Nhận Biết Osho: Dừng Cố Gắng Là Tốt

NHẬN BIẾT OSHO: DỪNG CỐ GẮNG LÀ TỐT

Tội lỗi duy nhất là vô nhận biết, và đức hạnh duy nhất là nhận biết. Điều được thực hiện với vô nhận biết là tội lỗi. Điều được thực hiện qua nhận biết là đức hạnh. Không thể nào giết người được nếu bạn nhận biết; không thể nào bạo hành chút nào được - nếu bạn nhận biết. Không thể nào cưỡng hiếp, ăn cắp, hành hạ - đây là những điều không thể được nếu nhận biết có đấy. Chỉ khi vô nhận biết chiếm ưu thế, trong bóng tối của vô nhận biết, đủ mọi loại kẻ thù đi vào bạn.

Phật đã nói: Nếu đèn trong nhà được bật lên, kẻ cắp lẩn tránh nó; và nếu người gác đang thức, kẻ cắp thậm chí sẽ không vào. Và nếu mọi người đang đi lại và nói bên trong, và ngôi nhà còn chưa rơi vào giấc ngủ, không có khả năng nào cho kẻ cắp vào hay thậm chí nghĩ tới điều đó.

Đích xác cùng điều đó là trường hợp cho bạn: bạn là ngôi nhà không đèn. Trạng thái bình thường của con người là trạng thái của vận hành máy móc: Homo mechanicus người máy. Chỉ trong cái tên bạn mới là người - ngoài ra, chỉ là cái máy được huấn luyện, có kĩ năng, và bất kì điều gì bạn làm cũng đều sẽ sai. Và nhớ lấy, tôi đang nói bất kì điều gì bạn làm - ngay cả đức hạnh của bạn cũng sẽ không là đức hạnh nếu bạn vô nhận biết. Đằng sau đức hạnh của bạn sẽ là bản ngã khổng lồ, to lớn đi tới - nó nhất định là như vậy.

Ngay cả tính thánh nhân của bạn, được thực hành, được trau dồi với lao động và nỗ lực lớn lao, cũng vô tích sự. Bởi vì nó sẽ không đem lại tính đơn giản và nó sẽ không đem lại sự khiêm tốn, và nó sẽ không đem lại kinh nghiệm lớn lao về điều thiêng liêng, điều chỉ xảy ra khi bản ngã đã biến mất. Bạn sẽ sống cuộc sống đáng kính như thánh nhân, nhưng nghèo nàn như mọi người khác - mục nát bên trong, bên trong là sự tồn tại vô nghĩa. Nó không phải là cuộc sống, nó chỉ là sống vô vị. Tội lỗi của bạn sẽ là tội lỗi, đức hạnh của bạn cũng sẽ là tội lỗi, đạo đức của bạn cũng sẽ là vô đạo.

Tôi không dạy đạo đức, và tôi không dạy đức hạnh - bởi vì tôi biết rằng không có nhận biết chúng chỉ là giả vờ, đạo đức giả. Chúng làm cho bạn thành rởm. Chúng không giải thoát bạn, chúng không thể giải thoát bạn được. Ngược lại, chúng cầm tù bạn.

Chỉ một điều là đủ: nhận biết là chìa khoá chủ. Nó mở mọi cái khoá của sự tồn tại. Nhận biết nghĩa là bạn sống khoảnh khắc sang khoảnh khắc, tỉnh táo, ý thức về bản thân mình và ý thức về tất cả những điều đang xảy ra quanh bạn trong sự đáp ứng khoảnh khắc sang khoảnh khắc. Bạn giống như tấm gương, bạn phản xạ - và bạn phản xạ toàn bộ tới mức từ sự phản xạ đó bất kì hành động nào được sinh ra cũng đều đúng bởi vì nó khớp, nó hài hoà với sự tồn tại. Nó không thực nảy sinh trong bạn - bạn không phải là người làm nó. Nó nảy sinh trong hoàn cảnh toàn bộ - tình huống, bạn và tất cả đều tham gia vào trong nó. Từ tính toàn thể đó hành động được sinh ra - nó không phải là hành động của bạn, bạn đã không quyết định làm nó theo cách đó. Nó không phải là quyết định của bạn, nó không phải là ý nghĩ của bạn, nó không phải là cá tính của bạn. Bạn không làm nó, bạn chỉ cho phép nó xảy ra.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Điều đó cũng hệt như bạn đi dạo sáng sớm, mặt trời còn chưa lên, và bạn bắt gặp con rắn trên đường - không có thời gian để nghĩ. Bạn chỉ có thể phản xạ - không có thời gian để quyết định phải làm gì và không làm gì - bạn lập tức nhảy ra! Chú ý tới từ lập tức - thậm chí không một khoảnh khắc bị mất; bạn lập tức nhảy ra khỏi đường. Về sau bạn có thể ngồi dưới cây và nghĩ về nó, điều đã xảy ra, cách bạn đã làm nó, và bạn có thể tự khen mình đã làm đúng. Nhưng thực tế bạn đã không làm điều đó - nó xảy ra. Nó xảy ra từ hoàn cảnh toàn bộ. Bạn, con rắn, mối nguy chết người, nỗ lực của cuộc sống để tự bảo vệ... và cả nghìn lẻ một điều khác tham gia vào trong nó. Tình huống toàn bộ gây ra hành động này. Bạn chỉ là trung gian.

Bây giờ, hành động này khớp. Bạn không là người làm của nó. Theo cách tôn giáo chúng ta có thể nói Thượng đế đã làm nó qua bạn. Đó chỉ là cách nói tôn giáo, có vậy thôi. Cái toàn thể đã hành động qua cái bộ phận.

Đây là đức hạnh. Bạn sẽ không bao giờ ăn năn vì nó. Và đây thực sự là hành động tự do. Một khi nó đã xảy ra, nó được kết thúc. Bạn lại tự do hành động; bạn sẽ không mang hành động này vào trong đầu mình. Nó sẽ không trở thành một phần của kí ức tâm lí của bạn; nó sẽ không để lại vết thương nào trong bạn. Nó tự phát tới mức nó sẽ không để lại dấu vết nào. Hành động này sẽ không bao giờ trở thành nghiệp. Hành động này sẽ không bao giờ để lại vết xước nào trên bạn. Hành động mà trở thành nghiệp là hành động không thực sự là hành động mà là phản ứng - cái tới từ quá khứ, từ kí ức, từ suy nghĩ. Bạn là người quyết định, người chọn lựa. Nó không là từ nhận biết mà từ vô nhận biết. Thế thì nó tất cả là tội lỗi.

Toàn thể thông điệp của tôi là ở chỗ bạn cần tâm thức không cần cá tính. Tâm thức là cái thực, cá tính là thực thể giả. Cá tính được cần tới bởi những người không có tâm thức. Nếu bạn có mắt, bạn không cần gậy dò đường để tìm đường, để dò dẫm con đường xung quanh. Nếu bạn có thể thấy được, bạn không hỏi người khác, "Cửa ở đâu?"

Cá tính được cần tới bởi vì mọi người vô ý thức. Cá tính chỉ là chất bôi trơn; nó giúp bạn vận hành cuộc sống của mình một cách êm ả. George Gurdjieff thường nói cá tính giống như bộ đệm. Bộ đệm được dùng ở tầu hoả; giữa hai toa có bộ đệm. Nếu cái gì đó xảy ra, những bộ đệm này ngăn các toa không va chạm vào nhau. Hay nó giống như nhíp xe: ô tô có nhíp xe để cho bạn có thể di chuyển uyển chuyển. Nhíp xe hấp thu những cú xóc; chúng được gọi là cái hấp thu xóc. Đó chính là cá tính là gì: nó là cái hấp thu xóc.

Mọi người được bảo phải khiêm tốn. Nếu bạn học cách khiêm tốn, nó là cái hấp thu xóc - bằng việc học cách khiêm tốn bạn sẽ có khả năng tự bảo vệ mình chống lại bản ngã của những người khác. Họ sẽ không làm tổn thương bạn nhiều thế; bạn là người khiêm tốn mà. Nếu bạn là người bản ngã, bạn nhất định bị tổn thương đi tổn thương lại - bản ngã rất nhạy cảm - cho nên bạn che phủ bản ngã của mình bằng cái chăn khiêm tốn. Nó giúp đỡ, nó cho bạn một loại uyển chuyển. Nhưng nó không biến đổi bạn.

Công việc của tôi bao gồm biến đổi. Đây là trường học giả kim thuật; tôi muốn bạn được biến đổi từ vô ý thức sang có ý thức, từ bóng tối sang ánh sáng. Tôi không thể cho bạn cá tính được; tôi chỉ có thể cho bạn sự sáng suốt, nhận biết. Tôi muốn bạn sống từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, không theo hình mẫu đã lập do tôi trao hay do xã hội, nhà thờ, quốc gia trao. Tôi muốn bạn sống theo ánh sáng nhận biết nhỏ bé của riêng bạn, sống theo tâm thức riêng của bạn.

Mang tính đáp ứng cho từng khoảnh khắc. Cá tính có nghĩa là bạn có câu trả lời làm sẵn nào đó cho tất cả các câu hỏi của cuộc sống, cho nên bất kì khi nào tình huống nảy sinh, bạn đáp ứng theo hình mẫu đã lập. Bởi vì bạn đáp ứng theo câu trả lời làm sẵn, nó không phải là việc đáp ứng đúng, nó chỉ là phản ứng. Con người của cá tính phản ứng, con người của tâm thức đáp ứng: người đó nhận tình huống vào, người đó phản xạ thực tại như nó đang vậy, và từ phản xạ này người đó hành động. Con người của cá tính phản ứng, con người của tâm thức hành động. Con người của cá tính mang tính máy móc; người đó vận hành tựa rô bốt. Người đó có máy tính trong tâm trí mình, đầy thông tin; cứ hỏi người đó bất kì cái gì và câu trả lời sẵn có tuôn ra từ máy tính.

Con người của tâm thức đơn giản hành động trong khoảnh khắc, không từ quá khứ và từ kí ức. Đáp ứng của người đó có cái đẹp, tính tự nhiên, và đáp ứng của người đó là đúng cho tình huống. Con người của cá tính bao giờ cũng không tới đích, bởi vì cuộc sống liên tục thay đổi; nó không bao giờ như cũ. Và câu trả lời của bạn bao giờ cũng như cũ, chúng không bao giờ phát triển - chúng không thể phát triển được, chúng chết.

Bạn đã được bảo về những điều nào đó trong thời thơ ấu của mình; nó vẫn còn đó. Bạn đã lớn, cuộc sống đã thay đổi, nhưng câu trả lời đó đã được cha mẹ hay thầy giáo hay các tu sĩ trao cho bạn vẫn còn đó. Và nếu cái gì đó xảy ra, bạn sẽ vận hành theo câu trả lời đã được trao cho bạn năm mươi năm trước đây. Và trong năm mươi năm đó nhiều nước đã chảy qua sông Hằng rồi; nó là cuộc sống hoàn toàn khác rồi.

Heraclitus nói: Ông không thể bước vào cùng dòng sông hai lần. Và tôi nói với bạn: Bạn không thể nào bước vào cùng dòng sông ngay cả một lần, dòng sông chảy nhanh thế.

Cá tính mang tính tù đọng; nó là vũng nước bẩn. Tâm thức là dòng sông.

Đó là lí do tại sao tôi không cho người của tôi bộ luật ứng xử nào. Tôi cho họ con mắt để nhìn, tâm thức để phản xạ, bản thể tựa tấm gương để có khả năng đáp ứng với bất kì tình huống nào nảy sinh. Tôi không cho họ thông tin chi tiết về cái gì làm và cái gì không làm; tôi không cho họ mười điều răn. Và nếu bạn bắt đầu cho họ những lời răn, thế thì bạn không thể dừng tại mười được, bởi vì cuộc sống còn phức tạp hơn nhiều.

Trong kinh sách Phật giáo có ba mươi ba nghìn qui tắc cho sư Phật giáo. Ba mươi ba nghìn qui tắc! Với mọi tình huống có thể nảy sinh, họ đều cho một câu trả lời làm sẵn. Nhưng làm sao bạn nhớ được ba mươi ba nghìn qui tắc ứng xử? Và người đủ tinh ranh để nhớ ba mươi ba nghìn qui tắc ứng xử này sẽ đủ láu lỉnh để tìm được cách thoát ra, bao giờ cũng thế; nếu người đó không muốn làm điều gì đó, người đó sẽ tìm ra cách thoát. Nếu người đó muốn làm điều gì đó, người đó sẽ tìm được cách thoát ra.

Tôi đã nghe nói về một thánh Ki tô giáo: ai đó đánh vào mặt ông ta, bởi vì ngay hôm đó trong bài nói buổi sáng ông ấy đã nói, "Jesus nói nếu ai đó tát vào má này của ông, chìa má kia ra cho người đó." Và người này muốn thử điều đó, cho nên người này đánh ông ta, đánh thực sự mạnh vào một má. Và thánh nhân này thực sự đúng, đúng theo lời của ông ấy: ông ấy chìa má kia ra cho anh ta. Nhưng người này cũng là cái gì đó: anh ta thậm chí đánh mạnh hơn vào má kia. Thế rồi anh ta ngạc nhiên: vị thánh này nhảy lên người đó, đấm đá túi bụi anh ta mạnh tới mức anh ta nói, "Ông làm gì thế? Ông là thánh nhân, và chỉ vừa mới sáng nay ông đã nói rằng nếu ai đó đánh vào má này của ông, chìa má kia ra cho người đó."

Thánh nhân này nói, "Đúng - nhưng ta không có má thứ ba đâu. Và Jesus cũng dừng lại ở đó. Bây giờ ta tự do; bây giờ ta sẽ làm điều ta muốn làm. Jesus không có thêm thông tin về điều đó."

Điều đó đã xảy ra đích xác giống như trong cuộc đời của Jesus nữa. Có lần ông ấy nói với các đệ tử, "Tha thứ bẩy lần." Đệ tử này nói, "Được." Cách anh ta nói "Được," Jesus trở nên nghi ngờ; ông ấy nói, "Bẩy mươi bẩy lần ta nói vậy."

Đệ tử này có chút ít bối rối, nhưng anh nói, "Thôi được, bởi vì con số không chấm dứt ở bẩy mươi bẩy. Thế bẩy mươi tám thì sao? Thế thì tôi được tự do, thế thì tôi có thể làm điều tôi muốn làm!"

Bạn có thể làm được bao nhiêu qui tắc cho mọi người? Điều đó là ngu xuẩn, vô nghĩa. Đó là cách mọi người mang tính tôn giáo, và dầu vậy họ vẫn không mang tính tôn giáo: họ bao giờ cũng tìm ra cách để thoát ra khỏi những qui tắc ứng xử và lời răn đó. Họ bao giờ cũng có thể tìm ra cách đi qua cửa sau. Và cá tính nhiều nhất có thể chỉ cho bạn mặt nạ giả, hời hợt - thậm chí không sâu hơn làn da: chỉ cào nhẹ thánh nhân của bạn chút ít và bạn sẽ thấy con vật ẩn đằng sau. Trên bề mặt họ trông đẹp, nhưng chỉ trên bề mặt thôi.

Tôi không muốn bạn ở bề mặt; tôi muốn bạn thực sự thay đổi. Nhưng thay đổi thực xảy ra qua trung tâm của bản thể bạn, không qua chu vi. Cá tính đang sơn vẽ cho chu vi, tâm thức là việc biến đổi của trung tâm.

Khoảnh khắc bạn bắt đầu thấy lỗi lầm của mình, chúng bắt đầu rơi rụng đi như lá khô. Thế thì chẳng cái gì khác phải được làm cả. Thấy chúng là đủ. Chỉ nhận biết về lỗi lầm của bạn là tất cả mọi điều được cần tới. Trong nhận biết đó chúng bắt đầu biến mất, chúng bay hơi.

Người ta có thể cứ phạm phải sai lỗi chỉ nếu người ta vẫn còn vô ý thức về nó. Vô ý thức là điều phải có để cứ phạm cùng sai lỗi, và cho dù bạn cố gắng thay đổi, bạn sẽ phạm phải cùng sai lỗi đó dưới dạng khác, trong hình thức khác. Chúng tới theo đủ mọi kích cỡ và mọi hình dạng! Bạn sẽ thay đổi, bạn sẽ thay thế, nhưng bạn không thể vứt bỏ nó đi được bởi vì sâu bên dưới bạn không thấy rằng nó là lỗi. Người khác có thể bảo bạn bởi vì họ có thể thấy...

Đó là lí do tại sao mọi người lại nghĩ bản thân mình đẹp thế, thông minh thế, đức hạnh thế, thánh thiện thế - và chẳng ai đồng ý với người đó! Lí do là đơn giản: bạn nhìn vào người khác, bạn thấy thực tại của họ, còn về bản thân mình bạn mang hư cấu, hư cấu đẹp. Mọi điều bạn biết về bản thân mình đều ít nhiều hoang đường; nó chẳng liên quan gì tới thực tại.

Khoảnh khắc người ta thấy ra lỗi của mình, thay đổi triệt để bắt đầu. Do đó tất cả chư phật trong nhiều thời đại đã từng thuyết giảng chỉ một điều thôi - nhận biết. Họ không dạy bạn cá tính - cá tính được dạy bởi các tu sĩ, chính khách, nhưng không bởi chư phật. Chư phật dạy bạn tâm thức chứ không lương tâm.

Lương tâm là thủ đoạn người khác chơi trên bạn - người khác bảo bạn cái gì là đúng và cái gì là sai. Họ đang áp đặt ý tưởng của họ vào bạn, và họ áp đặt chúng từ chính thời thơ ấu của bạn. Khi bạn còn hồn nhiên, mong manh, tinh tế tới mức có khả năng gây ấn tượng lên bạn, tạo dấu ấn lên bạn, họ đã ước định bạn - từ chính lúc bắt đầu. Việc ước định đó được gọi là lương tâm, và lương tâm đó chi phối cả đời bạn. Lương tâm là chiến lược của xã hội để làm bạn thành nô lệ.

Chư phật dạy tâm thức. Tâm thức nghĩa là bạn không học từ người khác điều gì là đúng và điều gì là sai. Không có nhu cầu học từ bất kì ai, bạn đơn giản phải đi vào trong. Chỉ cuộc hành trình nội tâm là đủ - bạn càng đi sâu hơn, tâm thức càng được thoát ra. Khi bạn đạt tới trung tâm, bạn tràn đầy ánh sáng tới mức bóng tối biến mất.

Khi bạn đem ánh sáng vào phòng mình, bạn không phải đẩy bóng tối ra. Sự hiện diện của ánh sáng là đủ bởi vì bóng tối chỉ là thiếu ánh sáng. Tất cả những cái không lành mạnh, điên khùng của bạn cũng như vậy.

Một người ăn vận như Adolf Hitler tới nhà tâm thần.

"Ông có thể thấy tôi không có vấn đề nào," anh ta nói. "Tôi có quân đội lớn nhất thế giới, mọi tiền bạc tôi cần, và mọi đồ xa xỉ mà ông có thể hình dung ra được."

"Thế thì điều gì dường như là vấn đề của ông?" bác sĩ hỏi.

"Đó là vợ tôi," người này nói, "Cô ấy nghĩ cô ấy là bà Weaver."

Đừng cười anh chàng đáng thương này. Đấy không là ai khác ngoài bạn đâu.

Một người đi vào cửa hàng may và thấy một người đang treo lơ lửng bằng một tay từ giữa trần.

"Anh ta làm gì ở đó thế?" người này hỏi thợ may.

"Ồ, đừng chú ý," thợ may nói, "anh ta nghĩ anh ta là bóng đèn đấy."

"Này, sao ông không bảo anh ta là anh ta không phải vậy?" khách hàng hoảng hốt hỏi.

"Cái gì?" thợ may đáp, "Và làm việc trong bóng tối sao?"

Khoảnh khắc bạn biết mình điên, bạn không còn điên nữa. Đó là tiêu chí duy nhất về lành mạnh. Khoảnh khắc bạn biết bạn là người dốt nát, bạn đã trở nên trí huệ.

Nhà tiên tri tại Delphi đã tuyên bố Socrates là người trí huệ nhất trên trái đất. Vài người chạy xô về Socrates và bảo ông ấy, "Ông vui mừng, hân hoan đi! Nhà tiên tri ở Delphi đã tuyên bố ông là người trí huệ nhất trên thế giới."

Socrates nói, "Điều đó tất cả đều vô nghĩa. Tôi chỉ biết một điều thôi: tôi chẳng biết gì."

Mọi người đâm ra phân vân và lẫn lộn. Họ quay lại ngôi đền, họ nói cho nhà tiên tri, "Ông nói rằng Socrates là người trí huệ nhất trên thế giới, nhưng bản thân ông ấy lại phủ nhận điều đó. Ngược lại, ông ấy nói ông ấy hoàn toàn dốt nát. Ông ấy nói ông ấy chỉ biết mỗi một điều thôi, đó là ông ấy chẳng biết gì cả."

Nhà tiên tri cười ngất và nói, "Đó là lí do tại sao ta đã tuyên bố ông ấy là người trí huệ nhất trên thế giới. Đó là lí do tại sao - chính xác bởi vì ông ấy biết rằng mình là người dốt nát."

Người dốt nát tin họ là trí huệ. Người không lành mạnh tin họ là người lành mạnh nhất.

Và nó là một phần của bản tính người mà chúng ta cứ nhìn ra bên ngoài. Chúng ta quan sát mọi người ngoại trừ bản thân mình; do đó chúng ta biết nhiều về người khác hơn là bản thân mình. Chúng ta chẳng biết gì về bản thân mình. Chúng ta không phải là nhân chứng cho sự vận hành riêng của tâm trí chúng ta, chúng ta không mang tính quan sát bên trong.

Bạn cần quay 180 độ - đó là điều thiền tất cả là gì. Bạn phải nhắm mắt lại và bắt đầu quan sát. Lúc ban đầu bạn sẽ thấy chỉ bóng tối và không cái gì khác. Và nhiều người trở nên hoảng sợ và chạy ra, bởi vì bên ngoài có ánh sáng.

Vâng, có ánh sáng bên ngoài, nhưng ánh sáng đó sẽ không làm sáng bạn, ánh sáng đó sẽ không giúp cho bạn chút nào. Bạn cần ánh sáng bên trong, ánh sáng có cội nguồn trong chính bản thể bạn, ánh sáng không thể bị dập tắt ngay cả bởi cái chết, ánh sáng vĩnh hằng. Và bạn có nó, tiềm năng có đó! Bạn được sinh ra với nó, nhưng bạn đang giữ nó đằng sau mình; bạn chưa bao giờ nhìn vào nó.

Và bởi vì trong hàng thế kỉ, trong nhiều kiếp sống, bạn đã nhìn ra ngoài, nó đã trở thành thói quen máy móc. Ngay cả khi bạn ngủ, bạn cũng nhìn vào giấc mơ - mơ nghĩa là phản xạ của thế giới bên ngoài. Khi bạn nhắm mắt lại, bạn lại bắt đầu mơ ngày hay suy nghĩ; điều đó nghĩa là bạn lại trở nên quan tâm tới người khác. Điều này đã trở thành thói quen kinh niên tới mức thậm chí không có những khoảng hở nhỏ, những cửa sổ nhỏ mở vào trong bản thể riêng của bạn nơi bạn có thể có thoáng nhìn về mình là ai.

Lúc ban đầu đó là cuộc vật lộn gay go, nó là gian nan. Nó là khó - nhưng không phải là không thể được. Nếu bạn mang tính quyết định, nếu bạn cam kết với cuộc thám hiểm bên trong, thế thì chẳng chóng thì chầy nó xảy ra. Bạn phải đào xuống, bạn phải vật lộn với bóng tối. Chẳng mấy chốc bạn sẽ đi qua bóng tối và bạn sẽ đi vào cõi ánh sáng. Và ánh sáng đó là ánh sáng đúng, còn đúng hơn ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng bởi vì tất cả mọi ánh sáng ở bên ngoài đều tạm thời; chúng chỉ có cho thời gian hiện hữu. Ngay cả mặt trời cũng sẽ chết đi một ngày nào đó. Không chỉ những ngọn đèn nhỏ mới cạn kiệt tài nguyên của nó và chết đi trong buổi sáng, ngay cả mặt trời với nguồn tài nguyên mênh mông như thế cũng đang chết đi mọi ngày. Chẳng chóng thì chầy nó sẽ trở thành lỗ đen; nó sẽ chết đi và không ánh sáng nào sẽ tới từ nó. Dù nó sống lâu thế nào, nó cũng không vĩnh hằng. Ánh sáng bên trong là vĩnh hằng; nó không có thuỷ, không có chung.

Tôi không quan tâm tới việc bảo bạn vứt bỏ lỗi lầm của mình, làm cho bản thân mình thành tốt, cải thiện cá tính của mình - không, không chút nào. Tôi không quan tâm tới cá tính của bạn chút nào; tôi chỉ quan tâm tới tâm thức của bạn.

Trở nên tỉnh táo hơn, ý thức hơn đi. Đi ngày một sâu hơn vào bản thân mình cho tới khi bạn tìm thấy trung tâm của bản thể mình. Bạn đang sống ở ngoại vi, và ở ngoại vi bao giờ cũng có rối loạn. Bạn càng đi sâu hơn, im lặng càng lan rộng hơn. Và trong những kinh nghiệm đó về im lặng, ánh sáng, niềm vui, cuộc sống của bạn bắt đầu đi vào trong một chiều hướng khác. Sai sót, lỗi lầm, bắt đầu biến mất.

Cho nên đừng lo lắng về sai sót và lỗi lầm và khuyết điểm. Định tâm vào một điều thôi, một hiện tượng. Đặt toàn bộ năng lượng của bạn vào một mục đích, và đó là làm sao có ý thức nhiều hơn, làm sao thức tỉnh nhiều hơn. Nếu bạn đặt toàn bộ năng lượng của mình vào trong nó, nó sẽ xảy ra, điều đó là không tránh khỏi. Nó là quyền tập ấn của bạn.

Đạo đức có liên quan tới tính tốt và tính xấu. Người tốt - theo đạo đức - là người lương thiện, chân thực, đích thực, đáng tin cậy.

Con người của nhận biết không chỉ là người tốt, người đó còn nhiều hơn thế. Với người tốt, lòng tốt là tất cả; với người của nhận biết, lòng tốt chỉ là sản phẩm phụ. Khoảnh khắc bạn ý thức tới bản thể riêng của mình, lòng tốt đi theo bạn như cái bóng. Thế thì không có nhu cầu về nỗ lực nào để là tốt; lòng tốt trở thành bản tính của bạn. Cũng như cây xanh, bạn tốt.

Nhưng "người tốt" không nhất thiết nhận biết. Lòng tốt của người đó là từ nỗ lực lớn lao, người đó tranh đấu với tính xấu - dối trá hay ăn cắp, giả dối, bất lương, bạo hành. Chúng có trong người tốt nhưng bị kìm nén, chúng có thể bùng phát vào bất kì khoảnh khắc nào.

Người tốt có thể đổi thành người xấu một cách dễ dàng, chẳng cần nỗ lực nào - bởi vì tất cả những tính xấu đó đều có đó, chỉ đang ngủ, bị kìm nén bởi nỗ lực. Nếu người đó bỏ đi nỗ lực này, chúng sẽ lập tức bùng phát trong cuộc sống người đó. Và tính tốt chỉ từ trau dồi, thì không phải là tự nhiên. Người đó đã cố gắng vất vả để lương thiện, để chân thành, không dối trá - nhưng nó đã là nỗ lực, nó đã là mệt mỏi.

Người tốt bao giờ cũng nghiêm chỉnh, bởi vì người đó sợ tất cả những tính xấu người đó đã kìm nén. Và người đó nghiêm chỉnh bởi vì sâu bên dưới người đó ham muốn được tôn kính vì lòng tốt của người đó, được đền ơn. Niềm khao khát của người đó là được kính trọng. Cái gọi là thánh nhân của bạn phần lớn chỉ là "người tốt."

Chỉ có một cách để siêu việt lên trên "người tốt" và đó là bằng cách đem nhiều nhận biết vào bản thể bạn. Nhận biết không phải là cái gì đó được trau dồi; nó đã có đó rồi, nó chỉ phải được thức tỉnh. Khi bạn được thức tỉnh toàn bộ, bất kì điều gì bạn làm đều tốt, và bất kì điều gì bạn không làm đều xấu.

Người tốt phải làm nỗ lực rất lớn để làm điều tốt và tránh điều xấu; cái xấu là cám dỗ thường xuyên với người đó. Đó là chọn lựa: mọi khoảnh khắc người đó phải chọn cái tốt, và không chọn cái xấu. Chẳng hạn, một người như Mahatma Gandhi - ông ấy là người tốt; ông ấy đã cố gắng vất vả cả đời mình để ở bên phía tốt. Nhưng cho dù vào độ tuổi bẩy mươi ông ấy vẫn còn giấc mơ dục, và ông ấy rất khổ sở: "Khi có liên quan tới giờ thức của tôi, tôi có thể giữ cho bản thân mình hoàn toàn tự do với dục. Nhưng tôi có thể làm gì trong giấc ngủ? Mọi thứ tôi kìm nén ban ngày lại tới vào ban đêm."

Điều đó chỉ ra một điều, rằng nó đã không đi đâu cả; nó đã ở bên trong bạn, chỉ chờ đợi. Khoảnh khắc bạn thảnh thơi, khoảnh khắc bạn vứt bỏ nỗ lực - và ngủ thì ít nhất bạn phải thảnh thơi và vứt bỏ nỗ lực là người tốt - tất cả những tính xấu đã từng bị kìm nén sẽ bắt đầu trở thành giấc mơ của bạn. Giấc mơ của bạn là ham muốn bị kìm nén của bạn.

Người tốt là trong xung đột liên tục. Cuộc sống của người đó không phải là cuộc sống của niềm vui; người đó không thể cười toàn tâm, người đó không thể hát, người đó không thể nhảy múa. Trong mọi thứ người đó liên tục đưa ra phán xét. Tâm trí người đó đầy những kết án và phán xét - và bởi vì bản thân người đó đang cố gắng vất vả để là tốt, người đó phán xét người khác cũng theo cùng tiêu chí này. Người đó không thể chấp nhận bạn như bạn đang vậy; người đó có thể chấp nhận bạn chỉ nếu bạn hoàn thành yêu cầu của người đó về việc là tốt. Và bởi vì người đó không thể chấp nhận được mọi người như họ đang vậy, người đó kết án họ. Tất cả các thánh nhân đều đầy những kết án mọi người; theo họ thì các bạn tất cả đều là tội đồ.

Đây không phải là phẩm chất của người tôn giáo đích thực. Người tôn giáo đích thực không có phán xét, không có kết án. Người đó biết một điều, rằng không hành động nào là tốt và không hành động nào là xấu - nhận biết là tốt và vô nhận biết là xấu. Bạn thậm chí có thể làm cái gì đó, trong vô nhận biết, điều đó có vẻ tốt cho toàn thế giới, nhưng với người tôn giáo điều đó không tốt. Và bạn có thể làm điều gì đó xấu, và bạn sẽ bị kết án bởi mọi người trừ người tôn giáo. Người đó không thể kết án bạn được - bởi vì bạn vô ý thức; bạn cần từ bi, không phán xét. Không kết án - bạn không đáng xuống địa ngục, không ai đáng xuống địa ngục.

Đi tới điểm nhận biết toàn bộ, không có vấn đề về chọn lựa - bạn đơn giản làm bất kì điều gì cũng là tốt. Bạn làm nó một cách hồn nhiên, cũng như cái bóng đi theo bạn, không nỗ lực gì. Nếu bạn chạy, cái bóng chạy; nếu bạn dừng, cái bóng dừng - nhưng không có nỗ lực về phần cái bóng.

Con người của nhận biết không thể bị coi là đồng nghĩa với người tốt. Người đó tốt - nhưng theo cách khác, từ góc độ khác. Người đó tốt không phải bởi vì người đó cố gắng là tốt; người đó tốt bởi vì người đó nhận biết. Và trong nhận biết, xấu, ác, tất cả những từ kết án đó, biến mất như bóng tối biến mất trong ánh sáng.

Các tôn giáo đã quyết định vẫn còn chỉ đạo đức. Chúng là luật luân lí; chúng hữu dụng cho xã hội, nhưng không hữu dụng cho bạn, không hữu dụng cho cá nhân. Chúng là tiện nghi do xã hội tạo ra. Một cách tự nhiên, nếu mọi người bắt đầu ăn cắp, cuộc sống sẽ thành không thể được; nếu mọi người bắt đầu nói dối, cuộc sống sẽ thành không thể được; nếu mọi người bất lương, bạn không thể tồn tại được chút nào. Cho nên ở mức độ thấp nhất, xã hội cần tới đạo đức; nó là tiện dụng của xã hội, nhưng nó không phải là cách mạng tôn giáo.

Đừng được thoả mãn chỉ bởi việc là tốt.

Nhớ lấy, bạn phải đi tới điểm mà bạn không cần ngay cả việc nghĩ về cái gì là tốt và cái gì là xấu. Chính nhận biết của bạn, chính tâm thức của bạn, đơn giản đưa bạn tới cái là tốt - không có kìm nén. Tôi sẽ không gọi Mahatma Gandhi là con người của nhận biết, chỉ là người tốt thôi - và ông ấy đã cố gắng thực sự vất vả để là tốt. Tôi không nghi ngờ ý định của ông ấy, nhưng ông ấy bị ám ảnh bởi lòng tốt.

Con người của nhận biết không bị ám ảnh bởi cái gì - người đó không có ám ảnh. Người đó chỉ thảnh thơi, bình thản và yên tĩnh, im lặng và chân thành. Từ im lặng của người đó bất kì cái gì nở hoa cũng tốt. Nó bao giờ cũng tốt - người đó sống trong nhận biết vô chọn lựa.

Cho nên vượt ra ngoài khái niệm thông thường của người tốt đi. Bạn sẽ không là tốt, bạn sẽ không là xấu. Bạn sẽ đơn giản tỉnh táo, ý thức, nhận biết, và thế thì bất kì cái gì đi theo cũng sẽ là tốt. Theo một cách khác tôi có thể nói rằng trong nhận biết toàn bộ của mình bạn đạt tới phẩm chất của tính thượng đế - và tốt chỉ là một sản phầm phụ nhỏ của tính thượng đế.

Tôn giáo đã từng dạy bạn là tốt, để cho một ngày nào đó bạn có thể tìm thấy Thượng đế. Điều đó là không thể được - không người tốt nào đã từng tìm thấy tính thượng đế. Tôi đang dạy chính điều ngược lại: tìm tính thượng đế, và cái tốt sẽ tới theo cách riêng của nó. Và khi cái tốt tới theo cách riêng của nó, nó có cái đẹp, cái duyên dáng, sự đơn giản, sự khiêm tốn. Nó không yêu cầu bất kì phần thưởng nào ở đây hay ở sau đây. Nó là phần thưởng riêng của nó.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh