Đạo Đức Kinh: Chương 64. Thủ Vi

ĐẠO ĐỨC KINH: CHƯƠNG 64. THỦ VI

Hán văn:

其 安 易 持, 其 未 兆 易 謀. 其 脆 易 泮, 其 微 易 散. 為 之 於 未 有, 治 之 於 未 亂. 合 抱 之 木, 生 於 毫 末; 九 層 之 臺, 起 於 累 土. 千 里 之 行 始 於 足 下. 為 者 敗 之, 執 者 失 之. 是 以 聖 人 無 為 故 無 敗, 無 執 故 無 失. 民 之 從 事, 常 於 幾 成 而 敗 之. 慎 終 如 始 則 無 敗 事. 是 以 聖 人 欲 不 欲; 不 貴 難 得 之 貨; 學 不 學, 復 眾 人 之 所 過. 以 輔 萬 物 之 自 然 而 不 敢 為.

Phiên âm:

  1. Kỳ an dị trì, kỳ vị triệu dị mưu. Kỳ thúy dị phán,[1]kỳ vi dị tán. Vi chi ư vị hữu, trị chi ư vị loạn.
  2. Hợp bão chi mộc, sinh ư hào mạt; cửu tằng chi đài, khởi ư lũy thổ. Thiên lý chi hành thủy ư túc hạ.
  3. Vi giả bại chi, chấp giả thất chi. Thị dĩ thánh nhân vô vi cố vô bại, vô chấp cố vô thất.
  4. Dân chi tùng sự, thường ư cơ[2]thành nhi bại chi. Thận chung như thủy tắc vô bại sự.
  5. Thị dĩ, thánh nhân dục bất dục; bất quý nan đắc chi hoá; học bất học, phục chúng nhân chi sở quá. Dĩ phụ[3]vạn vật chi tự nhiên nhi bất cảm vi.

Dịch xuôi:

  1. Vật yên dễ cầm, vật chưa phát lộ, dễ lo. Vật mềm mỏng dễ phá; vật nhỏ dễ làm tan. Làm khi chưa hình hiện, trị khi chưa loạn.
  2. Cây to một ôm sinh tự gốc nhỏ xíu; đài cao chín tầng khởi từ mô đất; cuộc viễn hành nghìn dặm khởi từ dưới chân.
  3. Làm thì hỏng, giữ thì mất. Cho nên thánh nhân không làm nên không hỏng, không giữ nên không mất.
  4. Người dân làm việc thường thất bại lúc sắp thành công. Cẩn thận lúc cuối như lúc đầu, nên không hỏng việc.
  5. Cho nên thánh nhân muốn cái [mà người ta] không muốn; không chuộng những của cải khó tìm; học cái [mà người ta] không học; cải thiện lỗi lầm của chúng dân để giúp vạn vật sống tự nhiên mà không dám lao tác.

Dịch thơ:

  1. Vật yên nên mới dễ dàng cầm,

Vật chưa mầm mộng, rộng tầm tính toan.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Càng mềm, càng dễ cho tan,

Nhỏ nhoi măng sữa dễ làm tiêu ma.

Làm khi chưa mới có là,

Trị khi chưa loạn mới ra vuông tròn.

  1. Cây to cả sải tay ôm,

Thoạt tiên là một mầm non sá nào.

Đài cao cao chín tầng cao,

Cũng từ mặt đất xây cao dần dần.

Con đường nghìn dặm xa xăm,

Bắt đầu cũng ở dưới chân bộ hành.

  1. Càng làm càng lắm tan tành,

Càng ôm càng mất, càng dành càng vương.

Mới hay đường lối thánh nhơn,

Chẳng làm nên chẳng lo lường bại vong.

Thênh thang dạ chẳng đèo bòng,

Khỏi điều mất mát, đỡ công tần phiền.

  1. Thói thường lúc sắp làm nên,

Là khi lỡ vở đảo điên tan tành.

Một lòng sau trước đinh ninh,

Mới không thất bại, mới thành cơ ngơi.

  1. Cho nên hiền thánh trên đời,

Chỉ say đạo cả, chơi vơi ngàn trùng.

Của khan vật hiếm chẳng mong,

Của đời người thế đèo bòng làm chi.

Học là học đạo siêu vi,

Dạy đời lầm lạc hướng đi tuyệt vời.

Giúp ai thanh thả đường đời,

Chứ không chọc nước quấy trời uổng công.

BÌNH GIẢNG

Chương này Lão tử bàn về những vấn đề sau:

  1. Phải biết lo toan ngăn chận những công chuyện từ khi chúng chưa hình hiện mới hay.
  2. Phải tuần tự nhi tiến.
  3. Phải sống vô tư vô cầu.
  4. Phải luôn luôn cẩn trọng đề phòng mới nên công.
  5. Phải biết vươn lên tới bình diện siêu thức. Hãy giúp vạn vật sống tự nhiên.
  6. Phải biết lo toan ngăn chận những công chuyện từ khi chúng chưa hình hiện mới hay.

Chủ trương này của Lão tử giống như chủ trương của Dịch kinh. Dịch vốn dạy «Phòng vi, đổ tiệm» 防 微 睹 漸. Văn ngôn quẻ Khôn viết:

«Nhà nào tích thiện sẽ hay,

Nhà nào tích ác sẽ đầy tai ương.

Tôi mà dám giết quân vương,

Con mà giết bố, dễ thường ngày sao?

Việc đâu một sớm, một chiều,

Duyên do tích lũy, bao nhiêu lâu rồi.

Duyên do lần dẫn tới nơi,

Tại mình chẳng sớm phanh phui tỏ tường.

Dịch rằng: khi bước trên sương,

Hãy phòng băng cứng thời thường đến sau.

Ý rằng chuyện sẽ nối nhau,

Nếu mình để mặc từ đầu tới đuôi.» [4]

  1. Phải tuần tự nhi tiến.

Đó là một nguyên tắc đạo hạnh mà Khổng giáo nhiều lần đề cập.

Đạo nào cũng chủ trương: Muốn lớn phải đi từ nhỏ; muốn cao phải đi từ thấp; muốn đi xa phải bắt đầu từ gần. Chương 63 Đạo Đức kinh nói: «Đồ nan ư kỳ dị. Vi đại ư kỳ tế.» 徒 難 於 其 易. 為 大 於 其 細. Trong lời bình giải tiết 2 của chương 62 chúng ta đã đọc qua những đoạn viện dẫn tương tự từ Trung Dung, Đại Học, và Kinh Thư.

Cổ nhân Trung Hoa từ ngàn năm trước Lão tử cũng đã chủ trương như vậy. Ở thềm miếu Hậu Tắc tổ tiên nhà Chu có một người vàng. Sau lưng có khắc những bài học luân lý đạo đức, trong có có đoạn sau:

«Lửa hừng mãi sẽ cao vươn,

Lửa vươn chất ngất muôn phương cháy rần.

Nước kia nhỏ giọt chẳng ngừng,

Sông con, sông cả vẫy vùng đó đây.

Sợi tơ kéo mãi cho dài,

Võng la giăng mắc khắp nơi trùng trùng.

Cành non để mọc đẫy tầm,

Búa rìu hồ dễ chặt phăng được nào.» [5]

Dịch kinh cũng khuyên: «Tích tiểu dĩ cao đại.» 積 小 已 高 大. [6]

  1. Phải sống vô tư vô cầu.

Sống vô tư vô cầu mới được thảnh thơi sung sướng. Lao mình vào con đường tham cầu, sẽ khổ sở. Nơi lưng người vàng ở đền thờ Hậu Tắc cũng có ghi:

«Mặc người háo hức điêu linh,

Riêng ta, ta giữ tâm thành của ta.

Mặc người xuôi ngược bôn ba,

Riêng ta, ta vẫn ôn hòa thung dung.» [7]

  1. Phải luôn luôn cẩn trọng đề phòng mới nên công.

Chương 62 Đạo Đức kinh đã chủ trương tương tự, ta không bàn thêm dài dòng mà chi. Chỉ ghi nhận nơi sau lưng người vàng ở đền Hậu Tắc có ghi:

«Ở đời thận trọng: Hay sao!

Rồi ra phúc khánh dạt dào láng lai.» [8]

  1. Phải biết vươn lên tới bình diện siêu thức. Hãy giúp vạn vật sống tự nhiên.

«Dục bất dục, học bất học» chính là bỏ bình diện hữu vi hữu tướng để vươn lên bình diện vô vi vô tướng. Sau đó giúp con người sống tự nhiên thuần phác.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh