Khám Phá Thế Giới Tâm Linh: Chương 14. Ảo Tưởng

KHÁM PHÁ THẾ GIỚI TÂM LINH: CHƯƠNG 14. ẢO TƯỞNG

Mỗi sự tương tác giữa các cá nhân với nhau là một phần của động lực học hỏi không ngừng. Khi bạn tương tác với người khác, ảo tưởng - một phần của động lực học hỏi - được sinh ra. Ảo tưởng giúp cho mỗi linh hồn hiểu những điều cần thiết để chữa lành. Ảo tưởng tạo ra những hoàn cảnh cần thiết để đưa những khía cạnh đang đòi hỏi được chữa lành của linh hồn tiến tới sự toàn vẹn.

Ảo tưởng là phương tiện để học hỏi. Nó thuộc về bản ngã, nên bạn sẽ bỏ ảo tưởng lại đằng sau khi bạn từ giã cõi đời, khi bạn trở về cội. Tuy nhiên, một người sống trong tình yêu thương và Ánh Sáng - nhìn bằng con mắt của linh hồn - có thể thấy rõ ảo tưởng hiện hữu nhưng đồng thời không bị cuốn vào ảo tưởng. Đây là một bản ngã được truyền giao sức mạnh nội tại.

Ảo tưởng có liên hệ mật thiết với nhu cầu của từng linh hồn. Bao giờ cũng vậy, mỗi hoàn cảnh phục vụ cho những ai có liên quan. Bạn không thể, và sẽ không, bắt gặp một tình huống hay khoảnh khắc nào không phục vụ trực tiếp và ngay lập tức cho nhu cầu chữa lành để linh hồn bạn trở nên toàn vẹn. Ảo tưởng cho từng linh hồn được hình thành nhờ vào những ý định của linh hồn. Vì vậy, ảo tưởng sống động trong từng khoảnh khắc với những trải nghiệm thích hợp nhất để chữa lành linh hồn.

Ảo tưởng có tính linh hoạt. Như vậy không có nghĩa là những gì được đồng sáng tạo ra trong ảo tưởng không mang tính độc lập, không có ý nghĩa, vai trò riêng đối với từng linh hồn tham gia hình thành. Nó có nghĩa là: Mọi nhận thức đều giúp chữa lành. Hiểu Ảo tưởng xuất hiện như thế nào, Vận hành ra sao, Những động lực gì ẩn chứa đằng sau và Vai trò của nó trong sự tiến hóa của linh hồn là trọng tâm nghiên cứu của ngành tâm linh - tâm lý học.

Ngành tâm linh - tâm lý học tách bạch bản ngã con người khỏi ảo tưởng, để nhìn ảo tưởng bằng sự hiểu biết rõ ràng và để thấy nó đang vận hành như thế nào. Chẳng hạn như, một người có kiến thức uyên thâm về y học hiện đại hẳn sẽ có khả năng sống chung với cư dân châu Âu trong thời kỳ đại dịch hạch mà không bị đại dịch ảnh hưởng; tương tự, một người có kiến thức về ảo tưởng và biết nó hoạt động như thế nào cũng có thể sống trong ảo tưởng đó nhưng không bị “nhuốm màu”.

Bệnh dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm do trực khuẩn Yersina pestis gây ra, bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn (loài bọ chét sống ký sinh trên những loài gặm nhấm, chủ yếu là chuột). Ngày nay con người đã hiểu biết rõ căn bệnh này, nhưng thời bấy giờ thì không. Bằng cách giữ gìn sạch sẽ môi trường sống nhằm dẹp bỏ những nguồn thu hút loài gặm nhấm, thực hiện vệ sinh cá nhân, thì một người không những có thể sống sót qua khỏi bệnh dịch hạch mà còn giữ cho người khác được an toàn.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Khi chúng ta trải nghiệm nỗi sợ hãi, cơn giận dữ, hay lòng đố kỵ, chúng ta đang ở trong một ảo tưởng được sinh ra nhằm làm “lộ diện” những phần của linh hồn đòi hỏi phải chữa lành.

Những loại cảm xúc tiêu cực này không thật sự tồn tại, bởi vì chúng không kéo dài lâu. Chính vì vậy mà dung dưỡng chúng sẽ không mang lại sức mạnh. Cái tồn tại giữa những linh hồn là tình yêu thương, và tình yêu thương mới thật sự tồn tại. Hiểu được như vậy, bản ngã có khả năng duy trì nhận thức dù đang ở bên trong ảo tưởng, chủ ý chấp nhận cơ hội chữa lành mà ảo tưởng hé lộ, đồng thời cũng giúp người khác chữa lành.

Ảo tưởng nắm giữ sức mạnh chi phối bạn khi bạn không thể nhớ rằng mình là một linh hồn mạnh mẽ, trải nghiệm những điều diễn ra trong “cõi” vật chất này vì mục đích học hỏi. Ảo tưởng có sức mạnh chi phối bạn khi bạn bị lôi kéo bởi những ham muốn, cơn bốc đồng và hệ giá trị của bản ngã. Nó có uy lực chi phối bạn khi bạn sợ hãi, căm ghét, buồn phiền, chán nản, khi bạn bị vùi dập bởi cơn thịnh nộ hoặc kiệt quệ trong trận tam bành. Ảo tưởng sẽ không còn uy lực chi phối bạn khi bạn yêu thương, khi lòng trắc ẩn rộng mở trái tim bạn đón nhận mọi người, khi sức sáng tạo của bạn tuôn tràn tự do trong niềm vui sướng vào khoảnh khắc hiện tại. Nói cách khác, ảo tưởng không có uy lực chi phối một bản ngã hoàn toàn đồng điệu với linh hồn của nó.

Ảo tưởng được điều khiển, được định hình ban đầu bởi luật Nhân - Quả, động lực năng lượng vô ngã. Biểu hiện của từng bản ngã, cùng những ý định vô thức được sinh ra theo bản ngã, được quyết định bởi Nghiệp (karma) của chính linh hồn. Sau đó, những ý định này định hình nên ảo tưởng cho bản ngã, định hình nên thực tại của bản ngã ấy trong Ngôi Trường Trái Đất, cho tới khi chúng được thay thế bởi những ý định khác (vô thức hoặc có ý thức). Nếu những phản hồi của bản ngã tạo thêm Nghiệp cho linh hồn, và nếu Nghiệp - vốn góp phần hình thành nên bản ngã hiện tại - không thể được thanh toán hết trong kiếp đời của bản ngã, “món nợ” cũ này sẽ đóng góp vào việc hình thành một bản ngã khác (trong kiếp đời sau), và những ý định của bản ngã khác lại tiếp tục tạo ra ảo tưởng, tạo ra thực tại phù hợp để nó học hỏi trong Ngôi Trường Trái Đất.

Thậm chí sau khi một người bắt đầu có ý thức và nhận biết được ảo tưởng hay bài học mình cần vượt qua, và theo đó đưa ra những ý định riêng, thì những món nợ Nghiệp của linh hồn vẫn phải được trả. Nợ là Nợ! Người tỉnh thức hiểu điều này, cho nên không phản hồi lại những trải nghiệm và những sự kiện diễn ra trong cuộc đời bằng sự giận dữ, sợ hãi, phiền não, tị hiềm - những thứ tạo thêm Nghiệp xấu cho linh hồn; mà họ phản hồi với lòng trắc ẩn và tin cậy - cơ hội Vũ Trụ trao cho trong từng khoảnh khắc để phục vụ cho nhu cầu chữa lành của linh hồn.

Mỗi người lựa chọn phản hồi như thế nào sẽ thu hút về phía mình những linh hồn khác có cùng tần số ý thức như vậy.

Theo quy luật Hấp dẫn, mỗi người sẽ thu hút về mình những người có ý thức cùng tần số.

Tần số giận dữ thu hút tần số giận dữ, tần số tham lam hút tần số tham lam, cái tiêu cực hút cái tiêu cực, tình yêu thương hút tình yêu thương, v.v. Vì vậy, thế giới của người giận dữ đầy rẫy những người cuồng nộ, thế giới của người tham lam đầy rẫy những kẻ tham lam, và người yêu thương sống trong thế giới của những người có tấm lòng chia sẻ.

Có thể nói, luật hấp dẫn tạo ra một “tổ kén - năng lượng” tương ứng bao xung quanh từng người, để khi họ cố gắng chữa lành thói giận dữ, sợ hãi, hay đố kỵ của mình, thì tiến trình biến đổi hình thái để trở nên toàn vẹn sẽ được đẩy nhanh về cường độ và tốc độ, trở thành trọng tâm của nhận thức. Họ thấy cơn giận dữ, hay nỗi sợ hãi của mình không chỉ hiện hữu bên trong bản thân, mà còn nhan nhản ở xung quanh. Nếu họ ý thức lựa chọn chữa lành “căn bệnh” giận dữ, hay sợ hãi của mình, thì những hoàn cảnh, tình huống trước mắt sẽ giăng đầy thử thách, như là sự phản hồi đầy lòng trắc ẩn của Vũ Trụ trước những khát khao trở nên toàn vẹn của linh hồn.

Khi cơn giận dữ, hay nỗi sợ hãi trong bản thân nổi lên, thế giới xung quanh sẽ phản ánh cơn giận dữ, hay nỗi sợ hãi cần được phải chữa lành. Từ đây, con người thấy rằng họ đang tự tạo ra những trải nghiệm và nhận thức cho riêng mình, rằng cơn giận dữ “chính đáng” hay nỗi sợ hãi “có căn cứ” khởi phát từ bên trong chính mình. Nhờ vậy, tự thân con người có thể thay thế những nhận thức và trải nghiệm của mình theo hướng khác đi.

Giống như tần số giận dữ kích hoạt một tần số tương tự trong ý thức của những người xung quanh, thì tần số yêu thương cũng đánh thức những tần số tương tự. Chính ý định quyết định đến kết quả. Nếu những gì bạn trao cho người khác không biểu lộ sự thông cảm, không thể hiện sự ủng hộ, hoặc không củng cố sức mạnh tinh thần cho họ, thì nó sẽ gặp phải một cản lực đối trọng với nguồn năng lượng cố gắng triệt tiêu sức mạnh hoặc kiểm soát người khác (ví dụ như năng lượng tức giận). Bị xa lánh và hứng chịu thái độ lạnh nhạt từ mọi người luôn là kết quả của việc theo đuổi sức mạnh ngoại hiện.

Động lực của sự cám dỗ và sự lựa chọn có trách nhiệm vận hành theo hướng sau:

Hệ thống cảm xúc của con người có thể được phân định rạch ròi thành hai yếu tố: sợ hãi và yêu thương.

Tình yêu thương thuộc về linh hồn, còn sợ hãi thuộc về bản ngã. Ảo tưởng của mỗi người (mỗi bản ngã) được khởi nguồn và được duy trì bởi những cảm xúc “hậu duệ” của sợ hãi, như là: tị hiềm, giận dữ, thù hằn, căm ghét, cô đơn, bức bối, muộn phiền, ân hận, tội lỗi, phẫn nộ, … cùng với cảm xúc tự ti và trịch thượng. Những cảm xúc này dẫn tới những hành vi tương ứng như: ích kỷ (với con người, với loài vật, với Trái Đất và với những giới khác trên Trái Đất), lợi dụng người khác (trong kinh doanh, trong quan hệ lứa đôi, về cảm xúc), lừa dối, thống trị, bạo lực, tàn nhẫn, nôn nóng, nhạo báng và phán xét.

Khi con người ở trong trạng thái vô thức, cảm xúc sợ hãi, hoặc những cảm xúc “hậu duệ” của nỗi sợ hãi, gieo mầm cho kiểu hành vi tiêu cực vốn sẽ mang lại Nghiệp xấu cho linh hồn. Chẳng hạn, lòng tị hiềm có thể dẫn tới hành vi lừa dối hay nhạo báng, đó là những hình thức biểu hiện của sự thống trị, cường quyền hay bạo lực; thói tham lam có thể dẫn đến sự nôn nóng, một hình thức biểu hiện của lòng ích kỷ, phán xét, hoặc lợi dụng người khác.

Nếu không ý thức về cái phần đang giận dữ trong chính bạn, nếu không nhận ra bạn là một nhân cách bị phân mảnh, bạn sẽ bộc lộ ra cái phần tức giận ấy một cách thiếu cân nhắc. Bạn sẽ nổi xung thiên, hoặc “co vòi” trốn chạy, hoặc phỉ báng, hoặc biểu thị nỗi sợ hãi của bạn theo cách thức tinh tế hay lộ liễu nào đó. Năng lượng sợ hãi từ bạn sẽ lan tràn ra xung quanh và thâm nhập vào “bầu” năng lượng tập thể, thế là Nghiệp xấu được sinh ra. Khi bạn đối mặt với những hệ quả do cơn giận dữ mình gây ra, khi chúng quay trở lại với bạn theo luật Nhân - Quả và luật Hấp dẫn, thì bạn (hoặc bản ngã của linh hồn bạn) cuối cùng sẽ học được cách thức phản hồi khác đi trước những cảm xúc tiêu cực “con cháu” của nỗi sợ hãi.

Như ta thấy, ẩn sau nỗi sợ là cảm giác bất lực, thiếu vắng sức mạnh sức mạnh nội tại. Song không thể lấp đầy những khoảng trống nội tâm bằng nguồn lực bên ngoài. Cuối cùng, bạn sẽ hướng về nguồn sức mạnh nội tại, cho dù không ở kiếp đời này thì cũng sau một ngàn kiếp đời nữa. Đây là cách học hỏi vô thức, một hình thức học hỏi bằng cách nếm trải những trải nghiệm được tạo nên bởi những phần vô thức của con người, và học hỏi thông qua những trải nghiệm sinh ra từ sự phản hồi vô thức trước những trải nghiệm ấy.

Nếu một người (bản ngã, nhân cách) nhận biết được tình trạng phân mảnh của mình, họ không chỉ nhận ra những khía cạnh đang sục sục tức giận ở bản thân và nóng lòng đòi báo thù, mà còn nhận ra cả những khía cạnh giàu lòng trắc ẩn và thấu hiểu, họ sẽ hưởng lợi từ động lực của sự cám dỗ. Chẳng hạn như, họ có khả năng nhìn thấy trước những hệ quả của việc hòa vào tần số năng lượng giận dữ đang chạy qua hệ thống năng lượng; họ có khả năng biết trước cơn giận, và quyết định xem có đáng để bộc lộ nó ra ngoài hay không; họ còn có thể thấy trước dòng năng lượng giận dữ đang tìm hướng bộc lộ ra bên ngoài trong lúc đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến bản thân người sinh ra và những người xung quanh, cũng như tác động đến việc thể hiện sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn.

Người vô thức không nhận biết được rằng trong khoảnh khắc giận dữ hoặc cuồng nộ, có những khía cạnh bên trong bản thân mong muốn phản hồi với lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu. Phải chăng những ai đang sống trong nỗi giận dữ, sợ hãi, hay tị hiềm, đang phải nếm trải nỗi cô đơn và sự ghẻ lạnh do hành vi trút xả cơn giận, lại không khao khát cảm giác ấm áp của tình người, tình bằng hữu, khao khát có những mối quan hệ tốt đẹp, sâu sắc hay sao?

Nếu một bản ngã bị cám dỗ quyết định chuyển hóa theo hướng trở nên yêu thương, rõ ràng, sáng suốt, trắc ẩn, nó sẽ đạt được sức mạnh. Dần dà, xuất phát từ những quyết định có ý thức, cơn giận dữ, thịnh nộ, hay ý muốn trả thù sẽ mất đi uy lực “tác oai tác quái”, và bản ngã sẽ được chuyển hóa mạnh mẽ. Nếu con người vẫn giữ quyết định duy trì tình trạng vô thức, vô trách nhiệm trước những hành động của mình, họ sẽ phó mặc cho dòng năng lượng tiêu cực định hình nên lời nói và hành động. Chính kiểu hành vi tiêu cực này sinh ra Nghiệp xấu.

Hình thức học hỏi này có ý nghĩa gì về mặt ảo tưởng?

Vì hành vi tiêu cực để lại những cảm xúc tiêu cực trong lòng người khác và trong chính bản thân người có hành vi tiêu cực, cho nên chúng ta sẽ có thêm cơ hội gia tăng sức mạnh nội tâm thông qua lựa chọn có trách nhiệm hoặc là tạo ra Nghiệp xấu. Nghiệp xấu có nghĩa là: người nào lựa chọn hành vi tiêu cực sẽ trải nghiệm cùng hành vi tiêu cực như thế từ người khác. Một lần nữa, ta có cơ hội quyết định từ bỏ hay là tiếp tục duy trì hình thức học hỏi từ vấp váp như thế.

Hình thức học hỏi này là một ảo tưởng. Bạn và những linh hồn có liên quan đã đồng thuận (với lòng trắc ẩn và sự thông tuệ) dự phần vào những động lực học hỏi trên Ngôi Trường Trái Đất để chữa lành nội tâm. Nhưng trong thực tại phi vật chất không hề tồn tại thời gian, không gian và cả cơn giận dữ, nỗi sợ hãi, tị hiềm để học hỏi. Khi bạn trở về cội, ảo tưởng sẽ ngừng lại.

Như vậy, bạn sẽ đánh giá linh hồn tham gia vào tiến trình học hỏi này như thế nào? Bạn có rút ra được điều gì khi nhận định: “Điều này sai rồi!”, “Cái kia xứng đáng!”, “Xem này, cô ấy đã thành công!” và “Kia kìa, anh ta đã nếm mùi thất bại!”? Không thể phán xét sự học hỏi của linh hồn. Giống như khi bạn tự hỏi “Cơn giận của tôi bắt nguồn từ đâu?” và nhận ra rằng cảm xúc tức giận nảy bật từ vô số động lực, một vài trong số những động lực này đã được kích hoạt từ cách đây nhiều thế kỷ rồi, hoặc còn lâu hơn nữa; bây giờ, bạn đang tìm cách giải phóng nguồn năng lượng tức giận tích tụ lâu ngày để chữa lành linh hồn bạn và thanh toán tài khoản Nghiệp cũ. Như vậy, bạn không thể đóng vai trò “quan tòa” để phán xét một trải nghiệm giận dữ đơn lẻ.

Bạn và những linh hồn khác tham gia vào tiến trình chữa lành theo ý chí riêng. Đây là sự công bằng không phán xét. Không thể phán xét tiến trình tiến hóa của linh hồn, ngoại trừ nhận ra rằng linh hồn đang hướng tới tình yêu thương.

Nhìn qua con mắt phán xét đúng - sai, thành công - thất bại không phải là cách nhìn của Vũ Trụ. Làm sao bạn biết “thành công” có nghĩa là gì? Bạn có thấy rõ nguyên nhân và kết quả cho những lời nói và hành động của bạn không? Không biết thành công là gì, vậy làm sao bạn có thể tưởng tượng được thất bại trông ra sao? Cái được gọi là “thất bại” đơn giản chỉ là một nguyên nhân đi kèm theo kết quả, thể hiện tiến trình Nhân - Quả đang vận hành. “Thất bại” và “thành công” là sản phẩm của trí tưởng tượng “phong phú”. Chúng không thật sự tồn tại xét từ góc độ chân lý, mà chỉ tồn tại ở góc độ phán xét.

Làm sao bạn có thể nói cái gì bên trong ảo tưởng là xứng đáng, có giá trị và cái gì thì không? “Không xứng đáng, không có giá trị” tức là bị phán xét là không toàn hảo, nhưng hãy nhìn quanh bạn đi! Bạn có thấy ai đạt đến sự toàn hảo không? Hay là con người chỉ toàn hảo và xứng đáng trong tiến trình của mình? Chỉ có tiến trình là luôn luôn toàn hảo và xứng đáng; trong tiến trình đó, bạn làm tròn nghĩa vụ của bạn.

Giữa muôn trùng ảo tưởng, làm sao có thể biết được nên đi theo hướng nào và không nên đi theo hướng nào?

Hãy tự hỏi: “Sự khác nhau giữa những nhu cầu cốt yếu và nhu cầu ngoại tại (nhu cầu giả tạo) của bạn là gì?”, “Nhu cầu thật sự của bạn là gì?”, “Điều gì ẩn sâu bên dưới nhu cầu do bạn tạo ra vì lý do này, lý do kia nhằm mục đích kiểm soát, khống chế người khác, hay để gây sự chú ý?”. Hãy suy nghĩ về những điều này. Hãy tự hiểu mình thật sâu sắc và rõ ràng, đủ mức để nhận ra đâu là nhu cầu hợp lý của bạn, với tư cách là loài người, và đâu là nhu cầu do phần nào đó trong bạn tạo ra để phục vụ cho những lý do cụ thể khác (ví dụ, lý do tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn bề ngoài, tạo uy danh hay trở thành một cá nhân nổi bậc). Hãy học cách nhận diện ra những điều này và lựa chọn xem bạn muốn sống với nhu cầu nào.

Chẳng hạn, cảm giác bực bội trước tiếng ồn từ nhà hàng xóm là hệ quả của một nhu cầu xác thực chưa được đáp ứng, hay của một nhu cầu ngoại tại? Khó chịu về tiếng ồn xe cộ, hoặc ao ước được người bán hàng ở tiệm tạp hóa đối xử nhã nhặn với bạn, phản ánh nhu cầu cốt yếu hay nhu cầu ngoại tại?

Hãy học cách phân biệt những nhu cầu thật sự của bạn (những gì bạn thật sự cần với tư cách là một con người và là một linh hồn) với những nhu cầu bạn đưa ra nhằm đạt được sức mạnh ngoại hiện. Một khi bạn phân biệt rạch ròi được điều này, bạn có thể tách mình khỏi cái tôi giả tạo, và sáng suốt nhận ra bạn sẽ phản hồi và chịu trách nhiệm như thế nào khi cứ để cho những nhu cầu giả tạo chiếm lĩnh.

Những nhu cầu nội tại thuộc về linh hồn. Chẳng hạn, bạn cần yêu thương và được yêu thương; bạn cần bộc lộ khả năng sáng tạo của mình, cho dù trong việc chăm sóc gia đình hay trong việc lãnh đạo quốc gia; bạn cần nuôi dưỡng nội tâm của bạn, cần làm cho bản ngã đồng điệu với linh hồn (một cách có ý thức); bạn cần được tư vấn bởi nguồn Thông Thái vô ngã. Đó là những nhu cầu đích thực của bạn.

Trong khi đó, những nhu cầu ngoại tại thì thuộc về bản ngã (cái tôi giả tạo). Chúng là những nhu cầu do bản ngã chọn lựa nhằm điều khiển môi trường sống. Khi bạn cố gắng đáp ứng đầy đủ những nhu cầu này chứ không để chúng trôi qua đi, bạn có thể tích rất nhiều Nghiệp xấu.

Nhu cầu không đích thực chính là một rào cản. Không quốc gia, hay cá nhân nào cần đến nhiều nhu cầu như vậy. Chúng chẳng khác nào những rào cản do con người dựng lên với mục đích tích lũy sức mạnh ngoại hiện. Có thể nói, lợi ích sẽ nhận được đằng sau việc đưa ra những nhu cầu giả tạo là uy lực tạm thời. Hãy quan sát và bạn sẽ thấy tình trạng này đang diễn tiến ở khắp mọi nơi - trong cuộc sống hôn nhân, trong những mối quan hệ quốc tế, và trong mọi cuộc xung đột.

Bạn không thể trải nghiệm sự xuất hiện trọn vẹn của linh hồn khi bạn bị che phủ bởi những nhu cầu giả tạo. Khi điều đó xảy ra, tất cả những gì bạn thấy chỉ là những nhu cầu giả tạo, và cảm thấy chúng thật quan trọng, thật thiết yếu đối với bạn. Nhưng chúng có thật sự quan trọng đến thế không? Bạn có biết những nhu cầu không đích thực làm tiêu hao năng lượng của bạn như thế nào không? Chừng nào những ưu tiên của bạn còn bắt nguồn từ cái tôi thấp kém, chừng đó bạn không thể trực tiếp chạm đến linh hồn.

Vũ Trụ là nguồn cung cấp làm thỏa mãn những nhu cầu đích thực cho bạn. Chẳng hạn, bạn luôn luôn được trao cho cơ hội yêu thương và được yêu thương, tuy nhiên, hãy tự hỏi xem bạn đã lãng phí những cơ hội này bao nhiêu lần trong đời.

Bằng cách học hỏi cách thức đáp ứng cho những nhu cầu đích thực và bằng cách dẹp những nhu cầu giả tạo qua một bên, xem chúng như là những cơ chế phòng thủ không cần thiết, bạn sẽ trở nên cởi mở hơn, hiểu biết hơn và động lòng trắc ẩn với người khác hơn. Luôn có sự cho và nhận diễn ra hết sức tự nhiên trong lộ trình cuộc đời của mỗi người. Mỗi con người đều có những nhu cầu đích thực và nhu cầu không đích thực. Bạn bắt đầu học cách cho và nhận khi bạn hiểu biết cái gì là nhu cầu đích thực, và học cách thỏa hiệp, cho qua đi, và vượt lên những nhu cầu không xác thực, không nâng tầm phát triển của bạn.

Một khi đã biết rõ những nhu cầu đích thực của mình, bạn sẽ thấy rằng điều bạn thực sự đang cảm thấy bị đe doạ là sợ mất mát cái cảm giác mạnh mẽ nhất thời có được sau khi đáp ứng nhu cầu giả tạo. Thay vì trực tiếp nêu ra điều mình đang cần, bạn lại tạo ra một nhu cầu giả tạo phát ngôn thay cho bạn. Hãy học cách chú tâm vào nhu cầu đích thực để bạn không gồng gánh thêm những món nợ Nghiệp sinh ra những kiểu mẫu hành vi không đúng với bản chất thật của bạn, làm bạn lẫn lộn, mù quáng tạo ra những cá tính giả tạo bắt buộc bạn phải sống theo.

Hãy bắt đầu bằng cách theo dõi thật kỹ những nhu cầu đang bộc phát trong bạn - nhu cầu nào là thật, nhu cầu nào không thật; và với những nhu cầu giả tạo, hãy chuẩn bị trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực đi kèm. Tách mình khỏi những cảm xúc tiêu cực để bạn không còn bị chúng làm cho mù quáng nữa. Bước xa khỏi chúng, cứ để chúng trỗi dậy bên trong bạn nhưng không chuyển thành những hành vi, những suy nghĩ tiêu cực và né tránh cảm xúc, cũng như tất cả những động thái phản hồi khác mà chúng tạo ra bên trong bạn. Hãy đứng tách ra khỏi chúng, và mỗi lần bạn có thể thấy chúng, bạn sẽ càng lúc càng tách rời với chúng hơn.

Từ đây, bạn bắt đầu có khả năng nhìn thấy ảo tưởng đang vận hành; đó là một phần của sức mạnh nội tại.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh