Ai Cập Huyền Bí: Chương 8. Khoa Huyền Môn Thời Cổ

AI CẬP HUYỀN BÍ: CHƯƠNG 8. KHOA HUYỀN MÔN THỜI CỔ

Những vị đạo đồ trong khoa Huyền Môn thời cổ phải long trọng thề nguyền không bao giờ tiết lộ những gì xảy ra bên trong thánh điện thâm nghiêm huyền bí. Ta nên nhớ raằng dù sao lễ điểm đạo chỉ được cử hành mỗi năm cho một số ít môn đồ. Sự hiểu biết giáo lý mật truyền không bao giờ được ban bố cho nhiều người cùng một lúc. Bởi lẽ đó không một nhà văn thời cổ nào đã đưa ra một tường trình đầy đủ và mạch lạc về những gì được gọi là giáo lý Huyền Môn, vì các vị môn đồ giữ đúng lời cam kết một cách chặt chẽ. Tuy thế, người ta đã khám phá ra vài lời ngụ ý ngắn ngủi, những lời bình luận của những tác giả cổ điển, những câu bóng bẩy và những chữ khắc trên đá, có thể hé mở cho ta thấy vài điều về những sinh hoạt huyền bí của thời cổ xưa. Khao Huyền Môn thời cổ nêu ra một mục đích cao cả, hay nói đúng hơn là nêu ra một phối hợp các mục đích tôn giáo, luận lý và triết lý.

Mỗi người đều được phép gõ cửa các đền thờ làm lễ điểm đạo, nhưng y được nhận hay không lại là việc khác. Người ta vẫn nhớ đến những lời của Pythagore khi ông từ chối không nhận những thí sinh không đủ tư cách xin nhập môn vào đạo viện Krotona: "Mọi thứ gỗ không phải đều dùng được cho công trình của thần Mercure."

Cấp bậc điểm đạo đầu tiên, với mục đích chứng minh sự tồn tại của linh hồn, đem cho người thí sinh một kinh nghiệm rùng rợn khủng khiếp trước khi y được thoát lên một cõi giới thanh cao huyền diệu hơn.

Trong vài cuộc điểm đạo sơ cấp, chứ không phải cho tất cả, có khi người ta dùng những phương tiện máy móc để làm cho người thí sinh tưởng rằng y rơi xuống một vực thẳm nguy hiểm hoặc bị nhận chìm giữa dòng nước xoáy, hoặc bị thú dữ phân thay, để thử thách lòng can đảm của y. Nhưng có điều đáng sợ hơn nữa là tyrong một cấp đẳng cao hơn, y thấy xuất hiện những vật hình thù ghê rợn khủng khiếp, những loài yêu ma quỷ quái cõi âm ty, trong một lúc mà năng khiếu thần nhãn được tạm thời phục hồi cho y.

"Linh hồn bị dày vò, loạn động trong lúc chết, cũng như trong cuộc điểm đạo Huyền Môn, giai đoạn đầu chỉ gồm có mhững lầm lạc và bối rối, những cố gắn phất phơ vô định và tối tăm u ám. Kế đó, đến ngưỡng cửa sự chết và lễ điểm đạo, tất cả đều là kinh sợ, khủng khiếp, rùng rợn. Nhưng, một khi giai đoạn đó đã vượt qua, thì đây là tràn đầy một ánh sáng thiêng liêng, huyền diệu ... Người đạo đồ đã chịu phép mầu từ nay sẽ trở nên toàn thiện, giải thoát và đắc thắng, y đã bước và cõi giới thần tiên bất tử."

Đoạn trên đây do Stobée trích lục trong một áng văn cổ xưa, nó xác nhận kinh nghiệm của tất cả các vị đạo đồ khác. Những bản văn viết tay trên lá chỉ thảo (Papyrus) thời cổ mô tả người thí sinh được đưa đến giai đoạn đó do sự hướng dẫn của thần Anubis đưa y, chuỉ tể khoa Huyền Môn, chính Anubis đưa y vượt qua cõi vô hình để cho y nhìn thấy những loài yêu quái hình thù ghê rợn.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Những chân lý được truyền dạy trong các đạo viện Huyền Môn là do sự tiết lộ thiên cơ mà các đấng Thánh nhân dành cho nhân loại từ hồi phát sinh những nền văn minh cổ xưa nhất, và nay giáo lý Huyền Môn cần được giữ gìn nguyên vẹn để duy tri sự tinh khiết của nó. Như thế, người ta hiểu tại sao khoa Huyền Môn được ẩn dấu cẩn mật và giữ gìn chặt chẽ ngoài tầm tay của kẻ thế nhân phàm tục.

Ta không nên lầm lộn giấc ngủ thông thường với trạng thái xuất thần của người thí sinh trong lễ điểm đạo. Đó là một cơn đồng thiếp, một trạng thái hôn mê, xuất hồn, trong khi đó y vẫn tỉnh táo ở một cõi giới khác.

Người ta lại càng lầm lạc hơn nữa nếu họ lẫn lộn một kinh nghiệm siêu linh như thế với giấc ngủ thôi miên. Trong trường hợp sau này, nhà thôi miên đặt người chủ thể của y vào trong một trạng thái lạ lùng mà y không biết được rõ ràng, còn vị Đạo Trưởng Huyền Môn có một tầm hiểu biết truyền thống về các hiện tượng huyền bí, do đó người có thể sử dụng quyền năng của mình một cách hoàn toàn ý thức và làm chủ được tình hình. Nhà thôi miên đưa tâm trí và ý thức của người chủ thể lên một mức độ nào đó mà chính y không tham dự vào sự thay đồi này, trái lại vị Đạo Trưởng Huyền Môn trông nom và kiểm soát mọi sự thay đổi ý thức về loại đó, bởi vì Người có khả năng nhìn thấy sự biến đổi đó. Sau rốt, nhà thôi miên chỉ có thể làm cho người chủ thể soi sáng một vài vấn đề liên hệ đến cõi giới phàm trần và sự sống vật chất phàm tục hoặc thực hiện những việc bất thương bằng các thể xác vật chất. Vị Đạo Trưởng có khả năng hành động một cách thâm sâu hơn, người ta có thể đưa tuần tự linh hồn người thí sinh trải qua một kinh nghiệm thuộc về cõi giới tâm linh. Điều này, không một nhà thôi miên nào có thể là được.

Tôi đã quan sát tất cả mọi hiện tượng thôi miên được thực hiện ở các xứ Đông Phương và Tây Phương. Tuy rằng vài loại hiện tượng đó hiển nhiên là rất lạ lùng, nhưng những hiện tượng siêu linh.Những hiện tượng đó có một ý nghĩa về khoa học, nhưng không có giá trị tâm linh sâu sắc hơn. Lẽ tất nhiên các hiện tượng đó kéo chúng ta thoát ra khỏi sự u ám nặng nề của duy vật chủ nghĩa, vì nó chứng tỏ rằng trong con người có những sức mạnh bí ẩn của tiềm thức, nhưng chúng không thể đưa chúng ta lên cao để khám phá một cách có ý thức sự hiện hữu của linh hồn vốn là một thực thể sống động, bất tử và độc lập.

Nhờ kinh nghiệm của tôi trong Kim Tử Tháp và ý nghĩa rõ ràng của những hình chạm trổ trên vách các đền thờ, tôi có thể hình dung được cuộc lễ điểm đạo Huyền Môn Osiris, là nghi lễ thâm diệu và huyền bí nhất. Cuộc hành lễ này không gì khác hơn là một sự phối hợp giữa những mãnh lực thôi miên, phù phép và tâm linh nhằm giải thoát tâm hồn người thí sinh khỏi sự trói buộc của cái thể xác nặng nề trong vài giờ, có khi trong vài ngày, để cho y có thể nhớ, trong suốt cuộc đời còn lại của y, cái kỷ niệm của một kinh nghiệm độc đáo ghi dấu một ngày quyết định trong đời y, và để cho y xử thế một cách thích đáng. Sự tồn tại của linh hồn sau khi chết, mà phần đông nhìn nhận như một tín ngưỡng tôn giào, người đạo đồ từ nay có thể đem giảng dạy với một đức tin đã được tăng cường bởi bằng chứng cụ thể do kinh nghiệm bản thân.

Điều mà người đạo đồ kinh nghiệm được, chỉ có những người nào bước vào con đường ấy mới có thể nhận thức được tầm quan trọng của nó. Thậm chì ở thời kỳ hiện đại, có vài người vô tình đã trải qua một phần của kinh nghiệm đó một cách bất ngờ. Tôi biết một trường hợp của một viện sĩ quan không quân Anh, được chụp thuốc mê để chịu một cuộc giải phẫ trong thời chiến. Kết quả thật lạ lùng: Mọi cảm giác đau đớn của xác thân đã biến mất nhưng bệnh nhân không ngủ mê. Y cảm thấy nhẹ bổng như được nâng lên trên không ở phía bàn mổ và y nhìn xem cuộc giải phẩu thể xác y một cách điềm nhiên dường như nhìn cái xác của người khác. Kể từ khi đó, tâm tính y thay đổi một cách lạ thường. Trước đó y vẫn có óc duy vật, nhưng nay y tuyên bố tin tưởng ở sự hiện hữu của linh hồn, cuộc đời y đã có một niềm hy vọng và chuyển hướng về một con đường khác hẳn

Còn những vị Đạo Trưởng Huyền Môn đó là ai, mà có quyền năng gây nơi con người một sự biến đổi huyền diệu như thế?

Những vị trưởng thượng đáng kính giữ gìn kho tàng minh triết thâm sâu đó, lẽ tất nhiên là chỉ có rất ít. Có một thời gian, tất cả những vị tăng lữ và vài vị tư tế cao cấp ở các đền thờ cổ Ai Cập đều là những Sư Trưởng hay Đạo Trưởng. Sự hiểu biết của họ được giữ gìn hoàn toàn bí mật, do đó mà những thời kỳ cổ điển, chính cái tên Ai Cập cũng được hiểu đồng nghĩa với chữ huyền bí.

Trong những gian phòng Ai Cập của bảo tàng viện Louvre, ngôi mộ của Ptah Mer, đại tư tế thành Memphis, mang tấm bia đá có khắc dòng chữ sau đây: "Ngài thấu triệt mọi điều huyền bí của mỗi đền thờ, không có gì là ẩn dấu đối với Ngài. Ngài bao trùm tất cả những gì Ngài đã thấy bằng một tấm màn bí mật."

Tại sao những vị Đạo Trưởng lại có một sự dè dặt vô cùng chặt chẽ như thế? Đó là vì những lý do mà chỉ có các ngài mới có thể biết được. Dù sao các ngài hẳn là thấy cần phải loại những kẻ hoài nghi và bỡn cợt ra ngoài những kinh nghiệm thần bí dẫy đầy nguy hiểm cho tính mạng của người thí sinh. Người ta không ném những viên ngọc cho loài muôn lợn. Ngoài ra, rất có thể là có nhiều người, vì không đủ chuẩn bị sẵn sàng cho một kinh nghiệm như thế, sẽ bị điên khùng hoặc bị thiệt mạng sau cuộc thử thách. Bởi đó, lễ điểm đạo luôn luôn chỉ là cái đặc ân dành cho một số ít người xứng đáng. Nhiều người đã gõ cửa các đền Huyền Môn nhưng vô ích. Những người khác, bị đặt dưới hàng loạt thử thách sơ đẳng mỗi lúc càn g khó khăn hơn, không có đủ sự can đảm cần thiết để tiến xa hơn nữa, hoặc cảm thấy lòng ước muốn điểm đạo nguội bớt dần. Như vậy bằng cách đưa ra những cuộc thử thách chọn lọc nghiêm khắc, người ta làm cho những đạo viện Huyền Môn thời cổ trở thành những cơ quan độc đáo. Những điều bí ẩn dấu đằng sau những cánh cửa khóa chặt của Thánh Điện thâm nghiêm, không bao giờ được truyền dạy cho những vị đạo đồ, trừ phi với sự long trọng thề nguyền rằng họ sẽ không bao giờ tiết lộ ra ngoài. Vị môn đồ được điểm đạo bước ra khỏi đền kể như suốt đời y sẽ thuộc về một hội kín, trung thành với những mục đích cao cả và với một tầm kiến thức sâu xa thâm trầm, từ nay y sẽ lẫn lộn trong quần chúng để làm việc giúp đời. Diodore de Sicile, sau khi thăm viếng xứ Ai Cập trở về, có viết rằng: "Người ta nói rằng những người tham dự những cuộc điểm đạo Huyền Môn trở nên đạo đức hơn, và tốt lành hơn về tất cả mọi phương diện."

Thật ra những đạo viện Huyền Môn không phải chỉ thịnh hành ở Ai Cập. Những nền văn minh cổ đều có tìm thấy khoa Huyền Môn trong cái di sản cho họ từ một thời quá khứ xa xăm, do sự tiết lộ của các đấng Thần Minh dành cho nhân loại từ thời buổi sơ khai. Hầu hết các dân tộc, trước Thiên Chúa kỷ nguyên, đều có những truyền thống và tổ chức Huyền Môn của họ, như dân tộc La Mã, Celtes, Hy Lạp, đảo Crète, Syrie, Ấn Độ, Ba Tư, Mayas, thổ dân da đỏ bên Mỹ Châu, và những dân tộc khác nữa cũng có những đền thờ và nghi lễ dành cho những hoạt động tâm linh đưa đến trình độ điểm đạo. Aristote không do dự mà tuyên bố rằng sự thịng vượng của xứ Hy Lạp sở dĩ có là nhờ đạo viện Huyền Môn Eleusis. Socrete cũng nói rằng: "Những môn đồ phái Huyền Môn tự tạo cho mình những triển vọng rất tốt đẹp vào giờ chết." Trong số người xưa đã nhìn nhận hoặc ngụ ý rằng họ đã từng đưo85c điểm đạo Huyền Môn, có nhà hùng biện Aristide, Ménippe de Babylone, kịch gia Sophocle, thi hào Eschyle, luật gia Solon, Cicéron, Héraclite d Ephèse, Pindare và Pythagore.

Ngày nay tại Nhật Bổn, trong những cấp đẳng tối cao của kỷ luật Nhu đạo, mà chỉ có một số rất ít môn đệ được thu nhận bởi vì những cấp đẳng ấy gồm có một phần bí giáo không thích hợp với phần đông, người thí sinh phải theo một khóa huấn luyện tâm linh huyền bí. Y phải trải qua một cuộc lễ điểm đạo theo đó y phải bị thầy y siết cổ trong giây phút, sau đó y được đặt nằm bất tỉnh trên giường, và xét về bề ngoài thì dường như y đã chết. Trong trạng thái đó, linh hồn y đã rời khỏi xác thân và học hỏi một vài kinh nghiệm trong cõi vô hình. Đến khi dứt kỳ hạn, thần y mới phục sinh cho y bằng một phương pháp bí mật gọi là Kwappo, một danh từ Nhật bản khó dịch. Người môn đệ đã trải qua giai đoạn huyền diệu đó mới trở nên một đạo đồ.

Khoa Tam Điểm (Franc-Maconnerie) ngày nay vẫn còn giữ gìn một dấu vết của khoa Huyền Môn thời cổ, mà nguồn là ở Ai Cập. Người hội viên Tam Điểm nêu ra trường hợp của Pythagore như một thí dụ điểm đạo của thời xưa. Phải chăng ho nhớ rằng Pythagore đã từng được điểm đạo bên Ai Cập? Những người đặt ra các cấp bậc của khoa Tam Điểm đã áp dụng vài biểu tượng đầy ý nghĩa của khoa Huyền Môn Ai Cập.

Về sau, sự sa đọa vật chất của con đã làm cho các vị Đạo Trưởng chân chính của thời xưa lần lần biệt tích hoặc rút ra ngoài vòng thế tục, thay chân các ngài là những kẻ phàm phu mê muội, làm hoen ố và hạ thấp khoa Huyền Môn cao cả. Những kẻ bất chính,có tham vọng đạt được những phép thần thông của khoa bàng môn tả đạo, sau cùng đã chiếm ưu thế để dành quyền kiểm soát các đạo viện Huyền Môn ở Ai Cập và những nơi khác. Những gì từ lúc nguyên thủy vốn là thiêng liêng, chỉ dành cho những người chọn lọc nhằm mục đích duy trì ngọn lửa thiêng tinh khiết của sự sống tâm linh cho được trường cửu trong nhân loại, đã lọt vào tay những kẻ tà tâm, buôn thần bán thánh. Đó là những sự kiện lịch sử, làm cho cái kho tàng tâm linh quý báu của nhân loại thời cổ xưa đã trở nên suy tàn.

Nhưng nếu khoa Huyền Môn của những vị Đạo Trưởng thời xưa đã mất theo các ngài, thì cái nền minh triết của các ngài đã từng ban cho những người thế gian từ thuở sinh tiền vẫn còn được chứng minh bởi danh sách bất tử của những vị đạo đồ đã từng dấn thân trên đường tầm Đạo.

Những kinh sách bút tự viết trên lá chỉ thảo và những hàng chữ khắc trên vách đá của các đền thờ cổ đã chứng minh rằng người cổ Ai Cập tôn sùng lễ điểm đạo Huyền Môn Osiris một cách nồng nhiệt như thế nào, và chứng tỏ cái uy tín đối với quần chúng của những người đã từng được phép bước vào cái thánh điện uy nghiêm hoặc các hang động ẩn dấu để được làm phép điểm đạo thiêng liêng. Có một cấp bậc điểm đạo tối cao siêu đẳng mà linh hồn con người, khi đã đạt tới trình độ đó, không những chỉ được tạm thời giải thoát khỏi cái thể xác vật chất để chứng minh sự tồn tại của linh hồn, mà còn được đưa lên những cõi giới thanh cao nhất, đến tận cõi ngự tri của Thượng Đế. Kinh nghiệm huyền diệu đó giúp cho cái tinh thần hữu hạn của con người được tiếp xúc với tinh thần vô biên của đấng Tạo Hóa vô cùng. Trong một thời gian ngắn, y được cảm thông trong im lặng và một cách thần diệu với đấng Sáng Tạo ra muôn loài; sự tiếp xúc ngắn ngủi, cái giây phúc cảm thông huyền diệu đó cũng đủ làm cho y thay đổi thái độ đối với cuộc đời. Y đã chia sẽ một phần cái ân huệ thiêng liêng nhất mà con người có thể nhận được. Y đã khám phá cái ánh sáng huyền diệu thiêng liêng, nó là cái tinh hoa rốt ráo vi diệu của bản thể, mà cái thể vía tồn tại sau khi chết chỉ là cái kớp vỏ vô hình vô ảnh bên ngoài.Y đã thực sự hồi sinh trở lại, theo ý nghĩa cao cả nhất của danh từ này. Người nào được sự điểm đạo tối cao đó sẽ trở nên một vị đắc đạo hoàn toàn. Những ám văn bằng chữ ám tự đề cập đến vị ấy như một người có thể ân huệ của Thần Minh trong khi còn sống, và sau khi chết sẽ vĩnh viễn nhập cõi Thiêng đàng.

Trạng thái xuất thần kèm theo với cuộc điểm đạo đó, tuy bề ngoài giống như những cơn đồng thiếp bằng phép thôi miên trong những cuộc điểm đạo sơ cấp, nhưng nếu xét về bề trong thì hoàn toàn khác hẳn. Không một quyền năng thôi miên nào có thể gây nên trạng thái đó, không một phù phép nào có thể gợi ra được nó. Chỉ có những bậc Đạo Trưởng tối cao, đã hổn hợp ý chí tâm linh với các đấng Thần Minh, mới có cái thần lực siêu đẳng phi phàm để làm cho người thí sinh ý thức được bản chất thiêng liêng của mình. Đó là sự tiết lộ cao quý nhất và huyền diwệu nhất dành cho những vị đạo đồ của thời cổ Ai Cập. Đó cũng là sự tiết lộ bí mật mà người thời nay có thể ước vọng có được bằng những phương pháp khác.

Bài học kinh nghiệm của sự điểm đạo là một bài học thu ngắn của sự kinh nghiệm tâm linh được dành cho số phận của mỗi người trong sự tiến hóa tuần tự của nhân loại. Chỉ có một sự khác biệt là cuộc điểm đạo, ví như một sự vun trồng gượng ép, được thực hiện một caq1ch giã tạo bằng cách xuất thần, còn kinh nghiệm kia sẽ đến một cách tự nhiên do sự phát triển tâm linh và khai mở những quyền năng quyền bí.

Như vậy, kinh nghiệm đó tái lập trong linh hồn người sự diễn biến toàn thể cuộc tiến hóa của nhân loại, nó là cái số phận đương nhiên của tất cả mọi người.

Nó căn cứ trên nguyên tắc này: Cái thể chất phàm tục của con người có thể tạm thời bị tê liệt trong một cơn đồng thiếp mê man, và cái thể chất tâm linh của y, thường vẫn tiềm tàng ẩn dấu, có thể được đánh thức bằng những phương pháp huyền diệu mà chỉ có thể những vị Đạo Trưởng đắc pháp thần thông mới biết được mà thôi. Người thí sinh được đặt vào cơn đồng thiếp như thế bề ngoài xem dường như đã chết thật. Theo ngôn ngữ tượng trưng của Huyền Môn, người ta nói y xuống mồ, hay được chôn dưới mồ. Sau khi nguồn sinh lực thể chất của y bị tạm thời gián đoạn, sức mạnh của dục tình và những dục vọng cá nhân của y tạm thời lắng dịu, người thí sinh đã thực sự chết hẳn đối với những sự vật trần gian, trong khi đó tâm thức y, linh hồn y tạm thời tách ra khỏi thể xác. Chỉ có trạng thái đó mới giúp con người tiếp xúc được với cõi giới tâm linh ảnh của các đấng Thần Minh và thiên thần, say xưa niền phúc lạc trong không gian vô tận, thực hiện được chân ngã thầm kín của mình và sau cùng, cảm thông với Thượng Đế.

Một người như thế mới có thể nói một cách thật tình là y đã chết rồi sống lại, y đã được chôn dưới mồ một cách tượng trưng và phục sinh trở lại một cách nhiệm mầu, y đã khám phá ra một ý niệm mới về sự chết và tiếp nhận nơi mình một sức sống thiêng liêng hơn. Y còn mang trong mình dấu vết của vị Đạo Trưởng đã ban phép mầu cho y, và từ đó về sau, một sợi dây vô cùng bền chặt và thâm sâu đã nói liền với hai người. Từ đó, giáo lý về sự bất tử của linh hồn không phải chỉ là một sự tin tưởng suông mà thôi,nó còn là một việc đã được thử thách và hoàn toàn chứng minh cho người đạo đồ. Khi y thức tỉnh trong ánh sáng bình minh, y có thể thật sự nói rằng y đã trở lại thế gian, hoàn toàn biến đổi và được hồi sinh về mặt tâm linh. Y đã vượt qua cõi âm ty và cõi Trời, và biết được những điều bí mật ấy không để lộ ra ngoài, từ nay y sẽ đặt nền tảng cho cuộc đời và phép xử thế của y trên căn bản sự hiện hữu thật sự của hai cõi ấy. Từ nay y sẽ sống giữa cả đồng loại của y với một niền tin chắc chắn tuyệy đối về sự bất tử của linh hồn.

Tuy y vẫn giữ cái bí mật của nguồn gốc của sự tin tưởng chắc chắn đó, y cũng không làm sao chuyển giao, dẫu rằng một cách vô ý thức, cho người chung quanh ít nhiều đức tin của y. Y làm phấn khởi những niềm hy vọng và xác nhận sự tin tưởng của họ qua cái hiện tượng thần giao cách cảm bí mật nó luôn luôn tác động giữa mọi người. Y không còn tin ở sự chết, mà chỉ tin ở sự sống, sự sống trường tồn và luôn luôn ý thức của chân ngã. Y tin tưởng những gì mà vị Đạo Trưởng đã tiết lộ cho y những điều huyền bí: Linh hồn có thật, và đối với y, nó là một tia sáng thiêng liêng, một điểm linh quang của Thượng Đế. Câu chuyện Osiris có ngụ một ý nghĩa cá nhân. Khi con người thấy mình được phục sinh trở lại, y cũng thấy Osiris hiện diện như cái chân ngã bất diệt của mình.

Đó là chân giáo lý của quyển thánh kinh cổ xưa nhất của Ai Cập, quyển Tử Thư(sách của người chết), tuy rằng dưới hình thức mà người ta chỉ biết được hiện nay, quyển sách bằng lá chỉ thảo đó đề cập đến người chết thật lẫn người chết giả, tức là người được điểm đạo, do đó mà người đọc thường hay bị lầm lộn ít nhiều. Từ lúc sơ khởi, trước khi bị sữa chữa, soạn đi soạn lại nhiều lần, quyển sách ấy chỉ nói về giáo lý Huyền Môn; điều này được làm sáng tỏa một phần do đoạn trích lục sau đây: "Đây là quyển sách Huyền Môn vô cùng quý báu. Mắt kẻ phàm tục không được xem sách này; đó là một điều xúc phạm khôn lường. Sách này phãi được cất kỹ. Nó gọi là: Quyển kinh của vị Đạo Trưởng trong ngôi đền bí mật."

Bởi đó, trong quyển Tử Thư, người chết (đúng ra là người đạo đồ) nhiều lần để tên Osiris đứng trước tên của mình. Trong những bản chính đầu tiên của quyển kinh ấy, người đạo đồ nói: "Tôi là Osiris, tôi đã xuất như Ngài, tôi sống như các đấng Thần Minh. " Câu ấy nói lên một cách hùng hồn sự diễn đạt cái chết của Osiris như là sự chết giả của người đạo đồ trong cơn xuất thần.

Bây giờ chúng ta có thể hiểu cái tầm quan trọng thật sự của những tôn giáo cổ, bằng cách nhận thức rằng những nhân vật chính của những tôn giáo ấy là biểu tượng linh hồn của con người và những cuộc phiêu lưu của những nhân vật ấy diễn tả những kinh nghiệm của linh hồn trên đường phản bổn hườn nguyên để trở về chốn cũ của nó là cõi Thiên Đường cực lạc.

Osiris trở nên hình ảnh của yếu tố thiêng liêng trong con người, câu chuyện Osiris là câu chuyện tượng trưng của yếu tố đó, sự giáng hạ của nó xuống những cõi vật chất và sự trở về của nó để thăng lên cõi ý thức tâm linh.

Huyền thoại của Osiris bi phân thay thành mười bốn hay bốn mươi hai mảnh là tượng trưng sự phân rẽ tâm linh của con người, làm cho sự điều hòa cổ xưa của y nay đã bị gãy đổ. Lý trí của y đã bị tách rời khỏi tình cảm của y, cũng như sự tách rời giữa thể xác với tinh thần, sự lầm lẫn và những dục vọng trái ngược nhau trì kéo y về những đường hướng ngược chiều. Cũng y như thế, câu chuyện Isis thu nhặt, ráp những mảnh thi hài của Osiris và làm cho y sống dậy, tượng trưng cho sự phục hồi, sự tái lập trạng thái điều hòa trong con người đang có sự xung đột bên trong nội tâm, bằng cuộc điểm đạo lúc đương thời và bằng sự tiến hóa trong tương lai. Sự điều ghòa đó được tái lập bởi sự thỏa hiệp giữa tinh thần và thể xác cùng làm việc chung với nhau, và bởi chiều hướng song đôi của lý trí và tình cảm kể từ lúc ấy. Đó là sự phục hư6ng của trạng thái hợp nhất nguyên thủy.

Giáo điều cao siêu nhất của người cổ Ai Cập, căn bản lý thuyết của những cấp bậc điểm đạo tối cao, dạy rằng linh hồn con người phải trở về với đấng Thiêng Liêng là nguồn gốc sơ khởi của nó, sự trở về đó được gọi là: Trở thành Osiris. Con người dẫu khi còn ở thế gian, được coi như có cái tiềm năng để trở thành một Osiris. Trong quyển Tử Thư, quyển sách bí truyền về lễ điểm đạo, có nói rằng linh hồn người thí sinh, một khi đã giải thoát, có bổn phận che chở cho y trong những chuyến hành trình lâu dài và nguy hiểm ở dưới cõi âm ty, không những bằng cách sử dụng bùa phép, mà còn bằng cách mạnh dạng tuyên bố: "Ta là Osiris."

Quyển sách ấy cũng nói: "Hỡi linh hồn mù quáng! Hãy nắm lấy ngọn đuốc sáng của Huyền Môn và trong đêm tối của thế gian, người sẽ khám phá ra cái chân ngã bất diệt. Hãy noi theo sự hướng dẫn Thiêng Liêng của nó, nó sẽ là vị Thần hộ mạng của ngươi, vì nó nắm giữ cái chìa khóa sự sinh tồn trong dĩ vãng và tương lai của ngươi."

Như thế, cuộc điểm đạo là sự đạt tới một viễn ảnh mới của cuộc đời, cái viễn ảnh tâm linh mà nhân loại đã đánh mất trong thời dĩ vãng xa xăm, khi nó rơi từ "Thiên Đàng" xuống cõi vật chất. Khoa Huyền Môn giúp ta thực hiện sự phản bổn hoàn nguyên từ bên trong, và đưa ta đi tuần tự từ bước một đến sự giác ngộ hoàn toàn. Khoa Huyền Môn hé mở cho ta thấy trước hết những cõi giới huyền bí ngoài giới hạn cõi vật chất hồng trần, và sau đó, tiết lộ cho ta điều huyền diệu rốt ráo, và tính chất thiêng liêng của con người. Khoa ấy làm cho người thí sinh phải nhìn thấy những cảnh giới địa ngục âm ty để thử thách tâm trí và lòng kiên quyết của y cũng như y có dịp học hỏi. Kế đó khoa Huyền Môn cho y thấy những cảnh giới Thiên Đàng để khuyến khích và ban ân huệ cho y. Nếu khoa ấy phải dùng đến phương tiện đồng thiếp, điều đó không có nghĩa là không còn có phương pháp nào khác. Đó chỉ là một đườnglối áp dụng, nhưng cõi tâm linh có thể đạt tới bằng cách noi theo những đườnglối khác, và không cần phải áp dụng phương pháp xuất thần.

Một vị đạo đồ La Mã có nói: "Nơi nào có chúng ta, thì sự chết không có, chỗ nào có sự chết thì chúng ta không có. Đó là cái ân huệ tối thượng, và quý báu nhất của thiên nhiên, vì sự chết giải thoát con người khỏi mọi sự ưu phiền."

Như vậy, thái độ của chúng ta đối với sự chết hàm xúc một ý nghĩa về thái độ của ta đối với sự chết, và bởi đó cũng làm thay đổi quan niệm của ta đối với sự sống. Khoa chứng minh rằng vấn đề sinh tử chẳng qua chỉ là hai mặt phải và trái của một đồng tiền.

Những cuộc sưu tầm, khảo cứu khoa học, tâm lý và tâm linh đang làm thay đổi quan niệm của thế giới Tây Phương về các vấn đề mà từ trước người ta vẫn cho là điều hoang đường vô lý. Những cuộc nghiên cứu này làm tiêu tan những thành kiến bất công của người thời nay đối với những lý thuyết của cổ nhân, và làm phát triển những quan niệm mới trong thời gian gần đây. Chúng ta bắt đầu biết phân biệt cái lý trí lành mạnh ẩn đằng sau cái hình thức vô lý bên ngoài, và nhận thấy rằng sự hiểu biết của cổ nhân về những quyền năng và tính chất của linh hồn vượt khỏi sự hiểu biết của chúng ta rất xa. Sự xuất hiện của những sức mạnh vô hình đã làm lung lay nền tảng của duy vật chủ nghĩa. Những nhà bác học và những triết gia ưu tú thời nay đã đứng về phía chủ nghĩa duy tâm, và nhìn nhận rằng sự sống của nhân loại có một căn bản siêu linh, thần bí. Những gì mà họ cảm nghĩ ngày hôm nay, thì ngày mai đa số quần chúng cũng nghĩ như vậy. Chúng tatừ lúc đầu vẫn là những kẻ hoài nghi hoàn toàn, và có lẽ chúng ta có quyền hoài nghi như vậy, nhưng rốt cuộc, chúng ta sẽ trở nên những kẻ hoàn toàn tin tưởng. Tôi quả uyết chắc chắn như vậy, và tôi tiên đoán điều đó một cách tích cực. Từ cái không khí hoài nghi lạnh lùng của thế giới hiện đại, chúng ta sẽ khoác lấy một đức tin linh hồn. Bức thông điệp đầu tiên của khoa Huyền Môn là "Không có sự chết." Tuy thông điệp ấy vẫn luôn luôn được nhìn nhận qua kinh nghiệm bản thân một số ít người mà thôi, nó nhằm mục đích lan tràn đến những nơi tận cùng của thế giới.

Ý niệm về sự phục sinh không nhất thiết nó nghĩa là chúng ta sẽ chui lên khỏi mồ vào một ngày giờ nào đó trong tương lai. Tự lầm lộn mình với cái vỏ bằng xác thịt bên ngoài, không phải là một điều trí óc ta chấp nhận được. Danh từ phục sinh vẫn bị thường diễn đạt sai lầm theo ý nghĩa vật chất, ở Âu Châu thời Trung Cổ và cả trong giới những người Ai Cập chưa nhập môn. Điều này làm cho ta phải cố gắng tìm lại những định luật cai quản sự cấu tạo phần thể chất và cơ năng huyền bí của con người. Những phần tử ưu tú của thời đại cổ xưa, những vị đạo đồ của phái Huyền Môn, đã biết rõ những định luật này. Nhưng, tuy rằng miệng họ vẫn khóa chặt và những chân lý ấy vẫn bị chôn vùi trong những hang động tối tăm của các đền thời cổ, ngày nay chúng ta không bị trói buộc bởi một cam kết long trọng nào để phải giữ gìn bí mật.

Đó là tổ chức Huyền Môn, một cơ quan huy hoàng cao cả nhất trong tất cả những tổ chức tinh thần của thời đại cổ ngày xưa nay đã biệt tích. Vì đã có những thời kỳ mà cũng như tất cả những xứ khác của thời xưa, xứ Ai Cập đã bị suy tàn, đúng như lời tiên tri của đấng Giáo chủ Hermes:

"Ôi Ai Cập! Hỡi Ai Cập! Xứ ngày xưa đã từng là nơi thánh địa thiêng liêng, sẽ có lúc mà sự hiện diện của Thần Minh sẽ không còn nữa. Nền tôn giáo cũ của ngươi chỉ còn là những huyền thoại và những chữ khắc trên đá, nó nhắc nhở đến sự tôn sùng của ngươi ngày nay đã mất. Một ngày kia sẽ đến, than ôi! Khi mà những chữ ám tự thiêng liêng sẽ chỉ còn là những thần tượng không hồn. Thế gian sẽ lầm tưởng những hình biểu tượng của minh triết là những vị thần, và sẽ lên án xứ Ai Cập đã thờ phượng những loài ma quái ở cõi Âm Ty!"

Đã có một thời kỳ, sự cai quản các đạo viện Huyền Môn lọt vào tay của những kẻ lưu manh bất hảo, những kẻ ích kỷ hại nhân, đã từng lạm dụng ảnh hưởng của tổ chức Huyền môn, một tổ chức có uy thế đến nỗi các vị vua Pharaon hách dịch ngày xưa cũng phải kiêng nể, để mưu đồ lợi lộc riêng cho mình. Có nhiều người ttrong hàng tăng lữ đã lạm dụng và truyền bá những loại phù phép, châm ngôn kinh dị, những tà thuật hắc ám, những cuộc tế lễ tà thần, chính những vị đại tư tế các đền thờ, được coi như những sứ giả của Thần Minh giữa nhân loại, cũng chỉ còn là những loài quỷ sống mang lốt người, họ thường kêu gọi những loài âm binh ác quỷ ghê gớm nhất dưới cõi âm ty để dùng vào những mục đích bất chính, tà vạy. Trong các đền thờ, khoa pháp môn phù thủy đã thay thế sự sinh hoạt tâm linh. Giữa những cảnh hắc ám, suy vong, hỗn độn như thế, khoa Huyền Môn đã bị mất tính cách chân thực và nguồn cảm ứng thiêng liêng. Những người môn đệ xứng đáng đã trở nên rất khó tìm, với thời gian qua, họ lại càng trở nên hiếm có. Đã có một thời mà những vị Đạo Trưởng tôn nghiêm đã biến mất, không còn để lại di tích, thậm chí cũng không có chuẩn bị đủ một số người thừa kế có uy tín để nối nghiệp các ngài. Thay vì các Đạo Trưởng thần thông quảng đại, đạo hạnh tinh thâm, người ta chỉ thấy có những kẻ không xứng đáng. Một số ít những phần tử ưu tú còn sót lai, không thể thực hiện được lý tưởng của mình,giữa một tình trạng suy đồi như thế, đành phải chịu cái số phần đau thương. Biết rằng đã đến lúc suy tàn, họ âm thầm xếp lại những bộ kinh sách Huyền Môn, rời bỏ những hang động thâm u và những ngôi thánh điện cổ kính, đưa mắt nhìn chốn đạo viện mến yêu một lần cuối cùng với tấm lòng luyến tiếc, và lặng lẽ cất bước ra đi.

Như thế, những cánh cửa nặng nề của các đạo viện Huyền Môn Ai Cập đã khép lại một lần cuối cùng. Từ đó trở đi, những vị thí sinh lòng đầy hy vọng không bao giờ còn bước lên chiếc cầu thang bí mật đưa đến thánh điện linh thiêng, không bao giờ họ còn bước xuống hầm điểm đạo thâm u của các đền thờ cổ. Tuy nhiên, lịch sử của nhân loại luôn luôn theo định luật chu kỳ, những gì đã từng xảy ra, sẽ tái diễn trở lại. Một lần nữa, con người đã trải qua một thời kỳ hỗn loạn và hắc ám, trong khi đó y lại cảm thấy một sự boăn khoăn bất mãn do nhu cầu tự nhiên của bản tính con người là muốn lập lại sự giao tiếp với các cõi giới tâm linh huyền diệu huy hoàng. Bởi vậy, tôi hy vọng rằng những điều kiện sẽ có thể được tạo nên, những hoàn cảnh thuận tiện sẽ đến và những nhân vật đủ thẩm quyền và khả năng sẽ xuất hiện, để nhờ đó, một lần nữa trên địa cầu, sẽ được tái lập lại tổ chức Huyền Môn, dưới những hình thức hoàn toàn mới mẻ tân kỳ, để cho được phù hợp, thích ứng với thời đại tân tiến hoàn toàn khác hẳn với thời đại cổ xưa.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh