Ảo Ảnh Và Việc Luyện Hơi Thở

ẢO ẢNH VÀ VIỆC LUYỆN HƠI THỞ

Phép luyện hơi thở có liên quan đến các lực, điều ấy dễ hiểu, nhưng đó chỉ là một phần của chuyện mà không phải tất cả vì đa số người chưa có khả năng nhìn thấu suốt vấn đề. Chúng ta sinh hoạt trong ba cõi thấp của sự sống là cõi trần, cõi trung giới và cõi trí do đó việc luyện tập hơi thở sẽ cho tác động ở cả ba cõi này, và ít người biết ấy là những tác động gì. Hơi thở không phải chỉ nói về sự sống của thân xác, mà còn liên quan đến mặt tâm linh và tinh thần. Phép luyện hơi thở thường đi theo với hứa hẹn là sẽ mang lại kết quả này hay kia; bài dưới đây giải thích vài khía cạnh sâu xa hơn của tập luyện đó.

Phép Luyện Hơi Thở

Hai điểm chính trong phép luyện hơi thở là lực và mục đích. Người ta tập trung tư tưởng vào hơi thở để nhắm tới một mục đích nào đó, và ta biết rằng ‘năng lực theo sau tư tưởng’, như vậy kết quả sẽ tới mà đó là những kết quả gì ?

Nhiều chuyện vớ vẩn đã được nói và dạy về phép luyện hơi thở. Có những chỉ dạy nguy hiểm được đưa ra về cách thở, ta nói nguy hiểm vì nó dựa trên hiểu biết qua sách vở mà chính ai chỉ dạy tự họ chưa thực hành tới nơi tới chốn; và nguy hiểm còn là vì nhiều nơi chỉ lợi dụng ai chưa sẵn sàng để trục lợi. May mắn cho khối đông người muốn học là thông tin và chỉ dẫn đưa ra đều yếu ớt, không chính xác và thường là vô thưởng vô phạt, tuy có nhiều trường hợp cho phản ứng xấu đáng kể; may mắn nữa là mục đích của người ham muốn tập yếu quá, làm họ không thể kiên trì tuân theo hằng ngày không thay đổi các đòi hỏi, và không đạt thành công đáng ngờ theo phép tập luyện ấy. Như thế, trong các trường hợp này không có nguy hiểm chi trong đó.

Mặt khác, nhiều nhóm huyền bí lợi dụng đề tài để tạo nên vẻ huyền hoặc, có khuyến dụ cho ai không nghi ngờ, hay cho ai đi theo họ vài chuyện để làm và nhờ đó được tiếng là huyền bí gia thông thái, giỏi dang. Ai cũng có thể dạy phép luyện hơi thở. Phần lớn đó là chuyện thở ra hít vào đều đặn, chừng mực theo ý của người thầy. Khi kiên tâm nỗ lực thì kết quả sẽ tới và chúng thường là bất hảo, vì người thầy trung bình nhấn mạnh kỹ thuật thở mà không phải là các ý tưởng - theo năng lực mà hơi thở ấy sinh ra - lẽ ra phải thành hình trong đời của chí nguyện.

Trọn khoa học về hơi thở xoay quanh việc dùng thánh ngữ O M. Việc dùng thánh ngữ có dụng ý chỉ giới hạn cho người thành tâm, nồng nhiệt thệ nguyện đi trên đường Đạo; nhưng nó lan ra ngoài và bị nhiều người thầy vô lương tâm lợi dụng, nhất là các tu sĩ từ Ấn Độ xưng mình là đạo sĩ và thu hút các cô các bà tây phương vào vòng trục lợi của họ. Thánh ngữ khi ấy được dùng mà không có ý tinh thần nào, chỉ là âm thanh mà khi đi theo hơi thở, sinh ra hệ quả tâm linh làm ai dễ tin nghĩ đó là dấu hiệu họ đạt tới mức tinh thần sâu xa.

Vấn đề là cách thở ấy có liên quan tới O M không tránh được, nhưng ảnh hưởng sinh ra tùy thuộc vào động lực và chủ ý nhắm đến trong lòng. Người đông phương, trừ phi đạt chứng đạo bậc cao, không có hiểu biết về người tây phương hay về cơ chế hoạt động và các thể của người sau, những điều mà do kết quả của nền văn minh và cách sống, khác biệt sâu rộng với người trước (thí dụ ta được cho hay đường đi của kundalini nơi giống dân thứ năm được sắp xếp khác với giống dân thứ tư).

Ở đông phương, vấn đề cho vị thầy hay Guru là làm người có tính hướng âm - negatively polarized - thành hướng dương. Ở tây phương, giống dân nói chung có tính dương và không cần được luyện như vậy, còn cách ấy lại đúng cho người đông phương. Câu này chính xác muốn nói chi ? Ấy là ở đông phương có tính yếu ý chí. Người đông phương, nhất là người Ấn, thiếu ý chí, ý muốn năng động và khả năng tạo áp lực từ bên trong để tự thúc đẩy, hầu sinh ra kết quả nhất định. Ấy là tại sao nền văn minh Ấn Độ lại rất là không thích ứng được với văn minh đương thời, và ấy là lý do người Ấn có ít tiến bộ về lối sống quốc gia và thị thành có khuôn phép, và là tại sao họ đi sau về việc sống văn minh tân thời. Nói chung, người tây phương hướng dương và cần lực chỉ dẫn của linh hồn và có thể có nó mà cần rất ít chỉ dạy. Ngày nay nơi giống dân thứ năm Aryan, đang có sự hòa hợp giữa ý chí, trí năng và não bộ. Đông phương chưa có việc ấy mà nó sẽ tới về sau.

Yếu tố duy nhất làm cho hơi thở hữu hiệu là tư tưởng, chủ ý và mục đích nằm sau nó. Chúng là manh mối cho các cách luyện tập tư tưởng hữu hiệu tích cực. Trừ phi có thấu đáo rõ ràng về mục đích, trừ phi người học hỏi hiểu họ đang làm gì khi luyện hơi thở theo phép bí truyền, và trừ phi họ hiểu rõ nghĩa chữ ‘năng lực theo sau tư tưởng’, luyện hơi thở chỉ là phí thì giờ và còn gây nguy hiểm. Từ đây ta có thể hiểu là chỉ khi nào có phối hợp giữa cách thở và cách suy nghĩ thì mới có thể có kết quả.

Đằng sau hai yếu tố này là một yếu tố thứ ba còn quan trọng hơn nữa, là Ý CHÍ. Bởi thế, người duy nhất có thể luyện cách thở an toàn và hữu dụng là người có ý chí tích cực, ý chí tinh thần và do đó ý chí của Chân ngã. Bất cứ người chí nguyện nào đang cố gắng phát triển thượng trí, có thể bắt đầu áp dụng với sự cẩn trọng cách luyện hơi thở theo chỉ dẫn. Nhưng nói cho sát thì chỉ bậc đạo đồ ở mức chứng đạo thứ ba, mới có thể sử dụng đúng phép và thành công cách này và đạt kết quả hữu hiệu. Dầu vậy phải có bước đầu tiên và ai thực sự là người chí nguyện được mời có nỗ lực.

Giải thích thêm thì ta thấy rằng khoa học về cách thở liên quan trước tiên và căn bản với ý tưởng được tạo thành hình tư tưởng rõ ràng, và do đó chi phối đời sống của người chí nguyện ở cảnh ether. Từ đây, các ý này sau rốt chi phối cuộc sống của họ ở cõi trần. Khi có lý tưởng chân chính, tư tưởng đúng đắn, cộng thêm với hiểu biết về các thể mà ta sử dụng và thế giới các lực mà ý tưởng tuôn vào, khi ấy học viên có thể an toàn theo cách luyện hơi thở, và giai đoạn hai hay kết quả của việc thở nhịp nhàng đúng đắn sẽ tới. Đó là Hứng Khởi.

Cách luyện hơi thở có hiệu quả thuần sinh lý khi không được thúc đẩy hay có động lực do tư tưởng hướng về, và khi nó không phải là kết quả của việc người tập đạt tới và giữ ở một mức chú ý nào đó. Từ từ, trong khi việc thở ra hít vào được thực hành, phải có việc duy trì sự suy nghĩ tích cực rõ ràng, để hơi thở khi phát ra ngoài có mang tính chất và ảnh hưởng của ý tưởng. Đây là chỗ mà người chí nguyện trung bình thường bị thất bại. Họ hay chú tâm quá mức với việc điều khiển hơi thở và trông mong quá đỗi có kết quả ngoạn mục, làm quên đi mục đích sống động của hơi thở, là làm năng động và thêm tính chất cho sự sống của người, bằng cách phóng tư tưởng ra biểu lộ một ý tưởng xác định.

Khi không có ý nghĩ mang tính lý tưởng này trong lúc tập luyện, kết quả của hơi thở sẽ là số không trên thực tế, hay nếu có kết quả dù là loại nào trong các điều kiện này, chúng không liên can chi với tư tưởng mà sẽ có tính tâm linh hơn là tinh thần. Nếu vậy chúng có thể sinh ra vấn đề tâm linh kéo dài, vì nguồn phát sinh hoạt động là ở cõi trung giới, và năng lực phóng ra đi vào các luân xa bên dưới hoành cách mạc, tức nuôi dưỡng bản chất thấp trong con người, thêm vào và củng cố phần thuộc cõi trung giới của nó, và do vậy tăng cường và làm ảo giác sâu đậm hơn.

Kết quả cũng có thể là sinh lý, làm kích thích thể sinh lực dẫn tới việc thể xác được tăng cường; điều này đôi khi sinh ra hệ quả nghiêm trọng, vì hơi thở được mang tới những luân xa lẽ ra phải ở trong tiến trình được nâng cao hiểu theo nghĩa bí truyền; nó làm gia tăng tiềm năng thể chất, nuôi dưỡng các ham muốn vật chất và làm công việc của người chí nguyện thành khó hơn nhiều, khi họ tìm cách thăng hoa bản chất thấp trong người và trụ hay chú tâm vào sức sống của các luân xa bên trên hoành cách mạc hay trong đầu.

Ảo ảnh và ảo giác vì vậy tăng thêm, và nói về đời sống mà có các phép luyện tập này bị áp dụng sai lầm, con người ở trong tình trạng bất lợi, đứng yên một chỗ. Khi họ thở ra hay hít vào, họ rút lấy hơi thở từ bên trong thể của mình, nuôi dưỡng phần bản tính thấp và tạo nên vòng luẩn quẩn trong người ngày này sang ngày kia, cho đến khi họ hoàn toàn bị ảo ảnh và ảo giác vây kín, những điều mà họ không ngừng tạo nên rồi tái tạo.

Các luân xa bên dưới được tiếp sức đều đặn thành hết sức linh hoạt, và tâm điểm chú ý mà con người từ đó làm việc thấy nằm trong phàm ngã mà không chú tâm vào linh hồn; tâm thức trụ vào việc thở đặc biệt và lòng mong chờ có kết quả lạ thường làm ngăn chặn mọi tư tưởng, ngoại trừ phản ứng thấp hơn của lòng ham muốn; tình cảm được tăng cường và sức mạnh của thể tình cảm được gia tăng lớn lao; rất thường khi những hệ quả sinh lý cũng tiềm tàng, và có thể thấy được như lồng ngực to ra và hoành cách mạc có bắp thịt mạnh hơn.

Điều sau có thể thấy trong trường hợp của diễn viên nhạc kịch opera. Hát là cách biểu lộ vài mặt thấp hơn của hơi thở, và việc thở trong trường hợp của những ca sĩ này sinh ra lồng ngực to, tăng cường cảm tính, dẫn tới việc đời sống bất ổn (thường được xem như là do tính khí), và làm cho việc hát hoàn toàn có bản chất tình cảm.

Còn có một loại hát khác cao hơn và hay hơn, khác biệt ở chỗ trụ tâm thức và theo tiến trình thở lấy năng lực cần thiết để thở từ nguồn cao hơn và rộng hơn bình thường dùng; việc này sinh ra cảm hứng liên hệ đến trọn con người mà không phải chỉ có phản ứng tình cảm đối với đề tài của bài hát và khán giả. Nó sẽ mang lại một kiểu thức và loại hát, cách thở mới, dựa trên cách thở dùng trí mang năng lực và sau đó là hứng khởi từ những nguồn bên ngoài hào quang con người. Thời điểm ấy chưa tới và điều trên khó hiểu vào lúc này, nhưng trong thế kỷ 21 người ta sẽ lấy hứng khởi để hát theo một phương pháp mới, và dùng kỹ thuật mới về cách thở. Các kỹ thuật và luyện tập này sẽ được dậy trong những trường bí giáo sẽ tới.

Ta đừng quên rằng âm thanh thấm nhuần vào mọi hình thể; địa cầu có nốt riêng hay âm thanh riêng của nó; mỗi hạt nguyên tử tí ti cũng có âm thanh riêng của mình; mỗi hình tướng có thể gợi để phát ra nhạc và mỗi người có hợp âm riêng của họ, và tất cả hợp âm đóng góp vào bản hòa tấu vĩ đại mà Thiên đoàn và nhân loại xướng lên và hiện dang vang lên. Mỗi nhóm tinh thần có âm điệu riêng của họ và những nhóm đang hợp tác với Thiên đoàn không ngừng sinh ra nhạc. Giai điệu này và muôn vàn hợp âm cùng các nốt hòa với âm nhạc của chính Thiên đoàn, thành bản hòa tấu đều đặn phong phú hơn. Trải qua nhiều thế kỷ, tất cả những âm thanh này chậm chạp kết hợp với nhau, hòa vào nhau cho tới ngày kia bản hòa tấu mà vị Hành tinh Thượng đế soạn sẽ hoàn tất, và địa cầu khi ấy sẽ có đóng góp đáng kể vào các hợp âm vĩ đại của thái dương hệ; đây lại là một phần khắn khít và thực của âm nhạc trong vũ trụ, hay các vì Hành tinh Thượng đế sẽ hòa ca với nhau. Nó sẽ là kết quả của việc thở đúng cách, của nhịp có sắp xếp và được điều khiển, của tư tưởng đúng, thanh khiết và mối liên hệ đúng đắn giữa tất cả những phần trong ban hợp xướng.

Ảo ảnh - Maya

Maya hay ảo ảnh muốn nói về hoạt động tạo hình của Hành tinh Thượng đế. Ở đây có sự tương ứng giữa đại vũ trụ và tiểu vũ trụ là con người. Linh hồn hay Chân nhân trên cõi của nó tạo ba thể trong ba cõi thấp nơi sinh hoạt của con người: thể trí, thể tình cảm và thể xác (gồm thể sinh lực và thân xác) được tạo nên, làm linh hoạt nhờ các năng lực và lực từ những cõi ấy.

Trong giai đoạn đầu, ta có sự đồng hóa của linh hồn với ba thể. Những năng lực và lực làm con người thành như họ là; chúng cho họ tính khí, đặc tính nơi cõi trần; làm họ phản ứng cách này hay kia khi tiếp xúc với các năng lực khác nhau, cho họ khả năng, cá tính, và làm kẻ khác thấy họ theo một cách riêng như lạnh lùng hay thân thiện v.v. Chính đương sự thì tin mình là hình thể đang khoác lấy, với cái sau là phương tiện mà họ tìm cách sử dụng để thể hiện ước muốn và ý tưởng của mình.

Việc đồng hóa trọn vẹn này với hình thể thoảng qua và với hình dạng bên ngoài là maya - ảo ảnh. Điều cần nhớ maya cá nhân là một phần nhỏ của thế giới năng lực và lực, những điều biểu lộ sự sống của Vị Hành tinh Thượng đế; sự biểu lộ này đặt điều kiện cho sự sống mặt bên ngoài của địa cầu, và làm địa cầu có hình dạng như nó là đối với các hành tinh khác.

Sự khác biệt giữa tiểu vũ trụ là con người với đại vũ trụ là Vị Hành tinh Thượng đế, nằm ở sự kiện là Đấng sau không đồng hóa với maya mà Ngài tạo ra; thế giới hữu hình hay maya có mục đích là để sau cùng làm con người trên địa cầu được giải thoát. Ngài hoàn toàn không màng tới maya đó, và sự dửng dưng thiêng liêng ấy dẫn tới nhiều ngộ nhận, tới ảo tưởng là việc nhân cách hóa một thần linh, và niềm tin ở đông phương rằng địa cầu của chúng ta chỉ là trò hí lộng, hay vật không nghĩa lý gì cho thần linh đùa cợt:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường.

Ý cho rằng thần linh chẳng màng gì đến thân phận con người nhỏ nhoi trên mặt đất, đã sinh ra huyễn tưởng rằng ‘ý Trời bất di bất dịch’, rằng Trời ở quá xa con người, không hiện hữu trong mỗi tạo vật, mỗi hạt nguyên tử làm nên tạo vật ấy. Đây là vài ảo tưởng phải được loại trừ mà khi làm vậy, người ta sẽ khám phá rằng hình thể chỉ là maya và có thể được để qua bên, rằng lực có thể được sắp xếp và định hướng, và thế giới tư tưởng, cảm xúc, là những điều nằm ngoài con người thật - là diễn viên đóng nhiều vai mà linh hồn khoác vào người để tác động.

Sau rốt, người chí nguyện biết khi tái sinh, trên hết thẩy, mình là người điều khiển các lực; ta điều khiển chúng từ vị trí là con người thiêng liêng quan sát và với thái độ dứt bỏ - detachment đã tập được. Đây là những điểm ta nghe nói tới nhiều lần, và đối với ta chúng chỉ là lời quen thuộc về huyền bí học; nhưng nếu ta nắm được ý nghĩa trọn vẹn của lòng xả bỏ, bình thản như là người điều khiển đứng quan sát thì sẽ không có diễn giải sai lầm, hành vi uổng phí, không còn nhìn kẻ khác bằng cái nhìn lệch lạc đầy thành kiến, và trên hết mọi chuyện, không còn sử dụng lầm các lực.

Các Chân Sư nhắc qua bao thời đại rằng huyền bí gia làm việc trong thế giới các lực. Tất cả mọi người sống, đi lại và thể hiện mình trong cùng thế giới ấy gồm các năng lực không ngừng chuyển di, tuôn vào, thoát ra, luôn tác động. Dầu vậy, huyền bí gia làm việc ở đó, họ trở thành một tác nhân điều khiển hữu ý; họ tạo nên ở cõi trần điều chi họ muốn có, và điều họ muốn là khuôn mẫu và đồ hình nằm trong tâm thức tinh thần của thợ Trời, hay Kiến trúc sư thiêng liêng vĩ đại.

Tuy nhiên họ không đồng hóa mình với khuôn mẫu hay với lực mà họ sử dụng. Họ đi lại trong thế giới của maya mà đứng ngoài tất cả huyễn tưởng, không bị ảo giác cản trở và không bị lực maya chế ngự. Họ mau lẹ đạt tới tính ‘dửng dưng thiêng liêng’ của Thượng đế tuy ở mức nhỏ bé của họ; thế nên càng ngày họ càng cảm nhận nhiều hơn về Thiên Cơ hiện hữu trong Thiên Trí, và mục tiêu của ý Trời.

Tính ‘dửng dưng thiêng liêng’ đó là nguyên do khi tìm cách mô tả hay định nghĩa Thượng đế nhằm làm ta hiểu về thiên tính, người ta phải dùng cách phủ định và nói rằng Thượng đế không phải là điều này, Thượng đế không phải là điều kia, Thượng đế không phải là cảm xúc hay tình cảm, Thượng đế không phải là hình thể hay chất liệu. Thượng đế chỉ giản dị LÀ - Being. Thượng đế LÀ, ở bên ngoài mọi biểu lộ, thể hiện như là Vị điều khiển năng lực, có trong mọi sắc tướng và tuôn tràn sự sống.

Như thế chuyện hiển nhiên là trong ba hoạt động thiêng liêng là Sáng Tạo, Bảo Tồn và Hủy Diệt, vai trò Hủy Diệt theo ý muốn Thượng đế có tính tốt lành. Khi Ngài rút về không còn chú tâm đến các cõi thì thế giới huyễn ảo của tư tưởng tan rã, cõi tình cảm mộng mị chấm dứt và cõi trần chết đi. Ý chí và hơi thở vì vậy đồng nghĩa với nhau xét về mặt huyền bí, và hiểu biết đó cho ta manh mối cách làm ngưng ảo ảnh.

Kỹ Thuật của lòng Dửng Dưng

Ta biết bên trong thể sinh lực có nhiều luân xa hay huyệt đạo, lớn và nhỏ. Tùy theo sự chú tâm hay hứng khởi mà các luân xa hoạt động mạnh yếu ra sao; hứng khởi cũng cho biết đặc tính của một người và họ đang ở mức nào trên đường tiến hóa. Thể xác linh hoạt và có tiềm năng nhưng càng ngày ta càng nên xem đó chỉ là vật tự động, chịu ảnh hưởng và bị điều khiển bằng các nguồn lực thấp và cao:

- Thể sinh lực và lực của maya; hay hứng khởi phát xuất từ cõi tinh thần.

- Thể tình cảm và lực của ảo giác; hay tình thương hữu ý phát sinh từ linh hồn.

- Thể trí và lực của huyễn tưởng; hay sự tỏ ngộ đến từ nguồn cao hơn sự sống trong ba cõi thấp.

- Linh hồn hay chân nhân, là vận cụ cho chân thần.

Dù vậy, người ta không nên chú tâm vào luân xa hay tìm cách khơi mở chúng, vì động lực đúng đắn, phản ứng vững vàng với khích động từ trên cao và việc nhận biết nguồn của cảm hứng, sẽ tự động và an toàn làm luân xa có hoạt động cần thiết và thích hợp.

Ấy là phương pháp hợp lý để phát triển luân xa; việc diễn ra chậm hơn nên không đưa tới phát triển quá sớm, và cho ra sự khai mở đồng đều; nó cho phép người chí nguyện biết chắc chắn mình đang làm gì; nó đem từng luân xa một tới mức có đáp ứng tinh thần, và rồi thiết lập nhịp điệu trật tự và tuần hoàn cho bản chất thấp đã được làm chủ. Phép luyện hơi thở - về sau có thể là một phần trong việc huấn luyện cho người chí nguyện - là chuyện thật và có thể xẩy ra, nhưng khi ấy nó sẽ tự động có như là kết quả của việc sống có nhịp điệu và việc thường xuyên dùng thánh ngữ O M.

Chẳng hạn trong khi tham thiền người ta xướng thánh ngữ bẩy lần thì nó bằng như sự tập luyện hơi thở; và khi họ có thể gửi năng lực từ đó sinh ra theo tư tưởng có sắp đặt hữu ý tới luân xa này hay kia, họ mang lại thay đổi hay có điều chỉnh bên trong cơ chế sử dụng lực, và khi việc này có thể diễn ra dễ dàng với cái trí trụ vào một điểm, là anh đang trên đường chuyển trọn sự chú ý của mình từ thế giới huyễn tưởng, ảo giác và maya vào thế giới của linh hồn và cõi của Thượng đế.

Dửng dưng nghĩa là sao ? Nó muốn ta đạt được trong thực tại thái độ trung hòa đối với điều không phải ta, nó cho thấy có nhận ra sự khác biệt, nó muốn nói việc từ chối không đồng hóa với bất cứ gì, ngoại trừ thực tại tinh thần mà ta cảm nhận được vào bất cứ lúc nào và nơi nào. Vì vậy, ấy là điều mạnh hơn và trọng yếu hơn nghĩa bình thường của chữ. Người chí nguyện không có bất cứ ‘ràng buộc’ nào với bất cứ hình thể hay cõi nào. Chấm dứt việc đồng hóa đã có từ lâu với mặt hình thể của sự sống thì không dễ, và đó là việc làm lâu dài cùng khó nhọc trước mặt ta, nhưng nó hứa hẹn là sau rốt được thành công nếu có suy tính rõ ràng, mục đích nhiệt thành và cách làm việc được sắp xếp theo khoa học.

Nay ta thấy phép luyện hơi thở không chỉ có nghĩa là vậy mà còn liên quan tới nhiều việc khác. Hơi thở là một phần nhỏ trong đề tài rộng lớn, và cách học hỏi đúng là luôn hướng tầm nhìn lên cao hơn, để thấy sự việc trọn vẹn hơn; nhìn sự việc theo quan điểm tinh thần tới mức có thể được, thay vì chỉ nhắm vào mặt thể chất. Như vậy, chuyện nên làm là đặt phép luyện hơi thở vào đúng chỗ của nó là điều rồi sẽ tới, mà không phải là mục đích cho ta mất thì giờ và năng lực để làm vào lúc này. Luyện tập nó làm ta hướng tầm nhìn xuống dưới vào ba cõi thấp thay vì cách đúng là hướng về linh hồn trên cao.

Theo:

Glamour: A World Problem. A.A. Bailey

-----------------------------------------------------------

Lưu ý : Ở đây đề cập đến phương pháp luyện thở trong yoga Ấn Độ chứ không phải khí công Trung Hoa

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh