Sức Mạnh Của Tĩnh Lặng: Chương 2. Vượt Lên Trên Căn Bệnh Hay Suy Tư Của Bạn

SỨC MẠNH CỦA TĨNH LẶNG: CHƯƠNG 2. VƯỢT LÊN TRÊN CĂN BỆNH HAY SUY TƯ CỦA BẠN

Căn bệnh trầm kha nhất của con người là: hay bị cuốn hút vào trong những suy tư, lo sợ vẩn vơ ở trong mình.

Đa số chúng ta hoang phí cuộc đời mình trong ngục tù của những suy tưởng không-có-chủ-đích, hay những lo sợ triền miên. Chúng ta chưa từng bao giờ vượt lên trên một cảm nhận hạn hẹp về tự thân(9) – được tạo nên bởi thói quen suy tư ở trong ta và thường bị trói buộc bởi quá khứ.

Ở trong bạn, cũng như trong mỗi con người, có một chiều không gian, chiều tâm thức sâu lắng hơn là những suy tư không-chủ- đích (trên bề mặt của tâm thức bạn). Đó cũng là tính chất của chính bạn. Chúng ta có thể gọi tên chiều tâm thức đó: Hiện Hữu, sự có mặt, sự nhận biết, hay thứ Tâm thức khoáng đạt, trong sáng, chưa-bị-trói-buộc(10). Trong những truyền thống tâm linh cổ điển, cái đó được gọi là Bản chất Thượng Đế(11) hay Phật Tánh(12) ở trong mỗi người.

Tìm ra được chiều không gian đó sẽ giải thoát bạn, và đời sống của bạn, khỏi những khổ đau mà bạn đã gây ra cho chính mình và những người chung quanh khi “cái Tôi nhỏ bé” – được làm ra bởi trí năng – là tất cả những gì bạn biết về chính mình, điều khiển cuộc đời của bạn. Lòng xót thương, niềm vui, khả năng sáng tạo bất tuyệt, và sự an lạc vững bền ở nội tâm không thể đi vào đời sống của bạn, ngoại trừ qua chiều tâm thức khoáng đạt, trong sáng, chưa bị trói buộc đó.

  • 9 Cảm nhận hạn hẹp về tự thân: Tức là thói quen rất bó buộc, chỉ nghĩ đến chính mình mà không nghĩ đến người khác. Đây là một ngục tù mà trí năng của bạn tự tạo ra cho chính mình.
  • 10 Tâm thức chưa-bị-trói-buộc: Là khả năng nhận thức nguyên sơ, rộng lớn, khoáng đạt ở trong mình.
  • 11 Bản chất Thượng Đế: Theo Thiên Chúa giáo, mỗi con người đã được Thượng Đế tạo ra theo khuôn mẫu thánh thiện, hoàn hảo, đẹp đẽ của chính Ngài. Đó là bản chất Thượng Đế ở trong mỗi con người.
  • 12 Phật Tánh: Tương tự như quan niệm Thiên Chúa giáo, theo Phật giáo, Phật Tánh là sự thuần khiết, thánh thiện, trong sáng không hề bị hoen ố, có sẵn ở trong mỗi con người.

Nếu bạn chỉ cần nhận thức, không cần phải thường xuyên, rằng những suy-tư-không-có-chủ-đích, những lo sợ vẩn vơ thường phát sinh ở trong bạn chỉ đơn thuần là những suy tư, những cảm xúc, không hơn không kém; nếu bạn có khả năng chứng kiến, và quan sát mà không phê phán những khuôn mẫu phản ứng rất bó buộc trong suy tư hay tình cảm ở trong bạn(13), khi những phản ứng đó đang xảy ra, thì chiều không gian trong sáng đó đang trở nên rõ nét, và lớn dần lên ở trong bạn. Đó như là một sự nhận biết về cái không gian mà trong đó những ý nghĩ và cảm xúc của bạn được diễn ra. Đó là một chiều không gian vô tận ở trong bạn, trong đó những tình huống của cuộc đời bạn(14) được phơi bày.

Dòng suy-tư-không-có-chủ-đích, những lo sợ tiêu cực, vẩn vơ,… của bạn có một quán tính rất mãnh liệt, chúng dễ dàng cuống phăng bạn đi. Mỗi ý nghĩ, mỗi cảm xúc xảy đến trong bạn thường giả vờ với bạn rằng cảm xúc, hay ý tưởng đó là một điều gì cực kỳ quan trọng đối với bạn. Ý nghĩ hay cảm xúc đó luôn luôn muốn lôi kéo tất cả sự chú tâm của bạn.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

  • 13 Những khuôn mẫu phản ứng rất bó buộc trong suy tư hay tình cảm: Đó là những rãnh mòn, những thói quen không thể cưỡng lại trong cách ta suy nghĩ và cảm nhận mọi sự, mọi việc. Ví dụ khi ta bỗng nhiên có một cảm giác trống vắng, cô đơn đang biểu hiện, phản ứng không thể cưỡng lại ở trong ta đi tìm quên qua sự chìm đắm trong một thú vui nào đó như dục tình, bài bạc, rượu chè,… để lấp đầy khoảng trống của sự cô đơn đó.
  • 14 Những tình huống của cuộc đời bạn được phơi bày: lấy nhau, sống chung, mất việc làm, gặp khó khăn, ly dị,…

Tôi có một thực tập tâm linh mới cho bạn: “Đừng quan trọng hóa những suy-tư-không-chủ-đích, những cảm xúc tiêu cực, lo sợ miên man đó!”(15).

Người ta thường dễ dàng bị trói buộc vào những ngục tù của khái niệm của chính mình(16).

Đầu óc của con người, vì luôn luôn muốn biết, muốn hiểu, muốn kiểm soát,… nên thường lầm tưởng rằng ý kiến và quan điểm của mình chính là chân lý. Đầu óc ta luôn nói rằng: “Đây là một chuyện hiển nhiên”. Bạn phải vượt lên trên những loại suy tư, cảm xúc ấy để nhận ra rằng, dù bạn có diễn dịch “đời mình” hay cuộc đời của một ai khác, hoặc phê phán về bất kỳ một tình huống nào,… thì đó cũng chỉ là một quan điểm, không hơn không kém, là một trong muôn ngàn quan điểm khác nhau. Đó chỉ là một mớ của những suy tư ở trong bạn. Ngược lại, thực tại là một toàn thể thống nhất, trong đó tất cả mọi thứ được đan quyện vào nhau, không có một cái gì có thể tồn tại độc lập, riêng lẻ. Suy tư của bạn cắt xén thực tại – cắt thực tại thành những mảnh vụn rời rạc của khái niệm.

  • 15 Đừng quan trọng hóa những suy-tư-không-chủ-đích, những cảm xúc tiêu cực, lo sợ miên man: Trong ta thường phát sinh những cảm xúc như sợ mất việc, sợ người khác không hài lòng về mình,… Nếu ta quan trọng hóa một cảm xúc thường đến bất chợt như thế thì ta dễ trở nên hoảng hốt, lo lắng vì một cái gì rất tạm bợ, không vững chắc, như bong bóng trên mặt nước, như mây trên trời, khi có khi không, khi đến khi đi. Chỉ cần chú ý và yên lặng thở với những cảm xúc ấy khi chúng xuất hiện ở trong bạn, chỉ vài phút sau là bạn sẽ hồi phục lại được sự quân bình ở trong mình. Nếu bạn có thì giờ thì hãy tiếp tục thở và nhìn cho sâu vào những cảm xúc ấy, bạn sẽ hiểu được gốc rễ, nguyên nhân của những cảm xúc ấy.
  • 16 Bị trói buộc vào những ngục tù của khái niệm của chính mình: Khi có một chuyện gì đó xảy ra, chúng ta cho sự việc ấy là như thế này hoặc như thế kia, điều này là một chuyện rất bình thường. Nhưng về sau, tuy đã biết thêm chi tiết và sự thật của chuyện ấy, chúng ta vẫn khư khư giữ lấy những suy nghĩ cũ của mình.

Đầu óc hay khả năng suy tư của bạn là một công cụ khá hữu ích và có nhiều năng lực, nhưng sự suy tư đó sẽ trở nên rất giới hạn khi nó bắt đầu chiếm hữu toàn bộ con người của bạn, nhất là khi bạn không nhận ra rằng suy tư chỉ là một phần rất nhỏ của Tâm – bản chất chân thật của bạn(17).

Sự thông thái không phải là sản phẩm của suy tư. Nhưng đó chính là cái Biết sâu sắc phát sinh từ một hành động đơn thuần là đặt sự chú tâm của mình một cách hoàn toàn vào một người hay một vật. Sự chú tâm chính là sự sáng suốt nguyên sơ, là tự thân của ý thức – là khả năng nhận biết ở trong mình. Sự chú tâm này làm tan vỡ những biên giới được tạo ra bởi những suy tư, và khái niệm của bạn, từ đó bạn nhận thức rằng không một thứ gì có thể tự mình mà tồn tại được. Sự chú tâm giúp cho chủ thể và đối tượng(18) hòa với nhau trong một trường ý thức thống nhất. Đó là thứ có thể chữa lành sự chia cách ở trong bạn.

  • 17 Tâm: Tức là cái Biết linh hoạt, và sống động ở trong ta. Đó chính là bản chất chân thực của mình.
  • 18 Chủ thể và đối tượng: Một thuật ngữ của Thiền, chủ thể là bạn, là người quan sát, chiêm nghiệm; còn đối tượng tức là vật, là cảm xúc hay một đề tài nào đó mà bạn đang quan sát, đang quán chiếu.

Khi nào bạn bị chìm đắm trong những suy tưởng bó buộc, không cưỡng lại được, đó là lúc bạn đang muốn trốn chạy những gì đang hiện diện(19). Là lúc bạn đang không muốn có mặt ở nơi này. Bây giờ và ở đây.

Chủ nghĩa giáo điều – trong tôn giáo, khoa học,… – được phát sinh bởi niềm tin sai lạc rằng tư tưởng có thể gói trọn được thực tại hay chân lý. Nhưng thực ra, chủ nghĩa giáo điều chỉ là những ngục tù của khái niệm. Và điều kỳ lạ là người ta rất thích những nhà tù đó vì nó cho họ một cảm giác an toàn và một cảm nhận giả tạo về cái gọi là “Tôi biết”.

Không có gì gây khổ đau cho nhân loại hơn là chủ nghĩa giáo điều. Sự thực là không sớm thì muộn, mỗi giáo điều đều đi đến chỗ sụp đổ, vì thực tại sẽ phơi bày những sai lầm của giáo điều đó; tuy nhiên, trừ khi cái sai lầm căn bản của một giáo điều được nhìn nhận, nếu không thì một giáo điều chỉ được thay bằng một giáo điều khác.

Vậy thì sai lầm căn bản này là gì? Đó là tự đồng hóa mình với những suy-tư-không-chủ-đích ở trong mình.

  • 19 Trốn chạy những gì đang hiện diện: Bạn không muốn đối diện với những gì bạn đang trải qua, như đang bị kẹt xe ở trên đường, hoặc bạn đang trả lời một cuộc phỏng vấn để xin việc làm, hoặc phải tiếp một người mà mình không thích tiếp,… Hoặc đang có khó khăn, có vấn đề với người thân của mình.

Sự tỉnh thức về tâm linh là sự tỉnh thức khỏi giấc mơ suy tư ở trong mình.

Tâm là chiều không gian rộng lớn hơn những gì ý tưởng ta có thể nắm bắt được. Lúc bạn không còn cả tin vào những gì mình suy nghĩ, đó là lúc bạn bước ra khỏi suy tưởng và thấy rõ rằng: Bạn không phải là phần trí năng hay những suy tư không chủ đích, hoặc những lo sợ liên miên ở trong bạn.

Trí năng của bạn luôn hiện hữu trong một trạng thái “chưa toàn vẹn” và do đó luôn có sự tham cầu, mong muốn để có thêm một cái gì đó. Cho nên khi bạn tự đồng hóa với trí năng và những suy tư không chủ đích ở trong đầu, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy nhàm chán, và bất an. Khi nào tự nhiên bạn cảm thấy nhàm chán có nghĩa là lúc đó trí năng của bạn đang có một nhu cầu cần được kích thích, hoặc cần thêm nhiều thức ăn cho thói quen suy tư, và nhu cầu đó đang không được thỏa mãn.

Khi bạn cảm thấy nhàm chán, bạn thường thích cầm một tạp chí lên, gọi một cú điện thoại cho ai đó, bật máy truyền hình, hoặc lên mạng, đi mua sắm, hay thông thường chuyển nhu yếu thiếu thốn và luôn muốn có thêm một cái gì đó của trí năng thành một nhu yếu của cơ thể và thỏa mãn cấp thời cho nó bằng cách tiêu thụ thêm thức ăn vào bụng.

Hoặc bạn cứ để cho mình ở trong trạng thái nhàm chán không yên đó và thử quan sát, cảm nhận xem cảm giác nhàm chán và bất an ấy thực ra như thế nào. Khi bạn mang sự chú tâm của mình vào những cảm xúc ở trong mình, bỗng nhiên có một chút không gian và tĩnh lặng quanh nó. Ban đầu thì rất ít, nhưng khi không gian bên trong của bạn lớn dần lên, cảm giác nhàm chán sẽ bắt đầu giảm cường độ và tính quan trọng của nó. Do đó ngay cả sự nhàm chán cũng có thể dạy cho bạn bản chất chân thực của mình, và những gì không phải là mình.

Bạn khám phá ra rằng một kẻ chán đời không phải là bạn. Sự nhàm chán chỉ là một sự chuyển động của dòng năng lượng đã bị điều kiện hóa ở trong bạn. Bạn không phải là một người giận dữ, buồn bã hay sợ hãi đang có mặt ở trong bạn, nhưng bạn không phải là người duy nhất có vấn đề này. Đó là điều kiện chung của thứ tâm thức của con người đang bị trí năng điều khiển. Điều cần nhớ là những cảm xúc đó đến rồi đi như mây trên trời.

Nhưng bạn thì không phải là một cái gì đến rồi đi.

“Tôi cảm thấy nhàm chán quá!”. Cái gì ở trong bạn đang nhận ra cảm xúc này?

Bạn chính là nhận thức, là Cái Biết đó, mà không phải là thứ tâm thức đã bị ô nhiễm – tức cảm giác nhàm chán – vừa được bạn nhận biết.

Sự kỳ thị, dù bất kỳ đó là thứ kỳ thị gì, ám chỉ rằng bạn đã đồng hóa mình với đầu óc suy tư. Điều đó có nghĩa là bạn không nhận ra bên kia là một con người nữa, nhưng chỉ còn là khái niệm của bạn về con người đó. Giảm thiểu sự sinh động của một con người xuống thành một khái niệm thì quả thật đó là một hành xử rất thô bạo.

Suy nghĩ, khi không được cắm rễ trong ý thức, sẽ trở thành một cái gì đó chỉ phục vụ cho quyền lợi của cá nhân và có tính băng hoại. Sự tài tình mà thiếu khôn ngoan ở trong ta là điều rất nguy hiểm và tai hại. Nhưng đó là tình trạng hiện thời của đa số người. Thói quen suy tư của chúng ta, khi được khuếch đại qua khoa học và kỹ thuật, mặc dù tự thân điều đó không tốt mà cũng không xấu, cũng bắt đầu có tính hủy diệt vì loại suy tư phát sinh từ trong đó không có gốc rễ từ ý thức.

Bước nhảy vọt trong tiến trình phát triển của tâm thức nhân loại là vượt lên trên những suy tư không-có-chủ-đích, những lo sợ vẩn vơ ở trong mình. Đây là điều cấp thiết nhất trong thời điểm này. Như thế không có nghĩa là chúng ta không cần đến khả năng suy nghĩ nữa, nhưng chỉ là thôi không còn hoàn toàn đồng hóa mình với những suy tư không-chủ-đích, hoặc những lo sợ miên man; tức là khi bạn không còn bị ám ảnh, và chiếm hữu bởi loại suy tư vô bổ này nữa.

Hãy cảm nhận năng lượng của cơ thể bên trong bạn. Ngay lập tức, những hoạt náo, bận rộn của trí óc bạn sẽ được giảm thiểu và chấm dứt. Hãy cảm nhận năng lượng đó trong tay, chân, bụng và ngực của bạn. Hãy cảm nhận rằng bạn chính là sự sống, sức sống đang làm chuyển động hình hài này.

Từ đó cơ thể bạn sẽ trở thành một cánh cửa, ta có thể nói như vậy, giúp bạn đi vào cảm nhận sự sống động, sâu lắng hơn bên dưới những thay đổi thất thường của cảm xúc và bên dưới những suy tư.

Có một sự sống động ở trong bạn mà bạn có thể cảm nhận được với toàn thể con người mình, không chỉ bằng trí năng. Mỗi tế bào đều đang sống trong hiện hữu, trong trạng thái mà bạn không cần phải suy tư. Nhưng đồng thời, nếu cần suy nghĩ, thì bạn sẽ suy nghĩ. Trí năng vẫn có khả năng hoạt động, và hoạt động rất hiệu quả khi sự thông minh rộng lớn hơn ở trong bạn – cũng chính là bản chất chân thực của bạn – sử dụng trí năng của bạn và bày tỏ sự thông thái đó qua trí năng.

Bạn có thể không nhìn ra giây phút ngắn ngủi trong đó bạn rất có ý thức với những gì đang xảy ra, nhưng không hề suy tư. Điều này có lẽ đã xảy ra một cách tự nhiên và đồng bộ trong đời sống của bạn. Những lúc đó, bạn có thể đang tham dự vào một hoạt động bằng chân tay, hoặc đang đi băng ngang một căn phòng, hay đứng đợi ở một quầy vé máy bay, và bạn hoàn toàn có mặt đến độ những nhiễu sóng ồn ào của những suy tư ở trong bạn bỗng dưng im bặt, thay vào đó là sự có mặt đầy ý thức. Hoặc bạn bắt gặp mình đang ngẩng đầu nhìn lên một bầu trời đêm đầy tinh tú, hoặc đang lắng nghe một ai đó mà trong đầu bạn, không hề có tiếng nói vang vang – luôn bình phẩm về người này, người khác. Nhận thức của bạn lúc đó trở nên rất trong sáng, không còn bị che mờ bởi suy nghĩ, ưu tư.

Đối với trí năng, tất cả những điều này chẳng có ý nghĩa gì đáng kể, vì trí năng của bạn luôn “có những điều khác quan trọng hơn” để nghĩ đến. Đây không phải là một cái gì gợi nên sự chú tâm ở trong bạn, và đó là lý do làm cho bạn không nhận ra rằng bạn có khả năng có mặt với những gì đang thực sự xảy ra mà không vướng chút suy tư, nghĩ ngợi gì.

Thực ra biến cố này là một điều đáng kể nhất có thể xảy đến cho bạn. Vì đó là sự bắt đầu của việc chuyển đổi từ trạng thái suy nghĩ, miên man không có chủ đích sang trạng thái có mặt đầy ý thức với những gì đang xảy ra chung quanh bạn.

Bạn hãy thực tập vẫn giữ cho mình cảm thấy thoải mái trong trạng thái “không biết” về một điều gì. Điều này giúp bạn vượt lên trên những suy tưởng miên man, vì lý trí bạn luôn có nhu yếu muốn kết luận, suy diễn những gì bạn thực không biết. Lý trí của bạn rất sợ hãi khi phải đối diện với một điều gì nó không biết. Do đó, khi bạn có khả năng thư thái với trạng thái không biết, bạn đã vượt lên trên trí năng. Có một sự thông thái, hiểu biết sâu xa ở trong bạn, mà chắc chắn không phải là trạng thái suy nghĩ, ưu tư.

Sáng tạo nghệ thuật, thể thao, khiêu vũ, giáo dục, cố vấn tâm lý – nếu bạn muốn trở nên điêu luyện trong một lĩnh vực nào kể trên, hay bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn yêu thích, thì bạn đừng để cho thói quen suy tư không-chủ-đích của mình dính líu nhiều vào lĩnh vực ấy, hoặc để cho loại suy tư đó chỉ còn là một khía cạnh phụ thuộc mà thôi. Có một năng lực và sự thông minh rộng lớn, vượt trội hơn con người của bạn, nhưng đồng thời cũng chính là bạn, làm chủ và điều hành quá trình sáng tạo ở trong bạn. Bạn sẽ không còn sử dụng thói quen suy tư một điều gì trước khi lấy quyết định; mà lúc ấy chuyện gì bạn cần làm, sẽ được làm một cách tự nhiên, không bị gò bó, và “bạn” không phải là người thực hiện những công việc ấy. Thông hiểu đời sống là điều ngược lại với sự kiểm soát. Bạn trở nên hòa điệu với một tâm thức cao hơn. Chính tâm thức đó hành động, hướng dẫn, và làm những công việc cần làm.

Một giây phút hiểm nguy có thể mang lại một sự tắt ngấm tạm thời dòng chảy của những suy tư vẩn vơ và giúp bạn nếm được hương vị của trạng thái có mặt, cảnh giác, và chú tâm.

Chân lý vượt lên trên tất cả những gì trí năng bạn có thể hình dung, lĩnh hội được. Không một tư tưởng nào có thể gói ghém được sự thật của cuộc tồn sinh. Cùng lắm thì tư tưởng có thể là một “ngón tay chỉ trăng”(20), chỉ cho ta nhìn về hướng của Chân lý. Ví dụ, giáo lý “Tất cả là một”(21) chỉ là một bảng chỉ đường, mà không phải là Chân lý. Để hiểu được giáo lý này, bạn cần cảm nhận sâu sắc từ bên trong bạn sự thật mà câu giáo lý này muốn chỉ ra.

  • 20 Tư tưởng có thể làm một “ngón tay chỉ trăng”: Ý nói tư tưởng và khái niệm không thể nắm bắt được thực tại, là một cái gì sinh động đổi thay từng giây từng phút. Do đó, tư tưởng chỉ có thể làm công việc giúp chúng ta hướng về thực tại mà thôi.
  • 21 Giáo lý “Tất cả là một”: Một giáo lý được nêu trong kinh Hoa Nghiêm, ngụ ý một hàm chứa trong tất cả, và ngược lại, tất cả cũng hàm chứa trong cái một.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh