Đạo Đức Kinh: Chương 8. Dịch Đạo Đức Kinh (Thiên Hạ)

ĐẠO ĐỨC KINH: CHƯƠNG 8. DỊCH ĐẠO ĐỨC KINH (THIÊN HẠ)

38

上德不德,是以有德;下德不失德,是以無德。上德無爲⽽無以[100]爲;下德無爲⽽有以爲。

上仁[101]爲之⽽無以爲;上義爲之⽽有以爲。上禮爲之⽽莫之應,則攘臂⽽扔之。

故失道⽽後德,失德⽽後仁,失仁⽽後義,失義⽽後禮。夫禮者,忠信之薄,⽽亂之⾸。前識者道之華,⽽愚之始。是以⼤丈夫處其厚, 不居其薄,處其實,不居其華。故去彼取此。

Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức; hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức. Thượng đức vô vi nhi vô dĩ vi; hạ đức vô vi nhi hữu dĩ vi.

Thượng nhân vi chi nhi vô dĩ vi; thượng nghĩa vi chi nhi hữu dĩ vi. Thượng lễ vi chi nhi mạc chi ứng, tắc nhương tí nhi nhưng chi.

Cố thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ. Phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ. Tiền thức giả đạo chi hoa, nhi ngu chi thủy. Thị dĩ đại trượng phu xử kì hậu, bất cư kì bạc, xử kì thực, bất cư kì hoa. Cố khứ bỉ thủ thử.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Người có đức cao thì [thuận theo tự nhiên] không có ý cầu đức, cho nên có đức; người có đức thấp thì có ý cầu đức, cho nên không có đức.

Người có đức cao thì vô vi [không làm] mà không có ý làm [nghĩa là không cố ý vội[102] vì cứ thuận theo tự nhiên]; người có đức thấp cũng vô vi, mà có ý làm [nghĩa là cố ý vô vi].

Người có đức nhân cao thì [do lòng thành mà] làm điều nhân, chứ không có ý làm [không nhắm một mục đích gì]; người có lòng nghĩa cao thì làm điều nghĩa mà có ý làm [vì so sánh điều nên làm - điều nghĩa - với điều không nên làm]; người có đức lễ cao thì giữ lễ nghi, và nếu không được đáp lại thì đưa cánh tay ra kéo người ta bắt phải giữ lễ nghi như mình. Cho nên đạo mất rồi sau mới có đức (đức ở đây hiểu theo nghĩa nguyên lí của mỗi vật), đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là biểu hiện sự suy vi của sự trung hậu thành tín, là đầu mối của sự hỗn loạn. Dùng trí tuệ để tính toán trước, thì [mất cái chất phác] chỉ là cái lòe loẹt [cái hoa] của đạo, mà là nguồn gốc của ngu muội. Cho nên bậc đại trượng phu [người hiểu đạo] giữ trung hậu thành tín mà không trọng lễ nghi, giữ đạo mà không dùng trí xảo, bỏ cái này mà giữ cái kia.

Câu đầu có người dịch là: đức mà cao là không có đức, bởi vậy mới có đức. Chữ đức thứ nhất và thứ ba là đức hiểu theo Lão tử; còn chữ đức thứ nhì hiểu theo Nho gia, trỏ nhân, nghĩa, lễ.

Câu thứ hai, có sách chép là: “Thượng đức vô vi nhi vô bất vi; hạ đức vi chi nhi hữu bất vi”: người có đức cao thì không làm mà không gì không làm; người có đức thấp thì làm mà kết quả là có nhiều điều làm không được.

Đoạn cuối, hai chữ “tiền thức” có người hiểu là bậc tiên tri, tiên giác.

Chương này quan trọng, nói về sự suy vi của đạo đức tới chính sách hữu vi, dùng trí xảo. Lão tử chê chủ trương trọng nhân, nghĩa, lễ, trí của Khổng giáo. Nếu ông được thấy bọn pháp gia thì chắc ông còn chê hơn nữa và sau “thất nghĩa nhi hậu lễ” tất đã thêm: “thất lễ nhi hậu pháp”.

39

昔之得⼀者:天得⼀以清,地得⼀以寧,神得⼀以靈,⾕得⼀以盈, 萬物得⼀以⽣,侯王得⼀以爲天下貞。其致之。

天無以清將恐裂,地無以寧將恐廢,神無以靈將恐歇,⾕無以盈將恐竭,萬物無以⽣將恐滅,侯王無以貴⾼將恐蹶。

故貴以賤爲本,⾼以下爲基。是以侯王⾃謂孤,寡,不穀。此⾮以賤爲本邪?⾮歟?故⾄譽無譽,不欲琭琭如⽟,珞珞如⽯。

Tích chi đắc nhất giả: thiên đắc nhất dĩ thanh, địa đắc nhất dĩ ninh, thần đắc nhất dĩ linh, cốc đắc nhất dĩ doanh, vạn vật đắc nhất dĩ sinh, hầu vương đắc nhất dĩ vi thiên hạ trinh. Kì trí chi.

Thiên vô dĩ thanh tương khủng liệt, địa vô dĩ ninh tương khủng phế, thần vô dĩ linh tương khủng yết[103], cốc vô dĩ doanh tương khủng kiệt, vạn vật vô dĩ sinh tương khủng diệt, hầu vương vô dĩ quí cao tương khủng quyết.

Cố quí dĩ tiện vi bản, cao dĩ hạ vi cơ. Thị dĩ hầu vương tự vị cô, quả, bất cốc. Thử phi dĩ tiện vi bản dả? Phi dư? Cố trí dự vô dự, bất dục lục lục như ngọc, lạc lạc như thạch.

Đây là những vật xưa kia được đạo: trời được đạo mà trong, đất được đạo mà yên, thần được đạo mà linh, khe ngòi được đạo mà đầy, vạn vật được đạo mà sinh, vua chúa được đạo mà làm chuẩn tắc cho thiên hạ. Những cái đó đều nhờ đạo mà được vậy.

Nếu trời không trong thì sẽ vỡ, đất không yên thì sẽ lở, thần không linh sẽ tan mất, khe ngòi không đầy thì sẽ cạn, vạn vật không sinh thì sẽ diệt, vua chúa không cao quí thì sẽ mất ngôi.

Sang lấy hèn làm gốc, cao lấy thấp làm nền. Cho nên vua chúa mới tự xưng là “côi cút” (cô), “ít đức” (quả), “không tốt” (bất cốc) [đều là những lời khiêm tốn]. Như vậy, chẳng phải là lấy hèn làm gốc đấy ư? Không phải vậy chăng? Cho nên không được khen tức là được lời khen cao quí nhất.

Không muốn được quí như ngọc, bị khi như sỏi.

Chữ nhất (một) trong câu đầu cũng là chữ nhất trong: “thánh nhân bão nhất”, chương 22, trỏ đạo.

Ba chữ “kì trí chi” ở cuối đoạn đầu, có người ngỡ là lời chú thích của người sau.

Hai chữ “bất cốc” trong đoạn cuối, có người dịch là “không đáng ăn”. Từ Hải không có nghĩa đó.

Câu cuối, hai chữ “lục lục”, và 2 chữ “lạc lạc” có người hiểu là đẹp đẽ, hoặc ít; và xấu xí hoặc nhiều. Đại khái cũng là cái nghĩa đáng quí, đáng khinh.

Câu đó có người dịch là: Không muốn được quí như ngọc mà muốn bị khinh như sỏi, lấy lẽ rằng như vậy hợp với ý: “sang lấy hèn làm gốc” ở trên. Dịch như chúng tôi thì có nghĩa là không muốn được người ta khen mà cũng không bị người ta chê.

40

反者道之動,弱者道之⽤。天下萬物⽣於有,有⽣於無。

Phản giả đạo chi động, nhược giả đạo chi dụng. Thiên địa vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô.

Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu [trở lại gốc], diệu dụng của đạo là khiêm nhu.

Vạn vật trong thiên hạ từ “có” mà sinh ra; “có” lại từ “không” mà sinh ra.

41

上⼠聞道,勤⽽⾏之;中⼠聞道,若存若亡;下⼠聞道,⼤笑之。不笑,不⾜以爲道。

故建⾔有之:明道若昧,進道若退,夷道若纇;上德若⾕,⼤⽩若辱,廣德若不⾜,建德若偷,質德若渝。

⼤⽅無隅,⼤器晚成,⼤⾳希聲;⼤象無形,道隱無名。夫唯道,善貸且成。

Thượng sĩ văn đạo, cần nhi hành chi; trung sĩ văn đạo, nhược tồn nhược vong; hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu, bất túc dĩ vi đạo.

Cố kiến ngôn hữu chi: minh đạo nhược muội, tiến đạo nhược thối, di đạo nhược lỗi; thượng đức nhược cốc, đại bạch nhược nhục, quảng đức nhược bất túc, kiến đức nhược thâu; chất đức nhược du.

Đại phương vô ngung, đại khí vãn thành, đại âm hi thanh; đại tượng vô hình, đạo ẩn vô danh. Phù duy đạo, thiện thải thả thành.

Bậc thượng sĩ [sáng suốt] nghe đạo [hiểu được] thì gắng sức thi hành; kẻ tầm thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ; kẻ tối tăm nghe đạo [cho là hoang đường] thì cười rộ. Nếu không cười thì đạo đâu còn là đạo nữa.

Cho nên sách xưa có nói: đạo sáng thì dường như tối tăm, đạo tiến thì dường như thụt lùi, đạo bằng phẳng dễ dàng thì dường như khúc mắc; đức cao thì dường như thấp trũng; cao khiết thì dường như nhục nhã [hoặc thật trong trắng thì dường như nhơ bẩn], đức rộng lớn thì dường như không đủ, đức mạnh mẽ thì dường như biếng nhác, đức chất phác thì dường như không hư [có người dịch là hay thay đổi].

Hình vuông cực lớn thì không có góc [nói về không gian, nó không có góc vì không biết góc nó đâu]; cái khí cụ cực lớn [đạo] thì không có hình trạng cố định; thanh âm cực lớn thì nghe không thấy, hình tượng cực lớn thì trông không thấy, đạo lớn thì ẩn vi, không thể giảng được [không gọi tên được]. Chỉ có đạo là khéo sinh và tác thành vạn vật.

Đoạn cuối từ “đại phương vô ngung”, chúng tôi hiểu là nói về đạo. Bốn chữ “đại khí vãn thành”, hầu hết các học giả đều dịch là “cái khí cụ cực lớn thì muộn thành” - do đó mà cổ nhân thường dùng thành ngữ đó để diễn cái ý: người có tài lớn thường thành công muộn.

Nhưng Trần Trụ đọc là: đại khí miễn (免) thành và hiểu là cái khí cụ cực lớn (đạo) thì không (miễn nghĩa là không) có hình trạng cố định (thành); như vậy

hợp với “đại phương vô ngung” ở trên, với “đại âm hi thanh”, “đại tượng vô hình” ở dưới, mà ý cả đoạn mới nhất quán. Chúng tôi theo Trần Trụ nhưng vẫn chưa tin hẳn là đúng, vì nếu vậy thì “đại khí miễn thành” nghĩa không khác “đại tượng vô hình” là bao, ý như trùng. Vì vậy mà chúng tôi phải dịch: “đại âm hi thanh” là thanh âm cực lớn thì không nghe thấy; “đại tượng vô hình” là hình tượng cực lớn thì không trông thấy.

42

道⽣⼀,⼀⽣⼆,⼆⽣三,三⽣萬物。萬物負陰⽽抱陽,中氣以爲和。

⼈之所惡,唯孤,寡,不穀。⽽王公以爲稱。故,物或損之⽽益,或益之⽽損。

⼈之所敎,我亦敎之,梁强者不得其死,吾將以爲敎⽗。

Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sanh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bão dương, trùng khí dĩ vi hòa.

Nhân chi sở ố, duy “cô”, “quả”, “bất cốc”. Nhi vương công dĩ vi xưng. Cố, vật hoặc tổn chi nhi ích, hoặc ích chi nhi tổn.

Nhân chi sở giáo, ngã diệc giáo chi, lương cường giả bất đắc kì tử, ngô tương dĩ vi giáo phụ.

Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh vạn vật. Vạn vật đều cõng âm mà ôm dương, điều hòa bằng khí trùng hư.

Điều mà, mọi người ghét là “côi cút”, “ít đức”, “không tốt”, vậy mà các vương công dùng những tiếng đó để tự xưng. Cho nên vật có khi bớt đi mà lại là thêm lên, có khi thêm lên mà hóa ra bớt đi.

Có một lời mà người xưa dạy, nay tôi cũng dùng để dạy lại, là “cường bạo thì sẽ bất đắc kì tử”. Tôi cho lời đó là lời khuyên chủ yếu.

Câu đầu mỗi người hiểu một cách:

  • Đạo là “không”, “không” sinh ra “có”, vậy “một” đó là “có”; hoặc đạo là vô cực, vô cực sinh thái cực, “một” đó là thái cực.
  • Đạo là tổng nguyên lí, lí sinh khí, vậy một đó là khí.

Hai thì ai cũng hiểu là âm và dương. Còn ba thì là một thứ khí do âm, dương giao nhau mà sinh ra chăng? Hay là cái nguyên lí nó làm cho âm, dương hòa với nhau? Có nhà chỉ dịch là “ba” thôi, không giảng gì cả.

  • Vũ Đồng bảo: một, hai, ba trỏ thứ tự. Đạo sinh ra cái thứ nhất là khí dương, khí dương đó sinh ra cái thứ hai là khí âm, khí âm này sinh ra khí thứ ba là trùng hư để điều hòa âm, dương.
  • Vạn vật cõng âm mà ôm dương nên hiểu là quay lưng lại với âm mà hướng về dương, vì dương chủ sinh, âm chủ sát? Hay chỉ nên hiểu là vạn vật đều có phần âm và phần dương?

Đoạn thứ hai: có khi bớt đi mà lại là thêm lên, tức như trường hợp các vương công khiêm tốn tự xưng là “côi cút”, “ít đức”, “không tốt” mà lại được tôn trọng thêm.

Đoạn cuối, câu “lương cường giả bất đắc kì tử”, các nhà chú giải bảo là lời khuyên khắc lên lưng người bằng đồng (kim nhân) đời Chu.

Chúng ta nên để ý: cả cuốn Đạo Đức Kinh chỉ có chương này là nói về âm, dương.

43

天下之⾄柔馳騁天下之⾄堅。無有⼊無間。吾是以知無爲之有益。不

⾔之敎,無爲之益,天下希及之。

Thiên hạ chi chí nhu trì sính thiên hạ chi chí kiên. Vô hữu nhập vô gian. Ngô thị dĩ tri vô vi chi hữu ích. Bất ngôn chi giáo, vô vi chi ích, thiên hạ hi cập chi.

Trong thiên hạ, cái cực mềm thì chế ngự được cái cực cứng [như nước xoi mòn được đá]; cái “không có” lại len vô được không có kẽ hở [như không khí len vô được những chất đá, gỗ cứng mà trông bề ngoài ta không thấy kẽ hở].

Do đó mà tôi biết “vô vi” là có ích. Dạy mà không dùng lời, cái ích lợi của vô vi, người đời ít ai hiểu kịp.

44

名與⾝孰親?⾝與貨孰多?得與亡孰病?是故甚愛必⼤費,多藏必厚

亡。

知⾜不辱,知⽌不殆,可以⾧久。

Danh dữ thân thục thân? Thân dữ hóa thục đa? Đắc dữ vong thục bệnh? Thị cố thậm ái tất đại phí, đa tàng tất hậu vong.

Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu.

Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quí? Sinh mệnh với của cải cái nào quan trọng?

Được danh lợi mà mất sinh mệnh, cái nào hại? Cho nên ham danh quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất mát nhiều. Biết thế nào là đủ (tri túc) thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy mà có thể sống lâu được.

Chương này khuyên chúng ta “khinh vật quí sinh” như Dương Chu. Tri túc là thái độ chung của đa số các triết gia Trung Hoa, có thể nói của dân tộc Trung Hoa nữa. Nó là điều kiện cốt yếu của hạnh phúc. Chúng ta nhớ những châm ngôn: Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc? (Biết thế nào là đủ thì sẽ thấy đủ, đợi cho có đủ thì bao giờ mới đủ) và “Nhân dục vô nhai, hồi đầu thị ngạn” (Lòng dục của con người không có bờ bến, nhưng nếu nhìn lại phía sau mình thì đó là bờ bến đấy).

45

⼤成若缺,其⽤不弊;⼤盈若沖,其⽤不窮;⼤直若屈,⼤巧若拙,

{⼤}辯若訥。

靜勝躁,寒勝熱,清靜爲天下正。

Đại thành nhược khuyết, kì dụng bất tệ; đại doanh nhược xung, kì dụng bất cùng; đại trực nhược khuất, đại xảo nhược chuyết, đại biện nhược nột.

Tĩnh thắng táo, hàn thắng nhiệt, thanh tĩnh vi thiên hạ chính.

Cái gì hoàn toàn thì dường như khiếm khuyết mà công dụng lại không bao giờ hết; cái gì cực đầy thì dường như hư không mà công dụng lại vô cùng; cực thẳng thì dường như cong, cực khéo thì dường như vụng, ăn nói cực khéo thì dường như ấp úng.

Tĩnh thắng động, lạnh thắng nóng, thanh tĩnh [vô vi] là chuẩn tắc trong thiên hạ.

Đoạn trên, Vương Bật giảng rằng đạo tùy vật mà tạo thành, cứ tự nhiên, không cố ý, không vì riêng một vật nào, cho nên tựa như khiếm khuyết, hư không… mà công dụng thì vô cùng.

Đoạn dưới, nguyên tác chép là: “Táo thắng hàn, tĩnh thắng nhiệt”: động thì thắng lạnh, tĩnh thì thắng nóng; đó là luật tự nhiên; mùa đông lạnh, ta cử động cho nóng lên, mùa hè nóng, ta ngồi yên cho bớt nóng.

Nhưng bản ý của Lão tử có lẽ ở trong 6 chữ: “thanh tĩnh vi thiên hạ chính”, khuyên chúng ta nên thanh tĩnh vô vi, cho nên sửa lại là “tĩnh thắng táo, hàn thắng nhiệt” thì hợp hơn. Hàn là lạnh, mà thanh cũng có nghĩa là mát. Vả lại tĩnh và táo, hàn với nhiệt mới tương phản với nhau. Tĩnh và hàn là vô vi, táo và nhiệt là hữu vi; vô vi thắng hữu vi.

46

天下有道,卻⾛⾺以糞;天下無道,戎⾺⽣於郊。

禍莫⼤於不知⾜,咎莫⼤於欲得。故知⾜之⾜,常⾜矣。

Thiên hạ hữu đạo, khước tẩu mã dĩ phẩn; thiên hạ vô đạo, nhung mã sinh ư giao.

Họa mạc đại ư bất tri túc, cữu mạc đại ư dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ.

Thiên hạ có đạo [các nước không gây chiến với nhau] thì ngựa tốt không dùng vào chiến tranh mà dùng vào việc cày cấy; thiên hạ vô đạo thì ngựa dùng vào chiến tranh và ngựa mẹ sinh con ở chiến trường [mà không sinh ở nhà].

[Do đó mà xét thì] họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng tham muốn cho được nhiều [đi chiếm nước ngoài] cho nên biết thế nào là đủ và thỏa mãn về cái đủ đó thì mới luôn luôn đủ.

47

不出⼾,知天下,不窺牖,⾒天道。其出彌遠,其知彌少。是以聖⼈不⾏⽽知,不⾒⽽名,無爲⽽成。

Bất xuất hộ, tri thiên hạ, bất khuy dũ, kiến thiên đạo. Kì xuất di viễn, kì tri di thiểu. Thị dĩ thánh nhân bất hành nhi tri; bất kiến nhi danh; bất vi nhi thành.

Không ra khỏi cửa mà biết được [sự lí trong] thiên hạ; không dòm ra ngoài cửa mà biết được đạo trời. Càng đi xa càng biết được ít. Cho nên thánh nhân không đi mà biết, không nhìn mà thấy rõ, không làm mà nên.

Đại ý là dùng tâm thần [trực giác] thì mới lĩnh hội được tổng nguyên lí, chứ đừng dùng tai mắt mà tìm hiểu từng vật một thì chỉ thêm mê hoặc.

48

爲學⽇益,爲道⽇損。損之又損,以⾄於無爲。無爲⽽無不爲。取天下常以無事,及其有事,不⾜以取天下。

Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi. Vô vi nhi vô bất vi. Thủ thiên hạ thường dĩ vô sự, cập kì hữu sự, bất túc dĩ thủ thiên hạ.

Theo học [hiểu theo nghĩa thường] thì mỗi ngày [dục vọng và tinh thần hữu vi] một tăng; theo đạo thì mỗi ngày [dục vọng và tinh thần hữu vi] một giảm. Giảm rồi lại giảm cho tới mức vô vi, không làm. Không làm mà không gì là không làm. Trị thiên hạ thì nên vô vi, còn như hữu vi thì không trị được thiên hạ.

49

聖⼈無常⼼,以百姓⼼爲⼼。善者吾善之,不善者吾亦善之,德善。信者吾信之,不信者吾亦信之,德信。

聖⼈在天下,歙歙焉,爲天下,渾其⼼。百姓皆注其⽿⽬,聖⼈皆孩之。

Thánh nhân vô thường tâm, dĩ bách tính tâm vi tâm. Thiện giả ngô thiện chi, bất thiện giả ngô diệc thiện chi, đức thiện. Tín giả ngô tín chi, bất tín giả ngô diệc tín chi, đức tín.

Thánh nhân tại thiên hạ, hấp hấp yên, vi thiên hạ, hồn kì tâm. Bách tính giai chú kì nhĩ mục, thánh nhân giai hài chi.

Thánh nhân không có thành kiến, lấy lòng thiên hạ làm lòng mình. Thánh nhân tốt với người tốt, tốt cả với những người không tốt, nhờ vậy mà mọi người đều hoá ra tốt; tin người đáng tin mà tin cả người không đáng tin, nhờ vậy mà mọi người đều hoá ra đáng tin.

Thánh nhân ở trong thiên hạ thì vô tư vô dục, trị thiên hạ thì để lòng mình hồn nhiên. Trăm họ đều chăm chú nghe nhìn thánh nhân, thánh nhân đều coi họ như con trẻ.

Chữ đức trong đức thiện, đức tín, nên hiểu là đắc 得 (được) vì hai chữ đó đọc giống nhau. Có người dịch “đức thiện”, “đức tín” là: như vậy thánh nhân có lòng tốt, có đức tín.

Đoạn dưới rất khó hiểu. Hai chữ hấp hấp nếu dịch là thu rút như ở chương 36 thì không xuôi. Cho nên nhiều nhà bỏ không dịch, có nhà dịch là: (thánh nhân làm cho thiên hạ) sợ, sợ nên co rút lại chăng? Chúng tôi gượng dịch theo Dư Bồi Lâm là vô tư vô dục.

Câu cuối: “bách tính giai chú kì nhĩ mục”, có người hiểu là trăm họ chăm chú nhìn, lắng tai nghe thánh nhân, như si như ngốc.

50

出⽣⼊死,⽣之徒⼗有三,死之徒⼗有三,⼈之⽣,動之死地,亦⼗有三。

夫何故?以其⽣⽣之厚。蓋聞善攝⽣者,陸⾏不遇兕虎,⼊軍不被兵甲。兕無所投其⾓,虎無所措其⽖,兵無所容其刃。夫何故?以其無死地。

Xuất sinh nhập tử. Sinh chi đồ thập hữu tam, tử chi đồ thập hữu tam, nhân chi sinh, động chi tử địa, diệc thập hữu tam.

Phù hà cố? Dĩ kì sinh sinh chi hậu. Cái văn thiện nhiếp sinh giả, lục hành bất ngộ huỷ hổ, nhập quân bất bị binh giáp. Huỷ vô sở đầu kì giác, hổ vô sở thố kì trảo; binh vô sở dung[104] kì nhẫn[105]. Phù hà cố? Dĩ kì vô tử địa.

Chương này xét về phép dưỡng sinh, ý nghĩa có chỗ rất tối, gây ra rất nhiều cách giải thích.

Bốn chữ đầu: “Xuất sinh nhập tử”, có thể hiểu là: sinh thì gọi là ra, chết thì gọi là vô; hoặc ra đời gọi là sống, vô đất gọi là chết; hoặc: từ đạo mà ra gọi là sống, vào [trở về] đạo gọi là chết; hoặc con người ra vào chỗ sinh tử…

Năm chữ cuối: “dĩ kì vô tử địa”, có thể hiểu là “tại không có chỗ chết”, hoặc “không tới chỗ chết”, “không vô chỗ chết”, “tự mình không gây ra cái chết cho mình”…

Hai chỗ đó, hiểu cách nào thì đại ý cũng không khác nhau bao nhiêu. Chỉ có câu thứ nhì: “Sinh chi đồ thập hữu tam… động chi tử địa” là có nhiều cách hiểu khác hẳn nhau, vì ba chữ “thập hữu tam”.

Chúng tôi đã thấy trên mười cách dịch, có thể chia làm ba nhóm:

  • Nhóm thứ nhất, ít nhất, đại biểu là Max Kaltenmark (tr.77). Không hiểu Kaltenmark căn cứ vào bản nào mà hiểu là: một phần mười là sống, một phần mười là chết. Nguyên văn bản đó là “thập hữu nhất” chăng?
  • Nhóm thứ nhì, khá đông, hiểu “thập hữu tam” là 13. Và giảng: có 13 đường sống, có 13 đường chết, hoặc 13 đồ đệ của sự sống, 13 đồ đệ của sự chết. Có nhà bảo con số 13 đó trỏ tứ chi (2 chân, hai tay) và chín lỗ (tai, mắt, mũi, miệng… trên thân thể); có nhà lại bảo là 13 nguyên nhân của đạo sống: hư, vô, thanh, tĩnh, nhu, nhược, từ, kiệm, bất cảm vi thiên hạ tiên, tri túc, tri chỉ, bất dục đắc, vô vi, toàn là những đức đề cao trong Đạo Đức kinh. (Nếu nguyên văn là nhị thập tam[106] thì chúng ta có thể kiếm thêm 10 đức nữa cho đủ số, chẳng hạn: phác, thuận tự nhiên, khí trí, khứ xa, vô dục…).
  • Nhóm thứ ba, đông hơn hết, cho chữ hữu 有 (trong thập hữu tam) nghĩa như chữ chi 之 và hiểu là: 10 người thì có 3.

Chúng tôi theo nhóm ý này vì thấy có thể chấp nhận được và chúng tôi dịch như sau:

Ra [đời] gọi là sống, vô [đất] gọi là chết, cứ 10 người ra đời thì 3 người bẩm sinh được sống lâu[107], 3 người bẩm sinh chết yểu[108], 3 người có thể sống lâu được nhưng chết sớm [vì không biết dưỡng sinh].

Như vậy là vì đâu? Vì họ (hạng thứ ba) tự phụng dưỡng quá hậu (hưởng thụ thái quá)[109]. Tôi từng nghe nói người khéo dưỡng sinh thì đi đường không gặp con tê ngưu, con hổ, ở trong quân đội thì không bị thương vì binh khí. Con tê ngưu không dùng sừng húc, con hổ không dùng móng vồ, binh khí không đâm người đó được. Tại sao vậy? Tại người đó [khéo dưỡng sinh] không tiến vào tử địa.

Tóm lại phép dưỡng sinh là đừng tự phụng dưỡng quá hậu, đừng ham vật dục mà phải điềm đạm, sống hợp với tự nhiên.

51

道⽣之,德畜之,物形之,勢成之。是以萬物莫不尊道⽽貴德。道之尊,德之貴,夫莫之命⽽常⾃然。

故道⽣之,德畜之,⾧之,育之[110],亭之,毒之,養之,覆之。⽣

⽽不有,爲⽽不恃,⾧⽽不宰。是謂⽞德。

Đạo sinh chi, đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi. Thị dĩ vạn vật mạc bất tôn đạo nhi quí đức. Đạo chi tôn, đức chi quí, phù mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên.

Cố đạo sinh chi, đức súc chi, truởng chi, dục chi, đình chi, độc chi, dưỡng chi, phú chi. Sinh nhi bất hữu; vi nhi bất thị; trưởng nhi bất tể. Thị vị huyền đức.

Đạo sinh ra vạn vật [vì là tổng nguyên lí], đức bao bọc mỗi vật [vì là nguyên lí của mỗi vật], vật chất khiến cho mỗi vật hình thành, hoàn cảnh [khí hậu, thuỷ thổ] hoàn thành mỗi vật. Vì vậy mà vạn vật đều tôn sùng đạo và quí đức. Đạo sở dĩ được tôn sùng, đức sở dĩ được quí là vì đạo và đức không can thiệp, chi phối vạn vật mà để vạn vật tự nhiên phát triển.

Đạo sinh ra vạn vật, đức bao bọc, bồi dưỡng, nuôi lớn tới thành thục [theo Hà Thượng Công, chữ đình tức là chữ thành 成, chữ độc tức là chữ thục 熟vì âm như nhau, dùng thay nhau] che chở vạn vật. Tuy sinh dưỡng vạn vật

mà không chiếm cho mình, làm mà không cậy công, để cho vạn vật tự lớn lên mà mình không làm chủ, như vậy là đức huyền diệu. [Câu cuối này đã có ở chương 10, đặt xuống đây có lẽ hợp hơn].

52

天下有始,以爲天下母。既得其母,以知其⼦,既知其⼦,復守其母,沒⾝不殆。

塞其兌,閉[111]其⾨,終⾝不勤;開其兌,濟其事,終⾝不救。

⾒⼩⽈明,守柔⽈强。⽤其光,復歸其明,無遺⾝殃。是爲習常。Thiên hạ hữu thuỷ, dĩ vi thiên hạ mẫu. Kí đắc kì mẫu, dĩ tri kì tử, kí tri kì tử, phúc thủ kì mẫu, một thân bất đãi.

Tắc kì đoài, bế kì môn, chung thân bất cần; khai kì đoài, tế kì sự, chung thân bất cứu.

Kiến tiểu viết minh; thủ nhu viết cường. Dụng kì quang, phục qui kì minh, vô di thân ương. Thị vi tập thường.

Vạn vật có nguồn gốc (đạo), nguồn gốc đó là mẹ của vạn vật. Nắm được mẹ [hiểu được đạo] là biết con [vạn vật]; đã biết được con mà lại giữ được mẹ thì suốt đời không nguy.

Ngăn hết các lối [tai, mắt, mũi, miệng], đóng hết các cửa [tức đừng để cho cảm quan gây dục vọng, cứ giữ lòng hư tĩnh] thì suốt đời không lo lắng; mở các đường lối, giúp cho dục vọng phát sinh, thì suốt đời không cứu được.

Thấy cái ẩn vi [đạo] thì gọi là sáng, giữ được nhu nhược [đạo] thì gọi là mạnh. Dùng được ánh sáng [tức biết được vạn vật, được con] mà phục hồi được sự sáng [tức giữ được mẹ, được đạo] thì không bị tai hoạ. Như vậy là theo được đạo vĩnh cửu. [chữ tập 習 ở đây dùng thay chữ tập 襲].

Nên so sánh chương này với chương 16: đều là khuyên đừng dùng trí thông minh, phải bỏ dục vọng đi để trở về hưu tĩnh, về tự nhiên, về đạo.

53

使我介然有知,⾏於⼤道,惟施是畏。⼤道甚夷⽽民好徑。

朝甚除,⽥甚蕪,倉甚虚;服⽂綵,帶利劍,厭飮⾷,財貨有餘,是謂盗夸,⾮道也哉!

Sử ngã giới nhiên hữu tri, hành ư đại đạo, duy thi thị uý. Đại đạo thậm di nhi dân hiếu kính.

Triều thậm trừ, điền thậm vu, sương[112] thậm hư; phục văn thái, đái[113] lợi kiếm, yếm ẩm thực, tài hoá hữu dư, thị vị đạo khoa, phi đạo dã tai!

Nếu ta hốt nhiên hiểu biết thì ta đi theo con đường lớn, chỉ sợ con đường tà. Đường lớn thật bằng phẳng, mà ta lại thích con đường nhỏ quanh co.

Triều đình thật ô uế, đồng ruộng thật hoang vu, kho lẫm thật trống rỗng; mà họ bận áo gấm thêu, đeo kiếm sắc, ăn uống chán mứa, của cải thừa thãi.

Như vậy là trộm cướp chứ đâu phải là hợp đạo!

Câu đầu: giới nhiên các người hiểu là “một chút”, lại có người hiểu là “vững vàng”. - Chữ thi tức là chữ 迆 đọc là di (hay đà), nghĩa là tà.

Đoạn sau, chữ trừ, có người hiểu là lộng lẫy, sạch sẽ. Chữ khoa có người

hiểu là khoe khoang, nói láo. Vương Tiên Thận cho như vậy là vô nghĩa; nên đổi là vu 竽 (ống sáo). Trong một cuộc hoà tấu, tiếng sáo nổi lên rồi các tiếng khác hoạ theo; như vậy đạo vu là kẻ cầm đầu đạo tặc.

Giọng chương này gay gắt không kém giọng Mặc tử khi Mặc chê các vua chúa là đại bất nghĩa, đáng trăm tội chết, và giọng của Mạnh tử khi Mạnh mắng những ông vua để cho loài thú ăn thịt dân (vì nuôi ngựa cho mập để cho dân đói), nên chúng tôi ngờ rằng không phải lời Lão tử mà của người đời sau viết.

54

善建者不拔,善抱者不脫。⼦孫以祭祀不輟。修之於⾝,其德乃眞; 修之於家,其德乃餘;修之於鄕,其德乃⾧;修之於邦,其德乃豊; 修之於天下,其德乃普。

故以⾝觀⾝,以家觀家,以鄕觀鄕,以邦觀邦,以天下觀天下。吾何以知天下然哉?以此。

Thiện kiến giả bất bạt, thiện bão giả bất thoát. Tử tôn dĩ tế tự bất chuyết. Tu chi ư thân, kì đức nãi chân; tu chi ư gia, kì đức nãi dư; tu chi ư hương, kì đức nãi trường; tu chi ư bang, kì đức nãi phong; tu chi ư thiên hạ, kì đức nãi phổ.

Cố dĩ thân quan thân, dĩ gia quan gia, dĩ hương quan hương, dĩ bang quan bang, dĩ thiên hạ quan thiên hạ. Ngô hà dĩ tri thiên hạ nhiên tai? Dĩ thử.

Khéo dựng thì không thể nhổ lên được, khéo ôm thì không thoát ra được, con cháu mà khéo dựng, khéo ôm thì việc tế tự [tôn miếu, xã tắc] sẽ đời đời không dứt. Lấy đạo mà tu thân thì đức sẽ đầy đủ; lấy đạo mà lo việc nhà thì đức sẽ có dư; lấy đạo mà lo việc làng xóm thì đức sẽ lớn ra; lấy đạo mà lo việc nước thì đức sẽ thịnh; lấy đạo mà lo việc thiên hạ thì đức sẽ phổ cập.

Lấy thân mình mà xét thân người, nhà mình mà xét nhà người, làng mình mà xét làng khác, nước mình mà xét nước khác, thiên hạ ngày nay mà xét thiên hạ thời xưa và thời sau. Làm sao ta biết được thiên hạ thế này hay thế khác? Là do lẽ đó.

Câu đầu: dựng và ôm là[114] nói dựng đạo, ôm đức ở trong lòng, nên mới không nhổ được, không tuột ra được; còn dựng ôm những cái khác như dựng cột, ôm đồ vật thì đều có thể nhổ được, tuột ra được. Việc tế tự không dứt là xã tắc, tôn miếu còn hoài.

Chữ bang trong đoạn thứ nhì là chép theo nguyên bản. Đời Hán, kiêng tên Lưu Bang mới đổi bang ra quốc; nên phục hồi lại nguyên bản.

Chương này ngờ là của người đời sau viết, chịu ảnh hưởng ít nhiều của Khổng giáo, cho nên mới nói đến việc tế tự, nhất là mới có chủ trương gần như tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

55

含德之厚,⽐於⾚⼦。毒蟲不螫,猛獸不據,攫⿃不搏。⾻弱,筋柔

⽽握固,未知牝牡之合⽽朘作,精之⾄也。終⽇號⽽不嗄,和之⾄也。

知和⽈常,知常⽈明。益⽣⽈祥。⼼使氣⽈强。物壯則⽼,是謂不道,不道早已。

Hàm đức chi hậu, tỉ ư xích tử. Độc trùng bất thích, mãnh thú bất cứ; quắc điểu bất bác. Cốt nhược, cân nhu nhi ác cố, vị tri tẫn mẫu chi hợp nhi tôi tác[115], tinh chi chí dã. Chung nhật hào nhi bất sá, hoà chi chí dã.

Tri hoà viết thường, tri thường viết minh. Ích sinh viết tường. Tâm sử khí viết cường. Vật tráng tắc lão, thị vị bất đạo, bất đạo tảo dĩ.

Người nào có đức dày thì như con đỏ. Độc trùng không chích, mãnh hổ không vồ, ác điểu không quắp. Xương yếu gân mềm mà tay nắm rất chặt, chưa biết giao hợp mà con cu dựng đứng, như vậy là tinh khí sung túc. Suốt ngày gào hét mà giọng không khản, như vậy là khí cực hoà.

Biết “hoà” thì gọi là bất biến (thường), biết bất biến thì gọi là “sáng”. Túng dục tham sinh thì gọi là hoạ. Để cho lòng [dục] sai khiến cái “khí” thì gọi là “cường”. Vật nào cường tráng thì sẽ già, như vậy là không hợp đạo, không hợp đạo thì sớm chết.

Chương này có nhiều bản khác nhau, ghi lại đủ thì rườm, chỉ xin đưa hai thí dụ: chữ tường trong “ích sinh viết tường” có bản chép là (tường) nghĩa là bất tường tai hoạ; bản chúng tôi dùng chép là 祥 mà cũng giảng là tai hoạ, vì chữ đó thời xưa trỏ cả phúc lẫn hoạ và ở đây nên hiểu là hoạ; chữ 嗄 có bản chép là á 啞, nghĩa là câm, mất tiếng, cũng như khản tiếng.

Câu: “tâm sử khí viết tường”, chữ khí này cũng là chữ khí trong “chuyên khí trí nhu” chương 10; còn chữ cường tức là chữ cường trong “nhu nhước thắng cường”, nghĩa xấu là cứng; chứ không phải chữ cường trong “thủ nhu viết cường” có nghĩa tốt là mạnh.

Nên so sánh hai câu đầu với chương 50. Câu cuối đã có trong chương 30.

Các triết gia thời xưa lấy sự hồn nhiên, vô tư, vô dục của đứa trẻ mới sanh là mức tối cao của sự tu dưỡng. Lão tử trong chương 10, chương 28 đã diễn ý đó, đây lại nhắc lại. Mạnh tử cũng bảo: “Bậc đại nhân không đánh mất cái lòng của đứa con đỏ” (bất thất kì xích tử chi tâm).

56

知者不⾔,⾔者不知。塞其兌,閉其⾨,挫其銳,解其紛,和其光, 同其塵。是謂⽞同。

故不可得⽽親;不可得⽽疏;不可得⽽利;不可得⽽害;不可得⽽貴;不可得⽽賤。故爲天下貴。

Tri giả bất ngôn; ngôn giả bất tri. Tắc kì đoài, bế kì môn, toả kì nhuệ, giải kì phân, hoà kì quang, đồng kì trần. Thị vị huyền đồng.

Cố bất khả đắc nhi thân; bất khả đắc nhi sơ; bất khả đắc nhi lợi; bất khả đắc nhi hại; bất khả đắc nhi quí; bất khả đắc nhi tiện. Cố vi thiên hạ quí.

Người nào biết [đạo] thì không nói [về đạo], người nào nói thì không biết. Ngăn hết các lối, đóng hết các cửa (coi chương 52), không để lộ sự tinh nhuệ ra, gỡ những rối loạn, che bớt ánh sáng, hoà với trần tục (coi chương 4), như vậy gọi là “huyền đồng” (hoà đồng với vạn vật một cách hoàn toàn).

[Đạt tới cảnh giới đó thì] không ai thân, cũng không có ai sơ với mình được (vì mình đã ngăn hết các lối, đóng hết các cửa, bỏ dục vọng, giữ lòng hư tĩnh); không ai làm cho mình được lợi hay bị hại (vì mình không để lộ sự tinh nhuệ, gỡ những rối loạn, giữ sự giản phác); không ai làm cho mình cao quí hay đê tiện được (vì mình đã che bớt ánh sáng, hoà đồng với trần tục). Vì vậy mà tôn quí nhất trong thiên hạ.

57

以正治國,以奇⽤兵,以無事取天下。

吾何以知其然哉?以此:天下多忌諱⽽民彌貧;朝多利器,國家滋昏;⼈多伎巧,奇物滋起;法令滋彰,盜賊[116]多有。

故聖⼈云:我無爲⽽民⾃化,我好靜⽽民⾃正,我無事⽽民⾃富,我無欲⽽民⾃樸。

Dĩ chính trị quốc, dĩ kì dụng binh, dĩ vô sự thủ thiên hạ.

Ngô hà dĩ tri kì nhiên tai? Dĩ thử: Thiên hạ đa kị huý nhi dân di bần; triều đa lợi khí, quốc gia tư hôn; nhân đa kĩ xảo, kì vật tư khởi; pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu.

Cố thánh nhân vân: ngã vô vi nhi dân tự hoá, ngã hiếu tĩnh nhi dân tự chính, ngã vô sự nhi dân tự phú; ngã vô dục nhi dân tự phác.

Dùng chính trị mà trị nước, dùng thuật kì mà tác chiến, [nhưng cả hai cách đó đều không thích hợp], chỉ vô sự mới được thiên hạ.

Do đâu mà biết được như vậy? Do lẽ này: Thiên hạ mà có nhiều lệnh cấm thì dân[117] càng nghèo [vì làm thì sợ mắc tội này tội khác]; triều đình càng nhiều “lợi khí” [tức quyền mưu? Coi chương 36] thì quốc gia càng hỗn loạn; người trên càng nhiều kĩ xảo thì việc bậy càng sinh ra nhiều; pháp lệnh càng nghiêm khắc thì đạo tặc càng nổi.

Cho nên thánh nhân bảo: ta không làm gì (vô vi) mà dân tự cải hoá, ta ưa thanh tĩnh mà dân tự nhiên thuần chính, ta không ban giáo lệnh mà dân tự phú túc, ta vô dục mà dân tự hoá ra chất phác.

58

其政悶悶,其民醇醇;其政察察,其民缺缺。

禍兮福之所倚,福兮禍之所伏。孰知其極?其無正。正復爲奇,善復爲妖。⼈之迷,其⽇故久。

是以聖⼈⽅⽽不割,廉⽽不劌,直⽽不肆,光⽽不耀。

Kì chính muộn muộn, kì dân thuần thuần; kì chính sát sát, kì dân khuyết khuyết.

Hoạ hề phúc chi sở ỷ, phúc hề hoạ chi sở phục. Thục tri kì cực? Kì vô chính. Chính phục vi kì, thiện phục vi yêu. Nhân chi mê, kì nhật cố cửu.

Thị dĩ thánh nhân phương nhi bất cát, liêm nhi bất quế, trực nhi bất tứ, quang nhi bất diệu.

Chính lệnh mập mờ (khoan hồng) thì dân thuần hậu; chính lệnh rõ ràng (hình pháp nghiêm minh quá) thì dân kiêu bạc. Hoạ là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ nấp của hoạ, ai biết được cứu cánh ra sao? Hoạ phúc không có gì nhất định. Chính có thể biến thành tà, thiện có thể biến thành ác. Loài người mê hoặc [không hiểu được lẽ đó] đã từ lâu rồi.

Chỉ có bậc thánh nhân [biết được lẽ hoạ phúc vô định đó], nên tuy chính trực mà không làm thương tổn người, tuy có cạnh gốc mà không hại người, tuy cương trực mà không phóng túng, xúc phạm người, tuy sáng rỡ mà không chói loà.

Chương này - tiếp theo chương trên, cũng khuyên trị dân nên vô vi - có nhiều bản khác nhau một số chữ, và có vài chỗ khó hiểu, nên mỗi nhà giảng một khác.

Như ba chữ “kì vô chính” ở đoạn giữa, có người hiểu là “nếu người trị nước không thẳng thắn”, hoặc “thiên hạ không có gì là chính, mẫu mực cả”. Chúng tôi theo Dư Bồi Lâm, cho chữ đó trỏ hoạ, phúc và chính có nghĩa là nhất định, như vậy ba chữ đó có thể coi là lời giải thích hoặc lời kết của hai câu trên, mà nghĩa mới nhất quán: hoạ phúc vô định, mà chính tà, thiện ác cũng vô định nữa.

Ngoài ra, có nhà đề nghị nên đem cả đoạn cuối đặt lên trên, sau bốn chữ “kì dân khuyết khuyết”.

59

治⼈,事天莫若嗇。夫唯嗇,是以早[118]服,早服謂之重積德;重積德[119]則無不克,無不克,則莫知其極;莫知其極,可以有國;有國之母,可以⾧久,是謂深根固柢,⾧⽣久視之道。

Trị nhân, sự thiên mạc nhược sắc. Phù duy sắc, thị dĩ tảo phục, tảo phục vị chi trọng tích đức; trọng tích đức tắc vô bất khắc, vô bất khắc, tắc mạc tri kì cực; mạc tri kì cực, khả dĩ hữu quốc; hữu quốc chi mẫu, khả dĩ trường cửu, thị vị thâm căn cố đế, trường sinh cửu thị chi đạo.

Trị dân và tu thân thì không gì bằng tiết kiệm [tinh thần, trí óc]; có tiết kiệm thì mới sớm phục tòng đạo; sớm phục tòng đạo thì tích được nhiều đức; tích được nhiều đức thì không gì không khắc phục được; không gì không khắc phục thì năng lực của mình không biết tới đâu là cùng; năng lực không biết tới đâu là cùng thì trị được nước; nắm được cái gốc (mẹ) của đạo trị nước, thì có thể tồn tại được lâu dài. Như vậy là rễ sâu, gốc vững, [nắm được] cái đạo trường tồn.

Câu đầu, hai chữ “sự thiên”, đa số học giả dịch là “thờ trời”, hay “giúp trời”, lấy nghĩa rằng trị dân tức là giúp trời. Nhưng như vậy, có màu sắc Khổng, Mặc. Dư Bồi Lâm hiểu theo lời giải thích trong thiên Giải Lão, sách Hàn Phi Tử:

“Thông minh tuấn tú, thiên dã; động tịnh tư lự, nhân dã” (thông minh, tuấn tú là do trời; động tĩnh, suy tư là do người) mà cho thiên (trời) đây trỏ bản năng thiên phú của con người, và sự thiên tức là luyện, giúp phần bản năng đó, là tu thân. Và chương này nói về việc tu thân, trị quốc chứ không nói gì đến trời cả, như vậy hợp với tư tưởng Lạo tử hơn.

Câu cuối, chữ thị trong “trường sinh cửu thị”, theo Từ Nguyên, có nghĩa là hoạt 活 (sống); vậy “trường sinh cửu thị” cũng tức như “tử nhi bất vong” trong chương 33 (tử nhi bất vong giả thọ).

Đại ý chương này vẫn là theo đạo tự nhiên, hữu vi ít chừng nào tốt chừng ấy.

60

治⼤國若烹⼩鮮。

以道蒞天下,其⿁不神。⾮其⿁不神,其神不傷⼈。⾮其神不傷⼈, 聖⼈亦不傷⼈。夫兩不相傷,故德交歸焉。

Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên.

Dĩ đạo lị thiên hạ, kì quỉ bất thần. Phi kì quỉ bất thần, kì thần bất thương nhân. Phi kì thần bất thương nhân, thánh nhân diệc bất thương nhân. Phù lưỡng bất tương thương, cố đức giao qui yên.

Trị nước lớn cũng như nấu nướng cá nhỏ (nấu cá nhỏ mà lật lên lật xuống, động tới nó nhiều quá, nó sẽ nát; trị nước lớn mà chính lệnh phiền hà, pháp lệnh thay đổi nhiều quá, can thiệp vào việc dân nhiều quá, dân sẽ trá nguỵ, chống đối).

Dùng đạo mà trị thiên hạ thì quỉ không linh; chẳng những quỉ không linh mà thần cũng không làm hại được người; chẳng những thần không hại được người mà thánh nhân cũng không làm hại người. Hai bên [một bên là quỉ, thần, thánh nhân, một bên là người] không làm hại nhau, cho nên đức quí cả về dân [dân yên ổn làm ăn mà gắng sức sửa đức].

Câu nhì, “kì quỉ bất thần”, Cao Hanh bảo chữ thần đó chính là chữ (?)[120] cũng đọc là thần và nghĩa là linh.

Câu cuối, chữ lưỡng, có nhà cho là trỏ thánh nhân (tức vua chúa giữ được đạo) và dân; “cố đức giao qui yên” có người hiểu là “đức của vua và của dân nối nhau về một chỗ”, lại có người dịch là cả hai, [vua và dân] đều có lợi.

Chương này, cơ hồ trái với học thuyết Lão tử; Lão tử không tin có thượng đế, chỉ biết có đạo, nguyên lí tối cao của vũ trụ thì dân lại tin có quỉ thần. Cho nên có người ngờ không phải là tư tưởng của Lão tử. Nhưng có người tin là của Lão tử vì ở đây ông bài bác thần quyền, không tin quỉ thần hại được người.

61

⼤國者下流,天下之交,天下之牝。

牝常以靜勝牡,以靜爲下。故⼤國以下⼩國則取⼩國;⼩國以下⼤國則取⼤國。

故或下以取;或下⽽取。⼤國不過欲兼畜⼈,⼩國不過欲⼊事⼈。夫兩者各得所欲,⼤者宜下。

Đại quốc giả hạ lưu, thiên hạ chi giao, thiên hạ chi tẫn.

Tẫn thường dĩ tĩnh thắng mẫu, dĩ tĩnh vi hạ. Cố đại quốc dĩ hạ tiểu quốc tắc thủ tiểu quốc; tiểu quốc dĩ hạ đại quốc tắc thủ đại quốc.

Cố hoặc hạ dĩ thủ; hoặc hạ nhi thủ. Đại quốc bất quá dục kiêm súc nhân, tiểu quốc bất quá dục nhập sự nhân. Phù lưỡng giả các đắc sở dục, đại giả nghi hạ.

Nước lớn nên ở chỗ thấp, chỗ qui tụ của thiên hạ, nên giống như giống cái trong thiên hạ. Giống cái nhờ tĩnh mà thắng giống đực [ham động], lấy tĩnh làm chỗ thấp. Cho nên nước lớn mà khiêm hạ đối với nước nhỏ thì được nước nhỏ xưng thần; nước nhỏ mà khiêm hạ đối với nước lớn thì được nước lớn che chở. Như vậy là một bên khiêm hạ để được [nước nhỏ xưng thần], một bên khiêm hạ mà được [nước lớn che chở]. Nước lớn chẳng qua chỉ muốn gồm nuôi nước nhỏ, nước nhỏ chẳng qua muốn thờ nước lớn. Khiêm hạ thì cả hai đều được như ý muốn; nhưng nước lớn phải khiêm hạ mới được.

Đại ý rất rõ ràng: cũng diễn tư tưởng khiêm nhu: “hậu kì thân nhi thân tiên” trong chương 7. Nhưng nhiều học giả ngờ người sau viết, vì viết vụng, chữ dùng không chính xác.

62

道者萬物之奧,善⼈之[121]寶,不善⼈之所保。美⾔可以⽰尊,美⾏可以加⼈。⼈之不善,何棄之有?故⽴天⼦,置三公,雖有拱璧,以先駟⾺,不如坐進此道。

古之所以貴此道者何?不⽈:求以得,有罪以免邪?故爲天下貴。

Đạo giả vạn vật chi áo, thiện nhân chi bảo, bất thiện nhân chi sở bảo. Mĩ ngôn khả dĩ thị tôn, mĩ hành khả dĩ gia nhân. Nhân chi bất thiện, hà khí chi hữu? Cố lập thiên tử, trí tam công, tuy hữu củng bích, dĩ tiên tứ mã, bất như toạ tiến thử đạo.

Cổ chi sở dĩ quí thử đạo giả hà? Bất viết: Cầu dĩ đắc, hữu tội dĩ miễn da? Cố vi thiên hạ quí.

Đạo là chỗ ẩn náo của vạn vật [vì đạo dung nạp vạn vật], là vật quí của người tốt, chỗ nhờ cậy của người không tốt.

Lời nói hay có thể làm cho mình được tôn trọng, hành vi đẹp có thể làm cho mình hoá cao thượng. Nhưng còn người không tốt [mà biết nhờ cậy đạo] thì sao lại bỏ? Cho nên lập ngôi thiên tử, đặt ngôi tam công, dù [trong buổi lễ] hai tay bưng ngọc bích lớn đi trước xe tứ mã, cũng không bằng quì dâng đạo đó lên.

Người xưa sở dĩ quí đạo là vì đâu? Chẳng phải là vì: [nhờ đạo mà] hễ cầu cái gì được cái nấy, có tội thì được tha ư? Vì vậy mà đạo được thiên hạ quí.

Chương này toàn là lời tán dương đạo, ý nghĩa tầm thường. Nên so sánh với các chương 25, 27, 34, 51.

63

爲無爲,事無事,味無味。⼤⼩多少,報怨以徳。

圖難於其易,爲⼤於其細。天下難事必作於易,天下⼤事必作於細。

是以聖⼈終不爲⼤,故能成其⼤。夫輕諾必寡信,多易必多難。是以聖⼈猶難之,故終無難矣。

Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị. Đại tiểu đa thiểu, báo oán dĩ đức.

Đồ nan ư kì dị; vi đại ư kì tế. Thiên hạ nan sự tất tác ư dị, thiên hạ đại sự tất tác ư tế.

Thị dĩ thánh nhân chung bất vi đại, cố năng thành kì đại. Phù khinh nặc tất quả tín, đa dị tất đa nan. Thị dĩ thánh nhân do nan chi, cố chung vô nan hĩ.

[Thánh nhân] trị [thiên hạ] theo chính sách vô vi, thi hành theo nguyên tắc vô sự, giữ thái độ điềm đạm. Xem cái nhỏ như lớn, cái ít như nhiều, lấy đức báo oán. Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ [vì] việc khó trong thiên hạ khởi từ chỗ dễ, việc lớn trong thiên hạ khởi từ lúc còn nhỏ. Do đó thánh nhân trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn.

Người nào hứa một cách dễ dàng quá thì ít tin được, cho việc gì cũng dễ làm thì sẽ gặp nhiều cái khó. Cho nên thánh nhân coi việc gì cũng khó mà rốt cuộc không gặp gì khó.

Câu đầu nói về đạo: đạo thì vô vi, vô sự mà nhạt nhẽo, vô vị. “Vị vô vị” là nếm cái nhạt nhẽo vô vị (đạm hồ kì vô vị - chương 35) tức là xử sự theo đạo.

“Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ” cũng là theo đạo, và chỉ người nào biết đạo mới nhận được ẩn vi; mới hiểu được cái lí: “mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi”[122]. Nhờ vậy, thánh nhân không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn. Câu này, có người dịch: “thánh nhân không tự cho mình là vĩ đại nên mới thành vĩ đại”, như vậy e mất liên lạc với câu trên.

64

其安易持,其未兆易謀,其脆易泮,其微易散。爲之於未有,治之於未亂。

合抱之⽊,⽣於毫末。九層之臺,起於累⼟;千⾥之⾏,始於⾜下。爲者敗之,執者失之。是以聖⼈無爲故無敗,無執故無失。

民之從事,常於幾成⽽敗之。愼終如始,則無敗事。是以聖⼈欲不 欲,不貴難得之貨,學不學,復眾⼈之所過,以輔萬物之⾃然⽽不敢

爲。

Kì an dị trì, kì vị triệu dị mưu, kì thuý dị phán; kì vi dị tán. Vi chi ư vị hữu, trị chi ư vị loạn.

Hợp bão chi mộc, sinh ư hào mạt. Cửu tằng chi đài, khởi ư luỹ thổ; thiên lí chi hành, thuỷ ư túc hạ.

Vi giả bại chi; chấp giả thất chi. Thị dĩ thánh nhân vô vi cố vô bại, vô chấp cố vô thất.

Dân chi tòng sự, thường ư cơ thành nhi bại chi. Thận chung như thuỷ, tắc vô bại sự. Thị dĩ thánh nhân dục bất dục, bất quí nan đắc chi hoá, học bất học, phục chúng nhân chi sở quá, dĩ phụ vạn vật chi tự nhiên nhi bất cảm vi.

Cái gì an định thì dễ nắm, điểm chưa hiện thì dễ tính, giòn thì dễ vỡ, nhỏ thì dễ phân tán. Ngăn ngừa sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình.

Cây lớn một ôm, khởi sinh từ cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi từ một sọt đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân.

Dụng tâm làm thì thất bại, cố chấp ý riêng thì hỏng việc. Vì vậy thánh nhân không làm nên không bại, không chấp trước nên không hỏng việc.

Người ta làm việc, thường gần tới lúc thành công lại thất bại, vì không cẩn thận như lúc đầu. Dè sau như trước thì không hỏng việc, cho nên thánh nhân chỉ muốn một điều là vô dục (không muốn gì cả), không quí bảo vật; chỉ muốn học cho được vô tri vô thức để giúp mọi người lầm lạc trở về với đạo, giúp vạn vật phát triển theo tự nhiên, mà không dám làm (tức can thiệp vào).

Chương này diễn thêm ý nghĩa cho chương trên. Chương trên mở đầu bằng ba chữ “vi vô vi”, chương này kết thúc bằng ba chữ “bất cảm vi”.

65

古之善爲道者,⾮以明民,將以愚之。民之難治,以其智多。故以智治國,國之賊,不以智治國,國之福。知此兩者,亦稽式。常知稽 式,是謂⽞徳。⽞徳深矣,遠矣,與物反矣!然後乃⾄⼤順。

Cổ chi thiện vi đạo giả, phi dĩ minh dân, tương dĩ ngu chi. Dân chi nan trị, dĩ kì trí đa. Cố dĩ trí trị quốc, quốc chi tặc, bất dĩ trí trị quốc, quốc chi phúc. Tri thử lưỡng giả, diệc kê thức. Thường tri kê thức, thị vị huyền đức. Huyền đức thâm hĩ, viễn hĩ, dữ vật phản hĩ! Nhiên hậu nãi chí đại thuận.

Thời xưa, người khéo dùng đạo trị nước thì không làm cho dân khôn lanh cơ xảo, mà làm cho dân đôn hậu chất phác. Dân sở dĩ khó trị là vì nhiều trí mưu. Cho nên dùng trí mưu trị nước là cái hoạ cho nước, không dùng trí mưu trị nước là cái phúc cho nước. Biết phép tắc thì gọi là “huyền diệu” (huyền đức) [coi chương 51]. Đức huyền diệu sâu thẳm, cùng với vạn vật trở về gốc [về đạo chất phác tức qui căn] rồi sau mới đạt được sự thuận tự nhiên [cùng với đạo là một].

Chữ kê thức, bản Hà Thượng Công và nhiều bản cổ khác chép là khải thức, nghĩa là mô thức, phép tắc, tiêu chuẩn.

Câu cuối: “dữ vật phản hĩ”, có người dịch là: “(huyền đức hoạt động) ngược với thói quen của vạn vật”.

66

江海所以能爲百⾕王者,以其善下之,故能爲百⾕王。是以聖⼈欲上民,必以⾔下之;欲先民,必以⾝後之。是以聖⼈處上⽽民不重;處前⽽民不害。是以天下樂推⽽不厭。以其不爭,故天下莫能與之爭。

Giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả, dĩ kì thiện hạ chi, cố năng vi bách cốc vương. Thị dĩ thánh nhân dục thượng dân, tất dĩ ngôn hạ chi; dục tiên dân, tất dĩ thân hậu chi. Thị dĩ thánh nhân xử thượng nhi dân bất trọng; xử tiền nhi dân bất hại. Thị dĩ thiên hạ lạc thôi nhi bất yếm. Dĩ kì bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.

Sông biển sở dĩ làm vua trăm khe lạch [là nơi qui tụ của mọi khe] vì khéo ở dưới thấp nên làm vua trăm khe lạch. Vì thánh nhân muốn ở trên dân thì phải nói lời khiêm hạ, muốn ở trước dân thì phải lùi lại sau. Vì vậy thánh nhân ở trên mà dân không thấy nặng cho mình [không có cảm giác gánh vác trên vai], ở trước mà dân không thấy hại cho mình; vì vậy thiên hạ vui vẻ đẩy thánh nhân tới trước mà không chán. Không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được.

67

天下皆謂我道⼤,似不肖。夫惟⼤,故似不肖。若[123]肖,久矣其細也夫。

我有三寶,持⽽保之:⼀⽈慈,⼆⽈儉,三⽈不敢爲天下先。慈故能勇,儉故能廣,不敢爲天下先,故能成器⾧。今舎慈且勇,舎儉且 廣,舎後且先,死矣!

夫慈,以戰則勝,以守則固。天將救之,以慈衛之。

Thiên hạ giai vị ngã đạo đại, tự bất tiếu. Phù duy đại, cố tự bất tiếu. Nhược tiếu, cửu hỹ kì tế dã phù.

Ngã hữu tam bảo, trì nhi bảo chi: nhất viết từ; nhị viết kiệm; tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên. Từ cố năng dũng; kiệm cố năng quảng, bất cảm vi thiên hạ tiên, cố năng thành khí trưởng. Kim xá từ thả dũng, xá kiệm thả quảng, xá hậu thả tiên, tử hĩ!

Phù từ, dĩ chiến tắc thắng, dĩ thủ tắc cố. Thiên tương cứu chi, dĩ từ vệ chi.

Thiên hạ bảo đạo của ta lớn, cơ hồ không có gì giống nó cả. Vì nó lớn quá [mà lại không có hình tượng] nên không có gì giống nó cả. Nếu có thì nó đã là nhỏ từ lâu rồi[124].

Ta có ba vật báo mà ta ôm giữ cẩn thận: một là lòng từ ái, hai là tính kiệm ước, ba là không dám đứng trước thiên hạ. Vì từ ái nên [tận lực che chở dân] mà sinh ra dũng cảm; vì kiệm ước nên hoá ra sung túc, rộng rãi; vì không dám đứng trước thiên hạ nên mới được làm chủ thiên hạ. Nếu không từ ái mà mong được dũng cảm; không kiệm ước mà mong được sung túc, rộng rãi; không chịu đứng sau người mà tranh đứng trước người, thì tất phải chết! Vì từ ái nên hễ chiến đấu thì thắng, cố thủ thì vững. Trời muốn cứu ai thì cho người đó lòng từ ái để tự bảo vệ [hoặc: thì lấy lòng từ ái mà giúp người đó].

68

善爲⼠者不武,善戰者不怒,善勝敵者不與,善⽤⼈者爲之下。是謂不爭之徳,是謂⽤⼈之⼒,是謂配天之極。

Thiện vi sĩ giả bất vũ, thiện chiến giả bất nộ, thiện thắng địch giả bất dữ, thiện dụng nhân giả vi chi hạ. Thị vị bất tranh chi đức, thị vị dụng nhân chi lực, thị vị phối thiên chi cực.

Viên tướng giỏi không tỏ ra vũ dũng, người giỏi tác chiến không tỏ ra hung hăng, người khéo thắng dịch không giao phong với địch, người khéo chỉ huy thì tự đặt mình ở dưới người. Như vậy là có cái đức không tranh với người, như vậy là biết dùng sức của người, như vậy là hoàn toàn hợp với đạo.

Dùng binh và dùng người đều phải hợp với đạo, giữ thái độ không tranh với ai: “bất vũ, bất nộ, bất dữ” là không tranh với địch; “xử hạ” là không tranh với người vì “không tranh với ai cho nên không ai tranh với mình được (chương 66).

69

⽤兵有⾔:吾不敢爲主⽽爲客,不敢進⼨⽽退尺。是謂⾏無⾏,攘無臂,扔無敵,執無兵。禍莫⼤於輕敵,輕敵幾喪吾寶。故抗[125]兵相加,哀者勝矣。

Dụng binh hữu ngôn: “Ngô bất cảm vi chủ nhi vi khách, bất cảm tiến thốn nhi thối xích”. Thị vị hàng vô hàng, nhương vô tí, nhưng vô địch, chấp vô binh. Hoạ mạc đai ư khinh địch, khinh địch cơ táng ngô bảo. Cố kháng binh tương gia, ai giả thắng hĩ.

Thuật dụng binh có câu: “Ta không dám làm chủ (tức khiêu chiến) mà chỉ muốn làm khách (tức ứng chiến), không dám tiến một tấc, thà chịu lùi một thước (không muốn hung hăng mà chịu nhường địch)”. Như vậy dàn trận mà không thành hàng, xua đuổi mà không dám đưa cánh tay ra. Tuy có binh khí mà như không dùng binh khí, tuy có địch mà như không chạm trán với địch.

Hoạ không gì lớn bằng khinh địch, khinh địch thì sẽ mất những vật báo của ta. Cho nên khi hai bên cử binh giao chiến, bên nào từ ái bên đó sẽ thắng lợi.

Câu nhì: “thị vị hàng vô hàng”, chữ “hàng” thứ nhất là động từ: dàn quân; chữ “hàng” thứ nhì là danh từ: hàng lối.

Câu thứ ba: “táng ngô bảo”, chữ “bảo” ở đây trỏ tam bảo trong chương 67: từ, kiệm, bất cảm vi thiên hạ tiên.

Câu cuối: chữ ai 哀, có người dịch là nhường, đa số dịch là bi ai, nghĩa là đau xót mà đành phải ứng chiến, chứ bản tâm không muốn. Dư Bồi Lâm theo Địch Thượng Đỉnh, cho là chữ ái 爱 (yêu), xưa hai chữ dùng thay nhau vì đọc như nhau chẳng hạn như trong bài tựa Kinh Thi có câu 爱窈窕⽽不淫其 ⾊ (ai yểu điệu nhi bất dâm kì sắc = yêu vẻ dịu dàng mà không say mê sắc đẹp của mĩ nữ). Ái đây là từ ái, một trong ba vật báu ở chương 67. Chương này cơ hồ của một binh pháp gia thêm vào.

70

吾⾔甚易知,甚易⾏。天下莫能知,莫能⾏。

⾔有宗,事有君。夫唯無知,是以不知我。知我者希,則我者貴。是以聖⼈被褐懐⽟。

Ngô ngôn thậm dị tri, thậm dị hành. Thiên hạ mạc năng tri, mạc năng hành. Ngôn hữu tôn, sự hữu quân. Phù duy vô tri, thị dĩ bất tri ngã.

Tri ngã giả hi, tắc ngã giả quí. Thị dĩ thánh nhân bị hạt hoài ngọc.

Lời [dạy] của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, mà thiên hạ không ai hiểu được, làm được. Lời của ta có tôn chỉ, việc của ta có căn bản [tôn chỉ, căn bản đó tức đạo: thuận tự nhiên, vô vi]. Vì thiên hạ không hiểu ngôn luận của ta nên không biết ta. Người hiểu ta rất ít, người theo cũng rất hiếm [nguyên văn là quí, mà hiếm tức là quí]. Cho nên thánh nhân bận áo vải thô mà ôm ngọc quí trong lòng.

Bốn chữ “tắc ngã giả quí”: chữ “tắc” chúng tôi cho là một động từ như chữ tri (tri ngã giả hĩ), có người hiểu là “cho nên”: vì người hiểu rất ít cho nên ta mới thật đáng quí.

Bốn chữ cuối: “bị hạt hoài ngọc” nghĩa cũng như: “ngoại đồng kì trần (chương 4) nội thủ kì chân”[126].

71

知不知上;不知知病。聖⼈不病,以其病病。夫唯病病,是以不病。Tri bất tri thượng; bất tri tri bệnh. Thánh nhân bất bệnh, dĩ kì bệnh bệnh. Phù duy bệnh bệnh, thị dĩ bất bệnh.

Gọn quá hoá tối. Câu đầu: những chữ “tri bất”, “bất tri tri”, không ai biết tác giả muốn nói gì, chỉ có thể đoán nghĩa thôi. Chúng tôi đã thấy bốn cách đoán:

  1. “Tri bất tri thượng” là biết cái không thể biết được, tức đạo thì cao minh; nhưng còn “bất tri tri bệnh” là không biết cái có thể biết được, tức cái tri thức vụn vặt của thiên hạ, thì cũng đáng khen chứ, sao lại gọi là “bệnh”, là sai lầm? Giảng cách đó nghe chừng không thông.
  2. “Tri bất tri” nghĩa cũng như “học bất học” trong chương 64, biết được cái vô tri vô thức, tức mỗi ngày một giảm dần tri thức của mình đi, cho tới hồn nhiên, chất phác, như vậy là cao minh; còn “bất tri tri” dịch ra sao? tất phải dịch như trên, nghe cũng không xuôi.
  3. Biết mà cho mình không biết, thì là cao minh; không biết mà cho mình biết, thì là sai lầm. Hiểu như vậy thì câu này đả quan niệm: “Tri vi tri chi, bất tri vi bất tri” của Khổng tử. Cách hiểu này được nhiều người theo.
  4. Biết mà làm ra vẻ ngu tối, không biết, thì là cao minh. Trong bản dịch dưới đây tôi theo cách này vì hợp với chủ trương “hoà kì quang” (che bớt ánh sáng của mình đi) - ch.4 và 56 - và “tri giả bất ngôn” (biết thì không nói) - 51:
  1. Biết mà làm ra vẻ ngu tối là cao minh; không biết mà làm ra vẻ biết rõ, sáng suốt là sai lầm. Thánh nhân sở dĩ không có tật sai lầm đó vì nhận cái tật đó là tật (dĩ kì bệnh - chữ bệnh trên là động từ, chữ bệnh dưới là danh từ). Cho cái tật sai lầm đó là tật cho nên mới không sai lầm.

72

民之不畏威則⼤威⾄。無狎其所居,無厭其所⽣。夫唯不厭,是以不厭。是以聖⼈⾃知不⾃⾒:⾃愛不⾃貴。故去彼取此。

Dân chi uý uy tắc đại uy chí. Vô hiệp kì sở cư, vô yếm kì sở sinh. Phù duy bất yếm, thị dĩ bất yếm. Thị dĩ thánh nhân tự tri bất tự hiện: tự ái bất tự quí. Cố khử bỉ thủ thử.

Dân mà không sợ sự uy hiếp (tức hà chính, bạo hình) của vua thì sự uy hiếp lớn của dân sẽ đến với vua (tức dân sẽ nổi loạn). Đừng bó buộc đời sống của dân (để cho dân an cư), đừng áp bức cách sinh nhai của dân. Vì không áp bức dân nên dân mới không bức lại vua (không phản kháng).

Vì vậy thánh nhân biết quyền năng của mình mà không biểu lộ ra, yêu cái đức của mình mà không tự cho là tôn quí. Cho nên bỏ cái sau (tự hiện, tự quí) mà giữ cái trước (tự tri, tự ái).

Câu đầu, chữ uy có người hiểu là “cái đáng sợ”; hoặc “uy quyền” (dân không sợ uy quyền của vua thì vua mau được uy quyền).

Câu thứ nhì, có người hiểu là: đừng làm hẹp chỗ ở của dân; hoặc: đừng chê chỗ ở của mình là hẹp.

Đoạn dưới, “tự tri, tự hiện, tự ái, tự quí” có thể dịch là “biết mình, không khoe, yêu mình, quí mình”.

73

勇於敢則殺,勇於不敢則活。此兩者或利,或害,天之所惡,孰知其故?是以聖⼈猶難之。

天之道不爭⽽善勝,不⾔⽽善應,不召⽽⾃來,繟[127]然⽽善謀。天網恢恢,疏⽽不失。

Dũng ư cảm tắc sát, dũng vu bất cảm tắc hoạt. Thử lưỡng giả hoặc lợi, hoặc hại, thiên chi sở ố, thục tri kì cố? Thị dĩ thánh nhân do nan chi.

Thiên chi đạo bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện ứng, bất triệu nhi tự lai; thiện nhiên nhi thiện mưu.

Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất.

Mạnh mẽ về dám làm (tức quả cảm cương cường) thì chết, mạnh mẽ về không dám làm (tức thận trọng, nhu nhược) thì sống. Hai cái đó cùng là mạnh mẽ, mà một cái được lợi, một cái bị hại; ai mà biết được tại sao trời lại ghét cái đó [cái cương cường]? Dẫu thánh nhân cũng còn cho là khó biết thay.

Đạo trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp, không gọi mà vạn vật tự tới, bình thản vô tâm mà khéo mưu tính mọi việc.

Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.

“Bất ngôn nhi thiện ứng”, nghĩa cũng như câu: “Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên” trong Luận ngữ. Bốn mùa qua lại, vạn vật sinh trưởng, đó là trời “khéo đáp”.

“Bất triệu nhi tự lai” có người dịch là: trời không đợi gọi mà tự tới. Bình thản vô tâm, tức là, tức là theo tự nhiên, không có tư ý.

74

民不畏死,奈何以死懼之?若使民常畏死⽽爲奇者,吾得執⽽殺之, 孰敢?

常有司殺者殺。夫代司殺者殺,是謂代⼤匠{斵}。夫代⼤匠{斵}者,希有不傷其⼿矣。

Dân bất uý tử, nãi hà dĩ tử cụ chi? Nhược sử dân thường uý tử nhi vi kì giả, ngô đắc chấp nhi sát chi, thục cảm?

Thường hữu ti sát giả sát. Phù đại ti sát giả sát, thị vị đại đại tượng trác. Phù đại đại tượng trác giả, hi hữu bất thương kì thủ hĩ.

Dân không sợ chết thì sao lại dùng tử hình doạ dân? Nếu làm cho dân luôn luôn sợ chết, mà có kẻ nào phạm pháp ta cũng bắt được mà giết thì ai còn dám phạm pháp nữa?[Sự thực không phải như vậy cho nên hình pháp mới vô hiệu].

Có đấng “ti sát” (tức đạo trời) chuyên lo việc giết, nếu vua chúa thay đấng ti sát mà giết dân thì cũng như thay thợ đẽo. Thay thợ đẽo thì ít khi không đứt tay.

Kẻ nào làm bậy thì đạo trời sẽ không tha (lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt - chương trên), vua không nên dùng chế độ hà khắc, cực hình.

75

民之饑,以其上⾷稅之多,是以饑。 民之難治,以其上之有爲,是以難治。

民之輕死,以其上求⽣之厚,是以輕死。

夫唯[128]無以⽣爲者,是賢於貴⽣。

Dân chi cơ, dĩ kì thượng thực thuế chi đa, thị dĩ cơ. Dân chi nan trị, dĩ kì thượng chi hữu vi, thị dĩ nan trị.

Dân chi khinh tử, dĩ kì thượng cầu sinh chi hậu, thị dĩ khinh tử. Phù duy vô dĩ sinh vi giả, thị hiền ư quí sinh.

Dân sở dĩ đói là vì nhà cầm quyền thu thuế nặng nặng quá, cho nên dân đói.

Dân sở dĩ khó trị là vì nhà cầm quyền dùng chính lệnh phiền hà, cho nên dân khó trị.

Dân sở dĩ coi thường cái chết là vì nhà cần quyền tự phụng dưỡng quá hậu, cho nên dân coi thường sự chết.

Nhà cầm quyền mà vô dục, đạm bạc thì hơn là quí sinh, hậu dưỡng.

Câu thứ ba: “dân chi khinh tử…” có bản không có chữ thượng, có người dịch là “dân khinh chết vì dân trọng sự sống quá”, như vậy là trách dân, chứ không trách nhà cầm quyền, ý không nhất quán.

Liou Kia-hway dịch là: “dân khinh chết vì đời sống cực khổ quá (do lẽ nhà cầm quyền hà khắc quá). Hiểu như vậy nên câu cuối, Liou dịch tiếp là: “Chỉ người nào đời sống không cực quá mới biết quí sinh”.

76

⼈之⽣也柔弱,其死也堅强。萬物草⽊之⽣也柔脆[129],其死也枯

稿。

故堅强者,死之徒;柔弱者,⽣之徒。是以兵强則不勝,⽊强則兵。故堅强處下,柔弱處上。

Nhân chi sinh dã nhu nhược, kì tử dã kiên cường. Vạn vật thảo mộc chi sinh dã nhu thuý. Kì tử dã khô cảo.

Cố kiên cường giả, tử chi đồ; nhu nhược giả, sinh chi đồ. Thị dĩ binh cường tắc bất thắng, mộc cường tắc binh. Cố kiên cường xử hạ, nhu nhược xử thượng.

Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng đơ. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết thì khô cứng.

Cho nên cứng mạnh là cùng loài với chết, mềm yếu là cùng loài với sống. Vì vậy binh mạnh thì không thắng, cây cứng thì bị chặt. Cứng mạnh phải ở dưới, mềm yếu được ở trên.

Đoạn trên hai chữ “vạn vật” nhiều nhà cho là dư.

Đoạn dưới, câu “mộc cường tắc binh”, chữ binh ở đây là động từ, các sách đều chú thích là chặt, đốn. Có bản chép là 折 chiết - gãy.

77

天之道其猶張⼸與?⾼者抑之,下者擧之。有餘者損之,不⾜者補 之。天之道損有餘⽽補不⾜;⼈之道則不然,損不⾜以奉有餘。孰能有餘以奉天下?唯有道者。

是以聖⼈爲⽽不侍,功成⽽不處。其不欲⾒賢。

Thiên chi đạo kì do trương cung dữ? Cao giả ức chi, hạ giả cử chi. Hữu dư giả tổn chi, bất túc giả bổ chi. Thiên chi đạo tổn hữu dư nhi bổ bất túc; nhân chi đạo tắc bất nhiên, tổn bất túc dĩ phụng hữu dư. Thục năng hữu dư dĩ phụng thiên hạ? Duy hữu đạo giả.

Thị dĩ thánh nhân vi nhi bất thị, công thành nhi bất xử. Kì bất dục hiện hiền.

Đạo trời giống như buộc dây cung vào cung chăng? (Chữ trương cung ở đây không có nghĩa là giương cung để bắn). Dây cung ở cao quá thì hạ nó xuống, ở thấp quá thì đưa nó lên; dài quá thì bỏ bớt đi, ngắn quá thì thêm vào. Đạo trời bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu. Đạo người (thói thường của con người) thì không vậy, bớt chỗ thiếu mà cấp thêm cho chỗ dư. Ai là người có dư mà cung cấp cho những người thiếu thốn trong thiên hạ? Chỉ có người đắc đạo mới làm được như vậy.

Cho nên thánh nhân làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới, không biểu hiện đức của mình ra.

Câu: “Thục năng hữu dư dĩ bổ thiên hạ” diễn một lí tưởng công bằng xã hội, hiếm thấy ở thời Chiến Quốc.

78

天下莫柔弱於⽔,⽽攻堅强者莫之能勝,以其無以易之。

弱之勝强,柔之勝剛,天下莫不知,莫能⾏。是以聖⼈云:“受國之垢,是謂社稷主,受國不祥,是謂天下王。”正⾔若反。

Thiên hạ mạc nhu nhược ư thuỷ, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng, dĩ kì vô dĩ dịch chi.

Nhược chi thắng cường, nhu chi thắng cương, thiên hạ mạc bất tri, mạc năng hành. Thị dĩ thánh nhân vân: “Thụ quốc chi cấu, thị vị xã tắc chủ, thụ quốc bất tường, thị vị thiên hạ vương”. Chính ngôn nhược phản.

Trong thiên hạ không gì mềm yếu bằng nước mà thắng được những vật cứng không gì bằng nó, không gì thay nó được.

Yếu thắng mạnh, mềm thắng cứng, không ai không biết lẽ đó nhưng không ai thực hành được. Cho nên thánh nhân bảo: “Chịu nhận cái ô nhục trong nước thì mới làm chủ xã tắc được, chịu nhận tai hoạ trong thiên hạ thì mới làm vua thiên hạ được”. Lời hợp đạo nghe như ngược đời.

79

和⼤怨,必有餘怨,安可以爲善?是以聖⼈執左契,⽽不責於⼈。有徳司契,無徳司徹。天道無親,常與善⼈。

Hoà đại oán, tất hữu dư oán, an khả dĩ vi thiện? Thị dĩ thánh nhân chấp tả khế, nhi bất trách ư nhân. Hữu đức ti khế; vô đức ti triệt. Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân.

Giải được cái oán lớn thì vẫn còn chút oán thừa [ở trong lòng], như vậy sao gọi là phải?

Cho nên thánh nhân cầm phía bên trái tờ khế (tờ hợp đồng) mà đời không nhận. Người có đức thì cầm [phía trái] tờ khế, người không có đức thì đòi người ta phải trả.

Đạo trời không tư vị ai, chỉ gia ân cho người có đức[130].

“Chấp tả khế”: thời xưa khi kí hợp đồng với ai thì người ta làm hai bản trên cùng một tờ. Mỗi người giữ một bản. Bản bên trái không được coi trọng bằng bản bên phải. Giữ bản bên trái tức là có ý nhường người, không tranh với người, không tranh nên không oán. Giữ như vậy để làm chứng tích với nhau, chứ không cố bắt buộc bên kia phải thủ tín, phải trả mình.

Chữ triệt vốn trỏ một thứ thuế ruộng ở đời Chu. Ở đây triệt có nghĩa là đòi, thu tiền của người kí khế ước với mình.

Đại ý chương này là dùng đức mà trị dân, đừng gây oán.

80

⼩國寡民,使有什伯之器⽽不⽤,使民重死⽽不遠徙[131]。雖有⾈輿,無所乘之;雖有甲兵,無所陳之。使⼈復結繩⽽⽤之。⽢其⾷, 美其服,安其居,樂其俗。鄰國相望,雞⽝之聲相聞,民⾄⽼死不相往來。

Tiểu quốc quả dân, sử hữu thập bách chi khí nhi bất dụng, sử dân trọng tử nhi bất viễn tỉ. Tuy hữu chu dư, vô sở thừa chi; tuy hữu giáp binh, vô sở trần chi. Sử dân phục kết thằng nhi dụng chi. Cam kì thực, mĩ kì phục, an kì cư, lạc kì tục. Lân quốc tương vọng, kê khuyển chi thanh tương văn, dân chí lão tử bất tương vãng lai.

Nước nhỏ, dân ít, dù có khí cụ gấp chục gấp trăm sức người cũng không dùng đến. Ai nấy đều coi sự chết là hệ trọng nên không đi đâu xa. Có thuyền, xe mà không ngồi, có binh khí mà không bày. [Bỏ hết văn tự] bắt dân dùng lại lối thắt dây thời thượng cổ. Thức ăn đạm bạc mà thấy ngon, quần áo tầm thường mà cho là đẹp, nhà ở thô sơ mà thích, phong tục giản phác mà lấy làm vui (nghĩa là chỉ lo ăn no, mặc ấm, ở yên, sống vui, ghét xa xỉ). Các nước láng giềng gần gũi có thể trông thấy nhau, nước này nghe được tiếng gà tiếng chó ở nước kia, mà nhân dân các nước ấy đến già chết cũng không qua lại với nhau.

Bốn chữ “thập bách chi khí” trong câu đầu, chúng tôi hiểu theo Hà Thượng công; không dùng những khí cụ đó, những cơ khí đó vì có “cơ giới” thì có “cơ tâm”, xảo trá, con người không còn chất phác nữa.

Nhiều nhà dịch là: “binh khí”, lấy lẽ rằng “thập bách” trỏ quân đội, 5 người là một “ngũ”, 25 người là một “thập”, 100 người là một “bách”. “Thập bách chi khí” là khí giới của quân đội.

Hai chữ “kết thằng” của câu sau nghĩa là thắt dây. Khi chưa có chữ viết, người ta dùng dây thắc nút để ghi những việc cần nhớ.

Chương này tả quốc gia lí tưởng theo Lão tử. Lão tử muốn trở về xã hội nguyên thuỷ, và Phùng Hữu Lan (tr.238) bảo như vậy “đại văn minh tựa như dã man”.

81

信⾔不美,美⾔不信。善者不辯,辯者不善。知者不博,博者不知。

聖⼈不積,既以爲⼈⼰餘有,既以與⼈⼰愈多[132]。天之道,利⽽不害。聖⼈之道,爲⽽不爭。

Tín ngôn bất mĩ, mĩ ngôn bất tín. Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện. Tri giả bất bác, bác giả bất tri.

Thánh nhân bất tích, kí dĩ vi nhân kỉ dư hữu, kí dĩ dữ nhân kỉ dũ đa. Thiên chi đạo, lợi nhi bất hại. Thánh nhân chi đạo, vi nhi bất tranh.

Lời nói chân thực thì không hoa mĩ, lời nói hoa mĩ thì không chân thực. Người “thiện” thì không cần biện giải (vì hành vi tốt rồi), người nào phải biện giải cho mình là người “không thiện”. Người sáng suốt hiểu đạo thì tri thức không cần rộng (vì nắm được chân lí là đủ rồi), người nào tri thức rộng thì không sáng suốt, hiểu đạo (vì tìm ngọn thì quên gốc).

Bậc thánh nhân vô dục, không tích trữ, càng giúp người, mình lại càng có dư, càng cho người, mình lại càng có nhiều. Đạo trời chỉ có lợi cho vạn vật chứ không có hại; đạo thánh nhân giúp người mà không tranh với ai.

Câu đầu: Tín ngôn, có bản chép là tín giả, để cho nhất luật với thiện giả, biện giả, trí giả ở sau; nhưng nghĩa cũng không khác mấy: người chân thực thì không trang sức bề ngoài, trang sức lời nói chẳng hạn.

Đoạn dưới, kỉ hữu, có bản chép là 愈 hữu, để nhất luật với đa ở sau; nghĩa cũng vậy.

Viết xong ngày giỗ Cậu 26/8 Đinh Tị (77)

-Trong khi viết đau bao tử hoài[133]-

  • Will Durant, trong Lịch sử văn minh Trung Hoa, thì cho rằng: “Đời sống đong đưa như quả lắc, từ Voltaire qua Rousseau, từ Khổng tử qua Lão tử, từ Socrate qua Ki Tô. Mỗi ý nghĩ xâm chiếm tâm hồn ta trong một quãng dài hay ngắn của đời ta, chúng ta bênh vực nó nhiều hay ít, thành công nhiều hay ít, rồi chúng ta chán chiến đấu, giao lại cho thế hệ trẻ hơn mớ tin tưởng của ta lúc đó chẳng còn được bao nhiêu, để vô rừng sống với Jean Jacques và Lão tử; làm bạn với hươu nai, sung sướng không kém gì Machiavel khi nói chuyện với nông dân chất phác; chúng ta để mặc cho thế giới muốn làm trò ma mãnh gì thì làm, không nghĩ tới việc cải thiện nó nữa. Lúc đó trước khi vô núi có lẽ chúng ta đốt hết sách vở đi, chỉ trừ một cuốn và vui vẻ tìm sự minh triết trong Đạo đức kinh”. (Lời dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê).
  • Trên trang http://www.lyhocdongphuong.org.vn/diendan/index.php? showtopic=1510, tác giả có chép lại phiên âm và dịch nghĩa Chương Một. (Goldfish).
  • Trích Lời giới thiệu tác phẩm Đạo Đức kinh dễ hiểu, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2001 (xem ebook cùng tên đăng tại http://www.thuvien- ebook.com/forums/showthread.php?t=2364, post #4). Chúng ta đều biết bản dịch của cụ Nguyễn Duy Cần có trước bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê, nhưng không biết Phan Ngọc vô tình hay cố ý lại nêu tên cụ Nguyễn Hiến Lê trước? (Goldfish).
  • Đạo giáo do Trương Đạo Lăng thành lập (thế kỉ thứ II) có thời bị nghi kị vì những hoạt động bí mật (hội kín), nhưng triết gia Lão tử thì không.
  • Đúng ra là Thái thanh cung (BT).
  • Về chấm câu, ngay trong cuốn LT-ĐĐK này, có lẽ do lỗi in, giữa nguyên tác và phiên âm cũng có nhiều chỗ không giống nhau, tôi phải tạm sửa lại. (Goldfish).
  • Có nhiều thuyết: 12.500 nhà là một hương; mười làng là một hương… đại khái là đơn vị hành chánh ở giữa làng (lí) và huyện.
  • Bản dịch Sử ký Tư Mã Thiên - Truyện Lão tử đăng trên Việt Nam Thư quán (http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx? tid=2qtqv3m3237nvn4nmn1n31n343tq83a3q3m3237nvnmn) chép là: “…tên là Nhĩ, tên tự là Bá Dương, tên thuỵ là Đam”. (Goldfish).
  • Sách in là Tần Hiếu công, tôi sửa lại thành Tần Hiến công cho phù hợp với tiết 3 và tiết 6 ở dưới và vì các bản chữ Hán trên mạng chép là 秦 献 公 . Về sau, khi gặp những chữ mà tôi tin chắc là bị chép sai, tôi sẽ sửa lại mà không chú thích. (Goldfish).
  • Đoạn Can: sách in là Đoan Can, trong tiết 6 ở dưới in là Đoàn Can, nhiều bản chữ Hán trên mạng chép là: 段 ⼲ (Đoạn Can), bản dịch đăng trên Việt Nam Thư quán (trang đã dẫn) cũng chép là Đoạn (Goldfish).
  • Chương 57 Đạo Đức kinh.
  • Cuối đời Hán Vũ đế, người ta phá tường vách nhà Khổng tử, tìm thấy một số sách cổ: Thượng thư, Lễ kí, Luận ngữ… Bộ Lễ kí tìm được đó gồm 131 thiên, sau Lưu Hướng (80-9 sau T.L) thu thập thêm, kiểm điểm, hiệu đính được 240 thiên. Lại đời sau nữa, Đái Đức bỏ những thiên trùng hợp đi, thu lại còn 85 thiên, thành một bộ gọi là Đại Đái kí (Lễ kí của ông Đái lớn), rồi cháu (có sách nói là em) Đái Đức, tên Đái Thánh, rút lại nữa, còn 46 thiên, gọi là Tiểu Đái kí (Lễ kí của ông Đái nhỏ).
  • Làng Khúc Lí: Có lẽ sách in sai, vì nếu sách in đúng thì hẳn cụ Nguyễn Hiến Lê sẽ giải thích về sự khác biệt giữa “Khúc Lí” và “Khúc Nhân” ghi trong tiết 1, nhưng đọc tiếp ở dưới ta chẳng thấy có lời giải thích nào. Nhưng “Khúc Nhân” mà in sai thành “Khúc Lí” thì cũng lạ. Xin nói thêm là “làng Khúc Nhân”, các bản chữ Hán trên mạng ghi là 曲仁⾥ (Khúc Nhân lí). (Goldfish).
  • Trong Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê: Triết học chép là 麗. (Goldfish).
  • Chữ 苦, Từ Hải bảo phải đọc là Hỗ. Từ Hải đã theo Sách ẩn.
  • Coi La Căn Trạch (sách đã dẫn tr.211-25) và Lão tử độc bản của Dư Bồi Lâm (Tam Dân thư cục - 2).
  • Sách in cả 3 chữ đều là 瀨. (Goldfish).
  • Tuy trước số 478 không có dấu (-) hoặc sau số này không ghi “trước Tây lịch”, nhưng ta nên hiểu là năm 478 trước Tây lịch, vì thời Xuân Thu và Chiến Quốc trước Tây lịch. (Goldfish).
  • 亦 (diệc: có nghĩa là cũng). (Goldfish).
  • Trong bộ Sử Trung Quốc, cụ Nguyễn Hiến Lê bảo: “…chúng ta không biết được điều gì chắc chắn vế đời Lão Tử cả, ngay cả tên ông nữa, cũng vậy, và chúng ta đành tạm gọi “ông thầy già” đó (Lão Tử) là họ Lí, tên Nhĩ”. (Xem thêm phần Phụ lục ở cuối Ebook). (Goldfish).
  • Trong bài Thiên đạo 6, sách Trang tử, chép lời của Tử Lộ thưa với Khổng Tử như sau: “Con nghe nói có một vị giữ đồ thư quán tên là Lão Đam nay đã từ chức mà về vườn. Thầy muốn gởi sách vào đồ thư quán thì thử lại hỏi ông ấy xem sao”. (Lời dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê). (Goldfish).
  • Thiên Thiên vận, bài 5. (Goldfish).
  • Coi bộ Trang tử của Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn hoá,
  • Có người còn ngờ rằng không do Trang tử viết nữa, nếu vậy thì không đáng tin chút nào.
  • Xem chú thích ở tiết 1. (Goldfish).
  • Chắc là “Lão 聃 với thái sử 儋 ” (tức “Lão Đam với thái sử Đam”) bị lầm thành “Lão 聃 với Lão 儋” (tức “Lão Đam với Lão Đam”). (Goldfish).
  • Theo một chú thích ở chương II, phần II, thì sách đó là “Lão tử (Khai trí
  • 1959)”. Tác phẩm này có lẽ được xuất bản lần đầu vào năm 1942). (Goldfish).
  • Chương 20 gồm 132 chữ; chương 38 gồm 129 chữ. Như vậy chương ngắn nhất, chương 40 có 21 chữ và chương dài nhất là chương 20 có 132 chữ. (Goldfish).
  • Coi chữ Hán và ý nghĩa trong phần III. Sau cũng vậy.
  • Câu “thánh nhân diệc bất thương nhân” là do tôi chép thêm để ứng với lời dịch “mà thánh nhân cũng không làm hại người”. (Goldfish).
  • Thoái: trong phần III, ghi là thối. Chữ 退 đọc là thối hoặc thoái đều được. (Goldfish).
  • Các kinh thường viết theo lối đó như kinh Xuân Thu, Mặc kinh, cho nên sau phần “kinh” thường có phần “truyện” để giải thích.
  • Coi thêm phần dịch.
  • Nhiều người gọi là thuyết cấu trúc. (Goldfish).
  • Chữ trong Kinh Thi.
  • Hán Văn đề dùng ngay lời trong Đạo Đức kinh (ch.22) để trách Hà Thượng công.
  • Trong Hồi kí, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết: “Từ 1977, được nhàn rỗi tôi tiếp tục nghiên cứu hết các triết gia lớn đời Tiên Tần, để thực hiện cho xong chương trình tôi đã vạch từ năm sáu năm trước, và soạn thêm được năm cuốn nữa: Mặc học, Lão tử, Luận ngữ, Khổng tử, Kinh Dịch”. Sau đó, cũng trong Hồi kí, cụ cho biết thêm là năm 1978, sau khi viết cuốn Lão tử, cụ dịch lại bộ Luận ngữ, rồi viết cuốn Khổng tử, năm 1979 viết cuốn Kinh Dịch. Từ những thông tin đó, ta có thể suy ra rằng cuốn Mặc học được viết trước cuốn Lão tử, và cuối cùng là cuốn Kinh Dịch. Nếu đúng như vậy thì tại sao trong đoạn cuối này, trong các cuốn viết trước cuốn Lão tử này, cụ không nêu tên cuốn Mặc học? Tại cụ viết thiếu hay sách in thiếu? (Goldfish).
  • Sách in là mịch, tôi tạm sửa lại thành mạc 瘼. (Goldfish).
  • Sách in là , tôi sửa lại thành 戲. (Goldfish).
  • Câu “Thiên giáng táng loạn, cơ cận tiến trăn” trong bài Vân Hán 雲 漢 . Câu đó không có trong bài Tiết Nam Sơn 節南⼭ (sách in sai thành Tiệt Nam Sơn) (Theo http://zh.wikisource.org). (Goldfish).
  • Trong phần này chúng tôi không chép lại nguyên văn chữ Hán những câu và đoạn trích dẫn vì phần dịch ở sau sẽ có đủ cả chữ Hán và phiên âm.
  • Chữ 道 trong dấu { } là do tôi ghi thêm, trong sách bỏ trống, không in. Về sau cũng vậy. (Goldfish).
  • Trong Trang tử - Nam Hoa kinh, bài Tề vật luận 7, vì cụ Nguyễn Hiến Lê dịch câu này theo ý toàn bài là đừng nên tranh luận vì phán đoán mỗi người mỗi khác, do vậy mà lời dịch đó có phần hơi khác với ý cụ muốn nói ở đây. (Goldfish).
  • Coi Đại cương triết học Trung Quốc - Quyển thượng - trang 390-91 - Cảo Thơm).
  • Nguyên văn chép trong phần dịch, chúng tôi đảo 6 chữ vật hình chi, thế thành chi xuống dưới cho khỏi lập lại và dễ trình bày.
  • Chữ 蒼, Thiều Chửu phiên âm là thương. (Goldfish).
  • Trong phần III cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là: Trời đất bất nhân. (Goldfish).
  • Đức: sách in là “được”. (Goldfish).
  • Pháp 法: sách in sai thành “phác”. (Goldfish).
  • Bất từ 不辭: sách in là “bất tri”. (Goldfish).
  • Nghĩa là: “Bốn mùa qua lại, vạn vật sinh trưởng, Trời có nói gì đâu” (Lời dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Luận Ngữ). Goldfish).
  • Hiện nay, hai ngàn rưỡi năm sau Lão tử, khoa học đưa ra hai thuyết này:
  • Thuyết của Sandage: vũ trụ vĩnh cửu, biến động hoài (éternel, oscillant) cứ giãn ra rồi co lại, co lại rồi giãn ra, như vậy có nghĩa là vật chất, năng lượng và không gian đều vô cùng. Thuyết này ít người chấp nhận.
  • Thuyết của Ryle: vũ trụ có một khối tuyệt đối, mới đầu là một sự nổ tung ra, bành trướng ra; sau cùng hoặc là một vật chất hữu hạn nào đó tan thành hơi trong một không gian hữu cùng; hoặc là sự bành trướng ban đầu chuyển thành một sự co rút lại trở về nguyên thể; thuyết này dễ chấp nhận hơn (Tạp chí Planète số 18 - tháng 9 năm 1970). Chúng ta thấy thuyết của Ryle cũng hơi giống thuyết qui căn của Lão tử.
  • Do Will Durant dẫn trong cuốn The Lessons of History. NY.
  • Nghĩa là không tách câu đó ra khỏi chương 45 để xét riêng. (Goldfish).
  • Tức trong tiết “B) Tự nhiên”. (Goldfish).
  • Lời của Mạnh tử, trong cuốn Mạnh tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là: “… quí trọng nhất là dân, rồi tới xã tắc (đất đai), còn vua là khinh”. (Goldfish).
  • Câu này trong sách Đại học, Minh Di dịch là: “…điều gì dân thích thì mình cũng thích, điều gì dân ghét thì mình cũng ghét” (http://www.tinparis.net/vanhoa/vh_TusachMINHDI2_LeHung.html). (Goldfish).
  • Do Ngô Tất Tố dẫn trong cuốn Lão tử (Khai Trí 1959), trang
  • Lời của Khổng tử, trong cuốn Khổng tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là: “Đạo ta chỉ có một lẽ mà quán thông tất cả”. (Goldfish).
  • Cao Đài từ điển giảng là: “Trung ( 忠 ): Lòng thành thật ngay thẳng, hết lòng mình. Thứ (恕): suy lòng mình ra lòng người, tức là có lòng vị tha (http://caodaism.org/CaoDaiTuDien/tr/tr5-042.htm). (Goldfish).
  • Theo Từ Hải, Tây Chu bắt đầu từ năm -1122; theo Lịch 2000 năm và niên biểu (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội - 1976), Tây chu bắt đầu từ -1066. [Chú thích này không ghi hai chữ BT, nhưng chắc là của nhà xuất bản. Xin góp thêm là trong bộ Sử Trung Quốc, cụ Nguyễn Hiến Lê ghi nhà Chu bắt đầu từ năm -1121 (theo Từ Hải) hoặc từ năm -1079 (theo Eberhard), nghĩa là Tây Chu cũng bắt từ năm -1121 hoặc -1079. (Goldfish)].
  • Câu này Ngô Tất Tố (sách đã dẫn - tr.87-88) dịch là: “Thiên hạ đều biết cái đẹp là đẹp, ấy là xấu đó, đều biết thiện là thiện, ấy là bất thiện đó” và cho rằng tri thức khiến người ta so sánh rồi phân biệt cái hay cái dở, “sự phân biệt đó không phải là điều tốt đẹp”.
  • Nếu câu này không do đời sau sửa chữa hay thêm bớt thì Lão tử quả thực là tiên tri - Khổng đề cao nhân, thất bại; Mạnh hạ xuống đề cao nghĩa, cũng thất bại. Tuân tử đề cao lễ cũng không được ai theo, Hàn Phi phải đề cao pháp thuật.
  • Xem thiên Thiên địa, bài 11. (Goldfish).
  • Sách in là Dieu le père, tôi tạm sửa thành Dieu là père (Trời là cha). (Goldfish).
  • Đại cương triết học Trung Quốc, quyển hạ, trang 128-129, (Cảo Thơm, 1966).
  • Coi bộ Mặc tử của cùng tác giả (BT).
  • Chương 66. (Goldfish).
  • Sách in là “Trí nhân nhạo thuỷ”, tôi sửa lại thành “Trí giả nhạo thuỷ” (知者樂⽔). (Goldfish).
  • Chương 32. (Goldfish).
  • Chương 37. (Goldfish).
  • Sách in là Tấn Hiếu công, tôi sửa lại thành Tấn Hiến công theo phần III, chương 36. (Goldfish).
  • Chương 16. (Goldfish).
  • Tức tiết “Lật ngược chế độ tôn ti của Khổng”, bắt đầu từ trang103, chứ không phải trang 71. (Goldfish).
  • Chúng tôi chưa chắc những lời đó thực của Lão tử. [Chú thích này đặt sau mấy chữ “coi phần I, ch.II, tiết C” thì hợp lí hơn vì trong tiết C đó, cụ Nguyễn Hiến Lê sau khi nêu ra mấy chỗ mâu thuẫn, cụ kết luận: “Điều đó chứng tỏ rằng Đạo Đức kinh có nhiều chỗ do người đười sau thêm vào”. (Goldfish)].
  • Uyên Minh là tên hiệu của Đào Tiềm. (Goldfish).
  • Xem bản dịch Sống đẹp của Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hoá,
  • Trong cuốn Khổng tử, cụ Nguyễn Hiến Lê giảng “Người có nước, có nhà” (hữu quốc, hữu gia) như sau: Người có nước tức vua, người có nhà tức các quan đại phu, chủ các ấp phong. (Goldfish).
  • Các bạn có thể xem bản dịch ra tiếng Pháp của J.L.L. Duyvendak tại http://www.restaurant-chinois.com/dossier-tao-to-kin-le-livre-de-la-voie-et- de-la-vertu-3,2,1.html. (Goldfish).
  • Tức Đào Tiềm (365-427).
  • Chữ từ ở đây là chữ thuỷ { 始 } (xưa 2 chữ đó đọc như nhau). Bất từ là bất vi thuỷ. Vương Bật giảng là can thiệp vào, tức vô vi. [Câu “vạn vật tác yên nhi bất từ” 萬物作焉⽽不辭, trang http://wenwen.soso.com/z/q215774534.htm chép là “vạn vật tác yên nhi bất thuỷ 萬物作焉⽽不始. (Goldfish)].
  • Tôi tạm chép chữ ⿕ (thược) theo bản Hoa Sơn Trang, còn trong sách in chữ này: . Trên mạng có bản chép là 籥. (Goldfish).
  • Chữ 耶, Thiều Chửu phiên âm là “da”. (Goldfish).
  • Sinh nhi súc chi: sách in nguyên văn chữ Hán là: ⽣ 之 畜 之 (Sinh chi súc chi) và tôi đã sửa lại theo phiên âm. Trên mạng, có nhiều bản chữ Hán chép là ⽣之畜之 (Sinh chi súc chi), mà cũng có nhiều bản chép là ⽣⽽畜之 (Sinh nhi súc chi). (Goldfish).
  • Hầu Ngoại Lưu, một học giả Trung Hoa hiện đại cho biết là: “Ba mươi chiếc nan hoa hợp chung quanh lại trên một vành xe thành một cái bánh xe, từ không có đến có sử dụng xe, dùng đất dẽo làm ra đồ gốm, từ không có đồ gốm đến có sử dụng đồ gốm, đục thông cửa để làm thành một gian nhà, từ không có gian nhà đến có sử dụng gian nhà. Do đó, từ chỗ có mà trở nên không có để làm lợi, từ chỗ không có mà trở nên có để sử dụng”. (Lê Vũ Lang dịch, Nhà XB Sự Thật (Tư tưởng Lão Trang - 1959).

[Câu “từ không có đến có sử dụng xe” có lẽ bị in thiếu hai chữ “bánh xe”. Xin tạm sửa lại như sau: “từ không có bánh xe đến có sử dụng xe”. (Goldfish)].

  • Chúng tôi thú thực đây là lần đầu thấy trường hợp này trong Hoa ngữ; trong Việt ngữ không có. Tiếc rằng Dư Bồi Lâm không đưa thêm thí dụ.
  • Các bản khác: (1) sĩ ⼠
  • Các bản khác: yên 焉
  • Các bản khác: dung 容
  • Các bản khác: không có chữ tương này.
  • Các bản khác: thêm chữ chỉ ⽌
  • Các bản khác: thêm chữ cửu 乆
  • Các bản khác: bất 不
  • Có thể đọc là dục.
  • Sách in là: 其 未 諑 兆 (kì vị trác triệu), chắc là thừa chữ 諑 (trác có nghĩa là lời gièm pha) này nên tôi lược bỏ vì trong phần phiên âm không có chữ trác, và tôi cũng không tìm thấy chữ 諑 trong câu tương ứng trên các bản chữ Hán đang lưu hành trên mạng. Về sau, gặp chữ in thừa, tôi cũng bỏ mà không chú thích. (Goldfish).
  • Sách in thiếu chữ 居 (cư). (Goldfish).
  • Sách in nguyên văn và phiên âm là: 之名⽈道 chi danh viết đạo, tôi sửa đạo 道 thành đại ⼤ (các bản chữ Hán trên mạng cũng chép là ⼤ ) cho phù hợp với lời dịch ở dưới. (Goldfish).
  • Tri: Thiều Chửu phiên âm chữ 輜 là “truy”. (Goldfish)
  • Sách in là tải, tôi sửa lại thành toả cho phù hợp với nguyên văn ( 挫 ). (Goldfish).
  • Sách in chữ 不 (bất), tôi sửa lại thành chữ 以 (dĩ) cho phù hợp với phiên âm và giải nghĩa. (Goldfish).
  • Chương này có 3 chữ “nhân”. Chữ “nhân” ở đây (“thượng nhân vô chi…”) và chữ “nhân” trong “thất nhân nhi hậu nghĩa” ở câu sau, trong sách đều in là ⼈. Tôi sửa 2 chữ đó thành 仁 cho phù hợp với ý nghĩa trong lời dịch và vì các bản đăng trên mạng đều chép là 仁. (Goldfish).
  • Tôi đoán “không cố ý vô vi” bị in lầm thành “không cố ý vội”. (Goldfish).
  • Yết: Thiều Chửu phiên âm chữ 歇 là hiết. (Goldfish).
  • Dung: sách in là dụng. Chữ 容 Thiểu Chửu đọc là dong. (Goldfish).
  • Nhẫn: chữ 刃 Thiều Chửu đọc là nhận. (Goldfish).
  • Nhị thập tam: có lẽ là nhị thập hữu tam, sách in thiếu mất chữ hữu (?). Goldfish).
  • Dù không biết dưỡng sinh cũng sống lâu.
  • Dù biết dưỡng sinh cũng chết yểu.
  • Như vậy cộng là 9 người, chỉ có một người biết dưỡng sinh mà thắng được số thôi. [Chú thích này đặt ở cuối đoạn trên thì hợp lí hơn, có lẽ sách in sai. (Goldfish)].
  • Sách in thiếu bốn chữ Hán: ⾧ 之 , 育 之 (trưởng chi, dục chi). (Goldfish).
  • Sách in là 開 (khai). Tôi sửa lại thành 閉 (bế) cho phù hợp với phiên âm và giải nghĩa. (Goldfish).
  • Sương: chữ 倉 cũng đọc là thương. (Goldfish).
  • Thái: chữ 綵 Thiều Chửu đọc là thải. (Goldfish).
  • Là: sách in là “ta”. (Goldfish).
  • Sách in là tôi tức, tôi tạm sửa thành tôi tác. Theo Thiều Chửu thì chữ 脧 (bộ nhục) đọc là thuyên có nghĩa là giảm bớt, rút bớt; và đọc là thôi có nghĩa là dái trẻ con. Còn chữ in trong sách và hầu hết các bản chữ Hán trên mạng là 朘 (bộ nguyệt) thì Thiều Chửu không ghi nhận. Có vài bản chữ Hán trên mạng chép là 全作 (toàn tác). Bản Đạo Đức kinh dễ hiểu của Phan Ngọc, đã dẫn trên, ghi là thuyên (không ghi chữ Hán) và dịch là “chim”; còn bản Đạo Đức kinh - Lão tử đăng trên website Nhà sách Trí tuệ (http://nhasachtritue.com/forum/forum_posts.asp?TID=516&PN=6) chép là toàn (không ghi chữ Hán) và dịch là “dương vật”. (Goldfish).
  • Tôi tạm chép chữ 賊 (tặc) này theo các bản trên mạng. Chữ in trong sách là 賤 (tiện). (Goldfish).
  • Sách in là “nước” tôi sửa lại thành “dân” cho phù hợp với nguyên văn. (Goldfish).
  • Sách in là 閈 (hãn), tôi sửa lại thành 早 (tảo) cho phù hợp với phiên âm và giải nghĩa. (Goldfish).
  • Sách in thiếu chữ 德 (đức). (Goldfish).
  • Chữ trong sách (chữ viết tay) không rõ, có lẽ là gồm chữ ⿁ (quỉ) bên trái và chữ 申 (thân) bên phải. (Goldfish).
  • Sách in chữ 知 (tri), tôi sửa thành là 之 (chi) cho phù hợp với phiên âm và giải nghĩa. (Goldfish).
  • Câu này trong sách Trung Dung. Kim Định dịch là: “không gì hiển hiện bằng cái ẩn tàng, không gì xem tỏ bằng cái tế vi”. (Goldfish).
  • Sách in thiếu mấy chữ: 似不肖。若 (tự bất tiếu. Nhược). (Goldfish).
  • Đoạn này có bản đưa lên cuối chương trên.
  • Tôi tạm chép chữ 抗 (kháng) này theo các bản trên mạng. Chữ in trong sách là: (Goldfish)
  • Tôi không tìm thấy ba chữ thủ kì chân; chỉ thấy thủ kì thư, thủ kì hắc, thủ kì nhục trong chương 28. (Goldfish).
  • Sách in là 嬋 (thiền), tôi tạm sửa lại thành 繟 (thiện) theo các bản đăng trên mạng cho phù hợp với phiên âm và giải nghĩa. (Goldfish).
  • Hai chữ 夫唯 (Phù duy), trong sách in là 民 (Dân). (Goldfish).
  • Sách in chữ 弱 (nhược), tôi tạm thay bằng chữ 脆 (thuý). (Goldfish).
  • So sánh câu này với câu: Duy thiên vô thân, khắc kính duy thân (trời không yêu ai, chỉ yêu người nào kính trời) trong Thượng thư - Thái giáp hạ. [tức trong Kinh Thư. (Goldfish)].
  • 徙 (tỉ): sách in là 徒 (đồ). (Goldfish).
  • Hai chữ ⼰ (kỉ) trong câu này, sách đều in là 已 (dĩ). (Goldfish).
  • Hai dòng này ở cuối sách, sau phần mục lục. “Cậu” tức thân phụ của cụ Nguyễn Hiến Lê; ngày 26/8 Đinh Tị (77), nhằm ngày 12/7/1977. (Goldfish).

Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com

Ebook thực hiện dành cho những bạn chưa có điều kiện mua sách.

Nếu bạn có khả năng hãy mua sách gốc để ủng hộ tác giả, người dịch và Nhà Xuất Bản

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh