Kinh Nghiệm Thiền Quán: Chương 6. Nghiệp Quả

KINH NGHIỆM THIỀN QUÁN: CHƯƠNG 6. NGHIỆP QUẢ

ánh sáng của thế giới

Cuộc sống của ta bắt đầu từ tâm mình. Đức Phật dạy, “Tâm tạo tác hết tất cả.” Thế cái tâm tạo tác sự sống của ta đó, nó là gì?

Khi nhìn thẳng vào tâm mình, ta nhận thấy rằng nó đang biến đổi liên tục, bị điều kiện, rồi lại tái điều kiện bởi những phẩm tính của các tâm hành khác nhau sinh lên và diệt đi, như là tình yêu, lòng sợ hãi, sân hận, hạnh phúc, chánh niệm, si mê, và nhiều nữa. Đôi khi những tâm hành này làm việc rất hòa hợp, và cũng đôi khi nó biến tâm ta thành một bãi chiến trường.

Vipassana có nghĩa là nhìn thấy được chân tướng của sự vậtnhư nó là.

Thiền quán sẽ đem lại cho ta những kinh nghiệm trực tiếp và thâm sâu, ta sẽ thấy được những đức tính nào trong tâm dẫn ta đến khổ đau, và những đức tính nào sẽ đưa ta đến giải thoát. Sự hiểu biết đó không còn là một kiến thức trao truyền nữa mà là một sự lãnh hội trực tiếp. Lúc ấy, ta sẽ có thể nhận thức được, cùng một lúc những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại và luôn cả cái định luật cai quản tiến trình khai mở của sự sống này.

Theo đức Phật, một tuệ giác trọng yếu của chánh tư duy là thấy được rằng, mỗi hành động thiện và bất thiện sẽ mang lại một hậu quả thích đáng. Tuệ giác ấy được coi như là nền tảng cho toàn bộ giáo pháp của nhà Phật. Nó cũng là điểm nguồn của mọi hạnh phúc. Khi ta đạt được tuệ giác căn bản này rồi - rằng những hành động của thân, khẩu và ý sẽ đưa ta đi về một hướng nào đó, rằng chúng làm điều kiện cho những quả trái khác nhau - từ đó ta sẽ biết lựa chọn sáng suốt hơn.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Và muốn có được một khả năng lựa chọn sáng suốt, trước hết ta phải thành thật nhìn lại chính mình, thấy được hết mọi phẩm tính đặc biệt, trong đó có cả thiện lẫn bất thiện. Sự lựa chọn sáng suốt sẽ được thực hiện khi ta biết buông xả, từ bỏ, không hành động theo các tư tưởng và cảm thọ bất thiện, vì biết rằng chúng sẽ mang lại khổ đau cho ta và người khác. Và ngược lại, ta có thể chọn hành động theo những tư tưởng và cảm thọ tốt lành, biết rằng chúng chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc. Nhờ chánh tư duy căn bản này, biết rằng mỗi hành động sẽ đem lại một hậu quả nhất định, ta có thể thật sự làm chủ đời mình thay vì trở thành một nạn nhân, hoặc bị sai khiến bởi những tập quán đã chịu điều kiện lâu đời.

Nhưng hiểu biết ấy sẽ ảnh hưởng đến sự tu tập của ta như thế nào? Khi ta ý thức rằng lòng tham là bất thiện, sẽ đem lại khổ đau, lúc ấy những tư tưởng về buông xả và rộng lượng sẽ khởi lên trong tâm. Và những tư tưởng tốt lành ấy sẽ làm phát sinh những cảm thọ như là từ bi, an lạc, ý muốn phục vụ kẻ khác, làm vơi bớt khổ đau, và hoan hỷ khi thấy họ được hạnh phúc.

Từ sự hiểu biết rằng lòng tham là bất thiện, và những ý nghĩ cùng cảm thọ tốt lành phát sinh vì ý thức đó, ta sẽ trở nên bớt ích kỷ hơn. Những ý nghĩ và cảm thọ ấy sẽ làm điều kiện cho các hành động từ bi và phụng sự của chúng ta. Và rồi những việc làm vị tha ấy sẽ quay lại giúp cho đức tính từ bi của ta được vững mạnh hơn, chúng giải thoát tâm ta ra khỏi sự khổ đau của lòng nhỏ nhen, ích kỷ và tự phụ. Qua những sự kiện hỗ tương tiếp nối tự nhiên ấy, ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn.

Hiểu được vai trò của những định luật vật lý trong thiên nhiên, như là trọng lực hoặc nhiệt động lực chẳng hạn, là một chuyện dễ. Ngoài ra, đức Phật còn nhìn thấy có một luật khác đang chi phối và ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta, đó là định luật của luân lý đạo đức. Ngài gọi đó là luật nghiệp quả, karma, tức là tuệ giác về mỗi hành động sẽ mang lại một kết quả. Ta có thể tìm thấy nguyên lý ấy trong nhiều truyền thống tâm linh khác nhau. Có lẽ một thí dụ thông dụng nhất cho người Tây phương là Kinh Thánh có nói, chúng ta sẽ gặt hái những gì mình gieo trồng.

Đức Phật định nghĩa nghiệp quả như là những hành động có tác ý. Có nghĩa là, mỗi tác ý trong tâm được ví như là một hạt giống có một tiềm lực rất lớn. Một hạt giống bé tí của cây sồi tiềm tàng khả năng một cây sồi vĩ đại như thế nào, thì những hành động cố ý của ta cũng chứa đựng hạt giống của nghiệp báo mạnh mẽ y như thế. Và kết quả của hành động lại còn tùy thuộc vào phẩm tính của những tâm hành nào có liên hệ đến tác ý ấy. Tham lam, giận dữ và si mê là những đức tính bất thiện đem lại quả trái khổ đau; lòng vị tha, từ bi và trí tuệ là những tâm thiện sẽ sinh ra quả trái hạnh phúc.

Đức Phật gọi sự hiểu biết về định luật nghiệp báo, luật nhân quả này là “ánh sáng của thế gian,” vì nó soi sáng cho ta thấy sự sống khai mở bằng cách nào, và vì sao sự việc lại xảy ra như vậy. Tuệ giác ấy sẽ ban cho ta một sự tự do, giúp ta có những sự lựa chọn sáng suốt trong đời mình.

nghiệp quả tất nhiên

Nếu bạn cứ suy ngẫm về luật nghiệp quả nhiều quá thì có ngày bạn sẽ điên lên đó, đức Phật đã cảnh cáo thẳng thừng như thế. Vì vấn đề ấy mênh mông lắm! Chỉ có đức Phật mới có thể hiểu được hết tầm mức rộng lớn và sự phức tạp của nó. Làm thế nào tôi và bạn có thể hiểu được, vì sao mà một việc xảy ra năm kiếp trước đây, phải chờ đến bây giờ mới kết thành quả trái? Mối tương quan giữa nhân và quả trong sự sống của ta rất phức tạp, tinh vi và hàm súc. Thế cho nên luật nhân quả không phải như nhiều người nghĩ, chỉ đơn giản có nghĩa là “Ta làm cái này, và rồi cái kia xảy ra.”

Nhưng dù vậy, vẫn có những cách quen thuộc và rõ ràng giúp ta có thể thấy được luật nhân quả. Phần nhiều thì ta có thể kinh nghiệm được hậu quả của chúng ngay lập tức. Ta cảm thấy như thế nào khi tâm ta có những tâm thức hoặc cảm xúc khác nhau? Ta cảm thấy ra sao, thí dụ, khi tâm ta ngập tràn hạnh phúc? Hoặc khi đang chứa đầy sự giận dữ? Khi chúng ta cảm thọ những việc ấy, thì ta cũng đang nhận được ngay những hậu quả tức thời của nghiệp báo: tâm thức của ta làm điều kiện cho kinh nghiệm của mình trong giờ phút hiện tại.

Cộng thêm vào những cảm thọ ấy, tâm thức ta còn thúc đẩy những hành động khác của thân và khẩu nữa. Và hành động sẽ gây ra phản ứng. Ví dụ như khi bạn đến đá mạnh vào một con chó dữ đang nằm ngủ thì việc gì sẽ xảy ra? Tôi tin chắc rằng bạn sẽ thấy ngay sự ứng nghiệm của luật nhân quả! Còn như nếu bạn đối xử với người khác một cách tử tế, minh bạch và thành thật, thì họ sẽ có những phản ứng như thế nào? Hoặc khi bạn đối xử với họ bằng sự thô lỗ, trách móc, lừa lọc thì sao? Bằng những cách đơn giản và hiển nhiên như vậy, mỗi ngày tâm ta ảnh hưởng trực tiếp đến những điều mình nói hoặc làm, và chúng sẽ đem lại những quả báo tức thì cho ta.

Ta cũng có thể kinh nghiệm được luật nhân quả mỗi khi ta sống lại những kinh nghiệm của mình trong quá khứ, bao gồm những gì thiện lẫn bất thiện.

Biết bao nhiêu lần bạn đã phải sống lại, đôi khi với một tâm trạng dày vò, cắn rứt về một việc nào đó trong quá khứ mà bạn hối hận đã làm? Có bao giờ bạn ước rằng mình có thể đi ngược lại thời gian để thay đổi nó không, để có một kết quả khác hơn! Và trong ta, chắc ai cũng đã ít nhất một lần, sống lại bằng ký ức một việc thiện nào đó mà mình đã làm. Có thể là vui sướng về một hành động vị tha, hoặc có được một thời gian tĩnh lặng nào đó. Và có bao giờ bạn đã phải nói, hoặc nghe người khác nói, những lời như là “Tôi rất sung sướng vì đã được nói tôi thương người ấy, trước khi người nhắm mắt” không?

Khi chúng ta kinh nghiệm một niềm đau hoặc một hạnh phúc, có thể nó phát sinh từ tâm thức mình trong hiện tại, hoặc do những hành động trong quá khứ, và ta sẽ thấy rằng nó không chỉ đơn giản chấm dứt ở đó. Kinh nghiệm ấy bao giờ cũng sẽ để lại một ảnh hưởng hoặc dấu vết nào đó trong tâm ta. Sự kiện ấy chứng minh cho luật nhân quả. Mặc dù đây không phải là một hình ảnh trọn vẹn, nhưng ta cũng thấy được rằng, nhân và quả không phải chỉ là những ý niệm suông. Nhìn một cách sâu rộng hơn, con người của ta ngày hôm nay chính là kết quả của nhân mình đã gieo trồng trong quá khứ.

nghiệp quả tinh tế

Ý niệm và danh từ karma, tức nghiệp quả, càng ngày càng trở nên thông dụng trong ngôn ngữ và văn hóa của người Tây phương. Có lần tôi ngồi trên một chuyến phi cơ ở San Francis-co, tôi bắt gặp một bao thơ đầy tiền trong túi ghế phía trước mặt.Khi tôi đi gặp một cô trong phi hành đoàn để giao trả lại số tiền ấy, cô ta cám ơn tôi và nói, “Ồ, ông đã tạo một karma thật tốt lành.” Thế cho nên, đối với đa số, dường như là danh từ karma có một ý nghĩa chung chung nào đó, hoặc là ta làm một hành động gì tốt hay xấu, hoặc khi ta kinh nghiệm một kết quả hạnh phúc hay khổ đau nào đó.

Nhưng thật ra luật nhân quả tinh tế và phức tạp hơn thế nhiều, và ta rất dễ có thể hiểu lầm chúng. Đôi khi người ta cho rằng, luật nhân quả là một thuyết định mệnh hoặc thuyết tiền định mà ta không thể nào tránh khỏi, như là chúng ta bị trói buộc và bất lực trong một hệ thống hoàn toàn máy móc. Sự hiểu biết ấy không đúng, vì những hành động của ta không đem lại một kết quả tiền định nào hết. Thật ra, mỗi hành động của ta chỉ là một hạt giống, hạt giống ấy sẽ nở hoa kết trái, nhưng quả trái ấy là gì lại tùy thuộc vào rất nhiều điều kiện khác nữa, chúng hỗ tương nhau một cách tinh vi và phức tạp phi thường.

Thí dụ, một trong những điều kiện quyết định kết quả của việc làm trong quá khứ là tâm thức của ta trong giờ phút hiện tại, cùng với tình trạng và tập quán của nó. Khi tâm ta tương đối ít bị tham, sân, si thì những hành động bất thiện trong quá khứ cũng sẽ ít có cơ hội để kết thành quả trái hơn. Chúng ta lúc nào, kể cả trong quá khứ, cũng được bảo vệ bởi vùng năng lượng của tâm thiện trong giờ phút hiện tại. Sự thanh tịnh của tâm ta sẽ ngăn chận hoặc chuyển hóa được những nghiệp quả xấu. Và ngược lại cũng thế, nếu sự giận dữ, thù ghét, sợ hãi, tham lam hoặc si mê là thói quen của tâm, chúng sẽ tạo nên một môi trường xấu cho những việc làm bất thiện trong quá khứ nở hoa kết trái, và cũng sẽ ngăn chận hoặc chuyển hóa những nghiệp quả tốt lành của ta.

Cuộc sống của ta là một hệ thống biến động, tiến triển không ngừng, những việc làm của ta trong hiện tại luôn luôn cung cấp vào và thay đổi tiến trình khai mở của những điều kiện trong quá khứ. Chúng ta không bao giờ có thể biết được khi nào hạt giống mình gieo trồng sẽ sinh ra quả trái. Ta có thể sẽ kinh nghiệm được chúng ngay trong đời này, có khi là đời tới, hoặc bất cứ một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng những hành động của ta trong hiện tại, sẽ có thể ảnh hưởng và quyết định được những hạt giống nghiệp báo nào sẽ có cơ hội để kết thành quả trái.

Sau đây là một câu chuyện cho ta thấy tiến trình nghiệp báo này phức tạp và tinh tế đến chừng nào. Muốn tin được câu chuyện này, có thể bạn cần phải cởi mở hoặc thay đổi cái nhìn của bạn về thực tại một chút. Nếu bạn cho rằng nó không đáng tin cũng không sao, vì bạn không cần phải chấp nhận bất cứ một khái niệm nào về vũ trụ quan của Phật giáo, mới có thể giải thoát hoàn toàn được.

Vào thời đức Phật có một người đàn ông nọ thường xuyên tỏ ra rất tàn ác và bất nhân. Hắn giết người, cướp của và lừa lọc. Trong tâm hắn chất chứa những tâm thức ác độc, hắn lại có những lời nói, và hành động rất tàn nhẫn trong cuộc sống. Con người như vậy thì đúng là một thí sinh vẹn toàn cho sự tái sinh vào một thế giới khổ đau, có phải vậy không bạn? Thường thì đúng như vậy. Nhưng kẻ gian ác này lại xoay sở để có thể làm được một việc rất thiện trong cuộc đời hắn: hắn đã cúng dường thực phẩm cho Ngài Xá lợi phất, Sariputra, một bậc giác ngộ và cũng là một đại đệ tử của đức Phật.

Sau một kiếp sống đầy những hành động bất nhân, cuối cùng chánh quyền đã bắt và ra lệnh treo cổ, vì những việc làm tàn ác của hắn ta. Khi tên tội phạm ấy bước lên giàn xử tử với giây thòng lọng quanh cổ, hắn chợt thấy một nhà tu đi ngang qua. Vị tăng ấy gợi cho hắn nhớ lại hành động cúng dường thực phẩm cho Ngài Xá lợi phất ngày xưa, và khi hồi tưởng lại việc thiện của mình đối với một bậc an lạc như vậy, hắn cảm thấy vui sướng.

Vừa ngay chính giây phút đó, hắn bị treo cổ. Năng lực của giây phút cuối cùng ấy - sự tốt lành của một hành động thiện trong quá khứ và niềm vui phát khởi khi hồi tưởng lại - đã làm điều kiện cho giây phút kế tiếp, giây phút tái sinh, và hắn đã được sinh về một nơi mà hắn ta không bao giờ có thể ngờ được. Hắn đã được tái sinh vào thế giới của cõi trời, đây là cõi của những bậc thiên vương có rất nhiều hạnh phúc và gặp toàn những điều kiện tốt lành.

Bạn thử tưởng tượng đến sự ngạc nhiên của hắn. Tên tội phạm ấy đã sống một cuộc đời khốn nạn và hết sức tàn ác, vậy mà giờ đây hắn lại được tái sinh vào một thế giới hạnh phúc, với mọi việc đều tuyệt mỹ! Kinh viết rằng, các bậc thiên vương có quyền năng nhớ lại những kiếp quá khứ. Cho nên vì tò mò, hắn ta nhìn lại và thấy những việc làm bất thiện của mình, nhưng hắn cũng thấy được một việc thiện mà mình đã làm và sự hồi tưởng lại nó trong lúc chết. Hắn hiểu được hậu quả nghiệp báo ghê gớm của giây phút cuối cùng ấy.

May thay - cũng như nhiều câu chuyện khác trong thời đức Phật bao giờ cũng có hậu - tên thiên vương tội phạm cũ này đã chịu phục tòng và tu theo Phật pháp. Anh ta đã tu tập thật siêng năng vì biết rằng, ngày nào mình vẫn còn ở cõi thiên thì những nghiệp báo kia sẽ không thể nào chạm đến được. Nghiệp báo không có khả năng đi đến cõi thiên. Nhưng chúng vẫn tồn tại, những kết quả của việc làm bất thiện của anh ta trong quá khứ mặc dù bất động, nhưng lúc nào cũng tiềm tàng mạnh mẽ.

Khi bàn về câu chuyện lý thú này, Ngài Mahasi Sayadaw của Miến Điện, một trong những đại thiền sư và học giả của thế kỷ XX viết rằng, những ai tận tâm tu tập, cho dù họ không giác ngộ trong đời này cũng sẽ được tái sinh vào cõi trời. Kết quả nghiệp báo của việc giữ ngũ giới và thực tập thiền quán sẽ mang lại cho ta phước lành này. Nhờ ở thân tỏa chiếu, tâm mẫn tiệp và trí thông minh sắc bén trong thế giới của cõi trời, những ai đã có căn bản thiền tập trong đời trước, sẽ có thể đạt được giác ngộ rất mau chóng ở nơi đây.

Bạn hãy tự nhắn nhủ mình điều này những khi nào bạn cảm thấy ngã lòng, thối chí trong sự tu tập và muốn buông bỏ hết tất cả. Sự tinh tấn của bạn có một ảnh hưởng rất rộng lớn, hơn tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng được.

Thế cho nên, luật nhân quả thật vô cùng phức tạp. Nếu bạn cảm thấy lẫn lộn, bối rối vì sự phiền phức ấy, thì có một sự thật đơn giản mà bạn có thể luôn ghi nhớ: kết quả nghiệp báo của ta ra sao, tùy thuộc một phần lớn vào hoàn cảnh mà ta đang có ngay bây giờ, và vào tâm trạng của ta trong giờ phút hiện tại. Trong giây phút này, ta đang nuôi dưỡng tâm thức nào? Câu hỏi ấy rất trọng yếu, vì câu trả lời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự kết quả trái của những hành động của ta trong quá khứ.

si mê, gốc rễ của khổ đau

Khi có một việc ác xảy ra, ai hoặc cái gì thật sự chịu trách nhiệm?

Một vị thầy của người bạn tôi là một tu sĩ Ấn Độ giáo, sadhu, có nghĩa là từ bỏ, một người rất dễ thương. Mấynăm trước đây ông có ghé thăm Hoa Kỳ, và tuyên bố một điều mà cho đến bây giờ nó vẫn còn đeo theo tôi mãi. Ông bảo rằng, khi ông nhìn thế giới này, ông không thấy sự tàn ác, ông không thấy chiến tranh, ông cũng không thấy hận thù. Cái mà ông thấy là sự si mê của con người.

Đó là một sự thật. Những hành động tàn ác của loài người, những việc làm gây nên khổ đau - gốc rễ của chúng là từ đâu? Gốc rễ của chúng nằm sâu trong sự si mê của chúng ta, vì không thấy được rằng khổ đau và nghiệp báo là do chính mình tạo nên.

Nếu một người nào đó cứ cắm đầu đi vào nơi lửa cháy, thì chính họ đang làm việc khiến cho họ bị phỏng. Vì đặc tính phổ thông và không trốn tránh khỏi của luật nhân quả, nên khi có ai làm một việc gì bất thiện, nếu ta có thể nhìn xuyên qua những hành động ấy và thấy được gốc rễ của nó nằm nơi sự si mê, thì thay vì phản ứng bằng giận dữ, ta có thể đáp lại bằng lòng từ bi, thương xót đối với người ấy. Họ đang đi về hướng ngọn lửa, thì khổ đau sẽ là hậu quả tất nhiên của việc làm đó.

Và ta cũng không nên thù ghét sự si mê làm gì. Việc ấy chẳng ích lợi gì mà cũng không làm vơi được khổ đau, có chăng là bạn chỉ đem tổn hại đắp thêm vào với tổn hại mà thôi. Phương cách hay nhất là đem từ bi và hiểu biết chiếu soi vào tình trạng ấy. Brian Keenan, một con tin người Anh được thả ra ở Lebanon sau bốnnăm bị giam cầm, đã diễn đạt được sự minh triết này. Ông bảo rằng, ông không hề có ý muốn trả thù những người đã bắt giữ mình, vì trả thù cũng giống như là đi tự chặt cắt chân tay mình vậy, và ông không hề có ý định hủy hoại thân thể mình làm gì.

Tôi không muốn khuyên các bạn nên khuất phục trước những hành động tàn ác. Đôi khi những phản ứng mạnh mẽ, cương quyết là cần thiết và thích hợp. Nhưng chúng ta đáp lại những hành động tàn ác ấy bằng cách nào, lại tùy thuộc vào sự hiểu biết của mình về chúng. Ta cũng cần phải nhớ rằng, những phản ứng của mình cũng rất có thể tạo nên quả báo mới. Khi ta nhận thức được rằng, những hành động bất thiện có gốc rễ từ sự si mê, ta có thể tập trung năng lực của mình vào việc nhổ bứng gốc rễ ấy trong ta và người khác. Lòng từ bi giúp ta cảm nhận được những khổ đau gây nên bởi sự si mê, và tuệ giác sẽ chỉ cho ta những gì cần phải làm.

chánh niệm, gốc rễ của hạnh phúc

Đôi khi người ta lại nghĩ rằng, giác ngộ chỉ đến khi nào ta trả hết nghiệp quả của mình. Theo quan niệm này thì chúng ta cứ ngồi yên và lãnh chịu hết kết quả của tất cả những hành động trong quá khứ, cho đến khi nào chúng hoàn toàn được giải tỏa. Và khi nào nghiệp quả của ta tiêu tan hết thì giác ngộ sẽ đến.

Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, vì tất cả chúng ta đều đang lê bước trong một núi nghiệp quả của quá khứ cao như thái sơn và nhiều vô tận. Đức Phật nói rằng, trong vòng tròn bất tận của sanh, lão, bệnh, tử, ta không thể nào tìm được điểm bắt đầu. Mỗi người chúng ta đã sống qua vô số kiếp, tạo nên một số lượng nghiệp quả thiện và bất thiện không thể nghĩ bàn. Vì vậy cho nên, giải tỏa hết được những nghiệp quả của mình là một chuyện không thật, mà đó cũng không phải là con đường mà ta đang theo đuổi.

Cây chìa khóa mở cánh cửa giải thoát của ta gồm có hai phần trọng yếu. Thứ nhất, chúng ta cố gắng ngăn chận những lời nói và hành động bất thiện, để thôi tạo nên những nghiệp xấu mới, và khỏi chịu hậu quả khổ đau. Thứ hai, trong giờ phút hiện tại này, chúng ta tập tiếp xúc với những nghiệp quả của quá khứ một cách khôn ngoan.

Thí dụ, một cảm thọ đau đớn trong thân là nghiệp báo của một hành động bất thiện nào đó trong quá khứ. Nếu chúng ta đáp lại bằng sự ghét bỏ hoặc lòng thù hận, ta sẽ chỉ gieo những hạt giống bất thiện, để rồi chúng lại kết thành những hoa trái xấu khác trong tương lai. Nhưng nếu ta biết tiếp xúc với cảm thọ đau ấy bằng chánh niệm, bằng chấp nhận, dịu dàng và cởi mở, thì mặc dù ta vẫn kinh nghiệm kết quả đau đớn của việc mình làm trong quá khứ, nhưng ta không hề tạo thêm một nghiệp bất thiện nào mới nữa. Cũng vậy, khi ta có những cảm thọ vui sướng nhờ nghiệp báo tốt lành, ta có thể tập sống với chúng nhưng không hề chấp trước hoặc bị dính mắc. Bằng cách giữ chánh niệm về cảm thọ, chúng ta sẽ ngăn chận được tiến trình tái lập điều kiện này. Sự tự tại của chúng ta tùy thuộc vào khả năng ý thức được những hiện tượng thay đổi này, mà không phản ứng theo chúng, và không bị vướng mắc.

Nếu ta có thể tự cởi mở, cho phép mình cảm nhận bất cứ việc gì đang có mặt mà tâm không phản ứng, thì không có gì là vấn đề cả. Ta có thể sống trọn vẹn với bất cứ chuyện gì đang xảy ra, mà không sợ những yếu tố nghiệp báo bất thiện của tham, sân và si. Và từ đó chúng ta sẽ tạo được hạnh phúc cho mình.

Nhưng khi ta cởi mở ra, đặc biệt là với những tập quán lâu kiếp lâu đời, và có chánh niệm về chúng, nó mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Chánh niệm ấy không phải là một ý thức nông cạn và tầm thường. Nó không phải chỉ là một nhận thức sơ sài, “Ồ phải rồi, tôi có thấy thói quen ấy.” Sức mạnh của chánh niệm nằm ở việc ý thức được những gì đang có mặt mà không bị đồng hoá, và cũng không chấp trước rằng ý thức ấy là ta. Giải thoát nằm ở nơi đó.

Vì vậy, trong mỗi giây phút ta phải biết thực tập ý thức về hơi thở, tư tưởng, cảm giác, cảm xúc và trạng thái của tâm mình. Đa số những kinh nghiệm xảy đến với ta trong hiện tại là kết quả của những việc ta đã làm trong quá khứ. Bất cứ đó là một kinh nghiệm gì, hạnh phúc hay khổ đau, cũng đều tốt cả, nếu ta biết phát triển một chánh niệm để có thể nhìn thấy nó, cảm nhận nó, sống với nó mà không nắm bắt, không xua đuổi và cũng không chấp trước.

Sau khi đức Phật đã giác ngộ, Ngài cùng tăng đoàn của Ngài được mời đến cư ngụ tại một ngôi làng cho hết mùa mưa. Không may, nơi ấy có một nạn đói dữ dội đang xảy ra. Trong suốt ba tháng trời, đức Phật và tăng đoàn của Ngài chỉ được cúng dường bằng thực phẩm của ngựa. Tình trạng túng thiếu hết sức nghiêm trọng. Hoàn cảnh ấy là kết quả của những việc làm xấu nào đó trong quá khứ, mặc dù đối với một người đã được giải thoát hoàn toàn như là đức Phật, cũng không thoát khỏi. Nhưng nhờ tuệ giác và sự an lạc của đức Phật, tình trạng khó khăn ấy đã chẳng gây nên một khổ tâm nào cho Ngài hết.

Khi chúng ta đáp lại với những nghiệp quả của quá khứ bằng sự bình thản, không phản ứng, ta sẽ mang lại cho tâm mình một sự quân bình rất lớn. Giác ngộ không phải xảy ra sau khi chúng ta đã giải trừ được một số nghiệp quả nào đó. Nó xảy ra khi tâm ta cắt xuyên qua được vô minh. Và sự kiện ấy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì nó không có một thời điểm đặc biệt nào hết.

Trong một chương trước, tôi có nhắc đến câu chuyện của một nhân vật trong thời đức Phật tên là Angulimala, “xâu chuỗi ngón tay.” Mặc dù trong quá khứ, Angulimala đã giết 999 người một cách rất tàn ác, nhưng sau đó ông đã tu tập với một tấm lòng hết sức chân thành, và chỉ trong một thời gian ngắn ông đã đạt được giải thoát hoàn toàn.

Thay vì đi giải tỏa hết những hậu quả đau đớn của việc mình làm ngày xưa, Angulimala đã phá tung được tấm màn vô minh trong tâm, và đạt được tự do hoàn toàn. Mặc dù đã được giác ngộ viên mãn, nhưng khi Angulimala đi vào làng khất thực, người ta vẫn thường ném gậy, đá vào ông. Ông chịu đủ thứ mọi thương tích vì kết quả của những hành động trong quá khứ. Nhưng trong trường hợp của Angulimala, ông ta đã chịu đựng với một sự bình thản và tĩnh lặng, vì tâm ông đã được giải thoát.

Tôi thích câu chuyện ấy lắm, vì nó đem lại cho tôi một niềm tin những khi tôi lo âu về các hành động bất thiện của mình trong quá khứ. Sự giác ngộ của ta không hề tùy thuộc vào việc giải tỏa hết những nghiệp báo của mình. Nó chỉ tùy thuộc vào phẩm chất của chánh niệm, của sự quân bình và tuệ giác của ta trong giờ phút hiện tại này mà thôi.

nghiệp báo và vô ngã

Một trong những tuệ giác lớn kết chặt với nhau trong Phật pháp là sự nối liền luật nhân quả với lại lý vô ngã. Trên bề mặt thì dường như chúng có nhiều mâu thuẫn: Nếu không có một cái ngã thì ai là người đang có mặt trong cuộc sống này, ai tái sinh đời này sang đời khác, ai là người phải gánh chịu những nghiệp quả? Và ai là người chết đi rồi lại tái sanh? Mặc dù luật nhân quả và chân lý về cái Không dường như mâu thuẫn nhau, nhưng khi nhìn sâu hơn bạn sẽ thấy được rằng, hai khía cạnh này của Phật pháp thật ra chỉ là những phần khác nhau của một cái duy nhất.

Nghiệp quả là một định luật luân lý về nhân và quả. Nó có nghĩa là những hành động phát sinh do những tâm hành khác nhau trong ta, sẽ đem lại những hậu quả khác biệt. Cũng giống như khi ta gieo trồng những hạt giống trên mặt đất vậy. Nếu bạn gieo hạt táo, bạn sẽ chắc chắn được cây táo chứ không được cây xoài. Và chừng nào gieo xuống hạt xoài, bạn sẽ được cây xoài. Chắc chắn là như vậy.

Mặc dù mỗi hạt giống sẽ mang lại một quả trái đặc biệt, nhưng hạt giống tự nó không phải là quả trái ấy. Hạt giống tự nó khôngthể nào sinh ra quả được. Thật ra, nó phải có một tiến trình chuyển hóa và xảy ra theo đúng định luật. Hạt giống đâm ra mầm non, mầm non sẽ mọc thành cây, cây nở hoa sinh trái, và rồi từ trái sinh thêm nhiều hạt giống mới khác. Cái hạt giống đầu tiên ấy đâu phải được thể nhập vào thân cây bằng một phép thần thông nào đó, rồi lại biến ra thành trăm ngàn hạt nhỏ nằm trong những trái cây. Hạt giống ấy phải trải qua một quá trình chuyển hóa tuỳ thuộc vào những điều kiện đặc biệt như là mưa, nắng, thời tiết và phân bón...

Trong quá trình này, không có một yếu tố nào có thể giữ được sự thuần nhất của nó mãi. Một vật này sẽ chuyển thành một vật khác, rồi lại một vật khác nữa, liên tục. Tiến trình khai triển ấy, từ hạt giống đến quả trái, rồi lại trở về hạt giống, là một sự trở thành không ngừng nghỉ, một sự đổi thay bất tận. Sự thật thì những sự biến đổi này xảy ra quá nhanh, và quá liên tục, nên khi ta cô lập bất cứ một giây phút nào lại và gọi đó là một vật có thật, là ta đã vô tình đi đông cứng và trói buộc một thực tại có tính cách linh động và chuyển hóa lại rồi.

Cũng vậy, tất cả mọi yếu tố của thân và tâm ta cũng đang sinh lên và diệt đi, thay đổi liên tục, chuyển hóa giống y hệt như thế. Vì vậy, vô ngã có nghĩa là không có một thực thể thường hằng bất biến nào di chuyển từ đời này sang đời khác, hoặc từ giây phút này sang đến giây phút kế.

Cái mà ta gọi là ngã thật ra chính là cái tiến trình thay đổi này. Trong tiến trình này, mỗi hành động có tác ý là một hạt giống, và loại hạt giống nào thì còn tùy thuộc vào phẩm tính của tâm thức kết hợp với tác ý ấy. Những hành động này sẽ mang lại kết quả, cũng giống như những hạt giống sinh ra quả trái. Không có một “người” nào, không có một cái ngã nào ở phía sau những sự kiện biến đổi này. Đức Phật diễn tả chúng ta như là “những hành động mà không có người hành, những việc làm mà không có người làm.”Thế cho nên, ta có thể hiểu được sự khai mở của cuộc sống mình như là một tiến trình thay đổi có định luật, không thuộc riêng ai, nó là một tiến trình trở thành liên tục.

Thế việc gì sẽ xảy đến với ta vào lúc chết? Theo Vi diệu pháp, Abhidharama, một quyển sách về phân thân tâm học của Phật giáo, thì tâm thức của cái chết sẽ là một tâm thức sau cùng của ta trong cuộc đời này.

Phẩm chất của giây phút cuối cùng ấy sẽ làm điều kiện cho sự phát khởi của tâm thức tái sinh, tức cái tâm thức đầu tiên của một sự sống mới. Không có một vật gì, một cái ngã nào, được mang từ sự sống này sang đến sự sống kế tiếp. Cũng như mỗi giây phút trong cuộc đời này, bao giờ cũng làm điều kiện cho giây phút kế tiếp, tâm thức ta trong lúc chết sẽ làm điều kiện cho giây phút của sự tái sinh kế tiếp.

Đôi khi người ta lại nghĩ rằng, vì tự tính của mọi tiến trình là vô ngã, nên ta sẽ không phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Nhưng đó là một kết luận hết sức sai lầm. Chính vì luật nhân quả là một năng lực mãnh liệt chi phối sự sống, mà ta lúc nào cũng cần phải thật cẩn trọng trong những việc mình làm. Chúng sẽ mang lại cho ta hạnh phúc hoặc khổ đau. Ngài thánh tăng Padmasambhava (Liên Hoa sinh), người đã mang Phật giáo từ Ấn Độ vào Tây Tạng, nói rằng, mặc dù quan điểm của ông mênh mông như bầu trời, nhưng sự chú tâm của ông về luật nhân quả tinh vi như một hạt bột lúa đại-mạch. Thế cho nên, mặc dù chúng ta ý thức được tính vô ngã trong tiến trình của sự sống, nhưng lúc nào ta cũng phải thật thận trọng trong mỗi hành động của mình.

loài thú

Loài thú, cũng như loài người, chúng có tạo nghiệp không? Chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng là loài thú cũng có nhận thức và cảm thọ, chúng cũng biết ý thức, biết trả lời và phản ứng như ta. Vì những lý do ấy, những loài sống trong thế giới của súc sinh vẫn tạo nghiệp như những cõi khác.

Nhưng phần nhiều, thế giới của loài thú không có khả năng của chánh niệm. Loài thú hành động đa số theo bản năng, chúng không có chánh niệm để có thể phân biệt được giữa những hành động thiện và bất thiện. Mà rất có thể chúng cũng không hề có một ý niệm gì về thiện và bất thiện.

Được sinh ra làm người là một điều vô cùng quý báu, vì chúng ta có cơ hội để phân biệt được xấu tốt, thiện ác. Chúng ta có dịp may để hiểu được luật nhân quả, và ý thức rằng mỗi hành động sẽ mang lại một hậu quả. Ta biết dừng lại và suy xét trước khi hành động, biết chọn lựa sáng suốt.

Trong cuộc sống hằng ngày nếu ta biết quan sát, đôi khi cũng rất là lý thú. Ta sẽ nhận thấy được cái phạm vi rộng lớn của những phản ứng của mình đối với các hoàn cảnh khác nhau. Ta cũng có thể nhận thức được khi nào mình đang sống trong một trạng thái tự động, hành xử theo thói quen và điều kiện, không có chút chánh niệm về những gì mình làm. Ví dụ như khi ta cảm thấy đói bụng, lòng muốn ăn khởi lên, và ta tự động mở tủ lạnh tìm đồ ăn mà không chút suy nghĩ. Có bao giờ chuyện ấy xảy đến cho bạn không? Và trong cuộc sống hằng ngày, khi ta có ý thức hơn, biết đem chánh niệm chiếu soi trên những hành động của mình, những cơ hội cho ta có một sự tự do chọn lựa sẽ xuất hiện.

Định luật nghiệp quả hoạt động trong tất cả mọi thế giới của chúng sinh, vì tâm thức, tác ý và hành động có mặt ở những nơi ấy. Và chỉ khi nào có chánh niệm, chúng ta mới có thể thật sự chọn lựa được cho mình con đường giải thoát.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh