Mi Tiên Vấn Ðáp: Câu 129. Phước Báu Của Đức Thế Tôn Không Ưu Thắng, Tối Thượng Bằng Đệ Tử Của Mình?

MI TIÊN VẤN ÐÁP: CÂU 129. PHƯỚC BÁU CỦA ĐỨC THẾ TÔN KHÔNG ƯU THẮNG, TỐI THƯỢNG BẰNG ĐỆ TỬ CỦA MÌNH?

  • Thưa đại đức! Rất nhiều lần Đức Thế Tôn có thuyết rằng: "Này các thầy tỳ khưu! Như Lai là bà-la-môn cao quý, xứng đáng cho chư thiên và nhân loại đảnh lễ, xứng đáng để cho kẻ khác xin rửa tay dâng phẩm vật cúng dường; là bậc tối thượng trong tam giới, là bậc chỉ còn kiếp sống cuối cùng, không còn quẩn quanh trở lại trong tam giới nữa; là bậc tôn quý, vô thượng... không ai sánh bằng.". Câu Phật ngôn ấy có chính xác không?
  • Tâu, khá chính xác!
  • Thế sao ở một chỗ khác, khi khen ngợi tỳ khưu Bàkula, Đức Thế Tôn có tuyên bố như sau: "Trong hàng thinh văn đệ tử của Như Lai, tỳ khưu Bàkula là người thiểu bệnh, có phước báu tuyệt đỉnh, là đệ nhất ưu hạng, là người cao quý không ai sánh bằng...". Câu thuyết ngôn này có chính xác không, thưa đại đức?
  • Tâu, cũng rất đúng.
  • Và chính xác nữa! Vì Đức Thế Tôn bị bệnh đến bốn lần, còn tỳ khưu Bàkula suốt cả cuộc đời dường như vô bệnh. Như thế có nghĩa là, phước báu của tỳ khưu Bàkula là tối thượng, ưu hạng, là tuyệt đỉnh không ai sánh bằng, kể cả Đức Tôn Sư!
  • Sao có thể lý luận như vậy được, đại vương!
  • Vậy thì đại đức có thể minh giải điều ấy được chăng?
  • Vâng, dễ dàng thôi. Chẳng cần phải giải minh, bần tăng chỉ nói lên sự thật thì đại vương có thể hiểu rõ cách khen ngợi của Đức Thế Tôn. Khi một vị tỳ khưu giỏi, thông suốt một lĩnh vực nào thì Đức Thế Tôn thường khen ngợi vị ấy là tối thượng, là đệ nhất ưu hạng về lĩnh vực ấy. Chẳng hạn, Đức Thế Tôn khen ngợi đại đức Upàlì là ưu hạng đệ nhất về tạng Luật, đại đức Mahà Kassapa đặc biệt ưư hạng về Vi-diệu tạng, đại đức Ànanda thì tối thắng, ưu hạng đệ nhất về tạng Kinh, v.v... Từ đó, ta có thể hiểu rõ, tại sao có vị Đức Thế Tôn khen ngơi là đệ nhất về thuyết pháp, có vị được khen là đệ nhất về thiền định, đệ nhất về tinh tấn, đệ nhất về khổ hạnh, đệ nhất về hạnh độc cư, thanh tịnh v.v... Nói tóm lại, Đức Thế Tôn khen ngợi, tán dương các đệ tử của Ngài là cao quý, cao thượng, là ưu hạng, là đệ nhất... không có nghĩa là họ cao quý, cao thượng, tối thắng hơn cả Đức Tôn Sư!
  • Như thế có nghĩa là, Đức Thế Tôn chỉ ca ngợi phước báu của tỳ khưu Bàkula về phương diện "vô bệnh" mà thôi?
  • Vâng, chỉ riêng có lĩnh vực ấy, bởi chẳng ai có thể so sánh với Đức Tôn Sư ở nhiều phương diện khác. Họ chỉ là đệ nhất ở trong hàng thinh văn đệ tử của Ngài! Làm thế nào mà trong hàng ngũ của chư thiên, loài người, phạm thiên, sa-môn, bà-la-môn... lại có kẻ cao quý, ưu hạng, tối thượng bằng một vị Chánh Đẳng Giác? Ai mà có thể so sánh về giới, định, tuệ, giải thóat và giải thóat tri kiến với Đức Tôn Sư? Liệu ai có thể có mười sức mạnh tuệ giác, mười tám tuệ dũng mãnh vượt qua sinh tử ái hà như Bậc Vô Thượng? Quả thật, chẳng ai có thể so sánh được với Đức Đại Giác.
  • Đại đức cho nghe ví dụ được chăng?
  • Vâng. Ví như trong quốc độ của đại vương, vốn có nhiều giai cấp, nghề nghiệp, dòng họ, thiên tư, hiểu biết, trí tài, khả năng khác nhau... Có người là đệ nhất về vàng bạc châu báu, tài sản. Có người là đệ nhất về đất đai, ruộng vườn. Có người là đệ nhất về kiến thức, hiểu biết... Đệ nhất về các học nghệ... Đệ nhất về tinh thông văn học, cú pháp, văn phạm... Đệ nhất về bùa chú, ngải nghệ... Đệ nhất về chế tạo cung tên, khí giới v.v... Ở mỗi lĩnh vực, trí tài nào đó, họ là đệ nhất; tuy thế, họ đều là thần dân của đại vương, phục vụ cho đại vương, phải tôn trọng, cúi đầu, thuần phục đại vương; chẳng ai có thể so sánh bằng đại vương, bởi đại vương mới chính là người ở trên hết, tối thượng tôn, cao quý nhất ở trong quốc độ của đại vương. Đức Thế Tôn so với hội chúng của Ngài, với các hàng thinh văn đệ tử cũng y như thế. Đừng nói chỉ một phước báu của Bàkula, mà hàng trăm phước báu của Bàkula...

cho chí hai vị thượng thủ, đại đệ tử của Ngài, dẫu là những bậc cao quý vô song... cũng chẳng thể đem ra so sánh với Đức Thế Tôn được!

Đức vua Mi-lan-đà im lặng giây lâu rồi hỏi:

  • Trẫm đã hiểu rồi. Nhưng về phương diện vô bệnh thì phước báu của tỳ khưu Bàkula vẫn là đệ nhất chứ? Không rõ do nhân duyên quá khứ như thế nào mà tỳ khưu Bàkula được hưởng quả thù thắng như thế?
  • Tâu đại vương, quả là có nhân duyên thù thắng nên mới hưởng được quả thù thắng. Số là vào thời xưa, tỳ khưu Bàkula đã từng làm thầy thuốc, đã cúng dường y dược đến cho Đức Phật Anomadassì, Đức Phật Vippassì và luôn cả tỳ khưu Tăng sáu ngàn tám ức vị. Do duyên lành ấy nên đã rất nhiều đời, tỳ khưu Bàkula chẳng hề có bệnh tật hay đau ốm gì cả. Bởi vậy, Đức Thế Tôn mới khen ngợi, tán dương tỳ khưu Bàkula là cao quý, là ưu hạng không ai sánh bằng! Đại vương đã hiểu tự sự, đầu đuôi gốc ngọn rồi chứ?
  • Vâng, vâng! Trẫm rất hoan hỷ, hoan hỷ đệ nhất!

* * *

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh