Tự Tin Thái Quá Sẽ Sinh Ra Ngạo Mạn: Việc Tốt Cũng Biến Thành Việc Xấu

TỰ TIN THÁI QUÁ SẼ SINH RA NGẠO MẠN: VIỆC TỐT CŨNG BIẾN THÀNH VIỆC XẤU

Tự tin là điều cần thiết đối với mỗi cá nhân, nhưng nếu tự tin quá mức thì sẽ đi đến cực đoan, từ đó mà sinh ra một loại tâm lý rất không tốt, đó chính là “ngạo mạn”. Người ngạo mạn sẽ trở nên tự cao tự đại, dần dần cho rằng bản thân rất quan trọng, thậm chí xem thường người khác, điều này có thể mang đến những hậu quả to lớn.

Người xưa có câu: “Vật cực tất phản”, ý nói một sự việc khi đi đến cực điểm thì sẽ phát sinh biến đổi, thậm chí thu được kết quả trái ngược hoàn toàn, chuyện tốt cũng có thể trở thành xấu. Do vậy tự tin tuy là việc tốt, nhưng kiêu ngạo thái quá thì cũng rất đáng lo ngại.

Những bài học về sự ngạo mạn trong văn hóa Đông - Tây

Người có tâm ngạo mạn thường ỷ vào những điểm hơn người của bản thân, về vật chất hoặc tinh thần, mà xếp mình cao hơn người khác, đôi lúc tự họ cũng không nhận ra. Nhưng nếu cái tâm này lớn mạnh lên thì sẽ rất nguy hiểm.

Vào thời Xuân Thu có một năm nước Tề bị nạn đói, người chết la liệt. Kiềm Ngao là người giàu có, lúc ấy ông xuất phát thiện tâm, quyết định nấu cơm phân phát cho người nghèo.

Ngày qua ngày, người ở các nơi đều đến nhận cơm của Kiềm Ngao, hết lời cảm tạ và khen ngợi đức độ của ông, lâu dần không khỏi khiến ông dương dương tự đắc, trở nên tự phụ và xem thường người khác.

Ngày kia Kiềm Ngao thấy một người bị đói lâu ngày thất thểu đi trên đường, liền cầm bát cơm cất giọng khinh khi nói: “Tên kia, lại đây mà ăn!”

Nào ngờ người đó trừng mắt nhìn Kiềm Ngao, rồi hiên ngang đáp: “Cũng bởi không muốn nhận cơm của hạng người có giọng điệu như ngươi nên ta mới ra nông nỗi này.”

Nói rồi bỏ đi, không lâu sau người này chết đói. Khi ấy Kiềm Ngao mới hối hận, rằng tuy ông không có ý hại người và một lòng muốn làm chuyện tốt, nhưng chỉ vì sự ngạo mạn đã vô tình động chạm đến lòng tự tôn của người khác, rốt cuộc đã khiến chuyện tốt trở thành chuyện xấu.

Không chỉ biến chuyện tốt thành chuyện xấu, ngạo mạn còn là nguyên nhân căn bản khiến người ta thất bại. Có câu rằng: “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”. Người ngạo mạn thường lấy mình làm trung tâm, đã coi thường người xung quanh, lại coi thường cả kẻ đối địch. Hạng Vũ mất thiên hạ, Quan Vũ mất Kinh Châu, thảy đều vì kiêu ngạo không tự biết mình biết ta mà ra.

Ngạo mạn còn có thể sinh ra định kiến. Loại định kiến này rất nguy hiểm, vì nó khiến người ta chỉ tin vào những gì mình có thể trải nghiệm và nhận thức tới, không thấy thì không tin, cho rằng bản thân đã nắm vững tất cả tri thức trong tay rồi.

Thậm chí để bảo vệ cái gọi là quan điểm cá nhân ấy, người ta sẵn sàng bài xích mọi thứ không phù hợp với hiểu biết của họ, dùng tầm mắt hết sức hạn hẹp mà nhìn thế giới, nhưng vẫn tự hào rằng ta đây có trí tuệ vượt trội mọi người, nào khác chi ếch ngồi đáy giếng.

Chúng ta đều biết rằng, ma quỷ được nhắc đến trong các tôn giáo phương Tây thực chất đều là những vị Thần sa ngã, mà nguyên nhân khiến họ sa ngã chính là sự ngạo mạn.

Lucifer ban đầu là một vị Thần hoàn mỹ bên cạnh Thiên Chúa, cũng vì kiêu ngạo tự đại, chỉ tin vào năng lực của bản thân mình, mà không tuân theo lệnh Thiên Chúa, cuối cùng cầm đầu ⅓ Thiên Thần nổi dậy làm loạn Thiên Đường. Khi bị đánh đuổi xuống thế gian, Lucifer ngạo mạn vẫn không biết quay đầu, tiếp tục phá hoại nhân loại, khiến bản thân rơi vào địa ngục và trở thành quỷ Satan.

Trong Phật giáo cũng có một câu chuyện tương tự về Đề Bà Đạt Đa, vốn là em họ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đề Bà Đạt Đa đã theo Đức Phật nhiều năm, nhưng tâm ngạo mạn không bỏ được, dẫn đến phạm đủ loại tội ác. Vì ngạo mạn mà ông ta thậm chí xem thường cả Đức Phật, tự ý rời khỏi tăng đoàn, học những tà thuật và ma pháp ở nơi khác, rồi quay về hãm hại Đức Phật, muốn thay thế ngài lãnh đạo tăng đoàn.

Đức Phật giảng về 5 tội đại ác có thể khiến người ta rơi vào địa ngục, Đề Bà Đạt Đa kiêu căng và tàn bạo không biết sợ là gì, đã phạm đủ cả 5 tội này. Vì lẽ đó, tuy cũng là người từng theo Đức Phật tu hành, mà cuối cùng ông ta không những không đắc Thánh quả, mà còn rơi vào địa ngục A Tỳ.

Có lẽ vì những bài học sâu sắc như vậy, mà cả Thiên Chúa giáo và Phật giáo, phương Tây và phương Đông, đều xem ngạo mạn như một cội nguồn của các loại tội ác.

Thiên Chúa giáo cho rằng 7 cội nguồn tội ác làm nhân loại sa ngã là ngạo mạn, đố kỵ, nóng giận, lười biếng, tham lam, phàm ăn và dâm dục. Còn Kinh Hoa Nghiêm của nhà Phật lại cho rằng 3 chướng ngại lớn nhất của một người tu hành là ngạo mạn, tật đố và tham dục. Cho thấy rằng, các tôn giáo chân chính đều xem ngạo mạn là căn nguyên của tội lỗi.

Lời kết

Trong Đạo Đức Kinh giảng rằng: “Thượng thiện nhược thủy”. Nước có thể làm lợi cho vạn vật mà không cùng vạn vật tranh giành, người tốt thật sự cũng giống như nước vậy, có thể bao dung tất cả mọi người.

Biển cả vì ở nơi thấp nên mới có thể tiếp nhận dòng chảy của trăm sông, trở thành vua của trăm mạch. Người ta chỉ khi khiêm tốn, lấy thiện đối đãi người khác, tự xếp mình phía sau người, không kiêu ngạo tự phụ, thì mới khắc chế được bản thân và được mọi người kính trọng.

Và cũng chỉ khi không mang theo định kiến cá nhân, người ta mới có thể dùng đôi mắt lý trí mà quan sát thế giới, thấy được bản chất của sự vật, đạt được cảnh giới trí tuệ cao siêu, biết mình biết ta mà trở nên bất bại.

Tinh Hoa

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh