Chân Dung Khổng Tử: Chương 19. Đức Khổng Với Ít Nhiều Thánh Nhân Kim Cổ

CHÂN DUNG KHỔNG TỬ: CHƯƠNG 19. ĐỨC KHỔNG VỚI ÍT NHIỀU THÁNH NHÂN KIM CỔ

  1. Các vị thánh nhân mọi nơi mọi đời đều giống nhau

Thánh nhân vì là tinh hoa nhân loại, nên đã rũ bỏ được mọi sai biệt thường chia rẽ con người và đã đạt được tới mức «đại đồng, vô kỷ».

Thánh nhân là những người đã đạt tới «vô thức đại đồng», đã phát huy được linh giác, đã sử dụng được nguồn năng lực siêu nhiên tiềm ẩn trong đáy lòng, nên thường giống nhau, giống từ tâm linh cho đến chí hướng, từ khẩu khí cho đến tác phong.

Mạnh Tử nói: «Thánh trước thánh sau đều cùng một đường lối.» [1]

Ramakrishna cũng viết: «Tất cả các vị thánh hiền đều có những lời giảng giải như nhau.» [2]

Cát tiên ông cũng viết:

«Thiên hạ vô nhị đạo,

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Thù đồ nhi đồng qui.

Thánh nhân vô lưỡng tâm,

Bách lự nhi nhất trí.»

Dịch:

Đạo trong thiên hạ há pha phôi

Đường nẻo khác nhau, đích chẳng hai,

Thánh hiền sau trước lòng không khác,

Lo lắng trăm đàng, đích một thôi.

(Tây Sơn quần tiên hội chân ký, trang 1a)

Tại sao có sự tương đồng như vậy?

Ta có thể nói như Marc Semenoff, trong bài tựa của ông ở đầu quyển La Pensée du Bouddha (Tư tưởng của đức Phật) rằng: «Sự tương đồng ấy chẳng phải là ngẫu nhiên. Cái duyên do đã tạo ra sự tương đồng ấy - một sự tương đồng vượt trên thời gian và không gian - chính là Thực Thể Duy Nhất.

Thực thể ấy là nguồn gốc thế giới chúng ta và nhân quần.

Thực thể ấy là sự phát triển tiến hóa của thế giới chúng ta và nhân quần.

Thực thể ấy cũng chính là cùng đích của thế giới chúng ta và nhân quần.

Chân lý chính là sự hiển dương, là sự phát huy của thực thể ấy.

Những chân lý (địa phương) là những cách thức mà thực tể ấy dùng, để hiển dương qua những lời giảng giáo, những bút tích của các vị chân nhân, các vị tiên tri, các vị hiền triết. Những cách thức để phát biểu chân lý ấy dĩ nhiện lệ thuộc vào chủng tộc, vào tính tình, vào tâm tư của từng dân nước. Vì thế cho nên tuy hình thức khác nhau, tuy cách trình bày khác nhau, nhưng căn cốt và nội dung chính yếu thì giống nhau, bởi vì căn cốt, nền tảng ấy chính là chân lý phát xuất từ một Thực Thể Duy Nhất.» [3]

Sau khi đã có những nhận định chắc chắn như vậy, ta có thể so sánh đức Khổng với ít nhiều thánh nhân kim cổ.

  1. Thánh nhân mọi nơi, mọi đời đều chủ trương trong nhân tâm còn có Thiên tâm, trong Tâm còn có Thần.

Đức Khổng nối tiếp đạo Thuấn, Nghiêu. Ngài là vị thánh cũng như Nghiêu, Thuấn, đã đắc đạo Trung Dung.

Mà khẩu quyết của Trung Dung, Trung Đạo là:

«Nhân tâm duy nguy,

Đạo tâm duy vi,

Duy tinh, duy nhất,

Doãn chấp, quyết trung.»

(Kinh Thư, Đại Vũ Mô, tiết 15.)

Dịch:

Lòng của trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngã nghiêng,

Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức, giữ nguyên lòng Trời.

Thế tức là trong tâm còn có Thần; dưới lớp nhân tâm còn có Thiên Tâm.

Trong kinh Lăng Nghiêm, nhất là nơi mấy chương đầu sách, đức Phật cũng đã dạy rằng sau lớp thân «tứ đại» của con người còn có Kiến Tính hay Chân Tâm.

Kiến Tính hay Chân Tâm ấy không biến thiên, giao động.

Kiến Tính hay Chân Tâm ấy không sinh diệt.

Kiến Tính hay Chân Tâm ấy không hề bị tán lạc.

Kiến Tính hay Chân Tâm ấy thường trụ.

Kiến Tính hay Chân Tâm ấy thuần túy, không bác tạp.

Kiến Tính hay Chân Tâm ấy liên tục, thuần nhất, không hề bị gián cách hay ngăn ngại.

Kiến Tính hay Chân Tâm ấy không hề bị chia phôi.

Kiến Tính hay Chân Tâm ấy siêu việt trên mọi hình tướng, v.v…[4]

Kiến Tính hay Chân Tâm ấy chính là căn bản niết bàn.

Thân Tâm hay Nhân Tâm hay Vọng Tâm chính là căn bản sinh diệt.

Phật bảo Anan:

«Anan ! Ngươi muốn tu cho thành chính đạo, thì phải biết hai thứ căn bản: một là căn bản của Vô Thủy Sinh Tử và hai là căn bản của Vô Thủy Niết Bàn.

Căn Bản Niết Bàn tức là cái «Thức thứ tám», vi tế tư tưởng của ngươi hiện đang có, ngày nay gọi là Thức tinh đó.» (Thủ Lăng Nghiêm Kinh, bản dịch của Đại đức Thích Chân Giám, Linh Sơn, Phật Học Nghiên Cứu Hội xuất bản, trang 56).

Thánh Paolo viết: «Tôi nghĩ rằng tôi cũng có Thần Chúa.» (I, Cor. 7, 39).

Quan niệm Nhân Tâm, Thiên Tâm cũng được xiển minh bằng hai đường lối tư tưởng Hi Lạp, do hai vị thần chủ xướng:

Apollon thì chủ trương: Con người chỉ là con người.

Dionysos thì chủ trương: Trong con người còn có yếu tố thần minh. (Cf. L’Oeuvre de Platon par Pierre Maxime Schuhl, p. 19).

Để tượng trưng hai phần tách biệt trong tâm hồn ta, một bên thì cao minh linh diệu, là một phần của Thiên Lý, một bên thì hèn mọn nhỏ nhoi. Thi hào Tagore coi hồn mình như hạt sương, còn Trời như vừng thái dương.

Hạt sương rơi than khóc với vừng dương:

«Tôi mơ mộng Ngài, nhưng để hầu hạ Ngài tôi không bao giờ dám hi vọng.

Tôi quá nhỏ bé để kéo Ngài về với tôi, hỡi Thượng Đế tối cao, và suốt đời, tôi đầm đìa giọt lệ.»

Vừng dương đáp lại:

«Ta chiếu soi khung trời vô hạn, nhưng ta cũng hạ cố đến hạt sương nhỏ mọn, ta sẽ chỉ là một tia sáng tràn ngập lấy mi, và cuộc đời nhỏ bé của mi sẽ là một bầu trời tươi sáng.» (Cf. Nguyễn Đăng Thục, Lịch Sử Triết Học Đông Phương, III, tr.10).

Thánh Paolo viết: «Nếu có nhân tâm thì cũng có nhân thần. Cho nên đã có viết: Người đầu tiên, Adam, chỉ có nhân tâm. Người Adam sau cùng mới là Thần, ban sự sống. Nhưng «thần» không hiện ra trước, mà «tâm» hiện ra trước. Tâm trước rồi mới đến Thần. Nhân tâm (người trước) sinh từ đất; Nhân thần (người sau) sinh từ trời. Nhân tâm thời phàm tục, Nhân thần mới là siêu nhân. Và đã mặc lấy hình tướng phàm nhân rồi, thời chúng ta cũng phải mặc lấy hình tướng siêu nhân nữa.

«Và tôi quả quyết rằng huyết nhục không thể nào thừa hưởng được nước Trời, và cái gì sinh diệt không thể nào trở nên bất diệt.» (Phỏng dịch theo Saint Paul, I, Cor. 15, 44-50).[5]

Nói thế tức là con người có:

1- Nhân tâm, đó là phàm tâm, sinh diệt với thời gian.

2- Nhân thần, tức là Thiên Tâm, trường tồn, bất diệt.

Bình đoạn này, các nhà bình giải cho rằng: Nhân tâm có nhường bước cho nhân thần thì con người mới tìm lại được đời sống thiên chân. Lời bình giải này thực ra cũng hợp với chủ trương «Tâm tử Thần hoạt» của Lão giáo.[6]

Ramakrishna viết: «Có tiểu ngã và có Đại Ngã. Mọi cá nhân đều được nối liền với Đại Ngã.» … «Cá nhân là sự phân hóa, Đại Ngã là Toàn Thể bất phân hóa.» [7]

Tóm lại, niềm tin trong tâm còn có Thần, Trời chẳng ở đâu xa, mà đã ở sẵn ngay trong lòng con người, là một niềm tin cốt cán của thánh nhân, và cũng là ấn tín để phân biệt thánh nhân với phàm nhân.

  1. Thánh nhân chỉ có một nguyện ước, một chí hướng là dùng đời mình để thực hiện thiên chân, thực hiện Thượng Đế.

Khảo sát đời sống đức Khổng, ta thấy suốt đời Ngài luôn luôn cố gắng hướng về chân, thiện, mỹ; luôn luôn cố gắng để thực hiện Thiên Chân.

Luận Ngữ viết: «Ngô chi đảo cửu hỹ.» (Ta cầu đảo lâu rồi.) Ý nói đời Ngài là một bài kinh nguyện trường thiên. (LN, VII, 34).

Ngài học hỏi, suy tư, dạy dỗ môn đệ không ngừng; 73 tuổi mất mà 71 tuổi còn viết Xuân Thu.

Trung Dung viết:

«Nên bậc chí thánh không hề ngơi nghỉ,

không nghỉ ngơi nên sẽ vững bền.

Vững bền muôn vẻ trưng lên,

Trưng lên, vang dội khắp miền gần xa.

Khắp gần xa, ắt là dày rộng,

Đã rộng dày, thời cũng cao minh.

Rộng dày để chở chúng sinh,

Cao minh che khắp sinh linh xa gần.

Trường cửu để tác thành muôn vật,

Rộng dày nên cùng đất sánh duyên.

Cao minh kết ngãi thanh thiên,

Vô biên, vô tận triền miên vô cùng.

Được như vậy không trưng vẫn tỏ,

Tuy ở yên biến hóa khôn lường,

Không làm mà vẫn thành công.»

(Trung Dung XXVI)

Đức Khổng nhận định rằng: mục phiêu thánh nhân là một, nhưng đường lối thực hiện mục phiêu thì có nhiều.

Dịch Kinh viết: «Đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự.» (Dịch, Hệ Từ Hạ).

Ramakrishna cũng viết: «Các tín ngưỡng khác nhau chỉ là những đường nẻo khác nhau, để đưa đến đấng Toàn Năng. Có nhiều phương tiện mà con người có thể đi đến đền thờ Kali (thuộc tỉnh Kakshineswar, nơi trụ trì của Ramakrishna). Người thì đi đến bằng tàu, người thì bằng xe, người thì đi bộ. Cũng vậy, những người khác nhau đến cùng Thượng Đế bằng những tín ngưỡng khác nhau.»[8]

Ramakrishna cũng cho rằng con người sinh ra có mục đích tối hậu là thực hiện Thượng Đế.[9]

  1. Đạt đạo của thánh nhân là sống phối hợp với Thượng Đế.

Trung Dung gọi giai đoạn tối hậu này là «Phối Thiên». (Trung Dung XXXI).

Luận Ngữ cũng cho rằng đức Khổng đã đạt tới giai đoạn huyền đồng:

- Không còn tư dục (Vô Ngã).

- Không còn tình ý riêng tư (Vô Ý).

- Không còn bị ngại cảnh và vật dục chi phối (Vô Tất, Vô Cố).

(Tử tuyệt tứ: Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã. - Luận Ngữ, Tử Hãn, 4).

Về trạng thái huyền đồng này, Teihard de Chardin viết: «Không gì cảm thấy sung sướng hơn là cảm thấy rằng Thượng Đế chân thực tuyệt đối thay thế bản chất của mình.» [10]

Eckart viết: «Chúa và tôi, hai đằng là một. Vì biết, nên tôi đem Chúa vào trong tôi. Vì yêu, nên tôi nhập vào trong Chúa. Cũng như bánh trở thành mình đấng Christ, hồn cũng trở thành Thượng Đế, đến nỗi không thể nào phân cách được.» [11]

Thánh Paul viết: «Tôi sống mà chẳng phải tôi sống, mà là Chúa sống trong tôi.» [12]

Nguyện ước của thánh Paul là: Ước gì Chúa là mọi sự trong mọi người.[13]

Suy ra và khảo sát Thánh Kinh, ta thấy đó cũng là trạng thái huyền đồng mà Chúa Kitô đã chứng nghiệm, và trạng thái huyền đồng ấy, cũng chính là nguyện ước của người cho toàn thể nhân loại.[14]

  1. Kết luận

Thế mới hay đức Khổng là vị thánh nhân. Ngài chẳng những dạy người phải tổ chức một đời sống quốc gia xã hội cho hoàn hảo, để mọi người sống trong an bình, hạnh phúc, tương thân, tương ái, mà còn truyền dạy đạo Trời, hay đạo Trung Dung, một thứ đạo huyền đồng mà sáng nghe biết, chiều chết cũng cam. (LN, IV, 8).

Tôn chỉ của đạo ấy phổ biến, phổ quát, bất kỳ vị thánh nhân nào cũng chủ trương như vậy.

Nhưng tôn chỉ ấy rất là giản dị:

1- Trong ta còn có Thần, trong Nhân tâm còn có Đạo Tâm.

2- Con người có bổn phận dùng đời mình để siêu xuất phàm tâm, phối hợp với Thiên Tâm.

3- Mục đích của công phu tu luyện, của một cuộc đời đạo hạnh chân chính là sống phối kết với Thượng Đế.

Tất cả tôn chỉ ấy đã được cô đọng trong mấy câu khẩu quyết mà xưa vua Nghiêu truyền cho vua Thuấn:

Nhân tâm duy nguy,

Đạo tâm duy vi,

Duy tinh, duy nhất,

Doãn chấp, quyết trung.

(Kinh Thư, Đại Vũ Mô, tiết 15.)

Dịch:

Lòng của trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngã nghiêng,

Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức, giữ nguyên lòng Trời.

Đó cũng chính là những tư tưởng then chốt của Trung Dung.

Trung Dung trong những đoạn đầu, chứng minh trong Tâm còn có Tính; Trời chẳng ở đâu xa mà đã hiện diện ngay trong lòng con người, cũng như luật Trời chẳng ở đâu xa mà ghi tạc sẵn trong lòng con người.

Tiếp đến, Trung Dung chủ trương con người phải nỗ lực không ngừng để tiến tới tinh hoa, toàn thiện.

Trong phần cuối sách, Trung Dung đề cập đến kết quả của sự cố gắng tiến tới ấy, và mô tả trạng thái huyền đồng, phối thiên của các vị thánh nhân, cũng như những ân sủng mà những vị thánh nhân được thừa hường của Trời.

Tới đây, chân dung cũng như tâm tư, chí hướng, nguyện ước của đức Khổng, tất cả đều đã hiện ra dưới mắt chúng ta. Mong rằng nhờ sự phác họa lại bức chân dung của đức Khổng mà chúng ta sẽ đi vào Tứ Thư, Ngũ Kinh, dễ dàng hơn, hiểu về đạo Khổng sâu xa hơn, hiểu biết về thân thế và định mệnh con người rõ ràng hơn, cũng như sẽ thâu lượm được nhiều kết quả trong công trình khảo cứu của chúng ta về Khổng giáo …

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh