Chân Dung Khổng Tử: Chương 15. Đức Khổng, Một Vị Giáo Sư Gương Mẫu

CHÂN DUNG KHỔNG TỬ: CHƯƠNG 15. ĐỨC KHỔNG, MỘT VỊ GIÁO SƯ GƯƠNG MẪU

Đức Khổng sinh ra đời, có lẽ là để dạy đời, cho nên Ngài hết sức tha thiết với vấn đề giáo dục.

Vi Sinh Mẫu nói với đức Khổng: «Này ông Khâu! Sao ông chăm chú trong việc giáo hóa người đời lắm vậy? Chắc là ông dùng tài nói khéo léo của ông mà làm cho người ta mê theo ông chớ gì?» Đức Khổng đáp: «Chẳng phải ta dám dùng lời nói khéo, nhưng ta ghét kẻ cố chấp.» (LN, XIV, 34).

Chẳng những người ngoài nhận định rằng đức Khổng tha thiết muốn dạy người mà ngay đức Khổng cũng nhận mình là người «dạy người không biết mỏi». Ngài nói: «Ta chẳng dám coi mình là thánh, là nhân, nhưng thực ra ta làm không chán, dạy người không mỏi, ta chỉ có thể gọi được như vậy thôi.» (LN, VII, 33).

Sau này, các vua chúa cũng xưng tụng Ngài là «Vạn thế sư biểu».

Như vậy muốn phác họa chân dung đức Khổng, chúng ta không thể không nghiên cứu về mục đích và phương thức giáo hóa của Ngài.

  1. Đức Khổng giáo hóa cốt là giúp cho mọi người triển dương nhân cách, tiến tới tinh hoa toàn thiện.

Công cuộc giáo dục thuở xa xưa cốt là dạy cho con người:

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

- Biết đạo lý

- Biết cách đào luyện, tâm trí, tu dưỡng tâm thần, trau chuốt nhân cách.

- Tóm lại, biết cải thiện, cải hóa tâm thần, để đi đến chỗ tinh hoa, cao đại.

Vì thế chữ Giáo thường đi đôi với chữ Hóa.

Thoán Truyện quẻ Mông viết:

«Ta đây dạy dỗ mầm non,

Cốt là nuôi dưỡng, bảo toàn tinh hoa.

Khải mông, dưỡng chính bôn ba,

Dưỡng nuôi chính khí, mới là Thánh công.» [1]

Đức Khổng dạy học cũng không ngoài mục đích đó.

Vì thế cho nên Ngài không dạy nghề làm ruộng, làm vườn (LN, XIII, 4), không dạy cách cầm quân đánh trận (LN, XV, 1), mà chỉ chuyên dạy cách làm người, làm thánh hiền. (LN, XIX, 7).

Nói theo từ ngữ bây giờ, Ngài không dạy khoa học, kỹ thuật, binh bị, mà chỉ dạy chính trị, triết lý, luân lý, đạo lý.

Mục đích của công trình giáo hóa ấy đã nhiều lần phơi bày trong Luận Ngữ.

Luận Ngữ viết: «Bá công có hành nghề mới nên công; quân tử có học vấn mới thấu triệt đạo lý.» (LN, XIX, 7). Vả, ngay chương đầu sách, Luận Ngữ cũng đã cho ta biết rõ ràng về mục đích của sự học thời xưa.

Học cốt là để biết hiếu đễ, cẩn tín, yêu người, trọng đức, chứ không cốt học văn chương suông. (LN, I, 6)

Học cốt là để biết cách ăn ở cho vẹn hiếu, vẹn trung, vẹn tình, vẹn nghĩa. (LN, I, 7)

  1. Đức Khổng dùng Lục Kinh để giáo hóa

Lục Kinh (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu) chính là tinh hoa mà tiền nhân đã thâu thập được và đã lưu lại.

Đức Khổng đã đem cái tinh hoa đó mà trau chuốt, mà tài bồi, mà di dưỡng tâm thần mọi người (LN, VII, 17, 24; VII, 9), mục đích tối hậu vẫn là muốn di phong, dịch tục (Quân tử như dục hóa nhân, thành tục, kỳ tất do học hồ! Lễ Ký, Học Ký, XVI, 1), làm cho mọi người có thể trở nên những mẫu người quân tử, những mẫu người toàn thiện.

Và đây là ảnh hưởng của Lục Kinh, khi đem áp dụng vào công trình giáo hóa. Đức Khổng nói: «Vào một nước có thể biết ngay nền giáo dục của nước đó ra sao.

«Nếu dân mà ôn, nhu, đôn, hậu, đó là nền giáo dục đã theo tinh thần kinh Thi.

«Nếu dân mà có óc cởi mở, nhẹ nhàng, đó là nền giáo dục đã theo tinh thần kinh Nhạc.

«Nếu đời sống dân trong sạch, tinh vi, tế nhị, đó là nền giáo dục đã theo tinh thần kinh Dịch.

«Nếu dân khiêm cung, cần kiệm, trang trọng, lễ độ, đó là nền giáo dục đã theo tinh thần kinh Lễ.

«Nếu dân mà biết phê bình sự việc cho chính xác, thì đó là nền giáo dục đã theo tinh thần kinh Xuân Thu.

«Kinh Thi mà hiểu sai, con người sẽ ngây thơ.

«Kinh Thư mà hiểu sai, con người sẽ gian ngoan, bày đặt.

«Kinh Nhạc mà hiểu sai, con người sẽ xa xỉ.

«Kinh Dịch mà hiểu sai, con người sẽ làm những điều trái đạo lý.

«Kinh Lễ mà hiểu sai, con người sẽ rườm rà, phiền toái.

«Kinh Xuân Thu mà hiểu sai, con người sẽ phản loạn.

«Hiểu Kinh Thi sâu sắc, con người sẽ ôn nhu, đôn hậu, mà không ngây thơ.

«Hiểu Kinh Thư sâu sắc, con người sẽ học rộng biết nhiều, nhưng không lật lọng sai ngoa.

«Hiểu Kinh Nhạc một cách sâu sắc, con người sẽ rộng rãi, cởi mở, nhẹ nhàng, tử tế, mà không phung phí.

«Hiểu Kinh Dịch một cách sâu sắc, con người sẽ sống cuộc đời trong sạch, tế nhị, mà không làm gì nghịch với đạo lý.

«Hiểu Kinh Lễ một cách sâu sắc, con người sẽ khiêm cung, cần kiệm, trang trọng, kính cẩn, nhưng không rườm rà, phiền toái.

«Hiểu Kinh Xuân Thu một cách sâu sắc, con người sẽ biết phê phán sự việc một cách xác đáng, nhưng không manh tâm phản loạn.

«Kinh Thi rằng:

«Hiền nhân quân tử ấy người

uy nghi đức hạnh rạng ngời phong quang.

Phong quang, đức hạnh rỡ ràng,

Âu tài trị quốc an bang đã đành…»

(Kinh Thi, Tào Phong, Thi Cưu) (xem Lễ Ký Kinh Giải XXIII, các tiết 1, 2, 3.)

  1. Đức Khổng đòi hỏi nơi môn đệ lòng thành khẩn

Đức Khổng không coi nghề dạy học là một nghề sinh kế. Ngài dạy học cốt là để truyền bá đạo lý, truyền bá tư tưởng, cải hóa nhân tâm, cho nên Ngài không có ấn định học phí. Ngài nói: «Kẻ nào xin nhập môn, tự mình làm lễ dâng lên một thúc nem (10 chiếc nem) cũng đã được.» (LN, VIII, 7).

Nhưng Ngài đòi hỏi tấm lòng thành khẩn cầu học (LN, VII, 38).

Thoán Truyện quẻ Mông viết:

«Ta đâu cầu trẻ, để khai quang,

Trẻ phải cầu ta, chỉ lối đàng.

Chí trẻ, chí ta cần ứng hợp,

Tương ứng rồi ra dễ bảo ban.

Nhất thứ cầu ta, ta chỉ giáo,

Mới là chính đáng, mới khôn ngoan.

Tái tam sàm sỡ, thôi dạy bảo,

Sàm sỡ âu đành tính trẻ con.»

(Phỉ ngã cầu đồng mông; đồng mông cầu ngã, chí ứng dã. Sơ phệ cốc, dĩ cương trung dã. Tái tam độc, độc tắc bất cốc; đồng mông dã…)

Lý do là vì nếu không thành tâm cầu học, sẽ không hứng thú. Mà nếu không thấy hứng thú, học sẽ không có kết quả.

Lễ Ký viết: «Muốn đánh đàn, trước hết cần phải luyện ngón tay. Muốn làm thơ trước hết phải biết quan sát cảnh vật. Muốn học Lễ trước hết phải biết ý nghĩa tượng trưng của các loại áo mão. Muốn học một nghề trước hết phải yêu nghề đó, bằng không học sẽ không có hứng thú.» (Lễ Ký, Học Ký, XVI, 8).

  1. Đức Khổng biết cách khuyến khích, biết cách phát huy tài đức của môn đệ

Đức Khổng quan niệm rằng trong công cuộc giáo dục, không được để cho môn đệ đóng vai trò thụ động.

Đã đành rằng: «Ngọc mà không trau chuốt sẽ không thành vật dụng, người mà không học hành sẽ không biết đạo lý.» (Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri đạo. - Lễ Ký, Học Ký XVI, 2); nhưng trong công trình giáo hóa, thầy chỉ hướng dẫn, chỉ bảo, khuyến khích, chỉ trích, còn người học trò phải biết suy tư, phải biết gắng gõi, phải biết tăng tiến, càng ngày càng làm nảy nở được các tiềm năng, tiềm lực nơi mình. Thế mới gọi là biết dạy và biết học.

Lễ Ký viết: «Người quân tử dạy dỗ, chỉ hướng dẫn chứ không thằng thúc; chỉ thúc đẩy chứ không bức bách; chỉ mở lối soi đường chứ không dẫn dắt đến kỳ cùng.»

«Hướng dẫn mà không thằng thúc, nên học trò vui thích. Thúc đẩy mà không bức bách, nên học trò thoải mái. Mở lối soi đường mà không dẫn dắt đến kỳ cùng, nên học trò chịu suy, chịu nghĩ.»

«Một bậc thầy mà dạy được những học trò có tâm tính hòa duyệt, khoan quảng, thư thái, biết nghĩ, biết suy, là một ông thầy lý tưởng…» (Lễ Ký, Học Ký XVI, 13)

Đức Khổng cũng có chủ trương tương tự: «Kẻ nào chẳng cố gắng tìm hiểu, ta chẳng chỉ vẽ. Kẻ nào chẳng phát biểu được tư tưởng mình, ta chẳng khai phóng cho. Kẻ nào ta bày ra một phương diện mà chẳng suy ra được ba phương diện còn lại thì ta chẳng dạy nữa.» (LN, VII, 8)

Thế tức là Ngài chủ trương kẻ học đạo, học nghĩa lý, phải biết cố gắng, biết suy tư. Có suy tư, có cố gắng, mới phát huy được tiềm năng, tiềm lực của mình, mới trở nên trưởng thành về phương diện tâm trí được. Chứ học không phải là nhồi nhét, là biến con người thành máy móc khí cụ…

Vì thế, đức Khổng thích thú, khi thấy các môn đệ đặt được những câu hỏi sâu sắc hay suy diễn được những ý tứ mới mẻ.

Ngài khen Tử Cống khi Tử Cống biết rằng con người cũng như viên ngọc, miếng ngà cần phải trau chuốt, giũa mài, mới trở nên đẹp đẽ, mới trở nên thanh lịch.

Ngài khen Tử Hạ khi Tử Hạ suy ra được rằng lễ nghi hình thức bên ngoài không quan trọng bằng tấm lòng thành tín bên trong (LN, III, 8).

Ngài khen Nhan Hồi vì Nhan Hồi học một biết mười (LN, V, 8).

Phương pháp giáo dục nói trên của đức Khổng tương tự như phương pháp «Giáo dục hộ sản» của Socrate mà tiếng Pháp gọi là Maïeutique. Chữ Maïeutique, theo nguyên nghĩa, có nghĩa là Hộ Sinh.[2]

Đại khái rằng: một thầy thuốc đỡ đẻ chứ không đẻ hộ; một thầy học giúp cho người học biết nghĩ biết suy, chứ không suy hộ nghĩ hộ học trò, sống hộ học trò. Mục đích giáo hóa là càng ngày càng làm cho học trò trở nên sáng suốt, trở nên linh động hoạt bát.

Cho nên Socrate trong khi dạy học trò, cố hỏi han học trò, sao cho dần dần họ nhận ra được rằng chân lý đã tiềm ẩn ngay trong chính họ.

Đó cũng chính là lối giáo dục của Thiền Tông. Thiền Tông dùng mọi phương pháp giáo dục: lúc cương, lúc nhu, lúc khuyến khích, lúc nói bóng nói gió, lúc đánh đập xỉ vả, lúc yên lặng, lúc nói năng, tất cả không ngoài mục đích làm cho đệ tử mình, một ngày nào đó, nhận thức được rằng chân giá trị, chân lý, đã tiềm ẩn ngay trong lòng họ, cũng như Chân Như, Phật Tính đã tiềm tàng, đã sẵn có ở ngay trong lòng, trong thân họ rồi. Thế mới có những câu chuyện ngớ ngẩn, là cầm đèn đã thắp lửa mà vẫn gõ cửa xin lửa! Thế tức là «Bính Đinh đồng tử lai cầu hỏa.» (Thần lửa mà đến xin lửa).

Phương pháp giáo dục này đưa dần con người lên tới tuyệt đỉnh tinh hoa.

Nhan Hồi phê bình đường lối giáo hóa của đức Khổng như sau: «Thầy ta tuần tự mà dẫn dụ người một cách khéo léo. Ngài dùng văn học mà mở mang trí thức ta, đem lễ nghĩa mà ước thúc tâm thần ta. Dẫu ta muốn thôi cũng không thôi được.» (LN, IX, 10).

  1. Đức Khổng rất am tường tâm lý học trò

Đức Khổng trong khi dạy học trò mình, biết tâm lý, tính nết từng người; biết trìng độ đạo đức và hiểu biết của từng người; khuynh hướng và thị hiếu của từng người. Nhân đó, Ngài tùy người mà lựa lời dạy dỗ, lựa đề tài mà dạy dỗ. (LN, XI, 21).

Ngài nhận định: Nhan Hồi có trình độ hiểu biết vượt trổi hơn Tử Cống (LN, V, 8).

Nhiễm Ung có tài đức đáng làm vua (LN, VI, 4).

Nhiễm Cầu thì ngược lại, chỉ đáng làm gia thần, chứ không đáng làm đại phu (LN, XI, 23).

Tử Lộ thì hăng hái quá, cho nên có thể chết bất đắc kỳ tử. (LN, XI, 12).

Ngài phân loại các môn đệ như sau:

- Sở trường về đạo đức:

+ Nhan Hồi

+ Mẫn Tử Khiên

+ Nhiễm Bá Ngưu

+ Trọng Cung

- Sở trường về ngôn ngữ:

+ Tể Ngã

+ Tử Cống

- Sở trường về chính trị:

+ Nhiễm Hữu

+ Quí Lộ

- Văn học:

+ Tử Du

+ Tử Hạ (LN, XI, 2).

Đọc kỹ Luận Ngữ ta thấy đức Khổng nhận định về đệ tử một cách hết sức khách quan, và tinh tế, chứng tỏ Ngài theo dõi và quan sát hành vi cử chỉ của môn đệ hết sức cẩn thận.

Ngài nhận định:

Cao Sài thời kém học thức,

Tăng Tử thời thật thà,

Tử Trương thời hay chưng diện,

Tử Lộ thời thô tục, kém văn nhã (LN, XI, 17)

Ngài phê bình: Tử Trương thì thái quá, Tử Hạ thì bất cập; cả hai không hơn gì nhau (LN, XI, 15).

Ngài khen Mẫn Tử Khiên là người con có hiếu (LN, XI, 4).

Nam Dung, đệ tử Ngài, ưa đọc thơ Bạch Khuê.

Bạch Khuê là một bài thơ trong Đại Nhã, Kinh Thi, có bốn câu như sau:

Bạch Khuê chi điếm

Thượng khả ma dã

Tư ngôn chi điếm

Bất khả nga (vi) dã.

(Đại Nhã, Đãng, Úc, bài 5)

Ngọc bạch khuê bị trầy bị mẻ

Mài láng trơn, có thể thành công;

Lời sai lầm trót nói xong,

Chẳng làm gì được răn lòng khắc ghi.

(Tạ Quang Phát dịch)

Ngài thấy Nam Dung biết giữ gìn lời ăn tiếng nói như vậy nên đem cháu gái gả cho. (LN, XI, 5).

Ngài lý luận như sau: «Trong lúv nước nhà yên trị, gã ấy vẫn giữ được chức quan; tới khi nước nhà loạn lạc gã ấy nhờ cẩn thận về ngôn hạnh mà tránh khỏi tai họa.» (LN, V, 1).

Ngài nhận định về Nhan Hồi như sau: «Trò Hồi ngồi nghe ta giảng đạo lý cả ngày mà chẳng vặn ta điều chi cả, dường như là người u tối. Tới chừng trò ra về ta xét nết hạnh trò khi ở riêng, thấy rằng trò phát minh ra đủ các điều ta đã dạy. Vậy trò Hồi chẳng phải là người ngu.» (LN, II, 9).

Ngài nhận định thêm: «Trò Hồi trong ba tháng lòng chẳng lìa khỏi điều nhân; còn các đệ tử khác của ta, kẻ thì giữ được một ngày, người thì giữ được một tháng là cùng.» (LN, VI, 5).

Ngài cũng khen Nhan Hồi là người biết an bần lạc đạo (LN, VI, 9), siêng năng (LN, IX, 19), hết sức cầu tiến (LN, IX, 20).

Ngài nhận định rằng Tử Lộ hiên ngang, dẫu mặc áo cũ rách mà đứng chung với những người mặc áo lông hồ lông lạc cũng chẳng hổ thẹn. Thế là người chẳng đố kỵ, chẳng tham cầu, như lời Kinh Thi (LN, IX, 25).

Ngài nhận định chung về các đệ tử như sau: «Các môn sinh của ta ở Lỗ là những trang cuồng sĩ, tức là những người có chí khí cao. Họ là những người giản lược, không câu nệ tiểu tiết. Lại nữa, họ là những người rỡ ràng, văn vẻ. Nhưng họ chưa biết cách sửa mình theo đạo Trung Dung.» (LN, V, 11; XIII, 21).

Đối với các môn đệ, đức Khổng không tin ở lời nói suông, mà luôn để tâm theo dõi xem hành vi họ có đúng với lời nói họ hay không (LN, V, 9). Thật là công phu vậy.

  1. Đức Khổng tùy nghi thiết giáo

Cho nên Ngài tùy người, tùy trình độ hiểu biết mà dạy dỗ.

Nhan Hồi là cao đệ số một, nên được Ngài truyền Thiên Đạo (Trung Dung chương VIII).

Tử Cống, tuy là cao đệ, nhưng trình độ thấp hơn Nhan Hồi, nên ít được Ngài dạy về Tính, về Thiên Đạo (LN, V, 12).

Tử Lộ, tuy nhiều tuổi và theo Ngài lâu, nhưng căn cơ thấp thỏi nên Ngài chỉ dạy dỗ về nhân đạo, chứ không đề cập đến Thiên Đạo với Tử Lộ.

Ngài cho rằng Tử Lộ mới «thăng đường» chứ chưa «nhập thất» (LN, XI, 14). Cho nên khi Tử Lộ hỏi Ngài về cách thờ quỉ thần, Ngài trả lời: «Phục vụ người chưa xong, phục vụ quỉ thần sao nổi?» (LN, XI, 11); và khi Tử Lộ hỏi Ngài về sự chết, Ngài gạt đi và nói: «Chưa biết sống, làm sao mà đòi biết chết?» (LN, XI, 11).

Cùng một vấn đề mà tùy người hỏi, Ngài trả lời khác:

Tử Lộ hỏi Ngài có nên đem thi hành ngay những điều đã nghe được chăng? Ngài đáp: «Nên hỏi ý kiến cha, anh trước.»

Nhiễm Hữu hỏi: Có nên đem thi hành ngay những điều đã nghe được chăng? Ngài đáp: «Nên đem thi hành ngay.»

Công Tây Hoa chứng kiến chuyện đó, rất lấy làm lạ, bèn hỏi Ngài lý do. Ngài giải thích: «Cầu thì ngại tiến, nên phải thúc đầy. Do thì hăng hái nên phải kìm hãm.» (LN, XI, 21).

Lễ Ký cho rằng một vị giáo sư hay phải biết:

- Đề phòng tính xấu của môn đệ không cho nó phát sinh.

- Dạy cho hợp thời, hợp trình độ.

- Dạy cho có giai đoạn, lớp lang.

- Thúc đẩy sự ganh đua giữa các học trò.

(Lễ Ký, Học Ký XVI, 11)

Đức Khổng đã theo phương pháp đó.

Ví dụ Ngài thấy Tể Ngã ngủ ngày, Ngài đã vôi khiển trách rầm rĩ, khiển trách nặng lời rằng: «Gỗ mục không chạm trổ được.» (LN, V, 9). Ngài làm vậy cốt là to các đệ tử sau này không dám biếng trễ nữa.

Đức Khổng chủ trương: «Từ hạng trung trở lên mới nên dạy đạo lý chỗ cao siêu. Từ hạng trung trở xuống chớ nên giảng giải đạo lý chỗ cao siêu.” (LN, VI, 19).

Nhan Hồi đã phải công nhận như sau: «Thầy ta tuần tự mà dẫn dụ người một cách khéo léo.» (LN, IX, 10).

Ngài biết khuyến khích môn đệ phát biểu ý kiến về mọi vấn đề. Như vậy môn đệ sẽ học hỏi được kinh nghiệm của nhau.

Nhờ vậy mà ta thấy:

- Tử Lộ thời ước mong dẹp loạn phò nguy (trọng binh bị)

- Nhiễm Hữu thời muốn đem lại ấm no cho dân (trọng kinh tế)

- Công Tây Hoa thời thích coi về nghi lễ (trọng nghi lễ)

- Tăng Tích thời thích sống phóng khoáng, ẩn dật, hòa mình với thiên nhiên (trọng tự do, tiêu sái).

Đức Khổng bình luận:

Lời nói của Tử Lộ thiếu khiêm nhường.

Chí của Nhiễm Cầu thời nhỏ, chỉ nghĩ đến nước nhỏ.

Lời Công Tây Hoa tuy khiêm nhượng, nhưng tỏ ra có chí lớn.

Tăng Tích tiêu sái, đáng khen (LN, XI, 25).

  1. Đức Khổng biết những lỗi lầm thường mắc phải của môn đệ

Lễ Ký cho rằng thầy hay phải biết những lỗi lầm thường xuyên của học trò. Học trò thường phạm bốn lỗi lầm này:

- Ôm đồm, học hỏi nhiều vấn đề, thành ra rối rít, tán loạn.

- Học ít quá hoặc chỉ khư khư học có một vấn đề.

- Coi thường, cho rằng học chẳng có gì khó khăn.

- Hoặc ngược lại, dễ nản chí.

Cho nên thầy hay phải biết học trò mình, để mở mang khả năng cho họ, và sửa chữa lỗi lầm của họ. (Lễ Ký, Học Ký XVI, 14).

Đức Khổng tránh sự tán loạn của học trò mình bằng cách dạy họ phương pháp tổng hợp:

- Tổng hợp Kinh Thi bằng ba chữ: Tư Vô Tà (LN, II, 2).

- Tổng hợp Kinh Lễ bằng chữ Kính (Lễ Ký, Nhạc Ký XVII, 15)

- Tổng hợp Kinh Nhạc bằng chữ Thân (Ib.)

- Tổng hợp đạo thánh hiền bằng chữ Trung, chữ Thành (Trung Dung XX)

- Tổng hợp đạo làm người bằng hai chữ Trung Thứ (LN, IV, 15)

- Tổng hợp khoa chính trị bằng chữ Chính (LN, XII, 16)

Ngài không dạy học trò nguyên một vấn đề, mà thay đổi nhiều vấn đề.

- Ngài dạy: Thi, Thư, Lễ (LN, VII, 17), văn chương, đức hạnh, trung tín (LN, VII, 24).

- Ngài khuyên học Kinh Thi để gây hứng thú, học Kinh Lễ để biết đàng cư xử, ở ăn, học Kinh Nhạc để đi đến toàn mỹ (LN, VIII, 8).

Ngài khuyên học trò:

«Phải biết ôn tập.»

«Phải ráng sức mà học, dường như mình chẳng theo kịp người, chỉ sợ mình giải đãi mà phải bị bỏ rơi.» (LN, VIII, 17).

Ngài dạy không bao giờ được nản chí. Ngài nói: «Tỉ như đắp đất cho thành núi, chỉ còn một giỏ nữa là xong, nhưng mình lại thôi, đó là tại mình bỏ vậy…» (LN, IX, 18).

Ngài cũng cho rằng: Bao lâu mình còn thấy xa thấy khó, thấy ngại thời là vì lòng mình chưa thật sự yêu thích. Một khi đã yêu thích, đâu còn quản ngại xa xôi. (LN, IX, 29).

  1. Đức Khổng đã khiến được môn đệ hết sức kính trọng mình

Lễ Ký cho rằng: Cái khó nhất trong vấn đề giáo dục là khiến cho trò tôn trọng thầy.

Nếu thầy được trọng, thì lời giảng dạy mới được trọng, và do đó, dân chúng mới trọng sự học hỏi, sự khảo cứu. (Lễ Ký, Học Ký XVI, 17).

Đức Khổng tuy đối với học trò hết sức là giản dị, thương yêu (LN, XI, 25), nhưng luôn khiến được cho môn đệ hết sức trọng kính mình.

Đoạn Luận Ngữ sau đây chứng minh điều đó:

Ngày nọ, ông Mẫn Tử đứng hầu bên đức Khổng, vẻ mặt hòa duyệt; ông Tử Lộ thì có khí sắc cương cường, còn ông Tử Cống thì dung mạo cương nghị. Đức Khổng lấy làm vui vẻ. (LN, XI, 12)

Có nhiều vấn đề chỉ cao đệ mới dám vào hỏi ý kiến Thầy (LN, VIII, 14).

Những trò có lỗi, có khi còn bị cấm cửa không được vào viếng thăm, như trường hợp Nhu Bi (LN, XVII, 19).

Trước mắt môn đệ, đức Khổng cao trổi như mặt trời, mặt trăng trên trời (LN, XIX, 24); là một vị thánh nhân cao siêu nhất từ khi có nhân loại (Mạnh Tử Công Tôn Sửu chương cú thượng 2). Như vậy còn có sự tôn kính và sự tâm phục nào hơn được nữa?

  1. Đức Khổng đem đời mình để làm gương cho học trò

Lễ Ký viết: «Con người thợ đúc giỏi thời có thể may được áo cừu. Con người làm cung giỏi, có thể đan được nong (Con thợ đúc, thấy cha thường đúc kết lại được nhiều bộ phận của một vật dụng, nên có thể làm được công việc dễ hơn, là chắp nối nhiều miếng da lại làm áo cừu. Con người thợ làm cung, thường thấy cha mình uốn nắn được tre gỗ, nên tự nhiên sẽ làm được những công việc dễ hơn, như uốn tre làm vành nong, như ken tre lại để đan nong). Khi người ta muốn tập cho một con ngựa kéo xe, trước tiên, buộc con ngựa đó sau xe (để tập đi theo xe cho quen trước; đến khi phải kéo xe, sẽ không bỡ ngỡ).» (Lễ Ký XVI, 20).

Đức Khổng cũng đã theo phương pháp ấy. Ngài đi đâu cũng đem môn đệ theo, để môn đệ thấy được cách Ngài xử sự hằng ngày, để mà bắt chước, để mà thấm nhuần gương mẫu. Ngài tuyên bố không hề giấu giếm gì cùng học trò (LN, VII, 23). Một ông thầy mà dám để cho học trò hay biết ý nguyện mình, tâm tư mình, cách mình giao thiệp đối đãi với mọi người, không che giấu gì cùng môn đệ, thì thực là một bậc thầy lý tưởng, và là một siêu nhân vậy.

Như vậy trước sau, trò sẽ theo được gương thầy và nếu không trở thành thánh nhân như thầy, ít ra cũng trở thành hiền nhân, quân tử. Thế tức là con thợ đúc ít ra cũng may được áo cừu, con thợ cung ít ra cũng đan được nong, cạp được nong.

  1. Đức Khổng biết truyền thụ, sẻ san lý tưởng mình cho môn đệ

Lễ Ký viết: «Một người hát hay, lôi cuốn được người khác, một ông thầy hay làm được cho người khác chia sẻ lý tưởng với mình.»

«Ông thầy hay nói vắn nhưng rõ; những nhận xét của người tự nhiên, nhưng đầy ý nghĩa; người khéo chọn ví dụ, để đánh bóng tư tưởng mình. Vì thế, nên nói được rằng thầy hay biết san sẻ lý tưởng của mình cùng người.» (Lễ Ký, Học Ký, 15) «Cái học của mình như vậy sẽ được truyền tụng mãi.» (Ib.)

Đó chính là trường hợp của đức Khổng. Ngọn đuốc tinh thần Ngài mang xuống cho trần thế, đã được các môn đệ rồi các Nho gia truyền thụ mãi cho nhau, hết đời này sang đời khác, tới nay đã 2500 năm, mà ánh đuốc vẫn chưa thấy lu mờ.

  1. Đức Khổng, vị«Vạn Thế Sư Biểu »

Đức Khổng mở trường

- Dạy cách làm người

- Dạy cách sửa trị người cho nên tốt, nên hay (Chính trị)

- Dạy cách làm thánh hiền. (Trung Dung)

Như vậy cái học của Ngài bao giờ cũng hợp thời, và ai đã là con người, cũng có thể học với Ngài được. Ngày nay tư tưởng Ngài đã lan tràn ra khắp thế giới, và ảnh hưởng của Ngài vẫn còn hết sức sâu rộng. Và bao lâu còn có con người, học thuyết Khổng Tử còn có thể lưu hành, còn có chỗ áp dụng. Thực là đúng như lời sách Trung Dung đã tiên đoán:

«Nên thanh danh ngài vang lừng Trung Quốc,

Vượt biên cương lan tới các nước ngoài.

Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,

Đâu có được trời che và đất chở.

Đâu còn nhật nguyệt hai vầng tở mở,

Đâu có móc đọng đâu có sương rơi.

Đâu còn có dòng máu nóng con người,

Ở nơi đó ngài vẫn được tôn sùng quí báu.

Thế nên gọi là “cùng trời phối ngẫu”.»

(Trung Dung XXXI)

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh