Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể: Chương 12. Bà La Môn Giáo Với Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể

THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ: CHƯƠNG 12. BÀ LA MÔN GIÁO VỚI THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ

Có thể nói ngay được rằng: Thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể là một học thuyết then chốt, làm căn bản cho các thánh thư Ấn độ như Veda, Upanishads, Bhagavad Gita...

Câu hỏi triết học mà các nhà thấu thị Ấn độ luôn luôn đặt ra cho các đệ tử, cũng như cho các độc giả thánh thư là: Vũ trụ này do đâu mà có, đã được cấu tạo nên bằng chất liệu gì?

Con người đã sinh xuất từ đâu, đã do đâu mà sống còn, đa chịu sự chỉ huy của ai v.v.. (Svetasvatara Up. I-I. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học Đông phương, quyển 3, trang 38 với lời trích dẫn kinh Rig Veda).

Và câu trả lời duy nhất, nhưng dưới nhiều hình thức:

- Trực ngôn (Chandogya Up. 6, 14, 3.- Brihad-Aranyaka Up. III, 9. I)

- Ẩn dụ (Aitareya Up. I.- Chandogya Up. 6. 12. I-3.- 6, 13. I-3.- 6, 2. I-4)

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

- Huyền thoại (Yajur Veda bạch XXXII, I.- Rig Veda X, 90) chỉ là:

Vũ trụ này cũng như vạn hữu đều do một nguyên lý, một bản thể duy nhất sinh hóa ra, phóng phát ra. [1]

Bản thể duy nhất ấy có rất nhiều danh hiệu:

- Brahman (Brihah-Aranyaka Up. 2.3.6.-3,9. 26)

- Atman

- Brahmanaspati (Rig Veds 10.72. 2)

- Visvakarman (Tạo hóa - The All Maker. Rig Veda, 10. 81)

- Purusha (Chân nhân) (Rig Veda 10.90)

- Prajapati (Chúa tể càn khôn) (Lord of creatures)

- Hiranyagarbha (Kim đơn - Kim nhân. - The Golden Germ. Rig Veda. 10. 121.I)

Nếu nhân cách hóa Bản thể vũ trụ ấy, và gọi đó là Đấng Tối Cao, thì đấng tối cao này đã sinh hóa ra vũ trụ bằng chính thân thể mình... đã hi sinh thân xác mình, đã phân hóa xác thân mình để tạo thành vũ trụ vạn hữu, chứ không phải là đã tạo dựng nên vũ trụ bằng một chất liệu nào ngoài mình. (Rig Veds X, 90)

Xin trích dẫn (lược dịch) một đoạn Aitareya Up.:

...Miệng Ngài sinh ra tiếng nói và lửa,

Mũi Ngài sinh ra hơi thở và gió,

Mắt Ngài sinh ra cái thấy và mặt trời.

Tai Ngài sinh ra cái nghe và bốn phương trời.

Da Ngài sinh ra tóc, tóc sinh ra cây cối.

Tim Ngài sinh ra tâm tư và mặt trăng. v.v.

(Aitareya Up.1)

Như vậy mối giây liên lạc giữa Thượng Đế và vũ trụ là mốt giây liên lạc cơ hữu (relation organique).

Ví dụ Ngài là con nhện, thì vạn hữu là tơ nhả ra từ lưng nhện (Rig Veda, X, 90).

Ví dụ Ngài là lửa, thì vạn hữu là những tia lửa, những tàn lửa từ lửa phóng ra. (Brihad Aranyaka Up. 20.2.1) [2]

Vạn hữu với Ngài như nước và muối. Khi muối đã hòa tan trong nước, thì đâu có nước, đấy sẽ có muối. (Chandogya Up. 6,13, 1-3)

Từ học thuyết trên sinh ra hai dòng tư tưởng:

a). Nhà thấu thị có thể coi Brahman là vũ trụ (Mundaka 2.2. II) (Mandukya Upanishads 2)[3]

«Là lửa, Ngài sưởi ấm,

Ngài là vừng Thái dương,

Ngài là mưa móc đượm nhuần,

Ngài là đất, là vật chất, là Thần,

Ngài là Hữu, Ngài là Vô, Ngài là Hằng cửu.[4]

«Ngài là vừng dương trong thinh không,

Ngài là thần Vasu trong không khí, Ngài là gió,

Ngài là đạo sư trước bàn thờ, Ngài là tân khách đến chơi nhà

Ngài ở trong người, trong khôn gian, trong định luật thiên nhiên, Ngài ở trên trời. Ngài sinh trong nước, trong mục súc, trong định luật thiên nhiên, trong nham thạch. Đấng toàn thiện, đấng tối cao là như vậy.» [5]

... «Brahman, thật ra là bất tử. Brahman ở đằng trước, Brahman ở đằng sau, ở bên trái, ở bên phải; Brahman ở trên, Brahman ở dưới, Brahman thật ra chính là toàn thể thế giới, toàn thể vũ trụ.» (Mundaka 2.2 II) [6]

«Bởi vì thật sự, vạn hữu là Brahman» (Manukya Up. 2)[7]

... «Ngài nhập vào vạn hữu, ngay cả vào đầu móng tay, y như dao cạo ra vào bao dao, y như lửa nằm trong mồi lửa...» [8]

b)- Nhà thấu thị cũng có thể coi Brahman, Atman là Bản thể, là Cốt lõi, là Trục cốt vạn hữu.[9]

Tìm ra được Cốt lõi ấy, Trục cốt ấy, là hiểu được Brahman, hiểu được vạn hữu, hiểu được chính mình.[10]

Đó là chìa khóa mở ra mọi hiểu biết [11]

Thực tại chỉ là Một. Biến thiên phiền tạp chỉ là hình tướng.[12]

«Trên mặt đất này không có tạp thù, không có biến thiên thực sự. Kẻ nào chỉ nhìn thấy biến thiên cách biệt bên ngoài, kẻ ấy sẽ còn trong Vòng sinh tử. Tất cả phải được nhìn thấy trong Nhất thể, trong thực thể, Bản thể duy nhất bất khả tư nghị...» (Brih. 2.4.5)[13]

Upanishads tuyên xưng:

«Thực sự nếu nhìn thấy được, nghe thấy được, nghĩ ra được, tìm hiểu được Đại Ngã, sẽ hiểu được vũ trụ này.» (Brih. 2.4.5.)[14]

«Thực sự, ai mà thấy được sợi giây nhất quán, thấy được chủ tể tại hàm tàng trong vạn hữu, người đó biết Brahman, người đó hiểu biết vũ trụ, hiểu biết thần minh, hiểu biết Veda, hiểu biết tạo vật, hiểu biết Đại Ngã, hiểu biết mọi sự...» (Brih. Up. 3.7.1)[15]

- Thấy được Trời lồng trong vạn hữu là đạt tới chân tri, là tìm thấy được Thượng Đế.

«Ai mà thấy được Chúa Trời,

Lồng trong vạn vật, vạn loài thọ sinh,

Trường tồn giữa mọi điêu linh,

Trường tồn vĩnh cửu trong mình biến thiên,

Thế là tri giác vẹn tuyền...

oOo

Ai mà thấy được vạn loài,

Ngoài tuy riêng rẽ trong thời đồng căn,

Lòng trời kết giải đồng tâm,

Từ Trời phóng xuất xa gần miên man,

Thế là tìm thấy Brahman...»[16]

- Biết được Căn bản, biết được chân tướng mình, biết được rằng có Trời trong dạ là điều kiện thiết yếu để trở thành tiên phật, thánh, thần..

«Chân nhân nhỏ tựa ngón tay,

Lồng trong tâm khảm muôn loài thụ sinh,

Tâm thần trí lự bao quanh,

Ai mà biết được trở thành thần tiên...[17]

... «Biết trời trong dạ ấy ai,

Thành thần, siêu thoát vòng đời tử sinh.

Cùm xiềng tháo gỡ sạch sanh,

Không còn sinh tử, điêu linh, thảm sầu.»[18]

Thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể dẫn tới một tuyên ngôn rất vĩ đại về giá trị, về phẩm giá con người.

«Con người chính là Thượng Đế.»

«Bạn chính là Cái đó» TAT TVAM ASI. [19]

Chúng ta sẽ dùng một đoạn Mundaka Up. để toát lược và kết thúc thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể của Bà La Môn:

«Ngài luôn hiện hữu gần kề,

Ngự trong tâm khảm chẳng hề xa xôi,

Làm tâm, làm đích muôn loài,

Muôn dân muôn thuở chẳng ngoài quyền uy,

Sinh linh vạn hữu hướng về,

Ngài là cùng đích mọi bề ước mơ.

Huyền vi, linh diệu không bờ,

Trí khôn phàm tục khôn dò, khôn hay.

oOo

Ngài là Thượng Đế cao vời,

Siêu linh, bất biến đời đời nhất như.

Sinh tồn, ngôn ngữ tâm tư,

Trường sinh, thực tại, như như cũng Ngài...[20]

Ngài là đích điểm phải coi,

Phải nhìn, phải ngắm, chớ lơi lòng vàng.

Thánh thư là cánh cung dương,

Mũi tên thần trí, ta mang lắp vào.

Bạn ơi ngắm đích đi nào,

Dương cung hãy bắn trúng vào Thiên tâm.

Oum là chính chiếc cung thần,

Mũi tên là bạn, hồng tâm là Trời.

Hãy nhìn ngắm đích chớ lơi,

Như tên, bạn phóng vào Trời cho sâu.

Đấng làm trục cốt hoàn cầu,

Khí, thần, trời, đất nước sau nương nhờ.

Bạn ơi đừng có nghi ngờ,

Đó là Chân Ngã, đó là chính Anh.

oOo

Nhịp cầu bắc tới trường sinh,

Những nhời vừa nói bắc thành chẳng sai,

Quên đi tạp thuyết trên đời,

Chào mừng bạn đã là người quá giang.

Từ nay bến giác đã sang,

Bờ mê nhìn lại mơ màng âm u.

oOo

Trời là toàn thể, nhất như,

Trước sau, trên dưới, toàn khu đều Ngài.

Tả biên, hữu dực chơi vơi,

Lồng trong vạn hữu, khắp nơi vô cùng...[21]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh