Chân Dung Khổng Tử: Chương 12. Đức Khổng, Con Người Linh Động Và Uyển Chuyển

CHÂN DUNG KHỔNG TỬ: CHƯƠNG 12. ĐỨC KHỔNG, CON NGƯỜI LINH ĐỘNG VÀ UYỂN CHUYỂN

Đức Khổng là một trong những người đã biết áp dụng Dịch lý vào cuộc đời, cho nên cuộc sống của Ngài hết sức linh động và uyển chuyển.

Khảo sát đời sống Ngài, ta sẽ hiểu cách người xưa áp dụng Dịch lý vào đời sống, vào cách tiếp nhân xử thế; xử kỷ, đối vật; vào cách trị dân.

Trong chương này ta sẽ nghiên cứu xem:

  1. Đức Khổng áp dụng Dịch lý vào đời sống Ngài ra sao?
  2. Người xưa áp dụng Dịch lý vào phép trị dân ra sao?
  3. Dịch Kinh đại khái chủ trương những gì?
  4. ĐỨC KHỔNG ÁP DỤNG DỊCH LÝ VÀO CUỘC ĐỜI NGÀI RA SAO?

Dịch lý là các định luật chi phối mọi cuộc biến thiên, chuyển dịch trong hoàn võ và trong nhân sinh, nhân thế.

Con người sinh ra ở đời không thể trần trần một nếp, không thể ù lì bất động, mà phải biến thiên; phải biết khuất, thân, tiến, thoái; phải biết tùy thời xử thế; tùy cảnh ngộ mà xuất xử, hành tàng.

Đằng khác, con người sinh ra không phải để thích ứng (adaptation) suông với hoàn cảnh, mà còn có nhiệm vụ tiến hóa (évolution). Tiến hóa tức là phát triển, thi thố mọi tiềm năng, tiềm lực của mình. Trong tiếng Đức, chữ Entwicklung vừa có nghĩa là tiến hóa, vừa có nghĩa là phát triển (développement).

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Các định luật biến động, chuyển dịch là là những định luật chi phối vũ trụ quần sinh.

Đức Khổng một hôm đứng trên bờ sông, đã than thở:

«Vật như sông nước cùng trôi,

Ngày đêm chuyển dịch, chẳng ngơi, chẳng ngừng!»

(Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ. - LN, IX, 16; xem them: Khổng Tử thánh tích đồ, trang 60, 61)

Ý Ngài muốn dạy đệ tử rằng: thể theo mạng Trời, mọi vật trong vũ trụ đều biến hóa; dầu ngày, dầu đêm, dầu trong phút chốc, không vật gì ngừng nghỉ một chỗ. Vậy kẻ học đạo nên đắc lý ấy, mà tiến lên trên đường đạo lý; mỗi ngày nên cải hóa lấy mình. (Cf. LN, Đoàn Trung Còn dịch, trang 141, lời bàn của Đoàn Trung Còn).

  1. ĐỨC KHỔNG BIẾT THÍCH THỜI, QUYỀN BIẾN

Vì thế nên chủ trương của đức Khổng là uyển chuyển, tùy thời xử thế.

Ngài nói: «Người quân tử ở trên đời không nhất thiết phò cái gì, không nhất thiết chống cái gì; cái gì phải thời theo.» (Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mịch dã, nghĩa chi dĩ tỉ. - LN, IV, 10).

Nhân khi phê bình các ẩn sĩ như Bá Di, Thúc Tề, Hạ Huệ, Thiếu Liên, v.v…đức Khổng tuyên bố Ngài không giống các vị ấy, vì Ngài đã không nhất thiết vạch sẵn cho mình một thái độ, một đường lối bất di, bất dịch; nhưng Ngài uyển chuyển tùy thời. Ngài nói: «Ta thì không thế, không nhất thiết là không thể, không nhất thiết là có thể.» (LN, XVIII, 8: Ngã tắc dị ư thị, vô khả, vô bất khả. - xem thêm Mạnh Tử, Công Tôn Sửu thượng.)

Đức Khổng rất trọng chữ Thời, nên trong Kinh Dịch có tất cả 12 quẻ đã đề cập đến chữ Thời, mà ta có thể trình bày thành mấy vần thơ sau đây:

«Thời đại hỹ tai» bốn quẻ gồm:

CÁCH, DI, ĐẠI QUÁ, GIẢI theo luôn;

DỰ, ĐỘN, CẤU, LỮ bàn «thời nghĩa»;

«Tùy thời chi nghĩa» độc TÙY suông;

Nói về «thời dụng» âu ba quẻ:

Một KHẢM, hai KHUÊ, KIỂN nữa tam.

Vì thế Ngài hết sức linh động. Nhan Hồi hỏi Ngài về cách trị nước. Ngài trả lời:

- Nên theo lịch nhà Hạ (2205- 1765) (vì lịch đó lấy tháng Dần làm tháng giêng, tháng đầu năm. Lúc ấy thời tiết đã bớt lạnh, thuận tiện cho công việc đồng áng).

- Nên đi xe nhà Ân (vì xe nhà Ân bền chắc).

- Nên đội mũ nhà Châu (vì mũ nhà Châu khéo hơn, đẹp hơn).

- Nên dùng nhạc Thiều của vua Thuấn (2255- 2205) vì nhạc ấy toàn mỹ, mà không nên dùng nhạc Trịnh (806- 395), tuy mới hơn, nhưng khiêu dâm (xem LN, XV, 10; LN Đoàn Trung Còn, 245) [1]

Tinh thần quyền biến ấy còn được minh chứng bằng ba trường hợp khác nhau sau đây:

a- Trong thiên Tử Hãn IX, 3, đức Khổng nói: «Đội mũ bằng gai là theo lễ xưa. Nhưng đời nay người ta toàn dùng mũ bằng tơ rẻ tiền hơn. Vậy ta làm theo đại chúng.»

«Còn trong việc bái yết vua, mình ở dước bậc thềm mà bái theo lễ xưa. Nhưng ngày nay các quan đều ở bậc trên mà bái. Tuy ta trái với đại chúng, nhưng ta vẫn theo lễ xưa là ở dưới bậc thềm mà chiêm bái vậy.» (LN, Tử Hãn IX, 3)

b- Trong thiên Tiên Tấn XI, 1, Ngài nói: «Về phương diện lễ nhạc, người xưa xem ra quê mùa hơn, người nay xem ra thanh lịch hơn. Nếu như ta dùng lễ, ta sẽ theo người xưa.» (LN, Tiên Tấn XI, 1).

c- Về lễ, sau khi đã khảo sát lễ nhà Hạ, nhà Ân, nhà Châu, Ngài theo nghi lễ nhà Châu, vì thấy trang nghiêm rực rỡ hơn. (Cf. LN 9, 14.- Trung Dung, XX)

Mạnh Tử, một triết gia chủ trương quyền biến tùy thời (xem Mạnh Tử, Ly Lâu thượng VII, 17) đã hết lời khen đức Khổng là một vị thánh nhân biết «tùy thời». Mạnh Tử viết:

«Đức Khổng khi ra khỏi nước Tề, gạo vừa vo xong, chưa kịp nấu chín, thế mà Ngài tiếp lấy và vội vã ra đi. Khi ra khỏi nước Lỗ, Ngài nói rằng:”Ta đi chậm chậm vậy thôi.” Đó là cách buộc lòng rời đất nước của cha mẹ vậy. Lúc cần đi gấp thì Ngài đi gấp; lúc cần ở lâu thì Ngài ở lâu. Khi nên lui về ẩn, thì Ngài lui về ẩn; khi nên tiến ra làm quan thì Ngài tiến lên làm quan. Đó là phong độ của đức Khổng vậy… Ngài là một bậc thánh biết thích thời.» (Xem Mạnh Tử, Vạn Chương chương cú hạ X, 1)

Mạnh Tử viết thêm: «Đức Khổng bình sinh ra làm quan là do một lẽ trong ba lẽ này: một là thấy mình có thể thi hành đạo lý; hai là nhà vua giao tế với mình có lễ phép và cung kính; ba là thấy bậc quốc quân ái mộ tài đức mình, đem công quỹ ra mà cấp dưỡng mình vậy. Hồi ở nước Lỗ, lúc ông Quí Hoàn Tử cầm quyền, thấy mình có thể thi hành đạo lý, Ngài đã ra làm quan. Khi ở nước Vệ, nhằm khi vua Linh Công giao tế với Ngài có lễ phép và cung kính, Ngài chịu nhận chức quan. Và lúc ở Vệ, nhằm đời vua Hiến Công (Xuất Công), vua ái mộ tài đức Ngài, đem công quỹ ra mà cấp dưỡng Ngài, cho nên Ngài mới ra làm quan vậy.» (Mạnh Tử, Vạn Chương chương cú hạ, 4).

  1. ĐỨC KHỔNG «TỐ KỲ VỊ NHI HÀNH»

Đức Khổng đã triệt để áp dụng phương châm «quân tử tố kỳ vị nhi hành» mà Tử Tư đã ghi chép lại trong Trung Dung như sau:

«Người quân tử sống theo địa vị,

Không ước mơ lo nghĩ viễn vông.

Sang giàu sống lối giàu sang,

Nghèo nàn sống lối nghèo nàn ngại chi.

Tới man di, sống y man mọi,

Gặp gian lao, vui nỗi gian lao.

Bất kỳ sống ở cảnh nào,

Lòng người quân tử ra vào thỏa thuê.

Ở cấp trên không đè nén dưới,

Ở dưới không luồn cúi người trên.

Trời, người, chẳng oán chẳng phiền,

Ung dung thanh thản, chờ xem ý trời.»

(Trung Dung chương XIV)

Nguyên tắc này, đức Khổng lại nhắc lại nơi Tượng Truyện quẻ Cấn.

«Cấn là núi mọc chập chùng,

Quântử cư vị, chứ không ra ngoài.»

(Tượng viết: Kiêm sơn. Cấn. Quân tử dĩ tư bất xuất kỳ vị. - Dịch, Cấn quái, Tượng Truyện).

Đó cũng chính là đường lối của Văn Vương mà Đại Học đã đề cao:

«Văn Vương thâm thúy biết bao,

Luôn luôn lo giữ sống sao chu toàn.

Làm vua: một dạ nhân khoan,

Làm tôi: kính cẩn lo toan hết lòng.

Làm con: hiếu thảo thủy chung,

Làm cha: nhân ái, bao dung, khoan từ.

Cùng người tiếp đãi giao du:

Một lòng thành tín, khư khư chẳng rời.»

(Đại Học chương III)

Biết nguyên tắc này, ta sẽ hiểu rõ hơn hành vi và thái độ của đức Khổng.

Đức Khổng chủ trương: «Nếu mình chẳng có chức vị trong một xứ, thì chẳng cần mưu tính chính sự của xứ ấy.» (Tử viết: Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chánh. - LN, VIII, 15.)

Mạnh Tử nói: «Đức Khổng khi mới ra làm quan, Ngài từng làm chức Ủy lại (tiểu quan trông coi thương khố). Ngài nói rằng:”Ta chỉ lo cho sổ sách phù hợp với việc thâu xuất lúa thóc, như vậy là đủ rồi.” Rồi Ngài làm chức Thặng điền (tiểu quan lĩnh việc chăn nuôi). Ngài nói rằng:”Ta nuôi bò, chiên cho mập mạp, mạnh khỏe và chóng lớn, thế là đủ rồi.” Ở địa vị thấp mà trèo đèo lên tước vị cao, là phạm tôi việt chức vậy. Làm quan lớn tại triều đình, mà chẳng thi hành đạo lý để dạy dân, giúp nước, đó là một điều sỉ nhục vậy. Đức Khổng không hề mắc hai lỗi đó.» (Mạnh Tử, Vạn Chương hạ, 5.)

Vạn Chương hỏi rằng: «Đức Khổng khi có lệnh vua triệu, chẳng đợi thắng xe, Ngài đi liền. Như vậy đức Khổng có điều chẳng phải chứ gì?» Mạnh Tử đáp: «Đức Khổng thuở ấy đang làm quan, Ngài thi hành phận sự của một viên quan. Vua vì chức quan của Ngài mà triệu Ngài vậy.» (Xem Mạnh Tử, Vạn Chương X, 7. - xem thêm LN, X, 13: Quân mạng triệu, bất sĩ giá, hành hỹ.)

III. ĐỨC KHỔNG AM TƯỜNG LẼ BIẾN DỊCH, THĂNG TRẦM CỦA TRỜI ĐẤT

Ngài viết nơi Thoán Truyện quẻ Phong:

«Vừng dương cao sẽ xế ngang,

Trăg tròn, rồi sẽ chuyển sang vơi, gầy.

Đất trời, lúc rỗng, lúc đầy,

Thăng trầm, tăng giảm, đổi thay theo thời.

Đất trời còn thế, nữa người.

Quỉ thần âu cũng một bài thịnh suy.» [2]

Cho nên Ngài dạy phải bền gan, trì chí, chớ nên thất vọng khi cùng khổ. Luận Ngữ viết: «Quân tử cố cùng.» (LN, XV, 1). Hào Thượng Cửu quẻ Bĩ viết:

«Tượng rằng bĩ cực thái lai,

Có gì trường cửu ở đời này đâu?» [3]

Ngược lại, Ngài chủ trương phải hết sức khiêm cung, cẩn trọng khi thịnh mãn; chỉ có như vậy mới giữ được sự thịnh mãn của mình.

Trong quyển Khổng Tử Thánh Tích Đồ có kể: Trong miếu thờ Lỗ Hoàn Công có treo một bình gọi là «y khí». Để không thì nghiêng; đổ nước vào lưng chừng thì ngay ngắn, đổ nước đầy tới miệng thì lật úp sấp lại. Vua chúa treo để tự răn. Đức Khổng bảo môn đệ đổ nước thí nghiệm, thấy đúng như vậy. Ngài dạy các môn đệ rằng: Muốn trì mãn (giữ sự sung mãn), phải hết sức khiêm cung (Xem Khổng Tử Thánh Tích Đồ trang 62, 63). Ngài cũng dạy đệ tử bài học khiêm cung tương tự, khi Ngài đọc tới hai quẻ Tổn, Ích (Xem Khổng Tử Thánh Tích Đồ trang 81). Lý do là vì:

«Trời làm vơi chốn rồi rào,

Mà thêm vào những chỗ nào khiêm cung.

Đất soi mòn, bớt cao phong,

Để cho lòng biển, lòng sông thêm dày,

Quỷ thần hại kẻ no đầy,

Mà đem phúc lại cho người khiêm cung.

Người thường ghét kẻ thừa dùng,

Còn người khiêm tốn thật lòng, thời ưa.

Trên khiêm, thì sáng mãi ra,

Dưới khiêm, ai kẻ hơn ta được nào,

Khiêm cung, giữ vẹn trước sau,

Rồi ra, quân tử gót đầu hanh thông.»

(Dịch, Khiêm quái, Thoán Truyện)

  1. ĐỨC KHỔNG TỬ NHÌN THẤY CƠ VI CỦA CUỘC BIẾN HÓA

Theo Dịch lý cái gì cũng phát triển, chuyển dịch từ bé đến lớn, từ gần đến xa. Cho nên đức Khổng dạy người phải ngăn chặn họa hoạn, tai ương, loạn lạc ngay từ khi chúng mới nất nanh, mầm mộng.

Luận Ngữ viết: «Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu.» (Người không lo xa, ắt có rầu gần. - LN, XV, 2). Nơi quẻ Khôn, đức Khổng dạy về «phòng nguy lự hiểm» như sau:

«Nhà nào tích thiện sẽ hay,

Nhà nào tích ác sẽ đầy tai ương,

Tôi mà dám giết quân vương,

Con mà giết bố, dễ thường ngay sao?

Việc đâu một sớm, một chiều,

Duyên do tích lũy, bao nhiêu lâu rồi.

Duyên do lần dẫn tới nơi,

Tại mình chẳng sớm phanh phui tỏ tường.

Dịch rằng: Khi bước trên sương,

Hãy phòng băng cứng, thời thường đến sau,

Ý rằng chuyện sẽ nối nhau,

Nếu mình để mặc từ đầu, đến đuôi.»

(Dịch, Khôn quái, Văn Ngôn, hào sơ lục.)

  1. ĐỨC KHỔNG CHỦ TRƯƠNG LÀM GÌ CŨNG PHẢI TÙY THỜI, NHẤT LÀ TRONG PHẠM VI CHÁNH TRỊ

Theo Dịch lý, một công chuyện gì cũng có đầu, có đuôi, có giai đoạn, có tiết tấu. Phàm công chuyện gì muốn nên công, chẳng những cần đến tài đức của người chủ xướng mà còn cần đến hoàn cảnh thuận tiện, thời cơ thuận tiện, tâm cơ thuận tiện. Phàm việc gì bị gàng quải sẽ khó nên công; phàm việc gì được ủng hộ sẽ dễ thành sự. Như vậy tuy ta làm điều hay, mà lỗi thời, lỗi vận, trái cảnh, trái nơi, ngược đời, ngược chúng, cũng thất bại như thường; dẫu người làm điểu dở, nhưng khéo xoay, khéo xở, lại gặp thời, gặp vận vẫn thành công như thường. Vì thế người quân tử phải lấy đó làm phương châm hành sự.

Lúc nước có đạo, nên đem tài sức ra giúp đời, vì đó là thời cơ thuận tiện để thi hành đạo lý.

Quẻ Thái, hào Sơ Cửu viết:

«Hào Sơ Cửu, cỏ gianh muốn nhổ,

Nhổ một cây, cụm bửa lên theo,

Giúp đời, đã đúng lúc chiều.»

Khi nước vô đạo, khi tiểu nhân lên cầm quyền, người quân tử cần phải lui về ẩn dật.

Tượng Truyện quẻ Bĩ viết:

«Tượng rằng: Trời đất quải gàng,

Mỗi bên, mỗi ngã, đôi đàng chẳng giao.

Hiền nhân đức cả, tài cao,

Liệu bề che dấu, cốt sao thoát nàn.

Đừng mong lợi lộc, vinh quang.

Tiểu nhân đắc thế, ẩn tàng là hơn.»

  1. ĐỨC KHỔNG BIẾT RẰNG CON NGƯỜI BỊ HOÀN CẢNH CHI PHỐI RẤT NHIỀU

Theo Dịch lý, sự biến hóa và môi trường biến hóa có ảnh hưởng và liên lạc với nhau rất nhiều. Vì thế đức Khổng dạy các môn đệ không được đến một nước loạn lạc, vô đạo, đảo điên (LN, VII, 14: Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư). Hơn nữa phải xa lánh kẻ tiểu nhân. Đã không ý hợp tâm đầu với tiểu nhân, mà còn mưu sự với tiểu nhân, thời tránh sao được họa hại? (LN, XV, 39: Đạo bất đồng bất tương vi mưu.)

Dịch Kinh về điểm này đã luận như sau:

«Dịch kinh, trong cả toàn pho,

Gần mà chẳng hợp, tức là chẳng hay.

Chẳng hay, họa hại có ngày.

Phàn nàn, tủi hận dắt dây hiện hình.»

(Hệ Từ Hạ chương 12: Phàm Dịch chi tình. Cận nhi bất tương đắc. Tắc hung. Hoặc hại chi. Hối thả lận.)

VII. ĐỨC KHỔNG CHỦ TRƯƠNG PHÀM LÀM CÔNG VIỆC GÌ CŨNG CẦN PHẢI CÓ NGHIÊN CỨU, CÓ TỔ CHỨC, CÓ GẮNG GỎI MỚI NÊN CÔNG

Trung Dung viết:

«Việc gì tính trước cũng linh,

Không toan tính trước âu đành dở dang.

Lời xếp trước, hoang mang khôn lẽ,

Việc tính rồi hồ dễ rối ren.

Hành vi đã sẵn chốt then,

Sẽ không vấp vướng, sẽ nên tinh thành.

Đạo làm người có rành duyên cớ,

Sẽ mênh mang muôn thuở, muôn đời…»

(Trung Dung chương XX)

Sự chuẩn bị chu đáo đó cũng đã được Kinh Dịch đề cao như sau:

«Hiền nhân thủ khí trong người,

Đợi thời hoạt động, đợi thời ra tay.

Sẵn đồ, lại sẵn dịp may,

Làm gì mà chẳng được hay, được lời.

Làm mà thông suốt, xong xuôi,

Không vương trở ngại, ắt thời nên công.

Ý rằng: Sắm đủ đồ dùng,

Sắm sanh đầy đủ, ra công mới là.»

(Dịch, Hệ Từ Hạ, chương V, bình giải hào Thượng Lục quẻ Giải)

Hơn nữa, lúc nào cũng phải thận trọng, lo lắng, dẫu công trình đã gần tới thành công.

Hào Cửu Ngũ quẻ Bĩ viết:

«Cơn đen, vận bĩ đã lui,

Đại nhân đã gặp được hồi hay ho.

rằng nguy, rằng hỏng mới là,

Khóm dâu vững chãi, thiết tha buộc ràng.»

(Dịch, Bĩ quái, hào Cửu Ngũ.)

Hệ Từ quảng luận hào này như sau:

«Nguy thay, kẻ tưởng vững ngôi,

Táng vong, kẻ tưởng thảnh thơi, trường tồn.

Loạn là kẻ tưởng trị an,

Tưởng an, khinh thị, ly loàn mới sinh.

Cho nên, quân tử giữ mình,

Đương yên, mà vẫn nhớ rành cơn nguy.

Đang còn, vẫn sợ mất đi.

Nước yên, mà vẫn phòng khi ly loàn.

Biết lo, thân mới được an,

Biết lo, nên mới bảo toàn quốc gia.

Dịch rằng: Rằng nguy, rằng hỏng, mới là,

Khóm dâu vững chãi, thiết tha buộc ràng.»

(Hệ Từ Hạ, V)

VIII. TUY NHIÊN ĐỨC KHỔNG CHO RẰNG HAY TẠI MÌNH, DỞ CŨNG TẠI MÌNH

Mạnh Tử thuật:

Thuở xưa có một đứa trẻ hát:

«Thương Lang nếu nước mà trong,

Ta đem giải mũ ra giòng giặt chơi.

Thương Lang nước đục thời thôi,

Ta dùng ta rửa, rửa đôi chân này.»

Nghe câu hát ấy, đức Khổng nói với đệ tử rằng: «Các ngươi hãy lắng nghe: Nước trong thì dùng giặt giải mũ; nước đục thì dùng rửa bàn chân. Đó là người ta tùy theo sự tốt xấu, trong đục mà dùng vậy. Này, một người tự khinh mình trước, rồi kẻ khác mới khinh khi mình. Một nhà tự hủy hoại mình trước, rồi kẻ khác mới hũy hoại nhà mình. Một nước mà phe này, đảng nọ, người này, kẻ khác đánh nhau, rồi nước khác mới thừa dịp mà đánh nước mình.»

Trong thiên Thái Giáp, Kinh Thư có chép rằng: «Những tai ách do Trời làm ra, mình còn tránh được; những tai ách do tự mình gây nên, thì mình phải chết.» (Xem Mạnh Tử, Ly Lâu thượng, 8). Thế là «Linh tại ngã, bất linh tại ngã.»

Trung Dung viết:

«Người quân tử như tay xạ thủ,

Chệch hồng tâm, lỗi đó trách mình.»

(Trung Dung, XIV)

  1. ĐỨC KHỔNG LINH ĐỘNG, BIẾN DỊCH CỐT LÀ ĐỂ THỰC HIỆN ĐẠO LÝ, CỐT LÀ ĐỂ ĐI ĐẾN CHỖ TOÀN THIỆN

Đức Khổng tùy thời xử thế, cốt là để tu đạo lập thân, đem Trung, đem toàn thiện vào trong lòng mình (TRUNG), rồi ra sẽ thành nhân chi mỹ (LN, XII, 15), làm cho người trở nên giống mình (THỨ) để cùng nhau tiến bước mãi mãi, cố gắng mãi mãi (LN, X, 18), và chỉ dừng bước nơi mức hoàn thiện (Chỉ ư chí thiện. - Đại Học 1).

Tóm lại, làm người phải biết thời cơ, như chim trĩ trước khi muốn đậu, liệng vòng tròn rồi mới đậu, thấy người có khí sắc dữ tợn thì bay đi (LN, X, 18); và phải biết «chỉ ư chí thiện» như chim hoàng điểu, nói trong Đại Học, biết tìm nơi góc núi mà đậu cho yên thân. (ĐH III: Miên mang hoàng điểu, chỉ vu kỳ ngung).

  1. NGƯỜI XƯA ÁP DỤNG DỊCH LÝ VÀO PHÉP TRỊ DÂN RA SAO?

Trong Tứ Thư, Ngũ Kinh,, đức Khổng đã nhiều lần lấy gương xưa tích cũ, đường xưa lối cũ ra để gián tiếp dạy người cầm quyền phải áp dụng Dịch lý vào công cuộc chính trị.

Người xưa trị dân dực vào ba nguyên tắc:

- Thuận theo thời trời

- Thuận theo thế đất

- Thuận theo lòng người.

  1. Trị dân thuận theo thời trời

Người xưa trị dân rất chú trọng đến thời trời, vì thế rất chú trọng đến thiên văn và lịch số.

Vua Nghiêu từng sai Hi, Hòa khảo sát tinh tượng, tiên đoán các ngày nhật thực, nguyệt thực, v.v… Thời Nghiêu đã có tên nhị thập bát tú… (xem Kinh Thư, Nghiêu Điển).

Thiên Nguyệt Lệnh trong Lễ Ký đã mô tả tỉ mỉ công việc của nhà vua trong từng tháng mỗi năm.

Đại khái:

- Trong những mùa Xuân, Hạ, nhựa sống đang tràn đầy trong vũ trụ, công việc đồng áng tằm tang đang bận rộn, vua sẽ không động dụng đến dân chúng, sẽ không giết lát tội nhân, không động dụng quân sĩ binh đao; dân sẽ không giết chim, phá tổ; không săn bắn; không vét lát sông hồ; không đốt phá rừng rú; không chặt cây, đẵn cối. Vả cây cối đẵn vào mùa Xuân, Hạ sẽ dễ bị mọt. (Phàm mộc Xuân Hạ trảm giả đa đố. - Khâm định Lễ Ký án. Cf. Couvreur Li Ki, I, p. 369)

- Trong những mùa Thu, Đông, vạn vật héo khô dần, vua mới bắt đầu cho thi hành các hình án trảm quyết. thu, Đông là những mùa gặt hái, thâu liễm. Người xưa chặt cây, chặt tre vào ngày Đông Chí.

- Khi Âm Dương nhị khí giao nhau, nên giảm công việc, tránh viễn hành. (Xem Nguyệt Lệnh, các ngày Đông Chí, Hạ Chí).

- Trước Xuân Phân ba ngày thường có sấm động; nhà vua truyền dân chúng kiêng việc phòng sự, kẻo sinh quái thai.

- Ngày Xuân Phân và Thu Phân, nhật dạ tương đồng, nên nhà vua truyền xem xét lại cân lường, đấu hộc, v.v… (Xem Nguyệt Lệnh Lễ Ký Couvreur I, 330, 410. Xem Nguyệt Lệnh trong quyển Khổng Học Tinh Hoa của tác giả, trang 337- 438).

  1. Người xưa trị dân thuận theo thủy thổ

Vua Vũ là vị vua Trung Hoa đầu tiên rất sành về địa lý. Ngài đã vẽ địa đồ nước Trung Hoa. Thiên Vũ Cống trong Kinh Thư cho thấy:

Ngài biết rõ:

- Địa thế từng miền.

- Năng suất đất đai của từng miền.

- Nghề nghiệp của từng miền.

- Đường lối giao thông của từng miền.

Tùy theo sức sản xuất và sự phú cường của từng miền, Ngài định thuế khóa và phẩm vật cống hiến. (Xem Kinh Thư Vũ Cống.)

Lễ Ký viết: «Các thánh vương xưa thuận theo định luật trời đất mà cai trị. Các Ngài không bắt người vùng núi xuống ở vùng biển; không bắt người ở ngoài đảo vào ở trong đồng. Các Ngài sử dụng ngũ hành, sử dụng nguyên liệu vật thực tùy theo thời. Các Ngài tùy tuổi dân mà cho phép kết hôn; tùy tài đức mà ban tước vị.

«Các Ngài sử dụng dân theo đúng thời tiết, cho nên trong nước thoát thủy tai, hạn hán, côn trùng; dân chúng không lo đói khát.» (Cf. Lễ Ký, Lễ Vận, tiết IV, 16. Couvreur Li Ki, I, 535; xem thêm Lễ Ký, Lễ Khí, tiết II, 10; tiết 1, 3.)

  1. Người xưa cai trị thuận theo nhân tâm

Các vị thánh vương xưa cho rằng dân muốn là trời muốn, nên làm vua phải biết thuận nhân tâm.[4]

Vậy nên các vua xưa, làm việc gì trọng đại, thường hỏi ý dân, hay ít ra là giải thích cho dân, cho quân được rõ nguyên do hành động của mình.

- Thành Thang trước khi cất binh đánh vua Kiệt nhà Hạ, đã làm bài Thang Thệ, phủ dụ dân quân (Xem Kinh Thư, Thang Thệ).

- Võ Vương trước khi cất binh đánh vua Trụ nhà Thương, đã họp quân sĩ và chư hầu ở bến Mạnh Tân, để hiểu thị (Xem Kinh Thư, Thái Thệ).

- Vua Bàn Canh khi muốn dời đô từ Cảnh sang Ân để đề phòng lụt lội cho dân, đã hội họp dân lại để giải thích hơn thiệt. (Kinh Thư, Bàn Canh).

Đại Học viết:

«Sướng thay bậc phụ mẫu dân,

Cùng dân yêu ghét muôn phần chẳng sai.

Đáng làm cha mẹ muôn người.»

(Đại Học X)

Luận Ngữ chủ trương phải sử dụng dân cho hợp thời (LN, I, 5: Sử dân dĩ thì.)

Trung Dung cũng ghi:

«Muốn bách tính kính tin một dạ,

Xâu phải thời, thuế má phải chăng.» [5]

Tóm lại, theo thời trời, theo thế đất, theo nhân tình mà cai trị, chính là bí quyết thành công của người xưa.

Thế tức là:

- «Thượng luật thiên thời, hạ tập thủy thổ» của Trung Dung (chương XIX)

- «Dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi.» của Đại Học (chương X)

- «Sử dân dĩ thì.» của Luận Ngữ (I, 5) và Trung Dung (chương XX).

Đó cũng chính là ba yếu tố tạo dựng lịch sử: thiên thời, địa lợi, nhân hòa đề cập ở thiên Công Tôn Sửu hạ, sách Mạnh Tử.

  1. DỊCH KINH ĐẠI KHÁI CHỦ TRƯƠNG NHỮNG GÌ?

Dịch Kinh khảo sát tất cả hiện tượng biến thiên, các trạng thái chuyển dịch vô thường của một bản thể bất biến mà Dịch gọi là Thái Cực.

Về vũ trụ quan, Dịch cho rằng vạn vật từ một Đại Thể, một Bản Thể, một Nguyên Thể sinh xuất, phát tán ra; biến thiên, thắng giáng theo định luật tuần hoàn, rồi lại kết cục trở về Nguyên Thể.

Vì thế mà Nho gia sau này chủ trương:

«Nhất thể tán vạn thù, vạn thù qui nhất thể.»

«Vạn vật tuần hoàn, chung nhi phục thủy.»

Về nhân sinh quan, Dịch Kinh chủ trương con người phải biết tùy thời xử thế, để tránh được điều họa hung, mưu cầu được hạnh phúc, cát tường. Kinh Dịch dạy con người nên sống theo lối đường người quân tử (Dịch vi quân tử mưu, bất vi tiểu nhân mưu); và nếu có thể, trở nên hiền thánh, sống huyền hóa với đất trời (xem quẻ Kiền)

Dịch Kinh, ngoài ra, còn muốn đề cập đến các định luật biến dịch của vũ trụ cũng như của quần sinh.

«Dịch sở dĩ có là cốt để mở mang trí tuệ cho con người, tác thành muôn việc cho con người, bao trùm tất cả đạo lý trong thiên hạ …» (Phù Dịch sở dĩ vi giả dã, khai vật thành vụ, mạo thiên hạ chi đạo, như tư nhi dĩ dã. - Hệ Từ Thượng, chương XI, tiết I).

Dịch Kinh theo đúng khuôn khổ của trời đất, vì vậy nên có thể điều hòa, sắp xếp mọi việc trong thiên hạ (Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên hạ chi đạo. - Hệ Từ Thượng, chương IV). Vì không thể nào đề cập đến Dịch Kinh một cách nông cạn, một sớm một chiều được, nên ở đây chúng ta chỉ bàn qua về phương pháp xu cát, tị hung của Kinh Dịch.

Dịch Kinh dạy chúng ta xu cát, tị hung bằng sự hiểu biết của mình, bằng sự cố gắng của mình, sự khéo léo của mình.

Dịch Kinh nhận định rằng ta lệ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, cho nên biết hoàn cảnh là biết được một phần lớn số phận cá nhân.

Hoàn cảnh hay, dở khác nhau, tùy như ở chỗ chính thắng hay tà thắng; quân tử thắng hay tiểu nhân thắng; tinh thần thắng hay vật chất thắng; tinh thần làm chủ hay vật chất làm chủ. Nhưng, trong mỗi hoàn cảnh, cá nhân có hay có dở khác nhau, vì địa vị tài đức khác nhau; vì có người giúp đỡ hay gàng quải; vì gần quí nhân hay tiểu nhân…

Hành động có hay có dở khác nhau:

+ Hành động hay:

- sẽ đem lại lợi ích.

- hợp đạo lý

- hợp tình, hợp cảnh, không làm cho ta phải xấu hổ, hay hối hận, phàn nàn.

+ Hành động dở sẽ đem lại cho mình hung họa, làm cho mình băn khoăn, hối hận.

+ Một phần lớn hung họa của ta phát sinh là vì ta:

- sống trong những hoàn cảnh bất xứng, địa vị bất xứng.

- thiếu tài đức

- thiếu nhẫn nại.

- thiếu quan phòng

- ghét nhau mà vẫn phải gần nhau

- giao thiệp với nhau toàn bằng sự dối trá.

Vậy, muốn sống một đời sống lý tưởng, phải thuận theo đạo lý, tức là theo các định luật thiên nhiên, đừng gàng quải với trời đất, với tuổi tác. Phải tìm hoàn cảnh thuận tiện cho mình mà sống, giao thiệp với những người mình thích; rồi lại phải tránh ác, tránh hung, từ khi nó mới chớm phát; phải cố gắng tạo cho mình một lề lối sống hay, đẹp; khi đã được phải chắt chiu bảo vệ.

Đó là chủ trương của Dịch về phép xu cát tị hung. Nếu mình theo được vậy, mình sẽ thấy tinh thần thung dung, thoải mái, óc chất minh mẫn, con người khỏe khoắn, linh động và sẽ được mọi người quí mến, kính trọng; mình sẽ như một vị thuyền trưởng có kinh nghiệm, lèo lái con thuyền bản thân trên trùng dương trần thế, cho đến bến bờ hoàn thiện.

Nhận định ra được chân giá trị của Dịch, lại biết áp dụng thực thi được Dịch lý vào công cuộc tu luyện bản thân, nên đức Khổng rất tha thiết khảo cứu Kinh Dịch.

Ngài nói: «Nếu Trời cho ta sống thêm ít tuổi nữa để học Dịch, ta có thể không phạm lỗi lầm lớn nữa.» (LN, VII, 16). Lời nói ấy thật là khiêm tốn và cũng là một lời chân thành khuyến cáo chúng ta nên để tâm học Kinh Dịch.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh