BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN NGHĨ PDF

Tại Sao Bạn Lại Thông Minh Hơn Bạn Nghĩ?

Bạn có nghĩ mình thông minh không? Và trí thông minh là gì? Nhiều người tin rằng thông minh là phải đạt điểm tốt hoặc giành thứ hạng cao ở trường học. Hoặc thông minh là làm được những việc như:

• Đọc thật tốt

• Giải toán nhanh

• Học thuộc lòng giỏi

• Thành thạo máy tính

Còn bạn, bạn nghĩ thông minh là gì?

Những điều này có thể khiến bạn ngạc nhiên bởi trí thông minh có thể biểu hiện theo nhiều cách thức khác nhau - trong nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, trong cách cảm nhận, sự hiểu biết về thiên nhiên và sống hòa hợp với những người xung quanh... Trong cuốn sách này, bạn sẽ khám phá ra rằng có vô vàn cách biểu hiện trí thông minh.

Trong gần một thế kỷ qua, giới chuyên môn vẫn sử dụng các bài kiểm tra IQ để đo chỉ số thông minh. IQ là từ viết tắt của Intelligence Quotient, là thước đo trí thông minh của con người thông qua một bài kiểm tra. Bài kiểm tra này yêu cầu bạn phải giải toán, định nghĩa từ, tạo mẫu thiết kế, nhắc lại các con số theo trí nhớ và một số bài tập khác nữa. Có thể bạn cũng từng làm một bài kiểm tra IQ giống như vậy.

Nhiều người nghĩ rằng kiểm tra chỉ số IQ là cách tốt nhất để đo trí thông minh của con người. Tuy nhiên, kiểm tra IQ không phải là cách hoàn hảo vì có rất nhiều thứ không thể phản ánh qua các bài kiểm tra. Chúng không thể dự đoán được khi trưởng thành bạn sẽ làm gì hoặc trở thành người như thế nào. Và các câu hỏi kiểm tra cũng thường chịu ảnh hưởng bởi định kiến hoặc quan điểm của người ra đề. Bên cạnh đó, không có bài kiểm tra nào là toàn diện. Hệ thống câu hỏi thường không thể làm bộc lộ những khả năng khác nhau của bạn. Nói chung, các bài kiểm tra IQ thường chú trọng từ ngữ hoặc các con số, vì vậy sẽ làm xao lãng những thứ quan trọng khác như khả năng âm nhạc, nghệ thuật, tự nhiên hay xã hội.

Thời gian gần đây, nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ quan điểm cho rằng kiểm tra IQ là thước đo trí thông minh tốt nhất. Một trong số đó là nhà tâm lý học, Tiến sỹ Howard Gardner thuộc Đại học

Harvard. Những công trình nghiên cứu của ông đã đưa ra một cái nhìn hoàn toàn mới về vấn đề “Thế nào là thông minh?”

Thuyết Trí Thông Minh Đa Dạng Nhận thấy việc kiểm tra IQ có tác dụng rất hạn chế và không thể đánh giá đầy đủ về khả năng phong phú mà con người thường biểu hiện và sử dụng, Tiến sỹ Gardner khẳng định rằng chúng không phải là thước đo chính xác trí thông minh của con người.

Gardner cho rằng không chỉ có một mà có rất nhiều loại hình thông minh khác nhau. Những nghiên cứu áp dụng với người lớn lẫn trẻ em đã giúp ông khám phá cách con người vẫn học tập, thể hiện sự thông minh theo nhiều cách khác nhau. Ông nhấn mạnh rằng những phần khác nhau của bộ não có liên quan mật thiết đến những kiểu thông minh khác nhau. Và ông đưa ra nhận định, hay một thuyết, giải thích những khả năng đa dạng mà ông đã thấy. Ông gọi đó là Theory of Multiple Intelligence (Thuyết trí thông minh đa dạng) hay viết tắt là Thuyết MI.

Nếu tìm hiểu, bạn sẽ lập tức bị ý tưởng về trí thông minh đa dạng của Gardner cuốn hút. Có vô vàn ví dụ về những người chưa bao giờ thử kiểm tra IQ hoặc không đạt điểm cao trong các bài kiểm tra nhưng thật sự tài giỏi theo cách này hay cách khác. Họ có thể vẽ tranh, leo núi, làm kinh doanh, khám phá thiên nhiên hoặc sửa chữa máy móc, v.v... Dĩ nhiên, bạn có thể vừa đạt điểm cao khi kiểm tra IQ vừa giỏi những việc đó, nhưng kết quả này không thể phản ánh bạn giỏi lĩnh vực nào.

Thuyết MI nói rằng có tám loại hình thông minh - tám cách để trở nên tài giỏi. (Có lẽ sẽ còn những loại hình khác nữa nhưng chúng ta chưa khám phá được). Mỗi loại hình thông minh có thể được nhận biết bởi những đặc điểm, hành động và sở thích cụ thể.

Khi xuất bản các cuốn sách về học thuyết của mình, Tiến sỹ Gardner cũng đã đặt tên cho các loại hình thông minh. Đây là tám loại hình thông minh ông đã đề cập: (1) Trí thông minh ngôn ngữ; (2) Trí thông minh âm nhạc; (3) Trí thông minh logic; (4) Trí thông minh không gian; (5) Trí thông minh vận động cơ thể; (6) Trí thông minh tương tác cá nhân; (7) Trí thông minh nội tâm; (8) Trí thông minh thiên nhiên.

Tôi đã nghiên cứu công trình của Tiến sỹ Gardner trong hai mươi năm qua. Trong nhiều năm liền, tôi đã viết các cuốn sách về trí thông minh đa dạng cho người trưởng thành. Nhưng vì đã dành nhiều năm dạy học cho các em nhỏ nên tôi muốn viết một cuốn sách cho thiếu nhi. Tôi hy vọng có thể giải thích Thuyết MI một cách dễ hiểu nhất, bởi tôi nghĩ rằng đó là phương tiện cần thiết giúp các em phát triển tốt nhất trí thông minh của mình.

Để dễ hiểu hơn, tôi dùng những từ đơn giản để gọi tên tám loại hình thông minh này:

1. Trí thông minh ngôn ngữ: Bạn yêu thích ngôn từ và cách sử dụng chúng để nói, đọc, viết. Bạn thích chơi trò xếp chữ, đánh vần, kể chuyện, học ngoại ngữ, viết lách hay đọc sách. Hãy đọc Chương 1 để tìm hiểu thêm về loại hình thông minh này.

2. Trí thông minh âm nhạc: Bạn yêu thích âm nhạc, tiết tấu, giai điệu và các loại âm thanh. Bạn có thể nhận biết được trường độ, cao độ. Bạn thích nghe nhiều loại nhạc, ca hát, chơi nhạc cụ, nghe đĩa CD hoặc tham dự các buổi hòa nhạc. Hãy đọc Chương 2 để tìm hiểu thêm về loại hình thông minh này.

3. Trí thông minh logic: Bạn có khả năng tính toán và hiểu rõ các con số hay khái niệm toán học; bạn thích tìm tòi và say mê khoa học. Có thể bạn thích các câu đố, các vấn đề phức tạp, máy tính, tự tạo mật mã hay làm các thí nghiệm khoa học. Hãy đọc Chương 3 để tìm hiểu thêm về loại hình thông minh này.

4. Trí thông minh không gian: Bạn thích ngắm nhìn thế giới và dõi theo những điều thú vị trong đó. Bạn có thể hình dung các sự vật hoặc hình ảnh trong đầu. Bạn có thể ghi nhớ những hình ảnh đã nhìn thấy và thể hiện cho người khác bằng cách vẽ tranh, tạo mẫu, chụp ảnh, kiến trúc hoặc chế tạo.

Hãy đọc Chương 4 để tìm hiểu thêm về loại hình thông minh này.

5. Trí thông minh vận động cơ thể: Bạn có một vóc dáng khả ái và có thể điều khiển cơ thể tiếp thu các kỹ năng mới hoặc tự khám phá bản thân theo những cách khác nhau. Có thể bạn giỏi điền kinh, khiêu vũ đẹp hay diễn xuất cừ. Hoặc thích làm đồ thủ công mỹ nghệ, thiết kế tạo dáng hoặc sửa chữa mọi thứ. Hãy đọc Chương 5 để tìm hiểu thêm về loại hình thông minh này.

6. Trí thông minh tương tác cá nhân: Bạn yêu mến những người xung quanh và cách họ đối xử với nhau. Bạn có thể là thành viên của nhiều nhóm sinh viên, bạn có rất nhiều bạn bè và thường xuyên giúp đỡ láng giềng hoặc tham gia các hoạt động trong bất kỳ nhóm xã hội nào. Hãy đọc Chương 6 để tìm hiểu thêm về loại hình thông minh này.

7. Trí thông minh nội tâm: Bạn biết mình đang cảm thấy gì, thành thạo trong làm việc gì và cần tự hoàn thiện lĩnh vực nào. Bạn luôn hiểu bản thân hơn người khác hiểu bạn. Có thể bạn sẽ viết nhật ký, tự đề ra kế hoạch cho tương lai, ngồi suy ngẫm về quá khứ hay tự đánh giá bản thân. Hãy đọc

Chương 7 để tìm hiểu thêm về loại hình thông minh này.

8. Trí thông minh thiên nhiên: Bạn thích quan sát, khám phá và phân loại các sự vật, hiện tượng, ví dụ như thực vật, động vật hay các loại đá hoặc cũng có thể phân loại các đĩa CD, trang phục của các bạn cùng lớp. Bạn thích chơi ngoài trời, làm vườn, chăm sóc vật nuôi, nấu nướng hay dồn hết tâm trí vào thế giới tự nhiên. Hãy đọc Chương 8 để tìm hiểu thêm về loại hình thông minh này.

Đôi Điều Về Cuốn Sách

Những chương tiếp theo sẽ mô tả chi tiết tám loại hình thông minh. Trong khi đọc, bạn hãy ghi chú lại xem bản thân, bạn bè, người thân, thậm chí cả thầy cô giáo của mình phù hợp với loại hình thông minh nào nhất. Cuốn sách sẽ giúp bạn khám phá xem bạn là ai và sẽ như thế nào. Mặt khác, nó còn giúp bạn hiểu rõ hơn về những người xung quanh như anh chị em, cha mẹ, bạn bè, thầy cô giáo,... Bạn sẽ hiểu rằng mỗi người đều có một điểm mạnh và cách làm việc riêng, chính điều này sẽ giúp bạn hiểu họ hơn, sống hòa hợp với họ, thậm chí học hỏi được từ họ nhiều hơn.

Đây là một tin tốt lành: Bạn có sẵn cả tám loại hình thông minh. Thật vậy! Bạn không chỉ có một mà có tất cả tám loại hình thông minh được đề cập trong cuốn sách với những mức độ khác nhau. Điều này không có nghĩa là bạn giỏi trong tất cả (sẽ không ai làm được như thế) nhưng thật sự là trong mỗi lĩnh vực bạn đều có ít nhiều khả năng. Khi đọc về tám loại hình thông minh, bạn sẽ khám phá ra ít nhất mỗi loại cũng đúng với mình một chút. Nghĩa là bạn đã thông minh hơn gấp tám lần trước khi bạn đọc cuốn sách này.

Và đây là những tin tốt lành khác:

• Tám loại hình thông minh là khác nhau nhưng chúng có giá trị như nhau. Tất cả các loại hình thông minh đều như nhau, không có cái nào quan trọng hơn.

• Dù bạn đang sở hữu trí thông minh ở mức độ nào, bạn cũng có thể khám phá, bồi dưỡng và phát triển nó. Dù gặp khó khăn khi phát âm từ dictionary (từ điển) hay sẽ trở thành nhà văn nổi tiếng trong tương lai, bạn vẫn có thể phát triển trí thông minh ngôn ngữ và cả các loại hình khác.

• Có thể bạn biết mình giỏi ở lĩnh vực nào, nhưng như vậy không có nghĩa là khả năng của bạn chỉ giới hạn ở đó. Có thể bạn có trí thông minh vận động cơ thể Xin chúc mừng! Nhưng đừng vì thế mà bỏ qua việc đọc sách, vì có thể đó là một khả năng khác của bạn (trí thông minh ngôn ngữ).

• Mỗi loại hình thông minh đều có nhiều cách biểu hiện. Ví dụ, nếu sở hữu trí thông minh ngôn ngữ, bạn có thể phát hiện ra mình là một diễn giả xuất chúng nhưng không phải một nhà văn giỏi; hay nếu sở hữu trí thông minh vận động cơ thể, bạn sẽ nhận thấy mình đá bóng rất cừ nhưng bơi lại không tốt. Từ đó, bạn có thể cố gắng phát huy những điểm mạnh và hạn chế điểm yếu.

• Trí thông minh đa dạng thể hiện trong hầu hết những việc bạn làm. Ví dụ, nếu bạn nghĩ rằng vẽ tranh chỉ là biểu hiện của trí thông minh không gian thì bạn đã nhầm rồi! Việc vẽ tranh có thể huy động trí thông minh vận động cơ thể để điều khiển cây cọ, trí thông minh thiên nhiên để quan sát từng chi tiết, trí thông minh nội tâm để nắm bắt các ý tưởng,... Và hầu hết các hành động của chúng ta đều dựa vào nhiều chứ không chỉ riêng một loại hình thông minh. Do đó, giống như việc vẽ tranh, bạn cần nhiều hơn một loại thông minh để làm bất cứ việc gì dù là diễn xuất, viết truyện, chơi khúc côn cầu hay lập trình máy tính.

• Tám loại hình thông minh được tìm thấy trong mọi nền văn hóa, khắp các quốc gia và ở bất kỳ độ tuổi nào. Do đó, bất kể bạn là ai và đến từ đâu, bất chấp tuổi tác và vốn tri thức, bạn cũng có một số loại trí thông minh. Phát triển loại nào cho tốt nhất là tùy thuộc ở bạn.

Bạn có thể nhận thấy dấu ấn của trí thông minh đa dạng ở khắp mọi nơi trong cuộc sống. Đó có thể là người hàng xóm có khu vườn đẹp, anh ta sở hữu trí thông minh về thiên nhiên và trí thông minh không gian. Hoặc em trai bạn thường viết nhật ký vì có trí thông minh ngôn ngữ hay mẹ bạn có trí thông minh âm nhạc nên rất thích ca hát,... Mọi nơi bạn đến ở nhà, trong lớp học hay ở nơi công cộng - bạn đều có thể thấy biểu hiện của trí thông minh đa dạng.

Tuy nhiên, bạn có thể nhận thấy trí thông minh đa dạng dễ dàng hơn cả ở ngay chính bản thân. Ai là người bạn dành nhiều thời gian nhất? Dĩ nhiên là bản thân bạn. Nếu trí thông minh đa dạng không biểu hiện rõ ràng ở bạn, không có vấn đề gì. Cuốn sách này sẽ giúp bạn tìm ra và phát triển nó tốt nhất.

Mỗi chúng ta đều sử dụng tám loại hình thông minh hàng ngày nhưng cách thể hiện lại hoàn toàn khác nhau. Ở một khía cạnh nào đó, tám loại hình thông minh giống như tám nốt nhạc ở các cấp độ khác nhau: Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si, Đô. Và mỗi chúng ta là một bài hát được viết nên từ tám nốt nhạc đó. Cách chúng ta kết nối các nốt nhạc rất khác biệt nên không có bài hát nào giống nhau hoàn toàn.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh