Tiếng Nói Vô Thinh: Phần Thứ Nhứt

TIẾNG NÓI VÔ THINH: PHẦN THỨ NHỨT

  1. Những lời này để dành cho những kẻ chưa biết những mối nguy hiểm của những Iddhi (1) bậc thấp.
  2. Ai muốn nghe và hiểu được tiếng Nãda (2) “Tiếng vô thinh” thì phải học cho biết bản chất của Dhãranã (3).
  3. Khi đã trở nên lãnh đạm đối với những đối tượng của giác quan, đệ tử phải tìm kiếm chúa tể của ngũ quan, tay sản xuất tư tưởng, kẻ gây ra ảo mộng.
  4. Cái Trí là tay đại phá hoại Sự Thật.
  5. Đệ tử phải trừ khử tay Phá Hoại đó.

Bởi vì:

  1. Khi đệ tử xem hình hài của mình dường như không có thật, không khác nào những cảnh vật thấy trong giấc chiêm bao khi thức giấc.
  2. Khi đã hết nghe tiếng vạn vật, đệ tử có thể nhận ra Ðấng Duy Nhất. Cái tiếng bên trong giết chết cái tiếng bên ngoài.
  3. Bấy giờ và chỉ đến bấy giờ, đệ tử sẽ bỏ miền Asat (cảnh giả), để vào địa phận của Sat, (cảnh chơn).
  4. Trước khi hồn được thấy, phải có sựĐiều Hòabên trong và mắt thịt không còn nhìn thấy một huyễn cảnh nào nữa.
  5. Trước khi hồn được nghe, hình ảnh (con người) phải không còn để lọt vào tai, những tiếng gầm thét cũng như những tiếng thì thào, những tiếng voi rống cũng như tiếng vo vo trong trẻo của con đôm đốm vàng.
  6. Trước khi hồn được hiểu và nhớ, nó phải hợp làm một với Ðấng thốt những lời không tiếng, cũng như cái khuôn mẫu do đó mà đất nắn nên hình, hợp làm một với tinh thần của người thợ làm đồ gốm.
  7. Bởi vì bấy giờ hồn sẽ nghe và sẽ nhớ.
  8. Bấy giờ bên tai của hồn TIẾNG NÓI VÔ THINH sẽ thốt lên.
  9. Nếu hồn con vui cười trong ánh bình minh của cuộc Ðời; nếu hồn con ca hát trong lốt nhộng máu thịt trần gian; nếu hồn con than khóc trong đền đài mộng huyễn của nó; nếu hồn con vẫy vùng để bứt đứt sợi chỉ bạc cột liền nó với Sư Phụ (4) thì con hãy biết, hỡi đệ tử, hồn con thuộc về trần thế.
  10. Khi hồn (5) con vừa chớm nở để tai nghe tiếng xô xát của Ðời: khi hồn con đáp lại tiếng gầm thét của cảnh đại ảo mộng (6). Khi hồn con kinh hãi trước cảnh lụy tuôn vì đau khổ; điếc tai bởi những tiếng não nề phải cảnh khắt khe mà chui rút lại như con rùa nhút nhát trong cái mai Ích Kỷ, thì con hãy biết, hởi đệ tử, hồn con là một miếu đường không xứng đáng cho Ðấng Thượng Ðế Im Lặng của con.
  11. Khi hồn con đã trở nên dõng mãnh và thoát ra ngoài chốn ẩn thân yên ổn từ trước và khi đã cởi bỏ được cái lớp bảo vệ nó, hồn con tháo phăng sợi chỉ bạc và bay nhảy tự do; khi hồn con nhìn thấy hình ảnh của nó trên những lượn sóng của Không Gian, nó nói thầm: “Ðây là Ta” thì con hãy thú nhận, hỡi Ðệ tử là hồn con bị mắc trong bức màn lầm lạc (7).
  12. Trần gian nầy, hỡi Ðệ tử, là phòng Ðau Khổ, nơi đây dài theo Con Ðàng thử thách gian lao biết bao cạm bẩy rải rác để nhốt Chơn Nhơn của con vào vòng lầm lạc gọi là “Ðại Mê Tín”. (8)
  13. Trần gian này, hỡi Ðệ tử còn vô minh, chỉ là cái cửa tối tăm dắt đến cảnh lờ mờ trước khi đến thung lũng đầy ánh sáng thật, thứ ánh sáng không gió nào làm tắt được, thứ ánh sáng cháy không cần có tim, có dầu.
  14. Ðại Luật có nói: “Trước khi biết được Ðại Ngã (9) con phải biết Chơn Ngã của con”. Muốn biết được Chơn Ngã của con thì phải lìa bỏ tư ngã, xem nó không phải là con, lìa bỏ con người của con, xem nó là không có, bấy giờ con có thể yên nghỉ trên đôi cánh của con Bạch Hạc, phải đấy, êm đềm thay khi được yên nghỉ trên đôi cánh của cái bất sanh, bất tử, chỉ là AUM (10) trải qua đời đời còn mãi (11).
  15. Hãy ngồi lên lưng con Linh Ðiểu, nếu con muốn biết (12).
  16. Hãy bỏ đời sống của con, nếu con muốn sống (13).
  17. Hỡi kẻ hành hương mệt mỏi, con phải trải qua Ba Phòng mới hết nỗi nhọc nhằn. Hỡi kẻ chiến thắng Ma Vương, Ba Phòng dắt con qua ba trạng thái (14) để đến trạng thái thứ tư (15) và từ đó bước vào bảy cõi (16), những Cõi Yên Nghĩ Ðời Ðời.
  18. Nếu con muốn biết ba phòng đó thì đây, con hãy nghe và nhớ.
  19. Tên của phòng thứ nhất là phòng Vô Minh - Avidya.
  20. Chính phòng đó là nơi con sinh ra đời, nơi con sống và nơi con sẽ chết (17).
  21. Tên phòng thứ nhì là phòng Học Tập, nơi đó hồn con sẽ tìm thấy những hoa đẹp của cuộc đời, nhưng dưới mỗi bông đều có một con rắn nằm khoanh (18).
  22. Tên của phòng thứ ba là Minh Triết, xa nữa là nước biển Akshara không bờ bến, nguồn Toàn Tri Vô Tận (19).
  23. Nếu con muốn đi ngang qua phòng thứ nhất an toàn, thì chớ để cho trí con nhận lầm ngọn lửa dục tình cháy đỏ nơi đó là ánh Thái Dương của cuộc đời.
  24. Nếu con muốn qua khỏi phòng thứ nhì không nguy hiểm, thì chớ dừng chân ngửi mùi hương nồng nặc của những bông hoa ở đó làm cho con phải mê man. Nếu con muốn thoát khỏi vòng xiềng xích của Nhân quả thì chớ tìm Sư Phụ nơi miền Mộng huyễn đó.
  25. Bậc Hiền Nhân không lưu luyến các vui thú giác quan.
  26. Bậc Hiền Nhân không để tâm đến những giọng đưòng mật của ảo mộng.
  27. Hãy tìm người sanh ra con nơi phòng Minh Triết ở bên kia, nơi không còn chút bóng tối nào và nơi mà ánh sáng chân lý chói lọi một hào quang bất diệt.
  28. Nguồn bất sinh, bất diệt vốn ở nơi con, hỡi đệ tử, cũng như ở trong phòng này. Nếu con muốn đạt đến trạng thái đó, và hỗn hợp hai cái [3] làm một thì con phải cởi bỏ lớp y phục đen tối của ảo mộng. Hãy bóp nghẹt tiếng nói của xác thịt, chớ để một hình ảnh nào của giác quan tạo ra chắn ngang giữa ánh sáng của nó và ánh sáng của con, hầu cho hai ánh sáng có thể hỗn hợp làm một. Khi con biết được sự Vô Minh (Ajnana) (21) của con thì hãy lập tức xa lánh phòng Học Tập đó. Phòng này rất nguy hiểm với vẻ đẹp giả trá của nó và chỉ cần thiết cho thời kỳ tập sự của con thôi. Con hãy đề phòng, hỡi đệ tử, đừng để cho một sự sáng chói hão huyền làm cho Hồn con chậm bước và mắc vào ánh sáng phỉnh phờ đó.
  29. Cái ánh sáng này do nơi hột ngọc trên mão của Ma Vương (22) chiếu ra, nó làm mê mẩn giác quan, mờ mịt thần trí, và bỏ rơi kẻ khinh xuất như một món đồ trôi giạt nơi biển cả.
  30. Con thiêu thân bị ngọn đèn sáng chói hấp dẫn mà phải bị chết trong đĩa dầu lầy đặc. Nếu hồn lơ đễnh không vật ngã được con quỉ mê hoặc và ngạo nghễ thì hồn sẽ trở lại trần gian làm nô lệ cho Ma Vương.
  31. Hãy nhìn xem những Ðoàn Hồn lũ lượt, vẩn vơ trên mặt biển ba đào của đời người như thế nào, và sau khi sức đuối, máu rơi, cánh gãy, chúng nối nhau rớt xuống những lượn sóng to ra sao. Bị cuồng phong dồn dập, bão bùng lôi cuốn, chúng trôi giạt trong những dòng nước cuộn và khi gặp vòi nước to nào là bị cuốn đi mất.
  32. Nếu qua phòng Minh Triết con muốn đạt đến Thung lũng Hạnh phúc thì hỡi đệ tử, con hãy đóng chặt giác quan đừng nghe theo thuyết chia rẽ cực kỳ hung ác, nó làm cho con xa lìa tất cả.
  33. Con chớ để cho đứa con “sinh ở cõi Trời” của con, phải chìm đắm trong biển của Ma Vương, xa lìa Mẹ của muôn loài (Linh Hồn) mà hãy để cho lửa mầu rút vào nội cung, nơi Trái Tim (23) là bổn cung của Mẹ Thế giới (24).
  34. Bấy giờ từ nơi trái tim, Lửa này sẽ vượt lên đến tầng thứ sáu là tầng trung ương nằm giữa đôi mắt, nơi đó nó trở nên hơi thở của Linh Hồn Duy Nhất, trở nên tiếng nói vang rền khắp cả, tiếng nói của Sư Phụ con.
  35. Chỉ đến chừng đó, con mới có thể trở nên “Người du ngoạn Thiên Cung” (25), tung mây lướt gió, đi trên sóng mà chân không đụng nước.
  36. Trước khi đặt chân lên nấc thang chót của âm giai thần bí, con phải nghe đủ bảy thứ tiếng của Thượng Ðế bên trong con (Chơn Ngã).
  37. Tiếng thứ nhất giống như tiếng lảnh lót của chim quyên hát cho chim mái nghe một khúc hát khởi hành.
  38. Tiếng thứ nhì giống như tiếng chập chõa bằng bạc của các vị Thiên Tôn (Dhyànis) đánh thức các ngôi sao lấp lánh.
  39. Tiếng kế đó như tiếng than thở nhẹ nhàng của con thủy quái bị nhốt trong vỏ.
  40. Kế đó tới tiếng của đờn Vina (26).
  41. Tiếng thứ năm giống như tiếng sáo trúc xoáy vào tai.
  42. Kế đó nó biến thành tiếng kêu chát chúa.
  43. Tiếng chót hết rung chuyển như tiếng gầm rền rĩ trong đám mây đen trước cơn bão tố.
  44. Tiếng thứ bảy át mất cả mấy tiếng kia, không còn nghe chi nữa.
  45. Khi sáu thứ tiếng (27) đã chìm mất và đặt dưới chân Sư Phụ thì đệ tử nhập vào Nhất Nguyên (28) trở nên Nhất Nguyên đó và sống trong đó.
  46. Trưóc khi vào được con đàng này, con phải diệt trừ thể vía (29) của con, lau chùi thể trí (30) và rửa lòng con cho trong sạch.
  47. Nước tinh anh trong suốt của sự sống trường tồn, không thể nào lẫn lộn vào trong giòng nước lộn bùn sau cơn bão tố.
  48. Giọt sương chiếu sáng trong tia nắng ban mai, giữa cánh hoa sen tinh khiết biến thành cục đất sét khi rớt xuống đất, thế là hòn ngọc đã hóa ra bùn.
  49. Hãy chiến đấu với những tư tưởng ô trược của con trước khi nó áp chế được con. Hãy xử dụng nó y như nó xử dụng con vậy, nếu con không thẳng tay với nó, để nó mọc rễ, đâm chồi thì con hãy biết, những tư tưởng đó sẽ quật ngã con và giết chết con. Hỡi đệ tử, hãy đề phòng dầu cái bóng của nó cũng đừng để nó đến gần con, bởi vì nếu để cho nó lớn, nó mạnh, cái vật xấu xa đen tối đó sẽ xâm nhập vào người con, trước khi con nhận ra được hình thù ghê gớm của con quái ô trọc đó.
  50. Hỡi đệ tử, hãy đào luyện cho có được năng lực giết chết thể vía trước khi “Uy Lực thần bí” (31) có thể làm con trở nên một bậc thần tiên.
  51. Cái Ta Vật Chất và cái Ta Tinh Thần không khi nào gặp nhau được. Phải có một cái mất đi, bởi vì không có chỗ để cho cả hai cùng đứng.
  52. Con phải chà nát cái mầm phàm nhơn, và giết chết con sâu giác quan cho nó không còn có thể sống lại rồi tinh thần của Hồn con mới có thể hiểu được.
  53. Con không thể nào đi trên đường Đạo, nếu chính con chưa trở nên con Đường đó (32).
  54. Hãy để cho Hồn con lắng tai nghe mọi tiếng đau khổ, như bông sen nở lớn để hứng ánh sáng mặt trời buổi ban mai.
  55. Con chớ để nắng gắt làm khô một giọt nước mắt đau khổ nào, trước khi con lau ráo lụy cho cặp mắt của người buồn khổ.
  56. Con hãy để cho tất cả nước mắt của thế gian rơi vào lòng con, đọng lại ở tim con, chớ không khi nào chùi đi, trước khi nguyên nhân gây đau khổ tiêu tan.
  57. Hỡi con người có tấm lòng từ bi, những giọt nước mắt đó là những suối nước tưới mát cánh đồng từ thiện bất diệt. “Chính nơi miếng đất đó trổ được bông nửa đêm của Phật (33), thứ bông này còn khó tìm, khó gặp hơn bông cây Vogay. Ðó là hột giống để thoát ly đường sanh tử. Nó tách riêng vị La Hán ra ngoài vòng tranh đấu và tham vọng, nó dắt người băng ngang qua những cánh đồng của Thực Tại để đến nơi an lạc, chân phúc, chỉ thấy được nơi cõi Tịch Mịch, Hư Vô.
  58. Con hãy diệt tham vọng; nhưng nếu con giết nó rồi, con cũng phải đề phòng sợ e nó còn sống lại.
  59. Con hãy diệt lòng tham sống, tuy nhiên con chớ nên vì lẽ khao khát đời sống trường cửu mà diệt lòng khao khát sự sống (tanhà) (34) nhưng chỉ vì muốn đem cái bất dịch, bất biến thay cho cái biến đổi vô thường.
  60. Chớ ham muốn điều chi, không phẫn uất đối với Nghiệp Báo hoặc đối với luật bất di, bất dịch của Thiên Nhiên. Con chỉ nên chiến đấu với cái riêng tư, cái tạm thời, cái ngắn ngủi và cái hư hoại.
  61. Con hãy trợ giúp và cộng tác với Thiên Nhiên, và Thiên Nhiên sẽ coi con là một trong những tay sáng tạo và sẽ tùng phục con.
  62. Thiên Nhiên sẽ mở rộng các cửa bí mật trước mặt con, để lộ dưới tầm mắt con những kho bửu vật dấu kín ở tận đáy lòng trong sạch và tinh khiết của tạo vật. Tay phàm không thể nào làm hoen ố được nơi ấy, nó chỉ phô bày những kho báu của nó dưới con mắt Tinh Thần, con mắt không khi nào nhắm, và đối với con mắt đó không còn bức màn nào che án trước bất kỳ là cảnh nào của tạo vật.
  63. Bây giờ Thiên Nhiên sẽ chỉ cho con thấy phương tiện và cái cửa thứ nhất, cửa thứ nhì, thứ ba cho đến thứ bảy. Rồi đến mục đích, xa nữa là những vinh quang cực điểm tắm trong ánh thái dương của Tinh Thần, thế gian không ai thấy được những quang vinh đó, ngoại trừ con mắt của Linh Hồn.
  64. Chỉ có một con đàng dắt đến Ðàng Ðạo, và chỉ ở mút con đường đó, ta mới nghe được “Tiếng Vô Thinh”. Những nấc thang mà người học đạo phải leo lên, đều là những nấc thang đau khổ và khó nhọc; chỉ có tiếng nói của đức hạnh mới đánh tan giọng não nùng của những nấc thang đó. Bởi thế, hỡi đệ tử, nếu con còn một tính xấu nào chưa bỏ lại sau thì nguy cho con đó. Bởi vì bây giờ cái thang gẫy và con sẽ té, chân thang đặt trên bùn lầy của những tội lỗi và sa ngã của con, và trước khi có thể lội ngang qua cái hố vật chất đó con phải rửa sạch chân con trong Nước Từ Bỏ. Con hãy cẩn thận chớ vội đặt chân còn dính bùn trên nấc thang đầu. Rất nguy cho ai chân còn lấm bùn mà dám cả gan làm dơ bẩn một nấc thang nào. Bùn lầy nhơ bẩn và trơn nhớt sẽ khô cứng và gắn dính chân người tại chỗ, không khác nào một con chim bị dính nhựa của người bắt chim quỉ quái, sẽ không thể nào đi xa hơn nữa. Những tánh xấu của người sẽ thành hình và lôi kéo người trở xuống. Những tội lỗi của con người sẽ trổi giọng như sơn cẩu hú những tiếng rùng rợn, tiếng cười, tiếng khóc, trong buổi hoàng hôn; những tư tưởng của người thành đoàn, thành lũ bắt giam người lại.
  65. Hãy diệt những dục vọng của con, hỡi đệ tử, hãy làm cho những tánh xấu của con mất hết mãnh lực trước khi cất bước khởi hành.
  66. Hãy bóp nghẹt các tội lỗi của con và làm cho chúng ngậm miệng đến cùng, trườc khi đặt chân lên nấc thang đầu.
  67. Hãy làm tư tưởng của con lặng im và đặt tất cả sức chú ý vào Ðức Sư Phụ mà con chưa thấy, nhưng con cảm được.
  68. Hãy gom hết lục thức vào trong một thức, nếu con muốn được an ổn trước kẻ nghịch. Thức này ở trong bộ óc và cặp mắt yếu ớt của Tâm Hồn chỉ do nơi đó mới có thể tìm ra con đàng hiểm trở dắt đến Sư Phụ của con.
  69. Hỡi đệ tử, con đàng trước mắt con còn dài và khó nhọc. Chỉ một tư tưởng gợi lại quá khứ mà con đã bỏ lại sau cũng sẽ làm con rơi xuống, và con phải bắt đầu leo lại.
  70. Hãy tận diệt nơi con mọi hồi ức về dĩ vãng. Chớ ngó lại đàng sau, bằng không sẽ nguy cho con đó.
  71. Con chớ tưởng là con người có thể trừ khử tánh dâm dật bằng cách thỏa mãn nó, đó là một điều gớm ghiếc do ma vương xúi dục ra. Chính trong khi con người nuôi dưỡng tánh xấu là làm cho nó thêm to, thêm mạnh cũng như con sâu ăn bông mà lớn.
  72. Ðóa hoa hường phải thu hình trở lại mầm non trên nhành mẹ, trước khi con ký sinh trùng ăn thấu đến tim và hút hết nhựa sống.
  73. Cây vàng nảy sanh chồi báu trước khi giông tố làm cho rời rã thân cây.
  74. Con phải trở lại tuổi thơ ngây mà con đã để mất, trước khi tiếng thứ nhất có thể vẳng đến tai con.
  75. Ánh sáng của Sư Phụ Duy Nhất, ánh kim quang độc nhất, phóng tia sáng rực rỡ xuống cho đệ tử vào buổi sơ khai. Những tia sáng đó xuyên qua những đám mây vật chất dầy đặc và tối đen.
  76. Những tia sáng đó chiếu sáng nơi này, nơi khác, cũng như những tia sáng mặt trời soi sáng trái đất xuyên qua đám lá dày đặc của rừng già. Nhưng hỡi Ðệ Tử, ít nữa là xác thân con phải thụ động, đầu con lạnh, hồn con vững vàng, tinh khiết như viên kim cương sáng rỡ bằng không thì tia sáng sẽ không thấu đến cung vi, ánh sáng sẽ không làm ấm áp tim con và những tiếng diệu huyền của cõi Akasha (35) sẽ không thấu đến tai, mặc dầu tai tận tình nghe ngóng trong thời kỳ thứ nhất.
  77. Ít nữa là phải nghe, bằng không con không thể thấy.
  78. Ít nữa là phải thấy, bằng không con không thể nghe, nghe và thấy đó là thời kỳ thứ hai.
  79. Khi đệ tử thấy và nghe, ngửi và nếm trong khi mắt tai đóng lại, miệng mũi bịt lại; khi bốn giác quan hỗn hợp làm một và sẵn sàng nhập vô giác quan thứ năm – nội xúc giác – bấy giờ con đã qua được thời kỳ thứ tư.
  80. Hỡi kẻ diệt tư tưởng, trong thời kỳ thứ năm tất cả đều phải diệt trừ một lần nữa cho đến không thể nào sống lại được (36).
  81. Hãy giữ trí của con riêng biệt với mọi đối tượng bên ngoài, với mọi cảnh trí ở ngoại giới. Hãy để riêng qua một bên những hình ảnh bên trong sợ e nó rọi bóng tối lên trên ánh sáng của Linh Hồn.
  82. Bây giờ con ở trong Dhàranà (37), thời kỳ thứ sáu.
  83. Khi con vào được thời kỳ thứ bảy thì hữu phước thay con sẽ không còn nhận thấy Ba Ngôi (38) nữa, bởi vì chính con sẽ trở nên Ba Ngôi đó. Chính con và cái trí giống như hai trẻ sanh đôi đứng song song nhau, và ngôi sao (39) vốn là mục đích của con chiếu sáng trên đầu con vậy. Ba Ngôi ở trong cảnh chí phúc, vinh quang không thể tả, bấy giờ đã mất hết tên tuổi trong thế giới Ảo Mộng. Chúng ta trở nên một ngôi sao duy nhất, lửa hồng cháy mãi không khí nào tàn, lửa này là Upàdhi (40) của Ngọn Lửa.
  84. Hỡi nhà Yogi thành công, chính đây là cái mà thiên hạ gọi là Dhyana (41) kẻ đến trước cửa Samadhi (42).
  85. Và bây giờ tiểu ngã của con đã mất hình trong Ðại Ngã, chính con tự mất trong bản thể của con, chìm trong Ðại Ngã mà trước kia con đã từ đó phóng ra ngoài.
  86. Hỡi đệ tử, còn đâu là cá tính của con, cho đến chính mình đệ tử cũng không còn. Ðốm sáng đã mất trong ngọn lửa, giọt nước đã mất trong biển cả, tia sáng luôn luôn hiện hữu đã trở nên Toàn Thể và sự phóng quang bất diệt.
  87. Hỡi đệ tử, bây giờ con vừa là kép hát, vừa là khán giả, vừa là vật phóng quang, vừa là sự phóng quang, ánh sáng trong thinh âm và thinh âm trong ánh sáng.
  88. Con đã quen với năm mối chướng ngại, hỡi kẻ hữu phước. Con đã chiến thắng cả năm, làm chủ cái thứ sáu giải phóng bốn thể thức của Chơn lý (43). Ánh sáng soi sáng chúng nó vốn tự nơi con phát ra, con xưa kia là đệ tử nay là Sư Phụ.

Và đối với những thể thức của Chơn lý đó:

  1. Con há chẳng đã kinh nghiệm mọi sự khốn khổ sao ? Chân lý thứ nhất.
  2. Con há chẳng đã thắng được Ma vương nơi cửa đại hội (44) sao ? Chân lý thứ nhì.
  3. Con há chẳng đã ở nơi cửa thứ ba, diệt tiêu tội lỗi và hoạch đắc chân lý

    thứ ba sao ?

  4. Con há chẳng đã vào trong TAU “Con Ðàng” dắt đến trí huệ sao ? Chân lý thứ tư (45) ?
  5. Và bây giờ con hãy yên nghỉ dưói cội bồ đề là trí tuệ viên mãn, bởi vì con hãy biết con là bậc Thầy về pháp Samadhi, trạng thái thấy biết chắc chắn, không còn lầm lạc nữa.
  6. Con hãy xem ! con đã trở nên ánh sáng, con đã trở nên Thinh Âm, con là Sư Phụ của con. Ðấng Chí Tôn của con. Chính con là mục đích mà con tìm kiếm; Tiếng bất hoại vang rền đời đời, kiếp kiếp, không biến đổi, bảy thứ tiếng gồm trong một tiếng: TIẾNG VÔ THINH
  7. Om Tat Sat.

Giải Nghĩa:

  1. Iddhi: Tiếng Pali Iddhi đồng nghĩa với tiếng Sanscrit Siddhis, có nghĩa là những quan năng linh khí, những quyền lực phi thường của con người. Có hai loại Siddhis, một nhóm gồm có những tinh lực linh khí thấp thỏi, thô sơ; nhóm kia buộc phải có sự huấn luyện cao đẳng về quyền năng thần bí. Krishna nói trong kinh Shrimad Bhãgavad: “ Kẻ nào chuyên tâm thực hành Yoga, chế ngự được giác quan và tập trung tinh thần nơi ta, kẻ đó là một nhà Yogi mà tất cả những Sddhis đều sẵn sàng để cho người dùng.”
  2. Nada: “Tiếng câm” hay là “Tiếng Vô Thinh”, theo tự nghĩa có lẽ phải hiểu là “tiếng nói theo nghĩa thần bí” bởi chữ Sanskrit Nada đồng nghĩa với chữ Senzar.
  3. Dhãranã: là tập trung trọn vẹn cái trí vào một đối tượng nội tâm, đồng thời hoàn toàn không chú ý đến những gì thuộc về vũ trụ bên ngoài hay cảnh giới của giác
  4. Đại Sư là danh từ các đệ tử lanco hoặc chela dùng để gọi “Cái Ta Cao Siêu” của chúng ta. Danh từ này đồng nghĩa với chữ Avalokitesvara hay là chữ Adibuddha của Phật giáo bí truyền, Atma, cái Ta cao siêu của người Bà la môn và Christos của Cao đẳng Thần học hồi xưa.
  5. Chữ Hồn ở đây dùng để chỉ chân nhân của con người (Ego human) hay Manas, trong phép phân sắp theo số 7 của chúng ta gọi là “Hồn Người” để phân biệt với thần hồn và hồn thú.
  6. Nohà Màyà “Ðại ảo mộng” tức là Vũ Trụ khách
  7. Sakkayaditthi “lầm lạc” cho rằng phàm nhân là
  8. Attavada: tà thuyết tin có hồn, hay nói cho đúng là tin có sự chia rẽ giữa hồn đó là tiểu ngã với Ðại ngã Duy nhất, phổ biến vô cùng tận.
  9. Cattvajnàni là kẻ biết hay là kẻ phân biệt được những nguyên lý trong thiên nhiên và trong con người, và Atmajnàni là kẻ biết được Atman hay là Ðại Ngã phổ biến duy nhất.
  10. Kala Hamsa “chim” hay là hạc. Trong kinh Nàdabindu Upanishad (Rig Veda) do Hội Thông Thiên Học ở Kumbakonam phiên dịch có nói “Vần A được xem như cánh bên phải của chim, U như cánh bên trái, M như cái đuôi và Ardhamàtrà (nửa thước) như cái đầu”.
  11. Người phương Ðông hiểu chữ đời đời khác hơn người phương Tây. Thường có nghĩa là 100 năm hay là tuổi của Brahma, kỳ gian của một Kalpa hay là một chu kỳ lâu 4.320.000.000 năm.
  12. Theo kinh Nàdabindu đã kể trên đây: “Ðối với nhà Yogi cưỡi hạc (tham thiền về tiếng AUM) thế lực của nhân quả hay là muôn ngàn tội lỗi không động đến được”.
  13. Hãy bỏ đời sống của phàm nhơn, của xác thịt, nếu con muốn sống bằng tinh thần.
  14. Ba trạng thái của tâm thức là: Jàgrat, trạng thái Thức Tỉnh; Svapna, trạng thái chiêm bao và Sushupti, trạng thái ngủ mê. Ba trạng thái Yogi đó dắt đến trạng thái thứ tư hay là:
  15. Turiya, bên kia trạng thái không chiêm bao, trạng thái cao hơn tất cả, trạng thái siêu việt của tâm thức thần bí.
  16. Vài nhà Thần Bí phương Đông để bảy cảnh thực tại, bảy Lokas hay là cõi tinh thần trong mình của Kala Hamsa, con hạc ở ngoài vòng Thời gian và Không gian nó biến thành con hạc ở trong thời gian khi nó trở nên Brahma thay vì Brahma (trung lập).
  17. Cõi trần, nơi đó những hiện tượng chỉ tiếp xúc với ngũ quan và ý thức của óc xác thịt thôi.
  18. Cõi trung giới, cõi linh khí nơi có những trí giác ở ngoài tầm tri giác của ngũ quan và có những cảnh tượng lừa dối, cảnh giới của đồng cốt. Eliphias Levi gọi là “Xà Tinh”. Không có một cái hoa nào hái nơi miền đó đem xuống cõi trần mà không có một con rắn quấn chung quanh nhánh. Ðó là cõi Ðại Ảo Mộng.
  19. Nơi miền này Tâm Thức thần bí mở rộng và không còn có sự nguy hiểm nào cho kẻ đã đến được nơi đây.
  20. Bực Ðắc Pháp trao truyền mối Ðạo và dìu dắt đệ tử cho đến khi sanh ra trong cõi tinh thần hay là sanh lần thứ nhì được gọi là cha, Thầy hay là Guru.
  21. Adjnàna là dốt nát hay là vô minh, trái với trí huệ jnàna.
  22. Trong các tôn giáo công truyền thì Màra là con quỉ, nhưng trong triết học bí truyền thì đó là nhân cách hóa sự quyến rủ của tánh xấu nơi con người và dịch đúng theo tự nghĩa là “cái giết chết” Linh Hồn. Người ta tượng hình nó như một vị Vua (Ma Vương) đầu đội mũ triều thiên có một hột ngọc chiếu sáng cho đến làm mờ mắt những kẻ nhìn nó; sự chiếu sáng này cố nhiên là ám chỉ sự mê hoặc của tánh xấu.
  23. Phòng trong trái tim, Bắc phạn gọi là Brahmapura “Lửa Mầu” là Kundalini.
  24. “Lửa Mầu” và “Mẹ Thế Giới” là tên của Kundakini, một trong những thần lực của nhà Yogi. Ðó là Bồ Ðề về mặt tích cực thay vì tiêu cực (thường người ta chỉ biết mặt tiêu cực hay là thụ động của Bồ Ðề, khi nó là cái thể để chứa Tinh Thần Tối Cao (Atma). Ðây là một thứ điện tinh thần, một năng lực sáng tạo, một khi đánh thức rồi thì nó có sức tiêu diệt hoặc sáng tạo.
  25. Kechara, kẻ du ngoạn hoặc “lên cõi trời”. Theo trong quyển Jnaneshvari, chúa tể của các kinh thần bí, Adhyaya thứ 6 thân thể của nhà Yogi giống như làm bằng gió, như “một vừng mây có mọc ra tay chân”. Sau đó “người (yogi) thấy được những vật xa tận bên kia biển và sao; người nghe và hiểu được tiếng của Chư Thiên và biết được nhữïng gì xảy ra trong trí của con kiến.
  26. Giống như đờn Tì bà.
  27. Sáu nguyên tố; tức là khi phàm nhân đã tiêu diệt và phần thấp của cá tính đã lẫn mất trong nguyên tố thứ bảy hay là Tinh Thần.
  28. Vị đệ tử hợp làm một với Brahma hay là
  29. Dục thể do nguyên lý Kamic tạo nên gọi là Kama rùpa hay là thể ham muốn.
  30. Manasa rupa. Cái thứ nhất chỉ cái vía hay tư ngã, cái thứ nhì chỉ cá tính hay là Chơn Nhơn luân hồi mà tâm thức của nó ở cõi trần hay là Hạ Trí cần phải được đình chỉ lại.
  31. Kundalini được gọi là “quyền lực uốn khúc như con rắn” hay là tròn như chiếc nhẫn vì nó tiến theo hình xoắn ốc trong thân thể của nhà Yogi đã phát triển được quyền lực đó nơi người. Nó là một quyền lực có tính chất như điện, như lửa huyền bí hay là Foha đại nguyên lực tiềm tàng trong mọi chất hữu cơ và vô cơ.
  32. Con đường này được nói đến trong mọi tác phẩm Thần Bí. Như Krishna nói trong kinh Jnàneshvari: “Khi được nhìn thấy con Ðường này... dù người ta bắt đầu từ phương Ðông hay phương Tây, không thay đổi, hỡi người cầm cung tên là người đang đi trên đường này. Trong con đường này người ta muốn đi đến chỗ nào thì chính người ta trở thành chỗ đó”. “Ngươi là Ðường đi” là câu nói với vị Sư phụ và với vị Ðệ tử sau kỳ điểm đạo. “Ta là lối đi và Ðường Ðạo”, một Đức Thầy nói thế.
  33. Adeptship: quả vị Chơn Tiên, nở bông Bồ Tát.
  34. Tanhã “ý muốn sống” ham sống, sợ chết, cái mãnh lực này phát sinh luân hồi sanh, tử.
  35. Những tiếng huyền bí, âm điệu du dương mà nhà tu luyện nghe được lúc ban đầu chu tuần tham thiền, nhà Yogi gọi là Anahata Shabdã (Anahata là luân xa thứ tư).
  36. Ðiều này có nghĩa là thời kỳ thứ sáu trong đường phát triển, huyền bí học gọi là Dhãranã, mọi giác quan có tính cách như một quan năng riêng biệt đều phải bị giết chết (hay là bị làm cho kiệt quệ ở cảnh giới này) bằng cách nhập nó vào giác quan thứ bảy, giác quan siêu đẳng.
  37. Xem giải thích số 3.
  38. Mỗi thời kỳ phát triển trong Raja Yoga được tượng trưng bằng một hình kỷ hà học. Ðây là hình tam giác thiêng liêng và ở trước Dhãranã D là dấu hiệu của những bậc đệ tử cao cấp, còn hình tam giác kiểu khác nữa là dấu hiệu của những bậc đắc quả vị cao. Ðó là chữ “Ta” mà Ðức Phật đã nói và dùng để tượng trưng cho nhục thân của Ðấng Như Lai khi Ngài đã thoát ly ba phương pháp Bát Nhã. Một khi đã vượt qua thời kỳ hạ đẳng, vị đệ tử không còn nhìn thấy D nữa mà chỉ thấy – sự tóm tắt của – cái Bảy nguyên vẹn. Hình thiệt của cái này không thể cho biết ở đây vì chắc chắn là nó sẽ bị những tay láo dối vớ lấy và dùng vào những việc phạm thượng, bất lương.
  39. Ngôi sao chiếu sáng trên đầu là “Ngôi sao điểm đạo”. Dấu hiệu giai cấp của tín đồ phái Shiva, tổ của tất cả các nhà Yogi là một điểm đen tròn, hiện thời có lẽ là để tượng trưng mặt Trời, nhưng ngày xưa là tượng trưng của ngôi sao điểm đạo trong Huyền Bí Học.
  40. Căn bản (Upãdhi) của ngọn lửa mà nếu nhà tu luyện còn tại thế thì không khi nào đạt đến.
  41. Dhyàna là thời kỳ áp chót ở địa cầu này, trừ phi con người trở nên một vị Mahatma hoàn toàn. Như người ta đã có nói trong trạng thái này nhà Raja Yogi còn có ý thức tinh thần về tự tánh và về động tác của những nguyên tố cao siêu của người. Nếu tiến đến một bước nữa thì người sẽ vượt lên cõi thứ bảy (hay là thứ tư của mấy học phái khác). Mấy phái này sau giai đoạn Pratyãhãra – sự luyện tập để kiểm soát cái trí và tư tưởng – kể chung ba giai đoạn Dhãranã, Dhyãna và Samãdhi làm một gọi là
  42. Samãdhi là trạng thái trong đó nhà tu luyện không còn ý thức đến mọi cá nhân gồm cả chính nhà tu luyện nữa. Họ trở nên – Tất cả.
  43. Bốn thể thức chân lý theo Phật giáo phương Bắc là Ku, “đau khổ và khốn cùng”; Tu, “mọi sự cám dỗ”; Mu, “sự tiêu diệt những cám dỗ” và Tau, “con đường”. Năm “mối chướng ngại” là nhận thức sự khốn khổ, chân lý về sự yếu tính của con người, những sự kiêng cữ khó nhọc và sự cần thiết tuyệt đối phải lìa bỏ tất cả những trói buộc của tình dục và cho đến những dục vọng nữa. Chót hết là “Con đường Giải Thoát”.
  44. Tại nơi cửa “Đại Hội” Ma Vương dùng sức sáng chói của hột ngọc để mê hoặc thí sinh.
  45. Ðây là con đường thứ tư trong năm con đường luân hồi dẫn dắt và xua đẩy tất cả loài người vào những trạng huống khổ và vui không dứt, những “con đường” đó chỉ là những chi phần của con đường duy nhất, con đường Nghiệp Quả.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh