Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể: Chương 4. Thiên Chúa Giáo Với Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể

THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ: CHƯƠNG 4. THIÊN CHÚA GIÁO VỚI THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ

Muốn nhận định về vấn đề này cho chính xác, chúng ta cần phân biệt hai thành phần:

1) Thành phần quần chúng và Giáo Hội, hay giáo lý công truyền.

2) Thành phần thiểu số Thánh Hiền (khoảng 100 người) theo Đại đạo, hay Huyền Học (Mystics). Tức là những người chủ trương thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể.

  1. Nếu đứng về phía quần chúng, và giáo hội, hay giáo lý công truyền của Thiên Chúa Giáo mà nói, thì phải nhìn nhận rằngThiên Chúa Giáo không hề chấp nhận thuyết Thiên Địa Vạn Vật nhất Thể.Theo Thiên Chúa Giáo thì Thượng Đế toàn năng sinh ra vạn hữu bởi Không (ex nihilo). Thượng Đế có bản tính của Thượng Đế, vạn vật có bản tính của vạn vật. Thượng Đế và tạo vật hết sức là xa cách nhau.

Ngoài ra, Thiên Chúa giáo còn chủ trương: Chỉ có ba ngôi Thiên Chúa là đồng nhất thể. Chỉ có Chúa Giesu giáng trần là có «tính» Trời và «tính» người. Còn nhân loại, bất kỳ ai, cũng chỉ có «tính người» mà thôi, vì thế mà ai ai cũng bất toàn, ngoại trừ Chúa Giesu.

Chính vì thế, mà khi nói con người có thể kết hợp được với Thượng Đế thì chỉ có ý nói kết hợp bằng tình yêu, bằng ơn thánh sủng, chứ không phải là trở nên cùng một bản thể với Thượng Đế.

Công giáo rất tránh chữ Deification hay Divinization (Thần thánh hóa con người - người biến thành, trở thành Trời, «làm Trời»), và cho đó là một sự phạm thượng, phạm thánh, và chủ trương lúc chung cuộc, tất cả những linh hồn thánh thiện chỉ được chiêm ngưỡng thiên nhan Trời trên thiên đàng mà thôi (vision béatifique).

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Lạ lùng thay, Giáo hoàng John Paul 2 đã dùng chữ Divinization of man nơi tr. 193 trong quyển Crossing the Threshold of Hope. Ông viết: «The pinization of man comes from God. But here too, man must cooperate with God.» Đó là một điều tôi chưa từng thấy bao giờ.

  1. Nhưng nếu ta khảo cứu thư tịch do các thánh hiền Công Giáo, do các nhà huyền học Công Giáo để lại (Mystics), thì ta thấy các Ngài chủ trương:
  2. Thượng Đế là Bản thể muôn loài (Đó chính là thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể).
  3. Thượng Đế hay Bản Thể bất khả tư nghị ấy đã phóng phát ra muôn loài. Đó chính là Thuyết Phóng Phát (Emanation theory).
  4. Thượng Đế là cốt lõi, là tâm điểm muôn loài. Đó là thuyết Thượng Đế nội tại (Immanence theory).
  5. Muốn tìm Thượng Đế, phải tìm nơi đáy lòng, phải hư tâm, v.v...
  6. Cuối cùng là con người có thể kết hợp nhất như với Thượng Đế.

Ta sẽ dùng thư tịch thánh hiền Công Giáo, để chứng minh những điều đó.

1. Thượng Đế là Bản Thể muôn loài

Sách Thần Học Đức (Theologia Germanica), một tập sách huyền học viết vào khoảng thế kỷ 13, 14, rất nổi tiếng nhưng lại không biết ai là tác giả, đã viết: «Thánh Paul nói: Khi cái hoàn toàn đến, thì cái bất toàn sẽ rút lui.» (I. Cor.13:10).

Chúng ta hãy lưu ý tới «cái hoàn toàn» và «cái bất toàn.»

Mua đá năng lượng:

«Cái hoàn toàn» là cái «Diệu hữu» bao quát và tóm thâu vạn hữu vào trong mình và vào trong bản thể mình. Không có nó, và ngoài cái đó ra, thì không có thực thể nào khác, và vạn hữu đều dựa vào nó mà có bản thể. Cho nên, đó chính là Bản Thể muôn loài. Nó vốn bất biến, bất thiên, nhưng lại làm biến thiên mọi sự.

Còn «cái bất toàn» là tất cả cái gì phát xuất hay bắt nguồn từ «cái hoàn toàn», là «Cái gì là phân thể», là cái gì hình dung, tư nghị được. Còn «cái gì hoàn toàn viên mãn» thì không thể nào hình dung, tư nghị được. Chính vì vậy, mà ta không đặt tên được cho «cái hoàn toàn», vì nó vốn không tên.

Tạo vật không thể hình dung, tư nghị hay danh xưng cái hoàn toàn được...» [1]

Sách tiếp tục viết đại khái như sau: «Cái bản thể viên mãn đó, chỉ có thể hay biết bằng tâm, bằng «tâm hư», nghĩa là một thứ tâm đã trút bỏ được mọi bóng hình của vạn hữu, mọi ảo ảnh của vạn tượng bên ngoài, «một tâm hồn đã trút bỏ được ngay cái phàm ngã, cái tiểu ngã của mình.» [2]

Tóm lại, muốn biết cái hoàn toàn, cái viên mãn, phải rũ bũ bỏ được, phải siêu xuất được lên trên mọi cái bất toàn. [3]

Các nhà huyền học Công Giáo cũng chủ trương «Thượng Đế ở trong mọi loài, mọi loài ở trong Thượng Đế.» [4]

Thánh John of the Cross chủ trương «Thượng Đế là bản thể của mọi người cũng như của mọi loài. Cho nên Thượng Đế hiện diện bằng Bản Thể mình trong lòng mọi người, dẫu đó là kẻ tội lỗi nhất». [5]

Đọc những lời lẽ này ta lại nhớ đến lời của Đại sư Đạo Sinh «Xiển đề chi nhân, giai hữu Phật Tính», và như vậy, Thượng Đế cũng là «toàn thể vũ trụ.»

Thượng Đế = Vũ Trụ.

Thánh Bernard viết:

«Thượng Đế là gì?»

- Đó là ngang, dọc, cao, sâu.

- Ủa, sao Ngài lại chủ trương Thượng Đế là bốn phía như vậy, đó là điều mà Ngài vốn ghét.

- Không phải vậy...

Gọi Thượng Đế là Một cho dễ hiểu, nhưng chưa mô tả được tính cách Ngài. Tính cách Ngài có thể chia ra, nhưng Ngài thời không thể chia.

«Lời lẽ tuy khác, đường đi tuy nhiều, nhưng chỉ có một chủ trứơng, một ý nghĩa. Mọi đường lối đều dẫn về một Đấng tối cao.» [6]

Eckhart viết: «Thượng Đế gần tôi hơn là tôi gần tôi. Ngài cũng gần kề gỗ và đá như vậy, nhưng chúng không biết điều đó.» [7]

Lời nói đó làm ta liên tưởng đến một lời tương tự của Plotinus, một nhà huyền học ngoại đạo thời Trung Cổ (c. 205-270). Plotinus viết: «Thượng Đế không ở ngoài, nhưng hiện diện trong muôn loài, mặc dầu muôn loài không hay biết.» [8]

2. Thuyết phóng phát (Emanation theory)

Từ Bản Thể hoàn hảo ấy, muôn loài đã được phóng phát ra như áng sáng từ mặt trời, ánh nến từ ngọn nến...

Thánh Thomas Aquinas cũng mặc nhiên công nhận thuyết phóng phát, khi Ngài viết: «Bởi vì tất cả các sự hoàn hảo của vạn vật từ Thượng Đế mà xuống mãi, mà Thượng Đế là tuyệt đỉnh của hoàn hảo, cho nên con người cũng phải bắt đầu từ tạo vật thấp nhất, để đi lên từng cấp, và như vậy để tiến tới sự hiểu biết Thượng Đế.

«Và vì ở nơi Thượng Đế - ở nơi tuyệt đỉnh muôn loài ấy - ta thấy một sự đồng nhất hoàn toàn, và vạn hữu càng trở nên đồng nhất thì càng trở nên mạnh mẽ hơn, chúng ta suy ra rằng vạn hữu càng rời xa Thượng Đế, căn nguyên của vạn loài, thì càng trở nên khác biệt nhau.» [9]

Nhưng nếu chỉ biết Thượng Đế là nguồn sinh vạn hữu, thì chúng ta vẫn cảm thấy Ngài xa cách muôn trùng (Transcendent), vẫn thấy như có bức màn mây vô minh khuất lấp Ngài (the cloud of unknowing), và như vậy, vẫn tưởng như là Ngài ở bên ngoài vạn hữu. [10]

3. Thượng Đế là cối lõi, là tâm điểm muôn loài

Cho nên các nhà huyền học Công Giáo lại tiến lên một bước nữa và chủ trương «Thượng Đế nội tại», «Thượng Đế hiện diện trong lòng vạn hữu» Công Giáo như:

- «Nước Trời trong anh em.» (Luke 17:21)

- «Thần Chúa ở trong anh em.» (I Cor 3:16)

- «Đấng Christ trong ta.» (Ephesians 4:13)

- «(đấng Christ trong ta) phải nảy nở cho đến khi trưởng thành như Chúa Giesu.» (Ephesians 4:7-13).

- «Chúa Trời ở trong ta, và ban cho ta Thần Ngài.»(I John 4:12-13)

- «Thần Chúa ở trong ta.»(Rom. 8:9).

- «Đấng Christ trong ta.»(Col. 1:25-27)

- «Trong ta có mầm mộng thần linh.»(Rom 8:22-23) [11]

- «Thượng Đế không ở xa chúng ta, vì ta sống động và có bản thể ta trong Ngài.»Acts 17:27-29. [12]

Và như vậy, tuyệt đối mà mọi người đi tìm tới không có ở nơi xa vời tách khỏi thế giới phù sinh, bất toàn, mà thực tế đã ở ngay trong lòng biến dịch. [13]

Và như vậy, Thượng Đế chính là cốt lõi con người, là trục cốt, là chân tâm con người.

Cái «bản thể thần linh ấy», các nhà huyền học thấy, như lời Ruysbrock đã nói, ở ngay «Tâm đỉnh con người.» Eckhart gọi đó là «Thần quang». Tauler gọi đó là «Căn cơ», giáo phái Quakers gọi đó là «Quang minh nội tại»; các nhà huyền học hiện đại gọi đó là «Nguyên lý», nguồn mạch của mọi sự sống thực. [14]

Eucken gọi đó là Diệu Lý nơi con người, là Chân Tâm, là Cốt lõi con người, nơi mà «Trời Người gặp gỡ thủa ban sơ.» [15]

Khi các nhà huyền học nhìn thấy được cái nguyên lý, nguyên Thần ấy ở nơi mình, - sự việc mà Phật giáo gọi là «Kiến Tánh»,- họ ngỡ ngàng vì đã được chứng kiến một sự kiện hết sức là kỳ diệu, đó là «Trời người hợp nhất» trong một cái «lớn thì lớn như Trời, mà nhỏ thì nhỏ như tôi.» [16]

Thuyết Phóng Phát (Emanation Theory), và Thuyết Nội Tại (Immanence theory) dẫn tới thuyết Qui Nguyên tức là Qui Tâm (the return to the Unconditioned or to the Uncreated Source). [17]

Ruysbroeck cho rằng: chỉ cần hồi quang quán chiếu với một lòng kính mến, con người sẽ gặp Thượng Đế mà không cần môi giới. Họ sẽ nghe thấy người Cha của mọi quang minh luôn luôn trò Chuyện với mình trong nơi thầm lặng nhất của tâm thần. Họ sẽ nghe thấy được Nguyên âm, nghe thấy được Thần Ngôn uyên nguyên, ẩn áo. [18]

Thánh Teresa of Jesus viết: «Tôi đã hiểu được Chúa ở trong mọi sự như thế nào, và trong tâm hồn như thế nào; cái bọt bể thấm đầy nước đã gợi ý niệm đó cho tôi.» [19]

Con đường lữ thứ của con người đi tìm Thượng Đế chính là con đường nội tâm: có đi vào đáy lòng mới tìm thấy Đấng Tối Cao. [20]

Nếu Ái Châu nói Vô Cực, vói Thái Cực, nói trong con người có Thần Trời, có Thiên Tâm, thì thánh Têrêsa, với quan niệm Thiên Chúa ba Ngôi đã chủ trương:

  1. a) Chúa Cha chính là Tuyệt đối Thể, nguồn mạch vạn hữu, bất khả tư nghị. Đó là Chân Nhất theo từ ngữ của môn phái Tân Bá Lạp đồ.[21]
  2. b) Ngôi Hai chính là Thần Ngã, là Đạo, là sự phát huy, là sự hiển dương của Thiên ý. Đó chính là nhịp cầu bắc giữa Tuyệt Đối và Tương Đối.[22]
  3. c) Thánh thần chính là Thần nội tại, là nguồn sinh tuyệt đối trong tâm khảm con người, nguồn mạch sinh ra sự Viên Giác nơi con người, và chính là vòng khÔn nối kết con người với Bản Thể Thượng Đế.[23]

Và như vậy, khi vào tới nơi thâm sâu nhất trong tâm hồn, con người sẽ thấy mọi sự dị biệt tan biến, và chỉ còn thấy «Chúa tại một tâm điểm» [24]

4. Muốn tìm Thượng Đế phải tìm nơi đáy lòng, phải hư tâm

Thomas R. Kelly viết: «Ẩn sâu trong lòng chúng ta, có một thánh thất, một Thiên Tâm, một Chân Ngôn mà bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể trở về.

Vĩnh cửu đã ở ngay trong tâm hồn ta, khuyến dụ ta, cho chúng ta biết chúng ta có một định mệnh lạ lùng sang cả, và kêu gọi chúng ta trở về Thiên Tâm ấy.

Tin tưởng hoàn toàn vào ánh sáng nội tâm ấy, chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc sống thực. Ánh sáng nội tâm ấy sẽ làm bừng sáng «Thiên Nhan»và sẽ cho ta nhìn thấy những vinh quang mới của bề mặt thật con người. Đó là Đấng Christ nội tại đang ngủ mà chúng ta cần đánh thức dậy... Ngài ở ngay trong chúng ta.» [25]

Thomas R. Kelly suy luận thêm, đại khái rằng:

Như vậy, tâm hồn ta y thức như có 2 tầng:

- 1 tầng phiến diện để lo chuyện trần hoàn.

- 1 tầng sâu trong tâm khảm để tiếp xúc với Thượng Đế, với Vĩnh Cửu. [26]

Con người đạo hạnh phải là con người viên mãn, không thể vì cái tâm phiến diện, vụn vặt, bất toàn, mà bỏ quên mất cái phần chính yếu, đẹp đẽ nhất, huy hoàng nhất của con người (đó là cái tâm khảm chân chính). [27]

Thánh Augustine viết: «Chúng con tiến lên con đường của Chúa ở ngay trong lòng chúng con và hát lên bài hát của các tầng cấp; nội tâm chúng con bứửng sáng lên vì ngọn lửa của Chúa, và chúng con đi, bởi vì chúng con tiến lên cho tới sự bình yên của Jérusalem.» [28]

Biết được rằng Thượng Đế ngự trị trong tâm khảm mình, là nguồn gốc của mình, biết rằng từ nguồn gốc vĩnh cửu ấy phóng phát ra tâm tư của mỗi người chúng ta, và từ tâm tư nhỏ nhoi ấy của mỗi người chúng ta, chúng ta coữ thể trở về với nguồn gốc vĩnh cửu, với bản thể tuyệt đối, tức là hiểu được vòng đại tuần hoàn của Tạo Hóa, vòng Đại Chu Thiên của đất trời.[29]

Như vậy, hành trình đi tìm Tuyệt đối không phải là một hành trình diệu vợi, xa xôi, mà chính chỉ là một sự giác ngộ, giác ngộ thấy Thực Thể lồng ngay trong tâm khảm mình, cũng như trong tâm vũ trụ. [30]

Thế là đất cũng tràn ngập trời, và đúng như Téwekkul Bég, một nhà Huyền Học Hồi Giáo đã nói: «Ngài là tôi, mà tối tăm thay là lòng tôi thủa trưởc, tôi đã không biết được điều bí ẩn, siêu việt ấy.» [31]

Kết quả công phu tu luyện là phá vỡ được bức tường ngăn giữa Nhân Tâm và Thiên Tâm để tiến sâu vào Tâm Khảm con người để mà gặp gỡ Thượng Đế. [32]

Thế là về với Chúa, là kết nghĩa với Chúa Con. [33]

Thế là hưởng được sự an lạc của Thượng đỉnh tâm hồn, lúc ấy không còn phân biệt nội ngoại xa gần, và chỉ còn lại sự an tĩnh của yêu đương. [34]

Albertus Magnus nói: «Lên tới Chúa tức là đi sâu vào Tâm Hồn mình...» [35]

Lời này cũng giống như lời Mạnh Tử:

Thấu triệt lòng sẽ hay biết Tính

Hay biết tính nhất định biết Trời.

(Tận kỳ Tâm tắc tri kỳ Tính, Tri kỳ Tính tắc tri Thiên. Mạnh tử, Tậm Tâm Chương Cú hạ).

Eckhart cũng nói: «Chúa ở gần ta mà ta xa Ngài, Chúa ở trong, mà ta ở ngoài, Chúa ở trong nhà mà ta thời tha hương, viễn xứ.» [36]

Theo thánh Bernard, thì các nhà huyền học thu thần, định trí, hướng nội, tiến vào chiều sâu tâm hồn, vì tin rằng trong đó có Chúa Trời ngự trị, và đi vào Tâm là có thể tìm thấy Chúa. Trên con đường đi vào nội tâm đó, họ tin rằng thần thánh ở với họ, còn Thượng Đế thì chẳng những ở với họ, mà còn ở trong họ. [37]

Tóm lại, khẩu quyết của Thánh Hiền Công Giáo chính là Nước Trời ở trong ta, vậy hãy tìm nưởc Trời ngay trong Tâm Thần ta. [38]

5. Con người có thể kết hợp nhất như với Thượng Đế, con người có thể thành Thượng Đế

Euken viết: «Cái lạ lùng nhất là con người có thể biến thành Trời.» [39]

Thánh Athanasius viết: «Chúa xuống làm Người, để ta có thể làm Chúa.» [40]

Thánh Augustinus kể lại quãng đời trước khi Ngài trở lại Đạo, có viết: «Tôi nghe thấy tiếng từ thinh không nói với tôi: "Ta là thực phẩm cho những người đã khôn lớn. Con hãy lớn lên và hãy ăn ta, không phải để ta biến thành thể chất con, mà chính là để con biến thành Ta.» [41]

Eckhart viết: «Chúa nói với mỗi linh hồn: «Ta đã làm người vì con, nếu con không thành Chúa vì Ta, thì con đã chẳng tốt với ta.» [42]

Eckhart còn viết bạo hơn: «Nếu tôi có thể biết Chúa trực tiếp thì nhất định tôi phải trở thành Ngài, và Ngài trở thành tôi. Ngài và tôi trở nên một Tôi.» [43]

Thánh Paul nói: «Tôi sống chẳng phải là tôi sống mà là Chúa sống trong tôi.» (Galatians 2, 20)

Thánh Paul còn nói: «Ai sống hết hợp với Chúa, sẽ có một thần như Chúa.» (I Cor. 6, 17). [44]

Sau khi biết được quan điểm của các thánh hiền Công Giáo, đối với Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể và những hậu quả xa gần của nó, ta trở lại Kinh Thánh, và lấy Kinh Thánh để làm tiêu chuẩn cho vấn đề. Tôi nhấn mạnh hai chữ Thánh Kinh, chứ không muốn đề cập đến giáo lý thông thường.

  1. Trước hết, Thánh Kinh gọi Chúa Giesu là Con Thiên Chúa (Mat 4:3; John 3:3), nhưng cũng gọi những người thánh thiện là Con Thiên Chúa. (Rom 8:14; Rom. 8:19).
  2. Chúa Giesu lập kinh Lạy Cha để cho mọi người biết Chúng ta và Ngài đều là Con Thiên Chúa. Và như vậy, nếu Ngài có Tính Trời, thì lẽ dĩ nhiên chúng ta cũng có Tính Trời. (Suy luận của tác giả).
  3. Mọi người đều có thể làm được phép lạ, có khi còn hơn Ngài, nếu họ có đức tin (Luke 17:6).
  4. Ngài dám coi tha nhân là Thượng Đế:

Khẩu hiệu của Ngài là mến Chúa, yêu người. (Mat 22: 37-40).

- Thương giúp kẻ nghèo, kẻ tật bệnh là thương giúp ngài (Mat 25: 35-40).

- Bức bách giáo hữu là bức bách Ngài. (Acts 9:5-6)

  1. Con người chẳng bao giờ xa rời được Thượng Đế: Thượng Đế là goôc nho, con người là cành nho. Cành có bao giờ rời được gốc? (Mat 15:5)
  2. Và như vậy, con người có thần Trời trong tâm hồn (I Cor. 3:1)
  3. Nếu như vậy, thì nước Trời phải ở đáy lòng (Luke 17:21), và Chân đạo phải là sự chuyển hóa tâm hồn (John 4: 24), phải là sự ban phát Công Bằng, Chính Trực. (Proverbs 21:3; Isaiah 1:17; Jer 22:3), chứ không phải là sự mấp máy môi miệng (Isaiah 29:13; Mat 15:8)
  4. Ước nguyện của Chúa Giesu là ước gì Trời Người hợp nhất. (John 17:21-25)
  5. Định mệnh tối hậu của nhân loại là: Con người toàn thiện có thể ngồi tòa Thiên Chúa.

Sách Khải Huyền viết: «Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với Ta trên tòa Ta, cũng như ta đã thắng, và đã ngồi cùng Cha ta trên tòa Ngài. Ai có tai thì hãy nghe lời Thánh Thần dạy các Giáo Hội.» (Rev 3:21-22).

Có mấy câu Kinh Thánh làm tôi hết sức suy tư:

Đó là câu Mat. 13, 35: «Người dùng ví dụ mà nói các điều ấy với dân chúng, vì Ngài không nói với họ điều gì mà không dùng ví dụ, để làm trọn điều đã phán nhờ vị tiên tri nói rằng:

Ta mở miệng tuyên ra câu ví,

Thổ lộ những điều bí ẩn từ lúc

Khởi nguyên võ hoàn.» (Psaume 78, 2)

(Xin đọc thêm Mat. 13, 10- 15)

và câu Col 1, 27: «Những kẻ đã được Thiên Chúa muốn thông báo cho biết gì là lường phong phú vinh quang của mầu nhiệm ấy, tức là Đức KiTô trong anh em, mối hi vọng vinh quang.»

Câu Mat. 13, 35 ý nói: Chúa Giêsu chỉ truyền dạy Đạo Trời, tức là Đạo Huyền Đồng (mysticism), hay đạo Phối Thiên cho các môn đệ mà thôi, còn các người khác chỉ được nghe bằng ẩn dụ, để họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy. Cái đạo Phối Thiên này là điều bí mật từ Tạo Thiên Lập Địa tới nay.

Câu Col. 1, 27 thánh Paul gọi đó là Bí Mật đấng Christ. Tôi hiểu Bí Mật đấng Christ như sau. Chúng ta có Tiểu Ngã, và Đại Ngã. Đại Ngã chính là đấng Christ trong ta. Biết được Đại Ngã này sẽ có thể trở thành con người khôn ngoan và toàn hảo. Cái bí mật này bao thế kỷ nay, thiên hạ không biết, nay Thượng Đế mới dạy cho thánh hiền người biết. Đó chính là điều mà thánh Paul vất vả lo truyền dạy.

Tôi không nói thêm, để ai hữu duyên sẽ tìm đọc, và tìm hiểu mấy đoạn trên.

Cuối thiên khảo luận này, chúng ta có thể suy tư như sau:

  1. Nếu Chân Lý là về phía quần chúng, và về phía Giáo Lý công truyền, thì ta thấy chủ trương của thánh hiền Công Giáo là sai, và Kinh Thánh cũng sai nốt. Như vậy, Đông Tây sẽ không bao giờ gặp nhau về phương diện Đạo Giáo.
  2. Nếu chân lý là về phía Thánh hiền, thì Đông Tây chẳng qua là cùng chung một Chân Lý, và đạo này cũng có thể sáng soi cho đạo nọ, và càng học hỏi, càng so sánh, Chân lý càng trở nên sáng tỏ, con đường đạo giáo càng được hoạch định rõ ràng, định mệnh cao sang con người càng được xác định, và niềm hy vọng con người càng trở nên lớn lao.

Nhưng tôi tin chắc chắn rằng Chân Lý phải ở phía Thánh Hiền.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh