Chân Dung Khổng Tử: Chương 7. Đức Khổng, Con Người Rất Cũ Và Rất Mới

CHÂN DUNG KHỔNG TỬ: CHƯƠNG 7. ĐỨC KHỔNG, CON NGƯỜI RẤT CŨ VÀ RẤT MỚI

Suy khảo về cuộc đời đức Khổng, ta thấy Ngài có một điểm hết sức đặc biệt và một thái độ hết sức khiêm tốn.

Ngài nói: «Ta trần thuật chứ không sáng tạo,

Tin cổ nhân, mộ đạo cổ nhân.» (LN, VII, 1)

Trung Dung viết thêm:

«Đức Khổng tiếp nối đạo Thuấn, Nghiêu,

Làm sáng tỏ lối đường Văn, Võ.» (Trung Dung, chương XXX)

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Ngài sống vào khoảng thời gian từ 551 đến 479 trước kỷ nguyên, mà đã tốn rất nhiều công phu khảo sát về các đạo giáo, chính trị, tư tưởng, triết học, phong tục của một khoảng thời gian lịch sử ước chừng 2.000 năm về trước cho tới đời Ngài. Ngài đã san định, biên khảo trước sau sáu bộ sách lớn: Lễ, Nhạc, Thi, Thư, Dịch, Xuân Thu. Đây ta chỉ đề cập sơ về Thi, Thư, Dịch, Xuân Thu.

  1. KINH THI

Kinh Thi mô tả lại niềm tín ngưỡng của các vị thánh vương nhà Châu; ghi chú lại những phong tục và nếp sống thường nhật của dân Trung Hoa, từ thời Hậu Tắc cho tới thời đức Khổng. Hậu Tắc hay Khí, tức là anh em ruột với vua Nghiêu (2356- 2255), mới đầu ở đất Thai. Sau này cháu bốn đời ngài, là Công Lưu, thiên sang đất Bân.

Năm Giáp Dần, 1327, cháu 16 đời của Ngài, là Cổ Công Đản Phụ, lại thiên sang dãy Kỳ Sơn, và cải quốc hiệu là Châu.

Năm Đinh Dậu, 1284, tức năm 41 đời vua Vũ Đinh, Cổ Công Đản Phụ sinh Quí Lịch.

Năm Canh Dần, 1231, tức năm 28 đời vua Tổ Giáp, Quí Lịch sinh Văn Vương.

Năm Nhâm Thìn, 1169, tức năm thứ 2 đời vua Đế Ất, Văn Vương sinh Cơ Phát, tức là Chu Vũ Vương sau này.

Kinh Thi, ngoài những thi ca mô tả phong tục, tâm sự, nếp sống thường ngày của người xưa, còn cho ta thấy một niềm tin về Thượng Đế hết sức lạ lùng, và một nền đạo đức hết sức cao siêu.

Kinh Thi chủ trương rằng các bậc thánh vương, các bậc hiền thánh đời xưa, đã có một đời sống tinh toàn, phối kết với Thượng Đế với Thượng Đế và chủ trương Thượng Đế sống rất gần vua, gần dân, gần quân sĩ.

Kinh Thi viết:

«Quân Thương Ân bạt ngàn Mục Dã,

Một rừng người chật cả sa tràng.

Cho ba quân thêm dạ sắt gan vàng,

Võ Vương kêu: Thượng đế ở cùng ta đó,

Ba quân hãy vững lòng vững dạ.» [1]

Lời kêu gọi đó làm cho binh sĩ nhà Châu ào lên đánh tan quân Thương Ân trong có một buổi sáng.

Kinh Thi viết thêm:

«Nơi Mục Dã mênh mang rộng rãi,

Xe bạch đàn chói chói chang chang,

Ngựa tứ nguyên phau phau đẹp rỡ ràng,

Khương thượng phụ trông oai phong lẫm lẫm,

Ngài như chim ưng xoè tung đôi cánh,

Giúp Võ Vương thế mạnh xiết bao,

Cả phá Thương, ba quân tiến ào ào,

Sau một sáng, trời thanh quang trở lại.» [2]

Thời buổi thô sơ ấy, nhân loại đã tin rằng Trời chiếu ánh sáng muôn trùng vào tâm hồn họ, để làm khuôn phép mẫu mực, để ra mệnh lệnh cho họ theo. Các vương giả, hiền nhân thời ấy cố gắng sống sao cho đức hạnh tuyệt vời, để kết hợp với Trời, để có thể coi như là vẻ sáng của Trời, như Văn Vương. Họ mong muốn được đức hạnh như Trời (dữ Thiên, đồng đức).

Hễ thấy ai:

Đức sáng quắc sáng choang ở dưới,

Họ liền biết:

Mệnh hiển dương, chói lọi ở trên.[3]

Thời buổi ấy, các bậc hiền nhân, vương giả đều tin có ảnh tượng Trời trong đáy lòng mình.

Văn Vương nói:

«Chẳng thấy nhãn tiền, nhưng vẫn giáng lâm,

Chẳng phải long đong nhưng vẫn giữ được.» [4]

Thế là nhờ sự hiếu cổ, tồn cổ của đức Khổng mà ngày nay ta còn có được một bằng chứng lịch sử cụ thể về quan niệm «Thiên Nhân Tương Dữ» của người xưa, về ước vọng của hiền thánh xưa, là sống phối hợp với Trời.

Trương Kỳ Quân, một học giả Trung Hoa Dân Quốc hiện đại đã viết: «Trung Quốc từ thời đại Đường Ngu (Nghiêu Thuấn) tới nay vốn có tư tưởng về nhẽ”Thiên Nhân Hợp Nhất”. Kính Trời cốt là để yêu người. Yêu dân tức là để tôn Thiên. Thánh triết lịch đại đều nối tiếp phát huy cái đạo”Thiên Nhân Hợp Nhất” ấy. Lão Tử chính là một trong các bậc thánh hiền ấy.» (Cf. Trương Kỳ Quân, Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử, chương Lão Tử.)

Khảo Đạo Đức Kinh, ta thấy Lão Tử cũng sùng cổ như Khổng Tử và cũng chủ trương: «Lý tưởng của người xưa là sống phối kết với Trời.» (Thị vị phối Thiên, cổ chi cực. Đạo Đức Kinh, ch. 68).

Nơi chương 15, Đạo Đức Kinh, Lão Tử mô tả hình dung dáng dấp những người xưa sống khuôn theo đạo cả, kết hợp với Trời như sau:

«Ai người xưa khuôn theo Đạo cả,

Sống huyền vi rất khó tri tường.

Nay ta gạn ép văn chương,

Hình dung dáng dấp liệu đường phác ra.

Họ e ấp như qua băng tuyết,

Họ ngỡ ngàng như khiếp láng giềng.

Hình dung phong thái trang nghiêm,

Băng tan, tuyết tán như in lạnh lùng.

Họ đầy đặn in chừng mộc mạc,

Nhưng phiêu khinh man mác hang sâu.

Hỗn mang ngỡ nước đục ngầu,

Đục ngầu lắng xuống một mầu trong veo.

Ngỡ ù cạc một chiều an phận,

Nào ai hay sống động khôn lường.

Phù hoa gom góp chẳng màng,

Đã say đạo cả coi thường phù hoa.

Sống ẩn dật không phô thanh thế,

Việc thế gian hồ dễ đổi thay..»

(Lão Tử, Đạo Đức Kinh, chương 15.)

  1. KINH THƯ

Kinh Thư mô tả lại gương tích ít nhiều vị đế vương xưa, từ thời vua Nghiêu (2356- 2255) cho đến đời vua Bình Vương (770- 719), tức là đến hết thời Tây Chu. Nếu ta bỏ đoạn cuối nói về Tần Mục Công (659- 620), và đọc tiếp theo bộ Xuân Thu, ta sẽ có một quan niệm khái quát về các bậc thánh vương Trung Hoa thời cổ, và sự thăng trầm của các nền chính trị Trung Hoa, từ Nghiêu cho tới năm 14 đời Ai Công nước Lỗ (481).

Nhưng mục đích Kinh Thư là cho ta thấy rõ quan niệm về nền Thiên trị Trung Hoa thời cổ, với bản hiến chương căn bản của nó là Hồng Phạm Cửu Trù.

Thế nào là một nền Thiên trị?

Nền Thiên trị là một nền chính trị nhận Trời làm khởi điểm và làm cùng điểm nhân loại; lấy sự hoàn thiện làm khởi điểm và làm cùng điểm nhân loại. Nên bậc thánh vương tế tự Trời, tức là lấy Trời làm cùng điểm, làm cứu cánh cho mình và cho muôn dân, cố đem những khuôn phép hằng cửu áp dụng vào công cuộc trị dân, tức là dùng những khuôn phép hoàn thiện để uốn nắn con người trở nên hoàn thiện.

Những luật pháp cũng cố khuôn theo đúng các định luật thiên nhiên; nên luật pháp của dân xưa chính là tam cương ngũ thường; chính là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Các luật lệ nhân tạo, các hình pháp nhân tạo đều cố hết sức tránh. Nếu bất đắc dĩ phải lập ra, thì chỉ muốn dùng tạm thời. Thế tức là ý nghĩa «dùng hình pháp cốt là mong sao bỏ được hình pháp», «xử kiện cốt là mong sao bỏ được kiện tụng.» [5]

Thiên tử hay thánh vương phải là một người siêu việt quán tam tài, nối kết Trời, đất, người.

Tinh thần ngài phối hợp với Trời, vì thế gọi là Thiên Tử.

Tim óc người nhân hậu, thông minh, cốt là để thương xót, hướng dẫn chúng dân.

Thể xác người và áo mão người tượng trưng cho vẻ đẹp đẽ của vật chất.

Ảnh hưởng, ân trạch, ngài thụ lãnh được nơi Trời, sẽ qua trung gian các hiền thần, thâm nhập vào bách tính. Bách tính hấp thụ được ảnh hưởng ấy, sẽ được giáo hóa, sẽ được hoán cải.

Chúng dân lại đem tài sức ra cải tạo vật chất, cải tạo hoàn cảnh, trong những điều kiện thuận tiện.

Vật chất được hoán cải, canh tác, trở ngược lại sẽ đem no ấm, sung túc lại cho chúng dân.

Con người được no ấm, an bình, có cơ hội học hỏi, suy nghĩ, sẽ tiến dần trên các nấc thang giá trị, để tiến dần tới hoàn thiện. Hơn nữa, mọi người sẽ trông vào gương sáng của vì thiên tử, sẽ cố gắng hướng thượng, cải thiện mình mãi mãi, để tiến tới chí mỹ, chí thiện…

Nói cách khác, các bậc thánh vương lên trị nước không phải là để hưởng thụ, để buông thả cho dục tình tha hồ mà phóng túng, nhưng chính là để tuân theo ý Trời, tuân theo những định luật nhiên nhiên của trời đất và nhân loại. Vì thế, các Ngài thời thường yêu cầu đình thần và dân chúng đàn hạch, kiểm thảo hành vi, hoạt động của mình.[6]

Các Ngài hứa đem an bình lại cho nhân loại; thế nhưng không có hứa suông, mà lại dạy mọi người phải thực hiện an bình, bằng cách tu thân, bằng cách tôn trọng tam cương ngũ thường, giữ vẹn tín nghĩa, trọng đức, khinh tài, cố gắng không ngừng để cải thiện hoàn cảnh, cải thiện nội tâm, tiến mãi trên con đường chân, thiện, mỹ.[7] Thế tức là dạy cho dân biết tự trọng, biết tự tạo cho mình một nếp sống an bình, an lạc, do tài đức của moi người chứ không phải là ngồi không ăn sẵn, ỷ lại, chờ mong Trời đổ an bình xuống cho mình, như đổ mưa móc xuống cho cây cỏ.

Xét Hồng Phạm Cửu Trù ta thấy nó xây nền tảng chính trị trên căn bản vĩnh cửu tuyệt đối, vì đã biết lấy Trời làm căn cốt cho mọi người. Trời từ đáy thẳm lòng sâu vũ trụ, đáy thẳm lòng sâu con người, đã tung tỏa muôn ánh hào quang để hướng dẫn nhân loại. Thiên tử là người hấp thụ được hào quang ấy nhiều nhất, nên vừa thông minh vừa đạo đức vượt quá chúng nhân, vừa thay Trời trị dân, vừa là gương mẫu sống động cho một đời sống lý tưởng cao đẹp nhất, lúc nào cũng treo cao cho muôn dân soi chung, và là trung gian giữa Trời người; qui tụ lại mọi điều hạnh phúc của Trời, để rồi lại tung toả ra cho toàn dân thiên hạ. Nó cũng dựa trên sơ đồ Trung điểm và vòng Dịch để tổ chức quốc gia. Nó cũng dựa theo sơ đồ Trung điểm và vòng Dịch để tổ chức quốc gia.

Lập đế đô ở giữa muôn dân và càng xa đế đô, là càng xuống man di, mọi rợ, xuống tới các tầng lớp thấp kém.[8]

Cũng vì thế mà muôn dân đều có nguyện vọng về sống ở đế đô, gần thiện tử. Đại Học nói: «Bang kỳ thiên lý, duy dân sở chỉ» cũng không ngoài ý đó.

Ở nơi con người cũng theo một tổ chức như vậy. Tầng ngoài cùng là dáng điệu, tầng trong cùng là duệ trí. Có đạt tới duệ trí mới đạt tới mức thánh thiện. (Hồng Phạm, trang 6).

Bậc thánh vương không bỏ sót tầng lớp giá trị nào mà không khai thác; từ vật chất đến tinh thần, từ miếng cơm manh áo đến đạo đức, tế tự, nhất nhất đều được đề cập tới.

Bậc thánh vương hiểu được gốc ngọn, đầu đuôi, nên bao giờ cũng lấy Trời làm gốc, lấy tâm hồn con người làm trọng, của cải vật chất bên ngoài làm tùy. (Đại Học, X).

Ý niệm Thiên Tử trong Hồng Phạm Cửu Trù bắt nguồn từ Trời, có một ý nghĩa thần thánh, và phổ quát, một giá trị vũ trụ.

Các học giả Âu Châu sau này như Wieger, Marcel Granet, đã nhìn thấy giá trị cũng như ý nghĩ sâu xa của chức vị thiên tử trong nền chính trị Trung Hoa thời cổ.[9]

  1. KINH XUÂNTHU

Kinh Xuân Thu là một bộ sử có niên hiệu mạch lạc ghi chú các công chuyện từ đời Lỗ Ẩn Công nguyên niên, tức 721, đến hết năm 14 đời vua Lỗ Ai Công, tức 481.

Viết Xuân Thu, đức Khổng muốn áp dụng thuyết chính danh vào công chuyện viết sử, và cũng muốn phục hồi lại nền Thiên Trị, phục hồi lại vương đạo trong công cuộc trị dân.

Theo Đổng Trọng Thư, thì sách Xuân Thu cũng cốt là để xiển minh cái quan niệm «Thiên nhân tương dữ», nghĩa là Trời và người có quan hệ mật thiết với nhau. (TTK, Nho Giáo, II, tr. 35). Trời là tổ của vạn vật, là tổ của con người. Cho nên khi ta mới sinh, chưa phải là người, vì con người xứng đáng với danh hiệu nó, phải hoàn toàn như Trời. (Nho Giáo, II, tr. 35).

Người có địa vị tôn quý hơn cả là bậc vương giả. Vương giả là người đứng giữa, tham tán, quán thông cả Trời, đất, và người, cho nên nói rằng: «Đời xưa đặt chữ, vẽ 3 vạch và sổ một cái ở giữa, là chữ Vương. ba cái vạch ngang là biểu thị Trời, đất, và người, cái sổ ở giữa là biểu thị cái ý tham thông ba bậc ấy.» (Vương Đạo thông tam, XLIV). Bậc vương giả có cái địa vị quan trọng như thế và lại có cái trách nhiệm rất lớn, không những là đối với người mà thôi, nhưng đối với cả trời đất nữa, cho nên người làm vua phải thận trọng mà giữ ngôi mình cho xứng đáng. Bậc nhân quân một đằng là tham dữ với trời đất, một đằng làm cái khu cơ, nghĩa là cái then máy để phát động sự hành vi trong nước. Cái khu cơ mà sai một hào ly, thì mọi việc hư hỏng cả. Vậy nên kẻ nhân quân cần phải «cẩn bản, tường thủy, kính tiểu, thận vi»: cẩn cái gốc, rõ cái mối đầu, kính cái nhỏ, thận cái không rõ. (Lập Nguyên Thần XIX) (TTK, Nho Giáo, II, tr. 36).

Như vậy vi ý Xuân Thu ngoài phương pháp dùng từ ngữ, danh xưng để bao biếm ra, thì cũng tương tự vi ý Kinh Thư.

  1. KINH DỊCH

Theo Luận Ngữ thì về già đức Khổng mới chuyên tâm nghiên cứu và xiển minh Dịch lý (LN, VII, 16).

Theo truyền thuyết thì:

- Phục Hi vẽ Bát Quái.

- Văn Vương lập 64 quẻ, viết Thoán Từ, giải đại cương về mỗi quẻ.

- Chu Công viết 384 Hào Từ, giải đại cương về mỗi hào.

- Khổng Tử viết Thập Dực để bổ sung cho Kinh Dịch.

Thập Dực là:

1- Thoán Thượng Truyện: để cắt nghĩa Thoán Từ của Thượng Kinh.

2- Thoán Hạ Truyện: để cắt nghĩa Thoán Từ của Hạ Kinh. Thoán Truyện khác Thoán Từ của Văn Vương. Thoán Từ bao giờ cũng xếp ngay ở đầu quẻ. Thoán Truyện xếp tiếp theo, và bao giờ cũng bắt đầu bằng hai chữ «Thoán viết».

3- Tượng Thượng Truyện: để giải thích các Tượng nơi Thượng Kinh.

4- Tượng Hạ Truyện: để giải thích các Tượng trong Hạ Kinh. Tượng Truyện chia thành Đại Tượng (cắt nghĩa hình ảnh của toàn quẻ với bài học luân lý kèm theo) và Tiểu Tượng để cắt nghĩa hình ảnh đề cập trong Hào Từ; như vậy Tiểu Tượng cốt cắt nghĩa Hào Từ cho thêm rõ nghĩa. Như vậy quẻ nào cũng có một Đại Tượng và sáu Tiểu Tượng, và đều bắt đầu bằng hai chữ «Tượng viết».

5- Hệ Từ Thượng Truyện.

6- Hệ Từ Hạ Truyện. Hệ Từ Thượng và Hạ bàn về đạo lý, triết lý đại cương trong Kinh Dịch, lại đôi khi cũng bình thêm một ít hào cho rõ nghĩa hơn.

7- Văn Ngôn. Văn Ngôn chỉ có ở trong hai quẻ Kiền và Khôn. Văn Ngôn bình giải Thoán và sáu Hào của hai quẻ Kiền và Khôn cho thêm rõ ràng, lý sự hơn.

8- Thuyết Quái Truyện: Thuyết Quái cho biết mục đích của thánh nhân khi viết ra bộ Kinh Dịch, đồng thời bàn về những ảnh hưởng mà 8 quẻ chính trong Kinh Dịch có thể tượng trưng được.

9- Tự Quái: Tự Quái bàn về thứ tự của 64 quẻ trong Kinh Dịch, như ta thường thấy theo, trong mọi bộ Kinh Dịch.

Thượng Kinh 30 quẻ, bắt đầu là Kiền, Khôn; kết cục là Khảm, Ly.

Hạ Kinh bắt đầu bằng Hàm, Hằng; kết thúc bằng Ký Tế, Vị Tế; gồm 34 quẻ.

10- Tạp Quái Truyện: bàn sơ về ý nghĩa của 64 quẻ, xếp thành 32 đôi, có ý nghĩa thường là nghịch nhau.

Nếu khảo cứu Kinh Dịch cho đúng đắn, ta sẽ thấy đó là một bộ sách triết học rất cao siêu. Các đồ bản Dịch chính là những họa đồ phô bày ra cơ cấu của vũ trụ, con người và vạn vật; cũng như các định luật tuần hoàn, thăng giáng, vãng lai, tiến thoái, tiêu tức của nhị khí Âm Dương, của tinh thần và vật chất.

Vi ý cổ nhân khi viết Kinh Dịch, chính là muốn cho ta tìm cho ra căn để của con người và vạn vật; gốc gác của vũ trụ; những định luật chi phối mọi sự biến thiên của trời đất; cũng như viễn đích, cùng lý của quần sinh và nhân loại.

Nhìn vào các họa bản Dịch ta sẽ lĩnh hội được sự kiện vô cùng quan trọng này là: Tạo hóa hay Thái Cực ẩn áo ngay trong lòng vạn hữu. Tạo Hóa và vạn hữu không thể nào tách rời nhau ra được. Tạo Hóa và vạn hữu hợp lại thành một đại thể, y như một cây vĩ đại có muôn cành lá, hoa quả, xum xuê. Thái Cực hay Tạo Hóa là căn cốt. Vạn tượng, vạn hữu là những hiện tượng biến thiên, chuyển dịch bên ngoài.

Suy ra, nếu ta vượt qua những lớp lang biến ảo của hoàn cảnh, xác thân và tâm hồn, ta sẽ tìm về được với Tạo Hóa, với Thái Cực ẩn áo nơi đáy lòng ta.

Thế là từ ngọn suy ra gốc, từ biến thiên suy ra hằng cửu, từ các tầng lớp biến thiên bên ngoài suy ra tâm điểm bất biến bên trong. Như vậy học Dịch là để biết các lớp lang biến hóa chuyển dịch của vũ trụ và của lòng mình; nhân đó sẽ suy ra được chiều hướng tiến thoái và trở về được với bản thể duy nhất, tiềm ẩn nơi đáy lòng mình.

Khi tâm thần, nhờ Dịch học, đã băng qua được các lớp lang biến ảo bên ngoài, trở về được với căn nguyên bất biến, trở về được với khu nữu của trần hoàn rồi, ta sẽ từ đó đi ngược lại, để tìm cho ra căn cơ, then chốt, cũng như nhịp điệu, tiết tấu của mọi biến thiên, cốt là góp phần vào công cuộc đại tạo của trời đất, tức là vào công cuộc tinh luyện vĩ đại, để đi đến tinh hoa, toàn mỹ.

Nhờ bộ Kinh Dịch mà xưa nay biết bao người đã trở về được với căn nguyên của mình, với Trời với Thái Cực.

Ngụy Bá Dương chân nhân đời nhà Hán, tác giả bộ Chu Dịch Tham Đồng Khế, một bộ sách căn bản của đạo Thần tiên, đã đề tựa sách như sau:

Đạo thần tiên, luyện đơn tu Đạo thực hết sức giản dị, chẳng qua là phối hợp với Thái Cực (với Tạo Hóa mà thôi). Ông giải thích:

Tham là tham dự cùng Thái Cực

Đồng là hòa đồng cùng Thái Cực

Khế là khế hợp với Thái Cực.

Thái Uyên, một nho gia đời Tống, cho rằng: «Người quân tử học Dịch để tiến tới thần minh.» (Quân tử học Dịch nhi chí ư thần dã. - Trùng biên Tống Nguyên học án, quyển III, trang 678).

Tác giả quyển Thái Cực Quyền Bổng Đồ Thuyết cho rằng: «Dịch là một phương pháp, một con đường lớn lao giúp ta trở về với Trời, với Thượng Đế.» (Dịch chi vi thư giáo nhân hồi thiên chi đại kinh, đại pháp dã. Sách trích dẫn, trang 52).

Gần đây, Văn Đạo Tử cũng chủ trương rằng học Dịch cốt là để tìm cho ra căn cốt, tinh hoa của mình, tìm cho ra định mệnh sang cả của mình, tìm cho ra lẽ phản bản quy nguyên, chứ không phải vụ chuyện bói toán, sấm vĩ. (Cf. Văn Đạo Tử giảng Đạo tinh hoa lục, quyển 1, trang 9).

Nói như vậy cốt là để ta biết tại sao đức Khổng ưa khảo Dịch, mê nghiên cứu Kinh Dịch …

Căn cứ Trung Dung, ta thấy đức Khổng sau khi đã khảo cứu sử sách, các thi văn cổ thời, sau khi đã khảo sát niềm tín ngưỡng và đạo giáo thời xưa, liền minh định được rằng: Trời chẳng có ở đâu xa, mà Trời đã ở ngay trong lòng con người. Cho nên chân đạo, chân lý, cũng phải phát xuất từ đáy lòng con người. Chân đạo, chân lý ấy, nếu đem so với đường lối của tiên vương, sẽ không có chi là khác; nếu đem so với định luật của trời đất cũng sẽ đúng như in, và nếu đem so với đạo của các hiền thánh ngàn đời về sau, cũng vẫn y thức như vậy. Thế mới là chân đạo, chân lý.

Trung Dung viết:

«Nên đạo quân tử phát xuất tự thâm tâm.

Đem trưng bày phổ cập tới thứ dân,

Khảo chứng tiên vương, không có chi lầm lỗi.

Sánh với luật đất trời không phản bội,

So quỉ thần, thấy đường lối đúng không sai.

Thế là đã biết lòng Trời đó,

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai

Thế là đã biết lòng người tỏ rõ.»

(Trung Dung, XXIX)

Tóm lại đức Khổng đã khảo sát thư tịch cổ nhân, triết lý cổ nhân, cốt là để tìm ra:

1- Chân đạo của các vị thánh vương, thánh triết xưa, mà ta thường thấy Kinh Thi, Kinh Thư đề cập tới.

2- Nền Thiên trị (Théocratie) Trung Hoa thời cổ, với hiến chương căn bản là Hồng Phạm Cửu Trù.

3- Tinh hoa triết học và siêu hình học cổ thời mà Kinh Dịch đã hàm tàng, dung trữ.

4- Những định luật tự nhiên, những nguyên tắc căn bản,những khuôn phép, những đường lối lý tưởng, chi phối mọi sự biến dịch và mọi hoạt động cá nhân và xã hội.

Cũng vì Ngài chỉ lấy thực tại làm đối tượng; chân, thiện, mỹ làm mục phiêu, cho nên đạo của Ngài, học thuật của Ngài sẽ trường tồn với thời gian …

Vả lại Trung Dung cho rằng phàm những bậc thánh nhân đã đạt được tới mức độ Phối Thiên, sẽ sống mãi cùng trời đất. Trung Dung viết:

«Nên thanh danh ngài vang lừng Trung Quốc,

Vượt biên cương lan tới các nước ngoài.

Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,

Đâu có được trời che và đất chở.

Đâu còn nhật nguyệt hai vầng tở mở,

Đâu có móc đọng đâu có sương rơi.

Đâu còn có dòng máu nóng con người,

Ở nơi đó ngài vẫn được tôn sùng quí báu.»

(Trung Dung, 31)

Điều đó không sai, vì Thánh Vịnh David cũng viết:

«Danh người sẽ muôn đời sáng tỏ,

Cùng vầng dương muôn thuở lâu lai.

Muôn dân diễm phúc nhờ người,

Phúc người truyền tụng muôn đời dài lâu.»

(Thánh Vịnh David, 72, 17)

Sách Minh Triết viết:

«Nhờ minh triết tiếng ta vang dậy,

Trẻ như ta, già thảy kính tôn,

Ngồi tòa, thiên hạ khen khôn,

Gặp ta, vương tướng cũng còn ngạc nhiên.

Ta nín lặng, người thêm mong đợi,

Ta nói năng, người vội lắng nghe.

Lời ta nhả ngọc phun huê,

Làm cho thiên hạ say mê nghe hoài.

Nhờ minh triết muôn đời trường thọ,

Ta lưu danh vạn cổ hậu lai,

Muôn dân ta quản, ta coi,

Muôn dân, muôn nước, trong ngoài phục ta.»

(Minh Triết, 8, 10, 14)

Vả lại, đức Khổng vừa rất cổ vừa rất kim, là vì Ngài đã đi vào được tới lương tâm con người, mà lương tâm thời không có cổ kim, không có mầu da, sắc áo, không có biên cương, bờ cõi.

Ngày nay chúng ta sở dĩ không hiểu nổi cổ, không theo kịp kim, là vì con đường nội tâm chúng ta đã bị lau lách dục vọng làm cho bế tắc.

Mạnh Tử nói với Cáo Tử: «Trong núi, nếu người ta vạch một lối mà đi, lại thường thường, thì lối ấy thành ra một cái lộ. Rồi nếu trong một thời gian người ta chẳng dùng cái lộ ấy, thì cỏ lau sẽ làm cho nó bế tắc. Hiện nay lòng dạ ngươi đã bị cỏ lau bế tắc mất rồi.» (MT, Tận Tâm, hạ, 21).

Chính vì đã đi được vào lương tâm, vào tâm linh con người, chính vì chuyên khảo về những định luật, những nguyên lý tự nhiên, những nguyên tắc lý tưởng, chi phôi đời sống con người, cũng như sự biến dịch của hoàn vũ, nên đức Khổng chẳng hề có lỗi thời. Ngày nay, học về đạo Khổng ta thấy nó luôn luôn gần gũi với ta, vì nó không phải là một thứ kiến trúc tinh thần, văn học xa xưa, mà nó chỉ là phản ảnh của chân đạo, chân lý của tâm thần ta, phản ảnh cuộc biến dịch tuần hoàn trong vũ trụ.

Trong bức thư đề ngày 6- 9- 69, đăng tải trong báo Minh Tân nguyệt san, số 1, bộ mới, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền có những nhận xét hết sức tinh tế về Khổng giáo như sau:

«Đành rằng trong hiện tại Khổng giáo không còn mấy người theo học. Nhưng đó là Khổng giáo hình thức. Cái khẩn thiết cho tất cả người Việt chúng ta là phần tinh thần của Khổng giáo, thứ Khổng giáo đại đồng bàng bạc khắp không gian, thời gian, từ những trang sử xưa, dòng sách cổ, đến những đền đài, miếu mạo, đến tập tục, ngôn ngữ, tín ngưỡng, nếp sống hằng ngày của dân tộc ta.

«Ẩn tàng trong mọi người, tinh thần ấy là một trong những yếu tố của cái nay ta gọi là dân tộc tính, là hồn nước. Làm sống dậy tinh thần ấy, là làm sống lại hồn nước, đồng thời làm thức tỉnh thiên lương.

«Đạo Khổng lấy”cách vật trí tri, thành ý, chính tâm” làm phương tiện, lấy”minh minh đức” tức hoàn thiện nhân cách, làm cứu cánh. Thế là Khổng học đã đặt cá nhân làm đơn vị cho xã hội. Muốn xã hội tốt, cá nhân cần phải được tinh luyện đến chí thanh chí chánh, bởi lẽ ý thành, tâm chánh thì đạo chứng đến chỗ chí Thiện, chí Chân - tôi muốn nói chung đến chân lý tối hậu của vũ trụ và nhân sinh, đến uyên nguyên của cuộc sống…»

Ngày nay, ta thấy ở ít nhiều nước Á Châu, ví dụ như ở Trung Hoa lục địa, người ta đã cố vùi lấp cái dĩ vãng đầy tràn ảnh hưởng Khổng giáo để theo chủ nghĩa Các Mác. Nhưng lạ lùng thay, gần đây ông tổ cách mạng Trung Hoa là mao Trạch Đông, đã có lần trích dẫn Luận Ngữ để tự hỏi rằng có phải vì ông đã phạm lỗi lầm, mà Trời đã bắt ông phải tuyệt tự, đã để cho một con ông bị chết, một con ông bị điên không? [10]

Vả, nếu có những nước Á Châu muốn giã biệt Khổng Tử, thì Khổng Tử đã và đang được tiếp đón bên Tây phương.

Năm 1593, linh mục Matteo Ricci đã dịch Tứ Thư ra La ngữ.

Năm 1626, N. Trigault đã dịch Tứ Thư, Ngũ Kinh sang La ngữ.

Gần đây ta có những bản dịch Tứ Thư, Ngũ Kinh rất có giá trị như:

- Bản dịch Tứ Thư, Ngũ Kinh của James Legge bằng Anh văn.

- Bản dịch Tứ Thư, Ngũ Kinh của Linh mục Seraphin Couvreur bằng hai thứ tiếng Pháp và la.

- Bản dịch Kinh Dịch ra tiếng Pháp của Philastre.

- Bản dịch Kinh Dịch ra tiếng Đức của Richard Wilhelm. Sau này bản dịch ấy lại được dịch ra Anh văn, v.v…

Và kỳ lạ thay, chính nhờ những bản dịch công phu ấy của Âu Châu mà ta đã hiểu Khổng giáo một cách dễ dàng hơn trước nhiều.

Nhà triết học Carl Jung đã viết lời dí dỏm như sau: «Chúng ta đã chinh phục được Á Đông, nhưng tinh thần Á Đông đã thâm nhập vào mọi khí khổng và đã đạt tới những nhược địa của Âu Châu. Có thể gọi đó là một bệnh truyền nhiễm mà cũng có thể coi đó là một phương dược.» [11]

Để chứng minh đức Khổng vẫn còn rất là tân tiến, rất là hợp thời, dưới đây chỉ xin trưng ra ít nhiều bằng chứng:

1- Như trên đã nói, đức Khổng chủ trương chân đạo phát xuất tự chân tâm, và Trời chẳng có ở đâu xa, Trời đã ở ngay trong đáy lòng con người.

Thì mới đây trong số báo Time ra ngày 26- 12- 1969 với chủ đề là «Thượng Đế có đang sống lại không?» (Thượng Đế có đang trở lại cuộc đời ta không?) và với phụ đề «Những khoa thần học biến thể cho một thế giới biến thể», ta thấy có đoạn rất là kỳ thú sau đây với tiểu đề là «Sự du hành nội tâm».

Trong đề mục này, bà Jean Houston, một triết gia kiêm tâm lý học gia, giám đốc viện khảo cứu về tâm linh ở Mỹ, tin rằng những cuộc thí nghiệm gần đây về nội giác bằng những phương pháp tâm lý học, hay bằng những dược liệu, đã đưa đến sự phát sinh ra một nền thần học chứng nghiệm. Theo bà Houston, thì tâm hồn con người có một điểm tiếp xúc được với đại thể, một đại thể đã được chứng nghiệm là thần linh.

Trong các phòng thí nghiệm, ngày nay người ta đã cải thiện được các phương pháp các dòng tu xưa đã dùng, nên con người ngày nay, càng ngày càng tiếp xúc được với sự linh thiêng nội tại ấy. Bà Houston cho rằng khoa thần học rồi đâysẽ bị chi phối, hướng dẫn bởi những cuộc du hành nội tâm, bằng phương cách này hay bằng phương cách khác.[12]

Như vậy tức là con người đời nay đang chập chững đi vào nội tâm để tìm Trời, tìm thần linh, một công chuyện mà đức Khổng cũng như các hiền thánh xa xưa đã làm từ mấy nghìn năm nay. Hệ Từ Thượng, nơi chương XI, có nói: «Thánh nhân dĩ thử tâm thoái tàng ư mật» chính là muốn dạy con người đi vào trong tâm, thanh lọc tâm thần để tìm cho ra Trời tiềm ẩn trong lòng mình vậy.

2- Từ ngàn xưa đức Khổng đã nói: «Thiên hạ lo gì, nghĩ gì? Đường đi khác nhau, nhưng mục đích là một, tư lự trăm chiều mà chân lý không hai» (Thiên hạ hà tư hà lự? thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất tri nhi bách lự. Thiên hạ hà tư hà lự?) (Dịch, Hệ Từ Hạ); thì ngày nay sau mấy nghìn năm thù ghét nhau, hãm hại nhau, giết lát, chém giết nhau vì bất đồng tín ngưỡng, con người gần đây đã tỏ ra thông cảm, hiểu biết nhau hơn, và ta đã thấy những phong trào hòa đồng tôn giáo, với mục đích là tìm hiểu lẫn nhau, kính trọng lẫn nhau, đối thoại với nhau, hay ít ra là thân thiện với nhau hơn.

3- Ấy là chưa kể đến «Đại đồng thuyết» của Khổng Tử: «Thiên hạ là một nhà, bốn biển đều là anh em», mà còn lâu lắm con người mới có thể thực hiện được.

Như vậy, chẳng phải đức Khổng là con người vừa rất cũ vừa rất mới là gì?

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh