Kinh Nghiệm Thiền Quán: Chương 4. Tâm Lý Học Và Phật Pháp

KINH NGHIỆM THIỀN QUÁN: CHƯƠNG 4. TÂM LÝ HỌC VÀ PHẬT PHÁP

cái tôi và bản ngã

Trên một phương diện, chúng ta có thể hiểu giáo pháp của đức Phật như là một môn tâm lý học giải thoát tinh tế và uyên thâm. Giáo pháp của Ngài đi sâu vào tâm thức và diễn tả khả năng tạo dựng thế giới của nó ra sao. Thân ta, hành động của ta, ngay cả vũ trụ chung quanh ta và những sự kiện xảy đến với ta, tất cả đều do tâm tạo.

Nếu Phật pháp là một môn tâm lý học về tâm linh, thì sự liên hệ của nó đối với quan niệm về tâm thức của Tây phương khác nhau như thế nào? Nếu đem gồm hai môn tâm lý học Phật giáo và tâm lý học Tây phương lại mà bàn, việc ấy là một đề tài mênh mông. Ở đây, tôi chỉ muốn nói sơ qua về một vài điểm khác biệt mà tôi nghĩ là quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu về vấn đề này.

Một sự mâu thuẫn hết sức rõ rệt giữa Phật giáo và khoa tâm lý học của Tây phương là ý niệm về cái “tôi” và “bản ngã”. Phật pháp dạy rằng thực tại là vô ngã, nó không có một cái tôi nào hết, trong khi tâm lý học Tây phương nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng một cái “tôi” kiên cố, một bản ngã vững vàng, khoẻ mạnh. Nhưng thật ra sự mâu thuẫn này là do ở vấn đề sử dụng ngôn ngữ mà thôi. Trong tâm lý học Tây phương chúng ta dùng “cái tôi” và “bản ngã” theo một nghĩa này, và rồi lại dùng chúng với một nghĩa hoàn toàn khác biệt trong Phật pháp.

Trong tâm lý học Tây phương thì “tôi” hay “ngã” được dùng để nói đến một trạng thái quân bình và một sức mạnh trong tâm thức. Một bản ngã vững mạnh theo nghĩa đó thì cũng rất cần yếu cho nền tảng hạnh phúc của ta.

Chúng ta cần phải có sự quân bình đó mới có thể sống trong cộng đồng như một cá nhân hòa hợp được. Những ai với một ý niệm sai lầm về cái ngã, hoặc thiếu phát triển nó, sẽ không thể nào sinh hoạt hữu hiệu trong đời sống được, vì họ không thể nào có được hạnh phúc với chính mình.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Còn danh từ ngã mà Đức Phật dùng lại hoàn toàn khác hẳn với ý niệm về sự quân bình hoặc trưởng thành tâm-cảm (men-tal-emotional) này. Khi đức Phật nói “ngã”, Ngài muốn nói về một khái niệm hoặc ý tưởng mà chúng ta có về một cá thể độc lập bất biến và những kinh nghiệm xảy đến cho cá thể ấy. Vì vậy, khi Ngài nói về vô ngã, anatta trong tiếng Pali, Ngài muốn nói rằng kinh nghiệm không xảy đến cho một cá nhân nào riêng biệt hết - và đây cũng là một tuệ giác có năng lượng chuyển hóa thâm sâu trong sự tu tập của ta.

Tuệ giác có nghĩa là nhìn thấy rõ ràng và sâu sắc rằng, mọi việc trong tâm và thân đều là một diễn trình thay đổi, và hoàn toàn không có một ai đứng phía sau diễn trình ấy. Ý nghĩ cũng chính là người suy nghĩ. Không có sự cách biệt giữa ý nghĩ và người suy nghĩ. Chính sự giận-dữ nổi giận và cảm- xúc xúc cảm. Mọi hiện tượng là chính nó, và chỉ có thể là chính nó mà thôi.

Kinh nghiệm xảy ra không thuộc về bất cứ một cá nhân nào. Thật ra chính vì điều dư thừa ấy, sự sai lầm đem nối liền việc xảy ra với lại một người nào đó, ý niệm về một cá thể độc lập, đã tạo nên cái mà đức Phật gọi là ngã hoặc “tôi.” Vấn đề bắt đầu phát sinh khi ta đem một ý niệm về ngã, về “tôi” chồng lên trên một thực tại hoàn toàn vô ngã.

Tiến trình của hai việc ấy, phát triển một cái tôi tốt đẹp và thấy được rằng tự tánh của mọi kinh nghiệm là vô ngã, chúng bổ túc cho nhau. Mặc dù cách diễn tả của chúng có vẻ như rất mâu thuẫn. Một cái tôi lành mạnh sẽ được khai triển khi ta có thể thấy rõ và chấp nhận hết tất cả những phần khác nhau của mình. Và ý thức được sự rỗng không của cái tôi ấy sẽ phát sinh khi ta không mang vác thêm và đi nhận những phần khác nhau ấy là mình.

Tự chấp nhận thật ra cũng chính là một khía cạnh của chánh niệm. Vì khi ta có chánh niệm là chúng ta sẵn lòng kinh nghiệm mọi cảm xúc, tư tưởng, cảm giác, và mọi biến cố của cuộc đời. Sự chấp nhận này xây dựng một nền tảng vững chắc cho lòng tự tin, vì chúng ta có thể chữa lành những rạn nứt trong nội tâm bằng cách tập sống với chính mình một cách toàn vẹn.

Lẽ dĩ nhiên, thái độ biết tự chấp nhận ấy cũng đòi hỏi một sự luyện tập.

Đôi khi ta cảm thấy như có một sự tranh đấu trong nội tâm vì một sự kiện nào đó đang có mặt - ở thân, cảm xúc hoặc trong tư tưởng - mà ta không thể cởi mở ra được với nó. Có những cảm thọ mà không mấy ai lại ưa thích bao giờ như là: sân hận, tự ti, buồn nản, tuyệt vọng, cô đơn, buồn chán hoặc sợ hãi.

Chúng là những bóng tối trong ta, mà ta khó có thể nào dễ dàng chấp nhận được. Khi ta chống cự lại với những cảm thọ này, không phải vì sự có mặt của chúng đâu, mà chỉ vì ta chối bỏ không sẵn lòng chấp nhận chúng mà thôi.

Đối với những xúc cảm ở thân cũng vậy. Khi trong thân ta có những cảm xúc đau đớn kịch liệt, ta thường đóng kín lại, ta chống cự nó, hoặc né tránh nó. Nhưng đến khi chánh niệm được vững mạnh, ta sẽ có thể tự chấp nhận được hết một cách hoàn toàn. Đến chừng ấy, ta sẽ biết chấp nhận trọn vẹn mọi kinh nghiệm xảy đến cho ta, dù chúng có là lạc thọ hay khổ thọ.

Dựa trên sự chấp nhận này, từ đó ta sẽ có thể tập trung ý thức của mình để thấy rõ tự tánh vô thường, tạm bợ của mọi phần tử trong thân và tâm. Ta thấy rằng mọi tư tưởng, cảm thọ, cảm xúc và cảm giác đều có tính cách tạm thời, luôn luôn biến chuyển. Ta có thể sống trọn vẹn với chúng mà không bị đồng hóa, và thấy được rằng chúng không là của bất cứ một ai, mà chỉ là những hiện tượng chuyển tiếp, sinh lên rồi diệt đi không ngừng nghỉ.

Thế cho nên, tuệ giác của anatta, của vô ngã, bắt nguồn từ một sự tự chấp nhận. Một cái ngã lành mạnh và một cái ngã trống rỗng, hai cái ấy thật ra không có gì là mâu thuẫn với nhau cả. Chúng có vẻ như vậy là vì ta đã sử dụng cùng một danh từ để diễn tả hai việc hoàn toàn khác biệt. Con đường thiền quán của ta là để nhận thức được cái bản ngã, như là một cố thể độc lập, thật ra chỉ là một ảo tưởng do tâm thức xây dựng nên mà thôi. Nhưng nếu muốn đạt được việc ấy, trước hết chúng ta cần phải có một sự quân bình trong nội tâm mà môn tâm lý học Tây phương đã diễn tả, khi họ nói đến xây dựng một cái tôi vững vàng. Thiếu tính chất quân bình và lành mạnh ấy, chúng ta sẽ không bao giờ có thể thấy được rằng không có một cá thể độc lập nào ở phía sau những kinh nghiệm xảy ra. Vì vậy, phối hợp giữa hai ý nghĩa khác biệt của chúng, bạn cũng có thể nói rằng muốn buông bỏ cái tôi thì trước hết ta cần phải phát triển nó cái đã.

cá tính và sự chuyển hóa

Cái mà ta gọi là cá tính (personality) thật ra chỉ là những thói quen, tập quán của tư tưởng, cảm thọ và hành động của ta, mà đã bị điều kiện hóa trong suốt cuộc đời mình. Theo kinh nghiệm của tôi, về những thiền sư và các thiền sinh, tôi nhận thấy rằng trong đạo pháp không có một cá tính nào là nhất định hết. Sự tu tập sẽ không thay đổi cá tính của ta theo một chiều hướng nào bắt buộc. Có những hành giả rất là trầm lặng, cũng có người rất là sôi nổi. Có người rất khôi hài và thư thái, lại có người rất nghiêm chỉnh và kỹ lưỡng. Đó có thể là tin mừng hoặc tin buồn cho bạn, nhưng có rất nhiều phương diện trong cá tính của bạn sẽ trước sau như một, không đổi thay trên suốt con đường tu tập của mình.

Có một câu chuyện khôi hài trong thời đức Phật để minh giải cho sự đồng nhất này. Có một nhóm tăng sĩ đều toàn là bậc A la hán, đã giác ngộ hoàn toàn, đi ngang qua một khu rừng và đến một dòng suối. Tất cả các thầy ai cũng từ tốn bước ngang qua dòng suối một cách cẩn trọng giữ đúng uy nghi. Duy có một thầy, ông ta vén áo lên, lấy đà chạy từ xa lại và nhảy qua con suối.

Các thầy khác thấy vậy tỏ vẻ bất bình - bậc giác ngộ đôi khi cũng vẫn có thể bị bất bình như thuờng! Họ đi đến gặp đức Phật và thuật lại hành động thiếu cung cách ấy của người bạn. Vì dầu sao đi nữa vị thầy ấy cũng là một bậc giác ngộ. Đức Phật mỉm cười và nói rằng, vị thầy ấy đã là một con khỉ trong suốt 500 kiếp trước. Nhảy qua một dòng suối chỉ là một biểu lộ của cá tính ông ta sau hằng trăm năm bị điều kiện nặng nề.

Bạn thấy không, câu chuyện ấy có mang một ẩn ý về thuyết tiến hóa của Phật giáo cho mỗi cá nhân, bổ túc thêm cho thuyết tiến hóa chủng loại của Darwin.

Nhưng tính cách duy nhất, liên tục của một cá tính cũng không tồn tại mãi, cũng có những phương diện thay đổi lớn lao. Khi sự tu tập của ta bắt đầu thâm sâu, cách ta liên hệ với những sắc thái cá nhân cũng sẽ thay đổi. Thay vì bị gò bó, trói buộc và đồng hóa với lại cái tôi của mình, những cá tính bị điều kiện hóa của ta sẽ xảy ra trong một không gian rộng lớn hơn. Những tướng trạng đặc biệt của nó có thể vẫn còn hiển lộ, nhưng ta ít còn đi nhận chúng là “tôi” hoặc “của tôi” nữa.

Thiền tập sẽ đem lại một sự hoà hợp giữa các năng lượng tinh tế trong ta, trên mọi lãnh vực: tư tưởng, cảm xúc, thân thể. Ta sẽ bắt đầu cảm nhận được mọi việc một cách trọn vẹn hơn là những khi tâm ta bị tán loạn hoặc xao lãng. Kết quả sẽ là một thứ đam mê trong thờ ơ. Thờ ơ ở đây không có nghĩa là lạnh lùng, vô tâm, mà nó có nghĩa là ta không còn bị đồng hóa với chúng nữa. Ta không còn đi dựng lên một ý niệm về “tôi” phía sau những cảm xúc, tư tưởng, cảm thọ có mặt trong thân mình. Mọi việc vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng chúng xảy ra trong một không gian bao la của ý thức, chứ không còn bị giới hạn bởi ý niệm về một cái tôi nhỏ hẹp nữa.

Khi sự tu tập được sâu sắc và khi tuệ giác cùng lòng từ bi phát triển, tính tình ta cũng sẽ bắt đầu chuyển hóa trong khuôn khổ tùy theo cá tính của mỗi người. Những tập quán vô ý thức và bất thiện sẽ rơi rụng, và mỗi người chúng ta, theo một cách riêng, sẽ càng lúc càng biểu lộ được lòng từ ái của mình ra nhiều hơn. Với sự chuyển hóa này, thói quen suy nghĩ, cảm xúc, và những hành động của ta, sẽ trở nên vô cùng linh động và mềm dẻo, hơn là lúc chúng ta sống trong thất niệm và quên lãng.

Có một số đông cho rằng, ta là những tư tưởng đi ngang qua tâm mình. Tôi hy vọng không phải vậy, vì nếu đó là sự thật thì thôi hết thuốc chữa! Vì những tư tưởng đi ngang qua, rõ ràng là chúng đã bị điều kiện bởi một sự kiện nào đó rồi: bởi những biến cố trong tuổi thơ ấu của ta, hoàn cảnh của ta, hoặc những kiếp trước, hoặc có thể là do những gì mới xảy ra chừng vài ba phút trước đây.

Phẩm chất của cá tính chúng ta tùy thuộc vào sự chọn lựa của ta đối với những tư tưởng ấy như thế nào. Mà thật ra vấn đề tự do hay trói buộc nằm ngay ở điểm then chốt này! Và chính nơi đây, chánh niệm có thể đem lại cho ta một sự tự do và sức mạnh vô cùng, vì chánh niệm cho phép ta không hành động mù quáng theo thói quen, tập quán, hoặc bị lôi cuốn theo năng lượng của những tư tưởng không mời gọi ấy. Thay vào đó, chánh niệm ban cho ta một khả năng chọn lựa sáng suốt.

Mặc dù trong quá khứ có thể ta đã có những sự lựa chọn sai lầm. Nhưng một khi ta tỉnh thức, nhận thấy được khả năng của chánh niệm và hành động chân chánh, thì ngay giây phút ấy đã có một sự thay đổi, chuyển hướng trong cá tính của ta rồi.

Có một câu chuyện vào thời đức Phật diễn tả cho thấy cá tính của ta bị lệ thuộc vào điều kiện sẵn định đến mức nào, và làm thế nào ta có thể thoát ra khỏi sự lệ thuộc ấy bằng tuệ giác của chánh niệm. Có một người học trò rất thông minh vào thời đó đến tìm học nơi một vị đạo sĩ nổi tiếng. Chẳng bao lâu, anh ta trở nên một người đệ tử tài giỏi bậc nhất của ông. Nhưng rồi những người học trò khác vì đâm ra ghen tức, nên họ cùng hợp với nhau nói xấu anh ta với vị thầy. Cuối cùng, vị thầy vì sợ rằng có một ngày anh đệ tử lỗi lạc này sẽ thay thế mình, nên ông đuổi anh đi.

Sự bất công này có lẽ đã khơi dậy trong anh một tập quán sâu xa xưa cũ, hoặc vì đã chịu điều kiện bởi lòng thù hận, hung bạo trong quá khứ, mà rồi anh đã hành động thật mù quáng. Anh trả thù bằng một lối rất ghê rợn, anh nguyện sẽ làm một xâu chuỗi bằng một ngàn ngón tay của một ngàn người để dâng lên thầy mình. Và từ đó anh được biết đến với danh hiệu Angulimala, có nghĩa là “xâu chuỗi ngón tay.” Và rồi Angulimala bắt đầu theo đuổi con đường hung bạo và tàn ác ấy. Anh trở thành một tai họa cho cả xứ.

Sau khi Angulimala đã giết hết 999 người, mẹ của anh lúc ấy đang tìm kiếm và mong mỏi muốn gặp được anh, đi ngang qua khu rừng nơi anh đang trú ngụ. Angulimala chợt nảy lên ý định giết luôn cả mẹ mình để hoàn tất sâu chuỗi ấy. May thay, đức Phật đang có mặt trong một vùng gần đấy, biết được chuyện sắp xảy ra và bằng sức thần thông Ngài hóa hiện ra trước mặt anh ta. “À được rồi, thôi ta sẽ lấy ngón tay thứ một ngàn nơi ông này vậy!” Nghĩ thế Angulimala liền đuổi theo đức Phật.

Mặc dù đức Phật đi rất chậm, nhưng vì sức thần thông của Ngài nên Angulimala không tài nào bắt kịp, cho dù anh cố hết sức để đuổi theo. Cuối cùng Angulimala phải hét lên, “Dừng lại!” Đức Phật nhìn anh ta đáp, “Ta đã dừng lại từ lâu rồi. Chỉ có anh mới là người chưa dừng lại đó thôi.”

Ngay lúc đó bị ảnh hưởng bởi thái độ vô úy, an lạc và lòng từ bi của đức Phật, Angulimala đứng lại và hỏi đức Phật Ngài nói thế nghĩa là gì. Đức Phật giảng cho anh ta nghe về sự dừng lại của ngọn lửa tham, sân, si. Nghe xong Angulimala, bị rúng động đến tận bản tâm trước năng lượng an lạc của đức Phật và lời dạy của Ngài. Anh đã có một sự chọn lựa mới và sự kiện ấy đã chuyển hóa tính tình của anh ta. Angulimala theo đức Phật về tu viện, xuất gia trở thành một vị tăng và chỉ trong vòng một thời gian ngắn chứng được quả giải thoát.

Thế nên, trong chúng ta ai cũng còn có hy vọng hết.

Câu chuyện ấy cho ta thấy rằng, trong ta bao giờ cũng tiềm chứa đầy đủ hết tất cả những hạt giống mà đã từng chi phối và làm điều kiện cho tâm ta.

Và trong tiến trình tiến hóa dài đằng đẵng qua nhiều kiếp, chúng ta đã biết bao lần phản ứng máy móc theo những điều kiện định sẵn ấy! Trong ta có những hạt giống thiện và cũng có những hạt giống bất thiện, khi điều kiện thuận tiện, chúng ta hành động theo cách này, khi điều kiện bất lợi, chúng ta lại hành động theo một lối khác.

Tập quán ấy sẽ tiếp tục hết đời này sang đời khác, cho đến ngày nào chánh niệm đánh thức ta dậy để ta nhận thấy rằng, mình thật sự bao giờ cũng có một sự chọn lựa. Tiềm tàng trong năng lực của chánh niệm và khả năng chọn lựa là chân tánh và bản năng thật sự của ta.

khoa tâm lý trị liệu và thiền tập

Chúng ta rất thường hay lẫn lộn một số sinh hoạt trong tâm với lại sự thực tập thiền quán. Ta cần thấy rõ được sự khác biệt giữa những trạng thái tâm thức của mình, vì chúng sẽ giúp cho sự tu tập của ta được trở nên hữu hiệu và mạnh mẽ hơn.

Đôi khi người ta cũng tự hỏi rằng, mình có nên sử dụng giờ thiền quán như là lúc để đi khơi lại những ký ức, những vết thương lòng, hoặc khám phá những mâu thuẫn, xung đột trong nội tâm mình hay không? Nói một cách khác, thiền tập có thể là một hình thức của khoa tâm lý trị liệu không?

Môn tâm lý trị liệu có một giá trị rất lớn, nhưng thiền quán là một con đường khác biệt. Hai phương pháp ấy không đối nghịch nhau mà cũng không xung khắc nhau, thật ra đôi khi chúng lại xen lẫn, chồng lên nhau. Nhưng việc ấy cũng có một mức giới hạn, vì khi ta trở nên dính mắc với nội dung, hoặc quyến luyến vào tiểu tiết của tư tưởng và cảm xúc của mình, nó sẽ làm trở ngại việc phát triển tuệ giác trong thiền quán.

Trong lúc ta thực hành thiền quán, sẽ có nhiều loại hiểu biết về tâm lý phát sinh, chúng có liên quan đến những vấn đề như là cha mẹ, tuổi thơ, mối tương quan giữa ta và người chung quanh. Mặc dù những khám phá về tâm lý này rất chính đáng và quan trọng, nhưng ta cũng không muốn sự chú tâm của mình bị chuyển hướng vào một lãnh vực nghiên cứu, trong thời gian thiền tập.

Trong lúc ta thực tập thiền quán, sẽ có một phạm trù rộng lớn của cảm xúc phát sinh lên. Chúng có đầy đủ hết: ưa thích, ham muốn, giận dữ, sợ hãi, thất vọng, vui sướng, mừng rỡ, chán ngán, hồi hộp, hạnh phúc, biết ơn, tình yêu... Vào mỗi thời điểm sẽ có một hoặc nhiều cảm xúc khác nhau nổi lên mạnh mẽ. Câu hỏi then chốt là, chúng ta phải đối xử với những cảm xúc sinh lên này như thế nào? Chúng ta nên suy luận hoặc phân tích chúng chăng?

Hay là chúng ta chỉ nên đơn giản cảm nhận và theo dõi chúng?

Thiền tập chú trọng vào việc có một ý thức không xao lãng. Ta không suy nghĩ về một việc gì, không phân tách, không trôi lạc theo câu chuyện, nhưng lúc nào cũng nhìn thấy được tự tánh của bất cứ việc gì đang xảy ra trong tâm.

Quan sát cho thật chuẩn xác thực tại là cây chìa khóa có thể áp dụng cho bất cứ một tiến trình nào đang có mặt.

Bởi vì những câu chuyện trong đầu ta bao giờ cũng rất là hấp dẫn, nếu ta biết sử dụng phương pháp “không phải bây giờ” trong khi thiền tập, thì nó sẽ được nhiều lợi lộc lắm. Bất cứ khi nào bạn bị một câu chuyện nào đó lôi cuốn, bạn hãy nói thầm trong đầu, “không phải bây giờ.” Phương pháp ấy giúp ta nhẹ nhàng công nhận sự có mặt của câu chuyện ấy trong tâm, và thừa nhận giá trị của nó, nhưng trong lúc này hãy tạm thời gác nó sang một bên.

Ngoài việc cần thiết phải thực tập sự chú ý đơn thuần mà không để bị dính mắc vào chi tiết của đối tượng, còn có một lý do quan trọng khác nữa để ta không nên sử dụng thiền quán như là một phương pháp tâm lý trị liệu. Vì tiến trình thiền tập sẽ giúp phơi bày nhiều tầng lớp sâu kín khác của cảm xúc, của các trung tâm năng lượng khác nhau trong thân, và nhiều kinh nghiệm mới về tính vô thường của các hiện tượng nữa. Những kinh nghiệm ấy có lúc rất là phấn khởi nhưng cũng có lúc thật hãi hùng.

Nhưng bạn đừng lo ngại, trong hành trình khám phá vô tận này, ta bao giờ cũng có được một sự che chở an toàn bảo vệ, vì con đường thiền quán là một tiến trình khai mở có tính cách hữu cơ. Chúng ta không bao giờ có thể nào lựa chọn hoặc tuyển lựa những gì sẽ sinh lên trong tâm mình. Chúng ta cũng không thể có một chương trình nhất định nào được. Thay vào đó, ta sẽ kinh nghiệm một sự khai mở dần dà, tháo gỡ từng lớp một, và sự việc sẽ xảy ra tự nhiên theo đúng thời điểm của nó.

Vì sự khai mở này xảy ra tự nhiên, nên chánh niệm của ta sẽ vững mạnh đủ để đối phó với bất cứ việc gì xảy ra. Đôi khi trận chiến ấy rất cân sức khiến ta hơi ngờ vực, không biết tâm mình có còn vững vàng đủ để đối diện với trận bão tố kế tiếp hay không. Nhưng đây là một tiến trình rất hữu cơ. Ở đây ta không thúc đẩy, không đào bới, cũng không chọn lựa, nên những trạng thái tâm lý sẽ phát khởi lên đúng thời điểm của nó, nhờ vậy ta có thể đối trị được. Và chúng đối trị được cũng là nhờ ta có khả năng ghi nhận đơn thuần, ta có thể ở với chúng, và cũng có thể buông bỏ chúng, không cần giải thích lôi thôi, cũng không ồn ào kiểu cách.

Còn nếu không, ta có thể bị lôi cuốn vào một dự định nào đó trong đầu, rồi lúc nào cũng lo nghĩ để tìm cách giải quyết nó. Tâm trạng ấy có thể làm cho cái cảm nhận về cái ngã, về một sự tranh đấu, trở nên kiên cố hơn, và ta sẽ mất đi ý thức về một tiến trình khai mở đang xảy ra hết sức tự nhiên. Hơn nữa, nếu ta đi thúc đẩy những năng lượng mạnh mẽ này trong tâm, thay vì để chúng khởi lên tự nhiên, ta có thể sẽ bị tràn ngập, lấn áp bởi những gì xảy ra.

Tạo nên hai thái cực và sự mâu thuẫn, giữa thiền quán và tâm lý học là một việc làm vô ích và không cần thiết. Tâm lý học là một môn hiểu biết rất quan trọng trong đời sống, nó là một hỗ trợ quý báu cho những gì ta khám phá được trong thiền tập. Và cũng có nhiều phương pháp về tâm lý có thể giúp cho sự hiểu biết này hiệu quả hơn là thiền quán. Khi chúng ta muốn tìm hiểu những tập quán tâm lý của mình, lẽ dĩ nhiên ta cần phải biết chọn những phương tiện nào cho thích hợp với công việc ấy.

Mục tiêu của sự tu tập thiền quán theo đúng phương pháp là để duy trì chánh niệm và khai mở chân tâm. Khi sự thiền tập của ta đã được chút ổn định, khi ta thật sự thấy được tính chất sinh diệt của mọi hiện tượng và tự tánh của ý thức, lúc ấy ta sẽ không còn bị dính mắc vào những chi tiết của các điều kiện chi phối mình nữa. Ta sẽ có thể hòa hợp được với sự chuyển tiếp liên tục, và tự tánh vô ngã của sự việc hơn. Nhờ vậy, sự tu tập của ta sẽ được thâm sâu và ta có thể đạt được những tuệ giác chân thật.

Nhưng những giây phút tỉnh thức ấy cũng không thể giải quyết được hết mọi khó khăn cho ta. Đa số chúng ta lại phải đối diện với vấn đề là làm sao để có thể đem tuệ giác và nhận thức mới này về hội nhập với cuộc sống của mình, trong đó có cả lãnh vực tâm lý. Mặc dù đã có tuệ giác, nhưng ta cũng có thể nhận thấy rằng mình vẫn còn có những thói quen tâm lý nguy hại, có thể ảnh hưởng xấu đến những mối tương quan và sự sống của ta. Nếu biết tìm hiểu chúng một cách khéo léo, nó có thể giúp cho đời sống của ta và những người chung quanh được trở nên hạnh phúc hơn. Ngay chính những hành giả đã thực tập thiền quán lâu năm vẫn cảm thấy đôi khi cần thiết phải trau dồi thêm hơn trên bình diện tâm lý này.

Vì vậy mà bao giờ cũng có một sự hỗ tương vô cùng huyền nhiệm giữa hai lãnh vực này của tâm thức. Càng được sáng suốt và trưởng thành trong lãnh vực tâm lý bao nhiêu, tiến trình thiền tập của ta sẽ càng được vững vàng bấy nhiêu. Ta sẽ có thể dễ dàng nhìn thấy được sự sinh diệt của mọi kinh nghiệm, khi ta ít còn bị lôi cuốn vào cuộc chiến giữa các chi tiết của nội dung, vào sự xung đột của những cảm xúc nữa.

Ngược lại cũng thế, càng có tuệ giác trong thiền tập bao nhiêu, thì ta sẽ càng dễ dàng trở lại và đối trị những vấn đề tâm lý của mình bấy nhiêu, mà không bị mắc kẹt vào chúng. Những gút mắc tâm lý sẽ được tháo gỡ nhẹ nhàng hơn, khi ta đã thấy được tự tánh vô ngã và rỗng không của mọi vật.

Vài năm trước đây tôi có thực tập trị liệu pháp Jungian. Phương pháp này chú trọng vào việc phân tích những giấc mộng của ta. Khi sự trị liệu tiến hành, tôi bắt đầu thám hiểm vào một vài khu vực đen tối trong tâm và ý của chính tôi. Trong thời gian ấy tôi giác ngộ được hai điều, và mặc dù ta có thể dùng tri thức để hiểu chúng rõ ràng, nhưng chúng lại rất khó mà có thể nào thể hiện được bằng kinh nghiệm.

Điều giác ngộ thứ nhất là chúng ta là một món hàng chứa đựng nhiều phẩm chất khác nhau. Tôi thấy được rõ rệt, tôi có những ưu điểm và yếu điểm, những phẩm tính thiện và bất thiện. Tất cả những cái ấy hợp lại thành một gói hàng tên “Joseph.” Mỗi người chúng ta cũng đều như thế. Điều giác ngộ thứ hai là tôi không cần phải phê phán hoặc thay đổi hay sửa lại một phần tử nào trong gói hàng ấy hết. Biết được rằng tôi có thể chấp nhận món hàng ấy một cách trọn vẹn là một giải thoát rất lớn.

Phương pháp trị liệu này đòi hỏi tôi phải nhìn thẳng vào vấn đề để tìm hiểu những chi tiết đặc biệt về tình trạng của mình. Nhưng cũng nhờ ở công phu thiền tập mà tôi có được một thái độ là biết giản dị chấp nhận sự việc xảy ra. Ta ngồi thiền, ta quan sát, và chúng ta tập chấp nhận những gì mình thấy, vì biết rằng bất cứ những gì sinh lên đều không phải là tôi. Nó không phải là tôi, nó không tùy thuộc bất cứ một cá nhân nào, mà chỉ là một tình trạng có điều kiện. Vì vậy cho nên ta đâu cần phải bám víu hoặc đi nhận nó là mình để làm gì! Ta cũng không cần phải sửa đổi một điều gì hết, vì sự chấp nhận và chánh niệm sẽ tạo nên một khoảng không gian, ban cho ta một sự chọn lựa: thực hiện những việc nào tốt lành và để yên cho những việc khác như là.

Thế cho nên, tôi thấy tâm lý học và thiền quán là hai lãnh vực có thể hỗ tương cho nhau, mặc dù chúng hoàn toàn dị biệt. Biết tôn trọng sự khác biệt ấy là một điều rất hữu ích, nhất là trong một khóa tu, để ta không phải mất thì giờ quý báu bị vướng mắc trong phần chi tiết, nội dung của hiện tượng, cho dù nó có hấp dẫn đến đâu.

tâm thiền giả

Nếu bạn nghĩ rằng bệnh tâm thần chỉ xảy ra ở “ngoài kia,” cho một ai khác, thì bạn nên nhìn kỹ lại cuộc sống trong tâm bạn. Trong khi thiền tập ta quán chiếu tâm mình, ta sẽ nhận thấy rằng những gì mình gọi là bệnh tâm thần thật ra chỉ là một biểu lộ cực đoan của những gì đang luôn luôn xảy ra cho tất cả chúng ta.

Nhiều năm trước đây, tôi có hành trì thiền quán một tháng trời trong phòng riêng của tôi tại trung tâm Insight Meditation Society. Sau chừng khoảng một tuần, tôi bắt đầu nghe có tiếngngười trò chuyện truyền qua theo ống thông hơi. Tôi nghĩ rằng chúng phát xuất từ nhà bếp, nơi ấy cách khá xa phòng tôi ở, rồi truyền theo ống sưởi vang đến đây. Câu chuyện, tôi đinh ninh là có liên quan đến một cặp vợ chồng, cả hai đều là bạn của tôi. Tôi ngỡ mình nghe rằng người chồng đã giết chết người vợ, và không một ai muốn báo cho tôi hay vì họ không muốn quấy rầy sự tu tập của tôi. Ngày này sang ngày khác, những lời bàn tán ấy cứ tiếp tục vang vọng theo ống thông hơi lò sưởi. Sau cùng không còn chịu được nữa, tôi thật sự tạm dừng sự tu tập, đi xuống nhà bếp và hỏi những người làm việc dưới ấy: “Sao không ai nói gì cho tôi nghe hết vậy?” Chuyện ấy không hề xảy ra, nhưng đối với tôi nó lại thật vô cùng.

Ta gọi cái ảo giác mất quân bình đó là “tâm thiền giả.” Những thiền sinh trong các khóa tu, đôi khi đồng hóa với những tư tưởng và cảm thọ của mình cực đoan đến độ họ mất hết mọi nhận định trung thực. Steven Smith, một đồng nghiệp và cũng là người bạn của tôi, có kể cho tôi nghe một câu chuyện lý thú khác về cái tâm thiền giả này. Anh và vợ anh, Michele, cùng hướng dẫn một khóa tu tại châu Úc. Căn phòng của anh ở có hai cửa ra vào từ hai hướng khác nhau. Một cửa mở ra thẳng vào một thiền đường lớn mà nơi đây những thiền sinh thường thực tập đi kinh hành.

Một buổi tối Michele ghé qua phòng nói chuyện với Steven, và anh tự nhiên hỏi vì sao cô ta lại đi vào bằng cửa đó thay vì lối cô vẫn thường hay vào. Vừa ngay khi đó có một thiền sinh bước vào căn phòng cạnh bên để đi kinh hành và bất chợt nghe Steven hỏi, “Tại sao lại dùng cửa ấy?” Lúc ấy là mười giờ đêm. Đến bốn giờ sáng người thiền sinh ấy đến phòng Steven, đánh thức anh dậy, và hỏi, “Tại sao ông lại hỏi tôi dùng cửa nào?” Cả đêm người thiền sinh cứ bị ám ảnh mãi về vấn đề vì sao anh lại nên hoặc không nên đi vào bằng cửa ấy!

Nhận diện được tâm thiền giả này có một tầm quan trọng rất lớn trong sự tu tập của ta. Trong các khóa tu chúng hiển lộ ra hết sức rõ rệt, và trong cuộc sống hằng ngày thì chúng trở nên tinh tế hơn. Bất cứ khi nào bạn thấy mình không thể buông bỏ một ý nghĩ hoặc một cảm xúc nào mà nó không xứng đáng với hoàn cảnh thực tại, và nhất là khi sự cố chấp ấy lại quá cực đoan và mãnh liệt. Nếu bạn biết nhận diện được hiện tượng này chỉ là một trạng thái tâm thiền giả, nó sẽ giúp cho bạn buông bỏ dễ dàng hơn. Bạn nên nhớ rằng, tâm ta rất dễ bị mắc kẹt vào chính phóng ảnh do nó tạo nên. Hiểu được vì sao ta lại bị dính mắc, việc ấy có thể giúp ta chọn lựa giữa một tâm linh ngục tù và một tâm linh giải thoát.

Những cố chấp cực đoan ấy thật sự chẳng khác gì mấy với các chứng bệnh tâm thần, mà thật ra chúng rất có thể đưa ta đến một tình trạng mất quân bình nguy hại. Một khi tâm ta khăng khăng đi nhận một tư tưởng hoặc cảm thọ nào đó là mình, ta sẽ trở nên si mê. Lúc đó ta không còn khả năng tách rời ra khỏi chúng nữa, và vì vậy tâm ta cũng không còn được sự che chở bảo vệ của chánh niệm. Ta bị lôi cuốn trong trận cuồng phong của tư tưởng và cảm xúc. Trong trạng thái đó không có một nơi nào là an ổn để ta nghỉ ngơi, ẩn náu được hết.

Thái độ cố chấp sai lầm ấy có thể là một chướng ngại cho sự cảm thông giữa ta và người khác. Khi ta đi đồng hóa mình với một quan điểm nào, nó dễ dàng đưa đến một sự bất bình, và tạo nên một thái độ thủ thế hoặc công kích trong sự truyền thông. Vấn đề không phải là ở những gì ta muốn truyền đạt, nhưng là do sự chấp nhất kiên cố của ta vào nội dung của chúng. Khi chánh niệm ít mà sự dính mắc lại nhiều, chấp vào những ý kiến của mình sẽ tạo nên hai thái cực chống đối nhau.

Vì vậy mà ta không nên đem bệnh tâm thần đổ cho những gì ở “ngoài kia.” Chúng ta ai cũng đều có thể cảm nhận được những phiền não ấy trong ta đến một mức độ nào đó, và thiền tập sẽ là một công cụ rất hiệu nghiệm giữ cho tâm trí ta luôn được lành mạnh.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh