Mùa Xuân Vũ Trụ Tương Lai Và Đại Đạo

MÙA XUÂN VŨ TRỤ TƯƠNG LAI VÀ ĐẠI ĐẠO

Đã từ lâu, Đông cũng như Tây cho rằng nhân loại chúng ta đang sống trong một thời kỳ Đổi Đời. Những người bi quan gọi thời đại hiện nay là thời kỳ Mạt Kiếp, và tưởng chừng như là sắp sửa tận thế đến nơi.

Tại sao lại như vậy? Ta sẽ dùng thiên văn để giải thích.

Như chúng ta đã biết, vì hiện tượng tuế sai (précession des équinoxes), nên mặt trời, ngày Xuân Phân (21 tháng ba dương lịch), cứ mỗi 20 thế kỷ lại ở vào một cung trong 12 cung của vòng Hoàng Đạo.

Ngày Xuân Phân 20 thế kỷ vừa qua, mặt trời ở vào cung Song Ngư.

Ngày Xuân Phân trong 20 thế kỷ tới mặt trời sẽ ở vào cung Bảo Bình (Verseau - Aquarius)

Còn như quyết đoán năm nào mặt trời ngày Xuân Phân sẽ đi vào cung Bảo Bình, thì ta thấy mỗi sách chủ trương mỗi khác, không hoàn toàn ăn khớp nhau. Ví dụ:

Theo W.E.Peuckert,[2] mặt trời vào cung Song Ngư năm 100 trước công nguyên. Nếu vậy thì mặt trời sẽ vào cung Bảo Bình năm 2060 tới đây. (Mặt trời ngày Xuân Phân cứ 2160 năm lại ở vào 1 cung).

Theo sách Théosophie et Science, thì mặt trời ở cung Song Ngư từ năm 29 công nguyên đến hết năm 2131, như vậy thì mặt trời sẽ vào cung Bảo Bình năm 2132.

Theo Trung Hoa, thì từ 1924 đến 1984 là Trung Nguyên; từ 1984 đến 2044 là Hạ Nguyên; thì Thượng Nguyên sẽ là năm 2045. Phải chăng đối với Trung Hoa năm ấy, mặt trời sẽ vào cung Bảo Bình.

Trong sách Astronomie Nautique của P. Sizaire,[3] có hình vẽ sau đây, cho thấy điểm Xuân Phân (Point g : Point Gamma) đã di động thế nào trên các cung trời từ năm 1000 trước kỷ nguyên, cho đến năm 2000 công nguyên:

Như vậy theo P. Sizaire, thì cũng phải sang thế kỷ 21 tới đây, mặt trời ngày Xuân Phân mới vào cung Bảo Bình.

2160 năm - thời gian mà mặt trời dùng để xê dịch 1 cung Hoàng Đạo, ngày xuân phân, được gọi là một năm vũ trụ (une année cosmique). Mỗi năm vũ trụ ấy cũng lại chia thành 12 tháng vũ trụ. Mỗi tháng dài là 180 năm.

Như vậy chúng ta đang ở vào cuối Mùa Đông năm Vũ Trụ Song Ngư, và mùa xuân vũ trụ Bảo Bình sẽ vào thế kỷ 21 tới.

Nguyệt san TIME, số ra ngày 21 tháng 3, năm 1969, cho rằng năm vũ trụ Song Ngư đầy lo âu, châu lệ, đầy hoài nghi và ảo mộng, có năm Bảo Bình tới đây sẽ là năm của những niềm vui, của những thực hiện khoa học tân kỳ, của những niềm ước mơ, hoài bão.

Trong bài What is The Aquarian Age (Thời kỳ Bảo Bình là gì) của Samuel Rittenhouse, đăng trong Nguyệt san Rosicrucian Digest, tháng 8 năm 1969, tác giả cho rằng kỷ nguyên Bảo Bình tới đây sẽ là 2000 năm của tình Huynh đệ đại đồng, tương thân tương ái. Đó là thời kỳ của những chinh phục không gian, thời kỳ mà tâm trí con người sẽ mở rộng tầm kích, sẽ trở nên cao đại, đó là thời kỳ mà Đại Đạo sẽ hiển dương… Thời kỳ đẹp đẽ tương lai ấy có lẽ những tín hữu Cao Đài đã gói ghém trong mấy chữ Hội Long Hoa...

Trong hoàn cảnh trời đất đều đang thuở đổi đời ấy, tôi muốn bàn về Đại Đạo, một Đại Đạo có tầm kích vũ trụ, một Đại Đạo thích hợp với những con người văn minh, tiên tiến, siêu việt, thanh cao, một Đại Đạo của thánh hiền, tiên phật muôn thuở, muôn đời…

Tôi xin thanh minh ngay rằng tôi viết bài này không phải để tuyên truyền quảng cáo cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, vì thật ra cho đến ngày nay tôi chưa được đọc một bài nào của Cao Đài có những đường nét như tôi sẽ trình bày sau đây. Tôi cũng không muốn làm công việc Hợp Ngũ Chi, Qui Tam Giáo, hay làm công chuyện Hòa đồng tôn giáo, như nhiều vị đã làm trong thời gian gần đây, mà sẽ đi thẳng ngay vào cái kho tàng chung Đại Đạo xưa nay của nhân quần.

Xin quí vị hãy hiểu hai chữ Đại Đạo mà tôi dùng trong bài này là:

- Con đường của hiền thánh muôn phương xưa nay.

- Con đường huyền nhiệm tâm linh.

Nó tương ứng với danh từ Mysticisme (Huyền Học, Huyền Đồng) của Âu Châu. Và thật ra chữ Mysticisme mà các sách vở Âu Châu dùng hiện nay chính ra đồng nghĩa với hai chữ Đại Đạo mà hiện nay chúng ta ưa dùng.

Nếu quí vị chấp nhận với tôi rằng hai chữ Đại Đạo tương ứng với chữ Mysticisme, thì tôi sẽ mượn lời của Frances F. Holland nói trong bài Mysticism and the Modern Mystic (Đại Đạo và Đạo Gia hiện đại) đăng tải trong Nguyệt san Rosicrucian Digest tháng 4-1961, mà phác họa ra thế nào là Đại Đạo như sau:

«Nói cho dễ hiểu, thì Đại Đạo là một cái nhìn nội tại tâm linh. Đó là một sự linh cảm rằng tâm hồn mình “phối hợp nhất như” với Thượng Đế. Đại đạo chủ trương rằng con người có thể trực tiếp cảm thông được với Tuyệt đối thể, không cần qua một trung gian nào. Đó là công trình của tâm thần để liên lạc trực tiếp với Tuyệt đối.»

«Đại Đạo nhận chân rằng Thượng Đế chính là Bản thể,Cốt lõi tâm linh con người. Rằng Thượng Đế vốn tiềm ẩn trong đáy lòng vạn hữu, tuy vẫn siêu việt lên trên mọi hình thức, sắc tướng…

«Xưa nay nhân loại đi vào Đại Đạo bằng nhiều cách:

- Người thì đi vào Đại Đạo bằng lý trí, bằng giác ngộ tâm linh, ví dụ như Platon, Socrate, Heraclite, hay như gần đây James Russell, Santanyana, Buber.

- Người thì đi vào Đại Đạo bằng con đường khổ hạnh, tu trì như thánh François d’Assise, thánh Augustin, thánh Jean De La Croix…

- Người thì đi vào Đại Đạo bằng nẻo thi ca, như David và các tác giả Thi Thiên, hay như Browning, như Whittier, như Lowell… Nhờ thi hứng họ, nhờ sự rung cảm tâm linh của họ, mà biết bao tâm hồn đã được chuyển hóa…

«Con người theo Đại Đạo ngày nay, có thể dùng đủ mọi phương thức trên:

- Suy Tư, Linh Giác,

- Tu Luyện, Thân Tâm

- Văn Chương, Thi Phú

«Người theo Đại Đạo sẽ cố gắng phát huy mọi tiềm năng, tiềm lực nơi thân tâm mình, để cho mình luôn luôn đổi mới, luôn luôn tinh tiến, luôn luôn vươn vượt, luôn luôn đạt tới những tầm kích cao siêu mới.»

«Người theo Đại Đạo sẽ học hỏi không ngớt, suy tư không ngừng để:

- Biết mình,

- Biết căn cốt trời, căn cốt thần minh nội tại,

- Biết mối giây liên lạc cơ hữu, nội tại, nối kết mình, ràng buộc mình với Đạo với Trời.

- Thần thánh hóa mình, đi dần đến chỗ Phối Thiên…»

«Nhờ ở sự cố gắng phát triển tâm linh không ngừng, người theo Đại Đạo sẽ đạt được Linh Giác, sẽ phóng phát Linh Quang, sẽ hòa mình được cùng Đại Thể Vũ Trụ…»

«Sống trong thế giới văn minh, nhưng chất chưởng hiện thời, người theo Đại Đạo nhận ra rằng mình chỉ có thể đạt được sự tĩnh lãng, sự vững vàng ở nơi tâm linh, ở niềm tin xác quyết rằng mình có căn cốt thần minh, có thể trở thành thần minh, sống huyền hóa, bất tử cùng trời đất…»

«Đại Đạo đưa con người đến sự hiểu biết ấy. Và chính nhờ ở sự khám phá ra được thế giới tâm linh, mà con người tìm ra được Thượng Đế nội tại nơi tâm khảm mình, biết được Chân Diện Mục mình (bản lai diện mục của mình), biết được bản lai diện mục của những người anh em đồng loại mình…» [4]

Đại Đạo ấy không biên cương, bờ cõi: Thánh hiền Tây ra sao, thì Thánh hiền Đông cũng vậy. Đại Đạo ấy không lệ thuộc thời gian: Chân nhân xưa ra sao, Chân nhân nay và sau cũng vẫn y như vậy. Mạnh Tử từ xưa đã nói: «Thánh trước, thánh sau đều cùng một đường lối.» 先 聖 後 聖 其 揆 一 也 (Tiên thánh, hậu thánh kỳ quĩ nhất dã.)[5]

Trong quyển Huyền Học Đông Phương và Huyền Học Tây Phương, tác giả R. Otto viết:

«Rudyard Kipling đã bảo:

“Đông là Đông mà Tây là Tây,

Gặp gỡ, đừng mong sẽ có ngày.”

«Nhưng chúng ta cũng có thể nói hoàn toàn ngược lại: Đại Đạo xưa nay đâu đâu cũng chỉ là một. Đại Đạo siêu thời gian, và lịch sử nên bao giờ cũng như như, bất biến. Ở nơi đây, không còn Đông và Tây. Ở nơi đây, mọi sự phân kỳ, tách biệt không còn nữa.

«Bông hoa Đại Đạo dẫu nở ở Ấn Độ hay ở Trung Hoa, ở Ba Tư hay trên bờ sông Rhin (giữa Pháp và Đức) hay ở Erfurt (nước Đức, quê hương của Đại Thánh Johann Eckhart), thì cũng chỉ sinh ra một thứ quả duy nhất.

«Đại Đạo dẫu mượn hình thức thi ca của thi sĩ Ba Tư Djalal Al Din Rumi hay những cung cách duyên dáng, hữu tình của Đại Sư Eckhart, hay tiếng Phạn thông thái của Sankara, hay công án bí ẩn của Thiền Tông, nội dung trước sau vẫn là một … Nội dung trước sau chỉ là một, tuy ngôn ngữ và hình thức trình bày, theo thời gian có khác nhau. Ở nơi Đại Đạo, thì: ĐÔNG LÀ TÂY, MÀ TÂY LÀ ĐÔNG.» [6]

Nội dung bất biến đó là gì? Thưa:

- Đó là: Niềm tin xác quyết rằng vũ trụ, vạn hữu đều từ một Đại Thể, từ một Bản thể duy nhất, phóng phát, tán phân ra. Sau một chu kỳ biến thiên, sinh hóa đa đoan, rồi lại qui hoàn về Nhất Thể. Đó chính là thuyết NHẤT THỂ TÁN VẠN THÙ, VẠN THÙ QUI NHẤT THỂ của Đông Tây xưa nay.

Nhất Thể đây chính là Thượng Đế, là Thái Cực, là Brahman, là Atman, là Đạo, là Chân không diệu hữu, là Chân Như là Phật, là Như Lai, là Thật Tướng, là Bản Lai Diện Mục, là Niết Bàn.

Những khẩu hiệu:

BẢN THỂ LÀ THƯỢNG ĐẾ - THƯỢNG ĐẾ LÀ BẢN THỂ.

NHẤT LÀ THƯỢNG ĐẾ - THƯỢNG ĐẾ LÀ NHẤT.

Vang lên rền từ Đông sang Tây. Dẫu là Cankara (Ấn Độ) hay Eckhart (Đức) cũng đều một luận điệu như vậy. [7]

- Đó là: Con người và Thượng Đế đều cùng chung một Bản thể. Và như vậy có nghĩa là Thượng Đế là cốt lõi con người, Thượng Đế là Bản Lai Diện Mục con người. Con người sau khi đã gạt bỏ được hết mọi lớp hóa trang hình hài, sắc tướng sẽ thấy mình đồng thể với Thượng Đế.

Cankara bên Đông, Eckhart bên Tây cũng đồng ý như vậy.[8]

Chính vì vậy mà Đại Thừa Chân Giáo Cao Đài đã viết nơi trang 65:

Thật là diệu diệu huyền huyền,

Trời người có một chẳng riêng khác gì.

Thánh Giáo Sưu Tập 1966-67, nơi tr.36 viết:

Con là một đấng thiêng liêng tại thế,

Cùng với Thầy đồng thể Linh Quang,

Khóa chìa con đã sẵn sàng,

Khi vào cõi tục, khi sang Thiên đình…[9]

- Đó là: Vì vạn vật đồng nhất thể, nên thương vật, thương người là thương mình, thương Thượng Đế.

Thánh Giáo Sưu Tập 1968-69, trang 200, viết: «… Vì các con là một trong vạn vật chúng sinh, là Bản thể của Đạo, mà Bản thể của Đạo tức là Bản thể của Thầy. Các con có thương nhau, tức là các con đã thương Thầy…»

- Đó là chủ trương ĐI VÀO TÂM MÀ TÌM ĐẠO TÌM TRỜI, vì:

ĐẠO TẠI TÂM; PHẬT TẠI TÂM: LUẬT TRỜI ĐÃ GHI TẠC BỞI TÂM.

Tiên tri Jérêmie đã viết:

«Trời người sum họp một nhà,

Đổi lời ước cũ cho ra thành toàn.

Luật Trời ghi tạc tâm can,

Lương tri là luật Trời ban cho người.»[10]

Thánh Giáo Sưu Tập 1970-1971, trang 53 viết:

«Đạo tại tâm hề, Phật tại tâm,

道 在 心 兮 佛 在 心

Vọng cầu bôn ngoại, thị hôn trầm,

妄 求 奔 外 是 昏 沉

Nhơn nhơn tự hữu Như Lai Tính,

人 人 自 有 如 來 性

Tính đắc Như Lai, pháp diệu thâm.»

性 得 如 來 法 妙 深

(Đạo tại tâm chừ, Phật tại tâm,

Mảng tìm ngoại cảnh, ấy mê lầm,

Ai ai đều sẵn NHƯ LAI TÍNH,

Tính được NHƯ LAI, pháp diệu thâm.)

Đại Thừa Chân Giáo, trang118, viết :

«Các con phải hiểu phải tàng,

Đạo Thầy u ẩn minh quang tâm điền,

Con nào hữu kiếp, hữu duyên,

Gặp minh sư chuyển diệu huyền nơi tâm…»

Có lẽ ngày nay nhân loại đã trưởng thành, không còn phải uống những thứ sữa [11] ngoại giáo (religion exotérique), không còn phải theo những lề luật khắc trên bia đá, có thể vỡ, có thể mòn, không còn quá bị lệ thuộc vào những đền đài, miếu mạo, bên ngoài có thể đổ, có thể nát, mà đã đến lúc được ăn cơm hột của Nội giáo Vô vi (religion ésotérique), lấy tâm mình làm đền đài dung chứa Thượng Đế, lấy Lương tâm làm Thánh kinh, với những luật trời đã ghi tạc trên đó, lung linh như những vì sao đã được nạm vào bầu trời thu trong sáng…

Phải chăng đó cũng chính là Thiên ý, khi Thượng Đế sáng lập ra đạo Cao Đài: Sáng lập đạo Cao Đài để dạy con người Nội giáo Thượng thừa?

Lạ lùng thay, khi lập đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn thay vì xưng mình là Thượng Đế, là Ngọc Hoàng, ngự trên chín tầng trời thẳm, trên bửu tòa khảm nạm bằng muôn vì sao, lại xưng mình là Cao Đài là Thiên Nhãn.

Mà Cao Đài là gì? Thưa là Đầu não con người.

«ĐẦU THƯỢNG VIẾT CAO ĐÀI» [12]

Đại Thừa Chân Giáo, trang 56 viết: «Chữ Cao Đài là gì? Là Côn Lôn Đỉnh, hay là Nê Hoàn, thuộc về Thượng Giới… Thiên Môn là gì? Là cái khiếu Nê Hoàn Cung đó.»

Thiên Nhãn là gì?

Đại Thừa Chân Giáo, trang 61, trả lời: «Huyền quan nhất khiếu là chi ? Là Thiên Nhãn vậy. Nó ở ngay Nê Hoàn Cung, gom trọn chân dương, chính đạo…»

Thượng Đế như vậy từ nay đã nhập thể nơi mỗi con người để thực hiện lời Ngài đã phán xưa qua cửa miệng tiên tri Joel: «Ta sẽ nhuần đượm thần ta xuống mọi thể xác.» (Joel, 2, 28)

Và để cho mọi người thấy rằng thật sự: «THIÊN QUỐC ĐÃ Ở SẴN NƠI TÂM.» (Luke, 17- 21)

Và cũng để cho mọi người thấy rằng Mọi người đều là những vị thiên tử trong tương lai cộng hưởng phần gia nghiệp với người Anh Cả là Đức Chúa Jesus.[13]

- Cuối cùng đó là: Niềm tin rằng con người vì có căn cơ sang cả, vì có căn cơ thần minh nơi mình, nên nếu chịu tu luyện, chịu tinh tiến, chịu phát huy những tiềm năng tiềm lực nơi mình, sẽ đi đến chỗ Phối Thiên, đến chỗ Dữ Thiên Đồng Đức.

Sách Khải Huyền, chương 3, câu 21 có lời tuyệt diệu như sau:

«Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha ta trên ngôi Ngài. Ai có tai hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh.»

Thánh Giáo Sưu Tập 1970-71, trang 134, viết:

«Tu hành là học Làm Trời,

Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian…»

Sau khi đã phác họa những đường nét chính yếu của Đại Đạo, tôi lại đem Đại Đạo ấy lồng vào đời sống những bậc Chân Nhân, và để hiển dương Đại Đạo tôi phác họa lại phong thái của bậc Chân Nhân, bằng lời lẽ Trang Tử:

«Tâm hồn chân nhân như tấm gương, chuyển soi vạn vật mà không có định kiến, ứng với vạn vật mà không ấp ủ niềm riêng. Cho nên Chân Nhân vẫn có thể thành công trong sự việc, mà không hề lụy vì sự việc.» [14]

«… Hãy nên như không gian vô tận, chẳng có gì chia cắt, chẳng có gì giới hạn, hãy cưu mang muôn vật, chẳng chút gì riêng tư. Thế là Chí công, chí Chính vậy.» [15] 泛 泛 乎 其 若 四 方 之 無 窮 其 無 所 畛 域 兼 懷 萬 物 其 孰 承 翼 是 謂 無 方 (Phiếm phiếm hồ kỳ nhược tứ phương chi vô cùng, kỳ vô sở chẩn vực. Kiêm hoài vạn vật kỳ thục thừa dực, thị vị vô phương…)

«… Thánh nhân không cần khắc ý mà vẫn cao nhân đức, không nệ nhân nghĩa mà vẫn tu, không màng công danh mà vẫn trị, không chu du sông biển mà vẫn ở khắp nơi, không đạo dẫn (vẫn khí, điều tức) mà vẫn thọ, quên mọi sự mà vẫn có mọi sự, điềm nhiên, vô cực mà mọi vẻ đẹp vẫn theo. Đó là Đạo Trời Đất, đó là Đạo của Thánh nhân, đó là đức của Thánh Nhân.

«Cho nên nói: Điềm đạm, tịch mịch, hư vô, vô vi là sự bình thản của trời đất, là chất liệu của đạo đức. Cho nên thánh nhân thảnh thơi và bình dị, bình dị nên điềm đạm. Bình dị điềm đạm nên ưu hoạn không thể xâm nhập, tà khí không thể tập kích, cho nên đức toàn mà thần vẹn. Thánh nhân sống thì Thiên hành, mà chết thì Vật hóa.» [16]

«Thử ướm hỏi đâu nơi dừng gót,

Đâu là nơi cùng tột phải đi?

Nay ta truyền lẽ huyền vi,

Có trời, lập tức hết kỳ bôn ba,

Được trời, Đạo ấy là đạt đích,

Hết lần mò, tầm mịch lăng nhăng.

Được Trời là được Thiên Chân,

Chân Nhân phải có Thiên Quân đáy lòng.» [17]

Nhân mùa xuân Mậu Ngọ (1978) gian trần, mà bàn tới mùa xuân Bảo Bình vũ trụ, Nhân hai chữ Đại Đạo mà phanh phui ra cái Đạo Đại Đồng vĩnh cữu, vượt tầm không gian thời gian của nhân loại xưa nay, đồng thời phác họa ra những đường nét chính yếu của Đại Đạo, cho các thế hệ tương lai của nhân quần, trong suốt thời kỳ Bảo Bình mai sau gồm 20 thế kỷ, thiết tưởng cũng có thể đã đóng góp được phần nào, dù là nhỏ nhoi đến mấy, vào công cuộc tiến hóa của nhân loại…

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh