Trưởng Thành - Trách Nhiệm Là Chính Mình: Luật Của Già Đi

TRƯỞNG THÀNH - TRÁCH NHIỆM LÀ CHÍNH MÌNH: LUẬT CỦA GIÀ ĐI

Mọi người đều già đi. Vì ngày bạn được sinh ra bạn đã bị già đi rồi - từng khoảnh khắc, từng ngày. Thời thơ ấu là một luồng, thời thanh niên cũng vậy - chỉ thời già lão là không bao giờ chấm dứt, bởi vì nó kết thúc! Đó là phẩm chất duy nhất của thời già lão, rằng nó đem bạn tới nơi nghỉ ngơi chung cuộc. Nhưng nếu bạn muốn có một vài luật cho tuổi trung niên... Khi có liên quan tới tôi, tôi chưa bao giờ là đứa trẻ, chưa bao giờ là thanh niên, và chưa bao giờ trở nên già và chưa bao giờ chết. Tôi chỉ biết một điều trong tôi mà tuyệt đối không đổi và vĩnh hằng. Nhưng chỉ vì các bạn...

Có nhiều luật về tuổi trung niên, bởi vì trên khắp thế giới mọi người đều trở nên già. Và nhiều nhà tư tưởng đã từng suy tư, thời già lão này là gì?

Luật đầu tiên là Luật Mất của De Neve; nó hiển nhiên là về thời già lão, luật này có thể là luật đầu tiên và cuối cùng: "Đừng bao giờ bàn tán về điều có thể được biết chắc chắn."

Bạn biết hoàn toàn rõ bạn đang già đi, bây giờ đừng bàn tán về điều đó, điều đó sẽ làm cho bạn khổ hơn.

Luật này hay - "đừng bao giờ bàn tán về điều có thể được biết chắc chắn." Thực tế, ngoại trừ cái chết chẳng cái gì là chắc chắn trong cuộc sống cả; mọi thứ đều có thể được bàn tới, nhưng đừng bàn về cái chết. Và thời già lão chỉ là cánh cửa tới cái chết.

"Tuổi trung niên là khi bạn bắt đầu đổi xúc động của mình thành các triệu chứng."

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

"Bạn biết mình đang già đi khi đàn bà nói không, và mọi điều bạn cảm thấy là sự nhẹ nhõm."

"Tuổi già là khi bạn bắt đầu vặn bớt đèn để tiết kiệm chứ không theo các lí do lãng mạn."

"Tuổi già là thời kì của cuộc sống khi ý tưởng tiến lên của bạn thậm chí là đứng lại."

"Tuổi già là khi bạn có thể làm như mọi khi, nhưng sẽ thà không làm."

Tuổi già là kinh nghiệm bí ẩn, nhưng tất cả những luật này đã được tìm ra bởi tâm trí phương Tây. Tôi không thể phát hiện ra bất kì ai trong toàn bộ văn đàn phương Đông nói về tuổi già theo cách này. Ngược lại, tuổi già đã được ca ngợi vô cùng. Nếu cuộc sống của bạn đơn giản đã đi theo đường ngang, bạn chỉ đang già đi, nhưng nếu cuộc sống của bạn, tâm thức của bạn, đi theo chiều đứng, đi lên, thì bạn đã đạt tới cái đẹp và niềm vinh quang của tuổi già. Tuổi già ở phương Đông đã đồng nghĩa với trí huệ.

Đây là hai con đường: một con đường theo chiều ngang, từ thời thơ ấu tới thời thanh niên tới tuổi già và tới cái chết; con đường khác theo chiều đứng, từ thời thơ ấu sang thời thanh niên sang tuổi già, và tới cái bất tử. Sự khác biệt về phẩm chất của cả hai chiều là mênh mông, không tính được. Người đơn giản trở thành thanh niên, và rồi già và rồi chết, vẫn còn bị đồng nhất với thân thể mình. Người đó đã chẳng biết gì về bản thể của mình, bởi vì bản thể không hề sinh và không hề chết; nó bao giờ cũng hiện hữu, nó bao giờ cũng đã hiện hữu, nó sẽ luôn luôn hiện hữu. Nó là tính toàn thể của vĩnh hằng.

Trên đường chiều đứng đứa trẻ trở thành thanh niên, nhưng thanh niên trên đường chiều đứng sẽ khác với thanh niên trên đường chiều ngang. Tuổi thơ là hồn nhiên, nhưng đó là điểm mà từ đó hai chiều hướng khác nhau này mở ra. Thanh niên trên đường chiều ngang không là gì ngoài bản năng dục, hoạt động dục và đủ mọi loại ngu xuẩn. Thanh niên trên đường chiều đứng là việc tìm kiếm chân lí, là việc tìm kiếm cuộc sống - đó là niềm khao khát biết bản thân mình.

Trên đường theo chiều ngang, thời già lão đơn giản run rẩy, sợ chết; nó không thể nghĩ được cái gì ngoại trừ nấm mồ, và bóng tối cứ trở thành ngày một tối hơn. Nó không thể quan niệm nổi bản thân nó ngoại trừ như bộ xương. Trên đường chiều đứng, thời già lão là lễ hội; nó đẹp như con người đã từng đẹp.

Tuổi thanh niên của bạn có chút ít ngu si - nó nhất định phải là vậy, nó không được kinh nghiệm. Nhưng tuổi già đã trải qua tất cả các kinh nghiệm - tốt và xấu, đúng và sai - và đã đi tới trạng thái không còn bị ảnh hưởng bởi bất kì cái gì liên quan tới thân thể hay tâm trí. Nó là sự đón chào! Tuổi già trên đường chiều đứng đang giữ cho cánh cửa của nó mở ra cho vị khách tối thượng bước vào. Nó không phải là kết thúc, nó là sự bắt đầu của cuộc sống thực, của sự hiện hữu đích thực.

Do đó, tôi liên tục phân biệt giữa trở nên già và trưởng thành. Rất ít người có may mắn để trưởng thành. Phần còn lại của nhân loại chỉ già đi - và một cách tự nhiên họ tất cả đều đi tới cái chết. Chỉ trên đường chiều đứng cái chết mới không tồn tại; đó là con đường tới bất tử, tới điều thiêng liêng. Và một cách tự nhiên, khi người ta trở nên già trong chiều đó người ta có sự duyên dáng và cái đẹp, từ bi và tình yêu.

Điều đó đã được lưu ý đi lưu ý lại mãi... Có một phát biểu trong kinh sách Phật giáo rằng khi Phật trở nên già hơn ông ấy trở nên đẹp hơn. Điều này tôi gọi là phép màu thực - không bước trên nước, bất kì người say nào cũng có thể thử điều đó. Không biến nước thành rượu, bất kì kẻ tội phạm nào cũng có thể làm được điều đó. Đây mới đúng là phép màu: Phật trở nên đẹp hơn ông ấy khi còn trong tuổi thanh niên; ông ấy trở nên hồn nhiên hơn ông ấy đã từng trong tuổi thơ ấu - đây là sự trưởng thành.

Chừng nào bạn còn chưa đi trên đường chiều đứng, thì bạn còn đang bỏ lỡ toàn bộ cơ hội của cuộc sống. Khi bạn đi trên đường chiều đứng mọi ngày bạn lại tới gần hơn với cuộc sống, không đi xa ra. Thế thì việc sinh của bạn không phải là sự bắt đầu của cái chết, việc sinh của bạn là sự bắt đầu của cuộc sống vĩnh hằng. Chỉ hai đường khác nhau mà khác biệt nhiều thế...

Phương Tây chưa bao giờ nghĩ về điều đó; đường chiều đứng chưa bao giờ được nhắc tới bởi vì họ chưa từng được nuôi dưỡng lớn lên trong bầu không khí tâm linh nơi sự giầu có thực là ở bên trong bạn. Cho dù họ nghĩ tới Thượng đế, họ vẫn nghĩ về ông ấy từ bên ngoài. Phật Gautam có thể phủ nhận Thượng đế - tôi phủ nhận Thượng đế - tuyệt đối không có Thượng đế bởi lí do đơn giản là chúng ta muốn bạn quay vào nội tâm. Nếu Thượng đế tồn tại, hay bất kì cái gì tương tự, nó phải được tìm thấy bên trong bạn. Nó phải được tìm thấy trong cái vĩnh hằng riêng của bạn, trong niềm cực lạc riêng của bạn.

Nghĩ về bản thân mình chỉ như cấu trúc thân thể-tâm trí là ý tưởng nguy hiểm nhất đã từng xảy ra cho mọi người. Điều đó phá huỷ toàn thể sự duyên dáng của họ, toàn thể cái đẹp của họ, và họ thường xuyên run rẩy và sợ hãi cái chết và cố gắng giữ cho tuổi già ở xa nhất có thể được. Ở phương Tây, nếu bạn nói với một bà già, "Bà trông trẻ thế," và bà ấy biết mình không còn trẻ nữa, bà ấy sẽ đứng trước gương hàng giờ để kiểm tra xem liệu tính thanh niên nào có còn lại ở đâu đó không. Nhưng bà ấy sẽ không phủ nhận điều đó, bà ấy sẽ sung sướng vô ngần. Ở phương Đông chẳng ai nói với bà già, "Bà trông trẻ thế " - mà ngược lại, tuổi già lại được kính trọng và yêu mến tới mức nói với ai đó "Bác trông trẻ hơn tuổi" là một kiểu xúc phạm.

Tôi nhớ tới một vụ đã xảy ra... Tôi đã ở cùng một gia đình, và họ rất quan tâm tới một người xem tay. Họ yêu mến tôi và tôi hay tới nhà họ ít nhất ba lần một năm, và ở đó ít nhất ba hay bốn ngày mỗi lần. Một lần khi tôi ở đó, không hỏi han gì họ đã thu xếp cho một người xem tay tới và xem tay tôi và nói điều gì đó về tôi. Khi tôi biết ra điều đó, mọi sự đã được thu xếp xong rồi; người xem tay đang ngồi trong phòng khách. Cho nên tôi nói, "Thôi được rồi, chúng ta cùng thưởng thức điều đó nữa!"

Tôi chìa tay ra cho ông ta; ông ta xem xét tỉ mỉ về nó rồi ông ta nói, "Ông phải ít nhất là tám mươi tuổi." Tất nhiên một trong những người con gái phát hoảng, "Điều này ngu quá. Cái loại đọc vân tay gì thế này...?"

Vào lúc đó tôi mới hơn ba mươi lăm - ngay cả người mù cũng có thể lượng được sự khác biệt giữa ba mươi lăm và tám mươi. Cô ấy thực sự giận dữ, và cô ấy bảo tôi, "Em phải thôi cái lão này. Lão có thể biết gì khác được?"

Tôi nói, "Em không hiểu. Em bị Tây hoá nhiều - được giáo dục theo kiểu phương Tây. Em đã từng tới phương Tây để học tập và em không thể hiểu được điều ông ấy nói."

Cô ấy nói, "Ông ấy nói gì? Điều đó rõ ràng thế chẳng cần phải hiểu; ông ấy đơn giản biểu lộ ra sự ngu ngốc của mình. Một thanh niên ba mươi nhăm tuổi, mà ông ấy lại nói rằng anh đã tám mươi tuổi rồi?"

Tôi kể cho cô ấy câu chuyện về Ralph Waldo Emerson... Một người hỏi Emerson, "Ông bao nhiêu tuổi rồi?"

Emerson nói, "Quãng độ ba trăm sáu mươi tuổi." Người này không thể nào tin được vào điều đó... và anh ta thì bao giờ cũng tin rằng Emerson là con người của chân lí! Điều gì xảy ra vậy, nhỡ mồm sao? Ông ấy có bị lão suy không? Hay ông ấy đùa?

Để làm cho mọi sự được rõ ràng anh ta nói, "Tôi không nghe thấy điều ông nói. Xin hãy nói cho tôi biết ông bao nhiêu...?"

Emerson nói, "Anh đã nghe thấy điều đó rồi - ba trăm sáu mươi tuổi."

Người này nói, "Tôi không thể tin được điều đó. Ông trông không quá sáu mươi mà."

Emerson nói, "Anh đúng theo một chiều thôi: theo chiều đứng ta ba trăm sáu mươi tuổi, và theo chiều ngang ta sáu mươi."

Có lẽ ông ấy là người phương Tây đầu tiên dùng cách diễn đạt chiều ngang và chiều đứng này. Emerson quan tâm tới phương Đông vô cùng, và ông ấy có vài thoáng nhìn đã đưa ông ấy lại gần hơn với các nhà tiên tri của Upanishads. Ông ấy nói, "Thực tế tôi đã sống sáu mươi năm; anh đúng. Nhưng trong sáu mươi năm tôi đã sống nhiều tới mức anh sẽ không có khả năng sống cho dù trong ba trăm sáu mươi năm. Tôi đã sống sáu lần hơn."

Đường chiều đứng không tính theo năm, nó tính theo kinh nghiệm của bạn. Và trên đường chiều đứng là toàn thể kho báu của sự tồn tại - không chỉ bất tử, không chỉ cảm giác về tính thượng đế, mà kinh nghiệm đầu tiên về tình yêu không căm ghét, kinh nghiêm đầu tiên về từ bi, kinh nghiệm đầu tiên về thiền - kinh nghiệm đầu tiên về sự bùng nổ mênh mông của chứng ngộ.

Không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà ở phương Tây, từ 'enlightenment' (bừng sáng, chứng ngộ) không có cùng nghĩa như ở phương Đông. Họ nói rằng sau thời đen tối thì tới thời bừng sáng. Họ ngụ ý những người như Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre, Karl Jaspers, là những thiên tài chứng ngộ. Họ không hiểu rằng họ đã dùng lầm một từ, kéo lê nó vào bùn. Cả Bertrand Russell lẫn Jean-Paul Sartre lẫn Karl Jaspers đều không chứng ngộ.

Chứng ngộ không xảy ra trên đường chiều ngang. Ngay cả trong tuổi già của mình Jean-Paul Sartre vẫn theo đuổi gái trẻ. Bertrand Russell đổi vợ nhiều lần thế - và ông ấy sống lâu trên đường chiều ngang, gần một thế kỉ. Nhưng ngay cả trong tuổi già của mình, mối quan tâm của ông ấy vẫn ngu xuẩn như mối quan tâm của người trẻ.

Phương Đông hiểu rằng từ 'enlightenment - chứng ngộ' chẳng liên quan gì tới thiên tài, chẳng liên quan gì tới trí tuệ, nó có cái gì đó liên quan tới khám phá bản thể đích thực, thực sự của bạn. Nó đang khám phá ra Thượng đế bên trong bạn.

Cho nên bạn không cần lo nghĩ về luật pháp. Những luật đó tất cả đều trên đường chiều ngang. Trên đường chiều đứng có tình yêu, không có luật pháp. Có kinh nghiệm trưởng thành của việc trở nên ngày một tâm linh hơn và ngày một ít vật lí hơn, ngày một mang tính thiền hơn và ngày một ít tâm trí hơn, ngày một thiêng liêng hơn và ngày một ít thế giới vật chất tầm thường này mà trong đó chúng ta vướng víu nhiều thế.

Trên đường chiều đứng, dần dần bạn cảm thấy ham muốn biến mất, hoạt động dục biến mất, tham vọng biến mất, ý chí quyền lực biến mất... sự nô lệ của bạn trong mọi khía cạnh của nó biến mất - tôn giáo, chính trị, dân tộc. Bạn trở thành nhiều tính cá nhân hơn. Và với tính cá nhân của bạn trở nên rõ ràng và chói sáng, toàn thể nhân loại trở thành một trong mắt bạn - bạn không thể đối xử phân biệt được.

Có những kinh nghiệm lớn lao trên đường chiều đứng; trên đường chiều ngang chỉ có sự suy tàn. Trên đường chiều ngang người già sống trong quá khứ. Người đó nghĩ về những ngày đẹp đẽ đó, những đêm A rập đó khi người đó còn trẻ. Người đó cũng nghĩ về những ngày đẹp đẽ khi không có trách nhiệm gì và người đó là đứa trẻ đuổi bắt bướm. Thực tế, với cả đời mình người đó đã từng chạy đuổi theo bướm - ngay cả trong tuổi già.

Trên đường chiều ngang, đó là điều xảy ra - khi bạn càng già đi bạn càng trở nên bị mê mẩn bởi ham muốn, bởi vì bây giờ bạn biết rằng phía trước chỉ có cái chết. Cho nên bạn muốn tận hưởng nhiều nhất có thể được, mặc dầu việc tận hưởng trở nên khó khăn vì về mặt thể chất bạn đã mất năng lượng. Cho nên người già trên đường chiều ngang trở thành dâm dục trong đầu; người đó liên tục nghĩ về dục. Người già chẳng có gì khác để làm ngoài việc nghĩ - và cái gì khác có đó để mà nghĩ tới? Người đó tưởng tượng đàn bà đẹp.

Người già này liên tục nghĩ về quá khứ - đây là tâm lí. Trẻ con nghĩ tới tương lai bởi vì nó không có quá khứ; không có vấn đề nghĩ về quá khứ - nó không có hôm qua. Nó nghĩ về những ngày sắp tới, toàn thể cuộc sống dài. Bẩy mươi năm cho nó không gian... Nó muốn trở nên lớn thật nhanh để làm những thứ mà mọi người lớn đang làm.

Người già không có tương lai - tương lai nghĩa là cái chết, người đó thậm chí không muốn nói về tương lai. Tương lai làm cho người đó run rẩy, tương lai có nghĩa là nấm mồ - người đó nói về quá khứ.

Và cùng điều đó cũng đúng cho các nước. Chẳng hạn, một nước như Ấn Độ chẳng bao giờ nghĩ tới tương lai. Điều đó nghĩa là nó đã trở nên già lão; đó là triệu chứng. Ấn Độ bao giờ cũng nghĩ về quá khứ. Nó cứ diễn mãi vở kịch về cuộc đời của Rama và Sita, hàng thế kỉ vẫn cùng câu chuyện ấy... mọi làng đều diễn vở kịch đó. Nó cứ nghĩ về Phật và Mahavira và Adinatha, và RigvedaUpanishads. Mọi thứ đã qua rồi. Bây giờ đất nước này đơn giản chờ chết; không có tương lai.

Theo ý tưởng Ấn Độ - và đó là ý tưởng về tâm tính cũ, tâm trí của người già - thời đại tốt nhất đã từ hàng triệu năm trước đây; nó được gọi là satyuga, thời đại của chân lí. Sau đó con người bắt đầu tụt dốc. Bạn có thể thấy sự song song về tâm lí; có bốn thời kì: thơ ấu, thanh niên, trung niên, và già lão. Tương ứng với bốn thời kì này con người đã phóng chiếu ra bốn thời đại cho bản thân cuộc sống. Thời đại thứ nhất là hồn nhiên, giống trẻ thơ - rất cân bằng. Họ cho ví dụ rằng nó có bốn chân giống như cái bàn, cân bằng hoàn hảo. Và thế rồi sự sa sút bắt đầu....

Ở Ấn Độ, ý tưởng về tiến hoá chưa bao giờ tồn tại, nhưng ngược lại chính ý tưởng đối lập mới tồn tại. Từ này thậm chí không được dùng ở phương Tây - bạn thậm chí có thể chưa từng nghe thấy từ này - nhưng ở Ấn Độ họ đã nghĩ về lùi hoá, không phải tiến hoá: "Chúng ta đang co lại, chúng ta đang sa ngã." Trong giai đoạn thứ hai của sự đi xuống, một chân bị mất; cái bàn trở thành ba chân. Nó vẫn còn được cân bằng, nhưng không nhiều như khi nó còn bốn chân. Trong giai đoạn thứ ba nó mất cái chân nữa; bây giờ nó đang đứng chỉ trên hai chân, tuyệt đối không cân bằng. Và đây là giai đoạn thứ tư: thậm chí hai chân cũng không còn có sẵn; bạn đang đứng trên một chân - bạn có thể đứng được bao lâu?

Giai đoạn thứ nhất được gọi là satyuga, thời đại của chân lí. Giai đoạn thứ hai đơn giản mang tên theo con số; treta là thứ ba, bởi vì chỉ ba chân còn lại. Giai đoạn thứ ba được gọi là dwapar. Dwa là từ tiếng Phạn - chuyển qua nhiều ngôn ngữ khác cuối cùng nó trở thành "two - hai." Và giai đoạn thứ tư họ đã gọi là kaliyuga, thời đại của bóng tối.

Chúng ta đang sống trong thời đại của bóng tối - đây là tâm trí của người già, rằng phía trước chỉ có bóng tối và không cái gì khác. Trẻ con nghĩ về tương lai, về tương lai vàng son; người già nghĩ về quá khứ vàng son. Nhưng điều này chỉ xảy ra trên đường chiều ngang. Trên đường chiều đứng, quá khứ là vàng son, hiện tại là vàng son, tương lai là vàng son; đó là cuộc sống của lễ hội vô cùng.

Cho nên thay vì lo lắng về luật của tuổi già, nghĩ về con tàu của bạn đang di chuyển trên đường nào. Vẫn còn thời gian để đổi tàu; bao giờ cũng có thời gian để đổi tàu bởi vì từ mọi khoảnh khắc chỗ rẽ nhánh đó đều có sẵn. Bạn có thể dịch chuyển, dịch từ chiều ngang sang chiều đứng; chỉ điều đó mới là quan trọng.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh