Muốn Vào Hàng Ðệ Tử Chơn Sư: Chương 16

MUỐN VÀO HÀNG ÐỆ TỬ CHƠN SƯ: CHƯƠNG 16

KRISNHJI: Hôm nay là buổi nói chuyện cuối cùng, tốt nhứt nên tóm lược tất cả lý do sự có mặt tại đây và mục tiêu của các cố gắng ở những ngày vừa qua của chúng ta.

Tôi tin chắc một ngày kia, một trong những vị Chơn Sư sẽ thu nhận các bạn vào hàng đệ tử dự bị, đấy là điều chính yếu mà các bạn muốn tiến tới để được gần bên các Ngài. Chúng ta phải có một ham muốn phối hợp với những sự cố gắng kiên trì và luôn luôn tiếp diễn chứ không là tánh biến đổi vô thường nay vầy mai khác.

Dĩ nhiên chúng ta cần phải tạo tánh dứt bỏ và quên cả những ham muốn có tính cách cá nhân, hầu tìm các Chơn Sư để phụng sự. Quên mình hay vô kỷ cũng phải thu đạt được một số hạnh kiểm cần thiết mà chúng ta đang thiếu và bỏ đi những gì vô ích đã có trong người. Phần nhược điểm phải được loại bỏ không cho chúng bén lai trở lại cả trong lúc chúng ta đau yếu hay mệt nhọc.

Theo tôi, việc trước nhất là phá hủy phàm ngã bằng cách khảo sát và đặt ở mỗi cửa một lính gác không cho tánh ích kỷ xâm nhập vào. Chúng ta thấy sự thiếu sót ấy ở bẩm tánh của chúng ta như thế nào ! Tuy nhiên thái độ nầy kém hơn các hạnh kiểm cần có để rút ngắn con đường cách biệt giữa chúng ta và các Ngài, nhưng nó cũng xuất phát từ vài hạnh kiểm căn bản mà ra.

Nếu chúng ta ích kỷ, chúng ta nên tin chắc là không thế nào đạt được sự tiến bộ và khi chúng ta thả trôi dòng tư tưởng theo các việc nhỏ cũng như các việc to để nghĩ riêng tư cho mình, thì đấy chỉ gây cho chúng ta sự chậm trễ. Phàm ngã thấp hèn ẩn trốn trong mỗi người của chúng ta, phần đông nó thống trị được nhiều người. Cần phải đào xới, khám phá và không do dự hối tiếc nhổ rễ, bứng gốc, diệt trừ nó vĩnh viễn. Nếu chúng ta không tranh đấu ngay trong lúc chúng ta còn trẻ, đầy hăng hái, để đến lúc chúng ta muốn bay nhảy thì tánh ích kỷ sẽ chẳng khác gì tảng đá to cột ở chân, sau nầy khó mà tháo gỡ được. Tâm vô kỷ, vô ngã là phẩm hạnh đầu tiên người đệ tử phải có. Ðức Thầy không thể hướng dẫn và cũng không cảm hóa chúng ta được nếu chúng ta thiếu kém yêu thương và thân ái. Ích kỷ trong những sự việc nhỏ cũng tội lỗi với Thượng Ðế và Ðức Thầy, sự việc nầy không hiển nhiên cho mọi người hiểu thấu. Ông C W. Leadbeater nhắc đi nhắc lại, Nitya và tôi, từ sáng đến chiều: chúng tôi là đệ tử của Ðức Thầy, chúng tôi không được có các tư tưởng ích kỷ.

Mỗi người phải bắt tay vào việc, hành động một cách sáng suốt, đuổi cái ngã thấp hèn ra khỏi chúng ta. Người ích kỷ không thể tiến bộ được ở đường đạo hạnh vì nó không phải con đường của anh ta. Người nào trung thực, cởi mở, trong sạch, không một chút ích kỷ sẽ tiến bộ rất chóng. Hầu hết chúng ta đi đâu cũng sống trong bầu không khí căng thẳng và bất mãn, chúng ta không có cái nhìn tuyệt diệu và cũng không nhận định nổi kết quả của sự hy sinh sẽ tạo ra những khả năng bao la dường nào. Chúng ta nên thành ngọn gió Bấc, mát mẽ và đầy sinh khí. Ðừng giậm chân một chỗ. Ðừng bao giờ quên vấn đề ích kỷ: các bạn không thể nhận thức được sự ích kỷ, nó đột xuất rất bất ngờ trong lúc chúng ta không trông đợi. Quên nó, các bạn sẽ là người ích kỷ dù các bạn không tin mình như thế. Càng chạy nhanh chừng nào bạn càng dễ vấp ngã chừng nấy, cũng do ích kỷ mà người ta thường hay thất bại trên đường tâm linh. Về phần chúng ta, từ đỉnh núi nhìn thấy được rõ hơn, được xa hơn, vậy phải thật thận trọng và phải diệt bỏ hẳn tánh ích kỷ đi. Ðược vậy thì cửa trời sẽ mở rộng trước chúng ta.

Hoàn toàn không ích kỷ, vô tư, quên mình và còn nhiều phẩm hạnh khác cần phải có:

1- Tình Thân ái

Tình thân ái bao gồm tình thương tất cả mọi người và là khả năng bày tỏ cảm tình nồng hậu với một người nào đó. Không phải cùng đi, cùng nắm tay nhau là chứng tỏ tình thân ái. Ở đây có nghĩa là các bạn muốn tặng cái gì tuyệt hảo nhứt của chính bạn.

Ðôi khi chúng ta tự cảm thấy đối với vài người, chúng ta không thể cọng tác được, nhưng chúng ta cũng phải có cảm tình cùng tất cả. Chúng ta chưa có khả năng phản ứng tự động với người có cảm tình với chúng ta, chúng ta cần phải đáp ứng lập tức và trả lại cả trăm lần hơn mối cảm tình chúng ta đã nhận. Mặc dù người bày tỏ những cảm tình của họ với mình không phải làm như thế với ước vọng là được hồi đáp, nhưng về phần chúng ta, chúng ta phải đầy tràn tình thương; thay vì cho ra cái gì tuyệt hảo của mình, chúng ta lại vô tình chỉ nghĩ cho bản ngã mà thôi hoặc chỉ nghĩ đến bản tính của tình cảm là cùng. Ai ai cũng đều có tình thương, thậm chí như tình thương thấp nhứt là tình thương giới tính. Chúng ta phải đủ sức, đủ khả năng làm sáng tỏ tình thương như ngọn hải đăng không lay động trước bão tố hoặc là để nó chập chờn lắc qua lắc lại như lửa ngọn nến trước cơn gió !

Nếu chúng ta muốn đặt chân trên đường Ðạo, ít nhứt là phải thật thận trọng lưu tâm đến nó, dầu có thể là bạn có cuộc sống rất cô đơn cũng vậy. Ở đời, ai ai cũng quan tâm đến việc mình phải thi hành và không ai nghĩ đến cá nhân khác.

Do đấy, nếu chúng ta không biết thích nghi với việc làm thì sẽ có người khác nhận lãnh việc, rồi ta sẽ tự cảm thấy mình bị lẻ loi. Vì vậy, ta cần phải thật lưu tâm. Ðến lúc nào chúng ta dứt bỏ được đường đời và đã đi được nửa đường tâm linh chúng ta sẽ tự thấy có cảm giác hết sức cô đơn và chúng ta sẽ loại trừ các xúc động để không còn đau khổ. Như thế là chúng ta diệt trừ đóa hồng tươi đẹp (các cảm xúc) sớm quá, rồi chúng ta sẽ phải khởi công lại. Hãy canh chừng kỹ sự việc nầy, để tập chúng ta có thói quen hằng ngày, thì nên luôn luôn ban rải tình cảm thân ái.

2 - Sự Thanh khiết

Chúng ta phải hoàn toàn tuyệt đối trong sạch và càng tiến tới là càng phải trong sạch thêm lên. Phần đông chúng ta ước muốn được có cảm tình của những ai mà mình mến thương. Càng thương nhiều chúng ta càng phải kiểm soát kỹ lưỡng phàm nhơn của chúng ta, vì cảm tình mà hòa lẫn với ích kỷ sẽ không còn tinh khiết nữa. Các tình cảm của chúng ta phải được hoàn toàn trong sạch nếu chúng ta muốn trở thành một hóa thân Từ Bi. Những gì vừa nói trên thật quá đơn giản và rõ ràng, tuy thế chúng ta có thể quên mất đi và chúng ta sẽ trở thành con người phức tạp cứ nghĩ đến trăm việc vô ích, vô dụng.

3 - Sự Thiện cảm

Nếu các bạn có cảm tình thật sự với ai đấy, tức các bạn có tình thân ái nó thúc giục các bạn biếu tặng người ấy món quà bạn có trong tay hay sẽ có. Dù không ai hỏi xin các bạn gì cả, ít ra các bạn hãy cho một cái nhìn thân mật, biểu lộ qua cử chỉ thiện chí và cách thế hành động của các bạn. Hãy luôn luôn có thái độ vừa kể để lúc nào trí nhàn rảnh thì tâm các bạn sẽ nhắc lại những việc phải làm ấy. Các hạnh kiểm kể trên có sẵn trong mỗi con người nhưng chúng ta đánh rơi mất cả cũng chỉ vì ích kỷ và tham vọng gây ra.

Cảm tình, kính trọng, nhiệt tâm tiếp nối kề nhau. Người nào có ít cảm tình thì thiếu kém luôn sự kính trọng, vì sự hảnh diện của y làm y không thể biết sự cao cả của người khác. Nếu các bạn nhận thức được việc ấy thì các bạn sẽ khao khát hướng dẫn và kiểm soát thân xác các bạn. Các bạn chưa từng thấy một bông hoa đầy cát bụi được lau sạch sau trận mưa gió hay sao ? Vườn hoa của chúng ta cần phải được nhổ cỏ, trở đất; thay vì làm những việc như thế, chúng ta tuôn rải chung quanh ta đủ thứ loại dơ bẩn.

4 - Tánh Thứ tự

Các bạn phải có thứ tự vì thứ tự tượng trưng cho tư cách của các bạn. Hãy ăn mặc đàng hoàng, sạch sẽ và có sức khỏe dồi dào để được giống như Ðức Thầy. Tinh thần và trí óc cẩu thả chỉ đánh dấu sự thiếu kém ước mong thành người hữu ích. Nhưng ước vọng hay ý tưởng các bạn cũng không phải chỉ có ở bề ngoài hào nhoáng. Tôi muốn là người ăn mặc tử tế nhất vì Ðức Thầy ăn mặc rất tử tế. Cách thức chúng ta chải tóc, lối chúng ta mang giày, dáng đi tướng đứng của chúng ta, mỗi chi tiết nhỏ nhặt đều có tầm quan trọng của nó. Ông C. W. Leadbeater quở trách chúng tôi khi chúng tôi không cột kỹ dây giày hay là đầu bù tóc rối. Chung qui, hiển nhiên là không thấy nó quan trọng nhưng mà nó thật quan trọng ở lúc khởi đầu,và còn quan trọng nhiều hơn các bạn tin tưởng nữa. Gìn giữ xác thể trong sạch và sức khỏe dồi dào để đáp lại tình thương của Ðức Thầy. Tinh thần lẫn cả xác thể bạn tồn tại để làm dụng cụ cho Ðức Thầy. Xác thể bạn cần có sự rung động, cần phải khoẻ mạnh và đồng thời cũng cần phải được nhạy cảm. Không nên để nó mềm yếu như cọng rau luộc, không dai bền. Lối sống, nụ cười, lời nói và hành động tất cả đều có sự quan trọng của nó. Chúng ta ước vọng đi đến đỉnh núi nhưng chúng ta còn chưa biết cột dây giày ! Các bạn muốn Ðức Thầy đến gần bên chúng ta với cách nào, nếu tinh thần, tình cảm và toàn thân chúng ta giống như cơn gió lốc.

5 - Sự thích nghi

Chúng ta cần có thứ tự nhưng dù sao cũng không để rơi vào bất cập và cũng không nên thái quá. Phải có thứ tự nhưng không phải làm để cho người ta nói mình là người có ngăn nắp. Hãy xem chừng đừng để tâm trí bạn trở thành tù nhân của một xã hội không cải cách. Cần phải có tinh thần cởi mở và dễ uốn nắn hầu tiếp nhận các quan niệm và cảm hứng mới của Ðức Thầy. Phần tình cảm thì cũng phải như thế nữa.

6 - Sự Thăng bằng

Chúng ta không có bắp thịt to và không có nghị lực để thành vĩ nhân. Chúng ta dễ bị chán nản rồi liền đấy lại hăng hái ngay. Hôm nay sự việc đến với chúng ta như thế nầy, rồi mai lại thế khác. Chúng ta nản chí dễ dàng; nhưng nản chí là kẻ thù không đội trời chung, cản ngăn không cho chúng ta đến với Ðức Thầy. Chúng giống như đám mây đen che lấp mặt trời làm u ám cả phong cảnh, chúng ta cần phải dẹp bỏ chúng. Ngày nào chúng ta cảm thấy buồn tẻ và hiu quạnh, tức nhiên chúng ta tiến rất chậm, còn nếu chúng ta có thái độ đúng đắn, chúng ta sẽ vui vẻ và sung sướng

7 - Sự nhã nhặn

Chúng ta không giống người học làm sang, màu mè, lối sống trộn lẫn lộn các tình cảm tốt, xấu và lưng chừng, lẫn lộn tích cực và tiêu cực. Ðức Thầy không muốn có người đệ tử như thế. Ngài tìm ở nơi khác còn có mẫu người tốt hơn. Ngài muốn một người biết suy nghĩ: “Tôi sẵn sàng trở thành tất cả cái gì như ý Ngài muốn”. Nếu các bạn có cái thái độ ấy, các bạn có gần hết các phẩm hạnh cần yếu. Người đệ tử chân thật tìm lấy bài học hay lời giáo huấn trong mỗi cụm mây, mỗi luồng gió ở bầu trời xanh và y đến gần Ðức Thầy với lối ấy. Các bạn có biết chúng ta còn thiếu cái gì không, khi mà chúng ta để cho các sự việc nhỏ bé tự tiện đến quấy rầy chúng ta. Hôm trước Ðức Thầy có mặt với chúng ta trong một lúc, như thế mà ít người trong chúng ta biết hay nhận ra được Ngài. Thói quen hủ lậu là chỉ một việc thôi mà chúng ta cứ lặp đi lặp lại mãi để tự gây cái khổ cho mình và cho các người khác, rồi do đó chúng ta không có khả năng để nhận ra được một Chơn Sư khi Ngài ở gần chúng ta. Vài người trong chúng ta cũng chưa có gì ở phần sơ khởi của các hạnh cần thiết cho người đệ tử. Tất cả chúng ta đều có việc phải xác định như học hỏi, như bố thí, có nghĩa là hiến dâng: như tình thương, sự hy sinh và tất cả những gì cao quí mà chúng ta có. Cần nên học hỏi điều Ðức Thầy muốn chúng ta hiểu rõ và không nên bận tâm vào các sự việc vô ích. Khi đã thu nhặt các kho tàng quí báu đó, chúng ta có thể tự tin vào chính mình và chúng ta sẽ trở thành ngọn đuốc soi đường cho chúng ta. Tựa hồ như chúng ta có một vườn hoa tươi đẹp để lúc mệt mỏi có thể nghỉ ngơi ở đấy.

8 - Phép Nội quán

Chúng ta chưa học để phân tách xác thể và linh hồn, giữa cái gì đẹp và cái gì xấu mà chúng ta lại muốn đến gần Ðức Thầy.

Một ngày chúng ta quên phân biện các việc ấy là ngày đấy mất đi, ta có sống nhưng không làm việc cho Ngài, ta chỉ sống để thỏa thích cái phàm ngã nhỏ bé và ích kỷ thôi.

Phải vun phân tưới nước để các hoa thi nhau đơm bông nở nụ, phơi bày phần phẩm hạnh quí nhứt của chúng với các màu tươi thơm cực đẹp ở vườn. Những phẩm hạnh nầy tiềm ẩn trong chúng ta chỉ thiếu sự lộ diện mà thôi. Phải làm sao cho vườn hoa càng ngày càng đẹp thêm lên, tuyệt mỹ, ai ai cũng đến tán thưởng khen ngợi. Hiện giờ thì chưa một ai bận tâm đến sự tồn tại của nó và biết bạn có hoa đẹp hay không. Vậy các bạn cần phải tách phần tâm linh, như vườn hoa tươi với các bông đẹp: gồm xúc động trong sạch, ý tưởng cao thượng, tình cảm đáng quí, rời khỏi phần ích kỷ của phàm ngã ta. Nếu chúng ta không tách riêng chúng ra thì sau nầy phải mất nhiều năm mới có tánh phân biện và cũng nhiều năm hành động mới thực hiện có kết quả. Hai việc nầy thật giản dị và rõ như ban ngày nhưng vì chúng ta quên hành động để nó phát sinh làm mất thì giờ và năng lực. Mỗi sự gắng sức đúng theo chiều hướng đều đưa chúng ta đến gần chơn lý hơn.

Chúng ta sẽ tới nơi thật nhanh nếu chúng ta chỉ chăm chú nhìn vào mục tiêu để tiến tới thay vì dạo chơi hay bực tức chịu đựng. Chúng ta bỏ phế việc phải làm, cứ từ từ buông rơi thả lỏng các cố gắng rồi một ngày kia là dứt hẳn. Các dịp may trôi qua không bao giờ tái diễn, nên học làm sao phải nắm vững các sự thay đổi liên tục của con người. Lúc Ðức Chưởng Giáo (le Grand Instructeur) lâm phàm mà chúng ta cảm thấy mệt mỏi và biếng nhác thì chúng ta sẽ trở thành vô dụng. Bên ngoài trời đẹp, còn chúng ta thì ngồi trong nhà cửa đóng then gài. Tất cả chúng ta đều cùng chung một trường hợp, hôm nay thở bầu không khí trong lành rồi ngày mai lại tự giam kín mình giữa bốn bức tường chật hẹp.

Chúng ta ai ai cũng thông minh sáng suốt, nhưng sự thông minh sẽ vô dụng nếu chúng ta không học cách nâng cao mình lên trên phàm ngã và vượt khỏi giới hạn phàm nhơn. Chúng ta cần phải có sự ham muốn, có khả năng và một quyết tâm luôn luôn ở lại trong vườn hầu chăm sóc các hoa : Tình thương, Sùng tín và Phụng sự lúc nào cũng được tinh khiết không một bợn nhơ ích kỷ.

Giờ đây các thử thách lớn lao sẽ đến để biết tài năng ở mỗi người của chúng ta. Ðây là lúc phải tận dụng tinh thần, xúc cảm hầu trông nom vườn hoa đẹp hơn, không ngày nào bỏ vắng và cũng không giây phút nào ngưng nghỉ. Nhổ cỏ, bón phân, càng tô điểm cho vườn hoa đẹp lên thì càng hấp dẫn thêm. Ở đây cái đẹp tùy thuộc ở mỗi người của chúng ta, vậy chớ để mất giây phút nào cả. Các bạn chưa rõ là có nhiều sự việc tuyệt vời được dành lại và chừa cho chúng ta. Mỗi lần chúng ta thiếu sự phân biện tức chúng ta không thấy cái đẹp của hoa vậy.

Rốt cuộc, chúng ta có mặt nơi đây là để phụng sự Ðức Chưởng Giáo lúc Ngài lâm phàm. Nếu chúng ta biết vun trồng vườn hoa, chúng ta sẽ trở nên các đóa hoa tuyệt mỹ, ban rải hương thơm khắp nơi chúng ta đặt chân đến, bất luận ở đâu, dù ở Londres hay Adyar hay Sydney hay Pergine hay ở hang cùng ngõ hẻm hoặc ngoại ô nghèo nàn nào. Hãy gìn giữ vườn hoa thật tươi đẹp hầu trở thành nơi chính điện của thánh đường xứng đáng với Ðức Thầy và là nơi để các bè bạn, thân hữu và thậm chí đến người cừu địch, có thể đến nhóm họp với một thái độ thành khẩn và tôn sùng.

HẾT

NHỮNG GIÁO HÓA VÀ THỰC HIỆN CỦA KRISHNAMURTI

Ba chục năm đầu tiên của đời sống ông Krishnamurti, ngoại trừ lúc thơ ấu, ông được giáo dưỡng và trưởng thành trong gia đình T.T.H. Việc giáo dục được gồm cả trong lúc bà Annie Besant và linh mục Leadbeater ở Adyar và lúc Krishnamurti sang Âu Mỹ cho đến năm 1929.

Cũng như các nhân vật phi thường khác lúc ấy tuy còn trẻ nhưng quan điểm tư tưởng của ông đã được biểu minh rành rẽ. Sự việc này được chứng tỏ qua các cuộc diễn thuyết, đàm luận, nhóm họp tu học mà ông đã giảng dạy. Chúng ta có thể tóm lược giáo lý của Krishnamurti vào vài hàng dưới đây: giải thoát các cưỡng chế liên quan về chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo, giai cấp, tục lệ và luôn cả sự hủy diệt cái phàm ngã con người là một phản ánh rõ rệt sự ích kỷ, ông cũng đã khuyên nên kiên trì tìm chơn lý v.v… và cũng chỉ giáo cho chúng ta tự dùng trí tuệ, trực giác và nếp sống đạo đức để trở thành một con người tự do, nghĩa là tự mình quyết định, vạch lấy con đường tương lai của mình.

Hội T.T.H. tạo tình huynh đệ đại đồng, dạy làm điều thiện, quên mình, chống mê tín dị đoan, giúp con người tiến bộ mau chóng trên con đường tâm linh. Tự do gia nhập hội để khảo cứu, đối chiếu triết lý với tính cách khoa học, và hội viên cũng được hoàn toàn tự do rời hội cũng như khi gia nhập.

Hội T.T.H. trường phái do bà Blavatsky và ông Olcott thành lập, trụ sở ở Adyar, Ấn độ, đã cho chúng ta một kết quả cụ thể, hiển nhiên về giáo lý của hội chứ không phải việc mơ hồ. Vậy chúng ta cũng nên đặt câu hỏi, ai là người tìm gặp ông Krishnamurti lần đầu tiên ? Ai là người quyết định lo tương lai của Krishnamurti. Nhưng sau khi trưởng thành, ông Krishnamurti chấp nhận tiếp tục cọng tác hay không là sự tự do lựa chọn tương lai và trách nhiệm của ông. Một người sau khi tốt nghiệp được tự do chọn lựa nơi làm và cách thức làm để ứng dụng và phát huy điều đã học.

Tái bản các lời giáo huấn của Krishnamurti với nguyện vọng nhắc lại thời kỳ sơ khởi của đời sống một huấn luyện viên “Phụng Sự Nhân Loại” đã phải học những gì và kết quả thành tựu ra sao. Thiết nghĩ chúng ta cũng cần nên học lại những gì ông Krishnamurti đã học và chỉ dạy lại cho chúng ta là quá đầy đủ. Nếu chúng ta hành động đúng theo lời giáo huấn của ông thì chắc chắn là sự thành công sẽ được bảo đảm mỹ mãn. Rốt lại, chúng ta nên thành thật tự hỏi lấy mình có thực hành được những gì phải thực hành theo giáo lý trong quyển Dưới Chơn Thầy hay “Muốn vào hàng đệ tử Chơn Sư” chưa. Ðây là khuôn vàng thước ngọc để noi theo, để đánh giá bản thân mình, dành cho những người chí nguyện, cho đệ tử hoặc bậc Ðiểm Ðạo. Có lẽ chúng ta chẳng nên có ảo tưởng về mình mà “thả mồi bắt bóng” !

Chú Thích

[1] Hội trưởng TTH

[2] nghĩa của từ, tùy trường hợp: không tốt, không đúng, không lành

[3] Vị giáo chủ Hồi Giáo.

[4] Hóa thân của Vishnou (Trimurti, Ba Thượng đế: Brahmâ, cai quản sự Sáng lập vũ trụ, Vishnou, quản lý nguyên tắc Bảo tồn và Shiva trông nom nguyên tắc Hủy diệt)

[5] con người có tinh thần già giặn (LDG)

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh