Từ Bi - Việc Nở Hoa Tối Thượng Của Tình Yêu: Lòng Tốt Đáng Yêu Và Ảo Tưởng Khác Về Sự Vĩ Đại

TỪ BI - VIỆC NỞ HOA TỐI THƯỢNG CỦA TÌNH YÊU: LÒNG TỐT ĐÁNG YÊU VÀ ẢO TƯỞNG KHÁC VỀ SỰ VĨ ĐẠI

Từ bi là việc nở hoa tối thượng của tâm thức. Nó là đam mê được bỏ đi mọi bóng tối, nó là đam mê được giải phóng khỏi mọi tù túng, nó là đam mê được làm thuần khiết mọi chất độc. Đam mê trở thành từ bi. Đam mê là hạt mầm, từ bi là việc nở hoa của nó.

Nhưng từ bi không phải là lòng tốt, lòng tốt không phải là từ bi. Lòng tốt là thái độ do bản ngã chèo kéo, nó làm mạnh bản ngã của bạn. Khi bạn tốt với ai đó, bạn cảm thấy rằng bạn có quyền hành bên trên. Khi bạn tốt với ai đó, có xúc phạm sâu sắc đằng sau nó - bạn làm bẽ mặt người khác và bạn cảm thấy sung sướng trong bẽ mặt của người đó. Đó là lí do tại sao lòng tốt không bao giờ có thể được tha thứ. Bất kì ai mà bạn đã từng có lòng tốt, cũng đều giận bạn bằng cách nào đó, ở đâu đó và nhất định trả thù. Chính bởi vì lòng tốt trên bề mặt chỉ dường như là từ bi, nhưng ở chiều sâu nó chẳng liên quan gì tới từ bi cả. Nó có động cơ kín đáo khác.

Từ bi là vô động cơ - nó không có động cơ nào cả. Điều đó đơn giản bởi vì bạn có thì bạn cho - không phải là người khác cần. Người khác không phải là điều xem xét chút nào trong từ bi. Bởi vì bạn có nhiều thế, bạn cứ tràn ngập. Từ bi là tự phát, tự nhiên, như việc thở. Lòng tốt là thái đội được trau dồi. Lòng tốt là một loại tinh ranh; nó là tính toán, nó là số học.

Bạn đã nghe một trong những câu ngạn ngữ quan trọng nhất - điều đó xảy ra trong gần hết các kinh sách trên thế giới dưới dạng này hay dạng khác - "Làm cho người khác như bạn sẽ làm cho mình." Đây là thái độ tính toán, không từ bi. Điều này chẳng liên quan gì tới tính tôn giáo cả - nó là một loại đạo đức rất thấp, đạo đức rất trần tục: "Làm cho người khác như bạn sẽ làm cho mình." Nó là kiểu kinh doanh, nó không phải là tôn giáo chút nào. Bạn làm chỉ bởi vì bạn muốn đích xác cùng điều đó quay trở lại. Nó là ích kỉ, nó là lấy cái ngã làm trung tâm, nó mang tính bản ngã. Bạn không phục vụ người khác, bạn không yêu người khác - theo cách vòng vo bạn đang phục vụ bản thân mình. Bạn đang dùng người khác. Đó là ích kỉ được đánh bóng, nhưng nó là ích kỉ - ích kỉ rất thông minh, nhưng nó là ích kỉ. Từ bi là việc nở hoa không tính toán, tuôn chảy. Bạn đơn giản cứ cho bởi vì không có cách nào khác dể hiện hữu.

Cho nên nhớ, điều đầu tiên: từ bi không phải là lòng tốt, theo một nghĩa nào đó - theo nghĩa bạn dùng từ lòng tốt này thì nó không phải là lòng tốt. Theo nghĩa khác, từ bi là lòng tốt thực duy nhất. Bạn không "là tốt" với ai đó, bạn không lớn hơn người khác, bạn đơn giản toả ra năng lượng mà bạn đang nhận được từ cái toàn thể. Nó tới từ cái toàn thể và nó đi trở lại vào cái toàn thể - bạn không đứng chắn đường như một chướng ngại, có vậy thôi.

Khi Alexander du hành ở Ấn Độ ông ấy đi tới gặp nhà huyền môn vĩ đại, Diogenes. Diogenes đang nằm dài trên bờ sông, tắm nắng. Alexander bao giờ cũng ấp ủ ước muốn được gặp con người Diogenes này, bởi vì ông ấy đã nghe nói rằng con người này chẳng có gì cả, vậy mà không người nào khác giầu có hơn con người này. Ông ấy có cái gì đó bên trong mình, ông ấy là con người chói sáng. Mọi người nói, "Ông ấy là kẻ ăn xin, nhưng ông ấy thực sự là hoàng đế." Cho nên Alexander đã trở nên bị hấp dẫn. Trong khi du hành ông ấy nghe nói rằng Diogenes ở ngay cạnh đó, cho nên ông ấy tới gặp.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Sáng sớm, mặt trời mọc, Diogenes đang nằm trần trụi trên cát... Alexander nói, "Ta hạnh phúc được gặp ông. Bất kì điều gì ta đã nghe nói đều dường như đúng. Ta chưa bao giờ thấy một người hạnh phúc hơn. Ta có thể làm cái gì đó cho ông được không, thưa ông?" Và Diogenes nói, "Đứng sang bên đi - ông chắn mất mặt trời rồi. Và nhớ đừng bao giờ ngăn cản mặt trời. Ông là nguy hiểm, ông có thể ngăn cản mặt trời không tới được nhiều người. Đứng sang bên đi."

Từ bi không phải là cái gì đó bạn đem cho người khác; nó đơn giản không chắn mặt trời. Thấy vấn đề từ đó: nó đơn giản không cản trở tính thượng đế. Nó trở thành phương tiện của điều thiêng liêng, nó đơn giản cho phép điều thiêng liêng chảy qua bạn. Bạn trở thành cây trúc hổng và điều thiêng liêng cứ chảy qua bạn. Chỉ trúc hổng mới có thể trở thành chiếc sáo, bởi vì chỉ trúc hổng mới có khả năng cho phép bài ca chảy qua nó.

Từ bi không tới từ bạn, từ bi tới từ sự tồn tại, từ điều thiêng liêng. Lòng tốt tới từ bạn - đó là điều đầu tiên cần được hiểu. Lòng tốt là cái gì đó bạn làm, từ bi là cái gì đó sự tồn tại làm. Bạn đơn giản không ngăn cản nó, bạn không đứng chắn đường. Bạn cho phép mặt trời chiếu xuống, thấm vào, đi tới bất kì chỗ nào nó muốn.

Lòng tốt làm mạnh cho bản ngã, còn từ bi là có thể chỉ khi bản ngã đã biến mất hoàn toàn. Cho nên đừng bị các từ điển làm cho lầm lạc, bởi vì trong các từ điển bạn sẽ thấy từ bi đồng nghĩa với lòng tốt. Nó không phải vậy trong từ điển thực của sự tồn tại.

Thiền chỉ có một từ điển, từ điển của vũ trụ. Người Mô ha mét giáo có Koran là kinh sách của họ, người Hindu có Veda, người Sikh có Gurugranth, người Ki tô giáo có Kinh Thánh, và người Do Thái có Talmud. Nếu bạn hỏi tôi, "Kinh sách của Thiền là gì?" tôi sẽ nói họ không có kinh sách nào, kinh sách của họ là vũ trụ. Đó là cái đẹp của Thiền. Trong mọi tảng đá đều có bài thuyết giảng, và trong mọi âm thanh của chim chóc Thượng đế đang ngâm thơ. Trong mọi khoảnh khắc quanh bạn chính bản thân sự tồn tại đang nhảy múa.

Từ bi là khi bạn cho phép bài ca vĩnh hằng này chảy qua bạn, đập rộn ràng qua bạn - khi bạn hợp tác với tính thiêng liêng này, khi bạn đi tay trong tay với nó. Nó chẳng liên quan gì tới bạn; bạn phải biến mất để nó hiện hữu. Để từ bi hiện hữu, bạn phải biến mất hoàn toàn - nó có thể chảy chỉ trong sự vắng mặt của bạn.

Lòng tốt được trau dồi làm cho bạn thành rất bản ngã. Bạn có thể thấy điều đó: những người tốt là rất bản ngã, còn bản ngã nhiều hơn người ác. Điều này là lạ - người ác ít nhất cũng cảm thấy chút ít mặc cảm, nhưng cái gọi là người tốt cảm thấy hoàn toàn ổn thoả, bao giờ cũng thánh thiện hơn bạn, bao giờ cũng tốt hơn người khác. Người đó rất tự ý thức về điều người đó đang làm; từng hành động tốt đều đem tới nhiều năng lượng hơn và nhiều quyền lực hơn cho bản ngã của người đó. Người đó đang trở nên lớn hơn mọi ngày. Toàn thể trò này là của bản ngã.

Đây là điều đầu tiên cần hiểu, rằng từ bi không phải là cái gọi là lòng tốt. Nó có phần tinh tuý của lòng tốt trong nó - dịu dàng, thông cảm, đồng cảm, không nghiêm khắc, có tính sáng tạo, có tính giúp đỡ. Nhưng chẳng cái gì được làm như hành động về phần bạn; mọi thứ tuôn chảy qua bạn. Nó là từ sự tồn tại, và bạn hạnh phúc và cảm ơn sự tồn tại đã chọn bạn làm phương tiện. Bạn trở nên trong suốt và lòng tốt đi qua bạn. Bạn trở thành chiếc kính trong suốt nên mặt trời chiếu qua bạn - bạn không cản trở nó. Nó là lòng tốt thuần khiết không có bản ngã trong nó.

Điều thứ hai là ở chỗ từ bi không phải là cái gọi là tình yêu của bạn. Nó có phẩm chất tinh tuý của tình yêu, nhưng nó không phải là điều bạn vẫn biết như tình yêu. Tình yêu của bạn chỉ là thèm khát phô trương như tình yêu. Tình yêu của bạn chẳng liên quan gì tới tình yêu cả - nó là một loại khai thác người khác, dưới cái tên mĩ miều, với khẩu hiệu lớn lao.

Bạn cứ nói "Anh yêu em" - nhưng bạn đã bao giờ yêu người nào chưa? Bạn đơn giản dùng người khác; bạn không yêu. Làm sao việc dùng người khác là yêu được? Thực tế, dùng người khác là hành động mang tính phá huỷ nhất có thể có trên thế giới - bởi vì dùng người khác như phương tiện là tội ác.

Immanuel Kant, khi mô tả khái niệm của ông ấy về đạo đức, nói rằng dùng người khác như phương tiện là vô đạo đức - hành động vô đạo đức nền tảng. Đừng bao giờ dùng người khác như phương tiện, bởi vì mọi người đều là mục đích lên bản thân mình. Kính trọng người khác như mục đích lên người đó. Khi bạn kính trọng người khác như mục đích lên người đó, bạn yêu. Khi bạn bắt đầu dùng người khác - chồng dùng vợ, vợ dùng chồng - có động cơ. Và bạn có thể thấy nó khắp xung quanh.

Mọi người không bị phá huỷ bởi ghét, mọi người bị phá huỷ bởi cái gọi là tình yêu của họ. Và bởi vì họ gọi nó là tình yêu, họ không thể nhìn được vào trong nó. Bởi vì họ gọi nó là tình yêu họ nghĩ nó phải tốt và đúng. Nó không phải vậy. Nhân loại đang chịu đựng chứng bệnh gọi là tình yêu này; nếu bạn nhìn sâu xuống dưới bên trong nó, bạn sẽ thấy chỉ thèm khát trần trụi. Thèm khát không phải là tình yêu. Thèm khát muốn lấy, tình yêu muốn cho. Toàn thể sự nhấn mạnh của thèm khát là: "Lấy nhiều nhất có thể được, và cho ít nhất có thể được. Cho ít, lấy nhiều. Nếu mình phải cho, chỉ cho như cái mồi."

Thèm khát tuyệt đối là việc mặc cả. Vâng, bạn phải cho cái gì đó chứ, bởi vì bạn muốn lấy - nhưng ý tưởng là lấy nhiều và cho ít. Đó chính là tâm trí kinh doanh đấy. Nếu bạn có thể lấy mà không cho, tốt quá rồi! Nếu bạn không thể lấy mà không cho, thì cho ít ít thôi; giả vờ là bạn đang cho nhiều, và giằng lấy toàn bộ của người khác.

Khai thác chính là điều thèm khát là gì. Tình yêu không phải là khai thác. Cũng vậy từ bi không phải là tình yêu theo nghĩa thông thường, và vậy mà nó lại là tình yêu theo nghĩa thực của nó. Từ bi chỉ cho, nó không biết tới ý tưởng lấy lại. Không phải là nó không lấy lại, không - đừng bao giờ nghĩ điều đó dù một khoảnh khắc. Khi bạn cho mà không có ý tưởng nào về việc lấy, bạn lấy lại cả nghìn lần hơn. Nhưng đó là điều khác; điều đó chẳng liên quan gì tới bạn cả, Và khi bạn muốn lấy quá nhiều, thực tế bạn chỉ bị lừa; bạn không lấy được cái gì cả. Chung cuộc, bạn chỉ vỡ mộng.

Từng chuyện tình đều chấm dứt trong vỡ mộng. Bạn không quan sát điều đó sao, rằng từng chuyện tình chung cuộc đều bỏ bạn trong rãnh buồn tủi, thất vọng, với cảm giác bị lừa gạt? Từ bi không biết tới vỡ mộng bởi vì từ bi không bắt đầu bằng ảo tưởng. Từ bi chưa bao giờ đòi hỏi bất kì cái gì đáp lại, không có nhu cầu. Đầu tiên, bởi vì người từ bi cảm thấy, "Không phải là mình đang cho từ năng lượng của mình, đó là năng lượng của bản thân sự tồn tại. Mình là ai mà đòi hỏi cái gì đền đáp lại từ nó? Ngay cả đòi hỏi lời cảm ơn cũng là vô nghĩa."

Đó là điều đã xảy ra khi một người tới gặp Jesus, và Jesus chạm vào người đó và người đó được chữa lành. Người đó cám ơn Jesus - cũng là tự nhiên, người đó đang cực kì biết ơn. Người đó đã chịu đựng bệnh đó trong nhiều năm rồi và không có cách chữa khỏi và các lang y đều bảo người đó, "Bây giờ chẳng thể làm được gì cả, ông phải chấp nhận nó thôi." Bây giờ người đó được chữa khỏi! Nhưng Jesus nói, "Không, thưa ông, đừng cám ơn ta, cám ơn Thượng đế. Đó là cái gì đó đã xảy ra giữa ông và Thượng đế! Ta không là ai cả trong việc đó. Chính niềm tin của ông đã chữa lành cho ông, và chính năng lượng của Thượng đế đã trở thành sẵn có bởi vì niềm tin của ông. Ta đây, nhiều nhất, cũng chỉ là chiếc cầu - chiếc cầu để qua đó năng lượng của Thượng đế và niềm tin của ông đã bắt tay nhau. Ông không cần bận tâm tới ta, ông không cần cám ơn ta. Cám ơn điều thiêng liêng, cám ơn niềm tin riêng của ông. Cái gì đó đã được truyền giữa ông và điều thiêng liêng. Ta không có ở đâu trong điều đó cả."

Đây chính là từ bi là gì. Từ bi cứ cho, nhưng không biết tới cảm giác về việc cho, không biết tới cảm giác rằng "Ta là người cho." Và thế thì sự tồn tại cứ đáp ứng theo cả nghìn cách. Bạn cho chút ít tình yêu và từ mọi nơi tình yêu bắt đầu tuôn chảy. Con người của từ bi không cố vồ lấy cái gì cả, người đó không tham lam. Người đó không chờ đợi việc đáp lại, người đó cứ cho. Người đó cứ lấy nữa, nhưng điều đó không trong tâm trí của người đó.

Cho nên, điều thứ hai là ở chỗ từ bi không phải là cái gọi là tình yêu, vậy mà nó lại là tình yêu thực.

Điều thứ ba: Từ bi là thông minh nhưng không phải là trí năng. Khi thông minh được giải phóng khỏi mọi dạng, khỏi mọi dạng logic, khi thông minh được giải phóng khỏi mọi biện luận, khi thông minh được giải phóng khỏi cái gọi là hợp lí, bởi vì hợp lí là giam hãm - khi thông minh là tự do, nó là từ bi. Con người của từ bi cực kì thông minh, nhưng người đó không phải là người trí thức. Người đó có thể thấy thấu suốt, người đó có tầm nhìn tuyệt đối, người đó có con mắt thực để nhìn, chẳng cái gì bị giấu kín với người đó - nhưng nó không phải là phỏng đoán. Nó không qua logic; nó không qua suy diễn, nó là qua cái nhìn sáng tỏ.

Nhớ điều đó: con người của từ bi không phải là không thông minh, nhưng người đó không mang tính trí năng. Người đó cực kì thông minh, người đó là chính hiện thân của thông minh. Người đó toả sáng thuần khiết. Người đó biết - nhưng người đó không nghĩ. Phỏng có ích gì mà nghĩ khi bạn biết? Bạn nghĩ chỉ như một thứ thay thế. Bởi vì bạn không biết, do đó bạn nghĩ. Bởi vì bạn không thể biết được, do đó bạn nghĩ. Suy nghĩ là quá trình thay thế - và nó là cái thay thế nghèo nàn, nhớ lấy. Khi bạn có thể biết, khi bạn có thể thấy, ai bận tâm tới nghĩ?

Con người của từ bi biết; người trí thức nghĩ. Người trí thức là người nghĩ còn người của từ bi là người không nghĩ, không trí thức. Thông minh người đó có, thông minh vô cùng người đó có, nhưng thông minh của người đó không vận hành qua hình mẫu của trí tuệ. Thông minh của người đó vận hành một cách trực giác.

Và điều thứ tư: Từ bi không phải là tình cảm - bởi vì tình cảm có nhiều thứ trong nó mà không có trong từ bi chút nào. Tình cảm có đa tình, đa cảm - những thứ đó không tồn tại trong từ bi. Con người của từ bi cảm, nhưng không có xúc động nào. Người đó cảm, nhưng không có đa cảm. Người đó sẽ làm bất kì cái gì được cần tới, vậy mà người đó vẫn còn không bị xúc động bởi nó. Điều này cần phải được hiểu rất sâu sắc. Và một khi bạn hiểu từ bi, bạn đã hiểu vị phật là gì.

Ai đó khổ - con người của tình cảm sẽ bắt đầu khóc. Khóc sẽ chẳng giúp gì cả. Nhà của ai đó cháy - con người của tình cảm sẽ kêu la và khóc lóc và đấm ngực. Điều đó sẽ chẳng giúp gì cả. Con người của từ bi sẽ bắt đầu hành động! Người đó sẽ không khóc, điều đó là vô ích; nước mắt chẳng giúp được gì. Nước mắt không thể làm cho lửa tắt, nước mắt không thể trở thành thuốc cho cơn đau, nước mắt không thể giúp cho người chết đuối. Một người đang chết đuối và bạn đang đứng trên bờ và kêu khóc - và việc kêu khóc thực sự đau lòng. Bạn là con người của tình cảm, chắc chắn, nhưng không phải là con người của từ bi. Con người của từ bi lập tức nhảy vào hành động. Hành động của người đó là ngay lập tức; người đó không vẩn vơ lấy một khoảnh khắc. Hành động của người đó là tức khắc - khoảnh khắc cái gì đó nảy sinh trong tầm nhìn của người đó, người đó lập tức thể hiện nó thành hành động. Không phải là người đó đích xác thể hiện đâu - nó được thể hiện. Hiểu biết của người đó và hành động của người đó là hai khía cạnh của cùng một hiện tượng, chúng không phải là hai điều tách biệt. Một mặt của nó được gọi là hiểu biết, mặt kia của nó được gọi là hành động.

Đó là lí do tại sao tôi nói một người tôn giáo, bởi chính bản tính của mình, được tham gia, được cam kết - được cam kết với cuộc sống. Người đó sẽ không kêu khóc. Con người của tình cảm thỉnh thoảng có vẻ như người đó là con người của từ bi. Đừng bị lầm lạc - con người của tình cảm là vô dụng. Thực tế người đó sẽ tạo ra nhiều lộn xộn hơn. Người đó sẽ chẳng giúp được gì, người đó sẽ tạo ra nhiều lẫn lộn hơn. Người đó sẽ làm trễ mọi thứ thay vì là sự giúp đỡ.

Con người của từ bi thật sắc bén. Không có nước mắt, không xúc động, người đó đơn giản đi vào trong hành động. Người đó không lạnh lùng, nhưng người đó cũng không nóng nảy. Người đó đơn giản ấm áp - và mát mẻ. Đó là nghịch lí của người từ bi. Người đó ấm áp bởi vì người đó yêu, và vậy mà người đó giữ mát mẻ bình thản của mình. Bình thản của người đó không bao giờ mất; bất kì điều gì xảy ra người đó vẫn còn bình thản, và từ bình thản của mình người đó hành động. Và bởi vì người đó vẫn còn bình thản, người đó giúp đỡ.

Bốn điều này cần được hiểu, thế thì bạn có tầm nhìn vào bốn chiều của từ bi là gì. Làm sao từ bi này nảy sinh? - bởi vì nó không thể được trau dồi. Nếu bạn trau dồi nó, nó trở thành lòng tốt. Làm sao từ bi này phải được đem vào trong cuộc sống? Bạn không thể đi vào trong kinh sách, bạn không thể đọc và được giúp đỡ bởi điều Phật và Christ nói, bởi vì điều đó sẽ đem trí năng vào, nó sẽ không đem thông minh vào. Bạn không thể cứ yêu ngày một nhiều được, theo cách bạn đã từng yêu cho tới giờ. Nếu bạn đi vào theo cùng chiều hướng đó bạn sẽ không đạt tới từ bi. Tình yêu của bạn không đi theo chiều đúng. Nếu bạn cứ yêu theo cùng cách đó - nếu bạn lắng nghe vị phật nói về tình yêu, hay một Christ nói về tình yêu, và bạn nghĩ, "Tốt. Vậy mình phải yêu nhiều hơn, vẫn theo cách thức mình đã từng yêu cho tới giờ," thế thì số lượng của bạn sẽ nhiều hơn, nhưng chất lượng của bạn sẽ vẫn còn như cũ. Bạn sẽ đi theo cùng hướng.

Hướng của bạn về căn bản là sai. Bạn đã không yêu. Một khi điều này chìm sâu vào trong tim bạn, rằng "Mình vẫn chưa yêu"... vâng, thật là khủng khiếp mà cảm thấy rằng "mình vẫn chưa yêu" - điều đó là rất nghiệt ngã. Chúng ta có thể tin người khác đã không yêu - đó là điều chúng ta đã tin - "không ai đã yêu mình, thôi được, mọi người đều nghiêm khắc" - nhưng thấy rằng bạn đã không yêu làm tan nát bản ngã của bạn.

Đó là lí do tại sao mọi người không muốn thấy sự kiện đơn giản là họ chưa từng yêu. Và bởi vì họ không muốn nhìn, họ không nhìn. Và bởi vì họ không nhìn, họ chẳng bao giờ sẽ được biến đổi. Họ sẽ cứ đi vào cùng lối mòn; họ sẽ cứ lặp đi lặp lại cùng điều máy móc. Lặp đi lặp lại họ sẽ bị vỡ mộng.

Cho nên làm sao đem từ bi vào? Nếu nó mà như tình yêu của bạn thì bạn đã có thể chạy theo cùng hướng rồi. Chạy nhanh hơn, với tốc độ cao hơn và nhiều số lượng hơn, chắc sẽ là điều đúng để làm. Nhưng bạn không đi theo hướng đúng, cho nên nếu bạn đi nhanh hơn, bạn sẽ đi xa khỏi nó nhanh hơn, không hướng tới nó. Tốc độ sẽ không ích gì, bởi vì ngay chỗ đầu tiên bạn đang đi theo hướng sai - nó là hướng của thèm khát và ham muốn. Thế thì làm sao đem từ bi vào được? Và tôi nói nó không phải là tình cảm; bằng không bạn có thể khóc từ tận đáy lòng mình, bạn có thể đánh bản thân mình, bạn có thể khóc cả nghìn lẻ một giọt nước mắt cho cả nghìn lẻ một nỗi khổ khắp xung quanh, bạn có thể trở nên rất xúc động. Bạn có thể cảm thông với mọi người ở Việt Nam, ở Hàn Quốc, ở Pakisstan, hay bất kì nơi nào; bạn có thể cảm thông cho tất cả người nghèo.

Leo Tolstoy nhớ tới mẹ mình trong tự truyện của mình. Ông ấy nói bà ấy là người đàn bà rất tốt, rất tốt - tốt theo nghĩa tôi đã mô tả nó, không theo nghĩa của từ bi. Bà ấy rất tốt - tốt tới mức bà ấy thường khóc trong rạp hát toàn bộ thời gian. Họ là những người giầu, họ thuộc vào hoàng gia. Một người hầu thường ở gần mẹ của Leo Tolstoy với nhiều khăn tay khi bà ấy tới rạp hát, bởi vì bà ấy sẽ cần tới chúng luôn luôn. Bà ấy khóc suốt thời gian diễn. Và Tolstoy nói, "Nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy rằng ở nước Nga, ngay cả trong mùa đông khi giá lạnh khắc nghiệt thế, dưới không độ, tuyết rơi đầy, bà ấy sẽ đi vào trong rạp hát và người đánh xe sẽ ngồi bên ngoài xe, lạnh cóng trong tuyết rơi, thậm chí bị ốm. Bà ấy chẳng bao giờ nghĩ về con người này, người phải đơn giản chịu đựng và chờ đợi trong giá rét. Nhưng bà ấy cứ đổ nước mắt khóc vì cái gì đó bà ấy đã xem trong rạp hát."

Người đa cảm, người uỷ mị - chẳng tốn gì để khóc, chẳng tốn gì để cảm động. Để từ bi thì tốn nhiều lắm. Phải tốn cả đời bạn để mang tính từ bi. Con người của từ bi là người rất hiện thực. Con người của tình cảm đơn giản sống trong mơ, xúc động mơ hồ, tưởng tượng. Cho nên nó không thể được đem tới qua tình cảm. Thế thì làm sao đem nó tới được? Cái gì là cách thức Thiền để đem nó tới? Để đem nó tới, cách duy nhất là thiền. Nó được đạt tới qua thiền. Cho nên chúng ta phải hiểu thiền là gì.

Phật Gautam, người sáng lập ra Thiền, người sáng lập ra tất cả những kĩ thuật thiền vĩ đại trên thế giới, định nghĩa nó trong một từ. Một hôm ai đó hỏi ông ấy, "Thiền là gì? Tất cả về nó là gì?" Và Phật Gautam nói mỗi một lời, ông ấy nói: DỪNG.! Đó là định nghĩa của ông ấy về thiền. Ông ấy nói, "Nếu nó dừng, nó là thiền." Câu đầy đủ là: "Tâm trí điên khùng không dừng. Nếu nó dừng, đó là thiền."

Tâm trí điên khùng không dừng - nếu nó dừng, đó là thiền. Thiền là trạng thái của nhận biết vô ý nghĩ. Thiền là trạng thái của nhận biết vô xúc động, vô đa cảm, vô suy nghĩ. Khi bạn đơn giản nhận biết, khi bạn trở thành cột trụ của nhận biết. Khi bạn đơn giản thức tỉnh, tỉnh táo, chăm chú. Khi bạn chỉ là nhận biết thuần khiết.

Làm sao đi vào trong nó? Thiền nhân có một từ đặc biệt cho việc đi vào, họ gọi nó là hua t'ou (thủ ngôn). Từ tiếng Trung Quốc này nghĩa là trước ý nghĩ, hay trước lời. Tâm trí, trước khi nó bị khuấy động bởi một ý nghĩ, được gọi là hua t'ou. Giữa hai ý nghĩ có lỗ hổng; lỗ hổng đó được gọi là hua t'ou.

Quan sát. Một ý nghĩ trôi qua trên màn ảnh tâm trí bạn - trên màn hình rada của tâm trí bạn một ý nghĩ thoáng qua như đám mây. Đầu tiên nó là mông lung - nó đang tới, nó đang tới - thế rồi nó có đó, bỗng nhiên nổi lên màn hình. Thế rồi nó đi, thế rồi nó đã ra khỏi màn hình, lần nữa nó trở thành mơ hồ và biến mất... Ý nghĩ khác tới. Giữa hai ý nghĩ này có lỗ hổng - trong một khoảnh khắc hay một phần giây màn ảnh không có ý nghĩ nào.

Trạng thái đó của vô ý nghĩ thuần khiết được gọi là hua t'ou (thủ ngôn) - trước lời, trước ý nghĩ, trước khi tâm trí bị khuấy động. Bởi vì chúng ta không tỉnh táo bên trong, chúng ta cứ bỏ lỡ nó - bằng không thiền đang xảy ra từng khoảnh khắc rồi. Bạn chỉ phải thấy nó xảy ra, bạn chỉ phải trở nên nhận biết về kho báu nào bạn bao giờ cũng đang mang bên trong mình. Không phải là thiền phải được đem tới từ đâu đó khác. Thiền có đó, hạt mầm có đó. Bạn chỉ phải nhận ra nó, nuôi dưỡng nó, chăm sóc nó, và nó bắt đầu phát triển.

Khoảng hở giữa hai ý nghĩ chính là hua t'ou. Và đó là cánh cửa đi vào trong thiền. Hua t'ou (thủ ngôn) - thuật ngữ này theo từng từ nghĩa là "đầu lời". "Lời" là lời được nói ra, còn "đầu" là cái đi trước lời này. Hua t'ou là khoảnh khắc trước khi một ý nghĩ nảy sinh. Ngay khi ý nghĩ nảy sinh nó trở thành hua wei (vĩ ngôn) - hua wei nghĩa theo từ là "đuôi lời". Và thế thì, khi ý nghĩ đã qua rồi hay khi lời đã qua rồi và lại có lỗ hổng, nó lại là hua t'ou. Thiền nhìn vào trong hua t'ou này.

"Người ta không nên sợ việc nảy sinh ý nghĩ," Phật nói, "mà chỉ nên sợ chậm trễ trong việc nhận biết về chúng." Đây là cách tiếp cận cực kì mới tới tâm trí, chưa bao giờ được thử trước Phật. Phật nói người ta không nên sợ việc ý nghĩ nảy sinh. Người ta chỉ nên sợ một điều - không nhận biết về chúng, về việc bị chậm trễ trong nhận biết.

Khi một ý nghĩ nảy sinh, nếu cùng ý nghĩ này nhận biết của bạn cũng có đó - nếu bạn có thể thấy nó nảy sinh, nếu bạn có thể thấy nó đang tới, nếu bạn có thể thấy nó ở đó, nếu bạn có thể thấy nó đi - thế thì không có vấn đề gì hết cả. Chính việc thấy này, dần dần, trở thành thành luỹ của bạn. Chính nhận biết này đem tới cho bạn nhiều kết quả. Đầu tiên bạn có thể thấy, khi bạn thấy điều đó, bạn không là ý nghĩ. Ý nghĩ tách biệt khỏi bạn, bạn không bị đồng nhất với nó. Bạn là tâm thức và nó là nội dung. Nó tới và đi - nó là khách, bạn là chủ. Đây là kinh nghiệm đầu tiên về thiền.

Thiền nói về "bụi ngoại" - chẳng hạn, một lữ khách dừng lại ở một quán trọ nơi người đó nghỉ qua đêm hay ăn uống. Thế rồi người đó đóng gói và tiếp tục cuộc hành trình của mình, bởi vì người đó không có thời gian ở lại lâu hơn. Mặt khác, người chủ nhà trọ chẳng có đâu mà đi. Người không ở lại là khách, còn người ở lại là chủ. Do đó, một thứ là "ngoại" khi nó không ở lại. Hay, vào ngày quang đãng khi mặt trời mọc và ánh mặt trời chiếu vào nhà qua cửa sổ, người ta có thể thấy bụi di chuyển trong tia sáng - nhưng không gian trống rỗng là bất động. Cái tĩnh tại là trống rỗng, còn cái chuyển động là bụi. "Bụi ngoại" là suy nghĩ giả tạo, còn trống rỗng là tự tính của bạn - chủ không theo khách tới và đi.

Đây là sáng suốt lớn lao. Tâm thức không phải là nội dung. Bạn là tâm thức; ý nghĩ đến và đi, bạn là chủ. Ý nghĩ là khách - chúng đến và ở lại một chút, nghỉ ngơi một chút, ăn uống, hay ở qua đêm, và thế rồi chúng qua đi. Bạn bao giờ cũng còn đấy. Bạn bao giờ cũng vẫn vậy, bạn không bao giờ thay đổi - bạn ở đó vĩnh hằng. Bạn là bản thân điều vĩnh hằng.

Quan sát điều đó. Đôi khi bạn ốm, đôi khi bạn khoẻ, đôi khi bạn buồn phiền, đôi khi bạn hạnh phúc. Ngày nào bạn đã rất nhỏ, đứa trẻ, thế rồi bạn trở thành thanh niên, và thế rồi bạn trở nên già. Ngày nào bạn đã khoẻ mạnh, ngày nọ tới bạn trở nên ốm yếu. Tất cả những điều này đến và đi, nhưng tâm thức bạn vẫn vậy. Đó là lí do tại sao, nếu bạn nhìn vào bên trong, bạn không thể nhận ra mình bao nhiêu tuổi - bởi vì không có tuổi. Nếu bạn đi vào bên trong và nhìn và cố tìm ra mình bao nhiêu tuổi, thì lại không có tuổi bởi vì không có thời gian. Bạn đích xác là cùng người như khi bạn đã là đứa trẻ hay khi bạn là thanh niên. Bạn tuyệt đối vẫn vậy ở bên trong. Để biết tuổi bạn phải nhìn vào lịch, nhìn vào nhật kí, nhìn vào giấy khai sinh của mình - bạn phải tìm cái gì đó bên ngoài. Bên trong bạn sẽ không thấy tuổi nào hay việc già đi nào. Bên trong có vô thời gian. Bạn vẫn vậy - dù có đám mây gọi là buồn phiền hay đám mây gọi là hạnh phúc, bạn vẫn vậy.

Đôi khi có mây đen trên bầu trời - bầu trời không thay đổi bởi vì những đám mây đen đó. Và đôi khi có mây trắng nữa, và bầu trời không thay đổi bởi vì những đám mây trắng này. Mây đến và đi, và bầu trời còn lại. Mây đến và đi, và bầu trời ở lại.

Bạn là bầu trời và ý nghĩ là mây. Nếu bạn quan sát ý nghĩ của mình một cách chăm chú, nếu bạn không bỏ lỡ chúng, nếu bạn nhìn thẳng vào chúng, điều đầu tiên sẽ là hiểu biết này - và đây là hiểu biết lớn lao. Đây là bắt đầu của Phật tính của bạn, đây là bắt đầu của thức tỉnh của bạn. Bạn không còn ngủ nữa, bạn không còn bị đồng nhất với mây, cái đến và đi. Bây giờ bạn biết rằng bạn ở lại mãi mãi. Bỗng nhiên mọi lo âu biến mất. Chẳng cái gì thay đổi bạn, chẳng cái gì sẽ bao giờ thay đổi bạn - cho nên phỏng có ích gì mà lo âu, mà phiền não? Phỏng có ích gì mà lo nghĩ? Chẳng lo nghĩ nào có thể làm gì được bạn. Những điều này đến và đi, chúng chỉ là gợn sóng trên bề mặt. Sâu trong chiều sâu của bạn, không một gợn sóng nào đã bao giờ phát sinh. Và bạn ở đó, và bạn là cái đó. Bạn là sự hiện hữu đó. Thiền nhân gọi nó là trạng thái của việc là người chủ.

Thông thường, bạn đã trở nên quá bị đồng nhất với khách - do đó mới có khổ của bạn. Vị khách này tới, bạn trở nên bị quá gắn bó. Và khi vị khách này đóng gói và ra đi, thế thì bạn kêu bạn khóc và bạn chạy quanh - và bạn đi cùng người đó, ít nhất để tiễn người đó, để chào tạm biệt người đó. Thế rồi bạn quay về vừa kêu và khóc - một người bạn đã ra đi và bạn cảm thấy khổ thế. Thế rồi người khách khác đến và bạn lại rơi vào tình cảnh đó với người khách này, bạn lại trở nên bị đồng nhất với người khách, và người đó lại ra đi...

Khách đến và đi, họ không ở lại! Họ không thể ở lại được, họ không được coi là ở lại, họ không được ngụ ý ở lại.

Bạn có quan sát ý nghĩ nào không? Nó chưa bao giờ ở lại, nó không thể ở lại được. Cho dù bạn muốn làm cho nó ở lại, nó cũng không thể ở được. Thử mà xem. Đó là điều mọi người thỉnh thoảng có thử đấy - họ cố gắng giữ một từ trong tâm trí. Chẳng hạn, họ muốn giữ một âm thanh, aum, trong tâm trí. Trong vài giây họ nhớ và thế rồi nó qua mất, tuột đi mất. Họ lại nghĩ về công việc của mình, về vợ, về con... Bỗng nhiên họ trở nên nhận biết - aum kia đâu rồi? Nó đã tuột khỏi tâm trí.

Khách là khách - họ đã không tới để ở mãi mãi. Một khi bạn thấy tất cả mọi thứ xảy ra cho bạn đều sẽ đi khỏi bạn, thế thì sao lại lo nghĩ? Quan sát: Cứ để chúng đó, để chúng đóng gói, để chúng ra đi. Bạn còn lại. Bạn có thể thấy an bình nảy sinh không nếu bạn có thể cảm thấy rằng bạn bao giờ cũng vẫn còn? Đây là im lặng. Đây là trạng thái không lo nghĩ. Đây là không phiền não. Khổ dừng lại vào khoảnh khắc đồng nhất dừng lại. Đừng bị đồng nhất - có vậy thôi. Và nếu bạn có thể quan sát ai đó sống trong vô thời gian vĩnh hằng thế, bạn sẽ cảm thấy cái duyên dáng, cái trầm tĩnh, cái đẹp quanh người đó.

Điều đó đã xảy ra - câu chuyện này là về Phật, một câu chuyện hay. Chăm chú nghe nó, bởi vì bạn có thể bỏ lỡ nó.

Một hôm, vào giờ ăn, Thế Tôn khoác áo cà sa, cầm bình bát và đi vào thị trấn lớn Sravasti để xin ăn. Sau khi ông ấy đã xin từ cửa nhà nọ sang nhà kia, ông ấy trở về chỗ của mình. Khi ông ấy đã ăn xong bữa, ông ấy cất áo cà sa và bình bát, rửa chân, dọn chỗ ngồi, và ngồi xuống.

Đi chậm, cứ như phim chuyển cảnh rất chậm. Đó là phim Phật, và các phim Phật đều chuyển cảnh rất chậm. Lần nữa, để tôi nhắc lại điều đó...

Một hôm, vào giờ ăn, Thế Tôn khoác áo cà sa, cầm bình bát và đi vào thị trấn lớn Sravasti để xin ăn. Sau khi ông ấy đã xin từ cửa nhà nọ sang nhà kia, ông ấy trở về chỗ của mình. Khi ông ấy đã ăn xong bữa, ông ấy cất áo cà sa và bình bát, rửa chân, dọn chỗ ngồi, và ngồi xuống.

Quán tưởng Phật đang làm tất cả những điều này và thế rồi ngồi vào chỗ của mình.

Điều này chỉ ra cuộc sống bình thường của Phật và hoạt động hàng ngày vốn tương tự như hoạt động của những người khác và chẳng có gì đặc biệt về chúng cả. Tuy nhiên có cái gì đó bất thường, nhưng rất ít người biết tới nó.

Cái đó là gì vậy? Cái gì mang phẩm chất bất thường, duy nhất vậy? - bởi vì Phật đang làm những điều bình thường. Rửa chân, dọn chỗ, ngồi xuống, cất áo cà sa, cất bình bát, đi ngủ, quay lại - toàn những việc bình thường mọi người đều làm.

... Subhuti, đang trong hội chúng, đứng lên từ chỗ ngồi của mình, vắt một vạt áo lên vai, quì gối phải xuống đất, cung kính chắp hai tay hướng về Phật mà thưa rằng, "Thật là hiếm hoi, Bạch Thế Tôn, thật là hiếm hoi!"

Bây giờ, chẳng cái gì hiêm hoi dường như là có đó trên bề mặt. Phật tới, cất áo cà sa, cất bình bát, dọn chỗ ngồi, rửa chân, ngồi vào chỗ - dường như chẳng có gì bất thường cả. Và người này, Subhuti... Subhuti là một trong những đệ tử sáng suốt nhất của Phật - nhiều câu chuyện hay và lớn lao về Phật đều có liên quan tới Subhuti. Đây là một trong những câu chuyện đó, rất hiếm hoi.

Vào thời đó, Subhuti lớn tuổi, đang trong hội chúng, đứng lên từ chỗ ngồi của mình, vắt một vạt áo lên vai, quì gối phải xuống đất, cung kính chắp hai tay hướng về Phật mà thưa rằng, "Thật hiếm hoi, Bạch Thế Tôn, thật là hiếm hoi!"

Chưa bao giờ được thấy trước đây, điều đó là duy nhất.

Hoạt động hàng ngày của Như lai là tương tự như những hoạt động của người khác nhưng ở đây còn có một điều khác biệt, và những người ngồi đối diện với ông ấy đã không thấy điều đó.

Hôm đó, bỗng nhiên Subhuti làm lộ nó ra, ca ngợi nó, và nói, "Rất hiếm hoi! Rất hiếm hoi!"

Hỡi ôi! Như Lai đã ở cùng với các đệ tử ba mươi năm và họ vẫn không biết gì về hành động đời thường của ông ấy. Khi họ không biết, họ nghĩ những hành động này cũng là bình thường và để cho chúng qua đi không được để ý. Họ chỉ nghĩ rằng ông ấy cũng tương tự như những người khác và do đó, có hoài nghi và đã không tin vào điều ông ấy nói. Nếu mà Subhuti không nhìn thấy rõ ràng, chẳng ai sẽ thực sự biết Phật.

Kinh sách nói vậy. Nếu như đã không có một Subhuti, chẳng ai đã thấy điều đang xảy ra bên trong. Điều gì đã xảy ra bên trong? Phật vẫn còn là người chủ. Không một khoảnh khắc nào ông ấy mất đi cái vĩnh hằng, vô thời gian của mình. Phật vẫn còn mang tính thiền. Không một khoảnh khắc nào ông ấy làm mất hua t'ou (thủ ngôn) của mình. Phật vẫn còn trong samadhi của mình - ngay cả khi ông ấy rửa chân, ông ấy cũng rửa một cách tỉnh táo thế, nhận biết thế, ý thức thế. Vẫn biết rõ rằng "Chân này không phải là mình." Vẫn biết rõ rằng "Bình bát này không phải là mình." Vẫn biết rõ rằng "Áo cà sa này không phải là mình." Vẫn biết rõ rằng "Cơn đói này không phải là mình." Vẫn biết rõ rằng "Tất cả mọi thứ quanh mình không phải là mình. Mình chỉ là nhân chứng, người quan sát tất cả nó."

Do đó mới có duyên dáng của Phật, do đó mới có cái đẹp phi phàm này của Phật. Ông ấy vẫn còn bình thản. Sự bình thản này chính là thiền đấy. Nó phải được đạt tới bằng việc tỉnh táo hơn về chủ, bằng việc tỉnh táo hơn về khách, bằng việc không bị đồng nhất với khách, bằng việc ngắt bản thân bạn với khách. Ý nghĩ đến và đi, tình cảm đến và đi, mơ đến và đi, tâm trạng đến và đi, khí hậu thay đổi. Tất cả những thay đổi đó không phải là bạn.

Liệu có cái gì đó vẫn còn không thay đổi không? Cái đó là bạn đấy. Và cái đó là tính thượng đế. Và biết nó, và là nó, và ở trong nó, là đạt tới samadhi. Thiền là phương pháp, samadhi là mục đích. Thiền, dhyana, là kĩ thuật để phá huỷ sự đồng nhất này với khách. Và samadhi đang tan biến vào trong người chủ, đang cư ngụ trong người chủ, được định tâm ở đó.

Từng đêm người ta đều đi theo vị phật khi ngủ,

Từng sáng người ta lại dậy cùng ông ấy,

Dù đứng hay ngồi, cả hai quan sát và theo nhau.

Dù nói hay không, cả đều ở cùng chỗ.

Họ thậm chí chưa hề xa lìa một khoảnh khắc,

Nhưng giống như thân thể và cái bóng của nó.

Nếu ông muốn biết chỗ của vị phật,

Ông ấy ở đó trong âm thanh tiếng nói riêng của ông.

Đây là câu ngạn ngữ Thiền: "Từng đêm người ta đều đi theo vị phật khi ngủ." Phật bao giờ cũng có đó, không-Phật cũng có đó. Trong bạn thế giới và niết bàn gặp gỡ, trong bạn phi vật chất và vật chất gặp gỡ, trong bạn linh hồn và thân thể gặp gỡ. Trong bạn tất cả mọi điều huyền bí của sự tồn tại gặp gỡ - bạn là chỗ gặp gỡ, bạn là ngã tư đường. Mặt này là toàn thể thế giới này, mặt kia là toàn thể thế giới kia. Bạn chính là mối nối giữa hai điều này. Bây giờ, đó chỉ là vấn đề nhấn mạnh. Nếu bạn hội tụ bản thân mình vào thế giới này, bạn vẫn còn trong thế giới này. Nếu bạn bắt đầu đổi sự hội tụ của mình, nếu bạn dịch chuyển sự hội tụ của mình và bạn bắt đầu hội tụ vào tâm thức, bạn là thượng đế. Chỉ một thay đổi nhỏ, cứ dường như người ta đổi số trong xe hơi - cũng giống vậy.

"Từng đêm người ta đi theo vị Phật khi ngủ, từng sáng người ta lại dậy cùng ông ấy." Ông ấy bao giờ cũng ở đó, bởi vì tâm thức bao giờ cũng ở đó; không một khoảnh khắc nào nó bị mất.

"Dù đứng hay ngồi, cả hai quan sát và theo nhau." Chủ và khách, cả hai đều có đó. Khách cứ thay đổi, nhưng ai đó hay người kia bao giờ cũng ở đó trong nhà trọ. Nó không bao giờ trống rỗng - chừng nào bạn còn chưa trở nên không bị đồng nhất với khách. Thế thì trống rỗng nảy sinh. Thế thì đôi khi việc xảy ra là nhà trọ của bạn trống rỗng; chỉ có người chủ ngồi thoải mái, không bị bận tâm bởi bất kì khách nào. Giao thông dừng lại, mọi người không tới. Những khoảnh khắc đó là đẹp, những khoảnh khắc đó là phúc lành lớn lao.

"Dù nói hay không, cả hai đều ở cùng chỗ." Khi bạn nói, cũng có cái gì đó im lặng trong bạn. Khi bạn đang thèm khát, có cái gì đó bên ngoài thèm khát. Khi bạn đang ham muốn, có ai đó không ham muốn chút nào. Quan sát nó, và bạn sẽ thấy nó. Vâng, bạn ở rất gần, vậy mà bạn rất khác. Bạn gặp, vậy mà bạn không gặp. Bạn gặp như nước và dầu; sự phân tách vẫn còn. Chủ tới rất gần khách. Đôi khi họ cầm tay và ôm nhau, nhưng chủ vẫn là chủ và khách vẫn là khách. Khách là người sẽ đến và đi; khách sẽ cứ thay đổi. Và chủ là người còn lại, người cư ngụ.

"Họ thậm chí chưa hề xa lìa một khoảnh khắc, nhưng giống như thân thể và cái bóng của nó. Nếu ông muốn biết chỗ của Phật, ông ấy ở đó trong âm thanh tiếng nói riêng của ông." Đừng cứ đi tìm Phật ở đâu đó bên ngoài. Ông ấy cư ngụ bên trong bạn - ông ấy cư ngụ trong bạn như người chủ.

Bây giờ, làm sao đi tới trạng thái này của người chủ? Tôi muốn nói với bạn về một kĩ thuật rất cổ đại này, kĩ thuật này sẽ cực kì có ích. Để đi tới người chủ không thể biết được này, để đi tới điều huyền bí tối thượng này của bản thể bạn, đây là con đường - một trong những con đường rất đơn giản Phật đã đề nghị:

Lấy đi khỏi bản thân mình tất cả mọi quan hệ có thể có, và xem ông là cái gì. Cứ cho là ông không là con của bố mẹ ông, không là chồng của vợ ông, không là bố của con ông, không phải là họ hàng của người trong họ ông, không là bạn của người quen ông, không là công dân của nước ông, vân vân và vân vân - thế thì ông có được ông trong bản thân mình.

Ngắt ra. Thỉnh thoảng một lần một ngày, ngồi im lặng và ngắt bản thân mình ra khỏi mọi mối quan hệ. Cũng như bạn ngắt điện thoại, ngắt bản thân mình ra khỏi mọi quan hệ. Đừng nghĩ gì thêm rằng bạn là bố của con mình - ngắt ra. Bạn không còn là bố của con mình, và bạn không còn là con của bố mình. Ngắt khỏi ý tưởng rằng bạn là chồng hay là vợ; bạn không còn là vợ, không còn là chồng. Bạn không còn là ông chủ, không còn là người hầu. Bạn không còn da đen, không còn da trắng. Bạn không còn là người Ấn Độ, người Trung Quốc, người Đức. Bạn không còn là thanh niên, không còn là người già. Ngắt ra, cứ ngắt ra.

Cả nghìn lẻ một mối quan hệ có đó - cứ ngắt mọi mối quan hệ. Khi bạn đã ngắt tất cả các mối quan hệ, thế thì bỗng nhiên hỏi: Tôi là ai? Và không câu trả lời nào tới cả, bởi vì bạn đã ngắt tất cả những câu trả lời đó mà sẽ tới.

"Tôi là ai?" Và câu trả lời tới - "Tôi là bác sĩ" - nhưng bạn đã ngắt khỏi bệnh nhân rồi. Và câu trả lời tới - "Tôi là giáo sư" - nhưng bạn đã ngắt bản thân mình khỏi sinh viên rồi. Câu trả lời tới - "Tôi là người Trung Quốc" - nhưng bạn đã ngắt nó ra rồi. Và câu trả lời tới - "Tôi là đàn ông" hay "đàn bà" - nhưng bạn đã ngắt khỏi nó rồi. Và câu trả lời tới - "Tôi là người già" - nhưng bạn đã ngắt khỏi nó rồi.

Ngắt tất cả ra. Thế thì bạn là trong bản thân mình. Thế thì lần đầu tiên người chủ ở một mình và không có khách. Thỉnh thoảng ở một mình không có khách nào là rất tốt, bởi vì thế thì bạn có thể nhìn vào trong tính chủ của mình gần hơn, cẩn thận hơn. Khách tạo ra hỗn loạn, khách tạo ra ồn ào, và họ tới và đòi hỏi sự chú ý của bạn. Họ nói, "Làm cái này, và tôi cần nước nóng, và bữa sáng ở đâu? Và giường của tôi đâu? Và có rận giường!" và cả nghìn lẻ một thứ mà khách đem tới, và người chủ bắt đầu chạy theo khách: "Vâng, tất nhiên, mình phải chăm nom cho những người này!"

Khi bạn hoàn toàn được ngắt ra, không ai làm phiền bạn - không ai có thể làm phiền bạn. Bỗng nhiên bạn có đó trong tất cả tính một mình của bạn - và sự thuần khiết đó của tính một mình, sự thuần khiết tinh khôi đó của tính một mình. Bạn giống như mảnh đất chưa khai phá, đỉnh núi hoang sơ của Himalaya nơi không ai đã từng đi tới.

Đây là trinh nguyên là gì. Đây là điều tôi ngụ ý khi tôi nói, "Vâng, mẹ của Jesus là trinh nguyên." Đây là điều tôi ngụ ý. Tôi không đồng ý với các nhà thần học Ki tô giáo - bất kì điều gì họ nói cũng toàn là thứ bịa đặt. Đây chính là trinh nguyên là gì - Jesus phải đã được thụ thai bởi Mary khi bà ấy ở trong trạng thái được ngắt ra như vậy. Khi bạn ở trong trạng thái được ngắt ra thế, tất nhiên nếu đứa con đi vào nó chỉ có thể là một Jesus, không ai khác.

Ở Ấn Độ cổ đại, đã có những phương pháp về cách thụ thai đứa trẻ. Chừng nào bạn còn chưa trong thiền cực kì sâu, đừng làm tình vội. Để thiền là việc chuẩn bị cho tình yêu: đó là toàn thể nghĩa của mật tông. Để thiền là căn bản - chỉ thế mới làm tình. Thế thì bạn mời các linh hồn vĩ đại hơn. Bạn càng sâu hơn, các linh hồn vĩ đại hơn sẽ được mời tới.

Mary phải đã tuyệt đối ngắt ra trong khoảnh khắc đó khi Jesus thấm vào bà ấy. Bà ấy phải đã trong sự trinh nguyên này; bà ấy phải đã là người chủ. Bà ấy không còn là khách và bà ấy không còn bị quấy rầy bởi khách và không còn bị đồng nhất với khách. Bà ấy không là thân thể, bà ấy không là tâm trí, bà ấy không là các ý nghĩ của mình - bà ấy không là vợ, bà ấy không là ai cả. Trong sự không là ai cả này bà ấy có đó, ngồi im lặng - một ánh sáng thuần khiết, một ngọn lửa không khói bao quanh nó, ngọn lửa vô khói. Bà ấy là trinh nguyên.

Và tôi nói với bạn, đích xác cùng điều này là trường hợp khi Phật được thụ thai hay khi Mahavira được thụ thai, hay Krishna hay Nanak - bởi vì những người này không thể được thụ thai theo bất kì cách nào khác. Những người này có thể đi vào chỉ bụng mẹ trinh nguyên nhất. Nhưng đây là nghĩa của tôi về việc là trinh nguyên. Nó chẳng liên quan gì tới những ý tưởng ngu xuẩn vẫn có khắp nơi - rằng bà ấy chưa bao giờ làm tình với đàn ông, rằng Jesus đã không được thụ thai qua đàn ông, rằng Jesus đã không phải là con của Joseph. Đó là lí do tại sao người Ki tô giáo cứ nói "Jesus con của Mary." Họ không nói về bố ông ấy; ông ấy không có bố. "Con của Mary" và "Con của Thượng đế" - không có Joseph ở giữa. Nhưng sao lại có giận dữ thế với Joseph đáng thương? Sao Thượng đế không thể dùng được Joseph nữa, nếu ông ấy có thể dùng Mary? Cái gì sai trong đó? Ông ấy dùng Mary làm bụng mẹ và điều đó không làm hỏng câu chuyện; thế thì sao không dùng Joseph nữa? Bụng mẹ là một nửa câu chuyện, bởi vì một trứng từ người mẹ đã được dùng rồi; thế thì sao không dùng tinh trùng của Joseph? Sao lại giận dữ thế với người thợ mộc đáng thương này?

Không, sự tồn tại dùng cả hai chứ. Nhưng trạng thái của tâm thức phải đã là của người chủ. Và thực sự, khi bạn là người chủ thì không có gì ngạc nhiên nếu bạn tiếp đón vị khách vĩ đại - Jesus đi vào! Nếu bạn được ngắt ra khỏi mọi vị khách, thế thì điều thiêng liêng trở thành khách của bạn. Trước hết bạn trở thành người chủ, người chủ thuần khiết. Thế rồi điều thiêng liêng trở thành khách của bạn.

Khi bạn được ngắt ra, bạn đi tới mình trong bản thân mình. Bây giờ tự hỏi bản thân mình: "Mình trong bản thân mình" này là cái gì vậy? Bạn không bao giờ có thể trả lời được câu hỏi này - nó là không thể trả lời được, bởi vì nó bị cắt rời khỏi mọi mối quan hệ có thể biết. Theo cách này người ta loạng choạng vớ phải cái không thể nào biết được; đây là việc đi vào trong thiền. Khi bạn đã trở nên được lắng đọng trong nó, lắng động hoàn toàn, nó trở thành chứng ngộ.

Bây giờ bạn sẽ có khả năng hiểu được chuyện Thiền này dễ dàng.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh