phải cảm thấy, phải nhận thức được hai chơn lý nầy trước khi có thể đi đến những Kim Môn, những cánh cửa bằng vàng thiệt thọ.

Người chí nguyện phải sống với hai chơn lý nầy trước khi có thể leo lên những nấc thang và đứng trước ngưỡng cửa, trước khi người ta cho phép y bước vào Thánh Điện.

Theo như người ta đã miêu tả trong sách, dường như hai chơn lý còn sót lại thuộc về bên trong Thánh Điện hơn là bên ngoài. Vậy mà chúng vẫn được ghi ở phòng ngoài, vì ở cái phòng nhỏ nầy người ta còn ghi rất nhiều qui tắc chỉ có thể hoàn toàn thực hiện được ở bờ bên kia sông, những qui tắc dùng dìu dắt người chí nguyện để cho y biết phải hướng những cố gắng của mình về chỗ nào để có thể tự chuẩn bị mà làm việc ở phía bên trong Thánh Điện. Vì theo sự miêu tả thì dường như hai Chơn Lý Vĩ Đại sau nầy - liên quan đến sự có thể nói và có thể đứng trước mặt các Chơn sư - chỉ có thể được thực hiện sau khi bước qua những Kim Môn, những cánh cửa bằng vàng; tuy nhiên người tân tín đồ vẫn có thể cố gắng làm cho hai chơn lý nầy được phát triển nơi Linh hồn mình ngay ở Sân Ngoài. Vậy hai chơn lý còn lại mà những dấu hiệu báo trước hiện ra trong người đệ tử đã đi đến Thềm Thánh Điện là gì?

Chơn lý thứ nhất: Có thể nói trước mặt các Chơn sư - nghĩa là Linh hồn cất tiếng kêu gọi Đấng Chí Tôn chưởng quản cung của mình. Lời kêu gọi vùng lên đến chót đỉnh, rồi dội trở lại người đệ tử, vượt đi xa hơn nữa và truyền ra thế giới loài người. Người tân tín đồ cầu xin để được hiểu biết - đó là lời kêu gọi của y, và câu trả lời từ trên cao tuôn xuống cho y có quyền năng truyền bá sự hiểu biết mà y đã nhận được. Y chỉ có thể nói trước mặt các Chơn sư nếu y truyền đạt cho kẻ khác cái kiến thức mà y đã hoạch đắc được, nếu y trở thành một cái khoen trong sợi dây xích nối liền Nơi Cao Nhất với nơi thấp nhất, nếu y khiến cho những kẻ thấp hơn y hiểu biết được những chơn lý mà địa vị của y đã giúp y lãnh hội được. Vì thế nên người ta nói rằng ai muốn làm tân tín đồ thì ngay lúc đó phải trở thành kẻ phụng sự, vì y chỉ có thể thụ hưởng nếu y bằng lòng cho ra.

Cái quyền năng của lời nói - không phải lời nói suông bên ngoài thuộc về những cảnh giới thấp, nhưng lời nói thiệt thọ của Linh hồn nầy nói với Linh hồn kia và đã đưa đường chỉ lối cho ai đi tìm chơn lý không phải bằng những câu nói suông, mà bằng cách khiến cho họ hiểu được chơn lý mà những câu, những tiếng đã diễn tả ra một cách thật là bất toàn – cái quyền năng nói được từ Linh hồn nầy với Linh hồn kia chỉ ban cho tân tín đồ khi nào nó sẵn lòng đem quyền năng ấy ra xử dụng để phụng sự, khi nào nó muốn trở thành một trong những ngọn lửa linh động đang di chuyển trong thế giới loài người và dạy cho họ biết điều huyền vi mà con người đang tìm kiếm.

Sau chót, cái chơn lý cuối cùng dạy ta rằng chỉ ai mà bàn chân đã được rửa sạch trong tâm huyết mới được đứng trước mặt các Chơn sư. Người ta đã nói với chúng ta rằng những giọt lệ tượng trưng cho hơi sương mờ của cuộc đời phát sanh từ những mối xúc cảm mãnh liệt. Đến lượt máu của trái tim nó tượng trưng cho chính đời sống vậy. Khi bàn chân của người đệ tử được rửa sạch bằng máu của trái tim, như thế, nghĩa là y không còn coi đời sống của y là thuộc riêng của y nữa, mà chỉ muốn ban rải nó ra cho trọn cả thế giới hợp nhất vào đó được. Và vì sự sống là của cải quí báu nhất của con người nên y phải ban rải nó ra trước khi có thể đứng trước mặt các Đấng đã hy sinh, đã cho ra tất cả. Y không còn muốn sống cho riêng mình nữa, y không còn muốn sanh ra đời để hưởng những lợi lộc hay những kinh nghiệm mà đời có thể mang đến cho mình nữa. Y đã rửa hai bàn chân của mình trong dòng máu của trái tim. Y không còn muốn sống cho riêng mình, y coi đời sống của mình như là một kho dự trữ được giao phó cho y để làm điều ích lợi cho nòi giống, để phụng sự nhân loại. Y phải cho ra tất cả những gì thuộc về quyền sở hữu của y trước khi có thể đứng trước mặt các Đấng đã triệt để hy sinh.

Bây giờ chư huynh hiểu tại sao tôi đã nói rằng hai chơn lý cuối cùng nầy phải được áp dụng ở bên trong Thánh Điện hơn là ở bên ngoài, vì sự hy sinh trọn vẹn cả đời sống, sự giải thoát ra khỏi mọi dục vọng, sự từ bỏ mọi của cải tư riêng, từ bỏ bất cứ vật nào không thể biến thành một lễ vật để hiến dâng - sự hy sinh nầy, trong cái tính chất toàn thiện, toàn mỹ của nó là dành riêng cho các vị Cao Cả nhất trong các vị đã đi đến thềm của quả vị Chơn Tiên cao siêu. Đó là một trong những sự chiến thắng cuối cùng của vị La Hán [[18]] chỉ còn phải vượt một bực nữa để đạt được sự minh triết hoàn toàn, để đi đến trình độ không còn phải học hỏi, không còn phải thu thập điều gì trong hệ thống vũ trụ của chúng ta nữa. Tuy nhiên, sự biết được chơn lý nầy, về sau chơn lý đó sẽ trở thành một Sự Thật linh động, chỉ có thể giúp sức mà dìu dắt đời sống tín đồ, vì thế cho nên ta thấy nó được ghi khắc nơi phòng ngoài, tuy rằng trong thời kỳ chuẩn bị nầy không ai có hy vọng thực hiện được nó một cách trọn vẹn. Khi ta nhận xét về những cấp bậc nầy, chúng dẫn dắt ta đến Thềm Thánh Điện, chúng ta bắt đầu hiểu đôi chút rằng những kẻ đã đứng ngay thềm cửa, sẵn sàng bước qua những Cánh Cửa bằng Vàng, những Kim Môn, phải là những người như thế nào? Họ còn có nhiều khuyết điểm, họ còn phải hoàn thành nhiều sự việc trong những kiếp vị lai, họ còn phải vượt qua bốn cấp bậc vĩ đại nữa trước khi đạt được quả vị Chơn Tiên cao siêu. Nhưng chúng ta thấy rằng họ đều là những người có ý chí quả quyết, có tư cách nhất định, có đời sống tinh khiết, những dục vọng của họ tàn rồi hay sắp sửa tàn, họ tự chủ và hăng hái muốn phụng sự - những người mà đời sống cao thượng đầy tràn những ước vọng trong sạch và cao siêu.

Và bây giờ đi đến thềm cửa, chúng ta hãy thử nhìn vào phía trong đền chốc lát, để có thể hiểu một cách rõ ràng hơn sự gì đang chờ đợi con người ở phía sau những Cánh Cửa Vàng, để hiểu tại sao lại bắt buộc phải có những điều kiện như vậy, tại sao ở nơi Sân Ngoài, người chí nguyện phải thực hành những bài mà ta đã học. Chúng ta hãy nhìn trong chốc lát, tuy không được rõ ràng lắm, vào bốn Con Đường Đạo hay bốn cấp bậc của Con Đường Duy Nhất đang đứng xếp hàng ở phía trong Thánh Điện. Ở trước mỗi cấp bậc là một cái cửa lớn, và bốn cái cửa lớn là bốn sự Đại Điểm Đạo. Sự Điểm đạo lần thứ nhất mà chư huynh thấy được miêu tả như là sự Điểm đạo của “Con Người Nhập Lưu” - từ ngữ nầy đã được dùng trong cuốn “Tiếng Nói Vô Thinh” và trong rất nhiều tác phẩm công truyền - là sự bước qua Thềm Thánh Điện, sự bước qua rõ ràng, minh bạch, sự nhất quyết đi vào Thánh Điện, nơi đó người đệ tử đã được điểm đạo không bao giờ còn đi trở ra để lại quay về đời sống thế tục. Không bao giờ y còn ra khỏi nơi đó nữa, vì mặc dầu y làm việc ở giữa nhân loại, y vẫn luôn luôn ở trong trung tâm Thánh Điện.

Sự nhập lưu nầy là một cấp bậc nhất định, rõ ràng, và ở trong những tác phẩm công truyền, chư huynh sẽ thấy rằng người đệ tử đi đến trình độ nầy hãy còn tái sinh bảy kiếp nữa. Trong một câu ghi chú trong cuốn “Tiếng Nói Vô Thinh” người ta nói rằng một người đệ tử được nhập lưu ít khi đạt được mục đích trong một kiếp sống, và thường phải cần đến bảy kiếp tái sinh nữa mới vượt qua được những cấp bậc cao nhất. Nhưng trong khi đọc sách, chúng ta nên nhớ rằng không nên hiểu những câu nầy đúng theo nghĩa đen: vì những kiếp sống chỉ là những hậu quả và không phải bao giờ cũng được đo lường bằng những sự sanh tử trần gian. Có lẽ những kiếp sống nầy không phải là những kiếp đầu thai ở cõi trần mà là những giai đoạn tiến bộ của con người - tuy nhiên chúng có thể hiểu theo nghĩa những kiếp sống hồng trần. Và những kiếp sống chót của người đệ tử kế tiếp nhau không ngừng nghỉ. Y sống từ kiếp nầy sang kiếp khác, luôn luôn tiến hóa, bao giờ cũng thức tỉnh, không bao giờ lãng quên tiền kiếp. Trong khi những kiếp sống nối tiếp nhau như thế, tất cả những nhược điểm hãy còn sót lại trong bản chất con người phải được loại trừ lần lần từng cái một, một cách trọn vẹn và quả quyết. Đó không phải là những công việc làm dang dở ở Sân Ngoài, không phải là những sự cố gắng nửa chừng, những sự làm thử và bỏ dở nữa. Ở đây mỗi công việc được khởi đầu phải được hoàn thành trọn vẹn, và dạy chúng ta ở mỗi cấp bậc phải hủy diệt một số chướng ngại nhất định, một số khuyết điểm của bản tánh con người phải được loại trừ triệt để trong khi người đệ tử tiến bước về chỗ toàn thiện toàn mỹ hầu cho Đức Thượng Đế nơi y được biểu lộ hoàn toàn.

Người ta nói Ai vượt qua được sự Điểm đạo lần thứ Nhì thì chỉ còn phải tái sanh một lần nữa thôi. Y chỉ còn phải đầu thai một lần nữa, trước khi chấm dứt chu kỳ sanh tử cưỡng bách của y. Y có thể tự ý mà tái sanh nữa, nhưng đó là tự ý muốn như vậy để phụng sự chớ không phải còn bị ràng buộc vào bánh xe luân hồi đâu.

Vượt qua sự Điểm đạo lần thứ Nhì và đạt được sự Điểm đạo lần thứ Ba, người đệ tử “không còn cần phải đầu thai nữa,” vì cùng trong một kiếp nầy y sẽ lên cấp bậc thứ tư nó sẽ dẫn y đến thềm cửa Niết Bàn; và bắt đầu từ lúc nầy, không còn Định luật nào có thể trói buộc Linh hồn vào những cõi hạ giới, vì tất cả những dây trói buộc y đã bị cắt đứt và Linh hồn được tự do mãi mãi. Cấp bậc thứ tư là cấp bậc của vị La Hán, nơi đó những sự chướng ngại cuối cùng được hoàn toàn tiêu diệt [[19]].

Chúng ta có thể cố gắng miêu tả những giai đoạn cuối cùng nầy của sự tiến hóa của nhân loại, tức là bốn cấp bậc của sự Điểm đạo không? Chúng ta có thể nhận xét - dù một cách khiếm khuyết - sự tu luyện khiến cho con người có thể vượt qua bốn cái cửa lớn đó, sự cố gắng ở bên kia ngưỡng cửa nó biến đổi hoàn toàn đời sống của con người không? Chúng ta thấy rằng thí sinh còn lâu lắm mới có được phẩm hạnh hoàn toàn. Một tia sáng từ bên trong Thánh Điện lọt ra ngoài và chiếu rọi vào những cuốn sách nói còn mười mối chướng ngại trong tính chất yếu đuối của con người cần phải bị loại trừ từng cái một. Tôi không thể giảng giải chúng một cách tỉ mỉ cùng chư huynh, vì điều nầy sẽ dẫn chúng ta đi quá xa. Nơi đây tôi muốn miêu tả Sân Ngoài, chớ không miêu tả những điều huyền vi ở bên trong Thánh Điện. Không đi sâu vào những chi tiết, chúng ta thử đi theo những lời chỉ dẫn nầy và tìm hiểu xem tại sao những vị giữ cửa Điện lại nghiêm khắc như thế, tại sao các Ngài lại bắt chúng ta cố gắng nhiều như thế trước khi ưng thuận mở cửa Đền Thiêng cho chúng ta đi vào? Dường như người ta đã trông thấy dễ dàng rằng những điều kiện đã được miêu tả trong những bài thuyết trình trước phải được thực hiện một phần nào trước khi người chí nguyện bước qua ngưỡng cửa. Một khi bước qua được một cấp bậc để đi về phía bên kia, thì người đệ tử lại nắm được ở trong tay những quyền năng càng ngày càng lớn. Ở phía bên kia, bên trong Thánh Điện, con mắt của y đã được mở ra, y có thể sống và hành động theo một cách thức mà không bao giờ có thể thực hiện được ở phía bên ngoài thềm cửa. Cách thấy, nghe và hành động của y khiến cho y thành một người khác hẳn những người chung quanh, một người có những quyền năng mà họ không có, có một tầm mắt nhìn mà họ không ngờ được, có những kiến thức mà họ không hiểu nổi. Y phải di chuyển, làm việc giữa họ mà thật ra không phải là một người trong bọn họ nữa, vì tuy có dự phần vào đời sống chung của họ, y là một kẻ khác biệt hẳn, do bản chất của y. Và nếu như vậy, thì cái việc bắt buộc người đệ tử phải có một hạnh kiểm vượt mức những người thường, trước khi y được người ta trao cho những quyền năng là một việc rất công bình. Vì một khi đã có những quyền năng đó, chúng hoàn toàn thuộc về y, và y có thể tùy ý xử dụng chúng.

Chư huynh hãy thí dụ rằng y còn có những nhược điểm rất thông thường của thế tục; như là: những lỗi lầm của những kẻ xung quanh hãy còn làm y nổi giận, những việc thường xảy ra trong đời sống hàng ngày còn làm được cho y nản lòng, bối rối; chư huynh thử thí dụ y không làm chủ được sự bình tĩnh của mình, y không có một tấm lòng từ bi luôn luôn tăng trưởng, một tấm lòng thiện cảm bao la rộng rãi, chư huynh thử thí dụ rằng khi bị chửi rủa, y nổi giận chớ không phát tâm từ bi, y quạu quọ chớ không tha thứ, nói tóm lại là y hẹp lượng khoan hồng và không kiên nhẫn - nếu thu nhận một người như vậy vào trong Thánh Điện, nếu đặt vào tay, dù rất ít, những quyền năng phi phàm vượt mức người thường thì kết quả sẽ ra sao? Người ta sẽ lo ngại hay biết chắc chắn rằng những lỗi lầm bé nhỏ đó - rất thông thường đối với những người thế tục - sẽ xảy ra những tai hại kinh khủng. Nếu một người đệ tử hay nổi giận thì những quyền năng mới được nảy nở nơi Linh hồn y, cái sức mạnh của ý chí y, cái sức mãnh liệt của tư tưởng y nếu không được ngự trị thì y sẽ là nguồn gốc của sự nguy hiểm cho các đồng loại. Thí dụ y không lòng khoan dung, y không biết thương xót, không thông cảm với những ai còn có những khuyết điểm mà y đã ngự trị được, không hiểu được sự sa ngã là một việc rất dễ dàng, thì người đã được Điểm đạo sẽ sống như thế nào giữa nhân loại? Y có thể nhìn rõ những tư tưởng, phân biệt những nhược điểm, nhìn thấy cái vòng hào quang mà chúng ta vừa nói đến ở trên kia, và có thể đọc ở đó như đọc một cuốn sách mở rộng, biết những nét đặc biệt sâu kín của tánh nết mà con người thường phải giấu giếm nhau dưới lớp che đậy bề ngoài, người có thần nhãn nhìn thấy thực trạng của tâm hồn đồng loại mình, chớ không phải dáng điệu mà họ muốn phô trương đâu, một người như vậy rồi thì sẽ ra sao? Dĩ nhiên không phải là làm một việc chánh đáng hay hữu ích khi trao quyền năng như vậy – và đó là một quyền năng nhỏ bé nhất của kẻ đã được Điểm đạo - cho một người mà những sự thử thách vốn chính y đã trải qua chưa tập cho y biết thương xót những người yếu đuối hơn, một kẻ mà sự hồi ức lại những sự lầm lỗi cũ của chính mình y không khiến y tự cúi xuống để cứu giúp và tội nghiệp cho người tội lỗi nhất trong đám đông gặp trên đường.

Thật là một điều công bằng và tốt lành khi bắt buộc người đệ tử phải có đầy đủ những điều kiện gắt gao bất di bất dịch đó trước khi bước qua Thềm Thánh Điện. Y bắt buộc phải loại trừ một phần lớn những lỗi lầm thông thường của con người trước khi được thu nhận vào Thánh Điện oai linh là nơi chỉ để dành cho những người phụ tá đã hiến mình cho công việc phụng sự và cõi lòng tràn trề tình yêu thương nhân loại. Và cái công việc mà y phải hoàn thành có vẻ vĩ đại đến nỗi ở bước đầu, y phải thực hiện được một sự tiến bộ rõ ràng, đó là một điều cần thiết. Vì công việc nầy chính là việc tiêu diệt mọi dấu vết của những nhược điểm của con người, hoạch đắc tất cả những sự hiểu biết trong giới hạn vũ trụ của chúng ta, phát triển nơi bản thân những quyền năng có thể để sự hiểu biết ở trước mặt mình và cần tự chú định vào một phương hướng nào, thì ngay khi đó thu thập được tất cả những gì đáng hiểu.

Đó quả thật là cái trạng thái của vị Chơn Tiên. Vị Chơn Tiên là “Người không còn học hỏi về một điều gì nữa” trong thái dương hệ nầy và quả vị Chơn Tiên chỉ là đoạn chót của con Đường Đạo ở bên trong Thánh Điện mà hiện giờ chúng ta đang xem xét đây, mà chúng ta phải vượt qua trong vài kiếp ngắn ngủi – đó là một công việc vĩ đại, một sự thực hiện cao siêu đến nỗi nếu không có những người đã hoàn thành được nó trong dĩ vãng, nếu không có kẻ khác đang hoàn thành nó trong hiện tại, thì nó sẽ dường như là không sao thực hiện nổi. Theo quan điểm của con người tầm thường, không thể nào làm được khi ấn định cho năm, bảy kiếp sống ngắn ngủi phải thực hiện một sự tiến bộ phi thường, nó đem người đệ tử từ một trình độ tương đối thấp kém của sự Điểm đạo lần thứ nhất tiến lên đến chót đỉnh cao siêu của các vị Chơn Tiên toàn thiện, các Ngài là những đóa hoa, là kết quả rực rỡ của sự tiến hóa của nhân loại. Và nếu đó là cái công việc khó khăn mà chúng ta phải hoàn thành, nếu trong con người của vị La Hán sắp bước qua kỳ Điểm Đạo chót không còn một dấu vết gì của sự yếu đuối và sự vô minh của thế tục, thì thật không có gì là đáng ngạc nhiên khi phải cố gắng rất nhiều ngay từ khi chưa được bước qua Thềm Thánh Điện, không có gì là đáng ngạc nhiên nếu những nền móng mà chúng ta đã nói đến ở trên kia – chúng phải chịu đựng cái sức nặng của một tòa lầu đài khổng lồ - thì chúng phải thật chắc chắn vững vàng.

Chư huynh hãy tưởng tượng rằng: một khi con mắt đã được mở sáng thì cái công việc phải làm lại có vẻ như rộng lớn, vĩ đại hơn là khi mắt còn bị mù quáng; đối với những người đã đi vào Đường Đạo, thì đường nầy có vẻ như cao và dài hơn đối với con mắt lờ mờ của những kẻ chưa đi đến Thềm Thánh Điện. Vì người đệ tử nhìn thấy những vị đứng ở trên cao một cách rõ ràng hơn, y phải đo lường một cách đúng đắn hơn cái quãng đường phân cách y và các Ngài, những sự mà y đã thực hiện được thật là vô cùng mờ tối; tất cả mọi sự cố gắng lớn lao của y thật là yếu đuối và bé nhỏ dưới ánh sáng của Thần lực tuyệt vời của các Ngài; sự vô minh của y thật là không bờ bến trước ánh sáng của sự Minh triết tuyệt diệu của các Ngài. Như vậy mà giữa y và các Ngài chỉ cách nhau có bốn cấp bậc mà thôi, bốn cấp bậc phải vượt qua trong năm, bảy kiếp nhanh chóng. Nhưng những tình trạng đã khác biệt nhau biết bao. Chỉ riêng điều nầy cũng khiến ta có thể chứng minh được rằng có thể thành đạo được. Vì chúng ta cảm thấy ngay sau khi bước qua Thềm Thánh Điện, những ai đã thành đạo và những ai đang thành đạo, đều sống một cuộc đời rất khác biệt, cho nên cái điều không thể thực hiện ở phía ngoài có thể thực hiện được ở phía trong, và cái điều xem dường như rất khó khăn lại được hoàn thành một cách tương đối dễ dàng.

Tuy rằng chúng ta chưa có thể được một cách trọn vẹn tất cả những điều kiện mới mẻ đang chờ đợi chúng ta ở phía bên kia ngưỡng cửa, chúng ta dường như cũng biết được vài ba điều kiện đó, chúng chứng minh rằng đời sống bên trong Thánh Điện thật là khác với đời sống bên ngoài. Cái sự kiện đầu tiên nổi bật lên, ấy là những người ở bên trong Thánh Điện đã hiểu - và chữ “hiểu” nầy bao gồm cả một thế giới. Chư huynh đã biết những câu mà tôi đã cố ý không nói đến ở chương trước, khi tôi thuật lại với chư huynh bài ca chiến thắng, do Đức Phật đã thốt ra khi Ngài tuyên bố rằng sự nô lệ đã được chấm dứt và sự giải thoát đã được thực hiện; chư huynh biết rằng lời ca nầy nói với những người ở thế gian nghe để cho họ biết cái nguyên nhân sự đau khổ của nhân loại và sự diệt khổ phát sanh từ sự Minh triết đã nhận thấy Chơn lý!

“Hỡi các người đang đau khổ, các người hãy biết rằng:

“Chính các người tự mình hành tội mình, tự mình đày đọa mình. Không có một sức mạnh nào trói buộc các người đâu. Không có một ý chí nào khác ràng buộc các người vào bánh xe sanh tử cả.”

Ai đã bước qua Thềm Thánh Điện đều biết rằng những lời nói nầy rất đúng với sự thật. Con người tự làm khổ lấy mình chớ không có sự gì trói buộc y cả. Hiểu biết được sự kiện nầy, con mắt người đệ tử thấy cục diện thế giới được thay đổi hẳn; và tất cả những nỗi khó khăn của Con Đường Đạo đều biến đổi trạng thái. Vì một khi chúng ta cảm thấy được những nỗi lo buồn và những sự khó khăn của cuộc đời nầy sanh ra từ sự vô minh; con người phải đau khổ, vì y không biết được rằng y phải luân hồi từ đời nầy sang đời khác, và vì vô minh cho nên y tiến hóa chậm chạp như vậy; một khi chúng ta biết rằng vì y không hiểu biết cho nên đời sống đối với y không có hữu ích gì lắm, và y bị trói buộc vào bánh xe sinh tử luân hồi, vì y bị mù quáng, vì y không biết rằng y có thể được giải thoát nếu y muốn tin chắc như vậy; một khi đã hiểu được những sự kiện nầy rồi (nơi đây không phải là tận mắt nhìn của một nhà hiền triết đã được giác ngộ, mà chính là một quan niệm khá rõ ràng để khiến ta vững lòng tin) thì cả thế giới đều thay hình đổi dạng trước mắt của người đệ tử đã bước qua Thềm Thánh Điện. Và khi y quay về phía sau nhìn đám đông nhân loại, với tất cả những nỗi buồn rầu và khốn cùng của họ, mắt tràn lệ thảm và cõi lòng tan nát vì đau khổ; y biết rằng những nỗi đau khổ nầy sẽ chấm dứt và tiêu diệt sự vô minh đem đến sự tiêu diệt các đau khổ. Nỗi khốn cùng của loài người không còn có tính cách não nùng bi đát nữa; và tuy rằng hãy còn buồn rầu, người đệ tử không còn thất vọng nữa; còn hơn là hy vọng, ấy là sự tin chắc; còn hơn là sự chờ đợi buổi bình minh, ấy là sự nhìn ngay thấy ở nơi bản thể mình mặt trời ló dạng, huy hoàng rực rỡ, và chắc chắn về sau nầy ánh dương quang chiếu diệu cho tất cả mọi người.

Còn nhiều sự thay đổi khác nữa nơi người đệ tử đã vượt qua Thềm Thánh Điện. Một trong những ân huệ lớn lao nhất mà sự Điểm đạo ban cho người đệ tử là có được một trạng thái ý thức luôn luôn sáng suốt không bao giờ bị đứt đoạn, sự chết cũng không có ảnh hưởng gì đối với ý thức đó, sự sinh cũng không làm cho nó quên lãng được. Xuyên qua những kiếp sống đang chờ đợi y, tâm thức cao cả khi đã hoạch đắc được rồi thì không bao giờ có thể bỏ mất đi hay là mờ ám được. Sự thật là cái tâm thức cao cả của Linh hồn một khi đã phát khởi nơi con người thì không bao giờ còn có thể bị mất đi, nhưng nó không thể hiện ra trong đầu óc của kẻ nào chưa bước qua Thềm Thánh Điện. Còn ở phía bên kia, ở bên trong Thánh Điện, tâm thức cao cả là một sự hiểu biết không bao giờ đứt đoạn, nên Linh hồn có thể ngó trước và xem sau, và tự cảm thấy mình mạnh mẽ vì đã biết được Chơn Nhơn trường sanh bất tử. Chư huynh thử xét coi đời y vì thế mà sẽ được thay đổi biết bao. Con người thường khó thoát khỏi hai mối đau khổ lớn lao của cuộc đời. Đó là gì vậy? - Hai mối đau khổ ghê gớm nhất đã làm tan nát và đang làm tan nát biết bao nhiêu tấm lòng, đó là nỗi đau khổ của sự sanh ly và nỗi đau khổ của sự tử biệt - sự sanh ly do không gian, khi hàng trăm nghìn dặm đường chia cách hai người bạn, sự tử biệt do Thần Chết buông tấm màn âm u giữa người đang sống nơi hồng trần và người đã thác. Nhưng đối với ai đã vượt qua Thềm Thánh Điện, sự sanh ly và tử biệt không còn nữa như khi xưa, như hồi y còn sống nơi thế tục. Y có thể cảm thấy sự sanh ly, tử biệt nầy đến một mức độ nào đó, vì cái chướng ngại do sự vô minh chưa được hoàn toàn tiêu diệt, y còn có thể bị đau khổ vì sự sanh ly tử biệt, nhưng sự đau đớn nầy không thể bao trùm trọn vẹn lên đời sống thiệt thọ của y, nó không còn có thể làm cho tâm thức bị đứt quãng. Chỉ khi nào y sống trong xác thân y mới bị chia ly; và y có thể tự ý lìa bỏ xác thân đó để đi đến cái nơi mà không gian và thời gian không còn ảnh hưởng được nữa. Vì thế cho nên hai mối đau khổ lớn lao của con người từ nay bị hoàn toàn xóa bỏ trong những kiếp vị lai của y. Y không còn mất một người bạn nào cả, sự chết không còn có thể cướp mất của y những người thân yêu đã dính dấp với y nhờ những sợi dây liên lạc của đời sống thiệt thọ. Đối với ta không có sự sanh ly, tử biệt; dưới hình thức đáng ghê sợ nhất, hai nỗi đau khổ nầy của dĩ vãng đã bị hoàn toàn tiêu diệt.

Và như vậy chưa phải là đã hết đâu. Không những cái lương tri liên tục nầy làm cho sự phân ly không còn có thể xảy ra nữa, nhưng nó còn có nghĩa là trong những kiếp sống vị lai đang chờ đợi y, y không còn có thể trở lại trạng thái xưa kia của y trong dĩ vãng nữa. Y sẽ không còn trở về với đời sống thế tục, vô tâm lãng phí nửa kiếp người vì không biết là mình đang tìm kiếm cái chi đây. Y không còn tái sanh trong sự vô minh, không biết đến Chơn lý, y không còn bị tấm màn vật chất che phủ làm cho mù quáng và không nhận thức được mục đích thiệt thọ của cuộc đời. Quả thật, y sẽ tái sanh nhưng tái sanh trong sự hiểu biết, y sẽ tái sanh để tiến bộ; và bây giờ nếu sự tiến bộ của y bị chậm lại, nếu y không tiến bước một cách liên tục, thì đó chính là do lỗi của y. Y đã hoạch đắc được cái lương tri nó khiến cho y có thể tiến bộ được; cho nên nếu có sự ngưng trệ hay chậm chạp, thì đó là vì tại y, chớ không phải tại sự bắt buộc của cảnh ngộ.

Một sự thay đổi nữa phát sanh từ những mối tình bằng hữu mới mẻ mà người đệ tử tạo ra; không một đám mây nào có thể khuấy rối được những tấm tình bằng hữu nầy, sự nghi ngờ và lòng hiềm nghi không thể phạm đến nó, nó bay lượn lên trên những đám mây mù của thế tục, ở nơi cao siêu nầy sự vật ở hạ giới không có chỗ đứng và không thể quấy nhiễu Linh hồn nữa. Vì khi đi vào Thánh Điện, được giao thiệp với các đại Giáo chủ, khi bước qua ngưỡng cửa, mắt y được trông thấy các vị Chơn sư, và chỉ nội một việc tiếp xúc thanh cao như thế cũng đủ thay đổi đời sống của y mãi mãi. Y đã tiếp xúc được với sự Chơn thật Vĩnh cửu thì những sự phù du không còn có thể lung lạc được y như những ngày chưa biết được Thượng Đế vô thủy vô chung. Chân y từ đây đã được mãi mãi đứng vững trên tảng đá, và những làn sóng sẽ không còn có thể lôi cuốn y đi và làm cho y phải vùng vẫy dưới biển cả đang nổi sóng quay cuồng.

Vì thế ở phía bên kia thềm, dù công việc phải làm có vẻ vĩ đại đến đâu đi nữa, những điều kiện đã khác hẳn với thuở trước, cho nên người ta có thể thực hiện được công việc nầy, và chúng ta bắt đầu hiểu vì sao xưa kia nó đã được hoàn thành, và ngày nay nó đang được hoàn thành. Chúng ta bắt đầu hiểu được rằng với những sự thay đổi lớn lao như thế, người ta có thể đi theo Con Đường Đạo đến cùng, dù nó có dài rộng, bao la bát ngát đến đâu; dù những cấp bậc trên sườn núi dắt dẫn Linh hồn lên đến những cảnh giới vô tận vô biên; người ta cũng có thể vượt qua chúng nó một cách vô cùng nhanh chóng trong những điều kiện rất khác hơn trước, khi mà tất cả những quyền năng của Linh hồn được phát triển, trong khi bóng tối tiêu tan và ánh sáng hiện ra.

Khi nhận xét những cấp bậc tối cao mà con người phải vượt qua, khi xem xét những chướng ngại cần phải được tiêu hủy, chúng ta thấy rằng những giai đoạn cuối cùng của sự yếu đuối của con người lần lần tan mất đi hầu để cho ánh sáng của Linh hồn mạnh mẽ, trầm tĩnh và trong sạch chiếu sáng. Cái huyễn tưởng về bản ngã thấp hèn tiêu tan và tất cả mọi người đều được coi như là được hợp nhất với Chơn Ngã. Sự nghi ngờ biến mất và được thay thế bằng sự hiểu biết khi thần trí đã nhận biết được Chơn lý thì sự nghi ngờ không sao tồn tại được. Chẳng bao lâu, Linh hồn sẽ không còn tùy thuộc vào những ngoại vật phù du nữa. Trong khi y được tiếp xúc sâu xa với những điều thực tế linh động, thì ngoại vật đều trở về với vị trí thật sự của nó; vẻ bề ngoài không còn thật là quan trọng nữa, và những sự việc xưa nay vẫn chia rẽ con người bây giờ y biết là những bóng mờ, chớ không phải là những sự thật nữa. Tất cả những sự sai biệt giữa các tôn giáo, giữa các lễ bái có ít nhiều hiệu quả, tất cả những tục lệ công truyền rất khác nhau đều thuộc về ngoại giới và chúng chỉ là những bức tường ảo ảnh dựng lên để chia rẽ các Linh hồn mà thôi. Linh hồn đang tự học sẽ nhìn thấy các mối chướng ngại tối tăm nầy sụp đổ, và những dấu vết của sự yếu đuối của con người tiêu tan và không bao giờ trở lại nữa.

Kế tiếp, những quyền năng của Linh hồn, thị giác và thính giác được phát triển, những sự hiểu biết mà từ trước đến nay không ai ngờ bỗng hiện ra tứ phía trong cái trí; cái trí trở nên hoàn toàn sáng suốt. Giác quan không còn có giới hạn như ở cõi trần nữa. Không còn có sự biệt lập của một vũ trụ như xưa kia, chỉ thỉnh thoảng mới để lọt ra ngoài chỗ nầy, chỗ kia một mảnh vụn dưới hình thức là sự hiểu biết mà thôi. Từ mọi phía, sự hiểu biết liền hiện ra, và trọn cả bề mặt của Linh hồn đều trở nên thọ cảm lẹ làng cho nên sự hoạch đắc sự hiểu biết giống như triều lưu sanh hóa luôn luôn dâng lên cao, như một bầu không khí chói sáng thấm nhuần Linh hồn đang tự mở rộng ra tứ phía để thu nhận bầu không khí đó.

Xa hơn nữa, ta thấy Linh hồn tự giải thoát những dục vọng cuối cùng hãy còn bám víu vào nó, đó là những đám mây mong manh, những bóng tối cuối cùng của đời sống hồng trần còn có thể ràng buộc Linh hồn. Nhưng khi ta đã đi đến sự Điểm đạo cuối cùng, sự Điểm đạo nầy thấp hơn cấp tối cao một bậc và làm cho người đệ tử thành một vị La Hán, chúng ta thấy không thể nào quan niệm được rằng ở một trạng thái cao siêu như thế mà còn có những mối chướng ngại và những điều không tinh khiết. Người ta đã viết một cách rất hữu lý rằng con đường của vị La Hán giống như đường của con chim bay trên không gian; giống như chim, Ngài đi mà không để dấu vết lại, dường như Ngài bay bổng mà không đụng chạm vào đâu, không gặp những chướng ngại trong khi Ngài hành động trên từng cao của không gian. Từ trên cảnh giới nầy, một cảm giác an lạc tuyệt vời được ban rải xuống. Vì người ta nói với chúng ta rằng: không một sự gì còn có thể làm cho Ngài chinh lòng, không một sự gì còn có thể hay làm lay chuyển Ngài được nữa, những trận dông tố của trần ai không phạm đến Ngài được. Ngài sống trong một cảnh thanh tịnh vô biên, trong sự an lạc mà không một sự gì có thể phá khuấy được. Những ai đã biết được trạng thái đó đều rán miêu tả nó; họ đã nói về những đặc điểm của những người cao như vậy, dĩ nhiên là bằng những danh từ vụng về, thiếu thốn, như thường thấy trong ngôn ngữ của loài người, và những tiếng nói lên dường như chỉ phản chiếu trạng thái tối cao ấy một cách yếu ớt mà thôi. Họ nói rằng:

“Vị La Hán rộng lượng, khoan dung như quả địa cầu, như tiếng sét của thần Indra. Ngài giống như một cái hồ trong vắt không có bùn nhơ, Ngài không còn phải tái sinh nữa. Tư tưởng của Ngài yên tĩnh, lời nói và hành động của Ngài cũng bình tĩnh, Ngài nhờ sự thông hiểu Chơn lý mới được giải thoát, khi mà Ngài nhờ như thế nên trở thành một người trầm lặng.”

Và dường như từ sự trầm lặng nầy, chúng ta cảm thấy một cảm giác an lạc, yên tịnh, bình thản, bất biến ban rải xuống; không một sự gì có thể thay đổi hay phá rối được nó, và chúng ta hiểu tại sao một người như thế được miêu tả như sau:

“Người nào đã hoàn thành cuộc du lịch của mình và đã lìa bỏ sự đau khổ; người nào đã tự giải thoát trên mọi phương diện và đã loại trừ mọi chướng ngại, thì không còn phải đau khổ nữa.” [[20]]

Đó là vị La Hán đứng trên chót vót của Con Đường Đạo, đó là vị trí cần phải bước thêm một bước nữa để đến trình độ không còn cái chi để học hỏi trong Thái dương hệ nầy; đó là mục đích của Con Đường Đạo mà tất cả mọi người đều có thể noi theo; đó là đoạn chót của sự chiến đấu, và đoạn chót nầy là sự an lạc hoàn toàn.

Trong khi miêu tả những giai đoạn của Con Đường Nhập Môn, những danh từ vụng về mà nói về những điều đang chờ đợi chúng ta ở phía bên kia những Kim Môn, những cánh cửa bằng vàng, có đôi khi tôi tỏ ra quá nghiêm khắc chăng? Có đôi khi tôi đã miêu tả Đường Đạo với những màu sắc đen tối quá chăng? Nếu có như vậy, đó là lỗi tại tôi, chớ không phải tại Con Đường Đạo; nếu có vậy thì tại diễn giả bất tài chớ không phải tại những điều mà tôi rán miêu tả một cách khuyết điểm. Vì tuy có sự khó khăn, có sự chiến đấu và có sự đau khổ, nhưng thật vậy, ai đã vào Sân Ngoài - chớ không cần phải nói gì về những người đã vượt qua cửa Kim Môn - một khi đã vào đến Sân Ngoài thì tất cả các kho tàng của trần gian cũng không còn quyền năng cám dỗ họ phải đi trở xuống vị trí cũ của họ? Và đối với những ai đã bước qua thềm cửa, thì hỏi có một niềm vui nào, một lời hứa hẹn nào của trần gian lại còn có thể sai khiến họ quay nhìn lại cõi đời mà họ đã bỏ, dù chỉ trong giây lát? Vì những nỗi khó khăn của Con Đường Đạo đang ở trước mắt ta đây còn đáng giá hơn là những niềm vui của hồng trần, những sự đau khổ của con đường nầy còn vinh quang hơn những sự thịnh vượng của thế gian. Nếu chư huynh có thể thâu hết, trong một kiếp người, tất cả những niềm vui mà cõi trần có thể hiến dâng, nếu chư huynh để cho trọn đời chứa toàn thú vui với cái khả năng thụ hưởng không ngừng, không nghỉ, nếu trong một kiếp người, chư huynh có thể thu góp mọi thú vui của giác quan, mọi thú vui của trí thức mà con người có thể hưởng được; nếu chư huynh có thể xóa bỏ được mọi dấu vết của sự đau khổ và mệt mỏi. Nếu chư huynh có thể lấy điều đó làm một đời sống lý tưởng như là cõi đời có thể cung cấp cho chư huynh một lý tưởng như vậy; nếu chư huynh mang tất cả những thứ ấy mà so sánh với những cấp bậc của Con Đường Đạo, mặc dù ở phía ngoài nhìn vào, những cấp bậc nầy có vẻ như nghiêm khắc, khó khăn đến đâu đi nữa, đời sống đầy những thú vui hồng trần nầy có vẻ như ti tiện và đen tối, những tiết điệu du dương của cõi trần giống như những âm thanh hỗn độn nếu đem so sánh chúng với những cung đàn tuyệt diệu đang vang lên ở cõi cao siêu. Vì trên Con Đường Đạo nầy, mỗi khi tiến về phía trước thì không làm sao còn lùi lại phía sau được nữa, mỗi sự đau khổ mà ta phải chịu, dù sâu xa đến đâu mặc lòng, cũng là điều tốt lành, vì đã dạy cho ta được bài học.

Và khi sự vô minh được giảm bớt đi, thì Con Đường Đạo trở nên sáng suốt hơn trước, khi mà sự yếu đuối tiêu tan đi, thì Con Đường Đạo được trở nên yên tĩnh hơn trước; khi những làn rung động hồng trần không có thể quấy phá và làm mếch lòng ta nữa, thì Con Đường Đạo trở nên bình thản êm ả hơn. Riêng chỉ có những Đấng đã thành đạo mới có thể nói rằng ở mức cao nhất của con đường nầy có những gì; chỉ riêng những Đấng cao cả đang đứng ở chót đỉnh để đợi chờ chúng ta trải qua những thế kỷ mới có thể nói lên điều đó được. Nhưng những kẻ mới đặt chân lên những giai đoạn thấp đều biết rằng những nỗi buồn của Con Đường Đạo lại là những niềm vui khi ta so sánh chúng với những thú vui hồng trần và cái bông hoa bé nhỏ nhất mọc lên trên Đường Đạo có giá trị tương đương với tất cả những bảo vật ở thế gian. Và cái ánh sáng luôn luôn soi tỏ Đường Đạo là như thế đó, khi người đệ tử càng ngày càng tiến bước và chỉ một tia sáng của nó thôi cũng đủ làm cho lu mờ ánh sáng của Thái dương hệ ở trần thế. Những ai đi trên con đường nầy đều biết sự an tịnh không thể tưởng tượng được, sự hoan lạc mà không một nỗi khốn khó nào của cõi trần làm cho tiêu diệt được. Họ an hưởng một sự nhàn hạ vô biên trên một tảng đá mà không một trận địa chấn nào có thể làm cho tan vỡ và Niềm Chí Phước tức là hạnh phúc tuyệt vời luôn luôn đang ngự trị trong Thánh Điện.

HẾT

[1] Con đường tấn hóa của nhân loại trong chu kỳ hiện lại là phải đi bảy lần vòng quanh một dãy hành tinh có bảy bầu. Trên mỗi bầu, con người phải ở lại nhiều triệu năm và có 49 lần ở lại như vậy: tất cả có bảy bầu; trên mỗi bầu nhân loại phải ở lại bảy lần.

[2] Một cuộc tuần hoàn là sự đi vòng quanh một dãy hành tinh gồm bảy bầu.

[3] Lưỡi guơm thần chạm vào đâu sẽ làm tan ảo ảnh nơi đó và bắt mọi vật phải hiện nguyên hình.

[4] Yogui.

[5] La Voixe du Silence (Tiếng nói Vô Thinh) trang 41

[6]-2] Tiếng nói Vô Thinh (La Voix du Silence trang 14 – 43)

[7] La voix du silence, trang 56. (Tiếng Nói Vô Thinh)

[8] Kinh Kathopanishad II 20 trong 9 cuốn kinh Upanishad, bản dịch của ông L. Marcault.

[9] Tiếng Nói Vô Thinh (La Voix du Silence), trang 42.

[10] Chhāndogya Upanishad III, 14 – 1.

[11] Thư viết cho dân chúng thành Corinthe III, 18.

[12] Kounti: Mẹ của ba vị Thần minh Ardjouna, Bhima và Souddhichthrita.

[2] Thần chú đây là một phương thức cầu đảo mà người ta đọc trong khi dâng lễ vật cúng tế. Những lời nói trong khi hành lễ của Cơ đốc giáo là những câu chân ngôn đối với người Ấn Độ.

[14] La Sagess Antique (Minh triết Cổ truyền) Chương X: Định luật Hy Sinh.

[15] Anandamayakosha.

[16] Nguyên văn tiếng Anh là earnestness; chúng tôi không thể tìm thấy được một danh từ tương xứng mà dịch chữ nầy cho đúng với nghĩa của nó nơi đây. Chữ nầy có nghĩa là tinh hoa của lòng nhiệt thành, của sự chú ý, của lòng sốt sắng, của tánh ngay thẳng, của tánh trang nghiêm, của sự siêng năng nhanh nhẹn, v.v… Người ta sẽ có được một ý niệm đúng đắn về sự thành thật nếu coi nó như là tiếng vắn tắt để chỉ định câu: “Đức tánh của một người thành thật mà làm cái công việc ấy.” Một người như vậy không còn là một người làm việc theo sở thích riêng của mình, theo lối tài tử nữa. (Chú thích của dịch giả Pháp văn).

[17] Hành khất. Tên gọi của các vị tu sĩ Phật Giáo.

[18] Xin đọc quyển “Sagesse Antique” (Minh Triết Cổ Truyền), chương XI “Ascension Humaine” (Sự tiến bộ của con người).

[19] Để khảo cứu về những giai đoạn khác nhau trong sự Điểm đạo, xin coi “Con Đường của Người Đệ Tử” và chương XI của “La Sagesse Antique” (Minh Triết Cổ Truyền): “Sự tiến hóa của con người.”

[20] Những câu trích được lấy từ kinh Dhammapada, chương VII, “Vị La Hán”.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh