Kinh Nghiệm Thiền Quán: Chương 5. Vô Ngã

KINH NGHIỆM THIỀN QUÁN: CHƯƠNG 5. VÔ NGÃ

chòm sao vua

Một vấn đề rắc rối, nát óc nhất trong Phật học là ý niệm và kinh nghiệm về vô ngã. Có biết bao nhiêu vấn đề đã được đặt ra: Nếu không có cái ngã thì ai là người đang cố gắng tu tập, ai tái sinh, ai nhớ, ai giận, ai yêu? Mà vô ngã thật sự có nghĩa là gì?

Thông thường thì người ta sợ ý niệm này lắm, có lẽ họ tưởng tượng rằng mình sẽ bị tan biến vào hư vô. Nhưng hiểu cho sâu thì vô ngã là một viên ngọc quý trong giáo lý nhà Phật. Nó là trái timcủa tự do. Một vị tăng người Sri Lanka có lần diễn tả vấn đề này một cách thật ngắn gọn: “Vô ngã, vô sự.”

Khi chánh niệm vững mạnh, chúng ta sẽ bắt đầu tiếp xúc được với một tuệ giác, có tính cách chuyển hóa mạnh mẽ, về ta và thế giới chung quanh. Ta sẽ khám phá rằng, ta không phải là người mà mình đã hằng tưởng. Ta không phải là thân này, tư tưởng này, cảm xúc này. Ý thức về một cái ngã, cái tôi, chỉ là một ý niệm, một tạo vật của tâm thức mà thôi.

Nhưng nếu không có “tôi”, không có ngã, thì tại sao chúng ta ai cũng đều tin vào sự có mặt của nó. Nếu ta đi hỏi bất cứ một người nào ngoài đường, “Có một cái tôi không? Có một cái ngã không?” Đa số sẽ trả lời, “Lẽ dĩ nhiên là có!” Lòng tin vững chắc không chút nghi ngại ấy do đâu mà có? Bổn phận của ta là tìm hiểu xem tâm ta đã tạo nên một ý niệm kiên cố về cái ngã ấy bằng cách nào, và tìm cho ra một phương pháp để giải thoát khỏi quyền lực của ảo giác đó.

Tâm (mind) là một quan năng của tri thức, của cái biết. Nếu tìm kiếm, ta sẽ thấy rằng nó vô hình, trong suốt, linh động và nguyên sơ. Tâm ta biết được hết mọi cảm giác và những đối tượng khác nhau của nó, như là tư tưởng và cảm xúc. Nó biết, chỉ đơn giản như thế. Bạn thử tưởng tượng một xác chết nằm trên đất và chung quanh có những tiếng động lớn vang lên. Thân có nơi đó, lỗ tai cũng ở đó, nhưng không có cái nghe xảy ra. Vì sao thế? Vì tâm, cái quan năng tri thức, vắng mặt. Ý thức, tự nó là một sự kiện mầu nhiệm nhất trong đời sống hằng ngày của ta.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Nhưng tâm ta cũng không phải chỉ là phần tri thức mà thôi. Trong mỗi giây phút, có nhiều tâm hành với những phẩm tính khác nhau khởi lên cùng với tri thức và chi phối nó bằng nhiều cách khác biệt. Tham lam, ghét bỏ, yêu thích, niệm, định, tự phụ, thất vọng, từ bi là một vài thí dụ cho những tâm hành ấy. Mỗi thứ có một mùi vị đặc biệt. Những tâm hành thiện sẽ mang lại cho ta hạnh phúc, an lạc, còn những tâm hành bất thiện sẽ đem đến cho ta khổ đau. Thế cho nên, trong mỗi giây phút khác nhau, bao giờ cũng có một ý thức nguyên sơ và sáng suốt, cùng với một số tâm hành khác nhau của nó, liên tục sinh lên và diệt đi.

Có một tâm hành rất đặc biệt, nó thường hay bị mất quân bình và giam giữ ta trong một ý niệm chế định về ngã. Đó là tâm hành của tri giác (perception). Phận sự của tâm hành này là nhận diện hình dạng của sự vật bằng cách lựa ra những cá tính đặc biệt của chúng, rồi đem chứa vào ký ức của ta bằng cách sử dụng ý niệm. Đàn bà, đàn ông, cây, xe, thành phố, đại dương là một vài thí dụ cho vô số những sự vật mà chúng ta nhận diện bằng tri giác.

Khi tri giác được chánh niệm đi kèm theo, sự nhận diện sẽ đóng khung hình dạng của sự vật lại, giúp cho sự quán chiếu của ta được chín chắn và sâu sắc hơn. Nhưng nếu tri giác hoạt động thiếu chánh niệm, lúc ấy ta chỉ có thể nhận diện và ghi nhớ được hình dạng bề ngoài của sự vật mà thôi.

Câu chuyện sau đây cho chúng ta thấy những ý niệm quen thuộc của mình có thể rất là bị giới hạn. Tôi có một người bạn, con trai của anh theo học lớp Một. Trong trường vị thầy hỏi cả lớp, “Trái táo có màu gì?” Đa số các đứa trẻ trả lời màu đỏ. Một vài đứa nói xanh. Kevin, con của bạn tôi, đưa tay lên và nói màu trắng. Vị thầy cố gắng giải thích cho nó rằng táo có thể có màu đỏ, xanh, hoặc đôi khi vàng, nhưng không bao giờ có màu trắng. Kevin vẫn một mực nhất định và cuối cùng nó nói, “Thầy hãy nhìn bên trong coi!” Tri giác mà thiếu chánh niệm sẽ giữ ta trên bề mặt của sự vật, và vì vậy mà ta không thấy được những tầng lớp thực tại khác.

Mua đá năng lượng:

Chúng ta có một loại tri giác bị điều kiện, rất sai lầm về chính mình và thế giới chung quanh, và rồi từ đó nó dẫn ta đến những kết luận lầm lẫn và sai trật khác. Tri giác mà tôi muốn nói đó là cái niềm tin về sự cố định bất biến của sự vật, nó ngăn trở không cho ta thấy được sự thật. Trong quyển Tuệ giác điên rồ, (Crazy Wisdom), Wes Nisker viết:

“Ngôn ngữ của ta phảm ảnh thực tại như là một cố thể (cứng đặc) vậy. Ở một trình độ đơn giản nhất, nó đặt một chủ từ và một bổ túc từ, những gì ta cho là thật, ở hai bên đối nhau của một động từ, cái mà ta không cho là thật mấy.

Có lẽ ngôn ngữ Hopi phản ảnh luật thiên nhiên một cách trung thực hơn hết. Trong tiếng Hopi, danh từ cũng là động từ. Ngôn ngữ ấy có một đặc tính là tất cả các từ đều hỗ tương lẫn nhau hoặc đang biến đổi.

Nhiều nhà vật lý học cũng nói cho ta biết rằng chỉ duy có sự hoạt động là hiện hữu. Dầu vậy, ngôn ngữ của chúng ta vẫn cứ tích tụ những vật ‘bất động’, khiến chúng ta bị mắc kẹt trong ảo tưởng về một cố thể độc lập, bất di bất dịch.”

Ngày nào chúng ta vẫn còn bị kẹt trong ảo tưởng ấy, ta sẽ không thể nào sáng suốt nhìn thấy và hiểu được lý vô thường, cái tự tánh tạm bợ của mọi hiện tượng. Mặc dù ta có thể hiểu được sự thật đổi thay ấy bằng tri thức, nhưng nếu muốn được chuyển hóa ta cần phải chính mình kinh nghiệm nó cho sâu sắc.

Vì sao chúng ta lại có ý tưởng kiên cố về một cố thể nhất định này? Vì sao nó lại điều kiện hóa nhận thức về thực tại của ta sâu đậm đến thế? Thật ra, ảo tưởng ấy bắt nguồn từ sự biến đổi quá nhanh chóng của sự vật chung quanh ta. Như khi đi xem hát chẳng hạn, ta đâu thể nào nhận thấy được tính chất rời rạc của những hình ảnh trong phim. Chúng xuất hiện rất nhanh và liên tục, ta không tài nào nhận ra được, và vì vậy mà ta sống trong một ảo giác của hình tướng, quên đi sự thật về xảo thuật của nó. Lẽ dĩ nhiên, trong rạp hát thì đó là mục tiêu chính của cuốn phim, và chúng ta muốn có được ảo tưởng đó. Nhưng nếu ta lại quên đi thực tại của cuộc sống mình, thì hậu quả sẽ nguy hại và to tát hơn nhiều.

Ý tưởng về một cố thể nhất định này cũng có thể bắt nguồn từ việc quan sát sự vật từ xa. Khi chúng ta nhìn một vật thông thường như chiếc ghế, cái bàn chẳng hạn, nó có vẻ rất cứng đặc. Nhưng nếu ta đặt cùng một vật ấy dưới ống kính hiển vi thì cả một thế giới mới sẽ hiện bày. Cũng như khi ta đứng nhìn một rừng cây từ xa, ta chỉ thấy một khối màu sắc lẫn lộn không phân biệt. Nhưng khi bước lại gần hơn, ta có thể nhận được sự khác biệt của từng chiếc lá một, và ngay cả những phần đặc thù của mỗi chiếc lá nữa.

Cũng vì chúng ta ít khi nào chịu khó quan sát cẩn thận, ta bằng lòng với cái thấy hời hợt bên ngoài, mà không thể nào biểu lộ được cái tự tính phức tạp của sự vật. Ví dụ, cảm nhận của bạn về cái thân này như thế nào? Bạn có nghĩ nó như là một tập hợp của nhiều bộ phận trong tạng phủ, những năng lượng, những hệ thống khác nhau không? Hay bạn xem nó như là một cố thể nhất định gọi là “thân”, rồi từ đó cho nó là “của mình”?

Khi ta quan sát thân này một cách sâu sắc hơn, ý niệm thông thường về “thân” sẽ tan biến. Ta sẽ kinh nghiệm được nó như là một thế giới gồm những yếu tố biến đổi liên tục. Ngay bây giờ, bạn có thể thực hiện một thí nghiệm nho nhỏ để chứng minh sự thật này. Bây giờ bạn thử cử động ngón tay trỏ của bạn lên xuống một cách thật chậm chạp, và cẩn thận cảm nhận từng cảm xúc nhỏ của cử động ấy. Bạn làm, nhưng đừng nhìn xuống bàn tay của mình. Khi bạn tiếp tục cử động ngón tay lên xuống như vậy, và chú tâm đến cảm xúc của nó mà thôi, việc gì đã xảy ra với ý niệm “ngón tay” của bạn? Nó biến mất rồi! Khi nào bạn sống với một nhận thức đơn thuần về kinh nghiệm của mình, ý niệm sẽ biến mất, và lúc ấy bạn sẽ thật sự biết được sự đổi thay của cảm giác.

Những khi tri giác mạnh hơn chánh niệm, chúng ta sẽ đi nhận cáchình dạng khác nhau của sự vật, và tạo nên những ý niệm để diễn tả chúng, như là “thân,” “xe hơi,” “nhà,” hoặc “người ta.” Và rồi chúng ta lại đi chấp vào những ý niệm này như là những gì có thật, và sống trong một thế giới của ý niệm, quên đi rằng sự thật chúng chỉ là những hiện tượng không có thực chất.

Cũng vậy, vì không quán xét cẩn thận tự tánh hỗn hợp của cái mà ta gọi là ngã, chúng ta bị chấp trước vào ý niệm và tin rằng nó thật sự có mặt. Chúng ta không thấy được rằng mình thật ra chỉ là một vùng tinh tú của những yếu tố biến đổi mau lẹ. Sự sống là một tiến trình trở thành, của những điều kiện sinh lên và diệt đi, nó chẳng xảy ra cho một ai. Không có người nào đứng phía sau những kinh nghiệm ấy hết.

Vào một đêm trời có nhiều sao, bạn hãy bước ra ngoài vườn và ngước lên nhìn bầu trời. Thử xem bạn có tìm thấy được chòm sao Vua không? Đối với đa số chúng ta thì đó là một nhóm sao rất dễ nhận diện, ta có thể nhìn ra chúng giữa trăm ngàn vì tinh tú khác. Nhưng sự thật thì có một chòm sao Vua nào trên bầu trời không?

Không có chòm sao Vua nào trên trời đêm hết! “Chòm sao Vua” chỉ là một ý niệm. Loài người nhìn thấy một nhóm sao nằm theo một mô thức đặc biệt, và rồi họ tạo nên một ý niệm trong tâm thức chung của mình để diễn tả nó. Ý niệm đó cũng hữu ích, vì nó giúp cho chúng ta nhận diện được chòm sao đặc biệt ấy. Nhưng nó cũng có một ảnh hưởng khác bất lợi hơn. Khi tạo nên một ý niệm về “chòm sao Vua,” chúng ta đã tách rời những ngôi sao ấy ra khỏi các tinh tú khác, và nếu ta chấp trước vào sự phân biệt ấy, ta sẽ đánh mất đi cảm nhận về một bầu trời trọn vẹn và tính chất đồng nhất của nó. Sự phân chia ấy có thật sự hiện hữu trên bầu trời không? Không! Chúng ta đã tạo nên nó bằng ý niệm của mình.

Và có gì thay đổi trên bầu trời đêm khi chúng ta hiểu rằng không có chòm sao Vua không? Không! Những vì tinh tú vẫn có mặt y như xưa và kiểu mẫu của chúng cũng vẫn y nguyên như thế. Có khác chăng là chúng ta ý thức được rằng, việc đặt tên cho những mô thức của các chòm sao, và sự phân biệt giữa một nhóm này với nhóm khác, ý niệm đó hoàn toàn không có một thực thể độc lập nào hết.

Cũng vậy, khi ta biết được “ngã” chỉ là một ý niệm, nó sẽ cách mạng hóa sự hiểu biết của ta, bằng cách phơi bày cho ta thấy chân tướng của sự vật.

Mỗi người chúng ta là một chòm sao của tiến trình thân tâm. Chúng ta nhận diện được một mô dạng quenthuộc, đặt tên cho nó, và rồi đồng hóa với ý niệm ấy đến nổi ta rơi vào ảo tưởng cho rằng có một cá nhân nào đó hiện hữu. “Joseph” cũng giống y như là “chòm Sao Vua.” “Joseph” là một ý niệm, một tên đặt cho một hình dạng đặc biệt của những phần tử khác nhau, cũng như chòm sao Vua là tên đặt cho một kiểu mẫu của một số vì sao.

Sự tu tập của ta là để giúp đánh thức mình dậy ra khỏi ảo mộng đi nhận ý niệm làm thực tại. Và từ đó ta có thể sống trong một ý thức sáng tỏ, thấy rõ được chân tướng của sự vật. Lẽ ra việc giải thoát khỏi sự vướng mắc vào ý niệm phải là một điều dễ làm... nhưng sự thật không phải vậy. Trong những đêm trời nhiều sao, hãy tĩnh lặng nhìn lên bầu trời và quan sát xem, bạn có thể nào không nhìn thấy chòm sao Vua không? Chúng ta không dễ gì mà lại không thấy nó, vì tập quán nhận diện của ta đã chịu điều kiện sâu đậm lắm rồi!

Lẽ dĩ nhiên, sống trong cuộc đời chúng ta bắt buộc phải cần đến ý niệm, và trong nhiều trường hợp chúng phục vụ ta rất đắc lực. Chúng ta sử dụng những ý niệm khác nhau để thuận tiện cho việc gọi tên, nhưng nếu ta biết rằng danh từ không liên hệ gì đến những “vật”, chúng không có một tự thể độc lập, thì lúc ấy ta vẫn có thể tự tại trong khi sử dụng chúng. Vấn đề chỉ phát sinh khi nào chúng ta quên rằng, ý niệm chỉ là sản phẩm của tâm, và đi quy tặng cho nó một thực tại mà nó không hề có bao giờ.

Thiền tập giúp ta nhìn, với một sự chú ý đơn thuần, những gì đang thật sự có mặt. Chúng ta vẫn có thể sử dụng ý niệm khi nào thích hợp, nhưng không bao giờ quên đi sự thật phía sau chúng. Ta tập nhìn bầu trời với một tâm tĩnh lặng và trống vắng; và ta tập nhìn lại chính mình với cùng một sự sáng tỏ và vắng lặng ấy.

Kalu Rinpoche, một trong những đại thiền sư của Tây Tạng trong thế kỷ này, viết:

“Bạn đang sống trong một ảo tưởng, giữa những hình dáng của sự vật. Có một thực tại. Bạn là cái thực tại ấy. Nhưng bạn không biết được việc đó. Nếu bạn tỉnh thức dậy và ý thức được thực tại ấy, bạn sẽ biết rằng mình không là gì cả, và cũng vì không là gì cả mà bạn lại có thể là tất cả. Chỉ có vậy thôi.”

sự chào đời của ngã

Như ta đã thấy, sự chấp trước vào ý niệm sẽ tạo nên niềm tin về một cái “ngã”, ngoài ra còn có một tiến trình khác nữa cũng giúp phát sinh ra cái cảm tưởng về “ngã” này. Mặc dù ta đã thấy được tự tánh duyên hợp của các kinh nghiệm, biết rằng không có một yếu tố siêu hình nào để ta gọi là “tôi”, nhưng chúng ta vẫn còn có một thói quen đi nhận những yếu tố khác nhau của kinh nghiệm thay đổi ấy làm mình. Và chính sự nhận diện này đã sinh ra cái ngã.

Những khi ta nhận những tư tưởng khởi lên làm mình, hoặc bị chúng lôi cuốn và trói buộc, ta sẽ có một ý tưởng rằng “Tôi đang suy nghĩ” hoặc “Đây là những ý nghĩ của tôi.” Tiến trình đó có thể xảy ra với lại tư tưởng, cảm thọ, cảm xúc hoặc những hình ảnh sinh lên trong tâm ta. Những kinh nghiệm ấy tự chúng sinh lên rồi sẽ diệt đi, không thuộc về của ai hết. Nhưng khi ta chấp vào nó, là ta đã tạo nên một cảm nhận về ngã, một khối ảo tưởng đồ sộ trong tâm tưởng của mình.

Mặc dù ta đã chịu tập quán lâu đời bởi ảo giác này, nhưng với một chánh niệm sáng tỏ, ta sẽ có thể cho phép tiến trình nhận thức được những kinh nghiệm khác nhau ấy, cùng có mặt ngay trong lúc đó. Năng lực của chánh niệm trong giây phút hiện tại sẽ giải thoát tâm ta ra khỏi sự chấp mê sai lầm ấy. Một tư tưởng khởi lên, nó đến rồi sẽ đi. Nó không thuộc về tôi. Nó chỉ là một hiện tượng mà không hề có một cá nhân nào đứng phía sau đó. Nếu giây phút này sang giây phút kế, ta biết sống trong sự vô chấp và vô ngã, ta sẽ được tự tại.

Khi chánh niệm được vững mạnh, ta sẽ học được qua kinh nghiệm trực tiếp rằng, bất cứ một hình thái nào hễ có sinh thì phải có diệt. Trong mỗi giây phút sẽ có một đối tượng khác nhau – hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, cảm thọ, tư tưởng - xuất hiện và được ghi nhận. Ý thức được sự biến đổi này rồi, ta sẽ thấy rằng đối tượng nào sinh lên rồi cũng chóng diệt đi. Chúng không phải là “tôi”, không phải là ngã, vì khi ta vừa ghi nhận thì chúng lập tức biến mất.

Chúng không có đủ sự liên tục để tạo thành một cái “ngã.” Ngược lại, cũng vì ta không nhìn thấy được tính chất tạm bợ của những hiện tượng, vì không thấy được sự thật về tự tính biến đổi này, mà tà kiến đã nhảy vào và tuyên bố, “Vâng, kinh nghiệm này chính thật là tôi, nó là con người thật của tôi.”

Bạn hãy để ý đến những lúc tâm bạn bị lạc trong suy nghĩ, nó sẽ dựng nên những màn kịch, vở tuồng bằng sự chấp trước. Rồi bạn hãy ghi nhận những khi mình có chánh niệm, ta có thể nhìn thấy rõ ràng sự đến và đi của ý nghĩ, vì không bị kẹt vào chúng. Hai trạng thái ấy có thể đem lại một sự khác biệt rất lớn: một không gian nhỏ hẹp hoặc một không gian thênh thang trong tâm thức của ta. Và một khi ta tự nhiên thấy được sự sinh diệt của mọi hiện tượng rồi, sẽ không còn gì để ta chấp trước nữa, tất cả đều là vô ngã.

không dù, không mặt đất

Tuệ giác về “vô ngã” không phải phát xuất từ việc ta đi phá vỡ những gì mình gọi là “ngã” hoặc “tôi.” Sự giác ngộ, hay khám phá, của đức Phật đã khải thị cho chúng ta thấy rằng, chưa bao giờ từng có một cái ngã hoặc cái tôi độc lập nào hết. Thế cho nên, nếu không có cái gì để ta đi loại trừ, thì tuệ giác về vô ngã chỉ phát xuất đơn giản từ một quán chiếu thâm sâu về những gì đang thật sự xảy ra, trong giây phút hiện tại này.

Khi ta nhận thấy rằng những hình dạng sinh khởi trong tâm thức mình, chúng đến rồi lại đi không ngừng nghỉ, không cần phải suy nghiệm nhiều, ta cũng có thể hiểu rằng chúng không phải là ngã. Nhưng dù vậy, ta sẽ vẫn còn một sự chấp trước khác vi tế hơn.Đó là sự mê chấp vào chính cái ý thức ấy: “Tôi là người đang ý thức được tất cả những hiện tượng biến đổi này.” Ta có thể sai lầm đi nhận cái biết ấy là tôi, bởi vì cái biết, hay tâm thức đó, nó tinh vi hơn tất cả những đối tượng khác khởi lên trong ta. Lúc đầu, có thể bạn sẽ thấy khó mà nhận diện được nó. Nhưng dần dà khi tâm lực của tĩnh lặng và sáng suốt phát triển mạnh mẽ, ta sẽ thật sự có một khả năng ý thức được chính ý thức của mình.

Và đến một giai đoạn trong thiền tập, ta sẽ thấy rõ rằng ý thức tự nó cũng chỉ là một tiến trình thay đổi mà thôi. Khám phá này có thể làm cho ta trở nên bất an, vì biết bao lâu rồi ta đã đi nhận tâm hành ý thức này là một thực thể thiết yếu của mình, ta nhận nó là linh hồn, là cái ngã, là trung tâm điểm của ta. Và bây giờ thì lại thấy rằng, cũng như mọi hiện tượng khác, nó sinh lên rồi diệt đi không ngừng nghỉ.

Bạn thử tưởng tượng, từ một chiếc phi cơ đang bay trên cao, ta phóng ra và rơi tự do trong không trung. Bạn hãy tưởng tượng cái cảm giác ngây hồn đó trong vài phút đầu. Nhưng rồi bạn sực nhớ rằng, mình không mang dù nhảy! Bạn hoảng kinh lên trong khi mình cứ tiếp tục rơi xuyên qua không gian. Rơi xuống, rơi xuống, rơi xuống trong kinh hoàng vì biết mình không có mang dù... Cho đến một giây nào đó bạn chợt ý thức được rằng bên dưới cũng không có mặt đất! Ngay giây phút ấy, bạn sẽ thản nhiên vui hưởng sự rơi của mình.

Thường thường trong thiền tập, ta cũng sẽ tuần tự trải qua những giai đoạn như thế. Khi ta ít bị vướng mắc vào sự vật, cũng như thấy được sự biến đổi mau lẹ của chúng, lúc đầu có thể ta sẽ cảm thấy rất phấn khởi, và có một cảm giác rộng mở bao la. Nhưng rồi sự hoảng hốt sẽ đến khi ta hiểu rằng, không có gì để mình bám víu vào được nữa. Đối tượng của ý thức và quan năng nhận biết chúng, tiếp tục theo nhau sụp đổ, như nước rơi xuống ghềnh thác. Bây giờ thì ta hiểu rằng, ở một mức độ thâm sâu, thì thật sự không có một vật nào mà ta có thể bám víu vào để cung cấp cho mình một sự an toàn được hết. Nhưng nếu ta tiếp tục thực tập, rồi một ngày giác ngộ sẽ bừng mở: không có mặt đất nào để va chạm và cũng không có một ai rơi xuống - tất cả chỉ là những hiện tượng trống rỗng tiếp tục trôi lăn. Lúc ấy ta sẽ cảm thấy một cảm giác buông bỏ nhẹ nhõm, một sự tự tại và an lạc thâm sâu.

trở về con số không

Đức Phật có lần nói một bài pháp diễn tả về tuệ giác của vô ngã thật ngắn gọn và súc tích: “Khi nào các ông nhìn thấy một hình sắc, hãy để chỉ có cái thấy; khi các ông nghe một âm thanh, hãy để chỉ có cái nghe; khi các ông ngửi một mùi gì, hãy để chỉ có cái ngửi; khi các ông nếm một vị nào, hãy để chỉ có cái nếm; khi các ông kinh nghiệm một cảm giác ở thân, hãy để chỉ có cảm thọ ấy; và khi có một tư tưởng khởi lên, hãy để chỉ có hiện tượng tự nhiên ấy trong tâm mà thôi. Được như vậy, sẽ không còn có ngã, không có sự di động từ nơi này sang nơi khác, và cũng chẳng có sự dừng lại ở một nơi nào hết. Đó là sự chấm dứt của dukkha, sự chấm dứt của khổ đau.”

Bài pháp đầy hùng lực ấy có nghĩa là gì? Trong mỗi thời điểm chỉ có cái kinh nghiệm phát khởi lên mà thôi, cảm nhận về một cái “tôi” hoặc “ngã” hoặc “của tôi” chỉ là những gì ta cộng thêm vào đó. Khi chúng ta nói “Ý nghĩ của tôi” hoặc “Tôi đang suy nghĩ,” cái “tôi” và “của tôi” ấy là dư thừa, chúng không thuộc về ý nghĩ ấy.

Khi tuệ giác về vô ngã này phát triển theo sự tu tập, ta sẽ cảm thấy rằng dòng sông hiện tượng tự mình nó trôi chảy. Không có ai làm một việc gì. Tất cả tự nhiên xảy ra. Lúc ấy ta sẽ nhìn thấy được một cách thâm sâu tự tánh trống rỗng, không có thực thể của mọi hiện tượng. Vẻ đẹp của một cầu vồng ngày mưa là một tỷ dụ cho ý nghĩa về sự rỗng không này. Nhìn một cầu vồng trên không trung thường đem lại cho ta những phút giây rung động nhè nhẹ trong tâm hồn. Dầu vậy, trên một bình diện khác thì không có một “vật” nào gọi là cầu vồng thật sự hiện hữu hết. Nó chỉ là một hình dạng duyên hợp tùy theo điều kiện và biến chuyển liên tục. Chúng ta có thể nào cùng một lúc sống trên cả hai bình diện này không: đem một tuệ giác tự tại của vô ngã hội nhập vào thế giới của sự tướng?

Giây phút ta sống được trong một tình trạng vô điều kiện, tức Niết bàn, nó xác nhận rõ ràng tự tính trống không nhưng rất tự docủa cái ngã. Chính ngay lúc ấy, ta đã đi đến số không. Số không có lẽ là một con số mãnh liệt nhất: nó không cộng thêm một việc nào mà lại có khả năng chuyển hóa hết tất cả. Nó vừa không là một vật nào, mà cũng không phải không là một vật nào. Đi đến con số không, ta sẽ vượt thoát ra ngoài mọi hình tướng của cái ngã.

Từ sự hiểu biết này về vô ngã, ta sẽ đạt được một mối tương quan sâu xa với mọi vật chung quanh hơn. Chúng ta không còn cần phải nương tựa vào bất cứ một sự liên hệ nào, để được cảm thấy nối liền, vì đâu còn có sự ngăn cách nữa. Không có một cá nhân nào là độc lập, là riêng rẽ. Nhà văn Wei Wu Wei đã diễn tả cũng cùng một sự minh triết này trong đức khiêm nhường: “Sự khiêm nhường thật sự chính là sự vắng mặt của một cá nhân nào đó để tự hào.” Khiêm nhường không phải là một thái độ, nó chỉ đơngiản là sự vắng mặt của ngã. Cũng thế, mối tương quan tức là sự vắng mặt của sự cách biệt, và ta có thể cảm nhận được nó trong mỗi hơi thở, mỗi cảm giác, mỗi ý nghĩ, mỗi áng mây trên bầu trời, mỗi người mà chúng ta gặp. “Và bởi vì không là gì cả, mà bạn là tất cả. Chỉ có vậy thôi!”

niềm vui sướng và sự vắng lặng

Sự vui sướng có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau, và nó có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong hành trình tu tập, cảm giác vui sướng thường tràn ngập tâm ta những khi mình cảm thấy thanh tịnh, linh động và ngời sáng. Mặc dù những cảm giác ấy có thể vô cùng tuyệt vời, nhưng vì chúng do duyên hợp nên cuối cùng rồi cũng sẽ qua đi.

Có một sự vui sướng khác nữa. Nó chính là quả trái của tuệ giác về vô ngã, về nhìn thấy được vô thường, được tính chất vô thực thể của mọi vật. Nơi đây không còn có sự bám víu, sự chấp trước và sợ hãi. Trong kinh nghiệm này, ta trở thành một với tiến trình khai mở của sự sống. Cái một ấy vô cùng tinh tế, vì nó cũng là cái một của sự trở về thể nhập với con số không. Nhà thơ Lí Bạch đã diễn tả được việc ấy đẹp vô cùng trong bài thơ Ngồi một mình núi Kính Đình:

Chúng điểu cao phi tận Cô vân độc khứ nhàn

Tương khan lưỡng bất yếm Chỉ hữu Kính Đình sơn Bầy chim cao bay mất

Thơ thẩn một áng mây Ta ngồi đây với núi Chỉ còn Kính Đình sơn

Ta và núi hốt nhiên trở thành một.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh