Hướng Tinh Thần: Chương 7. Dịch Lý Với Khoa Tôn Giáo Đối Chiếu

HƯỚNG TINH THẦN: CHƯƠNG 7. DỊCH LÝ VỚI KHOA TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

Sở dĩ chúng ta dùng Dịch kinh và Dịch lý để tìm hiểu về các tôn giáo vì Dịch kinh là một bộ sách tối cổ, không có mục đích gì khác hơn là tìm cho ra Bản thể của vũ trụ, mọi sự biến thiên, công dụng của Bản thể ấy, những định luật chi phối mọi sự biến thiên, thăng trầm trong hoàn võ, và mục phiêu rốt ráo của cuộc biến dịch đại tạo ấy.

Người xưa còn cho rằng Dịch là một bộ sách dạy cho chúng ta biết đường lối trở về với Trời, với Thượng đế.[1]

Dịch kinh chẳng những là một môn triết học tối cao, mà cũng còn là một môn toán học. Leibniz, sau khi đã phát minh ra khoa toán học nhị nguyên (arithmétique binaire) - khoa toán học hiện nay được áp dụng trong mọi loại toán điện cơ, điện tử - đã để ra nhiều thì giờ nghiên cứu Kinh Dịch, nhất là các đồ bản Dịch. Ông đã hết sức ngỡ ngàng khi khám phá ra rằng 64 quẻ trong vòng Dịch Tiên Thiên có thể viết thành các con số liên tiếp nhau từ 0 đến 63 theo khoa toán học nhị nguyên, và Ông đã đi đến kết luận là các tác giả Dịch đã tìm ra khoa toán học này trước Ông hàng mấy nghìn năm!

Nói thế để chứng minh rằng Dịch kinh là một khoa học, hết sức thực tế chứ không có thiên kiến; hết sức phổ quát chứ không hẹp hòi, lại nữa nó đã được những bộ óc siêu việt trong nhân loại viết nên, vì thế ta phải lấy nó làm tiêu chuẩn vô tư để mà khảo sát và tìm hiểu các tôn giáo.

  1. QUAN NIỆM «NHẤT THỂ VẠN THÙ» VỚI CÁC ĐẠO GIÁO

Dịch kinh chủ trương «Nhất thể vạn thù». Đối với Dịch chỉ có một Bản thể duy nhất là Thái cực, là Đạo đã phát sinh ra vạn vật, vạn hữu. Vạn vật vạn hữu chỉ là muôn vàn hiện tượng, muôn vàn công dụng, muôn vàn trạng thái của một Bản thể hằng cửu, y thức như 64 quẻ chỉ là những hiện tượng, những trạng thái nhất đời, những công dụng, những lớp lang, tuần tiết dị biệt của một Thái Cực đại đồng.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Các đạo giáo lớn trên thế giới hầu hết đều chủ trương như vậy nhất là các tôn giáo Á đông.

Trong một cổ thư Ai Cập, nữ thần Isis phán: «Ta là Bản thể muôn loài, là chủ tể quần sinh, vạn hữu, là nguồn mạch thời gian, là chủ tể chúng thần, là nữ vương các vong linh, là tối thượng thần trên trời. Mình ta tóm thâu hết chúng thần nam nữ. Ta toàn quyền cai trị các vòm trời sáng láng, các luồng gió thuận ngoài bể khơi, và sự tịch mịch âm thầm của địa phủ. Ta là thần minh duy nhất trong vũ trụ, mà khắp hoàn võ tôn thờ dưới những danh hiệu, những hình thức khác nhau, bằng những lễ nghi khác nhau. Người gọi ta là Mẹ chúng thần.» [2]

Đối với Ấn giáo, thì Đại Ngã là chủ tể vạn vật. Cũng y như mọi tai hoa đều qui về trục bánh xe, mọi vật, mọi thần, mọi giới, mọi loài đều qui tụ về Đại Ngã.[3]

Đại Ngã như vậy là nguồn gốc xuất sinh vạn vật, là khuôn thiêng thêu dệt nên vạn hữu.[4]

Phật giáo cũng chủ trương đại loại rằng: «Trên mặt trùng dương Bản thể, gió nhân duyên đã làm nổi lên sóng vạn tượng chúng sinh. Vạn tượng, vạn hữu sinh sinh, diệt diệt, hoàn toàn bị chi phối bởi định luật nhân quả.

«Hiện tượng trong vũ trụ có sinh có diệt, có thủy có chung nhưng bản thể thì bất sinh bất diệt, bất tăng bất giảm… Bản thể gọi là Chân Như. Hiện tượng gọi là vạn pháp. Chân như thời hằng cửu và hữu ngã…» [5]

Quan niệm của Lão giáo cũng y thức như vậy.

Đạo Đức Kinh chương I viết:

«Hóa Công hồ dễ đặt tên,

Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.

Không tên sáng tạo thế gian,

Có tên là mẹ muôn vàn thụ sinh.

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình huyền vi.

Hai phương diện một Hóa nhi,

Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường.

Người là chúng diệu chi môn,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.» [6]

Khổng giáo, theo truyền thống của Dịch kinh, dĩ nhiên cũng chủ trương quan niệm «nhất thể vạn thù».

Linh mục Ricci phê bình chủ trương này - dĩ nhiên là theo nhãn quan Công giáo - như sau:

«Trào lưu tư tưởng mà nhiều người hiện nay, theo tôi có lẽ đã vay mượn ở một tà giáo (?) từ 500 năm nay (Tống Nho). Quan niệm ấy là: Thiên địa vạn vật nhất thể, người vật cỏ cây, tứ tượng đều hợp thành như một cơ thể duy nhất mà vạn vật là những phân bộ. Từ quan niệm nhất thể ấy, họ rút ra nhiệm vụ bác ái đối với mọi người, và chủ trương mọi người đều có thể nên giống Thượng đế.» [7]

Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo không quan niệm rằng vạn vật do Tuyệt đối thể, do Thượng đế phóng phát (émaner) ra, nhưng vạn vật đã do Thượng đế tạo dựng nên.

Thiên Chúa giáo cho rằng vạn vật đã được tạo dựng từ hư vô, dựa vào lời sách Maccchabées (I, Macchabées, VII, 28).

Tuy nhiên, dùng quan niệm «nhất thể vạn thù» làm tiêu chuẩn ta cũng có thể hiểu nhiều đoạn Cựu Ước và Tân Ước một cách thấu đáo hơn.

Thực vậy nhiều đoạn thánh kinh đã chủ trương Thiên Chúa đã tạo dựng nên vạn vật qua trung gian của Đạo, của Logos. Để chứng minh điều ấy chúng ta hãy tìm đọc:

- Khải Huyền, I, 8- 21; 6, 2- 23.

- Romaine, XI, 36

- I, Cor., 8, 6.

- Phúc Âm thánh Joan, Phi lộ, 2, 3.

- Col., I, 16- 17.

- Ecclésiastique 24, 1- 10.

- Minh triết, II, 17, v.v.

Trong thư gửi cho người Colossiens, thánh Paul viết:

«Ấy chính ngài là hình ảnh của Chúa Trời vô ảnh, là trưởng tử đứng đầu quần sinh. Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật hữu hình hoặc vô hình, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chính, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà dựng nên cả. Ngài có trước muôn vật và muôn vật tồn tại trong Ngài… Vì Chúa đã làm cho Ngài chứa chan sự Viên mãn của Chúa.[8]

Các nhà bình luận thuộc Thánh kinh Jérusalem, khi bình đoạn này, đã cho rằng Thánh kinh vốn chủ trương vũ trụ tràn đầy sự hiện diện sáng tạo của Thượng đế, một quan niệm hết sức phổ biến ở Hi lạp và La mã.

  1. QUAN NIỆM THIÊN NHÂN TƯƠNG DỮ CỦA DỊCH KINH VỚI CÁC ĐẠO GIÁO

Trương Kỳ Quân, một học giả Trung Hoa lỗi lạc hiện thời, đã viết như sau trong tạp chí «Trung Quốc nhất chu» và trong «Trung hoa ngũ thiên niên sử» của Ông như sau:

«Trung Quốc tự thời Đường Ngu (Nghiêu, Thuấn) tới nay đều có chủ trương Trời người có thể kết hợp… Kính Trời cốt để yêu người, yêu người cốt để kính Trời… các thánh triết lịch đại chỉ cốt làm sáng tỏ lẽ «Thiên Nhân hợp nhất».[9]

Trong bài khảo luận của Ông về Chu Dịch, ông cũng viết: «Sách Dịch thật mênh mông bao quát, nhưng đại khái là cốt xiển minh lẽ «Thiên nhân tương dữ».[10]

Chủ trương Thiên nhân hợp nhất, hay nói nôm na, chủ trương Trời chẳng xa người, chính là một chủ trương căn cốt của các đạo giáo, tuy xưa nay ít được khai thác một cách thỏa đáng.

Ít ngày trước khi bị khổ nạn chúa Jésus đã khẩn nguyện cùng đức Chúa Cha như sau:

«Ấy chẳng những vì họ mà con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin con nữa, để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha, để cho họ cũng ở trong chúng ta…» [11]

Ngài lại nói: «Ta sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời tức là Thần Chân lý mà thế gian không thể tiếp nhận được vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài, nhưng các ngươi biết Ngài vẫn ở với các ngươi, và sẽ ở trong các ngươi.» [12]

Trong bài thuyết trình tại Thượng viện Hi lạp, thánh Paul nói: «Ngài đã khiến cho muôn dân, sinh ra cùng một tông tổ, tràn lan khắp mặt đất, đã ấn định cho họ thời gian, và đã giới hạn cơ ngơi cho họ, để cho con người rờ rẫm, tìm kiếm và đạt tới thiên vị, tìm ra được thiên thể; vả chăng Trời cũng chẳng có xa người. Thật vậy chúng ta sống động và sinh tồn trong Ngài. Vả lại một triết gia của quí quốc cũng đã nói: «Chúng ta là dòng dõi Ngài.» [13]

Khảo thánh thư Ấn giáo, ta thấy Áo Nghĩa thư đã viết:

«Ngã (Atman) ở trong tim tôi nhỏ hơn hạt thóc, nhỏ hơn hạt mì, nhỏ hơn hạt cải, nhỏ hơn hạt kê, nhỏ hơn nhân hạt kê, cũng Atman ở trong tim tôi đó lại lớn hơn không gian, lớn hơn muôn ngàn vũ trụ.» [14]

«Đó là Chân tâm trong lòng tôi, đó chính là Brahma.» [15]

Áo Nghĩa Thư cũng đưa ra đại công thức Tat Tvam Asi: Cái đó chính là Con.

«Sự thực, con ơi, cái thực thể tế vi mà con không tự giác được, chính nhờ cái thực thể tế vi ấy mà cây vả này mọc lên…

Con ơi, con hãy tin rằng, cái thực thể tế vi ấy đã tạo thành cả thế giới, toàn thể vũ trụ. Đấy là thực tại, đấy là Atman. Chính con là cái ấy. Tat Tvam Asi.» [16]

Cho nên cái học cao siêu nhất là học để tìm cho ra được đấng vô cùng.

«Biết rằng trong dạ có Trời,

Rối ren ngu muội tức thời tiêu tan.» [17]

Công phu tu luyện cao siêu nhất là được kết hiệp với Atman, với Thượng đế.

«Từ nay âu đã thành thần,

Từ nay mơ ước hồng trần tiêu tan.

Người phàm nay đã siêu phàm,

Lòng trần nay đã biến sang lòng Trời.» [18]

Vả lại tìm Tuyệt đối thể, không phải lìa đời, không phải lên thâm sơn, cùng cốc, vì Tuyệt đối thể ở ngay trong lòng con người, ở ngay trong tâm khảm con người.

«Chân tâm nhỏ tựa ngón tay,

Lồng trong tâm khảm muôn loài thụ sinh.

Tâm thần trí lự bao quanh,

Ai mà biết được trở thành thần tiên.» [19]

Thánh thư Coran của Hồi giáo cho rằng Thượng đế ở gần con người hơn tĩnh mạch cổ con người.[20]

Quan niệm «Thiên nhân tương dữ» đã thấy có từ xa xưa ở Trung Hoa.

Kinh Thi viết:

«Quân Thương Ân bạt ngàn Mục Dã,

Một rừng người chật cả sa tràng.

(Cho ba quân thêm dạ sắt gan vàng.)

(Võ Vương kêu:) Thượng đế ở cùng ta đó,

Ba quân hãy vững lòng vững dạ.» [21]

Lời kêu gọi đó đã làm cho binh sĩ nhà Châu hứng khởi, ào lên đánh tan quân Thương Ân trong một buổi sáng…

Trương Hoành Cừ chủ trương: «Người theo đạo Nho sẽ từ chỗ toàn thiện tới chỗ minh triết hoàn toàn. Cho nên «Thiên nhân hợp nhất» là tuyệt đỉnh của sự học vấn, và như vậy con người có thể thành thánh …» [22]

Sách Đại Đỗng chân kinh của đạo Lão chủ trương:

«Nhân Thiên bản tự vô sai biệt,

Nhất điểm linh quang hỗn Thái Huyền.» [23]

Mục đích của đạo Lão chính là vươn lên trên tầm kích thường nhân để kết hợp với Thượng đế. Vì thế Đại Đỗng chân kinh mới viết:

«Tận nhân dĩ hợp Thiên.» [24]

Nhưng Trời phải hiển hiện trong lòng con người, thì lúc ấy mới có thể gọi là đạt đạo.[25]

Vì thế Lão tử mới nói: «Kết hợp với Trời là tuyệt điểm tinh hoa của cổ nhân.» [26]

III. QUAN NIỆM VẠN VẬT TUẦN HOÀN CHUNG NHI PHỤC THỦY VỚI CÁC ĐẠO GIÁO

Dịch kinh chủ trương vạn vật biến thiên tiến thoái theo hai chiều tinh thần, vật chất, âm dương, vãng lai phản phúc, tuần hoàn.

Chiều từ tinh thần ra vật chất, ngoại cảnh là chiều THOÁI (involution). Chiều từ vật chất về lại tinh thần là chiều TIẾN (évolution).

Người xưa nói: «Hậu thăng, tiền giáng định nhất chu.» 後 升 前 降 定 一 周 (Giáng trước, thăng sau định một vòng.)

Vì có vãng lai phản phúc tuần hoàn, nên lúc khởi đầu cuộc đại tạo vạn vật đều hồn nhiên, vô tội, và đến lúc chung cuộc lại trở nên tinh toàn.

Đó là ý nghĩa câu: «Thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy.»

Thiệu Khang Tiết một nho gia tinh thông Dịch lý đã toát lược lẽ vãng lai phản phúc như sau: «Vạn vật từ Trung điểm (Tuyệt đối) phát xuất ra, cuối cùng lại trở về Trung điểm.» [27]

Đại Đỗng chân kinh viết: «Thủy chung như nhất.» [28]

Lão Tử viết:

«Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.

Hoàn bản nguyên an nhiên, phục mệnh,

Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.» [29]

Sách Khải Huyền của Thiên Chúa giáo viết: «Ta là Thủy và là Chung.» (Apocalypse, 18, 21; 6, 2- 23).

Nếu mà Thủy Chung như nhất, mà Thủy và Chung chính là Thượng đế, thì thủy và chung đều phải hết sức tốt đẹp.

Vì vậy mà trong Sáng thế ký, khi Chúa tạo dựng nên muôn loài đã phải khen muôn loài đẹp đẽ.[30]

Cũng vì vậy, mà khi đề cập đến buổi bình minh nhân loại thì Á cũng như Âu đều cho đó là một thời hoàng kim…

Sách Khải Huyền chủ trương, lúc chung cuộc, Trời sẽ chung sống với người, trong một thế giới mới, trong một thành Jérusalem mới, huy hoàng rực rỡ, cạnh dòng sông Trường sinh trong vắt, và cạnh cây Trường sinh đầy hoa quả tốt tươi. (Khải Huyền, chương 21).

Nếu đầu mà hay, cuối cùng lại đẹp, thì lúc nhân loại lao lung, cùng khốn, khổ cực nhất là khi lịch sử nhân quần diễn biến tới lúc nửa đời, nửa đoạn, nửa cuộc, nửa chừng.

Các tai họa mà các đạo giáo mô tả sẽ xảy ra trong ngày thế mạt, thực ra chỉ là những hồi chuông cảnh tỉnh, những tai họa báo tri một khúc quanh lịch sử vô cùng quan trọng, lúc mà nhân loại thức tỉnh thực sự, để nhận thức được rằng Trời chẳng xa người, lòng trời đã lồng ngay trong lòng sâu con người.

Dịch viết: «Phục kỳ kiến Thiên địa chi tâm hồ.» 復 其 見 天 地 之 心 乎. Thật là vô cùng thâm thúy. (Xem Dịch kinh nơi quẻ Phục).

Khúc quanh lịch sử ấy cũng tương tự như ngày Đông chí của một năm. Ngày Đông chí tuy là ngày tối tăm, lạnh lẽo nhất trong năm, nhưng lại là ngày mà vừng dương trở gót lại trên đường trời, để trở về cùng trái đất, đem ánh sáng, đem ấm áp dần về cùng trái đất, và chuẩn bị một mùa xuân mới huy hoàng rực rỡ.

  1. DỊCH KINH VỚI QUAN NIỆM THIỆN ÁC

Dịch kinh chuyên dạy cách xu cát tị hung, tức là dạy cho mọi người biết cách trừ diệt lầm than, khổ ải, và mưu cầu hạnh phúc, sung sướng.

Dịch kinh cho rằng Thiện là những gì hợp với đạo lý, tâm lý, vật lý, là những gì hỗ trợ cho cuộc tiến hóa quần sinh, là những gì đem lại an bình, hạnh phúc cho nhân thế; ác là những gì đi ngược lại các định luật vũ trụ, tâm lý, sinh lý, vật lý, v.v. tất cả những gì làm cho con người hủ hoại, thoái hóa, tất cả những gì làm cho con người lầm than cơ cực.

Dịch kinh cho rằng con người sở dĩ lầm than, khổ sở là vì còn đang sống trong tương đối, trong không gian thời gian, là vì không am tường đạo lý, tâm lý, vật lý, không có cái nhìn bao quát thấu đáo về thực tế, không biết cách tiến thoái cho hợp thời hợp cảnh, không biết cách thích nghi với hoàn cảnh; không biết cách chế ngự hoàn cảnh; lại còn chia rẽ, không đoàn kết, không đồng lao cộng tác, lại còn mất tự tín, tự chủ, tự cường.

Vậy muốn được thắng lợi, được thành công, được hạnh phúc, cần phải biết suy tư nghiên cứu để hiểu rõ hoàn cảnh mình đang sống, những khó khăn mình đang gặp, để tìm cho ra những phương pháp chế ngự được hoàn cảnh, khắc phục được mọi nỗi khó khăn; phải biết tự tín, tự cường; phải biết bình tĩnh và bền gan khi gặp hoạn nạn; phải biết khiêm cung, thận trọng khi đắc thời, đắc thế; phải tuân theo đạo lý, thiên lý, tâm lý, vật lý; phải biết đoàn kết, tương ái, tương thân để cùng nhau xây đắp tương lai.

Vả bao lâu mà hình hài, ngoại cảnh còn làm chủ con người, thì bấy lâu con người còn lao đao, lận đận; bao lâu con người còn sống trong xung khắc mâu thuẫn, dù là trên bình diện nội tâm, hay trên bình diện ngoại cảnh, thì bấy lâu con người còn khắc khoải, khổ đau. Bao giờ tâm thần con người làm chủ, mà ngoại cảnh chỉ đóng vai phụ bật, bao giờ con người hòa hợp được tâm thần mình với ngoại cảnh, với tha nhân, với vũ trụ, với Toàn thể, bao giờ con người vượt được lên trên cái thế giới tương đối, mâu thuẫn này, thì bấy giờ con người mới thoát khổ.

Tuy nhiên, dở hay ở trên đời này, tất cả đều là những yếu tố giúp cho con người lập được đại công, đại nghiệp …

Tuy Dịch kinh không nói rõ ràng như vậy, nhưng những tư tưởng trên ẩn ước và bàng bạc trong suốt bộ Dịch, từ Thoán đến Tượng, từ quẻ đến hào, từ Kinh đến Truyện, cho nên người học Dịch sẽ tìm ra được những quan niệm ấy không mấy khó khăn.

Các đạo giáo thiết tưởng không thể nào dạy được gì cao siêu hơn.

  1. Ý NGHĨA CUỘC BIẾN HÓA CỦA MUÔN LOÀI

Dịch là biến hóa. Dịch kinh chủ trương vạn vật đều biến hóa không giây phút nào ngừng nghỉ.

Nhưng, như trên đã nói, sự biến hóa của Dịch kinh là một vòng tuần hoàn, chứ không theo một đường thẳng đẵng như các học thuyết Âu châu.

Thuyết biến hóa của Dịch có hai chiều giáng, thăng, thoái hóa (involution), tiến hóa (évolution) chứ không một chiều một hướng như thuyết tiến hóa của Lamarck, Darwin.

Dịch chủ trương biến hóa từ thần đến vật, rồi lại từ vật đến thần, để thủy chung như nhất, chứ không tiến hóa một chiều, lửng lơ từ vật đến người, như thuyết tiến hóa của Darwin.

Dịch lại cho rằng vạn vật biến hóa để thực hiện bản thể, tinh hoa của mình, để cuối cùng trở về hợp nhất với Thái Hòa (Dịch, Kiền quái).

Như vậy vạn vật biến hóa có mục phiêu, chứ không phải biến hóa mù quáng, bừa bãi, theo như nhãn quan biến hóa duy vật.

Thuyết vạn vật biến hóa của Dịch, mục phiêu biến hoá của Dịch cho chúng ta một niềm hi vọng vô biên về tương lai.

Dịch cũng giúp chúng ta hiểu được một đoạn văn hết sức bí ẩn của thánh Paul trong thư gửi người Romains. Ngài nói: «Thực vậy, tôi tưởng rằng những sự đau khổ của thời buổi này chẳng có thể so sánh được với vinh quang rồi đây sẽ hiển dương trong chúng ta. Tất cả tạo vật đang nóng lòng chờ đợi sự xuất hiện của những con Thiên Chúa.» (Rom. 8, 18).

Thế là đối với thánh Paul, sự biến hóa của cuộc đại tạo này chỉ có mục đích giúp con người thành thần minh, thành những Con Thiên Chúa thật sự.

Tư tưởng này từ hơn một thế kỷ nay càng ngày càng trở nên rõ rệt.

Lecomte du Noüy gần đây cũng chủ trương rằng mục đích xa xăm của cuộc tiến hóa là thực hiện một giống người siêu đẳng, những «thần nhân».[31]

Teilhard de Chardin viết:

«Tôi tin rằng vũ trụ tiến hóa.

«Tôi tin rằng cuộc tiến hóa sẽ tiến tới Thần Linh.

«Tôi tin rằng Thần Linh sẽ kết thúc trong Thượng đế hữu ngã.

«Tôi tin rằng Thượng đế hữu ngã tuyệt đối là đấng Christ đại đồng phổ quát.» [32]

Radakhrishnan viết: «Thủy chung như nhất.»[33] Ông lại viết thêm; «Lịch sử diễn biến từ Thần và lại trở về Thần.» [34]

Như vậy theo lẽ Dịch thì vạn vật đều biến hoá không ngừng để thực hiện định mệnh, thực hiện tinh hoa.

Một người đạo hạnh chân chính, theo đúng lẽ Dịch của trời đất, cũng phải biết luôn:

Biến hóa hoàn cảnh để cho đời sống vật chất thêm đẹp tươi.

Biến hóa tâm tư, cải thiện đồng loại, để xã hội ngày càng thêm công bình trật tự.

Biến hóa tâm thần để trở nên tinh toàn hoàn thiện, phối hợp với Thượng đế.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh