Chân Không Hóa Cảm Xúc

CHÂN KHÔNG HÓA CẢM XÚC

Khi chúng ta ném quả banh cực mạnh vào bức tường, thì quả banh sẽ văng ngược lại bằng tốc độ tương đương. Nếu cảm xúc chúng ta là môi trường chân không, rõ ràng không bị vật lý cản trở thì sự ném nỗi khổ niềm đau vào trong con người không làm cho con người đó bị khổ đau, vì cảm xúc của người đó không lưu giữ lại điều gì không có lợi. Nỗi đau đó sẽ rút vào chân không của cảm xúc, cho đến lúc nó chấm dứt sự vận hành, do lực tác dụng đã không còn nữa.

Nói cách khác, quán không có thọ giả là cách thức tạo ra trạng thái chân không trong dòng cảm xúc. Duy trì trạng thái chân không đối với cảm xúc sẽ giúp cho hành giả không bị vướng vào chỗ nào của khổ đau cả. Bất cứ những gì diễn ra, người biết quán không thọ giả vẫn nghiễm nhiên nở nụ cười hoan hỷ. Dĩ nhiên, điều đó rất khó.

Đức Phật dạy cách ứng xử như vậy trong kinh điển và có rất nhiều vị Bồ-tát đã hành trì thành công. Nếu con người có bản lĩnh, dám làm và nỗ lực có phương pháp, vẫn có thể đạt được thành công như các Ngài.

Ngành y học hiện đại có tiến bộ lớn khi chế ra chất gây tê làm cho hệ thống trung khu thần kinh không còn cảm giác đau đớn trong lúc mổ. Nhờ vậy, việc mổ xẻ chữa bệnh không để lại ấn tượng về cơn đau hoành hành thân thể và cảm xúc của bệnh nhân. Trước khi thực hiện ca mổ, bệnh nhân phải chấp nhận tiêm thuốc gây mê. Chất thuốc này được hoạt dụng để làm tê liệt cảm giác đau đớn. Tê liệt cảm xúc là cách thức làm quên nỗi đau. Phản ứng phụ của nó có thể tạo ra sự mất trí nhớ, ảnh hưởng đến não trạng, tim mạch, sức khỏe của các chi phần còn lại trên cơ thể. Do đó, nó không phải là giải pháp cần thiết và tốt nhất.

Chân không hoá cảm xúc là cách thức gây tê nỗi đau, để vô hiệu hoá nỗi đau vật lý. Nhờ đó, tinh thần vẫn vững chãi trong nỗi đau vật lý của thân.

Nhà Phật giới thiệu pháp môn thiền định đặc biệt, được gọi là Diệt thọ tưởng định. Hành giả khi rơi vào trạng thái định này thì dòng cảm xúc và ý niệm hoá không còn hoạt động nữa. Các hoạt động của thân (thân hành), lời nói (khẩu hành) và ý thức (ý hành) đã lắng dịu hoàn toàn. Mặc dù các giác quan vẫn rất sáng suốt trong trầm mặc, mà con người vẫn điềm nhiên trước mọi biến cố trong đời, không hề bị bất cứ cái gì làm cho lay động.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Đức Phật Thích Ca thiền định bất động dưới gốc cội bồ đề 49 ngày, tổ Bồ-đề Đạt-ma xoay mặt vào vách núi chín năm, chính là trạng thái Diệt thọ tưởng định. Đức Phật dạy không nên dừng lại ở loại thiền định này, vì như vậy hành giả sẽ rơi vào ngộ nhận khi cho rằng sự vắng mặt của dòng cảm xúc và ý niệm hoá là giác ngộ tối hậu. Ngài tiếp tục dạy rằng các hành giả phải biết cách chuyển tâm về tam minh và tứ trí, mới có thể chứng đắc sự giác ngộ và giải thoát. Các hành giả Bà-la-môn giáo cho đó là trạng thái an lạc giải thoát cuối cùng, nên họ tu hoài mà không đạt được an vui.

Thiền Diệt thọ tưởng định chỉ có giá trị an lạc tạm thời, bởi nó tĩnh tại trong suốt thời gian con người đạt được trạng thái không còn ý niệm và cảm giác, nên mọi khổ đau có cũng trở thành không.

Khi buông trạng thái đó ra thì nỗi khổ đau của cảm xúc vẫn tiếp tục xuất hiện chinh phục, khống chế, tác động đến đời sống con người. Do vậy, nó không phải là giải pháp dễ thực hiện và mang lại hiệu quả đối với đại đa số quần chúng.

Tuy nhiên, trong trường hợp của nỗi đau, chỉ cần hành giả áp dụng một phần của loại thiền định này, đã có khả năng tách rời nỗi khổ đau thân thể ra khỏi dòng cảm xúc. Như vừa nói, nỗi khổ đau đặt trên nền tảng của thân thể và cảm xúc. Khi vô hiệu hoá cảm xúc và ý niệm hoá thì nỗi đau có cũng như không. Cũng giống như luồng điện hiện hữu trong một bóng đèn. Khi bóng đèn bị vỡ thì ánh sáng không còn mà dòng điện vẫn còn tồn tại.

Mua đá năng lượng:

Khi bị bế tắc trong quan hệ tình cảm, hay làm ăn buôn bán, thì nỗi khổ niềm đau cảm xúc gia tăng lớn. Trong tình huống như vậy, chỉ cần tách rời dòng cảm xúc và thân thể ra làm hai thì vấn đề khổ đau được giải quyết. Bởi dòng cảm xúc chỉ có thể tồn tại trên thân thể. Khi thân thể đã tách rời khỏi cảm xúc thì nỗi đau có chỗ đâu mà bám víu.

Chúng ta có thể vận dụng phương pháp quán sát thân thể con người gồm có bốn thành tố: đất, nước, gió, lửa. Các thành tố vật lý này không phải là của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, và tôi không lệ thuộc vào bốn thành tố thân thể vật lý ấy.

Nhờ quán sát như vậy khổ đau được chấm dứt.

Trong kinh Trung Bộ, đức Phật dạy rằng cho đến khi nào dòng cảm xúc vẫn còn có mặt thì nỗi khổ đau vẫn còn theo đuổi. Khi nào chúng ta không còn dòng cảm xúc nữa, lúc đó sẽ đạt được hạnh phúc lâu bền. Cách quán không có cảm giác và ý niệm trong nỗi đau thực chất là vô hiệu hoá nỗi đau, bằng cách tách rời dòng cảm xúc ra khỏi thân và do đó không có chỗ để bám víu.

Trong trạng thái Diệt thọ tưởng định con người sẽ được an nhiên tự tại và hạnh phúc. Đó là cách thức mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã ngồi chín năm xoay mặt vào vách, không hề ăn uống mà cái chết vẫn không diễn ra, sự sống vẫn tiếp tục tồn tại, vì ở đó, ý thức về thời gian, không gian, nỗi khổ, niềm đau đều đã tan biến vào hư không. Con người kéo dài mạng sống trong trạng thái tĩnh tại. Trạng thái này có mặt trong lúc nhập định, còn khi xuất thiền thì chúng ta vẫn trở về với thế giới thực tại, với rất nhiều phiền não nghiệp chướng và nghịch cảnh. Lúc đó chưa chắc chúng ta đã được thành công.

Chính vì vậy đức Phật đã dạy thiền minh sát (Vipassana), giúp cho hành giả nhìn thẩm thấu mọi sự vật đang diễn ra như chúng đang là. Nhờ trang bị hành trang minh sát trong đời sống, hành giả không để dòng cảm xúc thương, ghét, nhị nguyên can thiệp và sai xử, chẳng hạn như theo khuynh hướng thích hợp với mình thì tán đồng, không thích thì loại trừ, chống đối thế này thế kia. Quán tưởng nhiều lần rằng dòng cảm xúc vốn không có một thực thể cảm xúc nào được diễn ra, không có tác giả cố tình gây tạo, lại cũng không có thọ giả để chịu nhận, thì nỗi khổ niềm đau dễ dàng tan biến.

Ngày 11-6-1963, nhiều người trên thế giới đã chứng kiến cảnh tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức ngồi thiêu thân tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng nay là Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu. Sự kiện đã gây chấn động khắp thế giới. Vì người ta đã nhìn thấy một vị sư rất thong dong, tự tại bước xuống chiếc xe hơi nhỏ, rồi cầm can xăng 20 lít tưới tẩm toàn thân, sau đó ngồi trong tư thế kiết già bất động. Điềm tĩnh lấy trong tay áo hậu ra một cái hộp quẹt bật lửa, hộp quẹt không cháy, vị Tăng trẻ khác đưa cái hộp quẹt thứ hai đến cho Ngài. Ngài điềm nhiên bật lửa lên, lửa cháy phủ thân thể suốt 15 phút. Ngài vẫn ngồi an nhiên.

Hòa thượng đã bất động 15 phút. Khi thịt da của Ngài đã cháy đen, thân thể mới ngã xuống phía trước nhè nhẹ, an lành và tĩnh tại. Sau đó phần nhục thân của Ngài được đưa đến hỏa thiêu tại An Dưỡng Địa. Điều kỳ diệu đã diễn ra khi thiêu. Hơn 40 ký giả, báo chí và truyền hình nước ngoài hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến quả tim của Ngài vẫn nguyên vẹn, mặc dù lửa thiêu lên đến 4000oC. Quả tim ấy được gọi là “Quả tim bất diệt”.

Có thể nói từ sự kiện đó, dẫn tới việc chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị sụp đổ. Sự kiện đó cũng đã làm cho tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ, Kenndy đã phải thốt lên lời than rằng Việt Nam đã có một bạo chúa. Nói theo Phật giáo, do có ông bạo chúa Ngô Đình Diệm mà Bồ-tát Thích Quảng Đức đã xuất hiện, vị Bồ-tát của tình thương.

Nhiều người cho rằng những vị chân tu qua đời, khi thiêu thường để lại những viên xá-lợi nhỏ nằm dọc theo xương sườn.

Tại sao một quả tim bất diệt trong lửa đỏ 4000oC mà xá-lợi lại không thấy. Hãy trở về quá khứ đã từng có một vị Tổ tên là Cưuma-la-thập dịch rất nhiều kinh điển mà ngày nay Phật tử chúng ta thường tụng như kinh A Di Đà, theo cấu trúc thứ tự văn chương rất mạch lạc, nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ thuộc. Khi sắp viên tịch, Ngài phát nguyện: “Nếu như tất cả những lời tôi giảng kinh, thuyết pháp và dịch thuật kinh điển đúng với bản hoài của chư Phật, thì xin có một điều gì đó làm chứng sau khi tôi chết”. Đến khi Ngài viên tịch, thân thể của Ngài được hoả thiêu. Tất cả đều cháy hết, duy chỉ có cái lưỡi của Ngài vẫn còn nguyên vẹn.

Đó là một sự thật lịch sử. Còn đối với Bồ-tát Quảng Đức, nếu chúng ta suy gẫm lời di chúc của Ngài: “Xin Tổng thống Ngô Đình Diệm hãy sử dụng lòng từ bi và bác ái để ứng xử với muôn dân trong đó có tín đồ của đạo Phật”. Bác ái là đối với những người Thiên Chúa giáo, còn từ bi là đối với đạo Phật. Đã là từ bi thì ứng xử không phân biệt tôn giáo. Ngài kêu gọi Ngô Đình Diệm chỉ cần dùng lòng bác ái cũng đã tốt lắm rồi. Còn tốt hơn nữa, nếu ông có lòng từ bi, thì dân tộc Việt Nam sẽ không còn khổ đau nữa.

Ngài xuất phát từ lòng từ bi, chứ không phải là lòng sân hận nên trong trạng thái của Diệt thọ tưởng định cộng với lòng từ bi, kết thành quả tim bất diệt. Bởi quả tim tượng trưng cho tình thương và lòng từ bi không bao giờ bị tan biến trong lửa dữ của sân hận, trong tất cả những biến cố của cuộc đời.

Nếu hành giả duy trì được trạng thái quán tưởng Hoả quang tam muội hay thiền từ bi trong những nỗi khổ niềm đau, thì trạng thái không thọ giả sẽ được tồn tại. Giống như trạng thái của người mẹ sẵn sàng chịu nỗi khổ niềm đau cho con của mình. Còn khi mà tình thương không có, thì khó mà chịu đựng nổi.

Anh em giúp đỡ lẫn nhau có giới hạn, ông bà đối với con cháu cũng có giới hạn. Cha mẹ thì giới hạn được rút ngắn ở mức tối đa. Lòng từ bi đã giúp cho Bồ-tát Quảng Đức quán được không thọ giả trong lửa dữ suốt 15 phút và khi thiêu với 4000oC quả tim của Ngài vẫn không hề hấn gì.

Kinh Đại Bát Niết Bàn có ghi lại những ngày cuối cùng của đức Phật Thích Ca. Vào những ngày cuối đời, khổ thọ của thân đang diễn ra khốc liệt, Ngài phải nghiêng người qua bên trái rồi nghiêng qua bên phải, nghiêng tới nghiêng lui vẫn không khỏi đau. Lúc đó, Ngài mới nhập vào thiền định, từ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền rồi sau đó là bốn thiền vô sắc giới rồi diệt thọ tưởng định, mới có tác dụng. Ngài phải lập đi lập lại tiến trình chín định đến 28 lần, nhờ đó, ngài vượt qua hoàn toàn cảm giác đau đớn của thân.

Trong thiền quán, hành giả có thể vô hiệu hoá cảm xúc bằng cách vượt lên trên hoạt dụng dòng cảm xúc tại trung khu cảm giác, chứ không cần phải làm tê liệt như y học. Tê liệt là trạng thái ức chế. Vượt lên trên nghĩa là tạo ra cái hỷ lạc trong thân. Trạng thái hỷ lạc này Ngài đã dạy rất rõ trong 16 pháp quán niệm. Ngài dạy khi hít một hơi thở vào thật sâu hay thở ra một hơi thở nhẹ nhàng, chúng ta liên tưởng trạng thái hỷ và lạc đang tồn tại khắp toàn thân. Toàn thân được hiểu là nó có mặt trong từng xớ thịt, làn da, tế bào, gân cốt, mạch máu. Nếu niềm hỷ lạc tồn tại và xâm chiếm khắp toàn thân thì dòng cảm xúc của khổ đau nếu có cũng được tan biến đi.

Quán tưởng như vậy sẽ chiến thắng được cảm xúc khổ đau mà không cần dùng đến những loại thuốc gây tê hay gây mê.

Nhập vào dòng thiền Diệt thọ tưởng định chỉ vô hiệu hoá khổ đau trong một thời gian ngắn. Vận dụng phương pháp quán về tĩnh tại hỷ lạc đang tồn tại toàn thân, an lạc toàn thân tôi thở vào, an lạc toàn thân tôi thở ra, thì lúc đó hành giả có thể vượt qua được khổ đau. Phương pháp này là một trong những nghệ thuật rất hay mà chúng ta có thể áp dụng. Nếu áp dụng chắc chắn sẽ thành công.

Câu chuyện cuối cuộc đời của Phật nói lên một sự thật là đừng nghĩ rằng các đức Phật, các vị Bồ-tát, A-la-hán, bậc Thánh tăng, các vị xuất gia chân chánh không bao giờ bị bệnh.

Các Ngài cũng bị bệnh, vì có thân thể vật lý thì nó phải bệnh.

Trong kinh Di Giáo, đức Phật dùng từ rất ấn tượng, diễn tả về chiếc thân già nua vô thường: “Thân thể ta đang sử dụng nay nó như một chiếc xe đã cũ. 80 năm rồi còn gì”.

Theo quy luật, sự vật tồn tại ít hơn mạng sống con người.

Chúng ta thường nói: “Một đời ta ba đời nó”. Đức Phật nói thân thể này Ngài đã dùng 80 năm rồi, cũng như một chiếc xe, theo quy luật, nó phải cũ, cũ thì phải hư, hư thì phải ngừng hoạt động. Khi phải giã từ với chiếc xe cũ với mấy mươi năm kỷ niệm, hành giả nên quan niệm rằng ta đang có cơ hội sử dụng một chiếc xe mới. Nhờ vậy, hành giả không còn khổ đau về những cảm giác bất thuận lợi do thân thể vật lý đang đến hồi hoại diệt gây ra. Chỉ cần quan niệm được như vậy thôi là đã có thể tháo gỡ niềm đau cảm xúc nhiều lắm rồi.

Nghĩ được như vậy, thì đừng than với Phật “Phật ơi! Gia hộ cho con hết khổ”. Cầu nguyện không hết khổ đâu. Con người phải làm rất nhiều công đức, nhất là công đức về tuổi thọ và sức khỏe thì mới sống khoẻ và sống thọ được. Nhờ có phước của tuổi thọ đã gieo trồng trước đây, lời cầu nguyện về tuổi thọ và sức khỏe sẽ làm cho hạt giống tuổi thọ kéo dài mạng sống của người cầu nguyện, dưới tác động của năng lực hồi hướng.

Giống như trong tài khoản có tiền, bây giờ chuyển khoản tiền đó cho thân nhân của mình, thì người kia mới nhận được.

Nếu trong tài khoản ta không có đồng nào hết thì chắc chắn chúng ta không thể nào chuyển được cho ai và cũng không giao hoán tài sản cho bất kỳ ai.

Muốn cho nỗi khổ niềm đau không có mặt, thì phải gieo trồng phước báu của tuổi thọ và sức khỏe, chúng ta mới vượt khỏi. Nếu không gieo trồng phước báu ấy, thì nỗi khổ niềm đau vẫn tiếp tục gia tăng, nếu không vững tâm, chúng ta trở nên tiêu cực, chán nản, thất vọng, bế tắc.

Một phương pháp quán khác được đề cập trong kinh điển là quán chỉ đơn thuần là cảm xúc. Quý vị lưu ý từ “Chỉ đơn thuần”.

Trong ngữ cảnh của thuật ngữ hành trì này, “đơn thuần” có nghĩa là trong dòng chảy của cảm xúc không mang theo hạnh phúc và khổ đau. Khi dòng cảm xúc xuất hiện, hành giả chỉ ghi nhận nó xuất hiện như vậy thôi. Không đánh giá cảm xúc, chẳng hạn: đau khổ bao nhiêu, đau con mắt hay lỗ tai, cái chân, đau này là của hàm răng, bao tử. Nghĩa là trong phương pháp quán này, hành giả không nên chấp vào tướng chung và tướng riêng của cảm xúc đau khổ hay hạnh phúc. Tướng chung của cảm xúc là các biểu hiện thái độ đồng tình hay không đồng tình trước hai đối tượng thích hoặc không thích. Trong khi tướng riêng của cảm xúc chính là dòng cảm xúc đặc thù đối với phản ứng giác quan vừa được khởi lên.

Khi soi gương thấy cái má bị sưng phù, thì biết cái đau này liên hệ đến hàm răng. Nhìn thấy cái đau ở hàm răng là nhìn cái tướng chung của cảm xúc đau, ở đây là đau răng. Đối với cái riêng của cảm xúc đau răng, chính là cái biết về cái đau răng này là ở cái răng cùng, răng khôn hay răng cửa v.v... Khi nhìn tướng chung hay tướng riêng của cảm xúc thì chúng ta sẽ không chiến thắng được cảm xúc. Ngược lại chỉ quan sát nó đơn thuần là cảm xúc thôi, mới có thể vượt lên trên nó và tháo gỡ những bế tắc.

Để làm được điều đó cần phải có những sự hỗ trợ. Đầu tiên là chăm sóc các giác quan của mình, làm thế nào để các giác quan hoạt động tuân thủ và phục vụ cho đời sống của mình, chớ không nên lệ thuộc vào nó. Thứ hai là không nuông chiều giác quan, theo kiểu nó yêu cầu gì thì mình đáp ứng ngay. Các giác quan chỉ đóng vai chức năng và là công cụ phục vụ cuộc sống và sự hành trì, chứ hành giả không nên trở thành kẻ phục vụ cho giác quan. Nếu biến giác quan thành kẻ phục vụ hay đầy tớ trung thành, thì con người được hạnh phúc. Nếu biến bản ngã thành kẻ đầy tớ trung thành của giác quan thì con người bị khổ đau. Cảm xúc thiên biến vạn hóa. Chạy theo nó, chúng ta sẽ không có được giây phút thảnh thơi.

Do đó, phải tạo những nhịp ngắt và để nó hoạt động theo cách mình muốn. Nhờ vậy, chúng ta mới quán thành công rằng cảm xúc chỉ đơn thuần là cảm xúc; ở đây, không có ý niệm về cảm giác hạnh phúc, khổ đau hay trung tính. Nhờ quán niệm như vậy, thế giới cảm xúc của hành giả sẽ không rơi vào tình trạng khi trương phình, lúc xẹp lép, khi quá thấp, lúc quá cao, khi quá nóng, lúc lại quá lạnh.

Phương diện hỗ trợ thứ hai là quán sát nhìn thấy được dòng cảm giác tiêu cực đang diễn ra trong cơ thể của mình, nêu quyết tâm trừ bỏ cảm giác khổ đau cũ. Không để cho cảm thọ khổ đau mới diễn ra. Phải nêu quyết tâm với ý thức rõ ràng trong khi tự điều phục tâm, để tâm nhìn thấy bản chất dòng cảm xúc như một dòng chảy. Giống như dòng chảy của nước không có sóng, đục, trong, mà chỉ đơn thuần là dòng nước.

Nói chung, phương pháp quán này nhằm giúp chúng ta không nên trụ mắc vào dòng cảm xúc, để mọi biến thiên của cảm xúc không ảnh hưởng đến sự an lạc và tĩnh tại của con người.

Tóm lại, có rất nhiều cách để chiến thắng được nỗi khổ niềm đau của cảm xúc. Khi ứng dụng hành trì, hãy lấy giá trị của an lạc làm thước đo. Nếu thực hành thời gian ngắn mà có kết quả, thì chúng ta biết là hành trì đúng. Còn nếu thực hành sau năm bảy tháng vẫn không có kết quả, nỗi khổ niềm đau vẫn gia tăng, như mặc cảm tự ti, thất vọng, chán nản, trầm uất vẫn có mặt, lòng sân, si vẫn xuất hiện, nỗi buồn vẫn len lõi, sợ hãi vẫn hoạt động, thì chúng ta biết mình chưa hành trì đúng lời Phật dạy.

Hãy vận dụng cách quán không tác giả hoặc quán không thọ giả hay quán đơn thuần là dòng chảy của các giác quan thì mới chuyển hóa được các cảm xúc tiêu cực. Hình ảnh “Cha trẻ con già” trong kinh Pháp Hoa là một ảnh dụ, nhằm nói lên rằng kết quả của sự thực tập không lệ thuộc vào thời gian và tuổi tác.

Phương pháp tu tập là một trong những cách thức rút ngắn thời gian tu tập. Quá trình và thành quả tu tập không nên được tính đếm tỷ lệ thuận với thời gian, mà nó phải tỷ lệ thuận với phương pháp hành trì và năng lực tâm trong sự hành trì đó.

Nếu tâm lực đặt trên nền tảng của lòng vô ngã, vị tha thì sự hành trì này thăng tiến nhanh.

Nếu đặt trên nền tảng của danh vọng, quyền lợi, cạnh tranh, lấy le với thiên hạ thì chắc chắn qua mỗi sự hành trì, bản ngã sẽ được nuôi lớn. Cảm giác hạnh phúc nếu có lúc đó cũng chỉ là cảm giác tạm thời, chứ không phải hạnh phúc thật. Lao theo hạnh phúc của bản ngã thì nỗi khổ niềm đau sẽ gia tăng.

Đôi lúc có người tự hỏi: “Tại sao tôi làm Phật sự mấy mươi năm mà phiền não cứ có mặt”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thái độ vô ngã trong Phật sự chưa được trọn vẹn, cho nên gai góc của nghịch cảnh càng phát sinh.

Để chuyển hoá cảm xúc tiêu cực, trước nhất ta phải tu tập vô ngã trong nhận thức và trong tâm lý. Ứng xử hành trì với trạng thái vô ngã nhiều chừng nào, thì đi tới đâu hành giả được hanh thông tới đó. Vô ngã vượt qua khỏi biên giới của chủ nghĩa hình thức, cũng không lệ thuộc vào chủ nghĩa học thuyết nào. Nó vừa là hoạt dụng tâm lý không chấp trước, tuỳ duyên và vô cầu. Hành đạo và sống đạo bằng tâm lý vô ngã, hành giả gặp nhiều hoàn cảnh thuận lợi. Còn nếu bám vào danh tướng nào đó, chẳng hạn như cho rằng phải là danh nghĩa này mới làm đạo được, còn những danh nghĩa khác thì không làm đạo được, như vậy hành giả đã đi sai con đường hành trì tuỳ duyên của nhà Phật. Nhà Phật không quan trọng danh nghĩa mà quan trọng ở cách thức dụng tâm. Khi dụng tâm đúng thì kết quả an vui tất sẽ có mặt.

Trích: Chuyển Hóa Cảm Xúc - Thích Nhật Từ

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh