Đường Vào Triết Học Và Đạo Học: Chương 18. Hương Hoa Đại Đạo

ĐƯỜNG VÀO TRIẾT HỌC VÀ ĐẠO HỌC: CHƯƠNG 18. HƯƠNG HOA ĐẠI ĐẠO

Nếu người ta không có cảm giác - như một giác quan thứ sáu - về sự hiện diện của Cha trong họ, - cho dầu cảm giác đó đôi khi mờ ảo, - thì, Cha cho con hay, không ai có thể nên thánh được. Đối với một số đông người, than ôi! giác quan thứ sáu ấy bị bóp nghẹt bởi nết xấu dưới mọi hình thức...[1]

CAO TRÀO ĐẠI ĐẠO (The Metaphysical Movement)

Thiên khảo luận này có hai mục đích:

- Một là khảo sát về ít nhiều biệt giáo (cults) mới xuất hiện trong vòng 100 năm nay ở Mỹ, hay ở trên thế giới.

- Hai là hệ thống hóa chúng lại, thành một cao trào, mà tôi gọi là Cao Trào Đại Đạo, với những đường nét chung là đề cao giá trị con người, đề cao thân thế và định mệnh con người, tìm ra những định luật chi phối sự tiến hóa con người, từ phàm phu lên tới thần linh tuyệt đỉnh.

Biệt giáo hiện nay nhiều vô số kể.

Trong thiên khảo luận này, tôi sẽ đề cập đến ít nhiều biệt giáo sau đây:

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

- Siêu Phàm Phái (Transcendentalists).

- Thông Linh Phái (Spiritualists).

- Trào Lưu Tư Tưởng Mới (The New Thought Movement), do Phineas P. Quimby đề xướng vào khoảng giữa thế kỷ 19. Nó gồm một số hội đoàn kết liên với nhau dưới danh xưng: Tân Tư Tưởng Quốc Tế Đồng Minh Hội (International New Thought Alliance),

- và Khoa Học Thiên Chúa Giáo (Christian Science).

- Thông Thiên (Theosophy).

Sau đó, chúng ta có thể suy ra các biệt giáo khác.

Sở dĩ tôi dùng chữ Biệt Giáo vì phong trào nói trên tách mình - chẳng ít thì nhiều - khỏi các tôn giáo mẹ - hay những tôn giáo quần chúng - và có những chủ trương hết sức cấp tiến.

Sở dĩ tôi dùng chữ Đại Đạo, vì tuy xuất hiện trên nhiều thời điểm khác nhau, nhưng các phong trào nói trên có những điểm tương đồng. Sau đây là những điểm tương đồng của phong trào này:

  1. Muốn cứu rỗi, con người phải trông vào tự lực, chứ không ỷ lại vào uy lực của các giáo hội.
  2. Con người sinh ra không phải để bị trầm luân hỏa ngục, nhưng kẻ trước người sau sẽ được cứu rỗi hết.
  3. Không chịu đóng khung trong những giáo điều cố định.
  4. Không tin có hỏa ngục.
  5. Niềm tin cốt cán của phong trào là con người căn cốt thần linh, con người có Thiên tính, là một phân thân, một tàn lửa của Trời, một Tiểu Linh Quang. Như vậy là họ có quan niệm trái ngược hẳn với Thiên Chúa Giáo, vì Thiên Chúa Giáo cho rằng con người là một vật thụ sinh do Thượng Đế sáng tạo, được tạo dựng nên giống hình ảnh Thượng Đế, nhưng không được thông phần bản thể Thượng Đế.
  6. Tuy họ vẫn đề cập đến Thượng Đế bằng những danh xưng hữu ngã, như Thiên Tâm, như Vũ Trụ Tâm (Divine Mind, Universal Mind), nhưng họ có khuynh hướng quan niệm Thượng Đế như là một Đại Thể Vô Ngã, và dùng những danh xưng nhưThái Cực (Christ Principle), Vô Cực (Infinite Principle)thay vì dùng danh từ Thượng Đế thông thường (God).

Họ cho rằng họ dung hòa cả khoa học lẫn đạo giáo, vì chủ trương phải tìm cho ra những định luật thiên nhiên chi phối vật chất, ngoại cảnh, xác thân, tâm lý; chi phối tinh, khí, thần, có như vậy mới trở về hợp nhất được với Căn Nguyên Vĩnh Cửu của nhân loại. Tìm ra được nhữnhg định luật vĩnh cửu của trời đất, của vạn vật, nhân sinh mà theo mà giữ sẽ được khoẻ mạnh, thái thịnh về vật chất, bình an về tâm hồn, và phát huy được những năng lực tiềm ẩn nơi mình, có thể chữa khỏi các bệnh tật cho mình, cho người.

  1. Tuy vẫn phân biệt Trời với Người, Trời với Vũ Trụ, nhưng nhiều người trong phong trào này tin là TRỜI là DUY NHẤT, là TẤT CẢ, và ở trong TẤT CẢ.

Vũ trụ vật chất hữu hình chẳng qua chỉ là ảo ảnh của tâm trí con người. Vũ trụ hữu hình này thật ra vẫn là Linh Thiêng, vẫn là bất khả phân với Thượng Đế.

  1. Họ hoàn toàn tin rằng Thượng Đế là nội tại, luôn luôn hoạt động trong lòng quần sinh vũ trụ, và thể hiện ra bằng những định luật. Thiên Chúa Giáo - Tin Lành cũng như Công Giáo - ngược lại chủ xướng Thượng Đế Siêu Việt khỏi tầm thế giới và con người, đến nỗi Ngài như là vắng bóng không có nơi gian trần.
  2. Các giáo phái này tin rằng con người sẽ làm chủ định mệnh của mình, sự tiến hóa của mình, một khi tìm ra được các định luật thiên nhiên, các định luật của Trời, và theo đúng các định luật đó.
  3. Có giáo phái vẫn còn xưng mình thuộc Thiên Chúa Giáo, có giáo phái thì không. Tuy nhiên họ phân biệt con người Chúa Jesus với Christ Căn Nguyên Vũ Trụ và Con người.

Christ Căn Nguyên Vũ Trụ và Con người thì vừa Đồng Nhất với Thượng Đế vừa là Bản Thể con người.

Còn Jesus chỉ là một vị tiên phong, một người đã cảm thấy một cách sâu sắc mãnh liệt hơn người khác rằng mình có thiên tính, và như vậy đã vạch ra cho mọi người thấy con đường phối hợp với Trời.

  1. Phong trào này không công nhận truyền thống Thiên Chúa Giáo cho rằng con người là thứ con người tội lệ, lúc nào cũng cần phải thống hối ăn năn và cầu xin tha thứ, lúc nào cũng lo Chúa phán xét.
  2. Vì Thượng Đế được coi là Tất Cả và ở trong Tất Cả, và là Thiện, nên cái gì Xấu, cái gì Bệnh Hoạn không có thực thể, mà chỉ là giả tạo, sinh ra vì đã hành động sai luật thiên nhiên, và không đúng với bản tính con người.

Chủ trương này ngược lại với truyền thống Thiên Chúa Giáo vì Truyền thống Thiên Chúa giáo coi cái Xấu, coi Tội Lỗi như là một thực thể của cá nhân và của xã hội.

  1. Triết lý của Đại đạo là thứ triết lý thực tiễn. Tin xuông không đủ, còn phải chứng nghiệm vào nơi mình xem là hay hay dở. William James và John Dewey đã cổ võ triết học thực tiễn (Empiricism; Empirical philosophy).
  2. Phong trào này chủ trương rằng muốn cầu giải thoát, phải tìm cho ra bản thể siêu việt, Thực Tại siêu việt trong vũ trụ và trong con người, và áp dụng đứng đắn những luật trời đất, nhân sinh vào công cuộc tu trì, nên phong trào này chủ trương phải tự giác, tự ngộ, tự tu, tự đắc, phải minh tri minh giác, chứ không tin xuông lời người tuyên truyền, hay bắt phải giữ thế này, thế nọ.
  3. Phong trào này tin rằng đường lối của mình rất khoa học, vì đem thực hành chứng nghiệm vào bản thân sẽ thấy hoặc là các khả năng tâm thần phát triển nhiều, hoặc thấy khỏi bệnh, hay sống sung túc hơn.
  4. Chủ trương của phong trào này càng ngày càng tỏ ra gần gũi với Thiền Phật Giáo, với Vedanta Ấn Độ, với các triết thuyết của Erich Fromm và Carl Jung: Căn Nguyên vũ trụ này là một Đại Thể vô biên tế thay vì là một vị Thượng Thần hữu ngã. Muốn tìm cho ra Đại Thể ấy phải đi sâu vào tâm hồn (psychological approach to reality), chứ không thể tìm thấy trong đền đài miếu mạo bên ngoài.
  5. Phong trào này tin con người có thể tránh được bệnh tật; tự chữa được bệnh tật cho mình. Họ quan niệm rằng bệnh hoạn sinh ra là vì cơ thể con người đã không thích ứng được với ngoại cảnh, đã bị những ảnh hưởng ngoại tại, nội tại làm cho mất thế quân bình, làm cho sự hoạt động của các cơ quan hoặc một, hoặc nhiều trong người trở nên rối loạn.

Càng tìm hiểu suy tư, khảo sát về các biệt giáo, mà ngày nay người ta thường gán cho một danh từ đầy khinh mạn là CULTS, tôi càng thấy rõ hai nẻo đường:

Một nẻo đường hướng ngoại, gồm các tôn giáo ngoại tại, với mục đích là: THỜ LẠY THẦN MINH, để cầu mong được bao che, tha thứ, như Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Ấn Giáo, Bái Hỏa, Hồi Giáo, Do Thái Giáo v.v...

Một nẻo đường, đi tìm CHÂN TƯỚNG của con người, mong trở thành Trời, thành Phật, thành Brahman, kết hợp nhất như với Trời, với Phật, với Brahman. Người xưa gọi đó là Mật Giáo. Có nhiều thứ Mật Giáo:

- Mật Giáo Ai Cập (The Mysteries of Egypt).

- Mật Giáo Mithra của Ba Tư (The Mithriac Mysteries of The Persians).

- Mật Giáo Hi Lạp (The Orphic and Bacchic Mysteries, The Eleusinian Semi-Mysteries of the Greeks).

- Mật Giáo của Samothrace, Scythia, Chaldea.

- Mật giáo Kitô (The Mystery of Christ) (Eph., iii, 3,4, 9.)

- Tân Bá Lạp Đồ (Neo-Platonism).

- Giác Ngộ Phái (Gnostism).

- Thiền (Zen).

- Yoga.

- Kabbala (Do Thái).

- Sufism (Bạch Y: Hồi Giáo).

- Hòa Đồng, Hợp NHất với Chúa (Mysticism).

- Trung Dung, Trung Đạo (Khổng, Phật).

- Đơn Gia, Đạo Gia, Tham Đồng Khế (Alchemists, Taoists).

- Thông Thiên (Theosophy).

Nhưng chung qui, chủ trương chỉ là một như vừa phân tách và trình bày ở trên.

Chúng ta có thể toát lược chủ trương đường lối của Đại Đạo như sau:

Muốn vào Đại Đạo, con người phải:

- Đi vào tâm mà tìm Đạo, tìm Trời (Luke XVII, 21)., vì Đạo, vì Trời chính là Chân Tướng, Chân Ngã, chính là Bản Lai Diện Mục của mình..

- SINH LẠI BẰNG THẦN (John, 3: 5).

- Phát huệ (Illumination, Gnosis, Divine Wisdom).

- Tuân theo các định luật tự nhiên (Matt. 5:17).

- Rũ bỏ tiểu ngã (Matt 10: 38- 39).

- Trở nên hoàn thiện (Matt. 5: 48); Thực hiện Đại Ngã.

Mục đích chung chỉ là KẾT HỢP THẦN NGƯỜI, VỚI THẦN CHÚA (TIỂU NGÃ VỚI ĐẠI NGÃ), để CHÚA trở nên TẤT CẢ TRONG TẤT CẢ (JOHN 17: 31. I COR. XV, 28).

I. SƠ LƯỢC VỀ PHÁI TRANSCENDENTALISTS

Phái Transcendentalists (Siêu Phàm Phái) được Emmanuel Swedenborg đưa ra những tư tưởng chỉ đạo. Coleridge, Emerson, Calyle sau này đã khai thác, hệ thống hóa. Phái này chống lại với truyền thống Thiên Chúa Giáo, và không chấp nhận rằng:

- Con người là tội lệ, là sa đọa, là hủ hóa; không chịu cho rằng ý chí con người bị ràng buộc.

- Không chịu rằng tất cả các tín lý đều phải phát xuất từ một bộ sách là Kinh Thánh. [2] Phái này cho rằng con người có hai phương diện. Đứng về phương diện Bản thể, thì tự do; đứng về phương diện phù sinh, thì luôn luôn bị xiềng xích.[3] Phái này chê, chán dĩ vãng, và hết sức lạc quan cho tương lai nhân quần, và tin rằng trong tương lai nhân quần sẽ tìm ra được phương thức giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân sinh [4]

Sở dĩ gọi là Siêu Phàm Phái, vì theo Coleridge (17721834), tâm hồn con người có hai phía, hai mặt; phía phàm phu và phía siêu phàm (phía thần tiên). Đứng về phía phàm phu thì chỉ thấy con người là tội lệ, là sa đọa; còn đứng về phía siêu phàm thì chỉ thấy con người chính là thần minh, chẳng có thua sút thần minh. [5]

Trong Đạo Học, Triết Học Đông Phương cũng luôn luôn nói về hai nẻo đường của một con người: Đường Tục, Nẻo Tiên. Khi còn mang Phàm tâm, tức là còn đi theo nẻo tục, mê luyến tiền tài, công danh, tình ái, tức là khi còn trẻ người non dạ. Khi đã thấy Thiên Tâm xuất hiện nơi mình, sẽ đi vào con đường tiên cảnh nội tâm.

Chiều Tục, hay Chiều Âm trong vòng Dịch tức là gồm Chiều Âm, phía phải, hay là phía Tây Nam và Tây Bắc; Nẻo Tiên là Chiều Dương trong vòng Dịch, Chiều Dương bên phía trái, tức là phía Đông Bắc và Đông Nam, vì thế nơi Thoán Truyện quẻ Khôn mới viết:

Mới đầu mê lạc đến điều,

Là vì bỏ mất chẳng theo đạo Trời.

Sau rồi nhu thuận đòi noi,

Mới đâu ra đấy cơ ngơi rõ ràng.

Tây Nam gặp được bạn đàng,

Cùng người đồng loại thênh thang đăng trình,

Phía Đông Bắc mất bạn mình,

(Cuối cùng vượt được quần sinh mới là.)

Siêu quần bạt tụy mình ta,

Mới là phúc khánh, mới là vinh xương.

Bền gan rồi sẽ cát tường,

Y như trời đất vô cương khác nào.

Phàm phu tục tử thì theo đạo người, theo các đạo giáo công truyền trong thiên hạ, tin rằng mình là kẻ hèn hạ tội lỗi, cần phải có người cứu rỗi mình, tin vào thánh thư này, thánh thư nọ, giữ giáo luật này giáo luật nọ.

Tiên Thánh là những người tin mình có Tính Trời, Tính Phật, Chân Tâm, Thiên Tâm; tin mình là những người sang cả, có định mệnh sang cả, là những Con Trời, là những Tiên, Phật thật sự. Thánh Thư, Thiên Thư của họ là Vũ Trụ Thiên Nhiên, là Lương Tâm. Luật Trời, ý Trời là những định luật thiên nhiên vĩnh cửu, đã ghi tạc ngay trong thâm tâm con người.

Họ theo Đạo Trời. Đạo này chẳng do ai lập ra, vì nó đã gắn liền với tâm linh nhân quần từ muôn thế hệ...Họ sẽ tự cứu mình, và sẽ giúp mọi người tự tin, tự trọng, tự cứu lấy mình, cải thiện lấy hoàn cảnh thiên nhiên, xã hội.

* Emmanuel Swedenborg (1688-1772)

Tiến sĩ Triết Học năm 22 tuổi, tại Đại Học Upsala, Thụy Điển. Từ 1716 bắt đầu viết nhiều sách về Thiên Văn, Địa Lý, khoáng sản, kim loại, và là người đã đưa ra thuyết Vân Vụ (Nebular hypothesis) để cắt nghĩa sự khởi nguyên của vũ trụ trước Laplace và Kant. Cho tới 1745 ông viết được khoảng 40 quyển sách về khoa học. Từ 1745 cho đến khi chết là 1772, ông toàn viết sách về đạo học và thần học (khoảng 50 quyển). Ông là người đầu tiên muốn dung hòa đạo học và khoa học.

Năm 1769, ông viết rằng sở dĩ ông chuyển hướng như vậy là đã được Chúa hiện ra, cho ông trông thấy cõi thần linh, và cho ông được trò chuyện cùng thần thánh. [6]

* Swedenborg, không chấp nhận rằng Chúa đã tạo dựng nên mọi sự bởi không, nhưng chính đã lấy chính bản thể mình để tạo nên vũ trụ. Như vậy là ông đã thoát ly khỏi truyền thống Thiên Chúa Giáo.

Swedenborg cho rằng toàn thể vũ trụ này với thiên đàng địa ngục, là một thống thể trong đó chỉ có Thượng Đế là sống động. Nhân loại là tử vật. Sinh linh là tử vật. Tất cả có vẻ sống động là vì Thượng Đế sống động ở bên trong. Thiên thần cũng là những con người trước đây đã sinh sống dưới đất hay ở các hành tinh khác.[7] Swedenborg như vậy đã chấp nhận thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể.

Thượng Đế và vũ trụ sinh linh là một thống thể. Thượng Đế là Bản Thể là Nguồn Sống duy nhất. Vũ trụ quần sinh là những hiện tượng là những phân bộ biến thiên. Công của Swedenborg rất lớn. Sự đóng góp của ông rất đa dạng.

- Ông đã làm sống động lại quan niệm tiền kiếp và lai sinh của các phái Gnosticism, Kaballa, của Pythagoras xưa.

- Ông đã chủ trương như phái Thông Linh sau này rằng người sống có thể liên lạc với người đã chết.

- Ông chủ trương vũ trụ này do một Đại Thể phóng phát tán phân ra mà thành, chứ không phải đã được tạo dựng bởi không. (Creation ex nihilo)

- Ông chủ trương những người đại giác, đại ngộ có thể thấy trước được thiên cơ, và những biến chuyển lớn sắp tới cho nhân loại.

- Ông cho rằng Đấng Christ đã tái lâm một cách âm thầm từ năm 1757. Và vì thế mới có những tư tưởng mới thuộc về «Tân Thời Đại», và về Thời Đại Bảo Bình.

- Ông chủ trương có nhiều vũ trụ. Mỗi vũ trụ lại có những thần linh riêng biệt.

- Ông chủ trương ý trời, ý người chẳng qua là một.[8] Ảnh hưởng của ông bao trùm các biệt giáo hiện nay, trong đó có Siêu Phàm Phái.

Ở Mỹ ngày nay người ta còn dựa vào tư tưởng ông để lập thành một giáo phái mới, gọi là Giáo Hội Tân Jerusalem (The Church of The New Jerusalem), có 33 giáo xứ, và khoảng 2143 tín đồ.

* Ralph Waldo Emerson (1803-1882)

Ông là một nhà văn, nhà thơ, một đạo gia và là một trong những sáng lập viên Phái Siêu Phàm. Ông thụ phong mục sư năm 1826 và phục vụ cho Giáo Hội Tin Lành Unitarian ở Boston, nhưng đến năm 1832 thì ông từ chức mục sư. ông từ chức, vì lẽ ông không tin vào Phép Thánh Thể - kỷ niệm bữa Tiệc Ly - như mọi người giáo hữu thường, và chỉ có thể coi Chúa Giê Su như một người bạn đã được vinh hiển, chỉ có thể yêu Ngài theo tình bạn, chứ không thể kính sợ Ngài. [9]

Ông có công dạy người biết tự tin, tự trọng, và nghe tiếng lương tâm, và đề cao giá trị con người. [10] Emerson xướng xuất rằng mục đích của đạo giáo là sống kết hợp với Thượng Đế, và Thượng Đế sẽ hiển linh đối với con người, khi họ mở được linh giác.

Ông chịu ảnh hưởng hợc thuyết nhất thể của Ấn Độ Giáo, nên chủ chương Chúa ở trong mọi người và mọi vật, và chính là Chân Ngã của con người. [11]

II. MÔN PHÁI THÔNG LINH (SPIRITISM; SPIRITUALISM)

Đặc điểm của môn phái này là tìm cách giao thiệp với các vong linh đã quá vãng. Nó cũng na ná như những phong trào gọi hồn, cầu cơ, phụ đồng ở Việt Nam ta xưa.

Có nhiều người theo phong trào này như thể được thánh nhập, nên có thể thông linh, thấu thị, có khả năng liên lạc với thần linh, có khả năng trị bệnh v.v...

Phong trào thông linh, tuy là đã có từ thượng cổ, nhưng thực sự đã tái phát triển tại Mỹ và Âu Châu, vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Andrew Jackson Davis (1826-1920), sinh trưởng tại Nữu ước, là một trong những người khởi xướng phong trào Thông linh, và đã viết rất nhiều sách để xây nền đặp tảng cho phong trào trrở nên một thứ tôn giáo mới.

Kế đó phải kể đến các chị em gia đình John Fox (Margaretta lúc ấy 11 tuổi, Kate, lúc ấy 8 tuổi) ở Hydesville, phía bắc tiểu bang Nữu ước. Hai chị em bắt đầu từ tối 31 tháng 3, 1848, đã liên lạc với các vong linh bằng cách nghe tiếng gõ (rappings). Nhiều người danh tiếng đã ủng hộ phong trào này như Horace Creeley, James Fennimore Cooper, Talmadge, thống đốc tiểu bang Michigan, và từ 1857, tổng thống Abraham Lincoln.

Phong trào Thông linh truyền sang Anh năm 1853, sang Đức năm 1956. Sir Arthur Conan Doyle, khoa học gia Sir William Crookes người Anh, cũng để tâm nghiên cứu và bênh vực phong trào này. Ở Pháp, người theo Thông Linh nổi tiếng nhất là Hyppolyte Léon Denizard Rivail (1803-1869), bút hiệu là Allan Kardec.

Từ năm 1857, Thông Linh rất mạnh ở Cleveland, và ở the Western Reserve ở Ohio. Có thể nói rằng đa số dân chúng ở những vùng đó theo Thông Linh.[12]

*T.S Charles Braden ước lượng rằng ngày nay số người theo Thông Linh ở Mỹ khoảng từ 5 đến 7 trăm ngàn, và toàn thế giới có chừng từ một triệu rưỡi đến 2 triệu.[13]

* Ông Walter R. Martin chủ trương ngược lại: Theo ông thì vào năm 1975, toàn thể nước Mỹ chỉ có 34 giáo xứ Thông Linh, với tổng số giáo hữu là 4,000. Nhưng ở Âu Châu thì nhiều hơn. ở Nam Mỹ thì hiện nay có khoảng 4,000,000 người theo Thông Linh, mà nguyên xứ Brazil đã có 3,000,000. Nam Mỹ theo phái Kardec. (Ib. 199). Năm 1957, chính phủ Brazil, nhân dịp kỷ niệm Thông Linh Phái được 100 năm, đã phát hành một con tem mang hình Allen Kardec.

* Nhiều học giả, trong đó có E. Royston Pike, tác giả cuốn Dictionnaire des Religions, cũng đã xếp Cao Đài vào Thông Linh vì Cao Đài rất chú trọng cầu cơ, cơ bút.

Đọc các phúc trình về Thông Linh, do nhiều khoa học gia trứ danh như Sir William Crookes, hay Tiến Sĩ Marcus Bach đã làm, sau khi đã chứng kiến các đồng cốt nổi danh như bà Pipers, ông Daniel Douglas Home, William Stainton Moses, và Leonore Kuiper, ta nhận thấy:

Thực sự các vong linh đã hiện về để dạy dỗ, hoặc để đối thoại với các người thân (apparitions).

Người đồng cốt có thể khinh thân, bay lên khỏi mặt đất (levitation), có thể thấu thị (claivoyance). Các vật nặng như kèn đồng, accordeon có thể bay lên không trung và chuyển hướng theo lời yêu cầu của người dự (telekinesis).

Người ngồi đồng có thể phát ngôn, viết tự động (automatism of speech, of writing), bị vong linh ốp vào người (trances). Đã đành cũng đôi khi có những trường hợp lừa bịp, nhưng thường thì những hiện tượng tâm linh đó không thể chối cãi được.

* Bà Pipers, ngồi đồng trong vòng 26 năm. Hội Khảo Sát về Tâm Linh Học Anh Quốc (The British Society for Psychical Research) đã tốn trước sau $150,000 để thuê người điều tra, theo rõi bà, đã phái nhiều nhân viên cự phách như giáo sư Sir Olivier Lodge đến dự 88 lần bà Pipers lên đồng, mà hoàn toàn phải công nhận là không thế nào bắt được gì là sai lầm, là gian trá. Giáo Sư James Hyslop ở Đại Học Columbia đã phỏng vấn bà Pipers tất cả 17 lần. Cuối cùng hoàn toàn bái phục và nói đã nhờ bà mà liên lạc được với người cha đã chết.

Dưới đây là một số tư liệu, mà Thông Linh chính thức chủ trương, hoặc đã được ghi chú từ những lần ngồi đồng, hoặc cầu cơ:

- Vô Lượng Trí tràn ngập vũ trụ, chi phối vũ trụ. Vô Lượng Trí không có hình tướng, vô ngã, toàn năng, và hiện diện khắp nơi

Tinh quang Trời hiện hữu trong muôn vật.

Mọi hồn thiêng tiến hóa mãi mãi, để tiến tới tuyệt đỉnh tinh hoa, siêu việt, hiển vinh, nơi đó Chúa là Tình Yêu, Tình Yêu là Chúa. [14]

- Phong trào Thông Linh đem thần đổ xuống loài người, là một sự thiên khải từ những khung trời sáng láng. Nó đem laị cho chúng ta thông điệp chân lý mà chỉ lo chúng ta chưa đủ lớn, khôn để mà thấu hiểu; một thông điệp sâu sắc, đẹp đẽ, và hết sức ý vị mà chỉ lo chúng ta chưa đủ sức thực hiện. [15]

- Không gì vô lý hơn rằng Chúa Jesus lại "thần" hơn, "trời" hơn người khác. [16]

Chuyện Chúa Jesus thai sinh kỳ bí chỉ là một chuyện thần thoại, huyền kỳ. [17]

Những tâm linh tiến bộ không chủ trương Chúa Jesus chuộc tội thiên hạ (Nocholas).

Chuyện chuộc tội đúng là điên khùng cao độ, vừa bất công lại vừa vô luân. (Hall). [18]

- Đấng Christ là Thiên Chúa, đồng đẳng với Chúa Cha là một điều ai cũng chống đối. Jesus Christ là Con Thiên Chúa y như chúng ta cũng là Những Con Thiên Chúa. [19]

- Chúng tôi nhấn mạnh một lần nữa để quí bạn rõ là chỉ được tin những gì hợp với định luật tự nhiên, và có thể chứng minh cụ thể... Phép lạ nghĩa là cái gì xảy ra ngược lại với định luật tự nhiên, như vậy không có phép lạ. [20]

- Không có Hỏa Ngục, Luyện Ngục, chỉ có hình thức sinh sống thay đổi. Tùy tâm trạng, mà các vong linh sẽ sống sướng hay sống khổ, y thức như trong cuộc đời này...[21]

Phát triển tâm linh chính là thờ phượng Chúa. Cuộc sống thần linh cốt là tiến hóa, phát triển. Y như phá vỡ tổ kén. Y như siêu thăng theo hình chôn ốc. Càng ngày càng lên các tầng trời cao hơn...Chết không phải là phạt tội một cách phũ phàng. Sự Chết chẳng có 'nọc'. Chết chẳng có thân cũng chẳng có sơ. Chết đã được Trời định từ muôn thủa...[22]

- Thông Linh Phái hoàn toàn tin rằng Thượng Đế là một Huyền Lực vô hình, vô ngã tiềm tàng và thi triển trong lòng muôn vật. Thượng Đế, hay Vô Lượng Trí, cũng là Nguồn Gốc quần sinh. Muốn được cứu rỗi cần phải sống thuận theo những định luật vật lý, tâm linh. Các định luật đó chính là sự phát huy, sự thể hiện của Thượng Đế trên mọi bình diện sinh hóa...

Không có chuyện ai đền tội thay ai. Không có hình phạt đời đời, mà chỉ có Tiến Hóa vô tận...[23]

Âm Ti, Địa Ngục có thể hiểu được là chỗ thấp kém nhất trong các nấc thang tiến hóa.

Thông Linh Phái dần dà cũng chia thành nhiều phái. Sự chia rẽ xảy ra là vì có người tin có Luân Hồi (Reincarnation - Hiểu theo nghĩa hẹp là Đầu Thai lại ở gian trần), có người không. Những người theo phái Allen Kardec thì tin có Luân Hồi. Ở Mỹ có phái tin có Luân Hồi, có phái không. Nên nhớ ở Mỹ Luân Hồi chỉ có nghĩa là đầu thai lại ở thế gian này.

- Về vấn đề này, nhà Thông Linh W. T. Stead - một người không chấp nhận có đầu thai - giải thích đại khái như sau: Các Linh sau khi chết vẫn còn chấp trước, vẫn còn mang những màu sắc như Công Giáo, Tin Lành v.v... Họ chưa tiến hóa được tới Tuyệt điểm, Tuyệt Đối, Tuyệt Đích. Cho nên những Linh nào còn tin có Luân Hồi, còn tin có Đầu Thai lại, thì lúc giáng cơ vẫn dạy rằng có Đầu Thai... Còn nghĩ phải đầu thai là còn tiến hóa chưa được cao...

Còn phía chấp nhận có đầu thai như Dr. Robert Chaney, thì cho rằng, theo lời dạy của một vong linh, thì con người có thể đầu thai sau 50 năm. Đó là sớm nhất. Còn lâu hơn, có khi từ 1500, đến 2000 năm. Họ còn trích dẫn Phúc âm Matt. 17:12-13, để chứng minh rằng Chúa Jesus cũng có dạy về Luân Hồi, vì đã cho rằng John the Baptist là Elias tái sinh...

Theo tôi chủ trương của cả đôi bên đều hợp lý: Tu thấp, thì phải đầu thai lại. Tu cao, tiến hóa cao, thì khỏi phải đầu thai lại ở trần gian này, nhưng sẽ được lên các cõi trời cao hơn. Phúc âm có câu: Nhà cha ta có nhiều nơi ở. [24]

- Thông Linh phái cũng chủ trương có thể dùng thần lực để chữa bệnh. Thần lực ấy đôi khi được gọi là 'Odic Force' (chữ này do Karl Von Reichenbach khai sinh ra năm 1852). Thần lực này thoát ra từ đầu các ngón tay của người có khả năng chữa bệnh.

* Các phái Thông Linh tại Mỹ hiện nay:

Hiện nay có nhiều giáo phái Thông Linh ở Mỹ. Có hai vấn đề chính gây chia rẽ:

- Một là vấn đề Luân Hồi.

- Hai là vấn đề rằng: Người Thông Linh còn coi mình là tín đồ Thiên Chúa Giáo hay là không.

Sau đây là các Giáo Phái Thông Linh chính:

- The National Spitualist Association of Churches of The United States of America, thành lập năm 1893, thường viết tắt là N.S.A.

Giáo phái này không chấp nhận có Đầu Thai.

Andrew Jackson Davis, cũng như N.S.A. thì hoàn toàn tách khỏi Thiên Chúa Giáo.

- National Spiritual Alliance, sáng lập năm 1913, tách khỏi N.S.A. vì tin có Đầu Thai.

- Spiritual Science, do B.S. 'Mẹ' Julia Forest sáng lập năm 1923, hoạt động mạnh nhất tại Tiểu bang Nữu ước.

- The Aquarian Brotherhood of Christ, do Caroline Duke sáng lập năm 1925.

- The Independent Spiritualist Association, do Amanda Flowers sáng lập năm 1924.

- The Spiritualist Episcopal Church, do các ô. Clifford Bias, John Bunker, Dr. Robert Chaney sáng lập.

- The Universal Spiritualist Association, thành lập năm 1946. Môn phái này không tin có tội tổ tông, và hiểu Atonement không phải là sự Chúa Jesus đổ máu cứu chuộc mà chính là AT- ONE- MENT: Sống hợp nhất với Thiên Chúa.

- Spiritualist Camps.

- The Spiritual Frontiers Fellowship do Albin Bro, Paul Higgins, Arthur Ford sáng lập năm 1956.

Vergilius Ferm toát lược về Thông Linh Phái như sau: «Sở dĩ Thông Linh Phái trở thành một đạo giáo vì con người tò mò tìm hiểu xem sau khi chết sẽ ra sao. Người Thông Linh chủ trương rằng con người sẽ tiến hóa mãi mãi, thăng hoa mãi mãi. Lai sinh càng ngày càng huy hoàng. Vũ trụ là một môi trường thân yêu. Người dương thế với thần linh trên Tiên Giới sống thân thiện hòa ái với nhau. Người dương thế mong cầu được sự chỉ dạy của các Linh Thần xưa kia đã sống trên mặt đất này. Mọi người đều sẽ được cứu rỗi. Mọi người được hưởng tự do, bình đẳng, vui sướng, hòa ái, chứ không sa đọa vào những tâm trạng sầu bi, ủ dột mà các đạo giáo công truyền thường đề cập tới...» [25]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh