Bí Ẩn Về Tiền Kiếp Hậu Kiếp: Chương 2. Luân Hồi Qua Các Tôn Giáo

BÍ ẨN VỀ TIỀN KIẾP HẬU KIẾP: CHƯƠNG 2. LUÂN HỒI QUA CÁC TÔN GIÁO

Thuyết luân hồi đã có từ lâu và bàng bạc cùng khắp thế giới. Lúc đầu nhiều người vẫn tưởng triết thuyết Luân hồi chỉ có ở Ấn Độ nhưng qua các nghiên cứu sâu xa hơn thì Luân hồi còn là tín ngưỡng của người Ai Cập. Ở Hy Lạp, vấn đề luân hồi được nói đến nhiều mà đại diện là nhà triết học cổ đại nổi danh Platon đã nhiều lần đề xướng trong các tác phẩm bất hủ của mình. Không riêng gì Ấn Độ giáo và Phật giáo thường dùng thuyết luân hồi làm căn bản, các vị tăng lữ Gô Loa cũng đã một thời giảng dạy Luân hồi cho các tín đồ của mình. Nhà triết học Schopenhauer khi nhắc đến vấn đề Luân hồi cũng đã ghi nhận rằng các dân tộc Mỹ Châu, da đen và cả người Úc Đại Lợi cũng đã biết khá nhiều về luân hồi. Giáo phái Hồi ở Hindoustan (giáo phái Bohrahs) đã rao giảng về thuyết Luân hồi cũng như cổ xúy vấn đề ăn chay không ăn thịt. Một số lớn dân vùng hoang đảo, những người dân Fijii cũng tin vào luân hồi: Tuy nhiên đi sâu vào thuyết Luân hồi phải là Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Ấn Độ Là Cái Nôi Cơ Bản Của Thuyết Luân Hồi Tái Sinh

Nhà biên khảo nổi tiếng William Durant (thường gọi là Will Durant) khi viết về triết thuyết của các tôn giáo cổ xưa ở Ấn Độ đã lưu ý nhiều về tín ngưỡng mà dân chúng Ấn đã tin tưởng từ thời Vệ Đà (Veda) (2000 - 1000). Tôn giáo xưa cổ nhất của Ấn, theo Durant là tôn giáo mà người Naga đã theo (dân tộc cổ nhất Ấn Độ thường thờ thần rắn).

Người Naga thờ đủ các vị thần, họ tin là có đủ linh hồn, tin vào thần tạo ra muôn loài trên quả đất, vị thần đó có thể là Soura, là Prajapati, là Indra… Thần này có cơ thể tách đôi phần pati thuộc nam giới và phần patnie thuộc nữ giới. Về sau hai phần ấy rời ra và chuyển hóa thành những hình tượng sinh vật khác qua mỗi lần đều tìm đến nhau để phối hợp nên vạn vật mới được sinh thành. Bộ kinh lâu đời Upanishad cho thấy rằng mọi vật đều được sinh ra theo vòng luân hồi chuyển hóa, hình thể sinh vật này được phát sinh là do một hình thể khác kia chuyển qua. Con người phàm trần mắt thịt chỉ thấy mọi sự vật qua hình dáng, biểu tượng bên ngoài mà tưởng rằng cái này khác cái kia. Giác quan con người chưa đủ khả năng để lãnh hội được những gì có tính cách huyền vi sâu xa bên trong những gì mà họ thường thấy, nghĩa là giác quan con người không nhận ra được cái bản thể vi diệu bên trong những hình thể hiện hữu trên thế gian này. Theo lời dạy trong bộ kinh này thì con người có linh hồn, linh hồn liên kết với thể xác lúc sống, nhưng khi chết, linh hồn tách rời khỏi thể xác và chịu sự phán xét theo luật tự nhiên. Linh hồn sẽ được sống ở cảnh an lạc hay chịu xử phạt công minh. Kinh Upanishad Katha thì chỉ cần nhìn đời sống của một cây lúa từ khi được gieo cho đến khi chết là có thể biết được kiếp người sống chết ra sao, câu: “Con người giống cây lúa, sẽ chết đi như cây lúa rồi lại tái sanh như cây lúa mà thôi” đã được dân tộc Ấn thời cổ đại thuộc nằm lòng. Các kinh Veda thường là những bài thơ dài và được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Kinh Veda được người Ấn xem như là báu vật thiêng liêng là một tín ngưỡng thâm sâu cao cả và các nhà nghiên cứu tôn giáo đã xem kinh Veda của người Ấn cổ đại giống như kinh Coran của người Hồi giáo hay Thánh kinh (Bible) của người Ky tô giáo vậy: Bộ kinh Upanishad được dân Ấn ngày xưa coi như phép màu cứu rỗi con người. Nhà triết học Schopenhauer khi nghiên cứu về bộ kinh này đã viết như sau: “trên thế giới, chỉ có các Upanishad là có thể xem như nguồn an ủi vô biên cho đời sống của tôi, suốt cả đời tôi cho đến khi tôi từ giả cõi đời”. Theo William Durant thì Upanishad có thể xem như một tác phẩm triết lý và tâm lý xưa cổ nhất của loài người. Đây là tác phẩm chứa đựng những tư tưởng sâu sắc huyền vi nhất trong lịch sử triết học. Giải đáp những thắc mắc to lớn từ muôn nơi muôn thủa của con người: Vì sao lại sinh ra ta? Ai đã sinh ra ta? Ta từ đâu tới và sẽ đi về đâu trong tương lai? Sau khi chết? Cái mà loài người vừa thắc mắc, vừa lo sợ, vừa phân vân là sự tái sinh của con người qua nhiều kiếp nhiều đời đến độ một vụ quốc vương quyền uy tột bực, sống cuộc đời giàu sang tuyệt đỉnh nhưng vẫn phải lo lắng phân vân về cái chết sẽ đến cùng với sự luân hồi tái sinh trở lại. Chỉ có sự giác ngộ của chính mình, dẹp bỏ các ta, cái “ngã” ẩn núp trong con người ta thì mới mong thoát được sự tái sinh mà thôi. Muốn vậy phải tẩy sạch mọi ý nghĩ, mọi hành động, phải giữ cho tinh thần trong sạch không vướng mắc những ý nghĩ của con người phạm tục… có thể mới thấy được cái nội tâm mình, thấy được cái bao la diệu kỳ của linh hồn mà họ chỉ là một phần tử và sau cùng cá nhân sẽ biến đi để lộ rõ cái thực thể siêu việt hiện ra, khi đó rõ ràng ta không còn là ta nữa vì cái ta thật sự chỉ là một chuỗi của những trạng thái ý thức kế tiếp liên hệ nhau, đó là cái xác thân được nhìn từ phía trong ở nội tâm mà thấy cái Atman như cái tinh anh siêu đẳng của Linh hồn, đó là cái tuyệt vô cùng vô sắc vô tướng vô thanh… (theo William Durant). Ngoài ra còn có cái bản thể của vũ trụ thế giới hồn bao la là Brahman, đó là linh hồn của vũ trụ. Đó là linh hồn của mọi vật. Sau cùng Atman sẽ hòa đồng với Brahman thành một, nghĩa là Linh hồn của vũ trụ thế giới.

Trong Upanishad đề cập nhiều đến vấn đề Luân hồi tái sinh. Ở đây từ Moksha được hiểu như sự luân hồi hay vòng luân hồi chuyển tiếp.

Tuy nhiên không phải ngay trên đất Ấn Độ thời xưa cổ ấy mọi người đều tin vào thuyết con người cò Linh hồn và linh hồn chuyển hóa theo sự Luân hồi tái sinh. Có nhiều thuyết phát sinh từ các nhà thuyết giáo khác đi ngược lại những gì về thuyết luân hồi hay còn bài bác thuyết luân hồi. Những người hoài nghi thuyết luân hồi tái sinh cho rằng người ác hay kẻ hiền lương đều bị lệ thuộc cả vào Số mệnh chớ không phải làm ác là chịu tai họa hay làm lành là được ân sủng của Thượng Đế. Mọi người ai cũng đều phải chết dù cho đó là kẻ tài ba xuất chúng hay kẻ ngu muội điên khùng và khi chết thân xác đều tan rã chẳng còn gì. Brishaspati đã đưa ra thuyết Hư vô để theo đó chẳng có trời, chẳng có Thượng Đế, chẳng có Linh hồn, thần linh gì cả nên chẳng có thế giới mai sau cho mỗi kiếp người, không có sự luân hôi tái sinh hay sự giải thoát cuối cùng. Trong một cuốn kinh của Brihaspati có những đoạn đại ý như sau:

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Cuộc đời không có gì đáng lo nghĩ. Đời người không có gì đáng sợ, không trời đất, không linh hồn

Không có thế giới khác cũng như không có kiếp sau. Ngày nào còn sống thì cứ vui hưởng cho thoả xác thân.

Hãy mượn tiền bạn bè để ăn chơi. Càng nhiều bơ sữa càng hay. Tại sao ta phải ép xác nhịn ăn, nhịn uống, nhịn mặc, hạn chế và tiết kiệm?

Làm sao cho thân xác chúng ta sau đã chết rồi đã trở thành bụi, đất lại còn có thể quay về nữa? Còn nếu một hồn ma nào đó là có thật thì khi qua thế giới khác, tại sao lại quen đi mọi thứ mà không còn nhớ thương nuối tiếc những người thân yêu của mình còn lại đằng sau?

Vậy thì hễ còn sống thì ta cứ hưởng mọi thứ.

Từ những ý niệm ấy của Brihaspati làm xuất hiện nhiều phái duy vật trong đó đáng kể nhất là phái Charvaka. Phái này đề cao giác quan con người và cho rằng cái gì giác quan không nhận thấy thì đó là sự hư không mà thôi. Do đó linh hồn chỉ là cái tưởng tượng mà kinh Veda đã đưa ra để phỉnh gạt mọi người. Phái Charvaka đề cao vật chất và cho vật chất là cái thực thể rõ ràng và quan trọng mà thôi. Họ lý luận rằng từ khi loài người xuất hiện đến giờ chưa ai thấy linh hồn cả và cũng chưa ai thấy linh hồn tách rời khỏi thể xác hết. Mọi hiện tượng trong vũ trụ đều là tự nhiên. Sở dĩ nhiều người đặt ra giả thiết có một Thượng Đế là có ý giảng về thế giới hay hiểu thế giới. Vì không tự tin nên họ tin vào tôn giáo và thần linh, thần quyền. Thiên nhiên lúc nào cũng thản nhiên như không trước mọi sự. Kẻ thiện, kẻ ác, người khôn người ngu đều chết và khi sống những con người đó đều hít cùng hơi thở của thiên nhiên, uống nước của thiên nhiên, hứng ánh mặt trời chung không phân biệt kẻ này người kia vì mục đích của đời sống là sống. Chính những lý luận có tính cách “Bình dân” “thực tế” và “nghe thuật tai” cho một số người ấy mỗi ngày một lan rộng mà những gì gọi là thâm sâu vi diệu trong các kinh Veda ngày càng bị mai một. Hơn nữa nhiều đoạn trong kinh Veda quá sâu sắc khó hiểu khiến nhiều người Ấn cảm thấy phân vân… và Ấn Độ đã trải qua một thời gian dài ở trong tình trạng hoài nghi về tôn giáo. Tuy nhiên Ấn Độ cũng không hiếm những triết thuyết mới mẻ khác dần dần thay thế và trám chỗ cho khoảng trống đầy hoài nghi đó. Phái Jainisme cho rằng mọi vật trong vũ trụ đều có linh hồn. Tinh thần và vật chất là hai phần chính ở một bản thể. Khi một linh hồn nào đó không phạm tội lỗi lúc ở một thân xác nào đó nghĩa là không gây khổ đau, tàn hại kẻ khác thì linh hồn ấy sẽ thành Paratmatman ( linh hồn tối cao) để khỏi bị đầu thai lại trong một khoảng thời gian nào đó. Sau khi hết định kỳ linh hồn ấy sẽ tiếp tục đầu thai trở lại. Sự giải thoát hoàn toàn không còn bị tái sanh chỉ dành cho linh hồn nào hoàn thiện tuyệt đối mà thôi. Những linh hồn hoàn hảo ấy là Arhat. Muốn đạt tới kết quả ấy thì con người phải đoạn tuyệt với những thú vui của thể xác, phải an vui tự tại, phải giữ tâm hồn thanh thản không tư lợi, dục vọng. Không trộm cướp và không tàn hại, không gây khổ đau cho mọi sinh vật. Chỉ có thể mình làm khổ mình hay tự giết mình thôi còn ngoài ra không được giết bất kỳ con vật nào.

Đây rõ ràng là tu khổ hạnh để đạt mục đích tối thượng là không còn khổ đau, tái sanh trở lại cõi trần. Tuy nhiên các lời nguyện vừa kể thật khó cho số lớn tín đồ nào muốn đạt đạo vì giới luật Ashima rõ ràng là quá khắt khe nhưng những tín đồ của giáo phái Jain vẫn tin rằng cứ mỗi thời gian đã định nào đó, thế gian sẽ lại có một Đấng cứu thế gọi là Jina giáng trần để cứu độ chúng sanh.

Trong khi phần lớn dân Ấn còn hoang mang trước những luận thuyết của một số tôn giáo rao truyền trong dân gian qua các bộ kinh Veda, hay qua những lời báng bổ của Brihaspati (phái Charvaka), hoặc qua những giáo điều khổ hạnh của giáo phái Jain v.v… thì một tôn giáo mới ra đời. Tôn giáo này đã giải thích nguyên nhân sự đau khổ của con người, của sự luân chuyển liên tục của kiếp người qua bốn giai đoạn: Sinh, Lão, Bệnh, Tử, và khi đã tử thì sự tái sanh lại khiến loài người soay vần chuyển hoán mãi trong kiếp luân hồi đau khổ. Sự kỳ lạ là người tìm ra nguyên nhân của sự đau khổ và sự luân hồi tái sinh lại là một con người đầy hạnh phúc quyền uy và đầy hứa hẹn ở tương lai. Người ấy là một Thái tử, tục danh là Siddgharta (Tất Đạt Đa), tên họ thị tộc là Cồ Đàm (Gautama) con của Quốc Vương Shuddodhana xứ Kapilavatsu thuộc vùng Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Mặc dầu sống giữa sự giàu sang quyền quý những tâm tư Thái Tử lại luôn luôn u uẩn vì những dằn vặt lạ lùng về những khổ đau của kiếp người. Thái tử đã thấy rõ cảnh già lão, bệnh tật, đau khổ và cảnh tử biệt chia ly giữa kẻ chết và người sống, nhiều cảnh khổ đau ghê sợ diễn ra trước mắt ngài là khi ngài ra khỏi 4 cửa thành để dạo chơi, Thái tử tự đặt câu hỏi rằng tại sao mọi người đều phải già, phải bệnh, phải chết sau khi được sinh ra? Vì sao con người lại phải sinh ra, lớn lên và chịu quy luật lạ lùng đó. Thái tử hỏi tả hữu thì ai cũng bảo đó là lẽ trời, là luật tự nhiên. Vậy chính Thái tử cũng phải chịu quy luật đó, chính phụ vương và mẫu hậu của người cũng không thoát khỏi được những cảnh khổ đau ấy dù là bậc đế vương quyền cao đức trọng? Ngay cả loài sinh vật, Thái tử cũng đều thấy chịu quy luật chung ấy. Phải làm sao để các khổ đau ấy không còn tái diễn mãi ở mọi người. Nỗi suy tư ấy dằn vặt Thái tử và mặc dầu có vợ đẹp, con ngoan, sống cuộc đời vàng son đầy hạnh phúc. Thái tử vẫn cảm thấy đó chỉ là giai đoạn và rồi chính mình cũng phải theo luật tự nhiên để đến hồi già nua run rẩy, bệnh hoạn đau đớn rồi chết mà thôi. Rõ ràng con người đang lặn hụp trong bể khổ đau mà không có ai cứu thoát quyết định cuối cùng là Thái tử cương quyết lìa bỏ những ràng buộc của vật chất tầm thường của cuộc sống để đi tìm chân lý, tìm nguyên nhân của sự khổ đau và tìm sự giải thoát không những chỉ riêng cho bản thân

Thái tử mà còn cho tất cả mọi người, mọi chúng sanh. Một đ êm kia, nhân mọi người đều ngủ say, Thái tử lẻn trốn khỏi Hoàng cung cùng với một người thân tín là Channa (Xa Nặc) lên ngựa đến nơi hoang vắng cho Channa trở về còn một mình quyết tâm vào rừng tìm nơi thâm sơn cùng cốc để nghiền ngẫm cuộc đời. Sau bao nhiêu gian khổ và sau bao phương cách thực hành lối tu khổ hạnh ngài cũng không tìm thấy được lời giải đáp của vấn đề. Ngài ngồi xuống gốc một cây cổ thụ và bắt đầu tập trung tư tưởng nghĩ về mọi lý lẽ của cuộc sống, về nguyên lai của Sinh, Lão, Bệnh, Tử… Nhờ cái có “thấy” (kiến chữ kiến ở đây không nên hiểu như sự thấy bình thường bằng kiến thức tương đối mà bằng con mắt bát nhã, một thứ trực giác đặc biệt giúp ta tiến vào sâu bên trong của chính thực tại (D.T.Suzuki) Cái “biết” (tri: Nana, janàna) có chiều sâu, nhờ cái “kinh nghiệm Ngộ” mà sau sáu năm tu khổ hạnh và tu tập Thiền định mà Ngài khai mở được cái tri giác nội tại để thấy được mọi lẽ huyền vi của vũ trụ. Ngài thấy rõ sự luân hồi như cái vòng xoay chuyển, cái khổ đau của tất cả mọi loài, mọi chúng sanh chớ không riêng gì con người. Tất cả là do ở Nghiệp được gọi là Karma. Chính luật Karma này đã khiến cho sự sinh tử và tử sinh xoay vòng chuyển hóa mãi không ngừng và sự đau khổ cứ thế mà không bao giờ chấm dứt. Con người ở kiếp này hành động ra sao lúc sống tức là đã tạo nghiệp. Sự tạo Nghiệp này là sự gieo Nhân để rồi gặt Quả. Nếu gieo nhân lành thì gặt quả tốt, nếu gieo nhân ác thì gặt quả dữ. Nghiệp lành hay dữ ấy chính là nguyên nhân chuyển biến vòng luân hồi nó như tác động đội ngược lại như khi ta ném trái banh vào vách tường vậy. Tuy nhiên, con người cũng như tất cả chúng sanh thường mê mờ u tối vì bị vô minh che lấp nên không thấy, không biết được định luật liên hồi quả báo vì thế mà tưởng rằng chết là hết nên mọi hành động của mình dù tàn ác bất nhân rồi cũng qua tất cả vì chết là hết, không biết rằng nghiệp quả khiến con người phải tái sanh mãi để chuộc lấy tội lỗi do mình đã gây ra từ kiếp trước.

Trong các lần truyền đạo Ngài thường tóm tắt những bài giảng thật dễ hiểu cho mọi người.

Sinh, già, bệnh là những đau khổ.

Than khóc, tiếc nuối, buồn thương, thất vọng, giận hờn, ganh ghét đều là những điều khổ hạnh và cũng là nguyên nhân gây nên đau khổ. Dục vọng làm con người mê mờ u tối. Cái mong ước, cái thỏa mãn, cái đam mê vì cái bản ngã, cái ta chính là những nguyên nhân gây nên luân hồi tái sinh mãi mãi. Sự giác ngộ mọi lẽ huyền vi của vũ trụ, luân hồi đến với Ngài được mô tả trong Ngũ Lục của Đại Đăng Quốc Sư như sau:

… Đó là buổi sáng, nhằm ngày mồng tám tháng chạp. Sau một thời nhập định, Ngài bỗng ngước lên nhìn trời và thấy sao Mai chiếu sáng.Ngay lập tức, sự kiện này giống như một tia sáng xuyên sâu vào ý thức ngài (cái ánh sáng vi diệu không phải phát ra từ sao Mai mà chính là cái ánh sáng phát sinh trong tiềm thức Ngài, được khơi dậy từ ánh sáng của sao Mai) và chấm dứt sự tìm chân lý của Ngài. Đây là biến cố trọng đại nhất trong cuộc đời tìm đạo của đức Phật. Vì thế về sau những buổi lễ kỷ niệm ngày Thành Đạo, tín đồ thường ghi nhớ để tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Chạp”.

Ấn Độ giáo cho rằng những kẻ khốn cùng, đói khổ, tàn tật nghèo nàn là những kẻ đang gánh chịu những gì mà ở tiền kiếp họ đã gây ra. Cái quả báo ấy luôn luôn tương xứng với các hành động từ trước. Đó là lẽ tự nhiên, công bằng, hợp lý. Tội lỗi của một con người khi còn sống sẽ xác định nên đời sống kế tiếp. Con người chính là kết quả, là sản phẩm của những tội lỗi từ kiếp trước nên khi đầu thai vào đời kế tiếp sẽ luôn luôn tùy vào những tội lỗi trước đây để xác định kiếp sống và những gì mà kiếp sống ấy phải cưu mang gánh chịu. Vì thế những kẻ đang đau khổ không có gì phải kêu ca than khóc trách cứ bất cứ ai. Ở Ấn, nhan nhản những người đói khổ lê lết tấm thân tàn, dù kêu rên tha thiết khẩn cầu cũng hiếm có ai thương tình giúp đỡ. Vì từ ngàn xưa trong tâm trí người dân Ấn đã in sâu thuyết luân hồi căn cứ vào luật của Manou, một triết gia nổi danh Ấn Độ thời xưa cổ. Theo đó xã hội có nhiều giai cấp từ cao xuống thấp. Đại cương thì xã hội Ấn gồm có 4 giai cấp chính. Tuy nhiên mỗi giai cấp lai phần thành hàng chục giai cấp nhỏ hơn, chính sự phân chia giai cấp này đã làm chia rẽ dân Ấn, tạo sự kỳ thị, áp bức, khinh miệt, căm thù, xa lạ, ích kỷ giữa những con người với nhau. Giai cấp thấp nhất trong xã hội là hạng cùng đinh. Đây là hạng người không ai để ý đến, chẳng ai thương xót cứu giúp vì ai cũng cho rằng kiếp trước họ đã tạo nhân ác cho nên nay phải nhận quả báo là lẽ tự nhiên. Người Ấn tin vào thuyết của Manou nên phần lớn đều thờ ơ trước những người khốn khổ này. Tuy nhiên không phải mọi người đều có thái độ và niềm tin giống nhau vì thế vẫn có người đứng ra cứu trợ, nhưng chỉ là thiểu số.

Chính Phật Thích Ca đã nhìn thấy sự vô lý bất công và sai lầm trong việc phân chia giai cấp ở xã hội Ấn nên trong khi truyền đạo đã thường căn dặn các đệ tử là không nên có ý nghĩ nông cạn và hẹp hòi như thế. Phật giáo cũng nêu nên vấn đề tái sanh nhưng sâu sắc và chú trọng nhiều vào phương thức để giải thoát khỏi sự tái sanh, do đó, đạo Phật được coi là đạo Giải Thoát.

Theo thuyết luân hồi của Phật giáo thì mọi sinh vật đều chịu chung một quy luật tự nhiên là thành, trụ, hoại, không. Sinh tử, sống chết cứ tuần tự xoay vần chuyển hóa theo vòng luân hồi nhân quả mà nguyên nhân là do bởi những gì bản thân đã tạo ra. Trong vũ trụ, thế gian, không có sự vật gì mà không qua 4 giai đoạn thành, trụ, hoại, không cả. Từ một tế bào là đơn vị nhỏ nhất trong cơ thể cho đến vật to lớn như mặt trời trong thái dương hệ của chúng ta cũng đều chịu quy luật là sự hình thành, tồn tại trong thời gian nào đó (trụ) nhưng rồi cũng phải hủy diệt (hoại) cuối cùng trở thành không… để rồi lại kết hợp và tạo thành vật mới. Đó là tính cách vô thường, vô ngã ở mọi vật.

Đã hiểu được luật luân hồi thì phải làm thế nào để thoát khỏi cái vòng ràng buộc đó chớ không thể an phận chịu đựng một cách thụ động phải làm sao để khắc phục, chế ngự tìm lối thoát khỏi sự đọa đày triền miên của những kiếp người.

Theo thuyết luân hồi thì:

Sự sống và hành động lúc còn sống liên hệ nhân quả với nhau rất chặt chẽ. Trong khế kinh có đoạn như sau:

“Nếu muốn biết hành động của quá khứ thế nào thì hãy nhìn đời sống hiện tại. Nếu muốn biết đời sống tương lai ra sao thì hãy nhìn vào hành động hiện tại”.

Sự sống là phản ánh của hành động, từ đó có thể rút ra luận lý rằng chỉ có hành động mới làm cho thay đổi đời sống sinh vật. Vì thế, điều dễ hiểu là làm ác đời này thì đời sau sẽ khổ. Đời này khổ là do đời trước đã làm việc bất nhân. Làm thiện đời này thì đời sau sẽ được an vui. Như thế vấn đề cải hóa việc làm của mình lúc còn sống chính là gieo cái nhân tốt để rồi sẽ gặt vào đời sau những gì an lạc do cái nhân trước đã tạo nên.

Tuy nhiên khi nói về vấn đề luân hồi, về nhân và quả, cũng nên lưu ý rằng, lý thuyết nhân quả của Phật giáo không có tính cách hoàn toàn cứng ngắc và theo quy luật kiểu máy móc, có nghĩa rằng không phải luôn luôn hễ nhân nào đã tạo thì sẽ nhận lại quả hoàn toàn như thế, không phải tuyệt đối kiếp này dùng dao giết người thì kiếp sau sẽ bị kẻ khác dùng dao giết lại (bộ kinh Hiền Ngu của Phật giáo cũng có ghi nhận điều này), Luân hồi ở đây phải hiểu là sự tác động ngược lại một cách tương xứng, chữ tương xứng không có nghĩa là sự giống nhau hoàn toàn, trái lại đôi khi còn có sự sai khác về hình thức, nguyên nhân và kết quả nhưng chủ đích sau cùng của vấn đề nhân quả vẫn phù hợp.

Theo lý thuyết của Phật giáo thì sự sống phát sinh là do nguyên nhân, do cái nghiệp (Karma) đã dẫn vào 6 con đường gọi là lục đạo. Sáu con đường đó là Thiên, Nhân, A tu la, Ngạ quỉ, Địa ngục, Súc sanh. Đó là 6 con đường đáng sợ. Mọi sự vật đều được hình thành do nhân duyên (nhân cái này, vì cái này mà sinh ra cái khác), gieo hạt giống xuống đất thì sẽ nẩy mầm mọc ra cây cối rồi sinh cây ra quả. Nhân duyên gồm có: vô minh, hành thức, danh sắc, lục nhập (mắt, mũi, tai, lưỡi, thân và ý), xúc, thọ, thủ, hữu, sinh, lão, tử… Nhân duyên tương quan tác động lên nhau. Chính vì có nhân duyên mới có sự vật, mới có cái thân, có cái thân mới có sinh, lão, bệnh, tử, mới có khổ đau.

Mười hai thứ trong nhân duyên vừa kể chính là 12 giai đoạn liên hệ nhau, tạo nên cái vòng luân hồi ràng buộc những đời sinh vật. Tín ngưỡng luân hồi nhân quả hầu như là một tín nhiệm tự nhiên của con người và vì thế mà nhiều người tưởng rằng trong Phật giáo đạo lý nhân quả được xem như là một đạo lý đơn giản dể hiểu. Tuy nhiên vấn đề không phải như ta tưởng. T.T.Trí Quang đã trình bày rõ hơn vấn đề này như sau khi bàn đến Đạo lý nhân quả luân hồi.

Đạo Lý Nhân Quả.

Có nhiều người nghĩ rằng trong Phật giáo, đạo lý nhân quả được nhận là một đạo lý dễ hiểu. Nhưng sự thực trái lại. Sự thực là đạo lý đó tuy quá hiển nhiên, chi phối trực tiếp và toàn diện cuộc sống của con người nên con người ai cũng phải nhận biết, nhưng sự nhận biết đó rất dễ sai lầm. Khi người ta nói nhân quả là trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, nói như vậy tức là công nhận lý thuyết “duy vật” hẳn hoi, trong khi đạo lý nhân quả là chứng minh chủng từ phát hiện, hiện hành hay đảo lại; cũng như khi người ta nói nhân nào quả đó, mảy mún không sai, nói như vậy tức là “thường kiến” ngoại đạo, vì đạo lý nhân quả chứng tỏ nếu có nhân mới có quả mà quả có thể không có nếu nhân bị đổi bỏ. Nhiều khi người ta đưa luận điệu bảo nhân quả nhất định không thể tránh được để muốn cho mọi người sợ hãi và dè dặt hành động của họ, nhưng đồng thời họ đã phủ nhận tất cả lập trường của Phật pháp, vì nếu nhất định không tránh được, nghĩa là nguyên nhân không thể đổi bỏ được thì tu hành làm gì và tu hành sao được? Kiểm tra lại sự nhận định và lối thuyết minh cẩu thả của chúng ta như thế, để mọi người thấy rằng đừng nghĩ Phật pháp có đạo lý này dễ, đạo lý kia khó, rồi nói càn nói bướng với cái mình cho là dễ, nói kiêu nói ngạo với cái mình cho là khó. Điều quan trọng của Phật pháp mà ai cũng phải biết, là đạo lý nào cũng chứa đựng toàn diện Phật pháp, nên phải dè chừng trong sự hơi hiểu và nhất là sự nói ra.

Đại cương đạo lý nhân quả có hai phần:

  1. Tất cả các pháp đều có chủng tử riêng biệt, tâm có chủng tử của tâm,vật có chủng tử của vật, tất cả các pháp là những hiện hành do chủng tử của nó phát hiện, như vậy gọi là “đẳng lưu nhân quả”.
  1. Tất cả sự sống đều là nghiệp lực riêng biệt, khổ do nghiệp lực ác, vui do nghiệp lực thiện, tất cả sự sống là những hiện hành do nghiệp lực phát hiện, như vậy gọi là “dị thục nhân quả”.

Hai hệ thống nhân quả này hiểu như thế nào nơi sinh mạng của ta? Ta gọi là sinh mạng của ta, nếu phân tích ra rồi gồm lại mà nói, thì sinh mạng là một danh từ gọi là sự hóa hợp của bao nhiêu hiện hành thuộc về tâm lý và vật lý; bao nhiêu hiện hành được phát hiện bởi bao nhiêu chủng tử riêng biệt của chúng nó, đó là hệ thống nhân quả đẳng lưu. Nhưng bao nhiêu hiện hành tâm lý vật lý hóa hợp thành một sinh mạng như vậy, sinh mạng đó hoặc đồng màu sắc khổ hoặc đồng màu sắc vui, khổ hay vui đó là hiện hành của nghiệp lực ác hay thiện; đó là hệ thống nhân quả dị thục. Gồm cả hai hệ thống nhân quả này lại là nhân quả nơi chánh báo, nơi nhân sinh, còn phía y báo, phía vũ trụ thì chỉ tùy thuộc và gồm vào nhân sinh (đẳng lưu quả của vũ trụ cũng chỉ là chủng tử ở “tạng thức” còn dị thục quả của vũ trụ cũng chỉ do nghiệp lực ảnh hiện).

Đại cương đạo lý nhân quả như vậy, có vài chi tiết cần phải chú ý:

Trước hết, cứ theo hệ thống nhân quả thứ hai, chúng ta thấy sự sống có ra là vì năng lực của hành động. Hành động thế nào sẽ hình thành sự sống như thế. Nên khế kinh nói “muốn biết hành động quá khứ như thế nào, thì chính sự sống ngày nay đó, muốn biết sự sống ngày sau như thế nào, thì chính hành động ngày nay đó”. Và chính nguyên lý sự sống là phản ảnh của hành động này chứng minh rằng cũng chỉ hành động mới thay đổi sự sống. Nói như vậy hay nói rằng muốn thay đổi đời sống thì căn bản là phải thay đổi hành động, cũng như nhau. Cho nên làm ác phải khổ, muốn hết khổ được vui thì phải bỏ ác làm thiện. Hình thức sinh hoạt hiện tại của con người. Cũng nguyên lý đó, chứng tỏ hiện tại và mai hậu, hình thức sinh hoạt của con người muốn nó như thế nào là phải hóa cải hành vi của mình. Đó là nguyên lý mà đức Phật thiết lập ra phần giáo lý căn bản cho con người. Bởi vì nguyên lý đó thật là nguyên lý căn bản cũng như hành vi thật là căn bản của đời sống con người cà con người thật là căn bản của tất cả hình thức sinh hoạt của nó.

Thứ nữa, phụ thuộc vào chi tiết trên đây nếu ta đặt ra câu hỏi như thế này: khi cái nhân chưa ra kết quả, nhân ấy có thể đổi bỏ được không? Khi cái nhân đã kết quả, quả ấy có thể gia giảm được không? Đổi từ ngữ đi mà hỏi thì hành vi đã làm mà chưa kết quả, hành vi đó có thể đổi bỏ không? Hành vi đã tạo ra đời sống rồi nghĩa là đời sống hiện tại đây có thể thay đổi gì không? Nếu không thì như đã nói trước kia, sự tu hành có hiệu lực gì và tu hành sao được? Cho nên phải biết đạo lý nhân quả chứng minh tất cả vạn hữu trong đó con người cũng vậy, thảy thảy đều có thật có đặc tánh cố định nên chỉ “có thể có nếu có nguyên nhân”. Đã là nếu thì nguyên nhân nếu không có, kết quả cũng không. Làm cho không nguyên nhân đi, đó là năng lực của sự tu hành. Làm cho không đi bằng cách nào? Là đem một nguyên nhân khác thay đổi vào nguyên nhân đó, đem một hành động đổi bỏ hành động, vì nguyên nhân hay hành động cũng không có một thứ nào có đặc tính cố định. Nếu cố định thì đã không thể có ra được. Đó là cắt nghĩa một nguyên nhân có thể đổi bỏ. Còn đời sống hiện tại, một kết quả đã có, thì sao? Đạo lý nhân quả nói trong dị thục nhân quả có “sĩ dụng nhân quả”, nghĩa là nhân lực hiện tại có thể gia giảm đến thay đổi được đời sống hiện tại.

Đó là nguyên lý trong luật nhân quả chứng minh sự hành trì giáo lý “căn bản” của người tại gia thì hóa cải và có thể hóa cải được hình thức sinh hoạt hiện tại - Cho nên nhân quả là một luật rất hoạt động, trong đó các hệ thống nhân quả đổi bỏ nhau và hỗ trợ cho nhau. Do đó, thuyết định mạng ngày nay và thuyết thường kiến ngày xưa không thể đứng vững được với sự thật biến chuyển trong luật nhân quả và chính đó là tất cả nguyên lý căn bản của sự tu hành. Vạn hữu chuyển biến theo luật nhân quả nên khổ não có thể đổi bỏ và an lạc có thể kiến thiết.

Đạo Lý Luân Hồi.

Đạo lý luân hồi tùy thuộc và bổ túc cho hệ thống nhân quả thứ hai, nhân quả dị thục. Đạo lý luân hồi cốt chứng minh hai điều:

  • Năng lực của hành động tạo ra đời sống.
  • Đời sống ấy, như vậy, có thể hóa cải được bằng năng lực của hành động.

Tất cả nguyên lý của sự tu hành thiết lập trên căn bản này. Căn bản này thuật ngữ gọi là “nghiệp quả”. Không biết hai điều ấy của nguyên lý nghiệp quả thì như trước đã nói, “tu hành nghĩa là hóa cải đời sống bằng cách sửa đổi hành động”, vậy nếu hành động không liên quan gì đến đời sống và đời sống cũng như hành động không thể hóa cải được thì tu hành sao được và tu hành làm gì. Nhưng thực tế, đời sống của con người do chính năng lực hành động của con người tác động và chi phối, vì lẽ đó mới phải tu hành và có thể tu hành được. Hiểu như vậy là đã biết được đại ý và mục đích của đạo lý luân hồi rồi đó. Không cần phải lặp lại một lần nữa, người tại gia cũng đủ thấy do theo sự hiểu biết như vậy mới xác nhận hình thức sinh hoạt của con người cần phải hóa cải và có thể hóa cải được bằng cách hóa cải hành động, đổi bỏ hành động ác thay thế vào bằng hành động thiện thì hình thức sinh hoạt của con người sẽ hình thành một màu sắc an lạc chân thật.

Nhưng năng lực hành động là gì và tạo ra sự sống như thế nào? Sự sống là gì? Đó là những câu hỏi để giải thích thế nào là luân hồi.

Trước hết, điều mà bất cứ khi cắt nghĩa về sự phát sinh của một hiện tượng gì, mọi người Phật tử phải nhớ rằng lý thuyết của phật giáo chủ trương rằng do “chủng tử phát hiện”. Do theo thuyết ấy, chúng có thể hình dung thấy vũ trụ là một bể cả gồm có vô số lượng, vô số làn sóng chủng tử. Tất cả hiện tượng chỉ là sự phát hiện của chủng tử đó. Và chủng tử là gì? là năng lực mà bản thân của chúng là chuyển động và hoạt động liên tiếp. Sự hoạt diễn liên tiếp của chủng tử là các hiện tượng. Mọi hiện tượng, như vậy, là gì? chỉ là những vòng lửa do chủng tử liên tiếp hoạt diễn mà thành, giống như cây hương quay vòng một cách nhanh chóng rồi, vì không thấy kịp, chúng ta ngó như có một vòng lửa. Mọi hiện tượng cũng y như vậy. Chúng có ra và tồn tại là do sự hoạt diễn và hoạt diễn liên tiếp của chủng tử mà vì thiếu “tuệ giác bát nhã”, chúng ta thấy như là có và sống với cái thấy ấy.

Sự sống cũng vậy, cũng là một tổ chức có nhịp nhàng một chút do sự hoạt diễn của vô số chủng tử sắc tâm (vật lý và tâm lý) Và như trước đã cắt nghĩa, làm cho sắc tâm ấy hóa hợp (sinh mạng), hoạt diễn nhịp nhàng (sống) trong một màu sắc (quả báo) hoặc khổ hoặc sướng. Trong một thời gian (đời sống) hoặc dài hoặc ngắn, là do năng lực của hành động. Năng lực của hành động ấy cũng là một loại chủng tử: chủng tử của nghiệp, động lực của ý chí manh động (vô minh) và khuynh hướng vị ngã (tham ái). Đức Phật có nói rằng làm cho nắm đất rời rạc thành một vắt là nước, cũng y như vậy, tạo nên sự sống là nghiệp, nghiệp của si và ái.

Ta có thể hình dung sự sống của ta như một bộ máy lớn lao và phức tạp, được chạy bởi điện lực. Mọi bộ phận phức tạp gồm thành bộ máy ấy giống như mọi hiện hành sắc tâm có chủng tử riêng biệt mà tổ hợp lại thành sinh mạng. Nghiệp lực làm cho sinh mạng sống cũng như y điện lực làm cho các bộ phận ấy hoạt động với nhau nhịp nhàng trong một bộ máy lớn. Như vậy điện lực có thì máu chạy, điện lực tắt thì máy đứng; nghiệp lực còn thì sanh mạng liên tục mà nghiệp lực chết hết thì sự sống khổ não sẽ giải thoát.

Nhưng làm ra máy cũng như lắp máy, tạo ra điện lực cũng như cho điện lực chạy, tất cả việc ấy là bàn tay của trí thức con người, cho đến thay đổi bộ máy ấy làm ra bộ máy khác, bộ điện lực chiều này ra một chiều khác, cũng là bàn tay trí thức của con người. Tạm thí dụ như vậy để thấy tất cả và hết thảy mọi hiện tượng hiện tại (được mệnh danh là y báo chánh báo đau khổ) là do tạng thức, mà đổi bỏ đi, thay thế vào mọi hiện trạng sau khi giải thoát (được mệnh danh là y báo chánh báo an lạc) cũng là tạng thức.

Tạng thức ấy, học giả Duy thức học xưa đã thí dụ, giống như một bể cả tùy chiều gió mà các đợt sóng nổi lên thế này hay thế khác, hay giống như một tấm vải, tùy thuốc nhuộm mà có màu sắc này hay màu sắc khác. Nhưng, thế này hay thế khác cũng đều là tạng thức. Và làm cho thế này mất đi hay mà thay thế vào thế khác là bàn tay của người thợ nhuộm. Cũng y như vậy đó, luân hồi hay giải thoát đều là tạng thức nhưng làm cho luân hồi diệt mất mà hiện thành giải thoát là năng lực của hành động.

Hành động ác thì do chủng tử ác ấy hiện hành ra đời sống khổ não, đó là luân hồi. Đổi bỏ hành động ác bằng hành động thiện thì do chủng tử thiện đó mà hiện hành ra đời sống giải thoát. Đạo lý luân hồi, như vậy, là đạo lý căn bản dạy cho ta thấy đời ta, ta có thể hóa cải và cần phải hóa cải bằng chính hành động của ta. Và như vậy, đạo lý luân hồi không cốt khăng khăng chứng minh có đời sau mà lại cốt làm cho đời sống giải thoát, điều ấy không cần phải biện luận nữa.

Ngoài ra nguyên nhân gây nên vòng luân hồi nghiệp báo xoay chuyển không ngừng thật ra chính là do sự mê mờ u tối, do vô minh che lấp không nhận thức được đâu là thật, đâu là giả, đâu là nguyên nhân của mọi sự, mọi vật. Không biết rằng “cái ta”, cái thân xác của mình cái bản ngã của mình chỉ là hư ảo tạm bợ, mà cứ nhầm tưởng là thật.

Ngay cả cái cảnh giới mà con người đang sống, cũng không phải là thật, không phải trường tồn, bất diệt. Vì cứ tưởng tất cả đều là thật, là bất diệt, vĩnh cửu nên cứ giữ mãi, tiếc rẻ. Do đó mà sinh ra tham muốn, chấp ngã (giữ lấy cái ta, nhận lầm là có cái ta). Cũng chính bởi quá vì cái ta đó mà phát sinh sự vị kỷ, ham lợi, danh, vật chất. Ham sống, sợ chết, phân biệt ta và kẻ khác. Không biết rằng mọi vật luôn luôn thay đổi biến hóa. Cái thân của ta luôn luôn thay đổi từng giây từng phút. Nên cái thân vô thường. Cái tâm của con người cũng thay đổi đó là cái tâm vô thường, môi trường mà con người đang sống cũng luôn luôn thay đổi biến hóa, đó là hoàn cảnh vô thường. Sự thật hiển nhiên ấy lại khó được con người hiểu thấu vì lẽ như đã nói trên là vì con người đã bị cái “vô minh” mê mờ che lấp.

Tuy nhiên, trên thế gian vẫn không phải không có những con người sớm giác ngộ và có khả năng thoát dần ra khỏi cái vô minh che lấp ấy.

Theo các vị Lạt Ma Tây Tạng thì trên thế gian vẫn có nhiều người tuy bị luật sinh tử luân hồi chi phối, nhưng vì họ có trí óc sáng suốt, phát triển về tâm linh và trí tuệ hơn người nên biết rõ mục đích mình phải đến và tránh các cạm bẫy do vọng tưởng và cái bản ngã chi phối. Chính nhờ cái ý tưởng cao cả, cương quyết, trong sáng và hướng tới mục đích vị tha theo tâm nguyện mà họ không bị lôi cuốn vào những con đường bất định trong khi luân hồi chuyển kiếp. Vì thế cuộc đời họ ít chịu cảnh khổ đau. Nhưng nhiều người về sau tuy có thể thoát khỏi vòng ràng buộc của sự tái sinh, họ vẫn có ý hướng muốn quay trở lại cái vòng luân hồi lần nữa với mục đích vị tha bằng cách chọn kiếp đầu thai theo mục đích mình.

Đây là trường hợp của những nhà tu hành, những vị chân tu ở Tây Tạng. Người Tây Tạng thường tự hào qua kinh sách rằng nơi rặng Tuyết Sơn hàng năm có nhiều vị Lạt Ma đã quyết định chọn kiếp luân hồi nào đó để hoàn tất lời nguyện của mình. Họ là những người muốn rằng sau khi chết, họ phát nguyện đầu thai vào một nhân vật nào, ở vùng nào đó với mục đích là cứu giúp nhân loại hoặc vì họ nhận thấy khi sống ho họ chưa hoàn tất ý nguyện mình nên muốn đầu thai lại để tiếp tục công việc còn bỏ dở. Người Tây Tạng gọi họ là các vị Hóa thân mà cao hơn nữa là những vị Phật.

Theo kinh Phật giáo thì những vị Bồ Tát đôi khi có nhiều ý chí vô cùng to lớn. Những ý chí ấy được gọi là nguyện (pranidhàna) hay nguyện lực (pùrvapranidhàna) Phật A Di Đà (Amitàbha) có 48 nguyện Đức Địa Tạng (Ksitgarha) có 10 nguyện, cũng giống Đức Phổ Hiền Bồ Tát (Sarmantabhadra có 10 nguyện). Mỗi vị có nhiều điều mong mõi cứu độ chúng sanh khác nhau như Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjusri) mong bất cứ ai đến với ngài đều có được trí tuệ siêu việt hoặc Đức Phật A Di Đà muốn chúng sanh sau khi chết đến được cõi an lành tịnh độ và thành Phật đạo.

Những vị Bồ Tát (Bodhisattwa) là vị Phật đáng lý nhập Niết Bàn nghĩa là đã thoát khỏi sự tái sanh, luân hồi, nghiệp quả, nhưng vì họ còn thấy chúng sanh đau khổ trong bể trầm luân nên không nỡ nhắm mắt bước vào hẳn trong cõi Niết Bàn an lạc mà tự nguyện đầu thai trở lại mong cứu giúp kẻ phàm trần thấy rõ con đường phải đi, không còn lầm lạc.

Thuyết Luân Hồi Và Những Tôn Giáo Khác

Như đã nói từ trước, thuyết Luân Hồi thật sự từ ngàn xưa đã lan tràn hầu như khắp thế giới, nhất là các nước ở Á Châu. Nhiều tài liệu sách vở nói về thuyết luân hồi đã ảnh hưởng không nhiều thì ít lên các tôn giáo về sau.

Trong cuốn Du Nirvana Indien, Obry ghi nhận rằng: “Luân hồi là một triết thuyết tôn giáo lâu đời nhất, đã lan tràn khắp thế giới. Tín ngưỡng này phát triển mạnh vào thời cổ đại khiến một nhà Thanh giáo uyên thâm phải lo lắng quan tâm” theo Schopenhauer thì thuyết luân hồi bàn bạc trong dân chúng Ai Cập cổ đại, ở Hy Lạp và là giáo điều căn bản của tôn giáo của các tăng ni Gaulois. Thuyết luân hồi cũng có mặt trong một số giáo phái Hồi giáo ở Hindoustan” (giáo phái Bohrahs); Người Do Thái một số lớn cũng tin vào sự tái sinh, luân hồi thấy rõ qua kinh Talmud. Trong kinh này có nhắc đến sự chuyển sinh của linh hồn từ thân xác này qua thân xác khác như trường hợp linh hồn Abel đã chuyển hoán qua thân xác Moise sau khi đã nhập vào thân xác Seth. Đối với Ky tô giáo thì vào thời cổ xưa không hiếm những vị có chức sắc trong giáo hội đã giảng dạy một số điều liên hệ đến thuyết Luân Hồi Thánh Jerome, cũng như những vị khác có uy tín vào thời đó như: Thánh Gregory, Arnobius, giám mục Nyasa, Lactantius.v..v.. Justior Natryr, Origene, Clement d’Alexandrie, giám mục Mercier đều đã chống lại thuyết Luân hồi mà còn coi đó là vấn đề làm tăng cường rõ rệt sự phán xét công minh về tội lỗi của mỗi người. Hơn nữa thật sự Ky tô giáo cũng cho thấy phần nào đề cập đến thuyết Luân hồi tái sanh khi quan niệm rằng, rồi ra mỗi ngày cũng sẽ gặp lại mình nơi một thế giới nào đó sau ngày phán xét. Điểm đáng lưu tâm là khoảng vào thế kỷ thứ 17 khi chăm sóc những người nô lệ da đen bị chợ từ Phi Châu đến Y Pha Nho và bị đày đọa, vị tu sĩ nổi danh suốt đời tận tụy vì người khác tên là Pierre Claver đã khuyên nhủ họ những câu bao hàm những gì thuộc về Luân hồi nghiệp quả như: “Các con hãy nhớ rằng, những gì mà các con đang trải qua, đang đau khổ thì đó là kết quả của những tội lỗi mà các con đã gây ra từ trước. Giờ đây, các con nên ăn năn sám hối!”. Câu nói rõ ràng nhắc đến những tội lỗi xa xưa và phải chăng đó là những tội lỗi từ tiền kiếp của họ. Vì quả thật những người da đen thời bấy giờ bị bọn thực dân da trắng bắt đem bán làm nô lệ chẳng có làm gì nên tội. Tội lỗi nếu có chăng chính là tội lỗi do những người da trắng gây ra. Điều này khiến ta nhớ lại thuyết nguyên tội thường được nhắc đi nhắc lại nhiều trong Ky tô giáo. Theo Schopenhauer thì “thuyết nguyên tội, được hiểu như là thuyết phải trả cái tội lỗi của một cá nhân nào đã gây ra trước đó. Thuyết này thay cho thuyết Di hồn và chuộc tội đã phạm từ tiền kiếp” (Schopenhauer Metaphysique de la Mort).

Khi tìm hiểu sâu xa hơn qua cuốn Thánh kinh (Bible) của Ky tô giáo thì vô số lời khuyên bảo răn dạy của Chúa còn nói lên biết bao ý nghĩa thâm sâu về vấn đề luân hồi về kiếp trước và kiếp sau, về quả báo như sau:

  • Ai gieo giống chi thì sẽ phải gặt lấy giống ấy (gieo và gặt - 5:13 - 6:18).
  • Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả, trái lại, phải chúc phước. Ấy là vì điều đó mà anh em được gọi để phước lành. (thơ thứ nhất của Phi e rơ).
  • Kẻ nào gieo sự bất công sẽ gặp điều tai họa (châm ngôn 22:8)
  • Những ai tìm điều ác, tất cả sẽ ác đến với nó (châm ngôn 11:27).
  • Kẻ nào đào hầm thì kẻ đó té xuống đó.
  • Kẻ nào lăn đá, đá đó sẽ trở lại đè nó (châm ngôn 26:27)
  • Kẻ nào bưng tai không khứng nghe tiếng kêu la của người nghèo khổ thì kẻ đó cũng sẽ lại kêu la mà chẳng có ai đáp lại (châm ngôn 21:13).

- Tai họa không hề lìa khỏi nhà kẻ lấy ác trả thiện (châm ngôn 17:13).

- Chẳng một tai nạn nào xảy đến cho người công bình.

Song kẻ hung ác sẽ bị đầy đau đớn (châm ngôn 12:21).

  • Kẻ nào giam cầm kẻ khác thì rồi cũng sẽ bị kẻ khác giam cầm lại. Kẻ nào sử dụng gương đao, kẻ ấy sẽ bị chết vì gươm đao (thiên Apocalypse - chương 13).

Còn nhiều và nhiều nữa những câu đầy ý nghĩa tương tự trong Kinh Thánh và đặc biệt hơn nữa, các nhà nghiên cứu, tôn giáo, kinh điển về Ky tô giáo và Phật giáo đều thấy những điểm tương đồng đôi khi tưởng chừng như hai tôn giáo là một.

Thí dụ Phật giáo có câu:

“Ví dầu ai có đi khắp bốn phương trời cũng không tìm thấy được ai là kẻ đáng thương hơn mình.

Ấy vậy là do mình đã thương mình.

Mình đã thương mình thì cũng đừng làm phiền người”.

Ky tô giáo có câu:

“Hãy kính yêu Chúa ngươi với tất cả tấm lòng và cả tâm hồn. Và ngươi hãy thương yêu kẻ đồng loại ngươi như ngươi vậy”

Trong mấy lời khuyên dạy (12:1 - 15:13) có câu:

“Ngươi phải yêu kẻ lân cận mình như mình yêu mình vậy”.

Kinh Phật giáo có câu: “Đem tình thương xóa bỏ hận thù”.

Kinh Thánh có câu: Đừng để điều ác thắng mình, hãy lấy điều thiện thắng kẻ ác (những lời khuyên 12:1 - 15:13).

Hoặc: “Đừng mắc nợ ai chi hết

Chỉ mắc nợ về sự yêu thương mà thôi”. Hay: “Chớ lấy ác trả ác cho ai

Phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người” Phật giáo có câu: Lấy oán báo oán, oán chất chồng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan.

Ý nghĩa luân hồi quả báo thấy rõ qua các câu sau đây trong kinh thánh:

“Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình. Ai tát người má bên này, hãy đưa luôn má kia cho họ; còn nếu ai dựt áo ngoài của người thì cũng đừng ngăn họ lấy luôn áo trong. Hễ ai xin, hãy cho và nếu có ai đoạt lấy của cải của các ngươi thì đừng đòi lại. Các ngươi muốn người ta làm cho mình thế nào, hãy làm cho người ta thế ấy”.

Hoặc:

“… Hãy cho, người sẽ cho lại mình; họ sẽ lấy đấu lớn nhận, lắc cho đầy tràn mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào thì họ cũng sẽ lường lại cho các ngươi mực đó…”

Rõ ràng nhất về ý nghĩa của vấn đề quả báo được thể hiện ở những câu sau đây khi Chúa khuyên loài người hãy làm điều thiện để tự mình cứu chuộc tội lỗi do mình gây ra vì điều đó sẽ giúp tránh được nhân quả:

“Hãy làm điều thiện đối với những kẻ làm hại ngươi rồi ngươi sẽ cứu chuộc được những tội lỗi do chính ngươi gây ra cho kẻ khác”.

Hoặc: “Những gì mà ngươi đã gieo rắc thì sẽ được ngươi gặt lấy!” hoặc: “Kẻ nào gieo sự bất công sẽ gặp điều tai họa (châm ngôn 22:8).

Luật nhân quả luân hồi báo ứng thấy rõ trong lời Chúa răn dạy loài người sau đây:

“Sự báo thù ở ngay trong tay ta và ta sẽ trả nợ đó đầy đủ. Bởi vì mọi tai họa sẽ đến cho kẻ nào chưa giải quyết xong những món Nợ Cũ ấy”

Lời răn dạy của Chúa sau đây còn rõ ràng hơn nữa về sự chăm lo điều tốt lành phước đức để dành cho đời sau:

“Hãy răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức. Kíp ban phát, phân chia của cải mình có. Vậy là dồn chứa về Ngày Sau một cái nền tốt và bền vững cho mình để được cầm lấy sự sống thật” câu” cái “ngày sau ấy nổi lên ý nghĩa của sự trả vay và phải chăng đó cũng có nghĩa là ở đời sau hay kiếp sau?”.

Luật nhân quả đôi khi còn bao hàm, liên quan đến cả sự phúc đức, nghiệp quả, hành động gây nên bởi cha mẹ, con cái. Đó là thắc mắc lớn lao của một số tín đồ:

“… và khi Chúa bước qua, ngài trông thấy một người đàn ông bị mù (người này bị mù ngay từ lúc mới chào đời). Lúc ấy một môn đồ đã hỏi Chúa rằng: Bạch thầy! Ai là kẻ đã gây lên tội lỗi khiến anh ta bị mù từ lúc ra đời? Cha mẹ anh ta hay chính anh ta? (John 9:1 - 2 Myitalies).

Như vậy, rõ ràng có mối liên hệ ràng buộc, tác động qua lại giữa những hành động và hậu quả của những hành động mỗi con người sẽ phải nhận lấy không sớm thì muộn theo Luật Nhân Quả tự nhiên.

Hiện tượng tái sinh (born again) còn được thấy rõ ở một số đoạn trong kinh thánh. Điển hình nhất là sự phục sinh của Chúa và những người chết sẽ sống lại cùng với xác thân của họ. Trường hợp sự tái sinh của Thánh Jean Baptiste cũng đã được Chúa cho các môn đồ biết qua câu: “Ellie đã trở lại!” (Mathieu 17:12 - 13).

Trong công vụ các sứ đồ (26:23) có câu: “Chúa Jesus đã được nói đến la đấng được sống lại trước nhất từ trong những kẻ chết”.

Trong I phi e rơ (3:18) có câu ” Ngài là người đầu tiên được sống lại với thể thiêng liêng. Theo quan niệm của những người tin vào thuyết luân hồi thì Chúa là một vị Đại Bồ Tát hóa thân thân trở lại cõi trần để mong cứu chuộc loài người. Ngài đã phó sự sống mình làm giá chuộc. Mạng sống con người hoàn toàn của Jesus đã được hiến dâng để giải thoát nhân loại khỏi sự nô lệ của tôi lỗi và sự chết (Phi e rơ 1: 18, 19; Ê phê sô 1:7)

Trong Sáng thế kỷ 18:8: Hê bơ rơ 13:2 còn có đoạn nói về sự sống lại của Chúa Jesus với dấu tích bên hông (có thể được hiểu như là một hình ảnh của Dấu tích luân hồi) tuy rằng Chúa là Đấng tối cao cả không còn phải chịu luật luân hồi tái sinh nữa.

“… Nhưng vì lẽ sứ đồ Thô ma đã đặt tay vào lỗ thủng ở bên hông của Giê su, điều đó há không tỏ cho thấy rằng Giê su được sống lại từ cõi chết với cùng một thân thể đã bị đóng đinh trên cây khổ hình hay sao? Không đâu, vì Giê su chi biến dạng hay là mặc lấy hình người bằng xác thịt, giống như các thiên sứ đã làm trong quá khứ vậy. Để thuyết phục Thô ma rằng ngày chính là đấng Christ, ngài đã dùng một thân thể mang vết đâm thủng. Ngài đã hiện ra như là một người thật sự với khả năng ăn uống, giống như các thiên sứ mà Áp ra ham có lần đã tiếp đãi vậy (Sáng thế Ký 18:8: Hê bơ rơ 13:2).

Trong khi Giê su đã hiện ra cho Thôma với một thân thể giống như thân thể ngài xó lúc ngài bị xử tử, ngài cũng đã mặc lấy các thân thể khác nhau hiện ra cho các môn đồ ngài. Vì thế

Ma ri Ma đơ len thoạt tiên đã lầm tưởng Giê su là người làm vườn. Có những lần khác các môn đồ của ngày đã không nhận ra ngài liền được. Trong những trường hợp đó, không phải hình dạng của ngài đã giúp họ nhận ra ngài, nhưng bởi một lời nói hoặc cử chỉ nào đó mà họ đã nhận ra ngài (Giăng 20:14 - 16; 21:6,7; Lu ca 24:30,31)

Mới đây, (tháng 4 năm 1993), hai nhà báo Arthur Dale và Jenny Lynn đã tìm thấy một số tài liệu bí mật cổ xưa (Lưu trữ tại tòa thánh Vatican) nói về đời sống sau khi chết. Hai nhà báo này đã viết một bài nhan đề: Found: the Vatican’s secret files on life after death, tài liệu này được đăng tải lần đầu tiên sau đó trong báo Sun ra ngày 13 tháng 4 năm 1993. Theo tài liệu này thì một số tu sĩ Ky tô giáo đã từng thấy những cõi thế giới kỳ lạ sau cõi chết. Trong một tập hồ sơ, tài liệu khá dày được tìm thấy trong một nhà kho lâu đời, nhiều bảng viết tay mà các chữ viết thảo của những vị chức sắc trng Giáo Hội, mô tả lại những hình ảnh họ thấy về những gì sau khi chết. Trường hợp cha Carlo Malatesta bị một cơn sốc tim ngất đi rất lâu. Sau một thời gian cứu chữa, cha Carlo tỉnh dậy (tính ra cha đã hôn mê trong 40 phút đồng hồ) và đã kể lại những gì mà trong thời gian tim coi như ngừng đập hay nói khác đi là “đã chết” đó, cha Carlo Malatesta đã cảm thấy mình nhẹ bổng một cách lạ lùng, rồi cha thấy những người bay lơ lửng có cánh giống các thiên thần đưa mình đến cái cổng lớn của một nơi tươi sáng lạ lùng và sau đó lại được các thiên thần đưa cha trở lại thể xác mình. Trong thời gian Cha Carlo cảm thấy mình nhẹ lâng lâng, chính lúc đó cha cũng cảm nhận được là mình đã chết rồi nhưng không có sự hối tiếc, sợ sệt nào hết. Những lời cha Carlo Malatesta kể cha đều ghi lại rõ ràng trong lưu bút của mình.

Riêng đối với loài người theo Ky tô giáo cũng sẽ có sự sống lại hay tái sinh. Tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả mọi người đều sẽ được sống lại. Kinh thánh đã cho biết là Giu đa Ích ca ri ốt là kẻ phản chúa Jesus sẽ không được sống lại. Nguyên nhân y là kẻ đã tạo nhiều điều ác, đã gieo nhiều nghiệp ác nên sẽ nhận quả ác tương xứng. Đức chúa trời cũng sẽ không làm sống lại những kẻ nào đã phạm tội cùng thành linh của ngài (Ma thi ơ 12:32; Hê bơ rơ 6:4- 6; 10:26 - 27).

Mỗi người theo thứ tự riêng của mình sẽ được phán xét và sống lại. Sau sự sống lại của đáng Christ thì đến lượt 144000 người (những môn đồ trung thành của ngài) được sống lại và họ là những người sẽ sống với đấng Christ trong cõi trời hay nước trời. Tiếp đến là một số lớn người chết khác được sẽ được sống lại để sống ngay trogn Đia đàng trên đất. Dĩ nhiên không phải tất cả mọi người đều được sống lại để bị xét đoán (Giăng 5:29) trong Ngày Phán Xét.

Do đó, Đức Chúa Trời sẽ tạo lại một con người mới cũng bằng xương bằng thịt với cùng một nhân cách với những đức tính riêng, ký ức và lý lịch mà người đó đã thu thập cho đến lúc chết. Thân thể mới này sẽ giống như thân thể mà người ấy đã có trước khi chết. Điều đó giúp cho những người đã quen biết nhau từ trước có thể nhận ra nhau một cách dễ dàng. Ở đây, sự tái sinh chi xảy ra một lần và ta có thể bảo rằng mỗi người có thể xem như có hai lần được sống. Tiền thân sẽ trải qua một lần phải chết và lần thứ hai sau khi được tái sinh thì hậu thân ấy sẽ có một sự sống khác tiếp theo đó, ấy là sự sống để sống trong Địa đàng trên đất. Điều đó xảy ra vào ngày phán xét.

Đối với Hồi giáo (Islam) tuy không có nói đến luân hồi nhưng tôn giáo này cũng nhấn mạnh lại sự phục sinh của con người. Con người đã được tiền định bởi những hành động của mình khi đang sống trên cõi thế. Nếu như con người gây tội lỗi thì sau khi chết sẽ vào Địa ngục để chịu xử phạt. Nơi đó linh hồn sẽ chịu cảnh đau đớn ê chề cùng với sự hành hạ tra tấn rùng rợn. Nhưng nếu con người lúc sống tạo sự tốt lành thì khi chết sẽ lên cõi Thiên đàng sung sướng. Ở đây Chết là đi vào một cái cổng dẫn đến đời sống miên viễn không còn tái sinh trở lại nữa. Ngày cả kẻ ác, sau khi chết cũng bị đày xuống địa ngục và ở đó đời đời.

Theo kinh Coran của Hồi giáo thì con người sống là nhờ sự kết hợp của linh hồn và thể xác. Thể xác và linh hồn sẽ được phục sinh trở lại khi đến ngày phán xét. Ngày đó, kẻ ác sẽ bị xử phạt xuống cõi địa ngục còn kẻ thiện tâm sẽ được tới cõi thiên đàng an lạc.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh