BÁT CHÁNH ĐẠO - A.BESANT PDF

1. Hai ngàn ba trăm năm đã trôi qua kể từ khi Hoàng đế Phật giáo vĩ đại, Ashoka, đã gửi con trai và con gái ông đến đảo

Tích Lan (Sri Lanka), để trồng ở hòn đảo này, không chỉ là nhánh mầm từ cây linh thiêng của Đức Phật Gaya, mà cũng là để trồng ở đây một nhánh mầm của Cây Minh triết, mà từ ngày đó, đã lan rộng rãi vượt ra khỏi đảo, vì nó đã lan rộng ra khắp các quốc gia, trên khắp thế giới - Cây Minh triết mà bạn gọi là Đạo Phật.

Chiều nay chúng ta sẽ chọn một trong những giáo lý vĩ đại của Ngài cho việc nghiên cứu của chúng ta. Bạn còn nhớ cách thức và lúc Ngài đã rời khỏi nhà của cha mình, khi Ngài đã rời bỏ vợ và đứa con trai sơ sinh của mình, khi

Ngài đã tìm cách sống, nhờ sự giúp đỡ của những huấn sư trong rừng; khi Ngài, bằng sự khổ hạnh, tìm cách tìm ra thánh đạo mà những người khác đã không thể dạy Ngài, để rồi cuối cùng, Ngài ngồi dưới gốc cây nổi tiếng đó, đã chinh phục mọi cám dỗ, đã quăng trả lại mọi ảo ảnh của Ma vương, khi cuối cùng sự giác ngộ đã đến với Ngài, khi Ngài đã nhập vào tri thức hoàn hảo - khi đó Ngài đã thấy, lần đầu tiên trong cuộc đời này - Tứ Diệu Đế: nỗi khổ, cội nguồn của khổ, việc chấm dứt nỗi khổ, con đường thoát khổ - là Bát chánh đạo. Và chính là Bát Chánh Đạo đó mà tôi yêu cầu bạn chú ý chiều nay.

2. Được đặc trưng như tất cả các giáo lý của Đức Thế Tôn bởi sự ngắn gọn, chúng tràn đầy minh triết: vì, giống như các tập sách giải trình có thể được viết dựa trên mỗi một trong Tứ Diệu Đế, cũng thế, trong các cụm từ của Bát Chánh Đạo này, toàn bộ quy luật của cuộc sống, toàn bộ quy tắc ứng xử, được thể hiện rõ ràng; và nếu một người có thể đi theo Tám Con Đường đó, nếu một người có thể thực hiện tám huấn thị được đưa ra, bấy giờ người đó sẽ vượt qua ngưỡng của quả vị La Hán, và người đó sẽ sẵn sàng được giải thoát.

3. Bây giờ, Bát Chánh Đạo này là gì? Nó bao gồm tám giới luật, hoặc như chúng ta có thể gọi chúng, là tám chân lý vĩ đại, mỗi chân lý áp dụng cho cuộc sống của con người, mỗi một trong số đó là nhằm định hình số phận con người; và được chọn từng cái một, rồi được hiểu và thực hành, thì sự tiến hóa của con người sẽ nhanh chóng và an toàn. Chân lý đầu tiên của những chân lý vĩ đại này là Chánh Kiến (Right Knowledge); thứ hai, Chánh Tư Duy (Right Thought); sau đó là thứ ba và thứ tư, phát triển từ Chánh Tư Duy - là Chánh Ngữ (Right Speech) và Chánh Nghiệp (Right Activity); kế đó, liên quan đến thế giới bên ngoài, là Chánh Mệnh (Right Means of Livelihood); rồi đến, Chánh Tinh Tấn (Right Exertion); rồi đến Chánh Niệm (Right Memory); và cuối cùng, sự thành đạt cao nhất, là Chánh Định (Right Concentration).

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

4. Đó là tám bước, như chúng ta có thể gọi chúng, là tám Con đường - tám chân lý vĩ đại này để hướng dẫn cuộc sống của con người.

5. Chúng ta hãy lần lượt xem xét tám chân lý này, và xem một Phật tử chân chính có thể định hình cuộc sống của mình như thế nào từ đó. Vậy thì đầu tiên là CHÁNH KIẾN, như đôi khi chúng ta thấy nó được dịch; vì thường khi dịch từ tiếng Phạn hoặc từ Pali sang tiếng Anh, thì từ gốc đầy đủ và lớn hơn từ tiếng Anh, và vì vậy hai từ được đưa ra để giải thích cho một từ. Vì vậy, đôi khi từ này cũng được dịch là CHÁNH TÍN (Right Belief). Nhưng, thực ra, mọi tin tưởng nên được dựa trên kiến thức. Điều mà một người biết đúng, thì anh ta chỉ có thể tin đúng: tất cả những thứ khác là sự cả tin và sự dại dột. Ngày nay, trong thế giới hiện đại, chánh tín đã không được cho là rất quan trọng, để nó được đặt ngay từ đầu của Bát Chánh Đạo này. Nhưng chánh tín hoặc chánh kiến - thực sự là quan trọng và thiết yếu nhất trong tất cả. Nó là nền tảng mà tất cả các suy nghĩ, lời nói và hành động được xây dựng trên đó. Và nếu nền tảng của bạn bị mục nát, làm thế nào mà trên nền tảng mục nát đó, một ngôi nhà an toàn sẽ được xây dựng cho cuộc sống của con người?

6. Bây giờ thì Chánh Kiến là gì? Đó là kiến thức dựa trên, và phù hợp với, các thực tế của cuộc sống, các thực tế của vũ trụ, là Định Luật bao quanh chúng ta, mà không có nỗ lực nào của chúng ta có thể thay thế hoặc biến đổi nó; đó là kiến thức về các quy luật mà vũ trụ được xây dựng dựa trên đó, các quy luật không thay đổi, các quy luật không biến đổi, không thể bị phá vỡ, nhưng có thể bị xem nhẹ. Nhưng nếu những luật đó bị coi thường, dù là chúng ta không có chánh kiến liên quan đến chúng, dù là, thay vì kiến thức, chúng ta bị bỏ lại trong vô minh, thiếu kiến thức, thì điều đó là quá đáng, khi chúng ta không có kiến thức đó, để hướng dẫn cuộc sống của chúng ta đến bất kỳ mục tiêu hữu ích nào.

7. Bây giờ, tôi không thể đi vào toàn bộ lãnh vực của chánh kiến; nhưng có hai quy luật lớn được nêu ra mà một người phải biết, nếu anh ta phải hướng dẫn đúng cuộc sống của mình, và nếu anh ta biết hai điều này một cách đúng đắn và đi theo chúng, thì cuộc sống của anh ta sẽ làm cho anh ta cao cả, sẽ có lợi cho tất cả mọi người mà anh ta sống trong đó. Một trong những luật đó là Luật Nhân Quả, mà chúng ta gọi là Luật Hành động, Luật Karma; còn Luật kia là Luật Đối Lập (Law of Opposites), luật này tự thể hiện ở sự kiện là nếu bạn gặp một rung động cùng loại với một rung động thuộc loại tương tự, thì rung động sẽ phát triển mạnh hơn, lớn hơn, rộng hơn; nhưng nếu bạn gặp rung động đó với một rung động thuộc loại trái ngược, thì cái này dập tắt cái kia, được nhìn từ quan điểm đạo đức. Đó là, nguyên tắc vĩ đại của việc lấy đức báo oán.

8. Chúng ta hãy xem Đức Thế Tôn đã dạy Luật Karma này như thế nào, vì điều đáng chú ý là Ngài đã dạy nó theo cách mà tất cả mọi người có thể hiểu, bằng cách đáng ngưỡng mộ là chọn ra một biểu tượng, bằng cách hướng sự chú ý của người nghe vào những điều quen thuộc, và diễn đạt chân lý sâu sắc từ chúng. Luật nhân quả này, Luật Karma này - Ngài đã dạy nó như thế nào? Như vầy: nếu một người hành động do một ý nghĩ xấu xa, thì sự đau khổ sẽ theo hành động đó như bánh xe đi theo chân của con bò kéo chiếc xe đẩy. Không một người nông dân nào đi ngoài đường, không một người trồng trọt nào đào đất, mà không thể hiểu hình ảnh sinh động đó; vì bánh xe phải theo chân con bò, nên sự đau khổ phải đi theo ý nghĩ xấu xa hoặc hành động xấu xa; tác động của quy luật là không thể tránh khỏi; bạn không thể phá vỡ quy luật. Ngoài ra, nếu một người hành động do một tư tưởng thuần khiết, thì hạnh phúc sẽ theo anh ta không thể tách rời như là cái bóng của anh ta. Không phải là một đứa trẻ đã đi dưới ánh nắng mặt trời, nhưng biết rằng cái bóng của nó không thể tách rời khỏi nó hay sao; cũng không thể tránh khỏi sự kết hợp giữa cái bóng và cái thể xác, thì sự kết hợp giữa điều phải và hạnh phúc cũng vậy.

9. Bây giờ, giả sử bạn đã hiểu rõ phần Chánh Kiến này: giả sử, bất cứ khi nào cám dỗ đến với bạn, bạn ném nó trở lại bởi ý tưởng về sự đau khổ đi kèm; giả sử bạn đã nhận ra rằng không ai có thể cứu bạn khỏi kết quả của hành động của chính bạn, mà chắc chắn bạn phải tự mình chịu kết quả; bấy giờ, có một cái gì đó khác mà bạn muốn biết để hướng dẫn hành vi của bạn cho đúng, và đó là điều mà tôi đã gọi là Luật Đối Lập. Chúng ta hãy xem Đức Phật đã dạy giáo lý vĩ đại khác này như thế nào, để mọi người nam và nữ có thể hiểu nó và hướng dẫn cuộc sống của họ theo đó.

10. Có một câu chuyện, quen thuộc, nhưng đẹp đến nỗi sự quen thuộc dường như chỉ cho nó một chút ân sủng tươi mới. Có một vị Vua ở Kashi và ông đã chiến đấu với Vua ở Koshala, và đã chiến thắng ông ta. Sau đó, Vua của Koshala và vợ đã chạy trốn và lánh nạn ở một nơi nào đó, và vẫn ẩn náu nơi đó. Nhưng họ đã bị giao nộp vào tay của vị Vua chiến thắng, và họ đã bị bắt và bị kết án tử hình. Khi đó, con trai của họ, chen lấn qua đám đông, đến cha và mẹ của anh ta để nói với họ lời chia tay, anh ta đã nhận được từ đôi môi của cha mình lời dạy cuối cùng này:

"Con trai, đừng dài, đừng ngắn, hận thù không chấm dứt bằng hận thù; bằng sự không hận thù thì hận thù chấm dứt". Người con trai không thể hiểu những lời này. Chàng đã rất bối rối với chúng. Nhưng cuộc sống đã giải thích chúng, vì cuộc sống thường giải thích giáo huấn khôn ngoan nào mà lúc đầu có vẻ tối tăm, tối nghĩa. Con trai của vị vua bị sát hại này đã trở thành người hầu của nhà vua đã giết cha và mẹ mình. Nhà vua, chủ nhân của anh ta, đã yêu quý anh ta, và ông thường ngủ gối đầu trên đầu gối của con trai người đàn ông và phụ nữ bị sát hại. Và một ngày nọ, khi Vua ngủ như vậy, chàng thanh niên nhớ đến cha và mẹ mình đã bị hành quyết bởi người đang ngủ. Bị xúc động bởi ý nghĩ và bởi sự thù hận, anh ta rút thanh kiếm ra và nghĩ rằng sẽ giết kẻ giết cha mình. Nhưng những lời của cha anh trở lại trong tâm trí anh: "Đừng ngắn", đừng vội vàng trong hành động. Đó là thông điệp phát ra từ những năm qua với anh ta, và anh ta đặt thanh kiếm trở lại vỏ. Ngay sau đó, Nhà vua thức dậy, và anh ta rút thanh kiếm ra một lần nữa, như thể anh ta đe dọa sẽ giết Vua. Nhà vua cầu xin tha mạng, chàng trai trả lời ông rằng anh ta sẽ không giết ông, nhưng do việc đe dọa sẽ giết, anh ta đã thực sự trả giá bằng mạng sống của mình, và vì điều này anh ta cầu xin sự tha thứ của nhà Vua. Nhà vua tha thứ cho chàng thanh niên, như chàng đã tha thứ cho nhà Vua, và khi đó chàng thanh niên nói với Vua rằng chàng đã nhớ những lời của cha mình: "Đừng dài"; đó là đừng giữ lòng thù hận lâu trong tâm. "Đừng ngắn"; đó là, không hấp tấp trong hành động. Hận thù không chấm dứt bằng hận thù ở bất cứ thời nào; hận thù chấm dứt bởi tình thương.

11. "Hỡi nhà vua, nếu tôi giết ngài, các bạn bè của ngài sẽ giết tôi. Bạn bè của tôi sẽ giết họ - và cứ thế mà tiếp diễn, kết quả xấu xa của sự thù ghét sẽ tiếp tục. Ngài đã cho tôi cuộc sống của tôi, và tôi đã cho ngài cuộc sống của ngài. Do đó, hận thù chấm dứt bằng tình thương, và chúng ta là bạn bè"

12. Đó là Luật Đối Lập, được giải thích theo cách mà không ai đã từng nghe câu chuyện lại có thể quên. Nó được Đức Phật tóm tắt trong bốn câu. Bạn có thể mở rộng chúng đến mọi cảm xúc mà bạn có thể cảm nhận, tới mọi hành vi của bạn đối với đồng loại của bạn: "Hãy để một người vượt qua sự tức giận bằng tình thương, hãy để anh ta vượt qua sự thù hận bằng lòng tốt, hãy để anh ta vượt qua sự tham lam bằng tính hào phóng; sự dối trá bằng lòng chân thật". Hãy xem, trong mỗi trường hợp, một cái được đặt đối diện với cái đối lập của nó; đối diện với tật xấu, thì đức hạnh là sự trái ngược hoàn toàn với nó. Một người đang giận bạn; trả lời anh ta với sự tức giận, và sự tức giận sẽ lôi cuốn cả hai bạn đi; nhưng trả lời bằng tình yêu, và sự tức giận tan biến, và sự hòa bình chế ngự cả hai người, mà nếu không, sẽ là kẻ thù. Nếu một người làm điều sái quấy với bạn, hãy trả lại cho anh ta không phải bằng sai lầm mà anh ta đã làm với bạn, theo kiểu thiển cận của thế gian, điều sai này sẽ tấn công trở lại và như thế kéo dài điều xấu. Nếu một người tham lam, đừng tham lam đối với anh ta; hãy hào phóng. Nếu anh ta keo kiệt, hãy tuôn ra cho anh ta những gì bạn có; hãy dạy anh ta bằng đức tính ngược lại, chứ không phải bằng cách cho anh ta thấy tấm gương của chính anh ta được lặp lại. Nếu một người nói dối bạn, bạn đừng nói dối lại với anh ta. Có rất nhiều người nói: "Anh ta đã nói những điều sai với tôi, và tôi chỉ ăn miếng trả miếng với anh ta mà thôi." Đây là sự minh triết của Đức Phật; nếu một người đàn ông nói dối bạn, hãy đáp lại anh ta bằng sự thật, và kẻ nói dối sẽ trở thành chân thật, và như thế sự thật sẽ ngự trị tối cao. Bây giờ, hãy thực hiện những sự thật cao quý này, sự minh triết cao quý này, giáo lý này, hãy thực hiện nó trong cuộc đời của bạn, thực hiện nó trong doanh nghiệp của bạn, tại nhà riêng của bạn, bất cứ nơi nào bạn gặp đồng bào của bạn. Nếu một người làm điều xấu với bạn, hãy đáp lại anh ta bằng đức tính ngược lại, và khi đó, bạn sẽ có quyền tự gọi mình là tín đồ của Đức Thế Tôn.

13. Như thế, sau khi đã đặt nền tảng của Chánh Kiến, kiến thức ít nhất của hai sự thật chính, của hai định luật cơ bản, điều cần thiết tiếp theo là CHÁNH TƯ DUY. Nghĩa là, tư tưởng của bạn nên tốt, hoàn hảo, như bạn có thể làm cho nó. Từ tư tưởng phát sinh lời nói. Từ tư tưởng phát sinh hành động. Một người nghĩ sai, thì nói sai, hành động sai. Người đàn ông nghĩ đúng, thì lời nói của anh ta đúng, hành động của anh ta cũng đúng. Tư tưởng, là điều thường bị coi thường, lại quan trọng hơn nhiều so với lời nói hoặc hành động. Hãy coi chừng tư tưởng của bạn cho đúng, và những cái khác chắc chắn sẽ đúng; sơ suất trong tư tưởng của bạn thì chắc chắn bạn sẽ rơi vào những con đường xấu xa. Do đó, trên nền tảng tuyệt vời của Chánh Kiến, thì Chánh Tư Duy sẽ được xây dựng, và bạn phải nỗ lực rằng tư tưởng của bạn sẽ nghiêm túc, chính xác, hoàn hảo hết mức mà bạn có thể. Đức Phật nói, "Tính nghiêm túc là sự sống, tính thiếu suy nghĩ là cái chết"; vì người thiếu suy nghĩ và người bất cẩn tất yếu trượt vào nhiều điều xấu xa. Người đứng đắn, vốn cẩn thận, chín chắn, người đó sẽ hướng dẫn đúng cho lời nói và hành động của anh ta. Vì vậy, điều tiếp theo mà bạn phải xem xét khi bước vào Bát Chánh Đạo này, là Chánh Tư Duy. Tư tưởng của bạn xây dựng tương lai của bạn: tư tưởng của bạn làm nên tính cách của bạn. Bạn nghĩ thế nào vào hôm nay, thì ngày mai, chắc chắn bạn sẽ hành động như thế ấy. Những hình tư tưởng mà bạn để lại phía sau khi cái chết chạm vào bạn, những khuynh hướng đã phát triển từ cuộc sống của bạn, những cái đó sẽ được tái hiện trong lần tái sinh tiếp theo của bạn, và do đó, từ các xu hướng của bạn ở kiếp này thì các kiếp sống tương lai sẽ được tạo ra. Do đó, Chánh Tư Duy là bước thứ hai trong các bước của bạn.

14. Bước kế tiếp là CHÁNH NGỮ. Bây giờ, Chánh Ngữ là gì? Đầu tiên, đó là lời nói đúng. Tất cả những lời nói dối hằng ngày của cuộc sống bình thường đều bị Chánh Ngữ lên án. Tất cả những lời giả dối trống rỗng mà mọi người thốt ra rất nhẹ nhàng - những điều này đều bị lên án và bị Chánh Ngữ ngăn chận. Chánh Ngữ là đúng đến mức tối đa. Chánh Ngữ cũng là tử tế và lịch sự. Ngôn ngữ cay nghiệt, lời nói tàn nhẫn, những sự chỉ trích cay đắng - không cái nào trong số này có thể có đối với Phật tử chân chính, là người đang nỗ lực bước đi trên Bát Chánh Đạo, là người đang cố gắng theo đến cùng quy tắc của Chánh Ngữ; và liên quan đến đức tính đó, Đức Phật lại cho chúng ta một ví dụ tuyệt vời. Một người nào đó đã mắng nhiếc Ngài, sử dụng lời nói sai và không tốt; Đức Thế Tôn kiên nhẫn lắng nghe cho đến khi người đàn ông chấm dứt mọi sự rủa sả mà anh ta có để đổ lên Ngài, và rồi Ngài đã trả lời một cách dịu dàng và nói:

15. "Này con trai! Khi một người tặng một món quà mà không quan tâm đến các quy tắc lịch sự, thì người lịch sự sẽ nói, 'Hãy giữ lấy món quà của bạn.' Con trai! Ta không thể lấy sự rủa sả của con. Hãy giữ nó và lấy nó lại cho chính con. Người độc ác tấn công một người đức hạnh, thì giống như một người đàn ông nhìn lên trời cao và nhổ nước bọt vào nó. Trời không bị vấy bẩn vì điều đó, nhưng nước bọt rơi lên chính con người anh ta và làm ô uế anh ta. Người rải bùn không làm vấy bẩn người khác; trái lại, bùn bay trở lại và làm vấy bẩn quần áo của chính anh ta. Người đạo đức không thể bị tổn thương bởi điều xấu mà kẻ ác làm chống lại anh ta: điều xấu quay trở lại với kẻ làm điều sai trái". Đó là lời dạy tuyệt vời liên quan đến lời nói đúng và sai. Những lời độc ác được nói với bạn không làm hại gì bạn, trừ khi bạn đáp lại chúng bằng lời nói độc ác. Nếu một người sỉ nhục bạn, anh ta không gây tổn hại cho bạn, trừ khi bạn nhận lấy sự sỉ nhục của anh ta và đáp lại anh ta bằng sự sỉ nhục; khi đó sự sỉ nhục của anh ta đến với bạn và ở lại với bạn, và anh ta thì thoát khỏi nó. Nhưng nếu bạn không đáp lại bằng sự sỉ nhục, thì lời nói độc ác của anh ta quay trở lại với anh ta và ở lại với anh ta, và bạn không bị nó làm tổn thương. Định luật thi hành như thế đó. Nếu một người sỉ nhục bạn, bạn không bị tổn thương do điều đó, trừ khi bạn đáp lại anh ta theo cách tương tự; nếu bạn đáp lại sự sỉ nhục của anh ta bằng tình thương, bằng lòng trắc ẩn, bằng sự im lặng, hoặc bằng những lời nói dịu dàng, bấy giờ những lời nói xấu xa của anh ta quay trở lại với anh ta, anh ta không thể ném chúng lên bạn, và chỉ có anh ta chịu tổn hại từ sự xấu xa mà anh ta đã gây ra; sự xấu xa của anh ta trở lại với anh ta.

16. Hãy thực hiện điều đó trong cuộc sống hàng ngày. Định luật này là một định luật cho cuộc sống chứ không chỉ để nói. Lần tới khi một người sỉ vả bạn, hãy trả lời anh ta bằng sự im lặng hoặc bằng tình thương, và sự rủa sả của anh ta sẽ ở lại với anh ta, và bạn sẽ tiếp tục con đường của bạn một cách vô sự.

17. Và sau ba phần này, chúng ta đến phần thứ tư: CHÁNH NGHIỆP. Chánh Nghiệp gần như chắc chắn là tiếp theo nơi mà Chánh Kiến, Chánh Tư Duy và Chánh Ngữ đã mở đường. Lưỡi là thứ khó kiểm soát nhất. Hãy kiểm soát thể trí và tư tưởng của bạn, hãy kiểm soát thể trí và lưỡi của bạn; bấy giờ, Chánh Nghiệp chắc chắn sẽ đi theo - các hành động của cơ thể chắc chắn sẽ đi theo con đường đúng đắn. Một số trợ giúp khác trong việc này đã được đưa ra cho bạn trong Ngũ Giới, vạch ra cho bạn những hành động sai lầm mà bạn nên tránh. Bạn không thể lẩn tránh định luật, như Phật tử nói ngày này qua ngày khác, "Tôi sẽ không sát sinh", nhưng đôi khi vẫn duy trì cuộc sống của y bằng thịt vốn chỉ có được bằng cách sát hại một sự sống khác. Người duy trì sự sống của riêng mình, nuôi dưỡng sự sống của y bằng mạng sống của những con thú bị tàn sát, người đó góp phần vào việc sát sinh cũng như thể chính anh ta sát sinh. Nếu người nào muốn thực hành Chánh Nghiệp, tránh được việc duy trì sự sống của họ trên sự sống bị tàn sát bởi người khác, thì sự tàn sát sẽ chấm dứt. Sau đó, bạn phải kiêng cử mọi thói xấu về tình dục: kiêng cử mọi đam mê bất hợp pháp, trái pháp luật, dâm dục - bạn phải phấn đấu cho sự thanh khiết của cơ thể. Bạn cũng phải kiêng rượu làm say sưa. Tôi rất vui khi biết rằng, thói tật này đang giảm ở Tích Lan (ngày nay là Sri Lanka - ND) vào thời điểm hiện tại, vì may mắn là, với sự hồi sinh của Phật giáo, đã có một phản ứng chống lại việc uống rượu say, vốn không may là bị bắt chước từ những người khác đã đến với bạn. Và khi tôn giáo cổ xưa của bạn tự khẳng định nó một lần nữa, với quyền lực tối cao của nó, việc say rượu sẽ trở thành một việc của quá khứ - vì không thể nghĩ tới một Phật tử mà say rượu, nó hoàn toàn ngược lại quy luật mà qua đó anh ta sống. Vậy thì, Chánh Nghiệp là bước thứ tư trong số các bước trên Bát Chánh Đạo này.

18. Tiếp theo, chúng ta đến với CHÁNH MỆNH - một điều rất thực tế, và một điều mà có lẽ, trong thời buổi hiện đại này, cần cố gắng được đặt ra theo một cách rất đặc biệt. Chánh Mệnh là gì? Chúng là việc kiếm sống bằng những phương tiện không làm tổn thương đồng bào của bạn, những phương tiện phục vụ gia đình và cộng đồng của bạn - là những đồng loại của bạn cũng như chính bạn. Vì vậy, khi hòa mình vào cuộc sống hiện đại này, thật bất hạnh là trong đó hiện nay có rất nhiều cuộc đấu tranh, quy luật của Phật tử là, trong mọi việc kinh doanh, trong việc kiếm sống của chính mình, anh ta sẽ không làm tổn thương hay đối xử xấu với những người mà anh ta sống trong đó; thật bất hạnh là điều đó bị lãng quên trong hầu hết những tâm trí hiện đại. Một người kiếm kế sinh nhai, nhưng anh ta không ngừng lại để tự hỏi: "Tôi có kiếm được nó một cách đúng đắn không?" Chúng ta thấy và nghe nói về những người tạo nên những của cải lớn; nếu chúng ta đi phía sau tài sản đó, chúng ta sẽ nhận thấy gì?

Những gia đình phá sản, những người đàn ông tuyệt vọng, những người phụ nữ tan nát trái tim, những trẻ con chết đói. Của cải của một người đã được xây dựng trên những đau khổ của người khác. Đó là một của cải không có đạo lý, một sự giàu có sai lầm, một sự làm giàu sai lầm của một người, với cái giá phải trả và sự khốn khổ của nhiều người. Những phương tiện sinh nhai như vậy là không xứng đáng với người đã nhận ra sự hiệp nhất của loài người và Tình Huynh Đệ chung của tất cả mọi người. Vậy thì, hãy coi chừng cách bạn làm việc và có được sinh kế của bạn. Khi các phương pháp hiện đại lan truyền trong các bạn, khi bạn tham gia vào cuộc đua của thế giới, nếu bạn không mất nhiều hơn bạn có được, nếu bạn không phải trả giá nhiều hơn bạn đạt được, nếu bạn áp dụng các phương pháp hiện đại, nếu bạn không cẩn thận về phương tiện mà nhờ đó bạn thu gom của cải cho chính bạn, nếu bạn chà đạp lên kẻ yếu, nếu bạn lừa dối kẻ ngu ngốc, không tôn trọng luật pháp ngoại trừ những gì có thể được cảnh sát thi hành hoặc do thẩm phán quản lý, và đặt ra luật lệ không ra gì được áp đặt lên tâm bạn, từ bỏ con đường mà Đức Thế Tôn tiết lộ cho bạn - khi đó quả thực bạn sẽ trở nên nhiều vàng bạc hơn, nhưng bạn sẽ trở nên nghèo hơn về danh dự và đức hạnh; và đức hạnh thì quý hơn vàng, thanh danh thanh khiết là của cải lớn hơn những lợi lộc của thế gian này. Vậy thì hãy suy nghĩ nhiều về quy tắc này. Hãy thấy rằng bạn chọn Kế Sinh Nhai Chính Đáng (Chánh Mệnh), và luôn nhớ rằng chỉ những phương kế như vậy mới được phép đối với tín đồ của Đức Phật.

19. Và sau đó đến CHÁNH TINH TẤN. Bây giờ, nhiều người, không phải là không tự nhiên, thường hỏi, "Tại sao chánh tinh tấn hay nỗ lực đúng đắn có thể đến quá muộn trong bản phác thảo này về hành vi của con người? Có chắc là nỗ lực đúng đắn là điều đầu tiên mà chúng ta muốn hay không? Và cho đến khi một người thực hiện một nỗ lực đúng đắn, làm thế nào anh ta có thể hy vọng rằng anh ta sẽ đạt được tiến bộ có một giá trị nào đó?" Vâng, câu trả lời là, nỗ lực đó không thể được định hướng đúng đắn, trừ khi nó được hướng dẫn bởi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Nỗ lực mà có sự vô minh đằng sau nó, dù cho nó có ý tốt thế nào đi nữa, thì nó gây hại nhiều hơn là làm tốt. Người ngu ngốc có ý tốt thì thực sự nguy hiểm cho cộng đồng và cho chính y hơn là người không sống theo ý chí đúng đắn hay suy nghĩ đúng đắn. Nếu bạn làm một điều trái quy luật, ngược lại điều mà Chánh Kiến dạy, thì ý định của bạn sẽ không biến nó thành đúng. Sự cứng rắn là bài học, đó là một bài học mà bạn cần phải học và thực hành. Giả sử một người đàn ông lao vào một nhà đang cháy để cứu mạng một đứa trẻ đang gặp nguy hiểm chết người giữa ngọn lửa, liệu ý định tốt của anh ta có ngăn được ngọn lửa khỏi đốt anh ta không, trừ khi sự can đảm của anh ta có sự khôn ngoan thêm vào? Người này biết nguy hiểm, đề phòng nó; anh ta buộc một miếng vải vào miệng và vì thế có thể cứu đứa trẻ và chính mình khỏi ngạt thở. Như thế, người này cố tình làm đúng, sử dụng Chánh Kiến và hướng dẫn nỗ lực của mình bằng Chánh Tư Duy, người đó làm gấp đôi so với người hấp tấp muốn làm điều phải nhưng không suy nghĩ đúng. Vì vậy, nỗ lực của bạn phải có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy đằng sau nó. Bạn phải khôn ngoan cũng như tốt bụng và thận trọng, cũng như nóng lòng làm điều phải. Bạn phải nhận thức rằng một nửa của sự tác hại và sự khốn khổ trên thế giới phát triển từ những ý định tốt ngu ngốc, không được sự hiểu biết hướng dẫn; rằng những ý định tốt mà không có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là một nguồn gốc màu mỡ của mối nguy hại. Nỗ lực đúng đắn và cố gắng đúng đắn là nỗ lực và cố gắng được hướng dẫn bởi Chánh Kiến; rằng một mình nó sẽ là loại nỗ lực, rằng một mình nó sẽ là nỗ lực, của tất cả những ai có đức tin Phật giáo.

20, 21. Rồi chúng ta đến bước thứ bảy trên Thánh Đạo, là CHÁNH NIỆM (Right Memory). Có hai ý nghĩa có thể được đưa ra để giải thích cho cụm từ Chánh Niệm đó. Trong ý nghĩa đầy đủ nhất, đó là ký ức về tất cả các kiếp trước của một người, chẳng hạn như bạn có trong chính Đức Phật. Bạn nhớ lại bằng cách nào mà, hết lần này đến lần khác, khi Ngài gặp những người lần đầu tiên - lần đầu tiên trong kiếp sống đó - và khi, có lẽ, người đó đối xử với Ngài theo một cách xấu xa, Đức Thế Tôn đã giải thích điều đó với các môn đệ xung quanh Ngài, bằng cách nói rằng trong một kiếp này hay kiếp khác trong những kiếp trước của Ngài, Ngài đã gặp người đó như thế nào, và sau đó một điều sai lầm đã được thực hiện như thế nào mà mang kết quả theo cách mà họ đã thấy. Bạn nhớ lại bằng cách nào mà, hết lần này đến lần khác, Ngài minh họa những sự cố của hiện tại bằng những câu chuyện được rút ra từ ký ức hoàn hảo của Ngài về quá khứ.

22. Nhưng, theo ý nghĩa đó thì nó không có giá trị lắm đối với người nam hay nữ bình thường, họ không có ký ức về những câu chuyện của quá khứ, về kiếp trước của mình. Nhưng có một ý nghĩa mà trong đó, đối với tất cả mọi người, Chánh Niệm thực sự là một điều có giá trị: khi một lỗi lầm được thực hiện thì nó bị lãng quên ngay khi nó bị phạm, khi một sự tử tế được thực hiện với bạn thì nó được trân trọng và ghi nhớ trong phần còn lại của kiếp sống của bạn trong sự biết ơn, vậy thì bạn có Chánh Niệm có sự hữu dụng cao nhất cho người nam và nữ bình thường. Người ta viết về vị vua vĩ đại của Ấn Độ, rằng một ngàn sai lầm đã được thực hiện với Ngài và Ngài đã quên tất cả chúng trước khi Ngài nằm xuống nghỉ ngơi; một sự tử tế đã được thực hiện với Ngài và Ngài đã nhớ nó đến hết cuộc đời của Ngài. Đó là Chánh Niệm. Hãy giữ một sự lãng quên hữu ích cho tất cả những điều không tốt động chạm đến bạn; nhưng hãy giữ một ký ức hoàn hảo cho mọi điều tốt được làm cho bạn. Hãy quên đi mọi thứ có thể khiến bạn đau đớn - hãy nhắm mắt bạn lại với nó; hãy không cho nó vào tâm trí của bạn, vì ký ức của bạn không được bị đè nặng với ký ức về những tổn thương. Hãy để chúng đi. Không ai có thể làm tổn thương bạn, trừ khi bạn đã gây tổn thương không thể tránh khỏi bằng quá khứ của chính bạn - và thật điên rồ để nhớ đến sự tổn thương, vì khi nhớ nó thì thật ra là giữ cho nó sống? Hãy để tránh xa khỏi bạn tất cả những gì làm bạn đau đớn, hãy quên đi tất cả những gì làm tổn thương bạn, tất cả những gì mang lại cho bạn sầu khổ, tất cả những điều dường như đối xử xấu với bạn - nhưng hãy giữ lại như ký ức quý giá nhất tất cả những gì tốt đẹp mà bạn đã nhận được. Chánh Niệm là cái cất giữ tất cả niềm vui, sự tốt lành và sự giúp đỡ trong sự tưởng nhớ biết ơn; ký ức đó ấp ủ những tư tưởng tử tế về tất cả những người đã giúp đỡ bạn, dù cho sự giúp đỡ đó có thể tầm thường như thế nào. Như thế, sự bình an và niềm vui sẽ mãi mãi là của bạn, và như thế, ký ức sẽ mất đi năng lực dày vò của nó.

23. CHÁNH ĐỊNH - đây là bước cuối cùng trong Bát Chánh Đạo. Ở đây một lần nữa, một ý nghĩa kép được đưa ra. Đối với một người đã bước trên Thánh Đạo trong nhiều kiếp, thì anh ta có khả năng về hình thức định trí cao nhất - sự định trí mà nhờ đó bạn có thể biết bất cứ điều gì mà bạn muốn biết, chỉ đơn giản bằng cách tập trung một thể trí được huấn luyện tốt và chú ý tốt vào nó - đó là Chánh Định. Mọi thể trí đều có thể được rèn luyện như thế để vâng lời, có thể rất vững vàng, rất nhất tâm, đến mức bạn có thể tập trung vào bất kỳ đối tượng tri thức nào và biết đối tượng đó cả bên ngoài và bên trong. Nhưng đó là một sự thành tựu cao, được chuẩn bị bởi nhiều kiếp sống thiền định. Nhưng đối với người của thế gian, con đường đến Chánh Định đang rèn luyện thể trí của bạn trong cuộc sống bình thường. Hãy thực hành nó từng ngày, từng giờ, tập trung toàn bộ sự chú ý của bạn vào việc bạn đang làm, và làm điều đó một cách hoàn hảo nhất mà bạn có thể. Đừng để tâm trí của bạn lang thang, đừng để nó trôi dạt. Hãy giữ nó dưới sự kiểm soát của chính bạn, hãy chi phối nó tốt và chắc chắn. Ban đầu, bạn sẽ không thể đóng kín tâm trí của mình trước những sự đảng trí và những xáo trộn xung quanh bạn, cho đến khi bạn đã thực hành sự định trí trong nhiều năm, khi đó thể trí của bạn sẽ trở nên tuân theo ý muốn của bạn. Nếu bạn làm điều đó, bạn có thể bắt đầu thiền với một sự thành công nào đó. Bấy giờ, thể trí vốn đã được huấn luyện để định trí vào các đối tượng bên ngoài, sẽ trở nên ngoan ngoãn khi bạn bắt đầu tập trung nó vào các nguyên tắc cao cả của sự sống. Do đó, hãy thấy rằng bạn đang thực hành Chánh Định. Thực hành nó trong mọi việc mà bạn làm, và bạn sẽ có được một thể trí được trau dồi để đạt được mọi loại kiến thức trong cuộc sống, và theo cách đó, bạn sẽ chuẩn bị bạn dần dần cho sự định trí, cho sự thiền định, vốn mở ra những cánh cổng của chân tri thức và nâng bạn lên trên những rắc rối thoáng qua của thế gian.

24. Như vậy, chúng ta đã dõi theo các bước của Bát Chánh Đạo. Nếu trong cuộc sống của chúng ta và trong tâm của chúng ta, chúng ta cố gắng nhận ra những chân lý của Thánh Đạo đó, thì tương lai sẽ giữ cho chúng ta mọi kiến thức, mọi minh triết, và mọi sự bình an.

25. Để kết thúc bản mô tả ngắn gọn này, hãy để tôi nói với bạn về các nguyên tắc đúng đắn mà bạn đã có ở Đảo này trong hai mươi ba thế kỷ qua - để bạn có thời gian kiểm tra từng nguyên tắc xem nó có thực sự khôn ngoan hay không - đó là, nếu bạn sẽ khôi phục lại những ngày huy hoàng của Sri Lanka, nếu bạn sẽ làm cho dân tộc Sri Lanka trở nên vĩ đại một lần nữa, thì bạn phải xây dựng tương lai dựa trên nền tảng này. Bạn phải đặt đôi chân của quốc gia mình trên Thánh Đạo cổ xưa này một lần nữa, và dạy quốc gia bạn bước lên nó một lần nữa. Bạn phải xây dựng người dân bạn dựa trên Phật giáo. Bạn phải huấn luyện người dân của bạn theo lời dạy của Đức Thế Tôn, và bạn phải dạy các con bạn như vậy. Các chàng trai của bạn khi lớn lên đến tuổi trưởng thành phải ngồi dưới chân Đức Phật và lắng nghe lời dạy mà trong những lời nói hấp hối của Ngài, Ngài đã để lại cho cả nhân loại, khi Ngài nói: "Ta sẽ ở cùng với các con trong giáo lý mà Ta đã ban cho các con.

Ta sẽ sống với các con trong Qui Luật mà Ta đã tuyên bố với các con". Theo cách đó, bạn có thể có Đức Phật cùng với bạn - trong Qui Luật mà Ngài đã tuyên bố, trong giáo lý mà Ngài đã ban ra. Bấy giờ, sẽ vẫn có sự sống cho bạn, và trong hướng dẫn của lời dạy đó, bạn có thể sống lại và có thể xây dựng tương lai của bạn; nếu không, không có tương lai cho bạn trong lịch sử thế giới. Nếu bạn làm điều đó, bạn sẽ trung thành với đức tin và với di sản vĩ đại được để lại cho bạn bởi những người đã đi trước bạn. Nếu bạn làm điều đó, bạn sẽ giúp đỡ không chỉ bản thân bạn, bạn sẽ sử dụng giáo lý không chỉ cho bản thân bạn, mà bạn sẽ tiếp tục sống với những gì vốn là một phần của di sản thế giới, và do đó phục vụ đồng bào của bạn, trong khi bạn tuân theo giáo huấn của Đức Thế Tôn, vị Chúa Từ Bi và Nhân Từ. Và bạn sẽ nhận ra sự thật của những lời của một trong những Đấng minh triết của chính các bạn: "Hãy quỳ xuống với hai bàn tay chắp lại: vì thật rất khó để được gặp một vị Phật trong một ngàn thế hệ nữa.”

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh