Lời Ngỏ Từ Cõi Tâm Linh: Chương 5. Chuyển Hóa Những Chướng Ngại Thành Niềm Vui Và Hạnh Phúc

LỜI NGỎ TỪ CÕI TÂM LINH: CHƯƠNG 5. CHUYỂN HÓA NHỮNG CHƯỚNG NGẠI THÀNH NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC

Bạn hiểu biết nhiều hơn người khác. Bạn thấu triệt quá sâu. Hãy kiên nhẫn với họ. Họ không có kiến thức nhiều như bạn. Những linh hồn sẽ đến giúp bạn. Nhưng bạn phải chỉnh sửa những điều bạn đang thực hiện .. . hãy duy trì. Nguồn năng lượng này không nên bị hoang phí. Bạn phải loại bỏ nỗi sợ. Điều đó sẽ là vũ khí tốt nhất mà bạn có.

Chúng ta là những linh hồn. Những linh hồn biết cảm thông, yêu thương và chăm sóc người khác.

Qua tiến trình của nhiều kiếp sống, sự che phủ nỗi sợ, nỗi giận, nỗi buồn, nỗi bất an, nhiều ý nghĩ tiêu cực khác, cả những xúc cảm dồn nén lại và bao trùm lấp đi bản chất thánh thiện bên trong con người chúng ta. Tấm bao phủ bên ngoài này sâu sắc mãnh liệt hơn do những học hỏi trải nghiệm trong thời thơ ấu ở kiếp hiện tại. Chúng ta có mặt để trở thành con người mà lẽ ra chúng ta không phải: con người hung hăng nhưng sợ hãi, đầy những nỗi bất an, tội lỗi, thiếu tự tin. Chúng ta quên rằng chúng ta thật sự là ai.

Chúng ta không cần học hỏi về tình yêu và sự cân bằng, về sự bình yên và lòng thương cảm, về sự tha thứ và lòng trung thành. Chúng ta luôn biết rõ về những điều này.

Thay vì nhiệm vụ của chúng ta là không học những điều tiêu cực, những xúc cảm, những khuynh hướng có hại. Những điều quấy rối cuộc đời ta, gây ra đau khổ cho ta, cho cộng đồng và cho cả thế giới này. Khi chúng ta loại bỏ hết những điểm tiêu cực này, lạ lùng thay, chúng ta sẽ khám phá lại bản chất thật sự của chúng ta, bản chất yêu thương và tích cực. Điều đó luôn luôn hiện diện, bao trùm khắp nơi.

Khi chúng ta bỏ đi lớp bên ngoài bụi bậm, vụn vặt, lau sạch mọi cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực; chúng ta sẽ thấy rõ chúng ta là những viên kim cương quý giá. Chúng ta bất diệt, linh hồn thánh thiện của chúng ta luôn quay trở về nhà. Chúng ta luôn là những viên ngọc quý nằm trong đá.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Điều quan trọng cho sức khỏe thể xác lẫn tinh thần là biết loại bỏ mọi sự sợ hãi, giận dữ và xúc cảm tiêu cực. Thân thể chúng ta liên kết với tinh thần, vì vậy tâm trạng và cảm xúc rất dễ chuyển thành triệu chứng trong thân thể. Tình yêu thương có thể trị lành tất cả, sự căng thẳng có thể giết chết chúng ta.

Loại bỏ sự giận dữ.

Giận được xây dựng trên sự trừng phạt. Chúng ta nắm giữ người khác theo một tiêu chuẩn mà bằng cách nào đó chúng ta mơ màng, lựa chọn, và ứng dụng với họ.

Thậm chí họ không hề biết gì về tiêu chuẩn đó, nhưng điều đó chẳng quan trọng đối với chúng ta.

Thông thường người khác giận ta vì ta không đáp ứng được sự mong muốn của họ.

Sự mong muốn này có thể hoàn toàn vô lý, cho nên ta không đáp ứng.

Một bệnh nhân của tôi nhớ lại mẹ cô đã thất vọng với cô như thế nào chỉ vì lúc nhỏ cô không có mái tóc vàng hoe. Thật là thảm thương.

Vết thương trong tuổi thơ do sự mong muốn của cha mẹ gây ra thật khó trị lành. Người ta có thể nhận ra rằng cha mẹ họ sai lầm, huyễn hoặc, và sự nhận thức này không chỉ đơn thuần là do đầu óc, trí tuệ. Trái tim và khí phách cũng phải nhận thức được điều này.

Hãy nhẹ nhàng hỏi lại lòng mình, không quan sát theo kiểu phán xét hoặc phê bình điều gì mà tư tưởng, cảm giác, trí tượng tưởng đi vào trong nhận thức của bạn.

Cha mẹ bạn đã vô lý như thế nào khi họ đòi hỏi và mong muốn về bạn. Thỉnh thoảng bạn có phải là con tốt trong quân cờ bị bóp méo của họ? Họ có sống thay cho bạn? Họ có dùng bạn để gây ấn tượng cho người khác, ví dụ bạn bè hay anh chị em của họ?

Quá quan tâm đến ý kiến của người khác cũng là dấu hiệu mà bạn bị lợi dụng vì những mục đích như vậy. Về mặt lý tưởng, điều gì người khác nghĩ về bạn không nên đặt nặng vấn đề, miễn là bạn làm đúng, tìm kiếm chân lý riêng cho mình với hành động thương cảm. Hãy loại trừ sự ràng thuộc này, hãy tự tại.

Tội lỗi là hình thức giận dữ với chính mình, giận trong thâm tâm. Bạn hơi thất vọng với bản thân; bạn không sống theo ước muốn lý tưởng riêng của mình.

Giận là sự phòng vệ bản ngã, chống lại nỗi sợ. Sợ bị hành hạ, sợ bị đánh giá thấp, sợ bị mất mặt, đúng ra sợ bị mất mát. Chúng ta cho rằng giận dữ bảo vệ chúng ta chống lại người khác, những người cũng đang giận dữ với chúng ta. Giận là cảm xúc vô ích mà còn nguy hại. Nó nên bị loại bỏ bằng tình yêu và sự thấu hiểu.

Loại bỏ nỗi sợ, mở rộng trí tuệ.

Chúng ta đặt một bức tường chung quanh mình để bất cứ khi nào ta cảm thấy bị đe dọa, đó là bức tường của nỗi sợ. Chúng ta sợ bị tổn thương, bị chối bỏ, bị tẩy chay. Chúng ta bị đe dọa vì chúng ta yếu đuối, và ngăn bản thân mình bằng bức tường để không bị cảm giác đó. Cảm xúc của chúng ta bị đè nén.

Đôi khi chúng ta từ bỏ một người hay nhiều người, những người đe dọa ta, trước khi ta bị họ từ bỏ. Chúng ta đi trước họ một bước. Hình thức tự phòng vệ này được cho là sự phòng vệ chống lại nỗi ám ảnh. Thật không may, bức tường đó làm ta tổn thương hơn bất kể người nào khác, ngăn chặn ta lại, đóng kín cửa trái tim, làm cho hoàn cảnh của ta tồi tệ thêm. Khi nào chúng ta còn bị bao vây, còn bị chia cách khỏi cảm giác xúc động, chúng ta không thể hiểu được nguồn gốc của đau khổ, nguyên nhân của nỗi sợ, và sự yếu đuối. Chúng ta không hiểu được gốc rễ của những rắc rối, thì chúng ta không thể được chữa lành, chúng ta không được nguyên vẹn.

* * *

Trong một nhóm lớn của cuộc du hành, Mike đã trải nghiệm được ký ức trong tiền kiếp ngay lần đầu tiên. Trong kiếp đó, anh là một vị lãnh đạo tôn giáo rất thông thái. Anh thấy mình thuyết giảng về khía cạnh nam nữ của Chúa. Sau đó, Mike muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời đó, và khám phá liệu anh có còn nhớ nhiều về kiến thức tôn giáo không. Lần này, chúng tôi làm việc riêng lẻ, chỉ có hai chúng tôi, và câu chuyện được ghi âm lại.

Trong trạng thái xuất thần sâu, Mike thấy mình trong một kiếp sống khác, ở nước Anh, cách đây vài thế kỷ. Anh đang trở về nhà sau cuộc chiến. Hiển nhiên đó là bài học rất cần thiết với anh, có lẽ là bài học quan trọng hơn cả bài học trong kiếp làm học giả về tôn giáo.

  • Tôi đang đứng phía ngoài bức tường đá. Bức tường chạy dài xuống cánh đồng. Phía bên kia bức tường có một cây to... tôi vừa mới về nhà, tôi cho là vậy... một cuộc chiến... vì ở đó tôi rất hạnh phúc, nhìn thấy lại vùng đất, gặp lại bạn bè.

Bạn tôi đang đứng phía bên kia bức tường.

Chúng tôi đã từng ngồi trên cái cây đó, bàn luận về cuộc đời, về tương lai. Anh ấy đang đợi tôi.

Tôi hỏi lại:

  • Anh có nhìn thấy anh ta không?
  • Tóc anh ấy màu nâu... gò má cao. Thật ra khuôn mặt anh ấy gầy, chứ gò má không cao lắm, nhưng ông có thể nhìn thấy gò má anh ấy. Tôi thường bị ấn tượng vì những chi tiết nhỏ nhặt trong các cuộc du hành của bệnh nhân. Mike tiếp tục miêu tả người bạn.
  • Một tạng người mảnh khảnh nhưng không phải là gầy, anh ấy mặc...quần áo bó sát, anh ấy đeo cung tên.
  • Cung tên để làm gì vậy?
  • Để săn bắt... tôi nghĩ là hươu... tôi cho là cũng để phòng vệ, vì tôi từ trận đánh vừa mới về nhà.
  • Trận đánh nào vậy?
  • Tôi đánh trận bằng cung tên. Tôi có cung tên, có dây thừng, có hai hòn đá, vũ khí của tôi.
  • Anh thấy thế nào khi trở về nhà sau cuộc chiến? Mike nói ngay:
  • Rất hạnh phúc. Vì tôi không... tôi còn sống, giờ tôi đang ở nhà, vui vẻ với bạn bè. Tôi cũng có cha mẹ, có lẽ có một người em gái, tôi không chắc lắm.

Tôi đưa Mike đi xa hơn đúng vào thời điểm, tìm hiểu thêm chuyện gì xảy ra cho chàng trai trẻ rất hạnh phúc khi trở về nhà sau cuộc chiến.

  • Tôi sống trong một lâu đài trên ngọn đồi, nó đã bị bỏ hoang. Họ lấy mất đất đai khi chúng tôi đi vắng. Mẹ tôi đã chết, cha tôi bị bắt giam ở một nơi nào đó.
  • Chuyện gì đang xảy ra cho anh vậy? Bây giờ anh đang làm gì?
  • Tôi quá mệt mỏi vì đánh nhau. Tôi cho rằng mình phải làm điều gì bắt phải làm. Tôi nghĩ họ phụ thuộc tôi, tôi phải trở về giúp họ.

Tôi đưa anh đi xa hơn, đến cuối cuộc đời của kiếp đó.

  • Có một buổi lễ, mọi thứ đều theo nghi thức khi tôi trở về. Bây giờ thì mọi người cùng vui vẻ vì chúng tôi đã tề tựu đông đủ, người nào việc nấy. Chính quyền cũng trở về nguyên vẹn. Tất cả đang được phục hồi. Tôi cũng đoàn tụ với cha tôi và người bạn thân. Tôi và bạn tôi quay về và ngồi trên ngọn đồi.

Cuộc đời anh trong kiếp đó kết thúc theo cách thỏa mãn. Khi anh bay khỏi thể xác, tôi hỏi anh đã học được gì ở kiếp sống đó. Anh trả lời một cách bình yên, mơ màng:

  • Về danh dự. Đó là việc chúng ta làm vì mục đích, mà không sợ hãi và... tin rằng mọi việc sẽ được giải quyết, nếu chúng ta làm những điều mà ta cảm nhận bằng trái tim mình, và tình bằng hữu thật quan trọng làm sao.

Kiến thức này quả là quan trọng với Mike, và cho tất cả chúng ta. Hãy nghe tiếng nói của trái tim và không sợ hãi. Nỗi sợ sẽ ngăn chúng ta hiểu rõ và đi theo con đường định mệnh của mình. Cho dù mọi việc không phải lúc nào cũng thực hiện theo cách công khai, trên mức độ vật chất, nhưng nhiều vấn đề vẫn luôn thực hiện được theo mức độ tâm linh. Có khi không thực hiện được trong kiếp này, chúng ta vẫn có thể thực hiện trong kiếp sau.

***

Nếu trí tuệ ta nhỏ hẹp, ta không thể học điều mới mẻ. Trí tuệ hẹp hòi từ chối mọi điều khác biệt, bất cứ điều gì trái ngược với niềm tin lỗi thời của ta, niềm tin đó có khi bị lệch lạc. Người ta quên rằng kinh nghiệm có sức mạnh lớn hơn niềm tin. Nỗi sợ là vũ lực giữ lại trí tuệ hẹp hòi. Chỉ có trí tuệ trong sáng mới có thể thu nhận và phát triển được kiến thức mới.

Trước đây trí tuệ tôi rất nhỏ hẹp, cho đến khi tôi gặp Catherine, và cùng trải nghiệm với cô trong những cuộc du hành trở về quá khứ của cô. Vì vậy, tôi hiểu khó khăn như thế nào để trí tuệ một người mở rộng với những khả năng mới mẻ. Tôi đã hỏi Carole cách nào viết về bản miêu tả để có thể phác họa trí tuệ hẹp hòi của tôi, một trí tuệ ngăn chặn con đường quan trọng của sự thấu hiểu giữa chúng tôi.

Carole viết như sau:

Chúng tôi cưới nhau một cách đơn sơ gần được hai năm, thì tôi nhận được tin ba tôi đột ngột qua đời vì bị nhồi máu cơ tim. Chúng tôi vội vã khăn gói về nhà. Từ căn hộ của chúng tôi tại Connecticut đến nhà ba mẹ tôi ở Pennsylvania cách khoảng hai trăm dặm. Dù ba tôi có tiền sử về bệnh tim nhưng chúng tôi không ai nghĩ là ông chết ở tuổi năm mươi ba.

Ba tôi là một người thích giao du và có sức lôi cuốn. Ngôi nhà đầy ắp bạn bè và những người bạn kinh doanh trong cả tuần tang lễ.

Sau đám tang, Brian quay lại trường Y, còn tôi ở lại với mẹ hơn một tuần. Ba mẹ tôi có một ngôi nhà nhỏ xinh ở Cape Cod. Trong nhà có hai cái điện thoại. Một cái đặt tại hành lang gần phòng ngủ của ba mẹ tôi. Một cái tôi sử dụng đặt ở phòng ngủ trên lầu, trên cái bàn gần giường ngủ. Vài ngày sau khi Brian đi khỏi, tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại vang inh ỏi. Tôi lật đật nhấc máy và nghe một giọng trầm ấm không thể nhầm lẫn của ba tôi. Ông nói:

  • Chào con, mọi người có khỏe không? Tôi bàng hoàng trả lời:
  • Cả nhà buồn lắm ba ơi, nhưng con nghĩ rồi mọi người sẽ ổn thôi.

Rồi ông hỏi mẹ tôi có quyết định gì về công việc kinh doanh của ông không. Ba tôi kinh doanh phế liệu, mà mẹ tôi chẳng biết gì về việc kinh doanh đó. Thật ra, mẹ rất hiếm khi đến đó. Tuy nhiên, trong nỗi buồn thương, mẹ không thể tách rời bất cứ thứ gì của người chồng yêu quý, rồi mẹ quyết định phải cố gắng giữ lại công việc kinh doanh của cha tôi. Tôi kể cho ông nghe điều này và nói thêm về vài người bạn cũng có việc kinh doanh tương tự đang giúp mẹ. Ba tôi dặn tôi nói lại với mẹ hãy cứ làm điều gì bà muốn, mẹ không nhất thiết phải giữ lại việc kinh doanh của ông. Rồi ông nói thêm:

  • Nói với mọi người là ba yêu quý tất cả. Ba rất ổn. Con sẽ không bao giờ nghe ba nói nữa đâu.

Tôi gác máy, nước mắt tuôn như suối trên mặt. Tôi tỉnh hẳn. Mặc dù tôi biết chuyện này rất lạ lùng, nhưng rõ ràng là tôi vừa nói chuyện với ba tôi. Tôi rất mừng khi nghe giọng nói của ông, nhưng quá buồn vì tôi sẽ không còn được nghe nữa.

Sáng hôm sau tôi hỏi mẹ và cô em gái xem có ai nghe tiếng điện thoại reo đêm qua không. Không ai nghe thấy gì hết. Tôi miễn cưỡng phải kể cho họ nghe về chuyện xảy ra. Rồi mẹ tôi kể rằng trong lúc ngủ, bà cảm thấy có người nào đó viết trong lòng bàn tay của bà ba chữ “anh yêu em”. Mỗi lần ba mẹ tôi đi ra ngoài, ăn tối hay xem phim, ba tôi thường lén lút viết lên tay mẹ tôi những chữ đó. Mẹ tôi biết rằng đêm đó ông đã về thăm bà. Và đó là những lời mà tôi nhận của ba để truyền đạt lại cho mọi người trong nhà.

Vài ngày sau, tôi quay lại Connecticut. Dù tôi luôn bị ám ảnh về cuộc nói chuyện điện thoại với ba tôi, tôi cũng không kể gì với Brian. Với anh ấy, bất cứ điều gì gợi ý về siêu linh đều đáng nguyền rủa. Chuyện xảy ra với tôi quá quan trọng đến nỗi tôi không nghĩ mình có thể chịu đựng lời giải thích theo lý trí của anh ấy. Điều này trở thành một bí mật duy nhất trong tình cảm vợ chồng tôi.

Cũng chỉ ít năm sau, khi Brian trải nghiệm với Catherine, tôi mới kể với anh về chuyện bí mật cuộc điện thoại đêm đó. Cùng lúc đó anh đã tích lũy rất nhiều câu chuyện về chủ đề này. Sau khi chăm chú lắng nghe tôi kể, anh xoay ghế vòng vòng rồi với lấy một cuốn sách và đưa tôi xem nhan đề: những cuộc điện thoại của người chết.

* * *

Tôi biết rằng vào tháng 11 năm 1992, rốt cuộc rồi Giáo Hội cũng miễn tội cho Galileo về “tội dị giáo”, rằng trái đất không phải là trung tâm vũ trụ. Việc điều tra để miễn tội cho Galileo mất hết mười hai năm rưỡi.

Tôi lấy làm ngạc nhiên, vì tôi cho rằng Galileo đã trong sạch từ năm 1722, khi ngài Isaac Newton chứng minh Galileo là đúng. Nhưng không, trên cõi trần gian này Galileo vẫn bị treo trên cái móc mãi cho đến ba trăm sáu mươi năm sau sự khám phá của ông. Thời gian thật quá lâu để người ta mở mang được trí tuệ.

Một người bạn chứng minh rằng

Galileo chết khoảng một năm trước khi Newton ra đời. Tôi nói:

  • Thật thú vị. Liệu có phải Galileo đầu thai lại thành ngài Isaac Newton, rồi tự chứng minh mình là đúng? Ông có động cơ rất mạnh để làm điều đó.

Bạn tôi phụ thêm:

  • Biết đâu bây giờ ông quay trở lại làm Giáo Hoàng để rửa sạch tội cho chính ông?

Giữa buổi nghỉ giải lao trong một hội thảo tại Nam Mỹ, một phụ nữ chìa cho tôi tờ giấy. Trong đó ghi chú về việc khắc phục nỗi sợ như sau:

“ Tôi luôn biết và nhìn thấy rằng tôi sẽ chết vào năm bốn mươi hai tuổi. Tôi chia sẻ với người bạn những chuyện trong cuốn Tiền Kiếp và luân hồi có thật không?, vì tôi bắt đầu thấy sợ sự trải nghiệm quá sống động về cái chết này khi càng đến gần tuổi bốn mươi hai.

Trong khi đọc, tôi thường phải bỏ cuốn sách này xuống vì tôi cứ nhìn thấy giấc mơ của mình, cộng thêm nhiều giấc mơ khác cũng dằn vặt tôi. Càng đọc tôi càng thấy nhiều lời giải. Mỗi lần có một đoạn đầy ý nghĩa, tôi cảm thấy sáng ra, rồi cho đến khi tôi chợt nhận ra rằng giấc mơ dằn vặt này là những ký ức trong kiếp quá khứ.

Khi bạn tôi đọc xong cuốn sách tôi gặp cô, việc đầu tiên cô ta nói rằng tôi có vẻ như đang mang một gánh nặng.

Hôm nay là còn hai tháng nữa tôi được bốn mươi lăm tuổi. Tôi đã trút bỏ được một gánh nặng. Cám ơn ông rất nhiều.”

* * *

Một phụ nữ kể cho tôi nghe về kinh nghiệm cận chết đầy sống động và đáng nhớ mà cô đã trải qua vài năm trước. Một thời gian sau đó, cô được mời đến một chương trình truyền hình tại địa phương, một chương trình đặc biệt về kinh nghiệm cận chết. Trên sân khấu, cô diễn tả chi tiết những kinh nghiệm rất riêng tư tràn đầy xúc động.

Một vị khách khác, một nhà tâm thần học thông thái, nhưng có tính đa nghi được mời đến để làm cân xứng tiết mục. Anh ta nói với cái giọng kẻ cả rằng cuộc trải nghiệm của cô chẳng có giá trị hay thực tế gì hết, chỉ là phản ứng hóa học trong não cô thôi. Nghe xong câu chuyện tôi chỉ trích gay gắt:

  • Con người gì mà ngạo mạn quá vậy? Anh ta chẳng biết gì về hình ảnh giàu thị giác mà cô đã thấy, chẳng biết gì về sự xúc động của cô, chẳng biết gì về những lời nhắn nhủ quan trọng mà cô nhận được. Vì vậy mà anh ta chối bỏ cả một trải nghiệm, cho đó là phản ứng hóa học.

Cô ta nhẹ nhàng sửa sai cho tôi:

  • À, không. Anh ta sợ. Đó là sự sợ hãi, chứ không phải sự kiêu ngạo.

Dĩ nhiên cô ta đúng. Kiêu ngạo chỉ là một mặt khác của nỗi sợ. Không sợ, không cần phải kiêu ngạo.

Đây là bài học quan trọng cho tôi. Tôi hiểu. Tôi nên loại bỏ những quan điểm chỉ trích theo nguồn ánh sáng của sự thấu triệt.

Tha thứ không có nghĩa là quên đi, mà là thấu hiểu.

Hãy loại bỏ nỗi bất an.

Một trong lỗi lớn nhất của chúng ta quá quan tâm đến kết quả. Nỗi bận tâm này tạo ra những nỗi lo lắng ưu tư phiền muộn, sợ hãi không cần thiết.

Lo lắng về điều gây ra phiền toái. Cái gì sẽ xảy ra nếu điều gây ra phiền toái không lường được? Cái gì sẽ xảy ra nếu ta thất bại? Người khác sẽ nghĩ gì? Chúng ta sẽ tự trách sao mà cay đắng quá? Nỗi sợ liên quan đến việc mất đi mục đích mong muốn. Nếu thất bại chúng ta tin mình sẽ không thể đạt được điều mình muốn. Chúng ta là những kẻ thất bại, những kẻ hèn kém. Chúng ta sẽ bị loại trừ. Chúng ta ghét bản thân mình.

Thay vì lo lắng về những hậu quả đặc trưng, hãy làm những việc đúng đắn. Đừng sống ích kỷ. Hãy hy vọng điều tốt đẹp nhất. Hy vọng là tốt. Mong đợi thì không, vì nếu sự mong đợi xuất hiện, sự thất vọng luôn đứng nấp kế bên.

Một sáng ngồi thiền, trong tâm trí tôi vang lên một giọng nói rõ ràng, kiên quyết, và đầy sức mạnh: “Hãy yêu thương nhau bằng cả trái tim. Không sợ hãi, không chấp nhặt. Càng cho đi nhiều, bạn sẽ càng nhận lại nhiều hơn.”

Bạn khao khát một ảo vọng bình yên, thay vì sự yên ổn của trí tuệ và tình yêu.

Tiền bạc thì trung lập, không tốt, không xấu. Những gì chúng ta làm liên quan đến tiền bạc là một phần quan trọng. Có tiền chúng ta có thể mua lương thực cho người nghèo, hoặc sử dụng vào mục đích riêng tư ích kỷ, cơ hội hoang phí. Sự chọn lựa là của chúng ta, còn bài học cuối cùng rồi cũng sẽ thông suốt.

Tiền bạc và sự an lành là hai chuyện khác nhau. An lành đến từ bên trong. Đó là nét đặc trưng về mặt tinh thần, không phải là loại trần tục. Tiền bạc là của trần tục. Chúng ta không thể mang theo khi chết đi.

Chúng ta có thể bị mất mọi thứ trong một đêm, đây đúng là bài học hoặc là định mệnh của chúng ta. Sự an lành bắt nguồn từ nội tâm thanh tịnh, và sự hiểu biết về bản chất thật sự của chúng ta, bản chất của linh hồn chúng ta. Chúng ta không bao giờ bị xâm phạm, vì chúng ta bất diệt, vì chúng ta là linh hồn, không phải là thân thể vật chất. Vì chúng ta luôn được yêu thương và được bảo vệ. Vì chúng ta không hề đơn độc. Vì chúng ta luôn có sự che chở của các đấng tối cao. Vì tất cả chúng ta đều có cùng một bản thể tuyệt đối. Và vì vậy, chúng ta không nên sợ hãi. Thật ra, chân lý là bí quyết an lành và niềm vui của chúng ta.

* * *

Chuyến du hành của Tom trở về nước Anh vào thế kỷ mười chín rất rõ ràng từng chi tiết. Thậm chí như anh miêu tả bản thân, ngôi nhà, từng tình huống một cách chậm rãi, đầy đủ. Tôi biết anh đã nhận thức được rất nhiều, nhiều hơn anh có thể thốt nên lời.

Trong cuộc đời hiện tại, Tom luôn lo âu vì sợ bị mất mát một cách vô cớ. Còn trong kiếp sống xưa tại nước Anh, Tom lại phát hiện ra mình có một nỗi bất an.

Anh miêu tả một vùng quê mát mẻ với những ngọn đồi bao quanh và những tàng cây to lớn sum suê che bóng.

  • Tôi là địa chủ... tuổi khoảng hơn bốn mươi... nhưng không phải là tầng lớp cao quý... nhà tôi giống như cái điền trang. Tôi có vợ và hai con ..”
  • Điều gì đã kéo anh về thời gian đó?
  • Tôi rất giàu có. Tôi sống vương giả. Tôi là loại người có uy tín. Cho nên tôi có nỗi lo lắng, vì tôi không thuộc tầng lớp cao quý. Bất cứ lúc nào tôi cũng cảm thấy bất an vì họ có thể tước đi mọi thứ, và tôi sẽ mất hết.

Tôi đưa anh đi xa hơn đến đúng thời gian có sự kiện đáng nhớ xảy ra. Anh hồi hộp trả lời:

  • Lửa cháy ở chuồng ngựa. Đám cháy lan nhanh. Tôi cố cứu thoát mấy con ngựa... nhưng chúng không thoát hết... tôi nghĩ ngôi nhà cũng đang cháy!
  • Chuyện gì xảy ra vậy? Anh nghẹn ngào nói:
  • Hai thằng con đi vắng, nhưng vợ tôi... có lẽ đã chết.
  • Anh cảm thấy thế nào? Bây giờ có nhớ hết mọi thứ không?
  • Tôi rất quẫn trí.
  • Anh có biết tại sao bị cháy không? Anh lặng thinh một lúc, rồi nói:
  • Có người đã đốt.
  • Anh có biết người nào không? Lại một thoáng lặng
  • Người trong làng... tôi nghĩ rằng vì mình là người Do Thái.

Sau khi ngọn lửa thiêu cháy vợ anh, Tom rời nước Anh và đến sống ở Mỹ. Nhưng nỗi buồn vẫn ngậm đắng trong anh. Anh sống một cuộc đời khá cô độc. Tôi tiếp tục đưa anh đi đến cuối cuộc đời đó.

  • Tôi đang nằm trên giường... tôi đã già. Hai thằng con tôi cũng ở đó với gia đình chúng...vẫn còn lạ lẫm trong vùng đất mới, nhưng tôi sẵn sàng ra đi.

Anh nhắm mắt và rời bỏ thể xác.

  • Tôi còn nhận thức được cảm giác bị tổn thương vì chuyện gì đó mà tôi tán thành, không phải vì chuyện mà tôi đã làm.

Anh bắt đầu nhận ra sự giận dữ, sự ghen ghét, thành kiến đã đưa anh đến sự tổn thương như thế nào. Nhưng vẫn còn bài học tích cực ở đó.

  • Tôi vẫn còn chút an ủi với hai thằng con trai... tình yêu thương... tình cảm gia đình...

Tom, không phải là người Do Thái trong kiếp hiện tại, đã hiểu rõ hơn về gốc rễ của sự bất an và nỗi sợ mất mát. Anh đã thông thạo rằng sự ghen ghét và thành kiến đã đưa đến nỗi đau và bạo lực không thể tin được. Anh cũng học hỏi được rằng tình yêu là niềm an ủi cho tất cả nỗi đau.

Nhiệm vụ của Tom trong kiếp quá khứ không phải để trừng phạt hay phán xét những người ta đã đốt nhà và giết vợ anh. Nghiệp báo, luật nhân quả sẽ có nhiệm vụ đó. Nhiệm vụ của anh là hiểu và tha thứ. Đó là nhiệm vụ của tình yêu.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh