Đường Vào Triết Học Và Đạo Học: Chương 2. Thử Đi Tìm Một Vũ Trụ Quan

ĐƯỜNG VÀO TRIẾT HỌC VÀ ĐẠO HỌC: CHƯƠNG 2. THỬ ĐI TÌM MỘT VŨ TRỤ QUAN

Lúc còn nhỏ, tôi đã từng sống nhiều năm ở những làng quê Bắc Việt, làm quen với những mảnh vườn nho nhỏ, giồng cam, chanh, chuối, mít; với những hồ, ao xinh xinh, nước trong veo suốt đáy, nhìn thấy được cả những đàn cá lội tung tăng. Tôi thích ném xuống mặt ao những hòn sỏi nhỏ, để tạo nên một tâm điểm và nhiều vòng tròn đồng tâm xinh xắn, cứ thế lan tỏa ra khắp mặt ao. Tôi thật không ngờ rằng cái trò chơi trẻ con ấy, sau này lại giúp tôi đi sâu vào cơ cấu vũ trụ, và tạo nên được một vũ trụ quan.

Số là trong những năm 1956, 1958, khi khảo về Trung Dung và Dịch Lý, tôi lại thấy hiện ra hình ảnh các vòng tròn đồng tâm trên mặt ao hồ; rồi tôi lại miên man liên tưởng đến các vòng tròn do âm thanh và quang tuyến, từ các đài phát thanh, các đài truyền hình sinh ra trên không trung, mỗi khi các đài ấy hoạt động. Nhân đó tôi nhận ra rằng đó chính là một định luật phổ quát. Suy ra, thì lớn như hoàn võ, nhỏ như Thái dương hệ, li ti như nguyên tử, nhất nhất đều được cấu tạo nên theo mô hình Tâm điểm và Vòng tròn. Cái tâm điểm là trung tâm sinh xuất ra các vòng tròn hiện tượng bên ngoài.[1] Và tôi khám phá ra rằng: Vũ trụ hữu hình này đã do một Chân Tâm; một Trung Tâm vô hình sinh xuất ra. Tâm điểm là Nguồn sinh hóa; các vòng bên ngoài là những hiện tựợng biến thiên. Tâm điểm là tinh hoa; các vòng tròn bên ngoài có nhiệm vụ làm bao bì, làm xác, làm da, làm vỏ che chở.

Lại nữa, Cái Bản Thể ấy đã dùng chính năng lực mình, chính sinh lực mình, chính bản thể mình mà mà sinh hóa ra vũ trụ, quần sinh. Nói theo danh từ Triết học, tôi thấy rằng: Bản thể vô biên tế đó đã phóng phát, tán phân thành vũ trụ. Thế tức là, vũ trụ này đã hình hiện lên từ một Bản Thể, từ một Tâm điểm, có một nguồn năng lực vô cùng, có những khả năng vô biên tận. Tất cả đều như là một cây pháo bông muôn màu, tung tỏa miên trường vĩnh cửu. Tôi thấy sinh linh, vạn hữu, như là những tia ánh sáng, phát huy từ một vừng dương Bản thể; hay như là những tiểu thể quang hoa, tự nhiên sinh xuất ra từ một nguồn sinh vô tận đó. Vì Bản thể, và Hiện tượng luôn luôn cặp kè nhau như bóng với hình, nên tôi thấy không cần phải đặt ra những câu hỏi: Tại sao Bản thể lại sinh xuất ra Hiện tượng; cũng như tôi không hỏi tại sao mặt trời lại tung tỏa ánh hào quang.

Quí vị nào rành về triết lý nhà Phật, sẽ thấy học thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể của tôi, và phương thức Phóng phát, Tán phân tôi đã dùng để cắt nghĩa sự hình hiện của vũ trụ, nó hao hao giống với thuyết Chân Như duyên khởi, hay A Lại Da duyên khởi, hay Lục Đại duyên khởi...

Tôi nhận thấy rằng giữa Bản thể vô biên và quần sinh vũ trụ, có một cái gì liên tục; cũng như giữa sinh linh với sinh linh, có một cái gì gắn bó; tất cả đều liên lạc với nhau, tất cả đều hỗ tương ảnh hưởng đến nhau, tất cả đều như cùng hội cùng thuyền, y thức như người xưa đã nói: Nhất tức nhất thiết; Nhất thiết tức Nhất: Một là Tất Cả, Tất cả là Một, để tạo nên một đại thể huy hoàng, toàn bích...

Tôi thấy vũ trụ này, lúc thì như muôn vàn làn sóng bạc đầu nhô lên trên mặt trùng dương Bản thể vô biên tận; lúc thì sóng lại trở về với nước; tái tạo lại một mặt biển im lìm, phẳng lặng như mặt gương.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Vũ trụ lúc sinh hóa thành muôn hiện tượng bên ngoài, làm liên tưởng đến hơi thở ra của Hóa Công và khi hiện tượng trở lại về lòng Bản thể, làm liên tưởng đến hơi thở vào của Hóa Công. Một hơi thở ra và một hơi thở vào lâu lai không biết bao là A Tăng Kỳ kiếp...

Nhìn vào những hiện tượng phù du, hư ảo liên tiếp xảy ra bên trên Nguồn Sinh Bản Thể, làm cho nhiều người mường tưởng như là Hóa Công - một danh từ mà tôi tạm gán cho Bản Thể - đang nằm mơ một giấc mơ hoa; hay đang phô diễn những trò ảo hóa; hoặc như đang chơi một trò chơi kỳ thú.

Có lẽ vì vậy, mà trong Cung Oán Ngâm Khúc ta thấy Nguyễn Gia Thiều đã viết:

Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,

Mua đá năng lượng:

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.

Và trong bài thơ 'Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan, ta thấy Bà than thở:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,

Tới nay thấm thoắt mấy tang thương,

Dấu xưa xe ngựa, hồn thu thảo,

Đền cũ lâu đài, bóng tịch dương...

Từ những khẩu hiệu: Thiên địa vạn vật đồng nhất thể; Nhất tán Vạn, Vạn qui Nhất, tôi đã rút tỉa ra một định luật biến dịch hết sức là quan trọng: Đó là định luật Tán Tụ (Vãng Lai). Mới đầu, khi Bản Thể tung tỏa ra quần sinh, vũ trụ, thì là Tán, là Vãng, là đi ra, là tản mạn, tung tỏa ra khắp cùng muôn phương, muôn ngả. Hết Tán rồi sẽ phải Tụ; hết đi ra rồi lại phải trở về với quê hương cũ; với Bản Thể uyên nguyên. Người xưa gọi thế là Qui Nguyên phản Bản, hay Qui Căn phản Bản. Lão Tử đã viết trong Chương XVI Đạo Đức Kinh:

Phù vật vân vân,

Các qui kỳ căn,

Qui căn viết tĩnh,

Phục mệnh viết trường

Phỏng dịch:

Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn Bản Nguyên.

Hoàn Bản Nguyên, an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi, trường vĩnh vô cùng...

Khảo Thiên Văn Học hiện đại ta cũng thấy nhiều Thiên văn gia đã chủ trương vũ trụ này đã được phóng phát ra, tung tỏa ra từ một Tâm điểm, và hiện nay vũ trụ đang ở trong thời kỳ tán phân. Nhà bác học người Bỉ, Georges Edouard Lemaitre (1894- 1966), là người đã chủ xướng và chứng minh thuyết Vũ trụ khuếch tán, thường được mệnh danh là Big bang theory, hay là The Expanding universe theory: Nhờ phương pháp thâu quang phổ (spectroscopy), và dựa vào định luật Dopler- Fizeau, các nhà Thiên văn học khám phá ra rằng các giải ngân hà đang đua nhau tiến về miền biên viễn, và vũ trụ này như là cái bọt xà phòng của trẻ con chơi, đang được thổi phồng lên, theo lý thuyết của Georges Lemaitre, một lý thuyết đã được sự tán đồng của những Thiên văn gia cự phách như Hubble, Edwin Powell (1889-1953), hay Eddington, Arthur Stanley (1882- 1944) [2]. Định luật Dopler-Fizeau cho hay, nhìn vào quang phổ, ta thấy quang phổ các giải Ngân hà xê dịch dần dần về phía màu đỏ, y như tiếng còi tầu, càng ngày càng thấp giọng, khi tàu trườn mình phóng mãi xa ta... Sự kiện khuếch tán này càng ngày càng đưa các vì sao xa dần trái đất; muôn triệu vì sao không còn đủ soi cho trái đất; sức nóng của các vì sao không còn đủ để sưởi ấm trái đất trong những đêm băng giá. Dựa vào định luật Tán Tụ, Vãng Lai, tôi mường tưởng rằng trong một tương lai còn xa xăm mờ mịt, các vì sao, các giải Ngân hà nói trên, sẽ dần dà trở gót lãng du, để quay về an nghỉ trong hậu trường Bản thể. Những vì sao đã luống tuổi đời lúc ấy, sẽ góp ánh sáng tàn của mình để sáng soi cho trái đất, thay cho ánh sáng đèn điện, đèn dầu, như lời tiên tri trong sách Khải Huyền (Revelations):

«Lúc ấy, sẽ không còn đêm; sẽ không còn cần đến ánh sáng của lửa đuốc, hay của vừng thái dương; vì Chúa sẽ sáng soi cho họ, và họ sẽ trị vì muôn kiếp...» (Khải Huyền 22:5)

Vũ trụ mà đang tán, thì nhân quần cũng đang ly tán. Trái đất ngày nay đã được chia thành vô số nước. Trời đất hiện nay được chia thành những mảnh con con, y như những ô trong bàn cờ quốc tế: trời đất chỗ này là của Mỹ; chỗ kia là của Pháp, của Đức, của Tàu, của Nhật. Muốn đi đâu, ai nấy phải có sẵn trong túi một giấy thông hành, nếu không sẽ sinh tai họa. Như vậy tỏ ra chúng ta chưa phải là những con người "tự do"; chúng ta chưa thực hiện được câu "Bốn bể là nhà". Còn tán, thì còn chia ly, tranh chấp; chính vì vậy, mà thế giới của chúng ta, đáng lý phải là đào nguyên lạc cảnh, than ôi, đã bao phen trở thành những chiến địa hãi hùng...

Sự phân kỳ, tản mạn không phải chỉ nguyên có trong lãnh vực chính trị; mà nạn sứ quân còn hoành hành cả trong lãnh vực đạo giáo. Chân lý của đất trời bị phân quang trong các lăng kính đạo giáo; và biết bao lần, thần thánh đã bị lôi cuốn vào trong những thánh chiến, làm máu đào nhuộm đỏ đất đai, hoa cỏ...Đáng kính phục thay là Krishnamurti: Khi Thông thiên học chuẩn bị làm lễ đăng quang, mời ông lên ngôi Giáo Chủ Thông Thiên, ông đã khẳng khái trả lời đại khái rằng: Thế giới đã có quá nhiều lồng, nên ông không muốn tạo thêm lồng để nhốt nhân loại; sau đó ông rũ bỏ, từ khước mọi phú quí, vinh hoa, mà Thông Thiên Học dành cho ông, để sống một cuộc sống an bần lạc đạo, «kho trời chung, mà vô tận của mình riêng...»

Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta cũng nên mừng, vì thấy các lãnh tụ đạo giáo đã bắt đầu rụt rè, giơ tay, bắt tay nhau, tỏ tình thân thiện. Phải chăng đó là dấu chỉ con người sắp sửa bước vào con đường qui tụ, hiệp hòa; con người đã bắt đầu nhận thấy cái Ngã Mạn Độc Tôn là cái raát vô lý, và là mầm mống gây họa hại cho nhân quần.

Tôi mơ thấy rằng trong một tương lai không mấy xa, thiên hạ sẽ dần dần thật sự bắt tay nhau trong tình huynh đệ, bất kể màu da, sắc áo; bất kể tín ngưỡng đạo giáo; trọng kính nhau vì tư cách, vì kiến thức, vì tác phong, phẩm hạnh của nhau, chứ không phải vì theo đạo này hay theo đạo nọ. Tôi mơ thấy rằng trong một tương lai không xa, những đôi uyên ương khác tín ngưỡng tha hồ được tự do lấy nhau, xây tổ ấm với nhau, chẳng bị một ràng buộc nào. Sau khi đã có gia đình, tình yêu của họ càng mặn nồng hơn: thay vì dưới mái ấm, có một bông hoa tôn giáo, nay lại có sẵn hai bông, đua sắc đua hương, dưới cặp mắt từ bi, và dưới bàn tay chúc phúc của một Cha chung nhân loại...Con cái đẻ ra, dẫu bên cha cũng kính, bên mẹ cũng vái, cũng chẳng sao.

Tôi cũng có đồng một giấc mơ như mục sư Luther King: Trong bài diễn văn ứng khẩu tại Washington, ngày 28- 8- 1963, trước 250.000 người, Luther King nói: «Tôi hôm nay nói với các bạn rằng: Dẫu chúng ta gặp nhiều khó khăn trong ngày mai, ngày mốt, tôi vẫn có một giấc mơ. Đó là một giấc mơ, ăn rễ sâu vào giấc mơ của dân nước Mỹ. Tôi mơ thấy rằng một ngày kia quốc gia này sẽ vùng dậy, sẽ sống thực sự cái niềm tin của nó. Niềm tin ấy là: «Mọi người hiển nhiên đã được tạo dựng nên bình đẳng.» Tôi mơ thấy rằng một ngày kia, trên những ngọn đồi đất đỏ xứ Georgia, con những nô lệ xưa, và con những chủ nô lệ xưa, sẽ cùng nhau ngồi chung chiếc bàn huynh đệ. Tôi mơ thấy rằng một ngày kia, ngay cả đến tiểu bang Mississipi, một tiểu bang đầy rẫy những bất công và áp bức, sẽ biến thành một lạc cảnh tự do và công bình. Tôi mơ thấy rằng đoàn con nhỏ của tôi một ngày kia sẽ sống trong một nước mà người ta sẽ không đánh giá chúng bằng màu da sắc áo, mà bằng tâm trí chúng, và tính nết chúng.

Khi chúng ta để tự do rung vang lên trong mọi thành thị, mọi thôn xóm, chúng ta sẽ làm cho cái ngày ấy chóng đến, cái ngày mà mọi người đều là con Thiên Chúa, người da đen cũng như người da trắng; người Do Thái cũng như người ngoại giáo; người Thệ Phản cũng như người Công giáo, mọi người đều bắt tay nhau hát lên những lời rằng: «Cuối cùng chúng ta đã tự do; cuối cùng chúng ta đã tự do!.Lạy Chúa toàn năng, cuối cùng chúng ta đã tự do!»

Cho đến bây giờ, người Âu Châu chưa nhận định ra rằng sự biến hóa của trời đất diễn biến thành một chu kỳ vãng lai, phản phục, tuần hoàn. Đối với họ, sự biến hóa chỉ đi theo con đường thẳng, chỉ có một chiều, y như dòng thác từ cao sa xuống thấp. Lẽ dĩ nhiên là họ phải bi quan, phải lo sợ cho tương lai. Trong các sách vở, trong các báo chương, trên tường vách nơi phố xá, ta thường thấy họ quảng cáo ngày Tận thế, dựa trên những lời tiên tri của sách Khải Huyền (Revelations), như ca sĩ quảng cáo ngày đại nhạc hội. Chẳng hạn, như trên đường Fairview, gần góc Sunflower, ta thấy có tấm bảng đề: Marana tha «Xin Chúa hãy đến». Và đâu đó, trên một bức tường khu vực Santa Ana, cũng thấy đề: The Lord is coming soon (Chúa sắp giáng lâm). Hăng hái nhất là Giáo phái Cơ Đốc phục lâm (The seventh day Adventists) đang dùng chiêu bài Tận thế để thu hút tín đồ mới. Họ tin rằng sắp sửa có những trận chiến long trời lở đất, giữa binh thần và tướng quỉ, nghe mà hoảng cả hồn, nhất là đối với những người xấu số vừa trải qua mấy chục năm binh lửa ở Việt Nam, lại đèo thêm bệnh yếu thần kinh, ấm ức, u sầu, vì chưa thích ứng được với hoàn cảnh mới, ở đất Mỹ, đầy cạnh tranh, và kích động này. Họ khuyên chúng ta mau ghi danh vào đạo họ để dự vào số 144.000 người được tuyển lựa, được đưa lên sống an toàn trên không trung, thoát cảnh khổ đau, lúc nắng lửa, mưa dầu; lúc trăng sao sa xuống trái đất này, nhiều như những trái vả rụng. Nếu chúng ta lần chần, không ghi danh kịp bên phía Cơ Đốc Phục Lâm, thì xin tới ghi danh vào giáo phái Chứng nhân đấng Jehovah (Jehovah's Witnesses) cũng chưa muộn. Nếu không kịp nữa, thì hãy nhớ đến đạo Mormons, một đạo dành cho những vị "Thánh nhân của những ngày tàn thời mạt kiếp" (Latter days Saints). Trái lại, nếu chúng ta chấp nhận một cuộc biến hóa hai chiều thì chúng ta lại có quan điểm khác: Chúng ta thấy rằng nhân loại sẽ trải qua một khúc quanh; một khúc quanh có thể được đánh dấu bằng tai họa, bằng chinh chiến, nhưng rồi cũng sẽ đi đến sự tốt đẹp. Thế là: "Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu." Theo thiển ý tôi, tận thế không theå sắp xảy ra được vì những lý do sau đây: Thứ nhất, về phía nhân loại, khi con người tiến tới một nền văn minh vật chất cùng cực, khi mà các siêu cường đã chất chứa không biết cơ man nào là bom khinh khí, bom nguyên tử, bom hơi ngạt, bom vi trùng, lúc ấy, các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới mới phát run lên, vì thấy một lệnh mình truyền ra, sẽ có trăm triệu sinh linh lập tức lìa cõi tục, bất kỳ là bạn hay là thù. Như vậy sẽ chẳng ai có lợi; nếu thế, tại sao không thay đổi lập trường, bắt tay thân thiện với nhau? Thế là, trong khi các đàn em hăng say thề không đội trời chung với nhau ở phía dưới, thì ở phía trên các bậc lãnh tụ hai khối đối lập, lại bắt tay nhau, hàn huyên, yến tiệc, du ngoạn cùng nhau, như thể là trong tình ruột thịt, toan tính một chuyện tương lai chung sống hòa bình... Thứ hai, về phía Thượng Đế, Ngài lại càng không có lý do gì chính đáng để nổi trận lôi đình, thịnh nộ, tiêu diệt nhân loại và hoàn võ. Nếu nhân loại có xấu xa đến mấy chăng nữa, cũng chỉ là vì đã lây tội tổ tông, lây một cách oan uổng, vì nào có được dự phần vào chuyện hưởng hương hoa tội lệ ấy đâu. Vả lại, tội ấy tuy tầy trời, nhưng đã được chính Ngài giáng trần ra tay cứu rỗi. Phải chăng sự cứu rỗi ấy chưa toàn vẹn, vì thế nên trần hoàn này còn bao nhiêu là chếch mác dở dang. Hơn nữa, theo kinh nghiệm cho thấy, nếu Ngài phá trần hoàn này đi, Ngài cũng sẽ không dựng nên được một trần hoàn khác đẹp đẽ hơn. Ngài đã chẳng phải toàn năng, toàn trí, khi dựng nên trần gian, hoàn vũ này hay sao? Cho nên, chính là để bảo toàn vinh danh Ngài, Ngài sẽ không để cho mọi chuyện giữa đường đứt gánh. Vì thế, về mặt nào đi chăng nữa, thì tấn kịch gian trần này cũng chưa thể nào kết thúc, khi mà mọi sự còn đang dang dở, khi mà mọi tình tiết còn đang rắc rối, éo le; khi mà con người, còn như đứa con hoang đàng, đang còn vui gót lãng du, đang còn mê lạc thú gian trần, còn dùng daèng chưa muốn trở gót tìm về Thiên quốc cũ! Than ôi, nhân loại đã bao lần gán cho Ngài tiếng bạo chúa, chuyên nổi giận lôi đình, mặc dầu không biết bao phen Ngài đã phải cải chính «Ta đây là Đấng từ nhân». Vả lại nếu mọi việc xảy ra mà đúng với dự đoán của những con người nông cạn, thì hoàn võ này đã trải qua không biết là bao nhiêu lần thế mạt.

Mong rằng, những lời biện giải chân thành nói trên không bị phê phán là hoang đường, ngạo mạn. Tôi tin chắc rằng L.M. Teilhard de Chardin cũng đồng ý với tôi rằng Tận thế chưa thể xảy ra, vì con người đang và sẽ còn cần rất nhiều thời giờ để tiến tới điểm Omega; tức là tới giai đoạn Thần Linh như ông đã chủ trương trong học thuyết lừng danh thế giới của ông gần đây.

Ngược lại, nếu chúng ta chấp nhận cuộc biến dịch tuần hoàn, chúng ta sẽ thấy sự biến hóa của vũ trụ quần sinh này hết sức là đẹp đẽ, và hết sức có ý nghĩa. Biến hóa để trở về hội ngộ, hòa hợp với Hóa Công, để Thủy Chung như nhất. Tất cả chỉ là một Nguồn sinh lực diễn biến dần dà, từ Trung tâm ra tới các tầng lớp bên ngoài rồi lại chuyển hóa, xoay mình, băng qua các tầng lớp biến thiên từ ngoài vào trong, cho tới Trung tâm nguyên thủy, tạo nên một vòng sinh hóa có giới hạn, có tiết tấu, có mạch lạc, có nguyên ủy, thủy chung. Ngày nay tan, thì ngày sau sẽ hợp. Vòng đại tuần hoàn của vũ trụ chẳng qua cũng như tình non nước, mà Tản Đà đã ngâm vịnh bằng những lời thơ đẹp đẽ sau

Dẫu rằng sông cạn, đá mòn,

Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa,

Non cao đã biết hay chưa,

Nước đi ra bể, lại mưa về nguồn,

Nước non hội ngộ còn luôn,

Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Nước kia dù hãy còn đi,

Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui,

Nghìn năm giao ước kết đôi,

Non non, nước nước chưa nguôi lời thề.

Sách Tu Chân Bất Tử Phương, đạo Lão, có lời rằng: «Hậu thăng, tiền giáng định nhất chu» nghĩa là «Trước xuống, sau lên, định một vòng». Ý muốn nói vòng tuần hoàn của trời đất, phải là Âm trước, Dương sau; nghĩa là mới đầu tinh thần phải nhập thể, phải lồng vào vật chất để biến cải, phát huy vật chất, thì sau này vật chất mới giúp cho tinh thần siêu thăng được.

Thiệu Khang Tiết chủ trương: «Vạn vật tòng Trung nhi khởi, tòng Trung nhi chung» (Vạn vật từ Trung hình hiện, về Trung lai hoàn).

Chiêm tinh học Âu Châu mô tả quan niệm biến dịch tuần hoàn trên như sau: «Nguyên Động Lực tự phối ngẫu, để biến từ thế tiềm phục đến thế hiển hiện; từ Nhất đến Vạn; từ vô tướng đến hữu hình; từ tinh thần đến vật chất; từ thế giới vô sắc tướng, đến thế giới hình tướng; từ khinh thanh đến trọng trọc. Trên đoạn đường thoái hóa này, thần khí càng ngày càng ẩn áo sau nhiều bức màn hiện tượng dày đặc, cho đến cùng đường vật chất. Khi đã đến điểm thấp nhất của chu kỳ, thần khí hay Đạo lại lộn ngược lại, băng mình qua nhiều lớp hình thể ngày càng khinh thanh, tiến dần về các giới vô hình, vô tướng, để cuối cùng trở về trạng thái Bản Nguyên. Đó là ý nghĩa vòng Hoàng Đạo.» [3]

Nhìn vào cái vũ trụ biến thiên đa tạp bên ngoài, thay vì bi quan, sầu khổ, tôi lại thấy rằng có biến thiên, có đổi thay như vậy mới đẹp đẽ, mới sống động. Một khúc nhạc hay, không thể nào đồng điệu; một tấn tuồng hay, không thể nào tẻ nhạt, ù lì. Cái đổi thay, cái biến động cốt là làm cho vũ trụ và nhân quần lúc nào cũng mang một bộ mặt xinh tươi, trẻ trung, đẹp đẽ. Khi lớp người già sửa soạn về chầu Trời, thì lớp trẻ lại hùng dũng tiến lên thay thế. Chính nhờ sự biến thiên, sự thay thế, sự tiếp sức nhau như vậy, mà cái tạm bợ, cái phù du mới chạy đua được với cái bất biến, cái vô cùng. Thu năm nay đi, năm sau còn trở lại. Đào năm nay tàn đi, nhưng năm sau nở lại, để góp cưôøi với gió Đông.

Thế tức là:

Từ biến chuyển, nhìn ra trời đất,

Thì đất trời phút chốc đã qua,

Từ trong bất biến nhìn ra,

Muôn loài muôn vật như ta vô cùng.

(Tô Đông Pha, Xích Bích phú)

Nhìn vào cái vũ trụ biến thiên vô cùng phức tạp này, ta đừng quá bi quan, chỉ nhìn thấy cái loạn, mà không nhìn thấy cái trị; chỉ nhìn thấy cái mâu thuẫn tương tranh, mà không nhìn thấy cái hòa ca, tương trợ. Kìa xem muôn triệu sao trời, nhö muôn nghìn hạt cát vương vãi trên không trung vô tận, thế mà làm sao vẫn "anh đi đường anh, tôi đường tôi", chẳng hề có va chạm nhau. Xa lộ trời khác với xa lộ gian trần là không có cảnh trăng sao đâm nhau, gây tai nạn, gây trở ngại lưu thông cho muôn vì tinh tú khác. Cả đến những sao chổi như Halley, cũng vẫn len lỏi tìm ra được con đường mình đi, chẳng hề gây phiền lụy cho ai.

Kìa xem muôn triệu tế bào trong con người: Chúng luôn luôn hòa hài cộng tác, thường xuyên truyền tín hiệu cho nhau, luôn luôn hỗ trợ lẫn nhau, chính vì vậy mà con người mới được sung sướng, khỏe mạnh.

Suy cho cùng, chống đối, mâu thuẫn, là cái gì phiến diện, cái gì bất thường, cái gì ngoại lệ. Hòa hài, đoàn kết mới là cái gì cố hữu, cái gì thường xuyên, mới là thông lệ.

Tôi lấy làm lạ là làm sao mặt trời kia nóng hàng triệu độ, mà khi xuống tới trần hoàn, sức nóng chỉ còn lửng lơ, từ vài chục độ, tới trăm độ Fahrenheit!

Mỗi lần buổi sáng, mở vòi nước rửa mặt, tôi lại cám ơn nhân quần, vì tôi đang sống ở sa mạc Cali, mà vẫn có đầy đủ nước mà xài, với một giá rẻ mạt. Giòng sông Santa Ana tuy hầu như quanh năm khô cạn, tôi vẫn không lo, vì nước tôi dùng đã được vận chuyển từ Colorado về.

Tuy chỉ là một phần tử nhỏ nhoi trong trời đất vô biên, tôi vẫn cảm thấy mặt trời và trăng sao như là của riêng tôi. Mặt trời soi sáng cho tôi mỗi ngày; mặt trăng làm lịch cho tôi xem hằng tháng; và tôi thầm trách sương khói Cali đã làm mờ hết bàu trời đầy sao của tôi, làm tôi không còn thấy Ngưu Lang, Chức Nữ; không còn thấy Ô Thước bắc cầu Ngân sang; không còn thấy con vịt khi thì cúi mình, khi thì ngóc cổ, kiếm ăn bên giải Ngân Hà. Tuy đôi khi vẫn thấy sao Lang (Sirius), vẫn thấy chòm sao Tất, Chủy, chứa đựng lạp thần Orion nơi phía đầu nhà; nhưng sao Lang, tôi thấy có màu sắc Ai Cập hơn, và chòm sao Orion có hình thái Hi Lạp hơn, trong khi các bậc tiền bối trưởng thượng Việt Nam bây giờ lại khuyến dụ tôi phải tìm cho ra hương sắc Việt Nam ở khắp muôn nơi... Tôi yêu dạ lý hương, đưa mùi hương đến cho tôi lúc ban đêm. Tôi yêu những bông hồng mà bạn tôi cho phép ngắt, để đem về cắm bình nhà. Tôi cám ơn bàu không khí trong lành mà không lúc nào trời đất không dành sẵn cho tôi. Mỗi khi tôi thấy cung cÁch những bệnh nhân vào nhà thương phải bỏ tiền ra mua dưỡng khí, tôi mới thấy đất trời hết sức rộng lượng với tôi; tuy nhiên vẫn thầm chê đất trời là không biết tính toan, buôn bán, làm giàu. Sống an toàn ngày nay, nhiều khi tôi thả hồn mộng cho thời gian xô lùi về cảnh đời dĩ vãng, tôi thấy tôi mắc nợ biết bao là chiến sĩ đã xả thân ngoài chiến địa, cho tôi được sống những ngày thảnh thơi tại Sàigòn, ròng rã trong mấy chục năm trời chinh chiến.

Tôi cảm ơn các chuyến máy bay đã đưa tôi từ miền Cộng Sản sang tới Mỹ Châu. Khởi hành từ Thái Lan vào 6 giờ chiều ngày 22 tháng Giêng năm 1982, tôi đã ghé Hồng Kông, ghé Anchorage (Alaska), giáp ranh Bắc Cực, để rồi đáp xuống phi trường Oakland, (San Francisco), hồi 7 giờ sáng ngày 22. Thế là tôi đã đi ngược dòng thời gian, bay qua muôn vạn dặm, mà không mất phút giây nào, lại còn lãi được 11 giờ, làm cho tuổi tác trẻ trung thêm. Thật là ly kỳ hơn chuyện thần thoại. Tôi rất cảm ơn những người mà tôi xa lạ, đã hết sức niềm nở đón tiếp tôi, tận tình giứp đỡ tôi, lo lắng cho tôi được «an cư, lạc nghiệp». Những bài học triết học, những ý nghĩa triết học về thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, về quan niệm vạn vật tương ứng, tương thông, trùng trùng vô tận, vô tận trùng trùng, tôi đã tìm ra, mà chẳng cần phải đọc Pháp Hoa, hay Hoa Nghiêm; chỉ việc rút tỉa từ đời sống hằng ngày, từ những ánh mắt trìu mến, từ những cử chỉ thân yêu của tha nhân.

Tôi cảm ơn cái màn ảnh vô tuyến đã cho tôi «thiên lý nhãn», vì bất kỳ giờ nào, phút nào cũng cho tôi biết tin tức và hình ảnh muôn phương, bất kỳ là ở ngoài, hay ở trong bức màn sắt, bức màn tre.

Tôi cảm ơn cái điện thoại vô tri bên tôi đã cho tôi «thiên lý nhĩ». Tôi chỉ cần xoay xoay, hay bấm bấm mấy con số, là lập tức đã có thể đàm thoại với bè bạn muôn phương.

Tôi thấy tôi gắn bó với đất trời, với những tinh cầu xa muôn vạn dặm. Thấy các giải Ngân hà đang chạy xa tôi, tôi cảm thấy lòng như thêm hoang vắng. Thấy hiện ra thêm một tinh vân mới nào, tôi thấy như gia tài thiên nhiên lại giàu có hơn một mức. Tôi không thích mặt trời có những vết nhọ nhem trên gương mặt. Tôi lại hết sức không ưa chuyện trái đất chuyển mình, hờn giận, làm cho dân Cali nhiều khi xanh cả mặt, nát cả lòng.

Tôi thấy tôi gắn bó với khắp nhân quần: thương những người Ethiopia đói khổ; thương những người Afganistan, Nicaragua, đang xả thân, chống lại bạo quyền. Và cứ thế miên man đến sinh linh:

Thương con quốc rũ kêu mùa hạ,

Thương cánh bèo trôi giạt bể Đông,

Thương vợ chồng Ngâu, duyên chểnh mảng,

Thương cha mẹ nhện số long đong...

Tôi cũng thấy tâm linh tôi keo sơn, gắn bó với Nguồn sinh của đất trời.

Tôi thấy tôi như đang ngụp lặn trong một tình yêu vô biên của trời đất, của nhân quần.

Tôi cũng không hiểu sao mà trời đất, mà muôn vạn sinh linh lại thương yêu tôi đến như vậy. Mỗi khi bước vào các siêu thị, tôi thấy bày la liệt, nào tôm, nào cá, nào thịt, nào rau; gừng, nghệ, tỏi, hành, cà chua, su hào, bắp cải, hồng, nho, lê, táo, chẳng thiếu một thứ gì. Bỗng tôi thấy như thân xác tôi đang được xé thành nhiều mảnh vụn, bày trong lồng kính, xếp trên quày hàng. Đúng như vậy, vì nếu tôi mua các thứ đó về nhà, nếu nhà tôi ra tay xào nấu thì chỉ ít giờ sau, tất cả những thứ đó, sẽ trở thành xương, thịt tôi, không còn gợn chút nào bóng hình cá, tôm, rau cỏ. Cá tôm đã thoát kiếp vật, mà sang sống kiếp người! Tôi mới hiểu tại sao mà các bà nội trợ ở Việt Nam, trước khi cắt tiết gà, tiết vịt lại lẩm bẩm một câu hết sức là khôi hài: «Tao hóa kiếp cho mày, kiếp này sang kiếp khác.» Tôi thấy tôi, từ bé đến nay, sở dĩ sống được, chính là nhờ muôn vạn sinh linh đã hóa kiếp, xả thân vì tôi, một cách trực tiếp, hay gián tiếp. Nghĩ vậy, tôi cảm thấy hết sức bồi hồi, và nguyện sống sao cho hay, cho đẹp để khỏi phụ lòng kỳ vọng của trời đất, quần sinh...

Tôi thấy đâu đâu cũng là quê hương thân yêu của tôi, một quê hương bao la, chỉ có thể được đo bằng những năm ánh sáng. Tôi thấy ai cũng là ruột thịt, anh em tôi, dù người ấy nói tiếng Tàu, tiếng Mỹ, tiếng «Xì» (Mễ), hay tiếng Việt. Và niềm tin tôi đối với Thượng đế trở nên sâu xa, mãnh liệt; tình yêu tôi đối với Ngài trở nên thắm thiết, keo sơn. Ngài há chẳng phải chính là Nguồn sinh tôi, chính là Bản Thể tôi, chính là sự dựa nương tôi, chính là sự che chở tôi? Tôi há chẳng đã thật sự sống trong Ngài, và hoạt động trong Ngài, bởi Ngài, và vì Ngài?

Tôi càng ngày càng thấy yêu cái thuyết «Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể», mà ít là tôi cũng có chút công khơi lên từ lòng sâu thời gian và quên lãng. Nhờ nó, mà tôi tìm lại được Thiên tính của con người; tìm lại được mối giây liên đới cố hữu gắn bó người với người, người với quần sinh, vũ trụ. Nhờ nó mà tôi tìm lại được cho mình một đời sống hồn nhiên, khinh phiêu, hào sảng, tĩnh lãng. Tôi thấy tôi cần phải chia xẻ học thuyết này cùng quí vị, là những huynh đệ mà tôi yêu quí. Nếu vạn nhất mà quí vị, vì không hiểu tôi, trách móc tôi, oán hờn tôi, cái đó cũng không sao, miễn là tôi đã làm được một cái gì mà lương tâm tôi buộc tôi phải làm.

Như vậy, cái vũ trụ mà tôi vừa trình bày cùng quí vị, đã tung tỏa ra từ một Nguồn mạch linh thiêng duy nhất. Tuy vũ trụ này thiên biến, vạn hóa, nhưng không bao giờ rời khỏi được cái Căn Nguyên vĩnh cửu đó. Và cái Căn Nguyên vĩnh cửu ấy, dù uy nghi, siêu việt mấy đi chăng nữa cũng không cách nào lìa xa được cái vũ trụ hữu hình này. Đó là thuyết Thượng Đế nội tại (God's immanence), một học thuyết sẽ đem lại uy nghi trang trọng cho trần hoàn, đem sang cả lại cho nhân thế. Thật vậy, nếu Thượng Đế tiềm ẩn trong lòng sâu vạn hữu, thì muốn tìm ra Đấng vô cùng, ta phải lục lọi trong hữu hạn. Thay vì tìm Vô Cùng ở đâu đó xa xăm, ta trở vào tâm khảm ta, vượt qua những tầng lớp tiểu ngã, vọng tâm, những tầng lớp tâm tư, trí lự, lục dục, thất tình, vượt qua các lớp tứ đại, ngũ uẩn, để vào tới Chân Tâm, tới Lương Tâm. Lúc ấy ta sẽ thấy Vô Cùng hiện ra sau những lớp màn che, những lớp mây mù Hữu Hạn.

Đi sâu vào nội tâm, tìm ra được Bản Thể linh thiêng, tìm ra được «Khuôn thiêng» muôn loài, đối với Nho giáo là cái học cao siêu nhất. Đại Học viết:

Muốn đức sáng truyền đi thiên hạ,

Người xưa lo cải hóa dân mình,

Trị dân, trước trị gia đình,

Gia đình muốn trị, sửa mình trước tiên,

Muốn sửa mình, tâm nên sửa trước,

Sửa tâm hồn, trước cốt ý hay,

Ý hay, phải học cho dày

Dày công học vấn, sẽ hay Khuôn Trời,

Hay Khuôn Trời, thoắt thôi thấu triệt,

Thấu triệt rồi, ý thiệt lòng ngay,

Lòng ngay, ta sẽ hóa hay,

Ta hay, gia đạo mỗi ngày một yên,

Nhà đã yên, nước liền thịnh trị,

Nước trị bình, bốn bể bình an...

Tôi sở dĩ dịch «Cách» là «Khuôn», vì thấy trong Tự Tình Khúc, Cao Bá Nhạ có viết:

Bình dẫu phá, còn lề cốt cách,

Gương dù tan, vẫn sạch trần ai...

Tưởng cũng nên lưu ý quí vị rằng: «Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể» của Hiền thánh Á Đông có thể dịch sang tiếng Mỹ là The Monistic Theory; còn thuyết «Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể» của Hiền thánh Âu Châu lại thường được mệnh danh là The Emanation theory (Thuyết Phóng Phát). Một đằng đặt nặng vấn đề Căn Cốt muôn loài; một đằng muốn nhấn mạnh cung cách mà muôn loài đã tung tỏa ra từ một Bản thể. Hiền thánh Đông, Tây, Kim, Cổ đều chia sẻ học thuyết này. Dù là Upanishads của Bà La Môn; dù là kinh tạng Phật giáo; dù là Đạo tạng của Lão giáo; dù là Tứ Thư, Ngũ Kinh của Nho giáo; dù là cơ bút Cao Đài; dù là Sepher Yetzirah, hay Sepher ha Zohar của Kabalah (Mật tông Do Thái Giáo); dù là kỳ thư, bí điển của Tam Điểm (Free-Masonry), hay của phái Hồng Hoa Thập Tự (Rosicrucians); dù là Pythagoras, dù là phái Tân- Bá- Lạp- Đồ (Neo- Platonism), dù là phái Bạch Y (Sufism- Hồi giáo); dù là khoa Chiêm tinh (Astrology), khoa Luyện Kim (Alchemy), dù là khoa Tarot, nhất nhất đều nói lên một tiếng nói duy nhất: «Vũ trụ này đã được tung tỏa, phóng phát ra từ một Căn Nguyên duy nhất.» Tôi tìm ra cái mẫu số chung nhân loại này vào khoảng mùa hè năm 1976, âu là trời đất cũng đem tặng cho tôi một nguồn yên ủi, trong khi tôi còn kẹt lại ở Việt Nam. Thật hết sức lạ lùng khi tìm ra được một kho tàng tư tưởng chung cho nhân loại, lại là lúc hết sức thiếu thốn sách vở, lại là lúc sống hết sức âm thầm, nỗi riêng không biết ngỏ cùng ai. Lúc ấy, thực là:

Muốn nói, nhưng mà nói với ai,

Muốn làm, ai kẻ bạn đường đời,

Gia vong, quốc phá niềm thương hận,

Huyết lệ đôi dòng, chảy khúc nhôi.

Một ngày nào đó, khi có dịp thuận tiện, tôi sẽ mời quí vị cùng tôi đi vào cái vườn thượng uyển, đầy hoa hương, mà trời đất riêng dành cho những mặc khách tao nhân của muôn phương ấy.

Trên đây, tôi đã trình bày cùng quí vị, Thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể, hay Thuyết Phóng Phát Tán Phân, như là kể lại những mẩu chuyện tâm tình, bây giờ tôi xin được trình này lại học thuyết này dưới dạng thức một bản toát lược của một Học thuyết triết học:

Như trên đã nói, vũ trụ này đã do một Bản Thể duy nhất phóng phát, tán phân, sinh hóa ra. Nó là đối đỉnh của Thuyết Tạo Dựng bởi không (Creation ex nihilo). Tuy nhiên, có nhiều khía cạnh của vấn đề, chúng ta cần nắm vững.

1) Trước hết, là khi chưa có vũ trụ này, thì Bản Thể là Nhất Nguyên Thuần Túy (Absolute Unity). Lúc ấy, Bản Thể được gọi là Hư, là Vô, là Không (Phật, Lão); là Brahman vô ngã (Bà La Môn); là Chân Như (Phật); là Cái Đó, là Giá Cá; là Vô Cực (Nho); là Ein-Sof (Kabalah), và được tượng trưng bằng số 1, số 0, hay là bằng hình tròn không có tâm điểm. Lúc ấy Bản thể còn ở trong thế Ẩn, thế Tiềm Phục (latence, non- manifestation), còn ở trong tình trạng vô bỉ, vô thử; vô nhân, vô ngã; nên các bậc Chánh Giác cũng tránh không dùng những danh hiệu cụ thể để khỏi mang tiếng giới hạn Vô Cùng vào vòng Hình (Archetypes), Danh (Names), Sắc, Tướng (Forms & Qualities).

2) Khi bắt đầu hiển dương, thì Nhất Nguyên Thuần Túy ấy sinh ra Nhất Nguyên Lưỡng Cực (Polarized Unity), tức là tuy nhất nguyên, nhưng thực ra, đã hàm tàng, bao quát cả Âm, lẫn Dương, cả hai bề Khinh Thanh, Trọng Trọc, cả hai bề Tinh Thần lẫn Vật Chất của vũ trụ.

Khi ấy, Bản Thể được gọi là Chân Tâm, Phật tính, A Lại Da (Phật); Atman (Bà La Môn); Thái Cực (Dịch, Nho); Đạo (Lão); Logos [Heraclitus khoảng thế kỷ 5 trước C.N., và Philo (30 B.C.- 50 A.D.)]; Kim Đơn (Lão); Minh Triết Thạch (Lapis Philosophorum) (Khoa Luyện Đơn Âu Châu) v.v... Khi ấy Bản Thể được tượng trưng bằng:

- Hình tròn có chấm giữa. (Chấm giữa là Sinh cơ; hình tròn bên ngoài là Vạn hữu)

- Hình Thái Cực (gồm cả Âm lẫn Dương).

- Hình Rebis: Re = Res = Vật thể.- Bis = Lưỡng = Hai (Nhất Vật, Lưỡng Thể).

- Hình Người Á nam, Á nữ (Androgyne; Andro = Nam; Gyne = Nữ).

- Số 5 (vì 5 = 2+3) (5 là Thái Cực; 2 là âm, 3 là Dương).

- Số 15 (15 = 6+9) (6 = Âm; 9 = Dương).

Các nhà Huyền học Do Thái Giáo (Kabalah) đưa ra nhận định rằng: Khi mà Ein- Sof (Vô Cực) muốn sinh ra Hữu (Kether, Thái Cực), để rồi Hữu sinh ra Vạn hữu, thì Vô phải co mình lại (Contraction) vào một Tâm điểm Uyên Nguyên, sau này sẽ là Nguồn Sinh Hóa Vô Tận. Họ gọi sự Co Mình, sự Thu Súc này là Zimzum. Các nhà Huyền Học Á Châu khi thì nói Hữu sinh ư Vô (Lão), ngụ ý trọng Vô hơn Hữu; khi thì nói Vô Cực nhi Thái Cực (Chu Liêm Khê), ngụ ý hai đằng chẳng qua là hai phương diện Ẩn, Hiện; Vi, Hiển của một Thực Thể Duy Nhất mà thôi.

Nơi chương I Đạo Đức Kinh, chính Lão Tử cũng lại đưa ra quan điểm Ẩn, Hiện chỉ là hai bộ mặt của Đạo:

Hóa Công hồ dễ đặt tên,

Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn,

Không tên, sáng tạo thế gian,

Có tên là mẹ muôn ngàn thụ sinh,

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi,

Hai phương diện một Hóa Nhi,

Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường

Ấy là chúng diệu chi môn,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.

3) Bản thế duy nhất sinh xuất ra vũ trụ bằng cách:

- PHÓNG PHÁT (EMANATION), và

- PHÂN HÓA (DIVISION), hay SINH HÓA (GENERATION).

PHÓNG PHÁT là phát quang, là tung tỏa chính Bản

Thể mình ra. Tiếng Pháp lẫn tiếng Anh đều dùng chữ Emanation.

PHÂN HÓA là phân chia dần ra mãi: 1 sinh 2; 2 sinh 4; 4 sinh 8 v.v... 4) Phóng phát, phân hóa không thể vô cùng tận. Tới mức độ nào đó, sẽ có sự chuyển hướng, phản phục. Cho nên, tiếp theo thời kỳ phóng phát và phân hóa (emanation and pision), sẽ đến thời kỳ thâu liễm, hợp nhất (absorption, re- absorption, reintegration, union, re- union).

4) Hai chiều PHÓNG PHÁT, PHÂN HÓA - THÂU LIỄM, HỢP NHẤT hợp thành một vòng biến dịch tuần hoàn, để thực hiện một điều kỳ diệu là: THỦY CHUNG NHƯ NHẤT; ALPHA = OMEGA.

Vòng biến dịch tuần hoàn ấy được gọi là:

- Vòng Biến Dịch (Nho, Lão).

- Vòng Luân Hồi; Pháp Luân; vòng Duyên Nghiệp (Bà La Môn giáo, Phật giáo).

- Vòng Chu Xà (Ouroboros) (Âu Châu, Thông Thiên học).

- Vòng Đại Chu Thiên (Á Châu).

5) Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể sẽ trở thành một học thuyết đạo giáo hết sức cao siêu, nếu ta thay thế chữ Bản Thể bằng những danh từ Thượng đế, Allah, Chân Như, Đạo v.v...Tuy nhiên, nó hết sức khác với tôn chỉ của các đạo giáo công truyền, vì nó chủ trương:

- Thượng đế hàm tàng, ẩn ngụ trong lòng sâu vạn hữu.

- Con người có Thiên tính.

- Mọi người đều có một giá trị siêu việt, đều có sẵn nơi mình những khả năng vô biên, vô tận, đều có thể tiến hóa vô biên tận.

- Mọi người phải tương ái, tương thân, vì đều có cùng một bản thể.

- Mọi người phải đem tình yêu ban rải tới chúng sinh, vì chúng sinh cũng đồng bản thể như mình.

- Phải đi vào tâm mà tìm Đạo, tìm Trời.

- Phải đoàn kết để giải quyết mọi dở dang, chếch mác còn có trên đời này.

- Mục đích của đời sống là sống cao khiết, kết hợp nhất như với Thượng đế ngay từ khi còn ở gian trần này.

- Khi còn ngây thơ, thì trông vào tha lực; khi đã trưởng thành, đã giác ngộ thì trông vào tự lực.

- Lương tâm là Thiên Thư duy nhất, không có nhiễm màu thời gian, và không gian; không ai có thể manh tâm sửa đổi được.

6) Quan niệm: Vũ trụ này từ một Bản Thể sinh hóa, phóng phát ra, rồi lại được thâu liễm, qui hoàn hợp nhất lại nơi Bản Thể, vẽ ra một vòng biến dịch hai chiều:

- Chiều sinh hóa, phóng phát, tức là chiều tạo dựng nên vạn vật, vạn tượng. Đó là chiều vãng, chiều hướng ngoại, chiều từ Nhất đến Vạn, chiều ly tâm, chiều xuôi dòng đời, chiều sinh nhân, sinh vật.

- Chiều thu liễm, hợp nhất, tức là chiều sinh thánh, sinh thần Đó là chiều lai, chiều hướng nội, chiều phản hồi, chiều hướng tâm, chiều "qui căn, phản bản".

Cuối vòng biến dịch, ta sẽ gặp lại Bản Thể thuần nhất.

7) Quan niệm phóng phát và qui hoàn cũng vẽ lại định mệnh con người. Con người tự trời xuống trần, rồi lại tự trần trở về trời. Thế gọi là trở về ngôi vị cũ. Như vậy, giác ngộ là giác ngộ được căn cơ, gốc gác của mình, tìm ra được con đường đưa mình về quê hương cũ. Thế là Đắc Nhất, thế là Liễu Nhất, thế là Phối Thiên, thế là "ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm", thế là "Ly nhất thiết chư tướng" theo từ ngữ kinh Kim Cương. Đó chính là mục đích tối hậu của con người.

8) Cuối cùng quan niệm phóng phát và qui hoàn cũng được gắn liền với thuyết luân hồi, đầu thai, chuyển kiếp (metempsychosis; transmigration), của Đông Tây, và thuyết hồi ký (Reminiscence) của Plato.

Học thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể đại cương là như vậy. Tuy nhiên, nó trở nên huyền ảo, linh diệu, biến hóa khôn lường, phong phú khôn tả, vì người xưa đã trình bày học thuyết này bằng nhiều thể cách, bằng nhiều loại từ ngữ khác nhau

Ví dụ 1: Tư tưởng muốn trình bày:

Vạn hữu, vũ trụ này do một Bản Thể Duy Nhất phóng phát ra.

1.- Trình bày bằng từ ngữ thông thường: Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. Nhất sinh Vạn, Vạn qui Nhất .

2.- Trình bày bằng từ ngữ huyền thoại (mythological language): Prajapati,Purusa, Bành tổ, Yemer v.v... phân thân thành vũ trụ.

3.- Trình bày bằng từ ngữ ví von (Metaphorical language): Vũ trụ này đã do một quả trứng nguyên thủy phát sinh. Nửa quả thành trời, nửa quả thành đất. Vỏ cứng thành núi. Màng mền thành mây, thành sương. Gân máu trong trứng thành sông. Chất lỏng trong trứng thành biển cả.(Chandogya Upanishad 3:19)

4.- Trình bày bằng từ ngữ số học (Numerical language): Nhất sinh Vạn, Vạn qui Nhất.

5.- Trình bày bằng từ ngữ tượng hình (symbolical language):

Chữ Vạn nhà Phật, trong đó Tâm điểm là Bản Thể bất biến; bốn cánh là Vạn Hữu biến thiên bên ngoài. Tâm điểm là Niết Bàn; bốn cánh là Sinh, Tử, Luân Hồi.

Hoặc hình Thái Cực tượng trưng cho Bản thể ở chính giữa. Các hào quải tượng trưng cho muôn loài, vây bủa chung quanh.

Hoặc hình Thái Cực, tượng trưng cho Bản Thể, như là một gốc cây phía dưới. Các hào quải, tượng trưng cho Vạn hữu, như là cành lá ở bên trên.

Hoặc hình mặt trời (Bản thể) tung tỏa muôn ánh dương quang (Vạn tượng)

Ví dụ 2: Tư tưởng muốn trình bày:

Vũ trụ này đã do một Bản thể phóng phát tán phân ra.

1.- Trình bày bằng từ ngữ thông thường: Vũ trụ này đã do một Bản thể phóng phát tán phân ra.

2.- Trình bày bằng từ ngữ triết học: Thái Cực sinh Lưỡng Nghi; Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng; Tứ Tượng sinh Bát Quái.

3.- Trình bày bằng triết tự (literal or glyphic language):

YHVH sinh ra:

Y

H H

V

(Henri Serouya, La Kabbale, p. 30).

(YHVH thường được đọc là YAHVEH nghĩa là Thượng đế. Xin lưu ý chữ YHVH chỉ gồm có bốn mẫu tự, nên còn được gọi là Tứ Tự (Tetragammaton, hay Tetragram hay Tetrac- tys). Ta thấy chữ YHVH ở đây đã phân thân thành bốn, khi tạo dựng nên vũ trụ). Người Do Thái kiêng không dám đọc tên này. Và khi gặp sẽ đọc thành Adonai, y thức như tục lệ Á Đông, kiêng tên húy.

AUM sinh ra:

A (Sắc giới, khi ta tỉnh)

U (Dục giới, khi ta mơ)

M (Vô sắc giới, khi ta ngủ say)

(AUM là danh từ chỉ Atman, hay Tuyệt đối của đạo Bà La Môn. Nơi đây, muốn nói chính Tuyệt đối đã phân thân thành mọi cảnh giới.)

4.- Trình bày tư tưởng trên bằng Từ ngữ số học (Numerical language):

(Thượng đế = khi hợp; Vạn hữu = khi phân)

Đồ hình trên đây cũng còn được gọi là Tứ Tự (Tetractys, hay Tetragram của Pythagoras. Nó cũng tượng trưng cho YHVH. Khi hợp thì là Thượng đế chí tôn. Khi phân thì là sinh linh, vạn hữu.

5.- Trình bày tư tưởng trên bằng Từ ngữ tượng hình.

  1. A) Nhiều người đã dùng tâm điểm và nhiều vòng tròn đồng tâm để trình bày tư tưởng trên. Tâm điểm là Bản Thể. Các vòng tròn bên ngoài là các loại hiện tượng, từ khinh thanh đến trọng trọc, theo thứ tự từ trong ra ngoài. Càng ở vòng trong là càng cao siêu. Càng ra vòng ngoài là càng thấp kém.
  2. B) Tam điểm ưa dùng hình Tam giác trong lòng có hình Thiên nhãn, hay có bốn chữYHVHđặt vào trung tâm, để tượng trưng cho Thượng đế, cho Bản Thể. Bên ngoài, có vẽ một vầng mây tròn tượng trưng cho Vạn hữu.

6.- Trình bày tư tưởng trên bằng ma phương (Magic square):

Ma phương này có đặc điểm là được cả Á lẫn Âu dùng: Số 5 bên trong là Thượng đế, là Thái Cực. Các con số bên ngoài là Vạn hữu. Ta thấy nhìn phía nào beân ngoaøi cũng là 10, nghĩa là do 5 phân thân ra. Bề nào cũng là 15 mà 15 như trên đã nói, tượng trưng cho Thượng đế.

Cái kỳ diệu ở nơi đây là ta đã học được với cổ nhân vô số là từ ngữ mới. Trong vòng một khoảnh khắc, ta đã biết thêm bao nhiêu là thứ tiếng mới.

Ngoài ra, Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể và Thuyết Phóng Phát, Tán Phân của chúng ta đã được tạc thành những hình tượng khổng lồ ở dưới đất, và được gửi gấp vào các vì sao trên khung trời thẳm. Trên trời thì Tứ Tượng được ghi tạc bằng bốn cung trời: Đó là cung Kim Ngưu (Bò), cung Sư tử (Sư tử), cung Ma yết (Phượng) và cung Bảo Bình (Người). ở trần gian, thì các quái thú, như thấy ở vùng Assyria, đều có mặt Người, mình Sư tử, cánh Phượng, chân Bò... Lạ lùng thay Ezechiel đã thấy bốn quái thú trên, bên sông Kebar (Ezec. 1: 4- 12); và đọc Khải Huyền ta cũng thấy 4 quái thú quen thuộc ấy chầu quanh toà Thiên Chúa (Rev.4:7- 8). Phải chăng đâu có Tứ Tượng, đấy có Thái Cực? Phải chăng, nếu nhìn vũ trụ này một cách phiến diện, sẽ thấy Sâm Thương cách trở; Đông, Tây, Nam, Bắc chia phôi; nhưng nếu nhìn sâu sắc, sẽ thấy Tất Cả là Một. Một chân lý, bao quát không gian, thời gian, được trình diễn ra bằng huyền thoại muôn phương, muôn nước; được vẽ lại bằng những hình ảnh của muôn nơi; được tung lên trời; được tạc vào đá; được Hiền thánh cổ kim chắt chiu, ấp ủ, chẳng phải là Chân Lý đáng cho chúng ta tiềm tâm suy cứu hay sao? Biết bao Hiền thánh trong quá vãng và trong hiện tại đã và đang dùng nó như con rồng thiêng để vượt muôn tầm, trở về với Nguồn Sinh muôn loài; trở về với Trung Tâm hằng cửu bất biến, vừa là Trung Tâm vũ Trụ, vừa là Trung Tâm con người. Điều đó chẳng đáng cho chúng ta lưu tâm, chú ý hay sao?

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh