Kinh Nghiệm Thiền Quán: Chương 1. Con Đường Tu Tập

KINH NGHIỆM THIỀN QUÁN: CHƯƠNG 1. CON ĐƯỜNG TU TẬP

Phật pháp - Dharma

“Đã hoàn tất rồi những gì cần phải được hoàn tt.”

Câu này, trong các kinh điển Phật giáo, bao giờ cũng gây cho tôi một sự phấn khởi. Câu ấy xuất hiện trong những bài Chứng Đạo Ca. Đó là những lời mà các tu sĩ đã cảm tác thốt lên trong phút giây giác ngộ. Những lời cảm tác ấy đã đem lại cho tôi một niềm vui rất lớn. Vì chúng nhắc cho tôi nhớ rằng, chúng ta thật sự có thể đi trọn hết được con đường tu tập của mình. Giây phút ấy chắc sẽ là nhiệm mầu lắm, khi ta có thể cất tiếng hát lên lời ca ấy, “Đã hoàn tất rồi những gì cần phải được hoàn tất.

Nhưng chúng ta bao giờ cũng vẫn bị ám ảnh bởi một nỗi nghi ngờ: “Ta có thể đạt được sự giác ngộ không? Đức Phật thì có thể thực hiện được việc ấy, chứ còn tôi? Tôi thực sự có thể làm được chuyện ấy không?” Tôi nói với bạn một điều này, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều làm được việc ấy, nếu ta biết phương pháp.

Ta tu tập là để khám phá ra phương pháp ấy, để ta có thể được tự tại và giải thoát. Trọng tâm của việc tu tập là chỉ để thực hiện có bấy nhiêu thôi. Sự giải thoát ấy sẽ đem lại cho ta những đức tính như là từ bi, an lạc, một tuệ giác thấy được rằng tất cả mọi vật đều có một liên hệ mật thiết với nhau. Chữ

Dharma trong Phạn ngữ, hay Dhamma trong Pali, là một danh từ rất rộng nghĩa, nó bao trùm và chứa đựng hết tất cả. Một trong những nghĩa của Dharma là Chân lý, là Pháp, tức tự tánh của vạn vật. Nó cũng có nghĩa là những yếu tố đặc biệt của một hiện tượng và những luật tự nhiên điều khiển hiện tượng ấy. Dharma cũng có nghĩa là những lời dạy của đức Phật và con đường tu tập đưa đến giác ngộ. Vì thế cho nên danh từ Dharma bao trùm hết tất cả. Mọi vật trên cuộc đời này đều có thể là Dharma, vì mọi vật phải tuân theo định luật tự nhiên của chính nó.

Đức Phật đã nhìn thấy rất rõ rằng, những trạng thái khác nhau của tâm và những hành động khác nhau của thân, sẽ đưa đến những hậu quả hoàn toàn khác biệt. Tâm bất thiện sẽ tạo nên một số ảnh hưởng đặc biệt. Và tâm tốt lành sẽ có những quả trái riêng của nó. Hiểu được sự thật này rồi, ta sẽ có khả năng thấy được những gì trên đời này tạo nên khổ đau cho ta, và những gì có thể mang lại cho ta tự do và hạnh phúc.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Và trên con đường tu tập chân chánh, không có vấn đề cưỡng bách hay ép buộc. Đức Phật đã vẽ rõ ràng cho ta thấy một họa đồ tổng quát của thực tại.

Khi chúng ta hiểu được họa đồ ấy cặn kẽ, ta có thể tự do chọn lựa con đường nào mình muốn theo. Đơn giản lắm! Nếu chúng ta muốn được hạnh phúc, và nếu chúng ta biết được những hạt giống của hạnh phúc, thì cứ tiếp tục tưới tẩm chúng đi, rồi một ngày hạnh phúc sẽ đơm bông kết trái.

Sở dĩ chúng ta có được một sự chọn lựa vì Dharma là một thực tại của định luật tự nhiên, nó là đường lối chuyển vận biến hành của vạn vật. Nếu cuộc sống của ta chỉ là một tập hợp của những sự việc xảy ra theo rủi may, không theo một định luật vật lý hay luân lý nào hết, thì ta sẽ không bao giờ có thể quyết định được đường hướng của đời mình. Chúng ta sẽ chỉ là những chiếc lá vàng rụng bay lả tả, bị cuốn theo cơn lốc xoáy của cuộc đời.

Trong sự tu tập, ở giai đoạn đầu, mặc dầu chúng ta có thể cảm thấy tâm mình như là một con trốt sinh hoạt quay cuồng, nhưng dần dần năng lượng của thiền tập sẽ giúp ta phân định và sắp đặt lại tất cả. Theo thời gian, ta sẽ trở nên an ổn và vững vàng, ta có thể định tâm để nhìn thấy được yếu tố nào sẽ đem lại cho ta an lạc hoặc khổ đau. Tất cả mọi sự trên cuộc đời này - hạnh phúc hay khổ đau - đều xảy ra đúng theo quy luật của nó. Sự tự tại của ta tùy thuộc vào sự sáng suốt của mình trong vấn đề chọn lựa.

Mục tiêu tối hậu của sự tu tập là làm sao để phát triển được những tánh thiện trong tâm ta. Con đường tu tập là để chuyển hóa tâm thức của mình, thanh lọc hết những tham, sân, si, sợ hãi, mọi ganh tỵ, hiềm khích - các năng lực đã từng gây nên khổ đau cho chính ta và thế giới chung quanh.

Tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ chung một mục tiêu giải thoát rất cơ bản ấy, mà tiềm năng đó bao giờ cũng có sẵn trong tâm của mỗi người. Trong những năm đầu tu tập ở Ấn Độ, tôi theo học với Ngài Munindra-ji, một trong những vị thầy của tôi tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật đã thành đạo. Bồ Đề Đạo Tràng là một ngôi làng nhỏ với nhiều ngôi chùa thật đẹp. Và những khi tôi và Ngài Munindra có dịp đi bộ với nhau ngang qua làng, Ngài thường chỉ cho tôi thấy những người dân làng mộc mạc từng là học trò của ông. Đa số những người ấy đều đã đạt đến một số trình độ giác ngộ nào đó.

Có dịp thấy được những người ấy là một khích lệ lớn cho tôi, vì nhìn bề ngoài thì không cách nào ta có thể đoán rằng họ có một trình độ tâm linh cao. Trông họ như những dân làng hiền hoà, đang sống một cuộc đời bình thường như mọi người khác. Đó cũng là lần đầu tiên tôi chứng ngộ được chân lý, mà ta thường hay nói, là giác ngộ không tùy thuộc vào giai cấp xã hội hay trình độ học thức của ta. Tất cả mọi người, ai cũng đều có chung những điều căn bản này, là ta đang sống, và chúng ta ai cũng có tâm và thân. Bổn phận của ta là tỉnh thức dậy và thanh lọc lại bản tâm của mình, vì lợi ích của muôn loài chúng sinh.

Và ý thức ấy là một khuôn vàng thước ngọc, có thể dùng để đo lường, làm mẫu mực cho mỗi hành động của ta. Việc mà ta sắp làm đây - bất cứ là một hành động gì - sẽ giúp ta trên con đường giác ngộ, hay sẽ làm cản trở ta? Cho dù trong hoàn cảnh nào, trường hợp nào của cuộc sống, ta cũng đều có thể tu tập được. Khi chúng ta ý thức được con đường giải thoát và thật tâm tu tập, thì dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra, tôi đoán chắc rằng rồi một ngày ta cũng sẽ hát lên bài ca giác ngộ của chính mình: “Hoàn tất rồi những gì cần phải được hoàn tất.”

Nỗi sợ giác ngộ

Một số thiền sinh xác nhận rằng có một nỗi sợ về giải thoát đã giữ họ lại trong sự tu tập, nhất là khi họ bắt đầu bước chân vào một lãnh vực xa lạ, chưa từng được khám phá. Nỗi sợ về những điều không biết đã trở thành một chướng ngại, nó khiến ta không thể nào hoàn toàn buông xả được.

Nhưng sự thật thì đó không phải là một nỗi sợ về giác ngộ. Nó chỉ là một nỗi sợ về những ý niệm về giác ngộ mà thôi. Trong chúng ta, ai cũng có một quan niệm về giải thoát hết, như là: hoà tan vào một vầng sáng chói hoặc là hội nhập vào một tia chớp vô cùng trong vũ trụ. Tâm ta tạo dựng nên đủ mọi hình ảnh khác nhau về sự giác ngộ. Và đôi khi bản ngã của ta cũng tạo nên một hình ảnh về cái chết của chính nó, khiến ta kinh hoảng.

Giải thoát có nghĩa là buông bỏ được hết mọi khổ đau. Thế thôi! Trước một cảnh tượng được giải thoát ra khỏi lòng tham lam, bạn có sợ hãi không? Bạn có sợ rằng mình sẽ không còn sân hận hay si mê nữa không? Có lẽ là không! Giải thoát có nghĩa là tự mở trói thoát ra khỏi những tâm tánh nào đã từng ràng buộc và làm ta khốn đốn. Vì vậy mà giải thoát không phải là một điều gì huyền bí hay khó hiểu cả. Giác ngộ sẽ không làm cho ta trở nên một nhân vật kỳ quái. Giác ngộ chỉ có nghĩa là thanh lọc tâm mình và buông bỏ hết những gì có thể mang lại cho mình khổ đau. Bạn thấy không, việc ấy vô cùng đơn giản và thực tế.

Bạn hãy tưởng tượng rằng mình đang cầm trên tay một cục than hồng. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ không chút ngần ngại hay sợ hãi gì mà không buông bỏ nó ngay. Sự thật thì khi bạn vừa ý thức được rằng mình đang nắm giữ, lập tức bạn sẽ buông bỏ. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày thì ít có ai ý thức được rằng chính mình đang nắm giữ khổ đau. Ngược lại, ta cứ nghĩ rằng chúng đang trói giữ ta! Sự tu tập là làm sao ta thực hành được điều này: ý thức được khổ đau khi chúng khởi lên và khi ta nhận chúng là mình, để kịp thời buông bỏ chúng. Và chúng ta có thể thực hiệnđược điều ấy bằng một kinh nghiệm giản dị và trực tiếp, ta theo dõi tiến trình ấy xảy ra thật nhiều lần, cho đến ngày nào ta thật sự hiểu được nó.

Đức Phật đã diễn tả giáo lý của Ngài một cách thật vắn tắt và đầy đủ, Ngài nói rằng Ngài chỉ dạy có một điều và mỗi một điều mà thôi: khổ đau và con đường chấm dứt khổ đau. Hiểu được sự thật này sẽ giúp ta giải thoát tâm mình và mở rộng ra với cuộc sống chung quanh, và rồi một ngày ta sẽ có thể mang từ bi vào cuộc đời để làm vơi bớt những khổ đau.

Trí thông minh và sự tiến bộ

Ai cũng có thể giác ngộ được hết. Tôi nghĩ, một điều vô cùng may mắn là sự tiến bộ trên con đường tu tập không hề tùy thuộc vào mức độ thông minh của người tu. Chứng ngộ được điều này là một cánh cửa mở rộng, nó đã giúp tôi rất nhiều trong những năm tu tập để trở thành một vị thầy.

Trong những năm tu tập ở Ấn Độ với vị thầy của tôi, Ngài Munindra-ji, tôi được cơ hội ngồi nghe những buổi tham vấn riêng giữa Ngài với các thiền sinh khác, để quan sát phương pháp dạy của Ngài. Sau khi tham vấn xong, Ngài thường trao cho thiền sinh một đề mục thiền quán thích hợp, tùy theo cá tính của mỗi người. Có lần Ngài bảo tôi, “Phải rồi, đề mục này thích hợp với người trí, còn đề mục này thì dành cho hạng ngu đần.” Khi nghe những lời ấy tôi cảm thấy hơi bất mãn về cách phân loại này. Xuất thân từ giới trung lưu, chịu ảnh hưởng của Tây phương, tôi cảm thấy bị xúc phạm khi thấy có người lại bị xem như là hạng ngu đần.

Nhưng về sau tôi hiểu được rằng, trên con đường tu tập thật ra không có một sự ưu đãi nào trong vấn đề thông minh hết. Có người thông minh, và có người thì không. Theo giáo pháp thì nếu bạn là hạng người có trí tuệ bạn sẽ thực hành như vầy, còn nếu bạn hơi kém một chút bạn sẽ thực hành theo cách khác. Chỉ có vậy thôi! Trong quyển Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), một quyển sách toát yếu hầu hết giáo lý của đức Phật, có diễn tả những đề mục thiền quán khác nhau, và nêu rõ mỗi đề mục thích hợp với những hạng người nào.

Sau nhiều năm hành đạo, tôi đã nhận thấy rõ những ưu điểm mà trí thông minh có thể đem lại, cũng như những nguy hiểm vô cùng của nó. Chúng ta, chắc ai cũng đã từng biết có những hạng người hay chấp vào hoặc tự hào nơi trí thông minh của họ. Nó là một cái bẫy ngã chấp rất lớn có thể gây nguy hại cho ta và liên lụy đến những người chung quanh. Và trí thông minh cũng có thể là một phước báu lớn, vì nó có khả năng mang lại cho ta một hiểu biết vô giá. Đối với tôi thì tôi học được một điều quan trọng, là có nhiều đức tính khác phản ảnh sự cao thượng và vẻ đẹp của tâm chính xác hơn là trí thông minh. Tình thương, lòng từ bi và sự tận tụy, chúng hoàn toàn không tùy thuộc vào cái chỉ số thông minh (IQ) cao hoặc thấp của ta.

Một trong những câu chuyện trong thời đức Phật, mà tôi rất ưa thích, có kể về một người đệ tử của Ngài, ông ta rất là đần độn. Tất cả những huynh đệ khác của ông trong tăng đoàn, ai cũng đều giác ngộ và đắc quả A-la-hán. Họ toàn là những người có trí thông minh xuất chúng. Vị đệ tử đần độn này vì cảm phục giáo lý của đức Phật nên đã xin xuất gia theo tu với Ngài. Ông ta có một trái tim thật chân thành, nhưng chỉ có mỗi một điều là trí hiểu biết của ông quá ư chậm chạp. Vì trí tuệ thấp kém, nên các huynh đệ đã dạy cho ông một bài kệ bốn câu của đức Phật, để ông ghi nhớ như là một phương pháp tu tập.

Người đệ tử đần độn ấy đã cố gắng hết sức mình, ngày này sang ngày nọ, để cố ghi nhớ chỉ một câu thôi. Nhưng tội nghiệp là khi ông cố gắng học sang câu thứ nhì thì ông lại quên câu thứ nhất. Đầu ông chỉ có khả năng ghi nhớ mỗi một câu! Cuộc phấn đấu này cứ thế mà tiếp tục, nhưng ông ta không làm sao có đủ thông minh để nhớ trọn hết bốn câu. Cuối cùng các huynh đệ của ông đành chịu thua và nói, “Như vậy là hết hy vọng. Ông nên rời tăng đoàn mà hoàn tục là tốt hơn!” Người đệ tử đần độn đáng thương nọ hoàn toàn nản chí. Ông cảm thấy thất vọng vô cùng vì đã đem hết lòng mình ra học đạo nhưng vẫn không thành.

Trong khi ông ta đang thất thểu trở về làng xưa của mình, với một tâm tư chán nản, đức Phật biết cớ sự liền đi đến cạnh bên ông. Ngài đưa tay vuốt đầu người đệ tử kém trí tuệ và an ủi. Sau đó đức Phật dạy cho ông một phương pháp tu tập thích hợp với trình độ của ông. Đức Phật nói, “Đây là đề mục thiền quán cho ông. Ông hãy lấy tấm khăn trắng này mỗi ngày ra đứng dưới ánh nắng mặt trời và lấy tay chà xát nó.” Phương pháp tu tập của ông là làm bấy nhiêu thôi.

Vâng lời đức Phật, mỗi ngày ông ta cầm tấm khăn ra đứng dưới ánh nắng mặt trời và bắt đầu lấy tay chà xát. Dần dà tấm khăn trắng trở nên dơ bẩn vì bụi đất và mồ hôi từ hai bàn tay của ông. Nhìn thấy hiện tượng này, trí nhớ của những kiếp tu tập xa xưa bừng tỉnh dậy, vì trong quá khứ ông cũng đã từng nhìn thấy những yếu tố bất tịnh của thân mình. Và khi ông tiếp tục quán chiếu tấm khăn dơ bẩn ấy, trong ông đột nhiên có một sự vô phân biệt phát khởi rất mãnh liệt và tâm ông bừng mở. Lúc ấy ông đạt được một sự giác ngộ hoàn toàn. Chuyện kể lại sau khi ông giác ngộ, trí tuệ và mọi thần thông đều đến với ông, thêm vào là sự hiểu biết thông suốt Phật pháp.

Tôi cảm thấy rất thương mến và vô cùng gần gũi với người đệ tử đần độn ấy!

một mùi vị duy nhất

Giác ngộ đến chậm (tiệm) hay mau (đốn)? Có biết bao trường phái Phật giáo khác nhau đã phát sinh vì vấn đề này. Nhưng theo tôi thì sự giác ngộ vừa tiệm mà cũng vừa đốn, vì cả hai hoàn toàn không hề đối nghịch nhau.

Giác ngộ bao giờ cũng xảy ra nhanh và đột ngột. Khi điều kiện đủ đầy, nhân duyên thuận lợi, nó sẽ xảy ra. Nhưng con đường tu tập dẫn đến giây phút ấy thì bao giờ cũng chậm chạp và đều đặn. Chúng ta thực hành, chúng ta vun xới bón phân cho thửa đất tâm, rồi một ngày ngẫu nhiên tự nó sẽ bừng mở. Và rồi sau giây phút đốn ngộ, một lần nữa, ta lại tiếp tục con đường tiệm tu để tâm giác ngộ được thêm chín muồi.

Đức Phật đã nói thẳng với chúng ta rằng, tự tánh của tâm là thanh tịnh nhưng vì mải mê chạy theo vọng cảnh bên ngoài mà nó trở thành nhơ uế. Trong một bài pháp đức Phật có dạy, “Tâm ta lúc nào cũng sáng chói, rực rỡ và toả chiếu, nhưng nó bị vẩn đục là vì những bợn nhơ đến từ bên ngoài. Và cũng nhờ dẹp sạch và bứng nhổ hết các gốc rễ của những bợn nhơ này mà tâm ta được giải thoát.”

Phương pháp tu tập tuy có đổi thay, nhưng cốt tủy giáo lý của đức Phật - về tự tánh của khổ đau và ý thức giải thoát - thì bao giờ cũng chỉ có một, trong mọi truyền thống Phật giáo. Bất cứ nơi nào mà Phật giáo bành trướng đến, sẽ có vô số hình thức tu tập khác nhau phát sinh lên: Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanka, Campuchia , Việt Nam và ở nhiều nơi khác. Ngài Munindra-ji có lần bảo tôi rằng Ngài có biết đến hơn năm mươi phương pháp thiền quán khác nhau chỉ nội ở Sri Lanka mà thôi.

Thế cho nên ta đừng để bị kẹt vào quan niệm rằng chỉ có một con đường đúng duy nhất, hay là chỉ có một phương pháp để tu tập Phật pháp mà thôi. Sự giải thoát và lòng từ bi phải luôn luôn được làm tiêu chuẩn cho mọi phương pháp tu tập. Còn tất cả những cái khác chỉ là những phương tiện khéo léo mà thôi. Trên con đường tu tập ta sẽ có biết bao nhiêu là kinh nghiệm khác nhau. Khi ta dừng lại ở một giai đoạn nào và nghĩ rằng “chính là nơi đây,” thì ta đã đánh mất đi sự nhiệm mầu của tánh không rồi. Ta vô tình tạo thêm một quan điểm tuy mới nhưng cũng đầy thành kiến như mọi quan điểm khác.

Một vị thầy của tôi có nói một điều mà tôi thấy rằng nó có thể áp dụng cho mọi phương pháp tu tập và mọi quan điểm. Ngài nói rằng, “Trừ khi phương pháp ấy có thể làm dịu mát đi ngọn lửa tham, sân, si, còn bằng không thì nó hoàn toàn là vô dụng.” Ta nên lấy đó làm khuôn thước cho những việc mình làm.

Một điều rất may mắn cho Phật pháp ở Tây phương là cơ hội để những người tu theo mọi truyền thống khác nhau có thể gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau. Mỗi truyền thống lớn - như là Theravada (Nam tông), Mahayana (Bắc tông) và Vajrayana (Phật giáo Tây Tạng) - đều có biết bao nhiêu điều hay đẹp để dâng tặng chúng ta. Như đức Phật đã nói, “Phật pháp chỉ có mỗi một mùi vị duy nhất là mùi vị giải thoát mà thôi.”

Và đối với tất cả chúng ta, thực hành là cây chìa khoá. Có một câu chuyện rất lý thú về Milarepa, Ngài là một tu sĩ Tây Tạng. Chuyện kể rằng vào cuối đời, Milarepa chọn một người đệ tử thân tín nhất theo ông đi đến một sườn núi xa xôi để trao truyền giáo lý bí mật. Với tất cả tấm lòng chân thành và kính tin, người đệ tử cầu xin ông truyền dạy pháp tu bí mật ấy. Milarepa cúi xuống, vạch mông của mình ra và chỉ vết chai như da thuộc sau nhiều năm công phu ngồi thiền. Pháp tu bí mật của ông chỉ có thế!

Mỗi người chúng ta sẽ trải qua những giai đoạn tu tập khác biệt nhau. Sẽ có lúc ta cảm thấy tràn đầy năng lực, sẵn sàng tham dự những khóa tu thinh lặng và triệt để, nó có khả năng giúp ta quân bình được tâm ý và mở thêm những mức độ tâm linh mới. Rồi cũng có lúc ta cảm thấy mình như mất hết sinh lực, chán chường, không còn hăng hái tham dự những khóa tu tích cực như xưa. Vòng chu kỳ tròn khuyết, đầy vơi này có thể xảy ra sau một vài năm, sau vài tháng hay có khi chỉ sau chừng vài ngày tu tập tích cực. Chu kỳ ấy thay đổi tùy theo trình độ tiến triển và hoàn cảnh đặc biệt riêng của mỗi người.

Tôi biết có một thiền sinh Tây phương đi sang châu Á tập thiền. Sau nhiều tháng, sự tu tập của anh ta đã đạt đến một giai đoạn khá chín chắn, nhưng không hiểu vì sao anh vẫn không thể nào tiến xa hơn được nữa. Khi vị thầy của chúng tôi hỏi thăm anh về tình trạng gia đình ở bên nhà, anh nói lên mong muốn mãnh liệt được về thăm gia đình. Thầy chúng tôi khuyên anh nên thực hiện ý định ấy. Sau khi gặp lại gia đình, tâm anh không còn bị sự mong muốn ấy làm ngăn ngại nữa. Cuối cùng anh đã trở lại và hoàn tất được hết khóa thiền ấy.

Bạn hãy cẩn thận, đừng bao giờ để cho ta có một quan niệm nhất định nào về sự phát triển tu tập của mình. Sẽ có lúc chúng ta thích được ngồi quán chiếu tâm mình trong một hoàn cảnh thinh lặng yên tĩnh của một môi trường tu học. Rồi cũng có lúc, ta sẽ không còn cảm thấy sự tịch liêu ấy là cần thiết cho sự tu tập của mình nữa. Hãy theo nhịp xoay của chu kỳ, một cách thật tự nhiên và thư thả. Nếu vấn đề giải thoát là một hoài bão, khát khao của bạn, thì những thời gian tu tập tích cực sẽ rất là cần thiết và vô giá. Chúng có thể đem lại cho ta những năng lực, sức mạnh và trí tuệ vô cùng tận. Nhưng cũng có lúc vòng xoay đem ta trở lại với cuộc sống hằng ngày. Vào giai đoạn này, ta sẽ có một cơ hội để phát triển và thực tập những đức tính như là rộng lượng, chân thật và từ bi, dễ dàng hơn là khi trong những khóa tu. Và những đức tính ấy, ngược lại, sẽ hỗ tương và giúp ích cho ta rất nhiều trong những giai đoạn tu thiền tích cực.

tứ diệu đế

Trong thời gian giáo lý của đức Phật được truyền bá khắp nơi trên châu Á và thế giới, có nhiều trường phái với nhiều lối giải thích về Phật pháp khác nhau được sinh lên. Mỗi trường phái chú trọng vào một điểm riêng, có một hệ thống thần học riêng và những phương tiện khéo léo riêng biệt. Mặc dù các truyền thống khác nhau ấy có thể không đồng ý về một số điểm trong giáo lý đức Phật, nhưng có một công thức giáo pháp chung mà bao giờ cũng vẫn là trọng tâm của mọi truyền thống, đó là: Tứ Diệu Đế hay là Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm.

Đức Phật diễn tả sự thật đầu tiên trong Tứ Diệu Đế là Khổ đế, sự thật về khổ đau. Chữ dukkha trong tiếng Pali có một nghĩa rất rộng, nó bao gồm khổ đau, bất an và sự bất toại nguyện. Sau khi giác ngộ, đức Phật đã đối diện với sự thật về khổ đau trong cuộc đời một cách không sợ hãi, không ta thán. Ngài đã nhận diện những vấn đề của khổ đau hết sức rõ ràng: nỗi đau đớn của sinh lão bệnh tử, nỗi sầu lo, thất vọng, ưu tư, buồn khổ khi xa lìa người mình yêu, khi gần gũi người mình không ưa thích, khi ta không đạt được điều mình muốn - tất cả những cái ấy đều là dukkha. Khi ta quán chiếu tự tánh duyên khởi của mọi hiện tượng một cách sâu xa và tinh tế, chúng ta sẽ bắt đầu thấy được cái bản chất khổ đau cố hữu của chúng.

Chúng ta ai cũng biết rằng những cảm thọ đau đớn trong tâm vàthân là khổ đau. Nhưng chúng ta cũng có thể kinh nghiệm được khổ đau ấy, khi ta ý thức được sự ngắn ngủi tạm thời của mọi hiện tượng. Không có bất cứ một kinh nghiệm nào, cho dù tuyệt vời đến đâu, lại có thể đem đến cho ta một sự thoả mãn sâu xa và trường cửu, vì chúng lúc nào cũng thay đổi. Sự lưu chuyển không ngừng của các hiện tượng thường khiến tôi liên tưởng đến một dòng nước đổ xuống từ một thác cao. Dòng nước rơi xuống, tan tác, bất tận - ào ạt - không bao giờ ngừng nghỉ. Đó cũng là tự tánh của mọi hiện tượng.

Thêm vào đó, đức Phật đã diễn tả về một loại khổ đau thứ ba rất chi tiết trong một bài pháp nói về Lửa: “Mắt đang bị lửa thiêu đốt, tai đang bị lửa thiêu đốt... thân... tâm... đang bị lửa nào thiêu đốt? Lửa của tham lam, lửa của sân hận và lửa của si mê.”

Chúng ta khó có thể nào cởi mở đối với sự thật khổ đau, vì lúc nào ta cũng muốn đi trốn tránh chúng, tìm ẩn náu trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta thường đi tìm hạnh phúc và nương tựa vào những gì đem lại cho mình khoái lạc, mặc dù chính chúng cũng chỉ là tạm bợ và nhất thời mà thôi. Tất cả cũng chỉ vì phần đông chúng ta không biết thực tập phương pháp dừng lại và cởi mở ra với sự sống chung quanh, để có thể cảm nhận được những gì thật sự đang xảy ra.

Có một điều hơi mâu thuẫn về khổ đau, nhưng cũng rất nhiệm mầu, là khi ta càng tiếp xúc, càng tìm hiểu nó, thì tâm ta sẽ lại càng trở nên nhẹ nhàng và tự do hơn. Vì khi ta không còn chối bỏ hay trốn tránh sự thật nữa, tâm ta sẽ trở nên bao la hơn, cởi mở và an lạc hơn. Chúng ta cũng sẽ không còn bị sai sử bởi lòng tham dục hoặc những đam mê của mình, vì ta có thể nhìn thấy rõ được tự tánh của mọi vật như chúng thật sự là.

Nhưng nếu chỉ nhìn thấy và hiểu được khổ đau trong cuộc đời này thôi cũng vẫn chưa đủ! Chân đế thứ hai, Tập đế, nhận diện được nguyên nhân của khổ đau. Khổ đau bắt nguồn từ đâu? Danh từ kilesa trong tiếng Pali có nghĩa là cảm xúc khổ thọ, tức là những nỗi thống khổ trong tâm như là tham lam, ghen tức, thù hằn, sân hận, sợ hãi. Những trạng thái tương tự như thế dày xéo tâm ta, chúng làm cho ta điêu đứng và tạo nên trăm ngàn khổ đau.

Kilesa có thể biểu hiện trên nhiều bình diện khác nhau. Đôi khi chúng có năng lượng đủ mạnh để biến thành những hành động vô cùng bất thiện như là: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, tự hủy hoại mình và làm hại người khác. Ta có thể thấy được năng lượng của kilesa biểu lộ thật rõ rệt, mỗi khi ta quan sát những gì đang xảy ra trên thế giới: giết chóc, hãm hiếp, tra tấn, đói khát, thù hận. Những khổ đau này có gốc rễ nằm trong tâm của mọi người, trong đó có cả bạn và tôi.

Chúng ta có thể làm vơi bớt đi phần nào khổ đau trên cuộc đời này bằng cách giữ một giới hạnh trong sạch. Đức Phật có dạy cho chúng ta về Ngũ giới như là một phương pháp bảo vệ, giữ cho ta khỏi phạm vào những việc làm bất thiện. Ngũ giới ấy là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không dùng những chất kích thích. Bạn hãy tưởng tượng xem cuộc đời này sẽ đẹp biết bao nhiêu nếu ai cũng chỉ cần giữ một giới mà thôi – không giết hại người khác.

Ở một mức độ thấp hơn, thì kilesas là những tâm thức bất thiện nào có khả năng tạo nên những lời nói hoặc tư tưởng có ảnh hưởng yếu hơn một chút. Và mức độ sâu kín hơn hết của kilesas, còn được gọi là những bất thiện ẩn tàng, chúng là những khuynh hướng khổ đau có sẵn trong ta. Những khổ đau ấy hiện không có mặt trong giờ phút hiện tại, nhưng chúng có một tiềm năng khởi dậy nếu gặp hoàn cảnh thích hợp. Ví dụ như khi một người bị đặt vào những trường hợp khẩn trương, họ có thể có những hành vi bất thiện mà thường ngày người ấy sẽ không bao giờ dám làm. Đó cũng chính là ở những bất thiện tiềm ẩn này.

Đức Phật cũng có nhấn mạnh đến một loại tâm bất thiện đặc biệt, mà ta cần phải nhổ bỏ tận gốc, nếu ta muốn tận diệt nguyên nhân của khổ đau. Loại kilesas này, được xem như là loại nguy hiểm nhất, đó là cái ảo tưởng cho rằng ta có một cái “Tôi” thường hằng, bất biến. Ngày nào tâm ta vẫn còn bị ô nhiễm bởi tà kiến ấy, với ảo tưởng ấy, nó sẽ lôi kéo ta vào biết bao nhiêu những việc làm bất thiện khác nữa! Và khi chúng ta có ảo tưởng sai lầm về một cái “Tôi”, ta sẽ cố gắng bảo vệ nó, thoả mãn nó, rồi biết bao nhiêu hành động của mình chung qui cũng chỉ để phục vụ cho ý niệm sai lầm này mà thôi. Nhà văn Wei Wu Wei có diễn tả cái tâm bất thiện ấy một cách thật gọn gàng và chính xác: “Nó cũng giống như một con chó ngồi sủa một cái cây, nhưng chỉ có điều là không có cây nào ở nơi đó cả!”

Thiền tập có khả năng thanh lọc tâm ta sạch hết những tì vết của kilesa, những gì đã từng gây nên biết bao khổ đau trong cuộc đời, mà chúng cũng là nền tảng cho cái nhìn sai lầm về sự sống của ta. Nhờ năng lực của sự tỉnh giác, ta sẽ có thể cảm nhận được, nếm được mùi vị của vô ngã - sự vắng mặt của một cái Tôi. Và ta sẽ hiểu được nó, không bằng lý thuyết hay qua ý niệm, nhưng bằng một kinh nghiệm trực tiếp ở ngay trong giờ phút hiện tại.

Thật ra tuệ giác giải thoát ấy không có gì là mới lạ cả. Nó đã có từ thời đức Phật, và vô số những đức Phật trước đó nữa. Sự hiểu biết này cũng chính là tự tánh của Phật pháp. Nó đã được diễn tả qua tuệ giác của biết bao nhiêu người thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau. Một dũng sĩ Nhật vào thế kỷ thứ XIX có viết:

Tôi không có mẹ cha,

Tôi lấy đất trời làm cha mẹ. Tôi không nơi cư ngụ,

Tôi lấy sự tỉnh giác làm nhà. Tôi không có tử sanh,

Tôi lấy sự ra vào của hơi thở làm lẽ sống chết. Tôi không có thần thông,

Tôi lấy sự chân thật làm phép lạ. Tôi không có bạn bè,

Tôi lấy tâm mình làm bằng hữu. Tôi không có kẻ thù,

Tôi lấy thất niệm làm địch thủ. Tôi không có áo giáp,

Tôi lấy từ tâm làm sự bảo vệ. Tôi không có lâu đài,

Tôi lấy tâm bất động làm thành trì bao bọc. Tôi không mang đao kiếm, nhưng tôi chỉ cần một lưỡi gươm vô Ngã mà thôi.

Chúng ta đều là những dũng sĩ, lấy vô ngã làm thanh gươm trí tuệ. Thanh gươm báu ấy có khả năng chém xuyên qua những si mê và phá thủng được tấm màn vô minh mờ mịt.

Chân lý thứ nhất là Khổ đế, dạy cho ta về sự thật khổ đau và những mức độ khác nhau của chúng. Hiểu được chân lý thứ hai, tức Tập đế, ta sẽ nhận thức được các nguyên nhân của khổ đau và buông bỏ chúng. Ta sẽ làm lung lay và bứng nhổ hết những gốc rễ của phiền não trong tâm, nhất là ý niệm sai lầm về một cái ngã.

Chân lý thứ ba của Tứ Diệu Đế là Diệt đế dạy rằng, có một con đường có thể làm chấm dứt khổ đau, giúp ta trút bỏ được gánh nặng trên vai mình.

Trong sự tu tập, thỉnh thoảng ta cũng có thể thoáng thấy được sự chấm dứt khổ đau ấy. Chúng ta có thể nếm được vị giải thoát này trong một khoảnh khắc, khi một kilesa vừa biến mất. Như khi ta đang vướng mắc vào những tình cảm phiền muộn, ta sẽ cảm thấy bị trói buộc, nóng nảy, nhỏ nhen; và vừa khi ta buông bỏ chúng, tức thì tâm ta sẽ được tự tại. Ngay trong chính giây phút ấy, ta nếm được mùi vị của giải thoát, mùi vị của sự chấm dứt khổ đau. Sự tự do ấy rất thật, vì nó là kinh nghiệm của chính ta chứ không phải chỉ là một ý niệm đẹp mơ hồ xa xôi nào đó. Cũng vậy, mỗi khi bạn có thể ý thức được sự có mặt của một tư tưởng nào đó, thay vì bị nó lôi cuốn theo, tức là bạn đã kinh nghiệm được sự giải thoát của tâm mình rồi đó.

Một kinh nghiệm tương tự với sự buông bỏ này là như khi ta đi xem hát.

Khi ngồi trong rạp, ta sẽ bị chuyện phim hấp dẫn thu hút. Và khi xem xong bước ra ngoài, ta có một cảm giác rằng thực tại đã đột ngột thay đổi, một kinh nghiệm giác ngộ nho nhỏ: “À, thì ra đó chỉ là một cuốn phim thôi!” Nhưng còn cuốn phim trong tâm của ta thì sao, bao giờ ta mới chịu bước ra ngoài đây? Mỗi giây phút khi ta tỉnh giác và ý thức được những gì đang xảy ra, sẽ trở thành những giây phút giác ngộ trong đời mình. “À, đúng rồi, đó chỉ là một tư tưởng mà thôi. Chẳng phải là một chuyện gì ghê gớm như mình nghĩ!” Trong giây phút ấy tất cả sẽ bừng mở.

Chúng ta cũng có thể kinh nghiệm được sự chấm dứt của khổ đau qua một cách khác, khi ta đạt đến một trình độ gọi là “bình thản trước mọi sự thành tựu.” Một tâm tĩnh lặng thì bao giờ cũng sẽ vững vàng và quân bình trước bất cứ một việc gì xảy đến. Chúng ta sẽ cảm thấy thư thái và cởi mở trước mọi thăng trầm của cuộc đời. Một tâm trầm tĩnh thì sẽ không bao giờ phản ứng một cách quá khích. Trạng thái này cũng gần giống như tâm của một người đã hoàn toàn giác ngộ. Vì thế, mặc dầu ta chưa thật sự bước ra khỏi cuộc đời, chưa được giải thoát viên mãn, nhưng ta cũng vẫn có thể kinh nghiệm được trạng thái an lạc này.

Chúng ta cũng có thể kinh nghiệm được sự chấm dứt khổ đau bằng cách quán chiếu những hiện tượng duyên sinh - nhận thức được sự vô sinh, vô duyên khởi của chúng.

Chân lý thứ tư của Tứ Diệu Đế là Đạo đế, hoàn tất con đường đi đến sự giải thoát. Con đường tu tập của đức Phật dạy rất là trực tiếp và rõ ràng, mặc dù nó đòi hỏi một niềm tin và một sự kiên gan, bền chí phi thường. Con đường tu tập ấy bao gồm sự đào luyện trong ba lãnh vực. Thứ nhất là trau giồi về giới luật, không làm hại ai. Nếu sự tu tập của ta không được đặt trên nền tảng của một tấm lòng tốt đối với mình và tha nhân, thì việc ấy cũng giống như là chèo thuyền qua sông mà trong khi con thuyền vẫn còn cột chặt vào bến. Sự cố gắng của ta, cho dù có bền chí đến đâu, cũng sẽ không mang đến một quả trái nào. Chúng ta cần phải tu tập và tôi luyện khả năng sống chân thật và trong sạch của mình.

Việc thứ hai chúng ta cần trau giồi là phát triển định lực, và sự tỉnh giác. Đây là những công cụ của thiền quán và của sự sống, có khả năng làm cho ta tỉnh thức. Không có những yếu tố ấy, chúng ta cả đời sẽ chỉ hành động theo những tập quán, thói quen tích tụ lâu đời, lâu kiếp của mình mà thôi!

Hai sự trau luyện ấy sẽ làm nền tảng cho sự phát sinh của tuệ giác. Tuệ giác để nhìn thấy được lý vô thường một cách rõ ràng, thấy được tính chất bị điều kiện chi phối của mọi hiện tượng, biết được rằng bất cứ việc gì hễ có sinh thì phải có diệt. Khi chúng ta quán chiếu chúng một cách sâu sắc, chúng ta sẽ không còn bám víu nữa, và khi ta đã không còn bám víu nữa thì mọi khổ đau tự nhiên sẽ chấm dứt.

bảng chỉ đường

Ta không thể tạo nên được một tình trạng Vô điều kiện (the Unconditioned). Bất cứ một sự kiện nào khởi lên trong tâm và thân này đều là những hiện tượng có điều kiện. Tất cả những kinh nghiệm của ta sinh lên rồi diệt đi, cũng vì chúng bị chi phối bởi điều kiện của nhân duyên. Tình trạng Vô điều kiện mà tôi muốn nói ở đây, nó không có duyên khởi, không có bắt đầu, và nó đứng ngoài mọi sự sinh diệt. Nó bao giờ cũng hiện hữu. Nó không phải là một cái gì được tạo nên qua thời gian, thật ra thì nó không thể được tạo nên. Chúng ta có thể gọi đó là chân tánh, là một thực tại tuyệt đối, là Niết Bàn hay vô sinh gì cũng được - vì nó có vô số tên gọi. Và cũng như con đường đi lên núi không tạo nên ngọn núi, con đường tu tập của ta sẽ dẫn ta đến một sự giải thoát hoàn toàn, nhưng tự nó không phải là nguyên nhân của sự giải thoát ấy.

Khi tu tập tức là chúng ta đang bước đi trên con đường ấy, và khi nhân duyên đầy đủ tâm ta sẽ tự nhiên bừng mở. Sự bừng mở ấy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trên con đường này, thỉnh thoảng sẽ có những bảng chỉ đường giúp cho tất cả chúng ta, mặc dù mỗi người vẫn có thể giác ngộ bằng nhiều cách khác nhau.

Đức Phật thường dạy rằng, một tâm định sẽ phát sinh trí tuệ. Chúng ta có thể phát triển một tâm định vững vàng bằng cách giữ nó trên một đối tượng nào đó đang có mặt, như là hơi thở chẳng hạn, và duy trì ý thức ấy. Khi sự chú ý của ta đã được vững vàng rồi, thì thay vì khó nhọc cố gắng giữ tâm mình lại với giây phút hiện tại, tâm ta sẽ tự nhiên an trú ở đấy. Mặc dù cũng có những lúc tâm ta bị xao lãng, đi xa đối tượng, hoặc trôi dạt theo một ý nghĩ nào đó, nhưng năng lượng của chánh niệm và định lực sẽ lập tức mang ta trở về với hiện tại. Và nơi đó sẽ là chỗ an trú của ta.

Với định lực là nền tảng, từ đó ta sẽ quán chiếu được thân tâm của mình qua nhiều khía cạnh khác nhau, qua những giai đoạn kinh nghiệm khác nhau. Trong sự tu tập, sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy thật sáng suốt và hạnh phúc tràn ngập, ta chứng nghiệm được sự tỏa chiếu của tâm mình, nhìn thấy mọi vật tỏa sáng một cách phi thường. Nhưng chúng cũng không tồn tại lâu. Sau đó, chúng ta lại phải tiếp tục mở rộng ra để đi sâu hơn nữa vào tuệ giác của khổ đau. Sự rộng mở ấy không phải là lý thuyết suông, vì tuệ giác về khổ đau bắt nguồn từ một cảm nhận trực tiếp với nó trong đời sống, cũng như ngay trong chính sự tu tập của mình.

Thế cho nên, sẽ có lúc ta kinh nghiệm được một hạnh phúc bao la tràn ngập. Và cũng có lúc ta kinh nghiệm một nỗi khổ đau cùng cực. Nhưng rồi cuối cùng, ta sẽ đến được một nơi chốn tĩnh lặng thâm sâu. Vì đã trải qua mọi thăng trầm, tâm ta giờ đã trưởng thành, không còn gì để xao động nữa: không bám víu vào những gì dễ chịu, cũng không xua đuổi những gì khó chịu. Tâm ta đạt đến một sự quân bình tĩnh lặng, cũng giống như một dòng sông sâu vững vàng chảy xuôi. Và cũng từ nơi an tĩnh này, tâm ta sẽ có đủ đầy nhân duyên để hốt nhiên bừng mở và chứng ngộ được một trạng thái vô điều kiện, vượt ra ngoài thân tâm, đạt đến giải thoát.

tha lực hay sự giúp đỡ dọc đường

Tỉnh thức trong mỗi giây phút, đó là một diễn tả rất chính xác về con đường đi đến giải thoát của ta. Nhưng con đường ấy cũng còn có thể diễn

đạt bằng nhiều cách khác nữa. Đạo, hoặc sự tu tập nói chung, hiểu theo một nghĩa rộng, là chúng ta trau giồi và nuôi dưỡng những đức tính nào có thể nâng đỡ và dẫn dắt chúng ta đến nơi giải thoát. Trong tiếng Pali có danh từ parami, ba-la-mật, nói đến mười đặc tính tốt lành trong tâm và những năng lực mà chúng có thể đem lại là: bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã, phương tiện thiện xảo, nguyện, lực và trí tuệ.

Trong Phật giáo, chúng ta thường ít khi nào tìm thấy danh từ ân sủng. Điều này khiến ta phải xét lại ý nghĩa của nó, mà cách haynhất là nhìn lại kinh nghiệm của chính mình. Tôi cảm thấy rằng các ba-la-mật có một ảnh hưởng rất lớn và rất tương xứng với ý niệm về ân sủng hay tha lực. Đây không phải là một chủ thuyết thần học hay một ý niệm huyền bí nào hết, mà chúng là những gì chúng ta có thể thật sự cảm nhận và biết được.

Ý niệm về ba-la-mật gợi tôi nhớ đến một câu thơ của Dylan Thomas: “Một năng lượng chạy qua dây điện xanh chuyển hóa những bông hoa.” Ba- la-mật không đến từ bên ngoài chúng ta, thật ra chúng phát xuất từ những hạt giống thanh tịnh mà ta đã tích lũy lâu đời. Một Phật tử bao giờ cũng hiểu rằng, khi mình nương tựa vào một quyền lực trên cao, điều ấy không nhất thiết có nghĩa là ta phải dựa vào một nhân vật siêu hình nào đó. Thật ra thì nó có nghĩa là chúng ta đang nương tựa vào những năng lực thanh tịnh, mặc dù chúng nằm bên trong nhưng vẫn hiện hữu bên ngoài cái ngã nhỏ bé của ta.

Và đó mới chính thật là nguồn gốc của những ân phước và tha lực trong cuộc đời của mình.

Trong suốt hành trình tiến hóa dài đằng đẵng của ta trên đời này, và có lẽ trong nhiều đời trước nữa, chúng ta đã tích tụ được một ít năng lượng thanh tịnh trong tâm mình. Năng lượng ấy là do kết quả của những hành động từ ái, của sự hiểu biết thâm sâu, của một tuệ giác. Dần dà chúng biến thành một sức mạnh của nghiệp báo có khả năng mang lại những may mắn trong đời ta. Thế cho nên chính nhờ ở sự tu tâm, chứ không phải do bất cứ một động lực bên ngoài nào, đã mang lại ân phước cho đời mình. Hãy phát triển và củng cố những ba-la-mật trong ta, và rồi một ngày ta sẽ hưởng được những quả trái an lạc của chúng.

Galway Kinnel có viết một bài thơ, nó diễn tả được ý niệm về một tha lực bắt nguồn từ nội tâm này thật đẹp:

Thánh Francis và hạt giống

Một mầm non

nhưng tiềm chứa tất cả,

cả những gì không bao giờ nở hoa, kết trái,

cả những gì nở hoa, từ bên trong, nhờ biết tự thương yêu.

Mặc dù đôi khi cũng cần thiết

dạy cho một vật biết được vẻ đẹp của chính nó, đặt bàn tay lên chân mày

một đóa hoa

và dùng ngôn từ kể cho nó biết rằng nó rất đáng yêu

cho đến một ngày nó lại nở hoa từ bên trong, nhờ biết tự thương yêu;

Cũng như thánh Francis

đặt bàn tay lên vầng trán nhọc nhằn

của hạt giống, và nói cho nó nghe bằng hành động và ngôn từ về sự thương yêu bảo bọc của đất, và hạt giống

tưởng nhớ lại suốt thân dài,

từ cái mõm đầu thấm nhuần trọn vẹn đất lành

qua những rơm rạ, phân bón, đến phần đuôi xoắn tít tâm linh, từ những chiếc gai nhọn cứng nhô ra từ xương sống

thông xuống một trái tim to rạn nứt

đến một màu tuyền xanh sữa đục mơ ảo rùng mình phun ra

từ mười bốn đầu núm vú trong mười bốn chiếc miệng bú mút nằm phía bên dưới:

một hình thể dài và vẻ đẹp tuyệt vời, của hạt giống.

Tự do không thể nào tìm thấy được trong sự nhỏ nhoi và hạn hẹp của ngã chấp. Giáo pháp của đức Phật đã đánh thức chúng ta tỉnh dậy nhìn thấy một thực tại khác hiện hữu bên ngoài cái ngã ấy. Khi những ba-la-mật đã được phát triển bằng sự tu tập của mình - cũng như đã được nuôi dưỡng qua nhiều đời, nhiều kiếp - chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự phát sinh của dhammoja, tiếng Pali, có nghĩa là tinh túy của đạo pháp.

Trong những trạng thái thiền quán sâu sắc, chúng ta sẽ có lúc thoát ra ngoài thế giới của ý niệm và bước vào dòng năng lực của chánh niệm.

Dhammoja chính là dòng năng lực ấy, nó lúc nào cũng đưa đẩy ta tiến về nơi giải thoát. Nó là một cái gì vĩ đại to tát hơn là cái ngã nhỏ nhoi đầy những giới hạn của mình.

Trong thời gian tu tập ở Miến-Điện, một lần tôi đã có dịp kinh nghiệm được dhammoja này thật mãnh liệt. Lúc ấy tôi mới đến châu Á được vài tháng, tôi bị sụt cân cũng như sức khoẻ bị sa sút rất nhanh chóng. Có lần tôi yếu đến độ trong khi đang ngồi thiền tôi bị ngã nhào. Nhưng mặc dù trong lúc sức khoẻ suy yếu đến như thế, năng lực của dòng chánh nhiệm trong tâm vẫn được vững mạnh và sự thiền quán của tôi vẫn tiếp tục tiến triển tốt đẹp. Lúc đó dường như không có bất cứ một việc gì có thể ngăn chặn được đà tiến ấy. Kinh nghiệm này làm tôi nhớ đến câu chuyện về đức Phật khi Ngài viếng thăm những người bệnh hoặc kẻ hấp hối. Ngài thường khuyên họ, “Dầu cho thân của ông có yếu đuối và bị nhiều đau đớn, hãy luôn giữ cho tâm mình được tỉnh giác và có chánh niệm.” Một lần nếm được mùi vị của dhammoja rồi, tôi hiểu rằng mình thật sự có thể thực hành được những gì đức Phật dạy!

Ý niệm về tha lực cũng được bắt nguồn từ một vũ trụ quan của Phật giáo, cho rằng có nhiều chúng sinh hiện hữu trong những thế giới khác nữa. Theo nền văn hóa Phật giáo cổ truyền, người ta tin rằng trong những cõi cao hơn thế giới loài người, có các chư thiên hay devas, có thể giúp đỡ, bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn. Đức Phật dạy rằng, các chư thiên giúp chúng ta qua sức mạnh của những hạnh nguyện và lòng từ ái của chính chúng ta. Khi ta trau giồi và tôi luyện những giới đức và tình thương của mình, tức là ta đang mở rộng ra để đón nhận những năng lực tốt lành và sự giúp đỡ của các vị ấy.

Tin hay không tin vào vũ trụ quan của Phật giáo là tùy ở bạn. Vấn đề giải thoát của chúng ta không hề tùy thuộc vào ngoại vật. Bạn vẫn có thể đạt được giải thoát viên mãn cho dù bạn có tin vào sự hiện hữu của các chư thiên hay không. Nhưng theo lời Coleridge thì ta có thể chọn một thái độ khôn ngoan là: sẵn lòngtạm hoãn lại sự nghi ngờ của mình. Chúng ta có thể nào giữ cho mình được cởi mở đối với yếu tố có-thể-được của những việc mà mình chưa hiểu rõ, mà không bị kẹt vào bất tín hoặc cuồng tín chăng? Ngày nay có những chuyện ta cho là thông thường, mà khoảng chừng một trăm năm trước đây chúng vẫn được xem như là những phép lạ!

Mặc dù những tha lực tiềm ẩn ấy, khi gặp điều kiện thuận lợi, cũng có thể phụ giúp ta, nhưng chúng sẽ không bao giờ hoàn tất công việc tu tập giùm chúng ta được. Những giúp đỡ từ bên ngoài, nhờ các chư thiên chẳng hạn, chỉ là phụ thuộc so với công năng tu tập của chính ta, tức những năng lực giải thoát do dhammoja và các ba-la-mật đem lại.

Quán niệm về những ba-la-mật trong ta cũng có thể là một trợ lực lớn cho sự tu tập. Vì sức mạnh của vô minh quá to tát, nên đa số chúng ta ít ai tin vào khả năng giải thoát khổ đau của chính mình. Ta không bao giờ dám nghĩ rằng tâm ta lại có thể thanh lọc được hết những tham, sân, si. Chỉ nhờ sự tích lũy lâu dài của các ba-la-mật mà ta mới có thể bước vào con đường tu tập, có đủ nghị lực và sự ham thích để tiếp tục hành trì công việc khó khăn nhưng tột cùng giải thoát này. Biết trân quý những ba-la-mật đang có trong ta sẽ làm phát khởi lên sự tự trọng và niềm an lạc. Nhiều khi, giữa những nổi trôi, thăng trầm của sự tu tập, ta lại quên đi sức mạnh vô cùng của những ba-la- mật ấy đang có mặt trong ta. Và bạn hãy nhớ điều này, chỉ duy có chúng mới thật sự là nguồn gốc của mọi ân sủng trong đời ta.

vai trò của một vị thầy

Con đường tu tập sẽ mang ta đến bờ mé, giới hạn cuối cùng của thế giới quen thuộc này. Thường thì trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta tự tạo cho mình một lãnh địa, sống trong một tháp ngà an ổn. Nơi đây mọi vật đều có vị trí riêng của nó, và ta cũng biết được rõ ràng vị thế của chính mình.

Tâm ta lúc nào cũng lo bảo vệ và duy trì cái thế giới nội tâm quen thuộc này. Nhưng bức thành trì an ổn đó lại giới hạn và giam giữ sự sống của ta trong những gì quen thuộc và dễ nhận diện. Và chung quanh ta còn có biết bao nhiêu thế giới của kinh nghiệm và sự sống khác nữa, chúng nằm ngoài tập quán nhận thức có điều kiện của ta. Liệu chúng ta có can đảm và tâm huyết để thám hiểm cái thế giới xa lạ ấy không?

Một vị thầy, một người hướng dẫn, một thiện tri thức có thể là những trợ lực vô giá trên con đường tu tập. Những vị ấy có thể trình bày cho ta thấy những gì còn ẩn giấu, chỉ rõ con đường đi, và khơi lên những khát vọng cao thượng trong ta. Khi vượt ra ngoài giới hạn của thế giới quen thuộc này rồi, chúng ta sẽ kinh nghiệm hạnh phúc và khổ đau một cách mới lạ và bất ngờ. Đôi khi khổ đau có thể thúc giục ta tinh tấn để được giải thoát, nhưng cũng có lúc ta bị lún sâu vào vũng lầy của khốn khó mà không có lối thoát. Và cái bẫy của hạnh phúc lại còn nguy hiểm bội phần hơn thế nữa! Trên con đường tu tập cũng có rất nhiều nơi nghỉ chân rất thoải mái. Sau một thời gian tu tập, ta sẽ cảm thấy an lạc hơn, hoà hài với mọi người hơn, thích nghi và dễ dàng chấp nhận hơn. Mối tương quan giữa ta và người khác sẽ trở nên tốt đẹp và cuộc sống cũng sẽ trở nên dễ dàng. Vì vậy, nhiều khi ta cứ muốn ở lại chốn vô sự, thoải mái này để được nghỉ ngơi mãi mãi.

Một vị thầy giỏi sẽ biết khi nào học trò mình bị mắc kẹt, dù là trong khổ đau hoặc là trong bất cứ một thứ hạnh phúc nào còn bị điều kiện. Bằng những phương tiện thiện xảo khác nhau, vị thầy biến chúng thành một thứ nhiên liệu cho ngọn lửa giác ngộ. Có những lúc chúng ta cần sự khuyến khích, nâng đỡ, ưu ái, và cũng có lúc cái mà ta cần là một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt.

Tôi tôn trọng và học được rất nhiều từ phương pháp thứ hai này nơi Ngài U Pandita Sayadaw, vị thiền sư Miến-Điện của tôi. Bất cứ một kinh nghiệm nào của tôi trình lên với ông, cho dù có huy hoàng đến đâu, ông cũng không hề lộ một vẻ gì khâm phục. Mặc dù đôi lúc tôi cũng cảm thấy thất vọng, nhưng ông đã cho tôi một món quà quý giá là không bao giờ chấp nhận một cái gì thấp kém hơn là sự giải thoát thật sự.

Một vị thầy đáng kính nữa là Ngài Nyoshu Khenpo Rinpoche, đã chỉ cho tôi thấy sự tự do cao tột bằng một lối khác. Một lần tôi đến gặp ông để trình pháp. Tôi kể cho ông nghe những kinh nghiệm thiền quán đặc biệt mà tôi đã được chứng nghiệm. Ông bảo, “Giá vàng thì có lúc lên, lúc xuống, nhưng bản chất của vàng thì bao giờ cũng vẫn vậy!” Kinh nghiệm thiền quán đến rồi đi,nhưng tự tánh thanh tịnh của tâm thì vẫn tồn tại. Bằng ngôn từ hay bằng sự hiện diện của mình, một vị thầy sẽ không để cho ta bị mắc kẹt vào bất cứ một hình tướng tạm thời nào!

Trong mối tương quan thầy trò, ta thường gặp một vấn đề khó khăn là sự lẫn lộn giữa uy quyền (power) và thẩm quyền (authority). Trong đời sống, ở lãnh vực nào cũng vậy, chúng ta sẽ gặp những người có một trình độ hiểu biết cao hơn ta về một vấn đề nào đó. Chấp nhận sự khác biệt ấy sẽ giúp cho ta biết cởi mở ra để học hỏi ở người khác. Nó giúp chúng ta lúc nào cũng giữ được một sơ tâm. Nhưng chấp nhận kiến thức của một người trong một lãnh vực nào đó, không có nghĩa là ta trao hết quyền hành cho người ấy. Chúng ta vẫn có thể tiếp nhận sự hướng dẫn, những lời chỉ dạy, và khuyến khích của người khác, mà không cần phải phó mặc hết cái nhận thức về phải trái của mình cho họ!

Sự lẫn lộn về quyền uy này thật ra thì bắt đầu ở cả hai bên. Vị thầy có thể có được một trình độ hiểu biết nào đó, nhưng sự giác ngộ của các Ngài vẫn chưa hoàn toàn viên mãn, cũng có lúc những hành động của các vị ấy vẫn còn bị ảnh hưởng bởi vô minh. Còn những người học trò có khi lại quá vội vàng buông bỏ hết sự phán xét, phân biệt của mình với danh nghĩa khiêm tốn, nhẫn chịu. Chúng ta thường sai lầm cho rằng bởi vì một người có tri thức, hiểu biết thông suốt trong một lãnh vực nào đó, thì sự hiểu biết ấy tự nhiên cũng sẽ bao trùm hết mọi lãnh vực khác. Điều ấy có thể đúng nhưng cũng rất có thể là sai!

Trong truyền thống Phật giáo nguyên thuỷ, vị thầy còn được xem như là một kalyana-mitta, tức là một thiện tri thức, một người bạn lành về đạo lý. Một bậc chân thiện hữu tri thức lúc nào cũng hành động vì lòng từ ái, vì sự thương xót chúng sinh còn nhiều khổ đau. Khi ta thấy được một thẩm quyền tự nhiên vì sự minh triết, trí hiểu biết, lòng từ bi của họ, và khi những hành động của các Ngài được phát xuất từ đó, ta sẽ hưởng được lợi lộc vô vàn từ sự chỉ dạy của các Ngài. Mối liên hệ thầy trò có thể là một phước báu lớn lao nhất trong đời người học trò, nhưng nó cũng có những nguy cơ của sự lạm dụng. Nhận thức được hai khía cạnh ấy sẽ giúp chúng ta dễ dàng phân biệt được chúng.

tứ như ý túc

Đức Phật có dạy về bốn con đường đưa ta đến thành công, đi đến sự viên mãn. Đức Phật gọi chúng là tứ như ý túc, những con đường lúc nào cũng dẫn ta tiến tới. Chúng là bốn phẩm hạnh đặc thù trong cá tính chúng ta, mà mỗi con đường phản ảnh một sức mạnh đặc biệt. Nếu ta biết được phẩm hạnh nào là ưu điểm của mình, từ đó ta có thể dựa trên sức mạnh sẵn có đó mà phát huy thêm và thực hiện được những gì cần phải làm.

Đôi khi người ta có một quan niệm cho rằng tu tập có nghĩa là sống mà không còn một sự say mê nào nữa, dập tắt hết những ngọn lửa trong tâm - nghĩa là ta phải có một thái độ lạnh lùng, hoàn toàn thụ động, xa lìa thế sự. Nhưng quan niệm này hết sức là sai lầm! Vì một trong bốn con đường đi đến giải thoát vừa kể đều đòi hỏi một sự đam mê phi thường, một ngọn lửa rực cháy sáng trong tâm. Đối với chúng ta, những người mà niềm đam mê ấy đang khơi động, đạo pháp trở thành một lý tưởng tối thượng của đời mình.

Con đường thứ nhất để đi đến thành công, nuôi dưỡng chí tu hành của ta, là dục như ý túc - dục ở đây tức là một sự ham muốn thực hành, để thành tựu một việc gì. Khi có phẩm hạnh này, ta sẽ biết rằng không có bất cứ một điều gì có thể ngăn trở mình được. Chúng ta không bao giờ cảm thấy toại nguyện, trừ khi nào ta đạt đến mục tiêu mình muốn. Đôi lúc, khi nghĩ về phẩm hạnh này, tôi liên tưởng đến lòng nhiệt thành và cái động lực phi thường của các nhà thể thao thế vận hội, hay những nhạc sĩ đại tài, hoặc là bất cứ những ai đã đem một việc gì đến mức toàn mỹ. Phẩm hạnh của dục và lòng nhiệt thành là động lực chính thúc đẩy họ đi trên con đường đời: “Tôi sẽ làm chuyện ấy!

Tôi sẽ thực hiện được việc ấy!” Và rồi với sức mạnh đótrong tâm, của một nghị lực không thối chuyển, họ sẽ thành công. Vì thế cho nên dục, tức một hoài bão và một nhiệt tâm mãnh liệt, là một trong bốn con đường đưa ta đến thành công.

Con đường thứ hai là tinh tấn như ý túc, đây là một phẩm hạnh của nghị lực. Một người có đức tính cương quyết này lúc nào cũng cảm thấy bị thách thức bởi ý nghĩ “Công việc này đòi hỏi một nghị lực đáng kể. Và tôi sẽ thực hiện được việc ấy.” Những hạng người như vậy thì chẳng những không sờn lòng trước khó khăn mà còn cảm thấy phấn khởi vì sự thách đố. Họ quan niệm rằng, “Những việc gì đòi hỏi sự cố gắng để đạt đến thành công, thì tôi sẽ làm được!”

Thời gian trước đây tôi có đọc một bài báo viết về cái chết của một con ngựa đua nổi danh Secretariat. Bài báo ca tụng về trái tim dũng cảm của con ngựa, và diễn tả lại cái đảm khí của nó được biểu lộ một cách hùng tráng trong những cuộc đua ra sao. Cũng thế, khi hành động của chúng ta được xuất phát từ nơi ấy trong trái tim, gắng hết sức không chút nghi ngại, nó sẽ phát sinh một sức mạnh và một năng lực vô song!

Dipa Ma, một vị thầy của tôi ở Ấn Độ, là một thí dụ cho cái đức hạnh anh dũng bất thối chuyển này. Trong thời gian tu tập, có lúc bà bị bệnh và yếu đến nỗi bà ta phải bò lên những nấc thang để đi lên thiền đường và tiếp tục ngồi thiền. Không có gì khuất phục bà được. Lần cuối tôi gặp bà trước khi bà mất, Dipa Ma quay sang bảo tôi, “Chú biết không, chú nên thử gắng ngồi thiền trong hai ngày.” Mà bà không nói là một khóa thiền kéo dài hai ngày đâu, ý bà là một lần ngồi thiền kéo dài hai ngày liên tục! Chỉ ngồi thôi, hai ngày như vậy! Khi nghe bà nói thế, tôi phá lên cười vì biết rằng nó hoàn toàn ngoài khả năng của mình. Bà nhìn tôi với một ánh mắt từ bi sâu xa và nói, “Chú đừng có lười biếng nhá!”

Dipa Ma có một nghị lực đáng kính phục, và nó đã đem lại cho bà một kết quả mà chỉ có thể phát xuất từ một tâm kiên cố. Những ai với đức tính này, với sức mạnh này, là những người có một khả năng tinh tấn, sẽ không bao giờ chán nản vì con đường quá dài hoặc quá gian nan. Cho dù hành trình có kéo dài nhiều tháng, hoặc nhiều năm, chuyện ấy không đáng kể - vì họ là những người có dũng lực.

Đức Phật cũng là một biểu tượng cho phẩm hạnh này. Trước khi thành đạo, khi vẫn còn đi tìm chân lý như chúng ta đây, Ngài đã cương quyết như sau: “Nếu mục tiêu có thể đạt được bằng sự cố gắng của con người, tôi sẽ không bao giờ ngừng nghỉ hoặc thối chuyển cho đến ngày thành đạt. Cho dù chỉ còn lại da, gân bọc xương. Cho dù thịt, máu tôi có khô cạn. Tôi nhất định sẽ không thối lui sự tinh tấn của mình, cho đến ngày nào tôi đạt được những gì có thể đạt được bằng khả năng, bằng sự cố gắng và kiên chí của con người.”

Con đường thứ ba để đi đến thành công là tâm nguyện tu tập theo đạo Pháp, hay là niệm như ý túc. Lòng yêu chân lý này sẽ giữ cho tâm ta lúc nào cũng miệt mài với sự tu tập. Tình yêu đó bao gồm một tâm thức thanh tịnh rất lớn và một nhiệt tâm vô bờ bến. Như lần đầu tiên biết yêu - theo thế gian thường tình - tâm bạn lúc nào cũng chỉ biết tưởng nhớ đến người mình yêu. Tình yêu đạo pháp cũng có một cường độ tương tự như thế. Tình yêu ấy sẽ biến thành con đường dẫn đến tuệ giác khi nó tràn ngập tâm ta. Chúng ta lúc nào cũng tưởng nhớ đến và thực hành theo đạo pháp, và trên đời này không còn một việc gì khác là quan trọng hơn nữa. Tình yêu ấy giữ cho ta vững tiến. Nó chính là một tình yêu cao thượng nhất, quý giá nhất trong ta!

Con đường sau chót hết dẫn đến thành công là phẩm hạnh của tư duy, tức tham cứu đạo lý. Nó cũng còn được gọi là Tư Duy Như Ý Túc. Có những người có một sự ham thích mạnh mẽ, muốnhiểu thấu được những khía cạnh sâu xa nhất, uyên thâm nhất của Phật pháp. Họ không bao giờ bằng lòng với sự hiểu biết tầm thường nông cạn bề ngoài. Cái tâm tư duy ấy quán chiếu sự vô tận của vòng sinh tử luân hồi - samsara - sự vô bờ bến của các cõi sinh linh. Và qua cái nhìn bao la ấy, nó thấy được những vướng mắc của ta trong cuộc sống. Một người với nhiệt tâm học hỏi, sẽ thấy và hiểu được các nguyên nhân tiềm ẩn của khổ đau và ý thức được khả năng giải thoát của chính mình. Họ sẽ cảm thấy rất vui thú khi thám hiểm, bước vào vùng bí mật thâm sâu nhất của tâm thức.

Bất cứ ai có được một trong bốn đức tính căn bản này, thì sớm muộn gì rồi cũng sẽ đi đến giải thoát. Chúng ta có thể giải thoát được nhờ sức mạnh của lòng dục, tức cái tâm tham muốn và động năng thúc đẩy ta trên con đường tu tập; chúng ta cũng có thể đi đến giải thoát qua đức tinh tấn, cương quyết, một nghị lực mà không có gì ngăn trở nổi; chúng ta có thể được giác ngộ nhờ ở sự say mê và lòng yêu quý đạo pháp; và chúng ta cũng có thể kinh nghiệm được giải thoát bằng năng lực của quán chiếu, một nhu cầu tham cứu và hiểu biết. Một trong bốn đức tính ấy đều có thể là con đường đưa ta đến nơi giải thoát.

Bổn phận của chúng ta là làm sao nhận diện được đức tính nào là ưu điểm của mình, và dựa trên đó để làm nền tảng tu tập. Ta hãy nuôi dưỡng ưu tánh đó, phát triển nó và làm sao cho mỗi ngày được vững mạnh thêm lên. Sự thách thức lớn nhất của đời ta là thực hiện được sứ mạng giải thoát, và làm sao để mang những đức tính giải thoát ấy hội nhập vào giây phút hiện tại.

Con đường tỉnh thức hiện hữu trong mỗi giây, mỗi phút. Nó đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Ta có thể nào vừa giữ được tầm nhìn rộng lớn ấy, và cùng một lúc vừa hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại này không?

Trước những gì là chân thật, ta có cảm thấy khích lệ không? Ta nên nhớ rằng sự tu tập này không phải chỉ cho riêng mình mà thôi, nó còn vì hạnh phúc và lợi ích của mọi loài chúng sinh. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng bốn con đường để đi đến giải thoát rồi đó. Phần còn lại là hoàn toàn tùy ở nơi ta!

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh