Kinh Nghiệm Thiền Quán: Chương 7. Thực Tập Trong Đời Sống Hằng Ngày

KINH NGHIỆM THIỀN QUÁN: CHƯƠNG 7. THỰC TẬP TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY

an trú trong hiện tại

Sau giờ ngồi thiền hoặc sau một khóa tu, chúng ta trở về với những sinh hoạt của thế giới bên ngoài, vấn đề là làm thế nào để ta có thể sống với hiện tại và vẫn giữ được chánh niệm mà không xao lãng? Sự tiếp nối quan trọng này, từ một chánh niệm trên tọa cụ bước sang một chánh niệm trong sự sống hằng ngày, ảnh hưởng rất sâu xa đến nền tảng tự do của ta.

Trong cuộc sống hằng ngày, thực tập giữ chánh niệm về thân là một trong những phương pháp dễ dàng nhất giúp ta sống với hiện tại. Phương pháp quán niệm này rất hữu hiệu, đức Phật đã giành ra nhiều bài pháp để dạy về nó. Ngài nói rằng, giữ ý thức nơi thân sẽ dẫn ta đến Niết bàn, đến nơi giải thoát, đến một tình trạng vô điều kiện. Thế cho nên, mặc dù phương pháp tu tập này tuy rất là đơn giản, nhưng nó không có nghĩa là nông cạn hoặc chỉ hời hợt bề ngoài.

Thân ta là một đối tượng quán niệm hết sức rõ ràng và hiển nhiên, nó không sâu kín như là tư tưởng hoặc cảm xúc. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể ý thức được thân mình, nhưng chỉ có mỗi một điều là ta có nhớ để mà làm việc ấy hay không. Cái nhớ mới là khó chứ chánh niệm không phải là vấn đề.

Vì vậy bạn hãy nhớ sử dụng thân của mình như là một phương tiện để giúp ta tỉnh thức. Nó rất là đơn giản, thí dụ như bạn có thể thực hành bằng cách giữ một ý thức về tư thế của mình chẳng hạn. Có lẽ là bạn ngồi trong khi đang đọc quyển sách này. Ngay trong giây phút này, thân bạn có những cảm giác ra sao? Khi bạn đặt quyển sách xuống và đứng dậy, hãy cảm nhận động tác đứng lên ấy, ghi nhận những động tác khi bạn chuyển sang một sinh hoạt kế tiếp, cử động của bạn khi nằm xuống nghỉ ngơi sau một ngày. Hãy luôn để tâm nơi thân của bạn, khi di động, khi với lấy một vật gì, khi quay người... Sự thực tập rất là đơn giản, chỉ có vậy thôi.

Sống với hiện tại nơi thân mình là một lý do vì sao thiền hành đã giúp tôi rất nhiều trong sự tu tập. Sau khi đã bỏ ra hằng ngàn giờ đồng hồ để thực tập đi kinh hành trong nhiều năm trời, tôi thật sự có thể cảm giác được bàn chân và toàn chân của tôi, trong mỗi buớc đi, một cách hết sức tự nhiên. Thói quen có mặt với cảm giác của mỗi bước chân, cũng giữ cho ý thức của tôi được vững vàng trong những thời gian khác của cuộc sống hằng ngày.

Nhưng bạn không cần phải bỏ ra trăm ngàn giờ để thực tập thiền hành, hay bất cứ một phương pháp quán niệm nào đó về thân, mới có thể thấy được lợi ích của nó. Bạn chỉ cần kiên nhẫn tập ý thức những gì đang có mặt nơi đây, trong giờ phút này - mà thân ta thì bao giờ cũng ở đây - cho đến khi nào bạn có thể nhận thấy được hết cho dù một cử động thật nhỏ nhặt, và nó trở thành một bản tánh thứ hai của bạn. Giả sử như bạn với tay lấy một vật gì, thì là bạn đang thực tập đó, và không có gì khác hơn cần phải làm nữa hết! Hãy giản dị ghi nhận hành động với lấy ấy. Bạn đang di động. Bạn có thể tập có mặt để cảm thấy sự di động ấy không?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Sự tu tập ấy rất là đơn giản. Bạn hãy kiên trì và tiếp tục đem sự chú ý của bạn trở về nơi thân. Sự cố gắng căn bản, nhưng có vẻ hơi ngược đời là buông thả trở về với giây phút hiện tại, trao cho ta cây chìa khóa mở rộng cánh cửa ý thức của mình, trong lúc hành thiền cũng như khi sống giữa cuộc đời. Bạn đừng bao giờ coi thường sức mạnh của việc có cảm giác về những cử động đơn sơ của thân ta trong trọn một ngày.

Một cách khác có thể giúp ta phát triển được tâm quán chiếu, ngoài thời gian tọa thiền và các khóa tu, là đặc biệt chú ý đến những lúc ta có một kinh nghiệm mãnh liệt hoặc khó khăn. Đôi khi những giây phút bùng mở và tuệ giác thâm sâu nhất, lại xảy ra vào những thời điểm gay go nhất trong đời ta. Và đau đớn, bệnh hoạn, rối rắm tinh thần, gặp hiểm nguy... những giây phút kinh nghiệm mãnh liệt ấy, bao giờ cũng có thể xảy đến cho tất cả chúng ta.

Vì khi ta có một kinh nghiệm mãnh liệt, nó tự nhiên sẽ đóng đinh sự chú ý của mình lập tức. Lúc ấy, ta sẽ có cơ hội rất tốt để quan sát sự việc một cách chính xác và thận trọng hơn. Ta có thể quán chiếu để xem việc gì thật sự xảy ra và phản ứng của ta như thế nào. Ta có bị mắc kẹt không? Vì sao ta lại bị vướng mắc vào đó? Trong hoàn cảnh này ta nên xử sự thế nào cho phải? Chỗ nào ta có thể mở rộng ra và nơi nào cần nên buông bỏ?

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một vị tăng sĩ Phật giáo bị một con cọp vồ bắt trong rừng sâu. Các thầy khác đứng xa không thể làm cách gì để cứu ông được, họ chỉ có thể kêu lên nhắc nhở ông: “Giữ chánh niệm! Giữ ý thức!” Chuyện kể rằng, trong hoàn cảnh kịch liệt dữ dội đó, khi ông bị con cọp lôi kéo, cắn xé, ăn thịt, vị tăng sĩ ấy đã đạt được hết tất cả những trạng thái giác ngộ, liên tiếp nhau, trước khi ông chết.

Không phải tôi khuyên bạn nên đi vào rừng sâu tìm kiếm một con cọp đói nào đó, để mình có thể được tiến bộ nhanh chóng trên con đường đạo đâu nhé! Vì rất nhiều khi, bằng hình thái này hoặc hình thái khác, con cọp ấy lại thường đến tìm ta. Đến chừng đó, câu hỏi đơn giản là ta có biết sử dụng hoàn cảnh ấy cho sự tiến hóa tâm linh của mình hay không. Nếu không, ta sẽ lại tự tạo điều kiện để giam hãm mình sâu xa hơn trong những tập quán có sẵn lâu kiếp lâu đời. Và ngược lại, nếu có, thì những kinh nghiệm mãnh liệt ấy có thể là một hỏa tiễn phóng đẩy ta tiến thẳng vào khung trời giải thoát.

tình thương và hiểu biết

Tình thương và hiểu biết là đôi cánh lớn của Phật pháp. Cho dù ta đang ở giữa một cuộc sống quay cuồng bận rộn hoặc ở nơi tĩnh lặng thâm sâu của một khóa tu, một tâm thức sáng tỏ và một trái tim rộng mở bao giờ cũng là những sức mạnh tối thượng mà ta cần phải trau luyện, chúng vừa là phương tiện và cũng vừa là cứu cánh của sự tu tập.

Những phẩm tính huyền diệu này của tâm và trí, không phải là những đức hạnh đặc biệt dành riêng cho các bậc thiền sư. Chúng là những năng lực rất phổ thông, và nhiều khi lại xuất hiện ở những nơi mà chúng ta ít có thể ngờ nhất. Nhiều khi cuộc sống hoạt động của cư sĩ lại có thể đem cho ta những cơ hội liên tục, không những chỉ nuôi dưỡng, mà còn để biểu lộ tình thương và tuệ giác nữa.

Một trong những vị thầy đầu tiên của tôi, người mà tôi có nhắc đến trước đây, đã dung hợp được tình thương và hiểu biết một cách rất đặc biệt. Dipa Ma, một người đàn bà phi thường đã sống và dạy thiền ở Calcutta, sinh ra vào đầu thế kỷ này và mất năm 1989. Theo phong tục của quê hương và thời đại của bà, bà lấy chồng vào năm còn rất trẻ, khoảng chừng 14 tuổi, và có được ba người con. Chồng bà qua đời một cách đột ngột, sau đó hai người con của bà cũng mất theo, bỏ lại bà với một nỗi sầu khổ khôn cùng. Nỗi ưu sầu ấy làm bà suy nhược đến độ bà đã nằm liệt trên giường hơn mấy năm trời.

Vào thời gian chồng và con của bà qua đời, Dipa Ma đang sống tại Miến Điện, nơi chồng bà làm việc với một cơ quan dân sự. Sau những năm tháng bệnh tật và yếu nhược, bà hiểu rằng, trừ khi bà làm một việc gì để chữa lành vết thương tinh thần của mình, bà chắc chắn sẽ chết. Nghĩ vậy, bà tìm đến một trong nhiều tu viện Phật giáo tại Miến Điện và bắt đầu thực tập thiền quán. Mặc dù bà Dipa Ma có một thân hình nhỏ bé và rất kiệt quệ, nhưng bà mangmột tâm hồn và ý chí rất sắt đá. Chỉ trong vòng một thời gian hết sức ngắn ngủi, bà đã đạt được một trình độ tuệ giác khá cao và một định lực rất thâm sâu.

Sự thành công của bà Dipa Ma trong lãnh vực tâm linh là một việc rất phi thường. Nhưng đặc điểm của cuộc đời bà, sau khi đã bắt đầu tu tập, là phẩm tính giản dị vô cùng của con người ấy. Từ sự đơn sơ đó, tỏa phát ra một sự phối hợp nhiệm mầu giữa tuệ giác về cái không, tình thương bao la và niềm an lạc tĩnh lặng. Có một lần, khi người ta hỏi Dipa Ma trong tâm bà chứa đựng những gì, bà đáp, “Tĩnh lặng, an lạc và từ bi. Có bấy nhiêu thôi.”

Câu trả lời của bà cho ta thấy được sự huyền diệu của việc hợp nhất ấy.

Có được an lạc là nhờ ta bứng nhổ tận gốc rễ những điều bất thiện như là tham, sân, si, đã từng tạo sóng gió và khổ não trong tâm. Mà ta nhổ được gốc rễ của chúng là nhờ vào năng lực của chánh niệm. Bà Dipa Ma thường sử dụng từ bi quán để đạt đến những trạng thái thiền định thâm sâu, và rồi bà dùng định lực ấy để phát triển tuệ giác, qua sức mạnh của chánh niệm.

Trong bà Dipa Ma, những phẩm tính mà bà đạt được trong sự tu tập nuôi dưỡng lẫn nhau. Từ bi nuôi dưỡng trí tuệ. Trí tuệ trở thành nền tảng của giải thoát, giúp ta tránh được những điều bất thiện. Và từ sự tự do ấy, tâm ta được an định hơn, nó lại giúp cho năng lực của từ bi trở nên vững mạnh hơn. Nhìn thấy sự hoà hợp ấy nơi bà Dipa Ma là một hình ảnh thật đẹp. Mỗi khi có sự hiện diện của bà, người ta cảm thấy được tình thương và tuệ giác đã hội nhập lại thành một.

Dipa Ma bao giờ cũng là một mẫu mực cho tôi và những ngườikhác noi theo, vì bà đã mang sự tu tập dũng mãnh ấy đi vào cuộc đời, qua vai trò của một người chủ gia đình, một người mẹ, một bà ngoại. Bà không bao giờ giải đãi trong sự tinh tấn đạt đến mục tiêu cuối cùng của mình, mặc dù sự tu tập của bà lúc nào cũng cởi mở, từ bi và vị tha. Vì vậy, nếu lần sau bạn có cảm thấy rằng công việc của mình, bổn phận làm cha mẹ của mình, hoặc một mối tương quan nào, hay một sự dính mắc trần tục nào, đã làm ngăn trở sự tu tập của bạn, hãy nhớ đến bà Dipa Ma và biến những trở ngại ấy thành chính sự tu tập của mình.

tâm từ

Trong quyển “Kẻ Hành Quyết Tình Yêu”, nhà phân tâm học nổi tiếng tại Stanford, Irwin Yalom, viết: “Tôi không ưa làm việc với những bệnh nhân nào đang yêu. Có lẽ vì lòng ghen tức. Tôi, cũng thế, khao khát sự say mê. Có lẽ bởi vì tình yêu và phân tâm học, tự cơ bản, chúng đã xung khắc với nhau rồi. Một nhà tâm lý trị liệu giỏi phải biết chiến đấu với bóng tối để tìm ánh sáng, trong khi ấy, tình yêu lãng mạn phải được nuôi dưỡng bằng sự bí ẩn và nó sụp đổ dưới sự xét soi. Vì vậy mà tôi ghét làm một kẻ hành quyết tình yêu.”

Có thứ tình yêu nào không sụp đổ dưới sự quan sát, mà lại còn tương hợp và làm tăng thêm sự ngời sáng của nó nữa? Có gì khác biệt giữa một sự đam mê khi ta “ngả vào tình yêu” (falling in love) và cái phẩm chất khi ta “đứng vững trong tình yêu” (standing in love) không? Sự khác biệt mà tôi muốn nói đó, trong Pali gọi là metta, tức là tâm từ.

Metta, hay tâm từ, là lòng vị tha muốn cho mọi loài được hạnhphúc, trong đó có cả mình và người khác. Tâm từ làm tươi mát tâm và trí của ta bằng sự nhân hậu. Trí của ta sẽ trở nên uyển chuyển và tâm ta trở nên nhân ái, khi lòng từ thúc đẩy ta đi tìm hạnh phúc và an lạc cho tất cả. Lòng từ ấy được biểu lộ trong ta bằng một sự mong ước đơn sơ “Cầu chúc cho mọi người được an vui.”

Khi tu tập tâm từ, ta sẽ bớt phản ứng và biết giữ cho mình được cởi mở hơn, và sự mềm dịu và uyển chuyển ấy của tình thương sẽ trở thành nền tảng của trí tuệ. Ta sẽ thấy được rõ ràng những việc nào là tốt lành trong cuộc đời mình, và những gì là nguy hại. Nhờ tuệ giác phân biệt này, ta sẽ có những lựa chọn sáng suốt trong cuộc sống, và chúng sẽ đưa ta đến những hạnh phúc và tình yêu rộng lớn.

Chánh niệm và tâm từ có một sự liên hệ rất chặt chẽ, chánh niệm sẽ tạo nên một cánh đồng tươi mát cho tâm từ phát triển. Lúc đầu thì bao giờ ta cũng cần phải dụng công thu thúc tâm ý mình, gom góp lại những tư tưởng bị tản mác. Trong giai đoạn đầu tu tập chánh niệm, tâm ta có thể bị lơ đãng hoặc gặp nhiều khó khăn. Nhưng dần dần chánh niệm sẽ biểu lộ sự huyền diệu của nó. Ta bắt đầu biết quan sát, biết đem mình trở lại từ nơi thất niệm, và từ đó tâm ta sẽ có thể chấp nhận dễ dàng hơn, bớt phản ứng và bớt phê phán. Ta sẽ ít còn bị hoàn toàn lôi cuốn theo những tư tưởng lan man ấy nữa. Một chánh niệm êm dịu và từ tốn cho phép tâm và trí của ta được trở nên thư thái và cởi mở.

Sự bừng mở này đôi khi lại khơi gọi một dòng ký ức và hình ảnh trong quá khứ trôi chảy về. Lúc đầu chúng là những sự kiện trong một quá khứ gần, và rồi sẽ là những chuyện xa xưa mà ta ngỡ rằng mình đã quên đi từ lâu. Một kho chứa mênh mông của những ấn tượng và phản ứng xưa cũ sẽ hiển lộ ra.

Chúng ta có thể nghĩ đến những người, hoặc nhớ lại những sự kiện mà mình không hề để ý gì đến trong mấy năm qua. Nhưng nhờ sự tu tập, với năng lực của một tâm tĩnh lặng và an định, ta sẽ kinh nghiệm được những tư tưởng và cảm thọ này một cách rõ ràng và trực tiếp. Và nhờ vậy, trong tâm thức, ta sẽ có thể nối liền lại được với những người đã từng có mặt trong cuộc đời mình.

Lúc đầu, những ký ức này có thể sẽ mang lại một số phản ứng và sự phê phán xưa cũ. Nhưng khi tâm ta được an tĩnh hơn, ta sẽ có thể nhớ lại chúng mà không còn phải giữ thế thủ hoặc phóng đại nữa. Sự tĩnh lặng trong tâm sẽ mang lại cho ta một sự cởi mở và mềm dịu rất sâu sắc. Và khi ta có thể nhìn thấy hết những khía cạnh khác nhau của con người và hoàn cảnh, ta sẽ biết tha thứ dễ dàng hơn. Trong không gian mênh mông và rộng mở của chánh niệm, tâm từ và tâm bi sẽ phát sinh một cách thật tự nhiên.

Tâm từ không biết phân biệt. Một khi tình yêu bị pha trộn với dục vọng, nó sẽ sinh ra một thứ năng lượng của ham muốn, và vì vậy mà tình yêu lúc nào cũng bị giới hạn. Chúng ta có thể ham muốn một người, hai người, hoặc có thể ba người, nhưng tôi nghĩ không ai có thể ham muốn hết tất cả mọi người trên thế giới này được hết. Trái lại với dục vọng, tâm từ có khả năng ôm trùm hết tất cả, không có người nào nằm ngoài vòng tay của nó. Những ai có tâm từ lúc nào họ cũng ước mong: “Cầu cho mọi người được an lạc, được khỏe mạnh, sống trong an ổn và luôn được tự do.”

Vì tâm từ xuất phát từ sự rộng lượng của tâm mình, nó không lệ thuộc vào điều kiện, hoặc bắt buộc người khác phải theo ý mình, nên tâm từ không dễ gì mà có thể biến thành một ác ý được. Có nhiều câu chuyện về thiền sư Ryokan, một nhà tu ẩn dật, và cũng là một đại thi sĩ Nhật Bản vào thế kỷ 18, diễn đạt được cái tâm vô phân biệt này. Một hôm có tên trộm lẻn vào căn nhà tranh nhỏ nghèo nàn của ông và đánh cắp hết những đồ vật, mà chúng chẳng có bao nhiêu. Khi Ryokan trở về nhà thấy việc xảy ra, ông có làm một bài thơ hài cú như sau:

Tên trộm,

bỏ quên lại rồi,

Ánh trăng bên cửa sổ.

Giả sử gặp một hoàn cảnh tương tự, chúng ta sẽ đối xử ra sao?

Sức mạnh của Phật pháp bắt nguồn từ việc thường xuyên tự nhắc nhở mình rằng, tình thương và trí tuệ không phải là những đức tính để ta chiêm ngưởng nơi người khác, mà phải biết tự khai triển chúng ở nơi mình. Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: “Tu học là một phương pháp khôn ngoan để vui hưởng cuộc sống này. Hạnh phúc đang có sẵn. Bạn hãy tiếp xúc với nó đi.”

Làm cách nào để ta có thể tiếp xúc được với tình thương? Khi ta chú tâm vào những đức tính tốt của con người, trong đó có ta và người khác, tâm từ sẽ phát sinh. Chúng ta, mỗi người là một món hàng gồm những phẩm chất riêng biệt. Khi ta không nhìn thấy những điều tốt nơi một người, mà lại chỉ để ý đến những gì mình không ưa thích, thì những tâm giận hờn, phê phán, ghét bỏ và có khi là thù hận, đối với người ấy sẽ có thể dễ dàng sinh lên. Không phải ta tự dối gạt mình rằng những tính xấu không có mặt, nhưng ta vẫn có thể nhìn và hiểu chúng, mà không bị dính mắc vào những tính bất thiện ấy.

Tất cả chúng ta, ai cũng có ít nhất là một đức tính tốt. Và khi ta nhìn thấy được phẩm chất tốt này nơi người khác, một cảm giác thương mến sẽ tự nhiên phát sinh lên. Lúc mới đầu thì phương pháp đối xử này có vẻ máy móc và giả tạo, nhưng sau một thời gian tâm từ sẽ trở thành một lối sống tự nhiên.

Tâm từ cũng có thể phát sinh từ một cảm giác về ân nghĩa. Trong một bài luận về tình người, đức Phật nói rằng, trong cuộc đời này có hai việc rất hiếm: một là hạng người đi giúp đỡ kẻ khác, và hai là hạng người biết nhớ ơn. Chúng ta ai mà lại đã không từng đi nhận sự giúp đỡ của người khác, không bằng cách này cũng bằng cách khác. Hãy suy ngẫm về những điều tốt mà người khác đã làm cho mình, vì nó sẽ nuôi dưỡng sự biết ơn và lòng thương yêu chân thật trong ta.

Còn một phương pháp khác nữa để phát triển tâm từ là thiền quán về tâm từ. Phương pháp thiền quán này rất là đơn giản. Ngồi cho thoải mái, nghĩ đến một người nào mà bạn thương yêu nhiều, và niệm thầm trong tâm những câu diễn đạt sự thương mến của bạn đến cho người ấy. Thí dụ, bạn có thể lặp đi lặp lại những câu này “Mong sao cho người được hạnh phúc,” “Mong sao cho người được khỏe mạnh,” “Mong sao cho người được bình an,” “Mong sao cho người được tự do.” Hãy để tâm ta trụ giây lát trong ý nghĩa và cảm giác của mỗi lời cầu mong ấy, khi ta giữ hình ảnh của người đó trong tâm mình. Rồi sau đó, ta hãy tập sang câu kế tiếp.

Nếu bạn tiếp tục thực tập phương pháp từ quán này, sau một thời gian tâm từ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Rồi bạn sẽ có thể đem tâm ấy ban rải đến cho một người bạn thân, một người quen sơ, và ngay cả người mà bạn đang kinh nghiệm nhiều khó khăn, mà ta gọi là “kẻ thù”. Hãy kiên nhẫn trong sự tu tập của mình. Dần dần rồi ta sẽ tôi luyện lại được hết những tập quán của tâm mình. Bạn có thể chấm dứt phương pháp từ quán này bằng cách phóng rải tình thương của mình đến cho mọi chúng sinh: “Cầu mong cho tất cả mọi loài được hạnh phúc, được khỏe mạnh, sống trong bình an và được tự do.”

Tâm từ là một năng lực linh động và chuyển hoá, nó có khả năng thay đổi trọn vẹn kinh nghiệm sống của ta. Bạn có thể thực tập tâm từ trong sự tiếp xúc hằng ngày của mình với người khác. Chẳng hạn như khi bạn đi dạo trên đường, hãy chú ý đến sự khác biệt giữa một trạng thái cô lập khi ta mải mê theo công việc riêng tư trong đầu, và một cảm giác nối liền với tất cả khi ta niệm thầm những câu từ quán ấy. Một sự chuyển hóa tức thời sẽ xảy ra khi ta đem vùng năng lượng của tâm từ ra trùm phủ không gian của đường phố và mọi người trong đó. Bạn có thể thực tập tâm từ đối với những người gần gũi bạn nhất. Và bạn cũng có thể đem tâm từ ra ban phát cho mọi chúng sinh trên thế giới này.

tâm bi

Tình thương cũng còn được biểu lộ bằng một cách khác, và cũng có một sức mạnh chuyển hóa như tâm từ, đó là tâm bi. Trong khi tâm từ nhìn thấy những đức tính tốt nơi người khác và muốn đem lại hạnh phúc cho tất cả, tâm bi giúp ta thấy được những khổ đau của họ và muốn làm cho vơi bớt đi.

Tâm bi - trong tiếng Pali và Sanskrit là karuna - là sự mong muốn làm vơi bớt khổ đau. Đức Phật diễn tả cảm thọ này như là một sự run rẩy, mềm yếu của con tim. Tâm bi phát sinh khi ta tiếp xúc với khổ đau, khi con tim ta mở rộng ra và cảm nhận được khổ đau trong ta hoặc người khác.

Trong cuộc sống bận rộn quen thuộc hằng ngày, đôi khi chúng ta vô tình xây lên một bức tường quên lãng, để tạm thời làm lu mờ đi những cảm giác đau đớn hoặc những nghịch cảnh của mình. Mặc dù đôi lúc đó cũng có thể là một phương pháp hữu ích, nhưng chúng ta nên cẩn trọng, vì nó cũng có thể làm chai lì luôn cả tâm bi đang tiềm tàng trong ta.

Khoá tu là thời gian rất hữu hiệu để ta khai triển tâm bi, vì nơi đây chúng ta bắt buộc phải đối diện với tất cả mọi cảm thọ trong thân và tâm. Món quà vô giá của việc giữ thinh lặng trong khóa tu, là nó tạo nên một khoảng không gian tĩnh mịch, để ta có thể thật sự tiếp xúc được với những khổ đau nào đang hiện hữu trong ta và trong cuộc sống.

Sau một thời gian thiền tập, ta sẽ phát triển một con tim rất nhạy cảm.

Giữa những khó khăn của cuộc sống, và những thăng trầm của sự tu tập, một con tim mềm dịu sẽ chuyển hóa mối tương quan của ta đối với chính mình và những người chung quanh. Cảm xúc của ta sẽ được sâu sắc hơn, và sự thâm sâu ấy sẽ biến thành một nguồn suối mát của tâm bi.

Và một sự hiểu biết sâu sắc tất nhiên sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống của ta. Ví dụ, khi ta ý thức được sự khác biệt giữa một thái độ cởi mở với khổ đau và ghét bỏ nó, điều ấy có thể đem lại một thay đổi lớn trong cách sống của mình: bằng tâm bi hoặc bằng một tâm sợ hãi. Đôi khi chúng ta tưởng rằng mình cởi mở, vì thấy mình ý thức được sự có mặt của khổ đau. Nhưng chỉ biết thôi thì cũng chưa đủ! Vì cái biết của ta thường ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tâm ghét bỏ, chống đối, hoặc phê phán. Bạn có thể thấy được sự khác biệt này, giữa sự cởi mở và ghét bỏ, trong một kinh nghiệm hết sức đơn giản và thông thường, là những khi ta có một cái đau nơi thân. Có lúc ta chấp nhận cái đau ấy bằng một sự chú tâm và muốn tìm hiểu. Nhưng cũng có lúc ta đàn áp cảm thọ đau đớn ấy, hoặc ngoảnh đi nơi khác với một thái độ ghét bỏ. Hai trạng thái ấy rất là khác biệt. Tâm bi không bao giờ có thể phát sinh từ sự trốn tránh khổ đau. Một tâm bi rộng lớn, muốn làm vơi bớt khổ đau, lúc nào cũng bắt nguồn từ một ý muốn tiếp xúc với nó.

Thiền quán sẽ giúp cho ta thấy được rằng, toàn thể vũ trụ này hiện đang có mặt trong thân tâm mình. Ta sẽ thấy hết mọi phẩm chất tốt lành của thế giới bên ngoài, và ta cũng sẽ thấy cả những phẩm chất tạo nên chiến tranh, mâu thuẫn và khổ đau. Tất cả đều có mặt trong ta. Thí dụ, có một con muỗi đến bay vo ve bên tai bạn. Nó bay đến gần hơn và gần hơn. Bạn cảm thấy như thế nào? Thay vì có lòng từ bi đối với con muỗi ấy, thì có lẽ bạn chỉ muốn đập cho nó một cái. Chúng ta ai cũng đã từng kinh nghiệm những phản ứng tương tự như vậy. Nhưng đó chỉ là trên một kích thước rất nhỏ bé, và cũng chính những hạt giống nhỏ bé này đã biểu hiện ra trên thế giới bằng những đường lối vô cùng khốc hại. Mỗi khi chúng ta gặp một việc gì mình không thích, việc gì khó chịu, hoặc đe dọa, thì ta chỉ muốn loại trừ nó đi lập tức. Đối với ta, cái đập ấy chỉ là một cử động đơn sơ của bàn tay, nhưng đối với con muỗi thì nó là một sự kiện vô cùng tàn khốc.

Trong đời sống hằng ngày, ta có thể ý thức được khuynh hướng ghét bỏ ấy của mình, trong nhiều hoàn cảnh nhỏ nhặt và thường tình. Nhưng nếu ta không thấy được chúng, nếu ta tự lừa dối rằng mình không có những tính ấy, thì ta sẽ không bao giờ có cơ hội để thoát ra khỏi sự giam hãm của chúng. Và rồi trong cuộc sống hằng ngày, ta lại sẽ hành động theo những tập quán, thói quen, một cách vô ý thức. Con muỗi vo ve bên tai. Ta có nghe âm thanh ấy không? Có ý thức được những cảm giác và tư tưởng nào đang khởi lên trong tâm không? Có thấy được ý muốn giơ tay đập không? Và có chánh niệm đủ để thực hiện tâm bi của mình không?

Sau đây là một câu chuyện khác về thiền sư Ryokan. Ông là một người rất tự tại. Suốt ngày, ông thường hay rong chơi qua những ngôi làng miền núi, đùa giỡn với bọn trẻ con. Ông sống một cuộc đời rất đạm bạc và từ bi. Vào những buổi sáng mùa xuân ấm áp, chuyện kể rằng, ông hay nhặt những con chấy rận trong áo và đặt chúng xuống trên một tảng đá, để cho chúng tắm nắng. Đến cuối ngày, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, ông nhặt chúng lên và bỏ lại vào trong áo! Chúng ta không phải ai cũng có thể là Ryokan, nhưng chánh niệm và hiểu biết có thể đem lại những giâyphút cho ta tiếp xúc được với lòng bi trong tâm mình.

Có bao nhiêu lần trong cuộc sống bạn đã phải ngoảnh mặt làm ngơ trước một bản tin, với một người không nhà sống trên hè phố, hoặc có khi là một người quen đang cần sự giúp đỡ, cần thời giờ của bạn? Có lẽ vì những khổ đau ấy dường như to tát quá, nên bạn không thể nào cho phép chúng bước vào nội tâm của mình được? Lần sau, nếu việc ấy có xảy ra, và bạn có đủ chánh niệm để nhìn thấy nó, bạn hãy thử thay đổi cái trạng thái tâm thức trong tim mình xem sao!

Bạn hãy buông bỏ ác cảm của mình đối với cái đau, hãy cởi mở ra với nó, một cách từ tốn. Hãy mở rộng tâm hồn mình ra với những ai đang đau khổ.

Và hãy để cái cảm giác cách biệt của mình đối với những chúng sinh khốn khổ khác tan biến đi. Rồi xem lòng bạn cảm thấy như thế nào? Mặc dù bạn đang tiếp xúc với khổ đau, nhưng sẽ có một loại hạnh phúc khác đến với bạn. Khổ đau, tự nó không gây được sự bất an cho ta, mà thật ra chính vì sự ghét bỏ và cảm giác cách biệt của ta đối với người khác mà ta có sự bất an ấy. Khi chúng mất đi rồi thì nỗi bất an cũng sẽ không còn nữa. Mặc dù ôm trọn phiền não và khổ đau, nhưng tâm bi bao giờ cũng vẫn là một nguồn năng lượng bất tận của an lạc.

Tâm bi cũng có thể được sử dụng như là một đề mục thiền quán. Hãy nghĩ đến một người nào đó đang gặp khó khăn, và khi giữ hình ảnh người ấy trong tâm, bạn hãy lặp lại câu sau đây một cách chân thành “Cầu mong cho người thoát khỏi khổ đau.” Khi tâm bạn tập trung vào cá nhân đó và vào sự lặp đi lặp lại của lời nguyện, tâm bi sẽ bừng nở. Chừng ấy, bạn sẽ có khả năng đem cảm thọ an vui đó ban rải đến nhiều nhóm người, và cuối cùng, đến mọi loài chúng sinh khắp nơi trên mọi cảnh giới.

nghệ thuật truyền thông

Trong suốt thời gian thiền tập, cho dù đó là một tiếng mỗi ngày hoặc một khóa tu nhiều ngày, chúng ta phải biết giữ thinh lặng. Nhưng khi sống giữa cuộc đời thì chúng ta phần nhiều bắt buộc phải giao thiệp, tiếp xúc với người khác. Bạn thử nghĩ xem, bạn đã bỏ ra bao nhiêu phần tỷ lệ của cuộc đời mình cho việc nói năng và viết lách? Bạn có thấy được ảnh hưởng lời nói của bạn đối với người khác, và của những người khác đối với bạn không? Vì ngôn ngữ giữ một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, và cũng vì những lời ta nói mang lại nhiều hậu quả, nên nghệ thuật truyền thông phải là một môn học quan trọng trong việc tu tập Phật pháp của ta.

Đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này khi Ngài nhắc đến chánh ngữ như là một phần đặc thù trên con đường giác ngộ. Mặc dù trong kinh có giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ về chánh ngữ, nhưng tất cả có thể cô đọng lại trong hai nguyên tắc chung: Những gì ta nói, nó có đúng với sự thật không, và nó có hữu ích không?

Nếu ta biết tu tập theo hai nguyên tắc đó trong lời nói, nó sẽ nuôi dưỡng và làm tăng trưởng cảm quan của ta. Ta sẽ có thể dễ dàng thấy được sự khác biệt tinh tế giữa sự thật và sự gian dối. Có bao giờ chúng ta lại che mờ sự thật hoặc thổi phồng nó quá đáng không? Và có bao giờ những lời ta nói có thể là đúng sự thật, nhưng nó không hợp thời, hợp lúc và không thích ứng với hoàn cảnh, cho nên không ích lợi gì mấy?

Tập phương pháp truyền thông là trau luyện một nghệ thuật liên hệ với người khác, biết cởi mở, biết lắng nghe, để thấy được rằng mình có thể thật sự tiếp xúc với người đối diện. Ta có thể cho phép người khác bước vào nội tâm mình không? Sử dụng những ngôn từ nào là thích hợp? Ta có thể chỉ nói những điều nào thật sự là quan trọng cho người nghe không? Chúng ta học cách nói và lắng nghe với tâm từ bi, bằng một thiện chí. Bạn nên nhớ rằng, tuệ giác và tâm từ sẽ giúp ta tiếp xúc được với tất cả.

Trong bất cứ một mối tương quan nào cũng đều có hai phần. Một phần là học cách nói năng cho thông suốt, và phần kia là học cách lắng nghe cho hữu hiệu. Những khi sự truyền thông trở nên khó khăn, hoặc trong một hoàn cảnh mà hai bên có sự căng thẳng và xung đột, lúc ấy biết lắng nghe có một tầm quan trọng đặc biệt. Bất cứ người nào cũng có quan điểm riêng của họ. Nếu chúng ta thật sự muốn tiếp xúc và hiểu được người khác, trước hết ta phải biết lắng nghe.

Khi bạn phải đối đầu với một tình trạng nào, mà hai bên đều khư khư ôm lấy quan điểm, ý niệm và cảm tình của mình, bạn nên tìm đôi giây phút để lùi lại một bước, và tự nhủ, “Được rồi, hãy để tôi nhìn vấn đề này từ một khía cạnh khác.” Sự thay đổi hữu ích này đòi hỏi ta phải thật sự có một khả năng biết lắng nghe. Và cũng nhờ thái độ đó, một sự truyền thông chân thật sẽ có cơ hội xuất hiện.

Điều ấy không có nghĩa là bạn không có quyền bày tỏ sự hiểu biết của mình. Bạn có thể chứ, nhưng nhờ không gian cởi mở này, ta có thể diễn đạt tư tưởng của mình dễ dàng mà không cần phải đàn áp người khác. Nếu bạn có khả năng lắng nghe, thì vùng đất ngăn cách giữa bạn và người kia cũng đã được làm tươi mát đi nhiều rồi.

Nhưng cũng có khi ta thực hành đúng như vậy, mà tình trạng vẫn hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của mình. Đôi khi ta không làm cách nào tạo được một không gian cởi mở. Mặc dù ta đã thật sự cố gắng, mà tình trạng thiếu thông cảm vẫn không đổi thay. Những lúc ấy ta cần phải biết giữ chánh niệm, ý thức được cảm thọ của thân, để ta khỏi một lần nữa lại bị dính mắc vào phản ứng của mình đối với những việc đang xảy ra. Trong giai đoạn khó khăn ấy, ta có thể áp dụng tuệ giác của thiền tập: thấy được rằng ta có khả năng cởi mở đối với những cảm thọ khó chịu, thấy được rằng ta có thể cảm nhận chúng, thay vì phản ứng lại bằng một thái độ thủ thế hoặc đàn áp chúng.

Một khi ta biết giữ nhu hoà và cho những cảm thọ ấy một khoảng không gian, phản ứng của tâm sẽ đến và đi dễ dàng mà ta không bị lôi cuốn theo.

Kinh nghiệm này đòi hỏi nhiều công phu tu tập. Thiếu sự tập luyện, giữa một cơn thử thách cam go, ta rất khó mà có thể nào thực hiện được việc ấy.

Thế cho nên, nhiệm vụ của ta trong sự tu tập là quan sát xem mối tương quan của mình đối với những cảm thọ ra sao. Sự giận dữ xảy đến, bực dọc xảy đến, sợ hãi xảy đến - trong khi ngồi thiền cũng như trong sự giao thiệp hằng ngày - những cảm thọ này có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Bạn có chánh niệm về chúng hoàn toàn không? Hay lại đi nhận chúng là mình?

Sự thật rằng, sự giận dữ và sợ hãi của ta không phải tạo nên do hoàn cảnh bên ngoài, đã đi nghịch lại với ý nghĩ thường tình của đa số. Nhưng bạn thử xét xem sự thật có đúng như vậy không! Ta nuôi dưỡng những cảm thọ ấy bằng sự trách móc. Vì càng oán trách bao nhiêu thì ta lại càng củng cố thêm lòng sân hận và sự bất mãn của mình bấy nhiêu. Chỉ khi nào năng lượng chánh niệm và sự quán chiếu của ta vững mạnh đủ, chừng ấy ta mới có thể thoát ra khỏi được sự chấp trước ấy.

Khi ta có được thái độ tự tại này rồi, thì sự giao thiệp giữa ta với người khác, dù trong những trường hợp khó khăn, cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì khi ấy ta có thể truyền thông từ một nội tâm an tĩnh và từ bi. Sự truyền thông có thể thay đổi được những tình cảnh nào chung quanh ta không? Ta có thể yêu cầu một người vặn nhạc ồn ào bên cạnh nhà, giảm âm thanh xuống một chút không? Ta có thể nói cho người nào đó hiểu rằng, thái độ lấn lướt, áp đảo của anh ta là không đúng không? Và ta có thể nào cứng rắn mà không cần phải nổi giận hoặc trách móc không?

Nhưng bạn đừng bao giờ lẫn lộn sự chấp nhận với lại một thái độ “sao cũng được” đối với cuộc đời: ai làm gì cũng mặc kệ, và không bao giờ dám giữ vững lập trường của mình. Hoàn toàn không phải như vậy! Chấp nhận có nghĩa là ta chịu trách nhiệm về chính tình trạng của nội tâm mình. Bằng chánh niệm, chúng ta có thể đứng thật vững và có một sự truyền thông hữu hiệu, mà không hề bị kẹt vào những phản ứng, phê phán theo thói quen. Bạn nhớ điều này, ta sử dụng năng lượng nào để truyền thông, đó mới là điều chủ yếu.

chia sẻ phật pháp

Tất cả chúng ta, những người tu theo Phật, có lẽ ai cũng đều gặp phải một sự khó khăn này, là làm sao có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với người khác. Chia sẻ với gia đình, bạn bè về sự tu tập của mình, hiểu biết của mình, là một nghệ thuật lớn mà tự nó cũng có thể là một sự tu tập đầy cam go.

Niềm tin vào Phật pháp và lòng tự tin là những quả trái tươi tốt của sự tu tập, nhưng ta phải biết giữ cho chúng được quân bình. Đôi khi sau một khóa tu, người ta vì quá hứng khởi và đầy nhiệt tâm nhờ có được một năng lượng tươi mát, họ muốn đem hết kể lại cho bạn bè, người thân mình nghe. Họ nghĩ rằng ai cũng ham thích như họ. Đôi khi người khác ưa thích, nhưng cũng rất có thể là không! Giả sử một người nào đó gặp bạn, họ hỏi “Sao khóa tu như thế nào?” Đó cũng có thể là một cách chào hỏi xã giao mà thôi. Nếu bạn lại ban cho họ một bài pháp dài ba tiếng đồng hồ về lý vô ngã, trong khi họ chỉ muốn lên tiếng chào mình, thì cái “tuệ giác” của bạn có lẽ cần phải điều chỉnh lại đôi chút!

Bạn hãy luôn nhớ trong những sự giao thiệp như vậy, cũng như trong mọi trường hợp khác, cẩn thận lắng nghe xem người khác muốn nói gì, để bạn biết rằng họ thật sự muốn biết hay chỉ thăm hỏi xã giao mà thôi. Đây cũng là một cơ hội để bạn thực hành sự tu tập của mình, duy trì chánh niệm và đức tính mẫn cảm. Và cho dù bạn có cảm thấy rằng người ấy thành tâm muốn học hỏi những kinh nghiệm của bạn, bạn cũng cần phải bỏ hết những dự tính của mình qua một bên, để chọn một phương tiện nào thích hợp với người ấy.

Trong Phật pháp, bất cứ một phần nhỏ nào cũng tàng chứa hết tất cả mọi phần khác, cũng giống như là một toàn diện ảnh (hologram) vậy. Bất cứ bạn chọn một khởi điểm nào để truyền thông với người khác, nó cũng có thể làm hé mở và phô bày được toàn vẹn Phật pháp. Sự kiện này cho phép khả năng sáng tạo của trực giác của bạn. Bạn không cần phải bắt đầu ở bất cứ một khởi điểm nào nhất định hết. Thay vì vậy, bạn có thể cởi mở ra và tiếp xúc với kinh nghiệm của người khác, xem xét tình trạng của họ. Họ có những quan tâm nào? Đau khổ ở đâu? Ưa thích những gì? Bạn có thể bắt đầu từ điểm ấy. Khi bạn chân thành lắng nghe một người nào, khi cái nhìn của bạn phát xuất từ lòng từ bi, thì ngay ở đó đã có một sự nối liền rồi.

Và cho dù ngôn từ của ta có thiếu thốn, không diễn đạt đến nơi đến chốn, bạn nên nhớ rằng, sự truyền thông thâm thúy nhất bao giờ cũng là ở cách chúng ta đối xử với người ấy, chứ không phải ở những gì mình nói. Ngôn từ của ta có thể hoặc không thể nối liền được, nhưng phẩm chất của sự có mặt của ta, bao giờ cũng có một khả năng truyền đạt. Nếu bạn biết thương yêu hơn, chấp nhận hơn, bớt phê bình và rộng lượng hơn, trong mối tương quan của mình với bạn bè và gia đình, đó chính thật mới là một sự truyền thông mầu nhiệm.

Nhiều năm trước, có một người viết thư cho Ram Dass. Sau một thời gian tu học với ông, cô ta trở về thăm gia đình theo Thiên chúa giáo rất bảo thủ và chống đối việc làm của cô ta. Cô ta gặp thật nhiều khó khăn, trong thơ cô kể lại những khổ sở của mình. Cuối thơ cô viết, “Cha mẹ tôi ghét tôi khi tôi là một Phật tử, nhưng họ lại rất thương yêu tôi khi tôi là một vị Phật.”

mối tương quan với cha mẹ

Trong mọi hình thức truyền thông của con người, mối tương quan giữa ta và cha mẹ dường như là một thử thách lớn nhất, đặc biệt là cho người Tây phương.

Đức Phật dạy rằng vì cha mẹ ta đã có công sinh ra và dưỡng dục ta, nên ta có một mối liên hệ nghiệp quả với các bậc ấy. Ngoài sự tạo nên hình hài, các người còn phải mất biết bao công lao săn sóc khi ta còn bé thơ, khi ta không thể tự lo cho mình được. Nếu không có sự bảo vệ và nuôi dưỡng của các bậc ấy, ta sẽ không thể nào sinh tồn cho đến ngày hôm nay.

Cha mẹ chúng ta đã ban cho ta sự sống bằng nhiều cách khác nhau. Cũng vì thế, đức Phật dạy ta phải có trách nhiệm lo cho các bậc sinh thành, và cố gắng làm sao đem các vị ấy vào con đường đạo. Đức Phật dùng một hình ảnh rất mạnh mẽ để chuyển đạt điểm này: dù ta có đặt cha mẹ trên hai vai mình trọn đời, đức Phật nói, cũng không đủ để trả nợ cho các bậc ấy.

Trong văn hóa Tây phương thì giáo lý này đôi khi cũng tạo nên những hoàn cảnh khó xử, vì có nhiều người đã gặp những sự xung đột với cha mẹ mình. Có thể họ đã bị thất vọng hoặc có một mối giận hờn nào đó chưa được giải tỏa, và cũng có thể họ cảm thấy rằng cha mẹ đã chẳng lo cho mình đầy đủ khi còn bé. Trong những năm gần đây, chúng ta đã biết được, càng lúc càng nhiều, một số lớn trẻ em trong xã hội Tây phương đã chịu đựng những sự lạm dụng, hành hạ về thể chất, tình cảm và tình dục bởi cha mẹ của chúng.

Có được một mối tương quan tốt đẹp với cha mẹ mình có thể là một vấn đề khó, nhưng không phải là không được. Trong thời gian mới bắt đầu tu ở Ấn Độ, tôi có một người bạn mà mẹ anh ta vô cùng tức giận vì anh đã theo học thiền. Anh thường nhận được những lá thơ từ mẹ anh viết rằng, bà thà thấy anh xuống địa ngục còn hơn là để anh đi học thiền ở Ấn Độ. Bạn có thể tưởng tượng được ảnh hưởng của việc nhận những lá thư như thế từ mẹ mình, nhất là khi tâm ta trở nên rất mẫn cảm do sự hành thiền thâm sâu và tích cực.

Một hôm chúng tôi thưa lại chuyện này với bà Dipa Ma, một vị thầy của tôi ở Calcutta. Khi người bạn tôi kể cho bà nghe về những lá thư của mẹ mình, Dipa Ma đưa tay xuống chiếc nệm, lấy ra 10 đồng rúp-pi, đưa cho anh ta và nói, “Cậu hãy mua cho bà ta một món quà.” Dipa Ma sống một cuộc đời rất thanh đạm ở Calcutta, nên 10 đồng rúp-pi đối với bà là một món quà rất to lớn.

Bạn của tôi nghe theo lời khuyên của bà Dipa Ma. Và vì anh đã đáp lại mẹ anh không phải bằng sự tức giận mà bằng sự rộng lượng, vì anh không hề thối lui trước những lá thư gây thương tích của mẹ mình, nên món quà ấy dần dà đã chuyển hóa mối liên hệ của hai người. Những lá thư trả lời của mẹ anh sau đó bắt đầu trở nên êm dịu hơn, và dần dần sự liên hệ của hai mẹ con cũng bắt đầu hàn gắn. Câu chuyện chấm dứt một cách khá khác thường. Bạn tôi cuối cùng trở về sống với cha mẹ mình, săn sóc cho hai người thật đầy đủ cho đến ngày họ qua đời.

Câu chuyện này hấp dẫn và khích lệ tôi rất nhiều, vì nó cho thấy rằng, ngay cả trong một mối tương quan nhiều khó khăn, nếu ta biết giữ một con tim rộng mở và duy trì sự liên lạc, hoàn cảnh nào cũng có thể giải quyết được.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, ta có một mối liên hệ nghiệp quả rất đặc biệt đối với cha mẹ mình. Chúng ta được sinh vào một gia đình nào không phải là chuyện ngẫu nhiên tình cờ. Cho dù mối liên hệ tình cảm của ta đối với cha mẹ mình có ra sao đi chăng nữa, bằng cách này hoặc cách khác, chúng rồi cũng sẽ giúp cho ta tiếp xúc được với Phật pháp. Thế cho nên, mọi việc rồi cũng sẽ trở nên tốt đẹp, mặc dù có thể sự tu tập của ta ban đầu chỉ là một phản ứng đối với nỗi khổ đau của mình. Có một cái gì đó rất mầu nhiệm về đường lối khai mở của sự sống, nó luôn luôn giúp cho ta được nghe và tu tập Phật pháp - đó là một cơ hội vô cùng hiếm hoi trên đời này.

Cha mẹ là một bài thử thách tuyệt diệu nhất. Khi ta tu tập một mình, mọi sự đều dường như có vẻ tốt đẹp. Rồi khi ta trở về với gia đình, tiếp xúc với những người thân, đây mới là một bài thi tối hậu! “Ái chà! Lại thi rớt nữa rồi!”

Đối với những trường hợp cha mẹ khó khăn hoặc mối tương quan của ta có nhiều trở ngại, chúng ta có những đường lối nào để giải tỏa không? Một trong những điều ta cần phải nhớ là đừng bao giờ mong cầu cha mẹ mình sẽ khác hơn là chính họ. Khi ta đối xử với người khác bằng cách muốn họ khác hơn là chính họ, việc ấy chỉ tạo nên một sự căng thẳng và chống đối mà thôi.

Giả sử như cha mẹ của bạn là những người rất khắt khe và hay kiểm soát. Có bao giờ bạn quan sát một tâm thức khắt khe và kiểm soát trong chính bạn không? Trong ta có nhiều phẩm tính khác nhau, và ta biểu lộ chúng ra bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta có thể nào ban rải lòng từ bi và sự chấp nhận của mình đến với cha mẹ mình, như là khi ta đối diện với những phẩm tính khác nhau trong tâm ta không? Cũng cùng một thái độ không phản ứng, không phê phán và không đánh giá ấy? Điều này không có nghĩa là ta phải ưa thích sự khắc khe, nhưng nhờ đó ta có thể học được cách chấp nhận và có được lòng từ bi chân thật.

Khi bạn đối xử với những bậc cha mẹ khó tính, bạn cũng nên nhớ đến nguyên nhân gần của tâm từ: nhìn thấy được điều tốt trong người khác.

Người ta dù xấu đến đâu, bất cứ ai vẫn có ít nhất là một phẩm tính đáng quý nào đó. Hãy tập trung vào phẩm tính ấy. Nếu bạn thật sự chú tâm vào những phẩm tính tốt của người khác, thì chắc chắn thế nào rồi tâm từ cũng sẽ phát sinh.

Và, một lần nữa, dầu mối tương quan tâm lý giữa ta với cha mẹ mình có phiền nhiễu đến đâu, hoặc họ có đối xử tệ với ta như thế nào đi chăng nữa, cha mẹ ta cũng đã là người từng săn sóc bảo vệ cho ta lúc còn tấm bé. Đó là một món quà vô giá. Cha mẹ ta cũng có thể đã có những giây phút đảo lộn và cùng quẫn, nhưng dầu sau đi nữa, chúng ta sở dĩ còn hít thở trong giây phút hiện tại mầu nhiệm này là nhờ ơn họ. Cũng vì lý do đó mà đức Phật đã nhấn mạnh vào món nợ mà chúng ta thiếu cha mẹ mình, về món quà vô giá mà các bậc ấy đã ban cho ta, là sự sống cho đến ngày hôm nay.

Chúng ta không chối bỏ rằng thường thì những khổ đau ấy có gốc rễ rất sâu, và không có gì bảo đảm là chúng sẽ một sớm một chiều thay đổi. Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn có thể tìm được một sự chấp nhận, khai triển được một lòng từ bi chân thật. Khám phá được không gian ấy là một phần rất quan trọng trong sự tu tập Phật pháp của ta. Chúng ta khổ đau, là khi ta bị cắt đứt, tách rời ra khỏi gốc rễ của cha mẹ mình hoặc với bất cứ một người thân nào đó. Hãy luôn giữ cho những cửa ngõ truyền thông được rộng mở, hãy chấp nhận cha mẹ mình như-họ-là, những cố gắng ấy rồi sẽ được đền bù xứng đáng.

Tôi cũng cần phải nói thêm với bạn một điều này. Nếu bạn là một nạn nhân của sự lạm dụng, nếu bạn đã bị xúc phạm đến thân thể, tình dục hoặc cảm xúc vì sự thiếu sáng suốt của cha mẹ mình, bạn có thể cần phải trải qua một giai đoạn cần thiết, trước khi bạn có thể cởi mở ra với họ bằng lòng tha thứ và tâm từ bi. Sự tha thứ và việc chữa lành một vết thương, trong ta và trong kẻ khác, không thể đạt đến bằng bất cứ một ngõ tắt nào được. Trước hết ta phải ý thức và hiểu được thật trọn vẹn nỗi khổ đau của nó.

Thế cho nên, những nạn nhân ấy đôi khi cần thiết phải có một thời gian trị liệu, họ phải biết thật sự tiếp xúc với nỗi sợ hãi, thù ghét và sầu khổ gây nên do sự bị lạm dụng trong quá khứ. Và có thể, vì để chữa cho vết thương được lành hẳn, họ sẽ phải trải qua một thời gian không tiếp xúc với những người đã gây đau đớn cho họ. Sau khi đã hoàn tất giai đoạn này, chừng ấy họ sẽ có thể chọn mở rộng vòng tay ra bằng sự tha thứ, thương yêu và chấp nhận.

Cộng vào với việc săn sóc cho cha mẹ, chúng ta có thể chu toàn trách nhiệm của mình bằng cách hướng dẫn họ theo con đường của Phật, bằng cách này hoặc cách khác. Chúng ta có thể khởi sự đơn giản là sống sao để ảnh hưởng được cha mẹ mình. Không bằng ngôn từ nhưng chúng ta vẫn có thể truyền thông được với họ một cách mạnh mẽ. Sự truyền thông ấy phải xuất phát từ một nền tảng là ta chấp nhận cha mẹ mình như là một con người bình thường. Nếu bạn thuyết giảng cho cha mẹ bạn nghe về vô thường, vô ngã, về lý nhân duyên tương khởi, rằng họ phải biết ngồi thiền mỗi ngày, thì tôi chắc chắn rằng bạn sẽ thất bại. Nhưng nếu bạn đối xử với họ bằng cách biểu lộ một tinh thần thương yêu, săn sóc và chấp nhận, thì từ đó một sự truyền thông hữu hiệu sẽ phát sinh. Và sau đó, vấn đề chỉ còn là tìm những cơ hội nào thuận tiện mà thôi!

Khi tôi mới bắt đầu tu tập Phật pháp và đi lại thường xuyên giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, tôi rất nhiệt tình về chuyện ngồi thiền. Khi ở Hoa Kỳ, tôi muốn sống ở nhà với mẹ tôi. Sau mỗi buổi ăn chiều, tôi thường giao hẹn với mẹ tôi: “Sao, bây giờ mẹ đi ngồi thiền trong khi con rửa chén, mẹ có chịu không?” Mẹ tôi vui vẻ nhận đề nghị ấy và đồng ý thử ngồi thiền. Đó là một khởi điểm!

chánh nghiệp

Chúng ta ai cũng cần đến thực phẩm, nơi trú ẩn và quần áo, và ta cần một phương tiện để đạt được những nhu cầu ấy. Làm thế nào để ta có thể sử dụng sự kiện không tránh được này của cuộc đời, sinh kế của mình, như là một phần của sự tu tập? Đức Phật nhìn nhận rằng sự mưu sinh của ta, Ngài gọi là chánh nghiệp, là một vấn đề rất quan trọng. Ngài đã xem nó nhưlà một trong tám con đường chân chánh của Bát chánh đạo, tám phẩm tính mà ta phải tôi luyện để đạt đến giải thoát. Thế cho nên, chánh nghiệp là một câu hỏi rất quan trọng, nhất là cho những người tu Phật ở Tây phương.

Những người tu Phật ở châu Á, khi họ hết lòng muốn tu tập giải thoát, họ sẽ xin vào những thiền viện. Khi bạn sống trong thiền viện, bạn sẽ không phải gặp một trở ngại nào về chánh nghiệp, vì mỗi khía cạnh của cuộc sống, từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất, cũng đã được hoạch định kỹ lưỡng để giúp xúc tiến sự giải thoát của bạn.

Nhưng, ít nhất là trong thời gian này, đa số trong những người tu Phật ở Tây phương chưa có mấy ai chọn con đường thiền viện. Chúng ta làm những cư sĩ sống trong cuộc đời, ngay giữa vực nước xoáy, nhưng lúc nào ta cũng mang một nguyện ước sâu xa muốn được giải thoát ngay trong đời này.

Chúng ta không phải tu tập để mong được phước tái sinh lên cõi trời, hoặc thế giới của Đế thiên, mà chúng ta thật sự muốn được giải thoát.

Vì vậy làm sao mang được tâm quyết này, khát vọng này vào những việc làm của ta trong cuộc đời, bên ngoài thiền viện, là một câu hỏi then chốt.

Trong chúng ta ai cũng bị thách đố bởi câu hỏi ấy, và ta cũng đang khám phá ra câu trả lời bằng cách đối diện với những khó khăn của mình. Thế hệ của những người tu chúng ta sẽ trau lại cho hậu sinh một tuệ giác của sự nỗ lực vượt qua bao khó khăn, vì đi tìm một giải pháp cho vấn đề này không phải là chuyện dễ.

Nhìn từ góc cạnh của chánh nghiệp, vấn đề chủ yếu không phải là ta bắt buộc cần phải làm một loại nghề nghiệp nào, miễn là tránh những nghề rõ ràng gây nguy hại, hoặc bắt ta cướp của, sát sinh. Đa số, nghề nghiệp nào cũng đều có thể là một phần của sự tu tập. Nó tùy thuộc vào thái độ của ta đối với công việc ấy hơn là chính tự công việc đó.

Một câu chuyện có thể toát yếu dùm tôi cái tinh thần mà ta nên có đối với công việc làm của mình. Nhiều năm trước đây, một vị thầy Tây Tạng, Ngài Kalu Rinpoche đến thăm trung tâm hải dương học ở Boston. Nơi đây có những bể thủy tinh thật to nuôi nhiều loại cá khác nhau. Ông đến bên mỗi bể nước gõ nhẹ trên mặt kiếng để lấy sự chú ý của chúng. Và khi những con cá bơi lại gần, ông nói thật nhỏ, “Um mani padme hum,” một câu thần chú ban phước lành trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Sống trong đời mà lúc nào cũng mong ước hạnh phúc cho kẻ khác, là một việc làm cao đẹp biết mấy! Bà Dipa Ma là như thế. Bà luôn luôn cầu nguyện hạnh phúc cho người khác. Bà cầu nguyện cho con người, cho súc vật, cho phi cơ, cho xe buýt. Bất cứ nơi nào bà đến, bà cũng cầu chúc: “Được nhiều an lạc. Được luôn vui vẻ.” Nếu ta có thể thực tập được tinh thần ấy trong việc làm của mình, một tinh thần phục vụ, thì ta có thể chuyển hóa bất cứ một công việc tầm thường nào, thành những gì có khả năng mang ta đi rất xa trên con đường Đạo. Năng lượng của tinh thần đó mạnh vô cùng. Muốn nuôi dưỡng chúng, tâm ta phải an trú trong hiện tại. Hãy luôn nhớ rằng, bất cứ việc gì ta làm đều có thể là một sự cúng dường, một phụng sự cho người khác.

Đức Đại La Lạt Ma diễn đạt ý tưởng này thật đơn giản:

Chúng ta chỉ là những người du khách trên hành tinh này. Chúng ta ghé qua đây chừng chín mươi, trăm năm là cùng. Trong thời gian ấy, chúng ta phải ráng làm một cái gì tốt, một cái gì hữu ích với cuộc đời mình. Hãy cố gắng an lạc với chính mình và chia sẻ hạnh phúc ấy với người khác. Nếu bạn có thể đóng góp một phần nào cho hạnh phúc của những người khác thì bạn sẽ tìm thấy mục tiêu chân thật, tức chân ý nghĩa của cuộc đời này.

học văn tự

Vì Phật pháp chú trọng vào một kinh nghiệm trực tiếp không qua một trung gian, tiếp xúc ngay với tự tánh của thực tại, cho nên đôi khi người ta không biết có phải nên tìm đọc thêm kinh điển không! Ta có cần thiết phải đọc và học kinh điển thì mới có thể đạt được một tuệ giác thâm sâu không? Câu trả lời hiển nhiên là không! Biết bao nhiêu những vị thiền sư, thánh tăng trong quá khứ đã tu tập mà không cần học hỏi, có vị mù chữ mà vẫn đạt đến một sự giác ngộ uyên thâm. Nhưng học kinh điển có giúp ích được gì không? Đối với đa số chúng ta, câu trả lời hiển nhiên là có!

Văn tự trong kinh chỉ là những lời dạy của đức Phật, hoặc của các tổ trong nhiều truyền thống khác nhau của Phật giáo. Chúng chỉ thẳng vào tự tánh của tâm, tự tánh của khổ đau và tự tánh của giải thoát. Những lời dạy này không phải để cho ta chấp nhận như là những tín điều, nhưng phải được sử dụng như là những mũi tên chỉ cho ta thấy được kinh nghiệm trực tiếp của chính mình. Như khi có ai đưa một ngón tay lên chỉ mặt trăng, giá trị của hành động ấy nằm ở chỗ ta thấy được mặt trăng, chứ không phải để ta nhìn chăm chăm vào ngón tay ấy. Cũng vì lý do đó, đọc văn tự không nhất thiết phải là một sự nghiên cứu lý thuyết. Những giáo lý thâm thúy này không phải chỉ đơn giản là những hệ thống ý niệm, và cũng không phải là một nhóm tín điều. Chúng bình dị, căn bản và thiết yếu hơn thế nhiều. Chúng soi sáng cho ta thấy bản tâm của mình, tự tánh của thực tại là gì, và làm sao để có thể trau luyện được một tri giác sáng suốt.

Trước khi bắt đầu tu tập thiền quán, đọc và học hỏi kinh luận có thể làm sáng tỏ thêm giáo lý và khuyến khích người ta bước thêm một bước nữa trên hành trình tu tập. Và đọc lại kinh xưa sau một thời gian tu tập chuyên cần, có thể mở thêm những cánh cửa mới của tuệ giác. Khi bạn học kinh giữa một nội cảnh và ngoại cảnh thích nghi - khi tâm ta an ổn, tĩnh lặng và định - những lời xưa có thể bừng sống dậy trong ta một cách rất mầu nhiệm. Thế cho nên, nếu bạn đã có ngồi thiền, và nếu cảm thấy có một sự thúc đẩy, bạn sẽ nhận thấy khi ta trở lại với ngay cội nguồn, nó có thể mở rộng thêm tầm nhìn của ta trên con đường Đạo.

Có nhiều bản dịch Anh ngữ về kinh điển không được rõ ràng cho lắm. Đa số kinh điển, những lời dạy của đức Phật, chứa đựng rất nhiều sự lặp đi lặp lại vì chúng đã được khẩu truyền qua hằng mấy thế kỷ trước khi được ghi chép xuống. Nếu bạn chỉ muốn đọc để giải trí thì tôi nghĩ tìm đọc sách tiểu thuyết của Robert Ludlum là tốt hơn cả. Nhưng khi bạn thật sự đọc một cách từ tốn và cẩn thận, như là một sự chỉ thẳng vào hiện hữu, và bỏ thì giờ để suy ngẫm, để nếm mùi vị chân tánh của thực tại, thì chúng có thể làm sáng tỏ kinh nghiệm của bạn một cách đáng kể, và nó sẽ vạch rõ cũng như giúp cho sự tu tập của bạn được thâm sâu hơn.

tính khôi hài

Tính khôi hài là một điều kiện tối cần cho sự tu tập của ta, trong một khóa tu cũng như giữa những thăng trầm của cuộc sống. Tính khôi hài rất quan trọng, vì sự có mặt của nó tạo được một khoảng không gian tươi mát trong tâm ta. Có khả năng thấy được sự vui tươi, sự thanh nhẹ và trống rỗng của mọi hiện tượng, là một phước lớn, nhất là vào những khi ta đang bị vướng mắc trong những bi kịch của cuộc đời.

Kinh điển nhà Phật có diễn tả rất đầy đủ về những sự biểu lộ khác nhau của tính khôi hài. Chúng được giảng giải một cách rất khô khan theo truyền thống của Vi Diệu Pháp, Abhidharma, một quyển sách về tâm lý học Phật giáo. Sách có ghi lại những loại cười khác nhau, khi người ta trải qua những giai đoạn tu tập khác nhau. Thí dụ, những hạng người trần tục, khi có việc gì làm họ tức cười, họ sẽ lăn ra đất mà cười. Một người giữa những trạng thái giác ngộ, sẽ cười thật to. Bậc A-la-hán, đã giác ngộ hoàn toàn, cười để lộ răng. Và đức Phật, Ngài chỉ mỉm cười. Bạn thấy không, phẩm chất của tính khôi hài cũng được thanh lọc qua nhiều tầng lớp khác nhau.

Vì đã có dịp theo học với nhiều vị thầy, và được thấy nhiều lối dạy cũng như cách trình bày khác nhau, tôi đã học được rất nhiều về tính khôi hài.

Theo tôi thì sự khôi hài thật ra chỉ là một vấn đề tùy thuộc vào văn hóa mà thôi. Tôi đã từng chứng kiến những vị thiền sư châu Á rất nghiêm khắc và khó khăn, bật lên cười nghiêng ngả về một câu chuyện mà tôi, một người Tây phương, chẳng thấy một chút gì là tức cười. Có một lần, Ngài đại lão thiền sư Miến Điện Taungpulu Sayadaw đang nói một bài pháp thoại. Ông lúc nào cũng ngồi giảng theo lối cổ truyền là cầm một cây quạt lễ trịnh trọng để phía trước mình. Ông đang giảng về vấn đề danh và sắc, và lúc ấy có một thiền sinh hỏi ông rằng vậy chứ một con chó có hai yếu tố ấy không! Ông phá lên cười mà không thể nào ngừng lại được. Ông cho rằng đó là một câu hỏi tức cười nhất mà ông đã từng nghe, nhất là khi ông cố suy nghĩ tìm một câu trả lời.

Tính khôi hài giúp ta rất nhiều trong những giai đoạn khó khăn hoặc khổ đau trong cuộc đời. Nó tạo nên một khoảng không gian tươi mát chung quanh nỗi khổ ấy, và giúp ta nới lỏng đi sự vướng mắc của mình. Một thí dụ về việc này là lời ngụỵ biện cuối cùng của Oscar Wilde trước khi ông lìa đời. Sau khi được thả ra từ nhà tù, ông là một người bệnh hoạn, nghèo rớt mồng tơi, thất sủng và đang hấp hối. Ông đi đến Paris, nơi đây ông từ giã cõi đời trong một căn nhà trọ tồi tàn ở một xóm nghèo.

Những tờ giấy dán tường trong căn phòng trọ của ông xấu xí một cách thô bỉ, mà ông Wilde lại là một nhà rất ham chuộng thời trang. Chuyện kể rằng trước khi ông trút hơi thở cuối cùng, khi nằm trên giường bệnh, ông quay sang nhìn bức tường ấy và nói, “Ta chịu không nổi ngươi, một trong hai chúng ta, phải có một người rời khỏi căn nhà này!”

đối diện với cái chết

Lần sau nếu bạn có gặp những khó khăn trong đời, bạn hãy tưởng tượng như là mình đang đối diện với cái chết, tưởng tượng rằng bạn đang thật sự hấp hối. Và trong giây phút ấy bạn muốn đối xử với những khó khăn đó ra sao? Trong giây phút tử sinh ấy, bạn có muốn để cho mình bị lôi cuốn và phản ứng trong sự rối loạn không? Bạn có muốn tránh né, lẩn trốn giây phút ấy không? Hay là bạn muốn chấp nhận, muốn có được chánh niệm và tỉnh thức để đối diện nó?

Có rất nhiều truyền thống tu tập tâm linh chú trọng vào việc suy tưởng đến cái chết của mình. Ý thức đó chắc chắn sẽ bắt ta nhìn lại những vấn đề trong đời mình bằng một quan điểm mới. Trong cuộc sống, ta rất dễ bị dính mắc vào những bi kịch, những khổ đau của mình. Suy tưởng về cái chết, như là một hiện thực, sẽ mang ta ra khỏi những tấn tuồng ấy, và giúp cho ta có một cái nhìn rộng lớn hơn. Nếu giữ được ý thức đó mãi, ta lúc nào cũng có thể sống trong một không gian rộng lớn và thanh thản.

Mỗi khi nghĩ về thiền quán như là một sự luyện tập cho cái chết, nó khích lệ tôi rất nhiều, nhất là giữa những cơn bão tố của cảm xúc hoặc cơn đau của thân thể. Chết là một tình trạng rất khốn khó. Thì ngay chính giây phút này đây, chúng ta đang ở trong hoàn cảnh khó khăn ấy. Ta phải thấy được mình đang ở đâu và tìm một phương cách cởi mở. Sự tu tập của chúng ta là như vậy.

Ví dụ ta ngồi thiền, sau chừng mười lăm, hai chục phút sẽ có những sự khó chịu trong thân sinh lên - đau nơi đầu gối, chẳng hạn - hoặc trong tâm. Chừng ấy ta sẽ biết rằng, muốn thật sự cởi mở ra với những cảm giác khó chịu, không phải là dễ! Nhưng với sự kiên trì tu tập, chúng ta sẽ có thể làm được việc ấy.

Có lẽ trong lúc chết ta còn sẽ phải đối diện với những sự bất an nặng nề nhiều hơn thế nữa. Khi ta bắt đầu cuộc hành trình đi vào một thế giới bí mật, thân ta có thể sẽ bị đau đớn và có nhiều cảm thọ khốn khổ. Chúng ta phải đối xử với chúng như thế nào? Ta có khả năng mở rộng ra và chấp nhận chúng không? Hay ta sẽ phản ứng bằng sự sợ hãi, lo âu, hoặc có khi là khủng hoảng, hoang mang?

Mỗi giây phút ngồi thiền, đi kinh hành, mỗi giây phút tu tập là một cơ hội giúp cho ta tôi luyện tâm mình. Tôi có cởi mở được với sự khó khăn này không? Tôi có thể chấp nhận nó không? Và càng đi sâu vào sự tu tập bao nhiêu, ta càng tiến gần đến bờ mức của sự giới hạn bấy nhiêu. Và biên giới ấy sẽ dần dần được nới rộng ra, tùy theo khả năng chấp nhận của ta. Hãy tinh tấn tu tập để rồi một ngày nào khi ta đến ngay bên bờ biên giới ấy, ta sẽ có đủ tự tin mà vượt qua.

thiền quán vipassana và sự chết

Trong tiến trình này - cho dù đó là một tiến trình về sự sống hoặc tiến trình về cái chết - Vipassana sẽ mang lại cho ta một sức mạnh quán chiếu rất mãnh liệt.

Trong sự tu tập của ta, nhiều khi vì bận rộn đối phó với những thăng trầm, có lúc sự vật rõ ràng và có lúc lại mù mịt, chúng ta thường hay quên đi cái sức mạnh nghiệp báo tốt lành của những giây phút chánh niệm và tỉnh thức.

Trong kinh, đức Phật đã minh giải rất rõ về sức mạnh vô cùng của những hành động của chúng ta.

Mỗi hành động khác nhau sẽ mang lại một năng lực nghiệp báo riêng biệt. Và một trong những việc làm có nghiệp báo tốt lành là dana, tức bố thí hoặc cúng dường. Dana là tiếng Pali, có nghĩa là sự rộng lượng, một năng lực có khả năng thanh lọc rất mạnh mà đức Phật đã nhắc lại rất nhiều lần trong giáo lý của Ngài.

Đức Phật dạy rằng, năng lực nghiệp báo của một món quà tặng được quyết định bởi ba yếu tố: sự thanh tịnh của người cho, sự thanh tịnh của người nhận và sự thanh tịnh của chính món quà ấy – có nghĩa là món quà đó có đạt được bằng một phương thứcchính đáng không. Thế cho nên theo sự hiểu biết ấy, khi ta cúng dường một bậc giác ngộ hoàn toàn, nó sẽ có một hiệu lực nghiệp quả phi thường nhờ vào sự thanh tịnh của người nhận.

Đức Phật lại nói rằng, nếu ta có thể kinh nghiệm được, dầu chỉ trong một giây ngắn ngủi, một tâm thức thấm nhuần lòng từ, metta, thì kết quả còn tốt lành bội phần hơn cả việc cúng dườngđức Phật và toàn thể tăng đoàn của Ngài. Và lại hơn thế nữa, đức Phật dạy rằng, một giây phút thấy được sự sinh diệt của hiện tượng, nghiệp quả của nó còn mãnh liệt hơn cả một tâm an định trong sự từ bi. Ở đây, đức Phật muốn nói đến một loại tuệ giác của thiền quán, khi ta thấy được rõ ràng tính chất tạm bợ, vô thường, của mọi hiện tượng.

Tuệ giác về vô thường lại có nhiều hiệu quả hơn là việc cúng dường đức Phật và cả tăng đoàn của Ngài, gồm toàn những bậc giác ngộ, hoặc có một tâm từ. Vì sao lại thế? Vì trong tuệ giác ấy có nằm sẵn một hạt giống giải thoát!

Giả sử như nếu ta không chọn con đường tu tập thì số phận của ta sẽ ra sao? Việc ấy chắc trong chúng ta, ai từng sống trong đời đều cũng biết! Ta sẽ bị dính mắc, và chấp trước vào cảm xúc, tư tưởng, những đau đớn trong thân và tâm của mình. Trong những giây phút lẫn lộn ấy, ta quên đi tự tánh của thực tại và bị giam hãm trong căn nhà tù của cái ngã.

Trong giờ phút đối diện với cái chết, có thể sẽ có những khổ đau trong thân và tâm xảy đến cho ta. Bạn có thể giữ cho mình có mặt với những khổ đau ấy bằng một thái độ cởi mở và tỉnh thức không? Và biết ghi nhận đơn thuần để ta bớt bị dính mắc vào chúng? Bạn có thể nào an trú trong một chánh niệm không xao lãng, khi chiếc màn bí mật này từ từ hé mở, và khi ta thấy được tự tánh vô thường và không có thực thể của mọi hiện tượng không? Nếu bạn có thể tiếp xúc được với cái chết bằng một thái độ vững vàng như vậy, thì cho dù có sự hốt hoảng, sợ hãi, hoặc đau đớn đi chăng nữa, chánh niệm của ta sẽ đủ mạnh để khiến chúng không gây nên một khó khăn nào: “Ồ, chỉ là những cảm thọ hốt hoảng, đau đớn và sợ hãi mà thôi!”

Hay là thay vì vậy, bạn lại bị lôi cuốn, phản ứng theo những tập quán, thói quen tham muốn, thù ghét, sợ hãi... ngàn đời của mình!

Cũng vì vậy mà sự tu tập của ta, phương pháp thiền quán đơn giản này, lại có một năng lực vô song! Ta đừng bao giờ xem thường hậu quả của việc sống với những kinh nghiệm trong hiện tại, cũng như tuệ giác về vô thường. Bạn nên nhớ rằng, ta sống như thế nào, thì cái chết của ta cũng sẽ như thế ấy.

tâm từ và cái chết

Metta, hay tâm từ, có thể là một phương tiện rất nhiệmmầu giúp ta đối diện với cái chết của mình hoặc của người khác.

Tâm từ có một năng lực rất đặc biệt, nó làm tâm ý ta trở nên nhu hòa và an tĩnh hơn, để có thể đối phó và chế ngự được sự sợ hãi. Khi bắt đầu đối diện với một việc gì bí mật sắp xảy ra, như là cái chết chẳng hạn, thường thì bao giờ trong ta cũng có một nỗi sợ khuấy động lên. Có thể ta sợ cơn đau đớn thường đi đôi với lúc hấp hối. Có thể ta sợ sự bấp bênh của tình trạng ấy.

Cũng có thể chúng ta sợ những gì mình không biết rõ.

Lần đầu tiên khi đức Phật giới thiệu pháp từ bi quán này, Ngài dạy cho một số thầy đang gặp một hoàn cảnh sợ hãi. Phương pháp quán từ bi được sử dụng như là một liều thuốc giải độc cho tâm khiếp sợ. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể phát triển được năng lực của tâm từ, nếu ta biết tu tập cho thâm sâu. Khi tâm từ được vững mạnh, ta sẽ an trú trong một không gian của tình thương và thiện chí, biết lo cho chính mình cũng như cho người khác. Khi ta sống với năng lực và sự đơn sơ của tình thương này, ta sẽ thấy rằng mỗi khi tâm từ có mặt, sợ hãi sẽ vắng mặt. Tâm từ và sự sợ hãi, chúng không thể nào có mặt trong cùng một lúc được!

Bạn hãy tu tập để phát triển tâm từ của mình cho được thâm sâu, nó sẽ xây đấp cho ta một nền tảng vững vàng. Nơi đó sẽ là một nơi trú ẩn, một sức mạnh mà ta có thể nương tựa vào mỗi khi gặp bất cứ một cơn khủng hoảng nào trong cuộc sống, kể cả cái chết.

Tâm từ, metta, và thiền quán, vipassana, là những năng lực hỗ tương, chúng hòa hợp với nhau rất khéo léo. Trong những hoàn cảnh khốn khó, như lúc chết chẳng hạn, ta sẽ bị thu hẹp, vướng mắc và rất dễ bị phản ứng, mà chánh niệm thì tự nó chưa đủ sức để đối phó với tình trạng khó khăn ấy.

Những lúc đó, ta có thể nương tựa vào phương pháp từ bi quán để đem lại sự tĩnh lặng cho tâm mình. Và khi có được sự tĩnh lặng ấy rồi, ta sẽ có thể cởi mở ra bằng chánh niệm, với bất cứ một khó khăn nào đang có mặt.

Phối hợp hai loại thiền này với nhau là một điều rất trọng yếu cho sự tu tập của ta trong lúc này, cho sự xoay xở của ta vào giờ phút lâm chung, cũng như cho cách xử sự của ta đối với một người đang hấp hối. Sự quây quần của người thân xung quanh một người trong giờ phút lâm chung, cũng có thể giúp ích rất nhiều cho tâm thức của người ấy. Mặc dù một người đang hấp hối có vẻ như không có một phản ứng nào, nhưng đừng vì vậy mà ta lại cho rằng họ vô thức. Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện về những người bị hôn mê (coma), sau khi tỉnh dậy, họ kể lại những kinh nghiệm rất sáng suốt. Tuy lúc ấy họ không có khả năng truyền thông, nhưng họ luôn luôn có mặt. Thật ra, chúng ta không biết được việc gì xảy ra trong giờ phút ấy. Bên ngoài có vẻ như thế này, mà bên trong thì có thể là hoàn toàn khác hẳn.

Ta có thể phục vụ một người đang hấp hối bằng cách ban rải năng lực của tâm từ đến cho họ. Nếu ta thực hiện được việc ấy trong một trạng thái thanh tịnh và vững vàng, nó sẽ có một ảnh hưởng trấn an rất lớn. Trong ta tỏa phát ra năng lượng của sự an lạc.

Và thiền quán cũng có thể phục vụ cho ta rất nhiều, vì nó giúp ta quan sát được tâm mình. Chánh niệm cho phép ta theo dõi những cảm thọ và phản ứng của mình mà không bị vướng mắc. Nó giúp ta không làm rối rắm thêm một tình trạng đã quá là khốn khó. Chứng kiến giờ phút lìa đời của một người thân yêu có thể là một kinh nghiệm rất mãnh liệt. Bạn hãy tự hỏi mình, khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta có cởi mở không? Ta có thể để cho chúng trôi qua, và giữ cho mình an trú trong năng lực tỏa chiếu của một tâm từ?

vì lợi ích của tất cả

Dù cho bạn có ý thức được hay không, khi bạn bước chân vào hành trình giải thoát này, nó không phải chỉ để cho riêng mình bạn mà còn cho hạnh phúc của tất cả những chúng sinh khác nữa. Vì khi ta đã hiểu được thấu đáo tự tánh của mình, chân tánh của thân tâm, ta sẽ thấy rằng tự tánh này là của chung tất cả mọi người. Nó tuy có những dị biệt nhỏ, nhưng rất là tương đối và nông cạn, có chăng là chỉ tùy thuộc vào điều kiện mà thôi.

Chúng ta có những cá tánh khác nhau. Và bề ngoài của thân thể ta, nội dung của tư tưởng ta cũng thế. Nhưng cách thức hoạt động của thân và tâm, thì mọi người ai cũng đều giống như nhau. Giận dữ, sợ hãi, thương yêu và tâm từ, những cảm thọ ấy hoàn toàn giống hệt nhau trong bất cứ một ai. Như thân này của chúng ta đều rồi sẽ già yếu và chết. Sau khi hiểu rõ được mình rồi, chúng ta sẽ có thể cảm nhận sâu xa hơn về sự tương đồng giữa ta và người khác.

Tùy theo trình độ hiểu biết của mình về sự tương đồng này, mà chúng ta sẽ có những cách đối xử khác nhau đối với những người chung quanh. Trên con đường tu tập, rồi sẽ có một ngày ta bớt đi cái cảm giác chia rẽ, bớt đi sự cách biệt giữa mình và người khác. Đến chừng ấy, ngay cả loài thú vật cũng không còn là khác biệt với ta nữa.

Từ khi tôi có cơ hội đi đến những nền văn hóa khác nhau để dạy thiền, tôi thấy tâm phân biệt của mình đã bắt đầu phai mờ mau chóng. Ví dụ, tôi đã có dịp hướng dẫn vài khóa tu ở Nga. Nơi đây, tình trạng sinh sống cũng như mối tương quan của người ta với nhau, khác xa so với chúng ta. Dù vậy, trong sự tu tập, những kinh nghiệm đều có chung một phẩm chất: cũng cùng một cái đau nơi chân, cũng một cái tâm viên ý mã ấy, cũng bấy nhiêu cảm xúc, cũng cùng một năng lực tỉnh thức... Ta thấy rằng, bên dưới những nền văn hóa và hoàn cảnh khác biệt ấy, chúng ta đều cùng nhau chia sẻ một chân lý cơ bản của sự sống. Nhận xét này, bao giờ cũng vậy, đưa ta đến một cảm giác gần gũi và nối liền mạnh mẽ với mọi người. Hiểu được mình rồi, tự nhiên ta sẽ hiểu được người khác, và từ đó sợi dây liên hệ hợp nhất mọi người lại với nhau sẽ được siết chặt thêm hơn. Issa, một thi sĩ Nhật bản của thế kỷ mười sáu, diễn tả một cách thật hay: “Dưới bóng hoa anh đào nở rộ, không có ai là một người xa lạ cả.”

Sự tu tập của ta cũng sẽ trực tiếp mang lợi ích đến cho mọi chúng sinh khác. Chính vì mọi sự trên đời này đều có liên quan mật thiết với nhau, cho nên sự sống của ta là cần thiết và có ảnh hưởng đến sự mất còn của toàn thế giới. Có biết bao nhiêu là sự liên hệ, mối tương quan khác nhau, chằng chịt nối liền mọi loài, mọi vật với nhau. Chắc chắn rằng phẩm chất của tâm và ý bạn, thế nào cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều sự việc khác, mà có lẽ bạn sẽ không bao giờ có thể hiểu hết được.

Môn khoa học mới về thuyết hỗn loạn diễn tả rằng, bên dưới những nhận thức thông thường của chúng ta, sự vật rất là hỗn độn và vô cùng khó hiểu.

Tính chất hỗn độn này tự biểu hiện ra cho ta thấy trong những sự kiện thông thường hằng ngày, như là thời tiết thay đổi hoặc trong một làn khói bốc lên. Tuy vậy, nếu bạn đi sâu vào sự hỗn loạn ấy, bạn sẽ khám phá ra rằng chúng có những mô thức rất kỳ diệu và liên hệ với nhau.

Có một nguyên lý gọi là “sự phụ thuộc bén nhạy vào tình trạng ban đầu,” có nghĩa là một sự kiện nhỏ bé đưa vào ở giai đoạn đầu của một diễn trình, có thể trở thành một kết quả rất to lớn sau này ở cuối diễn trình ấy. Vì vậy mà môn khoa học về thuyết hỗn loạn nói với chúng ta rằng, một con bướm đập cánh ở Trung hoa, sẽ tạo nên những tác động dây chuyền có thể ảnh hưởng đến một hệ thống bão tố ở Boston. Đó chính là tính tương quan duyên khởi của mọi vật: chúng ta làm một hành động thương yêu, nói một lời giận dữ, hoặc sống với chánh niệm... làn sóng ảnh hưởng của chúng sẽ dần dần lan rộng ra, và trở nên mạnh mẽ lên.

Càng ý thức được tính tương quan duyên khởi của vạn vật bao nhiêu, chúng ta sẽ càng nhận thấy rằng, phẩm chất của cuộc sống mình không những chỉ ảnh hưởng tới những người mình gặp, mà sẽ còn cho tất cả mọi chúng sinh khác nữa. Một đêm cách đây hơn 2500 trăm năm, đức Phật đã ngồi xuống dưới một cội cây tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, và cũng vì hành động ấy mà bây giờ bạn ngồi đây vào đầu thế kỷ thứ XXI đọc những lời này. Đáng sợ thật! Việc này xảy ra được là nhờ những sự kiện dây chuyền, liên tục tiếp nối nhau kéo dài suốt hơn 2500 trăm năm, qua nhiều nền văn hóa và quốc gia khác nhau. Và sợi dây chuyền ấy không phải chấm dứt với bạn cầm quyển sách này trên tay. Nó sẽ còn được tiếp nối từ bạn cho đến những ai nữa, mà bạn sẽ không bao giờ gặp, ở một thời gian và không gian xa xôi nào đó...

Vũ trụ huyền mặc này đầy những mối tương quan trùng trùng duyên khởi rất tinh vi. Mỗi một hành động của ta cũng tinh tế và có một ảnh hưởng vô cùng như cánh vỗ của con bướm. Và nếu ta càng thoát khỏi được tham, sân, si bao nhiêu, thì cuộc sống của ta sẽ càng đem lại hạnh phúc cho những chúng sinh khác bấy nhiêu. Chiêm nghiệm sự việc này có thể đem lại sinh khí mới cho sự tu tập và cuộc sống của ta, trong một không gian thênh thang và đầy tình thương, khi ta bước đi trên một con đường cổ xưa nhưng rất thực tế này.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh