Hành Trình Một Linh Hồn: Chương 7

HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN: CHƯƠNG 7

Làm như tôi không có ngủ chút nào hết! Khi sáng nay thấy mình ở trong thể xác trở lại, trí não tôi nhớ rõ rằng mọi chuyện đã xảy ra, giống như tôi đi xem kịch và được yêu cầu viết lại mọi tình tiết của vở kịch ấy. Thế nên tôi có thể ngồi xuống cầm giấy bút và ghi lại trung thực tất cả những gì đã diễn ra.

Sau khi uống viên thuốc tôi nhìn cái đồng hồ nhỏ của Pháp thấy kim chỉ 9.42 tối. Tôi không ráng ngủ nhưng trong vài phút thấy mình thoát ra khỏi xác thân và đứng cạnh giường có thể xác nằm ngủ trên đó. Tôi nhìn giờ nữa thì thấy là 9.55. Không có ai chung quanh nên tôi tới lui trong phòng, lạ lùng rằng chuyện đơn giản biết bao, trong khi lần đầu tiên đi chơi cõi trung giới tôi lại thấy nó hết sức phức tạp. Tôi không muốn ra khỏi phòng vì nhớ thật rõ là vị thầy Ấn Độ có nói ông sẽ lại đây lúc 10 giờ, thế nên tôi chờ ông tới, chắc dạ rằng ông sẽ không sai lời.

Lát sau tôi nhìn đồng hồ thì đã 10 giờ, vẫn không có gì xảy ra. Năm phút nữa trôi qua và tôi tự nhủ không chừng chuyện hỏng bét. Thời khắc trôi đi và tôi càng lúc càng bồn chồn lo lắng, nhưng không muốn tự đi chơi một mình. Khi tôi sắp nhìn đồng hồ nữa thì nghe có tiếng nói nay trở nên quen thuộc ở sau lưng tôi cất lên:

  • Anh có nghĩ là tôi làm anh thất vọng không?

Vị thầy Ấn Độ bảo rằng ông đến trễ vì phải giúp một người bạn của ông vừa qua đời hồi sáng. Người này rất sợ chết và tuy đau ốm tới mấy tháng nay, vẫn cố chống chọi tử thần cho đến cùng. Ông giải thích rằng làm vậy chỉ vô ích khi ngày giờ tới, và tuy ông bạn có thể duy trì sức sống trong thể xác thêm được vài tuần bằng ý chí cứng cỏi của mình, cuối cùng thì thần chết vẫn thắng. Cơn bệnh mà người này mắc phải từ nhiều tháng qua làm thể xác họ bị yếu tới mức thể sinh lực không sao ở lại trong đó được nữa. Vị thầy nói rằng ông giúp người bạn thải bỏ thể sinh lực, tuy người này muốn giữ nó lại vì nó là cái gần gũi nhất với sự sống cõi trần, là sự sống duy nhất mà người bạn hiểu được.

Làm cho người bạn chịu có ý chí cần thiết để thải bỏ thể sinh lực khỏi thể tình cảm, khi cái trước quấn lấy cái sau, mất nhiều thì giờ hơn mọi khi.

  • Bạn tôi yên chuyện rồi, ông nói, tôi giao anh bạn cho vài người cứu trợ ở cõi trung giới. Chắc họ muốn ở cạnh bạn tôi cho tới khi nhờ kinh nghiệm rõ ràng anh học được đôi chút về Luật.

Tôi hỏi kỳ này đi chơi sẽ làm gì, ông đáp cái cần là trước tiên tôi nên có kinh nghiệm của việc đi từ cảnh thấp lên cảnh cao. Ông giải thích kỹ với tôi là tuy dùng chữ cảnh cao nhưng chúng không thực sự ở bên trên nhau xếp thành tầng, tầng này chồng lên tầng kia, mà đúng ra là ở quanh chúng ta, chỉ khác nhau ở mức độ đậm đặc nhiều hay ít.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Ông đề nghị khởi sự chuyến đi từ London nên cả hai chúng tôi vút đi như lần trước. Chẳng mấy chốc chúng tôi bay chậm lại, thấp xuống đất liền và tôi nhận ra gần như trong tích tắc thành phố London rộng lớn nằm dưới kia. Tôi không nhìn rõ những vật mà chúng tôi vút qua trên đường, tôi chỉ phân biệt được giữa đất liền và biển mà thôi, nó làm như chúng tôi xem xi nê về phong cảnh được chiếu rất mau. Tôi không thấy mình phải ráng sức để bay đi và tuy đến nơi gần nhà chưa đầy một phút sau, chúng tôi không thở hổn hển chi cả.

Như lần trước chúng tôi đáp xuống Hyde Park, tôi được cho hay đây là chỗ tốt nhất để đáp xuống bởi tuy chúng tôi sẽ đi ra Piccadilly Circus, đáp xuống ngay nơi đó dễ làm tôi kinh hoàng vì xe cộ qua lại như mắc cửi, và cho cảm giác (rất sai lầm) là tôi có thể bị xe cán dẹp. Nếu bị kinh hoàng như vậy thì nỗi hoảng sợ đó truyền về thể xác của tôi đang nằm trên giường ở Colombo, nó sẽ lập tức tìm cách kêu chủ nhân quay lại nhập xác. Khi trong thể tình cảm vội vã trở về thể xác theo cách đó, tôi sẽ choàng tỉnh với tim đập thình thịch như trống làng và chắc tin là vừa có ác mộng bị xe cán dẹp lép, với ác mộng này không nhất thiết phải giống chuyện thực đã xảy ra. Nỗi kinh khủng sinh ra do ác mộng tưởng tượng như thế có thể làm tim tôi đánh loạn xạ, vì đó là phản ứng mà lòng sợ hãi thường gây ra cho thể xác.

Xuống tới mặt đất tôi gặp lại khung cảnh quen thuộc mà tôi rất thường nhìn thấy khi xưa. Trời chiều có nắng đẹp với nhiều người đi tản bộ. Trẻ con với mẹ hay bà vú đang chơi đùa như thường lệ, và cách đó không xa cho lắm tôi thấy được dòng xe cộ tuôn chảy không ngớt, xe hơi, xe taxi, xe bus trên đường Park Lane về Piccadilly và Hyde Park.

Tôi đề nghị đi bộ dọc theo đường Oxford, và tuy vỉa hè đông chật người đi sắm hàng trễ nay vội vã ra về cùng nhân viên cửa hàng vừa đóng cửa tan việc, chúng tôi đi không bị cản trở chi. Như lúc trước tôi cảm thấy có sự chạm nhẹ phớt thoáng qua mỗi lần tôi bị buộc phải đi xuyên qua một thể xác, và khó mà không lên tiếng xin lỗi. Vị thầy không thích đám đông, ông lướt trên đầu khách bộ hành khoảng gần hai thước; chẳng mấy chốc tôi cũng làm thế và cả hai chúng tôi đáp xuống đất trở lại ở Piccadilly Circus. Ống hỏi:

  • Anh có muốn nhìn lại cảnh lần trước ta đến London, và coi xem anh nhận diện được ai đã gặp trong nhà hàng Trocadero không?

Tôi đồng ý và chúng tôi bước vào. Phòng ăn đầy chật với người ta đợi sẵn, với người hầu bàn lăng xăng tới lui lấy đơn gọi món ăn và mang thức ăn cho khách. Tôi không thấy ai quên ở đó cũng không thấy bóng dáng của Charles hay Roy Chapman. Tôi tự hỏi anh chàng sau này có chán chưa việc gọi những bữa ăn rượu thịt ê hề mà không phải trả tiền, nhưng tôi không lên tiếng. Vị thầy ra dấu gọi và tôi hiểu là ông muốn lên lầu. Tôi đi theo không thắc mắc gì cả, chẳng bao lâu chúng tôi đến một hành lang có nhiều cửa phòng dọc hai bên. Ông vào một phòng hóa ra là phòng ngủ bỏ trống. Tự nhiên là hai chúng tôi lướt qua cửa mà vào không cần chìa khóa.

  • Bảy giờ, ông nói, ta làm việc đây. Tôi đến phòng này để chúng ta được yên tĩnh, vì tôi muốn anh biết rằng việc đi từ cảnh thấp nhất lên cảnh ít đậm đặc hơn là chuyện rất giản dị, chỉ cần có ý chí một chút là nó diễn ra Tôi muốn anh nắm lấy tay tôi và có ý muốn làm điều tôi làm. Anh sẽ không cảm biết gì hết nhưng sẽ thấy rằng khung cảnh chung quanh từ từ thay đổi. Tường phòng có vẻ bao bọc chúng ta ở đây sẽ dường như tan biến, bàn ghế anh thấy quanh đây sẽ chậm chạp nhạt nhòa dần biến thành sương khói, trong khi đó anh phải giữ cho trí bình lặng để ý chí của tôi chế ngự ý anh. Chuyện gì xảy ra cũng đừng sợ hãi vì nếu kinh hoàng thì anh sẽ tỉnh giấc ngay ở Colombo.
  • Nào, anh sẵn sàng chưa?

Tôi đáp rồi và không thấy sợ hãi chi hết mà chỉ thấy hứng thú. Tôi năm chặt bàn tay của ông và cố hết sức mình để ý chí của ông kiểm soát tôi, tường phòng gần như lập tức hóa mờ đi thành hư ảo, bàn ghế cũng vậy, và kể thì lâu nhưng việc diễn ra rất mau, chứng tôi thấy mình đứng ngoài trời giữa cảnh đồng nhỏ, xa xa trong giống như có ngôi làng tiêu biểu của Anh.

  • Nào nghe đây, ông nói, anh sẽ nghe rất rõ tiếng rì rầm đằng xa. Đó là âm thanh rộn rịp huyên náo của thành phố London, anh nghe được vì anh chỉ ở cảnh hay bầu ngay bên trên cảnh vừa rồi mà thôi, cái là phản ảnh ở cõi trung giới của London hồng trần mà anh biết rõ. Đây là cảnh thứ hai của cõi trung giới, và anh thấy ngay là nó bớt đi rất nhiều nét vật chất so với cảnh đậm đặc nhất, nơi mà anh bước qua ngay sau khi chết. Ta hãy đi quanh một chút để anh hiểu tôi muốn nói gì.

Chúng tôi cất bước, lại bay nhẹ trên không cách mặt đất chừng một thước cho tới khi tới ngôi làng mà tôi thấy từ xa. Nó rất giống ngôi làng bình thường vì có mấy cửa hàng, hai rạp chiếu bóng, một khách sạn sang trọng thấy quá lớn so với tầm vóc của làng, và ở ngoài bìa làng có ít nhất ba tòa nhà lớn, rõ ràng là các nhà thờ. Chung quanh làng và kéo dài ra xa tôi thấy nhiều ngôi nhà tuyệt đẹp. Cái to, cái nhỏ nhưng cái nào cũng có vườn hoa đầy màu sắc bao quanh, trong đó đủ loại hoa nở rộ.

Tôi thấy cả đàn ông và đàn bà đang làm vườn, nhưng hiển nhiên họ làm là để vui chứ không vì bắt buộc phải làm.

Nhiều giống chó khác nhau chạy tung tăng đó đây trong sân cỏ, đi ngang qua đó chúng tôi nghe loáng thoáng tiếng trẻ con. Cái khác biệt giữa nơi đây và nhà tương tự ở cõi trần là không thấy có nhà để xe, tôi để ý là không có xe hơi trên đường. Sự việc được giải thích là không cần có phương tiện di chuyển, vì người ta đi từ nơi này sang nơi kia bằng những cách dễ dàng hơn, tức chỉ cần có ý trong đầu muốn đi đâu thì lập tức họ lướt nhẹ trên không tới nơi muốn đến.

Tôi hỏi tại sao có cửa hàng khi người ta không cần tiền, thì được cho hay là ai cảm thấy hạnh phúc ở chốn này thích sống cảnh giống với đời lí tưởng mà họ luôn tưởng tượng dưới thế. Vị thầy nói:

  • Có người dùng tiền, họ tạo ra bằng óc tưởng tượng rồi mua thực phẩm, nấu nướng và cũng ăn như thật tuy tất cả là chuyện tưởng tượng, vì họ muốn thế.

Tôi hỏi:

  • Nhưng tất nhiên ta không cần có tiệm bán hàng khi chỉ cần nghĩ mình muốn gì là tạo ra ngay trong nhà vật mà ta muốn có?

Ông đáp:

  • Nhưng cửa hàng này có là do trí tưởng tượng của dân cư ở đây, không cái nào có thật và người bán hàng trong tiệm cũng không có thật. Mỗi khi dân cư nghĩ chuyện gì đó nó lập tức biến thành sự vật ở cảnh huyễn mộng này. Cửa hàng cùng với tạp hoá bán trong đó đều là một phần của óc tưởng tượng, nhưng bao lâu mà người ta muốn có tiệm gần nhà thì họ có chúng, vì họ tưởng tượng ra chúng.

Ông nói tiếp:

Nhà thờ cũng vậy. Người ta thích tiếp tục thờ phượng dù rằng sau khi chết, họ có thể khám phá ra nhiều chuyện mà giáo sĩ đoan quyết khi xưa nay không hoàn toàn đúng nữa. Dân cư cõi này tạo ra nhà thờ, chùa miếu và mục sư, linh mục, tăng sĩ đã qua đời tiếp tục làm việc của họ, thu hút tín đồ lại với họ y như lúc ở cõi trần.

Xi nê cũng rất được ưa chuộng, nhưng trong khi cảnh thứ nhất có biết bao phim kể không hết thì cảnh thứ hai không giống thế. Ở đây rạp chiếu phim không phải là thể vía của rạp ở cõi trần, mà là hình tư tưởng của dân cư thường trú nơi đây. Ta luôn luôn có những nhà sản xuất phim đã chết, hay nhà làm phim tài tử, sang tạo ra phim mới theo tưởng tượng của họ, và hình tư tưởng những phim ấy hiện bên màn ảnh cho mọi người cùng xem. Các phim đó hay hơn phim làm ở cõi trần hay ở cảnh thứ nhất cõi trung giới về nhiều mặt, vì với điều kiện ở đây nhà sản xuất có thể cho óc tưởng tượng hoạt động thả dàn. Họ không cần lo lắng đến chi phí cuốn phim.

Kịch nghệ cũng rất phổ thông ở cảnh thứ hai, ai thích đóng kịch tài tử cùng diễn viên chuyên nghiệp dựng hết vở kịch này tới vở kia cho bạn bè thân hữu xem, và họ có thể làm vậy thật dễ bởi có được y trang thích hợp, phong cảnh hay dàn nhạc là việc không khó. Chỉ cần tưởng tượng là tạo ra được và không tốn một xu.

Có người vẫn còn thích sống trong khách sạn. Chắc đó là người luôn luôn cho rằng ở trong khách sạn sang trọng đắt tiền mà lúc sống họ không thể ở được là chuyện rất tuyệt, nay họ có thể sống trong đó. Ấy là lý do tại sao khách sạn trông quá lớn so với tầm cỡ của làng. Khách sạn như vậy không thể hiện hữu trong ngôi làng bình thường dưới thế, nhưng ở đây nó không cần sinh lời. Người ta ở trong khách sạn và có mọi dịch vụ, chăm sóc chỉ bằng cách tưởng tượng, nên họ được hạnh phúc trong một thời gian.

Tôi hỏi:

  • Nhưng chắc rồi sau một lúc mọi chuyện này sẽ hóa nhàm chán chứ?
  • Phải rồi, nó sẽ đi tới việc đó, ông đáp, khi ấy con người đi tìm chuyện khác làm họ thỏa mãn hơn trong đời như anh sẽ thấy về sau. Vì khi ao ước nào đó mất đi họ có thể chuyển sang ao ước điều khác và đạt được nó. Nhiều người hoàn toàn hạnh phúc với cảnh sống thiên đàng ở đây, nhất là những ai có đời không may dưới thế. Người như vậy thường dành 90% quãng đời của họ ở cõi trung giới sống trong khung cảnh này, nơi mà họ có bè bạn, chó mèo, nhà cửa đẹp đẽ với vườn tược làm họ mãn nguyện. Họ chỉ đi sang cõi trí khi chân nhân của họ thúc đẩy kêu đi, vì chân nhân muốn tiến bước trên đường Tiến Hóa.

Vị hướng dẫn nay kêu tôi nắm lấy tay ông lần nữa và muốn như ông, là đi từ cảnh thứ hai sang cảnh thứ ba. Tôi làm y như lời dặn, lập tức khung cảnh chung quanh hai chúng tôi bắt đầu mờ dần và từ từ nhường chỗ cho cảnh mới. Cảnh trí này khác lạ hẳn, chúng tôi đứng ở khoảng trống ngoài trời làm như có hàng chục cánh rừng thưa bao bọc. Nếu bạn tưởng tượng ra một công viên không lồ có cây cao bóng cả khắp nơi, vườn cỏ, gò đất xen lẫn với lùm cây thì nó giống như chỗ này. Dưới trần không có chỗ giống hệt như nó, nhưng tôi nghĩ là nếu nhìn từ trên xuống thì có thể trọn cảnh trông giống như rừng Sherwood mênh mông.

Những khoảng vườn trống thì to nhỏ thay đổi, rộng từ hơn một mẫu tây (một hectare 10.000 m2) cho tới 15 mẫu, rất thơ mộng vì đâu đâu cũng có bụi hoa, và chỗ cỏ mọc xanh rì thì có hoa thủy tiên và hoa lưu ly lấm tấm nở rộ. Mới thoạt nhìn thì không có nhà nào, nhưng về sau tôi thấy mấy tòa nhà rất lạ, rất to, trông giống như dinh thự của nhà quí tộc hồi xưa ở Anh.

Chúng tôi lướt đi và tôi thấy ở những khoảng đất trống vừa nói có nhiều nhóm tụ họp. Lại gần một nhóm như thế, tôi thấy có khoảng trăm người đang theo dõi một họa sĩ vẽ tranh trên khung vải kích thước khoảng 17 x 10 m. Thấy ngay là họ mê mẩn với cái đang ngắm vì không ai để ý tới hai chúng tôi ghé vào nhóm. Họa sĩ không dùng cọ mà trong tay có một thanh dài giống như cần câu cá, khi ông chỉ thanh này vào những nơi khác nhau trên khung vải thì hình hiện ra, ban đầu đường nét thô sơ rồi chi tiết rõ dần.

Trong lúc vẽ thỉnh thoảng họa sĩ lên tiếng giải thích hình ảnh đang sáng tạo, ông tạo nên thật rõ ràng ấn tượng mà ông muốn người đang đứng xem cảm biết, và có lần ông bôi bỏ một khoảnh của bức họa. Tôi không dùng chữ nào khác được vì khi ông đưa cái thanh chỉ vào bức họa, một phần của tranh bị xóa mất, và giải thích rằng hình tư tưởng trước của Ông chưa có đủ chi tiết để cho ra tác động muốn có. Họa sĩ dường như tập trung tư tưởng nữa, cái thanh vung lên xuống, đi ngang và lập tức một chi tiết mới thành hình, họa hợp với những phần khác của tranh. Việc vẽ lại này nhấn mạnh ngay điểm mà ông vừa trình bày một phút trước.

Tôi không hiểu mấy lời họa sĩ giảng giải, vì nó dùng danh từ nghệ sĩ trong ngành mới thấu đáo. Nghe nói ông là một trong những nhà danh họa ngày xưa. Vị hướng dẫn cho hay là ai là họa sĩ khi qua đời sẽ tiếp tục sáng tác, vì động cơ thúc đẩy họ làm việc lúc sống sẽ tiếp tục sau khi chết. Họ không cần dùng cọ và sơn ở cảnh giới này, vì có thể dùng mầu biểu lộ ý mình, chỉ bằng cách phóng ra tư tưởng. Chất liệu mềm dẻo của cõi trung giới đáp ứng ngay với hình tư tưởng, bức tranh hiện ra như có phép thuật khi tư tưởng nảy sinh.

Tuy khung vải xem ra rất lớn so với những bức tranh thấy trong các phòng trưng bày họa phẩm ở cõi trần, nó không kềnh càng khó vẽ ở cõi trung giới, bởi chỉ cần tập trung tư tưởng vào một phần của khung vải là hình trong trí họa sĩ hiện ra trên khung. Tôi không sao diễn tả được màu sắc lộng lẫy vẽ nên tranh, vì chúng ta không có chữ để gọi tên bao nhiêu sắc đậm nhạt của màu được dùng. Khi nói rằng tôi thấy ít nhất ba mươi sắc khác nhau của một màu, mà nếu phải tả một sắc nào trong số đó tôi chỉ có một chữ “đỏ” để dùng, thì bạn hiểu là tôi chỉ có thể tả lại rất khiếm khuyết hình mà tôi nhìn ngắm thật rõ ràng ở đây.

Vị thầy Ấn Độ giải thích là nhiều nhà danh họa ngày xưa mà vẫn còn ở cõi trung giới, sống ở bầu này và dùng cả đời để vẽ lên tranh những ý tưởng đầy ắp trong trí họ. Cùng lúc ấy họ chỉ dạy cho ai chịu lắng nghe, quan sát, phương pháp tạo nên hình. Tôi nghe chỉ cần vài giờ là họ tạo được một trong những bức tranh khổng lồ, và chuyện thường thấy là khi họa sĩ xong bức này thì lập tức bắt tay vẽ bức khác. Tôi hỏi:

  • Nhưng một khi họa sĩ không còn chú tâm vào khung vải nữa thì hình ảnh trong bức tranh đầu có mờ đi không?

Ông trả lời.

  • Không, nó vẫn y như anh thấy lúc nãy bao lâu còn có ai nhìn vào tranh. Sự việc là khi bức tranh được tạo bằng chất liệu cõi trung giới thì nó ngưng đọng cho mọi người xem, bao lâu còn một tư tưởng trụ vào nó. Khi mọi tư tưởng rút khỏi tranh thì nó dần dần tan rã trở về bầu không khí cõi trung giới và mất hẳn, hãy cho tới khi một tư tưởng mới tạo nó trở thành bức tranh mới.

Tôi đứng xem cho tới khi tranh hoàn tất, mê mẩn với tài khéo léo của nghệ sĩ sáng tạo và kết quả đạt thành. Khi họa sĩ đi ra xa và trò chuyện với vài người trong đám đông ngồi quanh xem ông vẽ, tôi thấy mấy người khác đích thị là học viện mỹ thuật, bắt đầu vẽ tranh tương tự mô phỏng theo bức họa chính. Tôi vẫn đứng nhìn và thấy ngay sự khác biệt lớn lao giữa tranh của họ và của họa sư. Việc được giải thích là có sự khác biệt một trời một vực như thế vì học viên thiếu hiểu biết so với sự hiểu biết của họa sư. Học viên không thể biểu lộ bằng tư tưởng rõ ràng, trong sáng điều họ muốn hiện lên khung vải, thế nên kết quả rất là thiếu sót, vụng dại.

Hiển nhiên khung vải chỉ trưng ra hình mà họ có thể biểu lộ bằng tư tưởng và tôi thấy rất rõ tại sao như thế. Ngay cả trong các phòng triển lãm tranh ở cõi trần, nếu nhìn vào một tranh thường khi ta có thể cảm nhận đôi chút về điều mà họa sĩ gắng công diễn tả. Cảm nhận ấy được nhấn mạnh ngàn lần hơn nơi cõi trung giới, và nhìn vào bức họa tuyệt mỹ này tôi hiểu ngay không có gì nghi ngờ điều họa sĩ muốn thể hiện bằng hình và màu sắc.

Chúng tôi đi khỏi nơi ấy và gặp nhiều nhóm tụ quanh những người làm việc tương tự, nhưng bởi vùng quê này có hơi nhấp nhô lên xuống nên khó mà thấy hai nhóm cùng một lúc. Trong một thung lũng với dòng suối trôi lững lờ, có nhóm ngồi bên bờ suối dường như không làm gì cả, tuy nhiên khi đến gần tôi thấy nhóm này không nhìn ngắm họa sĩ làm việc, mà đang phát ra âm thanh giường như một hòa tấu khúc đẹp đẽ do một trong những giàn nhạc nổi tiếng của thế giới trình diễn. Chỉ khi đến thật gần nhóm tôi mới nghe được, và khi ấy tôi thấy không khí chung quanh tràn đầy loại âm nhạc tuyệt vời nhất mà tôi chưa từng được nghe. Ở giữa nhóm là một người đàn ông có gương mặt xem ra quen thuộc, nhưng tôi biết là mình chưa hề gặp ông ngoài đời. Tôi hỏi vị hướng dẫn về người này thì ông nói nhỏ:

  • Đó là nhà soạn nhạc tài danh Johann Strauss.

Lúc đó nhạc sư đang trưng ra cách diễn tả âm thanh của nước chảy róc rách bằng tiếng nhạc, tôi nhớ ra ông là người soạn bản nhạc “Dòng Sông Xanh” (Blue Danube), và tiếng nhạc nơi đây dường như có nhiều âm hưởng của bản valse tưng bừng ấy, mà lại tươi vui hơn nữa.

Trong khi đứng sững mê mẩn nghe, tôi thấy bên kia bờ suối có những hình người như sương khói mà về mặt nào đó là một phần của tấu khúc đầy thi vị tôi đã nghe. Vị thầy Ấn Độ bảo tôi quan sát kỹ những người mới này, Ông nói:

  • Họ thuộc về loài thiên thần, theo đường tiến hóa song song với con người như tôi đã giải thích với anh.
  • Nhưng họ đang làm gì vậy? Tôi hỏi, và sao thấy họ khác với đám đông ở bờ suối bên này phía chúng ta.

Tôi được dạy là trông họ khác vì quả thực là họ dị biệt với loài người. Thể của họ thanh nhẹ, mờ ảo hơn; họ thuộc đường tiến hóa khác nên có thể khác với ta, dù làm bằng chất liệu cõi tình cảm nó vẫn ít cô đặc hơn thể tình cảm của người. Đây là những thiên thần âm nhạc có sự sống của họ thể hiện bằng âm thanh, và họ đang trợ giúp nhà soạn nhạc ngồi bờ suối bên này biểu lộ ý mình đúng như ông muốn. Tôi không thể nói được là họ giúp như thế nào vì họ không hề thốt lời, nhưng có vẻ như thiên thần tập trung vào nhạc sư và qua tư tưởng của họ, cho phép nhạc sự biểu lộ nhiều chi tiết hơn điều ông nỗ lực sáng tạo bằng âm thanh. Âm lượng có đó và mỗi nốt được nghe rõ ràng, nhưng tôi thấy là khi đi ra xa khỏi nhóm chừng 50 thước thì không còn nghe gì cả.

Khó mà diễn tả cho dễ hiểu bằng lời các nhân vật thuộc thế giới thiên thần. Hình dáng họ tuyệt đẹp nhưng khi di động thì giống như họ bốc hơi nhòa ra, mà khi đứng yên như cũ thì hình dáng có đường nét rõ ràng trở lại. Tôi nghĩ cách diễn tả hay nhất là nói rằng thân thể họ giống như sương khói, chỉ tụ thành hình cô đọng khi thiên thần đứng yên một chút. Chung tôi đi sang bờ bên kia nhưng khi tiến lại gần thì có vẻ như thiên thần lướt tránh ra xa, tựa như thú vật nhút nhát. Họ không sợ hãi chúng tôi nhưng tuyệt không có ý mời gọi chúng tôi tiếp xúc, và tôi cảm nhận là nếu chúng tôi đến gần họ với ý định muốn trò chuyện (bằng cách nào thì lúc ấy tôi không biết), hẳn họ sẽ biến mất trong không. Vị thầy Ấn Độ nói rằng cảm nghĩ ấy khá đúng.

Ông ra dấu cho tôi theo ông đi tiếp. Chẳng mấy chốc tôi thấy là ông hướng về một trong những tòa nhà đồ sộ mà tôi nghĩ như là dinh thự của trang trại. Tiến đến gần tôi thấy kiến trúc rất thanh tú, có cửa kính mở ra hàng hiện nhìn bao quát vùng đồng quê chung quanh. Sân cỏ rộng từ tòa nhà đứng trên đỉnh đồi chạy thoai thoải dốc xuống, những khóm cây trổ hoa bao quanh nhà và nếu nhìn kỹ, ta có thể thấy biển ở ngoài xa cách đây chừng 15 cây số. Chỗ này thật nên thơ, tôi tự hỏi ai sống ở đây và để làm gì. Chúng tôi đáp xuống đất trong sân trước và qua cánh cửa rộng vào gian phòng thênh thang, trần thiết giống như tôi nghĩ nhưng với một khác biệt đáng nói, đó là trong phòng có cây nhỏ và bụi hoa, chủ yếu là hoa hoa hồng đang nở rộ với rễ mọc xuyên qua sàn nhà. Cảnh vật không có gì là giả tạo mà thật sự là ta thấy mình đang đứng ở vườn trong nhà, rất hài hòa đẹp mắt.

Không thấy có ai chung quanh và không có âm thanh nào cho biết là có người, nhưng vị hướng dẫn lập tức dẫn tôi vào một cánh cửa thông với gian phòng; khi cửa mở tôi nghe có tiếng nhạc vang lên. Chỉ có một người trong phòng và ông đang dạo nhạc trên cây đại dương cầm, cách thức cho thấy ngay ông chẳng phải là nhạc sĩ tầm thường. Ông không để ý gì đến chúng tôi mà tiếp tục chơi đàn và chúng tôi lắng nghe, mê say với tài nghệ của nhạc sĩ trên cây đàn. Có vài chiếc ghế dựa đầy vẻ mời mọc và chúng tôi ngồi xuống, nghe nhạc sĩ tấu nhạc khoảng hơn một khắc đồng hồ. Sau một lúc tôi thấy bản nhạc tương tự như bản Preludes của Chopin, và tôi thì thẩm hỏi vị hướng dẫn rằng nhạc sĩ là ai. Ông đáp:

  • Anh không nhận ra sao, đó là nhà soạn nhạc nổi tiếng Chopin, ông vẫn tiếp tục dùng âm nhạc để biểu lộ tâm hồn cao cả của mình giống như ông thường làm lúc còn sống. Anh để ý thấy là ông không có vẻ ốm yếu nơi đây, vì hồi ở cõi trần nhạc sĩ bị nhiều bệnh và trong phần lớn kiếp đó ông không phải là người mạnh khỏe. Bây giờ mọi việc đều thay đổi, ở đây không còn sự mệt nhọc quấy nhiễu ông, và ông sáng tác càng ngày càng nhiều âm nhạc đẹp đẽ mà thỉnh thoảng ông cho các nhạc sĩ khác thưởng thức.

“Ở cảnh này lúc nào cũng có hòa nhạc thế nên dự những buổi ấy không có gì là khó khăn, nếu anh thực sự ưa thích và có thể thưởng thức vẻ mỹ lệ trong thiên nhiên mà nhạc sĩ gắng công diễn tả bằng âm thanh.

Tôi nhìn chăm chú nhạc sĩ hơn và thấy không có nét nào giống với đại nhạc sĩ mà tôi đã xem hình, nhưng chắc ký ức của tôi mơ hồ về những đại nhạc sĩ và có lẽ tôi không nhìn hình họ kỹ cho lắm. Lát sau nhạc sĩ ngưng chơi đàn và quay sang chúng tôi, không tỏ vẻ gì là bị phá rối hay bực bội về sự hiện diện của hai chúng tôi. Ông cho rằng chúng tôi là người yêu nhạc nên giải thích việc ông đang nỗ lực diễn tả, và tuy ông dùng vài chữ kỹ thuật tôi vẫn hết sức hứng thú với lời ông nói. Nhạc sĩ nhấn mạnh rằng theo ý của ông, mỗi âm thanh là sự diễn tả của màu sắc đang chuyển động. Các hợp âm, hòa âm là bức tranh bằng âm thanh của khu vườn diễm lệ, và khi có giai điệu thì người ta phải có thể lập tức “cảm” ngay một dòng suối trôi êm nhẹ, thí dụ giữa hai khu vườn với cây hoa được xếp đặt tuyệt hảo, và ráng thấy bức hình mà nhạc sĩ ra công diễn tả.

Tôi thường tự cho mình có khiếu về nhạc, nhưng nhận ra ngay là mình hiểu về nghệ thuật này ít biết chừng nào, và hứa với lòng rằng sau khi qua đời tôi sẽ là một trong những người miệt mài theo đuổi việc học nhạc. Điều không may là ở cuộc sống dưới trần, những đại nhạc sư này trong đa số trường hợp nằm ngoài tầm tay và cơ hội của người bình thường phải đi làm mưu sinh.

Chúng tôi rời y như khi đến không chào hỏi cáo biệt ai, và lúc chúng tôi đi ra thì Chopin quay trở lại dương cầm của ông bắt đầu chơi tiếp. Khi đóng cửa và bước ra hành lang, không còn âm thanh nào vang qua cánh cửa. Chỉ có tiếng chim, nhiều loại lông cánh đủ màu đó đây, không chỉ trong vườn mà cả trong nhà. Vị thầy nói rằng dinh thự rộng lớn này là một trong những Trường Mỹ Thuật lớn ở cảnh thứ ba cõi tình cảm, và hàng trăm cư dân thường trú ở đây dành phần lớn thì giờ của họ để học nghệ thuật mà họ đặc biệt ưa chuộng.

Tôi nghe là luôn luôn có sẵn lớp chỉ dẫn, vì tất cả những bậc sự trong ngành đều sẵn lòng dạy ai hăng hái muốn học, và cơ hội lúc nào cũng có đó vì không còn ngày hay đêm hay mệt nhọc làm bận trí người, nhưng tôi hỏi:

  • Tuy nhiên người ta đâu thể học và thực hành sáng trưa chiều tối liên tục, tuần này sang tuần kia, tháng này sang tháng nọ, năm nay rồi năm sau không ngưng nghỉ?
  • Có chứ, và như tôi đã nói với anh, họ không thấy mệt hay thấy ngày giờ dài lê thê, trôi qua nặng nhọc khi họ yêu thích và mê say với việc họ làm. Nếu phân tích phản ứng của anh ở cõi trần, anh sẽ thấy thời giờ không hề dài dằng dặc khi anh làm chuyện muốn làm. Thường thường người ta mệt nhọc và phải ngừng lại, nhưng ở đây không phải thế, vì không ai biết mệt và cũng vì không có ngày giờ theo như ta hiểu ở cõi trần; anh không phải về nhà ăn cơm, không có vợ con chờ ở nhà và không có trách nhiệm hay bổn phận chi hết. Những giới hạn đó không có ở cõi tình cảm nên con người làm việc hay nghỉ ngơi theo ý họ muốn, không phải bận tâm là có được bao nhiêu thì giờ dành cho chuyện học hay giải trí này.

Rồi vị thầy hướng dẫn bảo ông có chút việc phải làm, nhã nhặn xin phép được rời trong một lúc ngắn, ông nói:

  • Anh cứ đi nơi nào anh muốn, không ai ngăn trở chi và đề nghị anh thả bộ vào thăm các gian phòng khác nhau, vì tôi có thể bảo đảm là anh sẽ không gặp cấm cản nào. Tòa nhà này rất giống những dinh thự ở nơi đây, đáng bỏ công đi thăm cho biết thêm chuyện gì xảy ra tại các chỗ này. Tôi sẽ trở lại với anh khi xong việc riêng của tôi, và tôi chắc là anh sẽ không thấy chán trong lúc tôi vắng mặt.

Nhìn từ bên ngoài tôi đã thấy tòa nhà cao ít nhất ba tầng nên tôi quyết định sẽ đi xem sơ qua một chút như ông đề nghị. Để bắt đầu tôi vào một số phòng ở tầng dưới, trong một phòng tôi thấy có điêu khắc gia và lớp đầy học trò, ông đang giải thích làm sao để tạc một đường cong đặc biệt. Tôi đứng nghe giảng một lát và vài học viên không nói năng gì mà mỉm cười với tôi trong lúc tôi đang nghe, hiển nhiên muốn nói không phản đối gì về sự hiện diện của tôi. Ở phòng khác một ban tứ tấu đang dượt, phòng khác nữa một nhạc sĩ vĩ cầm chơi tới chơi lui một khúc nhạc với ban nhạc trên giá trước mặt anh. Khung cảnh rất giống như học viện tôi thấy ở cõi trần, chỉ có cái khác biệt lớn lao là không có ai hối thúc hay đòi hỏi gì, thấy có đủ mọi ngành nghệ thuật, và cũng thấy rất rõ là những người tham dự tuy học tập rất mực chăm chú nhưng tỏ ra thật hân hoan, không căng thẳng chút nào giống như các sinh viên mà tôi gặp lần chót ở Viện Hoàng Gia Âm Nhạc tại Anh.

Hồi sau tôi đi vơ vẩn trên lầu và gặp chuyện ngạc nhiên đầy thú vị. Khi mở một cánh cửa (tôi thích thú ghi nhận là ở nơi đây người ta mở cửa chứ không đi xuyên qua nó, giống như đi xuyên qua cửa ở cõi trần) và đi vào một trong các phòng của tầng này, tôi thấy một thiếu nữ ngồi trên ghế dựa gần cây đại dương cầm mở nắp. Nàng cầm trong tay một nhạc phổ và đang chăm chú đọc. Lúc tôi bước vào nàng ngẩng lên và tức khắc tôi nhận ra đó là Daphne Hillier, tôi gặp nàng lần chót tại Anh năm 1935 ở một hội quán chơi golf. Đối thủ hôm ấy của tôi quen thân với nàng, anh giới thiệu chúng tôi với nhau và chẳng bao lâu hai chúng tôi trò chuyện vui vẻ. Tôi gặp nàng nhiều lần trong kỳ nghỉ phép ấy và hai chúng tôi trở nên rất thân thiết với nhau. Mấy lần tôi tính ngỏ lời cầu hôn vì nghĩ là mình yêu nàng, nhưng chẳng biết sao tôi không nói. Phần vì tôi nghĩ mình chưa đủ tài chánh để thành hôn, và tôi càng muốn lên tới bậc cao nhất trong ngành trước khi cưới vợ. Tôi quay về Sri Lanka và trong hai năm chung tôi trao đổi thư từ thường xuyên, rồi chuyện chấm dứt với việc nàng bị sưng phổi và tôi thương tiếc vô cùng khi mẹ nàng viết thư cho hay nàng đã mất. Tôi đáp lại với thư chia buồn rồi dần dần mất liên lạc với gia đình nàng. Nay Daphne ngồi trước mắt tôi, trông rất sống động và dáng vẻ y như khi tôi gặp nàng lần cuối mà lại có nét tươi vui hơn trtroc, quả thật trọn gương mặt nàng sáng rỡ hân hoan thư thái, và tôi hãnh diện thầm rằng một phần của niềm vui là do nàng gặp lại tôi.

  • Daphne em yêu, có thật em đây không?
  • Vâng, chính em đây, nàng nói. Nhưng anh làm gì ở đây? Theo em biết anh chưa rời cõi trần mà, vậy chuyện gì mang anh tới nơi đây?

Tôi ráng giải thích đôi điều về việc đã xảy ra và tại sao tại ở đây cho nàng nghe. Nàng bảo rất ngạc nhiên khi gặp tôi, vì dù nhiều người tiến hóa đi vơ vẩn nơi cõi tình cảm trong lúc cơ thể họ say ngủ lấy lại sức lực cho hôm sau, nhưng hiếm người còn sống lên tới cảnh thứ ba của cõi trung giới. Trong đa số trường hợp họ không biết cách lên nơi đây, và rất ít người biết có những cảnh khác nhau. Nàng nói tiếp:

  • Nhưng anh yêu, bây giờ tại đây thì anh có thể trở lại nữa và đôi ta phải gặp nhau nhiều lần về sau, có nhiều điều em có thể chỉ cho anh. Tuy anh không hề cầu hôn lúc em còn sống, nhưng em biết anh yêu quí em và em cũng yêu quí anh.

Khi đó tôi ý thức rằng nàng gọi tôi là “Anh yêu, Darling” thì không có gì lạ cả, vì hồi xưa tôi thường gọi nàng là “Em yêu” và nàng gọi tôi lại tương tự như thế. Tuy đó là chuyện mấy năm trước nhưng nó trở lại trong chớp mắt và tôi lại cảm thấy bị nàng thu hút, có sự rung động thích thú khi ở cạnh nàng y như tại cảm biết trong những ngày tháng xa xưa. Tôi nói:

  • Thật tuyệt quá, mà nếu anh không thường gặp em về sau thì chắc chắn không phải tại anh. Không chừng em có thể giúp anh trong việc này vì anh không rõ là tự mình có thể tới đây được hay không, cho dù lần này chuyện xem ra thật dễ dàng nhờ có người hướng dẫn.

Tôi kể cho nàng hay về những nỗ lực của tôi trong thời gian vừa qua, và làm sao ngoài trừ cuộc đi chơi sang cõi tình cảm lần đầu, tôi vẫn chưa thể hồi nhớ mọi chuyện tuy đã có hết sức.

  • Mai sau anh rất muốn nhớ lại chúng ta đã làm gì và nói gì.

Không biết anh sẽ làm được chăng.

Tôi vừa nói mấy lời này thì vị thầy Ấn Độ bước vào phòng, ông nói:

Vậy là hai bạn đã gặp lại nhau, tôi nghĩ chuyện sẽ xảy ra như thế nếu tôi để cho anh có đủ thì giờ, mà anh gặp lại Daphne là chuyện hay lắm, vì cô giúp anh được rất nhiều và do tình thương hai bạn có với nhau, nhiều chuyện khi trước khó khăn này trở thành khả hữu. Một là anh sẽ có mối liên lạc rõ ràng ở cảnh này, nó là cái anh có thể tập trung tư tưởng ngay vừa khi anh ra khỏi thân xác lúc thiếp ngủ. Việc anh nghĩ đến Daphne sẽ lập tức khiến cô biết vì tư tưởng là vật rất mạnh, và tư tưởng được tập trung không bị vật chất khác nhau của những cảnh ngăn trở, thế nên Daphne - nếu cô cho phép ta gọi cô như vậy - sẽ biết ngay khi anh chú tâm vào cô y như thể người ta biết anh muốn nói chuyện với họ khi anh gọi điện thoại.

“Daphne không dễ gì gặp anh khi anh ra khỏi thể xác và ở cảnh thấp nhất hay là cảnh đầu tiên của cõi tình cảm, nhưng cô có thể là trụ liên lạc cho anh đi từ cảnh đó lên cảnh thứ ba nơi anh hiện có mặt, theo cùng cách thức như nắm tay tôi là cái trụ cho anh, khi tôi bảo là anh dùng ý chí đi từ cảnh thấp nhất lên cảnh thứ hai, và sau đó từ cảnh thứ hai lên thứ ba. Anh sẽ thấy là khi sử dụng ý chí của mình, cộng thêm với việc có người tiếp xúc biết đường đi nước bước thì không có khó khăn chi cả.

Ông nói tiếp:

Anh thấy chăng, anh chưa biết mấy về luật Karma, cái luật đóng vai trò rất lớn trong việc khiến anh có được tiếp xúc và mang lại cơ hội vô cùng quan trọng cho cuộc tiến hóa của anh. Luật Karma hay nhân quả quản trị từng lời, tư tưởng và hành động của anh ở cõi trần. Vì anh yêu quí Daphne ở nơi ấy và cô đáp trả tình thương này, dù không dẫn tới kết quả là thành hôn như cuộc đời gọi, có nghĩa là hai người có dây kết nối với nhau mà sớm hay muộn cả hai phải giải quyết. Có nhiều chuyện đáng nói khi người ta biết yêu, vì khi ở trong tâm trạng ấy hoặc tưởng rằng mình đang yêu, con người muốn cho ra và trong một thời gian ngắn không muốn đòi hỏi được trả lại cho cái mà họ cho ra. Nói khác đi họ phát ra rung động cao nhất mà họ có thể làm được. Sự cho ra ấy là nguyên do bắt buộc phát sinh hệ quả tức luật karma tác động một cách tự nhiên. Khi có tình thương chân thật trao đổi giữa hai người thì nó tạo nên sự hợp tác lý tưởng cho việc tiến bộ trong bất cứ chuyện gì, vì mỗi bên chỉ muốn và sẵn sàng giúp người kia bằng bất cứ cách nào, thế nên tôi rất mừng là hai bạn liên lạc được với nhau và xin thú thật là tôi đã mong có việc ấy.

“Tôi không thể chủ ý mang hai bạn lại với nhau, vì làm vậy là can thiệp vào cách luật karma diễn ra tự nhiên như tôi đã nói. Có lẽ phần số hai bạn là gặp nhau trở lại trong điều kiện khác biệt như vậy, và nay hai bạn tự quyết định sẽ tận dụng ra sao cái lực đã khiến có tại ngộ. Cách Thượng đế và số mạng làm việc thật lạ lùng. Nếu Charles không bị thiệt mạng hẳn anh sẽ không sầu não đến mức tôi được chỉ định tới gặp và giúp anh. Nay nhờ nỗ lực tìm hiểu đôi phần về Cơ Tiến Hóa, anh đã được cho phép gặp trở lại người mà anh tưởng là đã mất luôn, hay mất trong phần đời còn lại của anh ở cõi trần.

“Tôi không thể bảo đảm là mỗi lần hai chúng ta sang cõi tình cảm, sáng ngày hôm sau anh sẽ luôn luôn nhớ lại hết mọi kịnh nghiệm, vì việc phát triển ký ức trọn vẹn để ghi nhớ tất cả những gì anh làm trong lúc rời thể xác, đòi hỏi rất nhiều thực tập mà lúc này anh chị mới là học viên rất trẻ. Tôi sẽ giúp anh nhớ lại điều anh thấy tối nay, và khi ghi lại chuyện gì xảy ra trong đêm, anh sẽ ý thức việc não bộ nhớ lại kết quả của cuộc du hành là quan trọng tới bực nào. Có thể anh sẽ gắng công hơn trong tương lai, nó sẽ dần dần cho phép anh có được tâm thức liên tục là cái thiết yếu. Việc anh tìm được ở cõi tình cảm người mà anh yêu quý ở cõi trần, sẽ khuyến khích anh cố gắng tận lực để vượt qua giới hạn của anh. Daphne cũng có thể giúp anh nhiều lắm, vì đã sống ở nơi đây vài năm cô biết quyền lực của tư tưởng, cô cũng biết chuyện gì có thể làm ở cõi tình cảm và chuyện gì không thể làm. Nếu tiếp tục gắng sức nhớ lại việc anh làm khi rời khỏi thân xác lúc ngủ, anh sẽ có thể có cuộc sống thứ hai, cảnh đời mà anh chỉ sống được khi thể xác say ngủ.”

Khi ấy Daphne quay sang vị thầy của tôi và nói:

  • Nhưng Acharya, thầy nói tôi có thể giúp ích nhiều cho Henry, tuy nhiên sao tôi không thể tiếp xúc với anh trước đó? Tôi đã ráng hết sức sau khi lên tới cảnh này, dẫu vậy trong những ngày đầu khi mới lên cảnh thứ nhất của cõi tình cảm, tôi vẫn không thể gây ấn tượng gì cho anh ấy cả.

Trước khi ông có thể đáp, tôi ngắt lời và hỏi:

  • Hai vị nghe đây, hai vị có biết nhau à? Em gọi thầy là Acharya mà thầy chưa hề cho tôi biết tên của thầy, dù tôi đã gặp thầy nhiều lần trong mấy ngày qua. Tên thầy là Acharya ư?
  • Phải và không phải. Vị thầy Ấn Độ trả lời. Nó quả là một phần của tên tôi, và ai tiếp xúc với tôi ở cảnh này hay gọi tôi vậy. Tên đó dùng được cho chuyện của chúng ta vậy anh gọi tôi như thế nếu muốn, nhưng về sau anh sẽ thấy rằng tên hay ít nhất họ của chúng ta trong đời không quan trọng chút nào. Cô Daphne không thể tiếp xúc với Henry - anh có để ý rằng đây là lần đầu tiên tôi gọi tên anh? - là vì Henry khi ấy chưa thức tỉnh theo nghĩa tinh thần, do đó anh không nhớ lại chuyện gì đã làm khi xuất ra khỏi thân xác, ngoài những giấc mơ không đầu không đuôi, nửa chừng lộn xộn chẳng có nghĩa lý. Thế nên lần sau khi ra khỏi thân xác, anh không có kế hoạch để định trí là mình muốn làm gì.

“Cô có nói chuyện với anh, tôi biết, nhưng như cô nói anh không có vẻ thích thú như khi nói chuyện ở cõi trần; khi cô nghĩ là anh sẽ nhớ lại những gì cô nói trong mấy đêm trước, anh lại tỏ ra mơ màng không hứng thú. Ấy là vì anh chưa thức tỉnh, cần phải có một thảm kịch lớn lao như việc người em yêu quí của anh là Charles qua đời, mới làm anh quyết tâm đi tìm sự sáng, muốn có hiểu biết tinh thần. Cần phải có một khủng hoảng để nhờ vậy sinh ra ý muốn được giác ngộ, và cái gì mà con người muốn thì họ có thể đạt được miễn là họ sẵn lòng và hăng hái tìm kiếm. Đức Chúa có nói:

Hãy gõ cửa sẽ mở, và Hãy tìm, sẽ gặp.

”Những lời ấy đúng từng chữ một. Nhưng chúng ta phải tiếp tục việc làm tối này, còn có nhiều việc tôi muốn chỉ cho anh trước giờ anh phải quay về thể xác. Cô Daphne có muốn đi với chúng tôi?”

Daphne nói:

  • Vâng, tôi rất muốn vì tôi biết với sự hiểu biết và giúp đỡ của thầy, tôi có thể đến những chỗ mà tôi chưa đủ sức tới theo sự hiểu biết giới hạn của tôi.
  • Trước hết hãy xem giờ, Acharya bảo tôi, coi là anh đã rời xác bao lâu.

Tôi nhìn đồng hồ tay, thấy mặt kính đồng hồ hóa mờ mịt thật lạ lùng. Tôi ráng nghĩ xem bây giờ là mấy giờ và mỗi lần tôi đoán thì kim đồng hồ thay đổi hợp với ý nghĩ của tôi. Tôi đáp:

  • Chịu thôi, tôi không biết, vì đồng hồ có vẻ như thay đổi theo tư tưởng phát ra trong đầu tôi.

Acharya nói tiếp:

Đúng lắm, vì anh thấy không anh đang nhìn không phải vào thể tình cảm của một cái đồng hồ, mà là cái đồng hồ anh tưởng mình có trên cổ tay. Anh thường đeo đồng hồ nên anh tự động đưa tay lên mỗi lần muốn biết giờ, sự việc anh tin là có đồng hồ ở cổ tay làm cho một cái đồng hồ hiện ra trên cổ tay, bởi đây là cõi ảo tưởng và điều gì anh nghĩ hiện giờ thì cho phút này thôi. Bây giờ quí vị chờ ở đây để tôi đi xem giờ cho chắc, vì chúng ta chỉ muốn biết giờ ở nơi thể xác anh đang ngủ và khi nào thì anh phải trở về nơi đó. Ta không cần quan tâm đến giờ khác ở những nơi khác trong trường hợp này.

Nói xong làm như ông biến mất hút trong không. Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì thầy đã trở lại đứng cạnh tôi. Ông tiếp:

  • Tôi quay về thể xác của anh đang ngủ trong phòng ở Colombo, thấy đồng hồ trên tay anh chỉ 11:30.
  • Như vậy là đồng hồ tôi đứng rồi, tôi nói. Có vẻ như chúng ta đã ở cõi trung giới mấy tiếng đồng hồ chứ không phải mới một tiếng rưỡi.

Acharya giải thích.

  • Anh sẽ mau lẹ khám phá là thời gian ở cõi tình cảm khác với cái anh quen thuộc ở cõi trần. Quả đúng là chỉ mới một giờ rưỡi trôi qua khi anh ra khỏi xác và chúng ta bắt đầu cuộc du hành này. Anh sẽ hiểu thêm về sau điều tôi nói đây, khi ngày mai anh viết lại kinh nghiệm này và ý thức mình đã làm được gì chỉ trong một giờ rưỡi ở cõi trần. Hẳn anh đã có kinh nghiệm sau, nơi cõi trần khi anh thức dậy buổi sáng và thấy mới 6 giờ, anh biết mình có thể ngủ thêm một tiếng nữa. Anh lăn qua bên ngủ tiếp và mơ một giấc mơ dài nhiều tình tiết tưởng như dài trọn một ngày. Rồi anh choàng tỉnh và đồng hồ chỉ là anh mới ngủ có hai mươi phút. Điều tôi vừa kể với anh là sự thực ở cõi trung giới, anh cần nhớ rằng thời gian không có ở đây.

Chúng tôi rời phòng tập của Daphne đi trở ra hành lang, lướt xuống cầu thang vào tiền sảnh và ra vườn. Không thấy có ai chung quanh tuy chúng tôi đi ngang qua một người đang đi vào học viện để tiếp tục việc học của mình, bởi thấy anh kẹp nách một cái hộp giống như hộp đựng cây sáo. Anh cười khi chúng tôi đi ngang qua tuy không nói chi.

Acharya bảo muốn đưa chúng tôi đến nghe một buổi hòa nhạc đặc biệt mà thiên thần sẽ tấu sâu trong rừng, ở nơi hẻo lánh của cõi trung giới, chỗ con người ít khi đến. Ông bảo đã được phép cho tôi và ông tới dự, và tin rằng không có gì trở ngại với Daphne đi theo, nhất là khi nàng dành phần lớn thời gian của mình ở cõi trung giới để học nhạc. Ông giải thích là buổi hòa nhạc này sẽ khác hẳn với tất cả những gì chúng tôi đã nghe trước đó, vì nó không phải chỉ nhắm tới việc tạo ra âm nhạc tuyệt vời mà có mục tiêu đặc biệt là sinh ra xoáy lực, có thể dùng để ảnh hưởng một hội nghị đặc biệt quan trọng đang diễn ra ở cõi trần lúc bấy giờ.

Ông không nói đó là hội nghị gì nhưng hàm ý nó có liên quan đến cuộc chiến, và quyết định đạt tới trong hội nghị sẽ có ảnh hưởng đến kết quả sau này của thế chiến, cũng như thời điểm mà một khi thế giới ngưng chiến và quyết định dàn xếp những dị biệt của mình, bằng sự thương thảo thay vì bằng súng đạn. Ông giải thích rằng lực như vậy có thể tạo ra theo hai cách, một là tập trung tư tưởng mãnh liệt và hai là qua âm thanh. Sự hòa lẫn các hợp âm sinh ra do việc mỗi cá nhân đóng vai trò của mình trong buổi hòa tấu, tập trung rất mực vào mục tiêu muốn đạt tới, sinh ra một xoáy lực mà khi tư tưởng chuyển tới địa điểm của hội nghị sẽ thực sự chi phối người tham dự cuộc họp đó.

Thí dụ ông đưa ra là thử xem một nhóm người mà ai nấy cũng bực bội cáu kỉnh, có người giận dữ và ai cũng bị căng thẳng ít nhiều. Trước khi khai mạc cuộc họp như vậy người chủ tịch dàn xếp cho mỗi người có trà nước, cùng lúc ông xem chắc là ai cũng có ghế ngồi thoải mái, nhiệt độ trong phòng dễ chịu. Khi buổi họp mở đầu thì người chủ tịch có thể kể một câu chuyện vui, có trà nước lần nữa rồi những chi tiết quan trọng của nghị trình được thảo luận. Kết quả ra sao? Tham dự viên chỉ mới vài phút trước cau có sẵn sàng bất đồng ý với nhau, sẽ nảy sinh tính liên đới khiến có thể có cuộc thảo thuận hợp lý và công việc của người chủ tịch hóa dễ dàng hơn.

Cũng y vậy nhưng ở mức độ lớn hơn, lực sinh ra do gắng sức của thế giới thiên thần tối nay có thể được dùng để ảnh hưởng nhóm người mà thế lực mạnh mẽ của họ có thể chi phối vận mạng của hàng triệu sinh linh. Điều gì họ quyết định sẽ thực sự ảnh hưởng nhân loại trong tương lai, nên nỗ lực của thiên thần chắc chắn đáng công sức.

Không bàn thảo gì thêm chúng tôi cất bước lên đường, lướt trên mặt đất chừng năm thước và đi với tốc độ khoảng 80 km/giờ. Chỗ này của cõi trung giới xem ra không có người ở, tôi không nhớ khi lướt đi bọn tôi có gặp ai hay nhóm người nào. Tôi để ý là vùng quê nơi đây thật diễm lệ, thỉnh thoảng chúng tôi bay ngang những tòa nhà ở gần hay xa có vẻ giống như Học Viện mà chúng tôi vừa rời vài khoảnh khắc trước. Chỗ nào cũng có hoa nở rộ và nhiều cây mọc khắp nơi. Rải rác đó đây tôi thấy có những khoảng rừng rậm giữa đồng quê, nhưng chúng tôi đi qua mau nên không ghi nhận được gì đặc biệt về mấy cánh rừng này. Tôi nghĩ là Acharya nói nhiều nhất, mô tả vùng mà chúng tôi đi ngang qua, nhưng trí tôi đầy hình ảnh lạ lùng của cuộc du hành lẫn sự mong chờ chuyện sắp tới, nên tôi không thể nhớ điều gì đặc biệt để ghi lại.

Sau khi đi chừng một khắc, tôi thấy phía trước có khoảng giống như khu rừng dầy, và nhớ là Acharya đưa tay chỉ mốc đất này khi chúng tôi đến gần lúc cuối chuyến đi, nhưng chúng tôi không hạ xuống ở đầu cánh rừng mà vẫn lượn bên trên ngọn cây khoảng vài thước một quãng chừng 8 cây số, rồi với vận tốc chậm lại như đi bộ Acharya dẫn chúng tôi xuyên qua một khoảng trống giữa mấy cây, và tôi thấy một cánh đồng cỏ xinh đẹp trống trải, hình tròn đường kính khoảng 50 thước.

Khi chúng tôi hạ xuống đất, không có dấu hiệu nào cho thấy có sinh hoạt gì, mà tôi cũng không thấy ai hay thấy vật chi di động trong khoảng đất trống trước mắt. Chúng tôi được dẫn tới một cây cổ thụ, rễ nó làm chỗ ngồi hết sức thoải mái và được dặn ngồi yên lặng. Có lẽ cũng nên nói tôi cảm tưởng của tôi về ánh sáng ở đồng cỏ này.

Nơi đây cỏ cây mọc dầy bao bọc chung quanh giống như rừng già ở Ấn Độ, ngọn cây đâm nhánh nên khoảng trống trên đầu ngọn cây hẹp hơn rất nhiều so với khoảnh đất trống ở dưới mà chúng tôi ngồi ngoài bìa. Như đã nói, ở cõi tình cảm ánh sáng có màu xám xanh, trong trẻo hơn ánh sáng trăng rằm tuyệt mỹ, nhưng nó không chói hay có ảnh hưởng trực tiếp như anh nắng mặt trời. Hãy thử tưởng tượng vùng đất trong này được chiếu sáng trọn vẹn, nếu có con thỏ chạy ngang qua vòng tròn trống thì ai cũng thấy cho tới khi nó mất tăm vào rừng cây. Thế nên chúng tôi nhìn thấy hết mọi việc xảy ra nơi đây, và cùng lúc đó rừng rậm vây quanh mà không có hay có rất ít ánh sáng lọt qua được.

Ngồi chừng vài phút tôi để ý thấy một nhóm người thấp bé như các chú lùn, từ trong rừng tít đầu mé trái của tôi đi ra, họ ngồi xếp bằng theo hình bán nguyệt. Tôi nhớ là có khoảng mười người và mọi người cầm theo một nhạc khí nửa như cái trống tròn, nửa như cái trống cơm. Họ mặc bộ quần áo màu nâu, giầy nhỏ, mũ bằng vải màu xanh lục sáng hơn lá cây, diện mạo họ giống như của người đàn ông trung niên, thay đổi từ 40 đến 70 tuổi xét theo tiêu chuẩn cõi trần. Ai đi xem phim “Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn” của Walt Disney sẽ có ý niệm rõ rệt về hình dáng của những chú lùn này. Họ không nói mà cũng không phát ra âm thanh nào.

Một lúc sau có nhóm người cao hơn từ rừng đi ra gồm cả nam lần nữ, thuộc loại khác hẳn. Họ giống người hơn nhưng bề ngoài thực là thanh nhẹ. Người nữ là các cô gái tuổi từ 18 đến 25 đều có tóc dài, họ buông lơi hoặc cột lại với giải bằng màu xanh dương hay xanh lục. Cả nam lẫn nữ đều tuyệt đối yên lặng, nhóm này có tổng cộng khoảng 35 người, và họ cũng mang theo vật thấy ngay là nhạc khí nhưng có khác chút ít với vĩ cầm, trung hồ cầm (cello), hắc tiêu (clarinet) và sáo mà ta thấy trong một dàn nhạc tây phương. Họ không ngồi xuống, mà xếp sao cho ai có cùng nhạc cụ thì ít nhiều tụ chung với nhau, và tất cả xếp thành một nhóm sát vào nhau, đứng cách nhóm đầu tiên là các chú lùn chừng 20 thước.

Nghe như không có tiếng gió nào vậy mà cành trên đầu của những cây cổ thụ đong đưa rất nhẹ. Một sự yên lặng lạ kỳ tràn ngập khoảng hai phút rồi cùng một lúc những chú lùn khởi sự chơi trống. Gần như đồng loạt họ bắt đầu hát bằng giọng thật trầm, hòa vào tiếng nhạc nền là tiếng trống mà không làm mất đi nét đẹp của những nốt từ miệng họ phát ra. Hiển nhiên đây là một chú ngữ huyền bí hay mantra, ta thấy rõ họ đang cố gắng tạo một lực tuôn tràn thấm nhuần trong không khí. Sau khoảng năm hay sáu câu xướng lên thì nhóm thứ hai hay dàn nhạc chính bắt đầu chơi. Không làm sao tả hết nét mỹ lệ của nhạc được tấu, nó hòa hợp hết sức tuyệt vời vào chú ngữ đang xướng lên và tiếng trống nhẹ. Âm thanh không lớn lắm nhưng nó làm say mê tâm hồn do nét thanh khiết và diễm lệ của nhạc.

Cái đang chơi là một bản hòa tấu, vì nó có những hành âm riêng rẽ và khác biệt nhau, với chủ đề thỉnh thoảng được nhắc lại.

Hai hành âm trọn vẹn được tấu xong và khi dàn nhạc chơi hành âm thứ ba được nửa chừng, bất thình lình có âm nghe như giọng người mà đẹp đẽ kì lạ vang lên trong không. Có vẻ như nó phát từ trên cao nên tôi lập tức ngó lên, mới đầu tôi không thấy gì và không thấy ai, một lát sau Acharya kêu tôi nhìn về một cây ngoài xa phía đối diện của cánh đồng, và tôi thấy từ trên ngọn có người giống như một thiếu nữ trẻ hết sức kiều diễm, ngồi trên cành lá với tóc xõa sau lưng, đơn ca trong buổi hòa tấu tuyệt diệu. Cô có giọng kim thuần túy, tiếng hát không lớn nhưng nét trong trẻo của mỗi nốt cất lên làm tim tôi thổn thức tới nỗi muốn bật khóc.

Bài hát kéo dài chừng muời phút, ban nhạc chơi vài trường canh rồi cô gái hát một mình không có nhạc đệm, sau đó chuyển qua lối thường là hát với dàn nhạc phụ họa, tăng dần sức mạnh mà dàn nhạc họa theo. Hành âm thứ tư có vẻ là thể hiện tinh thần của ba hành âm trước đó và trọn ban nhạc kết thúc buổi trình diễn. Bản hòa tấu tan dần trong không, và đột nhiên ta nhận thấy sự tĩnh lặng rất đỗi chú ý lúc ban đầu nay lại bao trùm một lần nữa. Tôi nhìn lên ngọn cây nơi cô ca sĩ ngồi trước đó thì không thấy cô đâu, nhóm gồm ban nhạc và những chú lùn vẫn ở vị trí của mình nhưng nay các nhạc sĩ ngồi trên mặt đất.

Có một lão ông thật già bước ra khỏi khu rừng, Ông có chòm râu dài phất phơ và mặc lễ phục. Ống bước chậm rãi từ tốn vào giữa cánh đồng, giơ tay lên trong dáng điệu cầu khẩn thần linh, khởi sự cái giống như lời triệu thỉnh vì hai nhóm nhạc sĩ cúi đầu và lắng nghe tiếng nói ông thốt ra. Tôi không hiểu chữ nào trong lời của ông những tôi biết đó là kinh cầu, xin cho công việc vừa hoàn tất được thành công. Đó là một nỗ lực bằng ý chí vì mỗi thành viên của cả hai nhóm đều tập trung tư tưởng tối đa, mong cho mục đích được thành tựu. Sự việc chấm dứt đột ngột và lão ông nhẹ nhàng khuất dạng vào rừng già, rồi nhóm nhạc sĩ đang ngồi nay đứng dạy, đi ra ngoài cánh đồng, biến mất khỏi tầm nhìn của chúng tôi. Tôi bị mê man tột độ với cái đã nghe tới mức không muốn nhúc nhích, và lời nói của Acharya làm tôi giật nẩy mình:

  • Nào, đêm nay có bấy nhiêu. Tôi rất muốn biết sáng mai anh nhớ được bao nhiêu chi tiết.

Tôi vẫn còn như người trong mộng khi chúng tôi đứng dậy, lướt qua khoảng trống giữa những cây, bắt đầu con đường trở về. Acharya cho chúng tôi vài ý niệm về mục đích của nghi lễ vừa được chứng kiến, nhưng tôi không hiểu rõ cho lắm lời ông nói, vì trí não tôi vẫn còn quay mòng mòng, và tôi nghĩ mãi về ảnh hưởng tinh thần tuyệt diệu có vẻ như là một phần nổi bật của buổi hòa nhạc từ đầu tới cuối.

Tôi nhớ là ông mô tả những nhạc sĩ khác nhau, ông nói các chú lùn là tinh linh còn ban nhạc gồm nhân vật thuộc thế giới thiên thần, là đường tiến hóa song song với loài người. Những thiên thần này có mức phát triển theo đường của họ, tương đương Daphne và tôi có mức phát triển trong thế giới nhân loại. Nhân vật đơn ca thuộc hàng khác hẳn vì cô là một thiên thần tiến rất cao trong loài ấy, tương đương với một người hết sức tiến bộ theo đường tiến hóa của chúng ta. Lão ông có thể mô tả như một giáo sĩ, vì ông chuyện về phần việc tế tự trong đường tiến hóa của chư thiên, theo cách thức rất giống như nghi lễ của loài người.

Thời khắc trôi qua và chúng tôi về đến Học Viện, ngừng trước sân cỏ ngay trước cổng vào, vì Acharya nói là tôi cần in trong trí hình ảnh rõ ràng của tòa nhà này cho những dịp về sau. Tôi hỏi Daphne làm sao có thể tìm lại nàng lần nữa, với giả dụ là tôi có thể tự mình đến được tòa nhà này. Acharya trả lời thay cho nàng, bảo tôi có thể tin chắc là tìm được Daphne trong cùng gian phòng mà nàng đã ngồi khi tôi mới gặp lần đầu, vì cõi tình cảm không bị đông người chật chỗ nên đa số có thể giữ một nơi làm việc riêng biệt cho mình. Tuy nhiên ông đề nghị là Daphne nên chỉ cho tôi căn nhà nhỏ nơi nàng sống. Daphne sung sướng với đề nghị này và kêu chúng tôi đến xem.

Nàng dẫn đường bằng cách lướt lên trên mái của Học Viện, và tôi kinh ngạc thấy một hình ảnh giống như ngôi làng nhỏ, núp mình trong thung lũng cách phần sau của dinh thự rộng lớn chừng một cây số. Các ngôi nhà nhỏ nằm rải ra nên mỗi căn có ít nhất một mẫu ta đất (400 m2). Thấy rõ là chủ mỗi căn nhà chẳng những vẽ kiểu lấy nhà của mình mà luôn cả khu vườn, theo tâm tính riêng và sở thích cá nhân, cho ra kết quả xinh đẹp bội phần. Có những ngôi nhà trông như từ các vùng thơ mộng miền quê của Anh được mang tới, ngôi nhà khác làm nhớ lại những biệt thự nhỏ ở miền nam nước Pháp, cái khác nữa thì thuần kiểu Ý trong khi tôi để ý có ít nhất hai ngôi nhà xây giống đền thờ phương Đông. Acharya quan sát thấy tôi chú tâm đến những kiểu kiến trúc khác nhau, nên chỉ cho xem hai ngôi nhà có mái vòm tương tự như đền thờ Hồi giáo mà tôi đã thấy, ông nói chủ nhân của chúng đặc biệt muốn có phòng với âm vang hoàn hảo.

Tuy muốn có thời giờ để nhìn lâu cảnh trí hết sức thanh tú này, tôi cảm nhận rằng Daphne nóng lòng muốn chỉ nhà của nàng cho chúng tôi xem nên với Daphne dẫn đường đi trước, chúng tôi đi bộ dọc theo con đường làng khoảng 200 thước. Nàng đưa chúng tôi qua cánh cổng vào vườn có hoa nở muôn hồng nghìn tía thật rực rỡ. Ngôi nhà tự nó chỉ có thể tả là ngôi nhà trong mơ, kiểu nhà lập tức làm tôi yêu thích ngay. Trước hàng hiên là một vườn cỏ nhỏ, ở giữa có cây cho bóng mát và vài chiếc ghế mây đặt dưới tàng lá xòe quanh, trông thật thoải mái và tươi mắt với gối êm bọc màu sáng. Tôi ý thức ngay lợi điểm của cõi tình cảm, ấy là ta không sợ trời mưa hay ăn trộm nên bàn ghế có thể đặt ngoài sân vô hạn kỳ.

Chúng tôi đi vào nhà và Daphne chỉ cho xem trước tiên căn phòng rộng nhất trong bốn phòng của ngôi nhà. Nó được trang trí làm phòng khách với ghế bọc nệm, ghế dựa, bàn đó đây, mấy cái ghế nhỏ và một cây dương cầm nhỏ trong góc. Không có vẻ gì là khoe khoang nhưng rõ ràng là chủ nhân bày biện hoàn toàn theo ý của mình, điều lắm khi bất khả trong thế giới của chúng ta do giá tiền của những món mà ta muốn có. Ở đây không bị giới hạn như vậy và nhìn căn phòng, nó muốn nói chủ nhân có khiếu thẩm mỹ mà không có ý phô diễn dưới bất cứ hình thức nào. Có nhiều cửa sổ lớn chiếm gần hết chiều dài của phòng khách, ánh sáng trong trẻo ở cõi tình cảm chiếu xuyên qua đó, làm nổi bật màu sắc hòa hợp thanh nhã của khăn thêu phủ mấy cái ghế và ghế dài, cũng như màu sắc của chiếc thảm Ba Tư rất ăn ý với vải bọc ghế, bọc nệm và màn cửa.

Tôi thấy ngay ở cảnh này rất dễ có được sự toàn hảo nếu người ta biết phải làm gì. Nơi cõi trần ta phải mất nhiều năm mà có thể vẫn không tìm được tấm thảm Ba Tư hòa hợp tuyệt diệu với màu sắc dùng để trang trí căn phòng. Tường có màu ngà và để trần, chỉ có một hai bức họa màu nước lý thú và bức tranh khảm (etchings). Đây là gian phòng làm người ta muốn vào ngồi, nó trông như nhà ở mà không phải là gian phòng được trưng bày để phô diễn. Chỉ bước vào mấy gian phòng là bạn biết ngay chủ nhân thuộc loại người nào, và tôi có thể hiểu được tại sao Daphne muốn dẫn chúng tôi đến xem nhà của cô.

Gian phòng rộng thứ nhì được trần thiết làm phòng ngủ đầy nữ tính, có chiếc pan ở một góc và những bàn ghế khác mà người ta thường thấy trong căn phòng trang hoàng đầy đủ loại này. Tôi ngạc nhiên là tại sao lại cần phòng ngủ ở cõi tình cảm, nơi mà đời sống hàng ngày không cần phải ngủ. Dẫu vậy Daphne giải thích bằng cách hỏi tôi rằng không phải có những lúc tôi muốn ngồi dựa lưng, hoặc chỉ để nghỉ ngơi hoặc đọc sách hay sao. Tôi phải nhìn nhận rằng có, và Daphne bảo tôi nàng trải qua nhiều giờ khắc hạnh phúc trong lúc ngồi xả hơi trên pan, suy nghĩ, đọc sách và vẽ ra kế hoạch cho tương lai.

Hai phòng còn lại là phòng đọc sách và bếp. Thư viện được trần thiết đầy vẻ mỹ thuật và cho cảm tưởng thoải mái như hai phòng kia, kệ đầy sách đồng bằng da của Nga đặt kín hai bề của gian phòng. Chỉ bề ngoài của sách là đủ mời gọi ta ngồi xuống mở ra đọc. Bếp có đủ mọi tiện nghi hiện đại và dù là tôi tưởng là căn bếp không cần ở cảnh này, Daphne bảo nàng vẫn thích làm bánh cho các buổi tiệc. Acharya nhận xét thêm là con người bỏ thói quen rất chậm, và thường phải mấy chục năm trải qua trong cảnh sống ở cõi trung giới mới làm người ta mất hẳn thói quen cũ.

Tôi muốn ở lại lâu hơn nhưng có thể thấy là Acharya nghĩ đã tới giờ về. Tôi ngỏ ước muốn chót là được dành vài phút ngoài sân. Thật vui thích được đi thơ thẩn giữa những luống hoa, ngửi hương của những bông hoa đặc biệt và thấy rằng hoa nào cũng có hương giống như ở cõi trần, nhưng có lẽ nồng đậm hơn. Acharya giải thích điểm này là tôi chỉ có thể nhận ra được hương hoa nếu biết trước nó là gì, lấy thí dụ nếu có bông hoa mà tôi chưa từng thấy và mùi hương xa lạ với tôi, tôi chỉ ngửi được hương mà tôi tưởng tượng là nó có xét theo hình dáng bề ngoài của hoa, trong khi mùi hương thực sự có thể khác xa với cái tôi tưởng tượng.

Daphne đưa chúng tôi ra cửa và chúng tôi chào từ giã nàng. Tôi đoán chắc với nàng là thế nào tôi cũng trở lại thêm lần nữa nếu tìm được đường lên. Chúng tôi lướt trong không băng qua mái của Học Viện, đáp xuống đất lần nữa ở chân đồi mà tòa nhà tọa lạc trên đỉnh. Acharya nhắc tôi ghi nhớ hình dáng dinh thự vào trí tưởng tượng của mình, để tôi có thể tạo ra một hình tư tưởng đúng y về nó mỗi lần muốn đến nơi đây. Tôi làm theo như ông dặn. Xong Acharya bảo là đã tới giờ trở về thể xác của tôi ở Sri Lanka, và cách thức quay về thì y hệt như cách chúng tôi dùng khi đến cảnh này của cõi trung giới. Ông bảo tôi đừng lo lắng chi mà chỉ dùng sức mạnh ý chí, cố gắng tạo hình tư tưởng của đồng cỏ bên ngoài căn nhà của tôi ở Colombo. Ông nắm lấy tay tôi như đã làm trước đó, nhưng nói đó chỉ là để cho tôi tự tin hơn và thật ra không cần thiết chút nào.

Tôi bắt đầu tập trung tư tưởng với hết sức mình và khi làm vậy, tôi để ý là cảnh chung quanh lập tức mờ nhạt dần và tuy theo thực tế là không có sức gió cản đáng kể, tôi có cảm tưởng là mình đang di chuyển trong không gian. Theo bản năng tôi nhắm mắt và có lẽ vài giây sau cảm giác di động dường như ngưng lại. Mở mắt ra tôi thấy Acharya đứng cạnh tôi trên sân cỏ bên ngoài nhà ở Colombo, mỉm cười với sự ngạc nhiên thấy rõ của tôi. Hai chúng tôi lập tức đi vào nhà qua cánh cửa khóa, lên cầu thang và xuyên qua cửa phòng ngủ, tôi không còn ngạc nhiên là không cánh cửa nào cho ra chút cản trở.

Lẽ tự nhiên thể xác mà tôi để lại mấy giờ trước đó vẫn còn nằm say ngủ trên giường, nhưng có vẻ như nó tỏ ra vài dấu hiệu như không yên. Acharya giải thích đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi sắp tới giờ thức giấc. Ông nói chỉ vài phút ngắn thôi là tôi sẽ dậy, và nhấn mạnh chuyện cần thiết là tôi phải ngồi xuống ghi lại tức thì những chi tiết của việc xảy ra trong đêm vừa rồi. Ống đặt tay lên trên đỉnh đầu của tôi và làm như định tâm vào những tế bào não để chúng giúp tôi nhớ lại. Tôi không nhớ là mình có chào Acharya và có thấy ông rời khỏi phòng hay không, vì chỉ trong vài giây tôi cảm nhận một thôi thúc rất mạnh trong lòng muốn trở về thân xác, và với cử động trườn người đã để ý trong một dịp trước, tôi chui vào nó trở lại và lập tức thức giấc.

Tạ ơn trời, ký ức đêm trước vẫn còn ở trong đầu nên tôi ra khỏi giường ngay tức khắc, mặc đồ ngủ và lại bàn viết khởi sự ghi xuống chi tiết chuyến đi. Lúc đó là 5.45 và tôi thấy cần phải bật đèn vì trời chưa đủ sáng ở đây để viết hay đánh máy. Phải mất một lúc lâu mới ghi xong bài viết nhưng bởi đã cẩn thận xếp đặt trước để không bị quấy rầy, tôi có thể làm xong việc một cách yên tĩnh mà không có gì bên ngoài làm chia trí.

Ăn sáng xong tôi đọc lại bài viết của mình để xem chắc là không bỏ sót điều chi. Tối nay tôi dự tính tự nỗ lực một mình trở lại cảnh thứ ba, dùng Học Viện nơi Daphne làm việc là mốc điểm để tới.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh