Hướng Tinh Thần: Chương 3. Quan Niệm Tam Tài Và Lưỡng Nguyên Với Khoa Tôn Giáo Đối Chiếu

HƯỚNG TINH THẦN: CHƯƠNG 3. QUAN NIỆM TAM TÀI VÀ LƯỠNG NGUYÊN VỚI KHOA TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

Muốn hiểu về đạo giáo, trước hết phải hiểu về con người cho thấu đáo.

Trên cửa thành Delphes đã có ghi: «Gnohti seauton» (Hãy biết mình). Câu đó sau này đã được Socrate lấy làm phương châm.

Con người thực ra là một cái gì kỳ bí. Chẳng thế mà khi Alexis Carrel viết một quyển sách nói về con người, ông đã lấy nhan đề là «Con người, kẻ xa lạ ấy». Cũng vì vậy mà những nhận định về con người xưa nay rất là khác nhau tùy nơi và tùy người.

Người thì cho rằng con người gồm có ba phần: Thần, Hồn, Xác. Đó là quan niệm tam tài.

Người thì cho rằng con người chỉ có xác và hồn. Đó là quan niệm lưỡng nguyên.

Chúng ta sẽ lần lượt học hỏi về hai quan niệm này và ảnh hưởng của chúng trên phương diện đạo giáo.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

  1. QUAN NIỆM TAM TÀI (Conception tripartite de l’homme)

Quan niệm tam tài rất phổ biến ở Á Châu. Các đạo giáo Á Châu đều chấp nhận quan niệm này. Con người gồm có:

Theo Khổng giáo: Xác, Tâm (Nhân tâm), Tính (Đạo tâm, Thiên địa chi tâm).

Theo Lão giáo: Xác (Tinh), Khí (Hồn), Thần.

Theo Phật giáo: Xác, Vọng tâm, Chân tâm.

Theo Ấn Độ giáo: Xác, Tiểu ngã (hồn), Đại ngã (Atman).

Trong hội nghị tôn giáo ở Lahore Pakistan, tháng 12, năm 1896, Ông Harzat Ahmad, đại diện chính thức Hồi giáo đã dùng thuyết Tam Tài để giải thích và toát lược thánh thư Coran. Ông cho rằng Coran chủ trương con người có bình diện:

- Bình diện thể chất hay Nafs-ammara.

- Bình diện tâm hồn hay Nafs-lawwama.

- Bình diện siêu nhiên hay Nafs-matmainnah.[1]

Theo Papus,[2] thì các triết gia huyền học hiện đại, khoa học huyền bí hiện đại, môn phái thần bí Allen Kardec, một số môn nhân Rose Croix, Cổ giáo Ai Cập, Mật giáo (Kaballe) Do Thái, Pythagore, Paracelse, và Thánh Paul cũng đều chủ trương thuyết Tam Tài về con người.

Môn phái Valentin (thành lập vào khoảng năm 140 do Valentin ở Alexandrie) cũng cho rằng con người có thể phân chia thành ba hạng:

- Phàm phu tục tử, xác đất, vật hèn (hyliques).

- Những người có nhân cách (les Psychiques).

- Những người có tiên cách (spirituels).[3]

Quan niệm Tam Tài thực ra cũng được Thánh kinh công giáo chủ trương.

Quyển Con đường cứu rỗi của Charles Gerber, một tác giả thuộc giáo phái Cơ Đốc Phục lâm đã cho thấy:

- Chữ Thần được nhắc 827 lần trong Thánh kinh.

- Chữ Hồn được dùng 873 lần trong Thánh kinh.[4]

Giáo phái «Chứng nhân của Jéhovah» sau khi lấy thánh kinh để chứng minh rằng nhân tâm hay hồn thường được chỉ bằng những từ ngữ Psyché (Hi Lạp) và Nephesh (Do Thái),[5] còn dùng thánh kinh để minh chứng hùng hồn con người không bất tử.[6]

Chữ Hồn và Thần đã được đề cập đến trong kinh Magnificat (Luc, I, 46, 47).[7]

Quan niệm Tam Tài về con người đã được Thánh Paul chủ trương rất rõ ràng.

Trong Thánh thư I gửi cho dân Thessalonica, chương V, câu 23, ngài viết: «Ứớc gì toàn thân anh em: Thần, hồn, xác được giữ vẹn không chê trách được cho tới ngày Chúa Jésus Kitô chúng ta đến.» [8]

Trong thánh thư gửi cho người thành Corinthe ngài phân biệt «con người tâm lý» (homme psychique) và «con người siêu nhiên» (homme spirituel).[9]

Trong thư gửi cho người Do Thái ngài viết: «Vì lời Chúa sống động, linh nghiệm và sắc bén hơn bất kỳ gươm hai lưỡi nào, nó có thể thấu vào tới chỗ phân chia của hồn và thần.»[10] Thiết tưởng không thể nói rõ hơn được.

Bản thánh kinh Jérusalem bình rằng đối với thánh Paul, thì «Psychê» (tiếng do Thái: Nephesh) chỉ nhân tâm. Nó cần phải nhường bước cho pneuma (thần) để con người có thể sống đời sống thần minh.[11]

Averroès (1126-11980) - một triết gia Ả Rập ở Tây Ban Nha, một học giả Hồi giáo trứ danh đã từng bình giải các tác phẩm Aristote - cũng chủ trương rằng hồn con người có liên lạc mật thiết với khối óc, và sẽ chết theo khối óc, nhưng trong con người còn có Lý, trường sinh vĩnh cửu. Tu luyện Lý ấy, con người sẽ có thể kết hợp với «Lý sống động», với «Thần linh hoạt» phổ quát và vĩnh cửu.[12]

Sự phân biệt con người thành «nhân» và «thần» cũng được thánh Augustin bàn phớt đến, khi ngài cho rằng Văn hóa thuộc về nhân đạo, Thánh thiện thuộc về Thiên đạo.[13]

Các giáo phụ môn phái Alexandrie như Origène, Grégoire de Nysse áp dụng quan niệm Tam Tài để cắt nghĩa thánh kinh. Các ngài cho rằng thánh kinh có ba thứ nội dung:

- Nội dung xác chất đó là từ ngữ.

- Nội dung tâm hồn đó là nghĩa tâm lý.

- Nội dung tinh thần đó là nghĩa huyền học.[14]

Dante (1265- 1321) cũng công nhận thuyết tam tài về con người.

«Quan niệm Ông là một nền nhân bản coi vũ trụ là một toàn thể, và coi con người là nhãn giới tiếp giáp giữa Thượng đế và vạn vật; là một thực thể duy nhất nhưng nối kết thế giới vật chất bằng ngũ quan, thế giới tư tưởng bằng tâm tư, và thế giới huyền vi bằng thần.» [15]

  1. QUAN NIỆM LƯỠNG NGUYÊN (théorie dualiste de l’homme)

Thần học Công giáo không chấp nhận quan niệm tam tài về con người, mà chủ trương con người chỉ có hai phần: Hồn và xác.

- Hồn thì thiêng liêng, bất tử

- Xác thì tử vong.

- Nhưng khi còn sống hồn và xác kết hợp mật thiết với nhau thành một con người, và sau này khi tận thế và tới ngày phán xét chung, xác mọi người sẽ sống lại hợp với hồn để được thưởng hay chịu phạt đời đời.

Công đồng Latran IV (1215) và Vatican I (1869-1870) đã xác định con người chỉ có hai phần hồn và xác, và không chấp nhận quan niệm tam tài của Platon, của phái Gnostiques, của phái Manichéens, của phái Apollinaristes, v.v.

Công đồng chung thứ 8 họp tại Constantinople (869- 870) phi bác lý thuyết cho rằng con người có hai hồn, và đã xác định con người chỉ có một linh hồn biết nghĩa lý.

III. HỆ QUẢ CỦA HAI QUAN NIỆM TRÊN ĐỐI VỚI ĐẠO GIÁO

Vì tin rằng con người gồm đủ cả ba phần Trời Đất Người trong một thân, nên:

- Đối với các đại hiền triết Á đông, thì dưới lớp «nhân tâm», còn có «Thiên địa chi tâm» bao la huyền diệu, vĩnh cửu trường tồn, làm khuôn vàng thước ngọc huyền vi cho những hành động con người, làm tiêu chuẩn cho công trình tiến hóa con người.

- Thiên địa chi tâm huyền diệu, tinh hoa muôn thuở ấy là:

. Atman (Đại Ngã) trong Ấn giáo.

. Chân Như, Phật tính, Chân tâm, Bản lai diện mục trong Phật giáo.

. Đạo hay Kim Đan trong Lão giáo.

. Tính, Thiên tính, Minh đức hay Đạo tâm trong Khổng giáo.

- Thiên địa chi tâm trong con người đồng nhất với căn nguyên duy nhất ngoài đại vũ trụ, cho nên chính là Chân NhưBrahmanTrời, là Đạo.

- Như vậy, tâm hồn ta có hai phần: một phần thẳm sâu, ẩn áo, huyền vi và cao minh, linh diệu như Trời. Đó là bản thể, bản tính nhân loại hoàn thiện tuyệt đối, siêu xuất không gian, thời gian, hình thức, sắc tướng; một phần là ta, là tâm hồn ta, theo nghĩa thông tục, biến thiên, nhỏ nhoi, hèn mọn, đượm màu sắc không gian, thời gian, vấn vương trong hình thức, sắc tướng.

- Nói cách khác, tuy các đại hiền triết Á đông dùng danh từ khác nhau, nhưng chung qui, đều tin có tuyệt đối thể, có Thượng đế ở đáy lòng.[16] Cho nên mục phiêu các nhà triết học, các hiền thánh đông phương là cố tìm cho ra «Thiên địa chi tâm» tìm cho ra bản thể huyền diệu tâm hồn mình để cố vươn lên, cố thoát khỏi cái mình nhỏ nhoi, ti tiện, cố dùng mọi tiện nghi hoàn cảnh, cố dùng quang âm để hoàn thiện mình để phối hợp «nhất như» với «tuyệt đối thể» trong tâm khảm mình.[17] Đó cũng chính là mục đích của các môn Thiền định và Yoga.[18]

- Đạt mục tiêu ấy sẽ thành Phật, thành tiên, thành thánh.

. Đó là Niết Bàn (Nirvana)

. Đó là Phối Thiên (Kết hợp với Trời)

. Đó là «đắc Đạo» (Được Trời)

- Đạo giáo Á đông đều xây nền móng trên «tâm thần hằng cửu» nhân loại, nên chỉ chấp nhận một chân lý tuyệt đối bất khả tư nghị, ấy là bản thể tuyệt đối, ấy là chân tâm con người. Ngoài ra tất cả đều tương đối: Sách vở, phương pháp, các lời huấn dụ, giảng giáo chỉ là những phương tiện để đưa tới chân lý.

Quan niệm Tam Tài cũng giúp ta hiểu được những nhận định về con người của thánh Paul, cũng như những sự phân biệt về các tầng lớp trong con người mà ta thường thấy trong các thánh thư Ngài, hoặc trong Cựu ước.

Ví dụ:

. Con người (Fils de l’homme) (phần Nhân)[19]

. Con Trời (Fils de Dieu) (Phần Thiên)[20]

. Thế nhân (Homme psychique)[21]

. Thiên Nhân (Homme spirituel)[22]

. Thế nhân hay phàm nhân thời tử vong.[23]

. Thiên nhân hay Thần nhân thời bất tử.[24]

Quan niệm Tam Tài còn làm cho chúng ta thấu hiểu được duyên do các hiện tượng đạo giáo, chính trị, nhân văn, khoa học của loài người.

  1. Con người vì có phần Thiên, nên bất kỳ dân tộc nào xưa nay cũng công nhận mình là dòng dõi thần minh, cũng coi các vị giáo chủ mình là Thần, Phật, Tiên, Thánh.

Jean Danielou viết: «Ngay trong khi thờ phượng, con người đã tỏ ra khả năng tự vượt, tự thắng, tự lập; trong khi tìm hiểu về mầu nhiệm Thượng đế, con người mới tìm thấy chân tướng mình.» [25]

Vì con người có phần thiên, phần thần, nên mọi dân tộc xưa nay mới trọng vọng giá trị con người, coi con người trọng hơn vũ trụ bên ngoài, tin rằng con người có thể đi đến chỗ bất tử, trường sinh, vĩnh cửu.

Các vị chân nhân đã linh giác được rằng trong mình có Trời ẩn áo, nên mới dám nói:

«Ta và trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.» [26]

Hoặc: «Trời và người vốn là một.» [27]

Hoặc: «Tính trời tức là con người.» [28]

- Vì có phần Thiên, nên con người mới mong tu luyện để «Phối Thiên»,[29] kết hợp làm một với Trời,[30] trường sinh vĩnh cửu cùng trời đất.[31]

  1. Con người vì có phần Nhân, nên ta mới thấy xưa nay nhân loại đã cố đề cao một nền văn hóa nhân bản, đề cao luân lý, đề cao văn chương nghệ thuật, đề cao nhân phẩm con người, và muốn cho con người sống thanh cao, hạnh phúc trong một cộng đồng văn minh, tiến bộ, đoàn kết thương yêu. Đó cũng chính là những mục đích luân lý, xã hội của các đạo giáo.
  2. Con người vì có phần địa, phần xác, nên mới luôn lo canh tác đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện các điều kiện kinh tế, sản xuất v.v… Vì có phần địa, phần xác nên trong lời kinh nguyện con người luôn luôn xin cho đủ ăn, đủ mặc, được mạnh khỏe, khỏi cơ cực v.v…

Ba phần ấy xác định toàn thể con người.

- Phần Thiên, phần Thần thì ở thẳm sâu trong đáy lòng con người, và mang nhiều danh hiệu như Chân tâm, Hư vô, Tuyệt đối, Brahman, Atman, Logos v.v… Chỉ những bậc hiền thánh mới đạt được tới tầng sâu con người và mới thực sự được giải thoát.

- Phần nhân là phần được các đạo giáo, các triết gia, luân lý gia, chính trị gia, văn nghệ sĩ khai thác nhiều nhất, mục đích là làm sao cho mọi người có được một đời sống hạnh phúc, sung sướng, xứng đáng với danh nghĩa con người.

- Phần địa, phần xác là phần được các khoa học gia, kỹ thuật gia hết sức chú trọng, khai thác nhất là từ hơn một thế kỷ nay.

Theo J. Laloup, thì Ấn Độ đã tìm hiểu sâu xa về Trời, Trung Hoa đã nghiên cứu kỹ lưỡng về nhân luân, Âu Châu tỏ ra xuất sắc về sự tìm hiểu và sự chinh phục thế giới vật chất.[32]

- Thần học Công giáo không chấp nhận thuyết tam tài với chủ trương Trời chẳng xa người, và Trời đã tiềm ẩn trong lòng con người.

Nhưng đạo Công giáo đã có công rất nhiều trên phương diện thực tế vì đã làm cho Thượng đế trở nên gần gũi với con người bằng phép Thánh thể.

Thánh Pierre nói tin đạo tức là dễ có thể thông phần bản tính Thiên Chúa.[33]

Thánh Paul khuyên: «Anh em hãy ngợi khen Thiên Chúa và mang Thiên Chúa trong mình anh em.» [34]

Tóm lại bất kỳ ở Á hay Âu, người thường nhân chẳng bao giờ tin được rằng Thượng đế có thể gần gũi con người. Còn các bậc thánh hiền thì đều tin rằng Thượng đế chẳng ở đâu xa mà đã ngự ngay trong tâm thần con người, và lòng con người chính là đền thờ Thiên Chúa.[35]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

TỦ SÁCH TINH HOA:

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh