Chân Dung Khổng Tử: Chương 10. Đức Khổng, Con Người Vụ Bản

CHÂN DUNG KHỔNG TỬ: CHƯƠNG 10. ĐỨC KHỔNG, CON NGƯỜI VỤ BẢN

Ở đời, càng là những phàm phu tục tử, càng là những người phù phiếm sốc nổi, lại càng sống vụ vào những chi tiết vụn vặt, những hiện tượng biến thiên hào nháng bên ngoài, những biến cố lịch sử phù du, vân cẩu… Càng là những bậc minh tri, giác ngộ, lại càng sống một cuộc sống nội tâm thâm trầm, sâu sắc; dựa vào tinh hoa, bản thể con người; dựa vào những gì vĩnh cửu trường tồn. Các Ngài tìm tòi học hỏi, nhưng tìm tòi học hỏi những điều chính yếu, những điều tinh hoa, căn bản, quan thiết đến hạnh phúc và định mệnh con người; các Ngài súc tích, nhưng súc tích những gì không hao mòn, hủy hoại được với thời gian; các Ngài xây dựng, nhưng xây dựng trên những nền tảng cố định và vững chắc. Mạnh Tử viết:

«Ngày đêm suy rộng xét sâu,

Xét sâu suy rộng ngõ hầu tìm ra,

Tìm ra rồi sống an hòa,

An hòa, thanh thả, vốn nhà càng tăng.

Vốn tăng mặc sức tiêu dùng,

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Vén mây, tỏ nhẽ cùng thông, gốc nguồn.

Nên người quân tử lo toan,

Cố sao nắm được vẹn toàn tinh hoa.

Học nhiều bàn tỏ mãi ra,

Để rồi tóm lại chẳng qua vài lời…» [1]

Ta có thể nói được rằng phàm là thánh nhân, hiền triết đều có tinh thần vụ bản.

Thánh kinh công giáo viết: «hãy tìm nước Trời trước đã, rồi mọi sự sẽ thêm cho anh em sau.» (Mat. 5, 20; Sag. 7, 11; Luc. 12, 21). Thế tức là xây nhà trên đá, chứ không xây nhà trên cát… (Mat. 7, 24).

Trang Tử viết trong Nam Hoa Kinh: «Cho nên những người am hiểu đại đạo xưa, trước hết hiểu biết về Trời. Hiểu Trời, rồi sẽ hiểu đạo đức; hiểu đạo đức rồi sẽ hiểu nhân nghĩa.» [2]

Đức Khổng là một trong những bậc thánh hiền chủ trương vụ bản.

Đại Học viết: «Mỗi vật đều có gốc, có ngọn; mỗi việc đều có đầu đuôi. Biết cái gì trước cái gì sau, tức là gần Đạo, gần Trời vậy.» [3]

«Không bao giờ gốc loạn mà ngọn lại trị được.» [4]

Chủ trương vụ bản của đức Khổng, sau này ta thấy Tử Du lãnh hội được. Tử Du nói: «Học trò Tử hạ rửa quét giỏi, ứng đáp nhanh, tới lui lẹ, chỉ làm được như vậy thôi. Đó là những việc học nhỏ nhít, phụ thuộc. Còn những việc học lớn lao chính gốc thì chẳng thấy dạy. dạy học như thế thì sao nên?» (LN, Tử Trương, tiết 12).

Vậy vụ bản là gì?

Vụ bản là trọng gốc. Vụ bản là lưu tâm, lưu ý đến căn bản vũ trụ quần sinh; là lưu tâm lưu ý đến những vấn đề hệ trọng nhất, quan thiết đến vận mạng con người; là suy khảo về nguyên lý vũ trụ quần sinh, về bản tính con người, về chân đạo, chân lý.

  1. Vụ bản là quan tâm đến căn bản vũ trụ quần sinh, đến nguyên lý duy nhất chi phối hoàn võ và con người.

Cái gì là căn bản vũ trụ quần sinh?

Trung Quốc xưa vốn cho rằng: Thái Cực hay Trời là căn bản vũ trụ quần sinh.

Đại Đỗng Chân Kinh viết: «Muốn tìm căn bản, phải tìm nơi Thái Cực.» [5]

Hệ Từ cũng viết: «Dịch hữu Thái Cực, thị sinh lưỡng nghi.» Dịch Kinh Đại Toàn cũng có một bài thơ, trong đó có câu:

«Tu tri nhất bản sinh song cán,

Thủy tin thiên nhi dữ vạn tôn…»

(Có hay một gốc đôi cành rẽ,

Mới thấy nghìn con, vạn cháu đông…)

Một gốc nói nơi đây tức là Thái Cực.

Trang Tử viết trong Nam Hoa Kinh như sau: «Hư tĩnh, điềm đạm, tịch mạc, vô vi, ấy chính là gốc sinh vạn vật. Hiểu điều đó nên Nghiêu làm vua thiên hạ, Thuấn trở nên hiền thần; ở ngôi trên, áp dụng được nó, nên đế vương, thiên tử; ở cấp dưới, áp dụng được nó, thời thành huyền thánh, tố vương.» [6]

Nhìn sang phía triết học Ấn Độ, ta thấy Áo Nghĩa Thư cũng có chủ trương tương tự.

Shri Aurobindo toát lược Áo Nghĩa Thư đại khái như sau:

- Áo Nghĩa Thư muốn lập căn bản vũ trụ quần sinh và đưa ra quan niệm Thực thể duy nhất, bất biến, lồng trong mọi tạp thù, biến ảo, và là chủ chốt chi phối vũ trụ hình tướng, biến dịch bên ngoài.

- Áo Nghĩa Thư cho rằng hai phương diện biến hằng của vũ trụ quần sinh đều bao hàm trong những trạng thái động tĩnh của Brahman, Thực thể duy nhất bất khả phân, và căn cơ của vũ trụ.

- Theo Áo Nghĩa Thư, Thực thể duy nhất ấy thể hiện và hiển dương trong thế giới chuyển dịch và hình tướng này, qua trung gian những lớp lang, tiết tấu, những giai đoạn, những trình độ, những thời kỳ khác nhau.

- Sự biến thiên chuyển dịch cốt là để thực hiện lại Duy Nhất, cốt là để cho quần sinh phối hợp được với Duy Nhất… (Xem Shri Aurobindo, Trois Upanishads, p. 20 et ss).

Tư Mã Thiên tóm tắt niềm tín ngưỡng tự nhiên của nhân loại ấy bằng những lời lẽ mộc mạc sau đây: «Trời là thủy tổ của con người, cha mẹ là gốc gác của con người. Người ta khi cùng khổ sẽ quay về nguồn, về gốc, cho nên khi khổ sở lao lung cùng cực thời thường kêu Trời, lúc đau đớn thảm thiết thời thường kêu cha mẹ…» [7]

Đức Khổng cũng tin rằng Trời là gốc gác muôn vật, quần sinh, gốc gác con người, nên muốn hiểu con người, trước phải hiểu Trời, vì Trời là gốc mà con người là cành, là ngọn. Trung Dung viết:

«Biết người trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao?»

(Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri thiên.) (Trung Dung chương XX)

Suy rộng ra, muốn trị dân, trị nước mà không biết được căn bản quần sinh thì chắc là không thể trị dân, trị nước cho hay. Bằng như biết ra, thì trị nước trị dân không có khó. Vì thế mà Trung Dung lại viết: «Lễ Giao, lễ Xã để thờ phụng đấng Thượng Đế, lễ Tông miếu là để tế tự tổ tiên. Nếu ai hiểu nghĩa lễ Giao, lễ Xã, lễ Đế, lễ Thường, thời trị nước dễ như trở bàn tay.» (Trung Dung chương XIX; LN, III, 11)

  1. Vụ bản là suy khảo và khám phá ra được căn cơ tính mệnh, được thực thể con người.

Những người vụ bản là những người đã đi sâu được vào tầng lớp làm căn cơ, cốt cách con người, tìm ra được Đạo, được Trời ở đáy lòng.

Ngày nay người ta gọi những người đó là những người có «tâm địa ban sơ» (mentalité archaïque), nghĩa là những tâm hồn sống kề cận với căn bản, với cốt cách con người (Arché). [8]

Đó là những người hãy còn hồn nhiên, toàn vẹn, chưa bị pha phôi bởi vọng niệm, tư tâm, kiến văn, kiến thức. [9]

Nói thế, tức là con người vụ bản đi sâu được vào vô thức. Vô thức đây không phải thứ tiềm thức hời hợt của Freud, chơi vơi giữa óc não và nhân tâm, nhưng vô thức đây chính là vô thức đại đồng của Jung, là Toàn Nhất của Hartmann, là Tự Thể của Kant, hay Tuyệt Đối của Schelling, Bản Tính của Carus…

Đức Khổng gọi cái Vô thức ấy là Tính (Trung Dung I), là Thiên mệnh (Trung Dung I), là Mệnh (LN, XX, 3), là Đạo (Trung Dung I), là Thành (Trung Dung XX, XXI), là Minh Đức (Đại Học I), và suy luận ra rằng ý thức hay nhân tâm không phải là chủ, mà ý thức hay nhân tâm phải khuôn theo Vô thức, khuôn theo Thiên tính để tiến tới hoàn thiện. Tìm ra được căn cơ, cốt cách, bản tính con người tức là tìm thấy Đạo, thấy Trời trong tâm khảm mình.

Ngô Thảo Lư viết: «Đạo, Lý, Thành, Thiên, Đế, Thần, Mệnh, Tính, Đức, Nhân, Thái Cực, lời tuy khác, nhưng ý chỉ có một.» (Đạo dã, Lý dã, Thành dã, Thiên dã, Đế dã, Thần dã, Mệnh dã, Tính dã, Đức dã, Nhân dã, Thái Cực dã, danh tuy bất đồng, kỳ thực nhất dã. - Tống Nguyên Học Án, q. 12, trang 8.)

Cũng vì thế mà Mạnh Tử viết:

«Thấu triệt lòng sẽ hay biết tính,

Hay biết tính, nhất định biết Trời.

Tồn tâm dưỡng tính chẳng rời,

Ấy là giữ đạo thờ Trời chẳng sai.»

(Mạnh Tử, Tận Tâm chương cú thượng 1)

  1. Vụ bản là tin ngọn ngành không lìa xa gốc gác, người chẳng lìa xa Trời.

Đã nói rằng Trời là căn cơ, gốc gác con người, thì con người chẳng thế nào lìa xa khỏi Trời, dầu là một phút giây. Vì thế Trung Dung viết: «Đạo dã giả, bất khả tu du ly dã.» (Trung Dung I: Đạo Trời sau trước vẫn liền với ta.)

Quan niệm này nếu đem đối chiếu với quan niệm của các bậc minh triết Ấn Độ, ta sẽ thấy giống hoàn toàn.

Katha Upanishad viết:

«Chân tâm chủ thể muôn loài,

Thể thời duy nhất, hình thời ngàn muôn.

Biết Ngài ngự giữa tâm hồn,

Mới mong hạnh phúc, trường tồn, vô chung.

Biết Ngài bất biến, thung dung,

Lồng trong trời đất lao lung chuyển vần,

Biết Ngài Thần giữa chúng Thần,

Biết Ngài duy nhất giữa quần sinh ban.

Bao nhiêu mơ ước chứa chan,

Biết Ngài phân phát cho toàn sinh linh.

Biết Ngài ngự giữa lòng mình,

Mới mong hạnh phúc siêu sinh, trường tồn.»

(Katha Up. 5, 14. - Prasna 6, 5. - Brih. 4, 4. - 1, 2)

Vì thế mà Kinh Thi mới viết:

«Chái Tây Bắc góc nhà thanh vắng,

Đừng làm chi đáng để hổ ngươi.

Đừng rằng tăm tối chơi vơi,

Đừng rằng tăm tối ai người thấy ta.

Thần giáng lâm ai mà hay biết,

Nên dám đâu khinh miệt, dễ ngươi.»

(Cf. Mao Thi, Đại Nhã Úc Thiên)

Quan niệm trên đã được Trung Dung nhắc lại nơi chương XVI.

  1. Vụ bản là phương pháp để tìm ra thiên lý, thiên đạo.

Đức Khổng vì tìm ra được Trời, được Đạo tàng ẩn trong tâm khảm mình, nên đã sống một cuộc đời đạo hạnh chân thực, nghĩa là sống phối kết với Trời. Thomas Mann gần đây cũng cho rằng đạo hạnh chân thực chính là sống phối kết với bản thể. [10]

Ngoài ra đức Khổng còn cho rằng tất cả mọi lề luật chi phối con người, cũng như quần sinh vũ trụ đều đã được ghi tạc ngay trong lòng con người, trong lòng vạn vật.

Trung Dung viết:

«Đạo luôn gần gũi người đời,

Những ai lập đạo xa vời chúng nhân,

Hiếu kỳ, lập dị, là nhầm…

Kinh Thi viết:

“Đẽo cán rìu, có liền bên cán mẫu,

Trông lại nhìn cố đấu cho in.”

Ngắm đi ngắm lại liền liền,

Đẽo lui đẽo tới, mắt xem chưa vừa.

Nên quân tử khi lo giáo hóa,

Sửa trị người sẵn có khuôn người.

Thấy người giác ngộ thì thôi,

Đã chiều cải hóa liệu bài ta ngưng.»

(Trung Dung XXII)

Kinh Thi viết:

«Trời sinh ra khắp muôn dân,

Vật nào phép nấy định phân rành rành.

Lòng dân sẵn có căn lành,

Nên ưa những cái tinh thành đẹp tươi.» [11]

Chính vì lĩnh hội được cái chân đạo ấy mà đức Khổng không câu nệ về những hình thức cầu đão bên ngoài.

Khi Ngài đau, Tử Lộ khuyên Ngài nên cầu đảo. Ngài trả lời: «Ta cầu đảo từ lâu rồi.» (LN, VII, 34). Ý Ngài muốn nói tuy không cầu đảo theo thói thường, nhưng thực ra, đời Ngài là cả một bài kinh nguyện trường thiên, vì luôn sống phối kết với Thượng Đế.

Khi Tử Lộ không bằng lòng Ngài vì Ngài đã vào yết kiến nàng Nam Tử, Ngài trả lời: «Nếu ta làm điều gì không phải, thì Trời hại ta!» (LN, VI, 26)

Ngài khuyên mọi người nên học cho nhiều để tìm cho ra cốt cách, căn cơ, ra Trời, ra Đạo ở nơi tâm khảm mình, và cho rằng đó là điều kiện thiết yếu để sống cuộc đời đạo hạnh chân thực.

Đại Học viết:

«Muốn sửa mình, tâm nên sửa trước,

Sửa tâm hồn trước cốt ý ngay.

Ý ngay phải học cho dày,

Học cho thấu triệt, mới hay «khuôn Trời»

Hay «khuôn Trời», thoắt thôi thấu triệt,

Thấu triệt rồi, ý thiệt lòng ngay,

Lòng ngay, ta sẽ hóa hay…»

(Đại Học I)

Ngài chủ trương dạy thiên hạ làm bừng sáng ngọn đuốc lương tâm, cố gắng không ngừng để tiến tới hoàn thiện.

Đại Học viết:

«Đại Học có mục phiêu rõ rệt,

Đuốc lương tâm cương quyết phát huy,

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng…»

Đó chính là chủ trương của các bậc đại thánh đại hiền muôn thuở.

Thời cổ xa xưa, Mahagourou, vị thánh Ai Cập, cũng đã dạy thiên hạ phát huy «ánh sáng nội tại ấy». Đó là ánh sáng sáng soi cho mọi người sinh ra nơi trần thế. Ánh sáng ấy là con đường chân thực. Ánh sáng ấy tiềm tàng khắp nơi, ẩn áo ngay cả trong lòng nham thạch. Đối với con người, Ánh sáng ấy gần gũi họ hơn mọi sự, ánh sáng ấy đã hiện diện trong lòng của mọi người. Thực thể ấy gần gũi con người hơn mọi hình thức, lễ nghi, vì con người chỉ cần hồi quang quán chiếu là tìm thấy ngay ánh sáng ấy. Khi con người biết ra mà vượt được lên trên mọi lễ nghi, hình thức, là con người lên được tới cùng Osiris, lên được tới Ánh sáng: Ánh sáng ấy chính là thượng thần Amoun- Ra, căn nguyên và cùng đích mọi sự. [12]

Tóm lại, đức Khổng chủ trương chân đạo, chân lý phát xuất tự thâm tâm.

Trung Dung viết:

«Nên đạo quân tử phát xuất tự thâm tâm.

Đem trưng bày phổ cập tới thứ dân,

Khảo chứng tiên vương, không có chi lầm lỗi.

Sánh với luật đất trời không phản bội,

So quỉ thần, thấy đường lối đúng không sai.

Thế là đã biết lòng Trời đó,

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai

Thế là đã biết lòng người tỏ rõ.»

(Trung Dung XXIX)

  1. Những người vụ bản thường là những con người hiếu cổ.

Những người vụ bản thường ưa khảo sát về cổ thời, không phải là khảo sát để mua vui, mà chính là để hướng về nguồn, mà chính là để dùng gương xưa, tích cũ lèo lái hướng dẫn cho những công trình tạo tác thời nay; mà chính là để theo chân người xưa, khám phá và làm sống động lại các tầng lớp thẳm sâu của tiềm thức. Như vậy khảo cổ tức là khơi sâu, chẳng những khơi sâu thời gian và lịch sử, mà còn khơi sâu tâm khảm con người, làm cho con người mở rộng thêm tầm kích, sống thêm sâu xa, linh diệu. Chính vì vậy mà đức Khổng ưa khảo cổ, Ngài nói trong Luận Ngữ:

«Ta trần thuật chứ không sáng tạo,

Tin cổ nhân, mộ đạo cổ nhân.»

(LN, VII, 5)

Trung Dung viết thêm: «Trọng Ni tổ thuật Nghiêu, Thuấn, hiến chương Văn, Võ.» (Đức Khổng nối tiếp đạo Thuấn, Nghiêu, làm sáng tỏ lối đường Văn Võ.)

Các môn đệ đức Khổng nhiều người cũng tỏ ra hiếu cổ. Mạnh Tử thuật lại rằng: Các ông ấy có chí cả, và thường lớn tiếng nhắc đi nhắc lại: Ôi người xưa! Ôi người xưa! [13]

  1. Những người vụ bản có tâm hồn định tĩnh.

Những người vụ bản, vì chú trọng đến các tầng lớp thẳm sâu trong tâm hồn, nên có đời sống nội tâm dồi dào.

Các Ngài ưa trầm tư mặc tưởng để tìm ra nguyên lý tìm ra định luật chi phối vũ trụ.

Đại Học viết:

«Có mục phiêu rồi lòng mới định,

Lòng định rồi nhẹ gánh lo toan.

Hết lo lòng sẽ bình an,

Bình an, tâm trí rộng đàng xét suy

Xét suy rộng, tinh vi thấu trọn,

Thấu sự đời ngành ngọn đầu đuôi,

Trước sau đã rõ khúc nhôi,

Tức là gần đạo, gần Trời còn chi.»

Trang Tử cũng chủ trương tương tự. Ông viết: «Nước lặng sẽ chiếu soi thấy được râu mày, lại được thợ dùng để đánh thăng bằng. Nước lặng mà còn trong, huống chi là tinh thần? Lòng thánh nhân mà tĩnh lãng thời nên gương soi trời đất vạn vật.» (Thủy tĩnh tắc minh chúc tu mi. Bình trung chuẩn đại tượng thủ pháp yên. Thủy tĩnh do minh huống tinh thần. Thánh nhân chi tâm tĩnh hồ, thiên địa chi giám dã, vạn vật chi kính dã. - Nam Hoa Kinh chương Thiên Đạo XIII, A.)

Vì vậy mà đức Khổng thường trầm tư, mặc tưởng (LN, XV, 30). Ngài cũng dạy các môn đệ năng xét mình để trừ khử những điều không hay, không tốt (LN, I, 3), để khiến cho tâm thần trở nên tinh ròng, bắng tuyết. (LN, II, 2; XII, 4).

Chính nhờ sống một cuộc sống nội tâm sâu sắc như vậy mà đức Khổng thường thư thái, ung dung, tự tại (LN, VII, 4). Có thể nói được rằng ngày nay chúng ta thường buồn bực, khổ sở, bất mãn, một phần lớn là vì đã bỏ quên mất nếp sống tâm hồn, mà sống phiến diện nơi óc não, nơi giác quan, nơi bì phu, hay vùi đầu vào ngoại cảnh, đem hết tâm lực chạy theo tiền bạc lợi danh hoặc thú vui nhục dục.[14]

Thế chính là trạng thái đánh mất linh hồn mình theo từ ngữ thánh kinh,[15] hoặc theo từ ngữ của Harvey Cox trong cuốn The Feast of Fools,[16] hay là làm thất lạc con tim theo từ ngữ Mạnh Tử. [17]

  1. Nhờ vụ bản nên đức Khổng đã tìm ra được nguyên lý duy nhất, do đó suy ra vạn sự.

Đức Khổng đã nói: «Đạo ta do một nguyên lý mà suy rộng ra để quán triệt mọi sự.» (Ngô đạo nhất dĩ quán chi. - LN, IV, 15; XV, 2).

Nguyên lý duy nhất ấy chính là gốc, mọi sự khác chỉ là ngọn. Biết được nguyên lý duy nhất, rồi sau sẽ suy ra được mọi điều khác. Không biết nguyên lý duy nhất, thì mọi sự sẽ rối mù.

Chính vì thế mà Trang Tử đã nói: «Thông kỳ nhất nhi vạn sự tất.» (Biết được nguyên lý duy nhất thời vạn sự cũng biết xong xuôi.) (Nam Hoa Kinh, Thiên Địa, XII, A). Ông cũng còn nói: «Trước hết phải nắm được tâm điểm, sau đó sẽ ứng dụng được vô cùng.» (Khu thủy đắc kỳ hoàn trung dĩ ứng vô cùng.) (Nam Hoa Kinh, Tề Vật Luận II, C.)

  1. Đức Khổng dùng nguyên lý duy nhất mà suy ra lẽ tuần hoàn của mọi sự biến dịch trong hoàn võ.

Ngài cho rằng mọi sự biến hóa chung qui đều trở về lại căn nguyên, và sự tu luyện học hỏi của con người cũng cốt là để nhập thần, huyền hóa. Vì thế mà Ngài đã viết trong Hệ Từ Hạ khi Ngài bình về hào Cửu Tứ quẻ Hàm như sau:

«Dạy rằng: muôn sự trên đời,

Cần chi lo nghĩ, rối bời mà chi.

Muôn đường, nhưng vẫn đồng qui,

Trăm chiều lo lắng, rút về một căn.

Cần chi mà phải băn khoăn,

Việc gì mà phải bận tâm lo lường.

Vừng trăng đắp đổi vừng dương,

Vừng dương đắp đổi đài gương Quảng Hằng.

Mặt trời cùng với mặt trăng,

Luân phiên đắp đổi, nên hằng sáng soi.

Lạnh đi, nóng lại tới nơi,

Nóng đi, lạnh lại trở lui thay liền.

Hàn, ôn đắp đổi thường xuyên,

Cho nên, niên tuế triền triền sinh ra.

Trôi vào dĩ vãng là co,

Vị lai là dãn, dãn là triển dương.

Khuất thân, lai vãng thời thường,

Đôi bên cảm ứng, mở đường lợi sinh.

Sâu đo có lúc co mình,

Co mình, cốt để duỗi mình dễ hơn.

Long xà, đông tới chợp chờn,

Ngủ vùi tháng lạnh, bảo toàn tấm thân.

Học sao, tinh nghĩa nhập thần,

Rồi ra áp dụng, muôn phần hay ho.

Đã rành, đã tỏ Hóa cơ,

Rồi ra lợi dụng ấm no thân mình.

Thân mình, sung túc, an ninh,

Rồi ra nhân đức thi hành, sùng tôn.

Băng chừng, từ đó tiến lên,

Là vào tới cõi siêu nhiên, Thánh Thần.

Thần minh, khế hợp với tâm,

Hóa cơ đã tỏ, siêu nhân đã đành.»

1- Đức Khổng đã áp dụng nguyên lý duy nhất ấy vào công cuộc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

2- Sau khi đã định được căn bản của vũ trụ quần sinh là Trời, là Thái Cực, mà Trời thì:

- Bất biến

- Hằng cửu

- Siêu vi

- Vừa lồng trong nhân quần, vạn vật, vừa siêu xuất nhân quần, vạn vật.

- Vừa là căn cơ, vừa là cùng đích nhân loại

- Hoàn thiện tuyệt đối.

Đức Khổng liền định được đạo làm người là «trở nên hoàn thiện»; và làm chính trị là làm cho con người trở nên hoàn thiện. Chung qui, tu thân, chính nhân, bình thiên hạ đều cốt tại chữ Thành (Hoàn Thiện).

Vì thế mà Trung Dung viết:

«Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.»

(Trung Dung XX)

Trung Dung còn viết:

«Đạo thiên hạ có năm hình thức,

Nương ba chồi thịnh đức sum sê.

Quân thần, phụ tử, phu thê,

Anh em cốt nhục, bạn bè tất giao.

Ấy năm đạo tối cao thiên hạ,

Trí, dũng, nhân đức cả ba chồi.

Năm cành ba cỗi tốt tươi,

“Tinh thành” do một gốc trời trổ sinh.»

(Trung Dung XX)

«Thành vốn dĩ tự mình hoàn thiện,

Đạo thời thường tự khiển tự do.

Thành là cùng đích duyên do,

Duyên do cùng đích khắp cho muôn loài.

Bỏ lẽ ấy khôn bài có vật,

Nên hiền nhân quý nhất chữ thành.

Hoàn thành không những riêng mình,

Rồi ra hoàn thiện quần sinh muôn loài.

Hoàn thành mình, là người nhân đức,

Tác thành vật, là bậc thông minh.

Thiên nhiên tự tính uy linh,

Trong ngoài hai mặt, một mình quán thâu.

Nên quân tử biết câu sau trước,

Xếp thời giờ tổ chức cho hay.»

(Trung Dung XXV)

Về phương diện chính trị, tất nhiên cũng phải liệu lý từ trong ra ngoài. Căn cơ có tỏ, thì tâm mới định; thần có linh thì tâm mới thiện; tâm có thiện thì thân mới an; thân có an thì gia đình mới tốt; gia đình có tốt thì quốc gia mới thịnh; quốc gia có thịnh thì thiên hạ mới mong bình. Thế mới hay, có thấu đáo căn cơ cốt cách của mình thì thân mới tu, gia mới tề, quốc mới trị, thiên hạ mới bình. Cái gốc có vững, thì cái ngọn mới không xiêu. Ngày nay thế giới trở nên điên đảo, suy vi, loạn lạc, chính là vì người ta đã trở nên vong bản, đã quên mất gốc, hoặc không biết rằng cái gốc hoàn thiện đã ở ngay trong tâm cơ con người. Thành thử người ta cầu mong hòa bình mà chỉ thấy loạn lạc; người ta hứa hẹn an lạc mà chỉ thấy toàn gian khổ, điêu linh. Tất cả những cái thống khổ, điêu linh, khốn nạn, tất cả những chén phiền não tân toan mà con người đã, đang, và sẽ uống hằng ngày, đều là do đã lạc mất tâm, đã quên mất gốc…

Chúng ta muốn an bình ư? Hãy bắt chước đức Khổng trở về gốc, trở về nguồn.

Chúng ta muốn có một nền học vấn cao siêu ư? Hãy bắt chước đức Khổng khảo về gốc, suy về nguồn.

Chúng ta muốn tìm ra giải đồng thân ái, liên kết ta được với chúng dân trong hoàn võ ư? Chúng ta hãy bắt chước đức Khổng tìm ra gốc, tìm ra nguồn.

Nguồn gốc chúng ta, chúng ta khỏi tìm ở khởi điểm sáu nghìn năm lịch sử. Nguồn gốc vũ trụ, nhân quần, chúng ta khỏi suy khảo cho tới phút lập địa khai thiên. Muốn tìm cho ra chính gốc chính nguồn của chúng ta, chúng ta chỉ việc phạt cho quang hết những lau lách dục vọng hay tạp niệm nội tâm, rồi ra chúng ta sẽ thấy hiện ra một con đường quang, đưa thẳng chúng ta tới nguồn, tới gốc. Đó là một công trình hết sức khó khăn, nhưng cũng hết sức thích thú. Chúng ta phải bắt tay ngay vào công việc, vì thực ra, như lời Mạnh Tử, nay lau lách đã lấp kín tâm hồn chúng ta rồi ! (Kim mao tắc tử chi tâm hỹ. - Mạnh Tử, Tận Tâm chương cú hạ, 21).

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh