Khám Phá Thế Giới Tâm Linh: Chương 1. Sự Tiến Hóa

KHÁM PHÁ THẾ GIỚI TÂM LINH: CHƯƠNG 1. SỰ TIẾN HÓA

Sự tiến hóa mà chúng ta học ở trường phổ thông là sự tiến hóa ở hình thức lý tính. Chẳng hạn, chúng ta được dạy rằng sinh vật đơn bào ở biển là tổ tiên của tất cả những dạng thức sống phức tạp hơn. Loài cá phức tạp hơn nên chúng tiến hóa hơn bọt biển; loài ngựa phức tạp hơn nên tiến hóa hơn rắn; khỉ phức tạp hơn, vì vậy mà nó tiến hóa hơn ngựa; v.v. Bậc cao nhất là loài người, sinh vật phức tạp nhất, cho nên đây là dạng thức sống tiến hóa nhất trên hành tinh. Nói cách khác, tiến hóa có nghĩa là sự phát triển lũy tiến về độ phức tạp trong cấu tạo.

Định nghĩa này là một cách điễn giải cho quan niệm: Sinh vật nào có khả năng kiểm soát tốt nhất cả môi trường sống của nó lẫn tất cả những sinh vật khác sinh sống trong môi trường của chúng là sinh vật tiến hóa nhất; giống như tư tưởng “Mạnh được, yếu thua”, nghĩa là ở một môi trường sống nhất định, sinh vật tiến hóa nhất là sinh vật ở đỉnh chóp của chuỗi thức ăn trong môi trường đó. Như vậy, theo định nghĩa này, sinh vật nào có khả năng đảm bảo Sự Sống còn của chính mình nhất, có khả năng thể hiện bản năng sinh tồn tốt nhất, sẽ là sinh vật tiến hóa nhất.

Từ lâu rồi chúng ta vốn biết rằng định nghĩa về sự tiến hóa này là chưa hoàn chỉnh, nhưng chưa thể lý giải tại sao. Ví dụ như, xét về mức độ phức tạp của cấu tạo sinh học, hai con người có sự tiến hóa đồng đều. Giả sử cả hai đều có trí thông minh như nhau, nhưng nếu một người hẹp hòi, bủn xỉn, ích kỷ trong khi người kia hào hiệp, cao thượng và vị tha hơn, thì chúng ta nói người hào hiệp, cao thượng và vị tha là tiến hóa - tiến bộ - hơn. Nếu một người sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình để cứu người khác, chẳng hạn bằng cách lấy thân mình che chắn cho người khác tránh khỏi viên đạn đang bay tới hoặc tránh chiếc xe đang lao hết tốc lực, ta nói người hy sinh cuộc đời mình quả thật là một trong những người tiến hóa nhất. Chúng ta biết điều ấy là đúng , nhưng như thế lại mâu thuẫn với thuyết tiến hóa đã được truyền dạy bấy lâu nay.

Theo kinh sách, Chúa Jesus đã biết trước âm mưu chống lại Ngài, thậm chí Ngài còn biết rõ đến từng chi tiết bạn bè của Ngài sẽ hành động và phản ứng như thế nào; tuy nhiên, Ngài đã không xử sự dựa theo những điều trông thấy trước. Chính sức mạnh của tình yêu thương và đức hy sinh, hiến dâng cuộc đời mình vì người khác của Chúa Jesus đã định hướng, dẫn dắt cho nhân loại. Những ai sùng kính Ngài, và hầu như tất cả những ai biết câu chuyện về Ngài, đều nhất trí rằng Ngài là một trong những người tiến hóa nhất.

Hiểu một cách sâu sắc thì người thật sự tiến hóa là người trân trọng, đánh giá những người khác cao hơn so với bản thân - một thái độ cực kỳ khiêm tốn; họ trọng giá trị của tình yêu thương hơn là vật chất. Ngay lúc này đây, chúng ta cần hiểu về sự tiến hóa ở cấp độ sâu sắc như vậy. điều đó rất quan trọng, bởi vì hiểu biết hiện thời của con người chỉ quẩn quanh những gì “mắt thấy, tai nghe”, tức là phụ thuộc vào nguồn thông tin do năm giác quan cung cấp. Từ đó, chúng ta sẽ nhận thấy mình đã tiến hóa như thế nào, ta sẽ trở thành gì, cũng như những gì chúng ta kinh qua, trân trọng, đánh giá cao và cách chúng ta hành động, tất cả nói lên ý nghĩa gì.

Hiểu biết hiện thời về tiến hóa dựa trên bằng chứng thực tế do các giác quan mang lại từ những quan sát, khám phá thế giới vật chất, thế giới hữu hình ta đang sống. Cho đến tận ngày nay, con người vẫn là loài sinh vật có năm giác quan. Qua “lăng kính” năm giác quan, ta thấy mỗi hành động đều là nguyên nhân sinh ra kết quả, mỗi kết quả đều khởi phát từ một nguyên nhân. Chẳng hạn, ta thấy kết quả cho những ý định của mình; thấy cơn cuồng nộ có thể gây chết người - nó cướp đi hơi thở (dưỡng khí cho sự sống) và làm đổ máu (chuyên chở dưỡng chất, tiếp sinh lực cho cơ thể); thấy lòng nhân từ có tác dụng nuôi dưỡng ra sao; thấy, cảm nhận được tác động của lời càu nhàu và của một nụ cười khích lệ.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Theo cách đó, chúng ta trải nghiệm khả năng xử lý kiến thức của mình. Giả dụ như, cây gậy là một công cụ, là một vật vô tri vô giác, ta lựa chọn sử dụng nó theo cách nào thì sẽ sinh ra kết quả như thế ấy. Cây gậy đánh chết người có thể dùng làm cọc dựng lều. Ngọn thương sắc nhọn kết liễu một sinh mạng có thể được dùng làm đòn bẩy nâng vật nặng. Con đao xẻo thịt đa có thể dùng để cắt vải. Bàn tay sản xuất bom có thể xây trường học. Những cái đầu phối hợp với nhau sinh ra những hành vi bạo ngược, tàn ác có thể phối hợp để thực hiện những hành vi tốt đẹp, tích cực.

Khi hành động của con người thấm đẫm lòng sùng kính, hành động ấy sẽ có ý nghĩa và chứa đựng mục đích tốt đẹp. Một khi lòng sùng kính dần thiếu vắng khỏi cuộc sống thì kết quả sẽ là tội ác lan tràn, bạo loạn khắp nơi và nỗi cô đơn thống trị. Trái Đất chúng ta đang sống là một môi trường học tập lý tưởng, tuyệt vời. Qua thực nghiệm từ “Ngôi Trường Trái Đất”, ta biết được đâu là nguyên nhân làm cho con người sẵn lòng cởi mở, đón nhận nhau, cũng như lý do gây chia rẽ, đối nghịch; cái gì cho phép ta phát huy, trưởng thành, còn cái gì khiến ta co cụm lại; điều gì nuôi dưỡng tâm hồn ta và điều gì làm suy yếu nội tâm ta; cái gì có hiệu quả và cái gì không.

Khi môi trường tự nhiên chỉ được quan sát từ nhận thức của năm giác quan, khả năng sống sót, sinh tồn về mặt sinh học dường như được xem là tiêu chuẩn cơ bản cho sự tiến hóa, bởi không có hình thức tiến hóa nào khác được khám phá ra. Chính từ đây mà quan điểm “Mạnh được, yếu thua” có vẻ như đồng nghĩa với thuyết tiến hóa, và sự vượt trội về lý tính được xem là đặc điểm tiêu biểu cho hình thức tiến hóa bậc cao.

Khi nhận thức về thế giới vật chất bị giới hạn trong tầm tiếp nhận thông tin của năm giác quan, nỗi sợ hãi bao trùm cuộc sống con người. Cũng theo đó, sức mạnh hòng kiểm soát môi trường sống và vạn vật trong môi trường ấy được xem là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất.

Nhu cầu muốn vượt trội hơn về lý tính tạo ra một kiểu cạnh tranh gây ảnh hưởng đến tất cả mọi khía cạnh cuộc sống - mối quan hệ đôi lứa, mối giao hảo giữa những siêu cường quốc, quan hệ giữa anh chị em ruột thịt, giữa các chủng tộc, các giai tầng. Nó phá vỡ khuynh hướng tiến đến sự hòa hợp, vốn rất tự nhiên giữa những quốc gia, giữa những người bằng hữu. Năng lượng trong nỗ lực điều tàu chiến tới vùng Vịnh hay phái đội quân Thánh chiến sang Palestine đều giống như nhau cả. Năng lượng trong nỗ lực chia cắt gia đình Romeo với gia đình Juliet cũng chính là năng lượng trong nỗ lực chia lìa gia đình có chồng là người đa đen với vợ là người đa trắng. Anh chị em một nhà tranh cãi nhau cũng xuất phát từ lý do tương tự như ở các nhóm quyền lực trong công ty. Tất cả đều đang tìm kiếm sức mạnh để chi phối, thao túng người khác.

Uy lực hòng kiểm soát môi trường sống và các tạo vật là sự phô trương sức mạnh đối với những gì chúng ta có thể cảm thấy, ngửi thấy, nếm thấy, nghe thấy hay nhìn thấy. Đây là loại sức mạnh ngoại hiện, có thể đạt được hay mất đi, được mua bán hoặc bị đánh cắp, được chuyển nhượng hoặc được thừa kế. Nó được xem là thứ có thể lấy được từ ai đó, hoặc từ nơi nào đó.

Như vậy chẳng khác nào sự hùng mạnh của người này đồng nghĩa với sự mất mát của người kia. Xem trọng sức mạnh bên ngoài thường dẫn đến kết cục là bạo lực và hủy diệt. Tất cả những thiết chế Xã hội, Kinh tế và Chính trị đều phản ánh hiểu biết rằng uy lực là ngoại hiện, xuất phát từ những nguồn lực bên ngoài.

Các gia đình, cũng như nhiều nền văn hóa, có thể theo chế độ phụ quyền hoặc mẫu quyền. Theo đó, sẽ có cá nhân “mặc quần dài” - nắm quyền điều hành. Trẻ em thường được học tư tưởng này từ khi còn rất nhỏ và nó định hình cuộc đời của các em sau này.

Lực lượng cảnh sát và quân đội được sinh ra bởi nhận thức rằng uy lực là sức mạnh ngoại

hiện. Phù hiệu, giày, quân hàm, sóng vô tuyến liên lạc, đồng phục, quân khí, áo giáp… tất cả những thứ đó thật ra lại là biểu tượng cho nỗi sợ hãi dù những người được trang bị các món đồ đó toát ra vẻ dáng sợ. Người ta sợ cái uy lực mà những biểu tượng này dại điện, sợ những nhân vật nắm trong tay quyền “sinh sát”. Cảnh sát và quân đội, giống như chế độ mẫu quyền hay phụ quyền, không phải là nguồn gốc của kiểu nhận thức xem uy lực là ngoại hiện. “Họ” là những hình ảnh phản chiếu cách hiểu và quan niệm của con người về uy lực. Nhận thức “sức mạnh là ngoại hiện” đã định hình cho nền kinh tế chúng ta hôm nay. Khả năng kiểm soát, thao túng nền kinh tế địa phương, quốc gia và thế giới nay thực tế nằm gọn trong tay của một số cá nhân. Do đó, để bảo vệ người lao động trước uy lực của các cá nhân này, chúng ta lập ra Công đoàn; để bảo vệ người tiêu dùng, chúng ta lập ra những bộ máy công quyền trong Chính phủ; để bảo vệ người nghèo, chúng ta tạo ra những hệ thống an sinh xã hội. Đây là sự phản ánh nhận thức: một nhóm nhỏ người được sở hữu uy lực, trong khi số đông còn lại phục vụ cho nó, vun đắp cho nó lại chính là những nạn nhân.

Tiền bạc là một biểu tượng dễ thấy của dạng sức mạnh ngoại hiện. Những người có nhiều tiền nhất sẽ có khả năng kiểm soát môi trường họ đang sống và các tạo vật ở môi trường đó nhất; trong khi những người có ít tiền sẽ ít có khả năng kiểm soát hơn. Tiền bạc có thể bị chiếm đoạt hoặc mất đi, có thể mua được, bị đánh cắp, được chuyển nhượng, được thừa hưởng hay bị tranh giành. Ngoài ra, nếu chúng ta tìm thấy cảm giác an toàn từ những thứ mà mình đang có như: trình độ học vấn, địa vị xã hội, đanh tiếng, tài sản, nhà cửa, xe cộ, ngoại hình hấp dẫn, trí óc nhạy bén, niềm tin vững chắc,… thì những thứ đó cũng trở thành biểu tượng phô điễn sức mạnh bên ngoài của chúng ta. Song, càng lệ thuộc, đồng hóa với chúng, ta càng dễ bị tổn thương. Đây là hậu quả khó tránh khỏi của việc xem uy lực là ngoại hiện.

Theo đó, trật tự cấu trúc Xã hội, Kinh tế, Chính trị của chúng ta cũng như trật tự Vũ Trụ cho thấy người nào có uy quyền và người nào không có. Những nhân vật “chóp bu” dường như là người có uy lực nhất, thành thử, là người có giá trị nhất và khó bị tổn thương nhất; trong khi những người “thấp cổ bé miệng” trở thành người ít uy lực, nên ít có giá trị và dễ bị tổn thương nhất. Như vậy, vị tướng có giá trị hơn binh nhì, nhà quản trị có giá trị hơn anh lái xe, bác sĩ có giá trị hơn nhân viên lễ tân, cha mẹ có giá trị hơn con cái, thần thánh có giá trị hơn tín đồ. Hệ quả là chúng ta sợ mình vượt trội hơn cha mẹ, ông chủ và Đấng Tạo Hóa - sợ gây xáo trộn trật tự sẵn có này. Việc xem giá trị cá nhân thấp kém hơn hoặc vượt trội hơn đều là hệ quả của nhận thức sức mạnh là ngoại hiện.

Cuộc đua tranh nhằm giành sức mạnh ngoại hiện là nguyên nhân cốt lõi sinh ra mọi hình thức bạo lực: xung đột về ý thức hệ (như giữa chủ nghĩa Tư bản với chủ nghĩa Cộng sản), xung đột tôn giáo (như giữa Công giáo Ai-len và Tin lành Ai-len), xung đột về địa lý (như giữa người Do Thái và người Ả Rập), những xung đột trong gia đình và hôn nhân, v.v.

Niềm tin vào sức mạnh bên ngoài làm rạn vỡ tâm hồn con người, tinh thần của cộng đồng, của quốc gia và của thế giới. Không hề có sự khác nhau giữa bệnh tâm thần phân liệt với một thế giới có chiến tranh. Không hề có sự khác nhau giữa nỗi đau của một linh hồn bị phân mảnh với nỗi đau của một quốc gia bị chia cắt. Khi vợ chồng tranh giành uy thế, họ cũng hành xử như cách của những người thuộc hai chủng tộc khác nhau hành xử khi sợ hãi lẫn nhau.

Chính từ những động lực này mà chúng ta hình thành nên hiểu biết hiện tại về tiến hóa: một quy trình gia tăng không ngừng khả năng chi phối môi trường sống và khả năng thao túng lẫn nhau. Quan niệm này phản ánh những giới hạn trong cách nhận thức về thế giới vật chất chỉ bằng năm giác quan. Nó phản ánh một cuộc tranh giành nhằm chiếm được sự thắng thế về sức mạnh ngoại hiện, vốn được sinh ra từ nỗi sợ hãi bị thua kém, yếu thế.

Sau hàng thiên niên kỷ bạo tàn với nhau (giữa cá nhân với cá nhân, giữa nhóm người với nhóm người), ngày nay chúng ta thấy rõ tình trạng bấp bênh, bất an - vốn là nền tảng cho ý thức gầy dựng vỏ bọc bảo vệ, phát huy thanh thế - không thể được hóa giải bằng việc tích lũy sức mạnh ngoại hiện. Không chỉ từ phương tiện truyền thông, mà còn qua vô số những đớn đau, khổ sở con người phải chịu đựng, chúng ta đã thấy những bằng chứng hiển nhiên rằng nhận thức xem uy lực là sức mạnh ngoại hiện chỉ mang lại đau khổ, bạo lực và hủy diệt. Đây là cách loài người chúng ta tiến hóa cho đến ngày nay, và cũng là điều chúng ta đang bỏ lại đằng sau.

Hiểu biết sâu sắc hơn dẫn chúng ta tới một loại sức mạnh khác - loại sức mạnh yêu thương trân quý cuộc sống, loại sức mạnh chấp nhận không phán xét, loại sức mạnh nhận thức được ý nghĩa và mục đích tồn tại của những điều nhỏ bé nhất trên Trái Đất. Đấy là sức mạnh nội tại (sức mạnh đích thực). Khi ý nghĩ, cảm xúc, hành động của ta đồng điệu với phần thanh cao, hướng thượng nhất trong nội tâm ta, ta trở nên tràn đầy lòng nhiệt huyết, sống có ý nghĩa và mục đích. Cuộc sống trở nên trù phú và viên mãn. Chúng ta không có những ý nghĩ cay độc, những ký ức hãi hùng. Chúng ta vui sướng và gắn bó mật thiết với thế giới mình đang sống. Đó là sự trải nghiệm sức mạnh nội tại.

Gốc rễ của nguồn sức mạnh đích thực ăn sâu bám chắc từ trong nội tâm con người. Sức mạnh nội tại không thể mua bán mà có, không thể được thừa kế hay tích trữ. Người tràn đầy sức mạnh nội tâm không thể làm cho ai hay bất cứ cái gì trở thành nạn nhân. Họ là người mạnh mẽ đến mức ý tưởng dùng vũ lực hay thế lực để áp chế người khác đều không nằm trong ý thức của họ.

Hiểu biết về sự tiến hóa sẽ là chưa đầy đủ nếu không nắm bắt được điều cốt yếu rằng: Chúng ta đang trong hành trình hướng về phía sức mạnh nội tại; việc củng cố sức mạnh nội tại là mục tiêu của quá trình tiến hóa và là mục đích tồn tại của loài người. Chúng ta đang tiến hóa - chuyển hóa - từ những người theo đuổi sức mạnh ngoại hiện thành những người theo đuổi sức mạnh nội tại. Chúng ta đang bỏ lại đằng sau tham vọng khám phá trọn vẹn thế giới vật chất như là phương cách tiến hóa duy nhất của mình. Cách thức này không còn phù hợp nữa, sẽ cản trở ta vươn tới đích đến cuối cùng - linh hồn trở nên toàn vẹn, hoàn hảo.

Con người đang chuyển đổi từ nhận thức chỉ bằng năm giác quan sang nhận thức đa giác quan. Năm giác quan cùng kết hợp tạo thành một hệ thống cảm nhận đơn điệu, chỉ để nhận thức thực tại vật chất. Trong khi đó, nhận thức đa giác quan mở rộng tầm nhìn của chúng ta vượt xa khỏi thực tại vật chất, thấy rõ những hệ thống động lực lớn hơn - thực tại vật chất chỉ là một phần của hệ động lực lớn này. Nhận thức đa giác quan cho ta khả năng hiểu và trân trọng vai trò của thực tại vật chất trong tổng thể bức tranh tiến hóa, cùng những động lực mà nhờ đó thực tại vật chất được tạo nên và được duy trì.

Chính phần “bức tranh” vô hình mà năm giác quan không thể “đón bắt” được này là nguồn cội sản sinh ra những giá trị sâu sắc nhất. Nó lý giải vì sao có những người hiến dâng cả cuộc đời họ cho những mục đích cao thượng. Nếu chỉ qua “lăng kính” năm giác quan thì không thể giải thích được sức mạnh của Mahatma Gandhi, những hành động đầy lòng trắc ẩn của Chúa Jesus.

Tất cả những bậc thầy vĩ đại của nhân loại đều là những người nhận thức đa giác quan. Họ nói chuyện với chúng ta và hành động tuân thủ đúng theo những nhận thức và giá trị phản ánh quan điểm nhìn nhận đa giác quan; vì vậy, lời nói và hành động của họ làm thức tỉnh chân lý sống bên trong ta.

Theo nhận thức năm giác quan thì chúng ta cô độc trong cái Vũ Trụ vật chất này. Nhưng với nhận thức đa giác quan, chúng ta không bao giờ lẻ loi và Vũ Trụ có sức sống của nó, có ý thức, thông minh và giàu lòng trắc ẩn. Nhận thức năm giác quan “thấy” thế giới vật chất là một nơi chốn khó hiểu, ta cũng không hiểu nổi bản thân mình, và ta cố thống lĩnh nó để có thể sinh tồn. Nhận thức đa giác quan lại xem thế giới vật chất là một môi trường học hỏi, được đồng sáng tạo bởi chúng ta - những con người biết cùng nhau chia sẻ - và tất cả mọi điều xảy ra bên trong thế giới vật chất đều phục vụ cho sự học hỏi này. Nhận thức năm giác quan khẳng định chỉ đơn thuần có ý định thì không mang lại kết quả, kết quả của hành động phải là cái gì đó cụ thể, hữu hình, “mắt thấy, tai nghe, sờ chạm được”, và không phải tất cả hành động đều ảnh hưởng đến ta hay đến người khác. Song, với nhận thức đa giác quan, ý định đằng sau mỗi hành động sẽ quyết định kết quả của hành động, mọi ý định đều ảnh hưởng đến ta lẫn mọi người xung quanh, và kết quả của ý định có sức lan rộng khắp thế giới vật chất.

Vậy, ta đang hàm ý điều gì khi nói rằng có sự tồn tại của một “cõi vô hình” - nơi cội nguồn của những hiểu biết sâu sắc hơn? Ta có ngụ ý gì khi xem xét sự tồn tại của một “cõi” không thể được dò tìm bằng năm giác quan, nhưng có thể được biết đến, được khám phá và được hiểu bởi những năng lực khác của con người?

Khi một câu hỏi không thể được giải đáp - dựa theo hiểu biết thông thường hiện có - thì nó có thể bị liệt vào loại vô nghĩa hoặc bị gạt bỏ đi như một câu hỏi không thích đáng; nếu không, người nêu câu hỏi đó có thể mở rộng ý thức của mình ra để tiếp nhận thêm một khung tham chiếu mới, từ đó câu hỏi ấy có thể được trả lời. Hai lựa chọn đầu tiên - xem câu hỏi không thể lý giải là vô nghĩa hoặc gạt phăng nó đi - là những phương cách dễ dàng trong việc xử lý loại câu hỏi có vẻ vô nghĩa hoặc không thích hợp; nhưng đối với người tìm kiếm nghiêm túc, nhà khoa học thực thụ, họ sẽ cho phép bản thân vươn rộng tầm hiểu biết để hiểu những thắc mắc đang chờ lời lý giải.

Ngay từ khi mới bắt đầu mày mò tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh, con người đã luôn đau đáu với những câu hỏi rạch ròi kiểu như Có Thượng Đế không, Có Trí Tuệ Siêu Phàm không Mục đích tồn tại trên cuộc đời này là gì. Giờ là lúc ta phải mở rộng nhận thức - khung tham chiếu - để trả lời những câu hỏi đó.

Khung tham khảo lớn hơn do nhận thức đa giác quan mang lại cho phép ta hiểu biết sự khác biệt đầy ý nghĩa giữa bản ngã và linh hồn. Bản ngã của bạn là phần trong bạn được sinh ra, tồn tại và rồi sẽ chết đi trong một phạm vi thời gian. Là con người đồng nghĩa với việc có một bản ngã. Giống như thân xác, bản ngã là phương tiện cho sự tiến hóa của bạn.

Những quyết định bạn đưa ra và những hành vi bạn thực hiện trên Trái Đất là những phương tiện giúp bạn tiến hóa. Trong từng khoảnh khắc, bạn đều lựa chọn những ý định vốn sẽ định hình nên những kinh nghiệm, trải nghiệm sống cho bạn và những điều bạn quan tâm chú ý. Những lựa chọn này ảnh hưởng đến quá trình tiến hóa của bạn. Ai cũng như vậy cả. Nếu không chủ ý chọn lựa, bạn sẽ tiến hóa theo hướng không như ý. Nếu biết chủ động chọn lựa, bạn sẽ tiến hóa như ý muốn.

Những cảm xúc sợ hãi và hung bạo, vốn là đặc điểm tiêu biểu cho sự tồn tại của con người, chỉ có thể được trải nghiệm thông qua bản ngã (cái tôi, nhân cách). Chỉ bản ngã mới cảm thấy giận dữ, sợ hãi, căm ghét, thù hằn, phiền muộn, xấu hổ, ân hận, thờ ơ, thất vọng, hoài nghi và cô đơn. Chỉ bản ngã mới có thể phán xét, lôi kéo, thao túng, bóc lột và lợi dụng. Chỉ có bản ngã mới theo đuổi sức mạnh ngoại hiện. Bản ngã cũng có thể là tình yêu thương, trắc ẩn và sáng suốt trong mối quan hệ, thế nhưng tình yêu, lòng trắc ẩn và sự thông thái đó lại không bắt nguồn từ bản ngã. Chúng là những trải nghiệm của linh hồn.

Linh hồn là phần bất tử trong bạn. Mỗi người có một linh hồn, nhưng bản ngã bị giới hạn trong tầm nhận thức năm giác quan nên không nhận biết được linh hồn của chính nó, do vậy không thể nhận ra sức ảnh hưởng của linh hồn. Khi con người phát triển nhận thức đa giác quan, tiếng nói trực giác - những linh cảm và cảm nhận tinh tế - sẽ trở nên quan trọng. Ta hiểu hơn về chính mình, về người khác và về những tình huống mà nếu chỉ dựa vào thông tin do năm giác quan cung cấp thì không thể làm sáng tỏ đầy đủ. Ta chuyển hướng nhận ra những ý định ẩn đằng sau, và phản hồi lại với những ý định đó thay vì phản hồi lại với những hành động và lời nói của người khác theo cách như trước kia. Chẳng hạn, bạn có thể nhận ra trái tim nồng nhiệt, sôi nổi ẩn bên dưới một hành động cục cằn, thô lỗ và giận dữ, hoặc có thể nhận ra trái tim lạnh lùng, vô cảm được che đậy bên dưới những lời bóng bẩy.

Khi ta nhìn vào bên trong chính mình với cái nhìn đa giác quan, ta thấy vô số những dòng chảy năng lượng khác nhau. Qua kinh nghiệm, ta học được cách phân biệt những dòng chảy năng lượng này và cách nhận điện những hệ quả về mặt cảm xúc, tâm lý và thể lý của từng dòng chảy. Chẳng hạn, ta biết những dòng chảy nào khơi mào cơn thịnh nộ, những ý nghĩ bất đồng, gây chia rẽ, những hành động hủy hoại, và những dòng chảy nào sinh ra tình yêu thương, những ý nghĩ chữa lành, xoa dịu và những hành động mang tính xây dựng. Sớm muộn gì ta cũng học được cách định giá trị và nhận điện những dòng chảy sinh ra sự sáng tạo, sự chữa lành và tình yêu; tiếp theo là cách thách thức và giải tỏa những dòng chảy gây ra sự tiêu cực, bất hòa và bạo lực. Bằng cách này, ta dần dần trải nghiệm được năng lượng của linh hồn.

Linh hồn không phải là một thực thể thụ động hay phi thực tế trú ngụ gần khoang ngực của bạn. Linh hồn là một nguồn năng lượng sống tích cực, có mục đích tồn tại và ở bên trong nội tâm con người. Linh hồn là phần trong bạn hiểu được bản chất vô ngã của những động lực năng lượng như: tình yêu thương không giới hạn, sự chấp nhận không phán xét, v.v.

Nếu bạn khao khát muốn biết về linh hồn mình, bước đầu tiên là phải nhận ra rằng bạn có một linh hồn; bước kế tiếp là suy ngẫm: “Nếu tôi có linh hồn thì linh hồn của tôi là gì? Linh hồn của tôi muốn gì? Linh hồn tôi và tôi có mối quan hệ ra sao? Linh hồn tôi ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời tôi?”.

Khi năng lượng của linh hồn được nhận ra, được công nhận và được trân trọng, nó bắt đầu thấu nhập vào trong bản ngã. Khi bản ngã hoàn toàn đồng điệu với năng lượng của linh hồn thì sức mạnh nội tại - sức mạnh đích thực - được củng cố. Đây là mục tiêu của quá trình tiến hóa chúng ta đang tham gia vào và là lý do cho sự tồn tại của chúng ta. Mỗi trải nghiệm bạn đang có và sẽ có trong cuộc sống đều hướng bản ngã của bạn trùng khớp với linh hồn bạn. Mỗi tình huống, mỗi hoàn cảnh đều cho bạn cơ hội lựa chọn đi theo hướng đi này; và thông qua bạn, linh hồn tỏa sáng, truyền sự sùng kính vô tận đối với Sự sống và tình yêu của Sự sống ra Thế giới.

Đây là quyển sách nói về việc củng cố sức mạnh đích thực - tức là làm cho bản ngã hòa điệu với linh hồn - sự truyền giao đó bao hàm điều gì, nó xảy ra như thế nào, và nó tạo ra cái gì. Để hiểu những điều này, đòi hỏi phải có một sự hiểu biết về những điều có vẻ bất thường theo cách nhận thức năm giác quan, nhưng lại là tự nhiên một khi bạn hiểu biết về sự tiến hóa, đó là: Nhận thức năm giác quan là cuộc hành trình dẫn đến nhận thức đa giác quan; và bạn không hề nuôi ý định mãi là con người chỉ thông hiểu qua năm giác quan.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh