Hiểu Về Các Luân Xa

HIỂU VỀ CÁC LUÂN XA

Luân xa là những trung tâm năng lượng nằm dọc theo xương sống. Những luân xa này không thuộc về cơ thể vật lý, mà thuộc về cơ thể tinh tế (subtle body). Những trung tâm năng lượng này ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của mỗi người. Chúng thường được hình dung bằng những hoa sen. Khi bị khích động, Kundalini sẽ bắt đầu đi lên như thể một con rắn lửa. Khi Kundalini qua mỗi luân xa, hoa sen ấy sẽ mở ra để đón nhận năng lượng từ Kundalini. Mỗi luân xa tương ứng với một thành phần của thế giới. Muladhara tượng trưng đất; Svadisthana, nước; Maripura, hơi; Anahata, không khí; Vishudha, không gian. Khi Kundalini lên đến luân xa thứ sáu, Ajna, trung tâm của mệnh lệnh, một sự thay đổi nền tảng sẽ xảy ra.

Luân xa thứ nhất- Muladhara

Luân xa thứ nhất, Muladhara, là luân xa cơ bản nhất. Mul nghĩa là là gốc. Muladhara nằm tại đốt cuối cùng của xương sống. Muladhara có hình hoa sen có bốn cánh. Trên mỗi cánh hoa là một mẫu tự chữ Phạn: va, sa, sa, sa. Bốn cánh hoa này tương ứng với bốn trạng thái vui sướng, khoái cảm tự nhiên, thoả mãn khi thoát khỏi được đam mê, và phúc lạc trong thiền định.

Những đặc tính này là những phúc lạc do sự nhận ra sự thiêng liêng của cơ thể. Vì vậy một người thực sự thánh thiện sẽ không từ chối thể xác, mà dùng nó như một phương tiện để đạt đến những trạng thái cao hơn.

Màu nổi bật nhất của Muladhara là vàng, màu của đất. Giữa hoa sen là một hình vuông, và giữa hình vuông là một tam giác, tượng trưng bộ phận sinh dục nữ (Yoni). Bên trong tam giác là một dương vật màu đỏ (Svayamblu-linga). Cuốn quanh linga ba vòng rưỡi là con rắn Kundalini chưa được kích động. Ý nghĩa của Yoni và Linga tại luân xa thứ nhất là trong mọi vật, mọi loài đều có cả hai yếu tố âm và dương.

Kiên nhẫn và tham lam là đặc tính của Muladhara. Khát sống là đặc điểm của nó. Vơ vét và dành dụm là hoạt động của nó.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Muladhara còn được gọi là luân xa Brahma. Brahma là vị thần dựng lên vũ trụ, tượng trưng sự sáng tạo. Vì vậy luân xa này chứa hạt giống sáng tạo. Năng lượng kundalini tồn trữ trong bộ phận sinh dục có thể được biến hoá để trở thành các hình thức sáng tạo khác như âm nhạc, thi ca, hội họa… Khi luân xa này được khích động, nó sẽ đưa lại sức khoẻ, hạnh phúc, và tránh được căng thẳng trong các mối quan hệ.

Năng lượng Kundalini hiện diện trong mọi sinh vật. Khi năng lượng tiềm tàng này được khích động, nó sẽ chạy lên qua các luân xa bên trên, và ngừng lại tại luân xa thứ bảy trên đỉnh đầu. Tại đó nó sẽ hội nhập với đối cực của nó - tâm thức tối thượng (Paramashiva), và giúp cho thiền nhân được giải thoát hoàn toàn.

Luân xa này là trung tâm của đời sống vật chất. Tại đó tâm thức thiêng liêng được thể hiện qua vật chất. Nó là nền tảng cho cuộc sống con người trong thế giới vật chất. Và nếu bị cản trở, người đó sẽ cảm thấy bị bật gốc trong cả hai mặt tâm linh lẫn vật chất.

Năng lượng dục nằm tại luân xa này. Vì dục đã bị mọi xã hội ngăn cấm nên năng lượng bị bế tắc tại ba nơi: miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục.

Mật tông nói rằng năng lượng phải được khai thông tại ba nơi này. Cho nên phần lớn các phương pháp của Mật tông đều xoay quanh luân xa này. Những phương pháp la hét, cười to, khóc… là để giúp khai thông năng lượng tại miệng. Khai thông năng lượng tại hậu môn thì có các phép thở như pramayam, bastrika - thở thật nhanh, thật mạnh. Khai thông tại bộ phận sinh dục thì phải bỏ mọi mặc cảm tội lỗi về dục.

Khi năng lượng không bị tắc ngẽn tại muladhara, nó sẽ bắt đầu di chuyển lên các luân xa bên trên.

Luân xa thứ hai- Svadisthana

Luân xa thứ hai - Svadisthana - nằm tại đan điền. Đặc tính của mỗi người tùy thuộc luân xa này. Luân xa này được biểu thị bằng một hoa sen sáu cánh; trên sáu cánh đó là sáu mẫu tự chữ Phạn: ba, bha, ma, ya, ra, la. Luân xa này thuộc về nước, tượng trưng bằng trăng lưỡi liềm. Liên hệ quan trọng giữa nước và mặt trăng được biểu thị bằng trăng lưỡi liềm bên trong vòng tròn nước màu trắng. Những khía cạnh khác nhau của luân xa này là sinh sản, gia đình và mơ mộng. Yếu tố đất của luân xa thứ nhất được thu hút bởi luân xa thứ hai này. Mơ mộng sẽ phát khởi khi liên hệ gia đình và người thân bắt đầu. Ước muốn được sáng tạo khởi đầu từ luân xa thứ hai.

Người có luân xa này hoạt động bình thường sẽ không còn những ý tưởng xấu xa.

Luân xa thứ hai là trung tâm của thần chết. Hai luân xa thứ nhất và thứ hai của hầu hết mọi người đều đã bị hư hại bởi vì họ sợ chết và sợ dục. Chẳng ai muốn nói đến cái chết, như thể nó không có mặt.

Tantra giúp ta đi thẳng vào dục và đối mặt trực tiếp với cái chết. Đệ tử của Mật tông thường thiền quán tại chỗ thiêu xác người để quan sát cái chết, và họ được hướng dẫn để dùng dục làm bàn đạp để nhảy vào thiền định. Một khi đã chấp nhận cái chết, bạn sẽ không sợ hãi gì nữa. Một khi dục không bị kết án, bạn sẽ không bị nó ám ảnh nữa.

Cả hai trung tâm nền tảng này đã bị xã hội, luân lý làm què quặt. Một khi năng lượng được điều hoà tại hai trung tâm này, nó sẽ di chuyển lên các luân xa cao hơn một cách dễ dàng.

Luân xa thứ ba - Manipura

Luân xa thứ ba nằm gần rốn. Một tam giác màu đỏ, hướng xuống nằm giữa một vòng tròn mười cánh. Manipura là trọng tâm của nhiệt trong cơ thể bởi vì luân xa này là sức mạnh của sự sống. Manipura có chuyển động đi lên như thể ngọn lửa thiêu đốt tất cả. Háo danh, tham sống, và quyền lực là những động cơ của Manipura.

Luân xa thứ ba là trung tâm của cảm xúc, tình cảm. Luân xa thứ ba không hoạt động bình thường bởi vì cảm xúc luôn luôn bị trấn áp, đè nén. Manipura nghĩa là hạt minh châu. Đời đáng sống bởi vì con người có tình cảm, biết cười, biết khóc, có phút hạnh phúc, có giờ đau thương. Cho nên luân xa này được gọi là kim cương, luân xa kim cương.

Chỉ có con người mới có được hạt kim cương vô giá này. Nhưng chúng ta đã được huấn luyện để đè nén tình cảm. Chúng ta đã được dạy để che dấu cảm xúc. Chúng ta phải lạnh lùng. Không được cười. Không được khóc. Không được để lộ vẻ ‎yếu đuối. Vì vậy chúng ta đã trở nên giả dối.

Nhiều kỹ thuật của Mật tông được dùng để làm thư giãn trung tâm này. Cảm xúc phải được biểu lộ, phải được thảnh thơi.

Muladhara, Svadhisthana và Manipura là ba bậc thang quan trọng của cái thang có bảy bậc.

Luân xa thứ tư - Anahata

Luân xa thứ tư, Anahata, nằm tại trái tim. Anahata được biểu thị bằng hoa sen mười hai cánh. Chính giữa là hai tam giác. Tam giác hướng lên, tượng trưng Shiva, phần dương của kundalini. Tam giác hướng xuống là Shakti, phần âm của kundalini. Hai lực Shiva và Shakti tìm được quân bình tại Anahata. Do đó những lo lắng về vật chất, danh tiếng, khoái lạc…. không còn phải bận tâm nữa.

Tại luân xa thứ tư Shakti xuất hiện lần đầu tiên như một nữ thần tuyệt đẹp. Bà ngồi theo thế kiết già bên trong một tam giác hướng lên trên. Ý nghĩa của những biểu tượng đó là Shakti sẽ đi lên những luân xa bên trên và dẫn hành giả đến những cảnh giới cao hơn. Tại luân xa thứ tư Shakti không còn là một năng lượng huỷ diệt nữa, như ở luân xa thứ nhất. Tại luân xa thứ nhất, Shakti nằm co chung quanh dương vật, nhưng tại đây Shakti đứng độc lập, và biểu hiện âm thanh thiêng liêng AUM. AUM là gốc của mọi âm thanh.

Anahata, luân xa thứ tư, nghĩa là cái âm thanh không phải do hai vật cọ vào nhau mà thành. Thiền tông gọi là “tiếng vỗ của một bàn tay” - âm thanh nguyên thủy (unstruck sound). Luân xa thứ tư nằm ở giữa, ba luân xa bên dưới, và ba bên trên. Trái tim là lối thông từ dưới lên trên, hoặc từ trên xuống dưới. Trái tim chẳng khác gì ngã tư đường.

Nhưng trái tim đã bị lãng quên. Chúng ta đã được dạy phải sống bằng lý trí mà bỏ quên con tim bởi vì con tim rất nguy hiểm. Trái tim là trung tâm của âm thanh không lời (soundless sound). Nó không phải là trung tâm của ngôn ngữ, bởi vì ngôn ngữ là do thanh quản đập vào nhau mà thành. Đó là âm thanh do hai vật cọ vào nhau mà có. Đó là hai bàn tay vỗ. Mà trái tim là một bàn tay vỗ. Trái tim chẳng có lời.

Chúng ta đã sống như thể chẳng có con tim. Và con tim là chỗ tình yêu phát khởi. Mà tình yêu không phải tình cảm. Ta vẫn thường lầm lẫn tình cảm với tình yêu. Nay ta yêu người này, mai ta yêu người khác. Đó là tình cảm, không phải tình yêu.

Luân xa thứ tư, anahata, vô cùng quan trọng bởi vì qua con tim mà bạn tìm được sự liên hệ với mẹ. Bạn liên hệ với mẹ qua con tim, không phải qua khối óc. Trên đỉnh yêu đương bạn liên hệ với người yêu qua con tim, không phải cái đầu. Điều đó cũng xảy ra trong thiền quán, khi cầu nguyện: bạn liên hệ với cái toàn thể qua con tim - tim với tim, tâm truyền tâm.

Con tim là cái trung tâm ở đó âm thanh không lời phát khởi. Nếu thư giãn trong con tim mình, bạn sẽ nghe được tiếng Omkar, AUM. Đó là một khám phá quan trọng. Những người đi sâu vào con tim mình sẽ liên tục nghe được âm thanh ấy từ bên trong bản thể của họ.

Tình yêu là lối dẫn vào luân xa thứ tư…

Luân xa thứ năm - Visuddha.

Visuddha được biểu thị bằng trăng lưỡi liềm màu bạc bên trong một hình tròn. Hình tròn ấy lại nằm bên trong một hoa sen mười sáu cánh. Trăng lưỡi liềm tượng trưng nada, âm thanh thuần khiết của vũ trụ. Sự thuần khiết là khía cạnh nổi bật của luân xa này. Khi Visuddha hoạt động, thiên lý nhãn sẽ mở ra, hành giả có thể truyền đạt mà không dùng đến lời. Tại luân xa thứ năm, tất cả những yếu tố thuộc về các luân xa bên dưới như đất, nước, gió lửa đã hợp nhất và trở nên thuần khiết.

Visuddha nghĩa là trong sạch, thuần khiết. Sau khi tình yêu đã phát khở,i sự trong sạch, hồn nhiên sẽ đến. Thiếu tình yêu thì không thể có sự thuần khiết. Ngọai trừ tình yêu, không có gì có thể lọc sạch tất cả được. Người xấu xa nhất được yêu sẽ trở thành đẹp. Tình yêu là nước cam lồ. Nó rửa sạch mọi chất độc.

Luân xa thứ năm nằm tại cuống họng, chủ về ngôn ngữ. Bạn chỉ nói khi luân xa thứ năm đã hoạt động. Nghĩa là bạn chỉ nói vì tình yêu. Nếu không có tình yêu thì đừng nói. Nếu đã đi qua con tim, và nếu đã nghe được tiếng nói của chân lý ở đó thì bạn hãy nói.

Khi visuddha hoạt động, lời nói của bạn sẽ có sức mạnh. Những gì bạn nói đều trở thành thi ca. Những gì bạn nói là một niềm vui vô tận.

Luân xa thứ sáu - Ajna.

Ajna nghĩa là mệnh lệnh. Ajna nằm giữa hai chân mày. Khi luân xa thứ sáu hoạt động, bạn biết được cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì hai đường kinh mạch Ida và Pingala chấm dứt tại đây, hành giả không còn bị lệ thuộc vào thời gian nữa. Tâm thức của người ấy không còn bị kẹt trong nhị nguyên. Vì hai năng lượng âm và dương đã kết hợp làm một. Trạng thái này Chúa Giê-Su gọi là hoạn quan của Nước Trời. Người Ấn gọi là Ardhanarishvara, nữa nam, nữa nữ, Shiva-Shakti; họ coi Shiva là vi thần tuyệt hảo nhất, vĩ đại nhất Mahadeva bởi vì Ngài bao gồm của nam lẫn nữ, không còn nhị nguyên đối kháng nữa.

Khi luân xa thứ sáu hoạt động, bạn trở thành ông chủ. Trước đó bạn chỉ là một tên nô lệ. Với luân xa thứ sáu, bất cứ bạn nói gì, muốn gì đều xảy ra. Bạn có ý‎ chí khi luân xa thứ sáu hoạt động. Trước đó thì ‎‎ý chí không hiện hữu. Đó là một nghịch lý nhưng có lý do.

Khi luân xa thứ tư hoạt động, cái tôi của bạn biến mất. Và qua luân xa thứ năm mọi cặn bã đã biến mất. Lúc đó bạn có‎ ý chí nhưng bạn sẽ không làm hại ai cả. Thật ra, đó không phải là ‎ý chí của bạn, mà là ý chí của đại hồn, bởi vì cái tôi của bạn đã biến mất với luân xa thứ tư, và bạn trở nên thanh tịnh với luân xa thứ năm. Bạn đã trở thành một sứ giả, một phương tiện. Bây giờ bạn có ý chí vì bạn không còn nữa - ý chí của đại hồn chính là ý chí của bạn.

Luân xa thứ sáu là ranh giới cuối cùng của thế giới hiện tượng. Bên ngoài đó là luân xa thứ bảy. Đó là một thế giới khác hẳn, thế giới của siêu việt.

Luân xa thứ bảy - Sahasrara

Sahasrara là luân xa thứ bảy. Sahasrara nghĩa là hoa sen một ngàn cánh. Ngàn cánh là biểu tượng của vô hạn, lớp này nối tiếp lớp kia, trùng trùng điệp điệp, không bao giờ hết.

Sahasrara nằm bên trên đỉnh đầu, và được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Niết Bàn, Thượng Đế tối cao (Parabrahma), Tâm thức Bồ Đề (Bodhini), bánh xe phúc lạc vĩ đại của tự tánh tuyệt đối. Lão Giáo gọi luân xa này là Bá Hội, là Núi Côn Luân. Bá Hội là nơi hội tụ của tất cả. Côn Luân là đỉnh núi cao nhất của thiên đình.

Sahasrara cũng được gọi là Brahm-randha. Đó là chỗ Shakti gặp gỡ Shiva. Khi Shakti hợp nhất với Shiva, hành giả sẽ nhận ra sự trường sinh bất tử của mình. Đó là trạng thái của tâm thức gọi là asama-prajnata-samadhi (đại định). Ở trạng thái này tâm trí hoàn toàn ngưng bặt; người biết và cái được biết đã trở nên một, chẳng có gì phải biết nữa. Khi kundalini lên đến Sahasrara, cái ảo tưởng về tiểu ngã hoàn toàn tan biến. Đó là cái mà Đức Phật gọi là vô ngã (anatta), và người Ấn gọi là Brahman.

Asama-prajnata-samadhi là phúc lạc tột đỉnh. Tại luân xa thứ sáu hành giả kinh nghiệm được trạng thái ngây ngất, nhưng tâm trí vẫn còn hoạt động, và hình tướng vẫn hiện ra trong tâm trí. Tại Sahasrara năng lượng lên đến điểm cao nhất. Ở đó tâm trí tan biến vào chân không (shunya); mọi cảm giác, xúc cảm và ham muốn, vốn là những hoạt động của tâm trí, đều tan biến hết.

Sahasrara là nơi dẫn đến những chiều kích tâm linh siêu việt bên trên thực tại bình thường của thế giới này. Khi Sahasrara hoạt động, một tâm thức mới tự bên trong phát khởi, do sự hợp nhất của Shiva và Shakti. Người Ấn gọi tâm thức đó là Trí Huệ Bát Nhã (Prajna). Phật Giáo gọi là Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamita). Đó là một loại trí huệ không tùy thuộc vào bộ óc. Cho nên chỉ khi kundalini lên đến Sahasrara ta mới biết chân lý thực sự là gì. Khi năng lượng kundalini lên đến luân xa thứ bảy, sự phân biệt giữa tiểu ngã và đại ngã không còn nữa. Người ấy đã trở thành một với Đại Hồn (Brahman). Atman chính là Brahman.

St

2046-hieu-ve-cac-luan-xa-1.jpg

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh