Ly Trà Đầy

LY TRÀ ĐẦY

Chào các bạn,

Có lẽ nhiều bạn quen thuộc với truyện Tách Trà, câu truyện đầu tiên trong 101 Truyện Thiền.

Nan-in, một thiền sư thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến để hỏi về Thiền.

Nan-in rót trà. Thiền sư rót đầy tách của giáo sư, và cứ tiếp tục rót.

Vị giáo sư nhìn trà tràn ra ngoài cho đến lúc ông không nhịn được nữa, “Tràn ra ngoài rồi, không thêm được nữa!”

“Như là tách trà này,” Nan-in nói, “ông đầy ý kiến và phỏng đoán. Làm sao tôi có thể chỉ Thiền cho ông nếu ông không đổ sạch tách của ông trước?”

Đây là câu truyện đầu tiên cho người học Thiền. Trước khi học Thiền, hay học bất kỳ môn gì, ta cũng phải gạt bỏ hết ý kiến, phỏng đoán, “hiểu biết” ta có về môn đó, rổi ta mới có thể học được. Các thầy dạy học đều biết, dạy người học trò không biết một chút gì về môn học thì dễ hơn dạy người đã biết một chút về nó. Dạy võ chẳng hạn, nếu ta dạy nhu thuật cho người không biết tí võ nào thì dễ hơn là dạy người đã học Tae Kwon Do hay Thiếu Lâm vài năm vì (1) thầy nói một đường (nhu thuật) trò hiểu một ngã (Thiếu Lâm), và (2) nhiều khi trò cho là thầy sai.

Trước khi học, thì phải loại bỏ mọi ý kiến, ước định, phỏng đoán, “hiểu biết”… trong đầu. Rồi sau đó mới học. Môn học nào cũng vậy.

Nhưng đối với Thiền, thì điều “làm trống tách trà” còn cực kỳ quan trọng hơn bất kỳ điều nào cả…

vì…

Khi ta loại bỏ được trong đầu ta mọi ý kiến, ước định, phỏng đoán, “hiểu biết”…, khi ta có một Tâm trí rỗng lặng, đó là lúc ta đã đạt được Thiền.

Bài học đầu tiên của Thiền cũng là bài học cuối cùng của Thiền. Và người học trò mới nhập môn nào mà làm được bài học đầu tiên 100% thì đạt được Thiền ngay lập tức, chẳng cần học thêm Thiền một ngày nào cả!

Ngày xưa mọi nghệ nhân của mọi nghệ thuật đều học Thiền-kiếm sĩ, võ sĩ, người pha trà, người cắm hoa, họa sĩ, nhà vua… Tại sao?

Tại vì

(1) Thiền cho họ trái tim tĩnh lặng để nhay cảm mới mọi người và mọi vật quanh họ, thấy được mọi sự quanh họ rất rõ ràng và sâu sắc, và

(2) Thiền cho họ trái tim rỗng lặng, chẳng có gì trong đó để cản trở cái nhìn và cảm xúc của họ.

Nhưng rỗng lặng thì rất khó, vì càng lớn tuổi ta càng học nhiều, càng biết nhiều, ta càng có nhiều thứ trong đầu. Làm sao để tất cả kiến thức và kinh nghiệm ta thu thập cả đời, rất sung túc cho đời sống của ta, không bao giờ có thể cản trở cái nhìn trong suốt và tĩnh lặng của ta về mọi người mọi vật quanh ta? Đây chính là tinh yếu của Thiền! Và là tinh yếu của đời sống trí tuệ thật sự!

Làm sao bạn là người Phật giáo thật sự, mà vẫn kính trọng lòng tin của người Hồi giáo, như chính bạn kính trọng lòng tin Phật giáo, và không chê thầm là người ta ngu?

Làm sao bạn là thạc sĩ tin học mà vẫn kính trọng tài năng nấu những món ăn tuyệt vời của Oshin của bạn như là bạn ngưỡng mộ tài năng tin học của bạn?

Làm sao bạn rất tự hào về văn hóa thâm trầm và sâu sắc của Phương Đông mà vẫn ngưỡng mộ văn hóa sinh động mạnh mẽ của Phương Tây?

Làm sao bạn ngồi trước computer với những phương trình kinh tế dài cả mấy trang mà vẫn ngưỡng mộ đôi chân của bác xích lô hay vòng lưng của chị nông dân khom khom cấy lúa cả ngày?

Làm sao bạn có thể gạt hết mọi kiến thức và thành quả của một tiến sĩ đã 40 tuổi để ngưỡng mộ một em bé 7 tuổi, vì “muốn được vào Nước Thiên Đàng thì hãy như trẻ thơ”?

Mỗi người chúng ta có rất nhiều kiến thức, ý kiến, phỏng định, thành quả… đầy đầu. Làm sao chúng vẫn luôn có đó cho đời sống hàng ngày của ta, mà như là không có đó, để chúng ta có thể nhìn đời với trái tim rỗng lặng và, do đó, trong suốt?

Làm sao tách trà của ta vẫn đầy để uống, nhưng lại vẫn như tách trống để nhận trà thêm trà mới?

Đầy là mà trống, trống mà là đầy (Bát Nhã Tâm Kinh).

Đó là nghệ thuật sống.

Chúc các bạn một ngày nghệ thuật.

FB: Tiêu Thanh Long

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh