Kinh Nghiệm Thiền Quán: Chương 3. Giải Thoát Tâm Thức

KINH NGHIỆM THIỀN QUÁN: CHƯƠNG 3. GIẢI THOÁT TÂM THỨC

những trở ngại: một tấm vải dơ

Đa số, có thể là tất cả chúng ta, đều có những lúc cảm thấy bị khuất phục trước những năng lực bất thiện trong tâm mình. Làm sao để có thể thắng vượt chúng, và cảm thấy tự tin hơn nhờ những thành công ấy, là một phần quan trọng trong sự tu tập của ta. Sau đây là một vài lời khuyên tôi nghĩ có thể giúp bạn đối phó với những năng lực bất thiện ấy bằng một đường lối quân bình.

Trong những giai đoạn khó khăn, việc đầu tiên mà bạn có thể tự nhắc nhở mình là sự thật bạn cũng đã tích tụ được một số năng lực mạnh mẽ của sự thanh tịnh và giải thoát trong tâm. Dầu vậy, nhưng giữa một trận bão của tâm hồn, của sợ hãi, sân hận và tham vọng, thì khó ai có thể nhớ đến hoặc tin được sự thật ấy. Nhưng đó vẫn là một sự thật. Nếu không thì làm sao bạn có thể mang được thân người trong kiếp này! Bạn nên hiểu rằng cái thân người quý báu này chính là kết quả của những hành động tốt lành của ta trong quá khứ.

Và sự kiện ta hiện đang đi trên con đường tu tập, con đường của tỉnh thức, còn chứng tỏ thêm rõ ràng hơn nữa những năng lực thanh tịnh ấy trong ta.

Ngài Dilgo Khyentse Rinpoche, một trong những vị tu sĩ Tây Tạng nổi tiếng của thế kỷ XX, viết: “Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi rằng, có bao nhiêu người trong số hằng tỷ con người sống trên trái đất này nhận thấy sự quý báu, hiếm hoi được sinh ra làm người. Rồi có bao nhiêu trong những người ý thức được sự quý báu đó, biết sử dụng cơ hội ấy để tu tập Phật pháp? Và rồi bao nhiêu trong số người đã bắt đầu, sẽ tiếp tục con đường mình theo?” Chiêm nghiệm sự tu tập của mình theo lối đó sẽ làm phátsinh được một niềm vui sướng và tự tin trong ta.

Khi sự tu tập được thâm sâu, sẽ có lúc ta cảm thấy dường như cường độ của những tính bất thiện trong tâm mỗi lúc lại càng trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng sự thật không phải vậy, chúng ta chỉ có ý thức về chúng nhiều hơn mà thôi. Khi sự tu tập phát triển, chúng ta có thể sẽ cảm thấy như bị tràn ngập áp đảo bởi vô số những chướng ngại tinh thần khác nhau. Chúng như đồng khởi lên cùng một lúc, ta thấy bất an, lười biếng, giận dữ, nghi ngờ, tham lam, ganh tỵ, tự phụ... đủ hết cả. Và nhiều khi tưởng chừng như tâm mình không còn chứa đựng gì khác hơn ngoài những khổ thọ ấy.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Trong kinh đức Phật có dùng một thí dụ để giải thích hiện tượng này. Giả sử như bạn có một tấm vải dơ, dính đầy bụi bẩn, đất cát thì sẽ không có một điểm dơ đặc biệt nào nổi bật lên hết. Nhưng khi tấm vải ấy được giặt sạch đi, mỗi vết bẩn nhờ đó mà trở nên rõ rệt và nổi bật. Tương tự như thế, khi tâm ta được trở nên trong sáng nhờ thiền tập, những chướng ngại tự chúng cũng sẽ biểu lộ ra một cách rõ ràng hơn.

Vì thế bạn hãy nhớ luôn giữ cho mình một cái nhìn quân bình những khi đối diện với tư tưởng và cảm xúc trong tâm. Điều quan trọng là phải nhận thấy được những khó khăn ấy vừa khi chúng mới bắt đầu phát khởi. Bạn nên nhớ rằng, tuệ giác giúp ta nhìn thấy được những khó khăn ấy, nó phát xuất từ một tánh thanh tịnh trong tâm ta.

tư tưởng

Thiền quán không phải là suy nghĩ về một việc gì.

Chúng ta đã quá quen sử dụng tư tưởng, suy luận trong mọi lãnh vực của đời sống. Phần lớn hoặc có thể trọn cuộc đời của ta đều nằm nơi đó, cho dù ta có ý thức được việc ấy hay không. Nhưng thiền quán là một tiến trình hoàn toàn khác biệt, vì nó không dính dáng gì đến những suy luận hoặc tư tưởng của mình. Thiền quán không phải là suy nghĩ về một việc gì. Qua tiến trình liên tục quán chiếu trong thinh lặng, một loại hiểu biết mới, sâu xa hơn sẽ phát sinh.

Trong mục tiêu của thiền quán thì không có gì là thật sự đáng để cho ta suy nghĩ đến cả: không phải tuổi thơ của ta, những mối tương quan của ta, cũng không phải là một quyển đại tiểu thuyết nào đó mà ta mong muốn viết. Nhưng việc ấy không có nghĩa là những tư tưởng ấy sẽ không khởi lên. Sự thật thì chúng sẽ xảy đến rất thường xuyên. Nhưng ta không cần phải chống lại, tranh đấu với chúng, hay là phê phán làm gì. Ta chỉ cần giản dị không chạy theo những tư tưởng ấy, một khi vừa ý thức được rằng chúng đang khởi lên. Càng ý thức được mình đang suy nghĩ sớm bao nhiêu, ta sẽ càng thấy được cái tự tánh rỗng không của tư tưởng nhanh bấy nhiêu.

Tư tưởng của ta nhiều khi có một sức quyến rũ vô cùng. Giờ thiền tập sẽ trôi qua rất nhanh những khi chúng ta ngồi mơ mộng, có khi chưa kịp hay biết gì thì thời gian đã hết. Có thể giờ ngồi thiền hôm đó rất thú vị, nhưng đó không phải là thiền tập. Trên con đường tu tập, chúng ta cần nên để ý đến những sự lạc hướng này, nếu có. Bạn nên nhớ rằng tuệ giác mà chúng ta muốn, nó phát khởi một cách tự nhiên và bằng trực giác từ một chánh niệm tĩnh lặng.

Mặc dù thiền quán không phải là suy nghĩ, nhưng dầu vậy thiền quán vẫn có thể là ý thức rõ ràng về sự suy nghĩ của mình. Tư tưởng có thể là một đối tượng rất hữu ích trong thiền quán. Chúng ta có thể tập trung năng lượng của sự quán chiếu vào ngay chính tư tưởng để có thể thấy được tự tánh của nó.

Nhờ vậy mà ta sẽ ý thức được tiến trình của suy nghĩ thay vì bị vướng mắc trong nội dung của chúng.

Trong giáo lý nhà thiền, chúng ta thường hay đề cập đến sự nguy hiểm của việc đi nhận những hiện tượng đang xảy ra là mình. Sự nhận diện sai lầm ấy sẽ giam giữ ta trong khuôn khổ tình trạng của chính mình. Muốn hiểu được điều này, bạn hãy quan sát sự khác biệt giữa khi ta bị vướng mắc vào tư tưởng và khi ta có một chánh niệm rõ ràng về chúng.

Những khi chúng ta bị lạc trong suy nghĩ của mình thì sự nhận diện sai lầm này rất là kiên cố. Chỉ chừng một khoảnh khắc thôi, tư tưởng sẽ có thể tràn ngập và lôi cuốn ta đi trôi xa thực tại ngàn dặm. Chúng ta nhảy lên một chuyến xe lửa của sự liên tưởng, mà không hề ý thức được mình đã lên xe, và lẽ dĩ nhiên không biết nó sẽ đưa mình về một chốn nào. Rồi đến một lúc, ta giật mình tỉnh dậy và thấy rằng mình đang suy nghĩ miên man, rằng ta đã chu du đến một nơi xa xôi nào đó rồi. Khi ta “xuống xe”, có thể nơi ấy là một trạng thái tinh thần hoàn toàn khác biệt với lúc ta đã khởi hành. Bạn thấy không, khi chúng ta không ý thức được rằng mình đang suy nghĩ, tư tưởng sẽ mang ta phiêu du qua biết bao nhiêu là những thế giới xa lạ.

Như thế tư tưởng là gì? Vì lý do gì mà khi ta không ý thức về nó, tư tưởng lại có một mãnh lực điều kiện hóa cuộc sống của ta đến thế? Và nó lại hoàn toàn biến mất trong khoảnh khắc ta vừa chú ý đến? Chúng ta phải đối phó với những tư tưởng diễn hành liên tục trong tâm này như thế nào cho phải?

Bây giờ, bạn hãy bỏ ra vài phút và nhìn thẳng vào những ý nghĩ nào đang có mặt trong tâm mình, ngay giây phút này đây. Đây là một bài tập, cho nên bạn có thể nhắm mắt lại và tưởng tượng như mình đang ngồi trong một rạp hát và nhìn lên một màn ảnh trống không. Chỉ đơn giản chờ những tư tưởng khởi lên. Vì bạn chẳng làm gì khác hơn là chờ đợi, nên bạn sẽ có thể nhanh chóng ý thức được những tư tưởng nào sinh lên. Chúng thật sự là gì? Sau khi ta ghi nhận được chúng thì việc gì sẽ xảy ra? Tư tưởng cũng giống như là những món đồ của một nhà ảo thuật, chúng có vẻ rất thật khi ta bị lôi cuốn, mê hoặc, nhưng vừa khi ta quan sát kỹ lưỡng chúng lập tức biến mất ngay.

Nhưng còn những tư tưởng mạnh có khả năng chi phối ta thì sao? Trong khi ngồi thiền ta theo dõi, theo dõi và theo dõi chúng, rồi đột nhiên - vụt một cái - ta bị mắc kẹt vào một ý nghĩ. Thế là nghĩa lý gì? Những tâm thức nào, những loại ý nghĩ nào lại có khả năng bắt dính ta hết lần này đến lần khác, và khiến ta quên rằng chúng chỉ là những hiện tượng trống rỗng đi ngang qua mà thôi?

Đức Phật dạy rằng chúng ta được tạo nên, uốn nắn và sai sử bởi chính ý nghĩ của mình. Nếu đó là sự thật thì chúng ta cần phải theo dõi chúng một cách cẩn thận, xem ta mắc kẹt chỗ nào, cái nào đã quyến rũ ta, bắt ta nhận chúng làm mình để rồi tạo nên khổ đau. Một điều bất ngờ là chính ta đã vô tình ban cho những tư tưởng ấy một quyền hạn vô cùng, chúng bắt ta phải “làm cái này, nói như vầy, nhớ điều nọ, tính toán như thế này, phê phán như thế kia.” Nhiều khi có thể làm ta điên lên được!

Chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào và bị chúng sai sử ra sao, việc ấy tùy thuộc vào sự hiểu biết của ta về những gì đang xảy ra. Nếu chúng ta có thể an trú trong hiện tại và nhìn thấy được sự sinh diệt của tư tưởng, thì bất cứ loại tư tưởng nào khởi lên cũng không quan trọng. Vì bản chất của chúng là trống rỗng, là vô ngã, và đôi khi ta còn có thể nhìn thấy được tự tánh vô thường của chúng nữa. Từ đó, cái mãnh lực có thể làm rung chuyển cả thế giới, mà đã từng sai sử ta, sẽ trở thành một năng lượng nhỏ nhoi, không còn đủ sức để tạo nổi một gợn sóng lăn tăn trong ta. Chúng như những hạt sương buổi sáng, sẽ tan biến dưới ánh sánh mặt trời.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, đâu phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngồi yên theo dõi tư tưởng của mình. Chúng ta có thể bị dính mắc hoặc bắt buộc phải suy nghĩ để quyết định một việc gì trước khi hành động. Trong cả hai trường hợp, điều chủ yếu là chúng ta phải nhận thức rõ ràng được giữa tư tưởng thiện và bất thiện, để biết những việc nào nên thực hiện và việc nào không. Vì tư tưởng bao giờ cũng có một ảnh hưởng nghiệp quả rất lớn.

Chúng là đầu mối dẫn dắt ta. Ý nghĩ sẽ đưa đến hành động, rồi từ hành động mà sinh ra mọi thứ hậu quả. Chúng ta nên đầu tư vào những loại tư tưởng nào? Bổn phận của ta là nhận diện chúng cho rõ ràng, để ta có thể chọn những điều nào nên thực hiện và những điều nào hãy để yên.

Muốn nhận diện được tư tưởng của mình nó đòi hỏi một năng lượng chánh niệm lớn, vì ý nghĩ khó nắm bắt vô cùng. Nếu ta theo dõi chúng chỗ này, chúng sẽ len lỏi biến sang một nơi khác. Nhưng khi sự tu tập của ta tiến triển, có hai điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Thứ nhất, tâm ta sẽ thật sự trở nên tĩnh lặng hơn. Thay vì như một dòng nước lũ cuồn cuộn chảy, những tư tưởng sẽ khởi lên ít hơn, và nhờ vậy mà ta sẽ có được một cảm thọ an tĩnh và thanh thản hơn. Thứ hai là khả năng quán chiếu của ta sẽ trở nên bén nhạy và kiên cố hơn. Ta sẽ có thể nhận diện được những tư tưởng một cách rõ ràng hơn và ít còn bị chúng lôi đi một cách vô ý thức. Khi ta thôi nhận tư tưởng là mình và không còn ban cho chúng chủ quyền nữa, tâm ta sẽ an trú trong một trạng thái thanh thản, giản dị và an lạc.

quan điểm và ý kiến

Nếu bạn theo dõi những tư tưởng của mình sâu sắc, bạn sẽ nhận thấy rằng chúng ta thường có khuynh hướng chấp giữ một loại tư tưởng làm mình.

Loại tư tưởng mà tôi muốn nói đó là quan điểm và ý kiến. Nhưng chúng ta cũng cần phân biệt rõ ràng giữa việc có một quan điểm và ý kiến với lại cố chấp vào chúng. Vì khi người ta thấy rằng sự chấp nhất có thể tạo nên những chia rẽ và xung đột, thì họ vội vàng kết luận rằng ta phải buông bỏ hết mọi quan điểm của mình. Nhưng việc ấy sẽ đưa ta đến một tình trạng nan giải, vì sự buông bỏ ấy hoàn toàn không thể nào có được.

Vấn đề giải thoát ở đây là làm sao ta đừng cố chấp vào những ý kiến của mình, đừng bao giờ để ta có những thành kiến như đinh đóng cột. Nhưng làm thế nào ta có thể thực hiện được việc ấy? Muốn nhận thấy được sự cố chấp vào những quan điểm này, bạn hãy thử chú ý đến những trạng thái cảm xúc của mình trong đời sống hằng ngày. Trong một ngày, ta có thể suy nghĩ về nhiều vấn đề khác nhau, rồi đột nhiên sẽ có một ý kiến cố định về một người hoặc một hoàn cảnh nào đó khởi lên, và ta chấp vào đó, tin nó là sự thật.

Khi ta chấp vào những ý kiến ấy, thay vì đơn giản thấy được chân tướng của chúng chỉ là những tư tưởng sinh lên rồi diệt đi, tâm ta sẽ siết chặt nó lại. Nó cũng giống như một lời buộc tội, một ý thức cho rằng mình là phải, là đúng. Và cũng chính vì vậy mà ta bị giam hãm trong một không gian nhỏ hẹp của tiểu tâm, của sự đối đãi, phân chia.

Nếu chúng ta ý thức được lúc nào tâm ta bắt đầu nắm bắt, khi nào ta bắt đầu phê phán, buộc tội, thì điều đó có thể trở thành một dấu hiệu báo cho ta biết rằng, mình đã chuyển từ việc có một ý kiến sang đến bị dính mắc vào nó. Chúng ta có thể sử dụng “máy ra-đa” chánh niệm để nhận thấy những dấu hiệu của khổ đau, dính mắc khi chúng vừa khởi lên.

Cũng như bất cứ một sự luyện tập nào khác, hệ thống báo động này sẽ càng lúc càng được hoàn mỹ hơn, nếu ta sử dụng nó thường xuyên. Mọi việc có thể đang trôi chảy thuận buồm xuôi gió, rồi thì đột nhiên bạn nhận thấy một dấu chấm lạ xuất hiện trên màn ảnh ra-đa của chánh niệm. Bạn cảm nhận trong thân tâm mình đang có một cảm giác đông cứng chung quanh một sự việc gì đó. Chính ngay lúc ta nhận diện được dấu chấm ấy là khi ta phải dừng lại. Dấu hiệu đó là một món quà vô giá: nó báo cho ta biết rằng có một việc gì đang xảy ra và ta bị mắc kẹt.

Khi chúng ta không còn cố chấp vào ý kiến và quan điểm của mình nữa, ta sẽ trở nên tự tại hơn. Ta sẽ có thể quan sát mọi hoàn cảnh một cách bình thản hơn. Chúng ta sẽ có thể lắng nghe được quan điểm của người khác, và nhờ đó mà bất cứ tình trạng nào cũng có thể trở nên cởi mở và dễ dàng cảm thông hơn.

Vì vậy mà vấn đề giải thoát không bao giờ cũng phải là những hiện tượng ồn ào, có pháo nổ hoa đăng. Nó có thể là tiến trình của từng-bước-từng-bước- một, từng-chút-từng-chút-một, tháo gỡ những gút mắc trong tâm ta.

lời phán xét thứ 500

Ý kiến và quan điểm, nếu kiên cố quá chúng sẽ trở thành một sự phán xét.

Và đây cũng là một trong số những yếu tố có thể điều kiện hóa kinh nghiệm của ta. Chúng ta tự phán xét mình, ta phán xét người khác, chúng ta ít khi để một sự kiện nào đi ngang qua mà không phê phán. Mặc dù loại tư tưởng này hoạt động rất thầm lặng trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, nhưng nó sẽ hiện lên thật rõ rệt khi chúng ta theo dõi tâm mình trong lúc ngồi thiền. Nhiều lúc ta có cảm tưởng như là tâm mình không còn làm một việc gì khác hơn là phê phán!

Có lẽ, cũng như mọi người khác, ta đã bị cái tâm phán xét không ngừng ấy làm khốn khổ không ít. Nhưng bạn nhớ rằng, trong sự tu tập ta bao giờ cũng nên chú trọng vào việc thay đổi thái độ của mình đối với vấn đề, hơn là đi thay đổi chính vấn đề ấy. Sau đây là ba phương pháp mà ta có thể áp dụng để thay đổi mối liên hệ của mình đối với cái tâm phán xét. Có một vài phương pháp là “cây nhà lá vườn”, tôi nghĩ bạn sẽ không tìm thấy chúng trong một kinh điển nào hết. Tôi phát kiến ra những phương cách ấy trong thời gian phải tranh đấu với “những đợt tấn công của tâm phán xét” trong sự tu tập của chính tôi.

Một lần khi đang tu thiền tập trong một khóa tu, tôi đã có dịp kinh nghiệm được sự khó chịu của tâm phán xét này thật rõ ràng. Lần đó tôi đang ngồi trong phòng ăn của trung tâm tu học, từ vị trí ấy tôi có thể nhìn thấy mọi người đi ra vào lấy thực phẩm. Mặc dù bề ngoài thì tôi có vẻ như là đang chú tâm vào miếng ăn của mình, nhưng ánh mắt tôi để ý đến hết mọi việc xảy ra chung quanh. Tôi rất ngạc nhiên khi nhận thấy tâm tôi có từng lời phán xét cho mỗi người đi vào phòng ăn.

Tôi không thích cách người ta đi đứng thiếu chánh niệm, hoặc là số lượng thực phẩm người ta lấy, hay cách người ta ăn uống, hoặc lối ăn mặc của họ.

Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu khi thấy mình có biết bao nhiêu là những lời phê phán ngập tràn trong tâm. Điều tôi kể, bạn nghe có quen thuộc không?

Phản ứng đầu tiên của tôi đối với sự khám phá mới đó là đâm ra bực tức với chính mình. Trước hết, tôi lên án tất cả những lời phê phán ấy là “bất thiện”, rồi lại tự cho mình là xấu vì đã có những ý nghĩ như thế. Nhưng sau một thời gian, tôi hiểu rằng đi phán xét sự phán xét, điều ấy chẳng ích lợi gì cho ai hết!

Phương pháp khôn khéo đầu tiên mà ta có thể dùng để đối phó với tâm phê phán, là sử dụng chánh niệm của mình. Với chánh niệm, tôi cố gắng ghi nhận thật rõ sự biểu hiện của tâm phê phán như thế nào, thấy được những tầng lớp tiếp nối nhau của tư tưởng với một ý thức sáng tỏ. Khi áp dụng chánh niệm như vậy, tôi nhận thấy rằng ta sẽ trở nên bớt dính mắc vào chúng hơn.

Và trong những trường hợp đặc biệt, đôi khi ta cũng cần phải có những biện pháp hơi khác thường một chút. Thế cho nên tôi có phát kiến thêm hai phương pháp khác nữa, tuy chúng không có trong truyền thống, để đối phó với tâm phán xét. Trước nhất, tôi bắt đầu đếm những ý nghĩ phê phán khi chúng vừa khởi lên. Mỗi khi có một ý tưởng phê phán nào trong tâm, tôi đếm: “Phê phán một, phê phán hai, phê phán ba... phê phán 500.” Cho đến một lúc tôi phải phá lên mà cười. Tôi bắt đầu nhìn những tư tưởng “bất thiện” ấy bằng một ánh mắt thư thái hơn, không hẳn tin chúng và cũng không phải chống cự lại chúng. Một tư tưởng phán xét khởi lên, ta có thể nhận diện nó, mỉm cười và rồi buông bỏ nó. Thật là một làn gió tươi mát thổi vào tâm ta.

Phương pháp thứ hai tôi sử dụng những khi có nhiều tư tưởng phán xét xảy lên liên tục và nhanh chóng, là kèm theo sau mỗi lời phê bình câu “bầu trời màu xanh.” “Anh chàng đó lấy nhiều đồ ăn quá - bầu trời màu xanh.” “Tôi không ưa cách họ đi đứng - bầu trời màu xanh.” “Bầu trời màu xanh” là một ý nghĩ có tính chất trung hòa, nó đến và đi mà không gây nên một phản ứng nào trong tâm. Khi cộng nó thêm vào ở cuối mỗi câu phê bình, nó nhắc nhở tôi rằng hãy để cho sự phê phán của mình đi qua như là ý nghĩ về “bầu trời màu xanh” vậy, vô thưởng vô phạt!

Thế cho nên thay vì chống cự hoặc tranh đấu với sự phê phán của mình, hoặc bất cứ một loại tư tưởng nào khởi lên thường xuyên khác, chúng ta có thể học cách không phản ứng, không để cho chúng làm khó chịu, và nhiều khi còn có thể mỉm cười với chúng được nữa kìa. Bạn hãy thử thí nghiệm với một ý tưởng nào từng làm cho bạn khó chịu nhất. “Tự thù ghét một, tự thù ghét hai... tự thù ghét năm-trăm-chín-mươi... tự thù ghét mười-ngàn.” Rồi đến một lúc bạn sẽ bắt đầu mỉm cười. Sự thật là như vậy!

Và nụ cười ấy báo hiệu một sự chuyển hóa vô cùng quan trọng trong mối tương quan của bạn đối với những vấn đề khó khăn. Những vấn đề ấy hoàn toàn trống rỗng, chúng không là của ai, vì chúng cũng không có một gốc rễ nào. Chúng được nuôi dưỡng nhờ vào sự liên hệ với ta. Cũng chính vì ta không ưa nó mà nó lại cứ tiếp tục xuất hiện. Đến khi ta thôi không còn ghét bỏ một việc nào hết, thì sẽ không có gì còn là vấn đề nữa.

Trong kinh nghiệm tu tập của tôi, tôi cũng đã từng theo dõi những cốt truyện kinh hoàng nhất trong tâm trí mình. Được rồi, thì chúng đang có mặt, sinh lên và sẽ diệt đi. Nếu ta biết đối xử với chúng một cách bất bạo động, không để bị đồng hoá, thì nội dung của chúng không có gì là quan trọng. Ta sẽ có được một sự tự tại lớn khi ý thức rằng, dưới ánh sáng của chánh niệm nội dung của chúng hoàn toàn là vô nghĩa.

tính tự phụ và tâm so sánh

Một phương pháp hữu dụng khác để tôi luyện tư tưởng của mình là chú ý đến tánh tự phụ. Trong tâm lý học Phật giáo “tự phụ” có một nghĩa đặc biệt: nó là một tâm hành tự đi so sánh mình với người khác. Những khi chúng ta cho rằng mình tốt hơn, bằng với hoặc là thua sút một người nào, tức là chúng ta đang biểu lộ tánh tự phụ. Sở dĩ ta gọi tâm tánh ấy là tự phụ là vì tất cả những tướng trạng của chúng - dù đó là “Tôi tốt hơn”, “Tôi kém hơn,” hay “Tôi cũng chỉ như thế” - đều phát xuất từ một ảo tưởng về một cái ngã. Thật ra chúng chỉ là những cảm giác về một cái ngã, cái tôi mà thôi.

Tánh tự phụ này có một điều đáng buồn mà cũng có một điều đáng mừng liên quan đến nó. Thật ra thì hai việc ấy chỉ là một mà thôi, đó là sự tự phụ sẽ không bao giờ có thể nào bị nhổ tận gốc rễ, trừ khi ta đạt đến một sự giác ngộ viên mãn. Cho dù có thể một ngày nào đó, ta thấy được sự thật rằng tự tánh của mọi kinh nghiệm là vô ngã, không có một cái “tôi” nào đứng phía sau những kinh nghiệm, nhưng tập quán của tâm so sánh vẫn sẽ còn tiếp diễn mãi. Cho dù chúng ta hiểu được rằng tánh tự phụ tự nó không phải là “tôi”, nhưng nó vẫn cứ tiếp tục hiện hữu cho đến ngày nào ta đạt được giác ngộ hoàn toàn. Vì vậy cho nên việc đáng buồn là tâm tự phụ có lẽ sẽ còn ở với ta dài lâu lắm.

Còn điều để mừng là chúng ta đừng bao giờ nản lòng hoặc tự chỉ trích mỗi khi cảm thấy mình có một sự tự phụ. Vì dầu sao thì loại tư tưởng này cũng sẽ còn ở với ta lâu dài, cho nên biết làm bạn với nó thì bao giờ cũng tốt hơn. Khi có những ý nghĩ so sánh khởi lên, ta có thể nhận diện chúng, “Ồ, thì cũng lại là nó”, mà không chút ngạc nhiên. Và khi đã nhận diện và hiểu được chúng rồi, từ đó ta sẽ có thể bắt đầu chấp nhận.

Liều thuốc giải độc cho tính tự phụ là sống trong chánh niệm, và thấy được tính chất tạm thời của nó. Những khi tâm ta bị mắc kẹt vào sự so sánh, tức là ta đang bị vướng mắc trong một ý niệm về nhân ngã. Ta tự trói buộc mình vào một ảo tưởng, vào trong giới hạn của một ý niệm về ta người khác. Sở dĩ chúng ta có một sự so sánh như vậy là vì ta không thấy được rằng tất cả mọi hiện tượng, trong đó có cả ý tưởng về ta và người khác, đều đang sinh lên và diệt đi không ngừng nghỉ. Cũng vì không thấy được tính chất vô thường của những tư tưởng ấy mà ta lại bị sa vào chiếc bẫy nội dung của chúng. Tâm so sánh sẽ tan biến tức thì khi ta nhìn thẳng vào nó bằng con mắt chánh niệm.

Tôi còn nhớ một kinh nghiệm về tâm so sánh này lần đầu tiên tham dự khóa tu thiền với vị thầy Miến Điện của tôi, Ngài U Pandita Sayadaw. Đó là lần đầu tiên Ngài viếng thăm Hoa Kỳ để hướng dẫn một khóa tu rất là nghiêm túc và gắt gao. Chúng tôi ai cũng hơi lo lắng, vì không biết nhiều về vị sư từ châu Á này và lại cũng muốn tu tập cho hết sức mình. Chúng tôi đã làm việc khá cực nhọc trong một hoàn cảnh rất nhiều đòi hỏi.

Sau một vài tuần, tôi để ý thấy có một vài thiền sinh ghi chép những điều gì vào sổ tay của họ. Và rồi mỗi ngày tiếp theo lại có thêm người mới sử dụng sổ tay. Điều này rất là khác thường trong một khóa thiền tập theo truyền thống vipassana, vì lúc nào vị thiền sư cũng yêu cầu tất cả mọi người không nên đọc hay viết trong suốt khóa tu. Và cũng vì mọi người phải tuyệt đối giữ im lặng, cho nên tôi cũng chẳng dám hỏi họ lý do.

Tâm tôi bắt đầu suy nghĩ, “Chắc chắn là Ngài U Pandita đã bảo những người ấy làm như vậy. Không biết đến chừng nào Ngài sẽ dặn mình đây?” Rồi thì tôi bắt đầu để ý thấy rằng, những người sử dụng sổ tay toàn là những người mà tôi đã sắp vào hạng thiền sinh giỏi. Ngày qua ngày, tôi vẫn đi vào gặp Ngài U Pandita để trình pháp, nhưng Ngài chẳng nói gì với tôi về chuyện sổ tay hay là giao phó cho một bài thiền tập nào khác thường hết. Tôi bắt đầu cảm thấy thua sút và thiếu kém. Chắc chắn rằng tôi không phải là một trong những thiền sinh “giỏi” rồi!

Sau một thời gian, tất cả mọi người ai ai cũng bắt đầu viết trong sổ tay của họ, ngay cả những người mà tôi cho rằng không được giỏi gì cho lắm. Lúc đó tôi lại tự nghĩ rằng, “Ờ, chắc có lẽ sự tu tập của mình tiến bộ nhiều nên mình không cần đến sổ tay làm gì!”

Tâm tôi nhảy tới lui giữa hai quan điểm - thiền sinh giỏi, thiền sinh dở, thiền sinh loại nào? Những việc ấy làm tôi gần như điên lên được. Đến cuối khóa thiền tôi khám phá ra rằng, Ngài U Pandita không hề yêu cầu ai giữ một quyển sổ tay nào hết! Người ta làm như vậy là vì họ muốn ghi nhớ những kinh nghiệm của mình, để có thể trình lại cho Ngài một cách chính xác mà thôi.

Vì vậy mà nhận diện được tâm so sánh ấy là một điều rất hữu ích. Cái tánh tự phụ cho rằng “Tôi tốt hơn” hay “Tôi dở hơn” người khác, và khi ta không nhận diện rõ ràng, nó sẽ trở thành nguyên nhân của khổ đau. Tánh tự phụ luôn luôn phân cách, ngăn chia ta với người khác và củng cố thêm cái tôi nhỏ hẹp của mình.

Khi ta có chánh niệm về những cảm thọ và ý nghĩ so sánh này, ta có thể làm bạn với chúng mà không sợ bị dính mắc hoặc đồng hoá. Lúc ấy tâm tự phụ sẽ tự nhiên trở thành những tư tưởng trống rỗng, ta không cần phải bác bỏ hoặc tin vào chúng nữa. Tất cả sẽ đi ngang qua như những chiếc lá lả tả bay trong gió mùa thu, và bầu trời tâm ta lúc nào cũng vẫn an nhiên và tự tại.

giải thoát những cảm xúc

Làm sao để có thể đối phó hữu hiệu với mọi hình thức của tư tưởng - như là ý kiến, phê phán và so sánh - là một vấn đề chủ yếu và thách đố rất lớn trong sự tu tập của chúng ta. Và còn một thử thách khác, có lẽ lớn lao hơn nữa, là học cách uyển chuyển khéo léo theo đời sống cảm xúc của mình.

Trong mọi lãnh vực của kinh nghiệm, từ thiền tập cho đến cuộc sống hằng ngày, cảm xúc (emotion) bao giờ cũng là một phần rất khó hiểu và ta khó có thể nào tránh khỏi không bị dính mắc vào chúng. Sự khó khăn này có hai nguyên nhân. Thứ nhất, cảm xúc chỉ là một biểu hiện trong tâm, không có một hình thể nào nhất định. Chúng không có một biên giới rõ rệt, cũng không có một cảm nhận nhất định nào về sự bắt đầu và chấm dứt. Cảm xúc không xác thực như là cảm giác (sensations), nó cũng không được định nghĩa rõ ràng như là tư tưởng. Mặc dù ngay trong những khi chúng ta cảm nhận chúng thật mạnh mẽ, ta cũng vẫn không thể nào phân biệt chúng cho minh bạch.

Chướng ngại thứ hai là chúng ta đã bị điều kiện quá nặng nề để đi nhận chúng là mình. Khi bạn đang có những cảm xúc mạnh mẽ như là yêu, giận, kích thích hay buồn chán, bạn hãy để ý đến một ý tưởng kiên cố về một cái ngã, cái tôi, lúc nào cũng đi đôi theo đó. Nhìn thấy được tự tánh vô thường và rỗng tênh của những cảm giác ở thân và ngay cả ở tư tưởng, việc ấy tương đối còn dễ dàng hơn, vì chúng đến và đi rất nhanh. Nhưng thấy được tự tánh vô ngã của cảm xúc, điều ấy mới thật sự là khó! Sự thật thì đối với đa số chúng ta, ý niệm về một cảm xúc không có chủ nhân là một điều điên rồ, ngu xuẩn, là một sự kiện hết sức mâu thuẫn. Vì cảm xúc bao giờ cũng được xem như là một đặc tính cá nhân và rất riêng tư của mỗi người chúng ta.

Như vậy thì có một phương cách nào khác để giúp ta hiểu được cái địa hình phức tạp, cầu kỳ và biến thiên của thế giới cảm xúc này không? Tôi nghĩ có ba bước có thể giúp ta làm được việc ấy.

Bước đầu tiên là làm sao để có thể nhận diện được chính xác mỗi cảm xúc khi nó vừa khởi lên và thấy được những sự khác biệt tinh tế của chúng. Có một lúc trong sự tu tập, tôi đã trải qua mộtgiai đoạn cảm thấy buồn vô cùng.

Cảm xúc ấy kéo dài nhiều ngày. Tôi quan sát nó trong chánh niệm, ghi nhận buồn, buồn, nhưng hình như vẫn có một sự gì đó trong kinh nghiệm ấy cứ dính mãi với tôi.

Sau một thời gian, tôi bắt đầu theo dõi cảm xúc ấy kỹ lưỡng hơn, quan sát nó cặn kẽ hơn. Sau cùng tôi khám phá ra rằng đó không phải là một nỗi buồn nào hết, nó thật ra chỉ là một cảm thọ bất an. Đặc tính của hai cảm thọ ấy bề ngoài có vẻ rất giống nhau, nhưng khi ta quan sát cho thật chính xác, chúng lại hoàn toàn khác biệt. Vừa khi tôi nhận diện được việc gì đang thật sự xảy ra, cơn sóng của nỗi buồn đó cũng bắt đầu lắng dịu. Chúng ta sẽ không thể nào chấp nhận được một cảm xúc hoàn toàn, trừ khi nào ta có thể nhìn thấy được nó như-là, và cũng vì vậy mà ta bị cách xa thực tại và rồi cuối cùng cảm thấy như mình bị mắc kẹt.

Cũng có đôi khi vì những cảm xúc quá khó chịu, quá đau đớn mà ta không cho phép mình chấp nhận chúng. Ta tìm đủ mọi cách, ý thức hoặc vô ý thức, để khỏi phải đối diện với chúng. Cái tập quán phủ nhận ấy có thể xảy ra đối với những cảm xúc như là sợ hãi, hổ thẹn, lo lắng, cô đơn, thịnh nộ, buồn chán, ngượng ngùng và còn nhiều nữa. Chúng ta cố hết đủ mọi cách, mọi phương pháp mình có thể nghĩ ra, để ráng thay đổi hoàn cảnh thay vì đơn giản có mặt với cảm thọ ấy.

Chúng ta cần phải bận rộn bao nhiêu, làm bao nhiêu chuyện, để mình khỏi cảm thấy sợ hãi hoặc trống vắng, cô đơn trong cuộc sống này? Cũng vì không biết mở rộng ra với mọi phạm vi của cảm xúc, không thấy được rằng chúng tự sinh và tự diệt, mà chúng ta bị thúc đẩy có những hành động không chắc gì sẽ đem đến hạnh phúc, mà lại còn giam giữ ta trong cuộc trốn chạy khổ đau không ngừng ấy. Biết bao nhiêu những loại nghiện ngập nguy hại có thể được ngăn ngừa, nếu ta biết cách tiếp xúc với những cảm thọ khó chịu hoặc đau đớn của mình. Nhận diện và chấp nhận những cảm xúc của mình khi chúng khởi lên, nhất là những khổ thọ, sẽ giúp ta mở rộng tâm mình ra để có thể kinh nghiệm được điều mà các nhà tu sĩ ngàn xưa thường gọi là vạn niềm vui và vạn nỗi khổ.

Một vấn đề khác trong việc nhận diện cảm xúc là ta phải thấy được rằng, nhiều khi chúng khởi lên thành nhóm giống như một dãy ngân hà vậy.

Thường thì chúng ta có thể ý thức được một cảm xúc nào đang nổi bật nhất, nhưng lại bỏ sót những cảm xúc tinh tế khác tiềm tàng bên dưới. Và chính những cảm xúc bị bỏ quên ấy lại nuôi dưỡng cái bên trên như một dòng nước ngầm. Ví dụ, ta có thể cảm thấy rất giận dữ và có chánh niệm về cái giận ấy, nhưng ta lại không thấy được cái cảm xúc nghĩ rằng mình đúng đang tiềm tàng ở phía bên dưới. Ngày nào mà ta vẫn chưa ý thức được những trạng thái đồng minh ấy, các cảm xúc thân hữu đi kèm theo nó, ta sẽ còn bị kẹt vào những khổ thọ ấy lâu dài lắm.

Bước thứ hai trong việc đối phó với những cảm xúc mạnh là nhận diện rõ ràng và biết chấp nhận những cảm xúc khác nhau khi chúng khởi lên. Văn hóa Tây phương vô tình lại hay xem thườngphương pháp thứ hai này, mặc dù nó là một trong những nền tảng của hạnh phúc trong cuộc sống. Tôi muốn nói đến khả năng phân biệt sáng suốt giữa những cảm xúc thiện và bất thiện.

Công thức phân biệt này rất đơn giản: Cảm xúc hoặc trạng thái này của tâm sẽ gây nên khổ đau cho ta và người khác, hay tạo nên hạnh phúc và an lạc?

Trong tâm ta có những trạng thái rất là hiển nhiên: thiện hoặc bất thiện.

Chữ thiện trong Phật giáo chỉ về những việc nào dẫn ta đến hạnh phúc, tự do; và bất thiện là những việc nào sẽ đưa ta đến khổ đau. Trong chúng ta ai cũng đồng ý rằng tham, sân, si là những trạng thái không ai muốn, và từ bi, bao dung, hiểu biết là những đức tánh quý báu. Đôi khi, sự khác biệt của chúng rất tinh tế và rất khó phân biệt, nhất là khi những cảm xúc hoặc trạng thái bất thiện của tâm lại trá hình dưới những hình tướng thiện. Chúng ta rất có thể nhận lầm một nỗi ưu sầu, thương tiếc hoặc ngay cả sỉ nhục là cảm xúc từ bi. Hoặc ta có thể lẫn lộn cảm xúc lãnh đạm, dửng dưng với lại một sự bình thản, tĩnh lặng. Chúng giống như là một, nhưng bản chất lại rất khác biệt và có những hậu quả hoàn toàn khác nhau.

Trong xã hội, thường chúng ta hay được nghe hoặc khuyên rằng, ta cần phải biết tôn trọng những cảm xúc của mình. Điều ấy đúng về phương diện là ta phải biết nhận diện, chấp nhận và cởi mở đối với chúng. Nhưng nếu chỉ có bấy nhiêu thôi thì vẫn chưa đủ. Chúng ta cần phải tiến thêm một bước nữa, quan sát xem tâm thức ấy là thiện hay bất thiện. Nó sẽ mang lại cho ta an lạc và tự do hay chỉ đem thêm khổ đau cho mình? Chúng ta có thật sự muốn nuôi dưỡng nó không, hay là cần phải buông bỏ nó? Bao giờ chúng ta cũng có một sự chọn lựa, mặc dù nhiều khi chúng ta lại vô tình bỏ qua cơ hội quý báu ấy.

Sự phân biệt sáng suốt đó sẽ đem lại cho ta một quyền lực vô song.

Chúng ta đâu ai có thể chọn lựa được loại cảm xúc nào sẽ khởi lên trong tâm. Nhưng một khi chúng có mặt rồi, ta có hoàn toàn tự do để chọn thái độ của mình với chúng. Nếu ta không ý thức được cảm xúc nào đang có mặt, hoặc không biết rõ nó là thiện hay bất thiện, ta sẽ lại tiếp tục phản ứng theo tập quán xưa của mình. Và rồi ta sẽ cứ mãi vướng mắc trong khổ đau mặc dù mình đang đi tìm hạnh phúc. Ý thức được những điều này, chúng ta sẽ có thể tạo cho mình một cơ hội để chọn lựa sáng suốt và có được một sự tự do trong nội tâm.

Bước thứ ba thì vừa là khó khăn nhất mà cũng vừa có một công năng giải thoát nhất. Bước này là tập làm sao để ta vẫn có thể mở rộng ra với mọi cảm xúc mà không bị chúng đồng hoá. Đồng hóa với cảm xúc - khi ta nhận nó là mình, là tôi - là một việc dư thừa. Hãy ghi nhận cái cảm giác thu nhỏ hẹp lại, khi ta tự đồng hóa mình với một cảm xúc nào đó mà ta đang kinh nghiệm: “Tôi giận,” “Tôi buồn,” “Tôi vui,” “Tôi lo âu.” Những giây phút bị đồng hóa ấy là một tập quán cộng thêm vào, một ước lệ đã gây nên biết bao nhiêu là điều nhức đầu, khổ đau trong cuộc sống của ta.

Dưới cái nhìn của một thiền sinh, thì tất cả mọi tướng trạng của tâm thức, trong đó có cả cảm xúc, đều sinh lên và diệt đi mà không có một thực chất nào hết. Chúng hoàn toàn rỗng tênh. Chúng biểu hiện khi có đầy đủ điều kiện, đủ duyên, và tàn hoại khi những hợp duyên này tan rã. Những cảm xúc ấy không tùy thuộc bất cứ một người nào hoặc xảy đến cho bất cứ một ai hết.

Trong thực tế thì mỗi tướng trạng của tâm thức, hoặc cảm xúc, tự nó biểu lộ lấy chính nó. Lòng tham-dục biểu hiện tham dục, tâm sợ-hãi biểu hiện sợ hãi, tình-yêu biểu hiện yêu. Nó không phải là bạn, cũng không phải là tôi.

Bạn có thấy được sự khác biệt giữa cái kinh nghiệm của “Tôi giận” và kinh nghiệm của “Đây là sự giận dữ” không? Trong sự khác biệt nhỏ bé ấy cả một thế giới tự do bùng mở. Lẽ dĩ nhiên điều quan trọng là ta đừng bao giờ đi sử dụng ý niệm vô ngã như là một phương tiện để chối bỏ. Vì vô ngã phát xuất từ một sự chấp nhận và thành thật với chính mình.

Cũng như trong kinh điển Phật giáo Tây tạng có diễn tả, tâm thức hay cảm xúc giống như mây bay ngang qua bầu trời, chúng không có quê hương, không có cội nguồn. Đi nhận một cảm xúc là mình thì cũng giống như là đi trói buộc một áng mây. Chúng ta có thể nào học cách giải thoát mọi cảm xúc của mình, và mọi hiện tượng, để chúng thanh thản tự nhiên trôi qua bầu trời mênh mông của tâm không?

cảm xúc nô lệ, cảm xúc giải thoát

Bạn có thể bảo rằng, “Được rồi, tôi thấy được giá trị của việc không đồng hóa với cảm xúc, không nhận chúng là ‘tôi’, nhưng làm sao tôi có thể thực hiện được việc ấy?”

Tôi đồng ý với bạn, thực hiện việc ấy không phải là dễ. Vì ta rất dễ bị dính mắc vào những cảm xúc của mình, bị lôi cuốn bởi năng lượng của chúng, lạc trong sự suy nghĩ về chúng. Và trong sự dính mắc ấy, ta lại tạo nên một ý thức kiên cố về cái ngã, về một cái “tôi”: “Tôi giận quá!” “Tôi buồn quá!” hay vui quá, hoặc gì đó.

Sự tu tập của ta là làm sao để lúc nào cũng có thể cởi mở ra đối với mọi cảm xúc, mà không hề cộng thêm vào đó một ý niệm nào về “tôi”, về “của tôi”. Đó là một sự thách đố rất lớn. Có một phương pháp có thể giúp ta được vững vàng trong cơn bão tố của cảm xúc, là nhìn thấy được ba thành phần của nó.

Ví dụ, khi chúng ta nổi giận, thứ nhất là phải có một hoàn cảnh nào bên ngoài kích thích làm cho cơn giận khởi lên. Có người nào đó làm hoặc nói một điều gì mà ta không thích, hoặc khi chúng ta cảm thấy nó nguy hại cho mình hay cho người khác. Thứ hai là phản ứng của ta đối với hoàn cảnh đó, nói một cách khác, ta nổi giận. Và phần thứ ba là mối tương quan của ta đối với cơn giận ấy.

Thường thường thì ta bị mắc kẹt nhiều nhất vào hai giai đoạn đầu: hoàn cảnh bên ngoài và phản ứng của ta đối với nó. Có một việc gì xảy ra, ta nổi giận. Khi ta giận, ta bắt đầu suy nghĩ về chuyện đã xảy ra. Những tư tưởng ấy sẽ làm ta giận hơn, và khiến ta suy nghĩ về nó nhiều hơn nữa, thường thì bao giờ cũng là những ý nghĩ trách móc, tự bào chữa, và khổ đau. Và vì vậy mà ta cứ mãi lẩn quẩn trong một vòng tròn khổ đau không thoát ra được.

Nếu ta muốn tìm một lối thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn ấy, thì thay vì chú ý đến hoàn cảnh và phản ứng của mình, ta hãy chú tâm đến phần thứ ba, tức sự liên hệ của ta với cảm xúc ấy, đó có thể là cơn giận, sự sợ hãi, hay bất cứ một việc gì. Ví dụ, giữa cơn lốc xoáy của một cơn giận, bạn có thể tự hỏi mình, “Tôi đang bị mắc kẹt vào cơn giận này như thế nào? Tôi đang bị nó sai sử ra sao? Tôi đã đồng hóa với nó như thế nào?”

Khi đặt những câu hỏi như vầy, kết quả sẽ hoàn toàn khác hẳn với khi ta cố đi tìm hiểu cái nguyên nhân bên ngoài của nó. Vì lúc ấy, chúng ta không còn tạo nên những sợi dây trách móc, để rồi tự trói buộc mình vào với ngoại cảnh, với phản ứng của ta, với cảm xúc ấy. Và cũng vì không còn suy nghĩ về nguyên nhân của cơn giận, nên ta cũng không còn nuôi dưỡng nó thêm nữa.

Nhưng bạn nên nhớ rằng không phải ta đặt câu hỏi để mong tìm một câu trả lời hay một sự giải đáp tri thức nào. Mục đích là để giúp ta thay đổi cái nhìn của mình, biết chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra trong tâm. Khi ta đặt câu hỏi “Tôi bị mắc kẹt vào nó như thế nào?” là ta đã bước ra ngoài cái giận và nhìn lại mối tương quan giữa ta và nó. Ngay giây phút đó rất có thể khối giận ấy sẽ tan rã, không cần ta phải chối bỏ, đè nén hoặc là xua đuổi nó.

Có một lần tại trung tâm thiền ở Barre, Massachusetts, tôi nổi giận với một người vì anh ta đã làm một việc mà tôi cho rằng rất là nguy hại. Cơn giận ấy rất là mãnh liệt, và tôi niệm thầm trong tâm, giận, giận, giận. Toàn thân tôi bị chấn động mạnh. Việc ấy diễn ratrong hằng mấy tiếng đồng hồ. Mỗi khi tôi nghĩ về chuyện ấy, cơn giận lại trở nên dữ dội hơn.

Tôi đi ngủ với cơn giận ấy. Và năng lượng cùng với ảnh hưởng của nó trên thân thể, đã đánh thức tôi dậy thật sớm. Tôi giật mình khi thấy rằng, tôi thức dậy với một cơn giận có cùng một cường độ như là buổi hôm trước. Tôi bắt đầu tự hỏi, “Chuyện gì đây? Tại sao tôi lại bị mắc kẹt vào cảm xúc này đến như vậy?” Ngay lúc đó, tôi không đặt câu hỏi một cách máy móc, tôi thật sự muốn biết việc gì xảy ra, tại sao tâm tôi lại bị dính mắc và đồng hóa với cơn giận đến thế!

Ngay vừa lúc tôi đặt những câu hỏi ấy, chuyển hướng cái nhìn của mình, toàn thân tôi bỗng dưng trở nên nhẹ nhàng, và cơn giận biến mất. Như là một phép lạ! Ngày hôm đó tôi lại nói chuyện với người đã làm tôi nổi giận.

Chúng tôi đã có thể nói thẳng đến vấn đề một cách dễ dàng và hữu ích, vì cơn giận và sự trách móc không còn có mặt nữa. Thế cho nên, không phải là ta trốn tránh không muốn đối diện với hoàn cảnh bên ngoài, nhưng nếu ta có thể làm cho tâm mình được thông suốt trước, thì giải pháp cũng sẽ đến một cách tự nhiên.

Có lẽ lần đầu tiên khi bạn đem phương pháp đơn giản này ra áp dụng, không để bị đồng hóa với cảm xúc của mình, nó sẽ không được hoàn hảo cho lắm. Nhưng cũng như mọi sự tập luyện khác, chúng ta cần phải kiên tâm và có một sự ham muốn. Mỗi khi chúng ta chặt đứt được sợi dây xiềng xích của cảm xúc, ta sẽ kinh nghiệm được một sự tự do vô cùng, tâm ta sẽ trở lại thênh thang và biết chấp nhận như xưa. Lần sau, nếu bạn có bị vướng mắc trong một cảm xúc mạnh mẽ, hoặc đau đớn, bạn hãy tự hỏi mình ba điều: “Hoàn cảnh bên ngoài là gì?”, “Tôi phản ứng ra sao, tôi cảm thấy như thế nào?”, và “Mối tương quan của tôi với cảm xúc này như thế nào? Tôi bị mắc kẹt ra sao?

Từng bước một, từng trường hợp một, chắc chắn rồi một ngày chúng ta sẽ biết được thế nào là thật sự được tự do.

Dùng Cây Dù Của Bạn

Có nhiều cách khác nhau để đối phó với những cảm xúc mạnh của mình, nhất là khi ta không có thì giờ hoặc không gian để theo dõi và quán chiếu nó. Đôi khi rút lui khỏi hoàn cảnh ấy lại là một giải pháp hữu hiệu nhất. Chúng ta bước lùi lại và chờ sự việc lắng dịu xuống. Nhưng nếu vấn đề vẫn cứ tiếp tục dai dẳng, lúc ấy ta sẽ trở lại và đối diện với những người mà ta đang gặp khó khăn để tìm một sự cảm thông.

Ta cũng nên nhớ rằng, có nhiều sự việc hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của ta. Ý thức ấy rất là hữu ích. Một trong những vị thầy của tôi đã dạy tôi một số điều trong những năm đầu tu học, mà chúng vẫn còn rất có giá trị cho đến ngày hôm nay. Chúng đã giúp tôi tránh được những khổ đau không cần thiết. Ngài nói rằng, “Ta không thể nào có trách nhiệm về tâm ý của người khác được. Ta chỉ có thể có trách niệm về tâm ý của chính mình mà thôi.” Mặc dù chúng ta có thể cố gắng truyền thông rõ ràng và khéo léo đến những người khác, hoặc có lòng từ bi với những khổ đau của họ, và cố gắng để xoa dịu chúng, nhưng cuối cùng rồi thì ta cũng không bao giờ có thể kiểm soát được hành động của họ, phản ứng của họ. Biết được sự thật ấy rồi, ta sẽ buông bỏ chúng dễ dàng hơn. Khi tâm ta trở nên tĩnh lặng, ta sẽ có thể đối diện với những hoàn cảnh bất như ý hoặc khó chịu mà vẫn không bị động. Ta biết đáp lại thay vì chỉ phản ứng theo thói quen của mình.

Nhưng bạn nên nhớ rằng, cũng có những tình cảnh đòi hỏi ta phải có một sự đáp ứng mạnh mẽ và cứng rắn. Không phải lúc nào ta cũng phải thụ động và chấp nhận mọi hoàn cảnh khó xử. Đôi khi ta phải biết sử dụng cây dù của mình!

Sharon Salzberg, vừa là một người bạn cũng vừa là một đồng nghiệp của tôi, đã có một kinh nghiệm đáng sợ mấy năm trước đây, khi chúng tôi mới bắt đầu theo học thiền ở Ấn độ. Chị ta cùng với một người bạn đi vào Calcutta để viếng thăm một vị thầy của chúng tôi, bà Dipa Ma. Khi họ ra về, cả hai mướn một chiếc xe do người kéo để đi đến một ga xe lửa gần đó. Khi chiếc xe kéo băng theo một ngõ tắt, ngang qua một hẻm nhỏ tối thui, bỗng nhiên có một kẻ lạ mặt nhào lên xe một cách thô bạo và cố lôi Sharon xuống xe. Giây phút ấy vô cùng kinh hoàng. Người bạn của Sharon cuối cùng có thể xoay xở và xô tên ấy ra khỏi xe, và cả hai thoát đến trạm xe lửa bình an vô sự.

Khi họ về đến Bodh Gaya, nơi tất cả chúng tôi đang cư ngụ, Sharon kể lại cho vị thầy của chúng tôi, Ngài Munindra-ji, về việc vừa xảy ra. Ông lắng nghe thật chăm chú, theo dõi mọi chi tiết. Đến khi hết câu chuyện Ngài Munindra nói, “Này cô. Với tất cả lòng từ bi của cô, đáng lẽ cô phải cầm lấy cây dù của mình và đập cho tên ấy vào đầu một cái thật mạnh!”

Có nhiều khi đó là những gì chúng ta cần phải làm. Nhưng lấy cây dù đập xuống đầu người đàn ông ấy thì chẳng có gì là khó khăn hết. Cái khó là làm sao có thể hành động với trọn tâm từ bi của mình. Tu tập là ở chỗ đó.

Tính chất cương quyết và cứng rắn đó, biết sử dụng cây dù khi mọi phương pháp khác đều thất bại, ta cũng có thể đem áp dụng vào thiền tập, nhưng nó phải được sử dụng một cách cẩn trọng và chính xác. Khi có một điều bất thiện trong tâm cứ trở đi trở lại, chúng ta hãy tìm một chốn vững vàng trong tâm mình, và từ nơi đó giữ một thái độ cương quyết không để bị nó chi phối. Thái độ đó cũng giống như là khi ta sử dụng cây dù của mình - một lưỡi gươm trí tuệ - và nói rằng, “Đủ rồi” hoặc “Không phải lúc này.”

Hành động mạnh bạo này trong tâm không phải là để trốn tránh hoặc xua đuổi những gì khó chịu mà ta không muốn kinh nghiệm. Vì nếu chúng ta làm, ta phải làm với một tâm từ ái chứ không phải bằng một ác cảm. Đây cũng là chỗ mà người ta thường hay lầm lẫn, họ sử dụng lưỡi gươm của phẫn nộ thay vì là lưỡi gươm của trí tuệ phân biệt. Trí tuệ bảo rằng, “Tâm thức này hoặc cảm xúc này là xấu là bất thiện. Tôi đã nhìn thấy nó biết bao nhiêu lần rồi.

Bây giờ tôi buông bỏ nó.”

Chúng ta lúc nào cũng cần phải có một sự quân bình đúng đắn thì những phương tiện thiện xảo của ta mới có thể thật sự là thiện xảo. Thường thì người ta hay phán xét và kết án những việc làm của mình và của người khác, vì vậy mà họ cần phải tập biết chấp nhận, mềm dịu và để cho sự việc được như-là. Nhưng một điều quan trọng không kém là làm sao khám phá được sự vững vàng và cương quyết trong ta, một dũng sĩ trong tâm, để ta có thể dùng năng lực đó cắt xuyên qua những tâm thức bất thiện bằng một phương pháp thích hợp và đầy từ ái.

sợ

“Chỉ có mỗi một điều đáng sợ là chính cái sợ ấy.”

Đó là những lời đầu tiên của tổng thống Franklin Delano Roosevelt với dân tộc đang bị vây khốn của ông. Nhữnglời ấy đã được lặp lại nhiều

nhất và nó vẫn còn rất quen thuộc với những kẻ hậu sinh như chúng ta. Lời ấy đáng ghi nhớ vì ông đã nhắc nhở dân Hoa Kỳ rằng, sự nguy hiểm ghê gớm không phải do ở tình trạng từ bên ngoài của một nền kinh tế đang suy sụp, mà từ một năng lực trong tâm ta.

Là một thiền sinh, chúng ta nên tìm hiểu vấn đề này sâu xa hơn một chút. Chúng ta có nên đi sợ cái sợ ấy không? Biết bao nhiêu năng lượng sinh động và sáng tạo của ta đã bị kèm kẹp - đôi khi hoàn toàn bị tê liệt - vì ta đã sợ cái sợ, vì không dám cảm nhận, không dám tìm hiểu cái sợ ấy là gì.

Chúng ta không bao giờ có thể ước lượng được cái năng lực tiềm tàng của nỗi sợ trong việc chi phối đời sống của ta. Trạng thái tâm thức này bao gồm một phạm vi vô cùng rộng lớn: từ những lo nghĩ thông thường cho đến sự lo lắng kinh niên, cho đến một nỗi kinh sợ ghê gớm. Nó có khả năng trói buộc thân tâm ta và làm què quặt ý chí của ta. Và không chỉ cái sợ tự nó có một năng lực vô cùng to tát thôi, mà nó còn cung cấp năng lượng cho những nguyên nhân ẩn tàng khác của khổ đau nữa. Phía sau mỗi hành động tham lam là một nỗi sợ bị cướp đoạt. Phía sau lòng thù hận và sự xâm lấn là một nỗi sợ bị làm hại. Phía sau những ảo tưởng là các nỗi sợ phải cảm nhận những tình trạng khổ đau.

Bạn có thấy lý do vì sao nếu ta biết đối phó với nỗi sợ một cách khéo léo, nó có thể là một hành động giải thoát vô cùng quan trọng cho ta không? Khi ta thoát ra khỏi nỗi sợ về cái sợ, và lột trần được mặt nạ của nó, không những chúng ta tự giải thoát được ra khỏi cái năng lực suy nhược của nó, mà còn làm giảm đi sức mạnh của nhiều tâm hành liên hệ khác mà hằng được nó nuôi dưỡng nữa.

Tu tập thiền quán sẽ phơi bày hết tất cả mọi vấn đề trong tâm ta. Chúng sẽ mở tâm mình ra với những ký ức, những xúc cảm, hoặc những cảm thọ khác nhau trong thân. Trong thiền tập việc này xảy ra một cách rất hữu cơ, vì chúng ta không tìm kiếm, không bươi móc, không thăm dò. Ta chỉ việc ngồi yên và theo dõi. Trong không gian an ổn của một khóa tu và theo thời khóa của nó, nghĩa là đúng lúc, đúng thời, sự việc sẽ biểu lộ: nỗi sợ, nỗi sợ về cái- sợ, bao nhiêu những ký ức, tư tưởng, cảm xúc và cảm giác mà ta hằng sợ phải đối diện. Chúng ta bắt đầu cho phép mình cảm nhận chúng trọn vẹn. Khi những việc này khởi lên, ta sẽ ôm ấp chúng một cách có ý thức và có chánh niệm, với một thái độ chấp nhận và ôn hoà ta sẽ không còn đè nén chúng nữa. Và luồng năng lượng trong ta sẽ trôi chảy tự tại hơn.

Và rồi khi nhìn lại, ta sẽ nhận thấy rằng nỗi sợ ấy đã vơi đi rất nhiều.

Chúng ta đã dám đối diện với điều mình sợ hãi và ta vẫn còn sống sót, có khi lại còn cảm thấy an lạc nữa kìa. Nỗi sợ sẽ không thể nào tồn tại khi ta không còn trốn tránh và chối bỏ nó nữa. Và cũng từ đó nó sẽ dần dà mất hết chỗ đứng trong tâm ta.

Ngoài ra, phương pháp tu tập ấy còn có một công dụng khác nữa. Nhiều năm trước, tôi tham dự một khóa thiền, sesshin, với Ngài Joshu Sasaki, một vị thầy rất là nghiêm khắc và đòi hỏi. khóa tu ấy kịch liệt đến độ tôi đã tiếp xúc được với một nỗi sợ rất sâu xa trong tâm. Tôi cảm thấy nỗi sợ nguyên thuỷ ấy mãnh liệt đến nỗi có lúc tôi không dám cử động.

Tôi đối diện với cái sợ ấy trong suốt khóa tu. Và mặc dù cường độ của nó sau cùng cũng đã giảm bớt đi rất nhiều, nhưng cảm thọ về nó đã ăn sâu vào tận trong tâm thức và còn tồn tại sau đó cả tháng trời. Đi đâu tôi cũng mang theo một không gian sợ sệt, và tôi bắt đầu nghĩ rằng mình là một người rất nhút nhát. Tôi cảm thấy như là có một nút cột ngay trong cốt tủy con người của tôi, và nghĩ rằng có lẽ phải cần mấy năm mới có thể tháo gỡ được cái gút mắc ấy.

Vài tháng sau, trong khi tôi và một người bạn cùng đi dạy một khóa tu tại Texas, cả hai chúng tôi đang đi dạo chung quanh khuôn viên của trung tâm. Tôi mải mê kể cho người bạn nghe về nỗi sợ của tôi, về tất cả những gì tôi đã phải làm, và nó đã trở thành một gánh nặng như thế nào. Cuối cùng chị ta quay sang bảo, một điều mà tôi đã từng nói với người khác biết bao nhiêu lần: “Nó chỉ là một trạng thái của tâm mà thôi.” Đúng ngay khi đó là lúc mà tôi cần phải nghe những lời ấy. Giả sử như chị ta nói câu đó một tuần trước thì có lẽ nó sẽ không có một ảnh hưởng giống như vậy. Nhưng ngay chính lúc đó, sự nhắc nhở ấy mở ra cho tôi thấy một cái nhìn mới, rằng nỗi sợ thật sự không là của ai hết. Nó không dính dáng gì tới hoặc là một phần nào của cái “tôi” hết. Nó chỉ là một trạng thái của tâm mà thôi. Nó có mặt ở đó, và rồi nó sẽ đi qua. Thật ra chẳng có gì tôi cần phải làm hết, ngoại trừ để cho nó như-là.

Trong suốt thời gian qua, mặc dù tôi có theo dõi nó, nhưng thật sự tôi đã không ý thức được rằng tôi đã có một thái độ ghét bỏ đối với cái nỗi sợ ấy. Và cảm giác ghét bỏ ấy lại sinh thêm một nhận thức tiêu cực. Trong giây phút mà tôi ý thức được rằng nỗi sợ chỉ là một trạng thái của tâm, tất cả đều tan biến. Không phải tôi nói rằng tôi sẽ không bao giờ biết sợ nữa, nhưng từ đó trở đi tôi đã có thể nhận diện chúng dễ dàng hơn.

Cảm xúc cũng như là những cụm mây trôi ngang qua bầu trời. Đôi khi nó là sợ hãi hoặc giận dữ, đôi khi nó lại là hạnh phúc hoặc tình yêu. Nhưng không có cái nào thiết lập nên một cái tôi hết. Chúng chỉ là chúng, mỗi cái tự biểu hiện phẩm tính của nó. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ có thể nuôi dưỡng những cảm xúc nào hữu dụng, và giản dị để yên cho những cảm xúc khác như nó là, không xua đuổi, không đè nén, và cũng không bao giờ đi nhận chúng là mình.

Đối với những cảm xúc như là sợ hãi, tuyệt vọng, âu sầu, tự ti - chúng ta chỉ cần theo dõi và cảm nhận nó thôi. Có thể cần một thời gian dài sự vướng mắc ấy mới bắt đầu nới lỏng ra. Hoặc có thể chỉ cần một giây phút đột nhiên tỉnh ngộ: “Ồ, đây cũng chỉ là một trạng thái của tâm mà thôi!” Người ta đã có nhiều thành công trong việc đối trị với những cảm xúc này, mặc dù việc ấy đòi hỏi nhiều công phu.

Ngài Munindra, một trong những vị thầy đầu tiên của tôi thường bảo rằng, trên con đường tu tập thời gian không phải là một vấn đề. Sự tu tập không thể được đo lường bằng thời gian, vì vậy ta nên buông bỏ đi cái ý niệm về chừng nào và bao lâu. Sự tu tập là một tiến trình hé mở, và nó sẽ mở vào đúng thời điểm của nó. Cũng như những đoá hoa nở rộ trong mùa xuân. Có bao giờ chúng ta lại đi nắm kéo nó lên để bắt nó mọc nhanh hơn không? Có lần tôi làm thế với những cây cà-rốt trong khu vườn đầu tiên của tôi, năm tôi tám tuổi. Việc làm ấy không có kết quả!

Chúng ta không cần phải có một thời hạn nhất định nào cho tiến trình để cho mọi việc được như-là này. Thế tại sao ta lại không thực hành ngay bây giờ đi?

cám ơn sự nhàm chán

Cũng như cái giận và những cảm xúc khác, sự nhàm chán thường hay đánh lừa để chuyển hướng năng lượng của ta vào một hoàn cảnh nào đó ở bên ngoài. Nó đánh lừa ta bằng cách không cho ta thấy được mối tương quan giữa ta và cảm xúc ấy. Nếu ta nghĩ rằng, nguyên nhân của sự nhàm chán là do ở một người nào đó, hoặc do một hoàn cảnh hay sinh hoạt nào đó bên ngoài thì ta đã lầm to.

Biết bao nhiêu sự bất an trong thiền tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày đã bắt nguồn từ sự hiểu lầm căn bản này? Đã biết bao nhiêu lần chúng ta đi tìm những gì mới lạ hơn, kích thích hơn, sôi nổi hơn, để cố tìm lại niềm hứng khởi? Và cũng biết bao lần những cái mới lạ ấy chóng trở nên buồn tẻ và nhám chán, để rồi chúng ta lại đi đuổi bắt một cái gì khác “mới lạ” hơn?

Ý thức được rằng, nguồn gốc của sự nhàm chán không phải do đối tượng của sự chú ý mà từ chính nơi phẩm chất của sự chú ý, là một tuệ giác chuyển hóa. Fritz Perls, người đã mang phương pháp trị liệu Gestalt vào Hoa Kỳ, nói “Nhàm chán là sự thiếu chú ý.” Hiểu được sự thật này sẽ đem lại những thay đổi lớn lao trongcuộc đời chúng ta.

Vì vậy nếu biết khéo sử dụng, sự nhàm chán có thể trở thành một công cụ rất hữu dụng trên con đường thực tập. Nó báo cho ta biết rằng không phải vì hoàn cảnh, vì một người, hoặc đối tượng thiền quán nào đó thiếu sót, mà là vì sự chú ý của ta lúc ấy thiếu chuyên nhất mà thôi. Thay vì bị đắm chìm trong sự nhàm chán hoặc than phiền, chúng ta có thể nhìn thấy nó như là một người bạn đang dặn dò, “Hãy chú ý hơn một chút. Hãy đến lại gần hơn. Hãy cẩn trọng lắng nghe.”

Lần tới, nếu bạn có cảm thấy không ưa thích một việc gì, thay vì nhàm chán, bạn có thể sử dụng nó như là một dấu hiệu để đem sự chú ý của mình đến gần đối tượng hơn. Làm được điều ấy, bạn sẽ thấy rằng sự chú ý tinh tế sẽ đem lại cho ta một niềm ưa thích và năng lượng mới. Marcel Marceau, một kịch sĩ tuồng câm nổi danh của Pháp, có diễn xuất một vai mà trong đó anh chuyển từ vị thế đứng sang vị thế ngồi hoặc nằm. Anh ta thay đổi vị thế của mình hoàn toàn, nhưng bạn không bao giờ thấy anh nhúc nhích. Những cử động của anh quá nhỏ khiến ta không nhận được một sự xê dịch nào. Bây giờ anh đang đứng, bây giờ anh lại ngồi. Hãy thử làm việc ấy xem, cử động một cách hết sức chậm chạp, rồi xem bạn có thể nào nhàm chán được không. Không bao giờ! Cũng chính vì những cử động ấy đòi hỏi một sự chú ý vô cùng tinh tế.

Khi chúng ta có mặt với một người nào và cảm thấy nhàm chán, có thể nào chúng ta lắng nghe người ấy một cách cẩn trọng hơn không? Hãy bước xuống chiếc xe lửa phê bình trong nội tâm của mình đi! Nếu chúng ta đang ngồi thiền và cảm thấy vô vị, có thể nào ta xích gần đến đối tượng một chút nữa không, không phải bằng vũ lực mà bằng sự nhẹ nhàng và thận trọng? Cái mà ta gọi là hơi thở đó nó thực sự là gì? Giả sử nếu có ai đó dìm đầu ta xuống nước, lúc ấy hơi thở có còn là nhàm chán nữa không? Mỗi hơi thở thật sự duy trì sự sống của ta. Ta có thể sống với nó thật trọn vẹn không, chỉ một lần thôi?

Khi chúng ta ý thức được nhàm chán là gì, nó sẽ trở thành một tiếng chuông chánh niệm tỉnh thức lớn.

tự ti

Theo truyền thống, chúng ta bắt đầu mỗi khóa tu bằng sự quy y tam bảo. Hành động này mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Quy y có nghĩa là trở về nương tựa. Chúng ta nương tựa vào Phật, vào Pháp và vào Tăng - tức là sự tỉnh thức, con đường dẫn đến sự tỉnh thức và đoàn thể của những người đi trên con đường ấy. Người ta có thể xem đó như là một nghi lễ hoặc hình thức. Điều ấy cũng đúng một phần nào, nhưng ngoài ra nó còn mang một ý nghĩa sâu xa và có ảnh hưởng trực tiếp đến với ta hơn thế nữa.

Mọi con đường chấm dứt khổ đau đều phải cần đến sự nương tựa này. Mặc dù giác ngộ là một kết quả chắc chắn của sự tu tập nếu ta kiên chí, và mặc dù cũng có lúc chúng ta cũng có thể nếm được mùi vị nhiệm mầu của giải thoát, nhưng phần lớn thì hành trình tu tập của ta là đi khám phá những nơi bất an và đóng kín trong tâm mình. Tự do bắt nguồn từ một tâm thức rộng mở, bao la và trong sáng, không còn bị một sự đè nén, và nhờ vậy mà những chốn hạn hẹp, khép kín trong tâm ta sẽ tự nhiên tan biến mất.

Tiến trình giải thoát và chữa lành các vết thương này là một sự thử thách, vì những nơi đóng kín trong ta chúng chứa đựng những khổ đau rất lớn. Khi nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng là chúng ta nhờ vào những năng lực giải thoát rất to tát có thể nâng đỡ, che chở cho ta qua những lúc thử thách và khốn khó mà không ai tránh khỏi. Trên con đường đạo, chúng ta không bao giờ lẻ loi.

Một trong những khó khăn, một năng lực tiêu cực, đen tối trong tâm thức của ta, mà đặc biệt có ảnh hưởng lớn đối với người Tây phương, là mặc cảm tự ti, hay tự ghét mình, của ta.

Nhờ đâu mà sự quy y, quay về nương tựa, lại có thể giúp ta đối trị được với tập quán tự ti nhiều nguy hại này? Khi ta đầy âu lo, nghi ngờ, và cảm thấy mình thấp kém, trở về nương tựa vào đức Phật sẽ giúp mang ta trở về một nơi trong ta, mà nơi ấy ta có thể cảm nhận được cái Phật tánh của chính mình.

Mặc dù ta đang khổ đau, nhưng khi trở về nương tựa nơi đức Phật, chúng ta biết nương tựa vào chính cái khả năng giác ngộ của mình và tuệ giác của một đức Phật lịch sử. Và từ chốn an ổn ấy, ta sẽ ý thức được rằng cảm xúc tự ti, yếu hèn không phải là một tự tánh cố hữu của ta, mà nó chỉ là một năng lực tạm thời đi ngang qua mà thôi.

Có một lần, khi đức Đạt Lai Lạt Ma viếng thăm trung tâm thiền tập của chúng tôi tại Barre, Massachusetts, trong phần vấn đáp có một người nào đó diễn tả một cảm xúc tự ti, tự nghi ngờ rất nặng nề của anh. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho anh một câu trả lời thật tuyệt diệu. Theo kinh nghiệm của tôi, Ngài bao giờ cũng biểu hiện và tỏa chiếu một năng lượng từ bi bao la. Bạn có thể thật sự sờ chạm được phẩm tính ấy phát ra từ nơi Ngài, và trong giây phút đó nó tỏa ra rất là mãnh liệt. Tôi có thể cảm thấy một luồng sóng tình thương của Ngài đặc biệt dành cho người bạn có mặc cảm tự ti nặng nề ấy.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp, “Anh sai rồi, anh hoàn toàn sai!” Giây phút ấy thật là mãnh liệt, vì những lời của Ngài tuy êm dịu nhưng lại rất cứng rắn, đã cắt xuyên qua mọi vốn liếng tự ti mà anh đã đầu tư từ xưa đến giờ. Bấy lâu nay anh đã mê lầm đi nhận những trạng thái tâm thức ấy làm mình. Vị thầy tuyệt diệu này biết rất rõ rằng đâu đó sâu thẳm trong tất cả chúng ta, bên dưới những nghi ngờ, lo âu và sợ hãi, tự tánh của tâm ta lúc nào cũng vẫn thanh tịnh và trong sáng.

Đôi khi chúng ta có thể bị bụi bậm của cuộc đời làm vẩn đục tâm mình, nhưng bạn nên nhớ rằng chúng chỉ là những người khách qua đường mà thôi, chứ không phải là người chủ căn nhà. Tôi không cần biết trong quá khứ bạn đã làm những gì, không cần biết những việc gì đã xảy đến với bạn, và cũng không cần biết cuộc sống trong quá khứ và hiện tại của bạn ra sao, tất cả chúng ta đều chia sẻ chung một tiềm lực của trí tuệ và từ bi. Cuộc sống của ta là một tiến trình hiển lộ của Pháp, chỉ cần ta biết tự cởi mở ra là có thể hiểu được nó, thấy được thật tướng của những gì đang xảy ra chung quanh mình.

Điều quan trọng là ta đừng bao giờ để những cảm xúc như là lo âu, tự ngờ, và tự ti làm lạc hướng. Chúng ta không nên chối bỏ hoặc giả vờ như chúng không có mặt, bởi vì chúng thật sự có mặt, và có ảnh hưởng đặc biệt đến tâm thức của ta. Nhưng ta cũng đừng bao giờ nên ban cho chúng tầm quan trọng mà chúng không có.

Ta hãy trở về nương tựa, như đức Đạt Lai Lạt Ma đã có lần ân cần đề nghị, “Ngả đầu vào trong lòng của đức Phật.” An trú trong Phật tánh ngay nơi này, trong tự tánh của Pháp, trong ý thức của tăng thân, những người đã và đang đi trên con đường tỉnh thức. Chốn nương tựa ấy là một nơi an ổn, vững vàng, và sự hiểu biết đó sẽ là một chốn ẩn náu an toàn trong mỗi chúng ta.

tội lỗi

Một người bạn rất thân của mặc cảm tự ti, cả hai lúc nào cũng sát vai nhau đi dạo khắp nơi trong tâm ý ta, là mặc cảm tội lỗi. Cảm giác tội lỗi này thường có mặt mỗi khi ta làm hoặc nói những điều gì bất thiện và gây khổ đau cho ta hoặc người khác.

Điều quan trọng là ta nên nhớ rằng, ta bao giờ cũng có thể lựa chọn cách đối xử của mình đối với những hoàn cảnh ấy. Chúng ta thường phản ứng theo tập quán là tự buộc tội mình, cho rằng “Tôi là một người xấu!” Nhưng thật ra thái độ tự lên án ấy chỉ là một thủ đoạn của cái ngã mà thôi. Cái ngã của ta dùng mọi xảo thuật để bắt ta củng cố thêm cảm nhận về nó, trong trường hợp này bằng cách tự phê phán.

Bạn nên biết rằng, cảm nhận về cái tôi này không phải là một cố thể rắn chắc nào trong tâm mà ta cần phải loại trừ. Chúng ta liên tục tạo nên và làm mới chúng mỗi khi ta không có chánh niệm, mỗi khi ta nhận một hiện tượng nào đó đang xảy ra là mình. Vì thế trong mỗi giây phút tỉnh thức, tuệ giác sẽ giải thoát chúng ta ra khỏi sự chấp ngã. Ảo tưởng về một cái tôi cũng rời rạc và vô thường như bất cứ một hiện tượng nào khác. Bạn cũng nên nhớ rằng, tuệ giác của chánh niệm và ảo giác của bản ngã, hai cái đó không bao giờ có thể cùng có mặt trong một lúc, cái này sẽ loại trừ cái kia.

Những khi có một mặc cảm tội lỗi khởi lên, nếu ta không biết dùng chánh niệm nhận diện, mà lại đi nhận nó là “tôi”, ta sẽ nuôi dưỡng nó thêm. Vì vậy, khi mặc cảm tội lỗi đến, ta hãy biến nó thành đối tượng của chánh niệm. Hãy ghi nhận nó. Khi ta có thể chấp nhận và không để bị đồng hóa - việc ấy không phải dễ, có lẽ cũng phải mất một thời gian mới thuần thục được - ta sẽ thấy rằng cái năng lượng mãnh liệt ấy thật ra chỉ là một con cọp giấy mà thôi. Cảm giác tội lỗi sinh lên, bạn nhận diện nó, và trong giây phút đó, khi bạn không còn thấy nó là mình, cảm giác tội lỗi ấy sẽ tan biến mất.

Và thay vì mang một mặc cảm tội lỗi, ta có thể đáp lại những hành động bất thiện của mình bằng một lối khác. Chúng ta có thể xem sự đáp ứng này như là một lòng hối hận sáng suốt. Ta thành thật nhìn nhận rằng mình đã làm một việc gì đó bất thiện, ta ý thức được tính chất bất thiện của nó, ta biết nó sẽ đem lại một kết quả nào đó, và với sự sáng suốt ta sẽ để sự hiểu biết ấy trở thành một năng lực ngăn chận ta khỏi những hành động tương tự trong tương lai.

Nhờ vậy, ta sẽ tránh được một xảo thuật khôn ngoan của bản ngã mình, nó muốn tự phóng đại lên bằng cách biểu hiện một thái độ tiêu cực. Sự ăn năn sáng suốt nhất là lòng khoan dung và tha thứ của mình. Với lòng khoan dung ta ý thức được chân lý vô thường, cái gì đã xảy ra trong quá khứ không nhất thiết sẽ phải xảy ra trong tương lai. Ngược lại, với mặc cảm tội lỗi thì không có sự tha thứ, vì ta đã bị đông cứng trong một ý niệm về một cái ngã bất biến bằng sự phán xét tiêu cực. Đối với mặc cảm tội lỗi thì, “Một lần xấu, vĩnh viễn xấu.”

Một lần trong khóa thiền tập, tôi có một cảm giác tội lỗi rất mạnh và cảm thấy vô cùng khó chịu về một việc tôi đã làm. Cảm giác ấy cứ tiếp diễn mãi khiến tôi phải chú ý nhiều đến nó. Tôi thật sự muốn biết vì sao mình lại bị dính mắc vào nó đến như vậy: “Được rồi, chuyện gì đang xảy ra đây? Cái này là cái gì? Tại sao tôi lại có sự khổ đau này đây?” Cuối cùng tôi thấy được rằng, cái cảm giác tội lỗi ấy thật ra chỉ là một thủ đoạn của bản ngã, nó dẫn dụ tôi củng cố thêm cảm nhận về nó.

Đó cũng chính là việc làm của Ma vương. Trong đạo Phật, Ma vương là một biểu tượng của vô minh được nhân cách hóa - tức những tư tưởng và tác ý nào ngăn trở không cho ta giải thoát. Ngày xưa, khi Phật sắp đạt đến sự giác ngộ, chính Ma vương là kẻ đã tấn công Ngài dưới gốc cây bồ đề và cố gắng bẻ gẫy định lực của Ngài.

Khi tôi ý thức được rằng mặc cảm tội lỗi là việc làm của Ma vương, tôi có phát kiến ra một phương pháp tu tập mới mà tôi gọi là điểm mặt Ma vương.

Cũng giống như đức Phật kể lại trong những bài pháp, mỗi khi gặp Ma vương Ngài bảo nó: “Ma vương! Ta đã thấy mặt nhà ngươi rồi!” Tôi dùng ngón tay tâm thức để điểm mặt nó: “Ta đã thấy nhà ngươi!” Bằng cái chỉ tay ấy, những ảo tưởng và thái độ nhận-nó-là-mình đều lập tức biến mất. Và mặc cảm tội lỗi mà tôi đang kinh nghiệm cũng tan biến theo rất nhanh chóng.

Và từ đó lòng hối hận chân thật và sáng suốt sẽ khởi sinh lên. Lòng hối hận sáng suốt này sẽ giải thoát chúng ta ra khỏi vũng lầy của ý nghĩ “Tôi tệ bạc quá.” Nhờ trí tuệ đó tôi hiểu rằng, hành động trong quá khứ ấy, nó là bất thiện, nhưng tôi cố gắng để sẽ không tái phạm, và tôi có thể tiếp tục cuộc sống của mình.

Bạn hãy thử thí nghiệm phương pháp thiền tập dơ ngón tay điểm mặt này lần tới nếu mặc cảm tội lỗi có viếng thăm bạn. “Ồ, ngươi nên bị cắn rứt về chuyện ấy. Việc ngươi làm xấu xa lắm, và ngươi thật sự là một người xấu!” Bạn có chấp nhận những ý nghĩ ấy không? Bạn có nhận chúng là “tôi” không? Nếu thế thì Ma vương đã toàn thắng rồi. Nhưng nếu bạn thấy được xảo thuật của nó và dơ ngón tay lên điểm mặt - “Ma vương, ta thấy ngươi rồi!” - thì mặc cảm tội lỗi dù có thể đến, nhưng bạn sẽ không bao giờ ban cho nó quyền lực để chiếm ngự mình.

Được như vậy, bạn sẽ mở rộng thêm không gian cho những cảm xúc hối hận sáng suốt được tăng trưởng. Ta đã làm một điều gì đó bất thiện, và ta không hề chối bỏ việc ấy. Nhưng ta biết cởi mở ra với nó, nhìn thấy nó, và học hỏi nó. Rồi với lòng khoan dung, tha thứ, ta sẽ hiểu được rằng nó cũng vô thường như mọi sự việc khác. Trong giây phút ấy, bạn có thể sẽ cảm thấy một sự chuyển hướng quan trọng trong tâm thức, từ một bản ngã nhỏ hẹp sang một không gian thênh thang rộng lớn. Và bạn sẽ cảm thấy vui sướng khi biết rằng bao giờ mình cũng có một sự chọn lựa.

ganh tỵ

Lòng ganh tỵ có thể là một ngọn lửa thiêu đốt trong tâm. Nó là một trạng thái khổ đau rất lớn. Muốn đối trị được lòng ganh tỵ ta cần phải nhìn thấy nó, nhận diện nó và cảm nhận nó mà không phê bình hoặc lên án. Thái độ phê bình và chỉ trích chỉ nuôi dưỡng lòng ganh tỵ thêm mà thôi. Mỗi khi chúng ta tự chỉ trích mình vì đã ganh tức, ta lại chỉ củng cố thêm một cảm nghĩ cho rằng mình không xứng đáng. Và rồi ta lại vô tình tự cột chặt mình thêm vào cái gút khổ đau, thiêu đốt ấy, quanh quẩn mãi mà không sao thoát ra được.

Thế cho nên, bước đầu tiên là đừng bao giờ chống cự với lòng ganh tỵ của mình mỗi khi nó khởi lên. Hãy cố gắng tạo cho mình một khoảng không gian thênh thang của sự chấp nhận. Từ nơi ấy, chúng ta sẽ có thể quán chiếu lòng ganh tỵ của mình. Ta nên tự hỏi, “Cái này là cái gì đây? Tự tánh của cảm xúc này là gì?” Bằng cách quán chiếu phẩm chất của nó trong tâm, bằng cách nhận diện cảm thọ ở thân, ta có thể tự giải thoát được và không bị dính mắc vào nội dung của nó.

Trong trường hợp nếu bạn thấy mình bị kẹt trong một sự ghen tức khá lâu mà không thoát ra được, bạn cần phải bước xuống thấp hơn thêm một nấc nữa, để tìm xem những cảm thọ nào đang nằm ẩn núp bên dưới. Nhiều khi một mặc cảm thấp hèn hoặc sự vắng mặt của tâm từ, metta, đối với chính mình, cũng có thể đi đôi và hỗ trợ cho lòng ganh tỵ. Nếu bạn không nhận diện được những đồng minh nguy hiểm này, chúng sẽ tiếp tục cung cấp nhiên liệu mãi cho lòng ganh tỵ trong ta.

Mặc dù ganh tỵ là một trạng thái vô cùng thiêu đốt, nhưng ta vẫn có thể đối trị nó được. Muốn đối trị nó hữu hiệu, bạn cần một không gian khá rộng lớn và biết chấp nhận. Tiếp xúc với nó, đi sâu vào nó, và bằng sự hiểu biết, bạn sẽ vượt qua hết tất cả mọi khó khăn.

ham muốn

Sống giữa cuộc đời, chúng ta lúc nào cũng phải tiếp xúc với ngoại vật.

Chúng là những đối tượng quyến rũ cảm xúc của ta, như là: hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác, tư tưởng và những ý kiến hấp dẫn. Và từ sự tiếp xúc này mà lòng ham muốn mới phát sinh. Sự ham muốn ấy có nhiều cấp bậc khác nhau, từ một mơ ước tầm thường, một khao khát nồng nàn cho đến một sự đam mê nghiện ngập, tất cả đều là những biểu hiện của lòng ham muốn.

Điều quan trọng là ta phải phân biệt được giữa sự ham muốn của một tâm luyến ái và một sự ham muốn cầu tiến, cái sau này có thể là thiện hoặc bất thiện. Trong Anh ngữ, chỉ có một danh từ desire dùng để diễn tả chung những trạng thái rất khác nhau nàycủa tâm thức. Trong khi tiếng Pali, ngôn ngữ đức Phật sử dụng lúc Ngài còn tại thế, có nhiều danh từ khác nhau để phân biệt các hình thái khác nhau của sự ham muốn. Trong Pali chữ tantha có nghĩa là “luyến ái”, và chữ chanda được dịch như là “tác ý”. Ví dụ, đức Phật trước khi giác ngộ đã có một lòng ham muốn giải thoát rất mãnh liệt, sự ham muốn ấy đã thúc đẩy Ngài tinh tấn qua nhiều kiếp tu tập. Đó chính là chanda, một năng lượng cầu tiến muốn hoàn tất một việc gì, có nơi gọi đó là nguyện. Trong trường hợp của đức Phật, lòng ham muốn ấy bao gồm cả đức tin, tuệ giác và từ bi.

Còn năng lực của tanha, tức lòng luyến ái, đã mọc gốc rễ ăn sâu vào tâm thức ta qua biết bao nhiêu đời. Đức Phật có dạy rằng, lòng luyến ái cũng chính là năng lực chủ động của samsara, tức vòng sinh tử luân hồi. Tham, muốn, khao khát, đam mê đều là những biểu tượng của yếu tố ái dục trong tâm. Chúng như là một sự thèm khát đối với một đối tượng nào có một bề ngoài hấp dẫn, khiến ta mê mẩn và rồi bị quyến rũ bởi khoái cảm mà chúng đem lại. Và lúc đó, ta không còn thể nào nhìn thấy sáng suốt được tự tánh của chúng nữa.

Bạn hãy thử quan sát những gì xảy ra khi tâm ta bị đắm chìm trong tham dục. Nó cũng giống như là bị lạc vào một mê hồn trận, hoặc say mê trong một thế giới của mộng tưởng, huyễn ảo vậy. Ta thêu dệt biết bao nhiêu là tưởng tượng, mộng mơ chung quanh những kinh nghiệm, hoặc có thật hoặc chỉ là mơ ước, và rồi tự trói buộc mình vào đó bằng sợi dây xiềng xích của luyến ái.

Lòng tham dục không những làm mờ mịt đi sự sáng suốt của ta, mà nó còn thất bại trong lời hứa sẽ đem lại cho ta một hạnh phúc lâu dài. Chúng ta đi tìm những cảm xúc khác nhau vì những khoái lạc khác biệt mà chúng hứa hẹn sẽ đem lại. Nhưng vì những cảm thọ này cũng vô thường như mọi hiện tượng khác, nên ta lại phải cứ tiếp tục tìm kiếm mãi, hết cái này đến cái khác.

Trong đời mình, ta đã từng hưởng thụ biết bao nhiêu là những cảm giác khoái lạc rồi? Có lẽ nhiều kể không hết! Mà rồi ta vẫn còn cảm thấy thiếu thốn, hình như vẫn còn một cái gì đó chưa được trọn vẹn. Và cũng vì không hiểu lý do vì sao, nên chúng ta cứ mê mải đi tìm thêm những kinh nghiệm khoái lạc mới, quẩn quanh trong một vòng tròn vô tận.

Điều khó xử là làm sao ta có thể chữa trị một căn bệnh, khi chính liều thuốc mà ta dùng lại khiến cho cơn bệnh ấy trở nên trầm trọng hơn! Ta gãi một chỗ ngứa, nhưng việc ấy chỉ làm cho nó ngứa thêm. Ta cố giải cơn khát của mình bằng nước muối, và nó lại càng làm ta khát thêm. Việc ấy cũng giống như khi ta tin rằng, con đường để diệt lòng tham dục là thỏa mãn nó vậy!

Trong cuộc sống, chúng ta nên có chánh niệm về năng lực của lòng ham muốn, nó sẽ giúp ta khám phá ra một tuệ giác giải thoát mới. Trước hết ta cần phải biết biến sự ham muốn thành một đối tượng của chánh niệm, để ta có thể ý thức được chúng trọn vẹn mỗi khi chúng khởi lên. Nhờ vậy, ta sẽ không còn bị lạc trong cơn lốc xoáy của cảm xúc và tư tưởng, mà có thể nhìn thấy được rõ ràng những gì đang thật sự xảy ra.

Tiếp đó, ta có thể quán chiếu thêm về năng lực của sự buông bỏ. Đối với đa số, chữ buông bỏ gợi lên hình ảnh của những ẩn sĩ trong hang động, hoặc những nhà tu khổ hạnh. Hoặc chúng ta có thể cho rằng xả buông là một việc gì đó có thể hữu ích cho ta, nhưng chắc chắn rất là phiền toái. Tương truyền rằng thánh Augustine có lời cầu nguyện như sau: “Xin thượng đế, giữ cho conđược trinh bạch, nhưng thưa Ngài khoan đã...”

Nhưng ta có thể hiểu sự buông bỏ theo một ý nghĩa sâu xa hơn. Chúng ta, chắc ai cũng công nhận rằng đam mê là một gánh nặng, và không bị dính mắc là một giải thoát lớn. Thử tưởng tượng bạn xem ti-vi với những tiết mục quảng cáo liên tục không dứt, và cái nào bạn cũng muốn hết. Đó là một trạng thái khổ đau cùng cực nếu đi so sánh với niềm an lạc khi ta biết để yên cho chúng trôi qua. Nhưng buông bỏ những tiết mục quảng cáo trên ti-vi việc ấy còn dễ, còn xả buông những tiết mục quảng cáo không bao giờ ngừng nghỉ trong tâm mới thật sự là khó.

Món quà lớn mà một khóa thiền tập có thể dâng tặng ta là cơ hội để kinh nghiệm được tự tính vô thường của lòng ham muốn - cho dù đó là tham muốn tình dục, tham muốn ăn uống, tham muốn nghe thấy, hay là gì đó cũng vậy.

Trong quá khứ, vì đa số lòng ham muốn lúc nào cũng thắng thế, nên chúng ta cảm thấy dường như con đường duy nhất để đối trị là làm cho nó được thoả mãn bằng cách này hoặc cách khác. Có lẽ ta nghĩ rằng, nếu không được đáp ứng, sự ham muốn sẽ ở với ta mãi cho đến khi nào nó được thoả mãn mới thôi. Nhưng nếu ta có một tâm lực vững vàng để đối diện nó bằng chánh niệm, lòng tham muốn sẽ tự động biến đi mất.

Trong thiền quán việc gì xảy ra khi ta chọn không hành động theo sự thúc đẩy của lòng ham muốn? Ta theo dõi và theo dõi, đến một lúc nó tự nhiên biến mất. Mặc dù sự ham muốn ấy sẽ trở lại khi những duyên hợp được tái lập, nhưng khi nó biến mất thì nó thật sự vắng mặt.

Lòng tham cũng vô thường như mọi hiện tượng khác! Tuệ giác, tuy đơn giản nhưng khó đạt này, có một công năng giải thoát rất lớn. Vì ta bắt đầu hiểu rằng, ta không cần thiết phải thoả mãn lòng ham muốn mỗi khi nó đong đưa miếng mồi trước mặt mình. Ta biết mình không cần phải đáp ứng để giải quyết nó. Cuối cùng rồi nó sẽ tự bỏ đi, vì bất cứ một hiện tượng nào cũng đều nằm trong vòng xoay của bánh xe đổi thay.

Và bạn hãy đặc biệt chú ý đến giây phút chuyển tiếp ấy, khi sự ham muốn biến mất sẽ có một trạng thái không-ham-muốn tươi mát đến thay thế. Hãy ý thức cái cảm giác giải thoát ấy, một cảm giác tự do thoát ra khỏi sự kềm kẹp, giam hãm của lòng luyến ái. Nếu ta có thể bình thản theo dõi những khi tâm mình bị tràn ngập bởi một lòng ham muốn mãnh liệt, và sau đó lại cảm thấy một sự tươi mát, nhẹ nhàng khi nó tự động biến mất, tuệ giác ấy sẽ cất đi một gánh nặng cho ta, vì hiểu rằng mình không cần thiết phải làm một việc gì hết. Tâm ta được tưới mát bằng một cảm giác thảnh thơi và tự tại.

Có được tuệ giác giải thoát này rồi, ta sẽ không còn bị năng lực của lòng tham dục thúc đẩy mình phải hành động nữa. Lúc ấy ta có thể mang tình thương và trí tuệ soi chiếu vào sự chọn lựa của mình. Sự tham muốn này có thích hợp không? Nó có thiện không? Có phải là lúc này không? Chúng ta có thể lựa chọn hoặc làm hoặc không làm gì hết, và lúc nào ta cũng vẫn giữ được một sự quân bình và an lạc trong tâm.

Muốn được trở nên thành thạo trong cách đối phó với lòng ham muốn, năng lực chủ động của bánh xe luân hồi, việc ấy không phải là dễ. Vì vậy mà lúc nào bạn cũng nên kiên nhẫn với chính mình, và hãy thật bền gan trên con đường khám phá.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh