Đạo Đức Kinh: Đại Cương Đạo Đức Kinh

ĐẠO ĐỨC KINH: ĐẠI CƯƠNG ĐẠO ĐỨC KINH

  1. ĐẠI CƯƠNG ĐẠO ĐỨC KINH

Đạo đức kinh của Lão tử chia làm hai phần:

Thượng kinh gồm ba mươi bảy chương, 2140 chữ, bắt đầu bằng chữ Đạo 道.

Hạ kinh gồm bốn mươi bốn chương (từ chương 38 đến hết chương 81), 2815 chữ, bắt đầu bằng chữ Thượng đức 上 德.

Vì thế nên gọi là Đạo đức kinh 道 德 經. Tổng cộng toàn kinh có tám mươi mốt chương, 4999 chữ.

Đạo đức kinh là một quyển sách nhỏ, nhưng nổi tiếng là khó hiểu xưa nay. Mỗi người bình giải một cách, Tây có, Tàu có, Việt có, không biết cơ man nào là người bình, mà bức màn bí mật nhiều khi vẫn còn nguyên vẹn.

Riêng Lão tử thời cho rằng quyển Đạo đức kinh là một quyển sách dễ hiểu, có mạch lạc. Đạo đức kinh chương 70 viết:

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Lời ta dễ biết dễ làm,

Nhưng mà thiên hạ chẳng am chẳng tường.

Lời ta nói có chủ trương,

Việc ta vốn có lối đường chốt then.

Nhưng mà tục tử ngu hèn,

Hiểu ta chẳng nổi chuyện xem thường tình.

Hiểu ta mấy bậc tinh anh,

Ít người hiểu nổi nên danh càng lừng.

Xưa nay các bậc thánh nhân,

Ngọc tàng dưới lớp áo quần xác xơ.

Vậy trước khi đi vào Đạo đức kinh ta phải tìm cho ra những lối đường, những then chốt của Đạo đức kinh. Trước hết chúng ta sẽ phải ghi nhận rằng Lão tử là một bậc chân nhân đã sống phối kết với Trời.

Theo danh từ châu Âu hiện đại, thì ngài là một nhà huyền học. Nói như vậy, tức là ngài không phải là Thượng đế giáng trần để cứu nhân loại, như người Trung Hoa thời Hán đã suy tôn, mà ngài chính là một con người, nhờ công phu học hỏi, nhờ công phu tu luyện đã liễu đạt được chân tính con người, đã sống phối kết với Thượng đế.

Suy tôn ngài là Thượng đế giáng trần chẳng những một lần mà nhiều lần để cứu nhân loại như Biến hóa kinh chủ trương hay là một con người bất tử đã sang cả Ấn Độ dạy đạo cho đức Phật như Hóa Hồ kinh chủ trương, thực ra cũng chẳng có lợi gì cho chúng ta, vì như vậy chúng ta không có cách nào để tìm cho ra đường lối ngài.

Ngược lại, coi ngài là một người học vấn, vì tu luyện đã tìm ra được chân đạo, đã đạt tới trạng thái cực cao minh linh diệu của con người, sẽ giúp ta hiểu đạo ngài, và giúp ta biết đường theo chân nối gót ngài.

Cát Hồng tiên ông 葛 洪 仙 翁 viết: «Các học giả có óc hẹp hòi đã coi Lão tử như là một người trời siêu xuất quần sinh và khuyên các thế hệ tương lai bắt chước ngài; nhưng làm thế tức là ngăn cản không cho mọi người tin được rằng có thể nhờ học hành mà tìm ra được bí quyết trường sinh bất tử. Thực vậy, nếu Lão tử chỉ là một hiền nhân đã đắc đạo, thì mọi người phải hết sức để theo gương bắt chước ngài. Nhưng nếu ra nói rằng: đó là một nhân vật đặc biệt, có thiên tính thì ta không thể nào bắt chước ngài được nữa.» [92]

  1. Lão tử một con người hiếu cổ

Thực ra đức Lão tử không phải là người đầu tiên đã khám phá được Chân đạo, Chân lý. Nhiều người trước ngài đã khám phá và đã thực hiện được Chân đạo, Chân lý. Trong Đạo đức kinh Lão tử nhiều lần đã long trọng tuyên dương đời sống cao siêu của người xưa, những phương châm cao đại của người xưa, mục đích cao đại của người xưa. [93]

Ngài để cả chương 15 để mô tả lại đời sống huyền diệu của các nhà huyền học đời xưa. Ngài viết:

Ai người xưa khuôn theo Đạo cả,

Sống huyền vi rất khó tri tường.

Nay ta gạn ép văn chương,

Hình dung dáng dấp liệu đường phác ra.

Họ e ấp như qua băng tuyết,

Họ ngỡ ngàng như khiếp láng giềng.

Hình dung phong thái trang nghiêm,

Băng tan, tuyết tán như in lạnh lùng.

Họ đầy đặn in chừng mộc mạc,

Nhưng phiêu khinh man mác hang sâu.

Hỗn mang ngỡ nước đục ngầu,

Đục ngầu lắng xuống một mầu trong veo.

Ngỡ ù cạc một chiều an phận,

Nào ai hay sống động khôn lường.

Phù hoa gom góp chẳng màng,

Đã say đạo cả coi thường phù hoa.

Sống ẩn dật không phô thanh thế,

Việc thế gian hồ dễ đổi thay...

Nơi chương 41, ngài viết:

Lời xưa đã từng khi truyền tụng,

Biết đạo thời như vụng như đần.

Tiến lên mà ngỡ lui chân,

Tới bên đạo cả mà thân tưởng hèn, v.v.

Nơi chương 42, ngài nhắc lại một phương châm của người xưa:

Người xưa dạy câu này chí lý,

Ta cũng đem ta chỉ cho đời:

Xin đừng bạo động ai ơi,

Ai mà bạo động chết thôi bạo tàn.

Đó lời «then chốt» ta ban.

Nơi chương 68, ngài viết: «Sống kết hợp với Trời là tuyệt điểm của đời xưa...»

- Liệt tử cho rằng câu: «Cốc thần bất tử, thị vị Huyền tẫn» đã có trong Hoàng đế thư. [94]

- Trang tử cho rằng câu: «Thất Đạo nhi hậu đức... thất nghĩa nhi hậu lễ, v. v.» là lời của Hoàng đế. [95]

- Hàn Phi tử cho rằng câu: «Tương dục hấp chi, tất cố trương chi, v. v.» là lời của Chu thư. [96]

- Các chương 22, 46, 57, 69, 78 đều trích dẫn cổ thư.[97]

Xem như vậy, thì Lão tử:

  1. Chuộng cổ nhân.
  2. Mộ đạo cổ nhân.
  3. Yêu nếp sống thiên nhiên của cổ nhân.
  4. Đã đạt tới tinh hoa mà cổ nhân đã đạt.
  5. Muốn làm sống lại nếp sống của cổ nhân, về phương diện cá nhân cũng như về phương diện chính trị.

Cũng nên ghi nhận rằng về phương diện hiếu cổ, hoài cổ này Lão tử hoàn toàn giống Khổng tử.

Trong Luận Ngữ, Khổng tử cũng nói:

«Ta trần thuật, chứ không sáng tạo,

Tin cổ nhân mộ đạo cổ nhân.» [98]

Như vậy người xưa phải có cái gì đẹp đẽ, siêu việt cho nên, các thánh hiền sau này mới ra công khai thác, bảo vệ và lưu lại cho hậu thế.

Cái tinh hoa, siêu việt của người xưa là gì?

  1. Người xưa sống gần Đạo, gần Trời.

Đã đành không phải người xưa đều có diễm phúc sống gần Đạo, gần Trời, nhưng chắc chắn là đã có một số người đạt được cực điểm tinh hoa đó.

Ngày nay chúng ta gọi họ là những người có «tâm địa ban sơ» nghĩa là những tâm hồn sống kề cận với căn bản, với cốt cách con người. [99]

Đó là những người hãy còn hồn nhiên toàn vẹn, chưa bị pha phôi bởi vọng niệm, tư tâm, kiến văn, kiến thức.

  1. Những người xưa ấy sống trong cảnh tĩnh lãng buổi thái sơ, có một tâm thần hồn nhiên tiêu sái; không bị dục vọng cuốn lôi; danh lợi dụ dỗ, họ như sống trên một vùng Đào nguyên, ngoài dòng biến thiên của lịch sử, ngoài sự quay cuồng của hồng trần.

Còn chúng ta ngày nay như là những người đang ở trong một thời kỳ tăm tối, bị đà thời gian lôi cuốn đến nỗi phải điêu đứng hao mòn, không còn cái duyên may là được thường xuyên tiếp xúc với những gì linh thiêng siêu việt như người xưa nữa.

  1. Người xưa tóm lại y như sống ngoài sự vận chuyển của thời gian, sống trong trạng thái ban sơ (état primordial), hồn nhiên, toàn mỹ, không bị những tập tục xã hội ràng buộc; không bị những nhà cầm quyền với những luật pháp khắt khe chèn ép.

Lão tử đã gợi lại cuộc đời lý tưởng ấy, và cố gắng giải thoát con người khỏi những thằng thúc do những tập tục, những qui ước của nhân quần xã hội và lịch sử gây nên.[100]

  1. Lão tử là một nhà huyền học[101]

Nói Lão tử là một nhà huyền học, nhiều người tưởng như vậy sẽ hạ giá Lão tử. Trái lại, nếu chúng ta hiểu rõ thế nào là huyền học, ta sẽ thấy đó là một huy hiệu rất cao siêu.

Huyền học (mystique) là một danh từ hiện đại tặng dữ cho những ai có một đời sống siêu nhiên mãnh liệt, ý thức như đã tiếp xúc được với luồng quyền lực vô biên củavũ trụ.

Những nhà huyền học là những người:

  1. Có tâm thần rất thông minh, tinh tế
  2. Nhìn thấy Đạo, thấy Trời nơi tam khảm mình
  3. Nhận thức được tấn tuồng biến thiên ảo hóa của vũ trụ cũng như của lịch sử nhân quần.
  4. Cố tu luyện, cố thanh lọc tâm thần để đi đến chỗ cao minh linh diệu.[102]
  5. Sống phối hợp với Trời, coi mình là hiện thân của Thượng đế.

Các nhà huyền học đông cũng như tây đều tin tưởng rằng sau bức màn hiện tượng biến thiên chất chưởng, còn có một Bản thể siêu việt, tuyệt vời.

Các ngài không biết dùng danh từ gì để mô tả Tuyệt đối thể ấy cho hay, cho xứng, cho nên hoặc là tuyên bố mình bất lực trước Tuyệt đối vô biên ấy, hoặc là dùng những danh từ tiêu cực, mơ hồ để diễn tả, để đề cập đến Tuyệt đối thể ấy.

Các ngài cho rằng con người sinh ra phải tìm cho về được nguồn mạch linh thiêng huyền diệu ấy, và tất cả các sự biến hóa của vũ trụ lúc chung cuộc cũng kết thực trong đại thể vô biên vô tận ấy.

Mà nguồn mạch linh thiêng huyền diệu ấy đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người. Con người chỉ việc lắng lòng lại, chỉ việc thu thần định trí, nhìn sâu vào tâm khảm mình sẽ tìm ra được Bản thể siêu việt huyền nhiệm ấy.

Tìm ra được rồi, chỉ việc sống một cuộc đời khiêm cung, giản dị, hồn nhiên, tiêu sái, hạnh phúc.

Từ nay không còn lo âu, không còn háo hức, vì biết rằng ngoại cảnh chẳng qua chỉ là những tấn tuồng phù du hư ảo. Từ nay sẽ thoải mái, hạnh phúc vì biết rằng mình đã nắm giữ được một cái gì quí báu nhất, linh thiêng nhất trần gian.

  1. Toát lược Đạo Đức kinh

Trong quyển Đạo Đức kinh tất cả tư tưởng của Lão tử đều xoay quanh mấy vấn đề then chốt đó.

(a). Thoạt đầu sách, Lão tử đã đề cập đến Đạo. Chữ Đạo đây phải được hiểu là Tuyệt đối thể bất khả tư nghị, vô biên tế, là căn cơ, là nguồn gốc muôn loài.

Ngoài chương đầu sách, Lão tử còn đề cập đến Đạo, đến tính chất của Đạo, đến quyền năng của Đạo ở các chương: 4, 14, 21, 25, 32, 34, 51.

(b). Còn chữ Đức phải được hiểu là sự hiển dương của Đạo. [103] Thánh nhân chính là sự hiển dương tuyệt vời của Đạo, cho nên cũng được gọi là Thượng đức 上 德 nơi đầu chương 38, tức là chương đầu của Hạ kinh.

(c). Sau khi đã hiểu Đạo là bản thể của vũ trụ, là trục cốt của vũ trụ, thì những sự biến thiên bên ngoài đều được coi là tương đối không mấy đáng cho ta quan tâm (Xem các chương 2 và 36). Mục đích của cuộc biến hóa chính là sự trở về hiệp nhất với Đạo (chương 42).

(d). Thánh nhân là những người lãnh hội được đạo thể, thực hiện được đạo thể nơi mình, nên không ra khỏi nhà mà vẫn thấu suốt thiên hạ sự (chương 47). Các ngài sống khiêm cung đơn sơ, hồn nhiên, tiêu sái, phối hợp với trời, treo gương sáng cho đời, sống giữa hồng trần mà chẳng vương tục lụy, chẳng để cho vinh nhục lợi danh và những thú vui giác quan làm tản lạc tâm thần, mờ ám lương tâm (Xem các chương 4, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 26, 27, 28, 29, 30, 33, 34, 35, 37, 38, 41, 44, 45, 47, 48, 49, 50, 55, 63, 64, 66, 67, 71, 72, 79, 81).

(e). Nguyện ước của Lão tử là muốn cho mọi người đắc Nhất, đắc đạo, để trần hoàn này sống trong thanh bình hoan lạc (các chương 39 và 46).

Chương 53, ngài viết:

Đạo trời tu dưỡng nơi mình,

Trước sau ắt sẽ tinh thành chẳng sai.

Gia đình tu đạo hôm mai,

Đức Trời ắt sẽ láng lai tràn trề.

Đạo Trời giãi sáng làng quê,

Đức Trời ân cũng thêm bề quang hoa.

Đạo Trời rạng chiếu quốc gia,

Đức Trời lai láng tuôn ra vô ngần.

Đạo Trời soi khắp gian trần,

Đức Trời âu sẽ muôn phần mênh mang...

(f). Con đường tu luyện của ngài rất là giản dị:

- Không tập thở, tập hít,

- Không cần tư thế ngồi thiền,

- Không cầu trường sinh bất tử cho thân xác.

- Không nấu thuốc luyện đơn, cũng không cầu linh chi, linh thảo, tuyệt thực, tuyệt cốc.

Nơi chương 30, ngài viết:

Người đức cả coi thường tục đức,

Thế cho nên thơm phức hương nhân.

Phàm phu nệ đức phàm trần,

Cho nên xơ xác thêm phần xác xơ.

Người đức cả vô vi khinh khoát,

Người phàm phu lao tác tây đông.

Người nhân dạ ít đèo bòng,

Con người nghĩa khí kể công kể giờ.

Con người nghi lễ so đo,

Làm chưa thấy ứng, nhỏ to bất bình.

Nơi chương 48, ngài viết:

«Học nhiều càng lắm rườm rà,

Càng gần Đạo cả càng ra đơn thuần.

Giản phân, rồi lại giản phân,

Tần phiên rũ sạch còn trần vô vi.

Vô vi huyền diệu khôn bì,

Không làm mà chẳng việc chi không làm.

Vô vi mà được thế gian,

Càng xoay xở lắm đời càng rối beng.»[104]

Nơi chương 52, ngài viết:

Âm thầm ấp ủ tấc son,

Một đời trần cấu chẳng mòn mỏi ai.

Mặc ai đày đọa hình hài,

Một đời tất tưởi phí hoài tấm thân.

Quang minh là thấu vi phân,

Cương cường là biết giữ phần mềm non.

Hãy dùng ánh sáng ngàn muôn,

Đem về soi tỏ gốc nguồn chói chang.

Thế là thoát mọi tai ương,

Thế là biết sống cửu trường vô biên.

(g). Lão tử rất ghét hình thức bên ngoài. Nơi chương 38, ngài viết:

Hễ Đạo mất, nặng tình với Đức,

Đức không còn lục tục theo nhân.

Hết nhân, có nghĩa theo chân,

Nghĩa không còn nữa thấy thuần lễ nghi.

Nên nghi lễ là chi khinh bạc,

Cũng là mầm loạn lạc chia ly.

Bề ngoài rực rỡ uy nghi,

Bề trong tăm tối, ngu si, ngỡ ngàng.

Nên quân tử chỉ ưa đầy đặn,

Chứ không ưa hào nháng phong phanh.

Chỉ cần thực chất cho tinh,

Không cần bóng bẩy lung linh bên ngoài.

Bắc cân khinh trọng cho tài.

Biết đường ôm ấp, biết bài dễ xuôi.

(h). Về phương diện chính trị, Lão tử chủ trương:

- Không làm khổ dân, không vẽ chuyện (các chương 3, 17, 29, 75).

- Tránh chiến tranh (chương 30).

- Không sùng thượng chiến tướng (chương 31).

- Để cho dân sống hồn nhiên, không kích thích lòng tham của dân (các chương 17, 65).

- Ngài mơ ước các nước trong thiên hạ đều nhỏ như những làng xóm, gần nhau đến nỗi gà kêu chó cắn đều nghe thấy; mà rất xa nhau, vì chẳng ai muốn tới nước của nhau.

Khảo Trang Tử, ta thấy quan niệm của Lão tử cũng như của Trang tử là phục hồi lại thời hoàng kim của các vua Phục Hi, Thần Nông, Hoàng đế, Chúc Dung, v.v. khi ấy dân còn sống trong những bộ lạc rất nhỏ, còn hồn nhiên chưa biết chữ nghĩa luật pháp, nhưng sống sung sướng trong thanh bình thịnh trị.

Trang Tử viết: «Xưa vào thời Dung Thành... Hoàng đế Chúc Dung, Phục Hi, Hoàng đế, dân mới biết kết giây để nhớ việc. Họ cho cơm của họ là ngon, áo của họ là đẹp, phong tục của họ là hay, nhà của họ là yên ổn. Các nước láng giềng nhìn thấy nhau, nghe thấy tiếng gà kêu chó cắn của nước cạnh, mà dân đến chết cũng chẳng đi đâu. Thế mà thời ấy dân lại thịnh trị.» [105]

Như vậy về phương diện chính trị, Lão tử cũng không nêu được ra quan niệm gì mới mà chỉ muốn làm sống lại khung cảnh thời hoàng kim xa xưa.

Thời Hán Vũ Đế, Cấp Ám đã áp dụng những tôn chỉ đạo Lão vào nghệ thuật trị dân. Ông không can thiệp vào đời sống của dân, chỉ để ý đến đại cương không đi vào chi tiết.

Một hôm Cấp Ám trách Hán Vũ Đế: «Bệ hạ có nhiều dục vọng quá, mà bề ngoài làm ra vẻ thi nhân nghĩa, như vậy làm sao mà có thể bắt chước Nghiêu, Thuấn được? Ngày xưa Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Vũ không có dục vọng. Chỉ có những minh quân thánh đế mới vô dục. Còn các bậc quân vương khác đều lệ thuộc dục tình, như là rượu chè, sắc dục, tiền tài cung thất, hoặc ngao du, săn bắn, hoặc nuôi chó nuôi ngựa; hoặc mê văn chương; hoặc mê võ nghiệp; hoặc lo chinh phạt, chiếm đất đai; hoặc mê say Phật, Lão. Những dục vọng ấy tuy tác hại nhiều, ít khác nhau, nhưng chung qui đều làm tản mạn tâm thần, và làm sai lạc chính lý. Những bậc quân vương như vậy, mà lại gượng ép thi hành nhân nghĩa thì làm sao có thể cảm lòng dân được. Xưa muốn làm cho người khác trở nên hay, nhà vua trước phải sửa mình. Mà muốn sửa mình, trước hết phải bớt ham muốn. Một tâm hồn bớt ham muốn sẽ hư linh, và thiện sẽ nhập, khí sẽ bình, lý sẽ thắng, cho nên bất kỳ hành động nào cũng hợp lý, cũng tốt đẹp. Nghiêu Thuấn trị dân âu cũng không ngoài những nguyên tắc ấy.»[106]

Những lời lẽ của Cấp Ám, làm ta hiểu rõ những nguyên tắc trị dân của đạo Lão. Một vua tham sắc, tham tài, tham danh, tham lợi, sẽ làm cho muôn dân khổ cực. Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý trường thành, Hốt Tất Liệt với mộng xâm lăng, Trụ Vương với lòng hiếu sắc cho dân gặp biết bao điêu đứng. Nhiều vị vua nước Tàu đã tôn trọng chủ nghĩa vô vi, nên trên chỗ ngai vàng đã treo hai chữ Vô vi thật lớn. [107]

(i). Trong Đạo Đức kinh, Lão tử đề cao Vô vi (xem các chương 3, 10, 37, 38; 43; 48; 63; v. v.) và muốn đem chủ trương vô vi vừa vào công cuộc tu thân, vừa vào công cuộc trị dân.

Vô vi về phương diện tu thân, dĩ nhiên không phải là sống nhàn cư vô sự, mà chính là sống một cuộc đời cao siêu, huyền hóa với Trời. Liệt tử định nghĩa «vô vi» là hoạt động siêu việt.»[108] Trang tử định nghĩa «vô vi» là hoạt động của Trời. [109]

Thái Thượng xích văn đổng cổ kinh viết: «Mọi việc hữu vi đều do vô vi mà ra, có vô vi thần mới trở về.» [110]

(Hữu vi sinh tự vô vi,

Vô vi, thần sẽ hồi qui vẹn toàn.)

Vô vi về phương diện chính trị, là cảm hóa dân bằng thần uy, thần lực của mình, chứ không phải là vô cớ làm phiền dân, bắt dân hi sinh để thực hiện những tham vọng của mình.

III. TỔNG LUẬN

Những bài học Lão tử cho ta về phương diện tu thân, cũng như về phương diện chính trị, tuy giản dị nhưng rất cao siêu, và rất khó thực hiện. Đó là một lý tưởng cho cá nhân cũng như nhân quần phải vươn lên. Có lẽ đến thời hoàng kim mai hậu nhân loại mới thực thi được. Ước gì học Đạo Đức kinh xong chúng ta sẽ:

Thảnh thơi, ta sống thảnh thơi,

Đời ta chẳng chút lôi thôi tần phiền.

Đời ta thơm phức hương tiên,

Bao nài lớn nhỏ, sá xem ít nhiều.

Cởi giây thù oán chẳng đeo,

Ta đem đức độ đổi điều gian ngoan.

Khó gì ta cũng cứ làm,

Bắt đầu từ dễ ta sang khó dần.

To gì ta cũng không cần,

Bắt đầu từ nhỏ, ta vần sang to.

Đời người vạn sự gay go,

Đều từ dễ dãi lần mò mãi ra.

Những điều cao đại xưa giờ,

Đều từ nhỏ nhặt đem vo cho thành.

Cho nên những bậc tinh anh;

Chẳng cần lớn lối vẫn dành cao sang.

Những ai hứa hẹn muôn ngàn,

Tình xuông rồi sẽ bẽ bàng đơn sai.

Những ai khinh thị cuộc đời,

Càng ngờ dễ dãi, càng ngời khó khăn.

Cho nên những bậc thánh nhân,

Biết e cái khó, khó khăn chừa người.

(ĐĐK, chương 63)

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh