Đường Vào Triết Học Và Đạo Học: Chương 12. Con Đường Giải Thoát

ĐƯỜNG VÀO TRIẾT HỌC VÀ ĐẠO HỌC: CHƯƠNG 12. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Mục đích của Triết học và đạo giáo cốt là tìm ra con đường giải thoát cho con người. Cái hay của một môn học là làm thế nào để người sau nếu đi theo đúng những đường lối đã chỉ dẫn, cũng sẽ tìm ra được kết quả y như là người đã khám phá ra nó đầu tiên. Cho nên nếu Chúa Jesus, nếu Phật là những vị giáo chủ chân thực, thì chẳng qua cũng chỉ là những người tiên phong đã tìm ra được một phương trình, một phương thức giải thoát cho con người, mà chính các Ngài đã dùng để tự giải thoát mình. Chúng ta là những người đi sau, khi khảo lại những tư tưởng, những đường lối của các bậc đàn anh đi trước, phải làm sao để những tư tưởng ấy ngày một thêm sáng láng, những đường lối ấy ngày một thêm rõ ràng, để càng ngày càng thêm nhiều người cũng thành Chúa, thành Phật như các Ngài. Còn nếu quả thực các Ngài xuống trần để đi thu nạp thêm một số nô lệ, một số bầy tôi chuyên môn nịnh hót, xưng tụng các Ngài, thì riêng tôi, tôi thấy các Ngài quả là đã làm hư hỏng gian trần.

Tôi phải nói ngay rằng Chúa hay Phật đều là những người hết sức khiêm tốn. Một hôm Chúa Jesus vì xưng: «Ta và Cha ta là một», nên bị người Do Thái vác đá ném. Ngài liền trích dẫn câu Thánh Vịnh 82 để bào chữa. Ngài cãi: «Trong luật các ngươi, lại đã không viết sao: "Ta bảo các ngươi đều là Chúa". Luật gọi là Chúa, những kẻ được Chúa đối thoại - lời Kinh Thánh dĩ nhiên không thể hủy - thế mà kẻ đã được Thiên Chúa tôn phong và sai xuống gian trần, chỉ vì xưng mình là con Thiên Chúa thì các ngươi lại cho là phạm thượng...» (John, 10:34).

Như vậy, Ngài đã long trọng tuyên bố rằng mọi người đều là Chúa, đều có khả năng trở thành những Con Thiên Chúa. Chính vì thế mà Ngài cho rằng khi xưng mình là Con Thiên Chúa, thì chẳng có chi là phạm thượng.

Bản Kinh Thánh Nguyễn Thế Thuấn dịch: «Các ngươi là thần.» Nhưng bản Thánh Kinh King James Version thì dịch: «Ye are gods»; bản Bible de Jerusalem bằng Pháp văn dịch: «Vous êtes des dieux».

Xưa nay không ai dám dịch: Các ngươi đều là Chúa. Nhưng tôi dám dịch như vậy, vì dựa vào toàn bộ thông điệp của Chúa Jesus. Thông điệp ấy như sau:

1) Ngài cho rằng Ngài và chúng ta đều là con một Thiên Chúa, vì thế mới lập ra kinh Pater Noster (Lạy Cha chúng tôi) (Mat. 6:9- 13).

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

2) Nếu ở trên đây ta dịch: Các ngươi là thần, thì Chúa Jesus cũng chỉ gọi Đức Chúa Cha là Thần (John 4:24).

3) Nếu Ngài xưng mình là một với Thượng Đế, thì Ngài cũng cầu xin, cũng ước nguyện cho mọi người được nên một với Thượng Đế như Ngài (John 17:21)

4) Ngài cũng tuyên xưng nếu ta yêu được kẻ thù của ta, thì ta cũng được gọi là Con Thiên Chúa (Mat. 5:45)

5) Ngài cho rằng nếu chúng ta có niềm tin về giá trị và thân thế của mình, thì cũng làm được những phép lạ như Ngài, hoặc hơn Ngài (Mat. 17:20. Luke 17:6; Mat. 21:21. John 13: 12)

6) Ngài cho rằng vì Thiên Chúa là Thần, nên ta phải thờ Ngài bằng thần (John 4: 24). Hơn nữa Ngài đoan quyết rằng: Muốn vào Nước Trời, con người phải sinh lại bằng thần (John 3: 5). Thế tức là con người muốn vào nước Trời, trước tiên phải thành Thần.

7) Thánh Paul cũng chủ trương con người sẽ trở thành những con Thiên Chúa mai sau, sẽ đạt tới tầm kích chúa Kitô, để Chúa Kitô sẽ trở thành Người Anh Cả của vô vàn đàn em (Eph. 4:13. Rom. 8:18- 30).

8) Ước vọng xưa của người Công giáo là sẽ trở thành đấng Kitô khác (Alter Christus).

9) Sách Khải Huyền hứa cho những người đắc đạo sẽ được ngồi tòa Thiên Chúa như Chúa Jesus (Rev. 3:21).

Trong tiếng Anh có chữ ATONEMENT: Chữ này thường được hiểu là Sự Chuộc tội do một đấng Cứu Thế.

Nhưng thực ra chữ ATONEMENT gồm 3 chữ: AT - ONE- MENT: Tức là Kết hợp nhất như (với Thượng Đế).

Nếu ta hiểu GIẢI THOÁT là kết hợp nhất như hoặc là với Thượng Đế như kiểu nói Âu Châu, hoặc là với Đại thể vũ trụ, với Atman- Brahman như kiểu nói Ấn giáo; hay với Như Lai, với Chân tâm, Phật tính theo kiểu Phật giáo, thì ta thấy rằng: Con người chỉ khi đạt tới giải thoát mới trở thành bất tử.

Theo tôi đó là cách hiểu hai chữ giải thoát một cách đứng đắn nhất. Từ xưa đến nay, nhân loại chính vì không hiểu nổi định mệnh sang cả mà Trời đã dành cho mọi người, nên khi thấy Chúa Jesus xưng mình là một với Thượng Đế, thì tưởng chừng như là một chuyện kinh thiên động địa, mà chỉ một mình Chúa Jesus làm được, còn mọi người khác đều muôn đời không bao giờ có thể làm được như vậy. Ôi, quả thực là một điều, ngu muội, lầm lẫn lớn lao, một sự xỉ nhục lớn cho nhân quần. ước gì nhân quần sớm giác ngộ được định mệnh cao sang của mình.

Vậy con người sinh ra đời này cốt là để thực hiện Chân Ngã, thực hiện Thiên Chúa nơi mình, để thành Chúa, thành Phật; chứ không phải để lạy Chúa; lạy Phật. Srila Prabhupada, một đạo sư Ấn Độ nói: «Mục đích cuộc đời là để thành Chúa, thành Thần, nhưng các khoa học gia không biết chuyện đó. Xã hội nhân quần hiện nay bị hướng dẫn bởi những kẻ mù, kẻ điên. Những người mang danh là chuyên viên, khoa học gia, triết gia, đều không biết mục đích chân thực của cuộc đời. Còn chúng nhân thì cũng đui mù như vậy. Thế là một người mù dẫn một lũ mù, thì làm sao mà đạt được kết quả. Không thể nào như vậy được. Chúng ta phải đi tìm những người đã giác ngộ, mới có thể tìm ra được chân lý.» [1]

NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐẠT GIẢI THOÁT

Xưa nay bàn về giải thoát không biết cơ man nào là người. Nhưng vấn đề vẫn hết sức mơ hồ, vì nó đòi hỏi một điều kiện là người đạo sĩ phải chứng nghiệm giải thoát nơi chính bản thân. Tu chứng giải thoát không phải là súc tích kiến văn, mà chính là giác ngộ tâm linh, hồi quang phát huệ.

1. CHỨNG NGHIỆM TỰ TÍNH

Điều kiện tiên quyết là nhận ra được rằng mình có THIÊN TÍNH, có PHẬT TÍNH. Bất kể những phương tiện đã dùng là những phương tiện gì: sống đời tu trì, khổ hạnh; quán tưởng, thiền định; mặc khải, giác ngộ nhưng kết quả chỉ là một: Thấy rằng mình với Đại thể vũ trụ chỉ là Một chứ không hai, thấy rằng trong cái thân tứ đại của mình, có Đại thể vô biên, làm căn cơ vũ trụ và muôn loài, muôn vật.

Huệ Năng viết về ngộ Đạo như sau:

«Đạo do tâm ngộ, há ở việc ngồi thiền sao? Kinh nói: Kẻ nào chỉ thấy Như Lai ở hình tướng, hoặc ngồi, hoặc nằm, ắt hành tà đạo. Vì sao vậy? Vì Như Lai không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, không sanh, không diệt. Nhận ra cái thể không đến, không đi, đó là Như Lai thanh tịnh thiền. Nhận ra cái lẽ vạn vật đều không tịch đó là Như Lai thanh tịnh tọa.

Đạo không có sáng tối. Nói sáng tối là nêu cao cái nghĩa đắp đổi lại qua. Sáng sáng không cùng rồi cũng phải cùng,

Cũng vậy, đạo không có phiền não với bồ đề đối đãi nhau. Vì sao? Vì phiền não tức bồ đề, chẳng phải hai, chẳng phải khác. Nếu lấy trí huệ chiếu phá phiền não, đó là kiến giải của hàng Thanh văn, Duyên giác cỡi xe nai dê; hàng trí cao căn lớn quyết không như vậy.

Sáng với không sáng, kẻ phàm thấy "có hai", bậc trí thấu rõ tánh nó "Vô nhị". Cái tánh vô nhị ấy là chân như thực tánh. Tánh ấy bình đẳng ở muôn vật, ở phàm ngu chẳng bớt, ở hiền thánh chẳng thêm, ở phiền não chẳng loạn, ở Thiền định chẳng tịch; cái thấy vô nhị tuyệt đối ấy, thấy chẳng đoạn, chẳng thường; chẳng đến, chẳng đi; chẳng ở giữa, chẳng trong ngoài; chẳng sinh, chẳng diệt; tánh tướng như như, thường trụ chẳng dời, đó gọi là Đạo.

Nếu Ông muốn biết chỗ tâm yếu của Thiền thì lành dữ tất tất chớ nghĩ đến thì tự nhiên ngộ nhập trong thể tánh thanh tịnh của tâm, tuy vắng lặng linh minh, mà diệu dụng thì vô tận đáp ứng với thế sự vô cùng.» (Đàn Kinh, phẩm Hộ pháp).

2. PHẢI CÓ BẢN ĐỒ

Cũng như muốn di chuyển trong một thành phố cho khỏi lạc, chúng ta phải có bản đồ của thành phố ấy, muốn tìm cho ra con đường giải thoát, chúng ta cũng cần có một bản đồ. Từ nhiều năm nay, tôi đã cố vẽ ra một đồ bản về các tầng lớp trong con người. Tôi đã vẽ các tầng lớp trong con người thành bảy vòng tròn đồng tâm như sau:

  1. Vòng trong cùng là Thái Cực, hay Chân Ngã, hay Bản thể Vũ trụ, hay Đại Linh Quang.
  2. Vòng thứ hai là Khí (Pneuma, Animus), hay Hồn Thanh hướng về Chân Thiện, Mỹ (HỎA = FIRE).
  3. Vòng thứ 3 là Trọc Hồn (anima, soul), gồm thất tình, lục dục, chịu ảnh hưởng của từ trường, từ lực, mà người xưa gọi là sống trong vòng duyên nghiệp, sắc tướng hay thanh sắc (KHÍ = AIR).
  4. Vòng thứ 4 gọi là vòng Trí Não (intellect), cơ quan sinh ra tâm tư, niệm lự (THỦY = WATER).
  5. Vòng thứ 5 là vòng thể xác, ngũ quan (ĐỊA = EARTH).
  6. Vòng thứ 6 tượng trưng cho gia đình, quốc gia, xã hội (Vòng lợi danh, và ái tình, duyên nợ).
  7. Vòng thứ 7 bên ngoài tượng trưng cho ngoại cảnh vật chất, cho các nghề nghiệp, cho các phương cách ta dùng để khai thác ngoại cảnh; nó bao gồm ngoại cảnh, từ bàu khí quyển quanh mình, đất đai, vạn hữu quanh mình cho tới các giải tinh cầu xa nghìn triệu năm ánh sáng (Vòng hồng trần; trần ai, tục lụy).

Chúng ta là LINH QUANG, phát xuất từ Đại Linh Quang (Vòng 1), dần dần khoác lấy thân Tứ Đại (Hỏa = Fire; Khí = Air; Thủy = Water; Thổ = Earth), vướng mắc vào những vòng duyên nghiệp, lợi danh, trần ai, tục lụy, nên như ăn phải cháo lú, quên mất giá trị siêu linh của mình, quên mất đường về. Mục đích vẫn là vòng trong cùng, tượng trưng cho Khối Đại Linh Quang, bản thể vũ trụ và con người. Khi ta hiểu rõ như vậy, ta sẽ thấy những lời sau đây của Chúa Jesus không có gì là bí ẩn nữa: «Ta từ Cha ta mà ra, xuống hồng trần này, rồi lại thoát hồng trần, trở về với Cha.» (John 16: 28); và ta cũng nhìn ra đâu là vòng duyên nghiệp, đâu là thân tứ đại giả hợp, đâu là trần ai, tục lụy.

Giải thoát là trở về được Trung Cung (Vòng Thái cực, vòng 1).

Luân hồi là luân lạc trong các vòng ngoài từ 2 đến 7...

Nếu ta cắt 7 vòng trên ra thành 1 hình chóp nón, ta sẽ thấy vòng trong cùng trở thành cái chóp, cái ngọn; vòng ngoài cùng sẽ trở thành cái đáy, cái chân. Suy ra càng gần ngọn, càng khinh thanh, càng nhẹ nhàng; càng gần chân, gần đáy, càng nặng nề trọng trọc. Nói thế có nghĩa là muốn trở về Trung Cung, Thái Cực, trở về Bản Thể, phải gạn đục, khơi trong tâm hồn.

3. HAI HƯỚNG ĐI, HAY HAI CON ĐƯỜNG

Chúng ta hãy vẽ bảy vòng tròn trên thành 7 vòng tròn đồng tâm, rồi lại vẽ hai con đường từ TÂM ra BIÊN, và từ BIÊN vào TÂM. Ta gọi con đường từ TÂM ra BIÊN laø con đường ÂM, đường TRỤC VẬT, đường PHÓNG NGOẠI, đường TỤC LỤY, ĐỌA ĐẦY; còn con đường từ BIÊN về TÂM là con đường siêu thăng, con đường đưa tới hạnh phúc vĩnh cửu, con đường sinh thánh, sinh thần, qui nguyên, phản bản. Vẽ xong, ta sẽ hiểu hết bí quyết của người xưa, từ Đông sang Tây, khi bàn về 2 con đường hướng ngoại và hướng nội.

Khi tìm ra được rằng con đường HƯỚNG NGOẠI là con đường HƯỚNG VẬT; con đường HƯỚNG NỘI là con đường HƯỚNG THIÊN, tôi liền nhìn nhận ra con đường của THẦN, PHẬT, THÁNH, TIÊN. Mà lạ lùng thay con đường hướng nội hoàn toàn nằm gọn nơi thân thể con người.

Đức Phật cũng đã tìm ra được con đường ấy. Ngài tự thuật như sau: «Cũng như người bộ hành sau bao thuở lang thang trong cánh đồng hoang vắng rốt cuộc thấy một con đường cỏ, con đường bao người trước đã đi qua; ta bèn noi theo đó mà đi, và gặp làng mạc, cung điện, vườn tược, núi rừng, hồ sen, thành quách, và nhiều cảnh trí khác từng làm nơi an thân lập mệnh của bao người trước.» [2]

Hai ngả đường SỐNG, CHẾT đó đã được Yahve phơi bày ra trước mặt chúng ta tự ngàn xưa: «Ta đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, ngõ hầu ngươi được sống, ngươi và dòng giống ngươi, là yêu mến Yahve Thiên Chúa của ngươi, là vâng nghe tiếng Người, và khắn khít với Người, vì đó là sự sống của ngươi...» (Deuteronome 30:19)

Bái Hỏa Giáo (Zoroastrianism) bàn về hai ngả đường Thiện Ác như sau: «Thượng Đế tạo dựng nên vũ trụ, và nhân đó sinh ra lưỡng thần Thiện, Ác... Thượng Đế khuyên mọi người đi theo đường của Thần Thiện (Spenta Mainyu), đừng đi theo con đường của Thần Ác (Angre Mainyu), vì Ác mang đến chết chóc và hủy hoại; Thiện mang đến trường sinh và hoàn thiện...» [3]

Hai lối đường HƯỚNG NGOẠI (ÂM, THUẬN), HƯỚNG NỘI (DƯƠNG, NGHỊCH) giúp chúng ta nhìn thấy lẽ nhất quán của các đạo giáo, và ta mới hiểu tại sao Thiền tông lại nói:

«Hướng ngoại mà tìm cầu,

Tất cả đều ngoan si.

Hướng nội mà tìm cầu,

Tất cả đều chân thực.»

(Đại Đức Thiên Ân, Triết học Zen I, tr. 103).

Trong kinh Tu sám yếu chỉ, nơi cuối kinh Pháp Hoa cũng lý luận rất rõ về hai hướng đi, hai con đường: Con đường hướng ngoại, trục vật dần dà sẽ đưa tới sa đọa, diệt vong. Hướng ngoại trục vật chính là MÊ CHÂN, TẠO ÁC, chính là đi ngược dòng NIẾT BÀN, đi xuôi dòng vào Bể Sinh Tử... yêu đời, luyến cảnh, để cuối cùng có thể thành một đại xiển đề gian ác, trầm luân trong vòng sinh tử, không kỳ giải thoát... Còn như nếu biết hồi hướng, đi theo con đường hướng nội, hồi quang, phản chiếu, sẽ giác ngộ, sẽ khiến cho tâm mình chuyển ngược dòng sinh tử, thuận theo đạo Niết Bàn, thấu hiểu được TÂM TÍNH BẢN TỊCH (hay PHẬT TÍNH) nơi mình. Tôi không dịch nguyên văn, mà chỉ bàn theo ý kinh, cho lời lẽ tôi được sáng sủa. Quí vị nào muốn đọc nguyên văn, xin tìm đọc kinh Thủy Sám Yếu Chỉ, nơi các trang 4b và 5a, nơi đoạn «Thuận nghịch thập tâm... Mê ngộ lưỡng phái». [4]

Người xưa cũng nói: «Thuận tắc sinh nhân sinh vật, nghịch tắc sinh Thánh, sinh Thần.»

Năm 1968, Bà Elizabeth O'Connor cũng đã xuất bản một quyển sách nhan đề: Journey Inward, Journey Outward (Hành trình hướng nội, hành trình hướng ngoại), Harper & Row Publishers, New York xuất bản. Thư viện 24 ở Tustin có tàng bản, dưới số 289.9). Đại khái sách chủ trương: Hướng ngoại để phục vụ, hướng nội để tu chứng. Hướng nội là con đường đưa tới Nước Trời nội tâm; hướng ngoại là con đường dễ dãi của quần chúng, dần dà sẽ làm cho con người trở nên ù lì, có mắt mà chẳng biết nhìn, có tai mà chẳng biết nghe... Hướng ngoại sẽ không thể nào thực hiện được định mệnh sang cả của mình. Trời đất ra công cảnh cáo cho con người biết đàng hồi hướng, bằng muôn cách thế như cho thấy trong người bực dọc không yên, cho đêm nằm không ngủ, cho cảm thấy bất bình, không thỏa mãn, cho giận dữ, cho thấy chán chường, cho thấy đời vô ý nghĩa, v.v... Tiếc thay, nào có mấy ai, nghe thấy được những tiếng thầm, lời thiêng ấy. Tôi bái phục cao kiến của tác giả và hoàn toàn đồng ý với tác giả. [5]

Hồi còn ở Việt Nam, khoảng những năm từ 1968 đến 1976, tôi có đến diễn thuyết nhiều lần tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài tại 179 Cống Quỳnh, Saigon. Và chủ thuyết mà tôi muốn rao truyền là trong lòng ta đã sẵn có Đạo, có Trời, cho nên con người phải đi sâu vào nội tâm, để mà tìm Đạo, tìm Trời. Sau khi tôi rao giảng chủ thuyết này một thời gian, thì ngày 1, tháng 10, 1972, Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng đàn, và đã dạy như sau:

«Biết rằng đời tu thân hành đạo của các con phải có hai phần: Một là hướng ngoại, hai là hướng nội.

«Hướng ngoại để liên ái, đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm học hỏi, làm phương tiện để cầu tiến. Còn hướng nội để lóng nghe tiếng nói của lương tâm, lời dặn dò của bản linh chân tánh, cái Chân Lý của tâm linh. Hướng nội để các con rời bến mê, đến bến giác, mới mong trở về cùng Thày, cùng Mẹ; hay nói một cách khác, trở về cùng Khối Đại Linh Quang...»

Đàn cơ trên đã được đăng trong Cao Đài Giáo Lý số 80, nơi trang 6, dưới đầu đề: Trung Thu Mẹ nhủ con hiền.

Đọc đàn cơ trên, tôi hết sức được yên ủi, vì thấy Thần, Thánh như «đồng vọng» lại tư tưởng của mình, và hoàn toàn tán đồng chủ trương của mình.

Tôi khảo về Cao Đài giáo một cách hết sức khách quan trong vòng nhiều năm. Tôi biết rõ từng đồng tử. Các cháu đó chỉ khoảng 15, 16, không có cách nào mà có thể có những tư tưởng cao siêu như trên được.

Khi viết bài này, tôi ngẫu nhiên dở lại một bài diễn văn của tôi vào khoảng tháng 10/73, dưới nhan đề: «Các tầng lớp trong con người với khoa tôn giáo đối chiếu», tôi thấy tôi đã dày công dùng các thánh thư các đạo giáo trên hoàn võ để chứng minh: phải đi vào tâm mà tìm Đạo, tìm Trời. Tôi sung sướng đọc lại lời Kinh Ketha Upanishad: «Đại Ngã trổ cửa giác quan thông ra phía ngoài, cho nên người ta nhìn ra phía ngoài mà không biết nhìn vào trong lòng mình. Có vài kẻ khôn ngoan, trong khi đi tìm trường sinh bất tử, nhờ nội quan quán chiếu, đã trực diện quan chiêm được Đại Ngã.» (Sách trích dẫn IV, 1- 4; 10- 11).

Và tôi rất đắc ý, khi toát lược sách Đạt Ma Huyết Mạch Luận của Sư Tổ Đạt Ma bằng mấy vần thơ sau, từ hơn 30 năm trước đây:

Chân Tâm bao quát đất trời,

Xưa nay chư Phật chẳng ngoài Chân Tâm

Chẳng cần lập tự, lập văn,

Xưa nay chư Phật tâm tâm tương truyền.

Tâm ta gồm mọi sự duyên,

Mọi đời sau trước, mọi miền gần xa.

Tâm ta là chính Phật Đà,

Phật Đà ở tại Tâm ta chẳng ngoài.

Niết Bàn, Viên Giác, Như Lai,

Ngoài Tâm tìm kiếm công toi, ích gì.

Ngoài Tâm tìm kiếm được chi,

Niết Bàn đâu có lối về ngoài Tâm.

Tự Tâm chí chính, chí chân,

Tự Tâm là Phật, Tự Tâm Niết Bàn,

Ngoài Tâm tìm kiếm đa đoan,

Tay không bắt gió, mơ màng hư vô.

Tâm ta tạo Phật cho ta,

Bỏ Tâm tìm Phật, hỏi là tìm đâu.

Phật, Tâm; Tâm, Phật trước sau,

Ngoài Tâm tìm Phật hỏi sao chẳng lầm.

Cho nên phải biết hồi tâm,

Nội quan quán chiếu mà tầm siêu linh,

Bản Lai Diện Mục của mình,

Muốn tìm thời phải ly hình nhập tâm...

Từ hơn 30 năm nay, nhờ học Dịch và các khoa Huyền Học Đông Tây, và triền miên suy tư, chiêm nghiệm, tôi đã tìm ra được hai ngả đường nói trên.

Năm 1960, tôi đã viết trong bộ Trung Dung Tân Khảo như sau:

Gẫm đạo lý có sau, có trước,

Lẽ âm dương có ngược có xuôi.

Ngược là gió cuốn bụi đời, (ám chỉ quẻ Thiên Phong Cấu)

Đẩy đưa vào chốn trần ai, cát lầm,

Có thử thách mới phân vàng đá,

Có lầm than, mới rõ chuyện đời.

Khi xuôi sấm chớp tơi bời, (ám chỉ quẻ Địa Lôi Phục)

Tầng sâu bày giãi căn Trời nội tâm,

Trông tỏ đích chí nhân, chí chính,

Biết mục phiêu sẽ định, sẽ an.

Rồi ra, suy xét nguồn cơn,

Con đường phối mệnh chu toàn tóc tơ...

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng hai chữ «thuận nghịch» thay đổi nghĩa, tùy như là tác giả muốn nói thuận gì, và nghịch gì.

Trong bài thơ trên, tôi mường tưởng như Trời ở trong tâm vũ trụ và trong tâm con người, nên chiều đi ra sẽ là chiều Bối Thiên (quay lưng lại với Trời), hay Nghịch Thiên. Chính vì thế mà tôi gọi là NGƯỢC.

Chiều đi vào, chiều hướng nội, sẽ là chiều Hướng Thiên, Thuận Thiên (chiều quay trở lại với Trời). Chính vì thế mà tôi gọi là XUÔI.

Trái lại nhiều người khác gọi chiều đi ra, chiều hướng ngoại, chiều đi từ Nhất đến Vạn, là chiều «đi theo dòng đời», «đi vào ngoại cảnh», hay là đi theo chiều thuận. THUẬN đây là «thuận dòng đời», nên dĩ nhiên là bị đọa lạc.

Còn đi «ngược dòng đời», là đi vào tâm mà tìm Đạo, tìm Trời. Nên đi vào con đường này sẽ giác ngộ tâm linh, thành chân, chứng thánh, thành Tiên, thành Phật.

Cho nên, nơi khác trong bộ Trung Dung Tân Khảo của tôi, tôi lại viết:

Sông thế sự hãy ưa chèo ngược,

Chèo ngược dòng lên tuốt Căn Nguyên,

Căn Nguyên là chính Thanh Thiên,

Vô biên, vô tận, triền miên không cùng.

Bỏ phù phiếm, tìm tông, tìm tích,

Dương cung thần, ngắm đích thâm tâm.

Bắn vào Trung điểm tâm thần,

Ấy là thoát cõi hồng trần lầm than,

Như trăng sáng, băng ngàn trần thế,

Rẽ Đẩu, Ngưu, đượm vẻ thần tiên.

ẤY là Tâm Pháp thánh hiền,

ẤY là Trung Đạo tương truyền xưa nay.

Cuộc phù thế, chớ say danh lợi

Bả lợi danh phất phới hão huyền,

Chớ mê những cái đảo điên,

Mà quên mất cái vững bền ngàn thu.

Con đường hướng ngoại trục vật, Dịch gọi là chiều ÂM, bắt đầu từ Cấu đến Khôn, càng ngày càng tối đen, tối sẫm.

Chính vì thế mà nơi chương 33, Trung Dung đã viết:

Đạo tiểu nhân mới ngó, ngỡ là đèn,

Nhưng càng ngày, càng tối đen, tối sẫm...

Con đường hướng nội, để thành chân chứng thánh, Dịch gọi là chiều DƯƠNG, bắt đầu từ quẻ Phục tới quẻ Kiền. Nơi quẻ Phục, cho thấy Trời hiện ra chói lọi nơi tâm (Phục kỳ kiến Thiên Địa chi Tâm hồ? 復 其 見 天 地 之 心 乎). Nơi quẻ Kiền, cho thấy con người đã thành chân đắc đạo: DỮ THIÊN VI NHẤT 與 天 為 一 (hợp nhất với Trời).

Sau đó sẽ vào TRUNG CUNG, TRUNG ĐIỂM, bất biến, trường tồn.

Đạo Bà La Môn và Đạo Lão chủ trương rất đặc biệt là Trời, Đạo, Brahman không ở đâu xa, mà đã ở ngay giữa đầu não con người, nơi Nê Hoàn Cung (Não thất ba), theo danh từ đạo Lão; hay nơi Sahasrara tức Bông Hoa Sen Nghìn Cánh, theo danh từ Bà La Môn.

Và Mạch Đốc (chạy xuyên qua tủy xương sống) là con đường lên trời. Đạo Lão gọi đó là Thiên kinh. Còn Mạch Nhâm phía trước, hay Thần lộ, là con đường từ Trời xuống con người. Một Đạo gia muốn luyện nội đơn, thành chân, chứng thánh phải biết vận dụng Chân Khí qua Nhâm Đốc, và tụ Thần Khí nơi Nê Hoàn...

Huyệt Vĩ Lư dưới cuối xương sống, Bà La Môn gọi là Cửa Brahman (Brahmadvâra). Luân xa Sahasrara là nơi «Trời Người hợp nhất». Thóp nơi đỉnh đầu (huyệt Bá Hội), Bà La Môn gọi là Thượng Đế huyệt (Brahmarandhra = Trou de Brahman).

Hai mạch Nhâm Đốc hợp lại thành một vòng Hoàng Đạo nơi con người...

Khoa Thiên văn cả Đông lẫn Tây cũng đã đem sao trời vẽ thành hai nẻo đường ấy, trên vòng Hoàng Đạo.

Chiều Âm bắt đầu từ cung Cự Giải (Cancer) cho tới cung Nhân Mã (Sagittarius) theo Âu Châu; từ chòm sao Tỉnh, đến chòm sao Cơ, theo Á Châu.

Chiều Dương từ cung Ma yết (Capricorn) tới cung Song Tử (Gemini) theo Âu Châu; từ chòm sao Đẩu tới chòm sao Sâm theo Á Châu.

Nhưng dù có vẽ lên trời, dù có ghi trong sách thánh, dù Chúa Jesus đã dạy rằng «Nước Trời không ở đây, ở đó mà đã ở sẵn trong lòng chúng ta.» (Lu. 17:21), quần chúng, như một bày cừu dại, vẫn ùa nhau đi tìm nước Trời bên ngoài, theo những tiếng chào mời đường mật, những lời hứa hẹn quàng xiên của một số thày đời!

Và lời Chúa kêu gọi trong Thánh kinh: «Jerusalem, Jerusalem, convertere ad Dominum Deum tuum!» (Hỡi Jerusalem, hỡi Jerusalem, hãy quay trở lại với Chúa Trời Chúa ngươi) (cf. De Lamentatione Jeremiae prophetae, hát trong Tuần thánh) hay «Convertere, Israel, ad Dominum Deum tuum.» (Hỡi Israel, hãy trở lại cùng Chúa Trời, Chúa ngươi) (Osea.14:2) từ bao nghìn năm nay chỉ là tiếng kêu trong sa mạc... Quần chúng nào biết TRỞ LẠI là gì đâu! Thảm thương thay!

Tóm lại, phân biệt ra hai nẻo đường thuận, nghịch; hướng ngoại, hướng nội, là một công chuyện tối ư quan trọng. Đi sai hướng không thể tới đích. Nếu nhà bạn tôi ở phía Bắc, mà tôi xuống phía Nam đi tìm, thì dẫu tôi có thiện chí mấy, cũng uổng công. Tục ngữ ta cũng đã có câu:

Tìm anh như thể tìm chim,

Chim ăn bể Bắc, đi tìm bể Đông...

4. BIẾT ÁP DỤNG ĐỊNH LUẬT TRỜI ĐẤT MỚI MONG GIẢI THOÁT

Định luật trời đất chính là những định luật TỤ, TÁN; VÃNG LAI; DOANH, HƯ; TIÊU TỨC; BIẾN DỊCH, TUẦN HOÀN.

Thần có Tụ, thần mới linh; Thần Tán là thần đọa lạc. Chính vì vậy mà ta thấy xưa nay, người ta ngồi thiền, hay thiền định, cốt là để thu thần, định trí.

Tu luyện phải biết lợi dụng thời gian sinh lý, tức là thời gian tuổi tác.

Trẻ thì hướng ngoại, già thời hướng nội. Trẻ thì đi ra (VÃNG 往 ); già thì đi vô (LAI 來 ).

Trẻ thì thần khuyết (hư 虚 ), già thời thần tròn (doanh 盈 ), chẵng khác nào vầng trăng khi khuyết, khi tròn.

Thần khuyết cũng là thần «tiêu» 消 ; thần «doanh» 盈 cũng là thần «tức» 息 . «Tiêu» 消 là mai một, mất mát. «Tức» 息 là sinh sôi, là trưởng đại. Sự đời bên ngoài có biến dịch, có tuần hoàn. Con người chúng ta cũng có biến dịch, có tuần hoàn. Người xưa nói: «Tùy thời biến dịch, dĩ tòng Đạo.» . Chúng ta từ Đạo phát sinh, chúng ta lại biến thiên, để quay trở về với Đạo thể.

Thế là ta đã hiểu các định luật TỤ 聚 , TÁN 散 ; VÃNG 往 , LAI 來 ; DOANH 盈, HƯ 虚; TIÊU 消, TỨC 息 ; BIẾN DỊCH 變 易 , TUẦN HOÀN 循 環 .

Người xưa chủ trương muốn giải thoát cần phải biết mình có hai thứ căn bản, có hai thứ tâm.

- Một là Chân tâm, hay Pháp thân, vĩnh cửu trường tồn.

- Hai là Vọng tâm, hay Hóa thân, biến thiên, ảo hóa.

Nếu cuộc đời ta, lấy Pháp thân làm «trọng tâm», ta sẽ biết điều ngự vọng tâm, kiềm chế vọng tâm, thu nhiếp vọng tâm, khiến cho vọng tâm hoàn toàn thể nhập vào Chân tâm, vào Pháp thân.

Tư tưởng trên đây được vẽ ra thành những Yantra hay Mandala của Mật tông (Tantrism), mà tâm điểm của hình vẽ bao giờ cũng là một vị Phật.

Nếu cuộc đời ta đặt trọng tâm vào Vọng tâm, tức là vào Dục Vọng, vào Tham, Sân, Si, ta sẽ mãi mãi ở trong vòng sinh tử luân hồi, sẽ mãi mãi đi vào Lục đạo, Tam đồ.

Tư tưởng trên được vẽ ra thành những hình Karma (Duyên nghiệp), mà tâm điểm bao giờ cũng có hình con lợn, con gà, con rắn tượng trưng cho tham, sân, si, tức là vọng tâm; còn vòng tròn bên ngoài vẽ lục đạo (Thiên (Tiên); Atula (thần); Nhân (người); Địa ngục; Ngạ quỉ (Ma đói); Súc sinh (thú vật).

Lục đạo tức là các cung cách sinh tử, luân hồi.

Nói theo khoa học, Thái Cực hay Bản thể chúng ta là Linh Quang (vòng tròn trong cùng). Tâm hồn chúng ta (vòng 2,3) là từ lực, từ tuyến. Mà từ lực, từ tuyến cũng là thế giới của DỤC VỌNG; CỦA ÁI, Ố; CỦA THANH ÂM VÀ MÀU SẮC. Con người chúng ta, muốn đạt lại cái vô biên của Linh Quang, cần phải thoát khỏi vòng từ lực, từ tuyến của nhân tâm; vòng thanh âm, màu sắc của ngoại cảnh. Có vậy mới hiểu tại sao trong Mười Điều Răn của Cựu ước, Điều Răn thứ Hai lại cấm thờ Ảnh Tượng; và tại sao Kinh Kim Cương lại dạy phải vượt lên trên THANH SẮC:

«Nhược dĩ SẮC kiến Ngã, 若 以 色 見 我

Dĩ ÂM THANH cầu Ngã, 以 音 聲 求 我

Thị nhân hành tà đạo, 是 人 行 邪 道

Bất năng kiến Như Lai.» 不 能 見 如 來

Dịch:

Nếu lấy SẮC nhìn Ta,

Lấy ÂM THANH tìm ta,

Kẻ ấy đi tà đạo,

Không thể thấy Như Lai.

Cũng một lẽ, đạo Lão khuyến cáo đừng để cho âm thanh và màu sắc làm choáng lộn tâm thần.

Đạo Đức Kinh chương XII viết:

Sắc năm màu làm ta choáng mắt,

Thanh năm cung ngây ngất lỗ tai.

Năm mùi tê lưỡi, nếm sai,

Ruổi rong săn bắn, lòng người đảo điên.

Của hiếm có ngả nghiêng nhân đức,

Khinh giác quan, giữ chắc lòng son,

Thánh nhân hiểu lẽ mất còn.

Trang tử còn có những lời lẽ mãnh liệt hơn nhiều: Trong chương Biền Mẫu (Nam Hoa Kinh), ông viết:

Đem nhã nhạc đảo điên tính khí,

Sư Khoáng kia nào quí chi đâu.

Tính Trời lệ thuộc năm mầu,

Ly Chu ta cũng trước sau coi hèn...

Chung qui, Giải thoát là bỏ NHÂN TÍNH, mà mặc lấy THIÊN TÍNH, bỏ NHÂN TÂM, VỌNG TÂM, mặc lấy PHÁP THÂN, về với CHÂN TÂM.

Cho nên, trong khi phàm phu tục tử hô hào cứu vớt cái nhân tâm, cái hồn, các bậc thành chân, chứng thánh lại đồng thanh hô hào vứt bỏ cái vọng tâm, cái hồn cá biệt, riêng tư.

- Đạo Lão dạy: TÂM TỬ, THẦN HOẠT 心 死 神 活 (HỒN CHẾT, CHO THẦN SỐNG).

- Đạo Nho dạy: NHÂN DỤC TẬN, THIÊN LÝ HIỆN 人 欲 盡 天 理 現 .

- Bà La Môn dạy: CON LÀ CÁI ẤY (Con chính là ATMAN, BRAHMAN).

- Chúa JESUS phán trong Phúc âm: «Ai muốn cứu hồn mình, thì sẽ mất. Ai mất hồn mình vì Ta, thì sẽ được.» [6]

Cao ý vẫn là bỏ thân phận phàm hèn của con người - Phúc Âm gọi thế là BỎ MÌNH - để thay bằng thân thế cao sang của Trời. Chân lý cao đại này sẽ là tiếng sét khủng khiếp bên tai kẻ phàm phu. Họ không bao giờ dám chấp nhận đó chính là chân lý vĩnh cửu...

Triết phái Vedanta Ấn Độ chủ trương dứt khoát rằng:

Brahman hay Atman, Linh Thần Tuyệt Đối của Vũ Trụ được che lấp nơi con người bằng 5 lần vỏ:

  1. Vỏ ngoài cùng là VỎ THỨC ĂN.
  2. Rồi tới VỎ SINH KHÍ.
  3. VỎ TÂM TƯ.
  4. VỎ TRÍ TUỆ.
  5. VỎ HẠNH PHÚC.

trong cùng là ĐẠI NGÃ, nằm khuất lấp sau bức màn Vô MINH (AVIDYA). [7]

VỎ THỨC ĂN là Thô thân (coarse body), là nhục thể.

VỎ TRÍ, TÂM, KHÍ là Tế thân (subtil body).

VỎ HẠNH PHÚC là Nhân thân (causal body). Tất cả các vỏ này đều còn ở trong vòng SINH TỬ, LUÂN HỒI (SAMSARA), trong vòng ẢO HÓA (MAYA), trong vòng MÊ VỌNG (AVIDYA), trong vòng KHÍ CHẤT (PRAKRITI).

Đạt tới BRAHMAN, ATMAN mới là CHÂN GIẢI THOÁT (MOKSA), CỨU RỖI (SALVATION), VÀ GIẢI THOÁT (MOKSA).

Muốn cho vấn đề được sáng tỏ hơn, ta sẽ so sánh CỨU RỖI (CỨU CHUỘC) và GIẢI THOÁT.

* CỨU RỖI

Quần chúng thường tin rằng Chúa Jesus, hay Phật Thích Ca, hay Lão tử giáng trần là để cứu rỗi mọi người. Còn quần chúng thì không thể nào cứu rỗi được mình. Cho nên cứu rỗi là hoàn toàn dựa vào THA LỰC, dựa vào quyền năng của Thánh Thần. Bên trời Âu, thì Chúa Jesus là đấng Cứu Thế. Bên trời Đông thì Phật Di Đà là đấng Cứu Thế. Các Ngài sẽ đem những người tin theo mình lên Thiên đàng, hay vào Tịnh độ. Cho nên trong chương trình cứu rỗi, con người sau trước vẫn là con người; chỉ có ngoại cảnh là thay đổi: thay vì là ở hồng trần, con người sau khi chết sẽ lên Thiên đàng hay Tịnh thổ.

* GIẢI THOÁT

Còn các bậc thượng trí, thượng nhân, vì cảm thấy mình có Thiên tính, là Linh quang giáng trần, nên sẽ phát huy thần uy, thần lực của mình để băng qua hồng trần, vượt qua hình tướng để trở về hợp nhất lại với Đại Linh Quang. Trong chiều hướng này, Con người hoàn toàn biến thể, còn ngoại cảnh vẫn y nguyên. Con người nay đã trở thành Trời, thành Phật.

Cho nên trước hết, GIẢI THOÁT thường hàm nghĩa HỢP NHẤT, và TỰ LỰC.

Tuy nhiên, vì con người sống trong các đạo giáo, nên cảm nghĩ cũng phải qua lăng kính đạo giáo, ngôn từ cũng phải qua khuôn khổ đạo giáo, nên ta thấy hiện ra những dị biệt sau đây:

  1. Chẳng hạn các đại thánh Công giáo, nhất là các thánh phái nữ như thánh Têrêsa nhỏ ở Lisieux, thánh Catharina ở Sienna v.v... thường coi mình là ý trung nhân, là phối ngẫu của Chúa Jesus. Tuy nói làhợp nhất nhưng các ngài và Chúa bao giờ cũng giữ nguyên cá tính.
  2. Chúa Jesus tuyên xưng mình và Chúa Cha là một, nhưng trong đời sống Ngài bao giờ cũng phân biệt Cha, Con và tuyên xưng mình không bằng Chúa Cha (John 14: 28). Giữa Chúa Cha và Ngài bao giờ cũng còn một khoảng cách biệt, và Ngài bao giờ cũng đối thoại với Chúa Cha, cũng cố theo ý Chúa Cha, và xin chịu chết để Chúa Cha hài lòng...
  3. Các đại thánh Ấn Độ cũng nhiều người theo đường lối trên, coi Thượng Đế là một vị Thượng Đế hữu ngã, và cũng sùng bái, cũng tôn thờ, cũng phân «nhĩ»爾 «ngã» 我 (Ngài, Tôi). Đó cũng chính là chủ trương của Thánh Kinh Bhagavad Gita.
  4. Cũng có những hiền thánh như Phật, như Sankara, thì lại coi Thượng Đế không phải là vị thần hữu ngã, nhưng mà là Căn Nguyên của Vũ Trụ, là Chân Thể của Vũ Trụ, nên không thể là Cái Này, Cái Kia; Thần này, Thần nọ; mà là TẤT CẢ. Cho nên, đối với các Ngài, giải thoát rốt ráo, là thể nhập vào Đại thể vô biên tế đó, không còn chút chi phân biệt, chẳng khác nào như dòng sông ra tới biển, thì hết còn là sông. Đó cũng là chủ trương của các bộ kinh Upanishads.

Người Âu Châu tối kỵ quan điểm này, và gán cho nhiều tội: nào là Vô Thần; nào là tu mà trở thành hư vô, là tu vô ích. Nhưng thực ra đó không phải là Vô Thần, mà chính là tuyên xưng THẦN vô biên tế; kết quả tu trì không phải là trở thành HƯ VÔ, mà chính là trở thành vô cùng vĩ đại, vĩnh cửu, miên trường.

Ngược lại Á Châu thì cho rằng nếu còn phân nhĩ ngã, thì vẫn còn ở trong vòng nhị nguyên tương đối, nên nhiều người dứt khoát chủ trương «Nhất nguyên vô ngã». Ấn giáo gọi thế là Advaita. Phật giáo gọi thế là Trung Đạo hay Bất Nhị Pháp môn.

Tóm lại còn phân «nhĩ ngã», là chưa đi đến chỗ siêu việt rốt ráo, là còn ở trạng thái Hữu Dư Niết Bàn (Salvikalpa). Phải vươn vượt lên tới trạng huống vô nhĩ, vô ngã, vô phân biệt, mới là trạng thái rốt ráo, mới là Vô Dư Niết Bàn (Nirvikalpa). [8]

Nho gia cho rằng khi đạt tới trạng thái rốt ráo nói trên, tức là vào được trung điểm hằng cửu, duy nhất, bất phân của trời đất, nên gọi đó là Trung Dung, là Thái Hòa, vì đã siêu lên trên Âm Dương, phân biệt. Mật tông Do Thái (Kabalah) cũng gọi thế là Thái Hòa (harmony). Như vậy Thái Hòa chính là nơi ÂM DƯƠNG hòa hài không còn phân biệt (coincidentia oppositorum)...

Chữ GIẢI THOÁT còn hàm ngụ sự giải thoát chính mình - giải thoát CHÂN NGÃ - ra khỏi VÔ MINH, khỏi MÊ VỌNG, khỏi HƯ ẢO, khỏi PHIỀN TRƯỢC, khỏi HỒNG TRẦN TỤC LỤY.

Phơi bày ra các khía cạnh của vấn đề, không phải là cãi vã để tranh thắng, mà chính là để mỗi người tùy căn cơ mà lựa chọn...

Trong chương này tôi đã chứng minh: Con người có Thiên Tính.

Tôi đã vạch ra con đường để trở về với Đạo, với Trời; đã cho thấy các định luật thiên nhiên; đã cho thấy từng chặng đường; từng tầng lớp trong con người. Tôi nghĩ không thể nói rõ hơn. Bạn nào có căn cơ, sẽ thấy đầu đuôi sáng tỏ như ngọn đèn. Cái hay, cái biến ảo của nó là khi đem thực thi, áp dụng được vào cuộc đời quí bạn.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh