Mi Tiên Vấn Ðáp: Câu 140. Đức Phật Từ Bỏ Sự Tinh Tấn, Lại Khuyên Đệ Tử Nên Tinh Tấn?

MI TIÊN VẤN ÐÁP: CÂU 140. ĐỨC PHẬT TỪ BỎ SỰ TINH TẤN, LẠI KHUYÊN ĐỆ TỬ NÊN TINH TẤN?

  • Thưa đại đức! Có phải Đức Thế Tôn đã tinh tấn thực hành khổ hạnh để diệt trừ phiền não, hủy diệt ma quân? Và sự tinh tấn thực hành khổ hạnh ấy trên thế gian không ai bằng được?
  • Tâu, vâng!
  • Cũng do sự tinh tấn thực hành khổ hạnh ấy mà thân thể ngài trở nên suy nhược, gầy yếu...; nếu tiếp tục, có thể đưa đến tử vong, nên ngài đã cương quyết từ bỏ, trở lại ăn uống bình thường. Nhờ vậy mà ngài đã đắc vô thượng Bồ đề tuệ! Có đúng thế chăng?
  • Tâu, vâng!
  • Thế sao ở một chỗ khác, khi thuyết giáo cho chư đệ tử, Đức Thế Tôn lại khuyên nên thực hành hạnh tinh tấn, tức là con đường sai lầm mà trước đây ngài đã chán nản, từ bỏ?
  • Đại vương nói thế có chứng cứ gì không?
  • Có chứ! Đức Thế Tôn có thuyết với đại ý như vầy: "Này chư tỳ khưu! Các ngươi hãy tinh tấn, hãy ra khỏi phe nhóm, đừng ở trong phe nhóm. Hãy là người tri túc, sống đời nhẹ nhàng. Hãy đi vào rừng, thọ đầu đà ở trong rừng hay tìm đến một côi cây nào đó. Hãy tinh tấn tiến tu chỉ tịnh, quán minh. Hãy dứt bỏ quân binh của diêm chúa. Hãy như voi chúa lớn sổ mạch (dậy tình) phá đổ tất cả nhà cửa, dũng mảnh tinh tấn để đạp nát thành lũy của ma quân. Dẫu trường hợp nào cũng phải thực hành tinh tấn, đừng bỏ tinh tấn cho đến lúc giác ngộ, giải thóat hẳn thôi!"
  • Đúng là Đức Tôn Sư đã có thuyết như vậy.
  • Cái đại nguyện tinh tấn ấy, cái siêng năng mãnh liệt ấy, khi hành đại khổ hạnh, chính Đức Thế Tôn đã thấy rõ nó có hại, không đưa đến yểm ly, ly tham, giác ngộ, Niết bàn nên ngài đã chán nản và từ bỏ. Vậy mà bây giờ ngài lại khuyên đệ tử nên thực hành theo sự sai lầm của mình! Than ôi!
  • Đại vương đã hiểu sai đoạn kinh ấy rồi!
  • Trẫm chưa hiểu ý của đại đức.
  • Đại vương chưa hiểu thế nào là khổ hạnh, thế nào là tinh tấn! Chẳng lẽ nào tinh tấn và khổ hạnh lại giống nhau, hở đại vương?

-- Xin đại đức giải thích cho!

  • Tâu đại vương! Tinh tấn dõng mãnh, cường liệt để thực hành chỉ tịnh và quán minh, nó rất khác biệt so với sự tinh tấn, dõng mãnh, cường liệt để thực hành khổ hạnh! Cũng là đại tinh tấn, nhưng hai sự tinh tấn ấy, dù có sự quyết tâm hạ thủ công phu tương tợ nhau, nhưng đối tượng thì lại hoàn toàn khác biệt nhau!
  • Trẫm chưa hiểu.
  • Tâu, khi tinh tấn để thực hành khổ hạnh, trong sáu năm lầm lạc, Đức Thế Tôn suy nghĩ rằng: "Ta phải thực hành khổ hạnh cho thế gian này không ai có thể thực hành bằng ta, hơn ta! Ta phải phát nguyện cho đại tinh tấn tốt hơn nữa, bằng cách cương quyết thọ thực ngày một ít dần đi, phải giảm thiểu cho đến lúc không cần cả ăn, cả uống, cả đại tiểu tiện... và cả hơi thở nữa!". Và chính do đại tinh tấn khổ hạnh ấy mà Đức Thế Tôn sút giảm sức khỏe, tiều tụy thân thể... cho đến lúc mạng sống sắp lâm nguy! Sự hành thân hoại thể ấy chỉ đưa đến việc chấm dứt sự sống chứ không thể chấm dứt phiền não, giải thoát sinh tử khổ đau!
  • Điều ấy thì trẫm đã có
  • Sau khi từ bỏ đại tinh tấn khổ hạnh, Đức Phật thọ thực ngày một bữa, rồi khởi tâm đại tinh tấn quay sang đề mục chỉ tịnh và quán minh. Nhờ vậy ngài mới chứng đắc vô thượng Bồ đề tuệ. Nói cách khác, ngài từ bỏ khổ hạnh ép xác, chứ không phải từ bỏ đại tinh tấn, tâu đại vương! Với đại tinh tấn thì ai muốn chấm dứt khổ cũng phải thực hành y chỉ, tuân theo! Vật thực nuôi mạng chúng sanh trong các cõi như thế nào, thì đại tinh tấn cũng nuôi mạng tuệ giác cho tất cả Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cũng y như thế ấy.
  • Xin đại đức cứ giảng thêm.
  • Vậy, tội không phải là tội của sự tinh tấn, mà là tội của khổ hạnh, ép xác, tâu đại vương!
  • Vâng!
  • Đức bồ tát muốn mau đắc thành Chánh Đẳng Giác mà ép xác khổ hạnh, cũng tương tợ như người đi đường muốn đến đích nhanh, cố gắng chạy, rán sức chạy cho đến lúc kiệt quệ. Muốn nhanh lại trở thành chậm vậy.
  • Tại sao?
  • Vì rằng, đến lúc kiệt lực, chân tay rã rời, nhấc không nổi thì làm sao mà đi được? Trái lại, có kẻ chạy bình thường, liên tục, đều đặn, biết duy trì hơi thở; thì tuy thấy chậm, còn ở đằng sau, nhưng sẽ đến đích nhanh hơn. Có phải thế không, đại vương?
  • Vâng!
  • Trường hợp người kia đến đích chậm hoặc kiệt lực nằm dài ở dọc đường... thì lỗi ở đôi chân, lỗi ở con đường, lỗi ở mặt đất hay lỗi ở đâu, đại vương?
  • Thưa, lỗi do tâm nóng nảy muốn mau đến đích mà sanh ra. Lỗi do không biết duy trì sức lực mà làm cho kiệt lực.
  • Đức bồ tát sáu năm khổ hạnh do thiếu trí tuệ mà ép xác cho đến kiệt lực cũng y như thế. Tội là do si mê ép xác khổ hạnh chứ không phải do tinh tấn, tâu đại vương!
  • Thưa, vâng!
  • Ví như một người mặc áo quần quá dơ bẩn, không biết cách giặt, không có thuốc tẩy lại đổ lỗi cho nước, có được không, đại vương?
  • Nước vốn không có lỗi như thế nào thì tinh tấn cũng không có lỗi như thế ấy, đại đức!
  • Một người nấu cơm bị khê, bị cháy, lại không tự trách mình mà đi đổ lỗi cho lửa, có được không, đại vương?
  • Không thể do lửa được.
  • Cũng là đại tinh tấn, nhưng biết sử dụng đại tinh tấn cho chỉ tịnh, quán minh thì được tuệ giác; còn sử dụng đại tinh tấn cho ép xác, khổ hạnh thì si mê chồng chất si mê, có được gì đâu! Đại vương đã thấu đáo vấn đề chưa?
  • Bây giờ thì trẫm đã hoàn toàn lãnh hội rồi.

* * *

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh