Vui Vẻ: Hạnh Phúc Tới Từ Bên Trong: Hạnh Phúc Là Gì?

VUI VẺ: HẠNH PHÚC TỚI TỪ BÊN TRONG: HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Hạnh phúc chẳng liên quan gì tới thành công, hạnh phúc chẳng liên quan gì tới tham vọng, hạnh phúc chẳng liên quan gì tới tiền bạc, quyền lực, danh vọng. Hạnh phúc có cái gì đó liên quan tới tâm thức của bạn, không với cá tính của bạn.

Điều đó tuỳ ở bạn

Hạnh phúc là gì? Điều đó tuỳ ở bạn, ở trạng thái của bạn có ý thức hay vô ý thức, liệu bạn đang ngủ hay thức. Có một câu châm ngôn nổi tiếng của Murphy. Ông ấy nói có hai loại người: người bao giờ cũng chia nhân loại thành hai kiểu, và loại kia, người không phân chia nhân loại chút nào. Tôi thuộc vào loại thứ nhất: Nhân loại có thể được chia thành hai loại, người ngủ và người thức - và, tất nhiên, một nhóm nhỏ ở giữa.

Hạnh phúc sẽ phụ thuộc vào nơi bạn đang ở trong ý thức của mình. Nếu bạn ngủ, thế thì sướng là hạnh phúc. Sướng nghĩa là cảm giác, cố gắng đạt tới cái gì đó qua thân thể cái mà không thể nào đạt được qua thân thể - ép buộc thân thể đạt tới cái gì đó mà nó không có khả năng đạt tới. Mọi người đều cố gắng, theo đủ mọi cách, để đạt tới hạnh phúc qua thân thể.

Thân thể có thể cho bạn chỉ cái sướng nhất thời, và mỗi sướng được cân bằng bởi đau theo cùng lượng, tới cùng mức độ. Từng sướng đều có theo sau cái đối lập của nó bởi vì thân thể tồn tại trong thế giới nhị nguyên. Cũng như ngày được tiếp nối bởi đêm và chết được tiếp nối bởi sống và sống được tiếp nối bởi chết; đó là cái vòng luẩn quẩn. Sướng của bạn sẽ được tiếp nối bởi đau, đau của bạn sẽ được tiếp nối bởi sướng. Nhưng bạn sẽ không bao giờ thoải mái. Khi bạn trong trạng thái sướng bạn sẽ sợ rằng bạn đang sắp làm mất nó, và nỗi sợ đó sẽ đầu độc nó. Và khi bạn bị mất hút vào trong đau, tất nhiên, bạn sẽ trong đau khổ và bạn sẽ làm mọi nỗ lực có thể được để thoát ra khỏi nó - chỉ để rơi lại vào trong nó lần nữa.

Phật gọi điều này là bánh xe sinh và tử. Chúng ta cứ đi cùng bánh xe này, bám lấy bánh xe này... và bánh xe này quay mãi. Đôi khi sướng tới và đôi khi đau tới, nhưng chúng ta bị nghiền nát giữa hai tảng đá này.

Nhưng người ngủ chẳng biết gì khác. Người đó chỉ biết vài cảm giác của thân thể - thức ăn, dục; đây là thế giới của người đó. Người đó cứ di chuyển giữa hai điều này. Đây là hai đầu của thân thể người đó: thức ăn và dục. Nếu người đó kìm nén dục người đó trở nên nghiện thức ăn; nếu người đó kìm nén thức ăn người đó trở nên nghiện dục. Năng lượng cứ chuyển động tựa như con lắc. Và bất kì cái gì bạn gọi là sướng, nhiều nhất, nó chỉ là giảm nhẹ khỏi trạng thái căng thẳng.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Năng lượng dục tụ tập, tích luỹ; bạn trở nên căng thẳng và nặng nề và bạn muốn xả nó ra. Với người đang ngủ, hoạt động dục không là gì ngoài việc làm giảm nhẹ, tựa như việc hắt hơi tốt. Nó không cho người đó cái gì ngoài giảm nhẹ nào đó - căng thẳng có đó, bây giờ nó không còn có đó. Nhưng nó sẽ tích luỹ lại. Thức ăn cho bạn chỉ chút ít vị trên lưỡi; để sống không cần nhiều mấy. Nhưng nhiều người đang sống chỉ để ăn; có rất ít người ăn để sống.

Câu chuyện về Colombus rất nổi tiếng. Đó là cuộc hành trình dài. Trong ba tháng họ chẳng thấy gì ngoài nước. Thế rồi một hôm Columbus nhìn ra chân trời và thấy cây. Và nếu bạn nghĩ Columbus hạnh phúc khi thấy cây, bạn phải đã thấy con chó của ông ấy!

Đây là thế giới của sướng. Chó có thể được tha thứ, nhưng bạn không thể được tha thứ.

Trong ngày đầu tiên của họ, anh thanh niên, tìm cách sướng, đã mời một cô thanh niên xem cô có thích đi chơi bowling không. Cô ấy đáp rằng cô ấy chẳng quan tâm tới chơi bowling. Thế là anh ta gợi ý đi xem phim, nhưng cô ấy trả lời rằng cho ấy cũng chẳng quan tâm tới phim. Cố gắng nghĩ tới cái gì đó khác anh ta mời cô ấy thuốc lá, cô ấy từ chối. Thế rồi anh ta lại hỏi cô ấy có muốn đi nhảy, đi uống ở câu lạc bộ khiêu vũ không. Cô ấy lại từ chối nói rằng cô ấy chẳng quan tâm tới những thứ đó.

Thất vọng quá anh ta hỏi thẳng cô ấy có muốn tới căn hộ của anh ta để làm tình một đêm không. Anh ta thật sự ngạc nhiên cô ấy sung sướng đồng ý, hôn anh ta một cách đắm đuối, và nói, "Anh thấy đấy, anh chẳng cần những thứ khác để có sướng!"

Cái chúng ta gọi là "hạnh phúc" tuỳ thuộc vào từng người. Với người ngủ, cảm giác là hạnh phúc. Người ngủ sống từ sướng này sang sướng khác. Người đó chạy xô từ cảm giác này sang cảm giác khác. Người đó sống vì những xúc động nhỏ bé; cuộc sống của người đó rất nông cạn. Nó không có chiều sâu, nó không có phẩm chất. Người đó sống trong thế giới của số lượng.

Thế rồi có những người sống ở giữa, người không ngủ cũng không thức, người đang trong quên lãng, chút ít ngủ, chút ít thức. Bạn đôi khi cũng có kinh nghiệm đó vào sáng sớm - vẫn ngủ đấy, nhưng bạn không thể nói bạn đang ngủ được vì bạn có thể nghe thấy tiếng động trong nhà, bạn tình của bạn đang pha trà, tiếng động của ấm đun nước hay trẻ con đang sửa soạn tới trường. Bạn có thể nghe thấy những thứ này, nhưng dầu vậy bạn vẫn không thức. Mơ hồ, lơ mơ, những tiếng động đó vọng tới bạn, cứ dường như có khoảng cách xa xăm giữa bạn và tất cả những điều đang xảy ra quanh bạn. Có cảm giác dường như nó vẫn là một phần của giấc mơ. Nó không phải là một phần của giấc mơ, nhưng bạn đang trong trạng thái lưng chừng.

Cùng điều đó xảy ra khi bạn bắt đầu thiền. Người không thiền ngủ, mơ; thiền nhân bắt đầu đi xa khỏi giấc ngủ hướng tới thức tỉnh, là trong trạng thái chuyển đổi. Thế thì hạnh phúc có nghĩa hoàn toàn khác: Nó trở thành nhiều phẩm hơn, ít lượng đi; nó mang tính tâm lí nhiều hơn, ít tính vật lí. Thiền nhân tận hưởng âm nhạc nhiều hơn, tận hưởng thơ ca nhiều hơn, tận hưởng việc tạo ra cái gì đó. Những người này tận hưởng tự nhiên, cái đẹp của nó. Họ tận hưởng im lặng, họ tận hưởng điều họ chưa bao giờ tận hưởng trước đây, và điều này kéo dài lâu hơn nhiều. Cho dù âm nhạc có dừng lại, cái gì đó vẫn còn lửng lơ trong bạn.

Và nó không phải là giảm nhẹ. Khác biệt giữa sướng và phẩm chất này của hạnh phúc là ở chỗ nó không phải là giảm nhẹ, nó là việc làm giàu có thêm. Bạn trở nên tràn đầy hơn, bạn bắt đầu tuôn chảy. Trong khi bạn nghe nhạc hay, cái gì đó được nảy ra trong bản thể bạn, hài hoà nảy sinh trong bạn - bạn trở thành âm nhạc. Hay nhảy múa, bỗng nhiên bạn quên mất thân thể mình; thân thể bạn trở thành vô trọng lượng. Việc bám của sức hút lên bạn bị mất đi. Bỗng nhiên bạn ở trong không gian khác: Bản ngã không còn rắn chắc thế, vũ công tan chảy và hội nhập vào điệu vũ.

Điều này còn cao hơn nhiều, sâu hơn nhiều so với sướng bạn có được từ thức ăn hay dục. Điều này có chiều sâu. Nhưng đây cũng không phải là điều tối thượng. Điều tối thượng xảy ra chỉ khi bạn thức tỉnh đầy đủ, khi bạn là vị phật, khi mọi giấc ngủ đều đã qua và tất cả mọi việc mơ đều đã qua - khi toàn thể bản thể bạn tràn đầy ánh sáng, khi không còn bóng tối bên trong bạn. Mọi bóng tối đều đã biến mất và với bóng tối đó, bản ngã cũng mất. Mọi căng thẳng đều biến mất, mọi khổ sở, mọi lo âu. Bạn ở trong trạng thái của mãn nguyện toàn bộ. Bạn sống trong hiện tại; không quá khứ, không tương lai nào thêm nữa. Bạn hoàn toàn ở đây bây giờ. Khoảnh khắc này là tất cả. Bây giờ là thời gian duy nhất và ở đây là không gian duy nhất. Và thế rồi bỗng nhiên toàn thể bầu trời rơi vào trong bạn. Đây là phúc lạc. Đây là hạnh phúc thực.

Tìm phúc lạc đi; nó là quyền tập ấn của bạn. Đừng vẫn còn bị mất hút trong rừng sướng; vươn lên cao hơn một chút. Đạt tới hạnh phúc và thế rồi tới phúc lạc. Sướng mang tính con vật, hạnh phúc mang tính con người, phúc lạc mang tính thiêng liêng. Sướng trói buộc bạn, nó là tù túng, nó xiềng xích bạn. Hạnh phúc cho bạn cái áo rộng hơn chút ít, tự do hơn chút ít, nhưng chỉ chút ít thôi. Phúc lạc là tự do tuyệt đối. Bạn bắt đầu đi lên; nó cho bạn đôi cánh. Bạn không còn là một phần của đất thô; bạn trở thành một phần của bầu trời. Bạn trở thành ánh sáng, bạn trở thành vui vẻ.

Sướng phụ thuộc vào người khác. Hạnh phúc không phụ thuộc vào người khác đến thế, nhưng dầu vậy nó vẫn tách rời khỏi bạn. Phúc lạc không phụ thuộc, nó cũng không tách rời; nó là chính bản thể bạn, nó là chính bản tính của bạn.

Từ bề mặt tới trung tâm

Phật Gautam đã nói:

Có sướng và có phúc lạc

Quên cái thứ nhất để có được cái thứ hai

Suy tư về điều đó sâu sắc nhất có thể được, bởi vì nó chứa một trong những chân lí nền tảng nhất. Bốn từ này sẽ phải được hiểu, được nghiền ngẫm: thứ nhất là sướng; thứ hai là hạnh phúc, thứ ba là vui vẻ; và thứ tư là phúc lạc.

Sướng mang tính vật lí, sinh lí. Sướng là thứ nông cạn nhất trong cuộc sống; nó là kích động. Nó có thể mang tính dục, nó có thể là của giác quan khác, nó có thể trở thành ám ảnh với thức ăn, nhưng nó bắt rễ trong thân thể. Thân thể là ngoại vi của bạn, chu vi của bạn; nó không phải là trung tâm của bạn. Và sống ở chu vi là sống phó mặc cho đủ mọi loại điều cứ xảy ra xung quanh bạn. Người tìm kiếm sướng vẫn còn phó mặc cho điều ngẫu nhiên. Điều đó cũng giống như sóng trong đại dương; chúng phó mặc cho gió. Khi gió mạnh tới, sóng có đó; khi gió biến mất, sóng biến mất. Chúng không có sự tồn tại độc lập, chúng bị phụ thuộc - và bất kì cái gì phụ thuộc vào cái gì đó bên ngoài bản thân nó đều đem tới tù túng.

Sướng bị phụ thuộc vào người khác. Nếu bạn yêu người đàn bà, nếu đó là sướng của bạn, thế thì người đàn bà đó trở thành chủ của bạn. Nếu bạn yêu người đàn ông - nếu điều đó là sướng của bạn và bạn cảm thấy bất hạnh, trong thất vọng, buồn bã, khi không có anh ấy - thế thì bạn đã tạo ra tù túng cho bản thân mình mình rồi. Bạn đã tạo ra nhà tù, bạn không còn trong tự do nữa. Nếu bạn là người tìm kiếm tiền bạc và quyền lực, thế thì bạn sẽ bị phụ thuộc vào tiền bạc và quyền lực. Người tích luỹ tiền bạc, nếu đấy là sướng của người đó để có ngày một nhiều tiền hơn, sẽ ngày càng trở nên khổ hơn - bởi vì người đó càng có nhiều, người đó càng muốn nhiều, và người càng có nhiều, người đó càng sợ mất nó hơn.

Đó là lưỡi kiếm hai cạnh: muốn nhiều hơn là cạnh thứ nhất của lưỡi kiếm. Bạn càng đòi hỏi, bạn càng ham muốn, bạn càng cảm thấy bản thân mình thiếu cái gì đó - bạn dường như là hổng hoác, trống rỗng với bản thân mình. Và cạnh kia của lưỡi kiếm là ở chỗ bạn càng có nhiều, bạn càng sợ nó có thể bị lấy đi. Nó có thể bị đánh cắp. Ngân hàng có thể sụp đổ, tình huống chính trị trong nước có thể thay đổi, đất nước có thể đổi chế độ... có cả nghìn lẻ một điều mà tiền của bạn lệ thuộc vào. Tiền của bạn không làm cho bạn thành người chủ, nó làm cho bạn thành nô lệ.

Sướng là ở ngoại vi; do đó nó nhất định phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Và nó chỉ là kích động. Nếu thức ăn là sướng, thực tế cái gì được hưởng thú? Chỉ là vị giác - trong một khoảnh khắc, khi thức ăn đi qua gai vị giác trên lưỡi bạn, bạn cảm thấy một cảm giác mà bạn diễn giải như sướng. Đấy là diễn giải của bạn. Hôm nay nó có thể giống như sướng và ngày mai nó có thể không giống như sướng; nếu bạn cứ ăn cùng một thức ăn mọi ngày, gai vị giác của bạn sẽ trở thành không đáp ứng với nó. Chẳng mấy chốc bạn sẽ phát ngán với nó.

Đó là cách mọi người trở nên chán ngán - ngày này bạn đuổi theo người đàn ông hay người đàn bà và ngày nọ bạn đang cố gắng để tìm cớ để gạt bỏ cùng con người đó. Cùng con người này - chẳng cái gì đã thay đổi! Trong khi đó điều gì đã xảy ra? Bạn chán với người khác, bởi vì toàn thể sướng đã đi vào việc thám hiểm cái mới. Bây giờ người khác không còn mới nữa; bạn đã quen với lãnh thổ của họ. Bạn đã quen với thân thể của người khác, những đường cong thân thể, cảm giác về thân thể. Bây giờ tâm trí đang khao khát cái gì đó mới.

Tâm trí bao giờ cũng khao khát cái gì đó mới. Đó là cách tâm trí giữ bạn bao giờ cũng bị buộc vào đâu đó ở tương lai. Nó giữ cho bạn hi vọng, nhưng nó chưa bao giờ chuyển giao hàng hoá cả - nó không thể làm thế được. Nó chỉ có thể tạo ra hi vọng mới, ham muốn mới.

Cũng như lá mọc ra trên cây, ham muốn và hi vọng mọc ra trong tâm trí. Bạn muốn ngôi nhà mới và bây giờ bạn có nó - và sướng đâu mất rồi? Mới một khoảnh khắc nó có đó, khi bạn còn đang đi tới mục đích của mình. Một khi bạn đã đạt được mục đích của mình, tâm trí bạn không còn quan tâm tới nó; nó đã bắt đầu chăng mạng ham muốn mới. Nó đã bắt đầu nghĩ về ngôi nhà khác, lớn hơn. Và điều này là vậy với mọi thứ.

Sướng giữ bạn trong trạng thái thần kinh, bất ổn, bao giờ cũng trong rối loạn. Biết bao nhiêu ham muốn, và mọi ham muốn đều không thể nén được, cứ la hét đòi sự chú ý. Bạn vẫn còn là nạn nhân của đám đông những ham muốn không lành mạnh - không lành mạnh bởi vì chúng là không thể nào đáp ứng được - và chúng cứ lôi bạn đi theo những hướng khác nhau. Bạn trở nên mâu thuẫn. Ham muốn này lôi bạn sang bên trái, ham muốn khác lôi bạn sang phải, và đồng thời bạn nuôi dưỡng cả hai ham muốn này. Và thế rồi bạn cảm thấy bị chia chẻ, thế rồi bạn cảm thấy bị phân chia, bạn cảm thấy bị xé ra. Thế rồi bạn cảm thấy dường như bạn đang rã thành từng mảnh. Chẳng ai khác chịu trách nhiệm đâu; chính cái ngu si của ham muốn sướng tạo ra tình huống này.

Và nó là hiện tượng phức tạp. Bạn không chỉ là người đang tìm kiếm sướng; hàng triệu người giống bạn đang tìm kiếm cùng sướng đó. Do đó có tranh đấu lớn lao, cạnh tranh, bạo hành, chiến tranh. Tất cả đều trở thành kẻ thù của nhau bởi vì họ tất cả đang tìm kiếm cùng một cái đích - và không phải tất cả họ đều có thể có được nó. Do đó cuộc đấu tranh phải là toàn bộ, bạn phải mạo hiểm tất cả - và chẳng vì cái gì, bởi vì khi bạn được, bạn được cái không. Toàn thể cuộc sống của bạn bị phí hoài trong cuộc đấu tranh này. Cuộc sống đáng có thể là lễ hội lại trở thành cuộc đấu tranh lâu dài, mòn mỏi, không cần thiết.

Khi bạn bị bao bọc trong việc tìm kiếm sướng, bạn không thể yêu được, bởi vì người tìm kiếm sướng dùng người khác như phương tiện. Và dùng người khác như phương tiện là một trong nhưng hành động vô đạo đức nhất có thể được, bởi vì từng con người đều là mục đích cho chính mình, bạn không thể dùng người khác như phương tiện được. Nhưng trong tìm kiếm sướng bạn phải dùng người khác như phương tiện. Bạn trở thành tinh ranh bởi vì nó là cuộc đấu tranh thế. Nếu bạn không tinh ranh bạn sẽ bị lừa, và trước khi người khác lừa bạn, bạn phải lừa họ.

Machiavelli đã khuyên người tìm kiếm sướng rằng cách tốt nhất để phòng ngự là tấn công. Đừng bao giờ đợi người khác tấn công bạn; điều đó có thể quá muộn. Trước khi người khác tấn công bạn, bạn tấn công người đó! Đó là cách phòng ngự tốt nhất. Và điều này được tuân theo, dù mọi người có biết Machiavelli hay không.

Đây là điều gì đó rất kì lạ: Những người biết về Christ, về Phật, về Mô ha mét, về Krishna, và chẳng ai theo họ cả. Mọi người không biết nhiều về Machiavelli, nhưng họ theo ông ấy - cứ dường như Machiavelli rất gần với trái tim họ. Bạn không cần đọc ông ấy, bạn đã theo ông ấy rồi. Toàn thể xã hội của bạn đều dựa trên các nguyên tắc của

Machiavelli; đó là điều toàn thể trò chơi chính trị tất cả là gì. Trước khi ai đó giật mất cái gì từ bạn, hãy giật nó từ họ; bao giờ cũng cảnh giác. Một cách tự nhiên, nếu bạn bao giờ cũng cảnh giác bạn sẽ căng thẳng, lo âu, lo nghĩ. Mọi người đều chống lại bạn và bạn chống lại mọi người khác.

Cho nên sướng không phải và không thể là mục đích của cuộc sống được.

Từ thứ hai cần được hiểu là hạnh phúc. Sướng mang tính sinh lí, hạnh phúc mang tính tâm lí. Hạnh phúc có tốt hơn chút ít, tinh tế hơn chút ít, cao hơn chút ít... nhưng cũng không khác mấy so với sướng. Bạn có thể nói rằng sướng là loại hạnh phúc bậc thấp còn hạnh phúc là loại sướng bậc cao - hai mặt của cùng một đồng tiền. Sướng có chút ít nguyên thuỷ, con vật; hạnh phúc có chút ít văn hoá hơn, chút ít con người hơn - nhưng nó là cùng một trò chơi được chơi trong thế giới của tâm trí. Bạn không quan tâm mấy tới cảm giác sinh lí, bạn quan tâm nhiều tới cảm giác tâm lí. Nhưng về căn bản chúng không khác nhau.

Từ thứ ba là vui vẻ - vui vẻ có tính tâm linh. Nó là khác, hoàn toàn khác với sướng hay hạnh phúc. Nó chẳng liên quan gì tới cái bên ngoài, với người khác; nó là hiện tượng bên trong. Vui vẻ không phụ thuộc vào hoàn cảnh; nó là của riêng bạn. Nó không phải là kích động được tạo ra bởi sự vật; nó là trạng thái của an bình, của im lặng - trạng thái thiền. Nó mang tính tâm linh.

Nhưng Phật đã không nói về vui vẻ, bởi vì vẫn còn một điều đi ra ngoài vui vẻ. Ông ấy gọi nó là phúc lạc. Phúc lạc có tính toàn bộ. Nó không phải là sinh lí không tâm lí không tâm linh. Nó không biết tới phân chia, nó là không phân chia. Nó là toàn bộ theo một nghĩa nào đó và siêu việt theo nghĩa khác. Phật dùng mỗi hai từ trong lời nói này. Từ thứ nhất là sướng; nó bao gồm cả hạnh phúc. Từ thứ hai là phúc lạc; nó bao hàm cả vui vẻ.

Phúc lạc nghĩa là bạn đã đạt tới chính cốt lõi bên trong nhất của bản thể mình. Nó thuộc vào chiều sâu tối thượng của bản thể bạn, nơi ngay cả bản ngã cũng không còn, nơi chỉ im lặng thịnh hành; bạn đã biến mất. Trong vui vẻ bạn tồn tại một chút ít, nhưng trong phúc lạc bạn không có. Bản ngã đã tan biến; nó là trạng thái của không hiện hữu.

Phật gọi nó là "niết bàn". Niết bàn nghĩa là bạn đã dừng hiện hữu; bạn chỉ là cái trống rỗng vô hạn như bầu trời. Và khoảnh khắc bạn là cái vô hạn đó, bạn trở thành đầy các vì sao, và một cuộc sống hoàn toàn mới bắt đầu. Bạn được sinh ra.

Sướng là tạm thời, nó thuộc vào thời gian, nó là "dành cho thời đang diễn ra"; phúc lạc là vô thời gian, không thời gian. Sướng bắt đầu và kết thúc; phúc lạc còn lại mãi mãi. Sướng tới rồi đi; phúc lạc không hề tới, không hề đi - nó đã có đó trong cốt lõi bên trong nhất của bản thể bạn. Sướng phải được giành lấy từ người khác; bạn hoặc trở thành kẻ ăn mày hoặc kẻ ăn cắp. Phúc lạc làm bạn thành người chủ.

Phúc lạc không phải là cái gì đó bạn phát minh ra mà là cái gì đó bạn khám phá ra. Phúc lạc là bản tính bên trong nhất của bạn. Nó đã có đó từ chính lúc bắt đầu, bạn chỉ không nhìn vào nó thôi. Bạn đã coi nó như đương nhiên có. Bạn không nhìn vào trong.

Đây là khổ duy nhất của con người: rằng con người cứ nhìn ra ngoài, tìm và kiếm. Và bạn không thể tìm thấy nó ở bên ngoài được bởi vì nó không có đó.

Một buổi tối, Rabiya - bà ấy là nhà huyền môn Sufi nổi tiếng - đang tìm cái gì đó trên phố ngay trước chiếc lều nhỏ của bà ấy. Mặt trời đang lặn; dần dần bóng tối choàng xuống. Vài người tụ tập lại. Họ hỏi bà ấy, "Bà làm gì vậy? Bà đánh mất cái gì thế? Bà đang tìm cái gì?"

Bà ấy nói, "Ta đánh mất chiếc kim."

Mọi người nói, "Bây giờ mặt trời lặn rồi và rất khó tìm chiếc kim, nhưng chúng tôi sẽ giúp bà. Nó rơi đích xác ở chỗ nào? Bởi vì con đường thì lớn mà chiếc kim lại nhỏ thế. Nếu chúng tôi biết đích xác chỗ của nó thì sẽ dễ tìm thấy nó."

Rabiya nói, "Tốt hơn cả là đừng hỏi ta câu hỏi đó - bởi vì thực tế nó không rơi trên đường chút nào, nó đã rơi vào bên trong nhà ta."

Mọi người bắt đầu cười và họ nói, "Chúng tôi vẫn cho rằng bà có chút ít không lành mạnh! Nếu kim đã rơi bên trong nhà, thế sao bà lại tìm trên đường?"

Rabiya nói, "Bởi lí do logic, đơn giản: trong nhà không có ánh sáng nhưng bên ngoài vẫn còn chút ít ánh sáng đó."

Mọi người cười và bắt đầu giải tán. Rabiya gọi họ lại và nói, "Nghe đây! Điều đó đích xác là điều các ông đang làm đấy; ta chỉ theo gương các ông thôi. Các ông cứ tìm kiếm phúc lạc ở thế giới bên ngoài mà không hỏi câu hỏi đầu tiên và chính yếu: Các ông đã đánh mất nó ở đâu? Và ta bảo các ông, các ông đã đánh mất nó ở bên trong. Các ông đang tìm nó ở bên ngoài bởi lí do đơn giản, logic là giác quan của các ông hướng ra ngoài - có thêm chút ít ánh sáng. Mắt các ông nhìn ra ngoài, tai các ông nghe ra bên ngoài, tay các ông thò ra bên ngoài; đó là lí do tại sao các ông đang tìm bên ngoài. Bằng không, ta bảo các ông, các ông không đánh mất nó ở đó đâu cả - và ta bảo các ông theo thẩm quyền riêng của ta. Ta cũng đã tìm kiếm ở bên ngoài trong nhiều, nhiều kiếp rồi, và cái ngày ta nhìn vào trong, ta ngạc nhiên. Chẳng cần phải tìm và kiếm; nó bao giờ cũng ở bên trong rồi."

Phúc lạc là cốt lõi bên trong nhất của bạn. Sướng bạn phải cầu xin từ người khác; một cách tự nhiên bạn trở nên phụ thuộc. Phúc lạc làm cho bạn thành người chủ. Phúc lạc không phải là cái gì đó xảy ra; nó đã có trong hoàn cảnh rồi.

Phật nói: Có sướng và có phúc lạc. Quên cái thứ nhất để có được cái thứ hai. Dừng việc nhìn ra ngoài. Nhìn vào trong, quay vào trong. Bắt đầu tìm và kiếm trong lãnh thổ riêng của bạn, tính chủ thể riêng của bạn. Phúc lạc không phải là đối thể được tìm thấy ở đâu khác; nó là tâm thức của bạn.

Ở phương Đông chúng ta bao giờ cũng định nghĩa chân lí tối thượng là Sat-Chit-Anand. Sat nghĩa là chân lí, chit nghĩa là tâm thức, anand nghĩa là phúc lạc. Chúng là ba khuôn mặt của cùng một thực tại. Đây mới thực là ba ngôi, không phải là Thượng đế Cha, Con, Jesus Christ, và Thánh thần linh thiêng; đó không phải là ba ngôi thực. Ba ngôi thực là chân lí, tâm thức, phúc lạc. Và chúng không phải là hiện tượng tách rời, mà là một năng lượng được diễn đạt theo ba cách, một năng lượng với ba khuôn mặt. Do đó ở phương Đông chúng ta nói Thượng đế là trimurti - Thượng đế có ba khuôn mặt. Đây là những khuôn mặt thực - không phải Brahma, Vishnu và Mahesh đâu, những điều đó dành cho trẻ con, cho những người còn chưa trưởng thành về tâm linh, siêu hình. Brahma, Vishnu và Mahesh; Cha, con, Thánh thần linh thiêng - những cái tên đó là cho người mới bắt đầu.

Chân lí, tâm thức, phúc lạc - đây là chân lí tối thượng. Trước hết hãy tới chân lí. Khi bạn đi vào, bạn trở nên nhận biết về thực tại vĩnh hằng của mình - sat, chân lí. Khi bạn đi sâu hơn vào trong thực tại của mình, vào trong chân lí của mình, bạn trở nên nhận biết về tâm thức, tâm thức vô cùng. Tất cả đều là ánh sáng, không cái gì tối cả. Tất cả đều là nhận biết, không cái gì là không nhận biết. Bạn chính là ngọn lửa của tâm thức, thậm chí không có cái bóng nào của vô ý thức ở đâu cả. Và khi bạn đi vào sâu hơn nữa, thế thì cái lõi tối thượng là phúc lạc - anand.

Phật nói: Quên mọi thứ mà ông đã từng cho là có nghĩa, có ý nghĩa mãi cho tới nay. Hi sinh mọi thứ vì điều tối thượng này bởi vì đây là điều duy nhất sẽ làm cho bạn mãn nguyện, điều sẽ làm cho bạn được hoàn thành, điều sẽ đem mùa xuân tới cho bản thể bạn... và bạn sẽ nở hoa trong nghìn lẻ một bông hoa.

Sướng sẽ giữ bạn như mẩu gỗ trôi dạt. Sướng sẽ làm cho bạn ngày một tinh ranh hơn; nó sẽ không cho bạn trí huệ. Nó sẽ làm cho bạn ngày một nô lệ hơn; nó sẽ không cho bạn vương quốc của bản thể bạn. Nó sẽ làm cho bạn ngày một tính toán hơn, nó sẽ làm cho bạn ngày một mang tính khai thác hơn. Nó sẽ làm cho bạn ngày một chính trị hơn, ngoại giao hơn. Bạn sẽ bắt đầu dùng người khác như phương tiện; đó là điều mọi người đang làm.

Chồng nói với vợ, "Anh yêu em," nhưng thực tế anh ta đơn giản dùng cô ấy. Vợ nói cô ấy yêu chồng, nhưng cô ấy đơn giản dùng anh ấy. Chồng có thể dùng cô ấy như một đối tượng dục và vợ có thể dùng anh ấy như an ninh tài chính. Sướng làm cho mọi người tinh ranh, mang tính lừa dối. Và là tinh ranh tức là bỏ lỡ phúc lạc của việc là hồn nhiên, là bỏ lỡ phúc lạc của việc là đứa trẻ.

Tại công ti Lockheed, một bộ phận được cần tới cho chiếc máy bay mới và một quảng cáo được gửi đi khắp thế giới để chào thầu rẻ nhất. Từ Ba Lan gửi tới chào giá ba nghìn đô la. Nước Anh chào giá xây dựng bộ phận này là sáu nghìn đô la. Chào giá từ Israel là chín nghìn đô la. Richardson, kĩ sư chịu trách nhiệm xây dựng máy bay mới, quyết định phải đi thăm từng nước để tìm hiểu lí do đằng sau sự chênh lệch giá thầu.

Ở Ba Lan, nhà chế tạo giải thích, "Cần một nghìn đô cho vật tư, một nghìn đô cho lao động và một nghìn đô cho phí quản lí và tí ti lợi nhuận."

Ở Anh, Richardson giám định bộ phận này và thấy nó cũng tốt ngang ngửa như cái được chế tạo tại Ba Lan. "Sao các ông lại đòi sáu nghìn đô?" viên kĩ sư hỏi. "Hai nghìn đô cho vật tư," người Anh giải thích, "hai nghìn đô cho lao động, và hai nghìn đô cho chi phí và lợi nhuận nhỏ."

Ở Israel, viên đại diện Lockheed vẩn vơ giữa lối đi đằng sau để vào một cửa hiệu nhỏ và gặp một ông già người đã đệ trình chào thầu chín nghìn đô la. "Sao ông lại đòi nhiều thế?" ông ta hỏi.

"Thế này," ông già Do Thái nói, "ba nghìn đô cho ông, ba nghìn đô cho tôi, và ba nghìn đô cho kẻ khờ ở Ba Lan!"

Tiền bạc, quyền lực, danh vọng - chúng tất cả đều làm cho bạn thành tinh ranh. Tìm sướng và bạn sẽ đánh mất hồn nhiên của mình, và đánh mất hồn nhiên của mình là đánh mất tất cả. Jesus nói: Hãy như trẻ nhỏ, chỉ thế thì ông mới có thể đi vào Vương quốc của Thượng đế. Và ông ấy là đúng. Nhưng người tìm kiếm sướng không thể là người hồn nhiên như đứa trẻ được. Người đó phải rất láu lỉnh, rất tinh ranh, rất chính trị; chỉ thế thì người đó mới có thể thành công trong cạnh tranh khốc liệt vẫn tồn tại khắp nơi. Mọi người đều chẹn họng ai đó khác, bạn không sống giữa bạn bè. Thế giới không thể thân hữu được chừng nào chúng ta còn chưa vứt bỏ ý tưởng này về tính cạnh tranh.

Nhưng từ ngay ban đầu chúng ta bắt đầu làm biến chất mọi đứa trẻ bằng chất độc cạnh tranh này. Vào lúc nó ra khỏi đại học nó sẽ hoàn toàn bị đầu độc. Chúng ta đã thôi miên nó bằng ý tưởng rằng nó phải tranh đấu với người khác, rằng cuộc sống là sự sống còn của kẻ xứng đáng nhất. Thế thì cuộc sống không bao giờ có thể là lễ hội được.

Nếu bạn hạnh phúc với việc trả giá bằng hạnh phúc của người khác... và đó là cách bạn có thể hạnh phúc được; thế thì không có cách khác. Nếu bạn tìm người đàn bà đẹp và bằng cách nào đó xoay xở để sở hữu cô ấy, bạn đã giằng cô ấy khỏi tay của người khác. Chúng ta cố gắng làm mọi thứ có vẻ đẹp nhất có thể được, nhưng nó chỉ là trên bề mặt. Bây giờ người khác, người đã mất trong trò chơi này sẽ giận dữ, trong cơn rồ dại. Họ sẽ đợi cơ hội của mình để trả thù, và chẳng chóng thì chầy khoảnh khắc đó sẽ tới.

Bất kì điều gì bạn sở hữu trong thế giới này bạn đều sở hữu bằng việc trả giá của ai đó khác, với cái giá sướng của ai đó khác. Không có cách khác. Nếu bạn thực sự muốn không thù địch với bất kì ai trên thế giới này, bạn phải vứt bỏ ý tưởng về sở hữu. Dùng bất kì cái gì xảy ra cùng với bạn trong khoảnh khắc, nhưng đừng mang tính sở hữu. Đừng cố gắng tuyên bố rằng nó là của bạn. Chẳng cái gì là của bạn cả, tất cả đều thuộc về sự tồn tại.

Bàn tay trống rỗng

Chúng ta tới với đôi bàn tay trống rỗng và chúng ta sẽ đi với đôi bàn tay trống rỗng, cho nên phỏng có ích gì mà đòi hỏi nhiều thế trong khi chờ đợi? Nhưng đây là điều chúng ta biết, điều thế giới bảo chúng ta: sở hữu, chi phối, có nhiều hơn người khác có. Nó có thể là tiền bạc hay nó có thể là đức hạnh; không thành vấn đề bạn buôn bán theo loại đồng tiền nào - chúng có thể của thế giới này, chúng có thể của thế giới khác. Nhưng cứ rất láu lỉnh đi, bằng không bạn sẽ bị khai thác. Khai thác và đừng bị khai thác - đó là thông điệp tinh vi được trao cho bạn qua sữa mẹ bạn. Và mọi trường phổ thông, cao đẳng, đại học, đều được bắt rễ vào ý tưởng này: ganh đua.

Nền giáo dục thực sự sẽ không dạy bạn ganh đua; nó sẽ dạy bạn hợp tác. Nó sẽ không dạy bạn tranh đấu và đối đầu. Nó sẽ dạy bạn sáng tạo, đáng yêu, phúc lạc, không so sánh với người khác. Nó sẽ không dạy bạn rằng bạn chỉ có thể hạnh phúc khi bạn là người thứ nhất. Điều đó cực kì vô nghĩa. Bạn không thể hạnh phúc chỉ bởi là người thứ nhất. Và trong cố gắng là người thứ nhất bạn trải qua khổ tới mức đến lúc bạn trở thành quen với khổ trước khi bạn là người thứ nhất.

Đến lúc bạn trở thành tổng thống hay thủ tướng của một nước, bạn đã trải qua khổ nhiều tới mức bây giờ khổ là bản tính thứ hai của bạn. Bây giờ bạn không biết cách nào khác để tồn tại; bạn vẫn còn khổ. Căng thẳng đã trở thành thâm căn cố đế; lo âu đã trở thành cách sống của bạn. Bạn không biết cách nào khác; đây chính là phong cách sống của bạn. Cho nên cho dù bạn đã trở thành người thứ nhất, bạn vẫn còn thận trọng, lo âu, sợ sệt. Nó không thay đổi phẩm chất bên trong của bạn chút nào.

Nền giáo dục thực sự sẽ không dạy bạn là người thứ nhất. Nó sẽ bảo bạn hãy tận hưởng bất kì cái gì bạn đang làm, không vì kết quả, mà vì bản thân hành động. Cũng giống như hoạ sĩ hay vũ công hay nhạc sĩ...

Bạn có thể vẽ theo hai cách. Bạn có thể vẽ để ganh đua với hoạ sĩ khác; bạn muốn là hoạ sĩ vĩ đại nhất trên thế giới, bạn muốn là một Picasso hay một Van Gogh. Thế thì tranh của bạn sẽ là loại hai, bởi vì tâm trí bạn không quan tâm tới bản thân việc vẽ; nó quan tâm tới việc là người thứ nhất, hoạ sĩ vĩ đại nhất trên thế giới. Bạn sẽ không đi sâu vào nghệ thuật vẽ. Bạn không tận hưởng nó.

Và vấn đề là ở chỗ để thực sự là hoạ sĩ, bản ngã phải bị vứt bỏ hoàn toàn. Để thực sự là hoạ sĩ, bản ngã phải bị gạt sang bên. Chỉ thế thì sự tồn tại mới có thể tuôn chảy qua bạn. Chỉ thế thì ngài mới dùng bàn tay của bạn và ngón tay của bạn và chổi vẽ của bạn. Chỉ thế thì cái gì đó của cái đẹp siêu phàm mới có thể được sinh ra.

Nó không bao giờ được tạo ra bởi bạn mà chỉ thông qua bạn. Sự tồn tại tuôn chảy; bạn trở thành mỗi lối chuyển. Bạn cho phép nó xảy ra, có vậy thôi; bạn không cản trở nó, có vậy thôi.

Nhưng nếu bạn quá bận tâm tới kết quả, kết quả tối thượng - rằng bạn phải trở nên nổi tiếng, rằng bạn phải là hoạ sĩ giỏi nhất trên thế giới, rằng bạn phải đánh bại mọi hoạ sĩ khác cho tới giờ - thế thì mối quan tâm của bạn không ở trong việc vẽ; việc vẽ là phụ. Và tất nhiên, với mối quan tâm phụ vào việc vẽ bạn không thể vẽ được cái gì độc đáo; nó sẽ bình thường.

Bản ngã không thể đem được cái gì phi thường vào thế giới này; cái phi thường tới chỉ qua vô ngã. Và đấy cũng là trường hợp với nhạc sĩ và nhà thơ và vũ công. Cho nên đây là trường hợp xảy ra cho mọi người.

Trong Bhagavad Gita, Krishna nói: Đừng mảy may nghĩ tới kết quả. Đó là thông điệp của cái đẹp và ý nghĩa và chân lí vô cùng. Đừng mảy may nghĩ tới kết quả. Làm điều bạn đang làm với tính toàn bộ của bạn. Mất hút vào trong nó đi. Làm mất đi người làm trong việc làm. Đừng có đấy - để năng lượng sáng tạo của bạn tuôn chảy không bị cản trở. Đó là lí do tại sao ông ấy nói với Arjuna: "Đừng trốn khỏi chiến tranh... bởi vì ta có thể thấy việc này chỉ là trò bản ngã, việc trốn chạy này. Cách ông đang nói đơn giản chỉ ra rằng ông đang tính toán: rằng ông đang suy nghĩ là bằng cách trốn chạy khỏi chiến tranh ông sẽ trở thành mahatma lớn. Thay vì buông xuôi theo Thượng đế, theo cái toàn thể, ông đang coi bản thân mình là quá nghiêm chỉnh: cứ dường như sẽ không có chiến tranh nếu ông không có đó."

Krishna nói với Arjuna, "Nghe ta đi. Ở trong trạng thái buông bỏ. Nói với Thượng đế, 'Cứ dùng con theo bất kì cách nào ngài muốn dùng con. Con sẵn có, sẵn có vô điều kiện.' Thế thì bất kì điều gì xảy ra qua ông sẽ có đích thực lớn lao về nó. Nó sẽ mãnh liệt, nó sẽ có chiều sâu. Nó sẽ có tác động của cái vĩnh hằng lên nó."

Jesus nói: Nhớ lấy, những người là người đầu tiên trong thế giới này sẽ là người cuối cùng trong vương quốc của Thượng đế, và những người cuối cùng sẽ là người đầu tiên. Ông ấy đã cho bạn luật nền tảng - ông ấy đã cho bạn luật vĩnh hằng, vô tận: Đừng cố gắng là người đầu tiên. Nhưng nhớ một điều, điều rất có thể, bởi vì tâm trí tinh ranh thế, nó có thể bóp méo mọi chân lí. Bạn có thể bắt đầu cố gắng là người cuối cùng - nhưng thế thì bạn bỏ lỡ toàn thể vấn đề. Thế thì cạnh tranh khác bắt đầu: rằng mình là người cuối cùng, và nếu ai đó khác nói, "Tôi là người cuối cùng," thế thì lại có vật lộn, thế thì lại có xung đột.

Tôi đã nghe một chuyện ngụ ngôn Sufi:

Một hoàng đế vĩ đại, Nadirshah, đang cầu nguyện. Lúc đó là sáng sớm; mặt trời còn chưa lên, trời vẫn còn tối. Nadirshah vừa mới bắt đầu ngày hôm đó cuộc chinh phục mới với một nước mới. Tất nhiên ông ấy cầu nguyện Thượng đế ban phước lành cho ông ấy, để được thắng lợi. Ông ấy nói với Thượng đế, "Con là không ai cả, con chỉ là người hầu - người hầu của người hầu của ngài. Xin ban ân huệ cho con. Con đang làm việc cho ngài, đây là thắng lợi của ngài. Và con là không ai cả, xin ngài nhớ cho. Con chỉ là người hầu của người hầu của ngài."

Một tu sĩ cũng ở bên cạnh ông ấy, giúp ông ấy trong lời cầu nguyện, hoạt động như một trung gian giữa ông ấy và Thượng đế. Và thế rồi bỗng nhiên họ nghe thấy một giọng nói khác trong bóng tối. Một người ăn mày của thành phố cũng đang cầu nguyện, và ông ta đang nói với Thượng đế, "Con là không ai cả, người hầu của người hầu của ngài."

Nhà vua nói với tu sĩ, "Trông kẻ ăn mày này! Ông ta là kẻ ăn mày và nói với Thượng đế rằng 'Con là không ai cả!' Chấm dứt điều vô nghĩa này đi! Ông là ai mà nói ông là không ai cả trước ta? Ta mới là không ai cả, và không ai khác có thể tranh giành được điều này. Ta là người hầu của người hầu của ngài - ông là ai mà nói rằng ông là người hầu của người hầu của ngài?"

Bây giờ bạn thấy đấy, cạnh tranh vẫn có đó, cùng việc cạnh tranh ấy, cùng cái ngu xuẩn ấy. Chẳng cái gì đã thay đổi. Cùng tính toán ấy: "Ta phải là người cuối cùng. Không ai khác có thể được phép là người cuối cùng." Tâm trí có thể cứ chơi trò chơi như thế lên bạn nếu bạn không rất hiểu biết, nếu bạn không rất thông minh.

Đừng bao giờ cố gắng hạnh phúc với việc trả giá bằng hạnh phúc của người khác. Điều đó là xấu, vô nhân. Đó là bạo hành theo đúng nghĩa. Nếu bạn là thánh nhân bằng việc kết án người khác là tội đồ, tính thánh nhân của bạn chẳng là gì ngoài trò bản ngã mới. Nếu bạn linh thiêng bởi vì bạn đang cố gắng chứng tỏ người khác là không linh thiêng… Đó là điều những người linh thiêng của bạn đang làm đấy. Họ cứ ba hoa về tính linh thiêng của mình, tính thánh nhân của họ. Tới các cái gọi là thánh nhân của bạn và nhìn vào mắt họ mà xem. Họ kết án bạn thế! Họ đang nói rằng bạn nhất định xuống địa ngục; họ kết án mọi người. Nghe thuyết giảng của họ mà xem; tất cả các thuyết giảng của họ đều mang tính kết án. Và tất nhiên bạn nghe một cách im lặng những lời kết án bạn, bởi vì bạn biết rằ bạn đã phạm phải nhiều sai lầm trong cuộc sống của mình, những lỗi lầm trong cuộc sống của mình. Và họ đã kết án mọi thứ cho nên bạn không thể nào cảm thấy rằng bạn có thể là người tốt - không thể nào. Bạn thích thức ăn, bạn là tội đồ rồi. Bạn yêu con bạn, bạn là tội đồ. Bạn yêu vợ bạn, bạn là tội đồ. Bạn không dậy sớm buổi sáng, bạn là tội đồ rồi; bạn không đi ngủ sớm buổi tối, bạn là tội đồ rồi. Họ đã thu xếp mọi thứ theo cách mà rất khó để không là tội đồ.

Vâng, họ không là tội đồ đâu - họ đi ngủ sớm và họ dậy sớm buổi sáng. Thực tế, họ chẳng có gì khác để làm cả! Họ chưa bao giờ phạm phải sai lầm nào bởi vì họ chưa bao giờ làm cái gì cả. Họ chỉ ngồi đó gần như chết. Họ là những xác ướp, cái xác, đầy rác rưởi! Nhưng bởi vì họ không làm gì cả, họ linh thiêng. Và nếu bạn làm điều gì đó, tất nhiên, làm sao bạn có thể linh thiêng được? Do đó trong hàng thế kỉ người linh thiêng đã từng từ bỏ thế giới và trốn khỏi thế giới này, bởi vì ở trong thế giới và linh thiêng dường như không thể được.

Toàn thể cách tiếp cận của tôi là: chừng nào bạn còn chưa ở trong thế giới này, tính linh thiêng của bạn chẳng có giá trị chút nào. Ở trong thế giới và linh thiêng! Thế thì chúng ta phải định nghĩa tính linh thiêng theo cách khác toàn bộ. Không sống với cái giá sướng của người khác - đó là tính linh thiêng. Không phá hoại hạnh phúc của người khác - đó là tính linh thiêng. Giúp người khác hạnh phúc. Tạo ra bầu không khí trong đó mọi người có thể có chút ít vui vẻ.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh